Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 02/CT-UB

TP.Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 01 năm 1980

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC KHAI TRÌNH KINH DOANH VÀ CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH CTN VÀ DỊCH VỤ

Thi hành Chỉ thị của Thủ tướng Chánh phủ (số 28 ngày 23 tháng 1 năm 1979) về việc tổ chức khai trình kinh doanh tại các tỉnh, thành phố phía Nam; Ủy ban nhân dân thành phố quyết định tổ chức đợt khai trình kinh doanh và cấp giấy phép kinh doanh trong toàn thành phố Hồ Chí Minh. Thời hạn khai trình được quy định kể từ ngày 18 tháng 1 năm 1980 đến hết ngày 30 tháng 1 năm 1980.

 Ủy ban nhân dân thành phố giao nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện công tác này cho một Ban chỉ đạo gồm:

 – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng Ban

 – Phó Giám đốc Sở Tài chánh, Ủy viên thường trực

 – Phó Giám đốc Sở Công an, Ủy viên

 – Phó Giám đốc Sở Công nghiệp , Ủy viên

 – Phó Giám đốc Sở Thương nghiệp, Ủy viên

 – Phó Chủ nhiệm Liên hiệp xã thành phố , Ủy viên

 – Phó Ban cải tạo Công thương nghiệp thành phố, Ủy viên.

 Các Ban, Ngành, Ủy ban nhân dân các Quận, Huyện căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, có kế hoạch tổ chức thực hiện theo kế hoạch đính kèm.

 

 

Nơi nhận:
– Ủy ban nhân dân TP
– Các Sở, Ban, Ngành
– Mặt trận, đoàn thể
– UBND các Quận, Huyện
– LĐVP (Anh 6 Hậu)
– Tổng hợp (khối TK)
– Lưu.
M. 130b

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/ THƯỜNG TRỰC




Phan Văn Khải

 

KẾ HOẠCH

TIẾN HÀNH VIỆC KHAI TRÌNH KINH DOANH VÀ CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH CÔNG THƯƠNG NGHIỆP VÀ DỊCH VỤ TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ chỉ thị của Thủ tướng Chánh phủ (số 28-CT ngày 23 tháng 1 năm 1979) về việc khai trình kinh doanh công thương nghiệp và dịch vụ trong khu vực kinh tế tập thể và cá thể, Ủy ban nhân dân thành phố quy định kế hoạch tiến hành như sau:

1/– Mục đích yêu cầu:

Căn cứ tình hình hoạt động kinh doanh công thương nghiệp và dịch vụ trong khu vực kinh tế tập thể và cá thể hiện nay của thành phố, đợt khai trình kinh doanh này nhằm:

a) Nắm được một cách cơ bản các cơ sở kinh doanh công thương nghiệp và dịch vụ, sơ bộ hiểu được những tiềm năng về lao động, vốn, kỹ thuật, tình hình phân bổ lao động các ngành nghề trong thành phố.

b) Qua đó, từng ngành có kế hoạch tìm hiểu tiềm năng cần khai thác, những thuận lợi cần phát huy, những khó khăn cần khắc phục nhằm đẩy mạnh sản xuất, cải tiến công tác lưu thông phân phối và tiến đến có kế hoạch sắp xếp hợp lý các cơ sở kinh doanh công thương nghiệp và dịch vụ theo hướng phân bổ lao động và quy hoạch ngành nghề của thành phố

c) Bước đầu đặt các cơ sở kinh doanh vào nề nếp quản lý của Nhà nước:

– Có giấy phép của chánh quyền mới được kinh doanh.

– Tuân theo các luật lệ của Nhà nước.

– Chịu sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng của Nhà nước.

d) Qua khai trình kinh doanh, Ủy ban nhân dân thành phố biết được khả năng sản xuất kinh doanh của từng quận, huyện để có kế hoạch giúp đỡ phát triển, hướng sản xuất kinh doanh theo đúng đường lối, chánh sách của Đảng và Nhà nước, phục vụ quốc kế dân sinh. Mặt khác, bảo vệ lợi ích kinh doanh chánh đáng của các tổ chức, cơ sở sản xuất kinh doanh.

2/– Đối tượng khai trình:

Đối tượng khai trình kinh doanh đợt này là tất cả cơ sở kinh doanh tập thể và tư nhân, không phân biệt quốc tịch và dân tộc, hoạt động công thương nghiệp và dịch vụ (sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nghề cá, nghề muối, chăn nuôi, vận tải, xây dựng, dịch vụ, ăn uống, y tế, văn hóa, thương nghiệp), kinh doanh tại chỗ hay kinh doanh lưu động (buôn chuyến), kinh doanh thường xuyên hay không thường xuyên (thời vụ), đã có giấy phép cũ hay chưa có giấy phép.

Cũng thuộc diện khai trình kinh doanh các xí nghiệp do các ngành, các Ủy ban nhân dân quận, huyện quản lý chưa được Bộ chủ quản hay Ủy ban nhân dân thành phố ra quyết định công nhận.

Được miễn khai trình kinh doanh và được tiếp tục hoạt động bình thường:

a) Những xí nghiệp quốc doanh, công tư hợp doanh đã có quyết định công nhận của Bộ chủ quản hay Ủy ban nhân dân thành phố.

b) Những người làm nghề phụ gia đình có tính chất thủ công, không dùng máy móc, điện lực, không thuê mướn nhân công (như đan lát, thêu ren…).

c) Những người làm nghề chánh có tính chất thủ công, không thuê mướn nhân công quy mô nhỏ như:

– Làm nghề nề, mộc (xây dựng), quét vôi, sơn sửa nhà cửa, lấy tiền công, không thuê nhân công, không cung cấp nguyên vật liệu.

– Đánh bắt cá thủ công ven sông, ven rạch, không thuê mướn nhân công.

– Vận tải bằng phương tiện thô sơ của chính mình hoặc thuê của người khác như: xe ngựa, xe bò, xe trâu, xe xích lô đạp, xe ba bánh không động cơ, ghe, đò chở khách, chở hàng không động cơ, v.v…

– Nuôi cá, ươm cây, bán cây giống do tự sản xuất, không thuê mướn nhân công.

d) Các nghề khác như:

+ Bác sĩ, y sĩ, y tá, nữ hộ sinh, đông y sĩ được cơ quan y tế cho phép hành nghề và chỉ hưởng thù lao theo giá biểu do Nhà nước quy định, chỉ chẩn mạch, kê đơn, không bốc thuốc, không bán các loại đông y dược.

+ Văn sĩ, họa sĩ, nghệ sĩ… hoạt động văn hóa, nghệ thuật chỉ hưởng tiền nhuận bút, tiền bản quyền tác phẩm.

e) Những người mất sức lao động buôn bán lặt vặt để sinh sống.

Không được phép khai trình kinh doanh các đối tượng sau đây:

– Tư sản thương nghiệp đã cải tạo nay trở về thành phố kinh doanh ngành thương nghiệp và ăn uống. Nếu kinh doanh các ngành sản xuất, xây dựng, sửa chữa cơ khí… thì phải được Ủy ban nhân dân quận, huyện chấp thuận mới được khai trình.

– Các nghề có hại cho quốc kế dân sinh, những nghề Nhà nước cấm kinh doanh như: xem tướng số, buôn bán vàng bạc, ngoại tệ, cá mặt hàng mà Hội đồng Chánh phủ cấm tư nhân buôn bán nêu trong danh mục kèm theo quyết định số 373/CP ngày 13 tháng 10 năm 1979 (xăng dầu, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, xi măng, gỗ rừng, vật liệu điện, phụ tùng máy móc, hóa chất, kim loại, quặng mỏ).

– Kinh doanh tại những địa điểm, khu vực cấm buôn bán.

3/– Nội dung khai trình kinh doanh:

Hồ sơ khai trình kinh doanh gồm tờ khai và một số giấy tờ kèm theo tùy theo ngành nghề xin kinh doanh. Nội dung của các loại tờ khai phải theo đúng và đầy đủ như các mẫu đính kèm.

4/– Thủ tục khai trình kinh doanh và xét cấp giấy phép kinh doanh:

a) Về thủ tục:

Ủy ban nhân dân thành phố ra thông cáo về khai trình kinh doanh đăng trên báo, phổ biến trên đài, niêm yết tại phường xã và những nơi công cộng, đảm bảo cho mọi người đều biết. Tờ khai có mẫu kèm theo thông cáo. Người khai trình phải nộp tờ khai và một số giấy tờ đính kèm (mỗi thứ 2 bản) tại bàn nhận đơn đặt ở phường xã, nơi đặt địa điểm kinh doanh. Tùy tình hình ở mỗi phường, xã có nhiều hay ít cơ sở kinh doanh mà tổ chức nhiều hay ít bàn nhận đơn.

Sau khi xem xét hồ sơ nếu thấy đầy đủ, hợp lệ thì người nhận tờ khai viết biên nhận cho người nộp tờ khai (mẫu biên nhận đính kèm). Người xin khai trình kinh doanh khi đến nộp hồ sơ phải xuất trình sổ hộ khẩu (bản chánh) cho cán bộ nhận hồ sơ để kiểm tra họ tên, địa chỉ. Sổ hộ khẩu được hoàn trả ngay cho người nộp hồ sơ cùng với biên nhận. Trường hợp hồ sơ không đầy đủ, không hợp lệ thì cán bộ tiếp nhận đơn phải hướng dẫn khai bổ sung.

Với những cơ sở khai là tập thể nhưng không kèm theo quyết định công nhận thì cũng nhận tờ khai và cấp biên nhận, ngành chủ quản sẽ xem xét và có ý kiến sau.

Các tổ chức kinh tế tập thể, cá thể đang hoạt động (có giấy phép cũ hoặc chưa có giấy phép), sau khi khai trình xong, được tiếp tục hành nghề cho đến ngày có quyết định cấp hay không cấp giấy phép.

Những tổ chức và tư nhân mới xin ra kinh doanh thì phải đợi đến khi được cấp giấy phép mới được hành nghề.

Cuối mỗi ngày cơ quan Tài chánh quận, huyện chịu trách nhiệm thống kê tổng hợp hồ sơ theo ngành nghề và chuyển hồ sơ nhận được cho ngành chủ quản để xem xét tham gia ý kiến. Các ngành chủ quản trong quá trình xét duyệt hồ sơ đăng ký, cần tham khảo ý kiến của Ủy ban nhân dân phường, xã, rồi lập danh sách riêng những cơ sở đề nghị cấp hoặc không cấp giấy phép theo từng ngành nghề của từng phường, xã. Trường hợp ý kiến Ủy ban nhân dân phường, xã không thống nhất với ngành chủ quản thì phải phản ảnh cả 2 ý kiến. Căn cứ vào ý kiến của ngành chủ quản, của Ủy ban nhân dân phường, xã và của cơ quan tài chánh, ỦY ban nhân dân quận, huyện quyết định cấp hay không cấp giấy phép.

Trường hợp hoạt động ra khỏi phạm vi quận, huyện, thành phố cũng do Ủy ban nhân dân quận, huyện quyết định.

Thời hạn tham gia ý kiến cấp hay không cấp giấy phép quy định như sau:

– Về ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các ngành nghề khác: vận tải, xây dựng, một tuần kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan tài chánh chuyển sang;

– Về ngành thương nghiệp, ăn uống : 2 tuần.

Các ngành chủ quản xét duyệt hồ sơ hàng ngày, xét đến đâu tham gia ý kiến báo cáo đến đó, cố gắng không để quá hạn. Nếu quá hạn quy định mà ngành chủ quản vẫn chưa có ý kiến và không cho biết lý do vì sao chưa có ý kiến thì Ủy ban nhân dân quận, huyện sẽ quyết định cấp hay không cấp giấy phép.

Cơ quan tài chánh quận, huyện phụ trách viết giấy phép để Ủy ban nhân dân quận, huyện ký. Hàng tuần hay 10 ngày một lần (tùy theo số lượng hồ sơ nhiều hay ít) cơ quan tài chánh chuyển giấy phép đã được ký về phường, xã nơi có cơ sở kinh doanh để tổ chức trao lại cho cơ sở được cấp giấy phép.

Cơ sở được cấp giấy biên nhận phải nộp một khoản lệ phí là 5 đồng. Cơ quan Tài chánh chịu trách nhiệm thu khoản lệ phí này nộp ngân sách và cấp biên lai nhận tiền mỗi khi thu tiền.

b) Về tiêu chuẩn xét cấp giấy phép: có hướng dẫn cụ thể sau

Sau đợt khai trình kinh doanh và xét cấp giấy phép kinh doanh, các cơ quan có chức năng của Nhà nước sẽ tổ chức kiểm tra việc thi hành những quy định về kinh doanh. Những cơ sở nào hoạt động mà không có giấy phép phải xử lý theo luật pháp hiện hành.

Giấy phép kinh doanh phải treo nơi dễ thấy tại địa điểm kinh doanh.

5/– Xử lý những vụ vi phạm:

1 – Các cơ sở kinh doanh vi phạm về khai trình kinh doanh như:

– Kê khai không đúng sự thật

– Kinh doanh không khai trình, không có giấy phép kinh doanh.

– Kinh doanh sai nội dung khai trình kinh doanh, giấy phép kinh doanh

– Cho mượn, thuê, mua bán giấy phép kinh doanh.

– Không chịu xuất trình giấy phép kinh doanh cho cán bộ, nhân viên các cơ quan có trách nhiệm kiểm tra, thì sẽ tùy theo trường hợp nặng nhẹ mà xử lý theo một hoặc nhiều hình phạt sau đây:

+ Cảnh cáo trong nội bộ ngành, phường, xã

+ Đình chỉ việc kinh doanh trái phép

+ Phạt tiền từ 10đ đến 1.000 đồng

+ Thu hồi có thời hạn hoặc thu hồi vĩnh viễn giấy phép kinh doanh

+ Truy tố trước tòa án những vụ vi phạm có tánh cách nghiêm trọng hoặc tái phạm nhiều lần.

Ngoài ra, nếu vi phạm chánh sách, chế độ, luật lệ của Nhà nước (như: chánh sách quản lý thị trường, chánh sách thuế, giá cả, đầu cơ kinh tế, làm hàng giả v.v…) sẽ xử lý theo các luật lệ hiện hành.

2 – Quyền kiểm tra việc thi hành khai trình kinh doanh và lập biên bản đối với những vụ vi phạm được quy định như sau:

+ Cán bộ, nhân viên các cơ quan quản lý ngành nào được Ủy ban nhân dân quận, huyện giao nhiệm vụ kiểm tra việc kinh doanh về những nghề hoặc những mặt công tác thuộc ngành đó quản lý.

+ Cán bộ, nhân viên cơ quan tài chánh, thuế, giá, công an được giao nhiệm vụ kiểm tra đối với toàn bộ hoạt động kinh doanh công thương nghiệp.

3 – Quyền xử lý về hành chánh và quyết định việc đưa ra cơ quan pháp luật để truy tố những vi phạm khai trình kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện sau khi tham khảo ý kiến các cơ quan hữu quan.

Ủy ban nhân dân quận, huyện sẽ thông báo kết quả xử lý cho các cơ quan hữu quan và Ủy ban nhân dân phường, xã nơi có cơ sở kinh doanh giải quyết.

4 – Trường hợp có khiếu nại đối với quyết định xử lý của Ủy ban nhân dân quận, huyện thì do Ủy ban nhân dân thành phố xét và quyết định. Trong khi chờ đợi giải quyết sự khiếu nại, người bị xử lý vẫn phải thi hành quyết định của cơ quan đã xử lý.

5– Tổ chức chỉ đạo thực hiện:

Ở cấp thành phố, giúp Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo công tác này có 1 Ban, gồm:

– Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng Ban

– Phó Giám đốc Sở Tài chánh, Ủy viên thường trực

– Phó Giám đốc Sở Công an, Sở Công nghiệp, Sở Thương nghiệp, Phó Chủ nhiệm liên hiệp xã tiểu thủ công nghiệp thành phố, Phó Ban cải tạo công thương nghiệp thành phố: ủy viên.

+ Các Sở, Ban, Ngành ở thành phố căn cứ kế hoạch này hướng dẫn thực hiện trong toàn ngành. Sở Công an thành phố cần có kế hoạch bảo vệ trật tự an ninh tại các địa điểm thu nhận hồ sơ và cấp giấy phép kinh doanh.

Ủy ban nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm trực tiếp tổ chức thực hiện. Giúp việc cho Ủy ban nhân dân quận, huyện trong công tác này là Ban Tài chánh – thuế – giá.

Các ngành chủ quản cấp quận, huyện có trách nhiệm thẩm tra các cơ sở xin kinh doanh, đề xuất ý kiến trong việc xét cấp hay không cấp giấy phép kinh doanh đúng thời hạn quy định. Đối với những hồ sơ phức tạp không thể tham gia ý kiến trong thời hạn quy định thì phải báo cáo Ủy ban nhân dân quận, huyện xin gia hạn.

Các ngành chủ quản ở quận, huyện cần sắp xếp, bố trí cán bộ đầy đủ, tham gia đợt công tác khai trình này.

Riêng ngành tài chánh cần bố trí điều động cán bộ trực tiếp giúp Ủy ban nhân dân quận, huyện theo dõi chỉ đạo suốt quá trình thực hiện đợt khai trình kinh doanh này.

Ủy ban nhân dân phường, xã có trách nhiệm: - Kết hợp với cán bộ các ngành (Tài chánh, Thương nghiệp, Tiểu thủ công nghiệp v.v…) bố trí địa điểm, tổ chức các bàn nhận tờ khai, động viên, đôn đốc công thương gia khai trình đúng hạn, đúng nội dung, tham gia ý kiến trong việc xét duyệt cấp giấy phép và tổ chức trao giấy phép kinh doanh cho những cơ sở, cá nhân được xét cấp giấy phép; cùng cán bộ ngành tài chánh và các ngành chủ quản tổ chức phổ biến trong nhân dân mục đích yêu cầu và nội dung khai trình kinh doanh kỳ này bắt đầu từ ngày công bố thông báo của Ủy ban nhân dân thành phố. Về công tác nhận hồ sơ, cấp biên nhận phải bố trí tổ chức làm việc trong suốt thời gian quy định cho việc khai trình.

Sau khi nhận hồ sơ, kiểm tra địa chỉ, giấy tờ đính kèm nếu thấy hợp lệ thì phải cấp ngay biên nhận không được trì hoãn, làm mất thời giờ chờ đợi, đi lại của nhân dân. Hồ sơ, thu nhận phải được bảo quản chu đáo, phân công cán bộ cất giữ, thống kê, tổng hợp quản lý.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Chỉ thị 02/CT-UB năm 1980 về việc tổ chức khai trình kinh doanh và cấp giấy phép kinh doanh công thương nghiệp và dịch vụ do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu: 02/CT-UB
Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký: Phan Văn Khải
Ngày ban hành: 10/01/1980
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [1]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Chỉ thị 02/CT-UB năm 1980 về việc tổ chức khai trình kinh doanh và cấp giấy phép kinh doanh công thương nghiệp và dịch vụ do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [2]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [1]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…