BỘ
NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2057/BC-BNN-PC |
Hà Nội, ngày 06 tháng 07 năm 2012 |
TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI QUYẾT ĐỊNH SỐ 231/2005/QĐ-TTG VỀ VIỆC HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP LÂM NGHIỆP NHÀ NƯỚC, BAN QUẢN LÝ RỪNG ĐẶC DỤNG, BAN QUẢN LÝ RỪNG PHÒNG HỘ SỬ DỤNG LAO ĐỘNG LÀ NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ CƯ TRÚ HỢP PHÁP TẠI CÁC TỈNH TÂY NGUYÊN VÀ QUYẾT ĐỊNH SỐ 75/2010/QĐ-TTG VỀ HỖ TRỢ TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ SỬ DỤNG LAO ĐỘNG LÀ NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ CƯ TRÚ HỢP PHÁP TẠI CÁC TỈNH TÂY NGUYÊN
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Ngày 22 tháng 9 năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 231/2005/QĐ-TTg về việc hỗ trợ doanh nghiệp lâm nghiệp nhà nước, Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cư trú hợp pháp tại các tỉnh Tây Nguyên (Quyết định 231/2005/QĐ-TTg). Trên cơ sở Quyết định 231/2005/QĐ-TTg, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 25/2006/TT-BTC ngày 30/3/2006 để hướng dẫn thực hiện.
Qua hơn 4 năm triển khai thực hiện, Quyết định 231/2005/QĐ-TTg đã đi vào cuộc sống, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số tại các tỉnh Tây Nguyên, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, đơn vị trong việc tuyển dụng và sử dụng lao động tại chỗ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh một số vấn đề không còn phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Ngày 29 tháng 11 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 75/2010/QĐ-TTg về hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cư trú hợp pháp tại các tỉnh Tây Nguyên (Quyết định số 75/2010/QĐ-TTg) thay thế Quyết định số 231/2005/QĐ-TTg.
Ngày 05 tháng 02 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 24/2008/QĐ-TTg ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội đối với các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2010; Quyết định số 25/2008/QĐ-TTg ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh vùng Tây Nguyên đến năm 2010; Quyết định số 26/2008/QĐ-TTg ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2010; Quyết định số 27/2008/QĐ-TTg ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010. Trong đó, cho phép mở rộng phạm vi áp dụng Quyết định số 231/2005/QĐ-TTg về việc hỗ trợ doanh nghiệp lâm nghiệp nhà nước, Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cư trú hợp pháp tại các tỉnh Tây Nguyên.
Để tạo thuận lợi cho tiếp tục việc tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cư trú hợp pháp tại các tỉnh Tây Nguyên được mở rộng phạm vi áp dụng cho vùng trung du và miền núi Bắc bộ, phát huy kết quả đạt được, rút ra bài học kinh nghiệm trong gần 06 năm vừa qua, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, góp phần thực hiện thành công chính sách hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cư trú hợp pháp tại các tỉnh Tây Nguyên, việc sơ kết đánh giá tình hình triển khai Quyết định số 231/2005/QĐ-TTg và Quyết định số 75/2010/QĐ-TTg là rất cần thiết.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ giao tại công văn 4311/VPCP-KTN ngày 29 tháng 6 năm 2011 giao Bộ Nông nghiệp và PTNT là cơ quan chủ trì xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại các khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin báo cáo như sau:
1. Kết quả triển khai Quyết định số 231/2005/QĐ-TTg
a) Về chính sách đào tạo
Qua hơn 4 năm triển khai Quyết định số 231/2005/QĐ-TTg tại các tỉnh Tây Nguyên chỉ có tỉnh Gia Lai triển khai chính sách hỗ trợ về đào tạo theo quy định, cụ thể:
Từ năm 2008 đến năm 2010, trên địa bàn tỉnh Gia Lai tổng ngân sách hỗ trợ cho các đơn vị trên địa bàn là 2.898.571.945 đồng, trong đó: ngân sách địa phương hỗ trợ cho 15 đơn vị với 610 lao động là người dân tộc thiểu số thuộc tỉnh quản lý là 956.400.000 đồng; ngân sách Trung ương hỗ trợ cho 5 đơn vị thuộc Trung ương quản lý là 1.942.171.945 đồng
Đối với các đơn vị thuộc tỉnh Đắk Lắk, Kon Tum, Đắk Nông kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cấp trực tiếp cho đơn vị theo kế hoạch đào tạo được UBND tỉnh phê duyệt nhưng các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp Nhà nước, Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh không xây dựng kế hoạch tuyển dụng và đào tạo nghề cho lao động đề nghị UBND tỉnh phê duyệt nên các đơn vị sử dụng lao động không được hưởng chính sách đào tạo.
Riêng tỉnh Lâm Đồng, hầu hết các đơn vị được hưởng chính sách hỗ trợ khi tiến hành tuyển dụng lao động đều tuyển lao động có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ sơ cấp trở lên, một số lao động chưa qua đào tạo đều được tham gia những lớp đào tạo, tập huấn theo kế hoạch đào tạo nghề hàng năm của UBND tỉnh (theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.
b) Về Bảo hiểm xã hội
Hầu hết các tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Lắk) đã triển khai chính sách hỗ trợ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho lao động là người dân tộc được tuyển dụng mới hoặc ký hợp đồng lao động với các đơn vị trên địa bàn. Trong đó:
- Tỉnh Gia Lai từ năm 2008 đến năm 2010, tổng ngân sách hỗ trợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho các đơn vị trên địa bàn là 10.331.046.667 đồng, trong đó: ngân sách địa phương hỗ trợ cho 23 đơn vị với 645 lao động là người dân tộc thiểu số thuộc tỉnh quản lý là 1.187.664.702 đồng (trong đó: Bảo hiểm xã hội là 1.020.349.232 đồng, bảo hiểm y tế là 167.295.474 đồng); ngân sách Trung ương hỗ trợ cho 5 đơn vị thuộc Trung ương quản lý là 9.143.401.965 đồng.
- Tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2010 tổng ngân sách Nhà nước hỗ trợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho 2 đơn vị (Cty cao su Đắk Lắk và Cty Cà phê Ea Pốk) trên địa bàn tỉnh là 4.431.723.997 đồng (trong đó: Bảo hiểm xã hội là 2.931 lao động với số tiền 3.910.323.000 đồng, bảo hiểm y tế là 2.931 lao động với số tiền 521.400.997 đồng).
Riêng tỉnh Đắk Nông, do lao động là đồng bào dân tộc thiểu số làm việc trong các đơn vị được hưởng chính sách có số lượng quá ít nên các đơn vị được hưởng lợi từ chính sách này không triển khai áp dụng.
c) Về định mức lao động
Các đơn vị trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng đã áp dụng định mức lao động bằng 80% định mức lao động chung của đơn vị để khoán hoặc trả công cho người lao động là người dân tộc thiểu số theo quy định tại Quyết định số 231/2005/QĐ-TTg. Cụ thể, tại tỉnh Gia Lai các đơn vị đã triển khai như sau:
- Diện tích giao khoán bình quân chăm sóc vườn cây trong thời kỳ kiến thiết cơ bản: đối với cây cà phê định mức chung của đơn vị là 01 ha/người, người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số là 0,8ha/người; đối với cây cao su định mức chung của đơn vị là 4ha/người, người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số là 3,5ha/người.
- Diện tích giao khoán bình quân chăm sóc vườn cây trong thời kỳ kinh doanh: đối với cây cà phê định mức chung của đơn vị là 01ha/người, người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số là 0,8ha/người; đối với cây cao su định mức chung của đơn vị là 2,5ha/người, người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số là 2ha/người.
Riêng tỉnh Đắk Nông, do lao động là đồng bào dân tộc thiểu số làm việc trong các đơn vị được hưởng chính sách có số lượng quá ít nên các đơn vị được hưởng lợi từ chính sách này không triển khai áp dụng.
d) Về tiền thuê đất
Tại các tỉnh Tây Nguyên các nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh, công ty, xí nghiệp, trạm trại sử dụng đất vào mục đích sản xuất nông lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ theo quy định tại Quyết định số 231/2005/QĐ-TTg hầu hết không thuộc đối tượng phải nộp tiền thuê đất.
Riêng tỉnh Gia Lai, trong năm 2010 đã miễn giảm tiền thuê đất cho 30 doanh nghiệp nông, lâm nghiệp có sử dụng lao động là đồng bào dân tộc thiểu số là 5.560.218.825 đồng.
2. Kết quả thực hiện Quyết định số 24/2008/QĐ-TTg, Quyết định số 26/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 27/2008/QĐ-TTg
Đối với các Quyết định số 24/2008/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2010; Quyết định số 26/2008/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2010, Quyết định số 27/2008/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010 được mở rộng phạm vi áp dụng Quyết định số 231/2005/QĐ-TTg lại là các tỉnh nghèo nguồn ngân sách chủ yếu từ phân bổ của ngân sách Trung ương nên các tỉnh không có kinh phí để hỗ trợ và không xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.
3. Kết quả thực hiện Quyết định số 75/2010/QĐ-TTg
Qua hơn một năm Quyết định số 75/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành nhưng hầu hết các tỉnh Tây Nguyên chưa triển khai thực hiện được do Bộ Tài chính chậm ban hành Thông tư hướng dẫn, đến ngày 30 tháng 12 năm 2011 của Bộ Tài chính mới ban hành Thông tư số 203/2011/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định số 75/2010/QĐ-TTg.
4. Nguyên nhân của những kết quả trên
- Chính sách hỗ trợ về đào tạo, bảo hiểm xã hội, định mức lao động, tiền thuê đất cho doanh nghiệp nông lâm nghiệp nhà nước tại Tây Nguyên theo Quyết định số 231/2005/QĐ-TTg và áp dụng cho cả các doanh nghiệp ngoài Nhà nước (không bao gồm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) theo Quyết định số 75/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phù hợp với thực tiễn.
- Có sự đồng thuận cao, sự ủng hộ nhiệt tình của Ủy ban nhân dân các tỉnh Tây Nguyên đặc biệt là các đơn vị được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ và người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số tại các tỉnh Tây Nguyên.
- Có sự hỗ trợ kịp thời của các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền, quán triệt để nâng cao nhận thức cũng như lợi ích của các đơn vị khi sử dụng lao động là đồng bào dân tộc thiểu số.
II. TỒN TẠI, HẠN CHẾ VÀ KHÓ KHĂN VƯỚNG MẮC CẦN THÁO GỠ
1. Tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện
- Các nội dung chính sách hỗ trợ của Quyết định số 231/2005/QĐ-TTg và Quyết định số 75/2010/QĐ-TTg chưa được các tỉnh Tây Nguyên tuyên truyền, phổ biến đến các đối tượng hưởng lợi từ chính sách này.
- Thiếu hướng dẫn kịp thời của các Bộ, ngành trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Ngày 29 tháng 11 năm 2010, Quyết định số 75/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành nhưng đến hơn 1 năm Bộ Tài chính mới có Thông tư hướng dẫn (Thông tư số 203/2011/TT-BTC ngày 30 tháng 12 năm 2011).
2. Hạn chế của Quyết định số 231/2005/QĐ-TTg và Quyết định số 75/2010/QĐ-TTg
a) Hiện nay có nhiều doanh nghiệp tham gia vào các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản có sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên nhưng lại không được hưởng cơ chế hỗ trợ theo Quyết định này;
b) Các doanh nghiệp nông, lâm đang áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đòi hỏi lao động phải có tay nghề và trình độ kỹ thuật ngày càng cao. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, đặc biệt là lao động là người dân tộc thiểu số Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về đào tạo lao động kỹ thuật đối với nguồn lao động này.
c) Mức hỗ trợ đào tạo nghề không còn phù hợp với mức hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn đối với lao động là người dân tộc thiểu số (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 03 tháng) quy định tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (Quyết định số 1956/QĐ-TTg) nên hầu như các tỉnh khi triển khai chỉ triển khai áp dụng theo quy định tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg;
d) Các khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn nguồn ngân sách địa phương rất hạn chế, chủ yếu phụ thuộc vào phân bổ ngân sách từ Trung ương. Do đó, gây khó khăn cho các tỉnh trong việc bố trí kinh phí đào tạo và kinh phí bảo hiểm xã hội cho các đơn vị thuộc tỉnh quản lý.
e) Theo quy định tại khoản 1 Điều 166 Luật Doạnh nghiệp năm 2005 và Nghị định số 25/2010/NĐ-CP ngày 19 tháng 03 năm 2010 của Chính phủ về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, thì từ ngày 01 tháng 7 năm 2010 doanh nghiệp nhà nước sẽ phải chuyển đổi sang các loại hình quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2005, do đó, sẽ không còn loại hình doanh nghiệp nhà nước nữa;
f) Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 thì mức đóng góp của người lao động từ năm 2010 trở đi đã có sự thay đổi, cứ hai năm một lần đóng thêm 1% cho đến khi đạt mức đóng là 8%; mức đóng góp của người sử dụng lao động từ năm 2010 trở đi, cứ hai năm một lần đóng thêm 1% cho đến khi đạt mức đóng là 14% nên quy định tại Quyết định 231/2005/QĐ-TTg không còn phù hợp. Cũng theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp, thì từ ngày 01 tháng 01 năm 2009, các doanh nghiệp sử dụng từ mười lao động trở lên phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
1. Đề xuất
- Các tỉnh Tây Nguyên cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chính sách quy định tại Quyết định số 75/2010/QĐ-TTg, đến các đối tượng hưởng lợi từ chính sách này.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các tỉnh Tây Nguyên cần tăng cường theo dõi, giám sát, đôn đốc, kiểm tra và chỉ đạo thực hiện các quy định tại Quyết định số 75/2010/QĐ-TTg;
2. Kiến nghị
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định một số vấn đề sau:
a) Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại các khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn trình Thủ tướng Chính phủ (sửa đổi, bổ sung Quyết định số 75/2010/QĐ-TTg). Các tỉnh miền núi, vùng đặc biệt khó khăn gồm các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Bình Phước và 30 huyện nghèo (bao gồm: 25 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ và 05 huyện nghèo theo Quyết định số 615/QĐ-TTg ngày 25 tháng 4 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ).
b) Đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 75/2010/QĐ-TTg để triển khai áp dụng trên phạm vi toàn quốc.
Nơi nhận: |
BỘ
TRƯỞNG |
Báo cáo 2057/BC-BNN-PC triển khai Quyết định 231/2005/QĐ-TTg hỗ trợ doanh nghiệp lâm nghiệp nhà nước, Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cư trú hợp pháp tại tỉnh Tây Nguyên và Quyết định 75/2010/QĐ-TTg hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cư trú hợp pháp tại tỉnh Tây nguyên do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Số hiệu: | 2057/BC-BNN-PC |
---|---|
Loại văn bản: | Báo cáo |
Nơi ban hành: | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Người ký: | Cao Đức Phát |
Ngày ban hành: | 06/07/2012 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Báo cáo 2057/BC-BNN-PC triển khai Quyết định 231/2005/QĐ-TTg hỗ trợ doanh nghiệp lâm nghiệp nhà nước, Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cư trú hợp pháp tại tỉnh Tây Nguyên và Quyết định 75/2010/QĐ-TTg hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cư trú hợp pháp tại tỉnh Tây nguyên do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Chưa có Video