Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/2013/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 07 tháng 5 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH HỖ TRỢ, KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ NGÀNH DỆT MAY, DA GIÀY, MÂY TRE LÁ TRÊN ĐỊA BÀN NÔNG THÔN, MIỀN NÚI TỈNH QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 2013 - 2016

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 70/2013/NQ-HĐND ngày 20 tháng 3 năm 2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh về cơ chế hỗ trợ, khuyến khích đầu tư ngành dệt may, da giày, mây tre lá trên địa bàn nông thôn, miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2013 - 2016;

Theo đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 404/TTr-SCT ngày 18 tháng 4 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định hỗ trợ, khuyến khích đầu tư ngành dệt may, da giày, mây tre lá trên địa bàn nông thôn, miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2013 - 2016.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Phước Thanh

 

QUY ĐỊNH

HỖ TRỢ KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ NGÀNH DỆT MAY, DA GIÀY, MÂY TRE LÁ TRÊN ĐỊA BÀN NÔNG THÔN, MIỀN NÚI TỈNH QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 2013-2016
(Ban hành kèm theo Quyết định số 07/2013/QĐ-UBND ngày 07/5/2013 của UBND tỉnh Quảng Nam)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này hỗ trợ khuyến khích đầu tư ngành dệt may, da giày, mây tre lá trên địa bàn nông thôn, miền núi tỉnh Quảng Nam ngoài các cơ chế, chính sách của Trung ương và Quyết định số 06/2012/QĐ-UBND ngày 17/4/2012 của UBND tỉnh về ban hành Quy chế quản lý và ưu đãi đầu tư cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Phạm vi điều chỉnh của Quy định này bao gồm các hoạt động đầu tư ngành dệt may, da giày, mây tre lá sau đây:

1. Đầu tư thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế.

2. Đầu tư mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh; đầu tư đổi mới công nghệ; di chuyển các cơ sở sản xuất từ trung tâm đô thị vào các cụm công nghiệp trên địa bàn nông thôn và miền núi.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng Quy định này là các cơ sở sản xuất, kinh doanh có đăng ký kinh doanh tại tỉnh Quảng Nam bao gồm:

1. Doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp (2005).

2. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập theo Luật Hợp tác xã và tổ hợp tác thành lập theo Nghị định số 151/2005/NĐ-CP của Chính phủ.

3. Cá nhân, nhóm hộ kinh doanh được thành lập và hoạt động theo Nghị định số 43/2010/NÐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh.

4. Các dự án đầu tư vào khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc và các khu công nghiệp Bắc Chu Lai, Tam Hiệp không thuộc đối tượng áp dụng của Quy định này.

Điều 3. Điều kiện ưu đãi

Nhà đầu tư có dự án đầu tư vào ngành dệt may, da giày, mây tre lá được hưởng ưu đãi khi:

1. Dự án đầu tư vào khu vực nông thôn giải quyết từ 200 lao động trở lên đối với ngành dệt may, da giày và từ 50 lao động trở lên đối với ngành mây tre lá.

2. Dự án đầu tư vào khu vực miền núi giải quyết từ 20 lao động trở lên đối với ngành dệt may, da giày và từ 10 lao động trở lên đối với ngành mây tre lá.

Tất cả các dự án đầu tư thuộc phạm vi điều chỉnh nêu trên phải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.

Điều 4. Giải thích một số từ ngữ

Trong Quy định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Doanh nghiệp: là các doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp 2005.

2. Ngành dệt may, da giày: bao gồm sản xuất, gia công ngành dệt (vải, thổ cẩm, tơ lụa, chiếu cói và sợi); may (áo, quần, đồ bảo hộ lao động, túi xách...); da giày (các sản phẩm từ da, giả da; giày vải, giày từ các sản phẩm khác) và sản xuất nguyên phụ liệu dệt may, da giày.

3. Ngành mây tre lá: bao gồm chế biến nguyên liệu, sản xuất các sản phẩm từ mây tre lá (các sản phẩm làm từ mây, tre, lá, cói lát, lục bình, bẹ chuối, xơ dừa, rơm, gốc tre, nguyên liệu giả mây, tre lá).

4. Vùng miền núi: Gồm các xã, thị trấn thuộc các huyện miền núi: Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước, Nông Sơn và các xã miền núi: xã Đại Sơn, Đại Hồng, Đại Thạnh, Đại Chánh, Đại Lãnh, Đại Hưng, Đại Đồng, Đại Quang, Đại Tân (huyện Đại Lộc); xã Duy Sơn, Duy Phú (huyện Duy Xuyên); xã Bình Lãnh, Bình Phú (huyện Thăng Bình), xã Quế Phong (huyện Quế Sơn), xã Tam Lãnh (huyện Phú Ninh), xã Tam Trà, Tam Sơn, Tam Thạnh, Tam Mỹ Tây (huyện Núi Thành).

5. Vùng nông thôn: Gồm các xã nằm ngoài trung tâm thành phố Tam Kỳ, Hội An (trừ xã đảo Tân Hiệp); các xã, thị trấn thuộc các huyện Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn, Phú Ninh, Núi Thành (trừ các xã miền núi nêu tại khoản 4 Điều này).

Chương II

QUY ĐỊNH HỖ TRỢ VÀ KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ

Điều 5. Về mặt bằng

1. Nhà đầu tư được Nhà nước cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư với thời hạn theo Luật Đất đai hiện hành và đơn giá đất thuê theo khung giá đất do UBND tỉnh ban hành hằng năm. Nhà đầu tư chọn mặt bằng theo quy hoạch sử dụng đất chung của tỉnh (Nghị định số 181/NĐ-CP ngày 29/10/2004 về thi hành Luật đất đai).

2. Đối với dự án đầu tư vào các cụm công nghiệp đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật thì nhà đầu tư được giao mặt bằng sạch để triển khai thực hiện dự án.

3. Đối với dự án đầu tư vào các cụm công nghiệp đã được quy hoạch nhưng chưa giải phóng mặt bằng thì được UBND tỉnh giao cho UBND huyện (thành phố) nơi thực hiện dự án tiến hành phê duyệt phương án, thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư; ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí đối với việc bồi thường, giải phóng mặt bằng.

4. Các cơ sở sản xuất có dự án đầu tư thuộc diện ưu đãi theo Quy định này khi di chuyển từ trung tâm đô thị hoặc các địa điểm ngoài khu, cụm công nghiệp vào các cụm công nghiệp trên địa bàn nông thôn, miền núi được hỗ trợ 100% chi phí vận chuyển (không tính chi phí tháo dỡ).

5. Các dự án thuộc ngành dệt may, da giày, mây tre lá (trừ chế biến nguyên liệu) khi đầu tư vào các địa điểm ngoài khu, cụm công nghiệp thì UBND tỉnh giao UBND huyện (thành phố) nơi thực hiện dự án chọn các cơ sở cũ đã ngưng hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả (hợp tác xã, chợ, hội trường thuộc xã, thôn...) và xét thấy không vướng mắc về quy hoạch thì tiến hành thực hiện hoàn thành các thủ tục thu hồi, cho thuê đất và bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư.

6. Công ty Điện lực Quảng Nam đầu tư cấp điện đến chân hàng rào dự án theo cam kết.

7. Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không sử dụng trong thời hạn 12 (mười hai) tháng liền hoặc triển khai dự án chậm tiến độ hơn 24 (hai mươi bốn) tháng (với các lý do chủ quan, khách quan, không đảm bảo đúng pháp luật) thì UBND tỉnh sẽ thu hồi lại mặt bằng cho thuê và không bồi hoàn mọi chi phí đã đầu tư tại vị trí đất đã được giao.

Điều 6. Hỗ trợ về đào tạo lao động

1. Nhà đầu tư thuộc diện ưu đãi theo Quy định này được hỗ trợ 100% chi phí đào tạo nghề cho lao động (tự đào tạo hoặc hợp đồng với cơ sở dạy nghề). Định mức chi phí đào tạo nghề thực hiện theo quy định của UBND tỉnh, thời gian đào tạo được hỗ trợ chi phí không quá 03 tháng. Trước khi tổ chức đào tạo nghề cho lao động, nhà đầu tư phải đăng ký với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện (thành phố). Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện (thành phố) có trách nhiệm làm việc với các Sở, ngành của tỉnh (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Sở Công Thương và Sở Tài chính) để thực hiện các thủ tục hỗ trợ theo quy định.

2. Hỗ trợ nêu tại khoản 1 điều này chỉ áp dụng đối với lao động có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Quảng Nam, được tuyển dụng lần đầu tiên và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng có thời hạn từ 3 tháng trở lên; có đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Mỗi lao động chỉ được hỗ trợ đào tạo một lần.

Điều 7. Hỗ trợ xúc tiến thương mại

Các cơ sở sản xuất kinh doanh được hỗ trợ 100% chi phí gian hàng tham gia hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại ở trong tỉnh và 50% chi phí gian hàng ở các tỉnh, thành phố trong nước.

Điều 8. Hỗ trợ về tín dụng đầu tư

1. Nhà đầu tư có dự án đầu tư thuộc diện ưu đãi theo Quy định này được Quỹ Đầu tư phát triển Quảng Nam, Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã Quảng Nam (đối với tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã), xem xét hỗ trợ đầu tư theo pháp luật về đầu tư phát triển và được hưởng ưu đãi tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu theo quy định của Chính phủ (Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ).

2. Nhà đầu tư có dự án đầu tư thuộc diện ưu đãi theo Quy định này được các tổ chức tín dụng, Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Quảng Nam xem xét cho vay đầu tư xây dựng nhà xưởng và được hỗ trợ 50% lãi suất sau đầu tư số chênh lệch giữa lãi suất vay vốn của các tổ chức tín dụng và lãi suất vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước. Mức hỗ trợ lãi suất cho số tiền vay của mỗi dự án không quá 10 tỷ đồng. Thời gian hỗ trợ là 03 (ba) năm từ khi Ngân hàng thu lãi.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Tổ chức thực hiện

1. Sở Công Thương chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Quy định này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan sửa đổi, bổ sung trình UBND tỉnh xem xét, quyết định; định kỳ 6 tháng và hằng năm, báo cáo UBND tỉnh tình hình thực hiện và những vấn đề phát sinh cần giải quyết.

2. Sở Kế hoạch & Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính cân đối nguồn ngân sách hằng năm để thực hiện hỗ trợ theo Quy định này.

3. Sở Tài chính cân đối và cấp phát kinh phí hỗ trợ theo Quy định; phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan hướng dẫn doanh nghiệp được hỗ trợ lập hồ sơ, thủ tục và quyết toán theo quy định.

4. Sở Công Thương, Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh và các đơn vị liên quan có trách nhiệm xác nhận, trình UBND tỉnh quyết định hỗ trợ theo Quy định này.

5. Các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm phổ biến công khai và tổ chức triển khai thực hiện tốt Quy định này.

Điều 10. Trách nhiệm thi hành

1. Nhà đầu tư được hưởng các ưu đãi đầu tư theo quy định này phải thực hiện đúng các nội dung trong dự án đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận, đồng thời chấp hành tốt chế độ kế toán - thống kê, chế độ thuế của Nhà nước.

2. Quy định này được áp dụng từ thời điểm Nghị quyết số 70/2013/NQ-HĐND ngày 20/3/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam có hiệu lực (từ ngày 01 tháng 4 năm 2013) đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2016./.

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 07/2013/QĐ-UBND về Quy định hỗ trợ, khuyến khích đầu tư ngành dệt may, da giày, mây tre lá trên địa bàn nông thôn, miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2013 - 2016

Số hiệu: 07/2013/QĐ-UBND
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
Người ký: Lê Phước Thanh
Ngày ban hành: 07/05/2013
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [8]
Văn bản được căn cứ - [2]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 07/2013/QĐ-UBND về Quy định hỗ trợ, khuyến khích đầu tư ngành dệt may, da giày, mây tre lá trên địa bàn nông thôn, miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2013 - 2016

Văn bản liên quan cùng nội dung - [2]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [1]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [2]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…