Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4194/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 13 tháng 9 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

HOÀN THIỆN MÔ HÌNH THÍ ĐIỂM, NHÂN RỘNG MÔ HÌNH HỢP TÁC XÃ KIỂU MỚI GIAI ĐOẠN 2021-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 03/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025”;

Thực hiện Quyết định số 1679/QĐ-UBND ngày 01/09/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phê duyệt danh sách hợp tác xã tham gia Đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025” và Kế hoạch số 5776/KH-UBND ngày 23/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai hoàn thiện hợp tác xã tham gia Đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025”; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hoàn thiện mô hình thí điểm, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh với các nội dung như sau:

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN LỰA CHỌN MÔ HÌNH HTX THÍ ĐIỂM

1. Kết quả phê duyệt HTX tham gia Đề án:

Căn cứ Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 03/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2696/KH-UBND ngày 02/6/2021 triển khai lựa chọn hợp tác xã tham gia Đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025”. Qua phân tích đánh giá các tiêu chí, Ủy ban nhân dân tỉnh đã lựa chọn và phê duyệt các hợp tác xã (HTX) tham gia Đề án (tại Quyết định số 1679/QĐ-UBND ngày 01/9/2021), đáp ứng các tiêu chí HTX có nhiều thành viên tham gia, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; sản xuất sản phẩm đặc thù của địa phương, liên kết với doanh nghiệp; tham gia chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ cao và có đông thành viên là nữ, gồm:

- Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú.

- Hợp tác xã Gốm chăm Bàu Trúc.

- Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại Nông nghiệp An Xuân.

- Hợp tác xã Nho Evergreen Ninh Thuận.

Trên cơ sở phê duyệt danh sách 04 HTX tham gia Đề án, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục ban hành Kế hoạch số 5776/KH-UBND ngày 23/10/2021 triển khai hoàn thiện hợp tác xã tham gia Đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh.

2. Kết quả công tác hỗ trợ:

a) Về hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực: Từ nguồn kinh phí sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đã hỗ trợ đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại các HTX[1], với tổng kinh phí hỗ trợ 228,12 triệu đồng. Đồng thời thông qua dự án tài trợ của tổ chức SOCODEVI - Canada đã hỗ trợ HTX Nho Evergreen tuyển dụng 02 lao động có trình độ đại học làm việc tại HTX. Mô hình thí điểm đưa cán bộ trẻ về làm việc có thời hạn tại các HTX đáp ứng tốt nhu cầu nguồn nhân lực cho HTX.

b) Hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường:

- Về xúc tiến thương mại: Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại quốc gia và địa phương đã hỗ trợ các HTX[2] tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh nhằm hỗ trợ cho các sản phẩm tiềm năng của HTX trên địa bàn tỉnh có cơ hội quảng bá sản phẩm, đưa hàng hóa đến với người tiêu dùng trên cả nước, với tổng kinh phí hỗ trợ 70 triệu đồng. Thông qua các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu, các sản phẩm và đặc sản của tỉnh bước đầu được người tiêu dùng nhận diện và đánh giá cao về nhãn hiệu, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và chiếm được niềm tin của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

- Về phát triển sản phẩm OCOP: Đến nay, có 03 HTX[3] đã tham gia Chương trình OCOP với 08 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh (trong đó 02 sản phẩm xếp hạng 4 sao và 06 sản phẩm xếp hạng 3 sao), góp phần nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp đặc thù của địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

- Về sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu: Tỉnh đã hỗ trợ HTX đăng ký tham gia sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Kết quả có 02 HTX đạt giải các cấp[4], với tổng kinh phí được trao giải là 21,468 triệu đồng và 02 HTX[5] có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đạt giải cấp khu vực.

c) Hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm: Từ nguồn ngân sách địa phương tỉnh đã bố trí vốn hỗ trợ cho các HTX với số tiền 20.000 triệu đồng trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025[6] và Ủy ban nhân dân tỉnh đã phân bổ cho Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố để hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm cho các HTX[7]. Đến nay, các địa phương đã hỗ trợ cho 02 HTX[8] thực hiện dự án xây dựng nhà máy xay xát lúa, sấy nông sản và thiết bị sơ chế nông sản, với số tiền hỗ trợ 2.842 triệu đồng. Đồng thời, từ nguồn kinh phí Khuyến công địa phương đã hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong chế biến nho sấy cho HTX Nho Evergreen Ninh Thuận, với tổng kinh phí thực hiện 274,32 triệu đồng[9].

d) Hỗ trợ ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới: Tỉnh đã hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhận diện, truy xuất nguồn gốc cho 05 sản phẩm được chứng nhận OCOP của tỉnh gắn với các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, chứng nhận chất lượng cho các HTX. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị cho các sản phẩm OCOP của tỉnh, thông qua việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, hệ thống quảng bá, nhận diện, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm được chứng nhận OCOP của tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú đăng ký thiết kế nhãn hiệu, in tem cho sản phẩm măng tây xanh, với kinh phí: 60 triệu đồng.

3. Đánh giá chung:

a) Kết quả đạt được:

Qua thực hiện Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 03/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã bước đầu đạt một số kết quả, trong đó đã chọn các mô hình hợp tác xã tiêu biểu, đại diện ở các lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp để từng bước xây dựng trở thành HTX kiểu mẫu nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phổ biến sâu rộng về vai trò, vị trí của kinh tế tập thể (KTTT), HTX để tạo sự chuyển biến rõ nét về chất lượng của các HTX được lựa chọn tham gia Đề án giai đoạn 2021-2025 làm cơ sở để nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả, thúc đẩy KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh phát triển hiệu quả, bền vững.

Đến nay, các HTX này đều hoạt động đúng theo quy định của Luật Hợp tác xã, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho thành viên. Kết quả đánh giá phân loại HTX năm 2022 theo Thông tư số 01/2020/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 03/04 HTX xếp loại tốt và 01/04 HTX xếp loại khá.

b) Khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân:

- Công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Đề án và Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án chưa thường xuyên, chưa tạo sức hút để người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia, liên kết với HTX.

- Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 có nhiều nội dung hỗ trợ nhưng nguồn vốn chủ yếu thực hiện từ ngân sách địa phương, trong khi khả năng cân đối nguồn kinh phí của tỉnh còn hạn chế nên không đủ đáp ứng nhu cầu của HTX; nguồn kinh phí từ Trung ương trong giai đoạn 2021-2025 chưa được phân bổ để hỗ trợ Tỉnh thực hiện Chương trình.

II. NỘI DUNG HOÀN THIỆN MÔ HÌNH THÍ ĐIỂM

1. Mục tiêu:

a) Mục tiêu tổng quát:

- Xây dựng, hoàn thiện các mô hình HTX tham gia Đề án trở thành HTX kiểu mới hiệu quả, làm cơ sở để nhân rộng, thúc đẩy phát triển bền vững khu vực KTTT, HTX, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

- Hoàn thiện mô hình HTX kiểu mới hiệu quả là yếu tố nền tảng quan trọng nhằm tạo lòng tin, sức hút để người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia liên kết với HTX; đồng thời nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan chức năng và người dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của HTX trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Các HTX tham gia Đề án sau khi kết thúc Kế hoạch được đánh giá xếp loại tốt, đạt từ 80 điểm trở lên theo quy định tại Thông tư số 01/2020/TT-BKHĐT ngày 19/02/2020 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tư hướng dẫn phân loại và đánh giá HTX. Điểm đánh giá mỗi tiêu chí theo Thông tư số 01/2020/TT- BKHĐT của HTX phải bằng hoặc cao hơn so với ban đầu; chú trọng các tiêu chí có điểm số lớn như: tăng lợi nhuận trước thuế, tổng nguồn vốn bình quân của HTX, tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, chấp hành pháp luật trong hoạt động của HTX; tiếp nhận và sử dụng vốn hỗ trợ của Nhà nước đúng nguyên tắc, quy định và hiệu quả.

- Xây dựng, đề xuất phương án nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới hiệu quả giai đoạn 2026-2030.

2. Tiến độ hoàn thiện các HTX tham gia Đề án:

a) Từ Quý IV/2024 đến Quý I/2025:

- Các cơ quan chức năng tăng cường hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ, tạo điều kiện về vốn, nguồn lực để phát triển sản xuất, kinh doanh cho các HTX tham gia Đề án:

+ Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn quản lý, điều hành cho lãnh đạo các HTX tham gia Đề án gắn với tham quan thực tế mô hình HTX sản xuất, kinh doanh hoạt động thiết thực, hiệu quả trong tỉnh và các tỉnh, thành liên quan.

+ Tăng cường phối hợp, hỗ trợ các HTX tham gia Đề án; tạo điều kiện giúp các HTX tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn các HTX xây dựng các dự án, đề án nâng cao năng lực tổ chức và hoạt động.

+ Hỗ trợ các HTX nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; đi sâu hỗ trợ tập huấn cho thành viên và người lao động về kỹ thuật trồng, chăm sóc các sản phẩm, nguyên liệu đầu vào hướng tới đạt tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, sản phẩm OCOP và các tiêu chuẩn xuất khẩu; tạo điều kiện để các HTX tham gia Đề án liên kết với nhau và liên kết với các thành phần kinh tế khác, với các cơ quan, tổ chức khoa học, các Sở, ngành liên quan, các ngân hàng thương mại; kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ các HTX tham gia Đề án trong việc nghiên cứu dự báo thị trường và bao tiêu sản phẩm; hỗ trợ HTX tham gia Đề án trong việc quảng bá, xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ triển lãm, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, kết nối giao thương, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ.

- Các HTX tham gia Đề án tập trung đổi mới, nâng cao năng lực tổ chức quản trị, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, để đạt tiêu chí HTX kiểu mới hiệu quả:

+ Xây dựng kế hoạch để triển khai hoàn thiện HTX thí điểm phù hợp với điều kiện hỗ trợ của Nhà nước.

+ Tập trung đổi mới, kiện toàn bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả, chuẩn hóa các quy trình để nâng cao năng lực quản trị HTX đúng theo mô hình quản trị tiên tiến; thực hiện tốt quy định quản lý tài chính, kế toán, kiểm toán độc lập; cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, thường xuyên đến các thành viên HTX.

+ Triển khai có hiệu quả phương án sản xuất, kinh doanh, thu hút thêm thành viên tham gia và huy động tăng vốn điều lệ và vốn sản xuất, kinh doanh quay vòng theo chu kỳ; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị; ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật; hợp tác với doanh nghiệp, liên kết với các HTX khác để làm dịch vụ gắn với chuỗi giá trị nông sản chủ lực.

b) Quý II/2025: Tiến hành kiểm tra, đánh giá, báo cáo tổng kết Kế hoạch thực hiện và tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận HTX tham gia Đề án đạt tiêu chí HTX kiểu mới hiệu quả giai đoạn 2021-2025.

c) Quý III/2025:

- Tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện và Kế hoạch số 5776/KH- UBND ngày 23/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Xây dựng phương án nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả giai đoạn 2026-2030 trên địa bàn tỉnh.

3. Nhiệm vụ, giải pháp thực hiện:

a) Nâng cao năng lực điều hành và hoạt động của HTX:

- Nội dung thực hiện:

+ Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản trị của cán bộ quản lý, điều hành HTX; hỗ trợ, tư vấn xây dựng hoặc sửa đổi điều lệ, phương án sản xuất kinh doanh; hướng dẫn và thực hiện các thủ tục sắp xếp, củng cố lại tổ chức, hoạt động của HTX cho phù hợp với các quy định hiện hành.

+ Hỗ trợ đưa lao động trẻ về làm việc tại HTX để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực HTX; cung cấp thông tin, tư vấn, tập huấn, phổ biến quy định pháp luật về kinh tế tập thể, HTX.

+ Tập huấn, đào tạo về kỹ năng tổ chức sản xuất và tham gia chuỗi giá trị nông sản, liên kết sản xuất thông qua hợp đồng, ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất kinh doanh, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo và hỗ trợ thủ tục chứng nhận tiêu chuẩn nuôi trồng, …

- Cơ chế hỗ trợ: Các nội dung hỗ trợ về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nguồn nhân lực, hỗ trợ đưa lao động trẻ về làm việc tại HTX là khoản hỗ trợ không hoàn lại được thực hiện lồng ghép vào chương trình của các đơn vị chủ trì, phối hợp hỗ trợ cho các HTX; kinh phí bố trí từ nguồn ngân sách trung ương và nguồn ngân sách tỉnh giao hàng năm cho các cơ quan, đơn vị.

b) Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm:

- Nội dung thực hiện:

+ Tăng cường quảng bá sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của HTX; mở rộng các hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm HTX trong và ngoài tỉnh vào một số thị trường, khách hàng trọng điểm nhằm tạo thuận lợi cho các HTX kết nối với doanh nghiệp và người tiêu dùng, từng lúc đưa nông sản địa phương gia nhập, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.

+ Hỗ trợ cho HTX tham gia trưng bày sản phẩm tại các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm của HTX trên hệ thống cửa hàng OCOP; tham gia hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa; tổ chức hệ thống thông tin về các thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản, thực hiện việc hỗ trợ cung cấp thông tin kịp thời về thị trường cho HTX để chủ động trong sản xuất kinh doanh.

- Cơ chế hỗ trợ: Các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho các HTX là khoản hỗ trợ không hoàn lại được thực hiện theo chính sách của Nhà nước và lồng ghép vào các chương trình, dự án của các đơn vị chủ trì, vốn đối ứng của HTX; kinh phí được bố trí từ nguồn ngân sách Trung ương và nguồn ngân sách tỉnh cho các cơ quan, đơn vị.

c) Ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới:

- Nội dung thực hiện:

+ Hỗ trợ nghiên cứu phát triển sản phẩm; tư vấn thiết kế bao bì; xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận chất lượng sản phẩm của HTX.

+ Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về tiến bộ khoa học và công nghệ, phát triển tài sản trí tuệ, phát triển thương mại điện tử; áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm; ứng dụng thương mại điện tử.

- Cơ chế hỗ trợ: Các hoạt động hỗ trợ ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới cho các HTX là khoản hỗ trợ không hoàn lại được thực hiện lồng ghép vào các chương trình hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật cho các HTX, kinh phí được bố trí từ nguồn ngân sách Trung ương, nguồn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác.

d) Đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm:

- Nội dung thực hiện: Trong giai đoạn 2024-2025, tập trung tối đa các nguồn lực để hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm cho các HTX tham gia thí điểm; tranh thủ lồng ghép hỗ trợ từ các chương trình, dự án, đề án khác đang được triển khai trên địa bàn tỉnh.

- Cơ chế hỗ trợ: Các nội dung hỗ trợ được thực hiện theo kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021-2025; đồng thời thực hiện theo cơ chế hỗ trợ sau đầu tư.

đ) Huy động nguồn lực tài chính cho HTX: Tạo điều kiện để HTX được tiếp cận nguồn vốn vay, nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, dự án của Trung ương, địa phương, ngân hàng thương mại, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX; thu hút các doanh nghiệp có tiềm năng về vốn, kỹ thuật và thị trường tham gia liên kết kinh doanh với các HTX; doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ phát triển HTX; bổ sung thành viên là doanh nghiệp vào HTX.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Ngân sách Trung ương (nguồn vốn từ Bộ, ngành Trung ương; nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác).

2. Ngân sách địa phương (vốn đầu tư, vốn sự nghiệp) giai đoạn 2021-2025.

3. Huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan hướng dẫn, theo dõi và kiểm tra việc triển khai thực hiện Kế hoạch; thực hiện rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh các chính sách hỗ trợ HTX.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Đề án; quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện hỗ trợ của Nhà nước đối với HTX thí điểm trong quá trình hoàn thiện mô hình.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức tổng kết đánh giá và rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Kế hoạch; chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tham mưu xây dựng và đề xuất giải pháp, phương án phổ biến nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2026-2030.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn việc tổ chức lại các HTX theo Luật Hợp tác xã năm 2023 đảm bảo phù hợp, kịp thời; hướng dẫn đẩy mạnh việc đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả KTTT, HTX trong giai đoạn mới trên địa bàn tỉnh.

2. Liên minh Hợp tác xã tỉnh:

- Tổ chức tuyên truyền các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các mô hình HTX kiểu mới hiệu quả.

- Phối hợp tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho các HTX; liên doanh, liên kết giới thiệu quảng bá sản phẩm cho HTX tham gia Đề án; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan huy động các nguồn vốn ưu đãi hợp pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho các HTX tham gia Đề án.

3. Sở Tài chính căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách của địa phương và các nguồn kinh phí thực hiện, Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị có liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí dự toán kinh phí hàng năm để thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch; xét duyệt, thẩm định quyết toán kinh phí đối với các đơn vị sử dụng ngân sách theo đúng quy định hiện hành; phối hợp các cơ quan đơn vị liên quan góp ý các chế độ chính sách liên quan đến việc hỗ trợ phát triển KTTT, HTX.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, cân đối để tham mưu cấp thẩm quyền bố trí vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để thực hiện Kế hoạch.

- Chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị, Ủy ban nhân dân huyện thực hiện củng cố, tổ chức hoạt động, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho các HTX nông nghiệp gắn với xây dựng vùng sản xuất tập trung, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh.

- Hướng dẫn, theo dõi hỗ trợ các HTX nông nghiệp tham gia Đề án đã lựa chọn; phối hợp sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư để xây dựng và đề xuất giải pháp, phương án phổ biến nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2026-2030.

5. Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền quy định chủ động triển khai các nội dung khuyến công, khoa học công nghệ, mở rộng thị trường, hỗ trợ, tạo điều kiện các HTX tham gia Đề án được quảng bá, xúc tiến thương mại..., sớm hoàn thiện mô hình HTX kiểu mới hiệu quả.

6. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh chủ động tiếp cận, triển khai các cơ chế chính sách về tiền tệ, tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ HTX tham gia Đề án tiếp cận nguồn tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh liên kết theo chuỗi giá trị; tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục cho vay để tạo điều kiện cho HTX tham gia Đề án có nhiều cơ hội tiếp cận vốn vay.

7. Ủy ban nhân dân huyện Ninh Phước, huyện Ninh Hải và Ủy ban nhân dân thành phố Phan Rang - Tháp Chàm:

- Xây dựng Kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện đối với HTX được lựa chọn tham gia Đề án; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc lập, phân bổ dự toán kinh phí thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch và xét duyệt, thẩm định quyết toán kinh phí đối với các đơn vị sử dụng ngân sách theo đúng quy định.

- Trực tiếp triển khai thực hiện các nội dung hỗ trợ của nhà nước đối với HTX tham gia Đề án bảo đảm đúng tiến độ, kinh phí và nội dung theo quy định; chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các HTX trong quá trình thực hiện Kế hoạch.

- Hướng dẫn các HTX thực hiện đúng nội dung HTX tham gia Đề án đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Kết thúc giai đoạn, đảm bảo HTX tham gia Đề án của huyện đều được đánh giá xếp loại Tốt, đạt từ 80 điểm trở lên theo Thông tư số 01/2020/TT-BKHĐT ngày 19/02/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; tổng điểm đánh giá ở mỗi tiêu chí đều đạt và vượt theo tiêu chí đã được xác lập trong Kế hoạch số 5435/KH-UBND ngày 09/9/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tạo điều kiện cho các HTX khác tham gia, học tập, nhân rộng các mô hình HTX đã hoàn thiện.

8. Các HTX tham gia Đề án:

- Xây dựng Kế hoạch để triển khai hoàn thiện HTX thí điểm; chủ động đề xuất và phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan hoàn thiện hồ sơ, thụ hưởng các chính sách hỗ trợ; xây dựng kế hoạch, tiến độ thực hiện các công việc đảm bảo thời gian, đạt hiệu quả, báo cáo tiến độ thực hiện kế hoạch về Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định.

- Chủ động rà soát tổ chức, hoạt động của HTX, kiện toàn, sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện và lưu trữ đầy đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan; tăng cường giải pháp để sớm giải quyết, khắc phục khó khăn vướng mắc còn tồn tại; chuẩn hóa các quy trình HTX theo mô hình quản trị tiên tiến.

- Thực hiện tốt nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động; tăng tính tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm và nâng cao tính tự quyết của thành viên; lấy lợi ích của thành viên làm mục tiêu cho hoạt động của HTX; thực hiện chế độ quản lý tài chính, kế toán theo quy định.

- Triển khai phương án sản xuất kinh doanh, tập trung vào các nội dung, tiêu chí hoàn thiện theo kế hoạch như: huy động tăng vốn sản xuất, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị; ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số vào hoạt động HTX; mở rộng hợp tác liên kết với doanh nghiệp, HTX khác theo chuỗi giá trị; thu hút thêm thành viên tham gia, cung cấp thêm các sản phẩm dịch vụ cho các thành viên HTX.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện hoàn thiện mô hình thí điểm, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; yêu cầu các Sở, ngành liên quan, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện: Ninh Phước, Ninh Hải, Ủy ban nhân dân Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư (trước ngày 10/6 và trước ngày 10/12 hàng năm) để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (b/cáo);
- TT: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (b/cáo);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Các cơ quan, đơn vị tại Mục IV;
- VPUB: LĐ, TCD, VXNV, KTTH;
- Lưu: VT. HC

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Trịnh Minh Hoàng

 



[1] Gồm: HTX SX & TM NN An Xuân và HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú.

[2] Gồm: HTX Gốm Bàu Trúc, HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, HTX SX & TM NN An Xuân và HTX Nho Evergreen Ninh Thuận.

[3] Gồm: HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, HTX SX & TM NN An Xuân và HTX Nho Evergreen Ninh Thuận.

[4] Cụ thể: Cấp huyện (năm 2021): 02 HTX Gốm chăm Bàu Trúc và HTX Nho Evergreen Ninh Thuận, đạt 06 giải với kinh phí hỗ trợ: 1,682 triệu đồng/giải; Cấp tỉnh (năm 2021): 02 HTX Gốm chăm Bàu Trúc và HTX Nho Evergreen Ninh Thuận, đạt 3 giải với kinh phí hỗ trợ: 3,792 triệu đồng/giải.

[5] Gồm: HTX Gốm chăm Bàu Trúc; HTX Nho Evergreen Ninh Thuận.

[6] Theo Nghị quyết số 103/NQ-HĐND ngày 31/8/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

[7] Quyết định số 871/QĐ-UBND ngày 22/12/2021 về phân bổ chi tiết vốn hỗ trợ hợp tác xã và vốn hỗ trợ thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông thuộc nguồn cân đối ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025.

[8] Gồm: HTX SX&TM NN An Xuân, với kinh phí hỗ trợ 1.252 triệu đồng và HTX Dịch vụ Tổng hợp Tuấn Tú, với kinh phí hỗ trợ 1.590 triệu đồng.

[9] Trong đó: Kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 110 triệu đồng, đơn vị thụ hưởng 164,32 triệu đồng.

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Kế hoạch 4194/KH-UBND năm 2024 hoàn thiện mô hình thí điểm, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Số hiệu: 4194/KH-UBND
Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
Người ký: Trịnh Minh Hoàng
Ngày ban hành: 13/09/2024
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [4]
Văn bản được căn cứ - [2]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Kế hoạch 4194/KH-UBND năm 2024 hoàn thiện mô hình thí điểm, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Văn bản liên quan cùng nội dung - [3]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…