BỘ
KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ - BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN - BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2008/TTLT-BKH-BNN-TC |
Hà Nội, ngày 23 tháng 6 năm 2008 |
Căn cứ Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007 - 2015 (sau đây gọi là Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg),
Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:
Những từ ngữ trong Thông tư này được hiểu như sau:
1. Đất trống đồi núi trọc để trồng rừng được áp dụng trong Thông tư này là đất đã được quy hoạch cho rừng sản xuất mà ít nhất 3 năm trở lại đây chưa có rừng (trạng thái Ia, Ib, Ic).
2. Tổ chức quốc doanh trong Thông tư này bao gồm: Ban quản lý rừng phòng hộ, Ban quản lý rừng đặc dụng, Lâm trường quốc doanh, Công ty lâm nghiệp, các doanh nghiệp do Nhà nước đang sở hữu từ 50% vốn điều lệ trở lên và được Nhà nước giao, cho thuê đất lâm nghiệp.
3. Tổ chức ngoài quốc doanh trong Thông tư này bao gồm: hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần mà Nhà nước sở hữu dưới 50% vốn điều lệ, công ty hợp danh, cộng đồng dân cư.
4. Các hoạt động lâm sinh trong Thông tư này: trồng rừng và chăm sóc rừng (bao gồm cả xây dựng rừng giống, vườn giống, rừng khảo nghiệm); xây dựng vườn ươm; hoạt động tư vấn lâm sinh (xây dựng dự án, thiết kế kỹ thuật lâm sinh; giao đất, giao rừng, khoán đất trồng rừng); xây dựng đường ranh cản lửa; xây dựng bản đồ trồng rừng.
5. Khoán đất trồng rừng lâu dài: các tổ chức quốc doanh được giao đất, cho thuê đất khi khoán cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thì thời gian khoán là thời gian khoán còn lại của quyết định giao đất, hợp đồng cho thuê đất của tổ chức quốc doanh đó với cơ quan có thẩm quyền, nhưng không quá 50 năm.
6. Diện tích khu rừng tập trung là diện tích các lô rừng liền kề nhau hoặc gần kề nhau tạo thành một vùng rừng, trong đó diện tích đất không có rừng không quá 10% tổng diện tích khu rừng tập trung.
1. Lập, thẩm định, phê duyệt dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất
1.1. Xác định chủ đầu tư và phạm vi dự án: chủ đầu tư dự án hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ
a) Dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất cho hộ gia đình, cá nhân (sau đây gọi chung là hộ gia đình): căn cứ năng lực hiện có của tổ chức quốc doanh, Hạt Kiểm lâm, Đồn biên phòng (sau đây gọi chung là tổ chức quốc doanh) và căn cứ diện tích đất rừng sản xuất hiện có, ban chỉ đạo cấp huyện thống nhất giao cho mỗi đơn vị xây dựng dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất trên một số xã nhất định.
b) Các tổ chức ngoài quốc doanh có thể tự xây dựng dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất. Dự án này có thể nằm trùng vào xã của các dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất cho hộ gia đình nhưng không được trùng về vị trí trên thực địa.
c) Đối với tổ chức ngoài quốc doanh chưa có dự án nhưng có nhu cầu trồng rừng: Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh cho phép xây dựng dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất, sau khi được duyệt dự án này là căn cứ để giao đất, cho thuê đất.
1.2. Nội dung xây dựng dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất:
a) Xác định diện tích, đối tượng trồng rừng đến năm định hình bao gồm:
- Trồng rừng mới trên đất trống đồi núi trọc được quy hoạch là đất rừng sản xuất;
- Trồng rừng sau khai thác từ rừng đã trồng từ nguồn vốn 327 và nguồn vốn 661 nay được quy hoạch thành đất rừng sản xuất;
- Xác định đối tượng đất được hỗ trợ (xã đặc biệt khó khăn, biên giới, xã khác);
- Xác định sơ bộ chủ rừng được hỗ trợ (đồng bào dân tộc thiểu số hay đồng bào dân tộc kinh);
- Xác định tập đoàn cây trồng chủ yếu để khuyến cáo cho chủ rừng.
b) Lập kế hoạch giao đất, cho thuê đất và khoán đất trồng rừng (theo Mục 2, Thông tư này).
c) Quy hoạch hệ thống vườn ươm (theo Mục 14, Thông tư này).
d) Quy hoạch hệ thống đường ranh phòng chống cháy rừng (theo Mục 15, Thông tư này).
e) Bản đồ tổng thể (tỷ lệ 1:10.000) phân rõ ranh giới vùng dự án.
g) Tổng vốn đầu tư trong đó nhu cầu vốn hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Nhà nước và ghi rõ dự kiến vốn đầu tư cho từng hạng mục.
h) Dự kiến kết quả tài chính thu được.
i) Khả năng huy động vốn của chủ đầu tư.
Trong một số trường hợp quy hoạch hệ thống vườn ươm, lập kế hoạch giao đất, cho thuê đất, khoán đất trồng rừng, quy hoạch hệ thống đường ranh cản lửa có thể được xây dựng thành dự án khác nhưng cần có lý do cụ thể và được Ban chỉ đạo cấp huyện chấp thuận, chi phí nằm trong mức được giao quy định tại khoản 1.4 Mục này.
1.3. Thẩm định phê duyệt:
a) Đối với dự án hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất cho hộ gia đình do tổ chức quốc doanh lập:
- Sau khi dự án được lập, Ban quản lý dự án (BQLDA) cấp huyện báo cáo Ban chỉ đạo cấp huyện và lấy ý kiến thẩm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT). Sau 15 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, nếu Sở Nông nghiệp và PTNT không có ý kiến bằng văn bản thì coi như đã đồng ý với dự án. Trong vòng 10 ngày làm việc tiếp theo, BQLDA cấp huyện trình UBND cấp huyện thẩm định và phê duyệt. Quyết định phê duyệt dự án phải được gửi đến thành viên Ban chỉ đạo huyện, BQLDA tỉnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan;
- Đối với các tổ chức quốc doanh đã có dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất cho cá nhân và hộ gia đình nhưng chưa đúng theo quy định về chủ đầu tư và mức hỗ trợ của Quyết định 147/2007/QĐ-TTg, cho phép chủ dự án thực hiện và giải ngân theo quyết định đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đến hết năm 2008; đồng thời rà soát, điều chỉnh dự án theo quy định của Thông tư này và báo cáo UBND cấp huyện phê duyệt trước khi UBND cấp tỉnh giao kế hoạch vốn để thực hiện từ năm 2009.
b) Đối với dự án của tổ chức ngoài quốc doanh:
- UBND cấp tỉnh giao cho cơ quan chức năng (Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì đối với dự án trồng rừng và đầu tư các công trình lâm sinh; Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đối với dự án đầu tư tổng hợp) tổ chức thẩm định và trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt;
- Đối với các tổ chức ngoài quốc doanh đã có dự án đầu tư và có một trong những chủ trương sau của cấp có thẩm quyền: quyết định phê duyệt dự án; quyết định giao đất; hợp đồng cho thuê đất thì chỉ cần lập kế hoạch sử dụng nguồn vốn hỗ trợ đầu tư theo Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg trình UBND cấp tỉnh phê duyệt và giao kế hoạch.
1.4. Chi phí lập, thẩm định dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất cho cá nhân, hộ gia đình được tính 30.000 đ/ha bao gồm cả quy hoạch đường ranh cản lửa, quy hoạch hệ thống vườn ươm và lập kế hoạch giao đất.
2.1. Lập kế hoạch giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và khoán đất lâm nghiệp:
a) Nguyên tắc giao đất, cho thuê đất và khoán đất lâm nghiệp:
- Tất cả diện tích đất lâm nghiệp trong dự án phải được giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc cấp bản đồ khoán đất trồng rừng (chỉ ở những nơi chưa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) để trồng rừng, xây dựng vườn ươm, xây dựng rừng giống, vườn giống, trung tâm giống;
- Diện tích đất lâm nghiệp quy hoạch là rừng sản xuất (hoặc được chuyển đổi từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất) do hộ gia đình nhận khoán của Lâm trường quốc doanh, Công ty nông lâm nghiệp, các đơn vị Nhà nước khác hoặc doanh nghiệp ngoài quốc doanh được chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước khi thực hiện chương trình sắp xếp đổi mới doanh nghiệp của Nhà nước mà trong vòng 3 năm liên tục người nhận khoán không được hỗ trợ về giống, vật tư, kỹ thuật, hoặc bên giao khoán chỉ dùng nguồn ngân sách Nhà nước để hỗ trợ (Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, hoặc chương trình 327 trước đây), thực chất bên giao khoán chỉ khoán trắng, thu địa tô thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định thu hồi diện tích này để giao, cho thuê và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.
Trường hợp diện tích đất lâm nghiệp nằm trong quy hoạch vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến gỗ cụ thể đã được phê duyệt khi trồng rừng theo Quyết định 147/2007/QĐ-TTg thì không phải thu hồi diện tích đất trên mà chuyển sang khoán đất trồng rừng ổn định lâu dài cho người nhận khoán. Phân chia sản phẩm theo tỷ lệ góp vốn cụ thể của mỗi bên và giá bán sản phẩm theo giá thị trường được các bên chấp thuận theo hợp đồng giao khoán. Nếu bên giao khoán đất không góp vốn đầu tư thì người nhận khoán chỉ phải nộp phí quản lý theo quy định tại Mục 2 Điều 6 Quyết định 147/2007/QĐ-TTg.
b) Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổng hợp toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp phải thu hồi trình UBND cấp tỉnh quyết định, giao cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thực hiện theo hướng dẫn tại điểm a, khoản này.
c) Căn cứ vào quy hoạch 3 loại rừng đã được duyệt và nguyên tắc giao đất, thu hồi đất, BQLDA cấp huyện chủ trì lập kế hoạch giao đất, cho thuê đất, khoán đất trồng rừng, tiến hành thông báo và tham vấn người dân và cộng đồng tại chỗ để chỉnh sửa kế hoạch (nếu cần). Sau đó thuê các đơn vị có chức năng đo đạc, hoàn chỉnh hồ sơ trình cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
2.2. Nội dung lập kế hoạch giao đất: xác định diện tích đất trong vùng dự án trong đó phân rõ diện tích đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích đất cần phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc khoán đất trồng rừng, diện tích đất cần phải thu hồi để chuyển sang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Riêng đối với diện tích đất khoán (không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), khi khoán đất bên giao khoán phải lập bản đồ khoán đất tỷ lệ 1/5000 có xác nhận của của UBND cấp huyện để giao cho người nhận khoán.
2.3. Chi phí giao đất, giao rừng khoán đất trồng rừng (đến khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất)
a) Chi phí giao đất, cho thuê đất, khoán đất lâm nghiệp cho hộ gia đình bình quân là 200.000đ/ha, chi phí cụ thể do cấp có thẩm quyền phê duyệt.
b) Chi phí giao đất, cho thuê đất cho tổ chức ngoài quốc doanh là 100.000đ/ha (từ khâu lập phương án đến khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Chủ đầu tư được phép tự lập thiết kế dự toán, phê duyệt chi phí giao đất, cho thuê đất và triển khai theo kế hoạch được giao.
2.4. Thời gian hoàn chỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là trong vòng 12 tháng kể từ khi ký hợp đồng trồng rừng.
3. Trình tự, thủ tục hỗ trợ đầu tư trồng rừng (hỗ trợ trước)
3.1. Đối với hộ gia đình
b) Trình tự, thủ tục hỗ trợ
- Căn cứ kế hoạch hỗ trợ trồng rừng được giao 3 năm và diện tích đất của dự án, BQLDA cấp huyện có văn bản thông báo tới tất cả các xã và tổ chức họp với từng thôn bản để phổ biến kế hoạch trồng rừng, địa điểm trồng rừng, các biện pháp quản lý bảo vệ, để bàn bạc sửa đổi (nếu cần), đi đến nhất trí của 70% số người tham dự trở lên và cung cấp mẫu đơn đề nghị trồng rừng cho hộ gia đình;
- Nếu có nhu cầu trồng rừng, hộ gia đình làm đơn (theo mẫu kèm theo) có xác nhận của trưởng thôn gửi cho UBND xã. Sau 10 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn, UBND xã phải tổng hợp nhu cầu trồng rừng trên địa bàn bao gồm danh sách các hộ, diện tích và địa điểm trồng rừng từng hộ theo thứ tự ưu tiên và được niêm yết công khai tại UBND xã và gửi BQLDA cấp huyện;
- Căn cứ vào đơn, biên bản họp dân, diện tích đất được quy hoạch và kế hoạch trồng rừng được duyệt, BQLDA cấp huyện phối hợp cùng với UBND cấp xã, thôn thống nhất trình UBND cấp huyện phê duyệt danh sách các hộ tham gia trồng rừng, diện tích trồng, địa điểm trồng;
- Sau khi được UBND cấp huyện phê duyệt danh sách các hộ trồng rừng, chủ đầu tư có trách nhiệm thông báo công khai tại UBND xã và ký hợp đồng trồng rừng và có bản hướng dẫn kỹ thuật cho hộ gia đình theo danh sách đã được phê duyệt.
c) Hỗ trợ trước được thanh toán làm hai lần. Năm đầu tiên hỗ trợ chi phí cây giống và phân bón trồng rừng (nếu có). Số tiền còn lại (nếu còn) sẽ được thanh toán vào năm thứ 3 sau khi nghiệm thu rừng.
d) Nghiệm thu, thanh quyết toán:
- Hàng năm khi rừng đạt tiêu chuẩn nghiệm thu, chủ đầu tư thông báo lịch nghiệm thu cho tất cả các chủ rừng và Ban phát triển rừng xã, Ban phát triển rừng thôn. Căn cứ lịch nghiệm thu, chủ đầu tư chủ trì, mời Ban phát triển rừng xã, Ban phát triển rừng thôn làm thành viên để nghiệm thu cho chủ rừng;
- Hồ sơ để nghiệm thu đối với rừng của hộ gia đình: hợp đồng trồng rừng, giấy chứng nhận nguồn gốc giống (nếu loại giống cần chứng nhận xuất xứ);
- Hồ sơ thanh quyết toán: trích lục hợp đồng do chủ đầu tư lập, biên bản nghiệm thu rừng.
3.2. Đối với tổ chức ngoài quốc doanh
a) Điều kiện để hỗ trợ trước là kế hoạch trồng ít nhất 100 ha tập trung trở lên.
Khi dự án hỗ trợ trồng rừng được phê duyệt, chủ đầu tư có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh để được giao kế hoạch hỗ trợ trồng rừng 3 năm; trong vòng 15 ngày làm việc, UBND cấp tỉnh căn cứ vào kế hoạch được giao để quyết định giao kế hoạch hỗ trợ 3 năm cho chủ đầu tư theo thẩm quyền.
b) Hỗ trợ trước được thanh toán làm hai lần: khi được giao kế hoạch, chủ đầu tư được phép ứng trước 50% kinh phí hỗ trợ để chuẩn bị giống và chuẩn bị hiện trường trồng rừng; phần còn lại được thanh toán vào năm thứ ba khi rừng được BQLDA cấp tỉnh nghiệm thu.
c) Nghiệm thu, thanh quyết toán:
- Khi rừng đạt tiêu chuẩn nghiệm thu, chủ đầu tư có văn bản đề nghị nghiệm thu kèm theo biên bản nghiệm thu nội bộ của chủ đầu tư gửi BQLDA cấp tỉnh. Trong vòng 15 ngày làm việc, BQLDA cấp tỉnh chủ trì, mời một số sở ngành và UBND cấp huyện sở tại để nghiệm thu cho chủ rừng;
- Hồ sơ để nghiệm thu: quyết định phê duyệt dự án, văn bản chấp thuận kế hoạch, quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật dự toán trồng và chăm sóc rừng, quyết định thành lập BQLDA, giấy chứng nhận nguồn gốc giống (nếu loại giống có yêu cầu xuất xứ);
- Hồ sơ thanh quyết toán: văn bản chấp thuận kế hoạch trồng rừng và biên bản nghiệm thu rừng.
4. Trình tự, thủ tục hỗ trợ trồng rừng sau đầu tư
4.1. Đối với hộ gia đình
a) Đối tượng:
- Hộ gia đình đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (để trồng rừng sản xuất);
- Hộ gia đình đã có hợp đồng khoán sử dụng đất lâu dài (gồm đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ nay chuyển sang quy hoạch là rừng sản xuất) với tổ chức quốc doanh (kể cả các doanh nghiệp quốc doanh nay đã cổ phần hoá) trước thời điểm Quyết định 147/2007/QĐ-TTg có hiệu lực;
- Hộ gia đình có đất nằm trong quy hoạch trồng rừng sản xuất, đang canh tác ổn định từ 3 năm trở lên mà không có tranh chấp nhưng chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc hợp đồng khoán sử dụng đất lâu dài: hộ gia đình cần có sơ đồ lô đất tự vẽ, diện tích đất tự đo, ghi rõ địa điểm, ranh giới lô đất cần có xác nhận với chủ đất liền kề đảm bảo không tranh chấp; sơ đồ này cần xác nhận của thôn, chính quyền xã. Diện tích này phải hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc bản đồ khoán đất trồng rừng trong vòng 12 tháng cho chủ rừng.
b) Thủ tục: như điểm b, khoản 3.1, Mục 3 Thông tư này.
Trong vòng 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn, BQLDA cấp huyện căn cứ vào kế hoạch hỗ trợ trồng rừng của Dự án được duyệt, có trách nhiệm cử cán bộ xác minh hiện trường và xác định mức hỗ trợ theo quy định để ký hợp đồng hỗ trợ trồng rừng, kèm theo bản hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng cho hộ gia đình.
c) Nghiệm thu, thanh quyết toán:
- Khi rừng trồng đạt 16 - 18 tháng tuổi, BQLDA cấp huyện thông báo lịch nghiệm thu cho tất cả các chủ rừng, Ban phát triển rừng xã và Ban phát triển rừng thôn và tổ chức nghiệm thu theo lịch thông báo cho chủ rừng;
- Hồ sơ để nghiệm thu: hợp đồng hỗ trợ trồng rừng, giấy chứng nhận nguồn gốc giống (nếu loại giống cần chứng nhận xuất xứ);
- Hồ sơ thanh quyết toán: trích lục hợp đồng do chủ đầu tư lập, biên bản nghiệm thu rừng;
- Hỗ trợ sau đầu tư được thanh toán một lần ngay sau khi rừng được nghiệm thu.
4.2. Đối với tổ chức ngoài quốc doanh
a) Khi có quyết định phê duyệt dự án của cấp có thẩm quyền, chủ dự án đăng ký kế hoạch trồng rừng 3 năm với UBND cấp tỉnh. Trong vòng 15 ngày làm việc, UBND cấp tỉnh căn cứ vào kế hoạch được giao, có văn bản chấp thuận kế hoạch cho chủ đầu tư.
b) Chủ dự án căn cứ vào kế hoạch được giao, xây dựng thiết kế kỹ thuật, dự toán trồng, chăm sóc rừng và tự phê duyệt theo quy định hiện hành để triển khai trồng rừng.
c) Nghiệm thu và thanh toán:
- Khi rừng đạt tiêu chuẩn nghiệm thu, chủ rừng có văn bản báo cáo (kèm theo biên bản nghiệm thu nội bộ theo từng lô, khoảnh) gửi BQLDA cấp tỉnh yêu cầu nghiệm thu rừng. Trong vòng 15 ngày làm việc BQLDA cấp tỉnh có trách nhiệm mời các ngành liên quan và đại diện của UBND cấp huyện để tổ chức nghiệm thu rừng cho chủ đầu tư;
- Hồ sơ để nghiệm thu: quyết định phê duyệt dự án, văn bản chấp thuận kế hoạch, quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật dự toán trồng và chăm sóc rừng, giấy chứng nhận nguồn gốc giống (nếu loại giống có yêu cầu xuất xứ);
- Hồ sơ thanh quyết toán: văn bản chấp thuận kế hoạch trồng rừng và biên bản nghiệm thu rừng của cơ quan có thẩm quyền;
- Hỗ trợ sau đầu tư được thanh toán một lần ngay sau khi rừng được nghiệm thu.
5. Thời gian nghiệm thu rừng và tiêu chuẩn chất lượng rừng được nghiệm thu
5.1. Thời gian nghiệm thu đối với hỗ trợ trước: nghiệm thu rừng lần đầu khi rừng đạt 8-10 tháng tuổi, lần 2 khi rừng đạt 31-34 tháng tuổi.
5.2. Thời gian nghiệm thu đối với hỗ trợ sau: khi rừng trồng đạt 16-18 tháng tuổi.
5.3. Tiêu chuẩn chất lượng rừng được nghiệm thu:
Cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ cây sống phân bố tương đối đều, mỗi khoảng trống không có cây có diện tích nhỏ hơn 100 m2, tỷ lệ cây sống đạt từ 85% trở lên so với số lượng cây trồng theo hợp đồng, đã làm cỏ vun gốc trước khi nghiệm thu. Những diện tích nào chưa đạt tiêu chuẩn phải trồng dặm và được nghiệm thu bổ sung vào năm sau.
7. Trình tự, thủ tục hỗ trợ trồng cây phân tán
7.1. Nguyên tắc hỗ trợ
a) BQLDA cấp huyện phối hợp với UBND xã và thôn, các tổ chức có đất trồng cây phân tán xây dựng kế hoạch trồng cây phân tán trên địa bàn vùng dự án. BQLDA cấp huyện tổ chức cho các đối tượng tham gia đăng ký trồng trong đó xác định rõ địa điểm trồng, thời gian trồng, loài cây trồng.
b) Mỗi tổ chức, cá nhân, hộ gia đình chỉ được hỗ trợ một lần trong cả giai đoạn thực hiện từ nay đến năm 2015.
c) Trồng cây phân tán của hộ gia đình trên bờ lô, khoảnh ở nương rẫy kết hợp bảo vệ cây nông nghiệp; cây phân tán do các tổ chức có đất cụ thể (trường học, bệnh xá..) trồng và hưởng lợi, hỗ trợ trồng không quá 200 cây phân tán trên một ha đất hiện có. Mức cụ thể do UBND cấp huyện quyết định.
d) Cây phân tán trên đất công cộng (đường giao thông, bờ mương), UBND xã có thể giao cho tổ chức như: đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh, hợp tác xã, hội nông dân, cộng đồng đứng ra trồng và hưởng lợi.
e) Trên cơ sở kế hoạch được duyệt, BQLDA cấp huyện thông báo cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đăng ký trước để chuẩn bị giống. Thời gian đăng ký trước tuỳ vào thời gian ươm cây giống.
g) Sau khi có kế hoạch và tổng hợp nhu cầu trồng cây phân tán trên địa bàn, BQLDA cấp huyện cùng với xã, thôn sắp xếp ưu tiên, trình UBND cấp huyện phê duyệt kế hoạch trồng cây phân tán. Kế hoạch trồng cây phân tán phải được công khai ở trụ sở xã, thôn (nhà văn hoá thôn bản) và thông báo đến từng tổ chức, cá nhân và hộ gia đình liên quan.
7.2. Phương thức hỗ trợ và mức hỗ trợ. Chủ rừng được lựa chọn một trong hai hình thức sau:
a) Hỗ trợ sau đầu tư: Tổ chức, hộ gia đình trồng cây phân tán theo quy định tại khoản 7.1 Mục này, sau khi cây trồng được 16-18 tháng tuổi và đạt tiêu chuẩn nghiệm thu quy định tại khoản 5.3 Mục 5 thì được thanh toán hỗ trợ 100% giá giống, theo mức là 1,5 triệu đồng/1500 cây.
7.3. Diện tích quy đổi từ trồng cây phân tán là: 1000 cây được tính bằng một ha trồng tập trung đối với cây chu kỳ trên 10 năm; 1500 cây được tính bằng một ha đối với cây có chu kỳ dưới 10 năm.
8. Quản lý nguồn giống trồng rừng
8.1. Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình được phép sản xuất, cung cấp nguồn giống trồng rừng (cây giống, hạt giống, vật liệu giống), đối với các loài cây trồng lâm nghiệp chính trong danh mục công bố nhất thiết phải có giấy chứng nhận nguồn gốc lô giống theo quy định tại Quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành (Quyết định số 89/2005/QĐ-BNN).
8.2. Tổ chức, hộ gia đình trồng rừng có thể mua vật liệu giống, giống từ các chủ nguồn giống, cơ sở sản xuất giống nhưng phải đảm bảo theo quy định tại khoản 8.1 mục này.
BQLDA cấp huyện căn cứ vào nhu cầu cung cấp giống của các hợp đồng trồng rừng và đề nghị cung cấp giống của hộ gia đình để xây dựng kế hoạch trồng cây phân tán phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
8.3. Quản lý giá giống: tháng 1 hàng năm, UBND cấp tỉnh phê duyệt và công bố giá giống trồng rừng cho tất cả các loại giống trên địa bàn.
8.4. Công khai nguồn giống: hàng năm Sở Nông nghiệp và PTNT công bố bằng văn bản các cơ sở sản xuất giống đạt chất lượng và nguồn giống trên địa bàn. Bộ Nông nghiệp và PTNT công khai trên trang web quản lý giống các cơ sở sản xuất giống đạt chất lượng và nguồn giống trên cả nước.
9. Xác định, thực hiện mức hỗ trợ trồng rừng
Mức hỗ trợ từng hạng mục được lấy trong tổng nguồn kinh phí được giao, cụ thể như sau:
Đối tượng |
Trồng rừng sản xuất ở xã đặc biệt khó khăn (Quyết định 164/2006/QĐ-TTg) |
Ngoài xã đặc biệt khó khăn |
Trồng rừng khảo nghiệm |
|||||
Gỗ lớn |
Gỗ nhỏ |
Biên giới |
Tái định cư |
|||||
Gỗ lớn |
Gỗ nhỏ |
Gỗ lớn |
Gỗ nhỏ |
|||||
Đồng bào dân tộc ít người |
3 tr.đ |
2 tr.đ |
4 tr.đ |
3 tr.đ |
5 tr.đ |
4 tr.đ |
2 tr.đ |
60% dự toán được duyệt |
Đối tượng khác |
3 tr.đ |
2 tr.đ |
4 tr.đ |
3 tr.đ |
5 tr.đ |
4 tr.đ |
<1.5tr.đ |
|
Chi phí khuyến lâm |
200.000đ/ha |
100.000đ/ha |
|
|||||
Chi phí khảo sát thiết kế kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật |
50.000đ/ha |
|
||||||
Chi phí lập thẩm định dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất |
30.000 đ/ha |
|
||||||
Chi phí giao đất, khoán đất |
200.000 đ/ha đối với hộ gia đình, cá nhân 100.000 đ/ha đối với tổ chức, cộng đồng |
|
||||||
Chi phí lập bản đồ số hoàn công kết quả trồng rừng |
30.000 đ/ha |
|
||||||
Quyền lợi |
Được hưởng 100% sản phẩm |
|
||||||
Nghĩa vụ |
Nộp 80kg thóc/ha/chu kỳ trồng rừng |
|
Các tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, có thể sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ bổ sung đối với dự án có chi phí cây giống cao, thực hiện trên địa bàn khó khăn.
10.1. Đối với những diện tích rừng mà hộ gia đình, tổ chức ngoài quốc doanh đã nhận khoán tất cả các công đoạn, từ trồng rừng, chăm sóc đến bảo vệ thì sẽ được chuyển sang hợp đồng khoán ổn định lâu dài, hoặc được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định; hưởng lợi theo quy định tại Điều 6, Quyết định 147/2007/QĐ-TTg.
Khi khai thác, chủ rừng phải trồng lại rừng trong vòng 12 tháng theo quy định mà không được ngân sách Nhà nước hỗ trợ chu kỳ tiếp theo.
10.2. Đối với những diện tích rừng mà hộ gia đình chỉ nhận khoán công đoạn bảo vệ rừng (đang nhận khoán bảo vệ): khi khai thác hộ gia đình được hưởng bổ sung tiền bảo vệ rừng, trung bình là 200.000 đồng/ha/năm bảo vệ từ tiền bán gỗ khai thác của diện tích nhận khoán quản lý bảo vệ. Mức cụ thể do tổ chức quốc doanh đề nghị, UBND cấp huyện quyết định cụ thể.
Toàn bộ tiền thu được sau khi trừ chi phí hợp lệ cho việc đấu giá khai thác và hỗ trợ người nhận khoán phải được nộp vào tài khoản tạm thu để hỗ trợ trồng rừng theo quy định tại Quyết định 147/2007/QĐ-TTg. Nếu trong trường hợp đấu giá mà số tiền thu được thấp hơn (hoặc không đủ) hỗ trợ bổ sung cho người nhận khoán thì số tiền thu được ưu tiên trả chi phí hợp lệ về quản lý, thiết kế, lập hồ sơ đấu giá của tổ chức quốc doanh, số còn lại chia cho hộ gia đình theo số diện tích và số năm nhận khoán quản lý bảo vệ rừng.
Việc khai thác và bán gỗ thuộc đối tượng này phải thông qua hình thức đấu giá theo quy định hiện hành: tổ chức quốc doanh đang được giao quản lý rừng tự quyết định thời điểm khai thác, lập hồ sơ đấu giá diện tích rừng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức bán đấu giá công khai.
10.3. Đối với diện tích rừng phòng hộ chủ dự án trước đây có đầu tư thêm nguồn vốn tự có để trồng, chăm sóc, bảo vệ mà đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, khi bán diện tích rừng này số tiền thu được xử lý theo thứ tự ưu tiên như sau: chi phí hợp lệ cho việc bán đấu giá, khai thác gỗ, hỗ trợ bổ sung cho hộ gia đình, phần còn lại được chia theo tỷ lệ vốn đầu tư giữa vốn ngân sách và vốn của chủ dự án, phần tỷ lệ thuộc vốn ngân sách sẽ được thu về để tiếp tục đầu tư trồng rừng theo chính sách này. Chủ dự án được chia lợi nhuận tương ứng với số tiền đã đầu tư thêm.
10.4. Đối với diện tích rừng phòng hộ cho đến nay chủ dự án vẫn tự quản lý mà không có hộ gia đình tham gia, thì chủ dự án tự quyết định thời điểm khai thác. Chủ dự án lập hồ sơ bán đấu giá trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện, số tiền thu được nộp vào tài khoản tạm thu của chủ dự án và báo cáo UBND cấp tỉnh để cho phép thực hiện đầu tư theo quy định tại Quyết định 147/2007/QĐ-TTg.
10.5. Đối với những diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng đang được đầu tư xây dựng cơ bản lâm sinh (1năm trồng + 3 năm chăm sóc), khi quy hoạch chuyển sang rừng sản xuất theo chỉ thị 38/2005/CT-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2005 thì xử lý như sau:
a) Đối với diện tích rừng đã giao, khoán ổn định cho các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh thì các thành phần kinh tế này tự bỏ vốn để tiếp tục chăm sóc, bảo vệ rừng và hưởng lợi.
b) Đối với diện tích rừng của tổ chức quốc doanh, thực hiện theo định mức đã được phê duyệt cho đủ thời gian xây dựng cơ bản lâm sinh.
11. Khai thác, thu nộp tiền nghĩa vụ của chủ rừng
11.1. Trước khi khai thác, chủ rừng có văn bản thông báo kế hoạch khai thác cụ thể theo từng lô khoảnh gửi Hạt Kiểm lâm huyện, đồng gửi UBND xã để theo dõi. Trong vòng năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản, nếu Hạt Kiểm lâm không có ý kiến phản đối bằng văn bản, chủ rừng có quyền khai thác rừng, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Trong vòng 45 ngày kể từ ngày gửi kế hoạch khai thác gỗ cho Hạt Kiểm lâm, chủ rừng có trách nhiệm nộp tiền vào quỹ phát triển rừng của xã, thôn theo quy định. Trong thời hạn trên nếu chủ rừng chưa nộp thì sẽ xử phạt như chậm nộp thuế.
Diện tích rừng trồng, sau khai thác phải trồng lại trong vòng 12 tháng.
11.2. Giá thóc tính để thu nộp vào ngân sách xã được tính như giá thóc tẻ thường được UBND cấp tỉnh quy định hàng năm (như giá thóc thu thuế nông nghiệp).
11.3. Ban phát triển rừng xã, Ban phát triển rừng thôn có trách nhiệm mở tài khoản riêng và thu tiền nộp của các chủ rừng. Sử dụng khoản tiền này theo quy định tại khoản 21.8, Mục 21 của Thông tư này.
12. Hỗ trợ đầu tư trồng và quản lý rừng giống, vườn giống
12.1. Lập dự án quy hoạch rừng giống vườn giống:
a) Quy hoạch rừng giống, vườn giống là quy hoạch dài hạn, ổn định, được Bộ Nông nghiệp và PTNT thống nhất quản lý theo quy chế chung. Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, lập quy hoạch hệ thống rừng giống, vườn giống đến năm 2050:
- Dự án quy hoạch hệ thống rừng giống, vườn giống trên nguyên tắc cơ bản là đảm bảo khả năng cung cấp giống cho ngành. Sử dụng nguồn giống hiện có là chính, quy hoạch bổ sung nguồn giống mới, phù hợp quy hoạch chiến lược giống lâm nghiệp của ngành đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt;
- Xác định chủ đầu tư, địa điểm, diện tích rừng giống, vườn giống có khả năng cung cấp giống, diện tích cần chuyển đổi chủ sở hữu, trong đó tổ chức quốc doanh chỉ quản lý 30% diện tích rừng giống, vườn giống có tầm quan trọng quốc gia;
- Các giải pháp chuyển đổi chủ đầu tư đối với rừng giống, vườn giống cần chuyển đổi;
- Đối với rừng giống trồng mới và vườn giống trồng mới cần có quy mô ít nhất một ha. Đối với rừng giống chuyển hoá quy mô ít nhất là năm ha.
b) Quy hoạch rừng giống, vườn giống được Sở Nông nghiệp và PTNT trình Bộ Nông nghiệp và PTNT thẩm định, UBND tỉnh phê duyệt. Quyết định phê duyệt quy hoạch phải được gửi các chủ rừng giống, vườn giống và công bố công khai.
12.2. Đầu tư, nghiệm thu thanh quyết toán rừng giống vườn giống
a) Điều kiện được hỗ trợ đầu tư rừng giống, vườn giống: có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; có hợp đồng khoán đất, khoán rừng ổn định lâu dài; hoặc có sơ đồ khu vực rừng giống, vườn giống do chủ đầu tư vẽ được xác nhận không tranh chấp của người sử dụng đất liền kề và xác nhận của UBND xã. Giấy cam kết của chủ đầu tư sử dụng đất vào mục đích xây dựng rừng giống, vườn giống ổn định lâu dài và cam kết chỉ được chuyển đổi mục đích sử dụng rừng giống khi được phép của cơ quan có thẩm quyền. Ưu tiên quy hoạch cho những chủ đầu tư, hộ gia đình có kiến thức về lâm nghiệp (có bằng cấp của các trường đại học, trung cấp chuyên ngành).
b) Sở Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm hướng dẫn chủ đầu tư thiết kế kỹ thuật, dự toán chi tiết việc tr��ng mới rừng giống, vườn giống, chuyển hoá rừng giống, vườn giống bảo vệ rừng giống vườn giống. Chủ đầu tư có thể thuê tư vấn lập thiết kế kỹ thuật dự toán, hoặc tự lập thiết kế kỹ thuật dự toán dựa trên hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT. Sở Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm ký hợp đồng hỗ trợ đầu tư (theo mẫu hợp đồng kèm theo) với chủ đầu tư theo nội dung dự toán thiết kế kỹ thuật đã được lập trong vòng 3 tháng sau khi có quyết định của UBND cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch rừng giống, vườn giống.
c) Sau khi ký hợp đồng, chủ đầu tư triển khai đầu tư theo hợp đồng.
d) Vào quý 4 hàng năm, chủ đầu tư có báo cáo kết quả thực hiện theo hợp đồng cho Sở Nông nghiệp và PTNT, trong vòng 20 ngày làm việc Sở Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm lập hội đồng nghiệm thu. Thành phần hội đồng nghiệm thu tương tự hội đồng công nhận nguồn giống lâm nghiệp (theo quy chế quản lý giống lâm nghiệp) mời thêm BQLDA cấp huyện, Ban phát triển rừng cấp xã nơi có rừng giống, vườn giống để nghiệm thu cho chủ đầu tư.
e) Hồ sơ để nghiệm thu: hợp đồng của chủ rừng giống, vườn giống với Sở Nông nghiệp và PTNT, hồ sơ chứng minh về nguồn gốc cây trội, nhật ký gieo ươm, thi công trồng so với thiết kế kỹ thuật đã được hướng dẫn. Hồ sơ này là căn cứ để cấp giấy chứng nhận nguồn giống đủ tiêu chuẩn cho chủ nguồn giống.
g) Hồ sơ thanh toán: biên bản nghiệm thu và quyết định phê duyệt dự án quy hoạch rừng giống, vườn giống của UBND cấp tỉnh.
h) Đầu tư rừng giống vườn giống được giải ngân làm 4 lần. Lần một ứng 30% mức hỗ trợ ngay sau khi ký hợp đồng, lần hai thanh toán 30% tiếp theo khi nghiệm thu sau 12 tháng đầu tư cho rừng giống, vườn giống. Lần 3 sau khi nghiệm thu rừng năm thứ 3 và lần 4 sau khi nghiệm thu rừng năm thứ 4, mỗi lần 20% mức hỗ trợ.
i) BQLDA cấp tỉnh được hưởng 3% trên tổng mức vốn hỗ trợ của Nhà nước cho chủ rừng giống, vườn giống để thực hiện việc quy hoạch, hướng dẫn kỹ thuật, quản lý hợp đồng, làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ rừng giống, vườn giống. Cấp giấy chứng nhận nguồn gốc giống đủ tiêu chuẩn. Chi phí này được nêu rõ trong hợp đồng giữa các bên. BQLDA cấp tỉnh chi theo quy định chi phí sự nghiệp hành chính hiện hành.
13. Trình tự xây dựng dự án hỗ trợ đầu tư trung tâm sản xuất giống cây rừng chất lượng cao
13.1. Chủ trương và thủ tục đầu tư:
a) Nếu trên địa bàn chưa có cơ sở nuôi cấy mô nhân giống cây lâm nghiệp, BQLDA cấp tỉnh thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để lựa chọn doanh nghiệp đầu tư, ưu tiên lựa chọn doanh nghiệp có diện tích trồng rừng lớn trên địa bàn, doanh nghiệp có liên doanh, liên kết, hợp tác với Viện khoa học, Trường Đại học của Nhà nước đã có công nghệ nuôi cấy mô cây rừng. Sau khi lựa chọn, BQLDA cấp tỉnh tổng hợp trình UBND cấp tỉnh cho phép đầu tư.
b) Sau khi có chủ trương, chủ đầu tư xây dựng dự án trình Sở Nông nghiệp và PTNT thẩm định. Trong vòng 20 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Nông nghiệp và PTNT phải có văn bản thẩm định cho chủ đầu tư. Nội dung thẩm định đảm bảo quy định tại Điều 8, Quyết định 147/2007/QĐ-TTg.
c) Chủ đầu tư phê duyệt thiết kế tổng dự toán. Quyết định của chủ đầu tư phải được gửi cho các cơ quan liên quan tại tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
d) Sau khi có quyết định phê duyệt, Sở Nông nghiệp và PTNT ký hợp đồng (theo mẫu kèm theo) cho chủ đầu tư trong vòng 20 ngày làm việc kể từ khi nhận được quyết định của chủ đầu tư.
13.2. Ứng vốn và nghiệm thu, thanh quyết toán
a) Sau khi ký hợp đồng và đầu tư được trên 50% khối lượng công việc (Sở Nông nghiệp và PTNT xác nhận) chủ đầu tư được ứng kinh phí hỗ trợ tương ứng với khối lượng hoàn thành.
b) Sau khi đầu tư xong, chủ đầu tư có văn bản báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT. Trong vòng 20 ngày, Sở Nông nghiệp và PTNT thành lập hội đồng nghiệm thu và nghiệm thu cho chủ đầu tư. Thành phần gồm Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng và Sở Khoa học công nghệ.
c) Biên bản nghiệm thu, văn bản thẩm định, quyết định đầu tư, chủ trương đầu tư là căn cứ để giải ngân tiền hỗ trợ lần 1 cho chủ đầu tư.
d) Giải ngân lần hai, chủ đầu tư báo cáo cụ thể sản lượng sản xuất thực tế được tiêu thụ để Sở Nông nghiệp và PTNT xác minh, nếu tiêu thụ đạt công suất 1 triệu cây năm thì lập biên bản nghiệm thu cho chủ đầu tư để giải ngân hết số tiền còn lại.
e) Hội đồng nghiệm thu cấp tỉnh và BQLDA tỉnh được hưởng 2% trên tổng mức vốn hỗ trợ của Nhà nước cho chủ đầu tư trung tâm giống chất lượng cao để thực hiện việc thẩm định, nghiệm thu, quản lý hợp đồng, làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chi phí này được nêu rõ trong hợp đồng giữa các bên. BQLDA cấp tỉnh chi theo quy định chi phí sự nghiệp hành chính hiện hành.
14. Hỗ trợ đầu tư vườn ươm giống
14.1. Trình tự, thủ tục quy hoạch hệ thống vườn ươm của BQLDA cấp huyện thuộc Tổ chức quốc doanh:
a) BQLDA cấp huyện thống kê toàn bộ vườn ươm hiện có trên địa bàn (về địa điểm, diện tích, quy mô, năng lực sản xuất, chủ vườn ươm…).
b) Tổ chức quy hoạch hệ thống vườn ươm trên địa bàn theo quy định tại điều 9 của Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg, trong đó phải đưa vườn ươm đã có vào quy hoạch.
c) Xác định chủ vườn ươm: là tổ chức trong nước, hộ gia đình, cá nhân.
d) Những vườn ươm quy hoạch mới phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc có sơ đồ khu vực vườn ươm do chủ đầu tư vẽ được xác nhận không tranh chấp của người sử dụng đất liền kề và xác nhận của UBND xã. Giấy cam kết của chủ vườn ươm sử dụng đất vào mục đích xây dựng vườn ươm trên 10 năm.
e) Nội dung quy hoạch gồm: xác định địa điểm vườn ươm, vườn ươm xây dựng mới hay nâng cấp, diện tích đất hiện có, chủ vườn ươm.
g) Sau khi quy hoạch, chủ đầu tư lấy ý kiến thẩm tra của Sở Nông nghiệp và PTNT sau đó trình UBND cấp huyện thẩm định và phê duyệt. Quyết định phê duyệt quy hoạch phải được gửi đến thành viên Ban chỉ đạo huyện, BQLDA cấp tỉnh và các chủ vườn ươm.
h) Sau khi được phê duyệt quy hoạch, BQLDA cấp huyện phải có trách nhiệm hướng dẫn thiết kế kỹ thuật cho chủ vườn ươm.
i) Sau khi có thiết kế, BQLDA cấp huyện phải ký hợp đồng cho chủ vườn ươm (mẫu hợp đồng kèm theo).
k) Mức hỗ trợ của Nhà nước theo quy định tại khoản 5, Điều 9, Quyết định 147/2007/QĐ-TTg. Mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương cho vườn ươm tại các xã biên giới không quá 700 triệu đồng/vườn ươm, phần còn lại do ngân sách địa phương hỗ trợ bổ sung.
14.2. Ứng vốn và nghiệm thu thanh quyết toán:
a) Sau khi ký hợp đồng và đầu tư được trên 50% khối lượng công việc (BQLDA cấp huyện xác nhận) chủ đầu tư được ứng kinh phí hỗ trợ tương ứng với khối lượng hoàn thành.
b) Khi đầu tư xong vườn ươm theo hợp đồng, chủ vườn ươm báo cáo bằng văn bản cho BQLDA cấp huyện, trong vòng 20 ngày làm việc BQLDA cấp huyện có trách nhiệm mời thêm đại diện của Ban chỉ đạo huyện, Ban phát triển rừng xã để nghiệm thu cho chủ đầu tư.
c) Hồ sơ thanh quyết toán gồm: hợp đồng hỗ trợ đầu tư vườn ươm, biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình vườn ươm.
d) BQLDA cấp huyện được hưởng 3% trên tổng mức vốn hỗ trợ của Nhà nước cho chủ vườn ươm để thực hiện việc quy hoạch, hướng dẫn kỹ thuật, quản lý hợp đồng, làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các vườn ươm. Chi phí này được nêu rõ trong hợp đồng giữa các bên. BQLDA cấp huyện chi theo quy định chi phí sự nghiệp hành chính hiện hành.
14.3. Đối với vườn ươm của tổ chức ngoài quốc doanh có trồng rừng quy mô trên 1.000 ha trở lên, đầu tư vườn ươm được quyết định ngay trong quá trình xây dựng dự án trồng rừng, doanh nghiệp là chủ đầu tư vườn ươm (không cần hợp đồng xây dựng vườn ươm). Doanh nghiệp (chính là BQLDA cấp huyện) tự xây dựng thiết kế kỹ thuật, dự toán trình Sở Nông nghiệp và PTNT thẩm định, sau đó chủ đầu tư phê duyệt và tự triển khai đối với vườn ươm mới có hỗ trợ 200 triệu đồng/vườn ươm và nâng cấp vườn ươm. BQLDA tỉnh chủ trì nghiệm thu cho BQLDA cấp huyện.
15. Trình tự, thủ tục hỗ trợ đầu tư đường ranh phòng chống cháy rừng (đường ranh cản lửa)
15.1. Tiêu chuẩn đường ranh cản lửa
a) Áp dụng theo tiêu chuẩn ngành (tiêu chuẩn 04 TCVN 89-2007), đường ranh cản lửa có chiều rộng trung bình từ 8-12 m và tuỳ theo chiều cao cây rừng, địa hình và khả năng tài chính. Đường ranh cản lửa được quy hoạch gắn với đường lô khoảnh, thuận lợi cho việc vận chuyển, vận xuất, kết nối với hệ thống đường dân sinh hiện có. Trong một chu kỳ trồng rừng được đầu tư lần đầu gồm ủi, san gạt, đập tràn qua suối (mặt đường trung bình khoảng 5 m) để kết hợp làm đường vận xuất, vận chuyển, bề rộng đường còn lại được phát trắng. các năm sau phát dọn sạch, duy tu bảo dưỡng trên toàn bộ đường ranh.
b) Ngoài đường ranh cản lửa được hỗ trợ trên đây, BQLDA cấp huyện phải quy hoạch các đường băng phụ ở các khu rừng có diện tích từ 100 ha trở lên chia cắt các khoảnh lô, đường băng phụ được nối với đường ranh; hoặc quy hoạch đường băng xanh ở đối tượng rừng có nguy cơ cháy cao. Độ rộng của đường băng phụ từ 5-10m, khoảng cách giữa các đường băng là 50-100m.
15.2. Nguyên tắc và trình tự quy hoạch đối với đường ranh cản lửa của BQLDA cấp huyện thuộc tổ chức quốc doanh:
- Lợi dụng được hệ thống đường mòn, đường dân sinh hiện có;
- Bảo đảm thuận lợi cho việc vận xuất vận chuyển và phòng chống cháy rừng;
- Mạng lưới đường phân bố đều và đảm bảo theo khoản 1 Điều 10 Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg;
- Có sự đồng thuận của ít nhất 70% chủ rừng;
- BQLDA cấp huyện là chủ đầu tư để quy hoạch và đầu tư đường ranh cản lửa. Trong quá trình quy hoạch phải họp các chủ rừng khoảng 3 lần để thống nhất các phương án. Đường ranh cản lửa đi qua diện tích đất của chủ rừng, thì BQLDA cấp huyện cần giải thích, tuyên truyền để chủ rừng tự nguyện hiến tặng cho cộng đồng vì lợi ích chung, không sử dụng tiền hỗ trợ của Nhà nước để đền bù;
- Khi quy hoạch chú ý đối với những diện tích rừng sản xuất đã trồng trước đây chưa được hỗ trợ đường ranh phòng chống cháy rừng thì được phép quy hoạch bổ sung và nhận hỗ trợ theo Quyết định 147/2007/QĐ-TTg.
15.3. Thủ tục đầu tư và nghiệm thu thanh toán:
- Khi quy hoạch được duyệt, BQLDA cấp huyện phối hợp với các chủ rừng cắm mốc trên thực địa, để hình thành hệ thống đường;
- Căn cứ vào kế hoạch được giao, BQLDA cấp huyện có thể tự thiết kế hoặc thuê thiết kế dự toán để trình UBND cấp huyện phê duyệt. Sau khi thiết kế dự toán được phê duyệt BQLDA cấp huyện tự thi công hoặc thuê thi công để hoàn thành công trình;
- Nghiệm thu thanh quyết toán: sau khi đầu tư, BQLDA cấp huyện có trách nhiệm báo cáo UBND cấp huyện, trong vòng 20 ngày, UBND cấp huyện có trách nhiệm mời thêm đại diện BQLDA cấp tỉnh, Ban phát triển rừng xã để nghiệm thu cho chủ đầu tư.
15.4. Duy tu bảo dưỡng.
Hàng năm BQLDA cấp huyện lập kế hoạch duy tu bảo dưỡng trình UBND cấp huyện phê duyệt và thực hiện. Mức tính trung bình mỗi năm 1 triệu đồng/km.
15.5. Ứng vốn: sau khi thiết kế dự toán được duyệt, BQLDA cấp huyện được ứng 50% vốn được duyệt để đầu tư cho công trình.
Các tuyến đường được hỗ trợ đầu tư xây dựng cho các dự án phát triển rừng sản xuất của các cơ sở chế biến cụ thể và vùng nguyên liệu theo quy định tại khoản 2 điều 10 Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ không quá 300 triệu đồng/km (bao gồm cả cầu, ngầm, đập tràn), phần còn lại là vốn của địa phương và chủ dự án. Thực hiện theo quy chế quản lý đầu tư và xây dựng công trình hiện hành.
17. Hỗ trợ vận chuyển gỗ được chế biến tại vùng Tây Bắc
17.1. Đầu tư nhà máy chế biến gỗ ván thanh kết hợp với chế biến ván MDF hoặc ván dăm tại các tỉnh Tây Bắc được hỗ trợ theo quy định tại Điều 11, Quyết định 147/2007/QĐ-TTg.
17.2. Nội dung chấp thuận dự án đầu tư của UBND cấp tỉnh:
- Chấp thuận quy mô nhà máy phù hợp với vùng nguyên liệu;
- Chấp thuận về địa điểm đặt nhà máy.
17.3. Hướng dẫn quy đổi đơn vị thể tích (m3) gỗ sản phẩm sang đơn vị trọng lượng (tấn) như sau:
Đối với ván MDF, 01 m3 sản phẩm tương đương với 750 kg;
Đối với ván HDF, 01 m3 sản phẩm tương đương với 1000 kg;
Đối với ván dăm, 01 m3 sản phẩm tương đương với 700 kg;
Đối với ván ghép thanh các loại 01 m3 sản phẩm đương với 1000 kg.
17.4. Hội đồng nghiệm thu: hội đồng nghiệm thu nhà máy do Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập. Thành phần gồm phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh làm Chủ tịch hội đồng, thành viên là các Sở Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học Công nghệ, Công thương.
17.5. Tạm ứng vốn: khi nhà máy trong quá trình đầu tư, với khối lượng đã thực hiện được 50% trở lên, được BQLDA cấp tỉnh xác nhận, cho phép chủ đầu tư ứng vốn hỗ trợ, tỷ lệ tương đương với khối lượng đã thực hiện.
17.6. Khấu trừ tiền hỗ trợ vào các khoản thuế như sau:
a) Mức khấu trừ là: 30% trên tổng mức được hỗ trợ.
b) Thời gian được khấu trừ: trong vòng 5 năm.
c) Việc khấu trừ được thực hiện hàng năm, doanh nghiệp tự xác định mức được khấu trừ và đưa vào báo cáo quyết toán thuế hàng năm của doanh nghiệp và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản báo cáo quyết toán thuế. Giá trị được khấu trừ trong năm nếu chưa được kê khai khấu trừ trong Bản báo cáo quyết toán thuế của năm tài chính đó thì được khấu trừ vào năm tài chính tiếp theo.
Hàng năm khi xác định mức khấu trừ, doanh nghiệp phải gửi Bản xác nhận số tiền được khấu trừ của cơ quan thuế cho BQLDA cấp tỉnh để tổng hợp và theo dõi.
III - GIẢI PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
18. Ban quản lý hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất các cấp
18.1. BQLDA cấp tỉnh là BQLDA 5 triệu ha rừng hiện có. Nếu tỉnh nào không có Chi cục Lâm nghiệp, thì BQLDA 5 triệu ha rừng tỉnh sẽ được chuyển cho Chi cục Kiểm lâm để thực hiện. Trường hợp tỉnh không có Chi cục Lâm nghiệp, không có Chi cục Kiểm lâm thì giao cho đơn vị sự nghiệp có chức năng về lâm nghiệp thực hiện.
18.2. Ban chỉ đạo cấp huyện:
Huyện có 1000 ha đất trồng rừng sản xuất trở lên phải thành lập Ban chỉ đạo. Ban chỉ đạo cấp huyện thành lập phải gắn với ban khác về lâm nghiệp trên địa bàn (Ban chỉ huy những vấn đề cấp bách về bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng).
Ban chỉ đạo cấp huyện do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định thành lập, do một đồng chí phó Chủ tịch UBND cấp huyện phụ trách nông lâm nghiệp làm trưởng ban, các thành viên gồm: Hạt Kiểm lâm huyện làm thường trực, có đại diện Mặt trận tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Tài nguyên và Môi trường. Quy chế hoạt động do Ban chỉ đạo thống nhất ban hành. Chi phí hoạt động của Ban chỉ đạo cấp huyện được hưởng 0,8% chi phí quản lý của tổng mức chi lâm sinh trên địa bàn, sử dụng mức chi trên theo quy định hiện hành.
18.3. BQLDA cấp huyện là các chủ đầu tư dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất, quy định tại khoản a, b, d khoản 1 Điều 15, Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg.
a) BQLDA cấp huyện có Trưởng ban, 01-02 phó ban, kế toán, một số cán bộ kỹ thuật kiêm nhiệm vụ giám sát đầu tư.
b) BQLDA cấp huyện có tài khoản riêng và được sử dụng con dấu hiện có của cơ quan để giao dịch.
c) Nếu được người trồng rừng đăng ký và yêu cầu BQLDA cấp huyện cung cấp cây giống thì BQLDA cấp huyện phải tổ chức đầu thầu cung cấp giống công khai theo kế hoạch 3 năm.
18.4. Ban phát triển rừng xã: Ban phát triển rừng xã được thành lập theo quy định tại khoản 3, Điều 16, Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg, thành phần bao gồm:
Một phó Chủ tịch xã làm trưởng ban. Thành viên có: Kiểm lâm địa bàn xã, cán bộ Nông lâm nghiệp xã, Địa chính xã, đại diện Đoàn thanh niên xã, Hội Nông dân xã, Xã đội, hoặc Hội Cựu chiến binh xã và đại diện của các Ban phát triển rừng thôn (mỗi ban phát triển thôn bố trí 01 đại diện).
Quy chế hoạt động của Ban phát triển rừng xã được thiết kế theo hướng dân chủ, công khai. Tất cả các kế hoạch thu, chi hàng năm phải được ít nhất 80% số người tham dự cuộc họp toàn xã viên hàng năm đồng ý thông qua. Quy chế cụ thể do Chủ tịch UBND xã phê duyệt (mẫu tham khảo có trên trang web cùng với Thông tư này).
18.5. Ban phát triển rừng thôn: Ban phát triển rừng thôn được thành lập theo quy định tại khoản 4, Điều 16 Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg, thành phần bao gồm:
- Trưởng thôn hoặc phó Trưởng thôn làm Trưởng ban. Thành viên có: Già làng, đại diện Đoàn thanh niên, đại diện Chi hội nông dân, đại diện Chi hội phụ nữ, đại diện Chi hội cựu chiến binh và đại diện Nông dân (từ 01 - 03 nông dân).
Quy chế hoạt động của Ban phát triển rừng thôn được thiết kế theo hướng dân chủ, công khai, tất cả kế hoạch thu, chi hàng năm phải được ít nhất 80% số người tham dự cuộc họp toàn thôn thông qua, 6 tháng một lần. Quy chế Ban phát triển rừng thôn do Chủ tịch UBND xã phê duyệt (mẫu tham khảo có trên trang web cùng với Thông tư này).
19. Quản lý hợp đồng và hệ thống thông tin quản lý
19.1. Tất cả các hợp đồng phải được quản lý thông qua hệ thống công nghệ thông tin. Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng phần mềm quản lý tất cả các hợp đồng thực hiện Quyết định 147/2007/QĐ-TTg, cung cấp phần mềm quản lý cho tất cả các địa phương, các dự án để thống nhất sử dụng.
19.2. Tất cả các BQLDA cấp huyện phải có máy tính được nối mạng với BQLDA cấp tỉnh. Tất cả các hợp đồng đã ký phải được đưa vào dữ liệu quản lý không quá 3 ngày ngay sau khi ký hợp đồng. Ngày 20 hàng tháng, BQLDA cấp huyện phải chuyển số liệu và có báo cáo thực hiện lên BQLDA tỉnh. BQLDA cấp tỉnh phải cập nhật số liệu và tổng hợp để chuyển cho Ban điều hành dự án Trung ương vào ngày 25 hàng tháng.
19.3. Mã hoá hợp đồng trồng rừng để quản lý:
- Hợp đồng trồng rừng được mã hoá gồm các bộ phận như sau: đầu tiên là số hợp đồng, số hợp đồng được lấy theo số tự nhiên, hợp đồng đầu tiên lấy số 01, sau đó là năm ký hợp đồng trồng rừng, sau nữa là mã tỉnh, tiếp theo là mã huyện, tiếp theo nữa là mã xã, cuối cùng là ký hiệu trồng rừng (HĐTR);
- Mã tỉnh gồm ba chữ cái được đặt theo ký tự chữ cái đầu của tên tỉnh và được viết in hoa nhưng không được trùng lặp (sử dụng mã tỉnh trong thống kê diễn biến tài nguyên rừng (như danh sách kèm theo);
- Mã huyện gồm 2 chữ cái được đặt theo ký tự chữ cái đầu của tên huyện và viết in hoa, nhưng không được trùng lặp với nhau trên cùng một tỉnh.
- Mã xã gồm hai chữ cái, được đặt theo ký tự chữ cái đầu của tên xã và viết in hoa, nhưng không được trùng lặp trên cùng một huyện;
Mã huyện và mã xã được BQLDA cấp tỉnh thống nhất đặt và thông báo cho BQLDA cấp huyện để sử dụng và Ban điều hành Trung ương để tổng hợp.
Ví dụ: Hợp đồng trồng rừng của hộ Nguyễn văn A, có số thứ tự hợp đồng là số 09, tại xã Phong Vân (PV), huyện Lục Ngạn (LN), tỉnh Bắc Giang (BGI), trồng rừng năm 2009 có ký hiệu như sau: 09/2009/BGI/LN/PV/HĐTR
19.4. Quản lý hợp đồng vườn ươm: như quản lý hợp đồng trồng rừng chỉ khác ký hiệu cuối cùng của vườn ươm (là: HĐVƯ)
19.5. Quản lý hợp đồng rừng giống, vườn giống: như quản lý hợp đồng trồng rừng chỉ khác ký hiệu cuối cùng của rừng giống, vườn giống (là: HĐRVG)
19.6. Quản lý hợp đồng trung tâm giống chất lượng cao: như quản lý hợp đồng trồng rừng chỉ khác ký hiệu cuối cùng của trung tâm giống chất lượng cao (là: HĐGCLC)
20.1. Kinh phí quản lý được tính chung là 10% tổng vốn ngân sách hỗ trợ đầu tư cho hoạt động lâm sinh. Phân bổ cho các Bộ, ngành Trung ương 0,5%; cấp tỉnh 0,7%; Ban chỉ đạo cấp huyện 0,8% và BQLDA cấp huyện là 6%, Ban phát triển rừng xã 1%, Ban phát triển rừng thôn 1%. Kinh phí quản lý của Ban phát triển rừng xã và Ban phát triển rừng thôn được tính gộp cho BQLDA cấp huyện. Hàng năm căn cứ vào diện tích trồng rừng của thôn, xã, BQLDA cấp huyện có trách nhiệm chuyển cho xã và thôn chi.
20.2. Nội dung chi: ưu tiên chi cho việc đào tạo nâng cao năng lực cán bộ các cấp như đào tạo, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực của cán bộ các cấp và cộng đồng dân cư; chi thẩm định và xét duyệt dự án, chi công tác thông tin tuyên truyền và tham vấn cộng đồng, chi hội nghị sơ kết, tổng kết, thi đua khen thưởng, văn phòng phẩm cho hoạt động chỉ đạo quản lý, chi cho công tác quản lý điều hành, lương, phụ cấp lương cho các BQLDA, công tác phí, công tác quyết toán sử dụng vốn hàng năm và quyết toán dự án hoàn thành. Đối với trang thiết bị cần thiết (máy vi tính, xe đạp, xe gắn máy) của BQLDA cấp huyện cần được trang bị sớm có thể sử dụng vượt quá 6% theo quy định trong năm đầu, nhưng không vượt quá 6% theo quy định của tổng số 3 năm được giao kế hoạch.
20.3. Riêng đối với khoản 0,5% ngân sách của Trung ương: ngoài chi cho các nhiệm vụ nêu trên còn được chi vào việc nghiên cứu, rà soát điều chỉnh một số cơ chế, chính sách của nghề rừng. Nghiên cứu đánh giá tác động kinh tế, xã hội, môi trường của việc trồng rừng; kiểm toán độc lập. Đầu tư xây dựng, sản xuất thử nghiệm một số thiết bị, công nghệ, mô hình phục vụ cho phát triển nghề rừng theo chủ trương của Ban điều hành Trung ương thông qua và mức chi theo phê duyệt của cơ quan quyết định đầu tư.
20.4. Kinh phí quản lý của tổ chức quốc doanh, BQLDA cấp tỉnh, Trung ương được lập dự toán chi tiết theo kế hoạch 3 năm được giao và trình cơ quan quyết định đầu tư phê duyệt.
21. Xử lý bồi hoàn, miễn giảm thuế, thu nộp tiền nghĩa vụ của chủ rừng
21.1. Nếu chủ rừng hưởng mức hỗ trợ cho loài cây trồng sau 10 năm mới khai thác, nhưng muốn khai thác sớm, thời gian không sớm hơn 5 năm thì bồi hoàn cho Nhà nước 15% tiền đã hỗ trợ cho mỗi năm khai thác sớm. Số tiền bồi hoàn này được thu về tài khoản thu hồi của BQLDA cấp huyện để đầu tư lại cho trồng rừng.
21.2. Đối với diện tích rừng trồng do hộ gia đình nhận khoán ổn định lâu dài của các tổ chức quốc doanh được miễn giảm thuế và tiền sử dụng đất như trường hợp giao đất, cho thuê đất đối với hộ gia đình trên địa bàn.
21.3. Rừng không đạt yêu cầu theo quy định tại khoản 5.3, Mục 5 của Thông tư này thì xử lý như sau:
- Trường hợp mất rừng do nguyên nhân bất khả kháng như thiên tai, hoả hoạn, sâu bệnh được xác định theo đúng quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT thì người trồng rừng không phải hoàn trả số tiền đã nhận hỗ trợ;
- Trường hợp mất rừng không thuộc đối tượng quy định tại điểm trên thì phải bồi hoàn theo quy định tại khoản 2, Điều 6, Quyết định 147/2007/QĐ-TTg. Cơ quan ký hợp đồng trồng rừng phải có trách nhiệm thanh lý hợp đồng và thu hồi vốn trả về ngân sách và được phép sử dụng tiền thu hồi để đầu tư cho những diện tích khác trong cùng dự án.
21.4. Đối với vườn ươm: nếu trong trường hợp chủ vườn ươm không sử dụng đất được giao vào mục đích sản xuất giống đủ 10 năm thì mỗi năm dừng sản xuất giống lâm nghiệp, chủ vườn ươm phải bồi hoàn 15% số tiền Nhà nước đã hỗ trợ.
21.5. Đối với rừng giống, vườn giống: rừng giống, vườn giống là quy hoạch cố định. Khi chủ vườn giống, rừng giống không có nhu cầu kinh doanh rừng giống, vườn giống, hoặc khi rừng giống, vườn giống không đảm bảo chất lượng, thì Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với các ngành xem xét báo cáo UBND cấp tỉnh ra quyết định thu hồi (rừng giống, vườn giống đi liền với đất) và chuyển giao cho chủ đầu tư khác mà không phải bồi hoàn.
Trường hợp thay đổi quy hoạch sử dụng đất rừng giống, vườn giống cho mục đích sử dụng công cộng thì Bộ Nông nghiệp và PTNT cho phép thay đổi quy hoạch và được bồi hoàn.
21.6. Đối với trung tâm giống chất lượng cao: nếu chủ đầu tư trung tâm giống không thực hiện đúng quy định trong hợp đồng thì phải bồi hoàn toàn bộ số tiền đã hỗ trợ cộng với lãi suất thương mại tại thời điểm thu hồi.
21.7. Cơ quan thu hồi và sử dụng tiền thu hồi: cơ quan nào ký hợp đồng thì có trách nhiệm giám sát thực hiện hợp đồng nếu vi phạm thì xử lý bồi hoàn theo quy định. Số tiền thu hồi nộp vào tài khoản thu hồi (tài khoản xử lý bồi hoàn) của cơ quan đó. Sau đó báo cáo với cơ quan quyết định đầu tư (UBND cấp huyện, hoặc hoặc UBND cấp tỉnh) để đầu tư hỗ trợ trồng rừng theo quy định tại Quyết định 147/2007/QĐ-TTg.
21.8. Cách thu và quản lý tiền chủ rừng nộp quy định tại khoản 2 Điều 6, Quyết định 147/2007/QĐ-TTg như sau:
- Đối với các xã, thôn: phải xây dựng được quy chế hoạt động của Ban phát triển rừng và quy chế quản lý quỹ phát triển rừng cấp xã và cấp thôn, sau đó mở tài khoản để chủ rừng nộp tiền theo quy định. Số tài khoản phải được thông báo tới các chủ rừng trên địa bàn. Nếu chưa có quy chế hoạt động và quản lý quỹ phát triển rừng trước mắt các xã, thôn chỉ mở tài khoản để chủ rừng nộp nghĩa vụ mà chưa được sử dụng.
- Đối với tổ chức quốc doanh: quản lý và sử dụng kinh phí như chi phí sự nghiệp hành chính cho việc bảo vệ phát triển rừng.
22. Xây dựng, tổng hợp, giao kế hoạch và giám sát đánh giá
22.1. Xây dựng kế hoạch 3 năm:
a) Căn cứ Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg và Thông tư này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch hỗ trợ trồng rừng sản xuất trung hạn 3 năm có phân bổ cụ thể kế hoạch hàng năm, trên cơ sở các dự án đã được phê duyệt và tham vấn cộng đồng dân cư. Trước mắt xây dựng kế hoạch 2008-2010 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và PTNT.
b) Nội dung lập kế hoạch của các tỉnh gồm:
- Báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch của 3 năm trước (báo cáo cuối kỳ kế hoạch, theo nội dung kế hoạch đã được giao, các hạng mục do các nguồn vốn khác đầu tư và các thành phần kinh tế tham gia);
- Kế hoạch 3 năm tiếp theo bao gồm mục tiêu, kết quả dự kiến và các nguồn vốn đầu tư, trong đó phân rõ nhiệm vụ và vốn đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước;
- Danh mục dự án, nhiệm vụ và vốn theo quy định của Chính sách;
- Việc xây dựng kế hoạch trồng rừng trung hạn phải gắn với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương theo phương pháp xây dựng kế hoạch 5 năm hiện hành.
22.2. Giao kế hoạch
a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài chính tổng hợp, c�n đối kế hoạch, báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ quyết định giao kế hoạch 3 năm để thực hiện.
b) Sau khi được giao kế hoạch, các Bộ ngành và địa phương giao kế hoạch 3 năm cho từng dự án cụ thể trong đó phân rõ vốn và nhiệm vụ từng năm cho từng dự án trong vòng 30 ngày làm việc. Kết quả giao kế hoạch phải gửi về Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để giám sát theo dõi.
c) Kế hoạch 3 năm lần sau phải ưu tiên thanh toán diện tích rừng và các nội dung đầu tư đã được thực hiện theo hình thức hỗ trợ sau đầu tư của kế hoạch 3 năm trước.
d) Đối với các dự án quan trọng có quy mô hỗ trợ đầu tư từ ngân sách 10 tỷ đồng trở lên cho thành phần kinh tế ngoài quốc doanh theo Quyết định 147/2007/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ sẽ giao kế hoạch danh mục dự án và vốn đầu tư.
22.3. Điều chỉnh kế hoạch
a) Quý III, năm thứ hai của kế hoạch 3 năm, các tỉnh có báo cáo đánh giá việc thực hiện kế hoạch được giao (báo cáo giữa kỳ kế hoạch) về khối lượng, vốn thực hiện và cơ chế chính sách gửi về Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh kế hoạch. Nguyên tắc những tỉnh thực hiện không hết kế hoạch vốn giao, Trung ương sẽ điều chuyển vốn cho các tỉnh có nhu cầu.
b) Hàng năm căn cứ vào tình hình thực hiện của BQLDA cấp huyện. UBND cấp tỉnh điều chuyển kế hoạch của những dự án có nguy cơ không thực hiện được cho dự án thực hiện tốt có nhu cầu vốn. Không điều chuyển vốn từ nhiệm vụ lâm sinh sang xây dựng cơ sở hạ tầng, trừ trường hợp được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.
c) Điều chỉnh kế hoạch của BQLDA cấp huyện thực hiện theo điểm c. khoản 2 Điều 17, Quyết định 147/2007/QĐ-TTg.
22.4. Giám sát đánh giá: căn cứ vào Thông tư này và Quyết định 147/2007/QĐ-TTg, mỗi cấp xây dựng kế hoạch giám sát đánh giá để đạt được các mục tiêu và kết quả của Chính sách.
22.5. Trách nhiệm của các Bộ ngành liên quan
a) Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì hướng dẫn các tiêu chuẩn kỹ thuật ngành chưa có trong Thông tư này và hướng dẫn khai thác bền vững rừng được trồng.
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng hướng dẫn giám sát đánh giá đảm bảo thực hiện Chính sách minh bạch và có hiệu quả.
c) Bộ Tài chính chủ trì hướng dẫn các thủ tục về thanh toán, quyết toán chi ngân sách Nhà nước.
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo; Những thông tư có nội dung quy định trái với quy định tại Thông tư này đều được bãi bỏ.
Trong quá trình thực hiện có vướng mắc cần kịp thời có văn bản báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Tài chính, để xem xét giải quyết./.
KT.
BỘ TRƯỞNG |
KT.
BỘ TRƯỞNG |
KT.
BỘ TRƯỞNG |
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: NN và PTNT, TC, KHCN, TNMT, QP, CA, Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra VBQPPL);
- VPCP, UB Dân tộc; Ngân hàng NNVN; Kho bạc NNTW, Hội ND VN, TW đoàn TN CS HCM;
- HĐND, UBND các tỉnh,TP trực thuộc TW;
- Sở NN và PTNT, Chi cục LN, Chi cục KL (các tỉnh);
- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Kho bạc NN các tỉnh;
- Thành viên Ban Điều hành TW;
- Công báo và Website Chính phủ;
- Vụ KTNN (5 bản), Cục LN - BNN (3 bản), Vụ ĐT - BTC (2 bản)
- Lưu: VT (BKH ), VT (Bộ NN), VT (BTC).
MÃ TỈNH
(Mẫu ban hành kèm theo Thông tư số: 02/2008/TTLT-KH&ĐT-BNN-TC ngày
23/6/2008)
1 |
An Giang |
AGI |
33 |
Lạng Sơn |
LSO |
2 |
Bà Rịa V.Tàu |
BRI |
34 |
Lào Cai |
LCA |
3 |
Bắc Giang |
BGI |
35 |
Long An |
LAN |
4 |
Bắc Kạn |
BCA |
36 |
Nam Định |
NDI |
5 |
Bạc Liêu |
BLI |
37 |
Nghệ An |
NAN |
6 |
Bắc Ninh |
BNI |
38 |
Ninh Bình |
NBI |
7 |
Bến Tre |
BTR |
39 |
Ninh Thuận |
NTH |
8 |
Bình Định |
BDI |
40 |
Phú Thọ |
PTH |
9 |
Bình Dương |
BDU |
41 |
Phú Yên |
PYE |
10 |
Bình Phước |
BPH |
42 |
Quảng Bình |
QBI |
11 |
Bình Thuận |
BTH |
43 |
Quảng Nam |
QNA |
12 |
Cà Mau |
CMA |
44 |
Quảng Ngãi |
QNG |
13 |
Cao Bằng |
CBA |
45 |
Quảng Ninh |
QNI |
14 |
Đăc Lăc |
DLA |
46 |
Quảng Trị |
QTR |
15 |
Đăk Nông |
DNO |
47 |
Sóc Trăng |
STR |
16 |
Điện Biên |
DBI |
48 |
Sơn La |
SLA |
17 |
Đồng Nai |
DNA |
49 |
T.Thiên Huế |
TTH |
18 |
Đồng Tháp |
DTH |
50 |
Tây Ninh |
TNI |
19 |
Gia Lai |
GLA |
51 |
Thái Bình |
TBI |
20 |
Hà Giang |
HGI |
52 |
Thái Nguyên |
TNG |
21 |
Hà Nam |
HNA |
53 |
Thanh Hoá |
THO |
22 |
Hà Tây |
HTA |
54 |
Tiền Giang |
TGI |
23 |
Hà Tĩnh |
HTI |
55 |
TP Cần Thơ |
CTH |
24 |
Hải Dương |
HDU |
56 |
TP Đà nẵng |
TPD |
25 |
Hậu Giang |
HAG |
57 |
TP Hà Nội |
HNO |
26 |
Hoà Bình |
HBI |
58 |
TP Hải Phòng |
HPH |
27 |
Hưng Yên |
HYE |
59 |
TP HCM |
HCM |
28 |
Khánh Hoà |
KHO |
60 |
Trà Vinh |
TVI |
29 |
Kiên Giang |
KGI |
61 |
Tuyên Quang |
TQU |
30 |
Kon Tum |
KTU |
62 |
Vĩnh Long |
VLO |
31 |
Lai Châu |
LCH |
63 |
Vĩnh Phúc |
VPH |
32 |
Lâm Đồng |
LDO |
64 |
Yên Bái |
YBA |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh Phúc
-------
(Mẫu ban hành kèm theo Thông tư số: 02/2008/TTLT-KH&ĐT-BNN-TC ngày 23/6/2008)
Kính gửi: Ban quản lý dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất….
Họ và tên (chủ hộ có đất xin hỗ trợ đầu tư trồng rừng)............................................................
Năm sinh: …………… số CMND: …………….. ngày cấp …/ …/… nơi cấp..............................
Họ và tên vợ hoặc chồng: ...................................................................................................
Năm sinh: ………….. số CMND: ……………… ngày cấp…. /… /… nơi cấp.............................
Địa chỉ: .............................................................................................................................
Sau khi nghiên cứu Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất tôi có nhu cầu trồng rừng sản xuất trên đất đã lâm nghiệp được quy hoạch là đất trồng rừng sản xuất của gia đình.
Diện tích:……………(ha), dự kiến xin hỗ trợ trồng…… (ha); loài cây trồng (dự kiến) ................
Tại khu vực............. Lô:……… Khoảnh ................Tiểu khu...................................................
Đất thuộc thôn…………….xã……………….huyện..…………..tỉnh............................................
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số: (nếu chưa có GCNQSDĐ ghi chưa và đề nghị được cấp)
Tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung đã nêu trong đơn, đề nghị Ban quản lý dự án xem xét hỗ trợ để tôi trồng rừng trên thửa đất đó.
Về cây giống: (tự chuẩn bị hay yêu cầu BQLDA chuẩn bị theo giá quy định của UBND tỉnh)
Khi được hỗ trợ tôi xin chịu trách nhiệm thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ của người nhận hỗ trợ đầu tư (người trồng rừng) theo quy định, tôi phải tự trồng lại rừng nếu cây trồng bị chết hoặc bị phá.
Xác
nhận của hộ có đất liền kề |
Ngày..........tháng.........năm........... |
Xác nhận của Trưởng thôn (bản): |
Xác nhận của UBND xã
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh Phúc
-------
HỢP ĐỒNG HỖ TRỢ XÂY DỰNG RỪNG GIỐNG VƯỜN GIỐNG
Số….. /200…/ / / /HĐRVG
(Mẫu hợp đồng ban hành kèm theo Thông tư số: 02/2008/TTLT-KH&ĐT-BNN-TC ngày 23 tháng 6 năm 2008)
Căn cứ Bộ Luật Dân sự của nước
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2005;
Căn cứ Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về
một số chính sách phát triển rừng sản xuất và Thông tư hướng dẫn thực hiện;
Căn cứ Quyết định phê duyệt quy hoạch hỗ trợ đầu tư xây dựng rừng giống, vườn
giống số … ngày ….. tháng….. năm…….của UBND tỉnh …………………
Hôm nay, ngày…. tháng….. năm…. tại ………………..., chúng tôi gồm:
BÊN A: BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN.....
Tên đơn vị:.........................................................................................................................
Thành lập theo quyết định số: hoặc đăng ký kinh doanh cấp ngày....... tháng...... năm..............
Địa chỉ trụ sở chính:............................................................................................................
Điện thoại:...............................; Fax:..................................; Email:..................................... (nếu có)
Số hiệu tài khoản giao dịch tại kho bạc hoặc tại tổ chức tín dụng của đơn vị:...........................
Mã số thuế:........................................................................................................................
Họ tên, chức vụ người đại diện (hoặc người được uỷ quyền):
BÊN B: BÊN NHẬN HỖ TRỢ
Tên đơn vị:.........................................................................................................................
Giấy đăng ký kinh doanh số ........................... ngày....... tháng...... năm...............................
Địa chỉ trụ sở chính:............................................................................................................
Điện thoại:..........................; Fax:..............................; Email:.............................................. (nếu có)
Số hiệu tài khoản giao dịch tại tại kho bạc hoặc tại tổ chức tín dụng của đơn vị:......................
Mã số thuế:........................................................................................................................
Họ tên, chức vụ người đại diện
Hai bên thoả thuận ký kết hợp đồng hỗ trợ xây dựng rừng giống, vườn giống với những điều khoản sau:
Điều 1: Nội dung công việc
(i) Bên A hỗ trợ cho Bên B đầu tư xây dựng rừng giống, vườn giống theo thiết kế đã được bên B xây dựng
(ii) Bên A chịu trách nhiệm (thuê đơn vị có chức năng đo đạc, hoàn thiện hồ sơ) để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bên B (đối với diện tích đất trồng rừng được cơ quan có thẩm quyền cho phép cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), hoặc cấp giấy khoán đất trồng rừng, thời gian trong vòng một năm. Trong thời gian làm thủ tục, hợp đồng này là căn cứ để nhận hỗ trợ trồng rừng của Nhà nước.
Điều 2: Chất lượng và các yêu cầu kỹ thuật
Như thiết kế đã được hai bên thống nhất tại phụ lục kèm theo
Điều 3: Thời gian và tiến độ thực hiện
Hợp đồng phải ghi rõ thời gian bắt đầu, thời gian hoàn thành đưa vào sử dụng; tiến độ thực hiện từng hạng mục, từng công việc phải phù hợp với tổng tiến độ của dự án.
Thời gian bắt đầu: ..............................................................................................................
Thời gian hoàn thành: .........................................................................................................
Điều 4: Giá trị hợp đồng
Giá trị hỗ trợ của Hợp đồng này được áp dụng theo Khoản 2 Điều 7 Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ cụ thể là:
.........................................................................................................................................
Điều 5: Tiến độ giải ngân
Tổng số tiền hỗ trợ được giải ngân làm 6 lần. Lần 1 ứng 30% ngay sau khi ký hợp đồng, lần hai thanh toán 30% tiếp theo khi nghiệm thu sau 12 tháng đầu tư cho rừng giống, vườn giống. Còn lại 40% được chia làm 4 lần trong 4 năm tiếp theo sau khi nghiệm thu rừng giống, vườn giống.
Điều 6: Quyền và nghĩa vụ của bên A
1. Quyền:
Bên A có quyền theo dõi và giám sát quá trình thực hiện Hợp đồng của Bên B;
Có quyền yêu cầu Bên B thực hiện đúng các nội dung công việc và tiến độ theo quy định tại Hợp đồng, trong trường hợp Bên B vi phạm nội dung Hợp đồng mà đã được Bên A nhắc nhở bằng văn bản đến lần thứ 3, Bên A có quyền đề nghị thu hồi (hoặc thu hồi) toàn bộ giá trị đã đầu tư tại thời điểm vi phạm và tiến hành thanh lý Hợp đồng theo quy định của pháp luật nhưng phải thông báo cho Bên B biết trước ít nhất 30 ngày làm việc
2. Nghĩa vụ:
Bên A có nghĩa vụ tiến hành đo đạc và làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Bên B theo quy định của pháp luật (trong trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) hoặc hồ sơ khoán đất lâm nghiệp theo nội dung tại Điều 1 của Hợp đồng;
Nếu được bên B yêu cầu tư vấn về chính sách, khuyến lâm bằng văn bản thì bên A phải trả lời bằng văn bản cho bên B;
Bên A có nghĩa vụ thanh toán số tiền hỗ trợ cho bên B theo Điều 4 và Điều 5 của Hợp đồng này.
Điều 7: Quyền và nghĩa vụ của bên B
Bên B được nhận hỗ trợ từ bên A với tổng số tiền là: ................. để xây dựng rừng giống, vườn giống
Bên B phải cam kết sử dụng đất được giao và công trình được hỗ trợ cho mục đích bảo lấy giống trồng rừng.
Nếu bên B không sử dụng đất được giao vào mục đích sản xuất giống thì bên A có quyền chuyển cho chủ đầu tư khác.
Điều 8: Sự kiện bất khả kháng
8.1. Sự kiện bất khả kháng là các sự kiện xảy ra mang tính khách quan và nằm ngoài tầm kiểm soát của các bên không giới hạn bởi các trường hợp sau: thiên tai; hoả hoạn; chiến tranh, sự thay đổi về chính sách của Nhà nước dẫn đến phải dừng hoặc tạm dừng thực hiện công việc hoặc gây thiệt hại cho một trong hai bên.
Việc một bên không hoàn thành nghĩa vụ của mình do sự kiện bất khả kháng sẽ không phải là cơ sở để bên kia chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên bên bị ảnh hưởng bởi sự kiện bất khả kháng có nghĩa vụ phải:
- Tiến hành các biện pháp ngăn ngừa hợp lý và các biện pháp thay thế cần thiết để hạn chế tối đa ảnh hưởng do sự kiện bất khả kháng gây ra
- Thông báo ngay cho bên kia về sự kiện bất khả kháng xảy ra trong vòng 7 ngày ngay sau khi xảy ra sự kiện bất khả kháng.
8.2. Trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng, thời gian thực hiện hợp đồng sẽ được kéo dài bằng thời gian diễn ra sự kiện bất khả kháng mà bên bị ảnh hưởng không thể thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng của mình.
Điều 9: Tạm dừng, huỷ bỏ hợp đồng
9.1. Tạm dừng thực hiện hợp đồng:
Các trường hợp tạm dừng thực hiện hợp đồng:
- Do lỗi của Bên A hoặc Bên B gây ra;
- Các trường hợp bất khả kháng.
- Các trường hợp khác do hai bên thoả thuận
Một bên có quyền quyết định tạm dừng hợp đồng do lỗi của bên kia gây ra, nhưng phải báo cho bên kia biết bằng văn bản và cùng bàn bạc giải quyết để tiếp tục thực hiện đúng hợp đồng xây dựng đã ký kết; trường hợp bên tạm dừng không thông báo mà tạm dừng gây thiệt hại thì phải bồi thường cho bên thiệt hại.
Thời gian và mức đền bù thiệt hại do tạm dừng hợp đồng do hai bên thoả thuận để khắc phục.
9.2. Huỷ bỏ hợp đồng:
a) Một bên có quyền huỷ bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện huỷ bỏ mà các bên đã thoả thuận hoặc pháp luật có quy định. Bên vi phạm hợp đồng phải bồi thường thiệt hại;
b) Bên huỷ bỏ hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc huỷ bỏ; nếu không thông báo mà gây thiệt hại cho bên kia, thì bên huỷ bỏ hợp đồng phải bồi thường;
c) Khi hợp đồng bị huỷ bỏ, thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm bị huỷ bỏ và các bên phải hoàn trả cho nhau tài sản hoặc tiền;
Điều 10: Điều khoản cuối cùng
Hợp đồng này cũng như tất cả các tài liệu, thông tin liên quan đến hợp đồng sẽ được các bên quản lý theo quy định hiện hành của nhà nước về bảo mật.
Hai bên cam kết thực hiện tốt các điều khoản đã thoả thuận trong hợp đồng.
Hợp đồng làm thành 03 bản có giá trị pháp lý như nhau, Bên A giữ 01 bản, Bên B giữ 02 bản;
Hiệu lực của hợp đồng: Hợp đồng này có hiệu lực kể từ ngày ký.
ĐẠI DIỆN BÊN A |
ĐẠI DIỆN BÊN B |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh Phúc
-------
HỢP ĐỒNG HỖ TRỢ XÂY DỰNG TRUNG TÂM SẢN XUẤT GIỐNG CÂY RỪNG CHẤT LƯỢNG CAO
Số….. /200.../ / / /HĐTTCLC
(Mẫu hợp đồng ban hành kèm theo Thông tư số: 02/2008/TTLT-KH&ĐT-BNN-TC ngày 23 tháng 6 năm 2008)
Căn cứ Bộ Luật Dân sự của nước
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2005;
Căn cứ Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính
phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất và Thông tư hướng dẫn thực hiện;
Căn cứ Quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật dự toán hỗ trợ đầu tư xây dựng
trung tâm giống cây rừng chất lượng cao số … ngày ….. tháng….. năm…….của..........................................................................................
Hôm nay, ngày…. tháng….. năm…. tại ................................................................... , chúng tôi gồm:
BÊN A: BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN.....
Tên đơn vị:.........................................................................................................................
Thành lập theo quyết định số: hoặc đăng ký kinh doanh cấp ngày....... tháng....... năm.............
Địa chỉ trụ sở chính: ...........................................................................................................
Điện thoại:................................; Fax:............................; Email:.......................................... (nếu có)
Số hiệu tài khoản giao dịch tại kho bạc hoặc tại tổ chức tín dụng của đơn vị:...........................
Mã số thuế:........................................................................................................................
Họ tên, chức vụ người đại diện (hoặc người được uỷ quyền):
BÊN B: BÊN NHẬN HỖ TRỢ
Tên đơn vị:.........................................................................................................................
Giấy đăng ký kinh doanh số .................. ngày............... tháng.............. năm........................
Địa chỉ trụ sở chính:............................................................................................................
Điện thoại:................................; Fax:............................; Email:.......................................... (nếu có)
Số hiệu tài khoản giao dịch tại tại kho bạc hoặc tại tổ chức tín dụng của đơn vị:......................
Mã số thuế:........................................................................................................................
Họ tên, chức vụ người đại diện
Hai bên thoả thuận ký kết hợp đồng hỗ trợ xây dựng trung tâm sản xuất giống cây rừng chất lượng cao với những điều khoản sau:
Điều 1: Nội dung công việc
Bên A hỗ trợ cho Bên B thực hiện thi công xây dựng Trung tâm sản xuất giống cây rừng chất lượng cao, như thiết kế kỹ thuật (kèm theo).
Điều 2: Chất lượng và các yêu cầu kỹ thuật
Phải thực hiện theo đúng thiết kế được phê duyệt; bảo đảm sự bền vững và chính xác của các kết cấu xây dựng và thiết bị lắp đặt theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam.
Điều 3: Thời gian thực hiện
Thời gian bắt đầu: ..............................................................................................................
Thời gian hoàn thành: .........................................................................................................
Điều 4: Điều kiện nghiệm thu và bàn giao công trình
4.1. Điều kiện nghiệm thu
- Tuân theo các quy định về quản lý chất lượng công trình;
- Bên A chỉ nghiệm thu khi đối tượng nghiệm thu đã hoàn thành và có đủ hồ sơ theo quy định.
- Công trình chỉ được nghiệm thu đưa vào sử dụng khi đảm bảo đúng yêu cầu thiết kế, đảm bảo chất lượng và đạt các tiêu chuẩn theo quy định.
4.2. Điều kiện để bàn giao công trình đưa vào sử dụng:
- Đảm bảo các yêu cầu về nguyên tắc, nội dung và trình tự bàn giao công trình đã xây dựng xong đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
- Đảm bảo an toàn trong vận hành, khai thác khi đưa công trình vào sử dụng.
- Việc nghiệm thu, bàn giao công trình phải thành lập Hội đồng nghiệm thu bàn giao công trình, thành phần của Hội đồng nghiệm thu theo quy định của pháp luật về nghiệm thu, bàn giao công trình xây dựng.
Điều 5: Giá trị hợp đồng
Kinh phí hỗ trợ của Hợp đồng này được áp dụng theo Khoản 4, Điều 8 Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Tổng giá trị là 1,5 tỷ đồng.
Điều 6: Tiến độ giải ngân
Tổng số tiền hỗ trợ được giải ngân làm 2 lần. Lần 1 giải ngân 70% vốn hỗ trợ sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc đầu tư các hạng mục theo quy định tại khoản 3 Điều 8 của Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg. Lần 2 giải ngân phần còn lại sau khi chủ đầu tư đã sản xuất, tiêu thụ cây giống đạt công suất thiết kế và chất lượng cây giống.
Điều 7: Tạm dừng huỷ bỏ hợp đồng
7.1. Tạm dừng thực hiện hợp đồng:
Các trường hợp tạm dừng thực hiện hợp đồng:
- Do lỗi của Bên A hoặc Bên B gây ra;
- Các trường hợp bất khả kháng.
- Các trường hợp khác do hai bên thoả thuận
Một bên có quyền quyết định tạm dừng hợp đồng do lỗi của bên kia gây ra, nhưng phải báo cho bên kia biết bằng văn bản và cùng bàn bạc giải quyết để tiếp tục thực hiện đúng Hợp đồng xây dựng đã ký kết; trường hợp bên tạm dừng không thông báo mà tạm dừng gây thiệt hại thì phải bồi thường cho bên thiệt hại, thời gian và mức đền bù thiệt hại do tạm dừng hợp đồng do hai bên thoả thuận để khắc phục.
7.2. Huỷ bỏ hợp đồng:
a) Một bên có quyền huỷ bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện huỷ bỏ mà các bên đã thoả thuận hoặc pháp luật có quy định. Bên vi phạm hợp đồng phải bồi thường thiệt hại;
b) Bên huỷ bỏ hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc huỷ bỏ; nếu không thông báo mà gây thiệt hại cho bên kia, thì bên huỷ bỏ hợp đồng phải bồi thường;
c) Khi hợp đồng bị huỷ bỏ, thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm bị huỷ bỏ và các bên phải hoàn trả cho nhau tài sản hoặc tiền;
Điều 8: Quyền và nghĩa vụ của bên A
8.1. Quyền
Bên A có quyền theo dõi và giám sát quá trình thực hiện Hợp đồng của Bên B;
Có quyền yêu cầu Bên B thực hiện đúng các nội dung công việc và tiến độ theo quy định tại Hợp đồng, trong trường hợp Bên B vi phạm nội dung Hợp đồng mà đã được Bên A nhắc nhở bằng văn bản đến lần thứ 3, Bên A có quyền đề nghị thu hồi (hoặc thu hồi) toàn bộ giá trị đã đầu tư tại thời điểm vi phạm và tiến hành thanh lý Hợp đồng theo quy định của pháp luật nhưng phải thông báo cho Bên B biết trước ít nhất 30 ngày làm việc.
8.2. Nghĩa vụ
Bên A có nghĩa vụ thanh toán số tiền hỗ trợ cho bên B theo điều 4 và điều 5 của hợp đồng này.
Điều 9: Quyền và nghĩa vụ của bên B
Bên B được nhận hỗ trợ từ bên A..............để xây dựng Trung tâm sản xuất giống cây rừng chất lượng cao
Bên B phải cam kết sử dụng đất được giao và công trình được hỗ trợ cho mục đích sản xuất giống cây trồng
Nếu bên B không sử dụng đất được giao và công trình được hỗ trợ vào mục đích sản xuất giống phải bồi hoàn toàn bộ số tiền Nhà nước đã hỗ trợ. (1,5 tỷ)
Điều 10: Sự kiện bất khả kháng
10.1. Sự kiện bất khả kháng là các sự kiện xảy ra mang tính khách quan và nằm ngoài tầm kiểm soát của các bên không giới hạn bởi các trường hợp sau: thiên tai; hoả hoạn; chiến tranh, sự thay đổi về chính sách của Nhà nước dẫn đến phải dừng hoặc tạm dừng thực hiện công việc hoặc gây thiệt hại cho một trong hai bên.
Việc một bên không hoàn thành nghĩa vụ của mình do sự kiện bất khả kháng sẽ không phải là cơ sở để bên kia chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên bên bị ảnh hưởng bởi sự kiện bất khả kháng có nghĩa vụ phải:
- Tiến hành các biện pháp ngăn ngừa hợp lý và các biện pháp thay thế cần thiết để hạn chế tối đa ảnh hưởng do sự kiện bất khả kháng gây ra
- Thông báo ngay cho bên kia về sự kiện bất khả kháng xảy ra trong vòng 7 ngày ngay sau khi xảy ra sự kiện bất khả kháng và hai bên tiến hành lập biên bản xác định xảy ra sự kiện bất khả kháng.
Trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng, thời gian thực hiện hợp đồng sẽ được kéo dài bằng thời gian diễn ra sự kiện bất khả kháng mà bên bị ảnh hưởng không thể thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng của mình.
Điều 11: Điều khoản cuối cùng
Hợp đồng này cũng như tất cả các tài liệu, thông tin liên quan đến hợp đồng sẽ được các bên quản lý theo quy định hiện hành của nhà nước về bảo mật.
Hai bên cam kết thực hiện tốt các điều khoản đã thoả thuận trong hợp đồng.
Hợp đồng làm thành 03 bản có giá trị pháp lý như nhau, Bên A giữ 01 bản, Bên B giữ 02 bản;
Hiệu lực của hợp đồng: Hợp đồng này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
ĐẠI DIỆN BÊN A |
ĐẠI DIỆN BÊN B |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------
HỢP ĐỒNG HỖ TRỢ XÂY DỰNG VƯỜN ƯƠM GIỐNG
Số….. /200…/ / / /HTVU
(Mẫu hợp đồng ban hành kèm theo Thông tư số 02 /2008/TTLT-BKH-NN-TC ngày 23 tháng 6 năm 2008)
Căn cứ Bộ Luật Dân sự của nước
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2005;
Căn cứ Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính
phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất và Thông tư hướng dẫn thực hiện;
Căn cứ Quyết định phê duyệt quy hoạch hỗ trợ đầu tư xây dựng vườn ươm số … ngày
….. tháng….. năm…….của UBND huyện .........................................................................................................................................
Hôm nay, ngày…….. tháng……... năm………… tại .................................................. , chúng tôi gồm:
BÊN A: BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN.....
Tên đơn vị:.........................................................................................................................
Thành lập theo quyết định số: hoặc đăng ký kinh doanh cấp ngày...... tháng...... năm...............
Địa chỉ trụ sở chính:............................................................................................................
Điện thoại:.....................; Fax:..........................; Email:....................................................... (nếu có)
Số hiệu tài khoản giao dịch tại kho bạc hoặc tại tổ chức tín dụng của đơn vị:...........................
Mã số thuế:.......................................................................................................................
Họ tên, chức vụ người đại diện (hoặc người được uỷ quyền):
BÊN B: BÊN NHẬN HỖ TRỢ
Tên đơn vị:.........................................................................................................................
Giấy đăng ký kinh doanh số ................ ngày......... tháng........... năm...................................
Địa chỉ trụ sở chính:............................................................................................................
Điện thoại:.....................; Fax:..........................; Email:....................................................... (nếu có)
Số hiệu tài khoản giao dịch tại tại kho bạc hoặc tại tổ chức tín dụng của đơn vị:......................
Mã số thuế:........................................................................................................................
Họ tên, chức vụ người đại diện
Hai bên thoả thuận ký kết hợp đồng hỗ trợ xây dựng vườn ươm giống với những điều khoản sau:
Điều 1: Nội dung công việc
Bên A hỗ trợ cho Bên B đầu tư xây dựng vườn ươm giống như nội dung đã được Bên B xây dựng ngày ... tháng ... năm ..........
Điều 2: Chất lượng và các yêu cầu kỹ thuật
Đảm bảo theo đúng nội dung Bên B xây dựng ngày ..... tháng .... năm......
Điều 3: Thời gian và tiến độ thực hiện
(Hợp đồng phải ghi rõ thời gian bắt đầu, thời gian hoàn thành đưa vào sử dụng; tiến độ thực hiện từng hạng mục, từng công việc phải phù hợp với tổng tiến độ của dự án).
Thời gian bắt đầu: ..............................................................................................................
Thời gian hoàn thành: .........................................................................................................
ĐIỀU 4: Giá trị hợp đồng
Kinh phí hỗ trợ của Hợp đồng này được áp dụng theo Khoản 5 Điều 9 Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ cụ thể là:
.........................................................................................................................................
.........................................................................................................................................
Điều 5: Tiến độ giải ngân
Tổng số tiền hỗ trợ được giải ngân làm 2 lần. Lần 1: giải ngân 70% vốn hỗ trợ sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc đầu tư các hạng mục theo quy định tại khoản 4 Điều 9 của Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg. Lần 2: giải ngân phần còn lại sau một năm đưa vào hoạt động.
Điều 6: Quyền và nghĩa vụ của bên A
Bên A có quyền theo dõi và giám sát quá trình thực hiện Hợp đồng của Bên B;
Có quyền yêu cầu Bên B thực hiện đúng các nội dung công việc và tiến độ theo quy định tại Hợp đồng, trong trường hợp Bên B vi phạm nội dung Hợp đồng mà đã được Bên A nhắc nhở bằng văn bản đến lần thứ 3, Bên A có quyền đề nghị thu hồi (hoặc thu hồi) toàn bộ giá trị đã đầu tư tại thời điểm vi phạm và tiến hành thanh lý Hợp đồng theo quy định của pháp luật nhưng phải thông báo cho Bên B biết trước ít nhất 30 ngày làm việc.
Bên A có nghĩa vụ thanh toán số tiền hỗ trợ cho bên B theo điều 4 và điều 5 của hợp đồng này.
Điều 7: Quyền và nghĩa vụ của bên B
Bên B được nhận hỗ trợ từ bên A với số tiền là: .......................................... để xây dựng vườn ươm
Bên B phải cam kết sử dụng đất được giao và công trình được hỗ trợ cho mục đích sản xuất giống trồng rừng ít nhất 10 năm. (tính từ khi nghiệm thu, đưa vào sử dụng)
Nếu bên B không sử dụng đất được giao vào mục đích sản xuất giống đủ 10 năm thì mỗi năm (bỏ từ sản xuất) phải bồi hoàn 15% số tiền Nhà nước đã hỗ trợ.
Điều 8: Sự kiện bất khả kháng
8.1. Sự kiện bất khả kháng là các sự kiện xảy ra mang tính khách quan và nằm ngoài tầm kiểm soát của các bên không giới hạn bởi các trường hợp sau: thiên tai; hoả hoạn; chiến tranh, sự thay đổi về chính sách của Nhà nước dẫn đến phải dừng hoặc tạm dừng thực hiện công việc hoặc gây thiệt hại cho một trong hai bên.
Việc một bên không hoàn thành nghĩa vụ của mình do sự kiện bất khả kháng sẽ không phải là cơ sở để bên kia chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên bên bị ảnh hưởng bởi sự kiện bất khả kháng có nghĩa vụ phải:
- Tiến hành các biện pháp ngăn ngừa hợp lý và các biện pháp thay thế cần thiết để hạn chế tối đa ảnh hưởng do sự kiện bất khả kháng gây ra
- Thông báo ngay cho bên kia về sự kiện bất khả kháng xảy ra trong vòng 7 ngày ngay sau khi xảy ra sự kiện bất khả kháng và hai bên tiến hành lập biên bản xác nhận xảy ra sự kiện bất khả kháng.
8.2. Trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng, thời gian thực hiện hợp đồng sẽ được kéo dài bằng thời gian diễn ra sự kiện bất khả kháng mà bên bị ảnh hưởng không thể thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng của mình.
Điều 9: Tạm dừng, huỷ bỏ hợp đồng
9.1. Tạm dừng thực hiện hợp đồng:
Các trường hợp tạm dừng thực hiện hợp đồng:
- Do lỗi của Bên A hoặc Bên B gây ra;
- Các trường hợp bất khả kháng.
- Các trường hợp khác do hai bên thoả thuận
Một bên có quyền quyết định tạm dừng hợp đồng do lỗi của bên kia gây ra, nhưng phải báo cho bên kia biết bằng văn bản và cùng bàn bạc giải quyết để tiếp tục thực hiện đúng hợp đồng xây dựng đã ký kết; trường hợp bên tạm dừng không thông báo mà tạm dừng gây thiệt hại thì phải bồi thường cho bên thiệt hại.
Thời gian và mức đền bù thiệt hại do tạm dừng hợp đồng do hai bên thoả thuận để khắc phục.
9.2. Huỷ bỏ hợp đồng:
a) Một bên có quyền huỷ bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện huỷ bỏ mà các bên đã thoả thuận hoặc pháp luật có quy định. Bên vi phạm hợp đồng phải bồi thường thiệt hại;
b) Bên huỷ bỏ hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc huỷ bỏ; nếu không thông báo mà gây thiệt hại cho bên kia, thì bên huỷ bỏ hợp đồng phải bồi thường;
c) Khi hợp đồng bị huỷ bỏ, thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm bị huỷ bỏ và các bên phải hoàn trả cho nhau tài sản hoặc tiền;
Điều 10: ĐIỀU KHOẢN CHUNG
Hợp đồng này cũng như tất cả các tài liệu, thông tin liên quan đến hợp đồng sẽ được các bên quản lý theo quy định hiện hành của nhà nước về bảo mật.
Hai bên cam kết thực hiện tốt các điều khoản đã thoả thuận trong hợp đồng.
Hợp đồng làm thành 03 bản có giá trị pháp lý như nhau, Bên A giữ 01 bản, Bên B giữ 02 bản;
Hiệu lực của hợp đồng: Hợp đồng này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
ĐẠI DIỆN BÊN A |
ĐẠI DIỆN BÊN B |
THE
MINISTRY OF PLANNING AND INVESTMENT |
SOCIALIST
REPUBLIC OF VIET NAM |
No. 02/2008/TTLT-BKH-BNN-BTC |
Hanoi, June 23, 2008 |
Pursuant to the Prime Ministers Decision No. 147/2007/QD-TTg of September 10, 2007, on a number of policies on production forest development during 2007-2015 (below referred to as Decision No. 147/2007/QD-TTg),
The Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Agriculture and Rural Development and the Ministry of Finance guides the implementation of this Decision as follows:
The terms and phrases referred to in this Circular are construed as follows:
1. Bare land, hills and mountains for forestation referred to in this Circular means land areas already planned for production forests on which there is no forest over the past three or more years (status Ia, Ib or Ic).
2. State-run organizations
include protection forest management boards, special-use forest
management boards, state-run forestry farms, forestry companies and enterprises
in which the State owns 50% or more of charter capital and which are allocated
or leased forest land by the State.
...
...
...
4. Silvicultural activities include forestation and forest tending (including also building of seedling forests and gardens, and assay forests); building of nurseries; silvicultural consultations (formulation of projects, silvicultural technical designs; allocation of land or forests, contracting of land for forestation); building of firebreaks; drawing of forestation maps.
5. Long-term contracting of land for forestation: For state-run organizations that contract land areas allocated or leased to them to households, individuals or population communities, the contracting duration is the remaining time of the allocation or lease term stated in land allocation decisions of competent agencies or land lease contracts between these organizations and competent agencies but must not exceed 50 years.
6. Consolidated forest area means a forest area of adjacent or neighboring forest lots, in which the land area without forest accounts for 10% or less of the total consolidated forest area.
1. Formulation, evaluation and approval of production forest planting support projects
1.1. Identification of investors and project scope: Investors of production forest planting support projects shall be identified under Clause 1, Article 15 of the Prime Ministers Decision No. 147/2007/QD-TTg.
a/ Projects to support the planting of production forests by households and individuals (below collectively referred to as households): Based on the existing capability of state-run organizations, forest ranger stations and border-guard stations (below collectively referred to as state-run organizations) as well as existing production forest land areas, district-level steering boards shall assign each organization to formulate a production forest planting support project in some communes.
b/ Non-state organizations may themselves formulate production forest planting support projects. Such a project may target a commune or communes covered by a project to support the planting of production forests by households but must not cover the same site.
c/ For non-state organizations that have no projects but have forestation needs: provincial-level Peoples Committees shall permit them to formulate production forest planting support projects. After being approved, these projects serve as a basis for land allocation or lease.
...
...
...
a/ Determination of to be-forested land areas and identification of foresters up to the year of forestation, including:
Forestation of bare land, hill and mountain areas planned as production forest land;
Reforestation of land areas after exploitation of forests already planted with capital sources 327 and 661, which are now planned as production forest land;
Identification of land areas eligible for support (communes hit by exceptional difficulties, border communes and other communes);
Preliminary identification of forest owners eligible for support (ethnic minority or Kinh people);
Identification of main forest tree population to be recommended to forest owners.
b/ Elaboration of land allocation, lease or contracting for forestation (according to Section 2 of this Circular).
c/ Planning of a system of nurseries (according to Section 14 of this Circular).
d/ Planning of a system of firebreaks for forest fire prevention and combat (according to Section 15 of this Circular).
...
...
...
f/ Total investment capital, including investment support capital to be allocated from the state budget and specifying the estimated investment capital amounts for each project component.
g/ Expected financial results.
h/ Investors capability to mobilize capital.
In some cases the planning of the nursery system, elaboration of plans on land allocation, lease or contracting for forestation or planning of the firebreak system may be carried out under a separate project provided the reason for that separate project is accepted by the district-level steering board and its expenses are within the assigned spending level specified in Clause 1.4 of this Section.
1.3. Evaluation and approval:
a/ For projects to support the planting of production forests by households formulated by state-run organizations:
After a project is formulated, the district-level project management unit shall report it to the district-level steering board and solicit verification opinions of the provincial-level Agriculture and Rural Development Service. If the provincial-level Agriculture and Rural Development Service gives no written opinions within 15 working days after receiving the complete and valid dossier, it will be regarded as having approved the project. Within subsequent 10 working days, the district-level project management unit shall submit the project to the district-level Peoples Committee for evaluation and approval. The project approval decision must be sent to members of the district-level steering board, provincial-level project management unit and concerned organizations and individuals;
For state-run organizations that have already formulated projects to support the planting of production forests by individuals or households but their projects are incompliant with the provisions of Decision No. 147/2007/QD-TTg on investors and support levels, project owners are allowed to execute these projects and disburse project capital under decisions approved by competent authorities until the end of 2008; concurrently, they shall review and adjust their projects under this Circular and report them to district-level Peoples Committees for approval before provincial-level Peoples Committees assign capital plans for implementation from 2009.
b/ For projects of non-state organizations:
...
...
...
Non-state organizations that have formulated investment projects and obtained any of the following decisions or documents of competent authorities: project approval decision: land allocation decision; or land lease contract, are only required to work out plans on use of investment support capital sources under Decision No. 147/2007/QD-TTg, and submit them to provincial-level Peoples Committees for approval and assignment.
1.4. The expense for formulation and evaluation of projects to support the planting of production forests by individuals or households is VND 30,000/hectare, covering also firebreak planning, nursery system planning and land allocation plan elaboration.
2.1. Elaboration of land allocation plans, grant of land use rights certificates and contracting of forest land:
a/ Principles for forest land allocation, lease and contracting:
All forest land areas under a project must be allocated and leased and for which land use rights certificates must be granted or forestation land contracting maps must be supplied (only in areas lacking conditions for the grant of land use rights certificates) for forestation, building of nurseries, seedling forests, gardens or centers;
For forest land areas planned for production forests (or converted from prevention forests into production forests) and contracted to households by state-run forestry farms, agro-forestry companies, other state units or non-state enterprises transformed from state enterprises in the course of implementation of the program on reorganization and renewal of state enterprises, if these households have not received any seedling, material or technical supports for three consecutive years or the contracting parties have used only the state budget source to provide supports (the 5 million hectares afforestation project or former Program 327), that means the contracting parties have contracted forest land areas to households without providing any supports and collected land rents, presidents of provincial-level Peoples Committees shall consider and decide on the recovery of these land areas for allocation or lease, and grant land use rights certificates under regulations.
For forest land areas already planned as a raw material zone for a specific wood processing plant already approved by the time of forestation under Decision No. 147/2007/QD-TTg, these land areas should not be recovered but must be contracted on a long-term and stable basis to foresters. Products shall be shared in proportion to the capital contribution ratios of the involved parties and their selling prices based on market prices must be agreed upon by the involved parties under contracts. If the land-contracting party does not contribute investment capital, the contracted party shall only pay a management charge as prescribed in Section 2, Article 6 of Decision No. 147/2007/QD-TTg.
b/ Provincial-level Agriculture and Rural Development Services shall assume the prime responsibility for, and coordinate with provincial-level Natural Resources and Environment Services in, reviewing all forest land areas which must be recovered, then proposing them to provincial-level Peoples Committees for decision, and assigning a competent agency to grant land use rights certificates under the guidance at Point a of this Clause.
...
...
...
2.2. Activities of elaborating a land allocation plan: Determining land areas under a project, specifying those with land use rights certificates, those requiring land use rights certificates or contracting for forestation, and those to be recovered and granted land use rights certificates. Particularly for to be-contracted land areas (for which land use rights certificates are not granted), the contracting party shall, upon land contracting, draw land contracting maps of a 1/5,000 scale, get them certified by district-level Peoples Committees, and supply them to contracted parties.
2.3. Expenses for land allocation, forest allocation and forestation land contracting (pending the grant of land use rights certificates)
a/ The expense for allocation or lease of land or contracting of forest land to households is VND 200,000/ha on average. Specific expense levels shall be approved by competent authorities.
b/ The expense for allocation or lease of land to non-state organizations is VND 100,000/ha (covering the whole process from the stage of working out option plans to the grant of land use rights certificates). Investors may themselves make cost estimates and approve land allocation or lease expenses and implement the assigned plans.
2.4. The time limit for finishing the grant of land use rights certificates is within 12 months after forestation contracts are signed.
3. Order of and procedures for providing forestation investment supports (advance supports)
3.1. For households
a/ The condition for a village to receive an advance support is that it must have at least 50 hectares of consolidated land for forestation. Advance supports will not be provided for small and scattered land areas.
b/ Order of and procedures for providing supports
...
...
...
Households that wish to plant forests shall make applications according to a set form (not printed herein), get them certified by the village chief, and send them to the commune Peoples Committee. The commune Peoples Committee shall sum up, within 10 days after the deadline for application receipt, the needs for forestation in its locality, make a list of households wishing to plant forests, specifying the land area for, and location of, forestation of each household in a priority order, and publicly post up it at the office of the commune Peoples Committee and send it to the district-level Peoples Committee;
Based on applications, minutes of local peoples meetings, planned land areas and approved forestation plans, the district-level project management unit shall coordinate with commune Peoples Committees and villages in reaching agreement on submitting to the district-level Peoples Committee for approval the list of households engaged in forestation, forestation land areas and locations;
After the district-level Peoples Committee approves the list of foresting households, investors shall publicly notify this list at the offices of the commune Peoples Committees, sign forestation contracts with and supply written technical instructions to households on the approved list.
c/ Advance supports shall be provided twice.
Supports for paying forestation seedling and fertilizer costs (if any) shall be provided in the first year. The remainder (if any) shall be paid in the third year after the forest take-over test.
d/ Take-over test, payment and settlement:
Annually, when a forest is eligible for take-over test, the investor shall notify a take-over test schedule to the forest owner and the commune or village forest development board. Based on the take-over test schedule, the investor shall assume the prime responsibility for, and invite the commune or village forest development board to participate in, conducting a take-over test of the forest for the forest owner;
A dossier for take-over test of a forest of a household comprises the forestation contract and certificates of variety origin (for varieties requiring certificates of origin);
A dossier for payment and settlement comprises a contract excerpt made by the investor and a written record of forest take-over test.
...
...
...
a/ Condition on advance supports is the availability of a plan on planting of at least 100 hectares of consolidated forests.
When a project on forestation support is approved, the investor shall request in writing the provincial-level Peoples Committee to assign a three-year forestation support plan. Within 15 working days, the provincial-level Peoples Committee shall base itself on the assigned plan to decide on assigning a three-year support plan to the investor according to its competence.
b/ Advance supports shall be provided twice: When being assigned the plan, the investor may advance 50% of support funds for preparing seedlings and grounds for forestation. The remainder of supports shall be paid in the third year when forests are tested for take-over by the provincial-level project management unit.
c/ Take-over test, payment and settlement:
When a forest is eligible for take-over test, the investor shall send a written request for take-over test enclosed with a written record of internal take-over test made by the investor to the provincial-level project management unit. Within 15 working days, the provincial-level project management unit shall assume the prime responsibility for, and invite a number of provincial-level services and branches and district-level Peoples Committees to participate in, conducting a take-over test of the forest for the forest owner;
A dossier for take-over test comprises the project approval decision, the document approving the forestation plan, the decision on approval of the technical design and cost estimate for forest planting and tending, the decision on establishment of the project management unit, and certificates of variety origin (for varieties requiring certificates of origin);
A dossier for payment and settlement comprises the document approving the forestation plan and a written record of forest take-over test.
4. Order of and procedures for providing post-investment forestation supports
4.1. For households
...
...
...
Households that have land use rights certificates (for planting production forests);
Households that have long-term land use contracts (including production forest land or land under protection forest newly switched to production forest land) with state-run organizations (including newly equitized state-run enterprises) before the effective date of Decision No. 147/2007/QD-TTg;
- Households that have land under a production forest planting planning and have been cultivating on that land on a stable basis for at least three years without any dispute but have no land use rights certificates or no long-term land use contracts. These households must have a self-drawn land lot plan with the self-measured area of the lot, indicating the location and boundaries of the land lot with the certifications of adjacent land owners, proving that there is no dispute. Such a plan also needs to be certified by the village or commune administration. For these land areas, the grant of land use rights certificates or the drawing of forestation land contracting maps must be completed within 12 months for forest owners.
b/ Procedures are the same as provided at Point b, Clause 3.1, Section 3 of this Circular.
Within 20 working days after receiving applications, the district-level project management unit shall, on the basis of forestation support plans of approved projects, assign their personnel to conduct the field verification and determine support levels according to regulations before signing forestation support contracts, which must be enclosed with written instructions of forest planting and tending techniques for households.
c/ Take-over test, payment and settlement:
When planted forests are 16-18 months old, the district-level project management unit shall notify a take-over test schedule to all forest owners, the commune forest development board and village forest development board, and organize take-over tests according to the notified schedule;
A dossier for take-over test comprises the forestation support contract and certificates of variety origin (for varieties requiring certificates of origin);
A dossier for payment and settlement comprises a contract excerpt made by the investor and a written record of forest take-over test.
...
...
...
4.2. For non-state organizations
a/ When a project approval decision is issued by a competent authority, the project owner shall register a three-year forestation plan with the provincial-level Peoples Committee. Within 15 working days, the provincial-level Peoples Committee shall base itself on the assigned plan to approve in writing the investors plan.
b/ The project owner shall base itself on the assigned plan to elaborate a technical design and a forest planting and tending cost estimate, and approve them by itself under current regulations for organizing the forestation.
c/ Take-over test and payment:
When a forest is eligible for take-over test, the forest owner shall send a written report (enclosed with a written record of internal take-over test of each lot or allotment) to the provincial-level project management unit, requesting a forest take-over test. Within 15 working days, the provincial-level project management unit shall invite concerned branches and representatives of the district-level Peoples Committee to participate in the forest take-over test for the investor.
A dossier for take-over test comprises the project approval decision, the document approving the forestation plan, the decision on approval of the technical design and cost estimate for forest planting and tending, and certificates of variety origin (for varieties requiring certificates of origin);
A dossier for payment and settlement comprises the document approving the forestation plan and a written record of forest take-over test.
- Post-investment supports shall be paid in a lump sum right after the forest take-over test.
5. Forest take-over test time and quality standards of tested forests
...
...
...
5.2. Take-over test time for post-investment supports: The take-over test shall be conducted when forests are 16-18 months old.
5.3. Quality standards of tested forests:
Planted trees are well growing and developing; living trees are fairly equally distributed and account for 85% or more of the total number of trees planted under contracts; each treeless space is smaller than 100 m2; and weeding and earthing-up are conducted before the take-over test. Forest areas which are not up to these standards must be additionally planted with new trees and subject to an additional take-over test in the next year.
7. Order of and procedures for providing supports for planting scattered trees
7.1. Supporting principles
a/ District-level project management units shall coordinate with commune Peoples Committees and villages and organizations having land areas to be planted with scattered trees in working out plans on planting of scattered trees in project sites. They shall organize the registration of tree planters, clearly indicating the planting locations and duration and tree varieties to be planted.
b/ Each organization, individual or household may receive supports only once for the whole period from now to 2015.
c/ For scattered trees planted by households on boundary ridges of their crop fields for the protection of agricultural crops; scattered trees planted by organizations having land areas used for specific purposes (schools, hospitals,...) and enjoying yields from these trees, supports will be provided for planting no more than 200 trees per hectare and at specified levels decided by district-level Peoples Committees.
...
...
...
e/ The district-level project management unit shall notify the approved plan to organizations, individuals and households so that they can register in advance and prepare seedlings. The time limit for making registration in advance depends on the time for nursing seedlings.
f/ After obtaining the plan on and summing up needs for planting scattered trees in its locality, the district-level project management unit shall coordinate with communes and villages in arranging these needs in a priority order and submitting a plan on planting of scattered trees to the district-level Peoples Committee for approval. The plan on planting of scattered trees must be publicly notified at the administration office of the commune or village (village or hamlet cultural house) and notified to all concerned organizations, individuals and households.
g/ Supplier(s) of saplings for scattered planting must be chosen through a public bidding (under a three-year plan) and the bidding package must not be divided so as to skip investment procedures.
7.2. Support mode and level: Forest owners may choose either of the following two support modes:
a/ Post-investment support: Organizations and households that plant scattered trees under Clause 7.1 of this Section, when their planted trees are 16-18 months old and are eligible for take-over test specified in Clause 5.3 of Section 5, are entitled to a support equal to 100% of the seedling cost at the level of VND 1.5 million/1,500 trees.
b/ Advance support: Organizations and households may purchase seedlings for scattered planting at a reduced price equal to 20% of the actual price (determined through a supply bidding) in their province. The remaining 80% of the actual seedling price will be covered by the state budgets item for scattered tree planting. The proceeds from the sale of seedlings shall be collected by the district-level Peoples Committee and used for preparation of seedlings for subsequent years.
7.3. Land areas converted from planted scattered trees: 1,000 or 1,500 scattered trees are equivalent to one hectare of consolidated forest for trees of a growing cycle of over 10 years or under 10 years, respectively.
8. Management of tree sources for forestation
8.1. Organizations, individuals and households may produce and supply tree sources for forestation (seedlings, seeds or seedling materials). For main forest tree varieties on the announced list, there must be certificates of origin of variety lots under the Regulation on management of forest tree varieties promulgated by the Agriculture and Rural Development Ministry together with Decision No. 89/2005/QD-BNN).
...
...
...
District-level project management units shall base themselves on seedling requirements of forestation contracts and seedling requests of households to work out plans on planting of scattered trees to suit actual local conditions.
8.3. Management of seedling prices: Every January, provincial-level Peoples Committees shall approve and publicly notify prices of forestation seedlings for all tree varieties available in their localities.
8.4. Public notification of variety sources: Annually, provincial-level Agriculture and Rural Development Services shall publicly notify in writing establishments producing seedlings up to quality standards and variety sources in their respective localities. The Agriculture and Rural Development Ministry shall publicize on its website variety management establishments producing seedlings up to quality standards and variety sources throughout the country.
9. Determination and realization of forestation support levels
Supports for each item, which come from the total allocated fund source, are specified below:
Eligible beneficiaries
Planting of production forests in communes hit by exceptional difficulties (Decision No. 164/2006/QD-TTg)
Communes other than those meeting with exceptional difficulties
Planting of assay forests
...
...
...
Small timber trees
Border areas
Resettlement areas
Large timber
Small timber
Large timber
Small timber
Ethnic minority people
VND
3 mil
...
...
...
VND
4 mil
VND
3 mil
VND
5 mil
VND
4 mil
VND
2 mil
60% of approved cost estimates
Other beneficiaries
VND
3 mil
VND
2 mil
...
...
...
VND
3 mil
VND
5 mil
VND
4 mil
<VND
1.5 mil
Expenses for forestry extension
VND 200,000/ha
VND 100,00 0/ha
Expense for survey for technical design and technical instruction
...
...
...
Expense for formulation and evaluation of production forest planting support projects
VND 30,000/ha
Expense for land allocation or contracting
VND 200,000/ha for households and individuals
VND 100,000/ha for organizations and communities
Expense for drawing digital maps of forestation completion
...
...
...
Benefits
To enjoy 100% of products
Obligations
To remit 80 kg of paddy/ha/forestation cycle
Provinces shall base themselves on their actual conditions to consider the use of local budgets to provide additional supports for projects with high seedling expenses and executed in difficult localities.
The support expense of VND 100,000 -200,000/ha/year for the forestry extension work shall be used mainly for payment of salaries, training costs and working mission expenses for persons forestry extension cadres.
...
...
...
10.1. For forest areas contracted to households or non-state organizations for planting, tending and protection, their current contracts may be converted into stable and long-term contracts or land use rights certificates will be granted under regulations. These households and organizations may enjoy benefits under Article 6 of Decision No. 147/2007/QD-TTg.
Forest owners shall re-plant forests within 12 months after exploiting these forests under regulations without enjoying state budget supports for the next forestation cycle.
10.2. For forest areas contracted to households for protection only (currently contracted for protection): Upon exploitation of these forests, households may enjoy an additional forest protection remuneration of VND 200,000/ha/year of protection on average which is paid from the proceeds from the sale of timber exploited from these forest areas. The specific levels of this remuneration shall be proposed by state-run organizations and decided by district-level Peoples Committees.
The whole proceeds, after subtracting lawful expenses for organizing the bidding for timber exploitation and providing supports to contracted parties, must be remitted into a custody account for provision of forestation supports under Decision No. 147/2007/QD-TTg. If the proceeds are smaller than (or not enough to provide) additional supports to contracted parties, the collected proceeds amount must be used firstly to cover lawful expenses for management, designing and compilation of bidding dossiers by state-run organizations. The remainder, if any, must be divided to households in proportion to their respective forest areas and number of years of contracted forest management and protection.
The exploitation and sale of timbers from these forests must be conducted through biddings under current regulations: state-run organizations currently assigned to manage forests shall decide by themselves on the time of exploitation, compile and submit dossiers for bidding of to be-exploited forest areas to competent authorities for approval, and organize public biddings.
10.3. For protection forest areas in which project owners have previously made additional investments with their own capital for planting, tending and protection purposes and these investments have been approved by competent authorities, proceeds from the sale of these forest areas shall be used to cover lawful expenses for the bidding, timber exploitation and provision of additional supports to households. The remainder shall be divided according to the ratio between investment capital from the state budget and investment capital of the project owner. The amount belonging to the state budget will be retained for further investment in forestation under this policy. The project owners may receive profits in proportion to their additionally invested amounts.
10.4. For protection forest areas still managed by project owners themselves without the participation of households, project owners shall decide by themselves on the time of exploitation. Project owners shall compile and submit bidding dossiers to competent authorities for approval before organizing bidding. Proceeds from biddings shall be remitted into custody accounts of project owners and reported to provincial-level Peoples Committees for permission for investment under Decision No. 147/2007/QD-TTg.
10.5. Protection or special-use forest areas in which silvicultural capital construction is currently carried out (one year of planting + three years of tending), when being planned as production forests under Directive No. 38/2005/CT-TTg of December 5, 2005, shall be handled as follows:
a/ For forest areas already allocated or contracted on a stable basis to non-state economic entities, these economic entities shall invest their own capital in tending and protecting these forests and enjoy benefits therefrom.
...
...
...
11. Forest exploitation, and collection and remittance of sums of money payable by forest owners
11.1. Before conducting exploitation, a forest owner shall notify in writing specific exploitation plans for different lots or allotments to the district-level forest ranger station, and concurrently to the commune-level Peoples Committee for monitoring. Within five working days after receiving the written notice, if the forest ranger station makes no written opposition, the forest owner may exploit forests, transport and sell forest products. Within 45 days after sending timber exploitation plan to the forest ranger station, the forest owner shall remit a sum of money into the forest development fund of the commune or village under regulations. Past the above time limit, if the forest owner fails to pay that sum of money, he/she/it shall be sanctioned as for delayed tax payment.
After being exploited, forests must be re-planted within 12 months.
11.2. Paddy price used to calculate the sum of money payable by each forest owner into the commune budget is the price of ordinary long-grain paddy annually set by the provincial-level Peoples Committee (the paddy price for collection of agricultural tax).
11.3. Commune forest development boards and village forest development boards shall open their own bank accounts and collect sums of money from forest owners. They shall use these sums of money under Clause 21.8, Section 21 of this Circular.
12. Supports for investment in planting and management of seedling forests or gardens
12.1. Formulation of projects on planning of seedling forests and gardens:
a/ Planning on seedling forests and gardens is a long-term and stable planning uniformly managed by the Agriculture and Rural Development Ministry under general regulations. Provincial-level Agriculture and Rural Development Services shall assume the prime responsibility for planning the system of seedling forests and gardens up to 2050:
To plan a system of seedling forests and gardens on the basic principles of ensuring sufficient supply of variety sources for the branch, using largely existing variety sources and additionally planning new variety sources in line with the branchs strategic planning on forestry seedlings already approved by the Agriculture and Rural Development Ministry;
...
...
...
To apply solutions to changing investors for seedling forests and gardens which need new investors;
A newly planted seedling forest or garden must be at least one hectare in size. A converted seedling forest must be at least five hectares.
b/ Plannings of seedling forests and gardens shall be submitted by the provincial-level Agriculture and Rural Development Services to the Agriculture and Rural Development Ministry for evaluation and to provincial-level Peoples Committees for approval. Decisions on approval of plannings must be sent to owners of seedling forests and gardens and publicly notified.
12.2. Investment in, take-over test of, payment and settlement for seedling forests and gardens
a/ Conditions on receiving supports for investment in a seedling forest or garden: There must be a land use rights certificate; stable and long-term land and forest assignment contracts; or a ground plan of the seedling forest or garden drawn by the investor with no-dispute certifications of adjacent land users and the commune Peoples Committee; and the investors written commitments to use land for building a stable and long-term seedling forest or garden and to convert the use purpose of the seedling forest only when so permitted by a competent authority. Planning priority will be given to investors and households with forestry knowledge (possessing diplomas of forestry universities or secondary schools).
b/ Provincial-level Agriculture and Rural Development Services shall guide investors in making technical designs and detailed cost estimates for planting of new seedling forests and gardens, transforming and protecting seedling forests and gardens. Investors may make by themselves or hire consultants to make technical designs and cost estimates under the guidance of provincial-level Agriculture and Rural Development Services. Provincial-level Agriculture and Rural Development Services shall sign contracts on investment supports (according to a set form, not printed herein) with investors according to the contents of their cost estimates and technical designs within three months after provincial-level Peoples Committees issue decisions on approval of seedling forest and garden planning.
c/ After signing contracts, investors shall start investment under contracts.
d/ In the fourth quarter every year, an investor shall report on results of the contract performance to the provincial-level Agriculture and Rural Development Service. Within 20 working days after receiving the investors report, the provincial-level Agriculture and Rural Development Service shall set up a take-over test council, which has a composition similar to a council for accreditation of forest tree variety sources (under the Regulation on management of forest tree varieties) with the additional participation of the district-level project management unit and the commune-level forest development board of the locality where exists the seedling forest or garden for conducting a take-over test for the investor.
e/ A dossier for take-over test comprises the contract between the seedling forest or garden owner and the provincial-level Agriculture and Rural Development Service, a dossier evidencing the origin of dominant trees, the seeding and nursing diary, actual planting activities as compared with the guided technical design. Such a dossier serves as a basis for the grant of a certificate of quality variety source to the variety source owner.
...
...
...
g/ Investment capital in a seedling forest or garden shall be disbursed in four installments. The first installment is equal to 30% of the total support level and made right after the contract is signed. The second installment is equal to the first installment and made upon a take-over test 12 months after investment is made in the seedling forest or garden. The third and fourth installments shall be made upon the third-year and fourth-year take-over tests, each is equal to 20% of the total support level.
h/ Provincial-level forest management units may enjoy 3% of the total support capital provided by the State for seedling forest or garden owners to implement the plannings, and shall provide technical guidance, manage contracts and carry out procedures to grant land use rights certificates to seedling forest or garden owners. They shall also grant certificates of origin of quality varieties. This amount must be clearly stated in contracts between involved parties. Provincial-level forest management units shall spend this amount according to current regulations on administrative non-business expenses.
13.1. Investment policies and procedures:
a/ If there is no tissue-culturing establishment for propagating forest tree varieties in its locality, the provincial-level project management unit shall publicly announce on the mass media its intention to select enterprise(s) to invest in this activity, giving priority to those with large forestation areas in the locality or those with joint ventures or cooperation with the States scientific institutes or universities which have technologies for forest tree tissue culture. After the selection, the provincial-level project management unit shall propose the provincial-level Peoples Committee to grant investment permission.
b/ After obtaining investment policies, investors shall formulate and submit projects to provincial-level Agriculture and Rural Development Services for evaluation. Within 20 working days after receiving valid dossiers, Agriculture and Rural Development Services shall send written evaluations to investors. Evaluation shall be conducted in compliance with Article 8 of Decision No. 147/2007/QD-TTg.
c/ Investors shall approve designs and total cost estimates. Investors decisions must be sent to concerned provincial agencies, the Agriculture and Rural Development Ministry and the Planning and Investment Ministry.
dl After approval decisions are made by investors, provincial-level Agriculture and Rural Development Services shall sign contracts (made according to a set form, not printed herein) with investors within 20 working days after receiving investors decisions.
13.2. Allocation of capital and take-over test, payment and settlement
...
...
...
b/ After completing investment, the investor shall send a report thereon to the provincial-level Agriculture and Rural Development Service. Within 20 days, the provincial-level Agriculture and Rural Development Service shall set up a council to conduct a take-over test for the investor. This council is composed of a representative of the provincial-level Agriculture and Rural Development Service as its head, and representatives of provincial-level Planning and Investment Service, Construction Service and Science and Technology Service.
c/ Written records of take-over tests, written evaluations, investment decisions and investment policies serve as bases for making the first installment of supports to investors.
d/ Upon the second installment of supports, investors shall report on the actually sold quantities of forest products to provincial-level Agriculture and Rural Development Services for verification. If the sold quantity reaches one million trees per year, a written record of take-over test shall be made for the investor to receive the whole remaining support.
e/ Provincial-level take-over test councils and project management units may enjoy 2% of the States total support capital for investors of high-quality seedling centers for conducting the evaluation and take-over tests, managing contracts, and carrying out procedures for granting land use rights certificates. This amount must be clearly stated in contracts between involved parties. Provincial-level project management units shall spend this amount according to current regulations on administrative non-business expenses.
14. Supports for investment in seedling nurseries
14.1. Order of and procedures for planning a system of nurseries by a district-level project management unit under a state-run organization:
a/ The district-level project management unit shall make statistics on all existing nurseries in its locality (on locations, areas, sizes, production capacity, owners, etc.).
b/ It shall elaborate a planning on the system of nurseries in its locality under Article 9 of Decision No. 147/2007/QD-TTg, incorporating existing nurseries in the planning.
c/ It shall identify owners of nurseries: Domestic organizations, households or individuals.
...
...
...
e/ Contents of the planning include: locations of nurseries, newly built or upgraded nurseries, existing land areas and owners of nurseries.
f/ After completing the planning, investors shall solicit verification opinions of the provincial-level Agriculture and Rural Development Service, then submit the planning to the district-level Peoples Committee for evaluation and approval. The decision on approval of the planning must be sent to members of the district steering board, the provincial-level project management unit and owners of nurseries.
g/ After the planning is approved, the district-level project management unit shall provide technical-guidance to owners of nurseries.
h/ After designs of nurseries are made, the district-level project management unit shall sign contracts with owners of nurseries (made according to a set form, nor printed herein).
i/ The States support levels comply with Clause 5, Article 9 of Decision No. 147/2007/QD-TTg. The level of supports from the central budget for nurseries in border communes must not exceed VND 700 million/nursery. Local budgets shall provide additional supports.
14.2. Allocation of capital, take-over test, payment and settlement for nurseries:
a/ After signing contracts and investing in more than 50% of the total work volume (which is certified by district-level project management units), investors may receive support capital corresponding to the completed work volume.
b/ After completing investment in a nursery, an investor shall send a report thereon to the district-level project management unit. Within 20 days, district-level project management unit shall invite representatives of the district steering board and the commune forest development board for conducting a take-over test for the investor.
c/ A dossier for payment and settlement for a nursery comprises the contract on support for investment in the nursery and a written record of take-over test of completion of the nursery.
...
...
...
14.3. For nurseries of non-state enterprises conducting forestation on 1,000 hectares or more, investment in these nurseries must be decided right in the course of formulating forestation projects with these enterprises being investors of nurseries (contracts on building nurseries are not required). Enterprises (acting as district-level project management units) shall make technical designs and cost estimates by themselves, then submit them to provincial-level Agriculture and Rural Development Services for evaluation. Subsequently, investors shall approve and start building new nurseries with the support level of VND 200 million/nursery or upgrade existing nurseries. The provincial-level project management unit shall assume the prime responsibility for conducting take-over tests for district-level project management units.
15. Order of and procedures for providing supports for investment in firebreaks
15.1. Standard of firebreaks
a/ Under branch standard (04 TCVN 89-2007), a firebreak has an average width of between 8 and 12 meters, depending on the height of forest trees, land terrain and the financial capability for building it. Firebreaks must be planned to be built along passages of forest plots and allotments, convenient for transportation of products and connection with existing public roads. In a forestation cycle, first-time investment shall be made in ground bulldozing and leveling, building of stream spillways (with an average surface width of 5 meters) for use also as transportation roads, and clearing of all trees and bushes on firebreaks. In subsequent years, investment shall be made in clearing, maintenance and regular repair of firebreaks.
b/ Apart from firebreaks eligible for support, district-level project management units shall plan auxiliary runways in forests of 100 hectares or more each to divide forest lots and allotments and connect with firebreaks; or plan green runways in forests highly vulnerable to fire. The width of an auxiliary runway is 5-10 meters and the distance between two runways is 50-100 meters.
15.2. Principles and order of planning firebreaks by a district-level project management unit under a state-run organization:
Taking advantage of the existing system of trails and public roads;
Ensuring convenient transportation and forest fire prevention and combat;
Equally laying out the system of roads under Clause 1, Article 10 of Decision No. 147/2007/QD-TTg;
...
...
...
The district-level project management unit shall act as an investor for planning and investing in firebreaks. In the planning course, it shall hold about three meetings with forest owners to reach agreement on plans. If a firebreak runs through a forest owners land, it shall explain and persuade that forest owner to voluntarily donate such land area to the community for common benefit. It may not use the States supports to pay compensations;
- In the planning course, attention must be paid to previously planted production forest areas for which supports for building firebreaks have not yet been provided. These forest areas may be additionally planned for supports under Decision No. 147/2007/QD-TTg.
15.3. Procedures for investment, take-over test and payment:
When a planning is approved, the district-level project management unit shall coordinate with forest owners in placing landmarks on the field in order to form a system of roads;
Based on the assigned plan, the district-level project management unit may design by itself or hire experts to design cost estimates before submitting them to the district-level Peoples Committee for approval. After the designed cost estimates are approved, the district-level project management unit may construct by itself or hire others to construct firebreaks;
Take-over test, payment and settlement: After making investment, the district-level project management unit shall report it to the district-level Peoples Committee. Within 20 days, the district-level Peoples Committee shall invite representatives of the provincial-level project management unit and commune forest development boards to participate in conducting take-over tests for investors.
15.4. Maintenance and repair
Annually, the district-level project management unit shall work out and submit a plan on firebreak maintenance and repair to the district-level Peoples Committee for approval before implementing it. The annual fund for firebreak maintenance and repair is VND 1 million/km on average.
15.5. Allocation of funds: After the designed cost estimates are approved, the district-level project management unit may receive 50% of the approved fund for investment in a work.
...
...
...
For forestry roads eligible for construction investment supports for production forest development projects of specific processing establishments and raw material zones as specified in Clause 2, Article 10 of Decision No. 147/2007/QD-TTg, the central budget shall provide supports at a level not exceeding VND 300 million/km (for building also bridges, tunnel roads and spillways). The remaining capital shall be provided by local budgets and project owners. For these roads, the current regulation on work investment and construction management shall apply.
17. Supports for transportation of timber processed in the northwestern region
17.1. Entities investing in plants to process wood planks and MDF or particle boards in the northwestern provinces may receive supports under Article 11 of Decision No. 147/2007/QD-TTg.
17.2. Contents of investment projects subject to approval by provincial-level Peoples Committees:
Sizes of plants suitable to raw material zones;
Locations of plants.
17.3. Guidance on conversion of volume unit (m3) of wood products into weight unit (ton):
For MDF boards, 1 m3 of products is equivalent to 750 kg;
For HDF boards, 1 m3 of products is equivalent to 1,000 kg;
...
...
...
For plank boards of all kinds, 1 m3 of products is equivalent to 1,000 kg.
17.4. Take-over test councils: A council for take-over test of a plant shall be set up by the provincial-level Peoples Committee president and composed of a vice president of the provincial-level Peoples Committee as its chairman and representatives of the provincial-level Agriculture and Rural Development Service, Planning and Investment Service, Finance Service, Science and Technology Service, and Industry and Trade Service.
17.5. Advance of capital: In the process of investment in a plant, when 50% or more of the total work volume has been completed, which is certified by the provincial-level project management unit, the investor may allocate support capital corresponding to the completed work volume.
17.6. Clearing of supports against payable tax amounts is made as follows:
a/ Maximum clearing percentage: 30% of total supports.
b/ Clearing duration: 5 years.
c/ Clearing shall be made annually. Enterprises shall determine by themselves specific clearing percentages and incorporate the clearing in their annual tax finalization reports and are accountable for the accuracy of their tax finalization reports. If the to be-cleared value in a fiscal year has not yet been declared for clearing in the tax finalization report of that year, it may be cleared in the following fiscal year.
Annually, upon determining the clearing percentage, enterprises shall send the tax offices written certifications of cleared amounts to the provincial-level project management unit for summing up and monitoring.
III. SOLUTIONS AND ORGANIZATION OF IMPLEMENTATION
...
...
...
18.1. Provincial-level project management units are existing management units of the 5 million hectare afforestation project. For a province which has no forestry sub-department, its forest ranger sub-department shall act as the provincial-level (5 million hectares of forest) project management unit. For a province which has no forestry sub-department and forest ranger .sub-department, a non-business unit with the forestry function shall act as the provincial-level project management unit.
18.2. District-level steering boards:
A district having 1,000 hectares or more of land for planting production forests shall set up a forestation steering board to closely work with other boards in charge of forestry in its locality (i.e., the commanding board for urgent issues of forest protection and forest fire prevention and combat).
A district-level steering board shall be set up under a decision of the district-level Peoples Committee president and composed of a vice president of the district-level Peoples Committee as its head, a representative of the district forest ranger station as its standing member, and representatives of the Fatherland Front, the Peasants Association, the War Veterans Association, the Youth Union, the Agriculture and Rural Development Section and the Natural Resources and Environment Section as its members. The district-level steering board shall promulgate its own operation regulation. Its operating fund is equal to 0.8% of the total silvicultural expenditure of its locality and shall be used under current regulations.
18.3. District-level project management units are investors of production forest planting support projects as specified at Items a, b and d, Clause 1, Article 15 of Decision No. 147/2007/QD-TTg.
a/ A district-level project management unit has a head, 1-2 deputy heads, an accountant and a number of technician-cum-investment supervisors.
b/ District-level project management units have their own bank accounts and may use their own seals in transactions.
c/ If foresters register and request district-level project management units to supply seedlings and the latter shall organize public biddings for supply of seedlings under three-year plans.
18.4. Commune forest development boards: A commune forest development board shall be set up under Clause 3, Article 16 of Decision No. 147/2007/QD-TTg and composed of a vice president of the commune Peoples Committee as its head, and representatives of the commune forest ranger station, the commune forestry and agriculture section, cadastral section. Youth Union and Peasants Association organizations, military command or War Veterans Association organization, and village or hamlet forest development boards (each village or hamlet forest development board has one representative) as its members.
...
...
...
18.5. Village or hamlet forest development boards: A village or hamlet forest development board shall be set up under Clause 4, Article 16 of Decision No. 147/2007/QD-TTg and composed on the village or hamlet chief or deputy chief as its head, and the village or hamlet patriarch and representatives of the Youth Union, Peasants Association, Womens Union, War Veterans Association and 1-3 farmers representing their community as its members.
The operation regulation of a village or hamlet forest development board shall be designed to ensure democracy and publicity according to a set form (not printed herein) and approved by the commune Peoples Committee president. All annual revenue and expenditure plans of the board must be approved by at least 80% of participants in biannual village or hamlet meetings.
19. Management of contracts and the management information system
19.1. All contracts must be managed through the information technology system. The Agriculture and Rural Development shall develop a software for managing all contracts performed under Decision No. 147/2007/QD-TTg, and supply that management software to all concerned localities and projects for uniform use.
19.2. All district-level project management units must have computers connected with those of provincial-level project management units. All signed contracts must be stored in the management database within 3 days after their signing. On the 20th day of every month, district-level project management units shall transfer data and send implementation reports to provincial-level project management units. Provincial-level project management units shall update data and sum up data and reports before transferring them to the Central Project Management Board on 25th day of every month.
19.3. Encoding of forestation contracts for management:
The code of a forestation contract consists of the following: the serial number of the contract, which is a cardinal number, starting from 01, followed by the year of contract signing, province code, district code, commune code and the sign for forestation (HDTR);
A province code consists of three upper-size letters being the initials of the name of the province and must be unique (province codes are those used in making statistics on forest resource development);
A district code consists of two upper-size letters being the initials of the name of the district and must be unique within a province;
...
...
...
District codes and commune codes shall be uniformly given and notified by the provincial-level project management unit to district-level project management units for use and to the Central Management Board for synthesis.
For example: The forestation contract of Nguyen Van As household with a serial number 09 for forestation in 2009 in Phong Van commune (PV), Luc Ngan district (LN), Bac Giang province (BGI) should have the following code: 09/2009/BGI/LN/PV/HDTR.
19.4. Management of nursery contracts: The management code of a nursery contract consists of the same parts as that of a forestation contract, except for the last sign for a nursery (HDVU).
19.5. Management of seedling forest or garden contracts: The management code of a seedling forest or garden contract consists of the same parts as that of a forestation contract, except for the last sign for a seedling forest or garden (HDRVG).
19.6. Management of high-quality seedling center contracts: The management code of a high-quality seedling center contract consists of the same parts as that of a forestation contract, except for the last sign for a high-quality seedling center (HDGCLC).
20.1. Management funds are equal to 10% of the state budgets total support investment capital for silvicultural activities, of which ministries and central branches, provincial administrations, district-level steering boards, district-level project management units, commune forest development boards, and village or hamlet forest development boards enjoy 0.5%, 0.7%, 0.8%, 6%, 1% and 1%, respectively. Management funds enjoyable by commune forest development boards and village or hamlet forest development boards shall be aggregated to those of district-level project management units. Annually, based on forestation areas of communes, villages and hamlets in their localities, district-level project management units shall transfer management funds to these communes, villages and hamlets.
20.2. Expense items: Priority is given to payment of expenses for training and capacity building for cadres at all levels, such as training, exchange of experience and capacity building for population communities; expenses for evaluation and approval of projects, information and communication work, community-based consultation, preliminary review and final review conferences, emulation and commendation, purchase of stationery for direction, management and administration work, payment of salaries and salary-based allowances for project management units, working mission allowances, annual settlement of used capital and cost finalization of completed projects. District-level-project management units should be furnished with necessary equipment and means (computers, bicycles and motorbikes) as soon as possible and expenses for these equipment and tools may exceed the management fund limit of 6% in the first year but must not exceed this limit for three years of plan assignment.
20.3. Particularly for the management fund portion of 0.5% from the state budget for central agencies: Apart from expenses for the above tasks, this portion may also be spent on the study, review and adjustment of a number of forestry-related mechanisms and policies: research and assessment of economic, social and environmental impacts of forestation; independent audit; experimental manufacture and creation of a number of equipment, technologies and models in service of forestry development under guidelines adopted by the Central Management Board and at levels approved by the investment-deciding agency.
...
...
...
21.1. Forest owners that have enjoyed supports for planting forest tree species of an exploitation cycle of 10 years but wish to conduct early exploitation 5 years after the planting shall refund 15% of supports they have received for each year of early exploitation. This refunded amount shall be remitted into the recovery account of the district-level project management unit for reinvestment in forestation.
21.2. Planted forest areas contracted by state-run organizations to households on a stable and long-term basis are eligible for tax and land use levy exemption or reduction as in the case of land allocation or lease to households in the same locality.
21.3. Forests failing to satisfy the requirements specified in Clause 5.3, Section 5 of this Circular shall be handled as follows:
In case of forest loss due to such force majeure circumstances as natural disasters, fires or pests under the Agriculture and Rural Development Ministrys regulations, foresters are not required to refund received supports;
In case of forest loss for other reasons, foresters shall refund received supports under Clause 2, Article 6 of Decision No. 147/2007/QD-TTg. Agencies signing forestation contracts shall liquidate these contracts and recover and refund capital to the state budget, and may use recovered capital to invest in other areas in the same project.
21.4. For nurseries: In case owners of nurseries fail to use allocated land areas for the purpose of seedling production for the full 10 years, they shall refund 15% of the States supports for production of forest seedlings for each year of non-production.
21.5. For seedling forests and gardens: Seedling forests and gardens are stably planned. If owners of seedling forests and gardens no longer need to deal in seedling forests and gardens or seedling forests and gardens are not up to set quality standards, provincial-level Agriculture and Rural Development Services shall assume the prime responsibility for, and coordinate with concerned branches in, considering and proposing provincial-level Peoples Committees to issue decisions on recovery and transfer of these seedling forests and gardens attached to land to other investors without having to refund received supports.
In case of a change in the planning on use of seedling forest or garden land from the seedling to the public-utility purpose, the Agriculture and Rural Development Ministry shall permit that planning change and received supports must be refunded.
...
...
...
21.7. Support-recovering agencies and use of recovered supports: Agencies that have signed contracts shall supervise the performance of these contracts and recover supports under regulations in case of contract breaches. Recovered supports shall be remitted into the recovery accounts (accounts for refunds) of these agencies. Subsequently, these agencies shall report to the investment-deciding agency (the district-level or provincial-level Peoples Committee) for support investment in forestation under Decision No. 147/2007/QD-TTg.
21.8. Methods of collection and management of sums of money remitted by forest owners under Clause 2, Article 6 of Decision No. 147/2007/QD-TTg:
For communes and villages or hamlets: They shall elaborate operation regulations of their forest development boards and regulations on management of commune-level and village-level forest development funds, then open accounts for forest owners to remit money under regulations. Account numbers must be notified to forest owners in their localities. In the near future, communes and villages or hamlets that have no operation regulation and forest development fund management regulation may only open accounts for local forest owners to remit money but may not use it.
For state-run organizations: They shall manage and use operating funds like administrative non-business funds for forest protection and development.
22. Elaboration, synthesis and assignment of plans and supervision and assessment
22.1. Elaboration of three-year plans:
a/ Pursuant to Decision No. 147/2007/QD-TTg and this Circular, provincial-level Peoples Committees shall direct the elaboration of three-year medium-term plans on support for planting of production forests, divided into specific annual plans on the basis of approved projects and consultations of population communities. In the near future, they shall elaborate and send 2008-2010 plans to the Planning and Investment Ministry and the Agriculture and Rural Development Ministry.
b/ A plan elaborated by a province includes:
- A report on assessment of implementation results of the previous three-year plan (made at the end of the planning period and according to the assigned plan and work items invested with other capital sources and participation of all economic sectors);
...
...
...
A list of projects, tasks and capital sources as specified in the policies;
A medium-term forestation plan must be elaborated in line with the local socio-economic development plan by the current method of elaboration of five-year plans.
22.2. Assignment of plans
a/ The Planning and Investment Ministry shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Agriculture and Rural Development Ministry and the Finance Ministry in, synthesizing and balancing plans, then reporting them to the Prime Minister for decision on assignment of three-year plans for implementation.
b/ Within 30 working days after being assigned plans, ministries, branches and localities shall assign three-year plans to specific projects, clearly stating annual capital and tasks for each project. Results of plan assignment must be reported to the Agriculture and Rural Development Ministry and the Planning and Investment Ministry for supervision and monitoring.
c/ Subsequent three-year plans must prioritize the payment for forest areas and investment activities already performed with post-investment supports under previous three-year plans.
d/ For important projects enjoying the state budgets investment supports valued at VND 10 billion each and executed by non-state economic sectors under Decision No. 147/2007/QD-TTg, the Prime Minister shall assign plans listing projects and investment capital sources.
22.3. Adjustment of plans
a/ In the third quarter of the second year of three-year plans, provinces shall send their reports on assessment of implementation of their assigned plans (made in the middle of the planning period) on work volumes, executed capital amounts and applied mechanisms and policies to the Agriculture and Rural Development Ministry and the Planning and Investment Ministry for summing up and reporting to the Prime Ministry for adjustment of plans. On principle, the central government shall transfer capital amounts assigned under capital plans to provinces but not used up to other provinces with capital needs.
...
...
...
c/ Adjustment of plans of district-level project management units must comply with Point c, Clause 2- Article 17 of Decision No. 147/2007/QD-TTg;
22.4. Supervision and assessment: Pursuant to this Circular and Decision No. 147/2007/QD-TTg, each local level shall work out plans on supervision and assessment of the achievement of objectives and expected results of the policies.
22.5. Responsibilities of concerned ministries and branches:
a/ The Agriculture and Rural Development Ministry shall assume the prime responsibility for guiding branch technical standards not specified in this Circular and sustainable exploitation of planted forests.
b/ The Planning and Investment Ministry shall assume the prime responsibility for providing guidance on supervision and assessment in order to ensure the transparent and effective implementation of the policies.
c/ The Finance Ministry shall assume the prime responsibility for guiding procedures for payment and settlement of state budget expenditures.
This Circular takes effect 15 days after its publication in CONG BAO. All previous circulars containing provisions contrary to those of this Circular are annulled.
Any problems arising in the course of implementation should be promptly reported in writing to the Planning and Investment Ministry, the Agriculture and Rural Development Ministry and the Finance Ministry for study and settlement.
...
...
...
FOR
THE FINANCE MINISTER
VICE MINISTER
Nguyen Cong Nghiep
FOR
THE AGRICULTURE AND RURAL DEVELOPMENT MINISTER
VICE MINISTER
Hua Duc Nhi
FOR
THE PLANNING AND INVESTMENT MINISTER
VICE MINISTER
Cao Viet Sinh
;
Thông tư liên tịch 02/2008/TTLT-BKH-NN-TC hướng dẫn Quyết định 147/2007/QĐ-TTg về chính sách phát triển rừng sản xuất do Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Tài chính ban hành
Số hiệu: | 02/2008/TTLT-BKH-BNN-BTC |
---|---|
Loại văn bản: | Thông tư liên tịch |
Nơi ban hành: | Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính |
Người ký: | Nguyễn Công Nghiệp, Hứa Đức Nhị, Cao Viết Sinh |
Ngày ban hành: | 23/06/2008 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Thông tư liên tịch 02/2008/TTLT-BKH-NN-TC hướng dẫn Quyết định 147/2007/QĐ-TTg về chính sách phát triển rừng sản xuất do Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Tài chính ban hành
Chưa có Video