ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 29/2012/QĐ-UBND |
Hà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 2012 |
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ DOANH NGHIỆP HOẠT ĐỘNG THEO LUẬT DOANH NGHIỆP VÀ HỘ KINH DOANH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 29/11/2005;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 29/11/2005;
Căn cứ Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và các tỉnh có liên quan;
Căn cứ Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 53/2007/NĐ-CP ngày 4/4/2007 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư;
Căn cứ Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 1/10/2010 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau khi đăng ký thành lập với mục tiêu nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau khi đăng ký thành lập;
Căn cứ Chỉ thị số 17/2005/CT-TTg ngày 25/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ đối với việc xử phạt vi phạm của cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hoá;
Căn cứ Thông tư số 14/2010/TT-BKH ngày 4/6/2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn một số nội dung về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 43/2010/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 650/TT-KH&ĐTngày 13/9/2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 100/2009/QĐ-UB ngày 11/9/2009 của UBND thành phố Hà Nội ban hành quy chế quản lý doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội;
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
QUẢN LÝ DOANH NGHIỆP HOẠT ĐỘNG THEO LUẬT DOANH NGHIỆP VÀ HỘ KINH DOANH
TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành theo Quyết định số 29/2012/QĐ-UBND
ngày 30 tháng 10 năm
2012 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội)
Quy chế này quy định một số nội dung quản lý Nhà nước của UBND các cấp và các cơ quan chuyên môn thuộc thành phố Hà Nội trong việc quản lý doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội, gồm: Quy định về việc đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh; quản lý, kiểm tra sau đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh và việc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của doanh nghiệp, hộ kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Các doanh nghiệp thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước liên quan đến việc thành lập, tổ chức và quản lý hoạt động của doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Điều 3. Mục tiêu quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh
Việc tổ chức quản lý doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm những mục tiêu sau:
1. Đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật;
2. Phản ánh kịp thời và chính xác các thông tin về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; cung cấp thông tin về doanh nghiệp cho các tổ chức, cá nhân có yêu cầu theo quy định của pháp luật;
3. Phát hiện và xử lý kịp thời những doanh nghiệp, hộ kinh doanh có hành vi vi phạm pháp luật;
4. Đảm bảo sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc quản lý hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và hộ kinh doanh.
Điều 4. Quản lý công tác đăng ký doanh nghiệp
Sở Kế hoạch và Đầu tư giúp Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện quản lý Nhà nước đối với công tác đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và có trách nhiệm:
Hướng dẫn; tổ chức thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho các doanh nghiệp và xử lý các vi phạm của doanh nghiệp trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; hướng dẫn cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện về thủ tục, hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
Điều 5. Cơ quan đăng ký kinh doanh
Cơ quan đăng ký kinh doanh được tổ chức ở cấp Thành phố và ở cấp quận, huyện, thị xã bao gồm:
1. Cấp Thành phố: Các phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư (sau đây gọi chung là Phòng Đăng ký kinh doanh cấp thành phố).
2. Cấp quận, huyện, thị xã: thành lập Phòng đăng ký kinh doanh tại các quận, huyện, thị xã (sau đây gọi chung là Phòng Đăng ký kinh doanh cấp quận).
Trường hợp không thành lập Phòng Đăng ký kinh doanh cấp quận, huyện, thị xã thì Phòng Tài chính - Kế hoạch (hoặc Phòng Kinh tế) thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 11 Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ về Đăng ký doanh nghiệp.
Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Phòng đăng ký kinh doanh cấp thành phố
1. Trực tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
2. Phối hợp xây dựng, quản lý, vận hành Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia; thực hiện việc chuyển đổi dữ liệu từ cơ sở dữ liệu về đăng ký kinh doanh tại địa phương sang Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; cung cấp thông tin về đăng ký doanh nghiệp trong phạm vi địa phương cho Ủy ban nhân dân thành phố, Cục thuế địa phương, các cơ quan có liên quan, cho các tổ chức, cá nhân có yêu cầu.
Định kỳ hàng tháng, các Phòng Đăng ký kinh doanh cung cấp danh sách các doanh nghiệp đăng ký thành lập cho UBND các quận, huyện, UBND các phường, xã (thị trấn), Cục thuế và Công an thành phố qua hệ thống thư điện tử.
3. Yêu cầu doanh nghiệp báo cáo tình hình kinh doanh theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 163 Luật Doanh nghiệp; đôn đốc việc thực hiện chế độ báo cáo hàng năm của doanh nghiệp.
4. Trực tiếp kiểm tra hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra doanh nghiệp theo nội dung trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; hướng dẫn cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh; hướng dẫn doanh nghiệp và người thành lập doanh nghiệp về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại điều 10 nghị định số 43/2010/NĐ-CP.
5. Yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khi phát hiện doanh nghiệp không có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, đồng thời thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
6. Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với doanh nghiệp trong các trường hợp quy định tại Luật Doanh nghiệp, Điều 59 Nghị định số 43/2010/NĐ-CP.
7. Đăng ký cho các loại hình khác theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Phòng Đăng ký kinh doanh cấp huyện
1. Trực tiếp nhận hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh; xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
2. Phối hợp xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thông tin về hộ kinh doanh hoạt động trên phạm vi địa bàn; định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp thành phố, cơ quan thuế cấp huyện về hộ kinh doanh trên địa bàn.
Định kỳ vào tuần thứ nhất hàng tháng, phòng đăng ký kinh doanh cấp huyện gửi danh sách hộ kinh doanh đã đăng ký tháng trước cho cơ quan thuế cùng cấp, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp thành phố và cơ quan quản lý chuyên môn thuộc UBND thành phố, tham mưu giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật.
3. Trực tiếp kiểm tra hộ kinh doanh theo nội dung trong hồ sơ đăng ký trên phạm vi địa bàn; phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra doanh nghiệp; xác minh nội dung đăng ký doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp trên phạm vi địa bàn theo yêu cầu của Phòng Đăng ký kinh doanh cấp thành phố.
4. Yêu cầu hộ kinh doanh báo cáo tình hình kinh doanh khi cần thiết.
5. Yêu cầu hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khi phát hiện hộ kinh doanh không có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, đồng thời thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
6. Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trong các trường hợp quy định tại Điều 61 Nghị định 43/2010/NĐ-CP.
7. Đăng ký cho các loại hình khác theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Phối hợp xử lý vi phạm pháp luật trong công tác đăng ký doanh nghiệp
1. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn, các sở, ngành, cơ quan thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quyền hạn của mình, có trách nhiệm kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp vi phạm trong hoạt động kinh doanh.
2. Hàng năm, UBND quận, huyện, thị xã có trách nhiệm lập kế hoạch kiểm tra doanh nghiệp và phối hợp với các cơ quan quản lý chuyên ngành tiến hành kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn. Trước ngày 31/10 hàng năm, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch kiểm tra doanh nghiệp của năm sau và tiến hành kiểm tra ít nhất 5% số lượng doanh nghiệp trên địa bàn.
3. Khi phát hiện doanh nghiệp có hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh, cơ quan, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính phải đình chỉ ngay hành vi vi phạm, và tiến hành xử lý vi phạm theo các quy định của pháp luật. Trong trường hợp phát hiện doanh nghiệp vi phạm các quy định tại khoản 2 Điều 165 Luật doanh nghiệp năm 2005, cơ quan xử lý vi phạm phải thông báo bằng văn bản cho Sở Kế hoạch và Đầu tư biết về việc vi phạm đó trong thời gian 7 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định xử phạt vi phạm hành chính kèm theo hồ sơ xác định vi phạm để có căn cứ xem xét, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; đồng thời thông báo cho chính quyền địa phương nơi doanh nghiệp đang hoạt động;
3. Khi phát hiện doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong quá trình sản xuất kinh doanh có hành vi vi phạm các quy định về ngành nghề kinh doanh, cơ quan, người có thẩm quyền xử lý vi phạm có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh biết về việc vi phạm đó kèm theo hồ sơ xác định vi phạm để có căn cứ yêu cầu doanh nghiệp đó bổ sung chứng chỉ hành nghề phù hợp hoặc yêu cầu ngừng kinh doanh ngành, nghề không đủ điều kiện.
Điều 9. Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh
1. Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 59 Nghị định 43/2010/NĐ-CP.
2. Hộ kinh doanh bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trong các trường hợp được quy định tại Điều 61 Nghị định 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 về đăng ký doanh nghiệp.
1. Các phòng đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp;
2. Phòng đăng ký kinh doanh cấp quận, huyện, thị xã (trường hợp chưa có phòng đăng ký kinh doanh thì cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh) có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trên địa bàn;
Điều 11. Phối hợp xử lý vi phạm trong trường hợp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Việc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 59, Điều 60 Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, và theo các quy định sau đây:
1. Cung cấp thông tin vi phạm: Trong quá trình quản lý, kiểm tra hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nếu phát hiện doanh nghiệp có hành vi vi phạm, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, các sở, ngành, cơ quan điều tra, thanh tra chuyên ngành có trách nhiệm đình chỉ ngay hoạt động vi phạm, xử lý theo thẩm quyền và thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Nếu doanh nghiệp vi phạm các quy định tại khoản 2 Điều 165 Luật Doanh nghiệp năm 2005 về thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi xử lý vi phạm phải hoạt động của doanh nghiệp và thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh để thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 07 ngày kể từ khi ra quyết định xử lý vi phạm.
2. Kiểm tra, xác minh thông tin vi phạm của doanh nghiệp: Khi nhận được thông tin do các tổ chức, cá nhân phản ánh về hành vi vi phạm của doanh nghiệp nếu xét thấy cần thiết phải tiến hành xác minh, cơ quan đăng ký kinh doanh trực tiếp kiểm tra, hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác minh thông tin về vi phạm của doanh nghiệp. Kết quả kiểm tra, xác minh phải được thể hiện bằng văn bản.
3. Thông báo hành vi vi phạm: Khi có đủ căn cứ xác định doanh nghiệp vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 165 Luật Doanh nghiệp năm 2005, cơ quan đăng ký kinh doanh tiến hành công bố hành vi vi phạm của doanh nghiệp theo quy định tại điều 60 nghị định số 43/2010/NĐ-CP. Thông báo hành vi vi phạm được gửi đến địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp và Đăng thông báo trên trang thông tin điện tử (website) của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội;
4. Hình thức xử phạt vi phạm hành chính và mức xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo các quy định tại nghị định số 53/2007/NĐ-CP ngày 4/4/2007 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Điều 12. Giải thể doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
1. Doanh nghiệp phải tiến hành các thủ tục giải thể trong thời hạn sáu tháng, kể từ ngày bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trình tự và thủ tục giải thể thực hiện theo quy định tại Điều 158 Luật Doanh nghiệp.
Trong trường hợp này, người đại diện theo pháp luật, tất cả thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, chủ doanh nghiệp tư nhân đối với doanh nghiệp tư nhân, tất cả thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần và tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác chưa thanh toán.
2. Thông tin về việc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải được nhập vào Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia và gửi sang cơ quan Thuế trong thời hạn hai ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định thu hồi.
PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM TRONG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP VÀ HỘ KINH DOANH
UBND thành phố Hà Nội thực hiện chức năng quản lý doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc và UBND quận, huyện, thị xã thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội.
1. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư:
a) Hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc cấp đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Nghiên cứu, tổ chức thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
b) Phối hợp xây dựng, quản lý, vận hành Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia; thực hiện việc chuyển đổi dữ liệu từ cơ sở dữ liệu về đăng ký kinh doanh tại địa phương sang Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; cung cấp thông tin về đăng ký doanh nghiệp trong phạm vi địa phương cho các tổ chức, cá nhân có yêu cầu.
Phối hợp với Cục thuế trong việc trao đổi, rà soát các thông tin, dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp trên Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình truyền, nhận dữ liệu để đảm bảo thống nhất và đồng bộ dữ liệu giữa 2 ngành.
c) Chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan, nghiên cứu, đề xuất triển khai thực hiện chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp theo quy định;
d) Yêu cầu doanh nghiệp báo cáo tình hình kinh doanh theo định kỳ hoặc đột xuất; chủ trì hoặc đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã, các sở, ngành chuyên môn hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành kiểm tra doanh nghiệp. Khi phát hiện doanh nghiệp không có đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật, được quyền yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;
e) Hàng năm xây dựng kế hoạch và tiến hành kiểm tra, thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp, các cá nhân và tổ chức có liên quan theo quy định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
f) Định kỳ hàng quý xây dựng kế hoạch và phối hợp với Công an Thành phố, Cục Thuế và cơ quan chuyên ngành tiến hành kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong các lĩnh vực đặc biệt có thể ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội. Phối hợp với cơ quan chuyên ngành tổ chức kiểm tra các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật do công luận phản ánh hoặc theo chỉ đạo của UBND Thành phố.
2. Trách nhiệm của cơ quan Thuế:
a) Cục thuế Hà Nội có trách nhiệm:
Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc tạo và cấp mã số doanh nghiệp theo quy định tại Điều 26 Nghị định 43/2010/NĐ-CP
Tiếp nhận, sao gửi thông tin về doanh nghiệp do các Phòng Đăng ký kinh doanh Thành phố cung cấp theo quy định tại Quy chế này cho các đơn vị theo dõi, quản lý doanh nghiệp trong ngành thuế;
Rà soát các thông tin doanh nghiệp đã đăng ký và thay đổi trên Hệ thống thông tin của cơ quan Thuế đã được nối với Hệ thống thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để kịp thời phản hồi những trường hợp vướng mắc với cơ quan đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Xử lý các vi phạm về thuế theo thẩm quyền và thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh danh sách doanh nghiệp vi phạm Luật Doanh nghiệp; danh sách doanh nghiệp bị thu hồi mã số thuế hoặc không có ở nơi đăng ký trụ sở chính để phối hợp xử lý vi phạm;
Định kỳ 6 tháng, tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố, thông báo cho Công an Thành phố và Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội danh sách doanh nghiệp không kê khai nộp thuế trong thời hạn một năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, ngừng hoạt động một năm liên tục hoặc đã giải thể mà vẫn kinh doanh, hoạt động không đúng nội dung đăng ký doanh nghiệp, không đúng địa chỉ trụ sở đã đăng ký.
b) Chi Cục thuế các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm:
Rà soát và đối chiếu danh sách doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn với thông tin về doanh nghiệp do Cục thuế chuyển đến.
Định kỳ báo cáo Cục thuế, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã tình hình thực hiện việc đăng ký, kê khai, nộp thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn.
Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
3. Trách nhiệm của Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội:
Chịu trách nhiệm quản lý doanh nghiệp theo thẩm quyền, tổ chức kiểm tra doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế của Hà Nội theo thẩm quyền.
4. Trách nhiệm của Công an thành phố:
Khi kiểm tra, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố, các lực lượng chức năng thuộc Công an thành phố phải tiến hành xác minh, điều tra và xử lý theo quy định. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng phải lập hồ sơ tùy theo mức độ tính chất của hành vi vi phạm mà xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật. Công an thành phố Hà Nội khi phát hiện doanh nghiệp, hộ kinh doanh vi phạm các quy định có thể bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo điều 165 Luật Doanh nghiệp, có trách nhiệm đình chỉ ngay hành vi vi phạm của doanh nghiệp, hộ kinh doanh và thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh để xử lý vi phạm theo quy định.
Các sở, ngành và tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm phối hợp với cơ quan công an trong quá trình xử lý vi phạm các doanh nghiệp, hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật.
5. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã:
a) Chủ trì phối hợp với các cơ quan thực hiện quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp và hộ kinh doanh hoạt động trên địa bàn;
b) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn phát triển kinh doanh.
c) Xử lý vi phạm của doanh nghiệp theo thẩm quyền và thông báo cho Sở Kế hoạch và Đầu tư để phối hợp quản lý.
d) Hàng năm, tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố tình hình thực hiện nhiệm vụ theo các nội dung:
- Tình hình tổ chức thực hiện Luật Doanh nghiệp trên địa bàn.
- Tình hình chấp hành và vi phạm pháp luật của doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn.
- Những biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và hộ kinh doanh.
đ) Hướng dẫn, chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trong việc phối hợp, xác minh thông tin về doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn.
e) Chủ trì phối hợp với các cơ quan chuyên ngành tiến hành kiểm tra doanh nghiệp có trụ sở đóng trên địa bàn quận, huyện, thị xã về việc chấp hành các nội dung trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và các hoạt động theo giấy phép chuyên ngành, thông báo bằng văn bản kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có) cho Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan biết.
6. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn:
a) Đôn đốc doanh nghiệp có trụ sở chính trên địa bàn nộp thông báo thời gian mở cửa tại trụ sở chính của doanh nghiệp; thực hiện các nghĩa vụ thông báo, báo cáo theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
b) Báo cáo Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã về việc doanh nghiệp vi phạm quy định về trụ sở, biển hiệu, doanh nghiệp có thông báo tạm ngừng hoạt động, giải thể hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà vẫn hoạt động.
c) Phối hợp xác minh, thông tin về doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
7. Trách nhiệm của các Sở, Ban, Ngành khác:
1. Thực hiện các nội dung quản lý Nhà nước chuyên ngành đối với doanh nghiệp và hộ kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp và pháp luật chuyên ngành. Định kỳ vào ngày 30/6 và 31/12 hàng năm, các Sở, ban, ngành gửi báo cáo kết quả kiểm tra doanh nghiệp theo thẩm quyền của mình về Sở Kế hoạch và Đầu tư.
2. Phối hợp với cơ quan ban ngành trong quá trình kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vi phạm quy định của pháp luật.
Điều 14. Khen thưởng và xử lý vi phạm
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về doanh nghiệp và bản quy định này được xem xét tuyên dương, khen thưởng theo quy định hiện hành;
2. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp, hộ kinh doanh thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
1. UBND các cấp và các sở, ngành phải khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp thuộc Thành phố thực hiện việc vận động hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tự giác chấp hành quy định của pháp luật; tham gia, đề xuất với các cơ quan Nhà nước những biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và hộ kinh doanh; tổ chức đánh giá, bình chọn và khen thưởng doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiêu biểu trên địa bàn thành phố Hà Nội;
2. Trong quá trình thực hiện quy định này, nếu có vấn đề vướng mắc, phát sinh, các cơ quan, tổ chức, cá nhân cần phản ánh về Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội để kịp thời tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.
Quyết định 29/2012/QĐ-UBND về Quy chế quản lý doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội
Số hiệu: | 29/2012/QĐ-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thành phố Hà Nội |
Người ký: | Nguyễn Thế Thảo |
Ngày ban hành: | 30/10/2012 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 29/2012/QĐ-UBND về Quy chế quản lý doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội
Chưa có Video