QUỐC HỘI |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Luật số: 50/2024/QH15 |
Hà Nội, ngày 27 tháng 11 năm 2024 |
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Quốc hội ban hành Luật Công đoàn.
Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; đại diện cho công nhân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (sau đây gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, tham gia các phong trào thi đua, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Luật này quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền, trách nhiệm của Công đoàn Việt Nam; quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động; việc gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; quyền, trách nhiệm của đoàn viên công đoàn; trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, người sử dụng lao động đối với Công đoàn; bảo đảm hoạt động của Công đoàn; giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm pháp luật về công đoàn.
Luật này áp dụng đối với công đoàn các cấp, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp); tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, đoàn viên công đoàn, người lao động và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động công đoàn.
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Quyền công đoàn là quyền thành lập, gia nhập, hoạt động công đoàn của người lao động, đoàn viên công đoàn và quyền của tổ chức Công đoàn theo quy định của pháp luật, quy định của cơ quan có thẩm quyền.
2. Công đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn Việt Nam, tập hợp đoàn viên công đoàn trong một hoặc một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, được công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hoặc công đoàn cấp tỉnh, công đoàn ngành trung ương và tương đương công nhận theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
3. Nghiệp đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn Việt Nam, tập hợp những người làm việc không có quan hệ lao động, cùng ngành, nghề hoặc những người lao động đặc thù khác, được công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở công nhận theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
4. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở là một cấp trong hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam, trực tiếp thực hiện quyền công nhận và chỉ đạo hoạt động công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
5. Cán bộ công đoàn là công dân Việt Nam được bầu cử, tuyển dụng, bổ nhiệm, chỉ định để thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn. Cán bộ công đoàn bao gồm:
a) Cán bộ công đoàn chuyên trách là người được bầu cử, tuyển dụng, bổ nhiệm, chỉ định để đảm nhiệm thường xuyên công việc trong tổ chức Công đoàn;
b) Cán bộ công đoàn không chuyên trách là người được công đoàn các cấp bầu cử hoặc cấp có thẩm quyền của Công đoàn chỉ định vào chức danh từ tổ phó tổ công đoàn trở lên để kiêm nhiệm công việc của tổ chức Công đoàn.
6. Đoàn viên công đoàn là người lao động được kết nạp hoặc công nhận vào Công đoàn Việt Nam theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
7. Người sử dụng lao động là cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, tuyển dụng, sử dụng người lao động và trả lương, tiền công theo quy định của pháp luật.
8. Tranh chấp về quyền công đoàn là tranh chấp phát sinh giữa người lao động, đoàn viên công đoàn, tổ chức Công đoàn với người sử dụng lao động về việc thực hiện quyền công đoàn hoặc giữa tổ chức Công đoàn với tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp về việc có liên quan đến tổ chức, hoạt động công đoàn.
9. Điều lệ Công đoàn Việt Nam là văn bản do Đại hội Công đoàn Việt Nam thông qua, quy định về tôn chỉ, mục đích, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, cơ cấu tổ chức bộ máy của Công đoàn Việt Nam; điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập, gia nhập, giải thể và chấm dứt hoạt động công đoàn; quyền, trách nhiệm của tổ chức công đoàn các cấp; quyền, trách nhiệm của đoàn viên công đoàn; tài chính, tài sản của Công đoàn; nội dung khác liên quan đến tổ chức và hoạt động công đoàn. Điều lệ Công đoàn Việt Nam không được trái với quy định của Hiến pháp, pháp luật và quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Điều 5. Quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn
1. Người lao động Việt Nam có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.
2. Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên được gia nhập và hoạt động công đoàn tại công đoàn cơ sở.
3. Việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn thực hiện theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 6. Việc gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp
Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được thành lập và hoạt động hợp pháp mà tự nguyện, tán thành Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì có quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam; việc gia nhập Công đoàn Việt Nam được quy định như sau:
1. Hồ sơ gia nhập Công đoàn Việt Nam bao gồm:
a) Văn bản đề nghị gia nhập Công đoàn Việt Nam;
b) Bản sao các văn bản thể hiện tính hợp pháp của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp;
c) Văn bản thể hiện việc tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp quyết định gia nhập Công đoàn Việt Nam; thể thức thông qua quyết định gia nhập Công đoàn Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động;
d) Danh sách có chữ ký của thành viên tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam;
đ) Văn bản, thỏa thuận theo quy định của pháp luật có liên quan về việc giải quyết các quyền, nghĩa vụ của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp và thành viên của tổ chức mình có liên quan đến tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp;
2. Trình tự, thủ tục gia nhập Công đoàn Việt Nam được thực hiện như sau:
a) Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp gửi hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này đến công đoàn cấp tỉnh, ngành trung ương và tương đương có thẩm quyền;
b) Khi nhận đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này, công đoàn cấp tỉnh, ngành trung ương và tương đương có thẩm quyền xem xét, công nhận việc tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp gia nhập Công đoàn Việt Nam; trường hợp không công nhận thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
3. Khi được công nhận việc gia nhập Công đoàn Việt Nam thì:
a) Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp đương nhiên chấm dứt hoạt động với tư cách tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Công đoàn cấp tỉnh, ngành trung ương và tương đương có trách nhiệm thông báo kết quả công nhận cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký để thu hồi đăng ký đã cấp;
b) Người lao động là thành viên của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tự nguyện và đủ điều kiện gia nhập Công đoàn Việt Nam theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì được công nhận là đoàn viên công đoàn;
4. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn việc gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp quy định tại Điều này.
Điều 7. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam
1. Công đoàn được thành lập trên cơ sở tự nguyện; tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ; hợp tác, phối hợp với người sử dụng lao động, đồng thời bảo đảm tính độc lập của tổ chức Công đoàn.
2. Công đoàn được tổ chức và hoạt động theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Điều 8. Hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam
1. Công đoàn Việt Nam là tổ chức thống nhất bao gồm 4 cấp sau đây:
a) Cấp trung ương là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
b) Công đoàn cấp tỉnh, ngành trung ương và tương đương bao gồm liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là liên đoàn lao động cấp tỉnh); công đoàn ngành trung ương; công đoàn tập đoàn kinh tế, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
c) Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở bao gồm liên đoàn lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là liên đoàn lao động cấp huyện); công đoàn ngành địa phương; công đoàn tập đoàn kinh tế, công đoàn tổng công ty không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này; công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao; công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khác theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam;
d) Công đoàn cấp cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở.
2. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định thành lập và xác định cấp công đoàn đối với công đoàn đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trên cơ sở quyết định của Quốc hội về thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
3. Mô hình tổ chức công đoàn được xây dựng theo hướng mở, linh hoạt, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động, yêu cầu thực tiễn và quy định của pháp luật. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn việc thực hiện nội dung quy định tại khoản này.
4. Điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập, giải thể và chấm dứt hoạt động của tổ chức Công đoàn thực hiện theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Điều 9. Hợp tác quốc tế về công đoàn
1. Hợp tác quốc tế về công đoàn phải phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách đối ngoại, Hiến pháp, pháp luật, quy định về công tác đối ngoại nhân dân và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Hợp tác quốc tế về công đoàn được thực hiện trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng thể chế chính trị và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam và Công đoàn Việt Nam trên trường quốc tế.
3. Nội dung hợp tác quốc tế về công đoàn bao gồm:
a) Thông tin, tuyên truyền về đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại, thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;
b) Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ công đoàn;
c) Chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động công đoàn, phong trào công nhân quốc tế; thực hiện các hoạt động đoàn kết, hỗ trợ quốc tế;
d) Thiết lập quan hệ hợp tác, đàm phán, ký kết và thực hiện cam kết, thỏa thuận hợp tác song phương và đa phương; đại diện cấp quốc gia của người lao động tham gia các diễn đàn quốc tế; tham gia hoạt động, gia nhập hoặc rút khỏi tổ chức công đoàn quốc tế;
đ) Vận động, điều phối, phê duyệt, tiếp nhận, quản lý sử dụng nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ kỹ thuật của các đối tác quốc tế cho Công đoàn theo quy định của pháp luật;
e) Tiếp nhận và trao tặng các hình thức khen thưởng;
g) Thực hiện hoạt động đối ngoại nhân dân khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn Việt Nam.
4. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn, quản lý hoạt động hợp tác quốc tế theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
Điều 10. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Cản trở, gây khó khăn trong việc thực hiện quyền công đoàn.
2. Phân biệt đối xử đối với người lao động, cán bộ công đoàn vì lý do thành lập, gia nhập hoặc hoạt động công đoàn, bao gồm các hành vi sau đây:
a) Yêu cầu tham gia, không tham gia hoặc ra khỏi Công đoàn Việt Nam để được tuyển dụng, giao kết hoặc gia hạn hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc;
b) Sa thải, kỷ luật, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc; không tiếp tục giao kết hoặc gia hạn hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc; chuyển người lao động làm công việc khác;
c) Phân biệt đối xử về tiền lương, thưởng, phúc lợi, thời giờ làm việc, các quyền và nghĩa vụ khác trong lao động;
d) Kỳ thị, phân biệt đối xử về giới, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng và phân biệt đối xử khác trong lao động;
đ) Thông tin không đúng sự thật nhằm hạ thấp uy tín, danh dự của cán bộ công đoàn;
e) Hứa hẹn, cung cấp lợi ích vật chất, lợi ích phi vật chất để người lao động, cán bộ công đoàn không tham gia hoạt động công đoàn, thôi làm cán bộ công đoàn hoặc có hành vi chống lại Công đoàn;
g) Chi phối, cản trở, gây khó khăn liên quan đến công việc nhằm làm suy yếu hoạt động công đoàn;
h) Hành vi khác theo quy định của pháp luật.
3. Sử dụng biện pháp kinh tế, đe dọa tinh thần hoặc biện pháp khác gây bất lợi đối với tổ chức Công đoàn, can thiệp, thao túng quá trình thành lập, hoạt động của Công đoàn, làm suy yếu hoặc vô hiệu hóa việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền, trách nhiệm của Công đoàn.
4. Không bảo đảm các điều kiện hoạt động công đoàn và cán bộ công đoàn theo quy định của pháp luật.
5. Không đóng kinh phí công đoàn; chậm đóng kinh phí công đoàn; đóng kinh phí công đoàn không đúng mức quy định; đóng kinh phí công đoàn không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng; quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn không đúng quy định.
6. Nhận viện trợ, tài trợ, tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật trái quy định của pháp luật.
7. Lợi dụng quyền công đoàn để vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân.
8. Thông tin không đúng sự thật, kích động, xuyên tạc, phỉ báng về tổ chức và hoạt động công đoàn.
QUYỀN, TRÁCH NHIỆM CỦA CÔNG ĐOÀN VÀ ĐOÀN VIÊN CÔNG ĐOÀN
Mục 1. QUYỀN, TRÁCH NHIỆM CỦA CÔNG ĐOÀN
1. Công đoàn Việt Nam là tổ chức duy nhất đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động; là thành viên của các ủy ban, ban chỉ đạo, hội đồng quốc gia có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và quyền, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn.
2. Đại diện cho tập thể người lao động thương lượng tập thể, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật về lao động.
Chủ động thỏa thuận với người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động hỗ trợ, thực hiện các chế độ, điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động.
3. Đại diện theo pháp luật cho tập thể người lao động khởi kiện vụ việc lao động tại Tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động bị vi phạm.
Đại diện theo ủy quyền của người lao động khởi kiện vụ việc lao động tại Tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động bị vi phạm, trừ trường hợp pháp luật về tố tụng có quy định khác.
4. Đại diện cho người lao động, tập thể người lao động tham gia tố tụng dân sự, hành chính trong vụ việc, vụ án lao động, hành chính, phá sản doanh nghiệp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tập thể người lao động theo quy định của pháp luật.
5. Tham gia xây dựng, ban hành và giám sát việc thực hiện thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng; nội quy lao động; kế hoạch, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; quy chế thực hiện dân chủ của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và các văn bản, nội dung khác theo quy định của pháp luật.
6. Phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
7. Đối thoại tại nơi làm việc với người sử dụng lao động về các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của người lao động theo quy định của pháp luật.
8. Tổ chức các hoạt động chăm lo, nâng cao đời sống, văn hóa, tinh thần; động viên, khen thưởng, hỗ trợ khi ốm đau, thai sản, khó khăn, hoạn nạn và các hoạt động chăm lo khác cho đoàn viên công đoàn và người lao động.
9. Hỗ trợ đào tạo, học nghề, tìm việc làm; hướng dẫn, tư vấn cho người lao động về quyền, nghĩa vụ của người lao động khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc.
10. Tổ chức hoạt động hỗ trợ pháp lý cho đoàn viên công đoàn, người lao động. Hình thức hỗ trợ pháp lý bao gồm:
a) Tư vấn pháp luật thông qua việc hướng dẫn, đưa ra ý kiến, hỗ trợ soạn thảo văn bản liên quan đến tranh chấp, khiếu nại, vướng mắc pháp luật; hướng dẫn giúp các bên hòa giải, thương lượng, thống nhất hướng giải quyết vụ việc;
b) Tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hoặc người bào chữa theo quy định của pháp luật về tố tụng;
c) Đại diện ngoài tố tụng trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
11. Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, công trình văn hóa, thể thao, hạ tầng kỹ thuật có liên quan để phục vụ đoàn viên công đoàn, người lao động theo quy định của pháp luật.
12. Bảo đảm thực hiện bình đẳng giới và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong việc đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động.
13. Chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
14. Quản lý, hướng dẫn hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên, tham gia điều tra tai nạn lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
15. Tham gia với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của pháp luật.
16. Kiến nghị với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, giải quyết khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động hoặc của người lao động bị xâm phạm.
17. Tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định của pháp luật.
Điều 12. Tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội
1. Tham gia với cơ quan nhà nước xây dựng chính sách, pháp luật về kinh tế - xã hội, lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, an toàn, vệ sinh lao động và chính sách, pháp luật khác liên quan đến công đoàn, quyền, nghĩa vụ của người lao động.
2. Tham gia với cơ quan nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
3. Tham gia xây dựng và thực hiện quy chế thực hiện dân chủ ở cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp.
4. Thực hiện quyền và trách nhiệm của Công đoàn trong công tác an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
5. Thực hiện các biện pháp hỗ trợ, bảo vệ đoàn viên công đoàn, cán bộ công đoàn và công đoàn cơ sở; hướng dẫn, hỗ trợ các hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể bảo đảm thực chất. Tham gia xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.
6. Cung cấp, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu về tổ chức và hoạt động công đoàn với cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.
7. Kiến nghị, đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người lao động, tập thể người lao động và các vấn đề khác mà đoàn viên công đoàn, người lao động quan tâm.
8. Tổ chức, phối hợp tổ chức phong trào thi đua trong phạm vi toàn quốc, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Điều 13. Trình dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết và kiến nghị xây dựng pháp luật
1. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có quyền trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết; trình dự án luật, dự thảo nghị quyết trước Quốc hội, trình dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
2. Công đoàn các cấp có quyền kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật có liên quan đến công đoàn, quyền, nghĩa vụ của người lao động.
Điều 14. Tham dự kỳ họp, phiên họp, cuộc họp và hội nghị
1. Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được mời tham dự kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và cơ quan, tổ chức ở trung ương khi bàn, thảo luận và quyết định các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của đoàn viên công đoàn, người lao động, tổ chức Công đoàn và phát triển kinh tế - xã hội.
2. Chủ tịch liên đoàn lao động cấp tỉnh, cấp huyện được mời tham dự kỳ họp, hội nghị, phiên họp của Thường trực Hội đồng nhân dân, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp và cơ quan, tổ chức có liên quan khi bàn các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của đoàn viên công đoàn, người lao động, tổ chức Công đoàn và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
3. Chủ tịch công đoàn ngành trung ương và địa phương; công đoàn tập đoàn kinh tế, công đoàn tổng công ty; công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khác được mời tham dự cuộc họp, hội nghị của cơ quan chuyên môn, cơ quan, tổ chức có liên quan khi bàn các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của đoàn viên công đoàn, người lao động và tổ chức Công đoàn.
4. Chủ tịch công đoàn cơ sở được người sử dụng lao động mời tham dự cuộc họp, hội nghị có liên quan đến quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của đoàn viên công đoàn, người lao động và tổ chức Công đoàn.
Điều 15. Tham gia kiểm tra, thanh tra hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp
1. Công đoàn có trách nhiệm tham gia, phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật về công đoàn, lao động, việc làm, tiền lương, cán bộ, công chức, viên chức, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, an toàn, vệ sinh lao động và chế độ, chính sách, pháp luật khác có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động.
2. Khi kiểm tra, thanh tra nội dung liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và tổ chức Công đoàn thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm mời đại diện Công đoàn tham gia.
3. Khi tham gia kiểm tra, thanh tra, đại diện Công đoàn có nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm theo các quy định của pháp luật có liên quan và các quyền, trách nhiệm sau đây:
a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp cung cấp thông tin, tài liệu và giải trình những vấn đề có liên quan đến nội dung kiểm tra, thanh tra;
b) Kiến nghị biện pháp ngăn ngừa, sửa chữa, khắc phục hậu quả và xử lý hành vi vi phạm pháp luật;
c) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân có trách nhiệm thực hiện ngay biện pháp khắc phục, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, kể cả trường hợp phải tạm ngừng hoạt động trong trường hợp phát hiện nơi làm việc có yếu tố có hại hoặc yếu tố nguy hiểm đến sức khoẻ, tính mạng người lao động.
Điều 16. Giám sát của Công đoàn
1. Giám sát của Công đoàn bao gồm hoạt động tham gia giám sát với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và hoạt động chủ trì giám sát.
2. Hoạt động tham gia giám sát với cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Công đoàn thực hiện theo quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Hoạt động chủ trì giám sát của Công đoàn mang tính xã hội, bao gồm việc theo dõi, phát hiện, xem xét, đánh giá, kiến nghị trong xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về công đoàn, lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, an toàn, vệ sinh lao động, thỏa ước lao động tập thể, thực hiện dân chủ ở cơ sở và chế độ, chính sách, pháp luật khác có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tổ chức Công đoàn.
4. Hoạt động chủ trì giám sát của Công đoàn đối với người sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức có liên quan đến nội dung giám sát được thực hiện theo quy định của Luật này, luật khác có liên quan và bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
a) Khách quan, công khai, minh bạch;
b) Xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động;
c) Không trùng lặp về nội dung, thời gian với hoạt động kiểm tra, thanh tra và hoạt động giám sát khác; không làm cản trở hoạt động bình thường của người sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức được giám sát.
5. Hoạt động chủ trì giám sát của Công đoàn thực hiện theo các hình thức sau đây:
a) Nghiên cứu, xem xét văn bản, báo cáo của người sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức được giám sát;
b) Thông qua đối thoại với người sử dụng lao động, hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở;
c) Thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước;
d) Tổ chức đoàn giám sát.
6. Khi thực hiện hoạt động chủ trì giám sát, Công đoàn có quyền, trách nhiệm sau đây:
a) Xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát bao gồm nội dung, hình thức, đối tượng, thời gian và các nội dung cần thiết khác để bảo đảm thực hiện giám sát;
b) Thông báo trước về chương trình, kế hoạch giám sát và yêu cầu người sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức có liên quan báo cáo bằng văn bản hoặc cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung giám sát;
c) Yêu cầu người sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức được giám sát trao đổi, làm rõ những vấn đề cần thiết qua giám sát;
d) Kiến nghị người sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức được giám sát hoặc người có thẩm quyền xem xét áp dụng các biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, cơ quan, tổ chức, cá nhân, lợi ích của Nhà nước;
đ) Kiến nghị xem xét trách nhiệm của người sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức được giám sát, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật được phát hiện qua giám sát;
e) Thông báo kết quả giám sát đến người sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức được giám sát và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;
g) Chịu trách nhiệm về những nội dung kiến nghị sau giám sát; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị sau giám sát; xem xét, giải quyết khi có kiến nghị về kết quả giám sát.
7. Người sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức được giám sát có quyền, trách nhiệm sau đây:
a) Được thông báo trước về nội dung, kế hoạch giám sát;
b) Bố trí thời gian, địa điểm, thành phần làm việc theo yêu cầu của đoàn giám sát;
c) Được trao đổi, làm rõ về các nội dung giám sát thuộc phạm vi trách nhiệm của mình;
d) Được kiến nghị xem xét lại kết quả giám sát, kiến nghị sau giám sát khi cần thiết;
đ) Thực hiện theo yêu cầu, kiến nghị quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 6 Điều này;
e) Thực hiện kiến nghị sau giám sát.
Điều 17. Phản biện xã hội của Công đoàn
1. Công đoàn có quyền và trách nhiệm tham gia ý kiến, phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của đoàn viên công đoàn, người lao động.
Ý kiến phản biện xã hội của Công đoàn được nghiên cứu tiếp thu, giải trình theo quy định của pháp luật.
2. Công đoàn có trách nhiệm đề xuất nội dung và thực hiện phản biện xã hội theo quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 18. Tuyên truyền, vận động, giáo dục người lao động
1. Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công đoàn, người lao động, Điều lệ Công đoàn Việt Nam và các quy định khác của Công đoàn.
2. Tuyên truyền, vận động, giáo dục người lao động học tập, nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong làm việc, ý thức chấp hành pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, thực hiện bình đẳng giới, phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, không kỳ thị, phân biệt đối xử.
3. Tuyên truyền, vận động, giáo dục người lao động tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công tác, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và vi phạm pháp luật do chủ tịch công đoàn các cấp và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp phát động.
Điều 19. Phát triển đoàn viên công đoàn, công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở
1. Công đoàn có quyền, trách nhiệm phát triển đoàn viên công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở.
2. Công đoàn cấp tỉnh, ngành trung ương và tương đương, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có quyền, trách nhiệm cử cán bộ công đoàn đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người lao động gia nhập, thành lập công đoàn cơ sở.
3. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có trách nhiệm tuyên truyền, vận động, gặp gỡ, hướng dẫn người làm việc không có quan hệ lao động gia nhập, thành lập nghiệp đoàn cơ sở.
4. Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở có trách nhiệm tuyên truyền, vận động, gặp gỡ người lao động để gia nhập Công đoàn.
5. Trường hợp người lao động tự thành lập công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở thì được Công đoàn hướng dẫn, hỗ trợ người lao động lập ban vận động để thành lập công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
6. Chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các cấp và cơ quan, tổ chức khác có liên quan có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để các cấp công đoàn thực hiện quyền, trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, vận động người lao động gia nhập, thành lập công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở.
1. Ở nơi chưa có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, Công đoàn có quyền, trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động khi được người lao động ở đó yêu cầu hoặc khi phát hiện người sử dụng lao động có dấu hiệu xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Việc tổ chức đối thoại tại nơi làm việc và thương lượng tập thể thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.
Mục 2. QUYỀN, TRÁCH NHIỆM CỦA ĐOÀN VIÊN CÔNG ĐOÀN
Điều 21. Quyền của đoàn viên công đoàn
1. Yêu cầu Công đoàn đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng khi bị xâm phạm.
2. Được thông tin, thảo luận, đề xuất và biểu quyết công việc của Công đoàn.
3. Được tuyên truyền, phổ biến về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công đoàn, người lao động và quy định của Công đoàn.
4. Ứng cử, đề cử, bầu cử cơ quan lãnh đạo của Công đoàn theo quy định của Luật này và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
5. Chất vấn cán bộ lãnh đạo công đoàn các cấp, kiến nghị xử lý kỷ luật cán bộ công đoàn có sai phạm theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
6. Được Công đoàn hỗ trợ pháp lý miễn phí pháp luật về công đoàn, lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, an toàn, vệ sinh lao động, cán bộ, công chức, viên chức.
7. Được Công đoàn tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ tìm việc làm, học nghề, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp; được thăm hỏi, giúp đỡ khi ốm đau, thai sản, khó khăn, hoạn nạn và thụ hưởng các hoạt động chăm lo, phúc lợi khác do Công đoàn thực hiện.
8. Được tham gia hoạt động văn hóa, thể thao, tham quan, du lịch do Công đoàn tổ chức hoặc phối hợp tổ chức.
9. Đề xuất với Công đoàn kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã về việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật đối với người lao động.
10. Được thụ hưởng chính sách thuê nhà ở xã hội của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
11. Được tuyên dương, khen thưởng khi có thành tích trong lao động, sản xuất và hoạt động công đoàn.
12. Quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Điều 22. Trách nhiệm của đoàn viên công đoàn
1. Chấp hành và thực hiện Điều lệ Công đoàn Việt Nam, nghị quyết, các quy định của Công đoàn; tham gia hoạt động công đoàn, xây dựng Công đoàn vững mạnh.
2. Học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong làm việc; rèn luyện phẩm chất giai cấp công nhân; sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật.
3. Đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp trong lao động và trong cuộc sống; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và tổ chức Công đoàn; tham gia xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.
TRÁCH NHIỆM CỦA NHÀ NƯỚC, NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI CÔNG ĐOÀN
Điều 23. Trách nhiệm của Nhà nước đối với Công đoàn
1. Bảo đảm, hỗ trợ, phối hợp, tạo điều kiện cho Công đoàn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền, trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
2. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công đoàn, lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động.
3. Thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về công đoàn, lao động và pháp luật khác có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; cùng với Công đoàn chăm lo và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
4. Lấy ý kiến của Công đoàn khi xây dựng chính sách, pháp luật có liên quan trực tiếp đến công đoàn và quyền, nghĩa vụ của người lao động.
5. Phối hợp và tạo điều kiện để Công đoàn tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; có chính sách ưu tiên tuyển dụng cán bộ công đoàn chuyên trách trưởng thành từ cơ sở, người lao động trưởng thành trong phong trào công nhân và hoạt động công đoàn.
6. Kịp thời xử lý kiến nghị của Công đoàn liên quan đến việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và hoạt động công đoàn.
7. Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, chính quyền địa phương có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết để Công đoàn tham gia ý kiến, phản biện xã hội trong việc xây dựng chính sách, pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước có liên quan trực tiếp đến công đoàn, quyền, lợi ích của đoàn viên công đoàn, người lao động.
Điều 24. Quan hệ giữa Công đoàn với Nhà nước, với người sử dụng lao động
Quan hệ giữa Công đoàn với Nhà nước, với người sử dụng lao động là quan hệ hợp tác, phối hợp để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền, trách nhiệm của các bên theo quy định của pháp luật, góp phần xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.
Điều 25. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với Công đoàn
1. Thừa nhận, tôn trọng, tạo điều kiện và không cản trở, gây khó khăn khi người lao động tiến hành các hoạt động hợp pháp để thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.
2. Phối hợp với Công đoàn thực hiện chức năng, quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên theo quy định của pháp luật.
3. Phối hợp với công đoàn cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp mình xây dựng, ban hành và thực hiện quy chế phối hợp hoạt động giữa hai bên.
4. Thừa nhận và tạo điều kiện để công đoàn cơ sở thực hiện quyền, trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
5. Trao đổi, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin liên quan đến tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật khi Công đoàn đề nghị, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
6. Phối hợp với Công đoàn tổ chức đối thoại, thương lượng tập thể, ký kết, thực hiện thỏa ước lao động tập thể và quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở, tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo quy định của pháp luật.
7. Lấy ý kiến của Công đoàn trước khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động theo quy định của pháp luật.
8. Phối hợp với Công đoàn giải quyết tranh chấp lao động và những vấn đề liên quan đến việc thực hiện pháp luật về lao động theo quy định của pháp luật.
9. Bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn, cán bộ công đoàn theo quy định của pháp luật và đóng kinh phí công đoàn theo quy định của Luật này.
BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG ĐOÀN
Điều 26. Bảo đảm về tổ chức bộ máy, cán bộ công đoàn
1. Công đoàn các cấp được bảo đảm về tổ chức bộ máy và số lượng cán bộ, công chức, viên chức để thực hiện chức năng, quyền, trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
2. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy, vị trí việc làm và chức danh cán bộ công đoàn trình cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền.
3. Căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ của từng công đoàn cơ sở và số lượng lao động trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ công đoàn quyết định bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách.
Điều 27. Bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn
1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có trách nhiệm bố trí nơi làm việc, phương tiện làm việc và điều kiện cần thiết cho công đoàn cùng cấp hoạt động.
2. Cán bộ công đoàn không chuyên trách được sử dụng 24 giờ làm việc trong một tháng đối với chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn cơ sở; 12 giờ làm việc trong một tháng đối với ủy viên ban chấp hành, tổ trưởng, tổ phó tổ công đoàn để làm công tác công đoàn và được người sử dụng lao động trả lương. Tùy theo quy mô, loại hình, tính chất của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp mà ban chấp hành công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động thỏa thuận về thời gian tăng thêm.
3. Cán bộ công đoàn không chuyên trách được nghỉ làm việc và được hưởng tiền lương do người sử dụng lao động chi trả trong những ngày tham dự đại hội, cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tập huấn, đào tạo do công đoàn cấp trên triệu tập và không tính vào thời gian quy định tại khoản 2 Điều này; chi phí đi lại, ăn, ở và sinh hoạt trong những ngày tham dự do công đoàn triệu tập chi trả.
4. Cán bộ công đoàn không chuyên trách do người sử dụng lao động trả lương được hưởng phụ cấp trách nhiệm cán bộ công đoàn theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
5. Cán bộ công đoàn chuyên trách do Công đoàn trả lương được người sử dụng lao động bảo đảm quyền lợi và phúc lợi tập thể như người lao động đang làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp.
Điều 28. Bảo đảm cho cán bộ công đoàn
1. Trường hợp hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hết hạn mà người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ công đoàn thì được gia hạn hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc cho đến hết nhiệm kỳ công đoàn.
2. Người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, sa thải, buộc thôi việc hoặc chuyển làm công việc khác đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách nếu không có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của công đoàn cấp trên trực tiếp. Trường hợp không thỏa thuận được, hai bên phải báo cáo với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Sau 30 ngày kể từ ngày báo cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền biết, người sử dụng lao động có quyền quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
3. Trường hợp người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách bị người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, buộc thôi việc hoặc sa thải trái pháp luật thì Công đoàn có trách nhiệm yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền can thiệp hoặc đại diện theo pháp luật khởi kiện vụ việc lao động tại Tòa án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho cán bộ công đoàn, trừ trường hợp cán bộ công đoàn từ chối.
Trường hợp không thể trở lại làm công việc cũ thì cán bộ công đoàn không chuyên trách được Công đoàn hỗ trợ tìm việc làm mới và trong thời gian gián đoạn việc làm được hỗ trợ bằng tiền từ nguồn tài chính công đoàn theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
1. Nguồn tài chính công đoàn bao gồm:
a) Đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam;
b) Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động;
c) Ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ;
d) Nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của Công đoàn; từ đề án, dự án do Nhà nước giao; từ viện trợ, tài trợ hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật.
2. Chính phủ quy định phương thức, thời hạn và nguồn đóng kinh phí công đoàn; trường hợp không đóng hoặc chậm đóng kinh phí công đoàn; nội dung ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.
Điều 30. Miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn
1. Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thực hiện giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật thì được xem xét miễn số tiền chưa đóng kinh phí công đoàn.
2. Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã gặp khó khăn vì lý do kinh tế hoặc bất khả kháng thì được xem xét giảm mức đóng kinh phí công đoàn.
3. Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc không có khả năng đóng kinh phí công đoàn thì được xem xét tạm dừng đóng kinh phí công đoàn trong thời gian không quá 12 tháng.
Hết thời hạn tạm dừng đóng, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tiếp tục đóng kinh phí công đoàn và đóng bù kinh phí công đoàn cho thời gian tạm dừng đóng. Thời hạn đóng bù chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng tiếp theo tháng kết thúc việc tạm dừng đóng. Số tiền đóng bù bằng số tiền phải đóng của những tháng tạm dừng đóng.
4. Chính phủ thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định về việc miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn; quy định chi tiết các nội dung khác của Điều này.
Điều 31. Quản lý, sử dụng tài chính công đoàn
1. Tài chính công đoàn được sử dụng phục vụ hoạt động công đoàn và bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
a) Việc quản lý và sử dụng tài chính công đoàn phải bảo đảm nguyên tắc tập trung, công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, có phân công, phân cấp quản lý, gắn quyền hạn và trách nhiệm của công đoàn các cấp;
b) Tổ chức công đoàn các cấp thực hiện công tác kế toán, thống kê, báo cáo, quyết toán tài chính công đoàn theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê;
c) Công đoàn thực hiện quản lý, sử dụng tài chính công đoàn theo quy định của pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
2. Tài chính công đoàn được sử dụng cho các nhiệm vụ sau đây:
a) Thực hiện hoạt động đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn và người lao động; tham gia xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định;
b) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao trình độ, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong làm việc cho đoàn viên công đoàn, người lao động;
c) Thăm hỏi, trợ cấp cho đoàn viên công đoàn và người lao động khi ốm đau, thai sản, khó khăn, hoạn nạn; tổ chức hoạt động chăm lo khác đối với đoàn viên công đoàn và người lao động;
d) Phát triển đoàn viên công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở và xây dựng Công đoàn vững mạnh;
đ) Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn; đào tạo, bồi dưỡng người lao động ưu tú tạo nguồn cán bộ cho Đảng, Nhà nước và tổ chức Công đoàn;
e) Tổ chức phong trào thi đua do Công đoàn chủ trì hoặc phối hợp phát động;
g) Tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, tham quan, du lịch cho đoàn viên công đoàn và người lao động;
h) Khen thưởng, động viên người lao động, con của người lao động có thành tích trong học tập, công tác;
i) Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn và người lao động thuê; công trình văn hóa, thể thao, hạ tầng kỹ thuật có liên quan phục vụ đoàn viên công đoàn, người lao động theo quy định của pháp luật;
k) Hoạt động bảo đảm bình đẳng giới phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn;
l) Nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của tổ chức Công đoàn;
m) Chi quản lý hành chính để phục vụ hoạt động của tổ chức Công đoàn các cấp, hoạt động hợp tác quốc tế của Công đoàn;
n) Trả lương, phụ cấp và các khoản phải nộp theo lương cho cán bộ công đoàn chuyên trách, phụ cấp hoạt động cho cán bộ công đoàn không chuyên trách;
o) Hỗ trợ cho cán bộ công đoàn không chuyên trách trong thời gian gián đoạn việc làm, không thể trở lại làm công việc cũ do bị người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, buộc thôi việc hoặc sa thải trái pháp luật;
p) Hỗ trợ công đoàn cơ sở nơi được miễn, giảm hoặc tạm dừng đóng kinh phí công đoàn quy định tại Điều 30 của Luật này để chăm lo cho đoàn viên công đoàn, người lao động;
q) Hoạt động xã hội do Công đoàn chủ trì hoặc phối hợp;
r) Nhiệm vụ chi khác theo quy định của pháp luật.
3. Việc lập và chấp hành dự toán, kế toán, quyết toán và công khai kinh phí ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và kế toán, thống kê.
4. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện việc phân cấp thu, phân phối kinh phí công đoàn. Ở những nơi có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, số kinh phí công đoàn dành cho cấp cơ sở được phân phối cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo số thành viên của tổ chức này tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, số tiền đóng, tổng số người lao động tại doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
5. Sau khi thống nhất với Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của Công đoàn.
6. Chính phủ quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
1. Tài sản được hình thành từ nguồn đóng góp của đoàn viên công đoàn; từ nguồn vốn của Công đoàn; tài chính công đoàn; tài sản được Nhà nước giao bằng hiện vật; tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm từ ngân sách nhà nước và các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật là tài sản của Công đoàn.
2. Việc quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công đoàn được thực hiện như sau:
a) Việc quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công đoàn tại Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, liên đoàn lao động cấp tỉnh; công đoàn ngành trung ương và tương đương; liên đoàn lao động cấp huyện; công đoàn ngành địa phương; công đoàn tập đoàn kinh tế; công đoàn tổng công ty; công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao; đơn vị sự nghiệp của Công đoàn; doanh nghiệp do tổ chức Công đoàn nắm giữ 100% vốn điều lệ, doanh nghiệp do tổ chức Công đoàn nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
b) Việc quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công đoàn không thuộc quy định tại điểm a khoản này thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan và quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
3. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện các quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu, cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với các doanh nghiệp do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại doanh nghiệp do Công đoàn quyết định thành lập hoặc được giao quản lý.
Điều 33. Kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát tài chính công đoàn
1. Việc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn tại công đoàn các cấp phải được kiểm tra, kiểm toán theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phù hợp với pháp luật về kiểm toán và pháp luật có liên quan.
2. Công đoàn cấp trên hướng dẫn, kiểm tra và giám sát việc thực hiện công tác tài chính của công đoàn cấp dưới theo quy định của pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
3. Cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn theo quy định của pháp luật.
4. Định kỳ hai năm một lần, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam báo cáo Quốc hội về tình hình thu, chi và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn.
5. Định kỳ hai năm một lần, Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán việc quản lý và sử dụng tài chính công đoàn và báo cáo kết quả với Quốc hội cùng thời điểm báo cáo quy định tại khoản 4 Điều này; thực hiện kiểm toán đột xuất theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Điều 34. Công khai tài chính công đoàn
Công đoàn các cấp thực hiện công khai tài chính hằng năm tại hội nghị ban chấp hành công đoàn, đồng thời phải công khai bằng một trong các hình thức sau đây:
1. Niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp;
2. Thông báo bằng văn bản đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan;
3. Thông báo tại hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hằng năm;
4. Đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp.
GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP VỀ QUYỀN CÔNG ĐOÀN, XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ CÔNG ĐOÀN
Điều 35. Giải quyết tranh chấp về quyền công đoàn
1. Việc giải quyết tranh chấp về quyền công đoàn trong quan hệ lao động được thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.
2. Việc giải quyết tranh chấp về quyền công đoàn trong quan hệ khác được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
3. Tranh chấp về quyền công đoàn liên quan đến việc không thực hiện hoặc từ chối thực hiện trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với Công đoàn không thuộc quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên trực tiếp kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
Điều 36. Xử lý vi phạm pháp luật về công đoàn
1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan đến công đoàn thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật về công đoàn.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.
Luật Công đoàn số 12/2012/QH13 hết hiệu lực từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2024.
|
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI |
NATIONAL
ASSEMBLY OF VIETNAM |
THE
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
Law no.: 50/2024/QH15 |
Hanoi, November 27, 2024 |
Pursuant to Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;
The National Assembly issues Law on Trade Union.
Article 1. Vietnam Trade Union
Vietnam Trade Union is a great socio-political organization of the working class and employees. Vietnam Trade Union is founded on the voluntary basis and is a part of the political system of the Vietnamese society, placed under the leadership of the Communist Party of Vietnam. Vietnam Trade Unions are representatives of workers, officials, public employees, and employees (hereinafter referred to as “employees”), together with state agencies, business organizations, social organizations shall care and protect for employees’ legitimate and legal rights and interests. Vietnam Trade Union shall join in state management, eco-social management; supervision and social criticism; examination, inspection, supervision of operations of state agencies, organizations, units, enterprises on issues related to the rights and obligations of employees; and encouraging employees to study, improve knowledge, professional skill, observe law, build and defend the socialist fatherland of Vietnam.
...
...
...
This law provides functions, tasks, powers, and responsibilities of Vietnam Trade Union; employees’ rights to establish, join the trade union and participate in operation of the trade unions; right to join Vietnam Trade Union of internal employee organizations in enterprises; rights and responsibilities of trade union member; responsibilities of the State, agencies, units, enterprises, and employers with respect to Trade Unions; assurance of activities of Trade Unions; settlement of disputes and handling of violations against laws on trade union.
This Law applies to trade unions at all levels, state agencies, political organizations, socio-political organizations, profession-socio-political organizations, profession-social organizations, units, enterprises, and other employers in accordance with laws on labor; foreign agencies, organizations, and international organizations operating within the territory of Vietnam (hereinafter referred to as “agencies, organizations, enterprises”); internal employee organizations in enterprises; trade union members; employees; and other organizations and individuals related to the organization and operation of trade unions.
Article 4. Term interpretation
For the purpose of this Law, the terms below shall be construed as follows:
1. Trade union-related rights mean rights to establish, join the trade unions and participate in operation of the trade unions of employees and trade union members, trade union-related rights organizations in accordance with law and regulations of competent authorities.
2. Grassroots trade unions mean grassroots organization of the Vietnam Trade Union, including trade union members in one or multiple agencies, organizations, or enterprises. They are recognized by the trade unions immediately superior to grassroots trade unions or provincial, central industrial and equivalent trade unions in accordance with the law and charter of the Vietnam Trade Union.
3. Grassroots occupational organizations mean grassroots organizations of the Vietnam Trade Union, including workers without labor relations in the same industry or profession or vulnerable groups of employees. They are recognized by the trade unions immediately superior to grassroots trade unions in accordance with the law and charter of the Vietnam Trade Union.
4. Trade unions immediately superior to grassroots trade unions (hereinafter referred to as “immediate superior trade union(s)”) mean a level of the system of organizations of Vietnam Trade Union, directly carry out rights to recognize and direct the operations of grassroots trade unions, occupational organizations in accordance with law and charter of the Vietnam Trade Union.
...
...
...
a) Full-time trade unions officials mean persons who are elected, recruited, appointed, assigned for regular tasks of Trade union organizations;
b) Part-time trade union officials mean persons who are elected by trade unions at all levels or assigned by competent authority of Trade unions to positions of sub-chief of a group or higher to be in charge of tasks of Trade union organizations.
6. Trade union members mean employees who are admitted to or recognized as members of the Vietnam Trade Union in accordance with charter of the Vietnam Trade Union.
7. Employers mean agencies, organizations, units, enterprises, cooperatives, cooperative unions, and households, individuals that employ and pay other people for their work in accordance with law.
8. Dispute over trade union-related rights means dispute over the performance of Trade union-related rights between employees, trade union members, Trade union organizations and employers; or disputes over matter related to organization, operations of trade unions between Trade union organizations and internal employee organizations in enterprises.
9. The charter of Vietnamese Trade Union means document passed by Vietnamese Trade Union Congress, regulating on guideline, purpose, principle of organization and operation, organizational structure of Trade Union machine; conditions, order and procedures for establishing, joining, dissolving and terminating operation of trade unions; rights and responsibilities of trade union organizations at all levels; rights and responsibilities of trade union members; finance and assets of trade unions; other contents related to trade union organization and operation. The charter of the Vietnam Trade Union must be in accordance with the Constitution, law, and regulations of competent authorities.
1. Vietnamese employees have the right to establish, join the trade unions and participate in the operation of the trade unions.
2. Foreign employees working in Vietnam under an employment contract with a term of 12 months or more are allowed to join and participate in operation at the grassroots trade unions.
...
...
...
Article 6. Accession of internal employee organizations in enterprises to the Vietnam Trade Union
Internal employee organizations in enterprises that are established and operate legally on a voluntary basis, in accordance with the charter of the Vietnam Trade Union, has the right to join the Vietnam General Confederation of Labor. The regulations on joining the Vietnam Trade Union are as follows:
1. The application for joining Vietnam Trade Union includes:
a) Application for joining Vietnam Trade Union;
b) Copies of documents showing the legality of the internal employee organization in an enterprise;
c) Document showing the decision of the employee organization at the enterprise on joining the Vietnam Trade Union; the procedure for approving the decision to join the Vietnam Trade Union shall comply with laws on labor;
d) List with signatures of members voluntarily joining the Vietnam Trade Union;
d) Documents and agreements in accordance with relevant laws on resolving the rights and obligations of the internal employee organization in an enterprise and related members;
2. Procedures for joining Vietnam Trade Union:
...
...
...
b) Upon receiving a complete application as prescribed in Clause 1 of this Article, provincial, central industrial, and equivalent trade unions shall consider and recognize the accession of internal employee organizations in enterprises to the Vietnam Trade Union; in case of refusal, a written response must be given stating the reasons;
3. When the accession to the Vietnam Trade Union is recognized:
a) Internal employee organizations in enterprises shall stop operating as internal employee organizations in enterprises. Provincial, central industrial and equivalent trade unions shall notify state regulatory authorities with competence to grant registration about reorganization results to revoke the granted registration;
b) Employees who are members of internal employee organizations in enterprises, voluntarily and are eligible to join the Vietnam Trade Union in accordance with the charter of the Vietnam Trade Union shall be recognized as trade union members;
4. Vietnam General Confederation of Labor shall provide guidance on accession of internal employee organizations in enterprises to the Vietnam Trade Union specified in this Article.
Article 7. Rules for organization and operation of Vietnam Trade Union
1. Trade unions are established on a voluntary basis; organized and operate under the principle of democratic centralism; cooperate with employers, while ensuring the independence of the trade union organization.
2. Trade unions shall be organized and operate under the Charter of Vietnamese Trade Union in accordance with lines, guidelines of Communist Party of Vietnam, and policies and laws of the State.
Article 8. Organizational system of Vietnam Trade Union
...
...
...
a) Central level: Vietnam General Confederation of Labor;
b) Provincial, central industrial, and equivalent trade unions: labor federations of provinces and centrally affiliated cities (hereinafter referred to as provincial labor federations); central industrial trade unions; trade unions of business groups, and trade unions of corporations affiliated to the Vietnam General Confederation of Labor;
c) Trade unions immediately superior to grassroots trade unions: labor federations of districts, district-level towns, cities affiliated to provinces, cities under centrally affiliated cities (hereinafter referred to as district-level labor federations); local industrial trade unions; trade unions of business groups, and trade unions of corporations not falling under the cases specified in Point b of this Clause; trade unions of industrial parks, export processing zones, economic zones, high-tech zones; trade unions immediately superior to grassroots trade unions as prescribed in the Charter of the Vietnam Trade Union;
d) Grassroots trade unions: grassroots trade unions, occupational organizations.
2. The Vietnam General Confederation of Labor shall decide to establish and determine the level for trade unions in special administrative-economic units based on the National Assembly's decision on the establishment of special administrative-economic units.
3. The model of trade union organization shall be developed in an open and flexible direction, in line with the legitimate needs and aspirations of trade union members and employees, practical requirements, and laws. The Vietnam General Confederation of Labor shall provide guidance on implementation of this clause.
4. Conditions, procedures and documentation for establishment, dissolution and termination of operation of Trade Union organizations shall comply with the Charter of Vietnam Trade Union.
Article 9. International cooperation in Trade Union
1. International cooperation in Trade Union shall follow lines, guidelines of Communist Party of Vietnam, foreign policies, the Constitution, laws, regulations on people's foreign affairs and international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a member.
...
...
...
3. Contents of international cooperation in Trade Union include:
a) Information and propaganda on lines, guidelines, foreign policies and achievements in socio-economic development of Vietnam;
b) Training and refresher training to improve the capacity of trade union officials;
c) Sharing experiences in trade union activities and international workers' movements; carrying out international solidarity and support activities;
d) Establishing cooperative relationships; negotiating, concluding, and implementing bilateral and multilateral cooperation commitments and agreements; representing national workers in international forums; participating in the operation of, joining, or withdrawing from international trade union organizations;
d) Mobilizing, coordinating, approving, receiving, and managing the use of aid, sponsors, and technical support from international partners for the Trade Union in accordance with the law;
e) Receiving and awarding forms of commendation;
g) Performing other people's foreign affairs activities in accordance with the functions and tasks of the Vietnam General Confederation of Labor.
4. The Vietnam General Confederation of Labor shall provide guidance on and manage international cooperation activities in accordance with this Law and relevant laws.
...
...
...
1. Obstructing or causing difficulties in exercising trade union rights.
2. Discriminating against workers, trade union officials for reasons of establishing, joining trade unions, or participating in trade union activities, including the following acts:
a) Requesting others to join, not join or leave the Vietnam Trade Union in order to be recruited, conclude or renew employment contract or working contract;
b) Dismissing, disciplining, and unilaterally terminating employments contracts, working contracts; refusing to renew employment contracts, working contracts; assigning employees tasks that are not specified in the contracts;
c) Discriminating in terms of salaries, bonuses, benefits, working hours, and other rights and obligations in labor;
d) Discrimination regarding gender, ethnicity, religion, belief and other discrimination in labor;
dd) Providing false information to discredit the reputation and honor of trade union officials;
e) Promising or providing material or non-material benefits so that employees or trade union officials will not participate in trade union activities, stop working as union officials, or act against the Trade Union;
g) Exerting control in, hindering, and causing difficulties to weaken trade union operation;
...
...
...
3. Using economic measures, threatening or other measures to create disadvantages to trade union organizations, intervening, manipulating the process of establishment, operation of the trade union, weakening or disabling the performance of the functions, duties, rights, responsibilities of the Trade unions.
4. Failing to ensure the conditions for trade union operation and trade union officials as prescribed by law.
5. Failure to transfer trade union contributions; delaying transferring trade union contributions; failure to transfer trade union contributions at prescribed rates; transferring trade union contributions that do not match the number of members; managing and using trade union contributions against applicable regulations.
6. Receiving aid, donation, or technical support against the law.
7. Taking advantage of trade union rights to violate the law, infringe on the interests of the state, legitimate rights and interests of agencies, organizations, units, enterprises, individuals.
8. Providing false information, inciting, distorting, defaming trade union organizations and operations.
RIGHTS AND RESPONSIBILITIES OF TRADE UNIONS AND TRADE UNION MEMBERS
Section 1. RIGHTS AND RESPONSIBILITIES OF TRADE UNIONS
...
...
...
1. Vietnam General Confederation of Labor is the only national organization representing employees in labor relations; is a member of national committees, steering committees, and councils related to the legitimate and legal rights and interests of employees and the rights and responsibilities of Trade union organizations.
2. Representing for labor collectives in agreement of, conclusion and supervision of the implementation of collective labor accord in accordance with laws on labor.
Proactively negotiating with employers and representative organizations of employers to support and provide more favorable policies and conditions than those prescribed by labor laws.
3. Acting as legal representative for the labor collective to file labor lawsuits at the Court when the legal and legitimate rights and interests of the labor collective are violated.
Acting as authorized representatives of employees to file labor lawsuits at the Court when the employee's legal and legitimate rights and interests are violated, except in cases where the law on legal proceeding provides otherwise.
4. Representing employees, groups of labor collectives in civil, administrative proceedings related to labor, administrative cases, bankruptcy of enterprises to protect the legal and legitimate rights and interests of employees, groups of labor collectives as prescribed by law.
5. Participating in formulating, issuing and supervising the implementation of pay scale, payroll, labor rates, regulations on salary payment, rewards; internal labor regulations; plans, internal regulations, procedures, measures to ensure labor safety, hygiene; regulations on implementing democracy in agencies, organizations, units, enterprises, and other documents, contents as prescribed by law.
6. Cooperating with employers in organizing meetings of officials, public employees, employees as prescribed by law on implementation of grassroots-level democracy.
7. Conducting dialogue at the workplace with employers on issues related to the legal rights, interests, and obligations of employees as prescribed by law.
...
...
...
9. Providing support in training, vocational training, and job search; providing guidance and advice to employees on the rights and obligations of employees when concluding and implementing employment contracts and working contracts.
10. Organizing legal assistance activities for trade union members, employees. Forms of legal assistance include:
a) Providing legal advice through guidance, providing opinions, assisting in drafting documents related to disputes, complaints, and difficulties regarding law; providing guidance and assistance to parties in reconciling, negotiating, and agreeing on the settlement direction of the case;
b) Participating in legal proceedings as a protector of legal rights and interests or a defender in accordance with the law on legal proceedings;
c) Representing out-of-court before competent state agencies.
11. Investing in the construction of related social housing, cultural, sports works, and technical infrastructure to serve trade union members, employees as prescribed by law.
12. Ensuring gender equality and promoting gender equality measures in representing, caring for, and protecting the legal and legitimate rights and interests of trade union members, employees.
13. Providing instruction and guidance on operation of the People’s Inspectorate at state agencies, units, state-owned enterprises as prescribed by law on implementation of grassroots-level democracy.
14. Managing, providing guidance on operation of the network of occupational safety and hygiene officers; participating in investigation of occupational accidents as prescribed by law occupational safety and hygiene.
...
...
...
16. Requesting competent agencies, organizations, individuals to review and settle the legal and legitimate rights and interest of labor collective or laborers that are breached.
17. Organizing and leading of strikes as prescribed by law.
Article 12. Participation in the state management and eco-social management
1. Together with state agencies, participating in formulating policies, laws on socio-economics, labor, employment, salary, social insurance, and unemployment insurance, health insurance, occupational safety and hygiene, and other policies and laws related to trade unions, rights and obligations of employees.
2. Together with state agencies, participating in protecting the legal and legitimate rights and interests of employees regarding social insurance, unemployment insurance, health insurance, occupational accident and disease insurance.
3. Participating in the formulation and implementation of regulations on implementation of democracy at agencies, organizations, units, and enterprises.
4. Implementing the rights and responsibilities of the Trade Union in occupational safety and hygiene in accordance with the laws on occupational safety and hygiene.
5. Implementing measures to support and protect trade union members, trade union officials, and grassroots trade unions; providing guidance and assistance in collective dialogue, bargaining, conclusion and implementation of collective bargaining agreements for substantive guarantee. Participating in building progressive, harmonious, and stable labor relations.
6. Providing, connecting, and sharing information, data about the trade union organization and operation with state regulatory authorities as prescribed by law.
...
...
...
8. Organizing and cooperating in the organization of emulation movements in the nationwide, administrative divisions, agencies, organizations and enterprises as prescribed by law.
Article 13. Submitting bills or ordinance, resolution projects and proposals of law-making
1. The Vietnam General Confederation of Labor has the right to submit to the National Assembly Standing Committee and the National Assembly proposals for the formulation of laws, ordinances, and resolutions; submit draft laws and draft resolutions to the National Assembly and submit draft ordinances and draft resolutions to the National Assembly Standing Committee.
2. Trade Unions at levels has the right to propose to competent State agencies for formulation, amendments to policies, laws related to Trade Unions, rights and obligations of employees.
Article 14. Participation in meetings and conventions
1. The chairman of Vietnam General Confederation of Labor shall be invited to attend meetings of the National Assembly, the National Assembly Standing Committee, the Government and central agencies and organizations when discussing and deciding on issues related to the rights and obligations of trade union members, employees, trade union organizations and socio-economic development.
2. The chairman of the province-level and district-level labor federations shall be invited to attend meetings and conventions of the Standing Committee of the People's Council, the People's Council, the People's Committee at the same level, and relevant agencies and organizations when discussing issues related to the rights and obligations of trade union members, employees, trade union organizations, and socio-economic development in the area.
3. Chairmen of central industrial and local trade unions; trade unions of business groups, corporations; trade unions of industrial parks, export processing zones, economic zones, high-tech zones; and immediate superior trade unions shall be invited to attend meetings and conventions of specialized agencies, relevant agencies, and organizations when discussing issues related to the rights and obligations of trade union members, employees, and trade union organizations.
4. The Chairman of the grassroots trade union shall be invited by the employer to attend meetings and conventions related to the rights, obligations and responsibilities of trade union members, employees and trade union organizations.
...
...
...
1. Trade unions shall participate in and cooperate with competent state agencies in inspecting the implementation of regimes, policies and laws on trade unions, labor, employment, salaries, officials, public employees, social insurance, unemployment insurance, health insurance, occupational safety and hygiene and other regimes, policies and laws related to the rights and obligations of employees.
2. When inspecting contents directly related to the legal and legitimate rights and interests of employees and trade unions, competent state agencies have the responsibility to invite trade representatives of Trade unions.
3. When participating in inspections, representatives of Trade unions have tasks, powers and responsibilities in accordance with relevant laws and the following rights and responsibilities:
a) Requesting agencies, organizations and enterprises to provide information, documents and explanation concerned problems;
b) Proposing prevention, remedial measures and handling violations against the law;
c) Requesting responsible agencies, organizations, units, enterprises, and individuals to immediately take remedial measures to ensure occupational safety and hygiene, including suspending operations in case of detecting workplaces with harmful or dangerous factors to the health and lives of employees.
Article 16. Trade unions’ supervision
1. Trade unions’ supervision includes participation in supervision with competent state agencies and activities of presiding over supervision.
2. The Trade Union's participation in supervision with competent state agencies shall comply with the Law on the Vietnam Fatherland Front and other relevant regulations.
...
...
...
4. The supervision of the Trade Unions with respect to employers, agencies, organizations related to content subject to supervision shall be carried out in accordance with this Law, other relevant laws, and ensure the following principles:
a) Objective, public and transparent;
b) Based on the legitimate requirements and wishes of Trade Union members, employees;
c) Not overlapping in content and time with other inspection and supervision; not hindering the normal operations of employers, agencies, and organizations under supervision.
5. Trade unions’ activities of presiding over supervision are carried out in the following forms:
a) Through studying, reviewing documents, reports from employers, agencies, organizations under supervision;
b) Through dialogue with employers, staff meetings as regulated by the law on implementation of grassroots democracy;
c) Through the operation of the People’s Inspectorate in state agencies, units, state-owned enterprises;
d) Through organizing Commission of Supervision.
...
...
...
a) Developing a supervision program, plan including content, forms, targets, time, and other necessary contents to ensure the implementation of supervision;
b) Notifying in advance the supervisory program, plan and requesting employers, agencies, relevant organizations to report in writing or provide information, relevant documents regarding the supervision content;
c) Requesting employers, agencies, organizations subject to supervision to exchange, clarify necessary issues through supervision;
d) Proposing to employers, agencies, organizations subject to supervision or competent persons for consideration for applying measures to protect the legal and legitimate rights and interests of employees, agencies, organizations, individuals, and the interests of the State;
dd) Proposing for review of the responsibilities of employers, agencies, organizations subject to supervision, and individuals whose violations of the law discovered through supervision;
e) Notify the supervision results to employers, agencies, organizations subject to supervision and related agencies, organizations, individuals;
g) Taking responsibilities for the proposal put forward after supervision; monitoring, urging the implementation of these proposals after supervision; reviewing, responding to feedbacks regarding the results of supervision.
7. Employers, agencies, organization subject to supervision have the following right and responsibilities:
a) Be notified about the contents and plans for supervision;
...
...
...
c) Exchange, clarify on the supervision content within their responsibilities;
d) Request a review of the supervision results and proposals after supervision when necessary;
dd) Comply with the requests and proposals specified in points b, c, d, and dd of Article 6 of this Law;
e) Implement proposals after supervision.
Article 17. Trade unions’ social criticism
1. The Trade Union has the right and responsibility to participate in social opinions and criticism on draft legislative documents, planning, plans, programs, projects, schemes of state agencies directly related to the rights and interests of trade union members, and employees.
Trade Union's social criticisms are studied, received, and explained in accordance with law.
2. The Trade Unions shall propose content and carry out social criticism in accordance with the Law on Vietnam Fatherland Front and other relevant laws.
Article 18. Encouraging and educating employees
...
...
...
2. Encourage and educate employees to improve their cultural-political level, expertise, profession, professional skills, work etiquette, awareness of compliance with laws, internal regulations of agencies, organizations, units, and enterprises, implement gender equality, prevent sexual harassment in the workplace and discrimination.
3. Encourage and educate employees to actively participate in patriotic emulation movements, movements of improving labor productivity and work efficiency, practicing thrift, combating waste, fighting against corruption, misconduct, and violations of the law launched by chairmen of trade unions at all levels and heads of agencies, organizations, units, and enterprises.
1. Trade unions have the right and responsibility to recruit trade union members, establish grassroots trade unions and occupational organizations.
2. Provincial, central industrial, and equivalent trade unions, immediate superior trade unions have the right and responsibilities to send trade union officials to agencies, organizations, units, enterprises, cooperatives, and cooperative unions to encourage, and guide employees to join and establish grassroots trade unions.
3. Immediate superior trade unions shall encourage meet, and guide workers without labor relations to join and establish grassroots occupational organizations.
4. Grassroots trade unions and occupational organizations shall encourage, and meet with employees to join the Trade Unions.
5. In cases where employees establish grassroots trade unions and occupational organizations themselves, the Trade Union shall provide guidance and support for employees to form mobilization committees to establish grassroots trade unions and occupational organizations in accordance with the Charter of the Vietnam Trade Union.
6. Local government, specialized agencies under the People's Committees at all levels, and other relevant agencies and organizations shall create favorable conditions for all levels of trade unions to exercise their rights and responsibilities in encouraging employees to join, and establishing grassroots trade unions and occupational organizations.
...
...
...
1. In places where grassroots trade unions have not yet been established, Trade unions have the right and responsibility to represent and protect the legal and legitimate rights and interests of employees when requested by employees there or when suspecting that the employer is infringing upon the legal and legitimate rights and interests of employees, except in the cases specified in Clause 2 of this Article.
2. Organization of dialogue at the workplace and collective bargaining shall comply with labor laws.
Section 2. RIGHTS AND RESPONSIBILITIES OF TRADE UNION MEMBERS
Article 21. Trade union-related rights members
1. Request Trade Unions to represent and protect their legal and legitimate rights and interests upon being infringed.
2. Be informed, discuss, propose, and vote on the work of Trade Unions.
3. Be informed Communist Party of Vietnam's lines and guidelines, policies and laws of the State related to Trade Unions, employees, and the regulations of Trade Unions.
4. Self-nominate, nominate, and elect the agency of Trade Union leaders under regulations of this Law and the Charter of Vietnam Trade Union.
5. Question leaders of trade unions at all levels; propose handling of Trade Union’s officials committing violations against the Charter of the Vietnam Trade Union.
...
...
...
7. Receive consultation, guidance, and support in finding a job, vocational training, improving professional skills, and vocational skills; receive assistance when being ill, pregnant, facing difficulties, or accidents and benefit from other welfare activities carried out by the Trade Unions.
8. Participate in cultural, sports activities, tours organized or co-organized by Trade Unions.
9. Propose to Trade Unions to propose to agencies, organizations, units, enterprises, cooperatives, and cooperative unions on matters regarding the implementation of regimes, policies, and laws concerning employees.
10. Benefit from social housing policies of the Vietnam General Confederation of Labor.
11. Be commended and rewarded for achievements in labor, production, and trade union operation.
12. Other rights as stipulated by relevant laws and the Charter of the Vietnam Trade Union
Article 22. Responsibilities of trade union members
1. Comply with and implement the Charter of the Vietnam Trade Union, resolutions, and regulations of Trade Unions; participate in trade union activities and contribute to building a strong Trade Union.
2. Engage in continuous learning to enhance political awareness, cultural knowledge, professional expertise, vocational skills, work etiquette; cultivate the qualities of a working-class citizen; live and work in accordance with the Constitution and laws.
...
...
...
RESPONSIBILITIES OF THE STATE, EMPLOYERS WITH RESPECT TO TRADE UNIONS
Article 23. Responsibilities of the State with respect to trade unions
1. Ensure, support, cooperate, and create conditions for Trade Unions to fulfill its functions, tasks, rights, and responsibilities as prescribed by law.
2. Disseminate, popularize, and promote legal knowledge about trade unions, labor, and other regulations related to the rights and obligations of employees.
3. Inspect, supervise, and handle violations against laws concerning trade unions, labor, and other relevant laws directly related to the legal and legitimate rights and interests of employees; together with the Trade Union, take care and ensure the legal and legitimate rights and interests of employees.
4. Seek the opinions of Trade Unions when formulating policies and laws directly related to the trade unions and the rights and obligations of employees.
5. Cooperate with and enable the Trade Union to participate in state management, socio-economic management, representation, and protection of the legal and legitimate rights and interests of employees; prioritize the recruitment of full-time trade union officials matured from the grassroots, employees matured in the labor movement, and trade union activities.
6. Promptly address the Trade Union's proposals related to taking care of, protecting the legal and legitimate rights and interests of employees, and trade union operation.
...
...
...
Article 24. Relation between Trade Unions with the State, employers
The relation between Trade Unions with the State, employers is relation of cooperation to implement functions, powers and responsibilities of parties as prescribed by law, contribute in establishing harmonious, stable and progressive labor relation.
Article 25. Responsibilities of employers with respect to Trade unions
1. Acknowledge, respect, create conditions, and do not obstruct or create difficulties when employees engage in lawful activities to establish, join, and participate in operation of trade unions.
2. Cooperate with Trade Unions in fulfilling the functions, rights, responsibilities, and duties of the parties as prescribed by law.
3. Cooperate with the Trade Union of their organization, institution, unit, or enterprise in establishing, issuing, and implementing regulations on cooperation activities between the two parties.
4. Acknowledge and enable grassroots trade unions to exercise their rights and responsibilities as prescribed by law.
5. Exchange, promptly provide complete, accurate information related to the organization and operation as required by law when requested by Trade Unions, except otherwise prescribed.
6. Cooperate with Trade Unions in organizing dialogues, collective bargaining, concluding and implementing collective bargaining agreements, and regulations on the implementation of grassroots-level democracy; organize staff meetings as required by law.
...
...
...
8. Cooperate with the Trade Union in resolving labor disputes and issues related to the implementation of labor laws in accordance with law.
9. Ensure the conditions for trade union operation, trade union officials in accordance with the law, and transfer trade union contributions as specified by this Law.
ASSURANCE OF TRADE UNION OPERATION
Article 26. Assurance of apparatus organization, trade union officials
1. The organizational structure and the number of officials and employees of trade unions at all level shall be ensured to carry out their functions, rights, and responsibilities as prescribed by law.
2. The Vietnam General Confederation of Labor shall establish the organizational structure, job positions, and titles of trade union officials to submit to the competent authority for decision or to decide under its authority.
3. Depending on requirements and tasks of each grassroots trade union and the quantity of employees in agencies, organizations, and enterprises, the agency in charge of managing officials shall designate full-time trade union officials.
Article 27. Assurance of conditions of trade union operation
...
...
...
2. Part-time trade union officials, such as the chairman and vice chairmen, may use 24 working hours per month; members of the committee, chief of, and sub-chief of the trade union group may use 12 working hours per month to do work related to the trade union and be paid by employers. Depending on the scale, nature, and type of agencies, organizations, and enterprises, the grassroots Trade Union Committee and employers may reach an agreement on the additional time for doing trade union-related works.
3. Part-time trade union officials are entitled to full paid leave while attending congresses, meetings, conferences, seminars, and training sessions convened by the superior trade unions that are not included in hours specified in point 2 of this Article; travel, food, accommodation, and living expenses in such days are covered by the convening trade union.
4. Part-time trade union officials whose salary is paid by the employer are entitled to liability allowance for trade union officials as prescribed by Vietnam General Confederation of Labor.
5. The full-time trade union officials, whose salary is paid by Trade Unions, shall be ensured collective interests and welfares like those of employees working in agencies, organizations, and enterprises by employers.
Article 28. Assurance for trade union officials
1. If the employment contract or working contract of a part-time trade union official expires while he/she is still in his/her tenure, his/her employment contract or working contract shall be extend till the end of his/her tenure.
2. Employers are not allowed to unilaterally terminate, dismiss, and reassign part-time trade union officials if there are no written agreements of the immediate superior trade unions. If not reaching agreement, both parties must report to competent agency, organization. After 30 days from the date of notifying the competent agency or organization, the employer has the right to make a decision and must take responsibility for their decision.
3. If the employer unilaterally terminates dismiss, reassign part-time trade union officials, the Trade Union shall request competent state agencies to interfere or represent to initiate a labor dispute lawsuit in court to protect the legal rights and interests of the trade union official, except in cases where the trade union official declines.
If the part-time trade union officials cannot return to their previous job, the Trade Union shall provide support in finding a new job. During the period of unemployment, financial support can be provided from the trade union contributions as per the regulations of the Vietnam General Confederation of Labor.
...
...
...
1. Financial sources of Trade Union include:
Trade Union fees paid by trade union members as prescribed in the Charter of the Vietnam Trade Union;
b) Trade union contributions from agencies, organizations, units, enterprises, cooperatives, and cooperative unions, which are 2% of the payroll fund used as the basis for compulsory social insurance premiums for employees;
c) Support from the state budget;
d) Other sources from cultural, sports activities, economic activities of Trade Unions; from projects assigned by the state; from legal aid, donation from domestic and foreign organizations and individuals in accordance with law.
2. The government shall provide the methods, deadlines for payment of trade union contributions, and sources thereof; case of failing to pay or late-payment of trade union contributions; and the content of state budget support as stipulated in point c of clause 1 of this Article.
Article 30. Exemption, reduction, suspension of payment of trade union contributions
1. Enterprises, cooperatives, and cooperative unions that undergo dissolution or bankruptcy in accordance with law may be considered for exemption from trade union contributions that have not been transferred.
2. Enterprises, cooperatives, and cooperative unions facing economic difficulties or force majeure circumstances may be considered for a reduction in trade union contributions.
...
...
...
After the suspension period, the entities must resume transferring trade union contributions and make up for the amounts that were not transferred during the suspension period. The deadline for making up missed payments is no later than the last day of the month following the end of the suspension period, with the amount equal to the payments due for the months of suspension.
4. The government, in agreement with the Vietnam General Confederation of Labor, shall provide regulations on exemption, reduction, and suspension of payment of trade union contributions; detail other regulations of this Article.
Article 31. Management and use of trade union finance
1. The finance of trade unions is used to serve trade union operation and ensure the following principles:
a) The management and use of trade union finance must adhere to principles of centralization, transparency, accountability, efficiency, decentralization and delegation of authority, and linking authority and responsibility of trade unions at all levels;
b) Trade union organizations at all levels shall carry out accounting, statistics, reporting, and financial settlement tasks according to laws on accounting and statistics;
c) Trade unions shall manage and use their finances in accordance with the law and the regulations of the Vietnam General Confederation of Labor.
2. The finance of trade unions is used for the following tasks:
a) Representing and protecting the legal and legitimate rights and interests of trade union members and employees; participating in building progressive, harmonious and stable labor relations;
...
...
...
c) Visiting, providing allowances to trade union members and employees in times of illness, maternity, difficulties, or accidents; organizing other welfare activities for trade union members and employees;
d) Recruiting trade union members, establishing grassroots unions, professional unions, and building a strong Trade Union;
d) Providing training and refresher training for trade union officials; outstanding employees to become potential officials for Communist Party of Vietnam, State, and Trade Union organizations.
e) Organizing emulation movements chaired or jointly launched by the Trade Unions;
g) Organizing cultural, sports, recreational, and tourism activities for union members and employees.
h) Rewarding and motivating employees and their children with academic and work achievements;
i) Investing in social housing for lease for trade union members and employees; relevant cultural, sports facilities, and technical infrastructure for trade union members and employees in accordance with law;
k) Gender equality activities aligned with the functions and tasks of the Trade Union organizations.
l) Scientific and technological research, innovation and digital transformation of the Trade Union organizations.
...
...
...
m) Payments of salary, allowances, and deductions for full-time trade union officials; activity allowances for part-time trade union officials;
o) Providing assistance to part-time trade union officials during unemployment or when they cannot return to their previous jobs due to unlawful termination of their employment contracts, working contracts or dismissal.
o) Providing assistance to grassroots trade unions eligible for exemption, reduction, or suspensions of payment of trade union contribution as specified in Article 30 of this Law to care for trade union members and employees
q) Social activities organized or co-organized by Trade Unions.
h) Other expenditures as prescribed by law.
3. The preparation and implementation of estimates, accounting, settlement, and disclosure of state budget support funds shall comply with the law on state budget, accounting, and statistics.
4. The Vietnam General Confederation of Labor shall organize the hierarchy of collection and distribution of trade union contributions. In places where there are internal employee organizations in enterprises, the amount of trade union contributions allocated to grassroots levels is distributed based on the number of members participating in compulsory social insurance, the contribution amount, and the total number of employees participating in compulsory social insurance.
5. After consultation with the government, the Vietnam General Confederation of Labor shall issue standards, norms, and policies for spending, management, and use of trade union finances aligned with requirements of tasks of the Trade Unions.
6. The Government shall detail the management and use of trade union contributions of internal employee organizations in enterprises.
...
...
...
1. Property of Trade Union is obtained from contributions of trade union members, capital sources of Trade unions; financing of trade unions; assets built or purchased using state budgets and other sources in accordance with the law.
2. The management, use of property of trade unions shall be carries out as follows:
a) The management and use of trade union property at the Vietnam General Confederation of Labor, provincial labor federations, central industrial and equivalent trade unions; district-level labor federations; local industrial trade unions; trade unions of economic groups; trade unions of corporations; trade unions of industrial parks, export processing zones, and high-tech zones; public service providers of Trade unions; wholly state-owned enterprises; and partially state-owned enterprises in accordance with laws on management and use of public property and other relevant laws;
b) The management and use of trade union property not specified in point a of this clause are carried out according to relevant laws and the Vietnam General Confederation of Labor.
3. The Vietnam General Confederation of Labor shall exercise the rights and responsibilities of the owner, the owner's representative body for enterprises where the Vietnam General Confederation of Labor holds 100% charter capital, and the portion of capital of the Vietnam General Confederation of Labor in enterprises is established by the Trade Union or entrusted for management.
1. The management and use of trade union finances at all levels must be inspected and audited in accordance with the regulations of the Vietnam General Confederation of Labor and aligned with laws in auditing and relevant laws.
2. The superior trade unions shall provide guidance, inspect, and supervise the implementation of financial tasks of the subordinate trade unions in accordance with the law and the regulations of the Vietnam General Confederation of Labor.
3. Competent authorities shall conduct inspections, audits, and supervision of the management and use of trade union finances in accordance with law.
4. Every two years, the Vietnam General Confederation of Labor shall report to the National Assembly on their revenue, expenditure, and management of trade union finances.
...
...
...
Article 34. Public disclosure of trade union finance
Trade unions at all levels must annually disclose their finances at trade union executive committee meetings in one of the following methods:
1. Posting at the workplace of the agency, organization, unit, enterprise;
2. Written notification to relevant agencies, organizations, units, enterprises, individuals;
3. Announcement at annual staff meetings;
4. Posting on the websites of the agency, organization, unit, enterprise.
SETTLEMENTATION OF DISPUTES OVER TRADE UNION RIGHTS, HANDLING OF VIOLATIONS OF LAW ON TRADE UNION
Article 35. Settlement of disputes over trade union rights
...
...
...
2. The settlement of disputes over trade union rights in other relations is carried out in accordance with relevant laws.
3. For disputes over trade union rights concerning employers failing or refusing to fulfill obligations towards the Trade Union not covered in clauses 1 and 2 of this Article, the grassroots trade union or the immediate superior trade union shall propose to the competent state agency to resolve the matter in accordance with the law.
Article 36. Handling of violations of law on trade union
1. Agencies, organizations, enterprises or individuals committing violations against this Law or other laws relating to trade union, shall, depending on nature and extent of violations, be disciplined, sanctioned, or prosecuted as prescribed by law.
2. The Government shall detail sanctions of administrative violation against law on trade union.
This Circular comes into force from July 01, 2025.
...
...
...
This Law was ratified by the 15th National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam at its 8th session on November 27, 2024.
CHAIRMAN OF
THE NATIONAL ASSEMBLY
Tran Thanh Man
;
Luật Công đoàn 2024
Số hiệu: | 50/2024/QH15 |
---|---|
Loại văn bản: | Luật |
Nơi ban hành: | Quốc hội |
Người ký: | Trần Thanh Mẫn |
Ngày ban hành: | 27/11/2024 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Luật Công đoàn 2024
Chưa có Video