ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 45/2015/QĐ-UBND |
Sóc Trăng, ngày 31 tháng 12 năm 2015 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Thanh tra ngày 15 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 04/2015/TTLT-BKHĐT-BTC-BNV ngày 28 tháng 5 năm 2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ về việc ban hành Quy chế phối hợp mẫu giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện thị xã, thành phố, tỉnh Sóc Trăng và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHỐI HỢP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP SAU ĐĂNG KÝ THÀNH LẬP
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG
(Kèm theo Quyết định số 45/2015/QĐ-UBND ngày 31 tháng
12 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng)
Quy chế này quy định mục tiêu, nguyên tắc, nội dung và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng (sau đây gọi chung là Tỉnh) trong việc: trao đổi, cung cấp, công khai thông tin doanh nghiệp; thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, xử lý doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; chế độ báo cáo tình hình thực hiện quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập.
1. Các Sở, Ban, ngành Tỉnh.
2. Cơ quan quản lý chuyên ngành, lĩnh vực thuộc cơ quan quản lý nhà nước cấp Trung ương đặt tại Tỉnh.
3. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc Tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện).
4. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trong Tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã).
Điều 3. Mục tiêu của việc phối hợp trong quản lý doanh nghiệp sau đăng ký thành lập
1. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập tại địa phương theo hướng:
a) Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhằm phản ánh kịp thời, chính xác các thông tin về doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
b) Phân định trách nhiệm giữa các cơ quan trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trong thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, đồng thời phối hợp kiểm tra tránh trùng lắp, chồng chéo, gây phiền hà cho doanh nghiệp.
c) Tăng cường vai trò giám sát của xã hội đối với doanh nghiệp. Khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân phát hiện và thông báo cho Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở, ngành, địa phương có liên quan về các vi phạm pháp luật của doanh nghiệp.
2. Phát hiện và uốn nắn kịp thời những doanh nghiệp chấp hành chưa đúng, chưa đầy đủ quy định của pháp luật; xử lý hoặc kiến nghị xử lý các doanh nghiệp vi phạm pháp luật, ngăn chặn và hạn chế những tác động tiêu cực do doanh nghiệp gây ra cho xã hội.
3. Góp phần xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
1. Trách nhiệm quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp phải được phân định rõ ràng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp, từng cơ quan quản lý nhà nước cụ thể. Các cơ quan nhà nước quản lý doanh nghiệp theo từng ngành, lĩnh vực hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, nghề chịu sự quản lý của nhiều cơ quan nhà nước; mỗi cơ quan chịu trách nhiệm quản lý hoạt động của doanh nghiệp theo từng ngành, lĩnh vực tương ứng.
2. Trao đổi, cung cấp, công khai thông tin doanh nghiệp phải đảm bảo chính xác, đầy đủ, kịp thời. Yêu cầu trao đổi; cung cấp thông tin doanh nghiệp phải căn cứ vào nhu cầu quản lý nhà nước phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan yêu cầu. Việc sử dụng thông tin doanh nghiệp phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.
3. Phối hợp trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp phải bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời; không trùng lắp về phạm vi, đối tượng, nội dung thanh tra, kiểm tra trong cùng thời gian giữa các cơ quan thực hiện thanh tra, kiểm tra; giảm thiểu đến mức tối đa sự phiền hà, cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp.
Trong trường hợp có sự trùng lắp kế hoạch kiểm tra thì thực hiện như sau:
a) Kế hoạch kiểm tra của cơ quan cấp dưới trùng với kế hoạch kiểm tra của cơ quan cấp trên thì thực hiện theo kế hoạch kiểm tra của cơ quan cấp trên.
b) Kế hoạch kiểm tra của cơ quan cùng cấp trùng nhau về địa bàn doanh nghiệp thì các bên trao đổi thống nhất thành lập đoàn liên ngành; cơ quan chủ trì phải thông báo bằng văn bản kết quả phối hợp kiểm tra cho cơ quan tham gia phối hợp.
4. Trường hợp đột xuất theo sự chỉ đạo của cấp có thẩm quyền hoặc phát hiện có dấu hiệu vi phạm cần kiểm tra phục vụ công tác quản lý nhà nước, cơ quan chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra theo quy định. Các Sở ngành, địa phương có liên quan chịu trách nhiệm phối hợp kiểm tra khi có yêu cầu của cơ quan chủ trì kiểm tra doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo nguyên tắc kịp thời và bí mật.
5. Các cơ quan kiểm tra thuộc các Sở chuyên ngành có trách nhiệm chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện việc kiểm tra theo nhiệm vụ được phân công quản lý; kế hoạch kiểm tra phải xác định rõ nội dung kiểm tra, thời gian, tiến độ thực hiện và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên tham gia.
6. Việc xử lý các vụ việc của cơ quan quản lý nhà nước quy định tại Quy chế này được thực hiện trên nguyên tắc: Vụ việc thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý của đơn vị nào thì đơn vị đó chủ trì xử lý; các đơn vị khác có trách nhiệm phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
7. Đơn vị chủ trì có trách nhiệm tổng hợp, giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc, khiếu nại, tố cáo của các doanh nghiệp; chấn chỉnh kịp thời những trường hợp vi phạm hoặc trình cấp thẩm quyền Tổ chức thanh tra, xử lý khi có dấu hiệu, hành vi vi phạm pháp luật.
8. Những vướng mắc phát sinh phải được trao đổi và giải quyết kịp thời theo đúng quy định của pháp luật và yêu cầu nghiệp vụ của các cơ quan, đơn vị liên quan. Đối với những vấn đề chưa thống nhất ý kiến, cơ quan chủ trì có trách nhiệm tổng hợp báo cáo và đề xuất hướng giải quyết trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
9. Không làm phát sinh thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động bình thường.
10. Các nội dung quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp không nằm trong Quy chế này được thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan.
Điều 5. Trách nhiệm của các cơ quan
1. Trách nhiệm của cơ quan chủ trì
a) Xác định đối tượng thuộc lĩnh vực được phân công quản lý để đưa vào kế hoạch kiểm tra hoặc kế hoạch phối hợp kiểm tra với các cơ quan khác có liên quan.
b) Chủ trì tổ chức, thực hiện việc kiểm tra định kỳ thuộc trách nhiệm và địa bàn được phân công; chủ trì, phối hợp với cơ quan khác có liên quan trong quá trình kiểm tra và xử lý kết quả kiểm tra.
c) Cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết theo đề nghị của cơ quan phối hợp và các điều kiện đảm bảo khác; duy trì mối liên hệ với các cơ quan phối hợp về việc thực hiện nhiệm vụ được phân công.
d) Thường xuyên đôn đốc, theo dõi, giám sát và định kỳ 06 tháng, hàng năm báo cáo các cơ quan có thẩm quyền về tình hình thực hiện hoạt động phối hợp.
2. Trách nhiệm của cơ quan phối hợp
Theo yêu cầu và nhiệm vụ cụ thể, các cơ quan quản lý nhà nước về doanh nghiệp có trách nhiệm phối hợp hoạt động như sau:
a) Phân công lãnh đạo phụ trách và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước; cử chuyên viên của đơn vị mình làm chuyên viên đầu mối, tham gia giải quyết các công việc chung khi có yêu cầu; xây dựng kế hoạch và tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành cung cấp thông tin để phục vụ cho việc xử lý các hành vi vi phạm.
b) Chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp hoạt động trong ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước được giao; chủ động xây dựng phương án, công cụ trao đổi thông tin doanh nghiệp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế và các cơ quan đầu mối thông tin doanh nghiệp khác để phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình.
c) Thực hiện công khai thông tin về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
TRAO ĐỔI, CUNG CẤP, CÔNG KHAI THÔNG TIN DOANH NGHIỆP
Điều 6. Hình thức, phương tiện trao đổi, cung cấp, công khai thông tin doanh nghiệp
1. Khuyến khích sử dụng công nghệ thông tin để thực hiện trao đổi, cung cấp, công khai thông tin doanh nghiệp giữa các cơ quan có liên quan; trường hợp trao đổi thông tin để làm cơ sở xử lý đối với doanh nghiệp vi phạm pháp luật phải thực hiện bằng văn bản giấy.
2. Tùy theo tính chất, nội dung của công tác quản lý nhà nước mà cơ quan chủ trì quyết định việc áp dụng các phương thức phối hợp quản lý nhà nước sau đây:
a) Lấy ý kiến bằng văn bản.
b) Tổ chức họp.
c) Tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm các quy định pháp luật về doanh nghiệp.
d) Sơ kết, tổng kết hàng năm.
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối cung cấp, công khai thông tin đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh
a) Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ quan chức năng có thể yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư cung cấp thông tin đăng ký doanh nghiệp, bao gồm:
- Trên cơ sở khai thác từ Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Sở Kế hoạch và Đầu tư cung cấp thông tin đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, bao gồm: Tên doanh nghiệp; mã số doanh nghiệp; địa chỉ trụ sở chính; ngành, nghề kinh doanh; thông tin về người đại diện theo pháp luật; vốn điều lệ, điều lệ công ty; danh sách thành viên, cổ đông sáng lập, người đại diện theo ủy quyền; thông tin về đơn vị trực thuộc và các thông tin đăng ký doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật.
- Thông tin tình trạng hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm các tình trạng: Đang hoạt động; đang làm thủ tục giải thể; đã giải thể; bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; tạm ngừng kinh doanh; đã chấm dứt hoạt động (đối với đơn vị trực thuộc doanh nghiệp) trong phạm vi pháp luật cho phép trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan chức năng yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư cung cấp thông tin đăng ký doanh nghiệp.
b) Nội dung thông tin đăng ký doanh nghiệp công khai gồm:
- Tên, mã số, địa chỉ trụ sở chính, tên người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; tên người đứng đầu đơn vị trực thuộc doanh nghiệp.
- Tên, mã số, địa chỉ trụ sở chính, tên người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể; tên người đứng đầu đơn vị trực thuộc doanh nghiệp chấm dứt hoạt động.
c) Tăng cường tổ chức đối thoại với doanh nghiệp định kỳ hàng năm, trực tiếp ghi nhận, xử lý phản ánh của doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp về những vấn đề bất cập trong công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền để kịp thời khắc phục, xử lý.
2. Cục Thuế tỉnh là cơ quan đầu mối cung cấp thông tin về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm:
a) Cung cấp thông tin về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh (tình trạng lãi, lỗ của doanh nghiệp, tình hình nộp ngân sách), báo cáo tài chính, doanh thu, sản lượng, số lao động và các thông tin khác của doanh nghiệp theo quy định pháp luật cho Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo định kỳ cho Ủy ban nhân dân tỉnh.
b) Công khai danh sách các doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có hành vi vi phạm pháp luật về thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế.
c) Tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời cung cấp các thông tin chính sách mới có liên quan đến thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp, và hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế.
3. Chi cục Hải quan là cơ quan đầu mối cung cấp thông tin về tình hình xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cho Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo định kỳ cho Ủy ban nhân dân tỉnh.
4. Các Sở, ngành chuyên môn
a) Cung cấp thông tin về tình hình chấp hành pháp luật trong hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực phụ trách (bao gồm cả tình hình đăng ký Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, Giấy phép kinh doanh, Giấy phép hoạt động,... theo Luật chuyên ngành của doanh nghiệp). Tăng cường công tác đối thoại với doanh nghiệp nhằm nắm bắt, cập nhật tình hình hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm cả những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; trong trường hợp vượt thẩm quyền cho phép, đề nghị báo cáo về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh, để xem xét, giải quyết.
b) Cung cấp thông tin về kết quả, xử lý doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan có thẩm quyền quản lý chuyên ngành (gửi đính kèm Biên bản, Quyết định xử lý vi phạm cho Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp).
c) Có trách nhiệm công khai doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc doanh nghiệp có hành vi vi phạm, bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý. Thông tin công khai gồm: tên, mã số, địa chỉ trụ sở chính, tên người đại diện theo pháp luật, người đứng đầu đơn vị trực thuộc doanh nghiệp, hành vi vi phạm pháp luật, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả.
5. Ủy ban nhân dân cấp huyện
Có trách nhiệm phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý tình trạng hoạt động của các doanh nghiệp; phát hiện và kịp thời thông báo cho các cơ quan nhà nước có liên quan về các vi phạm của doanh nghiệp, bao gồm các nội dung quản lý: kinh doanh không đúng địa chỉ trụ sở chính đã được đăng ký với cơ quan đăng ký; treo bảng hiệu không đúng quy định; doanh nghiệp không đảm bảo điều kiện kinh doanh theo luật quản lý chuyên ngành; doanh nghiệp bỏ địa chỉ trụ sở... để kịp thời xử lý.
Điều 8. Phối hợp trao đổi thông tin
1. Trường hợp cần cung cấp thông tin hoặc tài liệu phục vụ công tác, các cơ quan phối hợp có trách nhiệm trao đổi, cung cấp theo yêu cầu của cơ quan đề nghị. Nếu từ chối cung cấp thông tin, cơ quan được yêu cầu phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối.
2. Trường hợp phát hiện doanh nghiệp hoạt động không đúng (không chính xác hoặc chưa đầy đủ) với thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp, cơ quan chức năng có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Sở Kế hoạch và Đầu tư để yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đăng ký thay đổi hoặc hiệu đính thông tin đăng ký doanh nghiệp theo quy định. Sau khi doanh nghiệp đăng ký thay đổi hoặc hiệu đính thông tin, Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm thông báo kết quả cho cơ quan chức năng có liên quan.
1. Thanh tra tỉnh
a) Thanh tra tỉnh là cơ quan đầu mối xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm đối với các doanh nghiệp, trên cơ sở tổng hợp, rà soát kế hoạch thanh tra của các ngành có liên quan để tránh trùng lắp, gây khó khăn phiền hà cho doanh nghiệp; tổng hợp chương trình; kế hoạch thanh tra của các Sở ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch thanh tra doanh nghiệp năm sau liền kề, trước ngày 25 tháng 11 hàng năm.
b) Hướng dẫn các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng kế hoạch thanh tra đối với doanh nghiệp. Kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp có thể được xây dựng độc lập hoặc là một trong các nội dung của kế hoạch thanh tra của tỉnh.
c) Định kỳ 6 tháng, tổng hợp kết quả thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và sao gửi cho Sở Kế hoạch và Đầu tư.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
a) Là cơ quan đầu mối phối hợp với các Sở ngành chức năng và địa phương liên quan để tổng hợp, lồng ghép các cuộc kiểm tra doanh nghiệp, hạn chế thấp nhất việc tổ chức kiểm tra riêng lẻ từng lĩnh vực, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
b) Lập kế hoạch tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm của doanh nghiệp theo thẩm quyền, đồng thời có trách nhiệm phối hợp trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của doanh nghiệp khi có yêu cầu phối hợp của các Sở ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện.
c) Phối hợp với các Sở ngành tăng cường công tác kiểm tra nội dung đăng ký doanh nghiệp sau thành lập; rà soát và xử lý những doanh nghiệp vi phạm pháp luật.
- Định kỳ mỗi năm 1 lần (đầu quý II) tiến hành đối chiếu thông tin trên Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia với thông tin cơ quan thuế cung cấp về tình trạng hoạt động của doanh nghiệp; đối với doanh nghiệp đăng ký thành lập nhưng không hoạt động hoặc doanh nghiệp ngừng hoạt động quá một năm không thông báo với cơ quan thuế hoặc cơ quan đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, để bảo đảm đồng bộ dữ liệu giữa các cơ quan.
- Khi nhận được thông báo bằng văn bản của cơ quan chức năng quy định tại Điều 2 Quy chế này, Sở Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo Phòng Đăng ký kinh doanh ra Thông báo yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; đồng thời gửi cơ quan chức năng có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi doanh nghiệp đăng ký hoạt động.
- Trường hợp nhận được thông tin về hành vi vi phạm của doanh nghiệp thuộc trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nếu xét thấy cần thiết phải xác minh thông tin, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiến hành kiểm tra doanh nghiệp theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức có liên quan. Kết quả xác minh thông tin về hành vi vi phạm của doanh nghiệp thuộc trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải được thể hiện bằng văn bản.
d) Hàng năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp các thông tin về vi phạm của doanh nghiệp do các đơn vị có liên quan cung cấp; đồng thời phối hợp với các Sở ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh và tình hình chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp trên địa bàn để báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (kèm theo những đề xuất, kiến nghị, nếu có).
3. Sở Tài chính
a) Hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện chế độ tài chính, chế độ kế toán theo đúng quy định.
b) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế tỉnh giám sát, kiểm tra thực hiện nghĩa vụ góp vốn của các thành viên, cổ đông theo cam kết, chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn theo đúng quy định của pháp luật.
c) Phối hợp Cục Thuế tỉnh thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật về tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh và các hoạt động khác của doanh nghiệp.
d) Xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về kế toán theo thẩm quyền.
4. Ban Quản lý các Khu công nghiệp
Chủ trì, phối hợp các Sở ngành liên quan thực hiện giám sát, quản lý tình hình hoạt động của doanh nghiệp hoạt động tại các Khu công nghiệp theo nội dung đăng ký doanh nghiệp, và kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn (nếu có). Phát hiện, xử lý kịp thời nhưng hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
5. Cục Thuế tỉnh
a) Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý doanh nghiệp vi phạm pháp luật các chính sách về thuế theo thẩm quyền, thông qua việc quản lý nhà nước về thuế, giám sát việc chấp hành các quy định của doanh nghiệp.
b) Định kỳ hàng quý, có trách nhiệm tổng hợp và thông báo qua địa chỉ email cho Sở Kế hoạch và Đầu tư danh sách doanh nghiệp vi phạm quy định về thuế các trường hợp sau:
- Không tiến hành hoạt động kinh doanh trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp đã giải thể hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà vẫn còn tiến hành hoạt động kinh doanh.
- Doanh nghiệp kinh doanh không đúng địa chỉ trụ sở đăng ký.
- Doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh, chuyển địa điểm kinh doanh đến địa phương khác.
- Hoạt động không đúng nội dung đăng ký doanh nghiệp.
- Kinh doanh không đăng ký mã số thuế, bị thu hồi mã số thuế.
- Vi phạm pháp luật khác nhưng không thuộc thẩm quyền xử lý của ngành thuế.
c) Chủ trì, phối hợp với các Sở ngành liên quan thực hiện công tác kiểm tra nội dung đăng ký thành lập doanh nghiệp sau khi thành lập và giám sát hoạt động các doanh nghiệp.
6. Công an tỉnh
a) Chủ động tổ chức kiểm tra doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề thuộc phạm vi quản lý.
b) Phát hiện và thông báo cho Sở Kế hoạch và Đầu tư những doanh nghiệp có thành viên thuộc đối tượng cấm tham gia thành lập, quản lý doanh nghiệp; địa chỉ nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, chỗ ở hiện tại khai không đúng với địa chỉ đã đăng ký hoặc không có thực.
c) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xác minh, xử lý theo thẩm quyền đối với những trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc giả mạo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, trong thời hạn 15 ngày làm việc.
d) Thông báo cho Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan chức năng khác có liên quan về các vi phạm pháp luật của doanh nghiệp mà đơn vị đã phát hiện, xử lý hoặc có đủ căn cứ kết luận các vi phạm để phối hợp quản lý.
7. Sở Nội vụ
a) Phối hợp với các Sở ngành xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhằm nâng cao kỹ năng, kiến thức nghiệp vụ chuyên môn để đáp ứng nhiệm vụ được giao.
b) Chịu trách nhiệm quản lý và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh các nội dung liên quan đến quản lý hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh.
8. Các Sở, ngành chuyên môn
a) Chủ động lập kế hoạch và tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật chuyên ngành, chấp hành các quy định về điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật; phát hiện xử lý các doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật thuộc thẩm quyền quản lý và thông báo kịp thời cho các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan và Sở Kế hoạch và Đầu tư về các doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật nhưng không thuộc thẩm quyền xử lý của ngành mình để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
b) Yêu cầu doanh nghiệp ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ điều kiện thuộc lĩnh vực, chức năng nhiệm vụ được giao; đồng thời gửi thông tin đến Sở Kế hoạch và Đầu tư theo quy định này để phối hợp quản lý.
c) Các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý chuyên ngành có trách nhiệm xác minh hành vi kinh doanh ngành, nghề cấm kinh doanh của doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý.
d) Kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Sở ngành gửi cho Thanh tra tỉnh trước ngày 25 tháng 11 hàng năm để Thanh tra tỉnh tổng hợp; riêng đối với đơn vị phụ thuộc vào sự chỉ đạo của cơ quan cấp trên trực tiếp thì gửi ngay sau khi có kế hoạch triển khai của cơ quan cấp trên trực tiếp.
đ) Định kỳ hàng tháng, các Sở ngành có trách nhiệm tổng hợp cập nhật danh sách các doanh nghiệp vi phạm theo lĩnh vực chuyên ngành quản lý trên website của đơn vị và gửi đến Sở Kế hoạch và Đầu tư qua địa chỉ email ...
9. Ủy ban nhân dân cấp huyện
a) Ủy ban nhân dân cấp huyện theo dõi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã bị Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo yêu cầu tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Trường hợp doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khi không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh, Ủy ban nhân dân cấp huyện thông báo cho Sở Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan có thẩm quyền để xử lý.
b) Phối hợp với các Sở ngành có liên quan thực hiện việc rà soát doanh nghiệp khi có yêu cầu; kiểm tra và tổng hợp tình hình hoạt động của doanh nghiệp sau đăng ký thành lập để kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật, nhất là trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm... và có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; xác minh thông tin về hoạt động của doanh nghiệp tại trụ sở đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn theo đề nghị của các Sở ngành có liên quan.
c) Định kỳ hàng quý, có trách nhiệm tổng hợp, thông báo cho Sở Kế hoạch và Đầu tư danh sách doanh nghiệp không hoạt động tại trụ sở hoặc những địa chỉ không có thực để kịp thời xử lý đúng theo quy định.
1. Nội dung kiểm tra
a) Kiểm tra tính trung thực, chính xác của doanh nghiệp đối với các nội dung trong hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp.
b) Kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật sau khi thành lập doanh nghiệp về: Treo biển hiệu của doanh nghiệp; đăng ký góp vốn của doanh nghiệp; đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp; đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh; điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp (Chứng chỉ hành nghề, Giấy phép kinh doanh, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, vốn pháp định của doanh nghiệp...); chế độ kế toán, thuế; đất đai; xây dựng; môi trường; lao động; vệ sinh an toàn thực phẩm... của doanh nghiệp.
c) Kiểm tra việc chấp hành các quy định về công khai thông tin của doanh nghiệp về: Công bố thông tin về đăng ký doanh nghiệp; chế độ báo cáo, thông báo của doanh nghiệp.
d) Cung cấp thông tin kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
đ) Giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.
e) Các nội dung kiểm tra khác theo quy định của pháp luật.
2. Nội dung phối hợp trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp bao gồm: Phối hợp xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; phối hợp tổ chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.
3. Nội dung phối hợp trong thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bao gồm: Phối hợp xác định hành vi vi phạm thuộc trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
4. Nội dung phối hợp trong xử lý doanh nghiệp vi phạm quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện gồm: Phối hợp xử phạt doanh nghiệp; yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Điều 11. Trách nhiệm của các cơ quan trong phối hợp xử lý doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật
1. Ủy ban nhân dân tỉnh, các Sở ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện trong phạm vi quyền hạn của mình, có trách nhiệm kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định pháp luật đối với doanh nghiệp và các đơn vị trực thuộc, trên địa bàn vi phạm trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
2. Khi phát hiện doanh nghiệp và các đơn vị trực thuộc, có hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm phải đình chỉ ngay hành vi vi phạm và tiến hành xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp phát hiện doanh nghiệp vi phạm các quy định thuộc trường hợp phải thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đầu tư thì cơ quan xử lý vi phạm phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan cấp đăng ký kinh doanh biết về vi phạm đó trong thời hạn 07 ngày làm việc (có hồ sơ xác định vi phạm kèm theo) để cơ quan đăng ký kinh doanh có căn cứ xem xét, xử lý; đồng thời thông báo cho chính quyền địa phương nơi doanh nghiệp và các đơn vị trực thuộc đăng ký trụ sở chính.
3. Trong trường hợp doanh nghiệp và các đơn vị trực thuộc vi phạm quy định về sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, Chứng chỉ hành nghề, thì cơ quan quản lý chuyên ngành xử lý vi phạm có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan cấp đăng ký kinh doanh biết về vi phạm đó trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ khi phát hiện doanh nghiệp vi phạm (có hồ sơ xác định vi phạm kèm theo) để cơ quan cấp đăng ký kinh doanh có căn cứ yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định về điều kiện kinh doanh hoặc yêu cầu ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh không đủ điều kiện.
4. Trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện các quy định của pháp luật, không hợp tác trong công tác kiểm tra hoặc có hành vi cản trở thì cơ quan kiểm tra đề nghị cơ quan chức năng xử lý theo quy định.
Điều 12. Trách nhiệm của các cơ quan trong phối hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
1. Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày xác định hành vi vi phạm của doanh nghiệp theo quy định phải thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cơ quan chức năng có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Sở Kế hoạch và Đầu tư
Nếu xét thấy cần thiết phải xác minh thông tin, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiến hành kiểm tra doanh nghiệp theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức có liên quan (theo chức năng nhiệm vụ quy định tại Điều 10 Quy chế này).
3. Khi nhận được văn bản của cơ quan chức năng xác định hành vi vi phạm của doanh nghiệp thuộc trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo Phòng Đăng ký kinh doanh thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của doanh nghiệp theo quy định, đồng thời thông báo cho cơ quan chức năng đã có yêu cầu thu hồi.
BÁO CÁO VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP SAU ĐĂNG KÝ THÀNH LẬP
Điều 13. Nội dung báo cáo về quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập
1. Tình hình công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập.
2. Tình hình thực hiện phối hợp giữa các cơ quan chức năng về các nội dung sau:
a) Trao đổi, cung cấp và công khai thông tin doanh nghiệp.
b) Thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.
c) Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
d) Xử lý doanh nghiệp có hành vi vi phạm quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
đ) Các nội dung khác quy định tại Quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập của địa phương.
Điều 14. Trách nhiệm các Sở ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối trong việc trao đổi, cung cấp, công khai thông tin đăng ký doanh nghiệp; và tổng hợp, lồng ghép các cuộc kiểm tra doanh nghiệp.
2. Thanh tra tỉnh là cơ quan đầu mối xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm đối với các doanh nghiệp.
3. Các Sở ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quy chế này; đồng thời phối hợp tốt với Sở Kế hoạch và Đầu tư và Thanh tra tỉnh trong việc cung cấp thông tin, thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.
1. Chậm nhất ngày 25 tháng 11 hàng năm, các Sở ngành phải gửi kế hoạch thanh tra doanh nghiệp về Thanh tra tỉnh, kế hoạch kiểm tra doanh nghiệp về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, điều phối trong triển khai, thực hiện.
2. Hàng năm, định kỳ quý (trước ngày 15 tháng cuối quý), 06 tháng (trước ngày 05 tháng 6) và cuối năm (trước ngày 25 tháng 11), các Sở ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện phải gửi báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ được giao về Sở Kế hoạch và Đầu tư (bao gồm cả danh sách các doanh nghiệp đã bị xử lý vi phạm, đã phối hợp xử lý hoặc đã đề nghị xử lý vi phạm) để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 16. Kinh phí triển khai, thực hiện Quy chế phối hợp
Kinh phí đảm bảo cho công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập trên địa bàn tỉnh được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của các cơ quan này.
Quyết định 45/2015/QĐ-UBND Quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
Số hiệu: | 45/2015/QĐ-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Sóc Trăng |
Người ký: | Lê Thành Trí |
Ngày ban hành: | 31/12/2015 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 45/2015/QĐ-UBND Quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
Chưa có Video