Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/2014/NQ-HĐND

Đồng Tháp, ngày 29 tháng 09 năm 2014

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA ĐỀ ÁN THÀNH LẬP QUỸ BẢO LÃNH TÍN DỤNG CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TỈNH ĐỒNG THÁP

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP
KHÓA VIII - KỲ HỌP BẤT THƯỜNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Căn cứ Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Sau khi xem xét Tờ trình số 55/TTr-UBND ngày 06 tháng 9 năm 2014 của Ủy ban nhân dân Tỉnh về việc thông qua Đề án thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Đồng Tháp; Báo cáo thẩm tra số 30/BC-HĐND ngày 25 tháng 9 năm 2014 của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân Tỉnh và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân Tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thống nhất thông qua Đề án thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Đồng Tháp (Có Đề án kèm theo).

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân Tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân và các vị Đại biểu Hội đồng nhân dân Tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp khóa VIII, kỳ họp bất thường thông qua ngày 26 tháng 9 năm 2014 và có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày thông qua./.

 

 

Nơi nhận:
- UBTVQH, VPCP (I, II), Ban Công tác đại biểu;
- Bộ Tài chính, Cục Kiểm tra văn bản (BTP);
- Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ;
- TT/TU, UBND, UBMTTQVN Tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội Tỉnh;
- Các Đại biểu HĐND Tỉnh;
- Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy;
- Các Sở, Ban ngành Tỉnh;
- TT/HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Công báo Tỉnh;
- Lưu: VT, Phòng KT&NS.

CHỦ TỊCH




Đoàn Quốc Cường

 

ĐỀ ÁN

THÀNH LẬP QUỸ BẢO LÃNH TÍN DỤNG CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TỈNH ĐỒNG THÁP
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 16/2014/NQ-HĐND ngày 29 tháng 9 năm 2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp)

Phần 1

SỰ CẦN THIẾT THÀNH LẬP QUỸ BẢO LÃNH TÍN DỤNG CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TỈNH ĐỒNG THÁP

I. Cơ sở pháp lý về việc thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Căn cứ Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg, ngày 15/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Căn cứ Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;

II. Hiện trạng các doanh nghiệp nhỏ và vừa

1. Số lượng DNNVV

Đồng Tháp nằm ở đầu nguồn sông Tiền, phía Bắc giáp tỉnh Long An, phía Tây Bắc giáp Campuchia, phía Nam giáp An Giang và Cần Thơ. Đồng Tháp là nơi có tiềm năng to lớn về nông nghiệp, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ. Thời gian qua, được sự quan tâm kêu gọi đầu tư của Lãnh đạo tỉnh, công tác phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp bước đầu đã đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ, các doanh nghiệp không ngừng phát triển về số lượng cũng như chất lượng.

Số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn trong những năm gần đây, cụ thể như sau:

- Năm 2011: có 380 đơn vị doanh nghiệp đăng ký, vốn đăng ký là 2.250 tỷ đồng.

- Năm 2012: có 346 đơn vị doanh nghiệp đăng ký, vốn đăng ký là 1.423 tỷ đồng.

- Năm 2013: có 675 doanh nghiệp, tổng số vốn đăng ký là 1.536 tỷ đồng.

- Qua 6 tháng đầu năm 2014: có 174 doanh nghiệp cấp mới đăng ký kinh doanh, với tổng số vốn đăng ký 807,186 tỷ đồng; cấp thay đổi đăng ký kinh doanh cho 244 lượt doanh nghiệp, trong đó có 50 lượt doanh nghiệp đăng ký tăng vốn với số vốn tăng 628,930 tỷ đồng, 02 doanh nghiệp giảm vốn 4,025 tỷ đồng; thực hiện thủ tục giải thể 40 doanh nghiệp, tạm ngừng kinh doanh 143 doanh nghiệp. Lũy kế đến thời điểm 30/6/2014, số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh còn hoạt động là 2.944 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký là 21.825 tỷ đồng.

Theo số liệu thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, số lượng DNNVV chiếm trên 97% tổng số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh. Do đó, tính đến thời điểm 30/6/2014, số lượng DNNVV của Tỉnh khoảng 2.856 doanh nghiệp.

2. Tình hình vay vốn của DNNVV tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Tính đến ngày 30/6/2014, tổng số dư nợ tín dụng của DNNVV tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh là 3.281.094 triệu đồng. Cụ thể như sau:

STT

Tên Ngân hàng

Số lượng DNNVV còn dư nợ

Dư nợ đến 30/6/2014
(Tr.đ)

1

NH Nông nghiệp & PTNT - CN Đồng Tháp

258

359.530

2

NH TMCP Công thương - CN Đồng Tháp

97

533.909

3

NH TMCP Công thương - CN Sa Đéc

57

451.887

4

NH TMCP ngoại thương - CN Đồng Tháp

40

249.165

5

NH TMCP Đầu tư & Phát triển - CN Đồng Tháp

50

438.811

6

NH TMCP Phát triển nhà ĐBSCL - CN Đồng Tháp

36

80.419

7

NH TMCP Phát triển nhà ĐBSCL - CN Sa Đéc

22

72.009

8

NH TMCP Xăng dầu Petrolimex - CN Đồng Tháp

26

243.990

9

NH TMCP Sài Gòn Thương tín - CN Đồng Tháp

87

199.221

10

NH TMCP Phương Nam - CN Đồng Tháp

1

2.127

11

NH TMCP Sài Gòn - CN Đồng Tháp

2

6.586

12

NH TMCP Á Châu - CN Đồng Tháp

37

206.546

13

NH TMCP Kiên Long - CN Đồng Tháp

1

300

14

NH TMCP Việt Nam Thị Vượng - CN Đồng Tháp

21

38.840

15

NH TMCP Đông Á - CN Đồng Tháp

2

9.688

16

NH TMCP Phương Đông - CN Đồng Tháp

10

4.456

17

NH TMCP An Bình - CN Đồng Tháp

6

10.678

18

NH TMCP PT Mê Kông - CN Đồng Tháp

1

40

19

NH TMCP Kỹ Thương - CN Đồng Tháp

10

7.499

20

NH TMCP Quân đội - CN Đồng Tháp

54

364.420

21

PGD NH TMCP Quốc Dân - CN Đồng Tháp

2

973

 

Tổng cộng

820

3.281.094

Tổng số DNNVV có dư nợ tín dụng tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp là 820 doanh nghiệp bằng 28,71% trên tổng số DNNVV.

3. Những khó khăn của DNNVV tỉnh Đồng Tháp

Theo báo cáo số 219/BC-UBND ngày 11/11/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Báo cáo đánh giá giữa kỳ về thực hiện Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2011 - 2015, bên cạnh những mặt đạt được của các DNNVV như: hoạt động khá linh hoạt trong nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đáp ứng được nhu cầu thị trường, thu hút các nguồn lực của xã hội, tạo thêm việc làm, tăng thêm thu nhập đóng góp đáng kể vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng; và phát triển kinh tế của địa phương thì DNNVV của tỉnh còn tồn tại không ít khó khăn, thách thức. Cụ thể như sau:

- Phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất còn lạc hậu,... trình độ quản lý hạn chế, năng lực cạnh tranh thấp đã ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh.

- Mặc dù lãi suất cho vay giảm nhưng một số doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng do bản thân doanh nghiệp chưa đáp ứng các điều kiện vay như: không đủ tài sản thế chấp, đang có dư nợ cao tại ngân hàng, phương án, dự án sản xuất kinh doanh chưa khả thi,...

- Một số doanh nghiệp lập báo cáo tài chính chưa phản ánh đúng thực tế tình hình kinh doanh của doanh nghiệp từ đó ảnh hưởng đến lòng tin cho vay của các tổ chức tín dụng.

- Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng đến lĩnh vực xuất khẩu 02 mặt hàng chủ lực của Đồng Tháp là gạo và cá tra, làm cho một số doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động hoặc giảm quy mô sản xuất.

- Hạ tầng giao thông kết nối với các khu công nghiệp, khu kinh tế chưa được nhiều thuận lợi nên khó thu hút đầu tư lớn.

- Nhiều doanh nghiệp chưa chủ động xây dựng chiến lược lâu dài, điều này làm giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường và là một rào cản lớn trong quá trình phát triển và hội nhập của doanh nghiệp.

- Mặc dù các chính sách về đất đai, chính sách thuế đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, hiện nay việc giải quyết mặt bằng sản xuất kinh doanh cũng như các thủ tục để doanh nghiệp đi vào hoạt động vẫn còn chậm, hồ sơ, thủ tục trong việc kê khai thuế, miễn, giảm thuế còn phức tạp, nhiều cơ sở kinh doanh mặc dù đủ điều kiện đăng ký doanh nghiệp nhưng lại chọn hình thức đăng ký hộ kinh doanh để được hưởng thuế khoán.

- Các DNNVV trong cùng một ngành thiếu liên kết hiệp, hỗ trợ và giúp đỡ nhau cùng phát triển.

- Kinh phí hỗ trợ đào tạo DNNVV theo quy định tại Thông tư 05/2011/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 31/03/2011 khó thực hiện.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa do chưa đủ khả năng quản trị doanh nghiệp, nguồn vốn kinh doanh... nên đã tạm ngưng hoạt động, thậm chí phải giải thể doanh nghiệp, số doanh nghiệp giải thể trong năm 2013 là 74 doanh nghiệp, tạm ngừng kinh doanh là 243 doanh nghiệp; 06 tháng đầu năm 2014 là 40 doanh nghiệp, tạm ngừng kinh doanh là 143 doanh nghiệp. Ngoài ra, còn có một bộ phận doanh nghiệp tự đóng cửa, tự giải thể mà không lập thủ tục giải thể theo quy định. Để giải quyết thực trạng trên, đòi hỏi chính quyền các cấp của tỉnh cần phải có những giải pháp thiết thực để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và tài chính nhằm giúp doanh nghiệp phát triển ngày càng bền vững và lâu dài.

III. Sự cần thiết phải thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Đồng Tháp

1. Việc quan tâm đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa là một nhiệm vụ rất quan trọng trong chiến lược giữ vững ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp nhằm từng bước tăng cường vị trí của tỉnh trong khu vực, phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước hiện nay.

2. Trong thực tế hiện nay, khả năng và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã góp phần đáng kể trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và là một tiềm năng rất lớn của địa phương. Đồng thời các doanh nghiệp này cũng có một vị trí, vai trò rất quan trọng trong việc tạo môi trường công ăn việc làm và nâng cao đời sống cho người lao động.

3. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp của tỉnh có quy mô hoạt động nhỏ, thiếu vốn để đầu tư đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường; tuy có nhiều nguồn vốn của xã hội có khả năng đảm bảo tín dụng một phần cho các đối tượng này, song chưa đáp ứng yêu cầu vốn kinh doanh để các doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ động trong hoạt động; Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có dự án khả thi, cần vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất kinh doanh nhưng không đủ điều kiện tín chấp và tài sản thế chấp, cầm cố, không có bên thứ 3 bảo lãnh bằng tài sản. Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ra đời nhằm hỗ trợ những doanh nghiệp này vay vốn làm ăn, để tạo động lực cho các doanh nghiệp phát triển.

4. Thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Đồng Tháp trong giai đoạn hiện nay là một trong những biện pháp có ý nghĩa quan trọng cho việc phát triển lâu dài, để huy động tổng hợp các nguồn vốn từ ngân sách, các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức đại diện và hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn tài trợ của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước; là nhu cầu cần thiết nhằm đáp ứng việc hỗ trợ vốn để phục vụ cho hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chủ động trong hội nhập khu vực và quốc tế trong lúc các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khó khăn về vốn và có nhiều hạn chế trong vay vốn từ các tổ chức tín dụng do không đủ tài sản thế chấp, cầm cố, vay vốn của các tổ chức tín dụng.

Từ thực tiễn nêu trên cho thấy việc thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thật sự cần thiết. Khi đi vào hoạt động, Quỹ bảo lãnh tín dụng sẽ có tác dụng quan trọng vào sự phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ đó, góp phần vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống của nhân dân; huy động được nhiều nguồn lực vào sản xuất, giải quyết việc làm cho người lao động, đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách nhà nước; nâng cao kim ngạch xuất khẩu, góp phần thực hiện các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

IV. Mục đích thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tỉnh Đồng Tháp

Mục đích thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Đồng Tháp là cấp bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để vay vốn tại các tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng khi doanh nghiệp có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi và đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Đề án này.

V. Đánh giá tác động của việc thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tỉnh Đồng Tháp

1. Giúp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn tín dụng thương mại để tăng cường nhanh năng lực tài chính để phát triển sản xuất kinh doanh;

2. Góp phần quan trọng định hướng và điều tiết các hoạt động của DNNVV, hướng các hoạt động của DNNVV vào các ngành nghề và khu vực cần phát triển theo định hướng của Nhà nước;

3. Khuyến khích, thúc đẩy các tầng lớp dân cư bỏ vốn đầu tư trực tiếp tạo lập doanh nghiệp mới hoặc mở rộng quy mô hoạt động của các DNNVV, góp phần tích cực vào việc phát triển nền kinh tế của Tỉnh.

Phần 2

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ BẢO LÃNH TÍN DỤNG CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TỈNH ĐỒNG THÁP

I. Hình thức pháp lý và tư cách pháp nhân

1. Tên Quỹ: Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Đồng Tháp.

2. Tên viết tắt: Quỹ bảo lãnh tín dụng tỉnh Đồng Tháp.

3. Cơ cấu tổ chức quản lý và điều hành Quỹ:

- Cơ cấu tổ chức quản lý và điều hành của Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV gồm có: Hội đồng quản lý, Ban kiểm soát, Ban điều hành.

- Tổ chức hoạt động: Hội đồng Quản lý Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng quản lý; Ban kiểm soát ủy thác cho Ban kiểm soát Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh thực hiện; Ban điều hành ủy thác cho Quỹ Đầu tư Phát triển Tỉnh điều hành.

4. Hình thức pháp lý: Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Đồng Tháp là một tổ chức tài chính nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, theo nguyên tắc bù đắp chi phí và bảo toàn vốn; Quỹ có tư cách pháp nhân, có vốn điều lệ, có con dấu, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại trong nước. Quỹ trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp.

5. Quỹ bảo lãnh tín dụng tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật và Điều lệ tổ chức và hoạt động được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp phê duyệt.

II. Giải thích từ ngữ

Trong Đề án này, những cụm từ sau đây được hiểu như sau:

1. Bảo lãnh tín dụng: Là cam kết bằng văn bản của Quỹ bảo lãnh tín dụng với tổ chức tín dụng về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh khi bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh. Bên được bảo lãnh phải nhận nợ và hoàn trả cho Quỹ bảo lãnh tín dụng số tiền đã được Quỹ bảo lãnh tín dụng trả thay.

2. Bên bảo lãnh: Là Quỹ bảo lãnh tín dụng.

3. Bên được bảo lãnh: Là đối tượng quy định tại Khoản 1 Mục V Phần 2 của Đề án này được Quỹ bảo lãnh tín dụng cấp bảo lãnh tín dụng.

4. Bên nhận bảo lãnh: Là các tổ chức tín dụng thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng, thực hiện cấp tín dụng cho bên được bảo lãnh.

5. Hợp đồng bảo lãnh tín dụng: Là thỏa thuận bằng văn bản giữa bên bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh và bên được bảo lãnh về việc bên bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh khi bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh.

III. Chức năng, phạm vi hoạt động

1. Chức năng:

Quỹ bảo lãnh tín dụng là cầu nối giữa doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng; hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và Quỹ tín dụng nhân dân.

2. Phạm vi hoạt động:

Quỹ bảo lãnh tín dụng hoạt động trong phạm vi địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

IV. Nguồn vốn để thành lập Quỹ

Vốn hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng được hình thành từ các nguồn sau:

1. Vốn điều lệ do ngân sách cấp khi thành lập là 30 tỷ đồng.

Trong quá trình hoạt động, Quỹ bảo lãnh tín dụng được điều chỉnh tăng vốn điều lệ. Việc tăng vốn điều lệ do Ủy ban nhân dân Tỉnh quyết định trên cơ sở đề nghị của Hội đồng quản lý Quỹ Đầu tư phát triển Tỉnh.

2. Vốn tự bổ sung từ kết quả hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng.

3. Vốn từ các nguồn:

a) Vốn góp của các tổ chức tín dụng.

b) Vốn góp của các doanh nghiệp.

c) Vốn góp của các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức đại diện và hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

d) Vốn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân (bao gồm cả vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA) trong và ngoài nước cho mục tiêu phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã, các chương trình phát triển nông, lâm, ngư nghiệp.

e) Các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

V. Nội dung hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng

1. Đối tượng được cấp bảo lãnh tín dụng:

Đối tượng được Quỹ bảo lãnh tín dụng cấp bảo lãnh tín dụng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật hiện hành, vay vốn bằng đồng Việt Nam tại các tổ chức tín dụng thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng.

2. Điều kiện được bảo lãnh tín dụng:

Các đối tượng được bảo lãnh tín dụng quy định tại Điểm 1 Mục V chỉ được Quỹ bảo lãnh tín dụng xem xét, cấp bảo lãnh khi hội đủ các điều kiện sau:

a) Có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn vay. Dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh được Quỹ bảo lãnh tín dụng thẩm định và quyết định bảo lãnh theo quy định hiện hành.

b) Có tổng giá trị tài sản thế chấp, cầm cố tại tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật tối thiểu bằng 15% giá trị khoản vay.

c) Có tối thiểu 15% vốn chủ sở hữu tham gia dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh.

d) Tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, không có các khoản nợ với ngân sách nhà nước, nợ xấu tại các tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế khác.

3. Mức bảo lãnh tín dụng, phạm vi bảo lãnh tín dụng:

a) Quỹ bảo lãnh tín dụng có thể cấp bảo lãnh một phần hoặc bảo lãnh toàn bộ phần chênh lệch giữa giá trị khoản vay và giá trị tài sản thế chấp, cầm cố của bên được bảo lãnh tại tổ chức tín dụng.

b) Bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng bao gồm nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi khoản vay của bên được bảo lãnh tại bên nhận bảo lãnh.

4. Giới hạn bảo lãnh tín dụng:

a) Mức bảo lãnh tín dụng tối đa cho một khách hàng được bảo lãnh không vượt quá 15% vốn chủ sở hữu của Quỹ bảo lãnh tín dụng.

b) Tổng mức bảo lãnh tín dụng của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các bên được bảo lãnh tối đa không vượt quá 5 lần so với vốn điều lệ thực có của Quỹ bảo lãnh tín dụng.

5. Thời hạn bảo lãnh tín dụng:

Thời hạn bảo lãnh tín dụng được xác định phù hợp với thời hạn vay vốn đã thỏa thuận giữa bên được bảo lãnh và tổ chức tín dụng.

6. Phí bảo lãnh tín dụng bao gồm:

a) Phí thẩm định hồ sơ bảo lãnh tín dụng bằng 500.000 đồng (Năm trăm ngàn đồng) cho một hồ sơ và được nộp cho Quỹ bảo lãnh tín dụng cùng với hồ sơ đề nghị bảo lãnh tín dụng;

b) Phí bảo lãnh tín dụng bằng 0,8%/năm, tính trên số tiền được bảo lãnh tín dụng. Thời hạn thu phí bảo lãnh được ghi trong hợp đồng bảo lãnh theo thỏa thuận giữa Quỹ bảo lãnh tín dụng và bên được bảo lãnh, phù hợp với thời hạn bảo lãnh tín dụng.

7. Hồ sơ xin bảo lãnh tín dụng:

a) Đơn xin bảo lãnh tín dụng của bên được bảo lãnh.

b) Các văn bản, tài liệu chứng minh bên được bảo lãnh có đủ các điều kiện được bảo lãnh tín dụng, theo quy định tại Khoản 2, Mục V Phần 2 của Đề án này và các tài liệu khác có liên quan theo quy định của Quỹ bảo lãnh tín dụng.

c) Bên được bảo lãnh có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, trung thực các thông tin, tài liệu liên quan đến hoạt động bảo lãnh vay vốn và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của các thông tin, tài liệu đã cung cấp cho bên bảo lãnh.

8. Thẩm định hồ sơ và quyết định bảo lãnh tín dụng:

a) Bên bảo lãnh có trách nhiệm thẩm định tính hợp pháp của các tài liệu, tính hiệu quả, khả năng hoàn trả vốn vay của dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh do bên được bảo lãnh gửi đến.

b) Bên bảo lãnh có trách nhiệm xây dựng quy trình thẩm định tính hiệu quả, khả năng hoàn trả vốn vay của dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh của bên được bảo lãnh theo nguyên tắc đảm bảo tính độc lập và phân định rõ ràng trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm liên đới giữa khâu thẩm định và quyết định bảo lãnh tín dụng.

c) Chậm nhất 15 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ xin bảo lãnh tín dụng hợp lệ, bên bảo lãnh phải hoàn thành xem xét việc bảo lãnh tín dụng cho bên được bảo lãnh. Quyết định bảo lãnh tín dụng cho bên được bảo lãnh được thực hiện bằng văn bản dưới hình thức Hợp đồng bảo lãnh tín dụng giữa bên bảo lãnh và bên được bảo lãnh. Trường hợp từ chối không bảo lãnh tín dụng, bên bảo lãnh phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do không chấp thuận cho bên được bảo lãnh.

9. Quyền hạn và nghĩa vụ các bên trong việc thực hiện bảo lãnh:

a) Quyền hạn và nghĩa vụ bên bảo lãnh

- Bên bảo lãnh có quyền:

+ Yêu cầu bên được bảo lãnh cung cấp các giấy tờ, tài liệu liên quan và chứng minh đủ điều kiện được bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Khoản 2, Mục V, Phần 2 của Đề án này.

+ Đề nghị tổ chức tín dụng chấm dứt việc cho vay, thu hồi nợ trước hạn khi phát hiện thấy bên được bảo lãnh có những dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc vi phạm hợp đồng bảo lãnh tín dụng.

+ Thu phí bảo lãnh tín dụng theo quy định.

+ Thực hiện quyền của bên bảo lãnh theo cam kết với bên nhận bảo lãnh và bên được bảo lãnh.

+ Có quyền từ chối bảo lãnh tín dụng đối với bên được bảo lãnh không phải là đối tượng hoặc không đủ điều kiện nêu tại Khoản 1, Khoản 2, Mục V, Phần 2 của Đề án này và quyền từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo quy định tại Điểm d, Khoản 10, Mục V, Phần 2 của Đề án này.

+ Khởi kiện theo quy định của pháp luật khi bên được bảo lãnh vi phạm nghĩa vụ cam kết.

+ Các quyền khác theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định của pháp luật.

+ Bên bảo lãnh có các quyền khác theo quy định của pháp luật.

- Bên bảo lãnh có nghĩa vụ:

+ Thực hiện thẩm định phương án tài chính và phương án trả nợ của dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh do bên được bảo lãnh gửi đến.

+ Phối hợp với bên nhận bảo lãnh kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn và hoàn trả nợ của bên được bảo lãnh.

+ Thực hiện nghĩa vụ của bên bảo lãnh theo cam kết với bên nhận bảo lãnh và bên được bảo lãnh.

+ Cung cấp thông tin và báo cáo định kỳ, đột xuất cho các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định.

+ Các nghĩa vụ khác theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định của pháp luật.

+ Bên bảo lãnh có các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

b) Quyền và nghĩa vụ của bên nhận bảo lãnh:

- Bên nhận bảo lãnh có quyền:

+ Yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ của mình theo cam kết với bên nhận bảo lãnh và bên được bảo lãnh và các thỏa thuận khác có liên quan theo quy định của pháp luật hiện hành.

+ Yêu cầu bên bảo lãnh chuyển giao quyền tiếp nhận và xử lý tài sản bảo đảm bảo lãnh trong trường hợp bên bảo lãnh từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

+ Khởi kiện theo quy định của pháp luật khi các bên vi phạm các thỏa thuận trong hợp đồng.

+ Yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi bên được bảo lãnh không trả được nợ hoặc trả nợ không đầy đủ.

+ Các quyền khác theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định của pháp luật.

- Bên nhận bảo lãnh có nghĩa vụ:

+ Thực hiện nghĩa vụ của tổ chức tín dụng cho vay đối với khách hàng và bên bảo lãnh theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, Luật dân sự và các văn bản quy định của pháp luật hiện hành có liên quan.

+ Kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay, việc hoàn trả nợ vay của bên được bảo lãnh để đảm bảo việc sử dụng vốn, tài sản hình thành từ vốn vay đúng mục đích, hoàn trả nợ vay theo đúng cam kết tại hợp đồng tín dụng.

+ Cung cấp cho bên cấp bảo lãnh đầy đủ hồ sơ chứng minh việc giải ngân vốn vay; kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và tài sản hình thành từ vốn vay của bên được bảo lãnh khi yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

+ Giám sát chặt chẽ nguồn thu của bên được bảo lãnh để đôn đốc thu hồi nợ vay.

+ Cung cấp thông tin, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình thực hiện cho vay có bảo lãnh tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

+ Các nghĩa vụ khác theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định của pháp luật.

c) Quyền và nghĩa vụ của bên được bảo lãnh:

- Bên được bảo lãnh có quyền:

+ Yêu cầu bên bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh thực hiện các cam kết trong hợp đồng bảo lãnh tín dụng, chứng thư bảo lãnh.

+ Các quyền khác theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định của pháp luật.

- Bên được bảo lãnh có nghĩa vụ:

+ Cung cấp đầy đủ các thông tin và tài liệu liên quan đến việc cấp bảo lãnh theo yêu cầu của bên bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của các thông tin và tài liệu này.

+ Chịu sự kiểm tra, giám sát của bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh;

+ Thực hiện đầy đủ các cam kết trong hợp đồng bảo lãnh tín dụng, sử dụng vốn vay đúng mục đích.

+ Nộp phí bảo lãnh tín dụng cho bên bảo lãnh đầy đủ, đúng thời hạn;

+ Phải bồi hoàn đầy đủ cho bên bảo lãnh về những khoản nợ, lãi và chi phí phát sinh mà bên bảo lãnh đã trả thay.

+ Các nghĩa vụ khác theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định của pháp luật.

10. Thực hiện cam kết bảo lãnh:

a) Khi đến hạn bên được bảo lãnh không trả được nợ hoặc trả nợ không đầy đủ cho bên nhận bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh phải xác định rõ nguyên nhân không trả được nợ và áp dụng các biện pháp thu hồi nợ theo quy định.

b) Bên nhận bảo lãnh có trách nhiệm áp dụng mọi biện pháp để thu hồi nợ (bao gồm cả điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ); trường hợp sau khi áp dụng các biện pháp thu hồi nợ mà bên được bảo lãnh vẫn không trả được nợ, bên nhận bảo lãnh phải thông báo bằng văn bản cho bên bảo lãnh.

c) Sau khi nhận được thông báo của bên nhận bảo lãnh, bên bảo lãnh thẩm tra lại tình hình trả nợ, các bằng chứng mà bên nhận bảo lãnh đã thực hiện trong việc thu hồi nợ, trên cơ sở đó xem xét quyết định việc thực hiện trả nợ cho bên nhận bảo lãnh thay cho bên được bảo lãnh theo phần nghĩa vụ cam kết bảo lãnh của mình.

d) Bên bảo lãnh được từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong trường hợp:

- Bên nhận bảo lãnh vi phạm quy định pháp luật về quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng trong quá trình cấp tín dụng cho bên được bảo lãnh.

- Bên được bảo lãnh sử dụng vốn vay, tài sản hình thành vốn vay không đúng mục đích đã ghi trong hợp đồng tín dụng mà bên nhận bảo lãnh không thực hiện kiểm tra, giám sát hoặc kiểm tra giám sát không kịp thời dẫn đến việc sử dụng vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay không đúng mục đích ghi trong hợp đồng tín dụng.

11. Nhận nợ và bồi hoàn bảo lãnh:

a) Bên được bảo lãnh có trách nhiệm nhận nợ bắt buộc và hoàn trả bên bảo lãnh số tiền Quỹ đã trả thay cho bên được bảo lãnh. Sau khi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, bên bảo lãnh yêu cầu bên được bảo lãnh nhận nợ số tiền đã trả thay với lãi suất tối đa bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn thông thường các ngân hàng thương mại trên địa bàn đang áp dụng đối với khoản vay có thời hạn tương ứng.

b) Trường hợp bên được bảo lãnh không thanh toán được khoản nợ vay bắt buộc khi đến hạn, bên bảo lãnh được quyền xử lý tài sản bảo đảm bảo lãnh hoặc áp dụng các biện pháp để thu hồi nợ đã trả thay hoặc bên bảo lãnh có quyền yêu cầu lên Tòa án kinh tế thực hiện các thủ tục phá sản doanh nghiệp hoặc khởi kiện bên được bảo lãnh ra Tòa án theo quy định, của pháp luật hiện hành.

12. Chấm dứt nghĩa vụ bảo lãnh vay vốn:

Nghĩa vụ bảo lãnh vay vốn của bên bảo lãnh chấm dứt trong các trường hợp sau:

a) Bên được bảo lãnh đã thực hiện trả nợ đầy đủ đối với bên nhận bảo lãnh.

b) Bên bảo lãnh đã thực hiện xong nghĩa vụ bảo lãnh theo hợp đồng bảo lãnh hoặc chứng thư bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh.

c) Việc bảo lãnh vay vốn được hủy bỏ hoặc thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác khi có thỏa thuận của các bên có liên quan.

d) Thời hạn hiệu lực của bảo lãnh vay vốn đã hết.

đ) Bên nhận bảo lãnh đồng ý miễn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho bên bảo lãnh hoặc nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt theo quy định của pháp luật.

e) Theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định của pháp luật.

13. Rủi ro và xử lý rủi ro trong bảo lãnh:

a) Trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ hoàn trả theo hợp đồng cho vay bắt buộc do nguyên nhân bất khả kháng như thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ gây thiệt hại tài sản, do nhà nước điều chỉnh chính sách thì được xem xét khoanh nợ, xóa nợ hoặc miễn giảm lãi tiền vay theo quy định của pháp luật hiện hành.

b) Đối với trường hợp chuyển đổi sở hữu, xử lý khó khăn về tài chính cho khách hàng đang có nợ vay bắt buộc của Quỹ bảo lãnh tín dụng được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

VI. Tổ chức và hoạt động Quỹ bảo lãnh tín dụng

Sử dụng toàn bộ bộ máy hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Đồng Tháp để thực hiện nhiệm vụ của Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Đồng Tháp.

Phần 3

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Sau khi Đề án thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, Sở Tài chính có trách nhiệm tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh đảm bảo vốn điều lệ cho Quỹ bảo lãnh tín dụng và dự thảo Điều lệ tổ chức và hoạt động trình Ủy ban nhân dân tỉnh.

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Nghị quyết 16/2014/NQ-HĐND thông qua Đề án thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Đồng Tháp

Số hiệu: 16/2014/NQ-HĐND
Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
Người ký: Đoàn Quốc Cường
Ngày ban hành: 29/09/2014
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [3]
Văn bản được căn cứ - [3]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Nghị quyết 16/2014/NQ-HĐND thông qua Đề án thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Đồng Tháp

Văn bản liên quan cùng nội dung - [7]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [1]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…