Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 71/2013/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 11 tháng 07 năm 2013

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ ĐẦU TƯ VỐN NHÀ NƯỚC VÀO DOANH NGHIỆP VÀ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP DO NHÀ NƯỚC NẮM GIỮ 100% VỐN ĐIỀU LỆ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Luật đầu tư ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

Chính phủ ban hành Nghị định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ,

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Đối tượng áp dụng Nghị định này gồm:

a) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập hoặc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là Bộ quản lý ngành), Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định thành lập. Bao gồm:

- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty mẹ của các tập đoàn kinh tế; công ty mẹ của tổng công ty nhà nước; công ty mẹ trong mô hình công ty mẹ - công ty con.

- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập.

b) Người đại diện theo ủy quyền tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và Người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác.

c) Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư vốn nhà nước, quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và quản lý phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác.

2. Các công ty mẹ nêu tại Điểm a Khoản 1 Điều này căn cứ quy định về quản lý tài chính và các quy định khác trong Nghị định này có trách nhiệm xây dựng, ban hành quy chế quản lý tài chính đối với công ty con do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ.

3. Các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoạt động ở những lĩnh vực có đặc thù về tài chính thì thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ hoặc của Thủ tướng Chính phủ về đặc thù đó và các quy định khác trong Nghị định này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Doanh nghiệp” là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 2 Nghị định này.

2. “Vốn nhà nước tại doanh nghiệp” là vốn đầu tư trực tiếp từ ngân sách nhà nước, các quỹ tập trung của Nhà nước khi thành lập doanh nghiệp và bổ sung trong quá trình hoạt động kinh doanh; các khoản phải nộp ngân sách được trích để lại; nguồn Quỹ đầu tư phát triển tại doanh nghiệp; Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp; vốn nhà nước được tiếp nhận từ nơi khác chuyển đến; giá trị quyền sử dụng đất, quyền sử dụng tài nguyên Quốc gia được Nhà nước giao và ghi tăng vốn nhà nước cho doanh nghiệp; các tài sản khác theo quy định của pháp luật được Nhà nước giao cho doanh nghiệp.

3. “Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp” là vốn được hình thành từ các nguồn quy định tại Khoản 2 Điều này, lợi nhuận chưa phân phối và chênh lệch tỷ giá được phản ánh trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

4. “Vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác” là vốn nhà nước góp ở công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên do Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm chủ sở hữu.

5. “Vốn của doanh nghiệp” là vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp và vốn do doanh nghiệp huy động.

6. “Vốn của doanh nghiệp đầu tư vào doanh nghiệp khác” là vốn doanh nghiệp đầu tư vào công ty con, công ty liên kết.

7. “Người đại diện theo ủy quyền phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác” là cá nhân được chủ sở hữu ủy quyền bằng văn bản để thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu tại doanh nghiệp khác.

8. “Người đại diện theo ủy quyền phần vốn của doanh nghiệp đầu tư tại doanh nghiệp khác” là cá nhân được doanh nghiệp ủy quyền bằng văn bản để thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp tại doanh nghiệp khác.

Người đại diện theo ủy quyền quy định tại Khoản 7 và 8 Điều này sau đây được gọi chung là Người đại diện.

9. “Viên chức quản lý doanh nghiệp” là Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó Tổng giám đốc hoặc Phó Giám đốc, Kế toán trưởng (không bao gồm Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó Tổng giám đốc hoặc Phó Giám đốc, Kế toán trưởng làm việc theo hợp đồng lao động).

Chương 2.

ĐẦU TƯ VỐN VÀ QUẢN LÝ VỐN NHÀ NƯỚC ĐẦU TƯ VÀO DOANH NGHIỆP

MỤC 1. ĐẦU TƯ VỐN NHÀ NƯỚC VÀO DOANH NGHIỆP

Điều 4. Nguyên tắc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp

1. Đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp để tạo ra ngành, lĩnh vực cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; đảm bảo phục vụ quốc phòng, an ninh; thực hiện điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô mang tính chiến lược trong từng giai đoạn.

2. Đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp phải đúng mục tiêu, có hiệu quả, phù hợp với từng dự án đầu tư và phải thực hiện công khai, minh bạch.

3. Đầu tư vốn nhà nước để góp vốn thành lập doanh nghiệp, hợp tác kinh doanh với các thành phần kinh tế khác phải được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và chấp thuận.

4. Đầu tư vốn nhà nước phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng; tránh dàn trải, lãng phí, thất thoát.

5. Gia tăng giá trị vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Điều 5. Hình thức đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp

1. Đầu tư vốn nhà nước để thực hiện các dự án, công trình quan trọng của Nhà nước tại doanh nghiệp.

2. Đầu tư vốn thành lập mới doanh nghiệp.

3. Đầu tư, bổ sung vốn điều lệ cho các doanh nghiệp để mở rộng quy mô, nâng cao công suất, năng lực kinh doanh; đổi mới công nghệ, giảm ô nhiễm môi trường, phục vụ an ninh, quốc phòng.

4. Đầu tư vốn nhà nước để duy trì quyền chi phối hoặc tỷ lệ vốn góp của Nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên.

5. Mua lại một phần vốn hoặc toàn bộ doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác để thực hiện điều chỉnh cơ cấu kinh tế.

Điều 6. Điều kiện đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp

1. Đầu tư các dự án, công trình quan trọng của Nhà nước tại doanh nghiệp, bao gồm:

a) Dự án có tổng vốn đầu tư từ 35.000 tỷ đồng trở lên, trong đó vốn nhà nước từ 11.000 tỷ đồng trở lên;

b) Dự án, công trình có ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm:

- Nhà máy điện hạt nhân;

- Dự án, công trình sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 50 hécta (ha) trở lên; rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 hécta (ha) trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng lấn biển, bảo vệ môi trường từ 500 hécta (ha) trở lên; rừng sản xuất từ 1000 hécta (ha) trở lên;

c) Dự án, công trình sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500 hécta (ha) trở lên.

d) Dự án, công trình phải di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở các vùng khác.

đ) Dự án, công trình đầu tư tại địa bàn có di tích quốc gia có giá trị đặc biệt quan trọng về lịch sử, văn hóa; danh lam thắng cảnh được xếp hạng cấp quốc gia.

e) Dự án, công trình đầu tư tại địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh.

g) Dự án, công trình đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt.

h) Dự án, công trình trọng điểm của quốc gia đầu tư ra nước ngoài có một trong các tiêu chí sau đây:

- Tổng vốn đầu tư ra nước ngoài từ 20.000 tỷ đồng trở lên, trong đó vốn nhà nước đầu tư ra nước ngoài từ 7.000 tỷ đồng trở lên;

- Dự án, công trình đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định;

- Dự án đặc biệt quan trọng khác do Thủ tướng quyết định.

2. Đầu tư vốn nhà nước để thành lập mới doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ:

a) Đầu tư vốn nhà nước để thành lập mới doanh nghiệp ở những ngành, lĩnh vực, địa bàn sau đây:

- Ngành, lĩnh vực cung cấp sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cho xã hội, trực tiếp phục vụ an ninh, quốc phòng;

- Ngành, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và toàn bộ nền kinh tế, đòi hỏi đầu tư lớn;

- Địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà các thành phần kinh tế khác không đầu tư.

b) Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục ngành, lĩnh vực, địa bàn quy định tại Điểm a Khoản này.

c) Việc đầu tư vốn nhà nước để thành lập công ty con của doanh nghiệp phải nhằm mục đích để phát triển, phục vụ trực tiếp cho ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp.

3. Việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ chỉ thực hiện đối với các doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ nhưng chưa được Nhà nước đầu tư đủ vốn điều lệ.

4. Việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước để duy trì hoặc tăng tỷ lệ vốn nhà nước đang tham gia tại các doanh nghiệp khác, bao gồm:

a) Các doanh nghiệp khác hoạt động kinh doanh cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích, trực tiếp phục vụ an ninh, quốc phòng.

b) Các doanh nghiệp khác hoạt động kinh doanh có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế ngành, lãnh thổ và thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ.

5. Việc mua lại một phần vốn hoặc toàn bộ doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác để thực hiện điều chỉnh cơ cấu kinh tế theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ.

Điều 7. Thẩm quyền quyết định đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp

1. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp để:

a) Thực hiện các dự án trọng điểm của Nhà nước quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định này sau khi Chính phủ trình Quốc hội thông qua.

b) Quyết định đầu tư vốn để thành lập các tập đoàn kinh tế nhà nước; quyết định bổ sung vốn điều lệ trong quá trình hoạt động của tập đoàn kinh tế nhà nước và của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.

c) Quyết định đầu tư bổ sung vốn nhà nước góp tại các tập đoàn kinh tế sau cổ phần hóa.

d) Quyết định đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần vốn hoặc toàn bộ doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác theo đề nghị của Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

2. Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp để:

a) Quyết định đầu tư vốn để thành lập đối với doanh nghiệp thuộc Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sau khi trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập doanh nghiệp.

b) Quyết định bổ sung vốn điều lệ trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp do Bộ quản lý ngành quyết định thành lập thì phải thỏa thuận với Bộ Tài chính.

c) Quyết định đầu tư tăng vốn nhà nước góp tại doanh nghiệp khác do Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là chủ sở hữu.

d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định phương án mua lại một phần vốn hoặc toàn bộ doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

MỤC 2. QUẢN LÝ VỐN NHÀ NƯỚC ĐẦU TƯ VÀO DOANH NGHIỆP KHÁC

Điều 8. Quyền, trách nhiệm của Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác

1. Quyền của cổ đông, thành viên góp vốn, bên liên doanh theo quy định của pháp luật và điều lệ của doanh nghiệp khác.

2. Cử, bãi miễn, khen thưởng, kỷ luật Người đại diện tại doanh nghiệp khác, quyết định tiền lương, phụ cấp, tiền thưởng và các vấn đề đãi ngộ đối với Người đại diện, trừ trường hợp Người đại diện đã được hưởng lương từ doanh nghiệp khác.

3. Yêu cầu Người đại diện báo cáo định kỳ hoặc đột xuất tình hình kết quả kinh doanh, tình hình tài chính của doanh nghiệp khác.

4. Giao nhiệm vụ và chỉ đạo Người đại diện bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác. Yêu cầu Người đại diện báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Người đại diện, nhất là trong việc định hướng doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối để thực hiện các mục tiêu, chiến lược của Nhà nước; có ý kiến chỉ đạo bằng văn bản khi Người đại diện xin ý kiến.

5. Quyết định theo thẩm quyền việc đầu tư tăng vốn hoặc thu hồi vốn đầu tư vào doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ của doanh nghiệp khác.

6. Kiểm tra, giám sát hoạt động của Người đại diện, phát hiện những thiếu sót, yếu kém của Người đại diện để ngăn chặn, xử lý và chấn chỉnh kịp thời.

7. Giám sát việc thu hồi vốn đầu tư vào doanh nghiệp khác, việc thu lợi nhuận được chia từ doanh nghiệp khác.

8. Chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn đầu tư.

9. Thực hiện các quyền, trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Quyền, trách nhiệm của Người đại diện

1. Quyền, trách nhiệm của Người đại diện

a) Người đại diện thực hiện quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác có trách nhiệm tuân thủ pháp luật; thực hiện đúng các nhiệm vụ được chủ sở hữu giao khi quyết định các vấn đề nêu tại Điều 8 Nghị định này. Kịp thời báo cáo cho chủ sở hữu về tình hình doanh nghiệp hoạt động thua lỗ, không đảm bảo khả năng thanh toán, không hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ do chủ sở hữu giao hoặc những trường hợp sai phạm khác.

b) Người đại diện phải xin ý kiến chủ sở hữu bằng văn bản trước khi tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại các kỳ họp Đại hội đồng cổ đông, các cuộc họp của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên về ngành nghề kinh doanh, mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư phát triển; việc tổ chức lại, giải thể, phá sản; ban hành điều lệ, sửa đổi, bổ sung điều lệ; việc tăng hoặc giảm vốn điều lệ; đề cử để bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, khen thưởng, xử lý vi phạm đối với thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc); phân phối lợi nhuận và trích lập, sử dụng các quỹ, chia cổ tức hàng năm.

2. Tiền lương, thưởng và quyền lợi của Người đại diện

a) Người đại diện chuyên trách trong ban quản lý, điều hành tại doanh nghiệp khác được hưởng lương, phụ cấp trách nhiệm (nếu có), tiền thưởng và các quyền lợi khác quy định tại Điều lệ doanh nghiệp đó và do doanh nghiệp đó trả theo quy định của pháp luật.

b) Người đại diện kiêm nhiệm không tham gia chuyên trách trong ban quản lý, điều hành doanh nghiệp khác thì thù lao, tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp trách nhiệm (nếu có) và các quyền lợi khác được hưởng do chủ sở hữu chi trả theo quy định của pháp luật.

c) Người đại diện khi được quyền mua cổ phần phát hành thêm, trái phiếu chuyển đổi theo quyết định của công ty cổ phần (trừ trường hợp được mua theo quyền của cổ đông hiện hữu) thì phải báo cáo bằng văn bản cho chủ sở hữu. Chủ sở hữu vốn quyết định bằng văn bản số lượng cổ phần Người đại diện được mua theo mức độ đóng góp và kết quả thực hiện nhiệm vụ của người đại diện. Phần còn lại thuộc quyền mua của chủ sở hữu vốn. Trường hợp Người đại diện được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại nhiều đơn vị, thì được ưu tiên lựa chọn thực hiện quyền mua tại 01 đơn vị. Người đại diện tại công ty cổ phần có trách nhiệm chuyển phần quyền mua cổ phần còn lại cho chủ sở hữu vốn.

3. Tiêu chuẩn của Người đại diện

Người đại diện phải có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Khoản 2 Điều 48 Luật doanh nghiệp và quy định của Chính phủ về việc áp dụng Luật cán bộ, công chức đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và người được cử làm đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước.

4. Chế độ báo cáo của Người đại diện

Trên cơ sở báo cáo tài chính và các báo cáo khác của doanh nghiệp được cử làm Người đại diện, định kỳ hàng quý và kết thúc năm tài chính hoặc đột xuất theo yêu cầu của chủ sở hữu, Người đại diện phải tổng hợp, đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh, tài chính, kiến nghị các biện pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn nhằm nâng cao hiệu quả vốn của Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác báo cáo chủ sở hữu vốn.

Điều 10. Thu lợi nhuận, cổ tức được chia

1. Lợi nhuận, cổ tức được chia từ phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác được nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.

2. Người đại diện có trách nhiệm yêu cầu doanh nghiệp khác nộp lợi nhuận, cổ tức được chia về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.

Điều 11. Quyết định tăng, giảm vốn và thu hồi toàn bộ vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác

1. Việc tăng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác thực hiện như sau:

a) Thẩm quyền quyết định phương án tăng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định này.

b) Phương thức tăng vốn đầu tư tại doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ của doanh nghiệp.

c) Trường hợp doanh nghiệp khác tăng vốn mà Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không có nhu cầu đầu tư bổ sung vốn thì Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định chuyển nhượng quyền mua, quyền góp vốn theo quy định của pháp luật.

2. Việc giảm vốn hoặc thu hồi toàn bộ vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác được thực hiện thông qua hình thức chuyển nhượng theo quy định tại Mục 3 Chương II Nghị định này.

MỤC 3. CHUYỂN NHƯỢNG VỐN NHÀ NƯỚC ĐẦU TƯ TẠI DOANH NGHIỆP

Điều 12. Mục đích chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp

1. Nhà nước thực hiện chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp quy định tại Điều 5 Nghị định này.

2. Nhà nước thực hiện chuyển nhượng vốn đầu tư tại doanh nghiệp nhằm mục đích:

a) Cơ cấu lại doanh nghiệp theo lĩnh vực, ngành nghề Nhà nước không tiếp tục nắm giữ 100% vốn điều lệ.

b) Thu hồi vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hoạt động trong lĩnh vực Nhà nước không cần duy trì vốn góp.

c) Thu hút tham gia đầu tư vốn của các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước.

Điều 13. Nguyên tắc chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp

1. Việc chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp phải có phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Khi thực hiện chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp phải đảm bảo công khai minh bạch, có hiệu quả, hạn chế tối đa tổn thất (nếu có), tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển.

3. Việc chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp có liên quan đến đất đai phải thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

Điều 14. Phương thức chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp

1. Đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ khi cổ phần hóa thực hiện theo quy định về cổ phần hóa doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

2. Đối với việc chuyển nhượng vốn nhà nước tại các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc chuyển nhượng vốn nhà nước tại công ty trách nhiệm hữu hạn từ 2 thành viên trở lên để trở thành công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp. Việc chuyển nhượng vốn phải phản ánh đầy đủ giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bao gồm cả giá trị quyền sử dụng đất giao theo quy định của pháp luật.

3. Đối với việc bán doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện theo quy định về bán doanh nghiệp.

4. Đối với việc chuyển nhượng vốn nhà nước tại công ty cổ phần:

a) Các công ty cổ phần đã niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán thực hiện giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận thông qua hệ thống giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán.

b) Các công ty cổ phần chưa niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán nhưng đã đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán thực hiện tương tự như việc bán cổ phần của các công ty đã niêm yết quy định tại Điểm a Khoản này.

c) Các công ty cổ phần không thuộc Điểm a, Điểm b Khoản này thực hiện bán cổ phần theo hình thức đấu giá công khai. Trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần hoặc trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép bằng văn bản thì thực hiện bán cổ phần theo thỏa thuận trực tiếp với nhà đầu tư.

Điều 15. Thẩm quyền quyết định chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp

1. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc chuyển nhượng vốn nhà nước theo phương thức cổ phần hóa; bán doanh nghiệp hoặc chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên đối với các doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; quyết định chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại các tập đoàn kinh tế sau cổ phần hóa.

2. Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do mình quyết định đầu tư thành lập theo phương thức cổ phần hóa; bán doanh nghiệp hoặc chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên theo phương án sắp xếp đổi mới doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quyết định việc chuyển nhượng cổ phần, vốn góp tại các doanh nghiệp khác do Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là chủ sở hữu vốn sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Điều 16. Thu tiền chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp

Tiền thu từ việc chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp theo các phương thức quy định tại Điều 14 Nghị định này sau khi trừ các chi phí có liên quan đến việc chuyển nhượng vốn, hoàn thành các nghĩa vụ với ngân sách nhà nước theo quy định, giải quyết chính sách đối với người lao động dôi dư theo quy định của pháp luật, phần còn lại được nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.

MỤC 4. QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ HỖ TRỢ SẮP XẾP VÀ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP

Điều 17. Quản lý, sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp

Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và ban hành Quy chế quản lý, sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp. Giao Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước, đảm bảo tập trung, thống nhất, có hiệu quả các nguồn thu của Quỹ.

1. Nguồn thu của Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp:

a) Thu phần chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn so với vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được chủ sở hữu phê duyệt quy định tại Khoản 4 Điều 38 Nghị định này.

b) Tiền thu từ việc cổ phần hóa và các hình thức chuyển đổi sở hữu khác đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

c) Thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác do Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm đại diện chủ sở hữu vốn sau khi đã trừ chi phí liên quan đến chuyển nhượng.

d) Thu từ lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ quy định tại Điểm đ Khoản 3 Điều 38 Nghị định này.

đ) Thu cổ tức, lợi nhuận được chia tại các doanh nghiệp khác do các Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm đại diện chủ sở hữu vốn.

e) Điều hòa Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp của các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ.

g) Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

2. Chi Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp:

a) Chi bổ sung vốn điều lệ cho các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ nhưng thiếu vốn hoặc doanh nghiệp thành lập mới.

b) Mua lại một phần vốn hoặc toàn bộ doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác.

c) Đầu tư vốn tại các doanh nghiệp cổ phần thuộc diện Nhà nước duy trì vốn góp.

d) Đầu tư các dự án theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

đ) Chi hỗ trợ lao động dôi dư.

e) Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.

Chương 3.

QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP DO NHÀ NƯỚC NẮM GIỮ 100% VỐN ĐIỀU LỆ

MỤC 1. QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG VỐN, TÀI SẢN CỦA DOANH NGHIỆP

Điều 18. Vốn điều lệ

1. Đối với doanh nghiệp thành lập mới:

Vốn điều lệ được xác định trong đề án thành lập doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mức vốn điều lệ được xác định tối đa bằng 30% trên tổng mức vốn đầu tư hình thành nên tài sản của doanh nghiệp, phù hợp với từng ngành, lĩnh vực, đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động bình thường theo quy mô, công suất thiết kế. Trường hợp doanh nghiệp được ngân sách nhà nước đầu tư toàn bộ tài sản để thành lập doanh nghiệp thì mức vốn điều lệ được xác định bằng tổng mức vốn nhà nước đầu tư.

2. Các doanh nghiệp đang hoạt động có nhu cầu tăng vốn điều lệ: Căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược phát triển và mở rộng quy mô, hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc thù hoạt động của mỗi loại hình doanh nghiệp, chủ sở hữu phê duyệt tăng vốn điều lệ cho doanh nghiệp. Mức vốn điều lệ điều chỉnh tăng thêm được xác định tối thiểu cho 3 năm kể từ năm quyết định điều chỉnh vốn điều lệ.

a) Thủ tướng Chính phủ quyết định tăng vốn điều lệ đối với doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo đề nghị của Bộ quản lý ngành, ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và thẩm định của Bộ Tài chính.

b) Bộ trưởng Bộ quản lý ngành quyết định tăng vốn điều lệ đối với doanh nghiệp do Bộ thành lập sau khi có thỏa thuận bằng văn bản của Bộ Tài chính.

c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tăng vốn điều lệ đối với doanh nghiệp do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập.

3. Bộ Tài chính hướng dẫn hồ sơ, thủ tục và phương pháp xác định vốn điều lệ.

4. Quyền, trách nhiệm bổ sung vốn điều lệ:

a) Các doanh nghiệp sử dụng nguồn Quỹ đầu tư phát triển để tự bổ sung vốn điều lệ phần còn thiếu sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt mức vốn điều lệ. Trường hợp sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp của công ty mẹ (nếu có) để bổ sung vốn điều lệ phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép bằng văn bản.

b) Bộ Tài chính thực hiện cấp vốn điều lệ phần còn thiếu đối với các doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ, Bộ quản lý ngành quyết định tăng vốn điều lệ trong quá trình hoạt động sau khi doanh nghiệp bổ sung từ các nguồn quy định tại Điểm a Khoản này.

c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp vốn điều lệ phần còn thiếu đối với các doanh nghiệp do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tăng vốn điều lệ trong quá trình hoạt động sau khi doanh nghiệp bổ sung từ các nguồn quy định tại Điểm a Khoản này. Trường hợp đề nghị cấp vốn điều lệ từ ngân sách trung ương hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác do trung ương quản lý phải có phương án báo cáo Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Điều 19. Huy động vốn

1. Hình thức huy động vốn: Phát hành trái phiếu; vay vốn của các tổ chức tín dụng, các tổ chức tài chính khác, của cá nhân, tổ chức ngoài doanh nghiệp; vay vốn của người lao động và các hình thức huy động vốn khác theo quy định của pháp luật.

2. Nguyên tắc huy động vốn:

a) Việc huy động vốn phải có phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt đảm bảo khả năng thanh toán nợ. Người phê duyệt phương án huy động vốn phải chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đảm bảo vốn huy động được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng và có hiệu quả.

b) Việc vay vốn của tổ chức kinh tế, cá nhân trong nước, doanh nghiệp phải thực hiện thông qua hợp đồng vay vốn với tổ chức kinh tế, cá nhân cho vay theo quy định của pháp luật; mức lãi suất vay vốn trong nước tối đa không vượt quá mức lãi suất cho vay cùng thời hạn của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp mở tài khoản giao dịch tại thời điểm vay vốn; trường hợp doanh nghiệp mở tài khoản giao dịch ở nhiều ngân hàng thì mức lãi suất huy động vốn trực tiếp tối đa không được vượt quá lãi suất cho vay cao nhất cùng thời hạn của ngân hàng thương mại mà doanh nghiệp mở tài khoản giao dịch.

c) Việc huy động vốn của các tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện theo các quy định của pháp luật về vay trả nợ nước ngoài. Các khoản tự vay tự trả của doanh nghiệp thực hiện theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật về vay nợ nước ngoài có liên quan. Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt chủ trương vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp và đề nghị Bộ Tài chính thẩm định, chấp thuận.

d) Việc huy động vốn dưới hình thức phát hành trái phiếu để phục vụ cho ngành nghề kinh doanh chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp quy định tại Luật doanh nghiệp và các văn bản có liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

3. Thẩm quyền phê duyệt phương án huy động vốn:

a) Doanh nghiệp được quyền chủ động huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh đảm bảo hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp không vượt quá 3 lần, bao gồm cả các khoản bảo lãnh vay vốn đối với doanh nghiệp có vốn góp của công ty mẹ theo quy định tại Khoản 4 Điều này. Trong đó: Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định phương án huy động vốn không vượt quá 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp hoặc một tỷ lệ nhỏ hơn được quy định trong điều lệ của doanh nghiệp. Trường hợp Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty phân cấp cho Tổng giám đốc, Giám đốc quyết định phương án huy động vốn thì mức phân cấp cụ thể phải ghi trong Điều lệ và Quy chế tài chính của doanh nghiệp.

b) Đối với doanh nghiệp có tổng nhu cầu huy động vốn vượt quy định tại Điểm a Khoản này để đầu tư các dự án quan trọng phải báo cáo chủ sở hữu xem xét, quyết định trên cơ sở các dự án huy động vốn phải đảm bảo khả năng trả nợ và có hiệu quả. Chủ sở hữu có trách nhiệm thông báo cho Bộ Tài chính để phối hợp theo dõi và giám sát.

4. Công ty mẹ được quyền bảo lãnh cho công ty con do công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ vay vốn của ngân hàng, các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật. Tổng giá trị các khoản bảo lãnh vay vốn đối với một công ty con không vượt quá giá trị vốn góp của công ty mẹ tại công ty con.

Trường hợp các doanh nghiệp có vốn góp của công ty mẹ có nhu cầu bảo lãnh thì công ty mẹ được bảo lãnh theo nguyên tắc: Tỷ lệ (%) bảo lãnh của từng khoản vay không vượt quá tỷ lệ (%) vốn góp của công ty mẹ trong doanh nghiệp được bảo lãnh vay vốn và tổng các khoản bảo lãnh vay vốn không được vượt quá số vốn góp thực tế của công ty mẹ tại doanh nghiệp được bảo lãnh.

Tổng giá trị các khoản bảo lãnh vay vốn của công ty mẹ cho các công ty con do công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có vốn góp của công ty mẹ không vượt quá vốn chủ sở hữu của công ty mẹ nhưng phải đảm bảo hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều này. Công ty mẹ có trách nhiệm giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích và trả nợ đúng hạn đối với các khoản vay do công ty mẹ bảo lãnh cho các doanh nghiệp.

5. Chủ sở hữu giám sát chặt chẽ việc huy động và sử dụng vốn huy động tại các doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp sử dụng vốn huy động không đúng mục đích hoặc huy động vốn vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu nhưng không được chủ sở hữu chấp thuận, cơ quan chủ sở hữu của doanh nghiệp có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và xử lý trách nhiệm đối với Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 20. Đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản cố định của doanh nghiệp

Doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch các dự án đầu tư phát triển 5 năm, bao gồm cả danh mục các dự án đầu tư từ nhóm B trở lên theo quy định của pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng hoặc một mức khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ của doanh nghiệp trình chủ sở hữu phê duyệt.

1. Thẩm quyền quyết định dự án đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản cố định của doanh nghiệp:

a) Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty quyết định các dự án đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản cố định có giá trị nhỏ hơn 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp, nhưng không quá mức dự án nhóm B theo quy định của pháp luật về quản lý dự án đầu tư, xây dựng. Mức phân cấp cho Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty phải được ghi trong Điều lệ của doanh nghiệp. Các dự án lớn hơn mức phân cấp cho Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty do chủ sở hữu doanh nghiệp xem xét, quyết định.

Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định phân cấp cho Tổng giám đốc hoặc Giám đốc doanh nghiệp quyết định các dự án đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản cố định thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty.

b) Trình tự, thủ tục đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản cố định thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý dự án đầu tư, xây dựng.

2. Đầu tư, mua sắm phương tiện đi lại phục vụ hoạt động của doanh nghiệp:

Các chức danh là Viên chức quản lý doanh nghiệp sử dụng phương tiện đi lại đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc, sử dụng phương tiện đi lại khi đi công tác, sử dụng phương tiện đi lại phục vụ công tác chung của doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Việc trang bị hoặc thay thế phương tiện đi lại do Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định. Trường hợp ủy quyền cho Tổng giám đốc hoặc Giám đốc quyết định việc trang bị mới phương tiện đi lại phải được ghi cụ thể trong điều lệ hoặc quy chế quản lý tài chính của doanh nghiệp.

3. Người quyết định việc đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản cố định chịu trách nhiệm nếu việc đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản cố định không phù hợp, lạc hậu kỹ thuật, không sử dụng được.

Điều 21. Khấu hao tài sản cố định

1. Nguyên tắc trích khấu hao

Tất cả các tài sản cố định hiện có của doanh nghiệp đều phải trích khấu hao trừ một số tài sản sau:

a) Tài sản cố định đã khấu hao hết giá trị nhưng vẫn đang sử dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

b) Tài sản cố định khấu hao chưa hết bị mất.

c) Tài sản cố định khác do doanh nghiệp quản lý mà không thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp (trừ tài sản cố định thuê tài chính).

d) Tài sản cố định không được quản lý, theo dõi, hạch toán trong sổ sách kế toán của doanh nghiệp.

đ) Tài sản cố định sử dụng trong các hoạt động phúc lợi phục vụ người lao động của doanh nghiệp (trừ các tài sản cố định phục vụ cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp như: Nhà nghỉ giữa ca, nhà ăn giữa ca, nhà thay quần áo, nhà vệ sinh, bể chứa nước sạch, nhà để xe, phòng hoặc trạm y tế để khám chữa bệnh, xe đưa đón người lao động, cơ sở đào tạo, dạy nghề, nhà ở cho người lao động do doanh nghiệp đầu tư xây dựng).

e) Tài sản cố định từ nguồn viện trợ không hoàn lại sau khi được cơ quan có thẩm quyền bàn giao cho doanh nghiệp để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.

2. Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể chế độ quản lý, sử dụng và thời gian trích khấu hao tài sản cố định.

Điều 22. Cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản

1. Doanh nghiệp được quyền cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản của doanh nghiệp theo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn theo quy định của pháp luật.

a) Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định các hợp đồng cho thuê tài sản có giá trị dưới 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp.

b) Thẩm quyền quyết định sử dụng tài sản của doanh nghiệp để thế chấp, cầm cố vay vốn thực hiện theo quy định tại Điều 19 Nghị định này.

2. Đối với doanh nghiệp được thành lập để thực hiện thường xuyên, ổn định sản xuất, cung ứng sản phẩm công ích, trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh khi cho thuê, cầm cố, thế chấp những tài sản trực tiếp phục vụ nhiệm vụ này phải được sự chấp thuận của chủ sở hữu.

3. Việc sử dụng tài sản để cho thuê, thế chấp, cầm cố phải tuân theo đúng các quy định của Bộ luật dân sự và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Điều 23. Thanh lý, nhượng bán tài sản cố định

1. Doanh nghiệp được quyền chủ động và thực hiện nhượng bán, thanh lý tài sản cố định đã hư hỏng, lạc hậu kỹ thuật, không có nhu cầu sử dụng hoặc không sử dụng được để thu hồi vốn trên nguyên tắc công khai, minh bạch, bảo toàn vốn.

2. Thẩm quyền quyết định việc thanh lý, nhượng bán tài sản cố định:

a) Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định các phương án thanh lý, nhượng bán tài sản có giá trị còn lại dưới 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhưng không quá mức dự án nhóm B.

Các phương án thanh lý, nhượng bán tài sản cố định có giá trị lớn hơn mức phân cấp cho Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty thì Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty báo cáo chủ sở hữu quyết định.

b) Đối với doanh nghiệp được thành lập để thực hiện thường xuyên, ổn định sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh khi nhượng bán tài sản trực tiếp phục vụ các nhiệm vụ này phải được sự đồng ý của chủ sở hữu.

c) Trường hợp phương án nhượng bán tài sản cố định của doanh nghiệp không có khả năng thu hồi đủ vốn đã đầu tư, doanh nghiệp phải giải trình rõ nguyên nhân không có khả năng thu hồi vốn báo cáo chủ sở hữu và cơ quan tài chính cùng cấp trước khi nhượng bán tài sản cố định để thực hiện giám sát.

d) Riêng trường hợp tài sản cố định mới đầu tư do không mang lại hiệu quả kinh tế theo như phương án phê duyệt ban đầu, doanh nghiệp không có nhu cầu tiếp tục khai thác sử dụng mà việc nhượng bán tài sản không có khả năng thu hồi đủ vốn đầu tư dẫn tới doanh nghiệp không trả được nợ vay theo khế ước hoặc hợp đồng vay vốn thì phải làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan để báo cáo chủ sở hữu xử lý theo quy định của pháp luật.

đ) Đối với việc nhượng bán thanh lý tài sản của một số ngành đặc thù (sản xuất thuốc lá, tàu biển, hàng không...) thì ngoài việc chấp hành quy định của Nghị định này còn phải thực hiện theo quy định của văn bản pháp luật chuyên ngành.

3. Phương thức thanh lý, nhượng bán tài sản cố định: Việc nhượng bán tài sản cố định được thực hiện bằng hình thức đấu giá thông qua một tổ chức có chức năng bán đấu giá tài sản hoặc do doanh nghiệp tự tổ chức thực hiện công khai theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản. Trường hợp nhượng bán tài sản cố định có giá trị còn lại ghi trên sổ kế toán dưới 100 triệu đồng, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc quyết định lựa chọn bán theo phương thức đấu giá hoặc thỏa thuận nhưng không thấp hơn giá thị trường. Trường hợp tài sản cố định không có giao dịch trên thị trường thì doanh nghiệp được thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá làm cơ sở bán tài sản theo các phương thức trên.

Bộ Tài chính quy định trình tự, thủ tục thanh lý, nhượng bán tài sản.

Điều 24. Quản lý hàng hóa tồn kho

1. Hàng hóa tồn kho là hàng hóa doanh nghiệp mua về để bán còn tồn lại, nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ tồn kho hoặc đã mua đang đi trên đường, sản phẩm dở dang trong quá trình sản xuất, sản phẩm hoàn thành nhưng chưa nhập kho, thành phẩm tồn kho, thành phẩm đang gửi bán.

2. Doanh nghiệp được quyền chủ động và chịu trách nhiệm xử lý ngay những hàng hóa tồn kho kém, mất phẩm chất, lạc hậu mốt, lạc hậu kỹ thuật, ứ đọng, chậm luân chuyển để thu hồi vốn. Thẩm quyền quyết định xử lý theo quy định tại Khoản 2 Điều 23 Nghị định này.

3. Cuối kỳ kế toán, khi giá gốc hàng tồn kho ghi trên sổ kế toán cao hơn giá trị thuần có thể thu hồi được thì doanh nghiệp phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho theo quy định tại Khoản 3 Điều 34 Nghị định này.

Điều 25. Quản lý các khoản nợ phải thu, nợ phải trả

1. Quản lý nợ phải thu

a) Trách nhiệm của doanh nghiệp:

- Xây dựng và ban hành quy chế quản lý các khoản nợ phải thu, phân công và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc theo dõi, thu hồi, thanh toán các khoản công nợ;

- Mở sổ theo dõi các khoản nợ theo từng đối tượng nợ; thường xuyên phân loại các khoản nợ (nợ luân chuyển, nợ khó đòi, nợ không có khả năng thu hồi), đôn đốc thu hồi nợ;

- Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp có trách nhiệm xử lý kịp thời các khoản nợ phải thu khó đòi, nợ không thu hồi được. Nếu không xử lý kịp thời các khoản nợ không thu hồi được theo quy định tại khoản này thì Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc sẽ bị miễn nhiệm như trường hợp báo cáo không trung thực tình hình tài chính của doanh nghiệp từ 02 lần trở lên. Nếu vì không xử lý kịp thời dẫn đến thất thoát vốn của chủ sở hữu tại doanh nghiệp thì phải chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu và trước pháp luật;

- Khi xác định là nợ phải thu khó đòi, doanh nghiệp phải trích lập dự phòng đối với khoản nợ phải thu khó đòi theo quy định tại Khoản 3 Điều 34 Nghị định này;

- Nợ phải thu không có khả năng thu hồi, doanh nghiệp có trách nhiệm xử lý bồi thường của cá nhân, tập thể có liên quan, số còn lại được bù đắp bằng khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi. Nếu còn thiếu thì hạch toán vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp;

- Nợ không có khả năng thu hồi sau khi xử lý như trên, doanh nghiệp vẫn phải theo dõi trên tài khoản ngoài bảng cân đối kế toán và tổ chức thu hồi. Số tiền thu hồi được hạch toán vào thu nhập của doanh nghiệp.

b) Quyền hạn của doanh nghiệp:

Doanh nghiệp được quyền bán các khoản nợ phải thu quá hạn, nợ phải thu khó đòi, nợ phải thu không đòi được để thu hồi vốn. Doanh nghiệp chỉ được bán nợ cho các tổ chức kinh tế có chức năng kinh doanh mua bán nợ, không được bán nợ trực tiếp cho khách nợ. Giá bán các khoản nợ do các bên tự thỏa thuận và tự chịu trách nhiệm về quyết định bán khoản nợ phải thu. Trường hợp bán nợ mà dẫn tới doanh nghiệp bị thua lỗ, mất vốn, hoặc mất khả năng thanh toán, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp phải giải thể, phá sản thì Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty và người có liên quan trực tiếp đến việc phát sinh các khoản nợ này phải bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật và Điều lệ của doanh nghiệp.

2. Quản lý nợ phải trả của doanh nghiệp:

a) Mở sổ theo dõi đầy đủ các khoản nợ phải trả gồm cả các khoản lãi phải trả.

b) Thanh toán các khoản nợ phải trả theo đúng thời hạn đã cam kết. Thường xuyên xem xét, đánh giá, phân tích khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp, phát hiện sớm tình hình khó khăn trong thanh toán nợ để có giải pháp khắc phục kịp thời không để phát sinh các khoản nợ quá hạn. Các khoản nợ phải trả mà không phải trả, không có đối tượng để trả thì hạch toán vào thu nhập của doanh nghiệp.

Điều 26. Chênh lệch tỷ giá

Chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh khi thanh toán các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ, hoặc trong việc báo cáo các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ của doanh nghiệp theo các tỷ giá hối đoái khác với tỷ giá hối đoái đang hạch toán, hoặc đã được báo cáo trong báo cáo tài chính được quy định như sau:

1. Trong giai đoạn đầu tư xây dựng để hình thành tài sản cố định của doanh nghiệp mới thành lập chưa đi vào hoạt động, chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh khi thanh toán các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ để thực hiện đầu tư xây dựng và chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh khi đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối năm tài chính được phản ánh lũy kế, riêng biệt trên bảng cân đối kế toán. Khi tài sản cố định hoàn thành đầu tư xây dựng thì chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh trong giai đoạn đầu tư xây dựng được phân bổ dần vào thu nhập tài chính, hoặc chi phí tài chính trong thời gian tối đa là 5 năm kể từ khi đưa tài sản vào sử dụng.

2. Đối với doanh nghiệp đang trong quá trình sản xuất kinh doanh, kể cả việc đầu tư xây dựng để hình thành tài sản của doanh nghiệp, chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh khi thanh toán các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ và đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối năm tài chính được hạch toán vào thu nhập tài chính, hoặc chi phí tài chính trong năm của doanh nghiệp.

Bộ Tài chính hướng dẫn việc xử lý chênh lệch tỷ giá.

Điều 27. Kiểm kê tài sản

1. Doanh nghiệp phải tổ chức kiểm kê định kỳ hoặc đột xuất để xác định số lượng tài sản (tài sản cố định và đầu tư dài hạn, tài sản lưu động và đầu tư ngắn hạn), đối chiếu các khoản công nợ phải thu, phải trả trong các trường hợp: Khi khóa sổ kế toán để lập báo cáo tài chính năm; khi thực hiện quyết định chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi sở hữu; sau khi xảy ra thiên tai, địch họa; hoặc vì lý do nào đó gây ra biến động tài sản của doanh nghiệp; hoặc theo quy định của Nhà nước. Thống kê tài sản thừa, thiếu, nợ không thu hồi được, nợ quá hạn xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức và cá nhân có liên quan và xác định mức bồi thường vật chất theo quy định.

2. Xử lý kiểm kê

a) Xử lý tổn thất tài sản sau kiểm kê

Tổn thất về tài sản là tài sản bị mất mát, thiếu hụt, hư hỏng, kém mất phẩm chất, lạc hậu mốt, lạc hậu kỹ thuật, tồn kho ứ đọng được xác định trong kiểm kê định kỳ và kiểm kê đột xuất. Doanh nghiệp phải xác định giá trị đã bị tổn thất, nguyên nhân, trách nhiệm và xử lý như sau:

- Nếu do nguyên nhân chủ quan thì người gây ra tổn thất phải bồi thường, xử lý theo quy định của pháp luật. Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định mức bồi thường theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về quyết định của mình;

- Tài sản đã mua bảo hiểm nếu tổn thất thì xử lý theo hợp đồng bảo hiểm;

- Giá trị tài sản tổn thất sau khi đã bù đắp bằng tiền bồi thường của cá nhân, tập thể, của tổ chức bảo hiểm, phần thiếu được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ;

- Những trường hợp đặc biệt do thiên tai hoặc do nguyên nhân bất khả kháng gây thiệt hại nghiêm trọng, doanh nghiệp không thể tự khắc phục được thì Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty lập phương án xử lý tổn thất trình chủ sở hữu và cơ quan tài chính có thẩm quyền. Sau khi có ý kiến của cơ quan tài chính, chủ sở hữu quyết định việc xử lý tổn thất theo thẩm quyền;

- Doanh nghiệp có trách nhiệm xử lý kịp thời các khoản tổn thất tài sản, trường hợp để các khoản tổn thất tài sản không được xử lý thì Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu như trường hợp báo cáo không trung thực tình hình tài chính doanh nghiệp.

b) Tài sản thừa sau kiểm kê

Tài sản thừa sau kiểm kê là chênh lệch giữa số tài sản thực tế kiểm kê với số tài sản ghi trên sổ sách kế toán, giá trị tài sản thừa do kiểm kê được hạch toán vào thu nhập của doanh nghiệp.

Điều 28. Đánh giá lại tài sản

1. Doanh nghiệp thực hiện đánh giá lại tài sản trong các trường hợp sau:

a) Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

b) Thực hiện chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp: cổ phần hóa, bán hoặc chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp theo các hình thức khác.

c) Dùng tài sản để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp.

d) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2. Việc đánh giá lại tài sản phải theo đúng các quy định của Nhà nước. Các khoản chênh lệch tăng hoặc giảm giá trị do đánh giá lại tài sản quy định tại Khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định đối với từng trường hợp cụ thể.

Điều 29. Đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp

1. Nguyên tắc đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp

a) Doanh nghiệp được quyền sử dụng tài sản thuộc quyền quản lý của doanh nghiệp đã được đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp. Việc sử dụng tài sản có liên quan đến đất đai để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai.

b) Việc đầu tư vốn của doanh nghiệp vào doanh nghiệp khác phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của doanh nghiệp, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được chủ sở hữu giao và đảm bảo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn đầu tư.

c) Doanh nghiệp không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (trừ những doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính là lĩnh vực bất động sản), không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, Quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

d) Doanh nghiệp đã góp vốn, đầu tư vào các lĩnh vực quy định tại Điểm c Khoản này không thuộc trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư phải có phương án cơ cấu lại và thực hiện thoái hết số vốn đã đầu tư theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

đ) Doanh nghiệp không được tham gia góp vốn mua cổ phần của các doanh nghiệp khác mà người quản lý, điều hành hoặc người sở hữu chính của doanh nghiệp này là vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị em ruột của Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc (Phó Tổng giám đốc), Giám đốc (Phó Giám đốc) và kế toán trưởng doanh nghiệp đó.

2. Các hình thức đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp:

a) Góp vốn, mua cổ phần để thành lập công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, góp vốn hợp đồng hợp tác kinh doanh không hình thành pháp nhân mới.

b) Mua cổ phần hoặc góp vốn tại các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh đang hoạt động.

c) Mua lại một doanh nghiệp khác để hình thành một pháp nhân mới.

d) Mua công trái, trái phiếu để hưởng lãi.

đ) Các hình thức đầu tư khác ra ngoài doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

3. Thẩm quyền quyết định dự án đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp:

a) Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định các dự án đầu tư ra ngoài doanh nghiệp sau khi đã được chủ sở hữu phê duyệt chủ trương.

b) Chủ sở hữu doanh nghiệp quyết định việc góp vốn liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; đầu tư hoặc góp vốn thành lập doanh nghiệp ở nước ngoài; quyết định việc mua lại doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác; đầu tư vào doanh nghiệp được thành lập để thực hiện chủ yếu, thường xuyên, ổn định các sản phẩm, dịch vụ công ích, phục vụ quốc phòng, an ninh; quyết định các dự án đầu tư tài chính khác còn lại không thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty.

4. Ngoài các trường hợp không được tham gia góp vốn theo quy định tại các Điểm c, đ Khoản 1 Điều này, doanh nghiệp còn bị hạn chế các hình thức nhận góp vốn đầu tư như sau:

a) Công ty mẹ không được nhận vốn góp đầu tư của công ty con.

b) Công ty con do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ, công ty hạch toán phụ thuộc không được góp vốn cùng công ty mẹ để thành lập doanh nghiệp mới, không được góp vốn mua cổ phần khi cổ phần hóa công ty con khác trong cùng tập đoàn, tổng công ty hoặc tổ hợp Công ty mẹ - Công ty con.

Hàng năm, các Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp theo quy định. Trường hợp doanh nghiệp có hoạt động đầu tư vốn ra bên ngoài không đúng đối tượng nhưng không thực hiện điều chỉnh cơ cấu đầu tư như quy định tại Khoản 1 Điều này, các Bộ quản lý ngành kinh doanh chính, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và xử lý trách nhiệm đối với Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 30. Chuyển nhượng các khoản đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp

Việc nhượng bán các khoản đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp, Luật chứng khoán và các quy định hiện hành của pháp luật, trong đó:

1. Phương thức chuyển nhượng:

Tùy theo hình thức góp vốn, doanh nghiệp thực hiện chuyển nhượng các khoản đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật, điều lệ của doanh nghiệp có vốn góp và các cam kết tại các hợp đồng hợp tác kinh doanh của các bên.

a) Đối với việc chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp tại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc tại công ty trách nhiệm hữu hạn từ 2 thành viên trở lên để trở thành công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên thực hiện theo nguyên tắc quy định tại Khoản 2 Điều 14 Nghị định này.

b) Đối với chuyển nhượng các khoản đầu tư tại công ty cổ phần đã niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch UPCOM thì doanh nghiệp được chủ động thực hiện theo các phương thức khớp lệnh, đấu giá, thỏa thuận hoặc chào bán cạnh tranh nhưng không được thấp hơn giá thị trường tại thời điểm bán.

c) Đối với chuyển nhượng các khoản đầu tư tại công ty cổ phần chưa niêm yết thì doanh nghiệp thực hiện đấu giá trên nguyên tắc công khai, minh bạch, bảo toàn vốn. Trong đó:

Trường hợp chuyển nhượng các khoản đầu tư có giá trị tính theo mệnh giá từ 10 tỷ đồng trở lên thì doanh nghiệp phải thực hiện đấu giá qua Sở Giao dịch chứng khoán. Chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính có giá trị tính theo mệnh giá dưới 10 tỷ đồng thì doanh nghiệp được lựa chọn thuê tổ chức tài chính trung gian (các công ty chứng khoán) bán đấu giá, hoặc tự tổ chức đấu giá tại doanh nghiệp, hoặc thực hiện đấu giá qua Sở Giao dịch chứng khoán.

Việc bán thỏa thuận chỉ được thực hiện sau khi tổ chức đấu giá công khai nhưng chỉ có một người đăng ký mua và phải đảm bảo giá bán sát với giá trị trường tại thời điểm bán; trong trường hợp này, giá thị trường tại thời điểm bán cần căn cứ vào báo giá của ít nhất 03 công ty chứng khoán có thực hiện giao dịch chứng khoán của công ty cổ phần có vốn góp của doanh nghiệp, trường hợp không có giao dịch thì giá bán không thấp hơn giá ghi trên sổ sách kế toán của doanh nghiệp.

2. Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định việc chuyển nhượng các khoản đầu tư tại doanh nghiệp khác thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của mình theo quy định của pháp luật, giá chuyển nhượng các khoản đầu tư theo nguyên tắc giá thị trường nhưng không thấp hơn giá ghi trên sổ sách kế toán của doanh nghiệp.

3. Trường hợp khi chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp nhưng thấp hơn giá trị ghi trên sổ sách kế toán của doanh nghiệp (sau khi đã bù trừ dự phòng tổn thất khoản đầu tư vốn theo quy định và các lợi ích thu được từ đầu tư vốn), doanh nghiệp phải báo cáo chủ sở hữu xem xét, quyết định.

Điều 31. Quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp đầu tư vốn vào doanh nghiệp khác

1. Doanh nghiệp đầu tư vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp sở hữu 100% vốn điều lệ thực hiện các quyền, trách nhiệm theo quy định của Luật doanh nghiệp.

2. Doanh nghiệp đầu tư vốn vào doanh nghiệp khác có các quyền, trách nhiệm sau:

a) Quyền của cổ đông, thành viên góp vốn, bên liên doanh theo quy định của pháp luật và điều lệ của doanh nghiệp khác.

b) Cử, bãi miễn, khen thưởng, kỷ luật Người đại diện tại doanh nghiệp khác, quyết định tiền lương, phụ cấp, tiền thưởng và các vấn đề đãi ngộ đối với Người đại diện, trừ trường hợp Người đại diện đã được hưởng lương từ doanh nghiệp khác.

c) Yêu cầu Người đại diện báo cáo định kỳ hoặc đột xuất tình hình kết quả kinh doanh, tình hình tài chính của doanh nghiệp khác.

d) Giao nhiệm vụ và chỉ đạo Người đại diện bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp tại doanh nghiệp khác. Yêu cầu Người đại diện báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm người đại diện, nhất là trong việc định hướng doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối để thực hiện các mục tiêu, chiến lược của doanh nghiệp.

đ) Kiểm tra, giám sát hoạt động Người đại diện, phát hiện những thiếu sót, yếu kém Người đại diện để ngăn chặn, xử lý và chấn chỉnh kịp thời.

e) Quyết định hoặc trình người có thẩm quyền quyết định việc đầu tư tăng vốn hoặc thu hồi vốn đầu tư vào doanh nghiệp khác phù hợp với pháp luật và Điều lệ của doanh nghiệp khác.

g) Giám sát việc thu hồi vốn đầu tư vào doanh nghiệp khác, việc thu lợi tức được chia từ doanh nghiệp khác.

h) Chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn đầu tư.

i) Thực hiện các quyền, trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

3. Quyền, trách nhiệm, thù lao, tiền lương, thưởng, quyền lợi và tiêu chuẩn Người đại diện của doanh nghiệp tại doanh nghiệp khác:

Các doanh nghiệp căn cứ quy định tại Điều 9 Nghị định này để ban hành quy định của doanh nghiệp về quyền, trách nhiệm, thù lao, tiền lương, tiền thưởng, quyền lợi, tiêu chuẩn người và chế độ báo cáo của Người đại diện phần vốn của doanh nghiệp đầu tư tại doanh nghiệp khác.

4. Chế độ báo cáo của Người đại diện của doanh nghiệp

Trên cơ sở báo cáo tài chính và các báo cáo khác, định kỳ hàng quý và kết thúc năm tài chính hoặc theo yêu cầu của chủ sở hữu, Người đại diện phải tổng hợp, đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh, tài chính, kiến nghị các biện pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn nhằm nâng cao hiệu quả vốn của doanh nghiệp đầu tư tại doanh nghiệp khác báo cáo chủ sở hữu vốn.

5. Thu lợi nhuận được chia từ vốn của doanh nghiệp đầu tư tại doanh nghiệp khác.

Người đại diện có trách nhiệm yêu cầu doanh nghiệp khác nộp kịp thời lợi nhuận, cổ tức được chia về doanh nghiệp góp vốn.

Điều 32. Quyền quyết định tăng, giảm vốn của doanh nghiệp đầu tư tại doanh nghiệp khác

Việc tăng hoặc giảm vốn của doanh nghiệp đầu tư tại doanh nghiệp khác được thực hiện theo quy định sau:

1. Người quyết định phương án đầu tư vốn vào doanh nghiệp khác đồng thời là người quyết định bổ sung vốn đầu tư vào doanh nghiệp khác hoặc quyết định giảm phần vốn đầu tư vào doanh nghiệp khác.

2. Phương thức tăng, giảm vốn đầu tư tại doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ của doanh nghiệp.

3. Trường hợp doanh nghiệp khác tăng vốn điều lệ mà doanh nghiệp không có nhu cầu đầu tư bổ sung vốn thì doanh nghiệp xem xét, quyết định chuyển nhượng quyền mua, quyền góp vốn theo quy định của pháp luật.

Điều 33. Thu hồi vốn đầu tư từ doanh nghiệp khác

Số vốn đầu tư thu hồi khi quyết định giảm bớt vốn của doanh nghiệp đầu tư tại doanh nghiệp khác hoặc khi doanh nghiệp khác bị giải thể, phá sản được chuyển về doanh nghiệp góp vốn.

Điều 34. Bảo toàn vốn

1. Doanh nghiệp có trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu đã đầu tư tại doanh nghiệp. Mọi biến động về tăng, giảm vốn chủ sở hữu, doanh nghiệp phải báo cáo chủ sở hữu và cơ quan tài chính để theo dõi, giám sát.

Định kỳ 6 tháng, hàng năm doanh nghiệp phải đánh giá hiệu quả sử dụng vốn thông qua chỉ tiêu mức độ bảo toàn vốn theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

2. Việc bảo toàn vốn chủ sở hữu tại doanh nghiệp được thực hiện bằng các biện pháp sau đây:

a) Thực hiện đúng chế độ quản lý sử dụng vốn, tài sản, phân phối lợi nhuận, chế độ quản lý tài chính khác và chế độ kế toán theo quy định của pháp luật.

b) Mua bảo hiểm tài sản theo quy định của pháp luật.

c) Xử lý kịp thời giá trị tài sản tổn thất, các khoản nợ không có khả năng thu hồi và trích lập các khoản dự phòng rủi ro sau đây:

- Dự phòng giảm giá hàng tồn kho;

- Dự phòng các khoản phải thu khó đòi;

- Dự phòng giảm giá các khoản đầu tư tài chính dài hạn;

- Dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp.

d) Các biện pháp khác về bảo toàn vốn chủ sở hữu tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

3. Nguyên tắc trích lập các khoản dự phòng:

a) Các khoản dự phòng nêu trên được hạch toán vào chi phí hoạt động kinh doanh năm báo cáo tại thời điểm lập báo cáo tài chính của doanh nghiệp, đảm bảo cho doanh nghiệp có nguồn tài chính để bù đắp tổn thất có thể xảy ra trong năm tiếp theo.

b) Doanh nghiệp phải xây dựng quy chế về quản lý vật tư, hàng hóa, quản lý công nợ để hạn chế các rủi ro trong kinh doanh; xác định rõ trách nhiệm của từng bộ phận, từng cá nhân trong việc theo dõi, quản lý hàng hóa, thu hồi công nợ.

c) Nghiêm cấm doanh nghiệp lợi dụng việc trích lập dự phòng để tính thêm vào chi phí các khoản dự phòng không đúng quy định nhằm làm giảm nghĩa vụ nộp ngân sách. Những doanh nghiệp cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt như hành vi trốn thuế theo quy định của pháp luật hiện hành.

Bộ Tài chính hướng dẫn việc trích lập và sử dụng các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng nợ phải thu khó đòi, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp.

MỤC 2. DOANH THU, CHI PHÍ VÀ KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH

Điều 35. Doanh thu và thu nhập khác

1. Doanh thu và thu nhập khác của doanh nghiệp được xác định phù hợp với các chuẩn mực kế toán và các văn bản pháp luật về thuế hiện hành.

2. Doanh thu bao gồm doanh thu hoạt động sản xuất, kinh doanh và doanh thu hoạt động tài chính, trong đó:

a) Doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh là toàn bộ số tiền phải thu phát sinh trong kỳ từ việc bán sản phẩm hàng hóa, cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp thực hiện cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, doanh thu bao gồm cả các khoản trợ cấp của Nhà nước cho doanh nghiệp khi doanh nghiệp thực hiện cung cấp sản phẩm, dịch vụ theo nhiệm vụ nhà nước giao mà thu không đủ bù đắp chi.

b) Doanh thu từ hoạt động tài chính bao gồm: các khoản thu phát sinh từ tiền bản quyền, cho các bên khác sử dụng tài sản của doanh nghiệp, tiền lãi từ việc cho vay vốn, lãi tiền gửi, lãi bán hàng trả chậm, trả góp, lãi cho thuê tài chính; chênh lệch lãi do bán ngoại tệ, chênh lệch tỷ giá ngoại tệ, kể cả chênh lệch tỷ giá của các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ có tỷ giá tại thời điểm lập báo cáo tài chính thấp hơn tỷ giá ghi trên sổ kế toán; tiền thu từ chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp đầu tư tại doanh nghiệp khác; lợi nhuận, cổ tức được chia từ việc đầu tư ra ngoài doanh nghiệp (bao gồm cả phần lợi nhuận sau thuế sau khi để lại trích các quỹ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp sở hữu 100% vốn điều lệ và cổ tức được chia bằng cổ phiếu tại các công ty cổ phần). Trường hợp lợi nhuận được chia đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thì doanh nghiệp không phải nộp thuế thu nhập đối với khoản lợi nhuận được chia này.

3. Thu nhập khác gồm các khoản thu từ việc thanh lý, nhượng bán tài sản cố định, thu tiền bảo hiểm được bồi thường, các khoản nợ phải trả nay mất chủ được ghi tăng thu nhập, thu tiền phạt khách hàng do vi phạm hợp đồng, giá trị tài sản trí tuệ được bên nhận vốn góp chấp nhận, được ghi nhận là thu nhập khác của doanh nghiệp và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

4. Đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đặc thù trong các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm thì việc xác định doanh thu áp dụng theo quy định của pháp luật điều chỉnh đối với lĩnh vực kinh doanh này.

Điều 36. Chi phí hoạt động kinh doanh

Chi phí hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là các khoản chi phí phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm tài chính. Việc xác định chi phí được thực hiện phù hợp với các chuẩn mức kế toán và các văn bản pháp luật về thuế hiện hành; chi phí hoạt động kinh doanh gồm một số nội dung sau:

1. Chi phí sản xuất kinh doanh:

a) Chi phí nguyên vật liệu, nhiên liệu, động lực, bán thành phẩm, dịch vụ mua ngoài (tính theo mức tiêu hao thực tế và giá gốc thực tế), chi phí phân bổ công cụ, dụng cụ lao động, chi phí sửa chữa tài sản cố định, chi phí trích trước chi phí sửa chữa lớn tài sản cố định.

b) Chi phí khấu hao tài sản cố định theo quy định.

c) Chi phí tiền lương, tiền công, chi phí có tính chất lương phải trả cho người lao động do Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

d) Kinh phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn, bảo hiểm y tế cho người lao động mà doanh nghiệp phải nộp theo quy định.

đ) Chi phí giao dịch, môi giới, tiếp khách, tiếp thị, xúc tiến thương mại, quảng cáo, hội họp tính theo chi phí thực tế phát sinh trên nguyên tắc quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

e) Chi phí bằng tiền khác gồm:

- Các khoản thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp;

- Tiền thuê đất;

- Trợ cấp thôi việc, mất việc cho người lao động;

- Đào tạo nâng cao năng lực quản lý, tay nghề của người lao động;

- Chi cho công tác y tế;

- Thưởng sáng kiến cải tiến, thưởng tăng năng suất lao động, thưởng tiết kiệm vật tư và chi phí. Mức thưởng do Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp quyết định căn cứ vào hiệu quả công việc trên mang lại nhưng không được cao hơn số tiết kiệm chi phí do công việc đó mang lại trong 01 năm;

- Chi phí cho lao động nữ;

- Chi phí cho công tác bảo vệ môi trường;

- Chi phí ăn ca cho người lao động;

- Chi phí cho công tác Đảng, đoàn thể tại doanh nghiệp (phần chi ngoài kinh phí của tổ chức Đảng, đoàn thể được chi từ nguồn quy định);

- Các khoản chi phí bằng tiền khác.

g) Nợ phải thu không có khả năng thu hồi theo quy định tại Khoản 1 Điều 25; Giá trị tài sản tổn thất thực tế theo quy định tại Khoản 2 Điều 27 Nghị định này.

h) Giá trị các khoản dự phòng giảm giá hàng hóa tồn kho, dự phòng nợ phải thu khó đòi, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp trích lập theo quy định tại Điều 34 Nghị định này, chênh lệch tỷ giá theo số dư khoản nợ vay dài hạn bằng ngoại tệ, chi phí trích trước bảo hành sản phẩm, các khoản dự phòng theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đặc thù.

i) Chi phí hoạt động tài chính, bao gồm: các khoản chi liên quan đến đầu tư tài chính ra ngoài doanh nghiệp (bao gồm các khoản chi phí do các bên góp vốn phải tự chi kể cả khoản lỗ được chia từ doanh nghiệp góp vốn); giá trị vốn góp được chuyển nhượng, tiền lãi phải trả do huy động vốn, chênh lệch tỷ giá, chi phí chiết khấu thanh toán, chi phí cho thuê tài sản; dự phòng giảm giá các khoản đầu tư dài hạn.

2. Chi phí khác, bao gồm:

a) Chi phí nhượng bán, thanh lý tài sản cố định gồm cả giá trị còn lại của tài sản cố định khi thanh lý, nhượng bán.

b) Chi phí cho việc thu hồi các khoản nợ đã xóa sổ kế toán;

c) Chi phí để thu tiền phạt;

d) Chi phí về tiền phạt do vi phạm hợp đồng.

đ) Các chi phí khác theo quy định của pháp luật.

3. Không tính vào chi phí sản xuất kinh doanh các khoản đã có nguồn khác đảm bảo hoặc không liên quan đến sản xuất kinh doanh sau đây:

a) Chi phí mua sắm xây dựng, lắp đặt tài sản cố định hữu hình, vô hình.

b) Chi phí lãi vay vốn được tính vào chi phí đầu tư và xây dựng.

c) Các khoản chi phí khác không liên quan đến hoạt động kinh doanh của công ty; các khoản chi không có chứng từ hợp lệ.

d) Các khoản tiền phạt về vi phạm pháp luật không mang danh công ty mà do cá nhân gây ra.

4. Đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đặc thù trong các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm thì việc xác định chi phí áp dụng theo quy định của pháp luật đối với lĩnh vực kinh doanh này.

Điều 37. Quản lý chi phí

Doanh nghiệp phải quản lý chặt chẽ các khoản chi phí để giảm chi phí và giá thành sản phẩm nhằm tăng lợi nhuận bằng các biện pháp quản lý sau đây:

1. Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các định mức kinh tế - kỹ thuật phù hợp với đặc điểm kinh tế - kỹ thuật, ngành, nghề kinh doanh, mô hình tổ chức quản lý, trình độ trang bị của doanh nghiệp. Các định mức phải được phổ biến đến tận người thực hiện, công bố công khai cho người lao động trong doanh nghiệp biết để thực hiện và kiểm tra, giám sát. Trường hợp không thực hiện được các định mức, làm tăng chi phí phải phân tích rõ nguyên nhân, trách nhiệm để xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu do nguyên nhân chủ quan phải bồi thường thiệt hại. Thẩm quyền quyết định mức bồi thường theo quy định tại Khoản 2 Điều 27 Nghị định này.

2. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực phải đăng ký giá với Nhà nước, hàng năm phải báo cáo chủ sở hữu và cơ quan tài chính (Bộ Tài chính đối với doanh nghiệp trung ương và Sở Tài chính đối với doanh nghiệp địa phương) tình hình thực hiện chi phí sản xuất kinh doanh. Nội dung báo cáo phải phân tích, so sánh giữa thực hiện và định mức các loại chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí lao động tiền lương, chi phí nguyên, nhiên, vật liệu, chi phí quản lý doanh nghiệp trong đó các khoản chi phí quảng cáo, tiếp thị, giao dịch, tiếp khách, chi phí khác, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân đối với việc thực hiện vượt định mức.

3. Định kỳ phải tổ chức phân tích chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm của doanh nghiệp nhằm phát hiện những khâu yếu, kém trong quản lý, những yếu tố làm tăng chi phí, giá thành sản phẩm để có giải pháp khắc phục kịp thời.

4. Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp có trách nhiệm xây dựng trình Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty ban hành các định mức kinh tế - kỹ thuật; định mức lao động; định mức chi phí tài chính và chi phí khác phù hợp với điều kiện kinh doanh, làm căn cứ điều hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chủ động xây dựng kế hoạch tiết giảm chi phí phù hợp với thực trạng và hoạt động của doanh nghiệp.

Điều 38. Phân phối thu nhập

Lợi nhuận của doanh nghiệp sau khi bù đắp lỗ năm trước theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, trích Quỹ phát triển khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, phần lợi nhuận còn lại được phân phối như sau:

1. Chia lãi cho các thành viên góp vốn liên kết theo quy định của hợp đồng (nếu có).

2. Bù đắp khoản lỗ của các năm trước đã hết thời hạn được trừ vào lợi nhuận trước thuế.

3. Số lợi nhuận còn lại sau khi trừ đi các nội dung quy định tại các Khoản 1, 2 Điều này được phân phối như sau:

a) Trích 30% vào quỹ đầu tư phát triển.

b) Trích quỹ khen thưởng, phúc lợi:

- Doanh nghiệp xếp loại A được trích tối đa không quá 3 tháng lương thực hiện cho hai quỹ khen thưởng, phúc lợi;

- Doanh nghiệp xếp loại B được trích tối đa không quá 1,5 tháng lương thực hiện cho hai quỹ khen thưởng, phúc lợi;

- Doanh nghiệp xếp loại C được trích tối đa không quá 1 tháng lương thực hiện cho hai quỹ khen thưởng, phúc lợi;

Doanh nghiệp không thực hiện xếp loại thì không được trích lập hai quỹ khen thưởng, phúc lợi.

c) Trích quỹ thưởng Viên chức quản lý doanh nghiệp:

- Doanh nghiệp xếp loại A được trích tối đa không quá 1,5 tháng lương thực hiện của Viên chức quản lý doanh nghiệp;

- Doanh nghiệp xếp loại B được trích tối đa không quá 01 tháng lương thực hiện của Viên chức quản lý doanh nghiệp;

- Doanh nghiệp xếp loại C hoặc doanh nghiệp không thực hiện xếp loại thì không được trích lập quỹ thưởng Viên chức quản lý doanh nghiệp.

d) Các doanh nghiệp trích hai quỹ khen thưởng, phúc lợi mà không đủ mức theo quy định tại Điểm b Khoản này, thì được giảm trừ phần trích lập quỹ đầu tư phát triển để bổ sung nguồn quỹ khen thưởng, phúc lợi nhưng tối đa không vượt quá mức trích vào quỹ đầu tư phát triển trong năm tài chính.

đ) Số lợi nhuận còn lại sau khi trích lập theo quy định tại các Điểm a, b, c, d Khoản này được nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.

4. Các doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu lớn hơn so với vốn điều lệ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Bộ Tài chính có phương án báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chuyển quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có trách nhiệm nộp tiền về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trong thời gian 05 ngày kể từ ngày có quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài chính hướng dẫn việc phân phối lợi nhuận và điều chuyển quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.

Điều 39. Mục đích sử dụng các quỹ

1. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp:

Việc trích lập, quản lý, quyết toán việc sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

2. Quỹ đầu tư phát triển được dùng để bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp.

3. Quỹ khen thưởng được dùng để:

a) Thưởng cuối năm hoặc thường kỳ trên cơ sở năng suất lao động và thành tích công tác của mỗi cán bộ, công nhân viên trong doanh nghiệp.

b) Thưởng đột xuất cho những cá nhân, tập thể trong doanh nghiệp.

c) Thưởng cho những cá nhân và đơn vị ngoài doanh nghiệp có đóng góp nhiều cho hoạt động kinh doanh, công tác quản lý của doanh nghiệp.

Mức thưởng theo quy định tại các Điểm a, b, c Khoản này do Tổng giám đốc hoặc Giám đốc quyết định. Riêng Điểm a Khoản này cần có ý kiến của Công đoàn doanh nghiệp trước khi quyết định.

4. Quỹ phúc lợi được dùng để:

a) Đầu tư xây dựng hoặc sửa chữa các công trình phúc lợi của doanh nghiệp.

b) Chi cho các hoạt động phúc lợi của tập thể người lao động trong doanh nghiệp.

c) Góp một phần vốn để đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi chung trong ngành hoặc với các đơn vị khác theo hợp đồng.

d) Sử dụng một phần quỹ phúc lợi để trợ cấp khó khăn đột xuất cho những người lao động kể cả những trường hợp về hưu, về mất sức, lâm vào hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa hoặc làm công tác từ thiện xã hội.

Việc sử dụng quỹ phúc lợi do Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định sau khi tham khảo ý kiến của công đoàn doanh nghiệp.

5. Quỹ thưởng Viên chức quản lý doanh nghiệp được sử dụng để thưởng cho Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Ban Tổng giám đốc (Ban Giám đốc), Kiểm soát viên, Kế toán trưởng doanh nghiệp. Mức thưởng do chủ sở hữu quyết định gắn với tiêu chí đánh giá các chức danh này và hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty.

6. Việc trích lập và sử dụng các quỹ nói trên phải được chấp thuận của chủ sở hữu và thực hiện công khai theo quy chế công khai tài chính, quy chế dân chủ ở cơ sở và quy định của Nhà nước.

7. Doanh nghiệp chỉ được chi các quỹ khen thưởng, phúc lợi, quỹ thưởng Viên chức quản lý doanh nghiệp sau khi thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác đến hạn phải trả.

MỤC 3. KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH, CHẾ ĐỘ KẾ TOÁN, THỐNG KÊ VÀ KIỂM TOÁN

Điều 40. Kế hoạch tài chính

1. Căn cứ vào định hướng chiến lược, quy hoạch phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã được chủ sở hữu phê duyệt, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch tài chính dài hạn phù hợp với kế hoạch định hướng của doanh nghiệp đã được chủ sở hữu quyết định.

2. Hàng năm, căn cứ vào kế hoạch sản xuất kinh doanh dài hạn, căn cứ vào năng lực của doanh nghiệp và nhu cầu thị trường, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh năm tiếp theo trình Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định.

3. Căn cứ kế hoạch sản xuất kinh doanh được Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định, doanh nghiệp thực hiện việc đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của năm báo cáo và lập kế hoạch tài chính cho năm kế tiếp gửi chủ sở hữu, cơ quan tài chính trước ngày 31 tháng 7 hàng năm.

4. Chủ sở hữu chủ trì phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp rà soát lại kế hoạch tài chính do doanh nghiệp lập và có ý kiến chính thức bằng văn bản để doanh nghiệp hoàn chỉnh kế hoạch tài chính. Kế hoạch tài chính sau khi hoàn chỉnh là kế hoạch chính thức làm cơ sở cho chủ sở hữu và cơ quan tài chính cùng cấp giám sát đánh giá quản lý điều hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Điều 41. Báo cáo tài chính và các báo cáo khác

1. Cuối kỳ kế toán (quý, năm), doanh nghiệp phải lập, trình bày và gửi các báo cáo tài chính và báo cáo thống kê theo quy định của pháp luật. Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các báo cáo này.

Doanh nghiệp phải thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính năm theo quy định của pháp luật.

2. Bộ Tài chính hướng dẫn mẫu biểu báo cáo, thời gian và nơi gửi các báo cáo của doanh nghiệp.

Chương 4.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 42. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2013.

Điều 43. Trách nhiệm thi hành và tổ chức thực hiện

1. Bộ trưởng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thi hành Nghị định này. Trường hợp hướng dẫn cơ chế tài chính đặc thù đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xổ số, Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán thì phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bằng văn bản.

2. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có thể áp dụng Nghị định này để tổ chức thực hiện việc đầu tư, quản lý vốn, tài sản tại các doanh nghiệp do mình làm chủ sở hữu.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và Người đại diện đối với phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- Các Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty nhà nước;
- Ban Chỉ đạo Đổi mới và PTDN;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH (3b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

THE GOVERNMENT
--------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
----------------

No. 71/2013/ND-CP

Hanoi, July 11, 2013

 

DECREE

ON INVESTMENT OF STATE CAPITAL IN ENTERPRISES AND FINANCIAL MANAGEMENT OF ENTERPRISES OF WHICH 100% CHARTER CAPITAL IS HELD BY THE STATE

Pursuant to the Law on Government organization dated December 25, 2001;

Pursuant to the Law on Enterprises dated November 29, 2005;

Pursuant to the Law on Investment dated November 29, 2005;

At the request of the Minister of Finance;

The Government promulgates a Decree on investment of state capital in enterprises and financial management of enterprises of which 100% charter capital is held by the State.

Chapter 1.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 1. Scope of regulation

This Decree deals with the investment of state capital in enterprises and financial management of enterprises of which 100% charter capital is held by the State (hereinafter referred to as 100% state-owned enterprises).

Article 2. Subjects of application

1. This Decree is applicable to:

a) Single-member limited liability companies of which 100% charter capital is held by the State, which are established by the Prime Minister or Ministries, ministerial agencies, Governmental agencies (hereinafter referred to as managing Ministries), or People’s Committees of central-affiliated cities and provinces (hereinafter referred to as provincial People’s Committees). Including:

- Single-member limited liability companies that are parent companies of economic corporations, parent companies of state-owned corporations; parents in the parent company-subsidiary company relationship.

- Independent single-member limited liability companies.

b) Authorized representatives of 100% state-owned enterprises and representatives of the state capital invested in other enterprises.

c) The organizations and individuals related to the investment of state capital and financial management of 100% state-owned enterprises, and the management of state capital invested in other enterprises.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. The 100% state-owned enterprises that engage in the finance fields shall comply with separate regulations of the Government or the Prime Minister, and other regulations in this Decree.

Article 3. Interpretation of terms

In this Decree, the terms below are construed as follows:

1. “Enterprises” mean single-member limited liability companies of which 100% charter capital is held by the State provided for in Point a Clause 1 Article 2 of this Decree.

2. “State capital at the enterprise” means the capital directly invested by the State budget and concentrated funds of the State when establishing the enterprises, and supplemented during the operations; the amounts payable to the budget that are retained; Development investment funds of enterprises; Enterprise arrangement funds; state capital sent from other places; value of the right to use land and national resources delegated by the State, and other assets delegated to enterprises in accordance with law.

3. “Equity of the enterprise” means the capital generated from the sources in Clause 2 of this Article, undistributed profit and exchange differences recorded in financial statements of the enterprise in accordance with law.

4. “State capital invested in other enterprises” means the state capital contributed to joint-stock companies, multi-member limited liability companies under the ownership of managing Ministries and provincial People’s Committees.

5. “Corporate capital” is the equity of the enterprise and capital raised by the enterprise.

6. “Corporate capital invested in other enterprises” is the capital of the enterprise which is invested in subsidiary companies and associate companies.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

8. “Authorized representative of the corporate capital invested in other enterprises” means the individual authorized in writing by the enterprise to exercise the rights and perform the duties of the enterprise at other enterprises.

The authorized representatives mentioned in Clause 7 and Clause 8 of this Article shall be referred to as representatives.

9. “Managers” mean the President and members of the Member assembly or the Company President, the Controller, the General Director or Director, the Deputy General Director or Deputy Director, and the Chief accountant (except for the General Director or Director, Deputy General Director or Deputy Director, and Chief accountant working under labor contracts).

Chapter 2.

INVESTMENT AND MANAGEMENT OF STATE CAPITAL INVESTED IN ENTERPRISES

SECTION 1. INVESTMENT OF STATE CAPITAL IN ENTERPRISES

Article 4. Principles of investment of state capital in enterprises

1. Investment of state capital in enterprises is to provide essential public services and products for the society, serve National defense and security, regulate the economy and stabilize the macro- economy in each period.

2. Investment of state capital in enterprises must be accurate, efficient, suitable for every project of investment, open and transparent.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Investment of state capital must be lawful, punctual, ensure the quality; avoid scattering, wastefulness, and losses.

5. Increasing the value of state capital invested in enterprises.

Article 5. Forms of investment of state capital in enterprises

1. Investing state capital in the execution of important projects of the State at enterprises.

2. Investing in establishing new enterprises.

3. Investing, supplementing charter capital in enterprises for expanding their scale, raising productivity and capacity, upgrading technologies, reducing, environmental pollution, serving National defense and security.

4. Investing state capital to maintain the control or proportion of state capital in joint-stock companies and multi-member limited liability companies.

5. Buying part or the whole enterprises in other economic sectors for economic restructuring.

Article 6. Conditions for investment of state capital in enterprises

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) The projects of which the total investments are at least 35,000 billion VND, among which the state capital is at least 11,000 billion VND;

b) The projects that significantly affect the environment or are likely to significantly affect the environment, including:

- Nuclear power plants;

- The projects that require the conversion of purposes of at least 50 hectares of land of national parks, wildlife sanctuaries, landscape conservations, research forests, upstream protection forests; or at least 500 hectares of protection forests that block wind, sand, waves, or at least 1,000 hectares of production forests;

c) The projects that require the conversion of purposes of at least 500 hectares of paddy land for at least 2 crops.

d) The projects that at least 20,000 people in highlands or 50,000 people in other areas must be resettled.

dd) The projects in localities where historic or cultural national remains or landscapes are situated.

e) The projects in the localities that are extremely important to National defense and security.

g) The projects that requires the application of special policies.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- The total overseas investment is at least 20,000 billion VND, among which the state capital is at least 7,000 billion VND;

- The projects that requires the application of special policies that need the decision of the National Assembly;

- Other imported projects decided by the Prime Minister.

2. Investing state capital in establishing new 100% state-owned enterprises:

a) Investing state capital in establishing new enterprises in the following fields and localities:

- Provision of essential products and services for the society or for National defense and security.

- The fields that apply high technology which motivate other fields and the whole economy, requiring massive investments;

- The localities facing extreme socio-economic difficulties that are not invested by other economic sectors.

b) The Prime Minister shall make a list of fields and localities specified in Point a of this Clause.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Supplementary charter capital shall only be provided for the 100% state-owned enterprises in accordance with the criteria and enterprise classification decided by the Prime Minister in each period, which are provided with sufficient charter capital by the State.

4. The supplementary state capital is provided to sustain or increase the proportion of invested capital in other enterprise, including:

a) Other enterprises providing public services and products serving National defense and security.

b) Other enterprises that significantly affect the development of the sectoral or regional economy in which the controlling shares are held by the State as decided by the Prime Minister in each period.

5. The purchase of part or the whole enterprises in other economic sectors for economic restructuring shall be decided by the Prime Minister.

Article 7. The power to decide investment of state capital in enterprises

1. The Prime Minister shall decide the investment of state capital in enterprises to:

a) Execute key projects of the State specified in Clause 1 Article 6 of this Decree after they are approved by the National Assembly.

b) Establish state-owned corporations; provide supplementary charter capital during the operation of state-owned corporations and State Capital and Investment Corporation.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Purchase part or the whole enterprises in other economic sectors at the request of managing Ministries and provincial People’s Committees.

2. Ministers of managing Ministries and Presidents of the provincial People’s Committees shall decide the investment of state capital in enterprises to:

a) Establish enterprises affiliated to managing Ministries and provincial People’s Committees after the establishment plans are approved by the Prime Minister.

b) Provide supplementary charter capital during the operations of the enterprise. The supplementation of charter capital of enterprises established by managing Ministries must be agreed by the Ministry of Finance.

c) Increase the state capital contributed to other enterprises under the ownership of managing Ministries and provincial People’s Committees.

d) Cooperate with the Ministry of Finance and the Ministry of Planning and Investment in examining the plan for purchasing part or the whole enterprises in other economic sectors, and request the Prime Minister to decide.

SECTION 2. MANAGEMENT OF STATE CAPITAL INVESTED IN ENTERPRISES

Article 8. Rights and obligations of managing Ministries and provincial People’s Committees to the state capital invested in other enterprises

1. The rights of shareholders, contributors and partners are specified by law and the charters of other enterprises.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Request representatives to send periodic or unscheduled reports on the performance and finance of the enterprises.

4. Assign and instruct representatives to protect the lawful rights and interests of the State at the other enterprises. Request the representatives to report the fulfillment of their obligations and, especially to the orientation of the enterprises the State they hold controlling shares or contribution, in order to implement the strategies of the State; providing written instructions at the request of the representatives.

5. Decide the increase or withdrawal of capital invested in the other enterprises in accordance with laws and the charters of such enterprises.

6. Inspect and supervise the representatives; rectifying the faults of the representatives.

7. Supervise the withdrawal of capital invested in other enterprises and the collection of profit divided by other enterprises.

8. Take responsibility for the efficient use, preservation, and development of capital.

9. Other rights and obligations defined by law.

Article 9. Rights and obligations of representatives

1. Rights and obligations of representatives

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) The representative must obtain the written opinion of the owner before providing opinions, voting, and making decisions in General meetings of shareholders, meetings of the Board of Directors and the Member assembly on the business line, targets, objectives, strategies, business plans, investment and development plans; restructuring, dissolution, bankruptcy; promulgation and adjustment of the charter; increase or decrease of the charter capital; voting for or against members of the Board of Directors, the Member assembly, General Director (Director), Deputy General Director (Deputy Director); distribution of profit; establishment, raising and use of fund; and annual distribution of dividends.

2. Salaries, bonus and benefits of representatives

a) Full-time representatives in the management board of other enterprises shall be given salaries, responsibility allowances (if any), bonuses, and other benefits that are defined in the charter of the enterprises and paid by the enterprises.

b) The salaries, responsibility allowances (if any), bonuses, and other benefits of part-time representatives in the management board of other enterprises shall be paid by the owners in accordance with law.

c) A written report shall be sent to the owner when the representatives are allowed to buy additional shares and convertible bonds as decided by the joint-stock company (unless they are bought by the right of present shareholders). The amount of shares the representatives are allowed to buy shall be decided in writing by the owner, which depends on the contribution and performance of the representatives. The capital owner is entitled to buy the residual amount. Where a representative is assigned to represent the state capital at multiple units, such representative may exercise the call option at 01 unit. The representative at the joint-stock company shall transfer the residual call option to the capital owner.

3. Standards of representatives

Representatives must meet the standards defined in Clause 2 Article 48 of the Law on Enterprises and the Government’s regulations on the application of the laws on officials and civil servants to the managerial positions of single-member limited liability company of which 100% charter capital is held by the State and representatives of state capital of enterprises contributed by the State.

4. Responsibility of representatives to report:

Every quarter, at the end of the fiscal year, or at the request of the owner, based on financial statement and other reports of the enterprise, the representatives shall summarize and assess the operation, finance of the enterprise, suggest solutions for the difficulties in order to raise the efficiency of state capital invested in other enterprises, and send a report to the owner.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Distributed profit and dividends from the state capital invested in other enterprises shall be remitted to the Enterprise Arrangement and Development Fund.

2. Representatives shall request other enterprises to remit distributed profit and dividends to the Enterprise Arrangement and Development Fund.

Article 11. Deciding the increase, decrease, and withdrawal of state capital invested in other enterprises

1. State capital invested in other enterprises shall be increased as follows:

a) The power to decide the plan for increasing state capital invested in other enterprises is specified in Article 7 of this Decree.

b) The method of increasing the capital invested in the other enterprises shall comply with law and the charters of such enterprises.

c) When an other enterprise increases its capital but the managing Ministry or provincial People’s Committee does not wish provide supplementary capital, the managing Ministry or provincial People’s Committee shall consider transferring the right to buy or the right contribute capital in accordance with law.

2. The decrease or withdrawal of state capital invested in other enterprises shall be done in the form of a transfer according to Section 3 of Chapter II of this Decree.

SECTION 3. TRANSFER OF STATE CAPITAL INVESTED IN ENTERPRISES

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The State shall transfer part or the whole state capital invested in enterprises according to Article 5 of this Decree.

2. The State shall transfer the capital invested in enterprises to:

a) Restructure the enterprises in the fields which the State no longer holds 100% charter capital.

b) Withdraw state capital invested in other joint-stock companies and limited liability companies that engage in the fields that the State does not need to maintain capital contribution.

c) Attract investments of strategic investors at home and overseas.

Article 13. Principles of transferring state capital invested in enterprises

1. The plan for transferring state capital invested in enterprises must be approved by competent authorities.

2. The transfer of state capital invested in enterprises must ensure transparency and efficiency, minimize loss, and facilitate the development of enterprises.

3. The transfer of state capital invested in enterprises that are related to land must comply with the laws on land.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The transfer of capital in 100% state-owned enterprises during equitization must comply with the regulations on equitization of 100% state-owned enterprises.

2. The transfer of state capital in single-member limited liability companies or multi-member limited liability companies must comply with the Law on Enterprises. The transfer of state capital invested in enterprises that are related to land must comply with the laws on land.

3. The sale of 100% state-owned enterprises must comply with regulations on selling enterprises.

4. Transfer of state capital in joint-stock companies:

a) The joint-stock companies listed at Stock Exchanges shall make matching transactions or reach agreements via the transaction system of Stock Exchanges.

b) For the joint-stock companies that are not listed at Stock Exchanges but have registered in the securities trading system, the transfer is similar to selling shares of listed companies according to Point a of this Clause.

c) The joint-stock companies that are not mentioned in Point a and Point b of this Clause shall sell the shares at public auctions. When only one investor registers to buy the shares or the Prime Minister makes a written approval, the shares shall be sold under agreements with the investor.

Article 15. The power to decide the transfer of state capital invested in enterprises

1. The Prime Minister shall decide the transfer of state capital in the form of equitization, selling enterprises, or conversion into multi-member limited liability companies, applicable to the enterprises established by the Prime Minister; decide the transfer of state capital invested in equitized corporations.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 16. Collecting money from state capital invested in enterprises

The amount of money from the transfer of state capital invested in enterprises in the forms in Article 14 of this Decree that remains after deducting relevant expenditures on capital transfer, fulfillment of obligations to the state budget, and benefits for redundant employees shall be remitted to Enterprise Arrangement and Development Fund.

SECTION 4. MANAGEMENT AND USE OF ENTERPRISE ARRANGEMENT AND DEVELOPMENT FUND

Article 17. Management and use of Enterprise Arrangement and Development Fund

The Prime Minister shall decide the establishment and issue the Regulation on the management and use of Enterprise Arrangement and Development Fund. The Ministry of Finance is in charge of state management, assurance of concentration, uniformity, and efficiency of sources of income of the fund.

1. Sources of income of Enterprise Arrangement and Development Fund:

a) The difference between the equity and charter capital of the enterprise which is approved by the owner according to Clause 4 Article 38 of this Decree.

b) Incomes from the equitization and other forms of ownership transfer of 100% state-owned enterprises.

b) Incomes from the transfer of state capital invested in other enterprises of which the capital ownership is represented by managing Ministries and provincial People’s Committees, after deducting the expenditures on the transfer.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) Incomes from distributed profit and dividends of the enterprises of which the capital ownership is represented by managing Ministries and provincial People’s Committees.

e) Regulation of enterprise restructuring funds of corporations and parent companies.

g) Other incomes defined by law.

2. Expenditures of Enterprise Arrangement and Development Fund:

a) Providing supplementary charter capital for 100% state-owned enterprises that lack capital, or for new enterprises.

b) Buying part or the whole enterprises in other economic sectors.

c) Investing in joint-stock companies where state capital contributions are maintained.

d) Investing in the projects decided by the Prime Minister.

dd) Expenditure on support for redundant employees.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Chapter 3.

FINANCIAL MANAGEMENT OF 100% STATE-OWNED ENTERPRISES

SECTION 1. MANAGEMENT AND USE OF ASSETS AND CAPITAL

Article 18. Charter capital

1. For new enterprises:

The charter capital is specified in the establishment plan approved by competent authorities. The charter capital shall not exceed 30% of total investment in assets of the enterprise, which ensures the normal operation of the enterprise according to the design scale and capacity. Where all assets of the enterprise are invested by the state budget, the charter capital shall equal the total state capital invested.

2. When an operating enterprise wishes to increase its charter capital, the owner shall approve the increase of charter capital based on the objectives, strategy for services and expansion, and characteristics of the enterprise. The increase of charter capital shall be sustained for at least 03 years from the year in which the decision on charter capital adjustment is made.

a) The Prime Minister shall decide the increase of charter capital of the enterprises established by the Prime Minister at the request of managing Ministries, according to consultation with the Ministry of Planning and Investment and assessment of the Ministry of Finance.

b) Ministers of managing Ministries shall decide the increase of charter capital of the enterprises they establish under written agreements with the Ministry of Finance.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. The Ministry of Finance shall provide guidance on the documentation, procedure and method for determination of charter capital.

4. Right and obligation to provide supplementary charter capital:

a) The enterprises shall use development investment fund to supplement the insufficient charter capital after the charter capital is approved by competent authorities. The use of the enterprise-restructuring fund of the parent company (if any) for providing supplementary charter capital must be approved in writing by the Prime Minister.

b) The Ministry of Finance shall supplement the insufficient charter capital of the enterprises that the Prime Minister or managing Ministries decide to increase the charter capital during their operation after they use the sources mentioned in Point a of this Clause.

b) Provincial People’s Committees shall fund the deficit of charter capital of the enterprises that provincial People’s Committees decide to increase the charter capital during their operation after they use the sources mentioned in Point a of this Clause. The request for provision of charter capital from the central budget or other legal capital sources under the management of the central agencies shall be sent to the Ministry of Finance and approved by the Prime Minister.

Article 19. Capital mobilization

1. Methods of capital mobilization: issuing bonds; taking loans from credit institutions, other financial institutions, individuals, external organizations, employees, and other methods of capital mobilization defined by law.

2. Capital mobilization principles:

a) The plan for capital mobilization must be approved by competent authorities to ensure solvency. The persons who approve the capital mobilization plans shall carry out inspections and supervisions to ensure the capital mobilized is used properly and efficiently.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) The mobilization of loans from foreign organizations and individuals shall comply with the laws on taking and repaying foreign loans. The unsecured loans taken by the enterprise shall comply with relevant legislative documents on taking foreign loans. Managing Ministries and provincial People’s Committees shall approve the policies on foreign loans of enterprises and request appraisal and approval from the Ministry of Finance.

d) The capital mobilization in the form of bond issuance to serve the primary business line shall comply with the regulations on issuance of corporate bonds in the Law on Enterprises and relevant legislative documents on issuance of corporate bonds.

3. The power to approve capital mobilization plans:

a) Enterprises may actively mobilize capital to serve their business as long as the ratio of debt to equity does not exceed 3:1, including loan guarantees for enterprises contributed by parent companies according to Clause 4 of this Article. The Member assembly or the Company President shall decide the plan for mobilizing capital that does not exceed 50% of charter capital of the enterprise. If the General Director or Director is delegated by the Member assembly or the Company President to decide the capital mobilization plan, the level of capital mobilization must be specified in the Charter and Finance Regulation of the enterprise.

b) When an enterprise wishes to mobilize a level of capital that exceeds the limit in Point a of this Clause to make investments in important projects, it shall request the owner to consider and decide based on the solvency and efficiency of the projects that need capital. The owner shall notify the Ministry of Finance to monitor and supervise in cooperation.

4. The parent company may guarantee the loans taken from banks and credit institutions by the subsidiary companies of which 100% charter capital is held by the parent company. The total value of loan guarantees given to a subsidiary company shall not exceed the capital contributed to the subsidiary company by the parent company.

Where an enterprise contributed by the parent company wishes to have its loans guaranteed, the parent company may provide guarantee as long as the rate of guarantee (%) for each loan does not exceed the proportion of capital contributed by the parent company to the guaranteed enterprises, and the total amount of loan guarantees does not exceed the actual capital contribution of the parent company at the guaranteed enterprises.

The total value of loan guarantees given by the parent company to the subsidiary companies of which 100% charter capital is held by the parent company and the enterprises contributed the parent company shall not exceed the equity of the parent company but the ratio of debt to equity must comply with Point a Clause 3 of this Article. The parent company shall supervise the use of loans and punctual repayment of the loans taken by the enterprises that are guaranteed by the parent company.

5. The owner shall supervise the capital mobilization and the use of mobilized capital of enterprises. If the mobilized capital is not properly used or the exceeds 3 times the equity and not accepted by the owner, the owner shall cooperate with the Ministry of Finance in inspecting and requesting the Prime Minister to consider and decide the actions against the Member assembly or the Company President in accordance with current law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The enterprise shall make 5-year plan for project development, including projects in class B or above according to the laws on project management, or at a lower level specified in the charter, then request the owner to makes an approval.

1. The power to decide projects of investment, construction, and procurement of fixed assets of enterprises:

a) The Member assembly and the Company President shall decide the projects of investment, construction, and procurement of fixed assets that are smaller than 50% of charter capital of the enterprise and do not exceed the levels of projects in class B according to the laws on project management. The competence of the Member assembly and the Company President must be specified in the charter of the enterprise. The enterprise owner shall consider and decide the projects that beyond the competence of the Member assembly and the Company President.

The Member assembly or the Company President shall delegate the General Director or Director to decide the projects of investment, construction, and procurement of fixed assets within the competence of the Member assembly and the Company President.

b) The procedure for investment, construction, and procurement of fixed assets shall comply with the laws on project management.

2. Investment and procurement of vehicles serving the operation of the enterprise:

The managers shall use vehicles to commute from their residences to work, to go on business trips, or to serve operation of the enterprise shall comply with the regulations of the Prime Minister. The procurement or replacement of vehicles shall be decided by the Member assembly or the Company President. If the procurement of vehicles is delegated to the General Director or Director, it must be specified in the charter or finance regulation of the enterprise.

3. The persons who decide investment, construction, and procurement of fixed assets are responsible for the inappropriate, obsolete, or unusable assets.

Article 21. Depreciation of fixed assets

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

All fixed assets shall be appreciated, except for:

a) The fixed assets that are completely depreciated but are still being used for the business.

b) The fixed assets that are lost before being completely depreciated.

c) Other fixed assets under the management of the enterprise that are not under the ownership of the enterprise (except for fixed assets being finance lease).

d) The fixed assets that are not managed, monitored, or recorded in accounting books of the enterprise.

dd) The fixed assets used for the provision of benefits for employees, (except for the fixed assets serving employees at the enterprise such as the recreation ward, canteen, locker room, rest room, fresh water reservoir, parking lot, clinic, worker bus, training ward, and housing for employees invested by the enterprise).

e) Fixed assets from non-refundable aid that are allocated to the enterprise to serve scientific research.

2. The Ministry of Finance shall provide guidance on the management, use, and duration of depreciation of fixed assets.

Article 22. Leasing and mortgaging assets

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) The Member assembly or the Company President shall decide the conclusion of asset lease contracts valued at below 50% of charter capital of the enterprise.

b) The power to decide the lease and mortgage of assets to apply for loans is specified in Article 19 of this Decree.

2. The lease and mortgage of assets of the enterprises established to maintain a continuous provision of public products or serve National defense and security must be approved by the owner.

3. The lease and mortgage of assets must comply with the Civil Code and relevant laws.

Article 23. Liquidation of fixed assets

1. Enterprises may actively liquidate fixed assets that are broken, obsolete, not needed, or unusable to recover capital in an open and transparent manner to preserve capital.

2. The power to decide the liquidation of fixed assets:

a) The Member assembly or the Company President shall decide plans for liquidating assets valued at below 50% of charter capital of the enterprise but do not exceed the level of projects in class B.

The plan for liquidating fixed assets beyond the competence of the financial the Member assembly and the Company President shall be decided by the owner.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) When an enterprise that is incapable of recovering its capital plans to liquidate fixed assets of enterprises, the reasons for the incapability of capital recovery must be reported to the owner and a finance authority at the same level before liquidating the fixed assets.

d) When an enterprise sells its new fixed assets that are not efficiency as planned, and the sale is not able to recover its capital and leads to the failure to repay loan according to the loan contracts, responsibility of the persons involved must be clarified and reported to the owner.

dd) Apart from this Decree, the liquidation of assets of enterprises engaged in special fields (tobacco production, ships, aviation, etc.) must also comply with specialized laws.

3. Fixed assets shall be liquidated at auctions via an organization licensed to hold auctions, or openly liquidated by the enterprise itself in accordance with the laws on asset auction. The General Director or Director shall decide to liquidate fixed assets of which the residual book values are below 100 million VND at an auction or at agreed prices as long as their values are not below the market prices. For the fixed assets that are not traded on the market, the enterprise may hire a valuation organization to determine the prices at the basis for selling assets using the aforesaid methods.

The Ministry of Finance shall specify the procedure for asset liquidation.

Article 24. Management of unsold goods

1. Unsold goods are goods for sale that are left over, materials, tools in stock or in transit, unfinished products in production, finished products that are not in stock, finished products that are unsold, and finished products on sale.

2. The enterprise is entitled and obliged to dispose of defective and obsolete goods that are unsold in order to recoup investment. The power to decide the disposal is specified in Clause 2 Article 23 of this Decree.

3. At the end of the accounting period, when the cost of unsold goods in the accounting book is higher than the recoverable net worth, the enterprise shall make provision against devaluation of unsold goods according to Clause 3 Article 34 of this Decree.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Management of receivables

a) The enterprise shall:

- Formulate and issue a regulation on the management of receivables, defining the responsibility for monitoring, collecting, and paying debts.

- Monitor debts of every debtors; frequently classify debts (circulating debts, bad debts, irrecoverable debts), and urge the debt repayment.

- The Member assembly, the Company President, and the General Director/Director of the enterprise are responsible for settling bad debts and irrecoverable debts. If the irrecoverable debts are not settled, the Member assembly, the Company President, General Director or Director shall be dismissed, similarly to the cases in which the finance of the enterprise is untruthfully reported twice or more. They shall be responsible before the owner and law if the unresponsiveness leads to the wastage of equity of the enterprise.

- When debt is classified as bad debt, the enterprise shall make a provision for such bad debt in accordance with Clause 3 Article 34 of this Decree;

- For the debts that are irrecoverable, the enterprise shall identify the responsibility for compensation of organizations and individuals involved; the residual amount shall be made up for using the provision for bad debts. If the debts are still unsettled, they shall be included in the business expense of the enterprise;

- After irrecoverable debts are settled, the enterprise must monitor them on the account outside the balance sheet and organize the collection. The debt collected shall be classified as an income of the enterprise.

b) Entitlements of the enterprise:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Management of payables:

a) Monitor all payables, including their interests.

b) Settle the payables on schedule. Frequently assess the solvency of enterprises; early detect the difficulties in debt repayment in order to provide solutions and avoid the occurrence of overdue debts. The payables that are written off or without creditors shall be recorded as incomes of the enterprise.

Article 26. Exchange differences

The exchange difference that occurs during the payment of accounts derived from foreign currencies, or when making reports on accounts derived from foreign currencies of the enterprise at other exchange rates than the current exchange rate or the exchange rate in the financial statement:

1. During the period of investment to form fixed assets of a new enterprise that have not operated, the exchange differences that occur during when making payment of accounts derived from foreign currencies and when reassessing the accounts derived from foreign currencies at the end of the fiscal year shall be accrued and separately recorded in the balance sheet. When this period is over, the exchange differences that occur during this period shall by gradually distributed into the financial income or cost for at least 5 years from the day on which assets are put into operation.

2. For operating enterprises, the exchange differences that occur when making payment of accounts derived from foreign currencies and reassessing accounts derived from foreign currencies at the end of the fiscal year, including investment in fixed assets of the enterprises, shall be classified as financial income or financial cost of the enterprise.

The Ministry of Finance shall provide guidance on the settlement of exchange differences.

Article 27. Asset check

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Measures taken after asset checks

a) Damage after asset checks.

Asset damage is assets are lost, broken, defective, obsolete, or unsold assets which are classified during periodic and unscheduled asset checks. Enterprises must determine the damage value, the causes, responsibility, and:

- If the damage is due to subjective causes, the persons that cause the damage shall pay compensation in accordance with law. The Member assembly or the Company President shall decide the level of compensation in accordance with law and take responsibility for their decisions.

- The damage of insured assets shall be settled in accordance with insurance contracts;

- After the damage is made up by compensation provided by individuals, organizations, or insurers, the deficit shall be included to the business expense.

- For the severe damage caused by natural disasters or force majeure that the enterprise cannot remediate itself, the Member assembly or the Company President shall make and send a plan for damage remediation to the owner and a competent finance authority. The owner shall decide the remediation of damage in accordance with the opinion provided by the finance authority within their competence;

- Enterprises are responsible for settling the damage to assets. If the damage is left unsettled, the Member assembly, the Company President, and the General Director/Director of the enterprise bear responsibility to the owner similarly to the cases in which untruthful reports on the enterprise finance are made.

b) Surplus assets after asset check

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 28. Reassessing assets

1. Assets shall be reassessed in the following cases:

a) At the request of competent authorities.

b) Transferring the enterprise ownership: equitizing, selling, or transferring the enterprise ownership in other forms.

c) Making outward investments with assets.

d) Other cases defined by law.

2. The reassessment of assets must comply with regulations of the State. The surplus or deficit of value after asset reassessment in each case shall be settled in accordance with law.

Article 29. Outward investment

1. Outward investment principles

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) the investment of corporate capital in other enterprises must be conformable with law, strategies, and development plans of enterprises, not affect their operation, ensure the efficiency, preservation and development of capital.

c) Enterprises must not contribute capital or make investment in real estate (except for the enterprises of which the main business line is real estate), must not contribute capital or buy shares from banks, insurers, securities companies, securities investment funds, and securities investment companies, except for the special cases decided by the Prime Minister.

d) The enterprises that have made contribution or investment in the fields in Point c of this Clause that are not permitted by the Prime Minister must make plans for restructuring and withdraw all investments at the request of competent authorities.

dd) Enterprises must not contribute capital or buy shares from other enterprises of which the managers or owners are spouses, parents, children, brothers or sisters of the President and members of the Member assembly, the controller, the General Director (Deputy General Director), the Director (Deputy Director) and the chief accountant.

2. Methods of outward investment

a) Making contribution, buying shares to establish joint-stock companies, limited liability companies, contribute to cooperation without establishing a new legal entity.

b) Buying shares or contributing capital to operating joint-stock companies, limited liability companies, or partnerships.

c) Acquiring another enterprise to establish a new legal entity.

d) Buy bonds for interest.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. The power to decide projects of outward investment

a) The Member assembly or the Company President shall decide the projects of outward investment after the policies are approved by the owner.

b) The owner shall decide the capital contribution to foreign investors in Vietnam; investment in contribution to establishment of enterprises overseas; the acquisition of enterprises from other economic sectors; investment in enterprises established to maintain the continuous provision of public services and products or to serve national defense and security; other projects of financial investment beyond the competence of the Member assembly or the Company President.

4. Apart from the cases in which capital contribution is banned specified in Points c and dd Clause 1 of this Article, enterprises are also restricted from receiving capital contribution, in particular:

a) The parent company must not receive capital contribution from subsidiary companies.

b) The subsidiary companies of which 100% charter capital is held by the parent company and the dependent companies must not make capital contribution in cooperation with the parent company to establish new enterprises; must not make capital contribution to buy shares when other subsidiary companies in the same corporation or in the same or system is equitized.

Annually, managing Ministries and provincial People’s Committees shall inspect and supervise the management and use of capital for outward investment. Managing Ministries and provincial People’s Committees shall cooperate with the Ministry of Finance and request the Prime Minister to consider taking action against Member assemblies or the Company Presidents of the enterprises that make outward investments in improper subjects without restructuring the investment mechanism as specified in Clause 1 of this Article.

Article 30. Transferring outward investments

The transfer of outward investment shall comply with the Law on Enterprises, the Law on Securities and current laws, in particular:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Depending on the method of contribution, the enterprise shall transfer the investments in accordance with law, the charters of the contributed enterprises, and agreements in cooperation contracts.

a) The transfer of corporate capital in a single-member limited liability company or multi-member limited liability company shall comply with Clause 2 Article 14 of this Decree.

b) The transfer of investments in the joint-stock companies listed on securities market or registered on UPCOM may be made in the form of … auction, agreement, or competitive offers as long as the prices are not lower than the market price at that time.

c) The transfer of investments in unlisted joint-stock companies may be made at public auctions and ensure the capital preservation. In particular:

The transfer of investments of 10 billion VND or higher must be put up for auctions via Stock Exchanges. The financial investments of below 10 billion VND shall be transferred at auctions held by an intermediate financial institution (securities company), by the enterprise itself, or via Stock Exchanges.

The transfer agreement shall only be made after the public auction is held and only 01 person wishes to buy. The price must be close to the market price at that time. In this case, the market price at that time depends on the prices provided by at least 03 securities companies that trade securities of the contributed joint-stock companies; if no transaction is made, the sale price must not fall below the price in accounting books of the enterprise.

2. The Member assembly or the Company President shall decide the transfer of investments in other enterprise within their competence. The transfer prices must be close to market prices and not fall below the prices in accounting books of enterprises.

3. Enterprises shall request the owners to consider and decide the transfer of outward investments that are lower than the book values (after making provision for loss of capital investment and earnings from capital investment).

Article 31. Rights and obligations of the enterprises that invest capital in other enterprises

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Enterprises that invest capital in other enterprises have the rights and obligations below:

a) The rights of shareholders, capital contributors, and partners defined by law and the charters of the other enterprises.

c) Designating, dismissing, rewarding, and disciplining representatives at the other enterprises; deciding the salaries, allowances, bonuses, and benefits for representatives, except for the representatives that receive salaries from the other enterprises.

c) Requesting representatives to make periodic and unscheduled reports on the performance and business of the other enterprises.

d) Assigning and instructing the representatives to protect the lawful rights and interests of the enterprise at the other enterprises. Requesting the representatives to report the fulfillment of their tasks and obligations, especially to direct the enterprises in which the controlling shares are held by the State to achieve the targets of the enterprise.

dd) Inspecting and supervising representatives, finding and repairing the errors of representatives.

e) Deciding or requesting competent persons to decide the increase or withdrawal of investments in other enterprises in accordance with law and the charters of the other enterprises.

g) Supervising the withdrawal of investments in the other enterprises, collection of dividends distributed by the other enterprises.

h) Taking responsibility for the efficiency, preservation and development of capital.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Rights, obligations, salaries, bonuses, interests, and standards of representatives of the enterprise at other enterprises:

The rights, obligations, salaries, bonuses, interests, and standards, and obligations to report of representatives of the corporate capital invested in other enterprises shall be decided in accordance with Article 9 of this Decree.

4. Obligation to report of representatives of enterprises

Every quarter and at the end of the fiscal year or at the request of the owner, based on financial statement and other reports, representatives shall summarize, assess the performance and finance of enterprises, suggest solutions for difficulties in order to raise the efficiency of corporate capital invested in other enterprises, and send reports to the capital owner.

5. Collection of profit distributed from corporate capital invested in other enterprises.

Representatives are responsible for requesting the other enterprises to send distributable profit and dividends to the contributing enterprise.

Article 32. The right to decide the increase or decrease of corporate capital invested in other enterprises

The increase or decrease of corporate capital invested in other enterprises shall be decided as follows:

1. The person that decides the plan for capital investment in other enterprises shall also decide the increase or decrease of such investments.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. When an other enterprise increases its charter capital but the contributing enterprise does not wishes provide supplementary capital, the contributing enterprise shall consider transferring the right to buy or to contribute capital in accordance with law.

Article 33. Withdrawing investments in other enterprises.

The amount of capital that is withdrawn when decreasing the corporate capital invested in other enterprises or when an enterprise is dissolved or bankrupt shall be remitted to the contributing enterprise.

Article 34. Capital preservation

1. Enterprises are responsible for preserving and developing their equity. Enterprises must report the increases and decreases of their equity to the owners and finance authorities for supervising.

Every 6 months and every year, enterprises must assess the efficiency of capital by the criteria on capital preservation guided by the Ministry of Finance.

2. The equity of enterprises shall be preserved as follows:

a) Complying with the regime for management and use of capital and assets, profit distribution, other financial management regimes, and accounting regimes defined by law.

b) Buying asset insurance in accordance with law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Provision against devaluation of unsold goods

- Provision for bad debts;

- Provision for devaluation of long-term financial investments;

- Provisions for product and construction warranty.

d) Measures for preserving equity of enterprise defined by law.

3. Principles of making provisions:

a) The aforesaid provisions shall be classified as business expenses in the reporting year when making the financial statement to ensure the budget for making up for the damage that might be incurred in the next year.

b) Enterprises must formulate regulations on the management of supplies, goods, and debts to minimize risks; identify responsibility of every department and individual for the management of goods and debt collection.

c) Enterprises are prohibited from making improper provisions and classifying them as expenses to reduce payments to the state budget. This act shall be considered tax avoidance according to current law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

SECTION 2. REVENUE, EXPENDITURES AND BUSINESS RESULTS

Article 35. Revenue and other incomes

1. Revenue and other incomes of the enterprise shall be determined in accordance with accounting standards and current laws on taxation.

2. Revenue includes revenue from the business and revenue from financial activities, in particular:

a) Revenue from the business is the receivables that arise during the sale of goods and services of the enterprise. For the enterprises that provide public services and products, their revenue also includes the subsidies provided by the State when they suffer from a loss while providing the products and services ordered by the State.

b) Revenue from financial activities includes the amounts of money earned from royalties, leasing assets, interests on loans, deposits, deferred payments, installments, finance lease; exchange differences, including exchange differences of payables in foreign currencies, of which the exchange rates when making the financial statement is low than those in the accounting books; revenue from transfer of corporate capital invested in other enterprises; distributable profit and dividends from outward investment (including post-tax profit retained for raising funds of the single-member limited liability companies of which 100% charter capital is held by the enterprise, which distribute dividends in the form of shares in joint-stock companies). If the enterprise income tax on the distributed profit is paid, the enterprise shall not pay the income tax on this profit.

3. Other incomes include the revenues from the liquidation of fixed assets, insurance money, the payables without creditors that are recorded as incomes, fines for contract violations paid by customers, value of intellectual property received by the contributors and classified as other incomes of the enterprises, and other revenues as prescribed by law.

4. The revenue of enterprises engaged in banking or insurance shall be determined in accordance with specialized laws.

Article 36. Operating expenses

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Business expenses:

a) Expenditures on raw materials, fuel, power, semi-finished products, external services (according to actual consumption and prices); expenditures on allocation of tools, equipment, repairs of fixed assets, provisions for major repairs of fixed assets.

b) Depreciation of fixed assets.

c) Expenditures on salaries and wages paid to employees decided by the Member assembly or the Company President in accordance with the guidance of the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs.

d) Payments for social insurance, unemployment insurance, union fees, health insurance for employees paid by the enterprise.

dd) Expenditures on transactions, brokerage, customer service, marketing, trade promotion, advertisement, meetings at actual prices in accordance with the Law on Enterprise income tax.

e) Other monetary expenditures, including:

- Taxes and fees imposed by law that are classified as business expenses;

- Land rents;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Training for employees;

- Expenditure on health care.

- Rewards for ideas, innovations, productivity improvement, saving of materials and money. The rewards shall be decided by the General Director/Director of the enterprise based on the efficiency, and shall not exceed the total saving the innovation offers for 01 year.

- Expenditures on female employees;

- Expenditures on environment protection;

- Expenditures on catering.

- Expenditures on activities of the Communist Party at the Decree (the expenditures outside the budget of the Communist Party)

- Other monetary expenditures.

g) Irrecoverable debts according to Clause 1 Article 25 and actual asset damage according to Clause 2 Article 27 of this Decree.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

i) Expenditures on financial activities, including expenditures on external financial investments (including the expenditures incurred by contributors, even loss distributed by contributed enterprises); value of transferred capital contribution, interest on mobilized capital, exchange differences, expenditures on discounts, expenditures on asset lease; provision against devaluation of long-term investments.

2. Other expenses, including:

a) Expenditures on the liquidation of fixed assets, including residual value of fixed assets when liquidating.

b) Expenditures on collection of debts removed form accounting books;

c) Expenditure on collection of fines;

d) Expenditure on fines for contract violations.

dd) Other expenditures defined by law.

3. The expenditures provided for by other sources and expenditures that are not related to the business must not be classified as business expenses, in particular:

a) Expenditure on procurement, construction, installation of tangible and intangible fixed assets.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Other expenditures that are not related to the business of the company; the expenditures that have not invoices.

d) Fines for violation of law committed by individuals, not in the name of the company.

4. The expenditures of enterprises engaged in banking or insurance shall be determined in accordance with specialized laws.

Article 37. Expenditure management

Enterprises shall strictly manage their expenditures to reduce expenditures and prices and increase profit as follows:

1. Establish and implement economic - technical limits that suit the business line, management model, and infrastructure of the enterprise. The limits must be known by the persons in charge and employees for them to inspect and supervise. The reasons and responsibility for failure to comply with the limits which leads to increase of expenditure must be identified. Compensation shall be paid if the reasons are subjective. The power to decide the level of compensation is specified din Clause 2 Article 27 of this Decree.

2. The enterprises engaged in the fields that must register prices with the State must send reports on their business expenses to the owners and the Ministry of Finance (for enterprises under the management of central government) or Services of Finance (for enterprises under the management of local governments). The reports must analyze and compare the intended and actual expenditures on depreciation of fixed assets, wages, materials, fuel, enterprise management, including expenditures on advertisement, marketing, transaction, customer service, other expenditures; identify the reasons and responsibility for excess expenditures.

3. Periodically analyze production cost and prices in order to find weaknesses in the management and the causes of the increase of cost and prices, and promptly provide solutions.

4. The General Director/Director of the enterprise shall establish economic - technical limits, labor limits, limits on financial expenditures and other expenditures as the basis for business management, and request the Member assembly or the Company President to put them into effects. Make plans for reducing expenditures that suit the performance and operation of the enterprise.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

After the profit is used for offsetting the loss of the previous year according to the Law on Enterprise income tax, raising the science and technology development fund, and paying enterprise income tax, the residual profit shall be distributed as follows:

1. Distribute profit among capital contributors in accordance with contracts (if any).

2. Offset the loss of the previous years that are not deducted from pre-tax profit.

3. The residual profit after doing the works in Clause 1 and Clause 2 of this Article shall be distributed as follows:

a) 30% shall be deducted to raise the development investment fund.

b) Raising the reward fund welfare fund:

- The enterprises rated A may deduct no more than 3 months’ salary to raise the reward fund and welfare fund;

- The enterprises rated B may deduct no more than 1.5 months’ salary to raise the reward fund and welfare fund;

- The enterprises rated C may deduct no more than 1 month’s salary to raise the reward fund and welfare fund;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Raising manager bonus fund.

- The enterprises rated A may deduct no more than 1.5 months’ salary to raise the manager bonus fund;

- The enterprises rated B may deduct no more than 01 month’s salary to raise the manager bonus fund;

- The enterprises rated C and unrated enterprises may not establish the manager bonus fund.

d) If the reward fund and welfare fund are not sufficient according to Point b of this Clause, the amount deducted to raise the development investment fund may be reduced in order to supplement the reward fund and welfare fund. The supplementary amount must not exceed the amount deducted to raise the development investment fund in the fiscal year.

dd) The residual profit after the deductions in Points a, b, c and d of this Clause shall be remitted to Enterprise Arrangement and Development Fund.

4. The Ministry of Finance shall make plans and request the Prime Minister to transfer the development investment fund of the enterprises of which the equity is higher than the charter capital approved by competent authorities to the Enterprise Arrangement and Development Fund. Enterprises shall send money to Enterprise Arrangement and Development Fund within 05 days from the day on which the Prime Minister makes decisions.

The Ministry of Finance shall provide guidance on profit distribution and transfer of development investment funds to Enterprise Arrangement and Development Fund.

Article 39. Purposes of funds

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The establishment, management and use of the Science and technology development fund shall comply with guidance of the Ministry of Finance.

2. The Development investment fund is used for providing supplementary charter capital of enterprises.

3. The reward fund is used for:

a) Giving year’s end rewards or periodic rewards based on the productivity and accomplishments of managers and employees.

b) Giving unscheduled rewards to individuals or collectives in the enterprise.

c) Giving rewards to external individuals and units that contribute to the business or management of the enterprise.

The levels of the rewards in Points a, b, and c of this Clause are decided by the General Director/Director. The level of rewards in Point a of this Clause must be discussed with the Union before being given.

4. The welfare fund is used for:

a) Making investment in building or repairing welfare works of the enterprise.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Making investment in common welfare works for the field or with other units under contracts.

d) Providing unscheduled support for employees facing difficulties, including the employee that retire, face difficulties, are disabled, homeless, or do charitable works.

The use of the welfare fund shall be decided by the Member assembly or the Company President after discussion with the Union.

5. The manager bonus fund is used for giving bonus to the President and members of the Member assembly, the Company President, the Ministry of Education and Training, the controller, and the Chief accountant. The level of bonus shall be decided by the owner based on the criteria and efficiency of the enterprise at the request of the President of the Member assembly or the Company President.

6. The establishment and use of aforesaid funds must be approved by the owner and follow the principle of financial transparency, democracy, and law.

7. The enterprise may only use the reward fund, welfare fund, and manager bonus fund after all due debts and other financial obligations are settled.

SECTION 3. FINANCIAL PLANS, ACCOUNTING, STATISTICS, AND AUDIT

Article 40. Financial plans

1. Based on the strategy and development plan of the enterprise that is approved by the owner, the enterprise shall make long-term business plans and financial plans that are conformable with the orientation decided by the owner.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Based on the business plan decided by the Member assembly or the Company President, the enterprise shall assess the business performance of the current year, then make and send a financial plan for the next year to the owner and finance authority before July 31.

4. The owner shall cooperate with the finance authority at the same level in reviewing the financial plan made by the enterprise and provides opinions in writing. The enterprise shall complete the financial plan based on such opinions. The completed financial plan is the official plan which is the basis for the owner and the finance authority at the same level to assess the management and operation of the enterprise.

Article 41. Financial statement and other reports

1. At the end of every accounting period (quarter, year), the enterprise shall make and send financial statements and statistics reports in accordance with law. The Member assembly or company president is responsible for the accuracy of which reports.

The enterprise shall have their financial statements audited in accordance with law.

2. The Ministry of Finance shall provide guidance on report forms, time, and places to which reports are sent.

Chapter 4.

IMPLEMENTATION

Article 42. Effect

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 43. Responsibility for the implementation

1. The Minister of Finance shall provide guidance, inspect, and supervise the implementation of this Decree. The guidance on special financial mechanisms applicable for enterprises engaged in lottery, Stock Exchanges, and Securities Depository Institutions must be approved in writing by the Prime Minister.

2. Political organizations and socio-political organizations to organize the investment and management of capital and assets of the enterprises under their ownership.

3. Ministers, Heads of ministerial agencies, Heads of Governmental agencies, Presidents of provincial People’s Committees, Presidents of the Member assemblies, company presidents, Directors of 100% state-owned enterprises, and representatives of state capital invested in other enterprises are responsible for the implementation of this Decree./.

 

 

FOR THE GOVERNMENT
THE PRIME MINISTER




Nguyen Tan Dung

 

;

Nghị định 71/2013/NĐ-CP đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

Số hiệu: 71/2013/NĐ-CP
Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ
Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 11/07/2013
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [3]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [1]

Văn bản đang xem

Nghị định 71/2013/NĐ-CP đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

Văn bản liên quan cùng nội dung - [4]
Văn bản hướng dẫn - [2]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [1]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…