Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 17-HĐBT

Hà Nội, ngày 16 tháng 1 năm 1990

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 17-HĐBT NGÀY 16-1-1990 QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH PHÁP LỆNH HỢP ĐỒNG KINH TẾ

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng 4 tháng 7 năm 1981;
Căn cứ vào Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế ngày 25 tháng 9 năm 1989;
Theo đề nghị của Chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1.

Chủ thể hợp đồng kinh tế là những pháp nhân và cá nhân có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

1- Pháp nhân là một tổ chức có đủ các điều kiện sau đây:

a) Được thành lập một cách hợp pháp;

b) Có tài sản riêng và chịu trách nhiệm một cách độc lập bằng các tài sản đó;

c) Có quyền quyết định một cách độc lập về các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình;

d) Có quyền tự mình tham gia các quan hệ pháp luật.

2- Cá nhân có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật là người đã được cấp giấy phép kinh doanh và đã được đăng ký kinh doanh tại cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định về đăng ký kinh doanh.

Điều 2.

Các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng kinh tế được quy định như sau:

1- Thế chấp tài sản là dùng số động sản, bất động sản hoặc giá trị tài sản khác thuộc quyền sở hữu của mình để bảo đảm tài sản cho việc thực hiện hợp đồng kinh tế đã ký kết.

Việc thế chấp tài sản phải được làm thành văn bản riêng có sự xác nhận của cơ quan công chứng hoặc cơ quan có thẩm quyền đăng ký kinh doanh (trường hợp không có cơ quan công chứng).

Người thế chấp tài sản có nghĩa vụ bảo đảm nguyên giá trị của tài sản thế chấp; không được chuyển dịch sở hữu hoặc tự động chuyển giao tài sản đó cho người khác trong thời gian văn bản thế chấp tài sản còn có hiệu lực.

2- Cầm cố là trao động sản thuộc quyền sở hữu của mình cho người cùng quan hệ hợp đồng giữ để làm tin và bảo đảm tài sản trong trường hợp vi phạm hợp đồng kinh tế đã kỹ kết. Việc cầm cố phải được làm thành văn bản riêng, có sự xác nhận của cơ quan công chứng hoặc cơ quan có thẩm quyền đăng ký kinh doanh (trường hợp không có cơ quan công chứng).

Người giữ vật cầm cố có nghĩa vụ bảo đảm nguyên giá trị của vật cầm cố; không được chuyển dịch sở hữu vật cầm cố cho người khác trong thời gian văn bản cầm cố còn có hiệu lực.

3- Bảo lãnh tài sản là sự bảo đảm bằng tài sản thuộc quyền sở hữu của người nhận bảo lãnh để chịu trách nhiệm tài sản thay cho người được bảo lãnh khi người này vi phạm hợp đồng kinh tế đã ký kết. Người nhận bảo lãnh phải có số tài sản bảo lãnh không ít hơn số tài sản mà người đó đã nhận bảo lãnh.

Việc bảo lãnh tài sản phải được làm bằng văn bản có sự xác nhận về tài sản của Ngân hàng nơi người bảo lãnh giao dịch và cơ quan công chứng hoặc cơ quan có thẩm quyền đăng ký kinh doanh (trường hợp không có cơ quan công chứng).

Điều 3.

Việc xử lý tài sản thế chấp, cầm cố, bảo lãnh khi có vi phạm hợp đồng kinh tế được thực hiện cùng với việc giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế tại cơ quan trọng tài kinh tế có thẩm quyền.

Điều 4.

Chứng thư hợp đồng kinh tế là sự xác nhận về việc các bên đã ký kết bản hợp đồng kinh tế tại một cơ quan công chứng Nhà nước do các bên thoả thuận, nơi nào không có cơ quan công chứng thì làm chứng thư tại cơ quan có thẩm quyền đăng ký kinh doanh.

Điều 5.

1- Mỗi bên tham gia quan hệ hợp đồng kinh tế chỉ cần một đại diện để ký hợp đồng kinh tế.

2- Đại diện hợp pháp của pháp nhân là người được bổ nhiệm hoặc được bầu vào chức vụ đứng đầu pháp nhân đó và đương giữ chức vụ đó.

3- Người đứng tên đăng ký kinh doanh là người đã đứng tên xin giấy phép kinh doanh, được cấp giấy phép kinh doanh và đã đăng ký kinh doanh tại cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định về đăng ký kinh doanh.

Điều 6.

1- Việc uỷ quyền cho người khác thay mình ký hợp đồng kinh tế phải được làm bằng văn bản, có ghi rõ họ tên, chức vụ, nơi làm việc, giấy chứng minh của người được uỷ quyền, phạm vi uỷ quyền, thời hạn uỷ quyền.

2- Hợp đồng kinh tế được ký kết đúng theo các quy định về uỷ quyền, trách nhiệm với người uỷ quyền như chính người uỷ quyền đã ký. Hợp đồng kinh tế đã ký vượt quá phạm vi được uỷ quyền, bị vô hiệu phần vượt quá phạm vi uỷ quyền.

Điều 7.

a) Hợp đồng kinh tế được cả hai bên cùng ký hoặc một bên ký trước, bên khác ký sau nhưng cùng ký trên một văn bản.

b) Hợp đồng kinh tế được ký bằng tài liệu giao dịch như công văn, điện báo, đơn chào hàng, đơn đặt hàng, và những loại hợp đồng kinh tế mà pháp luật đã quy định phải đăng ký thì không được áp dụng cách ký kết theo chế định uỷ quyền.

Điều 8. Những hợp đồng kinh tế mua bán hàng hoá, sản phẩm kém chất lượng hoặc mua bán phế liệu với mục đích tận dụng thì không phải áp dụng quy định tại khoản 1, điều 13 của Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế.

Điều 9.

Điều khoản giá cả trong hợp đồng kinh tế được quy định như sau:

1- Các bên thoả thuận về giá và ghi cụ thể vào trong hợp đồng kinh tế; thoả thuận về nguyên tắc, thủ tục để thực hiện việc thay đổi giá khi có sự biến động giá cả thị trường trong quá trình thực hiện hợp đồng kinh tế;

2- Đối với sản phẩm, hàng hoá do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước đã quy định giá hoặc khung giá thì giá thoả thuận trong hợp đồng kinh tế phải phù hợp với sự quy định đó. Không một bên nào có quyền gò ép giá hoặc nâng giá quá mức quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Điều 10. Nếu trong hợp đồng kinh tế không có điều khoản về bảo hành thì đối với sản phẩm, hàng hoá đã có quy định bảo hành của Nhà nước, hoặc có sự chấp nhận bảo hành đã được thể hiện trong quảng cáo, trong đơn chào hàng của người sản xuất (trường hợp chưa có quy định của Nhà nước) thì hợp đồng kinh tế được coi như có điều khoản bảo hành với nội dung như quy định của Nhà nước hoặc sự chấp nhận bảo hành của người sản xuất.

Điều 11. Phương thức thanh toán tiền trong quan hệ hợp đồng kinh tế do các bên thoả thuận nhưng không được trái với các quy định hiện hành của pháp luật. Nếu trong hợp đồng kinh tế không ghi rõ phương thức thanh toán thì các bên thoả thuận, nếu không thoả thuận được thì đưa ra Trọng tài kinh tế giải quyết.

Điều 12.

1- Thời hạn có hiệu lực của hợp đồng kinh tế là khoảng thời gian để các bên thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng, tính từ khi hợp đồng kinh tế có hiệu lực pháp luật đến khi mà các bên đã thoả thuận là hợp đồng kinh tế phải được thực hiện xong.

2- Trong trường hợp các bên thoả thuận hợp đồng kinh tế được bắt đầu thực hiện từ thời điểm cụ thể khác với thời điểm hợp đồng kinh tế có hiệu lực pháp luật thì thời hạn có hiệu lực của hợp đồng kinh tế được tính từ thời điểm cụ thể đó.

3- Khi có tranh chấp về thời hạn thực hiện hợp đồng kinh tế do không xác định được thời hạn có hiệu lực của hợp đồng kinh tế, thì Trọng tài kinh tế xem xét yêu cầu về thời gian thực tế cần thiết để thực hiện công việc trong hợp đồng để xác định thời hạn có hiệu lực của hợp đồng kinh tế.

Điều 13.

1- Trong trường hợp cần khuyến khích thực hiện tốt hợp đồng kinh tế, các bên có quyền thoả thuận mức tiền thưởng theo tỷ lệ phần trăm giá trị hợp đồng hoặc bằng một số tiền tuyệt đối.

2- Thoả thuận về mức tiền phạt trong hợp đồng kinh tế phải phù hợp với khung phạt của từng loại hợp đồng kinh tế và loại vi phạm hợp đồng theo quy định như sau:

a) Vi phạm chất lượng: phạt từ 3% đến 12% giá trị phần hợp đồng kinh tế bị vi phạm về chất lượng.

b) Vi phạm thời hạn thực hiện hợp đồng: phạt 2% giá trị phần hợp đồng kinh tế bị vi phạm thời hạn thực hiện cho 10 ngày lịch đầu tiên; phạt thêm từ 0,5% đến 1% cho mỗi đợt 10 ngày tiếp theo cho đến mức tổng số các lần phạt không quá 8% giá trị phần hợp đồng kinh tế bị vi phạm ở thời điểm 10 ngày lịch đầu tiên; nếu hoàn toàn không thực hiện hợp đồng kinh tế đã ký thì bị phạt đến mức 12% giá trị hợp đồng.

c) Vi phạm nghĩa vụ không hoàn thành sản phẩm, hàng hoá, công việc một cách đồng bộ: phạt từ 6% đến 12% giá trị phần hợp đồng kinh tế bị vi phạm.

d) Vi phạm nghĩa vụ tiếp nhận sản phẩm hàng hoá, công việc đã hoàn thành theo đúng hợp đồng: phạt 4% giá trị phần hợp đồng kinh tế đã hoàn thành mà không được tiếp nhận cho 10 ngày lịch đầu tiên và phạt thêm 1% cho mỗi đợt 10 ngày tiếp theo cho đến mức tổng số các lần phạt không quá 12% giá trị phần hợp đồng đã hoàn thành và không được tiếp nhận ở thời điểm 10 ngày lịch đầu tiên.

e) Phạt vi phạm nghĩa vụ thanh toán áp dụng mức lãi suất tín dụng quá hạn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính từ ngày hết thời hạn thanh toán theo quy định tại điều 23 Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế. Trường hợp này không giới hạn mức phạt tối đa.

3- Nếu trong hợp đồng kinh tế không ghi sự thoả thuận về mức tiền phạt, khi có vi phạm hợp đồng kinh tế và tranh chấp về tiền phạt thì mức phạt được áp dụng theo quy định tại điều này và tại các văn bản quy định loại hợp đồng kinh tế cụ thể.

4- Trong trường hợp pháp luật chưa có quy định mức phạt, các bên có quyền thoả thuận về mức tiền phạt bằng tỷ lệ phần trăm giá trị phần hợp đồng kinh tế bị vi phạm hoặc bằng một số tuyệt đối.

Điều 14.

Trong trường hợp cần thiết, các bên ký kết có quyền đưa vào hợp đồng kinh tế những điều thoả thuận khác không trái pháp luật, với mục đích để thực hiện hợp đồng kinh tế một cách chặt chẽ có hiệu quả hoặc bảo đảm thời hạn thực hiện nghiêm túc như các yêu cầu về giám định, về kiểm dịch, về sự bồi thường gọn khi một bên muốn huỷ bỏ hợp đồng kinh tế đã ký kết, về người hoà giải hoặc chọn Trọng tài kinh tế để giải quyết khi có tranh chấp v.v...

Điều 15.

1- Nghĩa vụ trả tiền chỉ phát sinh khi hợp đồng kinh tế đã được thực hiện một phần hay toàn bộ theo sự thoả thuận của các bên ký kết và tương xứng với phần hợp đồng kinh tế đã được thực hiện, trừ một số loại hợp đồng kinh tế Hội đồng Bộ trưởng quy định được ứng hoặc trả tiền trước.

2- Nghĩa vụ trả tiền cũng được coi là đã hoàn thành nếu bên trả tiền đề nghị và được bên đòi tiền chấp thuận trả bằng hiện vật hoặc tài sản thế chấp, cầm cố, bảo lãnh có cùng giá trị tương đương với số tiền phải trả và việc trả hiện vật hoặc các tài sản đó đã được thực hiện xong.

3- Trong trường hợp có sự chuyển giao nghĩa vụ trả tiền cho người thứ ba, thì nghĩa vụ trả tiền của bên phải trả chỉ được coi là hoàn thành, khi người thứ ba đã trả đủ số tiền phải trả cho bên đòi tiền.

Điều 16.

1- Khi một bên ký kết hợp đồng kinh tế phải chuyển giao toàn bộ hay từng phần nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, mà không làm đẩy đủ thủ tục chuyển giao thực hiện hợp đồng kinh tế theo quy định tại điều 24 Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế, dẫn đến các hợp đồng kinh tế đó không được thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ thì:

a) Nếu đơn vị đó không giải thể thì họ phải chịu toàn bộ trách nhiệm tài sản giống như họ không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ hợp đồng kinh tế;

b) Nếu đơn vị đó đã giải thể, thì cơ quan ra quyết định giải thể phải giải quyết hậu quả của việc hợp đồng kinh tế không được thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ.

2- Trong trường hợp bên có quan hệ hợp đồng kinh tế với bên chuyển giao yêu cầu thanh lý hợp đồng kinh tế đã ký mà không chuyển cho bên nhận chuyển giao để tiếp tục thực hiện hợp đồng, thì hoặc không được quyền đòi phạt hợp đồng hoặc bồi thường thiệt hại do phải thanh lý hợp đồng trước thời hạn hợp đồng hết hiệu lực.

Điều 17.

Khi một bên ký kết hợp đồng kinh tế là pháp nhân phải giải thể mà không thông báo cho các bên có quan hệ hợp đồng kinh tế biết thì:

a) Cơ quan ra quyết định giải thể phải giải quyết hậu quả của việc không thanh lý các hợp đồng kinh tế đã bị đình chỉ do pháp nhân giải thể;

b) Đại diện của pháp nhân đã ký hoặc đã uỷ quyền cho người khác ký hợp đồng kinh tế phải chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật.

Điều 18.

Khi một bên ký hợp đồng kinh tế là cá nhân có đăng ký kinh doanh phải ngừng hoạt động kinh doanh thì phải thanh lý hợp đồng kinh tế với các bên cùng ký kết. Trường hợp cá nhân đó bị kết án tù thì người được quyền quản lý tài sản của người bị án tù phải chịu trách nhiệm thanh lý hợp đồng kinh tế mà người bị tù đã ký. Trường hợp người đứng tên đăng ký kinh doanh đã chết hoặc mất tích thì người thừa kế tài sản của người đã chết, mất tích phải chịu trách nhiệm thanh lý hợp động do người chết, mất tích đã ký. Nếu không thanh lý hợp đồng kinh tế, họ phải chịu phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại giống như không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các hợp đồng kinh tế đã ký kết.

Điều 19.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng kinh tế, các bên ký kết có quyền thoả thuận về sửa đổi, huỷ bỏ hoặc đình chỉ thực hiện hợp đồng. Sự thoả thuận đó phải được làm thành văn bản có ghi rõ hậu quả pháp lý của việc sửa đổi, huỷ bỏ hoặc đình chỉ thực hiện hợp đồng gây ra. Nếu hợp đồng kinh tế có làm chứng thư hoặc có đăng ký hợp đồng thì phải gửi văn bản thoả thuận dó đến cơ quan làm chứng thư hoặc đăng ký hợp đồng không chậm quá 5 ngày kể từ ngày ký văn bản thoả thuận. Hậu quả pháp lý do thay đổi, huỷ bỏ, đình chỉ thực hiện hợp đồng kinh tế bao gồm:

- Phí tổn đã thực hiện công việc của hợp đồng kinh tế mà bên thực hiện không thu hồi lại được (bao gồm cả phí tổn vận chuyển, bảo quản);

- Phí tổn về nguyên vật liệu chuẩn bị cho việc thực hiện công việc của hợp đồng kinh tế sau khi tận dụng, thanh lý chưa bù đắp đủ giá trị ban đầu của nó;

- Tiền phạt hợp đồng và tiền bồi thường thiệt hại đã phải trả do thay đổi, huỷ bỏ hoặc đình chỉ thực hiện hợp đồng kinh tế.

Điều 20.

1- Thời hạn quy định để các bên thanh lý hợp đồng kinh tế là mười ngày, kể từ ngày phát sinh các sự kiện nói tại điều 28 Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế. Quá hạn đó mà hợp đồng kinh tế không được thanh lý, các bên có quyền yêu cầu Trọng tài kinh tế giải quyết. Trong trường hợp hợp đồng kinh tế đã được thực hiện và các bên đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ của mình theo thoả thuận trong hợp đồng, thì hợp đồng kinh tế đó coi như đã được thanh lý.

2- Việc thanh lý hợp đồng kinh tế phải được làm bằng văn bản riêng, trong đó cần có những nội dung chính sau đây:

a) Xác nhận mức độ thực hiện nội dung công việc đã thoả thuận trong hợp đồng của các bên, từ đó xác định nghĩa vụ của các bên sau khi thanh lý hợp đồng;

b) Xác định các khoản thuộc trách nhiệm tài sản, hậu quả pháp lý của các bên trong quan hệ hợp đồng (nếu có) do phải thanh lý trước khi hợp đồng kinh tế hết hiệu lực.

3- Từ thời gian các bên đã ký vào biên bản thanh lý, quan hệ hợp đồng kinh tế đó coi như đã được chấm dứt. Riêng quyền và nghĩa vụ của mỗi bên được xác nhận trong biên bản thanh lý vẫn có hiệu lực pháp luật cho đến khi các bên hoàn thành nghĩa vụ của mình.

Điều 21.

Trong quan hệ hợp đồng kinh tế, bên vi phạm phải chịu trách nhiệm tài sản trực tiếp với bên bị vi phạm và không phụ thuộc vào cơ quan, tổ chức, hoặc cá nhân có lỗi đã gây ra sự vi pham đó.

Trách nhiệm tài sản mà bên vi phạm phải trả cho bên bị vi phạm gồm:

a) Tiền phạt vi phạm hợp đồng kinh tế theo mức phạt mà các bên đã thoả thuận trong hợp đồng và phù hợp với khung phạt đã được quy định tại điều 13 của Nghị định này. Nếu trong hợp đồng kinh tế không quy định mức phạt hoặc có quy định nhưng không phù hợp với khung phạt, khi có tranh chấp, Trọng tài kinh tế áp dụng theo khung phạt đã được quy định;

b) Tiền bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị số tài sản mất mát, hư hỏng, kể cả tiền lãi phải trả cho Ngân hàng hoặc các khoản thu nhập trực tiếp và thực tế không thu được do bị vi phạm hợp đồng, với đầy đủ chứng cứ rõ ràng, hợp pháp, số chi phí để ngăn chặn và hạn chế thiệt hại do vi phạm hợp đồng gây ra; tiền phạt vi phạm hợp đồng và tiền bồi thường thiệt hại mà bên vi phạm đã phải trả do hậu quả trực tiếp của sự vi phạm hợp đồng gây ra.

Điều 22. Trong một hợp đồng kinh tế, mỗi loại vi phạm hợp đồng chỉ phải chịu một loại phạt do bên bị vi phạm hợp đồng bắt phạt. Nếu xảy ra đồng thời nhiều loại vi phạm, thì bên vi phạm chỉ phải chịu một loại phạt có số tiền phạt ở mức cao nhất theo mức phạt các bên đã thoả thuận trong hợp đồng kinh tế. Trong trường hợp trong hợp đồng không ghi mức phạt thì áp dụng theo khung phạt quy định tại Điều 13 Nghị định này.

Điều 23.

Vi phạm nghĩa vụ thanh toán, ngoài mức phạt theo lãi suất tín dụng quá hạn, bên vi phạm phải chịu bồi thường thiệt hại bằng tổng số tiễn lãi mà bên bị vi phạm phải trả cho Ngân hàng do bên vi phạm chưa hoàn thành nghĩa vụ thanh toán.

Điều 24.

Bên vi phạm hợp đồng kinh tế được xét giảm hoặc miễn hoàn toàn trách nhiệm tài sản do phải thi hành lệnh khẩn cấp của cơ quan Nhà nước do những người sau đây ký:

- Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

- Trưởng ban chỉ huy chống lụt bão Trung ương.

- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương.

Điều 25. Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm các Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Điều 26.

Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành, những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước hướng dẫn thi hành Nghị định này.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Nghị định 17-HĐBT năm 1990 Hướng dẫn Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu: 17-HĐBT
Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
Người ký: Võ Văn Kiệt
Ngày ban hành: 16/01/1990
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [1]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [1]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Nghị định 17-HĐBT năm 1990 Hướng dẫn Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [0]
Văn bản hướng dẫn - [2]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…