ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/CT-UBND |
Nam Định, ngày 30 tháng 05 năm 2017 |
CHỈ THỊ
V/V CHẤN CHỈNH, NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG THANH TRA, KIỂM TRA ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NAM ĐỊNH
Trong những năm qua, công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra từng bước nâng cao, đặc biệt là đổi mới công tác xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra; khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp, giảm thiểu phiền hà cho doanh nghiệp.
Tuy vậy, ở một số địa phương, đơn vị hoạt động thanh tra nói chung và hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành nói riêng đối với doanh nghiệp vẫn còn một số hạn chế, gây phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp; sự phối hợp giữa các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra chưa chặt chẽ nên số cuộc thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp trong năm chưa giảm; thời gian thanh tra kéo dài; nội dung tranh tra chưa rõ ràng, có khi vượt ra ngoài thẩm quyền quản lý; chậm ban hành kết luận thanh tra, chưa làm rõ được dấu hiệu vi phạm, kiến nghị xử lý chưa cụ thể,...
Từ tình hình thực tế như trên; căn cứ Luật Thanh tra năm 2010; Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành trong tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện và thành phố Nam Định nghiêm túc quán triệt và chỉ đạo chặt chẽ công tác thanh tra thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao theo đúng quy định; trong đó, cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung sau đây:
1. Khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với doanh nghiệp. Chủ động rà soát, kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh kế hoạch thanh tra khi cần thiết theo hướng không làm tăng số cuộc thanh tra.
Trường hợp kế hoạch thanh tra, kiểm tra trùng lặp, chồng chéo với hoạt động Kiểm toán nhà nước, hoạt động của cơ quan Thanh tra cấp trên thì tổng hợp báo cáo Chánh Thanh tra tỉnh để thống nhất phương án xử lý theo quy định hiện hành, đảm bảo sự kế thừa kết quả thanh tra, kiểm toán, không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp, cần tiến hành rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt theo tinh thần trên.
2. Chỉ đạo tiến hành các cuộc thanh tra theo đúng định hướng, kế hoạch thanh tra đã phê duyệt; nội dung thanh tra phải giới hạn trong phạm vi quản lý của cấp, ngành mình; thời gian thanh tra, kiểm tra phải phù hợp với nội dung, đối tượng thanh tra, kiểm tra, có giải pháp tích cực để rút ngắn thời gian thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại doanh nghiệp, đơn vị. Ban hành kết luận thanh tra trong thời hạn theo quy định.
3. Trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chỉ ban hành quyết định thanh tra khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Kết luận thanh tra, kiểm tra phải xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm. Người ra quyết định thanh tra, kiểm tra; trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra; công chức thanh tra chuyên ngành phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kết luận, làm rõ nguyên nhân, mức độ vi phạm và việc xử lý đối với cá nhân, tổ chức có liên quan theo các dấu hiệu đã được xác định là căn cứ để ra Quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất. Không mở rộng phạm vi thanh tra, kiểm tra vượt quá nội dung của quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất.
4. Trường hợp phát hiện thấy nội dung, phạm vi thanh tra có chồng chéo, trùng lặp với cơ quan thực hiện chức năng thanh tra khác hoặc Kiểm toán nhà nước, Thủ trưởng cơ quan tiến hành thanh tra phải báo cáo ngay với Thủ trưởng cơ quan hành chính cùng cấp, cơ quan thanh tra cấp trên và cơ quan, đơn vị có liên quan để có giải pháp phù hợp tránh chồng chéo, trùng lặp và đảm bảo tính kế thừa trong hoạt động giữa các cơ quan, đơn vị.
5. Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành trong tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố
- Hàng năm, báo cáo Kế hoạch thanh tra, kiểm tra về Thanh tra tỉnh để tổng hợp, theo dõi.
- Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra trong phạm vi quản lý nhà nước của cấp, ngành mình; kịp thời phát hiện, xử lý chồng chéo, trùng lặp theo thẩm quyền về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra, kiểm tra; xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng trùng lặp, chồng chéo.
6. Căn cứ Kế hoạch số 58/KH-UBND ngày 11/7/2016 của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh canh, xúc tiến, thu hút đầu tư giai đoạn 2016 - 2020, Chánh Thanh tra tỉnh có trách nhiệm:
- Hàng năm, trên cơ sở kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố rà soát, tổng hợp, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo loại bỏ ngay các cuộc thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp trùng lặp, đảm bảo chỉ thanh tra, kiểm tra 01 lần/năm đối với mỗi doanh nghiệp, giảm tối đa thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
- Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh việc thực hiện kế hoạch thanh tra của các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, qua đó kịp thời phát hiện, xử lý kịp thời chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra theo thẩm quyền; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng trùng lặp, chồng chéo.
7. Các cơ quan, tổ chức và các cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng chồng chéo, trùng lặp; quyết định thanh tra, kiểm tra thiếu căn cứ, không ban hành được kết luận thanh tra, kiểm tra theo các dấu hiệu vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật hiện hành.
8. Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này, thường xuyên thông báo và định kỳ hàng quý báo cáo kết quả về Thanh tra tỉnh để tổng hợp chung.
Chánh Thanh tra tỉnh chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và phối hợp với các Sở, ban, ngành và cơ quan, tổ chức liên quan tổng hợp kết quả chung trong tỉnh để UBND tỉnh báo cáo Chính phủ và Thanh tra Chính phủ theo quy định./.
|
CHỦ TỊCH |
Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2017 về chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định
Số hiệu: | 07/CT-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Nam Định |
Người ký: | Phạm Đình Nghị |
Ngày ban hành: | 30/05/2017 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2017 về chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định
Chưa có Video