QUỐC
HỘI |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/2003/QH11 |
Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 2003 |
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng
hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết
số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;
Luật này quy định về doanh nghiệp nhà nước.
Doanh nghiệp nhà nước là tổ chức kinh tế do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ hoặc có cổ phần, vốn góp chi phối, được tổ chức dưới hình thức công ty nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn.
Điều 2. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh của Luật này bao gồm:
a) Quy định việc thành lập mới, tổ chức lại, giải thể, chuyển đổi sở hữu, tổ chức quản lý và hoạt động của công ty nhà nước;
b) Điều chỉnh quan hệ giữa chủ sở hữu nhà nước với người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ, doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước.
2. Đối tượng áp dụng Luật này bao gồm:
a) Công ty nhà nước;
b) Người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại công ty cổ phần nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước có hai thành viên trở lên;
c) Người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước.
Người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp có một phần vốn của Nhà nước thực hiện theo quy định của Chính phủ;
d) Đối với công ty nhà nước đặc biệt trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định của Luật này và quy định cụ thể của Chính phủ.
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Công ty nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ, thành lập, tổ chức quản lý, đăng ký hoạt động theo quy định của Luật này. Công ty nhà nước được tổ chức dưới hình thức công ty nhà nước độc lập, tổng công ty nhà nước.
2. Công ty cổ phần nhà nước là công ty cổ phần mà toàn bộ cổ đông là các công ty nhà nước hoặc tổ chức được Nhà nước uỷ quyền góp vốn, được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp.
3. Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên là công ty trách nhiệm hữu hạn do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ, được tổ chức quản lý và đăng ký hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp.
4. Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước có hai thành viên trở lên là công ty trách nhiệm hữu hạn trong đó tất cả các thành viên đều là công ty nhà nước hoặc có thành viên là công ty nhà nước và thành viên khác là tổ chức được Nhà nước uỷ quyền góp vốn, được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp.
5. Doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước là doanh nghiệp mà cổ phần hoặc vốn góp của Nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ, Nhà nước giữ quyền chi phối đối với doanh nghiệp đó.
6. Doanh nghiệp có một phần vốn của Nhà nước là doanh nghiệp mà phần vốn góp của Nhà nước trong vốn điều lệ chiếm từ 50% trở xuống.
7. Công ty nhà nước giữ quyền chi phối doanh nghiệp khác là công ty sở hữu toàn bộ vốn điều lệ hoặc có cổ phần, vốn góp chiếm trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp khác, giữ quyền chi phối đối với doanh nghiệp đó.
8. Quyền chi phối đối với doanh nghiệp là quyền định đoạt đối với điều lệ hoạt động, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh quản lý chủ chốt, việc tổ chức quản lý và các quyết định quản lý quan trọng khác của doanh nghiệp đó.
9. Công ty nhà nước độc lập là công ty nhà nước không thuộc cơ cấu tổ chức của tổng công ty nhà nước.
10. Vốn điều lệ của công ty nhà nước là số vốn nhà nước đầu tư vào công ty và ghi tại Điều lệ công ty.
11. Vốn pháp định là mức vốn tối thiểu phải có để thành lập doanh nghiệp ở một số ngành, nghề theo quy định của pháp luật.
12. Sản phẩm, dịch vụ công ích là sản phẩm, dịch vụ thiết yếu đối với đời sống, kinh tế, xã hội của đất nước, cộng đồng dân cư của một khu vực lãnh thổ hoặc bảo đảm quốc phòng, an ninh mà việc sản xuất, cung cấp theo cơ chế thị trường thì khó có khả năng bù đắp chi phí đối với doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ này, do đó được Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch, đấu thầu theo giá hoặc phí do Nhà nước quy định.
Điều 4. Áp dụng Luật doanh nghiệp nhà nước và các luật khác có liên quan
1. Công ty nhà nước hoạt động theo Luật này và các luật khác có liên quan. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật này và luật có liên quan về cùng một vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của luật có liên quan thì áp dụng theo quy định của luật đó.
2. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật này với pháp luật có liên quan về quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty nhà nước hoặc quy định về quan hệ của chủ sở hữu nhà nước với người được uỷ quyền đại diện phần vốn góp của Nhà nước có sự khác nhau giữa Luật này và Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hoặc pháp luật tương ứng với doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước thì áp dụng quy định của Luật này.
Điều 5. Tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp nhà nước
Tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật và theo Điều lệ của tổ chức mình phù hợp với quy định của pháp luật.
THÀNH LẬP MỚI VÀ ĐĂNG KÝ KINH DOANH DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
Điều 6. Ngành, lĩnh vực, địa bàn được thành lập mới công ty nhà nước
1. Công ty nhà nước được thành lập mới ở những ngành, lĩnh vực, địa bàn sau đây:
a) Ngành, lĩnh vực cung cấp sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cho xã hội;
b) Ngành, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và toàn bộ nền kinh tế, đòi hỏi đầu tư lớn;
c) Ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao;
d) Địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà các thành phần kinh tế khác không đầu tư.
2. Những ngành, lĩnh vực, địa bàn quy định tại khoản 1 Điều này và quy hoạch sắp xếp, phát triển công ty nhà nước theo ngành, lĩnh vực, địa bàn do Chính phủ quyết định và định kỳ công bố.
Điều 7. Đề nghị thành lập mới công ty nhà nước
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) là người đề nghị thành lập mới công ty nhà nước (sau đây gọi là người đề nghị).
2. Người đề nghị phải căn cứ vào danh mục những ngành, lĩnh vực, địa bàn được xem xét thành lập mới công ty quy định tại Điều 6 của Luật này và quy hoạch sắp xếp và phát triển công ty nhà nước trong phạm vi toàn bộ nền kinh tế quốc dân, ở các ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã được Chính phủ phê duyệt theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 65 của Luật này để xây dựng đề án và lập hồ sơ thành lập mới công ty nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ quyết định theo quy định tại Điều 9 của Luật này.
3. Đề án thành lập mới công ty nhà nước phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Sự cần thiết thành lập công ty; danh mục sản phẩm, dịch vụ do công ty cung ứng; tình hình thị trường, nhu cầu và triển vọng thị trường về từng loại sản phẩm, dịch vụ do công ty cung ứng; khả năng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ của công ty và luận chứng khả thi về khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ của công ty;
b) Địa điểm đặt trụ sở chính của công ty hoặc địa điểm xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh và diện tích đất sử dụng;
c) Khả năng cung ứng lao động, nguyên liệu, vật liệu, năng lượng và các điều kiện cần thiết khác để công ty hoạt động sau khi thành lập;
d) Dự kiến tổng vốn đầu tư; nguồn vốn đầu tư ban đầu của Nhà nước; nguồn và hình thức huy động số vốn còn lại; phương án hoàn trả vốn huy động; nhu cầu và biện pháp tạo vốn lưu động đối với công ty;
đ) Luận chứng khả thi về hiệu quả kinh tế - xã hội và sự phù hợp của việc thành lập công ty với quy hoạch, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực và vùng kinh tế;
e) Báo cáo đánh giá tác động môi trường và các biện pháp bảo vệ môi trường;
g) Dự kiến mô hình tổ chức quản lý công ty và thời hạn hoạt động;
h) Đối với công ty cần tiến hành đầu tư xây dựng khi thành lập mới thì đề án thành lập mới phải bao gồm cả dự án đầu tư thành lập mới. Nội dung dự án đầu tư thành lập mới công ty nhà nước theo quy định của pháp luật về đầu tư.
4. Hồ sơ thành lập mới công ty nhà nước gồm:
a) Tờ trình đề nghị thành lập công ty;
b) Đề án thành lập mới công ty quy định tại khoản 3 của Điều này;
c) Dự thảo Điều lệ của công ty;
d) Đơn xin giao đất, thuê đất;
đ) Đơn đề nghị ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về khuyến khích đầu tư (nếu có).
5. Điều lệ của công ty tối thiểu phải có các nội dung sau:
a) Tên, địa chỉ, trụ sở chính, số điện thoại, số fax, thư điện tử của công ty; chi nhánh, văn phòng đại diện (nếu có);
b) Mục tiêu và ngành, nghề kinh doanh;
c) Vốn điều lệ;
d) Quan hệ giữa công ty và cơ quan, tổ chức được uỷ quyền là đại diện chủ sở hữu công ty;
đ) Cơ cấu tổ chức quản lý của công ty;
e) Người đại diện theo pháp luật của công ty;
g) Nguyên tắc sử dụng lợi nhuận của công ty;
h) Các trường hợp tổ chức lại, giải thể, chuyển đổi sở hữu và thủ tục thanh lý tài sản của công ty;
i) Thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty;
k) Các quy định khác do cơ quan, tổ chức được ủy quyền là đại diện chủ sở hữu công ty quyết định nhưng không được trái với quy định của pháp luật.
Điều 8. Điều kiện thành lập mới công ty nhà nước
Việc quyết định thành lập mới công ty nhà nước phải căn cứ vào các điều kiện sau đây:
1. Có hồ sơ hợp lệ theo quy định tại khoản 4 Điều 7 của Luật này;
3. Dự thảo Điều lệ của công ty không được trái với quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật;
Điều 9. Thẩm quyền quyết định thành lập mới công ty nhà nước
1. Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập mới công ty nhà nước đặc biệt quan trọng, chi phối những ngành, lĩnh vực then chốt, làm nòng cốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập mới công ty nhà nước không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.
6. Khi quyết định thành lập mới công ty nhà nước phải đồng thời tiến hành bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị và các thành viên Hội đồng quản trị; quyết định việc bổ nhiệm hoặc ký hợp đồng với Giám đốc công ty không có Hội đồng quản trị.
Điều 10. Đăng ký kinh doanh công ty nhà nước
Thủ tục đăng ký kinh doanh công ty nhà nước được quy định như sau:
1. Trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày có quyết định thành lập, công ty phải đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật doanh nghiệp;
1. Các đối tượng sau đây là sáng lập viên thành lập mới công ty cổ phần nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước có hai thành viên trở lên:
a) Tổng công ty do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập;
b) Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước;
c) Công ty nhà nước giữ quyền chi phối doanh nghiệp khác;
d) Công ty thành viên hạch toán độc lập của tổng công ty nhà nước;
đ) Công ty nhà nước độc lập;
e) Các tổ chức kinh tế có quyền sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào kinh doanh theo quy định của pháp luật.
2. Sáng lập viên góp vốn thành lập mới công ty cổ phần nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước có hai thành viên trở lên ngoài các ngành, lĩnh vực, địa bàn quy định tại Điều 6 của Luật này thì phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án góp vốn thành lập mới. Sáng lập viên là doanh nghiệp do cấp nào quyết định thành lập thì đề nghị cấp đó phê duyệt đề án góp vốn thành lập mới. Sáng lập viên là doanh nghiệp thành viên của tổng công ty thì Hội đồng quản trị tổng công ty phê duyệt đề án góp vốn thành lập mới.
3. Thủ tục đăng ký kinh doanh công ty cổ phần nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước có hai thành viên trở lên được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp.
QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÔNG TY NHÀ NƯỚC
Điều 12. Vốn và tài sản của công ty nhà nước
1. Vốn của công ty bao gồm vốn do Nhà nước đầu tư tại công ty, vốn do công ty tự huy động và các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật.
2. Vốn nhà nước đầu tư tại công ty bao gồm vốn ngân sách nhà nước và vốn tự tích luỹ được bổ sung vào vốn nhà nước.
4. Tài sản của công ty nhà nước bao gồm tài sản cố định và tài sản lưu động.
Điều 13. Quyền của công ty nhà nước đối với vốn và tài sản
1. Chiếm hữu, sử dụng vốn và tài sản của công ty để kinh doanh, thực hiện các lợi ích hợp pháp từ vốn và tài sản của công ty.
2. Định đoạt đối với vốn và tài sản của công ty theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Sử dụng và quản lý các tài sản Nhà nước giao, cho thuê là đất đai, tài nguyên theo quy định của pháp luật về đất đai, tài nguyên.
4. Nhà nước không điều chuyển vốn nhà nước đầu tư tại công ty và vốn, tài sản của công ty theo phương thức không thanh toán, trừ trường hợp quyết định tổ chức lại công ty hoặc thực hiện mục tiêu cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.
Điều 14. Nghĩa vụ của công ty nhà nước về vốn và tài sản
1. Bảo toàn và phát triển vốn nhà nước và vốn công ty tự huy động, chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số tài sản của công ty.
2. Người đại diện chủ sở hữu nhà nước chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn của Nhà nước đầu tư tại công ty.
3. Định kỳ đánh giá lại tài sản của công ty theo quy định của Chính phủ.
Điều 15. Quyền kinh doanh của công ty nhà nước
1. Chủ động tổ chức sản xuất, kinh doanh, tổ chức bộ máy quản lý theo yêu cầu kinh doanh và bảo đảm kinh doanh có hiệu quả.
2. Kinh doanh những ngành, nghề mà pháp luật không cấm; mở rộng quy mô kinh doanh theo khả năng của công ty và nhu cầu của thị trường trong nước và ngoài nước.
3. Tìm kiếm thị trường, khách hàng trong nước và ngoài nước và ký kết hợp đồng.
4. Tự quyết định giá mua, giá bán sản phẩm, dịch vụ, trừ những sản phẩm, dịch vụ công ích và những sản phẩm, dịch vụ do Nhà nước định giá thì theo mức giá hoặc khung giá do Nhà nước quy định.
5. Quyết định các dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư; sử dụng vốn, tài sản của công ty để liên doanh, liên kết, góp vốn vào doanh nghiệp khác trong nước; thuê, mua một phần hoặc toàn bộ công ty khác.
6. Sử dụng vốn của công ty hoặc vốn huy động để đầu tư thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên; cùng với các nhà đầu tư khác thành lập công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên.
7. Mở chi nhánh, văn phòng đại diện ở trong nước và nước ngoài.
8. Xây dựng, áp dụng các định mức lao động, vật tư, đơn giá tiền lương và chi phí khác trên cơ sở bảo đảm hiệu quả kinh doanh của công ty và phù hợp với quy định của pháp luật.
9. Tuyển chọn, thuê, bố trí, sử dụng, đào tạo, kỷ luật, cho thôi việc đối với lao động, lựa chọn các hình thức trả lương, thưởng phù hợp với yêu cầu kinh doanh và có các quyền khác theo các quy định của pháp luật về lao động.
10. Có các quyền kinh doanh khác theo nhu cầu thị trường phù hợp với quy định của pháp luật.
Điều 16. Nghĩa vụ trong kinh doanh của công ty nhà nước
1. Kinh doanh đúng ngành, nghề đã đăng ký; bảo đảm chất lượng sản phẩm và dịch vụ do công ty thực hiện theo tiêu chuẩn đã đăng ký.
2. Đổi mới, hiện đại hoá công nghệ và phương thức quản lý để nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh.
3. Bảo đảm quyền và lợi ích của người lao động theo quy định của pháp luật về lao động, bảo đảm quyền tham gia quản lý công ty của người lao động quy định tại Mục 3 Chương IV của Luật này.
4. Tuân theo các quy định của Nhà nước về quốc phòng, an ninh, văn hoá, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường.
5. Thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán và báo cáo tài chính, báo cáo thống kê theo quy định của pháp luật và theo yêu cầu của chủ sở hữu nhà nước.
6. Chịu sự giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu nhà nước; chấp hành các quyết định về thanh tra của cơ quan tài chính và cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
7. Chịu trách nhiệm trước người đầu tư vốn về việc sử dụng vốn để đầu tư thành lập doanh nghiệp khác.
8. Thực hiện các nghĩa vụ khác trong kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Điều 17. Quyền về tài chính của công ty nhà nước
1. Huy động vốn để kinh doanh dưới hình thức phát hành trái phiếu, tín phiếu, kỳ phiếu công ty; vay vốn của tổ chức ngân hàng, tín dụng và các tổ chức tài chính khác, của cá nhân, tổ chức ngoài công ty; vay vốn của người lao động và các hình thức huy động vốn khác theo quy định của pháp luật.
Việc huy động vốn để kinh doanh thực hiện theo nguyên tắc tự chịu trách nhiệm hoàn trả, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn huy động, không được làm thay đổi hình thức sở hữu công ty.
Trường hợp công ty huy động vốn để chuyển đổi sở hữu thì thực hiện theo quy định tại Chương VIII của Luật này và các quy định khác của pháp luật.
Việc huy động vốn của các cá nhân, tổ chức nước ngoài thực hiện theo quy định của Chính phủ về quản lý vay nợ nước ngoài.
2. Chủ động sử dụng vốn cho hoạt động kinh doanh của công ty; được sử dụng và quản lý các quỹ của công ty theo quy định của pháp luật.
3. Quyết định trích khấu hao tài sản cố định theo nguyên tắc mức trích khấu hao tối thiểu phải bảo đảm bù đắp hao mòn hữu hình, hao mòn vô hình của tài sản cố định và không thấp hơn tỷ lệ trích khấu hao tối thiểu do Chính phủ quy định.
4. Được hưởng các chế độ trợ cấp, trợ giá hoặc các chế độ ưu đãi khác của Nhà nước khi thực hiện các nhiệm vụ hoạt động công ích, quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai hoặc cung cấp sản phẩm, dịch vụ theo chính sách giá của Nhà nước không đủ bù đắp chi phí sản xuất sản phẩm, dịch vụ này của công ty.
5. Được chi thưởng sáng kiến đổi mới, cải tiến kỹ thuật, quản lý và công nghệ; thưởng tăng năng suất lao động; thưởng tiết kiệm vật tư và chi phí. Các khoản tiền thưởng này được hạch toán vào chi phí kinh doanh trên cơ sở bảo đảm hiệu quả kinh doanh của công ty do các sáng kiến đổi mới, cải tiến kỹ thuật, quản lý, công nghệ, tăng năng suất lao động, tiết kiệm vật tư, chi phí đem lại.
6. Được hưởng các chế độ ưu đãi đầu tư, tái đầu tư theo quy định của pháp luật.
7. Từ chối và tố cáo mọi yêu cầu cung cấp các nguồn lực không được pháp luật quy định của bất kỳ cá nhân, cơ quan hay tổ chức nào, trừ những khoản tự nguyện đóng góp vì mục đích nhân đạo và công ích.
8. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, chuyển lỗ theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật, trích lập quỹ dự phòng tài chính; phần lợi nhuận thực hiện còn lại được phân chia theo nguồn vốn nhà nước đầu tư và nguồn vốn công ty tự huy động như sau:
a) Phần lợi nhuận phân chia theo nguồn vốn nhà nước đầu tư được dùng để tái đầu tư tăng vốn nhà nước tại công ty hoặc hình thành quỹ tập trung để đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước khác thuộc lĩnh vực Nhà nước cần phát triển hoặc chi phối theo quy định của Chính phủ;
b) Phần lợi nhuận phân chia theo nguồn vốn công ty tự huy động được trích lập quỹ đầu tư phát triển theo quy định của Chính phủ; phần còn lại do công ty tự quyết định việc phân phối vào quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi.
Trường hợp công ty còn nợ đến hạn phải trả mà chưa trả hết thì chỉ được tăng lương, trích thưởng cho công nhân viên của công ty, kể cả người quản lý sau khi đã trả hết nợ đến hạn.
Việc phân chia lợi nhuận sau thuế vào quỹ đầu tư phát triển, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi đối với công ty nhà nước hoạt động trong lĩnh vực độc quyền, công ty nhà nước mới thành lập được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Điều 18. Nghĩa vụ về tài chính của công ty nhà nước
1. Kinh doanh có lãi, bảo đảm chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước đầu tư do đại diện chủ sở hữu giao; đăng ký, kê khai và nộp đủ thuế; thực hiện nghĩa vụ đối với chủ sở hữu và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
2. Quản lý, sử dụng có hiệu quả vốn kinh doanh bao gồm cả phần vốn đầu tư vào công ty khác (nếu có), tài nguyên, đất đai và các nguồn lực khác do Nhà nước giao, cho thuê.
3. Sử dụng vốn và các nguồn lực khác để thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt khác khi Nhà nước yêu cầu.
4. Chấp hành đầy đủ chế độ quản lý vốn, tài sản, các quỹ, chế độ hạch toán kế toán, kiểm toán theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm về tính trung thực và hợp pháp đối với các hoạt động tài chính của công ty.
5. Thực hiện chế độ báo cáo tài chính, công khai tài chính hàng năm và cung cấp các thông tin cần thiết để đánh giá trung thực về hiệu quả hoạt động của công ty.
Điều 19. Quyền và nghĩa vụ của công ty nhà nước khi tham gia hoạt động công ích
Ngoài các quyền và nghĩa vụ của công ty nhà nước quy định tại các điều 13, 14, 15, 16, 17 và 18 của Luật này, khi tham gia hoạt động công ích, công ty nhà nước có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
1. Sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích trên cơ sở đấu thầu. Đối với hoạt động công ích theo đặt hàng, giao kế hoạch của Nhà nước thì công ty có nghĩa vụ tiêu thụ sản phẩm, cung ứng dịch vụ công ích đúng đối tượng, theo giá và phí do Nhà nước quy định;
2. Chịu trách nhiệm trước Nhà nước về kết quả hoạt động công ích của công ty; chịu trách nhiệm trước khách hàng, trước pháp luật về sản phẩm, dịch vụ công ích do công ty thực hiện;
3. Được xem xét đầu tư bổ sung tương ứng với nhiệm vụ công ích được giao; phải hạch toán và được bù đắp chí phí hợp lý phục vụ hoạt động công ích và bảo đảm lợi ích cho người lao động theo nguyên tắc sau đây:
a) Đối với các sản phẩm, dịch vụ thực hiện theo phương thức đấu thầu thì công ty tự bù đắp chi phí theo giá thực hiện thầu;
b) Đối với các sản phẩm, dịch vụ công ích không thể thực hiện theo phương thức đấu thầu mà được Nhà nước đặt hàng thì công ty được sử dụng phí hoặc doanh thu từ cung cấp sản phẩm, dịch vụ theo đặt hàng của Nhà nước để bù đắp chi phí hợp lý phục vụ hoạt động công ích và bảo đảm lợi ích cho người lao động. Trường hợp các khoản thu không đủ để bù đắp chi phí hợp lý thì được ngân sách nhà nước cấp bù phần chênh lệch và bảo đảm lợi ích thoả đáng cho người lao động;
4. Xây dựng, áp dụng các định mức chi phí, đơn giá tiền lương trong giá thực hiện thầu, trong dự toán do Nhà nước đặt hàng hoặc giao kế hoạch;
5. Thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác của công ty nhà nước theo quy định của Luật này;
6. Đối với công ty được thiết kế, đầu tư thành lập và đăng ký kinh doanh để thực hiện mục tiêu chủ yếu, thường xuyên và ổn định là cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, thì:
a) Được Nhà nước đầu tư vốn để hình thành tài sản phục vụ mục tiêu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích;
b) Khi cần thiết Nhà nước điều chuyển phần vốn hoặc tài sản phục vụ mục tiêu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích của công ty để thực hiện mục tiêu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích ở công ty khác;
c) Có quyền chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp tài sản phục vụ mục tiêu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thuộc quyền quản lý của công ty khi được người quyết định thành lập công ty cho phép. Việc thế chấp giá trị quyền sử dụng đất, tài sản của công ty gắn liền với quyền sử dụng đất phục vụ mục tiêu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai;
d) Sử dụng các nguồn lực được giao để tổ chức hoạt động kinh doanh bổ sung khi được sự đồng ý của người quyết định thành lập công ty nhưng không ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu chính cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích của công ty;
đ) Thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác của công ty tham gia hoạt động công ích theo quy định của Luật này.
Chính phủ quy định các ngành, lĩnh vực có sản phẩm, dịch vụ công ích; hướng dẫn cụ thể về cơ chế đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch, cơ chế tài chính và hạch toán đối với hoạt động công ích.
Điều 20. Quyền và nghĩa vụ của công ty nhà nước giữ quyền chi phối doanh nghiệp khác
Ngoài các quyền và nghĩa vụ của công ty nhà nước quy định tại các điều 13, 14, 15, 16, 17, 18 và 19 của Luật này, công ty nhà nước giữ quyền chi phối doanh nghiệp khác còn có các quyền và nghĩa vụ quy định tại các điều 57, 58 và 59 của Luật này.
TỔ CHỨC QUẢN LÝ CÔNG TY NHÀ NƯỚC
Điều 21. Mô hình tổ chức quản lý công ty nhà nước
1. Công ty nhà nước được tổ chức quản lý theo mô hình có hoặc không có Hội đồng quản trị. Các tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước độc lập sau đây có Hội đồng quản trị:
a) Tổng công ty do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập;
b) Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước;
c) Công ty nhà nước độc lập có quy mô vốn lớn giữ quyền chi phối doanh nghiệp khác.
2. Căn cứ vào đặc điểm, quy mô của công ty nhà nước, người quyết định thành lập công ty quyết định cơ cấu tổ chức quản lý đối với công ty quy định tại khoản 1 Điều này.
Mục 1: CÔNG TY NHÀ NƯỚC KHÔNG CÓ HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ
Điều 22. Tổ chức quản lý của công ty nhà nước không có Hội đồng quản trị
Công ty nhà nước không có Hội đồng quản trị có cơ cấu quản lý gồm Giám đốc, các Phó giám đốc, kế toán trưởng và bộ máy giúp việc.
Điều 23. Giám đốc, các Phó giám đốc, kế toán trưởng và bộ máy giúp việc
1. Giám đốc là người điều hành công ty, đại diện theo pháp luật của công ty và chịu trách nhiệm trước người bổ nhiệm, người ký hợp đồng thuê và trước pháp luật về việc thực hiện các quyền, nhiệm vụ được giao.
2. Phó giám đốc giúp Giám đốc điều hành công ty theo phân công và uỷ quyền của Giám đốc, chịu trách nhiệm trước Giám đốc và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công và uỷ quyền.
3. Kế toán trưởng có nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác kế toán của công ty; giúp Giám đốc giám sát tài chính tại công ty theo pháp luật về tài chính, kế toán; chịu trách nhiệm trước Giám đốc và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công hoặc uỷ quyền.
4. Văn phòng và các phòng, ban chuyên môn, nghiệp vụ có chức năng tham mưu, giúp việc cho Giám đốc, các Phó giám đốc trong quản lý, điều hành công việc.
Điều 24. Tiêu chuẩn và điều kiện tuyển chọn Giám đốc
1. Tiêu chuẩn và điều kiện tuyển chọn Giám đốc:
a) Có năng lực kinh doanh và tổ chức quản lý công ty; có trình độ đại học; có chuyên môn thuộc lĩnh vực kinh doanh chính của công ty; có ít nhất ba năm kinh nghiệm tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp thuộc ngành, nghề kinh doanh chính của công ty;
b) Có sức khoẻ, phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, liêm khiết; hiểu biết pháp luật và có ý thức chấp hành pháp luật; thường trú tại Việt Nam.
2. Những đối tượng sau đây không được tuyển chọn để bổ nhiệm, ký hợp đồng làm Giám đốc:
a) Người đã làm Giám đốc công ty nhà nước nhưng vi phạm kỷ luật đến mức bị cách chức, miễn nhiệm hoặc để công ty lâm vào tình trạng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 25 của Luật này;
b) Thuộc đối tượng bị cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
1. Người quyết định thành lập công ty quyết định việc tuyển chọn để bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng với Giám đốc công ty nhà nước; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng với Phó giám đốc, kế toán trưởng công ty nhà nước trên cơ sở đề nghị của Giám đốc.
2. Quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm, ký hợp đồng với Giám đốc được thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Giám đốc được bổ nhiệm hoặc ký hợp đồng theo thời hạn không quá năm năm và có thể được bổ nhiệm lại hoặc ký tiếp hợp đồng.
3. Giám đốc bị miễn nhiệm, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn trong các trường hợp sau đây:
b) Công ty lâm vào tình trạng phá sản nhưng không nộp đơn yêu cầu phá sản;
c) Không hoàn thành các nhiệm vụ hoặc chỉ tiêu do người bổ nhiệm, tuyển dụng giao hoặc không hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng;
d) Không trung thực trong thực thi nhiệm vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thu lợi cho bản thân hoặc cho người khác; báo cáo không trung thực tình hình tài chính công ty;
đ) Bị Toà án kết án bằng bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật;
e) Bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
4. Giám đốc được thay thế trong các trường hợp sau đây:
a) Xin từ chức;
b) Khi có quyết định điều chuyển hoặc bố trí công việc khác.
Điều 26. Nhiệm vụ, quyền hạn của Giám đốc
Giám đốc có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Nhận và sử dụng có hiệu quả vốn do Nhà nước đầu tư và các tài sản, đất đai, tài nguyên, các nguồn lực khác do Nhà nước giao, cho vay, cho thuê;
2. Xây dựng chiến lược phát triển, kế hoạch dài hạn của công ty, dự án đầu tư, liên doanh, đề án tổ chức quản lý của công ty trình người quyết định thành lập công ty;
3. Quyết định các dự án đầu tư, các hợp đồng bán tài sản có giá trị đến 30% tổng giá trị tài sản còn lại trên sổ kế toán của công ty hoặc tỷ lệ nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty; các hợp đồng vay, cho vay, thuê, cho thuê và hợp đồng kinh tế khác do Điều lệ công ty quy định nhưng không vượt quá mức vốn điều lệ của công ty;
4. Điều hành hoạt động của công ty; tổ chức thực hiện chiến lược phát triển, kế hoạch kinh doanh, các dự án đầu tư, các quyết định của chủ sở hữu quy định tại các điều 64, 65, 66 và 67 của Luật này; đại diện công ty ký kết và chỉ đạo thực hiện các hợp đồng kinh tế, dân sự;
5. Ban hành các định mức kinh tế - kỹ thuật, tiêu chuẩn sản phẩm, đơn giá tiền lương áp dụng trong nội bộ công ty phù hợp với quy định của Nhà nước;
6. Trình người quyết định thành lập công ty việc tuyển chọn để bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng, khen thưởng, kỷ luật Phó giám đốc, kế toán trưởng;
7. Báo cáo người quyết định thành lập công ty và cơ quan tài chính về kết quả hoạt động, kinh doanh của công ty;
8. Quyết định tuyển chọn, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng hoặc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật Trưởng phòng, Phó trưởng phòng và các chức danh tương đương trong công ty, người đại diện phần vốn góp của công ty ở các doanh nghiệp khác; quyết định lương và phụ cấp đối với người lao động trong công ty, kể cả cán bộ thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của mình;
9. Chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
10. Được hưởng chế độ lương theo năm. Mức tiền lương và tiền thưởng tương ứng với hiệu quả hoạt động của công ty, do người quyết định bổ nhiệm quyết định hoặc theo hợp đồng đã ký. Tiền lương được tạm ứng hàng tháng, quyết toán hàng năm. Tiền thưởng hàng năm được tính dựa vào kết quả kinh doanh năm của công ty, chi trả một phần vào cuối năm, phần còn lại được chi trả sau khi kết thúc nhiệm kỳ; riêng tiền thưởng năm cuối nhiệm kỳ được tính dựa trên kết quả năm đó và kết quả tăng trưởng của cả nhiệm kỳ;
11. Thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn khác quy định tại Điều lệ công ty.
Điều 27. Nghĩa vụ, trách nhiệm của Giám đốc
1. Thực hiện trung thực, có trách nhiệm các quyền và nhiệm vụ được giao vì lợi ích của công ty và của Nhà nước; tổ chức thực hiện pháp luật tại công ty.
2. Không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn, sử dụng vốn và tài sản của công ty để thu lợi riêng cho bản thân và người khác; không được tiết lộ bí mật của công ty trong thời gian đang thực hiện trách nhiệm Giám đốc và trong thời hạn ba năm hoặc thời hạn khác do Điều lệ công ty quy định sau khi thôi làm Giám đốc.
3. Trường hợp vi phạm Điều lệ công ty, quyết định vượt thẩm quyền, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, gây thiệt hại cho công ty và Nhà nước thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.
4. Khi vi phạm một trong các trường hợp sau đây nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì Giám đốc sẽ không được thưởng, không được nâng lương và bị xử lý kỷ luật tuỳ theo mức độ vi phạm:
a) Để công ty nhà nước lỗ;
b) Để mất vốn nhà nước;
c) Quyết định dự án đầu tư không hiệu quả, không thu hồi được vốn đầu tư;
d) Không bảo đảm tiền lương và các chế độ khác cho người lao động ở công ty theo quy định của pháp luật về lao động;
đ) Để xảy ra các sai phạm về quản lý vốn, tài sản, về chế độ kế toán, kiểm toán và các chế độ khác do Nhà nước quy định.
5. Trường hợp để công ty lâm vào tình trạng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 25 của Luật này thì tuỳ theo mức độ vi phạm và hậu quả bị hạ lương và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
6. Khi công ty không thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn phải trả và không thực hiện được các nghĩa vụ tài sản khác đến hạn phải trả, thì:
a) Phải báo cáo người quyết định thành lập công ty và đề xuất phương án thanh toán nợ;
b) Giám đốc không được tăng lương và không được trích lợi nhuận trả tiền thưởng cho người lao động và cán bộ quản lý;
c) Phải chịu trách nhiệm cá nhân về thiệt hại xảy ra đối với chủ nợ do không thực hiện nghĩa vụ quy định tại điểm a và điểm b khoản này;
d) Kiến nghị biện pháp khắc phục khó khăn về tài chính của công ty.
7. Công ty lâm vào tình trạng phá sản nhưng Giám đốc không nộp đơn yêu cầu phá sản thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
8. Công ty nhà nước thuộc diện tổ chức lại, giải thể hoặc chuyển đổi sở hữu mà không tiến hành các thủ tục tổ chức lại, giải thể hoặc chuyển đổi sở hữu thì Giám đốc công ty bị miễn nhiệm, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.
Vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của Giám đốc công ty không được giữ chức danh kế toán trưởng, thủ quỹ tại cùng công ty. Hợp đồng kinh tế, lao động, dân sự của công ty ký kết với Giám đốc công ty, với vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của Giám đốc phải được thông báo cho người bổ nhiệm, người ký hợp đồng thuê Giám đốc biết; trường hợp người bổ nhiệm, người ký hợp đồng thuê Giám đốc phát hiện hợp đồng có mục đích tư lợi mà hợp đồng chưa được ký kết thì có quyền yêu cầu Giám đốc không được ký kết hợp đồng đó; nếu hợp đồng đã được ký kết thì bị coi là vô hiệu, Giám đốc phải bồi thường thiệt hại cho công ty và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Mục 2: CÔNG TY NHÀ NƯỚC CÓ HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ
Điều 28. Cơ cấu quản lý của tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước độc lập có Hội đồng quản trị
Cơ cấu quản lý của tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước độc lập có Hội đồng quản trị bao gồm Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc, các Phó tổng giám đốc, kế toán trưởng và bộ máy giúp việc.
Hội đồng quản trị là cơ quan đại diện trực tiếp chủ sở hữu nhà nước tại tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước độc lập có Hội đồng quản trị, có quyền nhân danh công ty để quyết định mọi vấn đề liên quan đến việc xác định và thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và quyền lợi của công ty, trừ những vấn đề thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu phân cấp cho các cơ quan, tổ chức khác là đại diện chủ sở hữu thực hiện.
Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm trước người quyết định thành lập tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước độc lập có Hội đồng quản trị, người bổ nhiệm và trước pháp luật về mọi hoạt động của tổng công ty, công ty.
Điều 30. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản trị
1. Nhận, quản lý và sử dụng có hiệu quả vốn, đất đai, tài nguyên và các nguồn lực khác do chủ sở hữu nhà nước đầu tư cho công ty.
2. Quyết định các vấn đề sau đây:
a) Chiến lược, kế hoạch dài hạn, kế hoạch kinh doanh hàng năm, ngành, nghề kinh doanh của công ty và của doanh nghiệp do công ty sở hữu toàn bộ vốn điều lệ;
c) Phương án tổ chức quản lý, tổ chức kinh doanh, biên chế và sử dụng bộ máy quản lý, quy chế quản lý công ty, quy hoạch, đào tạo lao động; quyết định lập chi nhánh, văn phòng đại diện của công ty; phê duyệt Điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên do công ty là chủ sở hữu;
d) Tuyển chọn, ký hợp đồng hoặc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và quyết định mức lương đối với Tổng giám đốc sau khi được sự chấp thuận của người quyết định thành lập công ty; tuyển chọn, ký hợp đồng hoặc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và quyết định mức lương đối với Phó tổng giám đốc và kế toán trưởng theo đề nghị của Tổng giám đốc; thông qua việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và quyết định mức lương đối với Giám đốc và kế toán trưởng các công ty thành viên và các đơn vị sự nghiệp do công ty sở hữu toàn bộ vốn điều lệ để Tổng giám đốc quyết định; tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và quyết định mức lương đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên do công ty nắm giữ toàn bộ vốn điều lệ; quyết định cử người đại diện phần vốn góp của công ty ở doanh nghiệp khác;
đ) Thực hiện quyền hạn, nghĩa vụ của chủ sở hữu các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần mà công ty là chủ sở hữu hoặc cùng với công ty khác là đồng chủ sở hữu; quyết định tiếp nhận doanh nghiệp tự nguyện tham gia công ty thành viên của tổng công ty;
e) Đầu tư và điều chỉnh vốn và các nguồn lực khác do công ty đầu tư giữa các đơn vị thành viên và công ty do mình sở hữu toàn bộ vốn điều lệ theo Điều lệ của công ty đó;
g) Quyết định hoặc phân cấp cho Tổng giám đốc quyết định phương án huy động vốn để hoạt động kinh doanh nhưng không làm thay đổi hình thức sở hữu;
h) Thông qua báo cáo tài chính hàng năm của công ty; phương án sử dụng lợi nhuận sau thuế hoặc xử lý các khoản lỗ trong quá trình kinh doanh do Tổng giám đốc đề nghị; thông qua báo cáo tài chính hàng năm của công ty thành viên hạch toán độc lập thuộc tổng công ty;
i) Kiểm tra, giám sát Tổng giám đốc, Giám đốc đơn vị thành viên trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật này;
k) Quyết định sử dụng vốn của công ty để đầu tư thành lập đơn vị thành viên do công ty sở hữu toàn bộ vốn điều lệ nhưng không vượt quá mức vốn đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng quản trị quy định tại điểm b khoản 2 Điều này; quyết định giải thể, chuyển đổi sở hữu đối với các đơn vị này.
3. Kiến nghị người quyết định thành lập công ty:
a) Phê duyệt Điều lệ và sửa đổi Điều lệ công ty;
b) Quyết định dự án đầu tư vượt quá mức phân cấp cho Hội đồng quản trị và phương án huy động vốn dẫn đến thay đổi sở hữu công ty;
c) Bổ sung, thay thế, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật các thành viên Hội đồng quản trị công ty;
d) Quyết định các dự án đầu tư, góp vốn, mua cổ phần của các công ty khác, bán tài sản của công ty có giá trị trên 50% tổng giá trị tài sản còn lại trên sổ kế toán của công ty hoặc tỷ lệ khác nhỏ hơn được quy định tại Điều lệ công ty;
đ) Quyết định sử dụng vốn của công ty để đầu tư thành lập đơn vị thành viên do công ty sở hữu toàn bộ vốn điều lệ vượt quá mức vốn đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng quản trị quy định tại điểm b khoản 2 Điều này; kiến nghị người thành lập công ty quyết định việc giải thể, chuyển đổi sở hữu đối với các đơn vị này.
4. yêu cầu Tổng giám đốc nộp đơn yêu cầu phá sản khi công ty lâm vào tình trạng phá sản.
5. Các quyền và nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.
Điều 31. Tiêu chuẩn và điều kiện thành viên Hội đồng quản trị
Thành viên Hội đồng quản trị phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:
1. Là công dân Việt Nam, thường trú tại Việt Nam;
2. Có trình độ đại học, năng lực quản lý và kinh doanh. Chủ tịch Hội đồng quản trị phải có kinh nghiệm ít nhất ba năm quản lý, điều hành doanh nghiệp thuộc ngành, nghề kinh doanh chính của công ty;
3. Có sức khoẻ, phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, liêm khiết, hiểu biết và có ý thức chấp hành pháp luật;
4. Không thuộc đối tượng bị cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Điều 32. Cơ cấu thành viên, bổ nhiệm, miễn nhiệm, thay thế thành viên Hội đồng quản trị
1. Hội đồng quản trị gồm Chủ tịch Hội đồng quản trị và các thành viên Hội đồng quản trị. Hội đồng quản trị có thành viên chuyên trách và có thể có thành viên không chuyên trách. Chủ tịch Hội đồng quản trị và Trưởng ban kiểm soát phải là thành viên chuyên trách. Tổng giám đốc có thể là thành viên Hội đồng quản trị. Số lượng thành viên Hội đồng quản trị không quá 7 người, do người quyết định thành lập công ty quyết định.
2. Chủ tịch Hội đồng quản trị và các thành viên Hội đồng quản trị do người quyết định thành lập công ty quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc thay thế, khen thưởng, kỷ luật. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị không quá năm năm. Thành viên Hội đồng quản trị có thể được bổ nhiệm lại.
3. Thành viên Hội đồng quản trị bị miễn nhiệm trong những trường hợp sau đây:
a) Bị Toà án kết án bằng bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật;
b) Không đủ năng lực, trình độ đảm nhận công việc được giao, bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
c) Không trung thực trong thực thi nhiệm vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thu lợi cho bản thân hoặc cho người khác; báo cáo không trung thực tình hình tài chính công ty;
d) Vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 Điều 25 của Luật này.
4. Thành viên Hội đồng quản trị được thay thế trong những trường hợp sau đây:
a) Xin từ chức;
b) Khi có quyết định điều chuyển hoặc bố trí công việc khác.
Điều 33. Chủ tịch Hội đồng quản trị
1. Chủ tịch Hội đồng quản trị không kiêm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc công ty.
2. Chủ tịch Hội đồng quản trị có quyền hạn và nhiệm vụ sau đây:
a) Thay mặt Hội đồng quản trị ký nhận vốn, đất đai, tài nguyên và các nguồn lực khác do chủ sở hữu nhà nước đầu tư cho công ty; quản lý công ty theo quyết định của Hội đồng quản trị;
b) Tổ chức nghiên cứu chiến lược phát triển, kế hoạch dài hạn, dự án đầu tư quy mô lớn, phương án đổi mới tổ chức, nhân sự chủ chốt của công ty để trình Hội đồng quản trị;
c) Lập chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng quản trị; quyết định chương trình, nội dung họp và tài liệu phục vụ cuộc họp; triệu tập và chủ trì các cuộc họp của Hội đồng quản trị;
d) Thay mặt Hội đồng quản trị ký các nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị;
đ) Tổ chức theo dõi và giám sát việc thực hiện các nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị; có quyền đình chỉ các quyết định của Tổng giám đốc trái với nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị;
e) Các quyền khác theo phân cấp, uỷ quyền của Hội đồng quản trị, người quyết định thành lập công ty.
Điều 34. Chế độ làm việc của Hội đồng quản trị
1. Hội đồng quản trị làm việc theo chế độ tập thể; họp ít nhất một lần trong một quý để xem xét và quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình; đối với những vấn đề không yêu cầu thảo luận thì Hội đồng quản trị có thể lấy ý kiến các thành viên bằng văn bản. Hội đồng quản trị có thể họp bất thường để giải quyết những vấn đề cấp bách của công ty do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc hoặc trên 50% tổng số thành viên Hội đồng quản trị đề nghị.
2. Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng quản trị được Chủ tịch Hội đồng quản trị uỷ quyền triệu tập và chủ trì cuộc họp của Hội đồng quản trị.
3. Các cuộc họp hoặc lấy ý kiến các thành viên của Hội đồng quản trị hợp lệ khi có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên Hội đồng quản trị tham dự. Nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị có hiệu lực khi có trên 50% tổng số thành viên Hội đồng quản trị biểu quyết tán thành; trường hợp số phiếu ngang nhau thì bên có phiếu của Chủ tịch Hội đồng quản trị là quyết định. Thành viên Hội đồng quản trị có quyền bảo lưu ý kiến của mình.
Khi bàn về nội dung công việc của công ty có liên quan đến các vấn đề quan trọng của địa phương nào thì Hội đồng quản trị phải mời đại diện của cấp chính quyền địa phương có liên quan đó dự họp; trường hợp có liên quan tới quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động trong công ty phải mời đại diện Công đoàn công ty dự họp. Đại diện các cơ quan, tổ chức được mời dự họp có quyền phát biểu ý kiến nhưng không tham gia biểu quyết.
4. Nội dung các vấn đề thảo luận, các ý kiến phát biểu, kết quả biểu quyết, các quyết định được Hội đồng quản trị thông qua và kết luận của các cuộc họp của Hội đồng quản trị phải được ghi thành biên bản. Chủ toạ và thư ký cuộc họp phải liên đới chịu trách nhiệm về tính chính xác và tính trung thực của biên bản họp Hội đồng quản trị. Nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị có tính bắt buộc thi hành đối với toàn bộ công ty.
5. Thành viên Hội đồng quản trị có quyền yêu cầu Tổng giám đốc, kế toán trưởng, cán bộ quản lý trong công ty cung cấp các thông tin, tài liệu về tình hình tài chính, hoạt động của công ty theo quy chế thông tin do Hội đồng quản trị quy định hoặc theo nghị quyết của Hội đồng quản trị. Người được yêu cầu cung cấp thông tin phải cung cấp kịp thời, đầy đủ và chính xác các thông tin, tài liệu theo yêu cầu của thành viên Hội đồng quản trị, trừ trường hợp Hội đồng quản trị có quyết định khác.
6. Chi phí hoạt động của Hội đồng quản trị, kể cả tiền lương, phụ cấp và thù lao, được tính vào chi phí quản lý doanh nghiệp của công ty.
1. Các thành viên chuyên trách của Hội đồng quản trị hưởng chế độ lương theo năm và tiền thưởng tương ứng với kết quả và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của công ty.
Chế độ thanh toán, quyết toán tiền lương, tiền thưởng đối với các thành viên chuyên trách của Hội đồng quản trị như đối với Giám đốc công ty nhà nước quy định tại khoản 10 Điều 26 của Luật này.
2. Các thành viên không chuyên trách của Hội đồng quản trị hưởng phụ cấp trách nhiệm và chế độ tiền thưởng theo cơ chế như đối với các thành viên chuyên trách.
3. Chính phủ hướng dẫn chế độ lương, thưởng, phụ cấp trách nhiệm của thành viên Hội đồng quản trị.
Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc chỉ được giữ các chức danh quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty có vốn đầu tư nước ngoài khi được công ty, tổ chức nhà nước có thẩm quyền giới thiệu ứng cử vào các chức danh quản lý hoặc cử làm đại diện của công ty đối với phần vốn góp vào các doanh nghiệp đó.
Vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc công ty không được giữ chức danh kế toán trưởng, thủ quỹ tại cùng công ty. Hợp đồng kinh tế, lao động, dân sự của công ty ký kết với thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, với vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc phải được thông báo cho người bổ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, người ký hợp đồng thuê Tổng giám đốc biết; trường hợp người bổ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, người ký hợp đồng thuê Tổng giám đốc phát hiện hợp đồng có mục đích tư lợi mà hợp đồng chưa được ký kết thì có quyền yêu cầu thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc không được ký kết hợp đồng đó; nếu hợp đồng đã đựơc ký kết thì bị coi là vô hiệu, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc phải bồi thường thiệt hại cho công ty và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
1. Hội đồng quản trị thành lập Ban kiểm soát để giúp Hội đồng quản trị kiểm tra, giám sát tính hợp pháp, chính xác và trung thực trong quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh, trong ghi chép sổ kế toán, báo cáo tài chính và việc chấp hành Điều lệ công ty, nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị, quyết định của Chủ tịch Hội đồng quản trị.
2. Ban kiểm soát thực hiện nhiệm vụ do Hội đồng quản trị giao, báo cáo và chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị.
3. Ban kiểm soát gồm Trưởng ban là thành viên Hội đồng quản trị và một số thành viên khác do Hội đồng quản trị quyết định. Tổ chức Công đoàn trong công ty cử một đại diện đủ tiêu chuẩn và điều kiện quy định tại khoản 4 Điều này tham gia thành viên Ban kiểm soát.
4. Thành viên Ban kiểm soát phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:
a) Thường trú tại Việt Nam;
b) Có sức khoẻ, phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật;
c) Có trình độ về nghiệp vụ kinh tế, tài chính - kế toán, kiểm toán hoặc chuyên môn, nghiệp vụ;
d) Thành viên Ban kiểm soát làm việc theo chế độ chuyên trách không đồng thời đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo trong bộ máy nhà nước;
đ) Vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của thành viên Ban kiểm soát không được giữ chức danh thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, kế toán trưởng, thủ quỹ tại cùng công ty.
5. Chi phí hoạt động, kể cả tiền lương và điều kiện làm việc của Ban kiểm soát do công ty bảo đảm.
Điều 38. Tổng giám đốc, các Phó tổng giám đốc, kế toán trưởng và bộ máy giúp việc
1. Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật, điều hành hoạt động hàng ngày của công ty theo mục tiêu, kế hoạch, phù hợp với Điều lệ công ty và các nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị; chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao.
2. Phó tổng giám đốc giúp Tổng giám đốc điều hành công ty theo phân công và uỷ quyền của Tổng giám đốc; chịu trách nhiệm trước Tổng giám đốc và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công hoặc uỷ quyền.
3. Kế toán trưởng có nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác kế toán của công ty; giúp Tổng giám đốc giám sát tài chính tại công ty theo pháp luật về tài chính, kế toán; chịu trách nhiệm trước Tổng giám đốc và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công hoặc uỷ quyền.
4. Văn phòng và các phòng, ban chuyên môn, nghiệp vụ có chức năng tham mưu, giúp việc Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc trong quản lý, điều hành công việc.
Điều 39. Tiêu chuẩn và điều kiện tuyển chọn Tổng giám đốc
Tiêu chuẩn và điều kiện tuyển chọn Tổng giám đốc được thực hiện như đối với Giám đốc quy định tại Điều 24 của Luật này.
1. Tổng giám đốc do Hội đồng quản trị tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng sau khi được người quyết định thành lập công ty chấp thuận.
2. Phó tổng giám đốc, kế toán trưởng do Hội đồng quản trị tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng theo đề nghị của Tổng giám đốc.
3. Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, kế toán trưởng được bổ nhiệm hoặc ký hợp đồng với thời hạn tối đa là năm năm và có thể được bổ nhiệm lại hoặc ký tiếp hợp đồng.
4. Quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng với Tổng giám đốc được thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
5. Tổng giám đốc bị miễn nhiệm, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 25; được thay thế theo quy định tại khoản 4 Điều 25 của Luật này.
Điều 41. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng giám đốc
1. Xây dựng kế hoạch hàng năm của công ty, phương án huy động vốn, dự án đầu tư, phương án liên doanh, đề án tổ chức quản lý, quy chế quản lý nội bộ của công ty, quy hoạch đào tạo lao động, phương án phối hợp kinh doanh giữa các công ty thành viên (nếu có) hoặc với các công ty khác trình Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng quản trị.
2. Xây dựng các định mức kinh tế - kỹ thuật, tiêu chuẩn sản phẩm, đơn giá tiền lương phù hợp với các quy định của Nhà nước trình Hội đồng quản trị phê duyệt; kiểm tra các đơn vị thuộc công ty thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, đơn giá quy định trong nội bộ công ty.
3. Đề nghị Hội đồng quản trị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng, khen thưởng, kỷ luật, quyết định mức lương của Phó tổng giám đốc, kế toán trưởng công ty; quyết định cử người đại diện phần vốn góp của công ty ở doanh nghiệp khác.
Giám đốc và kế toán trưởng các công ty thành viên và các đơn vị sự nghiệp của tổng công ty nhà nước mà tổng công ty sở hữu toàn bộ vốn điều lệ do Tổng giám đốc tuyển chọn để bổ nhiệm hoặc ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng sau khi được Hội đồng quản trị thông qua.
4. Quyết định các dự án đầu tư, hợp đồng mua, bán tài sản, các hợp đồng vay, cho vay, thuê, cho thuê và hợp đồng kinh tế khác, giá mua, giá bán sản phẩm và dịch vụ của công ty theo phân cấp, uỷ quyền của Hội đồng quản trị và theo Điều lệ công ty.
5. Ký kết các hợp đồng dân sự, kinh tế theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 30 của Luật này và các hợp đồng kinh tế, dân sự khác theo quy định của pháp luật.
6. Quyết định tuyển chọn, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng hoặc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, quyết định mức lương và phụ cấp đối với các chức danh sau đây:
a) Giám đốc và kế toán trưởng công ty thành viên hạch toán độc lập, đơn vị sự nghiệp của tổng công ty sau khi có sự phê duyệt của Hội đồng quản trị;
b) Trưởng phòng (ban), Phó trưởng phòng (ban) tổng công ty;
c) Phó giám đốc công ty thành viên và đơn vị sự nghiệp của tổng công ty theo đề nghị của Giám đốc công ty thành viên và đơn vị sự nghiệp;
d) Các chức danh quản lý khác trong công ty theo phân cấp của Hội đồng quản trị.
7. Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh, kế hoạch đầu tư; quyết định các giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và công nghệ; điều hành hoạt động của công ty nhằm thực hiện các nghị quyết và quyết định của Hội đồng quản trị.
8. Báo cáo trước Hội đồng quản trị về kết quả hoạt động kinh doanh của công ty; thực hiện việc công bố công khai các báo cáo tài chính theo quy định của Chính phủ.
9. Chịu sự kiểm tra, giám sát của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật.
10. Được áp dụng các biện pháp cần thiết trong trường hợp khẩn cấp và phải báo cáo ngay với Hội đồng quản trị và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
11. Được hưởng chế độ lương theo năm. Mức tiền lương và tiền thưởng tương ứng với hiệu quả kinh doanh của công ty do Hội đồng quản trị quyết định hoặc theo hợp đồng đã ký.
Chế độ thanh toán, quyết toán tiền lương, tiền thưởng được thực hiện như đối với Giám đốc quy định tại khoản 10 Điều 26 của Luật này.
12. Các quyền và nhiệm vụ khác theo quy định của Luật này, Điều lệ công ty và theo quyết định của Hội đồng quản trị.
Điều 42. Quan hệ giữa Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc trong quản lý, điều hành công ty
1. Khi tổ chức thực hiện các nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị, nếu phát hiện vấn đề không có lợi cho công ty thì Tổng giám đốc báo cáo với Hội đồng quản trị để xem xét điều chỉnh lại nghị quyết, quyết định. Hội đồng quản trị phải xem xét đề nghị của Tổng giám đốc. Trường hợp Hội đồng quản trị không điều chỉnh lại nghị quyết, quyết định thì Tổng giám đốc vẫn phải thực hiện nhưng có quyền bảo lưu ý kiến và kiến nghị lên người ký quyết định thành lập công ty.
2. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày kết thúc tháng, quý và năm, Tổng giám đốc phải gửi báo cáo bằng văn bản về tình hình hoạt động kinh doanh và phương hướng thực hiện trong kỳ tới của công ty cho Hội đồng quản trị.
3. Chủ tịch Hội đồng quản trị tham dự hoặc cử đại diện của Hội đồng quản trị tham dự các cuộc họp giao ban, các cuộc họp chuẩn bị các đề án trình Hội đồng quản trị do Tổng giám đốc chủ trì. Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc người đại diện Hội đồng quản trị dự họp có quyền phát biểu đóng góp ý kiến nhưng không có quyền kết luận cuộc họp. Tổng giám đốc không là thành viên Hội đồng quản trị được mời tham dự cuộc họp của Hội đồng quản trị, được quyền phát biểu nhưng không có quyền biểu quyết.
4. Việc phân cấp, uỷ quyền của Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng quản trị cho Tổng giám đốc quy định tại các điều 30, 33 và 41 của Luật này phải được ghi vào Điều lệ công ty.
1. Tổng giám đốc chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về điều hành hoạt động hàng ngày của công ty, về thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao. Các thành viên Hội đồng quản trị phải cùng chịu trách nhiệm trước người ra quyết định bổ nhiệm và trước pháp luật về các quyết định của Hội đồng quản trị, kết quả và hiệu quả hoạt động của công ty.
2. Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc có nghĩa vụ:
a) Thực hiện trung thực, có trách nhiệm các quyền hạn và nhiệm vụ được giao vì lợi ích của công ty và của Nhà nước;
b) Không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng vốn và tài sản của công ty để thu lợi riêng cho bản thân và người khác; không được đem tài sản của công ty cho người khác; không được tiết lộ bí mật của công ty trong thời gian đang thực hiện chức trách là thành viên Hội đồng quản trị hoặc Tổng giám đốc và trong thời hạn tối thiểu là ba năm hoặc trong thời hạn quy định tại Điều lệ công ty sau khi thôi làm thành viên Hội đồng quản trị hoặc Tổng giám đốc, trừ trường hợp được Hội đồng quản trị chấp thuận;
c) Khi công ty không thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác đến hạn phải trả thì Tổng giám đốc phải báo cáo Hội đồng quản trị, tìm biện pháp khắc phục khó khăn về tài chính và thông báo tình hình tài chính của công ty cho tất cả chủ nợ biết; Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc không được quyết định tăng tiền lương, không được trích lợi nhuận trả tiền thưởng cho cán bộ quản lý và người lao động;
d) Khi công ty không thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác đến hạn phải trả mà không thực hiện các quy định tại điểm c khoản này thì phải chịu trách nhiệm cá nhân về thiệt hại xảy ra đối với chủ nợ;
đ) Trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị hoặc Tổng giám đốc vi phạm Điều lệ, quyết định vượt thẩm quyền, lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây thiệt hại cho công ty và Nhà nước thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.
3. Khi vi phạm một trong các trường hợp sau đây nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì Chủ tịch Hội đồng quản trị, các thành viên Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc không được thưởng, không được nâng lương và bị xử lý kỷ luật tuỳ theo mức độ vi phạm:
a) Để công ty lỗ;
b) Để mất vốn nhà nước;
c) Quyết định dự án đầu tư không hiệu quả, không thu hồi được vốn đầu tư, không trả được nợ;
d) Không bảo đảm tiền lương và các chế độ khác cho người lao động ở công ty theo quy định của pháp luật về lao động;
đ) Để xảy ra các sai phạm về quản lý vốn, tài sản, về chế độ kế toán, kiểm toán và các chế độ khác do Nhà nước quy định.
4. Chủ tịch Hội đồng quản trị thiếu trách nhiệm, không thực hiện đúng các quy định tại khoản 2 Điều 33 của Luật này mà dẫn đến một trong các vi phạm tại khoản 3 của Điều này thì bị miễn nhiệm; tuỳ theo mức độ vi phạm và hậu quả phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
5. Trường hợp để công ty lâm vào tình trạng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 25 của Luật này thì tuỳ theo mức độ vi phạm và hậu quả, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc bị hạ lương hoặc bị cách chức, đồng thời phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
6. Công ty nhà nước lâm vào tình trạng phá sản mà Tổng giám đốc không nộp đơn yêu cầu phá sản thì bị miễn nhiệm hoặc chấm dứt hợp đồng và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật; nếu Tổng giám đốc không nộp đơn mà Hội đồng quản trị không yêu cầu Tổng giám đốc nộp đơn yêu cầu phá sản thì Chủ tịch Hội đồng quản trị, các thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc bị miễn nhiệm hoặc chấm dứt hợp đồng.
7. Công ty nhà nước thuộc diện tổ chức lại, giải thể hoặc chuyển đổi sở hữu mà không tiến hành các thủ tục tổ chức lại, giải thể hoặc chuyển đổi sở hữu thì Chủ tịch Hội đồng quản trị, các thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc bị miễn nhiệm hoặc chấm dứt hợp đồng.
Mục 3: HÌNH THỨC VÀ NỘI DUNG THAM GIA QUẢN LÝ CÔNG TY NHÀ NƯỚC CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG
Điều 44. Hình thức tham gia quản lý công ty của người lao động
Người lao động tham gia quản lý công ty thông qua các hình thức và tổ chức sau đây:
1. Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu công nhân, viên chức được tổ chức từ tổ, đội, phân xưởng, phòng, ban đến công ty;
2. Tổ chức Công đoàn của công ty;
3. Ban Thanh tra nhân dân;
4. Thực hiện quyền kiến nghị, khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.
Điều 45. Nội dung tham gia quản lý công ty của người lao động
Người lao động có quyền tham gia thảo luận, góp ý kiến trước khi cấp có thẩm quyền quyết định các vấn đề sau đây:
1. Phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch, biện pháp phát triển sản xuất, kinh doanh, sắp xếp lại sản xuất công ty;
2. Phương án cổ phần hoá, đa dạng hoá sở hữu công ty;
3. Các nội quy, quy chế của công ty liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động;
4. Các biện pháp bảo hộ lao động, cải thiện điều kiện làm việc, đời sống vật chất và tinh thần, vệ sinh môi trường, đào tạo và đào tạo lại người lao động của công ty;
5. Bỏ phiếu thăm dò tín nhiệm đối với các chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị (nếu có), Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó tổng giám đốc hoặc Phó giám đốc, kế toán trưởng khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu;
6. Thông qua Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu công nhân, viên chức và tổ chức Công đoàn, người lao động có quyền thảo luận và biểu quyết quyết định các vấn đề sau đây:
a) Nội dung hoặc sửa đổi, bổ sung nội dung thoả ước lao động tập thể để đại diện tập thể người lao động ký kết với Tổng giám đốc hoặc Giám đốc công ty nhà nước;
b) Quy chế sử dụng các quỹ phúc lợi, khen thưởng và các chỉ tiêu kế hoạch của công ty có liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động phù hợp với quy định của Nhà nước;
c) Đánh giá kết quả hoạt động và chương trình hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân;
d) Bầu Ban thanh tra nhân dân.
Điều 46. Tổng công ty nhà nước
Tổng công ty nhà nước là hình thức liên kết kinh tế trên cơ sở tự đầu tư, góp vốn giữa các công ty nhà nước, giữa công ty nhà nước với các doanh nghiệp khác hoặc được hình thành trên cơ sở tổ chức và liên kết các đơn vị thành viên có mối quan hệ gắn bó với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác, hoạt động trong một hoặc một số chuyên ngành kinh tế - kỹ thuật chính nhằm tăng cường khả năng kinh doanh và thực hiện lợi ích của các đơn vị thành viên và toàn tổng công ty.
Điều 47. Loại hình tổng công ty nhà nước
1. Tổng công ty do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập là hình thức liên kết và tập hợp các công ty thành viên hạch toán độc lập có tư cách pháp nhân, hoạt động trong một hoặc một số chuyên ngành kinh tế - kỹ thuật chính, nhằm tăng cường tích tụ, tập trung vốn và chuyên môn hoá kinh doanh của các đơn vị thành viên và toàn tổng công ty.
2. Tổng công ty do các công ty tự đầu tư và thành lập là hình thức liên kết thông qua đầu tư, góp vốn của công ty nhà nước quy mô lớn do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ với các doanh nghiệp khác, trong đó công ty nhà nước giữ quyền chi phối doanh nghiệp khác.
3. Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước là tổng công ty được thành lập để thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với các công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên chuyển đổi từ các công ty nhà nước độc lập và các công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên do mình thành lập; thực hiện chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước và quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại các doanh nghiệp đã chuyển đổi sở hữu hoặc hình thức pháp lý từ các công ty nhà nước độc lập.
Mục 1: TỔNG CÔNG TY DO NHÀ NƯỚC QUYẾT ĐỊNH ĐẦU TƯ VÀ THÀNH LẬP
Điều 48. Điều kiện tổ chức tổng công ty do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập
Tổng công ty do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập phải bảo đảm đủ các điều kiện sau đây:
1. Hoạt động trong các ngành, lĩnh vực then chốt, làm nòng cốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước;
2. Các công ty thành viên hoạt động trong một hoặc một số chuyên ngành kinh tế - kỹ thuật chính, liên kết chặt chẽ với nhau về công nghệ, thị trường và vốn;
3. Có ít nhất hai tổng công ty trong một ngành, lĩnh vực, trừ ngành, lĩnh vực mà công nghệ sản xuất không cho phép thành lập hai hay nhiều tổng công ty;
4. Bảo đảm các điều kiện thành lập mới công ty nhà nước quy định tại Điều 8 của Luật này;
5. Thực hiện được các mục tiêu thành lập Tổng công ty:
a) Tổ chức được các hoạt động dịch vụ tìm kiếm thị trường, thông tin, đào tạo, nghiên cứu, tiếp thị và các hoạt động dịch vụ khác hỗ trợ trực tiếp cho các công ty thành viên;
b) Tạo điều kiện phát triển công nghệ, tăng cường tích tụ, tập trung vốn, phân công chuyên môn hoá, nâng cao khả năng cạnh tranh của các công ty thành viên và toàn tổng công ty;
c) Có cơ chế bảo đảm lợi ích và gắn bó lợi ích giữa các công ty thành viên, được các công ty thành viên chấp thuận.
Điều 49. Đơn vị thành viên của tổng công ty do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập
Tổng công ty do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập có thể có các đơn vị thành viên sau đây:
1. Các đơn vị do tổng công ty đầu tư toàn bộ vốn điều lệ:
a) Công ty thành viên hạch toán độc lập;
b) Đơn vị hạch toán phụ thuộc;
c) Đơn vị sự nghiệp;
d) Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp, được chuyển đổi từ loại đơn vị thành viên quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều này hoặc thành lập mới;
đ) Tuỳ theo quy mô và nhu cầu trong kinh doanh, tổng công ty có thể có thành viên là công ty tài chính;
2. Các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn có vốn góp chi phối của tổng công ty.
Điều 50. Vốn và tài sản của tổng công ty do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập
1. Vốn điều lệ của tổng công ty bao gồm vốn nhà nước được hạch toán tập trung ở tổng công ty, vốn nhà nước ở công ty thành viên hạch toán độc lập.
2. Vốn điều lệ của công ty thành viên hạch toán độc lập là vốn nhà nước do tổng công ty đầu tư. Tổng công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty thành viên hạch toán độc lập trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty đó.
3. Tài sản của tổng công ty được hình thành từ vốn điều lệ của tổng công ty, vốn vay và các nguồn vốn hợp pháp khác đầu tư tại các công ty thành viên hạch toán độc lập, đơn vị sự nghiệp và văn phòng tổng công ty.
4. Tài sản của công ty thành viên hạch toán độc lập được hình thành từ vốn điều lệ, vốn vay và các nguồn vốn hợp pháp khác đầu tư tại công ty.
5. Vốn ngân sách nhà nước chỉ được đầu tư vào tổng công ty. Tổng công ty có quyền quyết định đầu tư hoặc không đầu tư vào công ty thành viên hạch toán độc lập.
6. Tổng công ty không điều chuyển vốn, tài sản của tổng công ty tại các doanh nghiệp thành viên có tư cách pháp nhân do mình sở hữu toàn bộ vốn điều lệ theo phương thức không thanh toán, trừ trường hợp quyết định tổ chức lại công ty hoặc thực hiện mục tiêu cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.
Điều 51. Tổ chức quản lý của tổng công ty do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập
1. Tổng công ty có cơ cấu tổ chức quản lý gồm Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc, các Phó tổng giám đốc, kế toán trưởng và bộ máy giúp việc. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức hoạt động của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc, các Phó tổng giám đốc, kế toán trưởng, bộ máy giúp việc trong tổng công ty và quản lý nội bộ của tổng công ty theo quy định tại Mục 2 Chương IV của Luật này và quy định của Chính phủ.
2. Công ty thành viên hạch toán độc lập có cơ cấu tổ chức quản lý gồm Giám đốc, các Phó giám đốc, kế toán trưởng và bộ máy giúp việc. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tiêu chuẩn của Giám đốc, Phó giám đốc, kế toán trưởng, bộ máy giúp việc theo quy định tại Mục 1 Chương IV của Luật này và hướng dẫn của Chính phủ; Giám đốc, Phó giám đốc, kế toán trưởng thực hiện quan hệ với tổng công ty theo quy định tại khoản 1 Điều 52 của Luật này.
3. Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên, công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của tổng công ty có cơ cấu tổ chức quản lý theo quy định của Luật doanh nghiệp và các quy định khác của pháp luật.
1. Công ty thành viên hạch toán độc lập có tư cách pháp nhân, tự chủ kinh doanh theo quy định của Luật này, các quy định khác của pháp luật và Điều lệ công ty do Hội đồng quản trị tổng công ty phê duyệt; chịu sự ràng buộc về quyền và nghĩa vụ với tổng công ty như sau:
a) Quản lý và chủ động sử dụng số vốn của công ty và vốn do tổng công ty đầu tư; chịu trách nhiệm trước tổng công ty về hiệu quả sử dụng vốn và các nguồn lực do tổng công ty đầu tư; tự chủ tài chính, tự chịu trách nhiệm dân sự bằng toàn bộ tài sản của công ty;
b) Thực hiện kế hoạch kinh doanh chung của tổng công ty; thực hiện các nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của tổng công ty giao trên cơ sở hợp đồng kinh tế; chịu trách nhiệm về các hoạt động kinh doanh phối hợp với tổng công ty;
c) Được tự chủ ký kết các hợp đồng kinh tế và thực hiện các hợp đồng kinh tế do tổng công ty giao;
d) Quyết định các dự án đầu tư theo phân cấp của tổng công ty; tham gia các hình thức đầu tư cùng tổng công ty hoặc được tổng công ty giao tổ chức thực hiện các dự án đầu tư theo kế hoạch của tổng công ty trên cơ sở hợp đồng ký kết với tổng công ty; có quyền đầu tư, góp vốn vào công ty khác;
đ) Có quyền đề nghị tổng công ty quyết định hoặc được tổng công ty uỷ quyền quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể, sáp nhập các đơn vị phụ thuộc và quyết định bộ máy quản lý của các đơn vị phụ thuộc;
e) Sau khi hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, chuyển lỗ theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật, trích lập quỹ dự phòng tài chính, phần lợi nhuận còn lại được phân chia theo vốn tổng công ty đầu tư và vốn của công ty tự huy động. Phần lợi nhuận phân chia theo vốn tổng công ty đầu tư được dùng để tái đầu tư tăng vốn nhà nước tại công ty hoặc hình thành quỹ tập trung của tổng công ty theo quy định của Chính phủ. Phần lợi nhuận phân chia theo vốn công ty tự huy động được trích bổ sung vào quỹ đầu tư phát triển của công ty theo tỷ lệ do Chính phủ quy định; phần còn lại do công ty tự quyết định việc phân phối vào quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi;
g) Khi được Nhà nước giao kế hoạch, đặt hàng hoặc tham gia đấu thầu thực hiện hoạt động công ích, công ty có quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 19 của Luật này;
h) Chịu sự giám sát, kiểm tra của tổng công ty; định kỳ báo cáo chính xác, đầy đủ các thông tin về công ty và báo cáo tài chính của công ty với tổng công ty;
i) Ngoài các ràng buộc với tổng công ty quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h khoản 1 Điều này, công ty thành viên hạch toán độc lập có quyền chủ động kinh doanh và thực hiện các nghĩa vụ của công ty nhà nước theo quy định của Luật này.
2. Đơn vị sự nghiệp thực hiện chế độ phân cấp hạch toán do tổng công ty quy định, được tạo nguồn thu từ việc thực hiện các hợp đồng cung cấp dịch vụ, nghiên cứu khoa học và đào tạo chuyển giao công nghệ với các đơn vị trong và ngoài tổng công ty. Đơn vị sự nghiệp hoạt động theo quy chế do Hội đồng quản trị tổng công ty phê duyệt.
3. Quan hệ giữa tổng công ty với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổng công ty sở hữu toàn bộ vốn điều lệ được thực hiện theo quy định tại Điều 57 của Luật này.
4. Quan hệ giữa tổng công ty với công ty có vốn chi phối của tổng công ty được thực hiện theo quy định tại Điều 58 của Luật này.
1. Tổng công ty do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được chuyển đổi để tổ chức và hoạt động theo quy định tại các điều 55, 56, 57, 58 và 59 của Luật này.
2. Chính phủ quy định nguyên tắc, điều kiện và thời hạn chuyển đổi các tổng công ty do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập sang hoạt động theo mô hình tổng công ty do các công ty tự đầu tư và thành lập. Trong thời hạn chuyển đổi, các tổng công ty thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp nhà nước năm 1995 được hoạt động theo quy định tại Mục 1 Chương V của Luật này.
Mục 2: TỔNG CÔNG TY DO CÁC CÔNG TY TỰ ĐẦU TƯ VÀ THÀNH LẬP
Điều 54. Các trường hợp áp dụng quy định về tổng công ty do các công ty tự đầu tư và thành lập
1. Tổng công ty quy định tại Mục 1 Chương V của Luật này được tổ chức lại hoặc tự đầu tư vào các doanh nghiệp khác, đáp ứng yêu cầu về cơ cấu thành viên quy định tại Điều 55 của Luật này.
2. Công ty nhà nước quy mô lớn có tiềm lực tài chính, nắm giữ bí quyết công nghệ hoặc thị trường và sử dụng các tiềm lực tài chính, bí quyết công nghệ hoặc thị trường đã đầu tư và chi phối doanh nghiệp khác, đáp ứng yêu cầu về cơ cấu thành viên quy định tại Điều 55 của Luật này.
Điều 55. Cơ cấu của tổng công ty do các công ty tự đầu tư và thành lập
Cơ cấu của tổng công ty do các công ty tự đầu tư và thành lập bao gồm:
1. Công ty nhà nước giữ quyền chi phối doanh nghiệp khác (sau đây gọi là công ty mẹ);
2. Các công ty thành viên (sau đây gọi là các công ty con):
a) Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên do công ty nhà nước nắm giữ toàn bộ vốn điều lệ;
b) Các công ty có vốn góp chi phối của công ty nhà nước gồm công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên, công ty cổ phần, công ty liên doanh với nước ngoài, công ty ở nước ngoài; công ty có vốn góp chi phối của công ty nhà nước hoạt động theo pháp luật tương ứng với loại hình công ty đó;
3. Các công ty có một phần vốn góp không chi phối của công ty nhà nước (sau đây gọi là công ty liên kết), tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên, công ty cổ phần, công ty liên doanh với nước ngoài.
Điều 56. Công ty nhà nước giữ quyền chi phối doanh nghiệp khác
1. Công ty nhà nước giữ quyền chi phối doanh nghiệp khác có các quyền, nghĩa vụ của công ty nhà nước quy định tại Chương III của Luật này.
2. Bộ máy quản lý của công ty nhà nước giữ quyền chi phối doanh nghiệp khác là bộ máy của tổng công ty, có cơ cấu quản lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và nghĩa vụ theo quy định tại Mục 2 Chương IV của Luật này.
Điều 57. Quan hệ của công ty nhà nước với công ty do mình đầu tư và nắm giữ toàn bộ vốn điều lệ
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do công ty nhà nước đầu tư toàn bộ vốn điều lệ hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp. Công ty nhà nước là chủ sở hữu đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo quy định của Luật doanh nghiệp.
Công ty nhà nước giữ quyền chi phối doanh nghiệp khác thực hiện việc quản lý cổ phần, vốn góp chi phối như sau:
1. Thực hiện quyền, nghĩa vụ của cổ đông, thành viên góp vốn chi phối thông qua đại diện của mình tại doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, pháp luật của nước mà công ty đưa vốn đến đầu tư và theo quy định của Điều lệ doanh nghiệp bị chi phối;
2. Cử, bãi miễn, khen thưởng, kỷ luật, quyết định phụ cấp và lợi ích của người đại diện công ty tại doanh nghiệp bị chi phối (sau đây gọi là người đại diện phần vốn góp chi phối);
3. Yêu cầu người đại diện phần vốn góp chi phối báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình tài chính, kết quả kinh doanh và các nội dung của doanh nghiệp có vốn góp chi phối của công ty nhà nước;
4. Giao nhiệm vụ và yêu cầu người đại diện phần vốn góp chi phối xin ý kiến về những vấn đề quan trọng của doanh nghiệp bị chi phối trước khi biểu quyết; báo cáo việc sử dụng cổ phần, vốn góp chi phối để phục vụ định hướng phát triển và mục tiêu của công ty nhà nước giữ quyền chi phối;
5. Thu lợi tức và chịu rủi ro từ phần vốn góp của mình ở doanh nghiệp bị chi phối;
6. Giám sát, kiểm tra việc sử dụng phần vốn đã góp vào doanh nghiệp bị chi phối;
7. Tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng, bảo toàn và phát triển phần vốn đã góp vào doanh nghiệp bị chi phối.
Điều 59. Quan hệ giữa công ty nhà nước và doanh nghiệp có một phần vốn góp của công ty nhà nước
1. Doanh nghiệp có một phần vốn góp của công ty nhà nước thực hiện quyền chủ động kinh doanh theo quy định của pháp luật. Quan hệ giữa công ty nhà nước và doanh nghiệp có một phần vốn góp của công ty nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật.
2. Công ty nhà nước thực hiện quyền, nghĩa vụ của bên góp vốn thông qua đại diện của mình tại doanh nghiệp mà mình có vốn góp, phù hợp với pháp luật và Điều lệ của doanh nghiệp có một phần vốn góp của công ty nhà nước.
Mục 3: TỔNG CÔNG TY ĐẦU TƯ VÀ KINH DOANH VỐN NHÀ NƯỚC
Điều 60. Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước
1. Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước là tổ chức kinh tế đặc biệt có chức năng như sau:
a) Thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với các công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên được chuyển đổi từ công ty nhà nước độc lập; phần vốn góp của Nhà nước tại các công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên được chuyển đổi từ công ty nhà nước độc lập hoặc mới thành lập;
b) Thực hiện chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã chuyển đổi sở hữu hoặc hình thức pháp lý quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
2. Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.
1. Tổ chức quản lý của tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước được thực hiện theo quy định tại Mục 2 Chương IV của Luật này.
2. Cơ cấu, phạm vi hoạt động, quyền và nghĩa vụ của tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Mục 1: CHỦ SỞ HỮU VÀ ĐẠI DIỆN CHỦ SỞ HỮU CÔNG TY NHÀ NƯỚC VÀ VỐN NHÀ NƯỚC Ở DOANH NGHIỆP KHÁC
Điều 62. Chủ sở hữu công ty nhà nước
Nhà nước là chủ sở hữu công ty nhà nước. Chính phủ thống nhất tổ chức thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với công ty nhà nước theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 63. Đại diện chủ sở hữu công ty nhà nước và vốn nhà nước ở doanh nghiệp khác
1. Các tổ chức, cá nhân sau đây thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu công ty nhà nước:
a) Chính phủ trực tiếp thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với công ty nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 65 của Luật này; Thủ tướng Chính phủ trực tiếp thực hiện hoặc uỷ quyền cho các bộ liên quan thực hiện một số quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với công ty nhà nước đặc biệt quan trọng do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập;
b) Bộ quản lý ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh là đại diện chủ sở hữu công ty nhà nước không có Hội đồng quản trị theo quy định tại Điều 66 của Luật này;
c) Bộ Tài chính thực hiện một số quyền, nghĩa vụ đại diện chủ sở hữu công ty nhà nước theo quy định tại Điều 67 của Luật này;
d) Hội đồng quản trị là đại diện trực tiếp chủ sở hữu tại công ty nhà nước có Hội đồng quản trị và đại diện chủ sở hữu đối với công ty do mình đầu tư toàn bộ vốn điều lệ theo quy định tại các điều 29, 30 và 33 của Luật này.
2. Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước là đại diện chủ sở hữu đối với công ty do mình đầu tư toàn bộ vốn điều lệ và đại diện chủ sở hữu phần vốn do mình đầu tư ở doanh nghiệp khác theo quy định tại Điều 60 và Điều 61 của Luật này.
3. Công ty nhà nước là đại diện chủ sở hữu đối với phần vốn của công ty đầu tư ở doanh nghiệp khác.
4. Việc phân công, phân cấp thực hiện quyền, nghĩa vụ đại diện chủ sở hữu công ty nhà nước được thực hiện theo quy định tại Mục 2 Chương VI của Luật này.
Mục 2: QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CHỦ SỞ HỮU NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÔNG TY NHÀ NƯỚC
Điều 64. Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty nhà nước
1. Chủ sở hữu nhà nước có các quyền sau đây đối với công ty nhà nước:
a) Quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể, chuyển đổi sở hữu công ty; quyết định cơ cấu tổ chức quản lý của công ty; tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm, chế độ lương, thưởng của Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc công ty; phê duyệt nội dung, sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty;
b) Quyết định mục tiêu, chiến lược và định hướng kế hoạch phát triển công ty; quyết định các dự án đầu tư có giá trị lớn hơn 30% tổng giá trị tài sản còn lại trên sổ kế toán của công ty nhà nước không có Hội đồng quản trị hoặc tỷ lệ nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty; quyết định các dự án đầu tư có giá trị lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản còn lại trên sổ kế toán của công ty có Hội đồng quản trị hoặc tỷ lệ nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty; quyết định các hợp đồng vay, cho vay, thuê, cho thuê và hợp đồng kinh tế khác vượt quá mức vốn điều lệ của công ty; quy định chế độ giao kế hoạch, đặt hàng hoặc đấu thầu, mức giá bán, mức bù chênh lệch cho các công ty cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích;
c) Quyết định mức vốn đầu tư ban đầu, mức vốn điều lệ và điều chỉnh vốn điều lệ của công ty; quyết định dự án vay, cho vay có giá trị trên mức phân cấp cho Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc đối với công ty không có Hội đồng quản trị; quy định chế độ tài chính của công ty;
d) Kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh của công ty.
2. Chủ sở hữu nhà nước có các nghĩa vụ sau đây đối với công ty nhà nước:
a) Đầu tư đủ vốn điều lệ cho công ty;
b) Tuân theo Điều lệ công ty;
c) Chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty;
d) Tuân theo các quy định của pháp luật về hợp đồng trong việc mua, bán, vay, cho vay, thuê và cho thuê giữa công ty và chủ sở hữu;
đ) Bảo đảm quyền tự chủ kinh doanh, tự chịu trách nhiệm của công ty; không trực tiếp can thiệp vào hoạt động kinh doanh của công ty;
e) Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 65. Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với công ty nhà nước do Chính phủ thực hiện
1. Chính phủ trực tiếp thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với công ty nhà nước như sau:
a) Phê duyệt phương án thành lập mới, tổ chức và sắp xếp lại công ty nhà nước trong phạm vi toàn bộ nền kinh tế quốc dân, ở các ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
b) Quyết định hoặc phân cấp quyết định các dự án đầu tư của công ty nhà nước; quyết định hoặc phân cấp quyết định cấp vốn đầu tư ban đầu, đầu tư bổ sung, tăng, giảm vốn điều lệ của công ty nhà nước; trình Quốc hội phê chuẩn các dự án đầu tư của công ty nhà nước thuộc thẩm quyền của Quốc hội;
c) Thống nhất tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chủ sở hữu đối với phần vốn đầu tư của Nhà nước vào các công ty khác. Quyết định hoặc phân cấp quyết định các dự án góp vốn, tài sản của Nhà nước hoặc công ty nhà nước vào liên doanh với các chủ đầu tư nước ngoài, các dự án đầu tư của công ty nhà nước ra nước ngoài;
d) Quy định chế độ tài chính của công ty nhà nước;
đ) Kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn ở công ty nhà nước;
e) Quy định chế độ tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp và các quyền lợi khác đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc công ty nhà nước;
g) Quy định các tiêu chuẩn đánh giá kết quả kinh doanh của công ty nhà nước, trong đó có chỉ tiêu về tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước đầu tư;
h) Quy định chế độ kiểm tra, giám sát công ty nhà nước thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Nhà nước giao; đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh của công ty, hoạt động quản lý của Hội đồng quản trị và điều hành của Tổng giám đốc hoặc Giám đốc.
a) Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại Điều 66 của Luật này;
b) Hội đồng quản trị công ty nhà nước theo quy định tại Điều 30 của Luật này;
c) Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước theo quy định tại Điều 60 và Điều 61 của Luật này.
Bộ quản lý ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh là đại diện chủ sở hữu đối với các công ty nhà nước do Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc được uỷ quyền quyết định thành lập, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu và đại diện chủ sở hữu như sau:
1. Xây dựng phương án tổ chức lại các công ty nhà nước độc lập do mình quyết định thành lập trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tổ chức thực hiện việc tổ chức lại các công ty nhà nước theo phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
2. Quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể, chuyển đổi sở hữu công ty nhà nước; phê duyệt nội dung, sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty nhà nước. Thoả thuận với Bộ Tài chính xác định mức vốn điều lệ ban đầu, tăng vốn điều lệ của công ty nhà nước;
3. Quyết định mục tiêu, chiến lược và kế hoạch dài hạn của công ty nhà nước không có Hội đồng quản trị;
7. Quyết định tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm, chế độ lương hoặc phụ cấp và các quyền lợi khác của Chủ tịch Hội đồng quản trị và các thành viên Hội đồng quản trị; tuyển chọn, ký hợp đồng hoặc quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, mức lương và các quyền lợi khác của Giám đốc công ty nhà nước độc lập không có Hội đồng quản trị; tổ chức đánh giá kết quả hoạt động và quản lý công ty của Hội đồng quản trị và Giám đốc theo quy định của Chính phủ;
8. Tham gia kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn, việc phân phối thu nhập, trích lập và sử dụng các quỹ của công ty nhà nước;
9. Thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo phân công, phân cấp của Chính phủ.
Điều 67. Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với công ty nhà nước do Bộ Tài chính thực hiện
Bộ Tài chính thực hiện một số quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu và đại diện chủ sở hữu đối với công ty nhà nước như sau:
1. Trình Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện chế độ quản lý tài chính, hạch toán kinh doanh, chế độ báo cáo và công khai tài chính của công ty nhà nước, báo cáo tài chính hợp nhất của tổng công ty;
2. Cấp vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trong các trường hợp sau đây:
a) Đầu tư thành lập mới công ty nhà nước sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thành lập;
b) Đầu tư bổ sung tăng vốn điều lệ của công ty nhà nước theo đề nghị của người quyết định thành lập công ty nhà nước.
3. Tham gia đánh giá kết quả hoạt động và quản lý công ty của Hội đồng quản trị và Giám đốc công ty nhà nước theo quy định của Chính phủ;
4. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn, việc phân phối thu nhập, trích lập và sử dụng các quỹ của công ty nhà nước;
5. Thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo phân công của Chính phủ.
1. Thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đã được phân công, phân cấp.
2. Bảo đảm quyền tự chủ kinh doanh, tự chịu trách nhiệm của công ty; không can thiệp vào các công việc thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc và bộ máy quản lý của công ty.
3. Chịu trách nhiệm hành chính và vật chất về các quyết định của mình trong việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ được giao; chịu trách nhiệm đầu tư đủ vốn điều lệ cho công ty.
4. Chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp sau đây:
a) Khi công ty không thực hiện đúng mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược, kế hoạch phát triển dài hạn đã quy định;
b) Để xảy ra tình trạng tham nhũng, quan liêu, thất thoát tài sản nhà nước ở các công ty có vốn nhà nước thuộc quyền quản lý;
c) Cán bộ quản lý công ty nhà nước do mình bổ nhiệm gây thiệt hại lớn đối với công ty nhà nước, báo cáo không trung thực tình hình tài chính công ty;
d) Bổ nhiệm lại hoặc quyết định chuyển công tác sang vị trí tương đương hoặc cao hơn đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc công ty nhà nước và cán bộ quản lý khác do mình bổ nhiệm mà vi phạm quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 3 Điều 25, điểm đ khoản 5, khoản 8 và khoản 9 Điều 27, các điểm b, c và d khoản 3 Điều 32 của Luật này.
5. Tổ chức sắp xếp, chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước theo phương án tổng thể và kế hoạch do Chính phủ phê duyệt.
6. Chuyển giao quyền chủ sở hữu cho tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước theo quy định của Chính phủ.
Mục 3: QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA ĐẠI DIỆN CHỦ SỞ HỮU ĐỐI VỚI VỐN NHÀ NƯỚC ĐẦU TƯ Ở DOANH NGHIỆP KHÁC
Điều 69. Vốn nhà nước đầu tư ở doanh nghiệp khác
Vốn nhà nước đầu tư ở doanh nghiệp khác là các loại vốn dưới đây được đầu tư ở công ty không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 của Luật này:
2. Vốn từ ngân sách nhà nước đầu tư, góp vào công ty khác giao cho công ty nhà nước quản lý;
3. Giá trị cổ phần hoặc vốn nhà nước góp tại các công ty nhà nước đã cổ phần hoá, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên;
4. Vốn do công ty nhà nước vay để đầu tư;
5. Lợi tức được chia do Nhà nước hoặc công ty nhà nước đầu tư, góp vốn ở công ty khác dùng để tái đầu tư vào công ty đó;
6. Các loại vốn khác.
1. Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng quản trị tổng công ty nhà nước hoặc công ty nhà nước thực hiện chức năng, quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ sở hữu đối với công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên do mình đầu tư toàn bộ vốn điều lệ theo quy định của Luật doanh nghiệp.
2. Chức năng, quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ sở hữu đối với công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước có hai thành viên trở lên và công ty cổ phần nhà nước do cơ quan, tổ chức hoặc công ty nhà nước trực tiếp đầu tư, góp vốn thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp.
3. Người đại diện cho chủ sở hữu được đề cử tham gia Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước có hai thành viên trở lên và công ty cổ phần nhà nước phải đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện tương ứng quy định tại các điều 24, 31, 36 và 39 của Luật này.
Điều 71. Quyền và nghĩa vụ của công ty nhà nước trong quản lý vốn đầu tư ở doanh nghiệp khác
Tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước độc lập có quyền và nghĩa vụ đối với phần vốn đầu tư ở doanh nghiệp khác như sau:
1. Quyết định đầu tư, góp vốn; tăng, giảm vốn đầu tư, vốn góp theo quy định của Luật này và Điều lệ của công ty có vốn góp của công ty nhà nước;
2. Cử, thay đổi, bãi miễn người đại diện phần vốn góp của công ty theo quy định của Điều lệ công ty có vốn góp và Luật doanh nghiệp; cử người của công ty tham gia Hội đồng quản trị công ty liên doanh hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi là người đại diện phần vốn góp của công ty); quyết định khen thưởng, kỷ luật, phụ cấp và lợi ích khác có liên quan đối với người đại diện phần vốn góp của công ty. Chi phí phụ cấp trách nhiệm, thưởng và lợi ích khác có liên quan đối với người đại diện phần vốn góp của công ty được tính vào chi phí kinh doanh hoặc từ nguồn quỹ của công ty nhà nước. Người đại diện của công ty nhà nước được đề cử tham gia Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Giám đốc của công ty có cổ phần hoặc vốn góp chi phối của công ty nhà nước phải đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện tương ứng quy định tại các điều 24, 31 và 36 của Luật này;
3. Yêu cầu người đại diện phần vốn góp của công ty báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình tài chính, kết quả kinh doanh và các nội dung khác về công ty có vốn góp của công ty nhà nước;
4. Giao nhiệm vụ và yêu cầu người đại diện phần vốn góp của công ty xin ý kiến về những vấn đề quan trọng của công ty có vốn góp của công ty nhà nước trước khi biểu quyết; báo cáo việc sử dụng cổ phần, vốn góp chi phối để phục vụ định hướng phát triển và mục tiêu của Nhà nước;
5. Thu lợi tức và chịu rủi ro từ phần vốn góp ở các công ty. Phần vốn thu về, kể cả lãi được chia do công ty hoặc Tổ chức đầu tư và kinh doanh vốn quyết định sử dụng để phục vụ các mục tiêu kinh doanh của công ty hoặc tổ chức. Trường hợp tổ chức lại công ty thì việc quản lý phần vốn góp này được thực hiện theo quy định của Chính phủ;
6. Giám sát, kiểm tra việc sử dụng vốn góp của công ty;
7. Chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng, bảo toàn và phát triển phần vốn góp của công ty.
Điều 72. Quyền và nghĩa vụ của người đại diện phần vốn góp của công ty nhà nước ở doanh nghiệp khác
Người đại diện phần vốn góp của công ty nhà nước tại doanh nghiệp khác có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
1. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cổ đông, thành viên góp vốn, bên liên doanh trong công ty có vốn góp của Nhà nước hoặc công ty nhà nước. Trường hợp công ty nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối của công ty khác thì người đại diện phần vốn góp sử dụng quyền cổ phần chi phối hoặc vốn góp chi phối để định hướng công ty có cổ phần chi phối hoặc vốn góp chi phối của công ty nhà nước thực hiện mục tiêu do chủ sở hữu nhà nước quy định và do công ty nhà nước giao;
2. Tham gia ứng cử hoặc đề cử người đại diện của công ty nhà nước vào bộ máy quản lý, điều hành của công ty nhận vốn góp theo quy định của Điều lệ công ty đó;
3. Theo dõi và giám sát tình hình hoạt động kinh doanh của công ty có vốn góp của công ty nhà nước;
4. Thực hiện chế độ báo cáo Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc công ty nhà nước về hiệu quả sử dụng phần vốn góp của Nhà nước ở các công ty;
Trường hợp không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định, lợi dụng quyền đại diện phần vốn góp, thiếu trách nhiệm gây thiệt hại cho công ty và Nhà nước thì phải chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
5. Xin ý kiến Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc trước khi tham gia biểu quyết tại Đại hội cổ đông, tại cuộc họp Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên của công ty có một phần vốn góp của công ty nhà nước về phương hướng, chiến lược, kế hoạch kinh doanh, sửa đổi, bổ sung Điều lệ, tăng, giảm vốn điều lệ, chia lợi tức, bán tài sản có giá trị lớn cần có biểu quyết của cổ đông, thành viên góp vốn. Trường hợp nhiều người cùng đại diện của công ty nhà nước tham gia vào Hội đồng quản trị của công ty nhận vốn góp thì phải cùng nhau bàn bạc, thống nhất ý kiến và xin ý kiến về những vấn đề quan trọng của công ty có vốn góp của công ty nhà nước trước khi biểu quyết;
6. Chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị đối với công ty có Hội đồng quản trị, Giám đốc công ty đối với công ty không có Hội đồng quản trị về hiệu quả sử dụng vốn góp của Nhà nước ở các công ty.
TỔ CHỨC LẠI, GIẢI THỂ, PHÁ SẢN CÔNG TY NHÀ NƯỚC
Điều 73. Tổ chức lại công ty nhà nước
Các hình thức tổ chức lại công ty nhà nước không làm thay đổi sở hữu của công ty bao gồm:
1. Sáp nhập vào công ty nhà nước khác;
2. Hợp nhất các công ty nhà nước;
5. Chuyển công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước có hai thành viên trở lên;
6. Chuyển tổng công ty do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập thành tổng công ty do các công ty tự đầu tư và thành lập;
7. Khoán, cho thuê công ty nhà nước;
8. Các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Điều 74. Điều kiện tổ chức lại công ty nhà nước
1. Công ty nhà nước độc lập hoạt động kinh doanh, thuộc danh mục Nhà nước củng cố, phát triển, duy trì 100% sở hữu được chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước có hai thành viên trở lên.
2. Điều kiện tổ chức lại công ty nhà nước dưới các hình thức sáp nhập, hợp nhất, chia, tách do Chính phủ quy định.
3. Tổng công ty nhà nước được thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp nhà nước năm 1995 đáp ứng đủ các điều kiện sau đây thì được chuyển đổi, tổ chức thành tổng công ty nhà nước do các công ty tự đầu tư và thành lập theo quy định tại các điều 54, 55, 56, 57, 58 và 59 của Luật này:
a) Thuộc danh mục Nhà nước củng cố, phát triển, tiếp tục duy trì 100% sở hữu nhà nước ở công ty nhà nước giữ quyền chi phối;
b) Đang có vốn góp chi phối ở nhiều công ty khác hoặc có kế hoạch cổ phần hoá, bán các công ty thành viên tổng công ty, các bộ phận của công ty nhà nước nhưng công ty nhà nước giữ cổ phần chi phối, vốn góp chi phối;
c) Kinh doanh đa ngành, nghề, trong đó có một ngành kinh doanh chính; có nhiều đơn vị phụ thuộc ở trong và ngoài nước;
d) Có quy mô vốn lớn để thực hiện việc đầu tư vốn vào các công ty khác;
đ) Có khả năng phát triển.
Nguyên tắc và thời hạn chuyển đổi tổng công ty nhà nước do Chính phủ quy định.
Điều 75. Thẩm quyền và thủ tục tổ chức lại công ty nhà nước
1. Thẩm quyền quyết định tổ chức lại công ty nhà nước được quy định như sau:
a) Người quyết định thành lập công ty nhà nước tổ chức lập phương án và quyết định việc tổ chức lại công ty. Trường hợp sáp nhập, hợp nhất công ty nhà nước giữa các bộ, giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc giữa công ty nhà nước do Bộ và công ty nhà nước do tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thành lập, thì cơ quan được thoả thuận sẽ thực hiện quyền hạn và nghĩa vụ chủ sở hữu của công ty hợp nhất hoặc công ty nhận sáp nhập ra quyết định sáp nhập, hợp nhất công ty; trường hợp không thoả thuận được thì các cơ quan có công ty sáp nhập hoặc hợp nhất có thể là đồng chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước có hai thành viên trở lên;
b) Trường hợp tổ chức lại hoặc chuyển đổi tổng công ty thì sau khi có ý kiến đề nghị của Hội đồng thẩm định, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tổ chức lại tổng công ty, người quyết định thành lập tổng công ty quyết định tổ chức lại tổng công ty;
c) Thủ tướng Chính phủ quyết định tổ chức lại các công ty nhà nước quan trọng trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh.
2. Quyết định tổ chức lại công ty phải được gửi đến các chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định tổ chức lại.
3. Trường hợp tổ chức lại công ty dẫn đến thay đổi hình thức pháp lý hoặc mục tiêu, ngành, nghề kinh doanh, vốn điều lệ thì công ty phải làm thủ tục đăng ký lại hoặc đăng ký bổ sung với cơ quan đăng ký kinh doanh.
Điều 76. Trách nhiệm của công ty nhà nước được tổ chức lại
1. Đối với trường hợp chia công ty thì công ty bị chia chấm dứt tồn tại, các công ty mới cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị chia.
2. Đối với trường hợp tách công ty thì công ty bị tách và công ty được tách cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị tách.
3. Đối với trường hợp hợp nhất công ty thì các công ty bị hợp nhất chấm dứt tồn tại, công ty hợp nhất được hưởng các quyền lợi hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ tài sản khác của các công ty bị hợp nhất.
Điều 77. Giải thể công ty nhà nước
1. Công ty nhà nước bị xem xét giải thể trong các trường hợp sau đây:
a) Hết thời hạn hoạt động ghi trong quyết định thành lập mà công ty không xin gia hạn;
b) Công ty kinh doanh thua lỗ kéo dài nhưng chưa lâm vào tình trạng phá sản;
c) Công ty không thực hiện được các nhiệm vụ do Nhà nước giao sau khi đã áp dụng các biện pháp cần thiết;
d) Việc tiếp tục duy trì công ty là không cần thiết.
2. Tổng công ty do Nhà nước tổ chức và thành lập không thực hiện được các mục tiêu quy định tại khoản 5 Điều 48 của Luật này thì giải thể bộ máy quản lý tổng công ty, chuyển tổng công ty thành các công ty nhà nước độc lập.
Điều 78. Quyết định giải thể công ty nhà nước
1. Người quyết định thành lập công ty nhà nước có quyền quyết định giải thể công ty nhà nước. Quyết định giải thể phải được gửi đến cơ quan đăng ký kinh doanh, các chủ nợ, người có quyền, nghĩa vụ và lợi ích liên quan và được thông báo cho người lao động trong công ty trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày ra quyết định giải thể công ty.
2. Người quyết định giải thể công ty phải lập Hội đồng giải thể. Hội đồng giải thể có chức năng tham mưu cho người quyết định giải thể công ty về việc quyết định giải thể công ty và tổ chức thực hiện quyết định giải thể công ty. Trình tự và thủ tục thực hiện quyết định giải thể công ty do Chính phủ quy định.
3. Việc khiếu nại, giải quyết khiếu nại liên quan đến giải thể công ty nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Điều 79. Phá sản công ty nhà nước
Việc giải quyết phá sản đối với công ty nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản.
CHUYỂN ĐỔI SỞ HỮU CÔNG TY NHÀ NƯỚC
Điều 80. Các hình thức chuyển đổi sở hữu
Công ty nhà nước được chuyển đổi sở hữu theo các hình thức sau đây:
1. Cổ phần hoá công ty nhà nước;
2. Bán toàn bộ một công ty nhà nước;
4. Giao công ty nhà nước cho tập thể người lao động để chuyển thành công ty cổ phần hoặc hợp tác xã.
Điều 81. Loại công ty nhà nước chuyển đổi sở hữu
1. Công ty nhà nước hoạt động trong các ngành, lĩnh vực Nhà nước không cần giữ 100% vốn điều lệ là đối tượng áp dụng các hình thức chuyển đổi sở hữu quy định tại Điều 80 của Luật này.
2. Chính phủ quy định tiêu chí xác định danh mục ngành, lĩnh vực mà Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ ở doanh nghiệp; giữ cổ phần hoặc vốn góp chi phối; giữ một phần vốn; không giữ vốn nhà nước; loại công ty nhà nước giao, bán cho tập thể người lao động của công ty.
3. Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục phân loại, kế hoạch và hình thức chuyển đổi sở hữu công ty nhà nước.
Điều 82. Mục tiêu chuyển đổi sở hữu công ty nhà nước
Chuyển đổi sở hữu công ty nhà nước nhằm:
1. Cơ cấu lại sở hữu của công ty mà Nhà nước không cần tiếp tục giữ 100% vốn điều lệ để sử dụng có hiệu quả hơn số tài sản Nhà nước đã đầu tư ở công ty;
2. Huy động thêm các nguồn vốn đầu tư của cá nhân, tổ chức trong và ngoài công ty để hình thành công ty có nhiều nguồn vốn chủ sở hữu để đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của công ty;
3. Tạo điều kiện cho người lao động góp vốn thực sự làm chủ công ty và có việc làm.
1. Căn cứ vào quy định tại Điều 81 của Luật này, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh lựa chọn và quyết định hình thức chuyển đổi sở hữu công ty nhà nước.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xác định giá trị công ty; quyết định giá trị công ty; phê duyệt phương án chuyển đổi sở hữu công ty thuộc quyền quản lý. Việc điều chỉnh giá trị công ty thấp hơn giá trị ghi trên sổ sách kế toán do Chính phủ hướng dẫn.
3. Trình tự và thủ tục chuyển đổi sở hữu công ty nhà nước do Chính phủ quy định.
Điều 84. Quyền của công ty chuyển đổi sở hữu
1. Được hưởng ưu đãi đối với công ty thành lập mới theo quy định của pháp luật về khuyến khích đầu tư.
2. Được miễn thuế trước bạ chuyển quyền sở hữu đối với tài sản của công ty nhà nước chuyển thành sở hữu của người mua cổ phần, mua công ty.
3. Được tiếp tục các hợp đồng thuê đất của công ty cũ theo quy định của pháp luật về đất đai.
4. Được tiếp tục vay vốn tại ngân hàng thương mại, công ty tài chính, các tổ chức tín dụng khác của Nhà nước theo cơ chế và lãi suất như đã áp dụng đối với công ty nhà nước trong thời hạn theo quy định của Chính phủ.
5. Người mua công ty nhà nước thua lỗ kéo dài được giảm giá nếu tiếp tục duy trì công ty để sản xuất, kinh doanh, sử dụng lại toàn bộ số lao động của công ty và bảo đảm việc làm cho họ trong thời hạn do Chính phủ quy định, trừ trường hợp người lao động tự nguyện chấm dứt hợp đồng lao động. Mức giảm giá theo quy định của Chính phủ.
6. Các quyền lợi và ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.
Điều 85. Quyền của người lao động trong công ty nhà nước chuyển đổi sở hữu
Người lao động trong công ty nhà nước chuyển đổi sở hữu có các quyền sau đây:
1. Duy trì và phát triển quỹ phúc lợi dưới dạng hiện vật thuộc sở hữu của tập thể người lao động do tổ chức Công đoàn công ty quản lý;
2. Được sử dụng quỹ phúc lợi và quỹ khen thưởng bằng tiền (nếu có) chia cho người lao động để mua cổ phần;
3. Được ưu tiên mua công ty, mua cổ phần theo quy định của Chính phủ;
4. Các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật.
Điều 86. Bảo đảm của Nhà nước đối với người mua cổ phần, mua hoặc nhận giao công ty nhà nước
Quyền sở hữu và mọi quyền lợi hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân mua cổ phần ở công ty cổ phần hoá, mua hoặc nhận giao công ty được Nhà nước bảo hộ theo quy định của pháp luật.
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
Điều 87. Nội dung quản lý nhà nước đối với công ty nhà nước
1. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về doanh nghiệp nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
2. Xây dựng quy hoạch và chiến lược phát triển công ty nhà nước theo định hướng, mục tiêu chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành, lãnh thổ.
3. Tổ chức đăng ký kinh doanh đối với công ty nhà nước; xây dựng và lưu giữ các thông tin cơ bản về công ty nhà nước; theo dõi và giám sát hoạt động kinh doanh của công ty nhà nước sau đăng ký; bảo đảm cho công ty nhà nước hoạt động theo đúng các điều kiện quy định tại quyết định thành lập và đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
4. Xây dựng quy hoạch và tổ chức thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao phẩm chất đạo đức kinh doanh cho người quản lý công ty nhà nước; phẩm chất chính trị, đạo đức, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý nhà nước đối với công ty nhà nước; đào tạo và xây dựng đội ngũ công nhân lành nghề.
5. Ban hành danh mục sản phẩm, phương thức quản lý tài chính và chính sách ưu đãi đối với sản phẩm, dịch vụ công ích trong từng thời kỳ.
6. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật, chính sách, chế độ của Nhà nước tại các công ty nhà nước; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Điều 88. Cơ quan quản lý nhà nước đối với công ty nhà nước
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước đối với công ty nhà nước; quy định việc phân công, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và phân cấp, phối hợp giữa các Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với công ty.
2. Các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện quản lý nhà nước đối với công ty nhà nước theo chức năng và lĩnh vực được phân công phụ trách.
3. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm:
a) Thực hiện quản lý nhà nước đối với công ty nhà nước trong phạm vi địa phương theo quy định của pháp luật;
b) Tổ chức đăng ký kinh doanh; thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của công ty nhà nước trong phạm vi địa phương;
c) Hướng dẫn và chỉ đạo Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trong việc phối hợp thực hiện quản lý nhà nước đối với công ty nhà nước.
Điều 89. Kiểm toán, thanh tra hoạt động kinh doanh của công ty nhà nước
1. Báo cáo tài chính hàng năm của công ty nhà nước phải được kiểm toán; chế độ kiểm toán được thực hiện theo quy định của pháp luật về kiểm toán.
2. Cơ quan thanh tra thực hiện việc thanh tra hoạt động kinh doanh của công ty nhà nước theo đúng chức năng, thẩm quyền và tuân theo các quy định của pháp luật về thanh tra.
Việc thanh tra về cùng một vụ việc được thực hiện không quá một lần trong một năm đối với một công ty nhà nước. Thời hạn thanh tra không quá ba mươi ngày; trong trường hợp đặc biệt, thời hạn thanh tra được gia hạn theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng không được quá ba mươi ngày.
Việc thanh tra bất thường chỉ được thực hiện khi có căn cứ về sự vi phạm pháp luật của công ty.
Khi tiến hành thanh tra phải có quyết định của người có thẩm quyền; khi kết thúc thanh tra phải có biên bản, kết luận thanh tra; Trưởng đoàn thanh tra chịu trách nhiệm về nội dung biên bản và kết luận thanh tra.
Người ra quyết định thanh tra không đúng pháp luật hoặc lợi dụng việc thanh tra để vụ lợi, sách nhiễu, gây phiền hà cho hoạt động của công ty thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Điều 90. Quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp nhà nước khác
1. Quản lý nhà nước đối với công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước có hai thành viên trở lên, công ty cổ phần nhà nước được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp và theo quy định của Chính phủ.
2. Quản lý nhà nước đối với công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp.
Tổ chức, cá nhân, công ty nhà nước có thành tích xuất sắc trong kinh doanh, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của công ty, đóng góp lớn vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Điều 92. Xử lý vi phạm đối với công ty nhà nước và tổ chức kinh tế
1. Công ty nhà nước có hành vi vi phạm dưới đây thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị đình chỉ hoạt động, xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật:
a) Thành lập công ty nhà nước không theo quy định của Luật này;
b) Không đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng ngành, nghề đã đăng ký hoặc không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;
c) Không thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu do Nhà nước quy định;
d) Vi phạm nghiêm trọng các quy định khác của Luật này.
2. Tổ chức kinh tế hoạt động dưới danh nghĩa công ty nhà nước mà không có quyết định thành lập thì bị đình chỉ hoạt động và bị tịch thu tài sản nộp vào ngân sách nhà nước.
Điều 93. Xử lý vi phạm đối với cá nhân
Cá nhân có hành vi vi phạm dưới đây thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật:
1. Không thực hiện đúng trách nhiệm, quyền hạn được chủ sở hữu công ty nhà nước uỷ quyền hoặc quyết định sai gây thiệt hại cho công ty;
2. Quyết định thành lập công ty nhà nước không đúng thủ tục, trình tự, vượt thẩm quyền, thiếu trách nhiệm trong thẩm định thành lập dẫn đến công ty hoạt động không hiệu quả;
3. Không thực hiện đúng chính sách đối với người lao động trong công ty nhà nước;
4. Can thiệp vào công việc thuộc thẩm quyền của công ty; sách nhiễu công ty, yêu cầu công ty cung cấp các nguồn lực không được pháp luật quy định;
5. Vi phạm các quy định khác của Luật này.
1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2004.
2. Luật này thay thế Luật doanh nghiệp nhà nước năm 1995.
3. Doanh nghiệp nhà nước đã được thành lập và đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật doanh nghiệp nhà nước năm 1995 không phải thực hiện thủ tục thành lập, đăng ký kinh doanh lại theo quy định của Luật này; doanh nghiệp nhà nước có điều lệ hoạt động không phù hợp với quy định của Luật này thì trong thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày Luật này có hiệu lực phải sửa đổi, bổ sung Điều lệ cho phù hợp với quy định của Luật này.
Tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước độc lập đã thành lập trước ngày Luật này có hiệu lực không đáp ứng các điều kiện đối với tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước độc lập theo quy định của Luật này phải tổ chức lại, giải thể hoặc chuyển đổi sở hữu theo quy định của Chính phủ.
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này.
Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003.
|
Nguyễn Văn An (Đã ký) |
THE NATIONAL ASSEMBLY |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM |
No: 14/2003/QH11 |
Hanoi, November 26, 2003 |
ON STATE ENTERPRISES
(No.14/2003/QH11 of November 26, 2003)
Pursuant to 1992
Constitution of the Socialist Republic of Vietnam, which was amended and
supplemented under Resolution No.51/2001/QH10 of December 25, 2001 of the Xth
National Assembly, the 10th session;
This Law prescribes the State enterprises,
State enterprises are
economic organizations where the State owns the entire charter capital or holds
dominant shares or contributed capital, which are organized in the form of
State companies, joint-stock companies or limited liability companies.
Article
2.- Scope of regulation and subjects of
application
...
...
...
a) The prescription of
the establishment, reorganization, dissolution, ownership conversion,
organization of management and operation of State companies;
b) Regulation of
relationships between the owner being the State and the representative of the
State's contributed capital portions at enterprises where the State owns the
entire charter capital or enterprises where the State holds dominant shares or
contributed capital.
2. The subjects of
application of this Law shall include:
a) The State companies;
b) The representatives
of the State's contributed capital portions at State-run joint-stock companies,
one-member State-run limited liability companies, State-run limited liability
with two or more members;
c) The representatives
of the State's contributed capital portions at enterprises where the State
holds dominant shares or contributed capital.
For representatives of
the State's contributed capital portions at enterprises where exists a portion
of State capital, the Government's regulations shall be complied with;
d) For special State
companies in direct service of defense and/or security, the provisions of this
Law and the Government's specific regulations shall be complied with.
Article 3.- Term interpretation
...
...
...
1. State companies are
enterprises where the State owns the entire charter capital, which are set up,
organizationally managed and operationally registered under the provisions of
this Law. The State companies shall be organized in form of independent State
companies, State corporations.
2. The State-run
joint-stock companies are shareholding companies where all shareholders are
State companies or organizations authorized by the State to contribute capital,
which are organized and operate under the provisions of the Enterprise Law.
3. The State-run
one-member limited liability companies are limited liability companies where
the State owns the entire charter capital, which are organizationally managed
and operationally registered under the provisions of the Enterprise Law.
4. The State-run
limited liability companies with two or more members are limited liability
companies where all members are State companies or where some members are State
companies while other members are organizations authorized by the State to
contribute capital, which are organized and operate under the provisions of the
Enterprise Law.
5. Enterprises with
dominant shares or contributed capital of the State are enterprises where the
State's shares or contributed capital account for more than 50% of the charter
capital and the State holds the dominant powers over such enterprises.
6. Enterprises with a
portion of the State's capital are enterprises where the State's contributed
capital portions account for 50% of the charter capital or less.
7. State companies
holding the dominant powers over other enterprises are companies which own the
entire charter capital or have shares or contributed capital accounting for
more than 50% of the charter capital of other enterprises, holding the dominant
powers over such enterprises.
8. The dominant powers
over enterprises mean the powers to decide on operation charters, appointment,
relief from duty, dismissal of key managerial titles, on managerial
organization and other important management decisions of such enterprises.
9. Independent State
companies are State companies which do not belong to the organizational
structure of State corporations.
...
...
...
11. Legal capital
means the minimum capital amount required for the establishment of enterprises
in a number of production and business lines according to the provisions of law.
12. Public-utility
products and services are products and services essential for the life, economy
and social affairs of the country, population communities of a territorial
region or ensuring defense and security, and the costs of production and
provision thereof under the market mechanism can hardly be covered by
enterprises producing these products or providing such services; hence, the
State shall order, assign plans on, or bid for, the production and/or provision
thereof at prices or charges prescribed by the State.
Article
4.- Application of the Law on State
Enterprises and other relevant laws.
1. State companies
operate under this Law and other relevant laws. In case of disparity between
the provisions of this Law and those of relevant laws on the same issue falling
under the scope of regulation and subjects of application of the relevant laws,
the provisions of such laws shall apply.
2. In cases of
disparity between the provisions of this Law and those of relevant laws on the
rights and obligations of owner being the State over the State companies or the
provisions on the relations between the owner being the State and the persons
authorized to represent the State's contributed capital, or the disparity
between this Law and the Enterprise Law, the Law on Foreign Investment in Vietnam
or laws corresponding to enterprises with the State capital, the provisions of
this Law shall apply.
Article
5.- Political organizations and
socio-political organizations in the State enterprises
The political
organizations and socio-political organizations in the State enterprises shall
operate within the framework of the Constitution, laws and their own charters
in accordance with the provisions of law.
ESTABLISHMENT
AND BUSINESS REGISTRATION OF STATE ENTERPRISES
...
...
...
1. New State
enterprises can be established in the following branches, domains or
geographical areas:
a) Branches and
domains which supply essential products and services for the society;
b) Branches or domains
where high technologies are applied, creating motive forces for fast
development of other branches and domains as well as the entire economy,
requiring big investments;
c) Branches and
domains with high competitive edges;
d) Geographical areas
being under exceptionally difficult socio-economic conditions, where other
economic sectors do not invest in.
2. Branches, domains
and geographical areas defined in Clause 1 of this Article and plannings on
reorganization and development of State companies according to branches,
domains or geographical areas shall be decided and periodically publicized by
the Government.
Article
7.- Proposing the establishment of new
State companies
1. The ministers, the
heads of ministerial-level agencies, the heads of Government-attached agencies,
the presidents of the People's Committees of the provinces or centrally-run
cities (hereinafter called the provincial-level People's Committee presidents)
shall be the persons who propose the establishment of new State companies
(hereinafter called the proposers).
2. The proposers must
base on the lists of branches, domains and geographical areas to be considered
for establishment of new companies as prescribed in Article 6 of this Law and
the plannings on reorganization and development of State companies within the
whole national economy, branches, provinces and centrally-run cities, which
have been already approved by the Government according to the provisions at
Point a, Clause 1,
Article 65 of this Law, to elaborate schemes and dossiers for establishment of
new State companies and submit them to the Prime Minister for decision as
provided for in Article 9 of this Law.
...
...
...
a) The necessity to
set up the companies; lists of products and/or services to be provided by the
companies; the market situation, market demands and prospect for each type of
products, services provided by the companies; the capability to consume the
companies' products and/or services and the feasibility studies on
competitiveness of the companies' products and/or services;
b) Locations for the
companies' headquarters or locations for construction of production and/or
business establishments and the land areas under use;
c) The capability to
provide labor, raw materials, materials, energy and other necessary conditions
for the companies to operate after they are set up;
d) The projected total
investment capital; the initial investment capital sources of the State;
sources and forms of mobilization of the remaining capital amounts; schemes for
repayment of mobilized capital; demands and measures to create working capital
for the companies;
e) The socio-economic
efficiency feasibility study and the compatibility of the establishment of
companies with the plannings, strategies for development of branches, domains
and economic regions;
f) The report on
environmental impact assessment and measures for environmental protection;
g) The projected
organizational and managerial model for the companies and operation duration;
h) For companies which
need to invest in the construction upon their establishment, the establishment
schemes must also include projects on investment in the establishment. The
contents of projects on investment in establishment of new State companies
shall comply with the legislation on investment.
4. The dossiers on
establishment of new State companies shall each include:
...
...
...
b) The scheme on establishment
of new company prescribed in Clause 3 of this Article;
c) The draft charter
of the company;
d) The written
application for land assignment or land lease;
e) The written
application for investment preferences as prescribed by legislation on investment
promotion (if any).
5. The company's
charter must at least contain the following contents:
a) The names,
addresses, head-office, telephone numbers, fax numbers, email of the company,
branches, representative offices (if any);
b) Business objectives
and lines;
c) The charter capital;
d) The relationship
between the company and the agency or organization authorized to be
representative of the company's owner;
...
...
...
f) The company's representative
at law;
g) The principles on
use of the company's profits;
h) Cases of
reorganization, dissolution, ownership conversion and procedures for
liquidation of the company's assets;
i) The procedures for
amendment, supplementation of the company's charter;
j) Other regulations
which are decided by the agency or organization authorized to be representative
of the company's owner but must not contravene law provisions.
Article
8.- Conditions for establishment of new
State companies
The decisions to establish
new State companies must be based on the following conditions:
1. Having valid
dossiers as provided for in Clause 4, Article 7 of this Law;
2. Satisfying all
conditions on capital; charter capital level in conformity with production and
business lines which require legal capital;
...
...
...
4. The schemes on
establishment of new companies must ensure the feasibility, efficiency,
satisfaction of requirements on advanced technologies prescribed by the State
for branches, domains or geographical areas where new companies can be set up,
the conformity with the State's strategies and plannings on socio-economic
development, the State's regulations on environmental protection and other law
provisions.
Article
9.- Competence to decide on the
establishment of new State companies
1. The Prime Minister
shall decide on the establishment of State companies of particular importance,
which dominate key branches and domains and act as core in boosting the
economic growth and make great contributions to the State budget.
2. The ministers, the
heads of ministerial-level agencies, the heads of Government-attached agencies
and the presidents of the provincial-level People's Committees shall decide on
the establishment of new State companies other than the subjects defined in
Clause 1 of this Article.
3. The persons who
decide on the establishment of new State companies must set up Appraisal
Councils to appraise the schemes on establishment of new State companies. The
scheme-appraising councils are the advisory bodies for the persons who decide
on the company establishment; the establishment deciders bear responsibility
for their decisions to set up new State companies.
4. The decisions to
set up new State companies concurrently serve as the decisions on investment
projects for establishment of State companies. The newly established State
companies are owners of these projects.
5. The appraisal of
investment projects on establishment of State companies and the execution of
investment projects shall comply with the provisions of the legislation on
investment.
6. When deciding on
the establishment of new companies, the establishment deciders must
concurrently proceed with the appointment of the chairman and other members of
the Managing Boards; decide to appoint or sign contracts with directors of the
companies having no Managing Board.
Article
10.- Business registration of State
companies
...
...
...
1. Within sixty days
as from the date of obtaining the establishment decisions, the companies must
register their business at the business registries according to the provisions
of the Enterprise Law;
2. The State companies
shall have their legal person status as from the dates they are granted
business registration certificates. Only after being granted business
registration certificates can the companies receive investment capital from the
State budget or mobilize capital for investment in construction of enterprises
and business activities; the companies may be engaged in conditional production
and business lines when being granted by competent State bodies permits for
doing business in conditional branches, crafts or meeting all business
conditions as provided for by law;
3. The announcement of
business registration contents, changes in business registration contents, the
supply of information on business registration contents shall comply with the
provisions of the Enterprise Law.
1. The following
subjects shall be the founding members of new State-run joint-stock companies,
State-run one-member limited liability companies, State-run limited liability
companies with two or more members:
a) Corporations with
investment and establishment decided by the State;
b) Corporations making
investment with, and dealing in, the State capital;
c) State companies
holding dominant powers over other enterprises;
d) Independent
cost-accounting member companies of State corporations;
...
...
...
f) Economic
organizations entitled to use the State capital for investment in their
business according to law provisions.
2. Founding members
contributing capital to the establishment of new State joint-stock companies,
State-run one-member limited liability companies, State-run limited liability
companies with two or more members outside the branches, domains and
geographical areas prescribed in Article 6 of this Law must have their schemes
on capital contribution to establishment of new companies approved by competent
authorities. Founding members being enterprises set up by decisions of any
authorities shall propose such authorities to approve the capital contribution
schemes. Founding members being member enterprises of corporations shall have
their capital contribution schemes approved by the Managing Boards of the
corporations.
3. The procedures for
business registration of State-run joint-stock companies, State-run one-member
limited liability companies, State-run limited liability companies with two or
more members shall comply with the provisions of the Enterprise Law.
RIGHTS AND
OBLIGATIONS OF STATE COMPANIES
Article
12.- Capital and assets of State companies
1. The companies'
capital shall include capital invested in the companies by the State, capital
mobilized by the companies themselves and other capital sources as provided for
by law.
2. The State's capital
invested in the companies shall include State budget capital and accumulated
capital added to the State capital.
3. The land use right
value calculated into capital of the companies according to the provisions of
land legislation. The Government shall guide in detail the determination of
land use right value, methods of calculating and including the land use right
value into the capital according to land use purposes and the particularity of
branches, lines and domains of operation of each type of State companies.
...
...
...
Article
13.- Rights of State companies over
capital and assets
1. To possess, use the
companies' capital and assets for business, achievement of legitimate benefits
from capital and assets of the companies.
2. To dispose of the companies'
capital and assets according to the provisions of this Law and other relevant
law provisions.
3. To use and manage
assets being land and/or natural resources, which are assigned or leased by the
State according to the provisions of legislation on land, natural resources.
4. The State shall not
regulate the State's capital invested in the companies and the capital and
assets of the companies by mode of non-payment, except for cases of deciding to
reorganize the companies or realizing the objectives of providing
public-utility products and/or services.
Article
14.- The State companies' obligations
towards capital and assets
1. To preserve and
develop the State capital and capital mobilized by the companies themselves, to
take self-responsibility for the debts and other property obligations of the
companies within their assets.
2. The representatives
of owners being the State are responsible for the debts and other property
obligations of the companies within the capital amounts invested in the
companies by the State.
3. To periodically
re-evaluate the companies' assets according to the Government's regulations.
...
...
...
1. To take initiative
in organizing their production and business, to organize their managerial
apparatuses according to business requirements and ensure efficiency in
business.
2. To do business in
production and business lines not banned by law; to expand business scale
according to capability of the companies and demands of domestic and overseas
markets.
3. To look for
domestic and overseas markets, customers and sign contracts.
4. To decide by
themselves the purchase prices and sale prices of products and services, except
for public-utility products and/or services as well as products and/or services
priced by the State, which shall comply with the price levels or brackets set
by the State.
5. To decide on
investment projects according to the provisions of legislation on investment;
to use capital and assets of the companies for joint venture or cooperation
with, or capital contribution to, other enterprises in the country; to hire or
purchase part or whole of other companies.
6. To use capital of
the companies or mobilized capital for investment in the establishment of
State-run one-member limited liability companies; to invest together with other
investors in the establishment of joint-stock companies or limited liability
companies with two or more members.
7. To open branches
and/or representative offices at home and abroad.
8. To formulate and
apply labor and materials norms, wage unit prices and other expenses on the
basis of ensuring the efficiency of companies' business and the compliance with
law provisions.
9. To recruit, hire,
arrange, employ, train, discipline, sack laborers, to select forms of wage and
bonus payment suitable to business requirements and have other rights as
prescribed by labor legislation.
...
...
...
Article
16.- Business obligations of State
companies
1. To conduct business
strictly according to the registered production and business lines; ensure the
quality of products and services provided by the companies according to the
registered standards.
2. To renew or
modernize their technologies and managerial modes in order to raise the
efficiency and competitiveness.
3. To ensure the
rights and interests of laborers according to labor legislation, to ensure the
laborers' rights to participate in the management of companies as provided for
in Section 3,
4. To comply with the
State's regulations on defense, security, culture, social order and safety,
natural resource and environment protection.
5. To observe the
regimes of book-keeping, audit and financial statements, statistical reports
according to law provisions and at requests of owners being the State.
6. To submit to the
supervision and inspection by owners being the State; to abide by the
inspection decisions of finance bodies and competent State agencies according
to law provisions.
7. To be answerable to
the capital investors for the use of capital for investment in the
establishment of other enterprises.
8. To fulfill other
obligations in business according to law provisions.
...
...
...
1. To mobilize capital
for business in forms of issuing bonds, credit bills, promissory notes;
borrowing capital of banks, credit institutions and other financial
organizations, of individuals and organizations outside the companies;
borrowing capital of laborers, and other forms of capital mobilization under
the provisions of law.
The mobilization of
capital for business shall comply with the principles of self-responsibility
for debt repayment, assurance of efficiency in the use of mobilized capital and
non-alteration of the form of ownership of the companies.
In cases where
companies mobilize capital for ownership conversion, the provisions in
2. To take initiative
in using capital for business activities of the companies; to use and manage
funds of the companies according to law provisions.
3. To decide on
amortization of fixed assets according to the principles that the minimum
amortization level must ensure to cover the tangible wear-out and intangible
depreciation of fixed assets and shall not be lower than the minimum
amortization rates prescribed by the Government.
4. To enjoy allowance
and/or price subsidy regimes or other preferential regimes of the State when
performing the tasks of public-utility, defense, security, natural calamity
prevention and combat or the provision of products and/or services according to
the State’s price policy and failing to offset the production costs of these
products and/or services of the companies.
5. To be entitled to
pay rewards for technical, managerial and/or technological renewal or
innovations; rewards for higher labor productivity; rewards for material and
cost saving. These rewards shall be accounted as business costs on the basis of
ensuring the companies’ business efficiency brought about by such technical,
managerial and/or technological renewal or innovations, higher labor
productivity and/or materials and cost savings.
6. To enjoy investment
and/or reinvestment preference regimes as prescribed by law.
7. To reject and
denounce all requests for the supply of resources, which are not prescribed by
law, of any individuals, agencies or organizations, except for voluntary
contributions for humanitarian and public-utility purposes.
...
...
...
a) The profits divided
according to the State’s investment capital sources shall be used for
reinvestment to increase the State capital at the companies or to formulate
concentrated funds for investment in other State enterprises in domains which
the State needs to develop or to control according to the Government’s
regulations;
b) The profits divided
according to sources of capital mobilized by the companies themselves shall be
deducted for setting up the development investment funds according to the
Government’s regulations; the remainder shall be channeled into reward funds
and welfare funds by the companies themselves.
Where the companies
have payable due debts, which have not yet been fully repaid, they may raise
wages and make deductions for rewards to the companies’ employees, including
managers, only after they fully repay such due debts.
The distribution of
after-tax profits into development investment funds, reward funds and welfare
funds by State companies operating in the State-monopolized domains, newly set
up State companies shall comply with the Government’s regulations.
Article
18.- Financial obligations of the State
companies
1. To conduct business
with profits, to ensure the ratio of profit to the capital invested by the
State and assigned by the owner’s representatives; to register, declare and pay
tax fully; to fulfill obligations toward the owner and other financial
obligations under the provisions of law.
2. To manage and use
with efficiency the business capital, including capital portions invested in
other companies (if any), natural resources, land and other resources, which
are assigned or leased by the State.
3. To use capital and
other resources for performance of other special tasks when so requested by the
State.
4. To fully comply
with the regimes of management of capital, assets, funds, regimes of accounting
and audit according to law provisions; to be accountable for the honesty and
legality of their financial activities.
...
...
...
Apart from the rights
and obligations of the State companies, which are prescribed in Articles 13,
14, 15, 16, 17 and 18 of this Law, the State companies, when participating in
public-utility activities, shall have the following rights and obligations:
1. To produce and/or
provide public-utility products and/or services on the basis of bidding. For
public-utility activities carried out on orders placed, or under plans
assigned, by the State, the companies are obliged to sell public-utility
products and/or provide public-utility services to the right subjects, at the
prices and charge levels set by the State;
2. To take
responsibility before the State for their public-utility activities; take
responsibility before customers and before law for the public-utility products
and/or services provided by the companies;
3. To be considered
for additional investment corresponding to the assigned public-utility tasks;
to account and have their reasonable expenses for public-utility activities
covered and ensure the laborers’ interests according to the following
principles:
a) For products and/or
services provided by mode of bidding, the companies shall themselves cover the
expenses according to the bid prices;
b) For public-utility
products and/or services, which cannot be implemented by mode of bidding but on
orders placed by the State, the companies may use charges or turnovers from the
provision of products and/or services on the orders placed by the State to
cover up reasonable expenses in service of public-utility activities and ensure
interests for laborers. In cases where the revenues are not enough to make up
for the reasonable expenses, the difference shall be provided by the State
budget and the laborers’ satisfactory interests shall be ensured.
4. To formulate and
apply spending norms, wage unit prices within the bid prices, the cost
estimates according to the orders placed or the plans assigned by the State;
5. To fulfill other
tasks and obligations of the State companies according to the provisions of
this Law;
...
...
...
a) They shall be
invested by the State with capital for formation of assets in service of the
objectives of providing public-utility products and/or services;
b) When necessary, the
State shall transfer the capital portion and assets in service of the
objectives of providing public-utility products and/or services of the
companies for the achievement of the objectives of providing public-utility
products and/or services in other companies;
c) They are entitled
to transfer, lease, mortgage assets in service of the objectives of providing
public-utility products and/or services, which are under the companies’
management, when so permitted by the persons who decide the establishment of
the companies. The mortgage of land use right value and/or the companies’
assets associated with the rights to use land in service of the objectives of
providing public-utility products and/or services shall comply with the
provisions of the land legislation;
d) They are entitled
to use the assigned resources for organization of additional business
activities when so agreed upon by the persons who decide the establishment of
the companies, but without affecting the achievement of the principal
objectives of providing public-utility products and/or services of the
companies;
e) They shall perform
other tasks and obligations of the companies participating in public-utility
activities according to the provisions of this Law.
The Government shall
prescribe branches and domains with public-utility products and/or services;
guide in detail the mechanism for bidding, order placement, plan assignment,
financial mechanism and accounting for public-utility activities.
Apart from the rights
and obligations of the State companies prescribed in Articles 13, 14, 15, 16,
17, 18 and 19 of this Law, the State companies holding dominant powers over
other enterprises shall also have the rights and obligations prescribed in
Articles 57, 58 and 59 of this Law.
...
...
...
Article
21.- Models of State company-managing
organizations
1. The State companies
are organized and managed after the model of having or having no Managing
Boards. The following State corporations and independent State companies shall
have Managing Boards:
a) Corporations with
investment and establishment decided by the State;
b) Corporation making
investment with, and dealing in, the State capital;
c) Independent State
companies with large capital, holding dominant powers over other enterprises.
2. Based on the
characteristics and sizes of State companies, the persons who decide the
establishment of the companies shall decide on the organizational and
managerial structures of the companies defined in Clause 1 of this Article.
Section
1. STATE COMPANIES HAVING NO MANAGING BOARDS
Article
22.- Managerial organizations of the State
companies having no Managing Board
State companies having
no Managing Boards shall each have a managerial structure comprising the
director, deputy-directors, chief accountant and assisting apparatus.
...
...
...
1. Directors are the
companies’ administrators and representatives at law and take responsibility
before the persons who appoint them, the persons who sign contracts to hire
them and before law for the performance of assigned tasks and delegated powers.
2. Deputy-directors
shall assist their directors in administering the companies under the
directors’ assignment and authorization, be answerable to the directors and law
for the assigned or authorized tasks.
3. The chief accountants
shall have the tasks to organize the book-keeping work of the companies; assist
the directors in supervising the finance at the companies according to
legislation on finance, accountancy; take responsibility before the directors
and law for their assigned or authorized tasks.
4. The companies’
offices, bureaus, professional boards shall function to advise and assist the
directors, deputy-directors in managing and administering affairs.
Article
24.- Criteria and conditions for selection
of directors
1. Criteria and
conditions for selection of directors
a) Having capability
for business and organization of management of the companies; having university
degree, having profession in the main business domains of the companies; having
at least three years’ experiences in managing and/or administering enterprises
in the main production and business lines of the companies;
b) Having good health,
good moral quality, being honest and not self-seeking; having knowledge about
law and sense of law observance; having permanent residence in Vietnam.
2. The following
subjects shall not be selected for appointment to be, or signing contracts to
act as, directors:
...
...
...
b) Persons who are
banned from assuming posts of managing or administering enterprises as provided
for by law.
1. Persons who decide
on the establishment of companies shall decide on the selection for appointment
and the dismissal of, the signing and termination of contracts with, directors
of State companies; decide on the appointment and dismissal of, the signing and
termination of contracts with, deputy-directors and chief accountants of the
State companies at the proposals of the directors.
2. The procedures for
selection and appointment of, the signing of contracts with directors shall
comply with the Prime Minister’s regulations. Directors shall be appointed or
sign contracts for a duration of not more than five years and may be
re-appointed or renew their contracts.
3. Directors shall be
subject to removal from office or termination of contracts ahead of time in the
following cases:
a) They have let the
companies suffer from losses for two consecutive years or fail to achieve the
ratio of profits to the State’s investment capital for two consecutive years or
fall into the irremediable state of interwoven losses and profits, except for
cases of loss or reduction of ratio of profits to the State’s investment
capital, which have been approved by competent authorities; losses or reduction
of ratio of profit to the State’s investment capital with objective reasons
explained and approved by competent State bodies; investment in expansion of
production, technological renewal;
b) The companies fall
into the state of bankruptcy, but they fail to submit applications for
bankruptcy;
c) They fail to
fulfill the tasks or norms assigned by the persons who have appointed or
selected them or fail to fulfill their contractual obligations;
d) They are dishonest
in performing their tasks and exercising their powers or abuse their positions
and powers to seek profits for themselves or for other persons; untruthfully
report on the financial situation of the companies;
...
...
...
f) They have lost
their civil act capacity or have restricted civil act capacity.
4. The directors shall
be replaced in the following cases:
a) They apply for
resignation;
b) They are
transferred to, or arranged with, other jobs under decisions.
Article
26.- Tasks and powers of the directors
The directors shall
have the following tasks and powers:
1. To receive and
efficiently use the capital invested by the State and assets, land, natural
resources as well as other resources assigned, lent or leased by the State;
2. To formulate
development strategies and long-term plans of the companies, projects for
investment, joint-ventures as well as schemes on managerial organizations of
the companies for submission to the persons who decide the establishment of the
companies;
3. To decide on
investment projects, contracts on sale of assets valued at up to 30% of the
total remaining assets on the companies’ accounting books or smaller the
percentages prescribed at the companies’ charters; borrowing, lending, renting
or leasing contracts and other economic contracts prescribed by the companies’
charters, but not exceeding the companies’ charter capital;
...
...
...
5. To promulgate
techno-economic norms, product standards and wage unit prices applicable within
the companies in accordance with the State’s regulations;
6. To submit to the
persons who decide on the establishment of the companies the selection for
appointment or the dismissal of, or the signing or termination of contracts
with, commendation or discipline of deputy directors, chief accountants;
7. To report to the
persons who decide on the establishment of the companies and the finance
agencies on the business and operation results of the companies;
8. To decide the
selection of, signing or termination of contracts with, or appointment,
dismissal, commendation or discipline of section heads and/or deputy-heads as
well as persons holding equivalent titles in the companies, representatives of
the companies’ capital portions contributed at other enterprises; to decide on
wages and allowances for laborers in the companies, including officials under
their appointing competence;
9. To submit to the inspection
and supervisions by competent State bodies according to law provisions;
10. To enjoy the
annual wage regime. The wage and bonus levels shall correspond to efficiency of
the companies’ operation, which are decided by the persons who decide the appointment
or prescribed in the signed contracts. Wages shall be advanced monthly and
settled annually. The annual bonus shall be calculated on the basis of annual
business results of the companies, with a part thereof being paid at the
year-end and the remainder paid after the conclusion of their terms;
particularly, the term-end bonus shall be calculated on the basis of that
year’s results and the growth results of the whole terms;
11. To perform other
tasks and powers, which are prescribed in the companies’ charters.
Article
27.- Obligations and responsibilities of
directors
1. To perform with
honesty and responsibility the delegated powers and assigned tasks for the
interests of the companies and the State; to organize the implementation of law
at the companies.
...
...
...
3. To compensate for
damage according to law provisions and the companies’ charters if breaching the
companies’ charters, making decisions ultra vires, abusing their positions and
powers, thus causing damage to the companies and the State.
4. When committing one
of the following violations which are, however, not serious enough to be
examined for penal liability, the directors shall not be entitled to bonuses,
wage raising and shall be disciplined according to the seriousness of their
violations:
a) Letting State
companies suffer from losses;
b) Losing the State
capital;
c) Deciding on
inefficient investment projects, failing to recover investment capital;
d) Failing to ensure
wages and other regimes for laborers in the companies according to the
provisions of labor legislation;
e) Letting errors in
capital and asset management, accounting and/or auditing regimes and other
regimes prescribed by the State occur.
5. In case of letting
the companies fall into the state prescribed at Point a, Clause 3, Article 25
of this Law, depending on the seriousness and consequences of their violations,
they shall have their wages lowered and have to pay compensations according to
law provisions.
6. When the companies
fail to fully pay payable due debts and fail to fulfill other due material
obligations,
...
...
...
b) Directors must not
raise wages for, and deduct profits as bonus payment to, laborers and
managerial officials;
c) They must bear
personal responsibility for the damage caused to creditors by their failure to
implement the regulations at Points a and b of this Clause;
d) They must propose
measures to remedy the companies’ financial difficulties.
7. If their companies
fall into the state of bankruptcy and they fail to submit the application for
bankruptcy, the directors shall have to bear responsibility as provided for by
law.
8. Those State
companies subject to the reorganization, dissolution or ownership conversion
but fail to carry out the procedures for reorganization, dissolution or
ownership conversion, the companies’ directors shall be dismissed or have their
contracts terminated ahead of time.
9. Directors may only
hold managerial titles of limited liability companies, joint-stock companies or
foreign-invested companies when they are nominated by State companies or
competent organizations to be candidates for the managerial titles or
designated to be the companies’ representatives regarding the capital portions
contributed to such enterprises.
Wives or husbands,
fathers, mothers, children, siblings of directors of the companies must not
hold the title of chief accountant, cashier in the same companies. The
companies’ economic, labor and/or civil contracts signed with the directors
must be notified to the persons who appoint or sign contracts to hire the
directors; where the persons who appoint or sign contracts to hire the
directors detect that the contracts aim for self-seeking purposes and are not
yet signed, they are entitled to request the directors not to sign such
contracts; if such contracts were already signed, they shall be considered null
and void, and the directors shall have to pay compensations for the damage
caused to the companies and be handled according to law provisions.
Section
2. STATE COMPANIES HAVING MANAGING BOARDS
...
...
...
Article
29.- The Managing Boards
The Managing Boards
are the bodies directly representing the State owners at the State companies or
independent State companies having Managing Boards, having the right to decide
in the names of the companies on all matters related to the identification and
achievement of the objectives, tasks and interests of the companies, except for
matters falling under the owners’ competence and responsibilities decentralized
to other agencies or organizations being owners’ representatives for
implementation.
The Managing Boards
must be accountable to the persons who decide on the establishment of State
corporations, independent State companies having Managing Boards, to the
appointers and law for all activities of the corporations, companies.
Article
30.- Tasks and powers of the Managing
Boards
1. To receive, manage
and efficiently use capital, land, natural resources and other resources, which
are invested in the companies by the State-owner.
2. To decide on the
following matters:
a) Strategies,
long-term plans, annual business plans, production and business lines of the
companies and enterprises where the companies own the entire charter capital;
b) Investment
projects, capital contribution, purchase of shares of other companies, sale of
the companies’ assets valued at up to 50% of the total remaining asset value on
the companies’ accounting books or other lower percentages prescribed in the
companies’ charters; borrowing, lending, renting, leasing or other economic
contracts in excess of the companies’ charter capital levels; or assign the
general directors to decide thereon;
c) Schemes on
management organization, business organizations, payroll and the use of
managerial apparatuses, regulations on management of the companies, plannings,
labor training; the establishment of branches, representative offices of the
companies; the approval of the charters of State-run one-member limited
liability companies with the companies being owners thereof;
...
...
...
e) The performance of
powers and tasks of owners of limited liability companies, joint-stock
companies where the companies are owners or co-owners; the reception of
enterprises which voluntarily join the member companies of corporations;
f) Investment and
adjustment of capital and other resources invested by the companies between
member units and the companies where they own the entire charter capital of
according to such companies charters;
g) Schemes on capital
mobilization for business operation but without alteration of ownership form,
or authorization of the general directors to decide thereon;
h) The adoption of
annual financial statements of the companies; schemes on the use of after-tax
profits or the handling of losses in the business process at the proposal of
the general directors; the adoption of annual financial statements of
independent cost-accounting member companies of the corporations;
i) The inspection,
supervision over the general directors, directors of member units in the
performance of their functions and tasks prescribed by this Law;
j) The use of the
companies’ capital for investment in the establishment of member units where
the companies own the entire charter capital which shall, however, not exceed
the investment capital levels which fall under the deciding competence of the Managing
Boards, prescribed at Point b, Clause 2 of this Article; the dissolution,
ownership conversion of these units.
3. To propose the
persons who decide on the establishment of the companies:
a) To approve or amend
the charters of the companies;
b) To decide on
investment projects beyond the extent of decentralization to the Managing
Boards and capital mobilization schemes, which lead to change of company
ownership;
...
...
...
d) To decide on
investment projects, capital contribution to, and/or purchase of shares of,
other companies, sale of the companies’ assets valued at over 50% of the total
asset values left on the companies’ accounting books or other smaller
percentages prescribed in the companies’ charters;
e) To decide on the
use of the companies’ capital for investment in the establishment of member
units where the companies own the entire charter capital in excess of the
investment capital levels, which fall under the deciding competence of the
Managing Boards as provided for at Point b, Clause 2 of this Article; to
propose to the company establishment deciders for decision the dissolution or
ownership conversion of these units.
5. Other powers and
tasks as provided for by law and the companies’ charter.
Article
31.- Criteria and conditions of the
Managing Board members
The Managing Board
members must fully satisfy the following criteria and conditions:
1. Being Vietnamese
citizens permanently residing in Vietnam;
2. Having the
university degree, managerial and business capability. The Managing Board
chairmen must have at least three years’ experiences in management and
administration of enterprises in the companies’ main production and business
lines;
3. Having good health,
good moral quality; being honest, incorruptible and knowledgeable; having good
sense of law observance;
4. Not being the
subjects banned from undertaking managerial and/or executive posts in the
enterprises as provided for by law.
...
...
...
1. A Managing Board is
composed of chairman and other members. The Managing Boards comprise full-time
members and possibly part-time members. The Managing Board chairmen and the
Control Board heads must be the full-time members. The general directors may be
Managing Board members. The number of Managing Board members shall not exceed
7, which shall be decided by the company establishment decides.
2. The chairmen and
members of the Managing Boards shall be appointed, removed from duty or
replaced, commended, disciplined by the persons who decide on the establishment
of the companies. The term of office of the Managing Board members shall not
exceed five years. Managing Board members can be re-appointed.
3. Managing Board
members shall be removed from duty in the following cases:
a) Being sentenced by
courts with judgements or decisions, which have already taken legal effect;
b) Being incapable, unqualified
to perform the assigned jobs; losing civil act capacity or having their civil
act capacity restricted;
c) Being dishonest in
the performance of tasks or exercise of powers or abusing positions and/or powers
to seek benefits for themselves or other persons; untruthfully reporting on the
companies’ financial situation;
d) Violating the
provisions at Point a, Clause 3, Article 25 of this Law.
4. The Managing Board
members shall be replaced in the following cases:
a) They apply for
resignation;
...
...
...
Article
33.- The Managing Board chairmen
1. The Managing Board
chairmen must not concurrently hold the post of general directors of the companies,
2. The Managing Board
chairmen shall have the following powers and tasks:
a) To represent the
Managing Boards in signing the reception of capital, land, natural resources
and other resources invested in the companies by the State-owner; to manage the
companies under the Managing Boards’ decisions;
b) To organize the
research into development strategies, long-term plans, large-scale investment
projects, organizational and staff renewal schemes for submission to the
Managing Boards;
c) To work out programs
and plans on operation of the Managing Boards; to decide on agenda and contents
of meetings and documents in service of meetings; to convene and preside over
meetings of the Managing Boards;
d) To sign on behalf
of the Managing Boards resolutions, decisions of the Managing Boards;
e) To organize the
monitoring and supervision of the implementation of resolutions and decisions
of the Managing Boards; to suspend the general directors’ decisions which are
contrary to resolutions and/or decisions of the Managing Boards;
f) Other powers
decentralized or authorized by the Managing Boards or the persons who decide
the establishment of the companies.
...
...
...
1. The Managing Boards
work according to the regime of collectivism; meet at least once a quarter to
consider and decide on matters falling within the ambit of their tasks and
powers; for issues requiring no discussion, the Managing Boards may gather
written opinions of the members. The Managing Board may hold extraordinary
meetings to settle urgent issues of the companies at the proposal of the
Managing Board chairmen, general directors or over 50% of the total number of
the Managing Board members.
2. The Managing Board
chairmen or Managing Board members authorized by the Managing Board chairmen
shall convene and preside over meetings of the Managing Boards.
3. Meetings or
gatherings of Managing Board members’ opinions shall be valid when they are
participated by at least two-thirds of the total number of the Managing Board
members. The Managing Boards’ resolutions and decisions shall be effective when
they are voted for by over 50% of the total number of the Managing Board
members; in cases where the number of votes for and the number of votes against
are equal, the side with the vote of the Managing Board chairman shall be
decisive. The Managing Board members are entitled to reserve their opinions.
When discussing the
companies’ affairs which are related to important issues of any localities, the
Managing Boards shall invite representatives of the relevant local
administrations to attend the meetings; in cases where they are related to the
interests and obligations of laborers in the companies, the representatives of
the trade unions in the companies must be invited to attend the meetings. The
representatives of agencies and organizations, who are invited to attend
meetings, may state their opinions but shall not participate in voting.
4. The contents of
issues under discussion, the stated opinions, the voting results, the decisions
adopted by the Managing Boards and conclusions of the meetings of the Managing
Boards must be recorded in writing. The meetings’ chairpersons and secretaries
must jointly bear responsibility for the accuracy and truthfulness of the
minutes of the Managing Boards’ meetings. The resolutions and decisions of the
Managing Boards are binding on the entire companies.
5. The Managing Board
members are entitled to request the general directors, chief accountants and/or
managerial officials in the companies to supply information and documents on
the financial situation and/or operation of the companies according to the
information regulations prescribed by the Managing Boards or according to the
Managing Boards’ resolutions. The persons requested to supply information must
promptly, fully and accurately supply information and/or documents at the
requests of Managing Board members, except otherwise decided by the Managing
Boards.
6. The expenses for
operations of the Managing Boards, including wages, allowances and
remuneration, shall be accounted into the companies’ expenses for enterprise
management.
1. The full-time
members of the Managing Boards shall enjoy the regimes of annual wages and
bonuses corresponding to the production and business results and efficiency of
the companies.
...
...
...
2. The part-time
members of the Managing Boards shall enjoy responsibility allowances and
bonuses according to the mechanism applicable to the full-timers.
3. The Government
shall guide the regimes of wages, bonuses and responsibility allowances of the
Managing Board members.
The Managing Board
chairmen, the Managing Board members, the general directors may only hold
managerial posts in limited liability companies, joint-stock companies or
foreign-invested companies when they are nominated to the managerial posts or designated
to be the companies’ representatives for the capital portions contributed to
such enterprises, by their companies or competent State organizations.
Spouses, fathers,
mothers, children and siblings of the Managing Board chairmen, the Managing
Board members or the general directors of the companies must not hold the post
of chief accountant or cashier at the same companies. The companies’ economic,
labor and/or civil contracts signed with the Managing Board members, the
general directors, with spouses, fathers, mothers, children or siblings of the
Managing Board members or the general directors must be notified to the persons
who have appointed such Managing Board members, general directors, or the
persons who have signed contracts to hire such general directors; in cases
where the persons who have appointed the Managing Board members, the general
directors or the persons who have signed contracts to hire the general
directors detect that the contracts aim for self-seeking purposes and are not
yet signed, they may request the Managing Board members or the general
directors not to sign such contracts; if the contracts have been already
signed, they shall be considered null and void, the Managing Board members or
the general directors must pay damages to the companies and be handled
according to law provisions.
Article
37.- The Control Board
1. The Managing Boards
shall set up the Control Boards to assist them in inspecting and supervising
the legality, accuracy and truthfulness in the management and administration of
business activities, in accounting book recording, financial statements and the
observance of the companies’ charters, the resolutions and decisions of the
Managing Boards, decisions of the Managing Board chairmen.
2. The Control Boards
shall perform the tasks assigned by the Managing Boards, report thereon to, and
take responsibility therefor before, the Managing Boards.
3. A Control Board is
composed of its head being a Managing Board member and a number of other
members to be decided by the Managing Board. The Trade Union organization in a
company shall nominate a representative who satisfies all criteria and
conditions prescribed in Clause 4 of this Article to be member of the Control
Board.
...
...
...
a) Permanently
residing in Vietnam;
b) Having good health,
good moral quality; being honest, incorruptible; having good sense of law
observance;
c) Being proficient in
economic, financial-accounting, auditing operations or professions;
d) The Control Board
members work on a full-time basis and do not concurrently hold leading
positions in the State apparatus;
e) Spouses, fathers,
mothers, children or siblings of the Managing Board members must not hold the
post of Managing Board member, general director, chief accountant or cashier in
the same companies.
5. The expenses for
operation of the Control Boards, including wages and working facilities, shall
be ensured by the companies.
1. The general
directors are the companies’ representatives at law, administering the daily
activities of the companies according to objectives, plans and in accordance
with the companies’ charters as well as resolutions and decisions of the
Managing Boards; take responsibility before the Managing Boards and law for the
exercise of their delegated powers and performance of their assigned tasks.
2. The deputy general
directors shall assist their respective directors in administering the
companies under the latter’s assignment and authorization; take responsibility
before the general directors and before law for their assigned or authorized
tasks.
...
...
...
4. The offices and
professional bureaus and boards shall function to advise and assist the
Managing Boards and the general directors in managing and administering affairs.
Article
39.- Criteria and conditions for selection
of general directors
The criteria and
conditions for selection of general directors shall be the same as those
applicable to directors, prescribed in Article 24 of this Law.
1. The general
directors shall be selected, appointed, dismissed or have their labor contracts
signed or terminated by the Managing Boards after they are approved by the
persons who decide on the establishment of the companies.
2. The deputy general
directors and chief accountants shall be selected, appointed, dismissed or have
their labor contracts signed by the Managing Boards at the proposals of the
general directors.
3. The general
directors, deputy-general directors and chief accountants shall be appointed or
sign contracts for a maximum duration of five years and may be re-appointed or
renew their contracts.
4. The procedures for
selection, appointment, dismissal of, or signing and terminating contracts
with, the general directors shall comply with the Prime Minister’s regulations.
5. The general
directors shall be relieved from duty or have their contracts terminated ahead
of time in the cases prescribed in Clause 3, Article 25; shall be replaced
under the provisions of Clause 4, Article 25 of this Law.
...
...
...
1. To elaborate the
companies’ annual plans, capital mobilization schemes, investment projects, joint-venture
schemes, managerial organization schemes, internal management regulations,
labor training plannings, schemes on business coordination among member
companies (if any) or with other companies for submission to the Managing
Boards, the Managing Board chairmen.
2. To formulate
techno-economic norms, product standards, wage price units in conformity with
the State’s regulations and submit them to the Managing Boards for approval; to
inspect the units in the companies in implementing the norms, standards and
unit prices set within the companies.
3. To propose the
Managing Boards to appoint, remove from duty, dismiss, sign and terminate
contracts with, commend, discipline and decide the wage raising for, deputy
general directors and chief accountants of the companies; to decide on
designation of representatives of the companies’ contributed capital portions
in other enterprises.
The directors and
chief accountants of member companies and non-business units of the State
corporations, where the corporations own the entire charter capital, shall be
selected by the general directors for appointment or signing and terminating
contracts after they are approved by the Managing Boards.
4. To decide on
investment projects, asset purchase and sale contracts, borrowing, lending,
renting, leasing and other economic contracts, sale and purchase prices of
products and services of the companies according to the decentralization and
authorization by the Managing Boards and the companies’ charters.
5. To sign civil and economic
contracts according to the provisions at Point b, Clause 2, Article 30 of this
Law as well as other economic and civil contracts according to the provisions
of law.
6. To decide on
selection of, signing and termination of contracts with, or appointment,
dismissal, commendation, discipline of, on raising of wages and allowances for,
the following titles:
a) Directors and chief
accountants of the independent cost-accounting member companies and
non-business units of the corporations after getting the Managing Boards’
approvals;
b) Heads of bureaus
(boards), deputy-heads of bureaus (boards) of the corporations;
...
...
...
d) Other managerial
titles in the companies as decentralized by the Managing Boards.
7. To organize the
implementation of business plans, investment plans; to decide on market
development, marketing and technological solutions; to administer activities of
the companies with a view to realizing the resolutions and decisions of the
Managing Boards.
8. To report to the
Managing Boards on business results of the companies; to effect the publicity
of financial statements according to the Government’s regulations.
9. To submit to the
inspection and supervision by the Managing Boards, the Control Boards and
competent State management bodies of the performance of the functions and tasks
according to the provisions of this Law and other law provisions.
10. To apply necessary
measures in case of urgency and to immediately report such to the Managing
Boards and competent State agencies.
11. To enjoy annual
wage regimes. The wage and bonus levels corresponding to the business
efficiency of the companies shall be decided upon by the Managing Boards or
comply with the signed contracts.
The regime of payment
and settlement of wages and bonuses shall be the same as those applicable to
directors according to the provisions of Clause 10, Article 26 of this Law.
12. Other powers and
tasks as provided for by this Law, the companies’ charters and decisions of the
Managing Boards.
...
...
...
2. Within fifteen days
as from the end of the months, quarters and years, the general directors must
send the written reports on the business situation and implementation
orientations of the companies in the following periods to the Managing Boards.
3. The Managing Board
chairmen shall attend or appoint representatives of the Managing Boards to
attend briefings, meetings in preparation for schemes for submission to the
Managing Boards, which are presided over by the general directors. The chairmen
or representatives of the Managing Boards attending the meetings may contribute
their comments but have no right to make conclusions on the meetings. The
general directors who are not Managing Board members shall be invited to attend
meetings of the Managing Boards, may speak but have no right to vote.
4. The
decentralization and authorization of the Managing Boards, the chairmen of the
Managing Boards for the general directors as provided for in Articles 30, 33
and 41 of this Law must be recorded in the companies’ charters.
1. The general
directors take responsibility before the Managing Boards and law for running
daily activities of their companies, for the performance of their delegated
powers and assigned tasks. The Managing Board members must jointly bear
responsibility before the persons who issue decisions on their appointment and
before law for the decisions of the Managing Boards, the results and efficiency
of their companies’ activities.
2. The Managing Board
chairmen and members, the general directors shall have the obligations:
a) To exercise with
honesty and responsibility the delegated powers and assigned tasks for the
benefits of the companies and the State;
b) Not to abuse their
positions and powers to use the companies’ capital and assets for the benefits
of their own and other persons; not to give the companies’ assets to other
persons; not to disclose the companies’ secrets while acting as Managing Board
members or general directors and within at least three years or within the
duration prescribed in the companies’ charters after resigning from the post of
Managing Board member or general director, except for cases where so approved
by the Managing Boards;
c) When the companies
fail to fully repay payable due debts and other property obligations, the
general directors shall have to report such to the Managing Boards, seek
measures to overcome the financial difficulties and notify the companies’
financial situation to all creditors; the Managing Board chairmen and members
as well as the general directors must not decide to raise wages, must not
deduct profits to pay rewards to managerial officials and laborers;
...
...
...
e) To pay damage
compensations according to the provisions of law and the companies’ charters if
the Managing Board chairmen and/or members or the general directors violate the
charters, make decisions ultra vires or abuse their positions or powers, thus
causing damage to the companies and the State.
3. When committing
violations in one of the following cases but not seriously enough to be
examined for penal liability, the Managing Board chairmen and/or members, and
the general directors shall not enjoy bonuses, wage raising and be disciplined,
depending on the seriousness of their violations:
a) Letting their
companies suffer losses;
b) Losing the State
capital;
c) Deciding on
inefficient investment projects, failing to retrieve investment capital,
failing to repay debts;
d) Failing to ensure
wages and other regimes for laborers in the companies according to the labor
legislation;
e) Letting violations in
the capital and asset management, the accounting, auditing or other regimes
prescribed by the State be committed.
4. The Managing Board
chairmen who show irresponsibility and fail to strictly comply with the
provisions of Clause 2, Article 33 of this Law, thus leading to one of the
violations prescribed in Clause 3 of this Article shall be removed from duty;
and pay compensations for damage according to law provisions, depending on the
seriousness and consequences of their violations.
5. In cases where they
let their companies fall into the state prescribed at Point a, Clause 3,
Article 25 of this Law, the Managing Board chairmen and the general directors
shall have their wages lowered or be dismissed, depending on the seriousness
and consequences of their violations, and at the same time have to pay
compensations for damage according to law provisions.
...
...
...
7. If the State
companies, which are subject to reorganization, dissolution or ownership
conversion, fail to carry out the procedures for reorganization, dissolution or
ownership conversion, the Managing Board chairmen and members, the general
directors shall be removed from duty or have their contracts terminated.
Section
3. FORMS AND CONTENTS OF LABORERS’ PARTICIPATION IN THE MANAGEMENT OF STATE
COMPANIES
Article
44.- Forms of laborers’ participation in
the management of companies
The laborers shall
participate in the management of their companies through the following forms
and organizations:
1. The general
assembly or the congresses of delegates of workers and employees organized in
from teams, groups, workshops, sections, boards to companies;
2. The companies’
trade union organizations;
3. The people’s
inspection boards;
4. The exercise of
their rights to petitions, complaints and denunciations according to law
provisions.
Article
45.- Contents of laborers’ participation
in the management of companies
...
...
...
1. Orientations, plan
tasks, measures for production and business development, reorganization of
production in the companies;
2. Schemes on
equitization, diversification of ownership of the companies;
3. The companies’
internal rules and regulations directly related to the interests and
obligations of laborers;
4. Measures for labor
protection, improvement of working conditions, material and spiritual life,
environmental sanitation, training and retraining of laborers of the companies;
5. Casting votes of
confidence on the chairmen and/or members of the Managing Boards (if any),
general directors or directors, deputy general directors or deputy directors,
chief accountants, when so requested by competent State bodies;
6. Through the general
assembly or congresses of delegates of workers and employees and trade union
organizations, the laborers are entitled to discuss and vote to decide on the
following issues:
a) The contents of, or
amendments and supplements to, collective labor agreements for the
representatives of the labor collectives to sign with the general directors or
directors of State companies;
b) The regulations on
the use of welfare and reward funds as well as plan norms of the companies,
which are directly related to the interests and obligations of the laborers in
conformity with the State’s regulations;
c) The evaluation of
the operation results and programs of activities of the people’s inspection
boards;
...
...
...
Article
46.- State corporations
The State corporations
constitute a form of economic alignment on the basis of self-investment,
capital contribution among State companies, between State companies and other
enterprises or are formed on the basis of organizing and aligning member units
which are bound together in economic benefits, technologies, markets and other
business services, operate in one or several principal specialized
techno-economic branches with a view to enhancing the business capabilities and
obtaining benefits for member units and the entire corporations.
Article
47.- Types of State corporation
1. Corporations with
investment and establishment decided by the State constitute a form of aligning
and rallying independent cost-accounting member companies which have the legal
person status and operate in one or several principal specialized
techno-economic branches with a view to increasing the capital accumulation and
concentration and the specialization of business of member units and the entire
corporations.
2. Corporations
invested in and set up by companies constitute a form of alignment through
investment, capital contribution of large-sized State companies where the State
owns the entire charter capital with other enterprises, in which the State
companies hold the dominant powers over other enterprises.
3. Corporations which
make investment with and deal in the State capital are those established to
exercise the owners’ rights and obligations towards State-run one-member
limited liability companies converted from independent State companies and
State-run one-member limited liability companies set up by themselves; to
perform the function of making investment with and dealing in the State capital
as well as the owners’ powers and obligations towards the State’s shares and/or
contributed capital in enterprises with ownership or legal forms converted from
independent State companies.
Section
1. CORPORATIONS WITH INVESTMENT AND ESTABLISHMENT DECIDED BY THE STATE
...
...
...
The corporations with
investment and establishment decided by the State must fully satisfy the
following conditions:
1. Operating in key
branches or domains, acting as the core to boost economic growth and making
great contributions to the State budget;
2. Member companies
operate in one or several principal techno-economic specialized branches, which
are closely bound together in technologies, markets and capital;
3. Having at least two
corporations in one branch or domain, except for branches or domains where
production technologies do not permit the establishment of two or more
corporations;
4. Meeting the
conditions for establishment of new State companies in Article 8 of this Law;
5. Achieving the
objectives of establishment of corporations:
a) Organizing service
activities of seeking markets, information, training, research, marketing and
other service activities in direct support of the member companies;
b) Creating conditions
for technological development, increased capital accumulation and
concentration, assignment of specialization, raising the competitiveness of
member companies and the whole corporations;
c) Having mechanisms to
ensure interests and associate the interests of member companies, which is
consented by the member companies.
...
...
...
The corporations with
investment and establishment decided by the State may have the following member
units:
1. Units with their
charter capital entirely invested by the corporations:
a) Independent
cost-accounting member companies;
b) Dependent
cost-accounting units;
c) Non-business units;
d) State-run
one-member limited liability companies operating under the provisions of the
Enterprise Law, converted from the types of member units prescribed at Points a
and c, Clause 1 of this Article or newly set up;
e) Depending on business
scale and demands, corporations may have members being financial companies;
2. Joint-stock
companies and limited liability companies where the corporations hold dominant
contributed capital.
...
...
...
2. The charter capital
of independent cost-accounting companies is the State capital invested therein
by the corporations. The corporations bear responsibility for the debts and
other property obligations of the independent cost-accounting member companies
within the amounts of charter capital of such companies.
3. The corporations’
assets formed from their charter capital, borrowed capital and other lawful
capital sources invested in independent cost-accounting member companies,
non-business units and offices of the corporations.
4. Assets of
independent cost-accounting member companies, formed from the charter capital,
borrowed capital and other lawful capital sources invested in the companies.
5. The State budget
capital can be only invested in the corporations. The corporations are entitled
to decide to invest or not to invest it in independent-cost accounting member
companies.
6. The corporations
shall not transfer their capital and/or assets at member enterprises having the
legal person status and their charter capital fully owned by the corporations
by mode of non-payment, except for cases of deciding on reorganization of the
companies or realizing the target of supplying public-utility products and/or
services.
1. A corporation is
managerially structured to include the Managing Board, the Control Board, the
general director, the deputy-general directors, the chief accountant and the
assisting apparatus. The functions, tasks, powers and operational organization
of the Managing Board, the Control Board, the general director, the
deputy-general directors, the chief accountant and the assisting apparatus in
the corporation and the internal management of the corporation shall comply
with the provisions in Section 2, Chapter IV of this Law and the Government’s
regulations.
2. The independent
cost-accounting member companies are managerially structured each to have the
director, the deputy directors, the chief accountant and the assisting
apparatus. The functions, tasks, powers and criteria of the directors, deputy
directors, the chief accountants and the assisting apparatuses shall comply
with the provisions in Section 1, Chapter IV of this Law and the Government’s
guidance; the directors, deputy directors and chief accountants maintain
relations with the corporations under the provisions of Clause 1, Article 52 of
this Law.
3. State-run
one-member limited liability companies and companies where the corporations
hold dominant shares or contributed capital portions are managerially organized
under the provisions of the Enterprise Law and other law provisions.
...
...
...
1. The independent
cost-accounting member companies have the legal person status and business
autonomy under the provisions of this Law, other law provisions and their
charters approved by the Managing Boards of the corporations; and are bound in
rights and obligations to the corporations as follows:
a) They manage and
take initiative in using their capital as well as capital invested by the
corporations; take responsibility before the corporations for the efficiency of
the use of capital and resources invested by the corporations; enjoy financial
autonomy and bear civil liability with their entire property;
b) They implement the
general business plans of the corporations; perform the production and/or
business tasks assigned by the corporations on the basis of the economic
contracts; take responsibility for business activities in coordination with the
corporations;
c) They enjoy autonomy
in signing economic contracts and perform the economic contracts assigned by
the corporations;
d) They decide on investment
projects as decentralized by the corporations; join the corporations in various
forms of investment or are assigned by the corporation to organize the
execution of investment projects under the corporations’ plans on the basis of
economic contracts signed with the corporations; have the right to invest in,
or contribute capital to, other companies;
e) They are entitled
to propose the corporations to decide, or are authorized by the corporations to
decide on the establishment, reorganization, dissolution or merger of dependent
units and decide on the managerial apparatuses of dependent units;
f) After fulfilling
tax payment obligations, carrying forwards losses according to the provisions
of the Enterprise Income Tax Law, performing other financial obligations
according to law provisions, making deductions for setting up the financial
reserve funds, they may divide the remaining profits according to the capital
invested by the corporations and the capital mobilized by the companies
themselves. The profit portions divided according to the capital invested by
the corporations shall be used for re-investment to increase the State capital
at the companies or form the concentrated funds of the corporations according
to the Government’s regulations. The profit portions divided according to
capital mobilized by the companies themselves shall be deducted for
supplementation to the companies’ development investment funds at the rates
prescribed by the Government; the remainder shall be distributed into reward funds
and welfare funds under the companies’ own decisions;
g) When being assigned
plans, given goods production orders by the State or participating in bidding
for performance of public-utility activities, the companies shall have the
rights and obligations prescribed in Article 19 of this Law;
h) They submit to the
supervision and inspection by the corporations; periodically, accurately and
fully report information on themselves and send their financial statements to
the corporations;
...
...
...
2. Non-business units
shall implement the accounting decentralization regimes prescribed by the
corporations, be entitled to create revenue sources from the performance of
contracts on service provision, scientific research and training for technology
transfer with units within and without the corporations. The non-business units
operate according to regulations approved by the Managing Boards of the
corporations.
3. The relationships
between the corporations and one-member limited liability companies where the
corporations own the entire charter capital shall comply with the provisions of
Article 57 of this Law.
4. The relationships
between the corporations and companies where the corporations hold dominant
capital shall comply with the provisions of Article 58 of this Law.
1. The corporations
with investment and establishment decided by the State, which satisfy the
conditions prescribed in Article 54 of this Law, may be transformed to be
organized and operate according to the provisions of Articles 55, 56, 57, 58
and 59 of this Law.
2. The Government shall
prescribe the principles, conditions and time limits for transformation of
corporations with investment and establishment decided by the State to operate
after the model of corporations invested in and set up by companies themselves.
Within the transformation period, the corporations set up under the provisions
of the 1995 Law on State Enterprises can operate under the provisions in
Section 1, Chapter V of this Law.
Section
2. CORPORATIONS INVESTED IN AND SET UP BY COMPANIES THEMSELVES
1. The corporations
defined in Section 1, Chapter V of this Law, which are reorganized or invest by
themselves in other enterprises, meet the requirements on membership structures
prescribed in Article 55 of this Law.
...
...
...
Article
55.- Structure of corporations invested in
and set up by companies themselves
A corporation invested
in and set up by companies themselves is structured to comprise:
1. The State company
which holds the powers to dominate other enterprises (hereinafter called the
parent company);
2. Member companies
(hereinafter called the affiliate companies):
a) State-run one-member
limited liability companies whose charter capital is fully held by the State
companies;
b) Companies with
dominant contributed capital of State companies, including limited liability
companies with two or more members, joint-stock companies, companies of joint
venture with foreign countries, overseas-based companies; companies with
dominant contributed capital of State companies operating according to law
corresponding to such types of companies;
3. Companies with
portions of non-dominant contributed capital of State companies (hereinafter
called associated companies), which are organized in form of limited liability
companies with two or more members, joint-stock companies, companies of
joint-venture with foreign countries.
Article
56.- State companies holding dominant
powers over other enterprises
1. State companies
holding dominant powers over other enterprises shall have the rights and
obligations of the State companies, prescribed in Chapter III of this Law.
...
...
...
The one-member limited
liability companies with their entire charter capital invested by State
companies shall operate under the provisions of the Enterprise Law. The State
companies shall be the owners of such one-member limited liability companies,
exercising the rights and performing the obligations of the owners over the
one-member limited liability companies according to the provisions of the
Enterprise Law.
The State companies
holding dominant powers over other enterprises shall manage their dominant
shares or contributed capital as follows:
1. Exercising the
rights and performing the obligations of shareholders, dominant
capital-contributing members through their representatives at enterprises under
the provisions of the Enterprise Law, the Law on Foreign Investment in Vietnam,
the laws of the countries where the companies invest their capital and the
provisions of the charters of the dominated companies;
2. Designating,
dismissing, commending, disciplining, deciding on allowances and interests for,
their representatives at the dominated enterprises (hereinafter called
representatives of the dominant contributed capital portions);
3. Requesting the
representatives of the dominant contributed capital portions to report
regularly or irregularly on the financial situations, business results and
contents of the enterprises where exists dominant contributed capital of the
State companies;
4. Assigning tasks to,
and requesting the representatives of the dominant contributed capital portions
to ask for opinions on important matters of the dominated enterprises before
voting thereon; to report on the use of dominant shares or contributed capital
in service of the development orientations and objectives of the dominant State
companies;
5. Collecting yields
and bearing risks from their contributed capital at dominated enterprises;
...
...
...
7. Bearing
self-responsibility for the efficiency of the use, preservation and development
of their capital portions contributed to dominated enterprises.
1. The enterprises
where exist contributed capital portions of State companies shall effect their
business autonomy under the provisions of law. The relationships between the
State companies and the enterprises where exist contributed capital portions of
the State companies shall comply with the provisions of law.
2. The State companies
shall exercise the rights and perform the obligations of the capital
contributors through their representatives at enterprises to which they have
contributed capital, in accordance with law and the charters of the enterprises
where exist contributed capital portions of the State companies.
Section
3. CORPORATIONS MAKING INVESTMENT WITH, AND DEALING IN,
STATE CAPITAL
Article
60.- Corporations making investment with,
and dealing in, State capital
1. Corporations making
investment with, and dealing in, State capital are special economic
organizations having the following functions:
a) To exercise the
rights and perform the obligations of owners being the State over State-run
one-member limited liability companies transformed from independent State
companies; the State’s contributed capital portions at joint-stock companies or
limited liability companies with two or more members, which are transformed
from independent State companies or newly set up;
b) To perform the
functions of making investment with, and dealing in, the State capital at
enterprises, which have already undergone the conversion of ownership or legal
forms prescribed at Point a, Clause 1 of this Article.
...
...
...
1. The managerial
organization of corporations making investment with, and dealing in, State
capital shall comply with the provisions in Section 2, Chapter IV of this Law.
2. The structure,
operation scope, rights and obligations of corporations making investment with,
and dealing in, State capital shall comply with the Government’s regulations.
Article
62.- Owners of State companies
The State serves as
owners of the State companies. The Government shall uniformly organize the
exercise of rights and the performance of obligations of owners over the State
companies according to the provisions of this Law and other provisions of
relevant legislation.
Article
63.- Representatives of owners of the
State companies and State capital in other enterprises
...
...
...
a) The Government
shall directly perform the rights and obligations of owners over the State
companies as provided for in Clause 1, Article 65 of this Law; the Prime
Minister shall directly perform or authorize the concerned ministries to
perform a number of rights and obligations of owners over particularly
important State companies set up under the Prime Minister’s decisions;
b) The branch-managing
ministries and the provincial-level People’s Committees shall act as
representatives of owners of the State companies having no Managing Board under
the provisions of Article 66 of this Law;
c) The Finance
Ministry shall perform a number of rights and obligations of the
representatives of owners of the State companies under the provisions of
Article 67 of this Law;
d) The Managing Boards
are the owners’ direct representatives at the State companies having the
Managing Boards and representatives of owners of the companies where they
totally invest the charter capital as provided for in Articles 29, 30 and 33 of
this Law.
2. The corporations
making investment with, and dealing in, State capital shall be the
representatives of owners of the companies where they totally invest the charter
capital and the representatives of the capital portions they have invested in
other enterprises as provided for in Articles 60 and 61 of this Law.
3. The State companies
shall be the representatives of owners of the capital portions invested by the
companies in other enterprises.
4. The assignment and
decentralization of the performance of the rights and obligations of
representatives of owners of the State companies shall comply with the
provisions in Section 2, Chapter VI of this Law.
Section
2. RIGHTS AND OBLIGATIONS OF OWNERS BEING THE STATE OVER THE STATE COMPANIES
Article
64.- Rights and obligations of owners
being the State over the State companies
...
...
...
a) To decide on the
establishment, reorgani-zation, dissolution, ownership conversion of the
companies; to decide on the managerial structures of the companies; to select,
appoint, dismiss, stipulate the wage and bonus regimes for, the Managing Board
chairmen and members, the general directors or directors of the companies; to
approve the contents, amendment and supplementation of the companies’ charters;
b) To decide on the
objectives, strategies and plan orientations for development of the companies;
to decide on investment projects valued at over 30% of the total remaining
asset values on the accounting books of the State companies having no Managing
Board or smaller percentages prescribed in the companies’ charters; to decide
on investment projects valued at over 50% of the total remaining asset values
on the accounting books of the companies with the Managing Boards or smaller
percentages prescribed in the companies’ charters; decide on borrowing,
lending, renting, leasing or other economic contracts in excess of the companies’
charter capital levels; to prescribe the regime of plan assignment, goods order
placement or bidding, sale prices, difference subsidies for public-utility
product- and/or service- providing companies;
c) To decide on the initial
investment capital level, the charter capital level and adjust the charter
capital of the companies; to decide on borrowing or lending projects valued at
over the level decentralized for the Managing Boards or the directors of the
companies having no Managing Board; prescribe the financial regimes of the
companies;
d) To inspect,
supervise, assess the results of business activities of the companies.
2. The State- owners
shall have the following obligations towards the State companies:
a) To invest adequate
charter capital for the companies;
b) To abide by the
companies’ charters.
c) To bear
responsibility for debts and other property obligations of the companies within
the limits of the companies’ charter capital;
d) To abide by law
provisions on purchase, sale, borrowing, lending, renting and leasing contracts
between the companies and owners;
...
...
...
f) To perform other
obligations as provided for by law.
Article
65.- Owners’ rights and obligations
performed by the Government over the State companies
1. The Government
shall directly exercise the rights and perform obligations of owners over the
State companies as follows:
a) To approve schemes
on establishment, reorganization and restructuring of State companies within
the scope of entire national economy, within branches, provinces or
centrally-run cities;
b) To decide on or
decentralize the decision on investment projects of the State companies; to
decide on or decentralize the decision on allocation of initial investment
capital, supplementary investment, increase or decrease of charter capital of
the State companies; to submit to the National Assembly for ratification the
investment projects of the State companies, which fall under the jurisdiction
of the National Assembly;
c) To uniformly
organize the performance of tasks and powers of owners over the capital
portions invested by the State in other companies. To decide on or decentralize
the decision on projects for contribution of capital or assets of the State or
State companies to joint ventures with foreign investors, the State companies’
projects on investment overseas;
d) To prescribe the
financial regimes of the State companies;
e) To inspect and
supervise the use of capital at the State companies;
f) To prescribe the
regimes of wages, bonuses, subsidies and other interests for the Managing Board
chairmen and members, the general directors or directors of the State companies;
...
...
...
h) To prescribe the
regime of inspection and supervision of the State companies in the performance
of State-assigned objectives and tasks; to evaluate the results of business
activities of the companies, managerial activities of the Managing Boards and
the administration of the general directors or directors.
2. The Government
shall assign and decentralize the performance of owners’ rights and obligations
to the following owner- representing agencies and organizations:
a) The ministries and
provincial-level People’s Committees as provided for in Article 66 of this Law;
b) The Managing Boards
of the State companies as provided for in Article 30 of this Law;
c) The corporations
making investment with, and dealing in, State capital as prescribed in Articles
60 and 61 of this Law.
The branch-managing
ministries and the provincial-level People’s Committees shall be the
representatives of owners over the State companies set up under decisions of,
or authorization to, the ministries or provincial-level People’s Committees,
performing the owners’ rights and obligations and representing the owners as
follows:
1. To elaborate
schemes on reorganization of independent State companies set up under their own
decisions for submission to the Prime Minister for approval; to effect the
reorganization of State companies according to the schemes already approved by
the Prime Minister;
2. To decide on the
establishment, reorganization, dissolution, ownership conversion of the State
companies; to approve contents, amendment and supplementation of the charters
of the State companies. To reach agreement with the Finance Ministry on
determination of the initial charter capital level, increase of charter capital
of the State companies;
...
...
...
4. To decide according
to competence on investment projects valued at over 50% of the total remaining
asset values on the accounting books of the State companies having the Managing
Boards or smaller percentages prescribed in the companies’ charters; to decide
according to their competence the investment projects valued at over 30% of the
total remaining asset value on the accounting books of the State companies
having no Managing Board or smaller percentages prescribed in the companies’
charters; to propose the Government to approve the investment projects of the
companies, which fall beyond the levels decentralized to the branch-managing
ministries or provincial-level People’s Committees;
5. To decide on
approval of the plans on use of capital and assets of the State companies to
contribute capital to joint ventures with foreign investors; the State
companies’ projects on investment overseas; the schemes on the use of capital
and assets of the companies to contribute capital to, or buy shares of,
domestic companies above the levels decentralized to the Managing Boards or
directors of the companies having no Managing Board prescribed in the
companies’ charters; approve plans on purchase of companies of other economic
sectors;
6. To decide on
undertakings to sell assets valued at over 50% of the total remaining asset
value on the accounting books of the State companies with Managing Boards or
smaller percentages prescribed in the companies’ charters; on the sale of
assets valued at over 30% of the total remaining asset value on the accounting
books of the State companies having no Managing Board or smaller percentages
prescribed in the companies’ charters; the borrowing, lending, renting, leasing
of capital or assets with value higher than the charter capital of the State
companies having no Managing Board;
7. To decide on
selection, appointment, dismissal, regimes of wage, allowance and other
interests of the Managing Board chairmen and members; to select, sign contracts
or decide on appointment, removal from duty, dismissal, wage level and other
interests of directors of independent State companies having no Managing Board;
to organize the evaluation of results of operation and management of the
companies by the Managing Boards and directors according to the Government’s
regulations;
8. To participate in
inspection and supervision of the management and use of capital, the distribution
of income, the deduction for establishment and use of funds of the State
companies;
9. To perform other
rights and obligations as assigned or decentralized by the Government.
The Finance Ministry
shall perform a number of rights and obligations of owners and owners’
representatives over the State companies as follows:
1. To submit to the
Government for promulga-tion, and organize the implementation of, the regimes
of financial management, business accounting, the regimes of reporting and
financial publicity of the State companies, the consolidated financial
statements of the corporations;
...
...
...
a) Investment in the
establishment of new State companies after the establishment schemes are
approved by the Prime Minister;
b) Additional
investment to increase the charter capital of the State companies at the proposals
of the persons who decide on the establishment of the State companies.
3. To participate in
assessment of the results of operation and management of the companies by the
Managing Boards and the directors of the State companies according to the Government’s
regulations.
4. To organize the
inspection and supervision of the management and use of capital, the
distribution of income, the deduction for establishment and use of funds of the
State companies;
5. To perform other
rights and obligations as decentralized by the Government.
1. To fulfill all
rights and obligations of the State-owners, which have been assigned or
decentralized thereto.
2. To ensure the
business autonomy, self-responsibility of the companies; not to interfere in
affairs under the jurisdiction of the Managing Boards, the general directors,
directors and managerial apparatuses of the companies.
3. To bear
administrative and material liabilities for their own decisions in the
performance of delegated powers and assigned tasks; to be responsible for full
investment of charter capital in the companies.
...
...
...
a) When the companies
fail to strictly realize the development objectives, tasks, strategies and/or
long-term plans as provided for;
b) Letting corruption,
red tape, loss of State property happen in State-invested companies under their
management;
c) The State
companies’ managerial officials they have appointed cause great damage to the
State companies, untruthfully report on the financial situation of the
companies;
d) Re-appointing or
deciding to transfer to equivalent or higher positions the Managing Board
chairmen or members, the general directors, directors of State companies and/or
other managerial officials they have appointed, who have violated the
provisions at Points a, b, c and d, Clause 3, Article 25, Point e of Clause 5,
Clauses 8 and 9 of Article 27, Points b, c and d, Clause 3, Article 32 of this
Law.
5. To organize the
structuring, transformation of State enterprises according to the overall
schemes and plans approved by the Government.
6. To transfer the
ownership rights to corporations making investment with, and dealing in, State
capital according to the Government’s regulations.
Article
69.- State capital invested in other
enterprises
State capital invested
in other enterprises means the following assorted capital invested in companies
other than the subjects defined at Point a, Clause 2, Article 2 of this Law:
...
...
...
2. State budget capital
invested in, or contributed to, other companies, assigned to State companies
for management;
3. Value of the shares
or capital contributed by the State to equitized State companies, one-member
limited liability companies or limited liability companies with two or more
members;
4. Capital borrowed by
State companies for investment;
5. Dividends from
capital invested in, or contributed to other companies by the State or State
companies, which are used for re-investment in such companies;
6. Capital of other
kinds.
1. The ministries, the
provincial-level People’s Committees, the Managing Boards of State corporations
or State companies shall perform the functions, powers, obligations and
responsibilities of owners over State-run one-member limited liability
companies where they invest the entire charter capital according to the
provisions of the Enterprise Law.
2. The owners’ functions,
powers, obligations and responsibilities towards State-run limited liability
companies with two or more members and State-run joint-stock companies where
agencies, organizations or State companies directly invest or contribute
capital shall comply with the provisions of the Enterprise Law.
3. The owners’
representatives nominated to join the Managing Boards, the Members’ Councils,
to be general directors or directors of State-run one-member limited liability
companies, State-run limited liability companies with two or more members and
State-run joint-stock companies must satisfy the corresponding criteria and
conditions prescribed in Articles 24, 31, 36 and 39 of this Law.
...
...
...
The State corporations
and independent State companies shall have the following rights and obligations
over their capital portions invested in other enterprises:
1. To decide on
investment, capital contribution; to increase, reduce their investment capital,
contributed capital according to the provisions of this Law and the charters of
the companies where exists the contributed capital of State companies;
2. To designate,
replace, dismiss representa-tives of the companies’ contributed capital
portions according to the provisions of the charters of the companies where
exists the contributed capital and the Enterprise Law; to appoint people to
join the Managing Boards of joint-venture companies operating under the Law on
Foreign Investment in Vietnam (hereinafter called the representatives of
companies’ contributed capital portions); to decide on commendation,
discipline, allowances and other relevant interests of the representatives of
the companies’ contributed capital portions. The expenses for responsibility
allowances, rewards and other relevant interests for representatives of the
companies’ contributed capital portions shall be accounted into the business
expenses or covered by the State companies’ funds. The State companies’
representatives nominated to join the Managing Boards, the Members’ Councils or
to be directors of joint-stock companies where the State companies hold the
dominant stock capital or contributed capital must satisfy the corresponding criteria
and conditions prescribed in Articles 24, 31 and 36 of this Law;
3. To request the
representatives of the companies’ contributed capital portions to regularly or
irregularly report on the financial situation, the business results and other
contents on the companies where exist the contributed capital of the State
companies;
4. To assign tasks to
and request the represen-tatives of the companies’ contributed capital portions
to ask for opinions on important matters of the companies where exists contributed
capital of the State companies before voting thereon; to report on the use of
dominant shares or contributed capital in service of the State’s development
orientations and objectives;
5. To get yields and
bear risks from the contributed capital portions at companies. The recovered
capital portions, including divided interests thereon, shall be used under
decisions of the companies or organizations making investment with and dealing
in, capital in service of the business objectives of the companies or organizations.
Where the companies are reorganized, the management of their contributed
capital portions shall comply with the Government’s regulations;
6. To supervise and
inspect the use of contributed capital portions of the companies;
7. To bear responsibility
for the efficiency of the use, preservation and development of the contributed
capital portions of the companies.
...
...
...
1. To perform the
tasks and rights of share-holders, capital-contributing members, joint-venture
parties in the companies where exists the contributed capital of the State or
State companies. Where State companies hold dominant shares of other companies,
the representatives of contributed capital portions shall exercise the rights
of dominant shares or dominant contributed capital to direct the companies
where exist the dominant shares or dominant contributed capital of the State
companies to achieve the objectives set by the State-owners and assigned by the
State companies;
2. To stand as, or
nominate candidates, to be the State companies’ representatives in the
managerial or executive apparatuses of the contributed capital-receiving
companies according to the charters of such companies;
3. To monitor and
supervise the situation on business activities of the companies where exists
the contributed capital of the State companies;
4. To observe the
regime of reporting to the Managing Boards, the general directors and the
directors of the State companies on the efficiency of the use of the State’s
contributed capital at the companies;
In cases where they
fail to observe the prescribed reporting regime, abuse the rights to be
representatives of the contributed capital portions, show irresponsibility,
thus causing damage to the companies and the State, they must bear responsibility
therefor and pay compensations for the damage according to law provisions;
5. To ask for the
opinions of the Managing Boards, the general directors or directors before
joining in the voting at the shareholders’ congresses, at the meetings of the
Managing Boards or the Members’ Councils of the companies where exists
contributed capital portions of the State companies on the business
orientations, strategies and plans, the amendments and supplements to the
charters, the increase and reduction of charter capital, profit division, sale
of assets of big value, which require voting by shareholders or
capital-contributing members. Where many representatives of the State companies
join the Managing Boards of the contributed capital-receiving companies, they must
discuss together, reach unanimous opinions and ask for opinions on important
issues of the companies where exists the contributed capital of the State
companies before voting;
6. To bear responsibility
before the Managing Boards, for companies having the Managing Boards, or the
company directors, for companies having no Managing Boards, for the efficiency
of the use of the State’s contributed capital at the companies.
REORGANIZATION,
DISSOLUTION, BANKRUPTCY OF STATE COMPANIES
...
...
...
Forms of
reorganization of State companies which do not alter the companies’ ownership
shall include:
1. Merger into other
State companies;
2. Consolidation of
State companies;
3. Division of State
companies;
4. Separation of State
companies;
5. Transformation of
State companies into State-run one-member limited liability companies or
State-run limited liability companies with two or more members;
6. Transformation of
State corporations with investment and establishment decided by the State into
corporations invested and set up by companies themselves;
7. Contracting or
lease of State companies;
8. Other forms as
provided for by law.
...
...
...
1. Independent State
companies conducting business activities and being on the list of those which
the State shall consolidate, develop or maintain 100% ownership may be
transformed into State-run one-member limited liability companies or State-run
limited liability companies with two or more members.
2. The conditions for
reorganization of State companies in forms of merger, consolidation, division,
separation shall be prescribed by the Government.
3. The State
corporations set up under the 1995 Law on State Enterprises and meeting the
following conditions may be transformed, reorganized into the State
corporations invested and set up by companies themselves under the provisions
in Articles 54, 55, 56, 57, 58 and 59 of this Law:
a) Being on the list
of those which the State shall consolidate, develop and continue to maintain
100% State ownership in companies where the State holds dominant powers;
b) Having dominant
contributed capital in many other companies or having plans on equitization or
sale of member companies of the corporations, sections of the State companies,
where, however, the State holds dominant shares or dominant contributed capital;
c) Being engaged in
various business lines, of which one is the principal business line; having
many dependent units inside and outside the country;
d) Having large
capital for investment of capital in other companies;
e) Having the
development capability.
The principles and
schedules for transformation of State companies shall be prescribed by the
Government.
...
...
...
1. The competence to
decide on reorganization of State companies is prescribed as follows:
a) The persons who
decide on the establishment of State companies shall organize the elaboration
of plans for, and decide on, the reorganization of companies. In case of merger
or consolidation of State companies of various ministries, of various provinces
or centrally-run cities, or between State companies set up by ministries and
State companies set up by provinces or centrally-run cities, the agencies
agreed upon shall perform the rights and obligations of owners of the
consolidating companies or the merging companies to issue decisions on merger
or consolidation of the companies; in case of failure to reach agreement, the
agencies having companies to be merged or consolidated may be the co-owners of
State-run limited liability companies with two or more members;
b) For cases of
reorganization or transformation of corporations, after the Appraisal Councils
make proposals and the Prime Minister approves the plans for reorganization of
the corporations, the persons who have decided the establishment of the
corporations shall decide on the reorganization of the corporations;
c) The Prime Minister
shall decide to reorganize important State companies in direct service of
defense and/or security.
2. The decisions on
reorganization of companies must be sent to creditors and notified to laborers
within thirty days as from the date of issuing the reorganization decisions.
3. Where the
reorganization of companies leads to the change in legal forms or business
objectives and lines, in charter capital, the companies must carry out
procedures for re-registration or additional registration with the business
registries.
Article
76.- Responsibilities of the reorganized
State companies
1. For cases of
division of companies, the divided companies shall terminate their existence and
the new companies shall jointly bear responsibility for the debts not yet
repaid, the labor contracts and other property obligations of the divided
companies.
2. For cases of
separation of companies, the separated companies and the separating companies
shall jointly bear responsibility for the debts not yet repaid, the labor
contracts and other property obligations of the separated companies.
...
...
...
4. For cases of merger
of companies, the merging companies shall enjoy the lawful interests and bear
responsibility for the debts not yet repaid, the labor contracts and other
property obligations of the merged companies.
Article
77.- Dissolution of State companies
1. The State companies
shall be considered for dissolution in the following cases:
a) Upon the expiry of
the operation duration inscribed in the establishment decisions and the
companies do not apply for the extension;
b) The companies
suffer prolonged business losses but have not yet fallen into the state of
bankruptcy;
c) The companies fail
to fulfill the tasks assigned by the State after they have applied the
necessary measures;
d) The maintenance of
the companies is unnecessary.
2. The corporations
organized and set up by the State and failing to achieve the objectives
prescribed in Clause 5, Article 48 of this Law shall have their managerial
apparatuses dissolved and be transformed into independent State companies.
Article
78.- Decisions on dissolution of State
companies
...
...
...
2. The persons who
decide to dissolve companies must set up the Dissolution Councils which
function to advise the company dissolution deciders on deciding to dissolve the
companies and organize the execution of the decisions on company dissolution.
The order and procedures for execution of the company dissolution decisions
shall be prescribed by the Government.
3. The complaints
about dissolution of State companies and the settlement thereof shall comply
with the provisions of legislation on complaints and denunciations.
Article
79.- Bankruptcy of State companies
The settlement of
bankruptcy of State companies shall comply with the provisions of legislation
on bankruptcy.
CONVERSION
OF OWNERSHIP OF STATE COMPANIES
Article
80.- Forms of ownership conversion
The State companies
shall have their ownership conversed in the following forms:
1. Equitization of
State companies;
...
...
...
3. Partial sale of
State companies to set up limited liability companies with two or more members,
including one member being the representative of the owner of the State capital
portion;
4. Assignment of State
companies to the labor collectives for transformation into joint-stock
companies or cooperatives.
Article
81.- Types of State companies subject to
ownership conversion
1. State companies
operating in branches and domains where the State needs not to hold 100%
charter capital shall be subject to the ownership conversion forms prescribed
in Article 80 of this Law.
2. The Government
shall prescribe the criteria for identification of branches and domains where
the State needs not to hold 100% charter capital in enterprises; holds dominant
shares or contributed capital; partially holds the capital; does not hold the
State capital; types of State companies to be assigned or sold to labor
collectives of the companies.
3. The Prime Minister shall
decide on the list, classification, plans for, and forms of ownership
conversion, of State companies.
Article
82.- Objectives of ownership conversion of
State companies
The ownership
conversion of State companies aims:
1. To restructure the
ownership of State companies where the State needs not to continue holding 100%
of their charter capital so as to use more efficiently the assets invested by
the State in the companies;
...
...
...
3. To create
conditions for laborers to contribute capital and become the real masters of
the companies and have jobs.
1. Basing themselves
on the provisions of Article 81 of this Law, the ministers, the heads of
ministerial-level agencies, the heads of Government-attached agencies and the
presidents of provincial-level People’s Committees shall select and decide
forms of ownership conversion of State companies.
2. The ministers, the
heads of ministerial-level agencies, the heads of Government-attached agencies
and the presidents of provincial-level People’s Committees shall organize the
valuation of the companies; decide on the values of the companies and approve
plans for ownership conversion of companies under their respective management.
The adjustment of companies’ values to be lower than the values inscribed in
the accounting books shall be guided by the Government.
3. The order and
procedures for ownership conversion of State companies shall be stipulated by
the Government.
Article
84.- Rights of ownership-converted
companies
1. To enjoy
preferences prescribed for newly set up companies under the provisions of
legislation on investment encouragement.
2. To be exempt from
registration tax on conversion of ownership over the assets of the State
companies into the ownership of share purchasers, company purchasers.
3. To be entitled to
continue with the land rent contracts of the former companies under the
provisions of land legislation.
...
...
...
5. Purchasers of State
companies which have suffered prolonged losses are entitled to price discount
if they continue to maintain the companies for production and business,
re-employ the entire laborers of the companies and ensure jobs for them within
the time limits prescribed by the Government, except for cases where laborers
voluntarily terminate their labor contracts. The price discount levels shall be
prescribed by the Government.
6. Other interests and
preferences as prescribed by law.
Article
85.- Rights of laborers in
ownership-converted State companies
The laborers in the
ownership-converted State companies shall have the following rights:
1. To maintain and
develop welfare funds in kind under the ownership of the labor collectives,
which are managed by trade union organizations of the companies;
2. To be entitled to
use the welfare funds and reward funds in money (if any) divided to laborers
for purchase of shares;
3. To be given
priority in purchase of the companies, purchase of shares under the
Government’s regulations;
4. Other interests as
prescribed by law.
Article
86.- The State’s guarantee for share
purchasers, State-company purchasers or assignees
...
...
...
STATE
MANAGEMENT OVER STATE ENTERPRISES
Article
87.- Contents of the State management over
State companies
1. To promulgate, and
organize the implementation of, legal documents on the State enterprises and
other relevant legal documents.
2. To elaborate
plannings and strategies for development of State companies according to the
orientations and objectives of the strategies, plannings and plans for
socio-economic development, branch development and territorial development.
3. To organize
business registration for the State companies; to build up and store basic
information on the State companies; to monitor and supervise business operation
of the State companies after registration; to ensure that the State companies
operate strictly under the conditions prescribed in the establishment decisions
and business registrations according to law provisions.
4. To draw up
plannings and organize the training, professional fostering, raising of
business ethical qualities for managers of the State companies, the political
and moral qualities as well as professional qualifications for officials
performing the State management over the State companies; to train and build up
the contingents of skilled workers.
5. To promulgate lists
of products, financial management modes and preferential policies for
public-utility products and services in each period.
6. To inspect and
examine the implementation of law, policies and regimes of the State in the
State companies; to settle complaints and denunciations and handle violations
according to law provisions.
...
...
...
1. The Government
shall exercise the uniform State management over State companies; prescribe the
responsibility assignment and coordination among ministries, ministerial-level
agencies, Government-attached agencies as well as the decentralization and
coordination among the People’s Committees at all levels in performing the
tasks of State management over the companies.
2. The ministries and
ministerial-level agencies shall perform the State management over State
companies according to their respective functions and domains put under their
respective charge.
3. The
provincial/municipal People’s Committees have the responsibilities:
a) To perform the
State management over State companies within their respective localities
according to law provisions;
b) To organize
business registration; to inspect, examine and supervise activities of the
State companies within their respective localities;
c) To guide and direct
the People’s Committees of rural districts, urban districts, provincial
capitals or towns in the coordinated performance of the State management over
State companies.
Article
89.- Auditing and inspection of business
activities of State companies
1. The annual financial
statements of the State companies must be audited; the auditing regime shall
comply with the law provisions on audit.
2. The inspecting
agencies shall inspect business activities of the State companies strictly
according to their functions and competence and comply with the law provisions
on inspection.
...
...
...
The irregular
inspection shall be conducted only when there are grounds on law violations by
companies.
When conducting
inspection, there must be decisions of the competent persons; upon the
termination of inspection, there must be records and conclusions on the
inspection; heads of the inspection teams are responsible for the contents of
the inspection records and conclusions.
The persons who issue
inspection decisions in contravention of law or abuse the inspection to seek
personal benefits, harassing for bribes and/or causing troubles for operations
of the companies shall, depending on the nature and seriousness of their
violations, be disciplined or examined for penal liability; if causing damage,
they must pay compensations therefor according to law provisions.
Article
90.- State management over other State
enterprises
1. The State
management over State-run one-member limited liability companies, State-run
limited liability companies with two or more members and State-run joint-stock
companies shall comply with the provisions of the Enterprise Law and the
Government’s regulations.
2. The State
management over the joint-stock companies and the limited liability companies
with the State’s dominant shares or contributed capital shall comply with the
provisions of the Enterprise Law.
COMMENDATION
AND HANDLING OF VIOLATIONS
...
...
...
Article
92.- Handling violations committed by
State companies or economic organizations
1. Those State
companies which commit the following acts of violation shall, depending on the
nature and seriousness of their violations, be suspended from operation or administratively
sanctioned according to law provisions:
a) Setting up State
companies not according to the provisions of this Law;
b) Failing to make
business registration, doing business not in accordance with the registered
lines or without permission of competent State bodies;
c) Failing to
implement the tasks and objectives prescribed by the State;
d) Seriously violating
other provisions of this Law.
2. Economic
organizations operating in the name of State company without establishment
decisions shall be suspended from operation and have their property confiscated
and remitted into the State budget.
Article
93.- Handling of violations committed by
individuals
Individuals who commit
the following acts of violation shall, depending on the nature and seriousness
of their violations, be disciplined, administratively sanctioned or examined
for penal liability; if causing damage, they must pay compensations therefor
according to law provisions:
...
...
...
2. Deciding to set up
State companies not in accordance with the prescribed procedures and order or
ultra vires, showing irresponsibility in appraising the establishment thereof,
thus leading to inefficient operations of the companies;
3. Failing to properly
implement the policies towards laborers in the State companies;
4. Interfering in
affairs which fall under the jurisdiction of the companies; harassing companies,
requesting companies to provide resources not prescribed by law;
5. Violating other
provisions of this Law.
Article
94.- Implementation effect
1. This Law takes
implementation effect as from July 1, 2004.
2. This Law replaces
the 1995 Law on State Enterprises.
...
...
...
State corporations and
independent State enterprises, which have been set up before the effective date
of this Law and fail to satisfy the conditions prescribed by this Law for State
corporations or independent State companies, must be reorganized, dissolved or
have their ownership converted according to the Government’s regulations.
Article
95.- Implementation guidance
The Government shall
detail and guide the implementation of this Law.
The Government shall
assign the competent agencies to coordinate with Vietnam Labor Confederation in
guiding the organization and operation of the Congresses of public servants in
the State companies and the laborers’ participation in the management of
companies according to the provisions of this Law.
This Law was passed on
November 26, 2003 by the XIth National Assembly of the Socialist Republic of
Vietnam, the 4th session.
National Assembly Chairman
;Luật Doanh nghiệp nhà nước 2003
Số hiệu: | 14/2003/QH11 |
---|---|
Loại văn bản: | Luật |
Nơi ban hành: | Quốc hội |
Người ký: | Nguyễn Văn An |
Ngày ban hành: | 26/11/2003 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Luật Doanh nghiệp nhà nước 2003
Chưa có Video