Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 43/KH-UBND

Kiên Giang, ngày 16 tháng 02 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ CÔNG TÁC HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2021-2030” TRONG NĂM 2024 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG

Thực hiện Quyết định số 345/QĐ-TTg ngày 05 tháng 4 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030”; Kế hoạch số 173/KH-UBND ngày 30 tháng 6 năm 2023 triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” trong năm 2024 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục các vướng mắc, bất cập.

b) Tiếp tục đổi mới toàn diện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành; huy động các nguồn lực xã hội; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

c) Triển khai đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tạo chuyển biến mạnh trong chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

2. Yêu cầu

a) Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo đúng yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09 tháng 11 năm 2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; gắn với việc tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của doanh nghiệp, người dân và nâng cao chất lượng, hiệu quả của tổ chức pháp chế của các sở, ban, ngành.

b) Các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phải có trọng tâm, trọng điểm, thực chất, khả thi, từng bước chuyên nghiệp và mang tính bền vững; đảm bảo đáp ứng đúng nhu cầu của doanh nghiệp và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

c) Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước, tổ chức đại diện doanh nghiệp; giữa Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức cung ứng dịch vụ pháp lý trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; các cơ quan Nhà nước phải luôn đồng hành với doanh nghiệp, lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển; doanh nghiệp cần đề cao ý thức tuân thủ pháp luật theo nguyên tắc pháp quyền.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

a) Hoạt động rà soát, đề xuất hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp

- Rà soát các quy định của pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

- Tăng cường khảo sát, kịp thời đối thoại với doanh nghiệp nhằm xác định đúng các khó khăn, vướng mắc pháp lý để đề xuất hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật liên quan đến doanh nghiệp.

b) Kết quả đầu ra: Tập hợp các khó khăn, vướng mắc pháp lý, từ đó đề xuất hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật liên quan đến doanh nghiệp gửi cơ quan có thẩm quyền và Sở Tư pháp (để tổng hợp).

c) Cơ quan, tổ chức chủ trì: Các sở, ban, ngành tỉnh theo lĩnh vực quản lý chuyên ngành.

d) Cơ quan, tổ chức phối hợp: Sở Tư pháp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh, Hội Luật gia tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh.

đ) Thời gian thực hiện: Năm 2024.

2. Nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người làm công tác pháp chế, người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và đội ngũ tư vấn viên, tuyên truyền viên pháp luật

a) Tăng cường tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ để nâng cao năng lực, nhận thức và trách nhiệm trong triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

- Hoạt động: Tăng cường tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ cho người làm công tác pháp chế, người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; đội ngũ tư vấn viên, tuyên truyền viên pháp luật; tăng cường nhận thức pháp lý cho doanh nghiệp.

- Kết quả đầu ra: Các tài liệu, các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tập huấn kỹ năng nghiệp vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cho người làm công tác pháp chế, người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; đội ngũ tư vấn viên, tuyên truyền viên pháp luật, người làm công tác pháp chế tại doanh nghiệp.

- Cơ quan chủ trì: Các sở, ban, ngành tỉnh theo lĩnh vực quản lý chuyên ngành.

- Cơ quan, tổ chức phối hợp: Sở Tư pháp, các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan, Đoàn Luật sư tỉnh, Hội Luật gia tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh.

- Thời gian thực hiện: Năm 2024.

b) Tăng cường phối hợp giữa các sở, ban, ngành; giữa cơ quan Nhà nước với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh, Hội Luật gia tỉnh và tổ chức hành nghề luật sư trong việc tổ chức các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

- Hoạt động: Tăng cường trao đổi thông tin, xây dựng cơ chế phối hợp trong triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giữa cơ quan Nhà nước, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh, Hội Luật gia tỉnh và doanh nghiệp.

- Kết quả đầu ra: Các quy chế phối hợp và các hoạt động phối hợp được triển khai đồng bộ, hiệu quả.

- Cơ quan chủ trì: Các sở, ban, ngành tỉnh.

- Cơ quan, tổ chức phối hợp: Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh, Hội Luật gia tỉnh.

- Thời gian thực hiện: Năm 2024.

c) Đổi mới cách thức tiếp cận và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

- Hoạt động:

+ Nghiên cứu đổi mới cách thức tiếp cận đối với doanh nghiệp (chủ động hơn, đa dạng hóa hình thức tiếp cận qua mạng xã hội, các kênh truyền thông...).

+ Nghiên cứu đổi mới cách thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (giảm bớt thủ tục, ưu tiên thực hiện trực tuyến qua email, mạng xã hội...).

+ Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn người làm công tác hỗ trợ pháp lý về đổi mới cách thức tiếp cận doanh nghiệp, đổi mới cách thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

- Kết quả đầu ra:

+ Các báo cáo nghiên cứu về các giải pháp đổi mới cách thức tiếp cận và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được đa dạng, hiệu quả, thiết thực, gần gũi doanh nghiệp hơn.

+ Các lớp bồi dưỡng, tập huấn người làm công tác hỗ trợ pháp lý về đổi mới cách thức tiếp cận doanh nghiệp, đổi mới cách thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.

- Cơ quan, tổ chức phối hợp: Các sở, ban, ngành tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh, Hội Luật gia tỉnh.

- Thời gian thực hiện: Năm 2024.

d) Triển khai các hoạt động truyền thông phục vụ công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

- Hoạt động:

+ Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá đối với các chương trình, sản phẩm, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

+ Kết nối truyền thông liên quan công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giữa các cơ quan Nhà nước, giữa cơ quan Nhà nước với doanh nghiệp.

- Kết quả đầu ra: Doanh nghiệp biết và sử dụng kết quả của các chương trình, sản phẩm, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhiều hơn, thực chất hơn (qua kết quả khảo sát).

- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp và các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành.

- Cơ quan, tổ chức phối hợp: Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh.

- Thời gian thực hiện: Năm 2024.

3. Triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

a) Tổ chức đối thoại giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật liên quan đến doanh nghiệp

- Hoạt động: Tổ chức diễn đàn kinh doanh và pháp luật, hội nghị đối thoại giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với doanh nghiệp.

- Kết quả đầu ra: Hội nghị đối thoại giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với doanh nghiệp và các đề xuất, kiến nghị đối với cơ quan có thẩm quyền về hoàn thiện pháp luật và nâng cao chất lượng hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật liên quan đến doanh nghiệp.

- Cơ quan chủ trì: Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh.

- Cơ quan, tổ chức phối hợp: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và các sở, ban, ngành có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Năm 2024.

b) Giải quyết các vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp

- Hoạt động: Thực hiện tiếp nhận yêu cầu và giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp.

- Kết quả đầu ra: Các văn bản thực hiện giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp.

- Cơ quan đầu mối tiếp nhận: Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh.

- Cơ quan phối hợp: Các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành.

- Thời gian thực hiện: Năm 2024.

c) Tăng cường xã hội hóa hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

- Hoạt động: Tăng cường xã hội hóa công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; khuyến khích các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp, cá nhân tham gia hỗ trợ, triển khai đề án, chương trình, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

- Kết quả đầu ra: Số lượng hoạt động, nguồn lực cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được xã hội hóa, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính.

- Cơ quan, tổ chức phối hợp: Các sở, ban, ngành tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh, Hội Luật gia tỉnh.

- Thời gian thực hiện: Năm 2024.

d) Đánh giá, kiểm tra, khen thưởng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

- Hoạt động: Tổ chức các hoạt động đánh giá, kiểm tra, khen thưởng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

- Kết quả đầu ra:

+ Bộ tiêu chuẩn mẫu đánh giá hiệu quả việc tổ chức các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và đánh giá hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức các hoạt động hỗ trợ pháp lý.

+ Báo cáo nghiên cứu về cơ chế đánh giá, kiểm tra, khen thưởng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

+ Báo cáo kết quả đánh giá, kiểm tra, khen thưởng.

- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.

- Cơ quan, tổ chức phối hợp: Các sở, ban, ngành tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh, Hội Luật gia tỉnh.

- Thời gian thực hiện: Năm 2024.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phân công trách nhiệm

a) Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch này.

b) Các sở, ban, ngành tỉnh; Đoàn Luật sư tỉnh, Hội Luật gia tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức thực hiện, hỗ trợ các hoạt động của Kế hoạch trong phạm vi, lĩnh vực mình quản lý.

2. Kinh phí thực hiện

a) Kinh phí thực hiện Kế hoạch do ngân sách Nhà nước đảm bảo, được bố trí trong dự toán ngân sách Nhà nước hằng năm (và/hoặc đầu tư công) của sở, ban, ngành tỉnh có liên quan theo pháp luật hiện hành. Hằng năm, căn cứ vào nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch, các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan có trách nhiệm lập dự toán kinh phí thực hiện Kế hoạch và tổng hợp vào dự toán chung của sở, ban, ngành tỉnh được giao chủ trì thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch.

Việc quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Kế hoạch được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công, các văn bản hướng dẫn thi hành và pháp luật có liên quan.

b) Sở Tư pháp có trách nhiệm lập dự toán thực hiện Kế hoạch theo quy định của pháp luật để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

c) Các cơ quan, tổ chức được huy động các nguồn kinh phí hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để triển khai, thực hiện Kế hoạch. Việc sử dụng các nguồn kinh phí huy động phải đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả theo đúng quy định của pháp luật.

3. Chế độ báo cáo

Các sở, ban, ngành và cơ quan, tổ chức có liên quan báo cáo kết quả thực hiện về Sở Tư pháp trước ngày 15/10/2024 để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Tư pháp theo quy định.

Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch, nếu có khó khăn, vướng mắc, các sở, ban, ngành tỉnh; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh, Hội Luật gia tỉnh phản ánh về Sở Tư pháp tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Nhàn

 

 

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Kế hoạch 43/KH-UBND thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” trong năm 2024 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang

Số hiệu: 43/KH-UBND
Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Kiên Giang
Người ký: Nguyễn Thanh Nhàn
Ngày ban hành: 16/02/2024
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [5]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Kế hoạch 43/KH-UBND thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” trong năm 2024 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang

Văn bản liên quan cùng nội dung - [3]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…