BỘ
XÂY DỰNG
******
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
08/2006/CT-BXD
|
Hà
Nội, ngày 04 tháng 05 năm 2006
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC KIỆN TOÀN TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC PHÁP CHẾ CƠ
QUAN BỘ VÀ CÁC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC TRỰC THUỘC BỘ
Trong những năm qua công tác pháp chế tại cơ
quan Bộ và tại các doanh nghiệp từng bước được củng cố và phát triển, góp phần
tích cực vào việc hoàn thành nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ và nâng cao hiệu
quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong việc tổ chức và thực hiện công
tác pháp chế tại cơ quan Bộ và các doanh nghiệp trực thuộc Bộ còn nhiều tồn tại
và hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu thực tế. Công tác soạn thảo văn bản pháp luật
còn chậm, chất lượng chưa cao; đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế còn thiếu
và hạn chế về trình độ chuyên môn nghiệp vụ; điều kiện làm việc còn nhiều khó
khăn. Tại các doanh nghiệp công tác pháp chế còn chưa được quan tâm đúng mức,
nhiều doanh nghiệp chưa có tổ chức pháp chế hoặc chưa bố trí cán bộ chuyên
trách làm công tác pháp chế. Do vậy, trong hoạt động của doanh nghiệp còn gặp
nhiều khó khăn ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Thực hiện Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày
18/5/2004 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế của
các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ
ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và doanh nghiệp nhà nước
(sau đây gọi tắt là Nghị định122/2004/NĐ-CP) và Thông tư liên tịch số
01/2005/TTLT/BTP-BNV ngày 24/1/2005 của Bộ Tư pháp - Bộ Nội vụ hướng dẫn thi
hành một số điều của Nghị định 122/2004/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Thông tư
01/2005/TTLT/BTP-BNV); để kiện toàn tổ chức và tăng cường công tác pháp chế nhằm
nâng cao hiệu quả quản lý, Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ thị:
1. Phổ biến, quán triệt sâu sắc
Nghị định 122/2004/NĐ-CP, Thông tư liên tịch 01/2005/TTLT/BTP-BNV chủ động xây
dựng chương trình, kế hoạch củng cố, kiện toàn, tăng cường công tác pháp chế của
cơ quan Bộ và các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của
thực tế và các quy định của Chính phủ.
2. Vụ Pháp chế rà soát đánh giá
tình hình thực tế của Vụ về số lượng, chất lượng cán bộ, công chức và các điều
kiện khác theo quy định của Nghị định 122/2004/NĐ-CP báo cáo Bộ trưởng trong
Quý II năm 2006, đề xuất biện pháp kiện toàn tổ chức biên chế của Vụ đảm bảo đủ
điều kiện hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao và các quy định tại Điều 2
và Điều 3 của Nghị định 122/2004/NĐ-CP.
3. Cục Quản lý nhà, Cục Giám định
nhà nước về chất lượng công trình xây dựng tổ chức một bộ phận chuyên trách làm
công tác pháp chế theo quy định tại Nghị định 122/2004/NĐ-CP, căn cứ chức năng,
nhiệm vụ, yêu cầu công việc và biên chế của đơn vị để lựa chọn mô hình tổ chức
pháp chế cho phù hợp, báo cáo Bộ trưởng xem xét quyết định trong Quý II/2006.
Chức danh, tiêu chuẩn của cán bộ làm công tác pháp chế tại Cục thực hiện theo
quy định tại Điều 11 của Nghị định 122/2004/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư
01/2005/TTLT/BTP-BNV.
Bộ phận pháp chế tại các Cục có nhiệm vụ giúp Cục
trưởng thực hiện việc quản lý nhà nước bằng pháp luật; chủ trì tổ chức thực hiện
công tác xây dựng pháp luật; rà soát, hệ thống hoá, kiểm tra văn bản quy phạm
pháp luật và phổ biến, giáo dục pháp luật trong các lĩnh vực thuộc chức năng quản
lý nhà nước của Cục.
4. Trong Quý II năm 2006, các Tổng
công ty, Công ty trực thuộc Bộ tập trung chỉ đạo xây dựng, củng cố tổ chức pháp
chế tại đơn vị mình theo quy định tại Nghị định 122/2004/NĐ-CP. Các doanh nghiệp
có thể thành lập Phòng hoặc Ban pháp chế phù hợp với điều kiện thực tế và tình
hình sản xuất kinh doanh của đơn vị. Trường hợp không thành lập Phòng hoặc Ban
pháp chế riêng thì phải giao cho một đơn vị đảm nhiệm công tác pháp chế và phải
cử cán bộ chuyên trách làm công tác pháp chế. Chức danh, tiêu chuẩn của cán bộ
làm công tác pháp chế tại doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 11 của
Nghị định 122/2004/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư 01/2005/TTLT/BTP-BNV. Các
doanh nghiệp đảm bảo kinh phí, điều kiện làm việc để bộ phận pháp chế tại doanh
nghiệp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 6 của Nghị định
122/2004/NĐ-CP.
5. Trong Quý II năm 2006, Vụ Tổ
chức cán bộ rà soát, đánh giá tổng hợp tình hình biên chế, tiêu chuẩn chức danh
của cán bộ, công chức làm công tác pháp chế tại cơ quan Bộ và các doanh nghiệp
Nhà nước trực thuộc Bộ; hướng dẫn các đơn vị xác định cụ thể về chức danh và cơ
cấu cán bộ làm công tác pháp chế theo quy định tại Điều 11 của Nghị định
122/2004/NĐ-CP; đề xuất trình Bộ trưởng biện pháp củng cố, tăng cường đội ngũ
cán bộ có đủ phẩm chất, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng với yêu cầu thực tế và
quy định của Chính phủ.
6. Vụ Pháp chế phối hợp với Bộ
Tư pháp, Bộ Nội vụ và các cơ sở đào tạo xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch
đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp
chế của các đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc Bộ nhằm nâng cao kiến thức pháp luật
và chuyên ngành đáp ứng yêu cầu quy định tại Nghị định 122/2004/NĐ-CP và hướng
dẫn tại Thông tư 01/2005/TTLT/BTP-BNV.
7. Kinh phí hỗ trợ cho các hoạt
động pháp chế như công tác xây dựng pháp luật, rà soát, kiểm tra và phổ biến,
giáo dục pháp luật được cân đối trong dự toán ngân sách thường xuyên hàng năm của
Bộ, trường hợp cần thiết thì lập dự toán riêng trình Bộ trưởng quyết định. Đối
với các đơn vị được giao dự toán ngân sách riêng thì kinh phí hỗ trợ cho công
tác pháp chế được cân đối trong dự toán ngân sách được giao hàng năm của đơn vị.
Văn phòng Bộ chủ trì, phối hợp với Trung tâm Tin
học đảm bảo điều kiện về phòng làm việc, trang thiết bị và các điều kiện khác
cho tổ chức pháp chế cơ quan Bộ; xây dựng, củng cố mạng thông tin, hệ thống cơ
sở dữ liệu pháp luật, đảm bảo hệ thống thông tin pháp luật luôn đầy đủ, cập nhật
và thông suốt.
8. Định kỳ 6 tháng và hàng năm
các đơn vị, doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện công tác pháp
chế và kiến nghị, đề xuất biện pháp giải quyết những vướng mắc, khó khăn gửi về
Vụ Pháp chế để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng.
Vụ pháp chế có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc
thực hiện Chỉ thị này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nội vụ;
- Bộ Tư pháp;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng;
- Cục QLN, Cục GĐNN về CLCTXD, Vụ TCCB, Vụ KTTC, VP Bộ, TTTin học;
- Các DNNN trực thuộc BXD;
- Công báo;
- Lưu VP, Vụ PC.
|
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Hồng Quân
|