BỘ
CHÍNH TRỊ |
ĐẢNG
CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 28-NQ/TW |
Hà Nội, ngày 16 tháng 06 năm 2003 |
VỀ TIẾP TỤC SẮP XẾP, ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG, LÂM TRƯỜNG QUỐC DOANH
I- ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH NÔNG, LÂM TRƯỜNG QUỐC DOANH
Nông, lâm trường quốc doanh được thành lập với nhiệm vụ chủ yếu là khai hoang mở rộng diện tích canh tác ở các vùng đất mới, phát triển sản xuất nông, lâm sản hàng hoá cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi, đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm nghiệp; làm trung tâm xây dựng một số vùng kinh tế mới, nông thôn mới; kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh, quốc phòng ở những vùng xung yếu, khó khăn.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, nhất là từ khi thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước trong nông nghiệp, các nông, lâm trường quốc doanh đã có những chuyển đổi quan trọng cả về tổ chức quản lý và nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống người lao động. Nông, lâm trường quốc doanh đã có đóng góp nhất định vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trên nhiều địa bàn nông thôn, miền núi. Nhiều nông, lâm trường đã trở thành nòng cốt phát triển một số ngành hàng nông, lâm sản quan trọng, hình thành và phát triển vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, tạo thuận lợi cho xây dựng cơ sở chế biến nông, lâm sản.
Một số nông, lâm trường đã làm tốt vai trò trung tâm kinh tế - kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, cung cấp giống cây trồng, giống vật nuôi, dịch vụ kỹ thuật và tiêu thụ, chế biến nông sản cho nông dân trong vùng; thực hiện sản xuất, kinh doanh tổng hợp, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ nông, lâm sản đạt hiệu quả kinh tế cao, tạo được một số mô hình mới về công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.
Nhiều nông, lâm trường đã tích cực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, hình thành các tụ điểm văn hoá, trung tâm kinh tế - xã hội, thị trấn, thị tứ trên địa bàn, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, vùng biên giới, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho đồng bào các dân tộc, góp phần ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Tuy nhiên, các nông, lâm trường còn những yếu kém sau đây:
Hiệu quả sử dụng đất đai còn thấp, diện tích đất chưa sử dụng còn nhiều; quản lý đất đai, tài nguyên rừng còn nhiều yếu kém; tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất đai giữa hộ dân với nông trường xảy ra ở nhiều nơi. Chủ trương giao khoán đất đai, vườn cây, rừng ổn định lâu dài cho hộ thành viên chậm được thực hiện, hoặc thực hiện không đúng; một số nông, lâm trường đã khoán trắng cho người nhận khoán.
Việc chỉ đạo thí điểm bán vườn cây, đàn gia súc ở một số nơi thiếu chặt chẽ làm thất thoát tài sản của Nhà nước và của nông, lâm trường. Việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất chậm được đổi mới, chủ yếu vẫn sử dụng giống cây, con cũ, giống đã thoái hoá; kỹ thuật canh tác, trang thiết bị phục vụ sản xuất, cơ sở công nghiệp chế biến còn lạc hậu. Sản phẩm của nông, lâm trường chưa đa dạng, chất lượng còn thấp.
Sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả thấp, số nông, lâm trường làm ăn có lãi chưa nhiều, mức nộp ngân sách hàng năm ít, công nợ phải trả lớn. Hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội trong nông, lâm trường xuống cấp nghiêm trọng. Đời sống cán bộ, công nhân viên còn nhiều khó khăn, việc đóng bảo hiểm xã hội cho cán bộ, công nhân viên trong nông, lâm trường chưa được thực hiện nghiêm túc. Một số nông trường chưa quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào tại chỗ, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số gắn bó với nông trường, ổn định sản xuất, đời sống. Bộ máy quản lý của các nông, lâm trường tuy có giảm nhiều so với trước, nhưng vẫn còn lớn, hiệu quả điều hành thấp.
Nguyên nhân của những yếu kém trên có phần do nông, lâm trường hoạt động trên những địa bàn khó khăn, vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, kinh tế chậm phát triển, sản xuất có nhiều rủi ro, nhưng chủ yếu là do những nguyên nhân chủ quan sau:
1. Sự chỉ đạo của Chính phủ và các ngành, các cấp chưa tương xứng, chưa đủ cụ thể. Một thời gian dài thiếu quan tâm và buông lỏng chỉ đạo, thiếu kiên quyết khắc phục những thiếu sót, yếu kém. Một số chính sách của Nhà nước đối với nông, lâm trường không còn phù hợp nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung đồng bộ. Chưa làm rõ chức năng, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh với nhiệm vụ công ích của nông, lâm trường, nên lúng túng trong tổ chức lại sản xuất, đổi mới cơ chế quản lý nông, lâm trường. Chưa làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm để phát huy những ưu điểm, nhân điển hình tiên tiến và kịp thời chấn chỉnh, khắc phục yếu kém, khuyết điểm của nông, lâm trường.
2. Nhiều cấp uỷ đảng ở địa phương có nông, lâm trường chưa quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của nông, lâm trường; chưa nhận thức đúng vai trò, vị trí của nông, lâm trường nên chưa tập trung chỉ đạo, giúp đỡ nông, lâm trường đổi mới, phát triển. Tổ chức cơ sở đảng trong nông, lâm trường chưa làm tốt vai trò lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình.
3. Các nông, lâm trường được xây dựng và tồn tại quá lâu trong cơ chế tập trung, bao cấp nên nhìn chung, đội ngũ cán bộ quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu, cán bộ và công nhân ở nhiều nông, lâm trường còn biểu hiện thụ động, trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, không tích cực chuyển đổi nội dung và phương thức hoạt động theo cơ chế mới.
1. Đổi mới nông, lâm trường quốc doanh phải góp phần thực hiện tốt các chủ trương đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội IX của Đảng và Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX về công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn: nâng cao hiệu quả sử dụng bền vững tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng, vườn cây lâu năm và cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện có; hình thành các vùng sản xuất nông, lâm sản hàng hoá tập trung, chuyên canh, thâm canh quy mô lớn gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; nâng cao hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, bảo vệ môi trường sinh thái và góp phần xoá đói, giảm nghèo.
2. Đổi mới nông, lâm trường quốc doanh phải tạo được cơ chế quản lý mới và hình thức tổ chức phù hợp để thúc đẩy ứng dụng nhanh và có hiệu quả các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông, lâm nghiệp; tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phân bổ lại lao động và dân cư; làm điểm tựa cho phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng ở những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
3. Đổi mới nông, lâm trường quốc doanh phải gắn với đổi mới về cơ chế quản lý theo hướng phân biệt rõ nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và nhiệm vụ công ích. Nông, lâm trường làm nhiệm vụ kinh doanh là chủ yếu thì phải chuyển hẳn sang sản xuất và hạch toán kinh doanh theo cơ chế thị trường có sự hỗ trợ cần thiết và có điều kiện của Nhà nước. Những nông, lâm trường tuy đã chuyển sang kinh doanh nhưng còn phải đảm nhận một phần chức năng xã hội và an ninh, quốc phòng thì Nhà nước có chính sách hỗ trợ thích hợp. Nông, lâm trường được giao nhiệm vụ công ích là chủ yếu thì hoạt động theo loại hình doanh nghiệp công ích.
a) Những nông trường chuyên canh cây lâu năm (như cao su, cà phê, chè, cây ăn quả...), có cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh cần tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu quả theo hướng: tập trung đầu tư thâm canh diện tích vườn cây đã trồng, gắn với đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở chế biến hiện có hoặc xây dựng cơ sở chế biến mới (theo hướng huy động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nông trường tham gia góp cổ phần) để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; chỉ mở rộng thêm diện tích trồng mới khi có dự án thực sự hiệu quả; diện tích đất chưa sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả thì chính quyền địa phương thu hồi để sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai.
b) Những nông trường sản xuất cây hàng năm và chăn nuôi thì chuyển đổi theo hướng:
Nông trường chuyên canh mía, dứa, dâu tằm, bông, thuốc lá..., phải được tổ chức lại sản xuất gắn với cơ sở chế biến, đồng thời phải chuyển nhanh sang sản xuất giống, xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để phục vụ nông trường và thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp trong vùng.
Những nông trường sản xuất cây lương thực, cây hàng năm khác và chăn nuôi phải chuyển hẳn sang sản xuất giống và xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để chuyển giao cho hộ nông dân sản xuất; đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở chế biến hiện có hoặc xây dựng cơ sở chế biến mới và tổ chức kinh doanh để hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
c) Tiếp tục giữ lại hoặc thành lập mới những nông trường ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và có yêu cầu phục vụ cho định canh, định cư, an ninh - quốc phòng. Nông trường chỉ quản lý một diện tích đất phù hợp để sản xuất giống, xây dựng mô hình ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật và xây dựng cơ sở chế biến để phục vụ đồng bào trong vùng; kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với an ninh, quốc phòng.
d) Chuyển sang loại hình sở hữu khác hoặc giải thể những nông trường nhiều năm làm ăn thua lỗ hoặc thu nhập dựa chủ yếu từ nguồn thu cho thuê đất, không có yêu cầu giữ lại.
a) Những lâm trường đang quản lý chủ yếu là rừng sản xuất và đất trồng rừng nguyên liệu cần được tiếp tục đầu tư thâm canh, sử dụng giống mới, gắn lâm trường (vùng nguyên liệu) với nhà máy chế biến (cả về tổ chức và hợp đồng kinh tế) và hoạt động theo cơ chế sản xuất, kinh doanh.
c) Những lâm trường quản lý diện tích đất lâm nghiệp ít, phân bố xen kẽ với đất nông nghiệp và gần khu dân cư thì thu hẹp diện tích, chuyển thành đơn vị sự nghiệp có thu, làm dịch vụ sản xuất cây giống, xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân trong vùng. Diện tích còn lại thì chính quyền địa phương thu hồi để đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật đất đai.
d) Những lâm trường không cần giữ lại thì giải thể, chính quyền địa phương thu hồi đất để sử dụng theo quy định của pháp luật.
Rà soát lại quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch, kế hoạch phát triển nông, lâm trường trên từng địa bàn, từng vùng sinh thái và từng địa phương. Xác định rõ nhiệm vụ của từng nông, lâm trường theo phương hướng sắp xếp, đổi mới nêu trên.
Trên cơ sở xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng nông, lâm trường, tiến hành rà soát, làm rõ tình hình đất đai của các nông, lâm trường trên bản đồ và trên thực địa. Xác định rõ diện tích đất cần giữ lại cho từng nông trường, lâm trường; diện tích đất dôi ra giao lại cho chính quyền địa phương để giao cho các hộ nông dân theo pháp luật gắn với thực hiện tốt chủ trương giao đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, khắc phục nhanh tình trạng đồng bào không có đất ở, không có đất sản xuất, nhất là ở các vùng Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ.
Đất nông, lâm trường sử dụng không đúng mục đích, không đúng quy hoạch và kém hiệu quả thì uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thu hồi để giao hoặc cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuê sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai.
Đất nông, lâm trường đã cho các tổ chức, hộ gia đình thuê, mượn, nếu đang sản xuất nông, lâm nghiệp phù hợp với quy hoạch và quy định của pháp luật thì được tiếp tục sử dụng và phải chuyển sang thuê đất của Nhà nước theo đúng các quy định hiện hành.
Đất của nông, lâm trường bị lấn chiếm thì phải thu hồi. Đất tranh chấp giữa hộ dân cư với nông, lâm trường cần được xem xét từng trường hợp cụ thể để giải quyết theo pháp luật đất đai. Đất tranh chấp giữa các tổ chức khác với nông, lâm trường thì căn cứ theo quy hoạch của địa phương (cấp tỉnh) và chức năng, nhiệm vụ của nông, lâm trường và tổ chức đang tranh chấp để giải quyết theo quy định của pháp luật đất đai.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng nông, lâm trường, căn cứ vào quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp trên địa bàn và diện tích đất đã được rà soát điều chỉnh lại, uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cắm mốc, xác định rõ ranh giới và ra quyết định giao đất hoặc cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nông, lâm trường. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cần hoàn thành chậm nhất vào năm 2005.
2. Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý của nông, lâm trường
Đối với nông, lâm trường có chức năng, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh là chính thì chuyển sang thuê đất của Nhà nước và được hưởng chính sách khuyến khích đầu tư trong nước. Nông, lâm trường phải thực hiện chế độ khoán sản phẩm cuối cùng, ổn định lâu dài cho cán bộ, công nhân viên, hộ gia đình công nhân, nông dân (theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khoá IX về "Tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước") và thực hiện tiêu thụ nông, lâm sản thông qua hợp đồng với người nhận khoán trong và ngoài nông, lâm trường.
Đối với nông, lâm trường chuyển sang đơn vị sự nghiệp có thu thì được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất. Nông, lâm trường phải quản lý đất đai, rừng và tổ chức sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch được giao; Nhà nước quy định về tổ chức quản lý và giao biên chế phù hợp với nhiệm vụ; có chính sách tài chính phù hợp đối với phần thu của nông, lâm trường.
Các nông, lâm trường phải tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức khoán ổn định, lâu dài đến hộ công nhân, người lao động theo hướng tăng cường vai trò, trách nhiệm quản lý, điều hành của nông, lâm trường; đồng thời, nâng cao tính năng động của người nhận khoán để sản xuất kinh doanh có hiệu quả cao hơn; gắn lợi ích của người lao động với kết quả sản xuất, bảo đảm hài hoà lợi ích của nông, lâm trường và người lao động.
Đối với diện tích đất đã thực hiện khoán đến hộ công nhân và người lao động, nếu thực hiện đúng hợp đồng, sử dụng đúng mục đích thì hộ nhận khoán được tiếp tục sử dụng đất đai theo hợp đồng đã ký kết và có điều chỉnh, bổ sung phù hợp trách nhiệm quản lý đất của nông, lâm trường. Những diện tích đất khoán trắng cho người nhận khoán (thực chất là cho thuê đất), thì phải thu hồi để chuyển sang hình thức giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.
Cần tiến hành sơ kết việc thực hiện giao khoán đất, khoán vườn cây, khoán rừng trong các nông, lâm trường để sửa đổi, bổ sung hoàn chỉnh cơ chế khoán đạt hiệu quả cao hơn và khắc phục các lệch lạc. Đối với diện tích đất chưa khoán phải tổ chức khoán ổn định, lâu dài cho cán bộ, công nhân viên nông, lâm trường và nông dân trong vùng.
Đối với những lâm trường có diện tích rừng tự nhiên và đất có khả năng phục hồi thành rừng tự nhiên thì áp dụng chế độ khoán bảo vệ, khoanh nuôi, chăm sóc ổn định lâu dài cho các hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng thôn bản.
Các nông, lâm trường phải đẩy mạnh triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ mới, công nghệ cao vào sản xuất, chế biến và các khâu sau thu hoạch. Hợp tác, liên kết với các cơ sở nghiên cứu khoa học để bảo vệ nguồn gen, chọn lọc, lai tạo và sản xuất giống cây nông nghiệp, lâm nghiệp và vật nuôi có năng suất, chất lượng cao. Có chính sách hỗ trợ từ nguồn ngân sách cho việc nhập khẩu những nguồn gen quý, giống tốt có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng để sản xuất giống tốt cung cấp cho nhu cầu sản xuất của nông, lâm trường và nông dân trong vùng.
Nông, lâm trường phải là trung tâm chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới, công nghệ cao, cung cấp dịch vụ khuyến nông, khuyến lâm, thông tin thị trường đối với nông dân trong vùng. Có chính sách hỗ trợ kinh phí khuyến nông, khuyến lâm phù hợp cho nông, lâm trường.
Các nông, lâm trường chuyển sang hoạt động sản xuất, kinh doanh phải hạch toán kinh tế theo Luật Doanh nghiệp. Nông, lâm trường phải thực hiện quy chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh.
Tiền thanh lý vườn cây, rừng trồng, đàn gia súc, tiền trích khấu hao cơ bản, tiền thuế thu nhập doanh nghiệp được để lại cho nông, lâm trường để đầu tư cho thâm canh, trồng rừng mới và trồng lại vườn cây, mua sắm thiết bị, đổi mới công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Nông, lâm trường được hỗ trợ đầu tư từ nguồn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước; thời hạn vay vốn theo chu kỳ kinh doanh của từng loại cây trồng, vật nuôi; được Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội theo quy hoạch, kế hoạch và vùng dự án.
Các nông, lâm trường bàn giao đường giao thông, hệ thống điện, công trình thuỷ lợi, trường học, bệnh xá... xây dựng trước đây để phục vụ nhu cầu chung trên địa bàn về cho các địa phương quản lý và được giảm vốn tương ứng với giá trị tài sản khi bàn giao. Đối với các nông, lâm trường được duy trì, xây dựng ở vùng đặc biệt khó khăn do yêu cầu an ninh - quốc phòng, làm nhiệm vụ công ích được ngân sách bố trí kế hoạch để đầu tư, duy tu bảo dưỡng, sửa chữa cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.
Thực hiện cổ phần hoá các nhà máy, cơ sở chế biến của nông, lâm trường theo quy định hiện hành; thí điểm cổ phần hoá vườn cây, rừng trồng của nông, lâm trường gắn với cổ phần hoá doanh nghiệp chế biến, có chính sách để người sản xuất nguyên liệu được hưởng lợi ích mua cổ phần ưu đãi như người chế biến; không cổ phần hoá rừng tự nhiên và những diện tích đất có khả năng phục hồi thành rừng tự nhiên.
Đối với các nông, lâm trường chuyển sang hoạt động công ích được thực hiện chính sách như doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích. Cần rà soát các định mức trồng, khoanh nuôi, bảo vệ, tái sinh rừng để điều chỉnh những định mức không phù hợp; đồng thời tăng cường đầu tư cho lực lượng kiểm lâm nhân dân. Các yếu kém về tài chính, như các khoản lỗ, nợ quá hạn... được xử lý theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khoá IX) và các quyết định của Chính phủ.
5. Chính sách đối với người lao động
Hộ gia đình cán bộ, công nhân viên nông, lâm trường (bao gồm cả những người đang làm việc, người nghỉ mất sức, người nghỉ hưu và những người xin thôi việc) cư trú hợp pháp trên địa bàn, chưa được cấp đất ở thì chính quyền địa phương giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở trên cơ sở quy hoạch khu dân cư của địa phương.
Đối với những nông, lâm trường đã giải thể hoặc hộ công nhân viên không còn làm việc ở nông, lâm trường thì các hộ gia đình này được chính quyền địa phương xem xét giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Cán bộ, công nhân viên nông, lâm trường trong danh sách, đang làm việc, không hưởng lương do nông, lâm trường trả, nhưng có thu nhập từ kết quả sản xuất do nhận khoán đất, nhận khoán rừng, vườn cây, đàn gia súc của nông, lâm trường có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội và được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Nhà nước.
Lao động dôi dư trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại nông, lâm trường cần được giải quyết theo quy định của pháp luật về chính sách đối với người lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước.
Nhà nước có chính sách đào tạo cán bộ quản lý, kỹ thuật của nông, lâm trường nhằm nâng cao trình độ, năng lực điều hành, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới; có chính sách hỗ trợ nông, lâm trường đào tạo lao động người dân tộc thiểu số tại chỗ thành nông, lâm trường viên để giúp đồng bào ổn định cuộc sống, gắn bó với nông trường.
6. Phân cấp quản lý nông, lâm trường
Đối với những nông, lâm trường làm nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh trồng cây công nghiệp phải gắn với nhà máy chế biến hoặc thị trường tiêu thụ thì tiếp tục giữ và đưa vào làm thành viên của các doanh nghiệp nhà nước.
Cấp uỷ đảng và chính quyền địa phương thực hiện chức năng lãnh đạo, quản lý nhà nước đối với các nông, lâm trường theo các quy định hiện hành như đối với doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp có thu của Nhà nước.
III- TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN
|
TỔNG
BÍ THƯ |
Nghị quyết số 28-NQ/TW về việc tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh do Bộ Chính trị ban hành
Số hiệu: | 28-NQ/TW |
---|---|
Loại văn bản: | Nghị quyết |
Nơi ban hành: | Bộ Chính trị |
Người ký: | Nông Đức Mạnh |
Ngày ban hành: | 16/06/2003 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Nghị quyết số 28-NQ/TW về việc tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh do Bộ Chính trị ban hành
Chưa có Video