Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 376/QĐ-KTNN

Hà Nội, ngày 15 tháng 4 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH HƯỚNG DẪN KIỂM TOÁN LĨNH VỰC DOANH NGHIỆP

TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật Kiểm toán nhà nước;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp năm 2005;

Căn cứ Luật thuế và các văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực kiểm toán doanh nghiệp;

Xét đề nghị của Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI, Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán,Vụ trưởng Vụ Pháp chế.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Hướng dẫn kiểm toán lĩnh vực doanh nghiệp.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Vụ trưởng: Vụ Chế độ và Kiểm soát Chất lượng kiểm toán, Vụ Tổng hợp, Vụ Pháp chế, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc KTNN và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Lãnh đạo KTNN;
- Văn phòng KTNN;
- Các KTNN chuyên ngành và khu vực;
- Vụ Tổng hợp;
- Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán;
- Vụ Pháp chế;
- Lưu: VT.

TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC




Đinh Tiến Dũng

 

HƯỚNG DẪN

KIỂM TOÁN LĨNH VỰC DOANH NGHIỆP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 376 /QĐ-KTNN ngày 15 tháng 4 năm 2013 của Tổng Kiểm toán Nhà nước)

Phần thứ nhất

ĐỊNH HƯỚNG CHUNG

1. Hướng dẫn kiểm toán lĩnh vực doanh nghiệp:

1.1. Khái niệm

Hướng dẫn kiểm toán lĩnh vực doanh nghiệp (sau đây viết tắt là Hướng dẫn) là những định hướng chi tiết về trình tự, nội dung, kỹ thuật kiểm toán cho một cuộc kiểm toán doanh nghiệp đã xác định rõ các mục tiêu cụ thể.Tùy mục tiêu của một cuộc kiểm toán cụ thể, các kiểm toán viên có thể vận dụng Hướng dẫn để đưa ra các nội dung và kỹ thuật kiểm toán tương ứng, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu suất, hiệu quả công việc. Hướng dẫn kiểm toán lĩnh vực doanh nghiệp cũng xây dựng một số mẫu biểu phục vụ khảo sát thu thập thông tin lập Kế hoạch kiểm toán, lập Báo cáo kiểm toán, một số phụ lục đính kèm nhằm đảm bảo việc trình bày kết quả kiểm toán đầy đủ thông tin, có sự thống nhất, đồng bộ, có tính so sánh và phục vụ tốt cho công tác tổng hợp toàn Ngành.

1.2. Cơ sở xây dựng Hướng dẫn:

Hướng dẫn được xây dựng trên cơ sở Luật Kiểm toán Nhà nước (KTNN), Hệ thống Chuẩn mực KTNN, Quy trình kiểm toán doanh nghiệp, pháp luật, chế độ hiện hành của Nhà nước, các văn bản của KTNN trong thực hiện công tác kiểm toán và qua tổng kết hoạt động thực tiễn của KTNN trong lĩnh vực kiểm toán doanh nghiệp; Hướng dẫn hướng tới mục tiêu đưa ra những nội dung, thủ tục kiểm toán chi tiết bổ sung Quy trình kiểm toán doanh nghiệp; Hướng dẫn được xây dựng bám sát đối tượng, phạm vi kiểm toán thuộc lĩnh vực kiểm toán doanh nghiệp theo Kế hoạch kiểm toán trung hạn 2013 - 2015 của KTNN, giới hạn phạm vi, đối tượng theo lĩnh vực cụ thể.

1.3. Giải thích từ ngữ

Doanh nghiệp nhà nước (DNNN): Theo Điều 37, Luật KTNN năm 2005, đối tượng kiểm toán báo cáo tài chính đối với lĩnh vực doanh nghiệp được chỉ rõ là doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, từ ngày 01/7/2010 Luật DNNN hết hiệu lực, các doanh nghiệp nhà nước đều phải chuyển đổi mô hình và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Theo đó, Luật Doanh nghiệp số 60/2005QH11 ngày 29/11/2005 quy định: “DNNN là doanh nghiệp trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ”. Thực tế, trong giai đoạn hiện nay, các DNNN chuyển đổi mô hình cổ phần hóa, đầu tư liên doanh liên kết, thực hiện tái cấu trúc...làm cho tỷ trọng vốn Nhà nước tại các đơn vị luôn có biến động, trong khi đó hoạt động kiểm tra, giám sát công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp luôn là mối quan tâm của Quốc hội, Chính phủ. Vì vậy, theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, có thể doanh nghiệp được KTNN kiểm toán chỉ có phần vốn Nhà nước dưới 50%. Từ những lý do trên, để thống nhất cách hiểu và áp dụng, khái niệm doanh nghiệp trong Hướng dẫn này được xác định là những doanh nghiệp mà Nhà nước có sở hữu một phần vốn xác định.

2. Mục đích, vai trò của Hướng dẫn kiểm toán lĩnh vực doanh nghiệp

(1) Hướng dẫn được ban hành với mục đích đưa ra một hệ thống có tính logic, đồng bộ những phương pháp, kỹ thuật, công cụ kiểm toán phù hợp để các kiểm toán viên có thể khai thác, áp dụng một cách thống nhất, đồng bộ khi thực hiện công tác kiểm toán tại các doanh nghiệp theo từng các nội dung, phần hành cụ thể đã được trình bày trong Hướng dẫn.

(2) Hướng dẫn được ban hành nhằm đưa ra trình tự, nội dung, thủ tục kiểm toán chi tiết, bổ sung những nội dung chưa quy định tại quy trình kiểm toán doanh nghiệp. Theo đó, tập trung hướng dẫn lồng ghép công tác kiểm toán BCTC với kiểm toán một số nội dung kiểm toán trọng tâm của Ngành; đi sâu hướng dẫn các thủ tục kiểm toán chi tiết mang tính cầm tay chỉ việc đối với hoạt động kiểm toán cụ thể, gắn chặt và xuyên suốt quá trình SXKD chính của doanh nghiệp nhằm mục đích nâng cao nội hàm kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động trong thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

(3) Về nguyên tắc, Hướng dẫn không trình bày lại những nội dung quy định tại quy trình mà hướng dẫn chi tiết cụ thể hơn hoặc hướng dẫn xử lý những tồn tại trong thực tế áp dụng quy trình kiểm toán doanh nghiệp thời gian qua, đặc biệt đối với phần các phương pháp, kỹ thuật kiểm toán.

Ngoài hướng dẫn kiểm toán đánh giá thực trạng và khả năng tài chính của doanh nghiệp, Hướng dẫn còn trình bày, định hướng mục tiêu, nội dung, phương pháp kiểm toán cụ thể nhằm đánh giá sâu hơn hiệu quả hoạt động, hiệu quả công tác quản trị doanh nghiệp, tình hình đầu tư tài chính và tình hình thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước .

Hướng dẫn kiểm toán doanh nghiệp là tài liệu cẩm nang hướng dẫn công tác kiểm toán doanh nghiệp, là cơ sở nhằm đảm bảo tính thống nhất trong định hướng, tổ chức kiểm toán và tổng hợp kết quả kiểm toán trong toàn ngành đối với những lĩnh vực kiểm toán doanh nghiệp mà Hướng dẫn đã nêu. Mặt khác, Hướng dẫn được ban hành sẽ là căn cứ tham khảo phục vụ cho công tác giám sát, kiểm tra, đánh giá chất lượng các cuộc kiểm toán doanh nghiệp, sử dụng tham khảo khi xây dựng tài liệu phục vụ đào tạo, bồi dưỡng kiểm toán viên trong ngành.

3. Đối tượng và phạm vi áp dụng

- Hướng dẫn kiểm toán lĩnh vực doanh nghiệp áp dụng cho việc thực hiện các cuộc kiểm toán doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu toàn bộ hoặc một phần vốn điều lệ, thuộc đối tượng kiểm toán theo Quyết định kiểm toán của KTNN.

- Ngoài cụ thể hóa những thủ tục, kỹ thuật kiểm toán báo cáo tài chính doanh nghiệp, Hướng dẫn định hướng mục tiêu, nội dung, trọng tâm, phương pháp, kỹ thuật kiểm toán cụ thể đối với 02 nhóm nội dung kiểm toán cụ thể, dựa trên cơ sở mục tiêu kiểm toán trung và dài hạn của KTNN, quy định pháp luật, chế độ của Nhà nước, các văn bản quy định về chuẩn mực, quy trình, hồ sơ mẫu biểu kiểm toán hiện có hiệu lực của KTNN và thực tiễn kinh nghiệm kiểm toán lĩnh vực doanh nghiệp của KTNN trong thời gian qua. 02 nhóm nội dung kiểm toán cụ thể gồm:

(1) Kiểm toán xác nhận, đánh giá thực trạng và khả năng tài chính của doanh nghiệp; Kiểm toán đánh giá công tác quản trị và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

(2) Kiểm toán tình hình và kết quả thực hiện đề án tái cơ cấu DNNN;

4. Những hướng dẫn chi tiết, bổ sung nội dung công việc so với quy định hiện tại tại quy trình kiểm toán doanh nghiệp:

Hướng dẫn kiểm toán lĩnh vực doanh nghiệp được xây dựng chủ yếu hướng dẫn chi tiết, bổ sung những quy định hiện quy trình chưa cụ thể, chi tiết hoặc quy trình kiểm toán chưa quy định. Hướng dẫn được xem như cẩm nang phục vụ hoạt động kiểm toán tại các cuộc kiểm toán cụ thể, đã xác định mục tiêu và kiểm toán lồng ghép.

4.1. Giai đoạn khảo sát thu thập thông tin, lập

Kế hoạch kiểm toán:

Bổ sung hướng dẫn về việc thu thập và xử lý thông tin; xác định trọng tâm, rủi ro... đối với những lĩnh vực kiểm toán bổ sung phục vụ kiểm toán lồng ghép: Hướng dẫn định hướng cách thức thu thập thông tin, xử lý, phân tích thông tin phục vụ lập kế hoạch kiểm toán ngoài những nội dung quy định tại quy trình kiểm toán doanh nghiệp hiện hành. Cụ thể:

- Đối với mục tiêu kiểm toán đánh giá tình hình thực hiện đề án tái cơ cấu DNNN và đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính của doanh nghiệp: Kiểm toán viên cần thu thập thông tin tổng hợp, chủ yếu liên quan đến tiến độ và kết quả thực hiện đề án tái cơ cấu, thông tin về thực trạng đầu tư tài chính của doanh nghiệp để lựa chọn trọng tâm, nội dung, phương pháp phục vụ xây dựng KHKT tổng quát cho phần công việc này.

- Đối với mỗi nhóm nội dung kiểm toán, Hướng dẫn đưa ra các mẫu biểu cần thiết khi khảo sát, thu thập thông tin và được thể hiện tại một số mẫu biểu của Phụ lục 01, 02/HD-KTDN.

- Trường hợp kiểm toán lồng ghép về hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng và kinh doanh tài nguyên khoáng sản; công tác quản lý, sử dụng đất đai; quản lý đầu tư XDCB tại các doanh nghiệp, kiểm toán viên vận dụng hợp lý những quy định cụ thể tại các văn bản, hướng dẫn khác của KTNN liên quan tới lĩnh vực doanh nghiệp. Giai đoạn thu thập thông tin lập kế hoạch kiểm toán, công tác khảo sát thu thập thông tin tại các doanh nghiệp cần lưu ý tập trung vào những nội dung cụ thể sau:

+ Đối với mục tiêu kiểm toán đánh giá công tác quản lý, khai thác, sử dụng và kinh doanh tài nguyên khoáng sản của doanh nghiệp: Kiểm toán viên cần thu thập và xử lý các thông tin cơ bản liên quan đến công tác thăm dò (Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản; Đề án thăm dò; Giấy phép thăm dò; Kế hoạch thăm dò; Báo cáo kết quả hoạt động thăm dò; Hợp đồng với tổ chức có đủ điều kiện hành nghề thăm dò khoáng sản theo quy định; Quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản...), công tác khai thác (Giấy phép khai thác; Quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản; Bản đồ khu vực khai thác; Dự án đầu tư khai thác khoáng sản kèm theo quyết định phê duyệt và bản sao giấy chứng nhận đầu tư, thiết kế mỏ được phê duyệt; Báo cáo đánh giá tác động môi trường; Báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng trong khu vực được phép khai thác; Hợp đồng thuê đất kèm theo chứng từ nộp tiền thuê đất phục vụ mục đích khai thác...), công tác sử dụng khoáng sản (Hồ sơ kỹ thuật của máy móc, thiết bị chế biến; Định mức hao hụt trong khâu vận chuyển, bảo quản, chế biến; Báo cáo xuất khẩu khoáng sản định kỳ...), các thông tin liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước trong quản lý, khai thác, sử dụng và kinh doanh khoáng sản. Kế hoạch kiểm toán đối với phần này cần đặc biệt nhấn mạnh nội dung liên quan diện tích, sản lượng được phép khai thác, thực trạng quy hoạch nguồn kết hợp với xây dựng hợp lý các nhà máy sản xuất, vấn đề thất thoát, buôn lậu khoáng sản.

+ Đối với mục tiêu kiểm toán đánh giá công tác quản lý, sử dụng đất đai tại doanh nghiệp: Kiểm toán viên cần thu thập và xử lý các thông tin cơ bản liên quan đến thực trạng quản lý đất đai của đơn vị về mặt diện tích, hồ sơ pháp lý, mục đích sử dụng,...Tổ khảo sát lập kế hoạch có thể yêu cầu đơn vị cung cấp thông tin chi tiết theo các mẫu biểu được thiết kế từ trước ngay từ khâu khảo sát lập kế hoạch. Khi thực hiện kiểm toán, kiểm toán viên chỉ cần thẩm định lại thông tin và đi sâu vào xác định những vấn đề còn tồn tại, nguyên nhân, trách nhiệm của đơn vị quản lý sử dụng và các nội dung có liên quan.

+ Đối với công tác kiểm toán hoạt động đầu tư XDCB tại doanh nghiệp: Xuất phát từ đặc điểm khác biệt trong đầu tư XDCB trong doanh nghiệp so với các đơn vị sử dụng nguồn đầu tư từ Ngân sách từ thủ tục, trình tự và mục đích sử dụng tài sản sau đầu tư, kiểm toán đầu tư XDCB tại doanh nghiệp cần xác định chỉ là mục tiêu lồng ghép với kiểm toán BCTC, kiểm toán tuân thủ và hoạt động tại doanh nghiệp đó. Vì vậy, cách tiếp cận dưới góc độ lồng ghép là lựa chọn đối tượng kiểm toán phù hợp với quy mô chung của một cuộc kiểm toán, phạm vi khoanh vùng trong việc kiểm toán tuân thủ quy trình đầu tư XDCB và kiểm toán xác định giá trị hình thành TSCĐ hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng. Với mục tiêu, đối tượng, phạm vi kiểm toán đã xác định, thông tin cần thu thập và xử lý giai đoạn này là các Quy định đặc thù, quy định nội bộ của doanh nghiệp về đầu tư, mua sắm, xây dựng, Kế hoạch đầu tư năm, các Báo cáo liên quan đến thực hiện kế hoạch đầu tư, mua sắm, đấu thầu, tình hình thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành, các Quyết định, văn bản phê duyệt dự án, thiết kế, dự toán, kế hoạch đấu thầu, kết quả trúng thầu, điều chỉnh thiết kế, dự toán, Quyết toán đã được duyệt...

- Căn cứ vào mục tiêu kiểm toán hàng năm của KTNN, dựa trên mục tiêu, nội dung kiểm toán đối với từng doanh nghiệp, sau khi phân tích, đánh giá thông tin thu thập được, Đoàn kiểm toán cần xác định những mục tiêu, nội dung trọng tâm của cuộc kiểm toán, gắn với hoạt động thực tế của doanh nghiệp đó để lựa chọn phương pháp kiểm toán thích hợp.

4.2. Giai đoạn thực hiện kiểm toán:

Hướng dẫn đính kèm 02 phụ lục (Phụ lục 01, 02/HD-KTDN) thể hiện mục tiêu cụ thể, nội dung, phương pháp, các thủ tục kiểm toán, mẫu biểu đính kèm và danh mục các văn bản pháp lý cần áp dụng liên quan đến 02 nhóm mục tiêu chủ yếu đã nêu. Theo đó, mỗi phụ lục đi sâu hướng dẫn các thủ tục kiểm toán chi tiết đối với hoạt động kiểm toán cụ thể, gắn chặt và xuyên suốt quá trình SXKD chính của doanh nghiệp nhằm mục đích nâng cao nội hàm kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động trong thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

4.3. Giai đoạn lập BCKT

Báo cáo kiểm toán là sản phẩm đặc biệt quan trọng của hoạt động kiểm toán. Về nguyên tắc, Báo cáo kiểm toán phải đảm bảo phản ánh đầy đủ nội dung, kết quả kiểm toán phải đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đã đặt ra. Để đảm bảo nguyên tắc đầy đủ và nhất quán giữa BCKT của Tổ kiểm toán và BCKT của Đoàn kiểm toán, để thuận tiện cho việc thống nhất phản ánh kết quả kiểm toán gắn với những mục tiêu cụ thể, Hướng dẫn gợi ý những đề mục, nội dung chính cần trình bày trên BCKT tại phụ lục kèm theo.

4.4. Giai đoạn kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán.

Từ kết quả kiểm toán đã được phát hành, công tác kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán được thực hiện theo Quy trình kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán hiện hành của KTNN. Một số những kiến nghị liên quan đến những vấn đề có yếu tố kỹ thuật hoặc cần so sánh với các tiêu chí đã định sẵn cần đảm bảo nguyên tắc thống nhất với các tiêu chí đã được lựa chọn khi tiến hành kiểm toán.

Phần thứ hai

MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP KIỂM TOÁN

Trên cơ sở mục tiêu kiểm toán tổng quát cho cả giai đoạn 2013-2015[1] và mục tiêu kiểm toán cụ thể đối với lĩnh vực doanh nghiệp do KTNN định hướng, Hướng dẫn kiểm toán lĩnh vực doanh nghiệp xây dựng mục tiêu, nội dung, phương pháp kiểm toán cụ thể cho từng nhóm mục tiêu cụ thể như sau:

I. KIỂM TOÁN XÁC NHẬN THỰC TRẠNG VÀ ĐÁNH GIÁ KHẢ NĂNG TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP; KIỂM TOÁN ĐÁNH GIÁ CÔNG TÁC QUẢN TRỊ VÀ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP

1. Mục tiêu:

- Xác định thực trạng tài chính doanh nghiệp (vốn, tài sản, lợi nhuận, thực hiện nghĩa vụ với NSNN), tính trung thực hợp lý của số liệu trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp; Đánh giá thực trạng hoạt động đầu tư tài chính ngắn hạn, dài hạn của doanh nghiệp.

- Kiểm toán công tác quản trị và hoạt động của doanh nghiệp nhằm mục tiêu đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp.

2. Nội dung kiểm toán:

2.1. Kiểm toán xác nhận thực trạng và đánh giá khả năng tài chính doanh nghiệp

a. Kiểm toán tài sản

- Kiểm toán tiền và các khoản tương đương tiền;

- Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, dài hạn;

- Kiểm toán phải thu nội bộ;

- Kiểm toán các khoản phải thu khác;

- Kiểm toán dự phòng phải thu khó đòi;

- Kiểm toán tài sản cố định;

- Kiểm toán hàng tồn kho;

- Kiểm toán dự phòng giảm giá hàng tồn kho;

- Kiểm toán các khoản nợ tạm ứng.

b. Kiểm toán nguồn vốn

- Kiểm toán các khoản nợ vay ngắn hạn và dài hạn Ngân hàng;

- Kiểm toán các khoản nợ phải trả nhà cung cấp, phải trả khác;

- Kiểm toán vốn chủ sở hữu;

- Kiểm toán chênh lệch tỷ giá;

- Kiểm toán các quỹ và lợi nhuận chưa phân phối.

c. Kiểm toán doanh thu, thu nhập, chi phí, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh

- Kiểm toán doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ;

- Doanh thu hoạt động tài chính;

- Kiểm toán thu nhập khác;

- Kiểm toán giá vốn hàng bán;

- Chi phí bán hàng, chi phí quản lý, chi phí tài chính, chi phí khác;

- Lương và các khoản phải trả công nhân viên chức.

d. Thuế và các khoản phải nộp NSNN

- Kiểm toán thuế GTGT;

- Kiểm toán thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN);

- Kiểm toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN);

- Kiểm toán thuế đất và tiền thuê đất;

- Kiểm toán thuế tài nguyên, môi trường và phí môi trường.

e. Kiểm toán huy động vốn của doanh nghiệp

- Nội dung kiểm toán huy động vốn của doanh nghiệp;

- Nội dung kiểm toán đầu tư vốn của doanh nghiệp (đầu tư tài chính dài hạn và vốn liên doanh, liên kết).

2.2. Kiểm toán đánh giá công tác quản trị và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp

- Kiểm toán đánh giá công tác quản trị và hiệu quả hoạt động của DN theo nhóm khoản mục trên BCTC;

- Kiểm toán đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng vốn, tiền và tài sản Nhà nước, trong hoạt động SXKD theo các tiêu chí tổng quát và các tiêu chí cụ thể;

3. Phương pháp kiểm toán

(Phương pháp kiểm toán, các kỹ thuật kiểm toán cụ thể được phản ánh tại Phụ lục số 01/HD-KTDN đính kèm).

II. KIỂM TOÁN TÌNH HÌNH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU DNNN

1. Mục tiêu:

- Đánh giá tiến độ, chất lượng công tác xây dựng đề án tái cơ cấu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Đánh giá kết quả thực hiện tái cơ cấu DNNN theo đề án đã được phê duyệt;

- Đánh giá hiệu quả của doanh nghiệp sau khi thực hiện tái cơ cấu.

2. Nội dung kiểm toán:

- Kiểm toán việc xây dựng đề án tái cơ cấu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Kiểm toán lộ trình và kết quả thực hiện các mục tiêu trong đề án đã được phê duyệt đến thời điểm kiểm toán:

+Tái cơ cấu về tổ chức bộ máy (cổ phần hóa, sát nhập, giải thể, bán khoán…);

+ Tái cơ cấu về tài chính: Đầu tư thêm, thoái vốn, cơ cấu lại nợ;

+ Tái cơ cấu về hoạt động kinh doanh (tập trung cho hoạt động SXKD chính).

- Đánh giá tính khả thi của đề án đã được phê duyệt, những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện đề án.

- Đánh giá việc thực hiện theo đề án đã được phê duyệt, đánh giá tính hiệu quả của doanh nghiệp sau khi thực hiện đề án tái cơ cấu trên các mặt: Tính tự chủ của doanh nghiệp, tính minh bạch của các thông tin trên BCTC, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, hiệu quả kinh doanh…

3. Phương pháp kiểm toán

(Phương pháp kiểm toán, các kỹ thuật kiểm toán cụ thể được phản ánh tại Phụ lục số 02/HD-KTDN đính kèm).

III. LỒNG GHÉP KIỂM TOÁN MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KHÁC TẠI DOANH NGHIỆP

Trường hợp thực hiện lồng ghép kiểm toán công tác quản lý, khai thác, sử dụng và kinh doanh tài nguyên khoáng sản; công tác quản lý, sử dụng đất đai; hoạt động đầu tư xây dựng, mua sắm TSCĐ tại các doanh nghiệp, kiểm toán viên cần khai thác, vận dụng hợp lý các quy định, hướng dẫn kiểm toán hiện hành của KTNN về các lĩnh vực, chuyên đề cụ thể gắn với thực tiễn đặc điểm hoạt động của từng đơn vị.

Phần thứ ba

HỒ SƠ MẪU BIỂU KIỂM TOÁN

Căn cứ vào hệ thống hồ sơ mẫu biểu của KTNN về lĩnh vực doanh nghiệp và đặc điểm kiểm toán theo từng đơn vị cụ thể, Hướng dẫn gợi ý bổ sung một số nội dung cần trình bày trên BCTC nhằm thống nhất áp dụng trong toàn Ngành. Theo đó:

Hướng dẫn những nội dung cơ bản, tổng quát cần phản ánh trên Báo cáo kiểm toán đối với một cuộc kiểm toán doanh nghiệp lồng ghép nhiều lĩnh vực kiểm toán để phản ánh các nội dung kiểm toán đã xác định gắn với 3 loại hình kiểm toán theo quy định của Luật KTNN, đáp ứng đòi hỏi về mục tiêu và tính thống nhất trong trình bày nội dung, kết quả kiểm toán, cụ thể:

- Xác nhận, đánh giá thực trạng và khả năng tài chính của doanh nghiệp

- Đánh giá công tác quản trị và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp

- Đánh giá tình hình thực hiện đề án tái cơ cấu DNNN và đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính của doanh nghiệp

- Đánh giá công tác quản lý, khai thác, sử dụng và kinh doanh tài nguyên khoáng sản của doanh nghiệp (nếu kiểm toán lồng ghép).

- Đánh giá công tác quản lý, sử dụng đất đai tại doanh nghiệp (nếu kiểm toán lồng ghép).

- Đánh giá công tác quản lý, đầu tư XDCB hình thành TSCĐ tại các doanh nghiệp (nếu kiểm toán lồng ghép).

Tùy thuộc vào mục tiêu, nội dung kiểm toán cụ thể, nội dung cần phản ánh trên BCKT được trình bày phù hợp với mục tiêu, nội dung tại Quyết định kiểm toán. Để đảm bảo tính thống nhất, những nội dung cơ bản của từng lĩnh vực kiểm toán cần trình bày trên BCKT được hướng dẫn theo mẫu (chi tiết tại Phụ lục số 03/HD-KTDN). Ngoài những nội dung cơ bản đã nêu, kiểm toán viên có thể vận dụng, bổ sung những nội dung cụ thể, chi tiết gắn với kết quả thực tế tại từng cuộc kiểm toán.

Trong trường hợp mục tiêu, nội dung kiểm toán đòi hỏi chi tiết, cụ thể thông tin kết quả kiểm toán của từng nhóm mục tiêu cụ thể, kiểm toán viên có thể xây dựng một số mẫu biểu đính kèm nhằm phục vụ cung cấp thông tin thuyết minh cho kế hoạch kiểm toán cũng như cung cấp thông tin chi tiết, cụ thể minh chứng cho kết quả kiểm toán đã được trình bày ngắn gọn, tổng quát tại Báo cáo kiểm toán.

Phần thứ tư

TỔ CHỨC ĐOÀN KIỂM TOÁN

Tổ chức Đoàn kiểm toán được thực hiện theo đúng Luật KTNN và quy định Đoàn kiểm toán của KTNN. Tuy nhiên, khi thực hiện một số mục tiêu kiểm toán lồng ghép cần lưu ý bố trí, phân công nhân sự, tổ chức tổ kiểm toán gắn với mục tiêu, yêu cầu công việc; đảm bảo gắn công việc với năng lực, trình độ, chuyên ngành đào tạo của kiểm toán viên. Cần cân nhắc sắp xếp Tổ, bố trí kiểm toán viên có sự cân đối, hỗ trợ và phối hợp về chuyên môn trên cơ sở xác định mục tiêu lồng ghép để thực hiện kiểm toán một số phần công việc có tính đặc thù tại từng doanh nghiệp.

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

 



[1] Công văn số 1632/KTNN-TH ngày 22/11/2012 của KTNN về việc xây dựng KHKT trung hạn 2013-2015

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 376/QĐ-KTNN năm 2013 hướng dẫn kiểm toán lĩnh vực doanh nghiệp do Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành

Số hiệu: 376/QĐ-KTNN
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Kiểm toán Nhà nước
Người ký: Đinh Tiến Dũng
Ngày ban hành: 15/04/2013
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [1]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [1]
Văn bản được căn cứ - [1]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 376/QĐ-KTNN năm 2013 hướng dẫn kiểm toán lĩnh vực doanh nghiệp do Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [5]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…