Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 220/2013/TT-BTC

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2013

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 71/2013/NĐ-CP NGÀY 11 THÁNG 7 NĂM 2013 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ ĐẦU TƯ VỐN NHÀ NƯỚC VÀO DOANH NGHIỆP VÀ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP DO NHÀ NƯỚC NẮM GIỮ 100% VỐN ĐIỀU LỆ

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 71/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 71/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ:

Phần 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn một số điều về đầu tư vốn, quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định tại Nghị định số 71/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị định số 71/2013/NĐ-CP).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định số 71/2013/NĐ-CP.

2. Các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoạt động ở những lĩnh vực đặc thù có quy định riêng về tài chính thì thực hiện theo những quy định riêng do cơ quan có thẩm quyền ban hành và thực hiện theo các nội dung khác có liên quan quy định tại Nghị định số 71/2013/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này.

3. Doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ căn cứ quy định của Luật doanh nghiệp, Nghị định số 71/2013/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này để ban hành quy chế về đầu tư vốn và quản lý tài chính đối với công ty con do doanh nghiệp nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Ngoài các từ ngữ được hiểu theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 71/2013/NĐ-CP, trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Vốn huy động của doanh nghiệp” là vốn doanh nghiệp vay của các tổ chức tín dụng, các tổ chức tài chính khác, các cá nhân trong và ngoài nước; phát hành trái phiếu; nhận vốn góp và các hình thức huy động vốn khác theo quy định của pháp luật để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

2. “Tài sản của doanh nghiệp” là các loại tài sản hữu hình và tài sản vô hình thuộc quyền quản lý, sử dụng của doanh nghiệp được hình thành từ vốn nhà nước đã đầu tư, vốn huy động và các nguồn vốn khác tại doanh nghiệp được phản ánh trên bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp tại thời điểm nhất định (không bao gồm tài sản doanh nghiệp đi thuê hoạt động, đi mượn, nhận giữ hộ, nhận gia công, nhận bán đại lý, ký gửi).

3. “Doanh nghiệp khác” là doanh nghiệp:

- Có cổ phần, vốn góp của nhà nước do Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi là Bộ quản lý ngành), hoặc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) làm Chủ sở hữu vốn.

- Có cổ phần, vốn góp của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ.

Phần 2.

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Chương 1.

ĐẦU TƯ VỐN VÀ QUẢN LÝ VỐN NHÀ NƯỚC ĐẦU TƯ VÀO DOANH NGHIỆP

MỤC 1. ĐẦU TƯ VỐN VÀO DOANH NGHIỆP

Điều 4. Đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp

Việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại Mục 1, Chương II của Nghị định số 71/2013/NĐ-CP và hướng dẫn sau đây:

1. Đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp để thực hiện các dự án, công trình quan trọng của nhà nước và các dự án, công trình khác để thành lập mới doanh nghiệp hoặc để phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đang hoạt động phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế của vùng, ngành, quy hoạch sử dụng đất đai và phải đảm bảo thực hiện đúng trình tự, thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình và quy định của pháp luật có liên quan, được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Việc thanh toán vốn nhà nước đầu tư trong quá trình thực hiện dự án đầu tư và quyết toán vốn nhà nước đầu tư khi dự án hoàn thành, chủ đầu tư, doanh nghiệp thực hiện theo quy định hiện hành của nhà nước về quản lý thanh toán và quyết toán vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước.

3. Việc đầu tư vốn nhà nước để duy trì hoặc tăng tỷ lệ vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo thủ tục theo quy định của Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật chứng khoán và các văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

4. Việc đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần vốn hoặc toàn bộ doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác phải theo phương án do Bộ quản lý ngành hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

MỤC 2. QUẢN LÝ VỐN NHÀ NƯỚC ĐẦU TƯ VÀO DOANH NGHIỆP KHÁC DO BỘ QUẢN LÝ NGÀNH, ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP TỈNH LÀM CHỦ SỞ HỮU VỐN

Điều 5. Thực hiện quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu đối với vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác

Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu đối với vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác thông qua người đại diện theo quy định tại Điều 8 của Nghị định số 71/2013/NĐ-CP. Trong đó:

1. Xây dựng quy chế để kiểm tra, giám sát hoạt động của người đại diện nhằm kịp thời phát hiện và xử lý những sai sót, yếu kém của người đại diện trong việc thực hiện quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật làm cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đại diện đã được chủ sở hữu giao trong việc thực hiện quản lý vốn nhà nước ở doanh nghiệp khác.

2. Yêu cầu người đại diện định kỳ hằng quý, năm hoặc đột xuất thực hiện tổng hợp, đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính và kiến nghị các biện pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn nhằm nâng cao hiệu quả vốn của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác theo phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này, báo cáo chủ sở hữu vốn và gửi về Bộ Tài chính (Cục Tài chính doanh nghiệp). Thời hạn người đại diện nộp báo cáo thực hiện theo quy định về thời hạn nộp báo cáo tài chính doanh nghiệp hiện hành.

3. Quản lý việc thực hiện quyền mua cổ phần phát hành thêm, trái phiếu chuyển đổi của người đại diện và chịu trách nhiệm khi xảy ra trường hợp người đại diện vi phạm việc thực hiện quyền mua cổ phần phát hành thêm, trái phiếu chuyển đổi quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này.

Điều 6. Quyền, trách nhiệm của người đại diện

1. Người đại diện thực hiện các quyền, trách nhiệm trong việc quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác theo quy định tại khoản 1, khoản 4 Điều 9 và khoản 2 Điều 10 của Nghị định số 71/2013/NĐ-CP và quy chế hoạt động của người đại diện do Bộ Tài chính ban hành.

2. Người đại diện được quyền mua cổ phần phát hành thêm, trái phiếu chuyển đổi theo quyết định của công ty cổ phần quy định tại tiết c, khoản 2, Điều 9 Nghị định số 71/2013/NĐ-CP.

Trường hợp người đại diện được cử làm đại diện tại nhiều công ty cổ phần, thì chỉ được lựa chọn quyền mua cổ phần phát hành thêm, trái phiếu chuyển đổi tại một công ty cổ phần mà người đó được cử làm đại diện. Người đại diện có trách nhiệm báo cáo và được chủ sở hữu quyết định về việc thực hiện quyền mua cổ phần nêu trên; Quyền mua cổ phần phát hành thêm, trái phiếu chuyển đổi của người đại diện tại các công ty cổ phần còn lại thuộc quyền mua của chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp khác (trừ trường hợp người đại diện được mua theo quyền của cổ đông hiện hữu).

Điều 7. Tăng, giảm vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác do Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm chủ sở hữu

1. Khi doanh nghiệp khác có kế hoạch tăng vốn điều lệ, người đại diện phải xây dựng phương án bổ sung vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác báo cáo chủ sở hữu quyết định theo quy định tại Điều 7 của Nghị định số 71/2013/NĐ-CP. Phương án bổ sung vốn bao gồm các nội dung:

a) Căn cứ pháp lý để tăng vốn của doanh nghiệp khác.

b) Tình hình tài chính, kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khác trong 3 năm trước khi thực hiện phương án tăng vốn.

c) Chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư phát triển và sử dụng nguồn vốn tăng của doanh nghiệp.

d) Đánh giá lợi ích kinh tế thu được và ảnh hưởng tăng đầu tư vốn của nhà nước vào doanh nghiệp khác.

đ) Đề xuất nguồn bổ sung vốn nhà nước vào doanh nghiệp khác.

2. Trường hợp phương án bổ sung vốn đầu tư vào doanh nghiệp khác từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp thì Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập hồ sơ gửi Bộ Tài chính thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

3. Trường hợp doanh nghiệp khác hoạt động không thuộc ngành, lĩnh vực nhà nước cần tiếp tục đầu tư thêm vốn theo tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành thì Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định chuyển nhượng quyền mua cổ phần phát hành thêm, trái phiếu chuyển đổi cho tổ chức, cá nhân khác.

Nguyên tắc chuyển nhượng quyền mua cổ phần, trái phiếu chuyển đổi thực hiện theo phương thức đấu giá công khai. Việc xác định giá khởi điểm được thực hiện thông qua tổ chức có chức năng thẩm định giá theo quy định của pháp luật về thẩm định giá. Trường hợp thời gian cho phép cổ đông thực hiện quyền mua cổ phần, trái phiếu chuyển đổi theo phương án phát hành của công ty cổ phần ngắn, không đủ để tổ chức thực hiện đấu giá chuyển nhượng thì chủ sở hữu xem xét quyết định giá chuyển nhượng theo quy định và đảm bảo hiệu quả.

Người có thẩm quyền quyết định chuyển nhượng quyền mua cổ phần, trái phiếu chuyển đổi không được quyết định chuyển nhượng cho doanh nghiệp trong đó có vợ, chồng, cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, con, con nuôi, anh, chị, em ruột là người quản lý doanh nghiệp này và không được quyết định chuyển nhượng cho các cá nhân là người có quan hệ như trên.

4. Tiền thu về chuyển nhượng quyền mua cổ phần, trái phiếu chuyển đổi tại doanh nghiệp khác sau khi trừ các chi phí có liên quan đến việc chuyển nhượng quyền mua cổ phần, hoàn thành các nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật, phần còn lại được nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.

5. Việc giảm một phần vốn hoặc thu hồi toàn bộ vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác do Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là chủ sở hữu vốn được thực hiện theo phương thức chuyển nhượng quy định tại Điều 8 Thông tư này.

MỤC 3. CHUYỂN NHƯỢNG VỐN NHÀ NƯỚC ĐẦU TƯ VÀO DOANH NGHIỆP

Điều 8. Phương thức chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp

Phương thức chuyển nhượng vốn nhà nước đã đầu tư vào các doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 14 của Nghị định số 71/2013/NĐ-CP và hướng dẫn sau đây:

1. Việc chuyển nhượng vốn nhà nước tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ dưới hình thức cổ phần hóa hoặc bán doanh nghiệp theo phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì thực hiện theo quy định của Chính phủ về cổ phần hóa hoặc bán doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu.

2. Chuyển nhượng vốn nhà nước tại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên để trở thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên:

a) Chuyển nhượng một phần vốn nhà nước tại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ phải theo phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

b) Chuyển nhượng vốn theo hình thức đấu giá công khai hoặc thỏa thuận trực tiếp:

- Đấu giá công khai khi chuyển nhượng vốn có giá trị từ 10 tỷ đồng trở lên thực hiện tại Sở Giao dịch chứng khoán. Trường hợp chuyển nhượng phần vốn có giá trị dưới 10 tỷ đồng thì có thể thuê tổ chức tài chính trung gian bán đấu giá, tự tổ chức đấu giá tại doanh nghiệp, hoặc thực hiện đấu giá tại Sở Giao dịch chứng khoán.

- Bán thỏa thuận trực tiếp giữa chủ sở hữu vốn (hoặc cơ quan chức năng được chủ sở hữu ủy quyền, giao nhiệm vụ bằng văn bản) với nhà đầu tư trong trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đăng ký mua hoặc trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép bán thỏa thuận trực tiếp.

Khi chuyển nhượng vốn theo hình thức thỏa thuận trực tiếp thì người có thẩm quyền quyết định chuyển nhượng vốn không được quyết định chuyển nhượng cho doanh nghiệp trong đó có vợ, chồng, cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, con, con nuôi, anh, chị, em ruột là người quản lý doanh nghiệp này và không được quyết định chuyển nhượng cho các cá nhân là người có quan hệ như trên.

- Việc xác định giá khởi điểm đối với phần vốn nhà nước trước khi tổ chức bán đấu giá công khai hoặc thỏa thuận được thực hiện thông qua tổ chức có chức năng thẩm định giá theo quy định của pháp luật về thẩm định giá phải đảm bảo nguyên tắc xác định đầy đủ giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp bao gồm cả giá trị được tạo bởi giá trị quyền sử dụng đất giao hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp theo quy định của pháp luật về đất đai và giá trị các quyền sở hữu trí tuệ (nếu có) của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, tại thời điểm chuyển nhượng vốn.

3. Chuyển nhượng phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc tại công ty cổ phần:

a) Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào danh mục đầu tư tại các doanh nghiệp không thuộc ngành, lĩnh vực nhà nước nắm giữ vốn, chỉ đạo người đại diện lập phương án chuyển nhượng vốn để báo cáo chủ sở hữu vốn quyết định phương án chuyển nhượng vốn sau khi có ý kiến tham gia của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định tại Điều 15 của Nghị định số 71/2013/NĐ-CP.

b) Phương án chuyển nhượng vốn gồm các nội dung sau:

- Cơ sở pháp lý, mục đích chuyển nhượng vốn.

- Đánh giá lợi ích thu được và ảnh hưởng của việc chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác.

- Hình thức chuyển nhượng vốn.

c) Chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên:

- Trường hợp chủ sở hữu vốn nhà nước yêu cầu công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên mua lại phần vốn góp của mình thì việc xác định giá chuyển nhượng thực hiện theo quy định tại Điều 43 của Luật doanh nghiệp năm 2005.

- Trường hợp chủ sở hữu vốn nhà nước chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho thành viên khác hoặc chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân không phải là thành viên trong công ty thì phải thực hiện theo Điều 44 Luật Doanh nghiệp năm 2005, trong đó:

+ Nếu chuyển nhượng cho các thành viên khác trong công ty thì chủ sở hữu vốn nhà nước thỏa thuận giá chuyển nhượng với các thành viên khác. Việc xác định giá bán thỏa thuận trên cơ sở kết quả thẩm định giá của tổ chức có chức năng thẩm định giá theo quy định tại khoản 2 Điều này.

+ Nếu chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân không phải là thành viên trong công ty thì thực hiện bán đấu giá công khai hoặc thỏa thuận trực tiếp theo quy định tại khoản 2 Điều này.

d) Chuyển nhượng vốn nhà nước tại công ty cổ phần:

- Đối với công ty cổ phần đã niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch Upcom thì việc chuyển nhượng vốn (chuyển nhượng cổ phiếu) thực hiện theo phương thức giao dịch (khớp lệnh, thỏa thuận) theo quy định của Pháp luật về chứng khoán. Trường hợp chuyển nhượng theo phương thức thỏa thuận thì giá thỏa thuận phải nằm trong biên độ giá giao dịch của mã chứng khoán tại ngày chuyển nhượng.

- Đối với công ty cổ phần chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch Upcom thì thực hiện chuyển nhượng vốn theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Chương 2.

QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP DO NHÀ NƯỚC NẮM GIỮ 100% VỐN ĐIỀU LỆ

MỤC 1. QUẢN LÝ VỐN CỦA DOANH NGHIỆP

Điều 9. Xác định mức vốn điều lệ

Việc xác định vốn điều lệ và đầu tư vốn điều lệ cho doanh nghiệp được thực hiện theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 71/2013/NĐ-CP, cụ thể:

1. Đối với doanh nghiệp thành lập mới:

a) Hồ sơ xác định vốn điều lệ:

- Dự án đầu tư, Đề án thành lập doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Quyết định thành lập doanh nghiệp của cấp có thẩm quyền.

b) Phương pháp xác định vốn điều lệ:

- Doanh nghiệp được thành lập mới trên cơ sở dự án đầu tư xây dựng công trình đã hoàn thành đưa vào hoạt động thì mức vốn điều lệ của doanh nghiệp tối đa bằng 30% trên tổng mức vốn đầu tư xây dựng công trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trường hợp dự án đầu tư có phần vốn đầu tư của nhà nước lớn hơn tỷ lệ 30% trên tổng mức vốn đầu tư hình thành tài sản của doanh nghiệp thì mức vốn điều lệ được xác định bằng mức vốn của nhà nước đã đầu tư.

- Đối với doanh nghiệp thành lập mới không gắn với dự án đầu tư xây dựng công trình thì căn cứ vào quy mô, nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh được xác định trong đề án thành lập để quyết định mức vốn điều lệ ban đầu đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động bình thường.

- Doanh nghiệp thành lập mới có ngành nghề kinh doanh thuộc các lĩnh vực phải có vốn pháp định theo quy định của pháp luật, đồng thời có các ngành nghề kinh doanh thuộc lĩnh vực không quy định phải có vốn pháp định, thì vốn điều lệ khi thành lập doanh nghiệp được xác định không thấp hơn vốn pháp định theo ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp.

2. Đối với doanh nghiệp đang hoạt động:

a) Nguyên tắc điều chỉnh tăng mức vốn điều lệ:

- Việc xác định nhu cầu và điều chỉnh tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp đang hoạt động phải căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược phát triển và mở rộng quy mô, ngành nghề hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo kế hoạch, quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Việc điều chỉnh tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp phải trên cơ sở nhu cầu vốn để thực hiện dự án đầu tư, mua sắm tài sản phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh chính của doanh nghiệp; nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất sản phẩm, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nhu cầu vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Mức vốn điều lệ điều chỉnh tăng áp dụng tối thiểu cho 03 năm kể từ ngày được chủ sở hữu phê duyệt và phải đảm bảo gắn với kế hoạch nguồn vốn để bổ sung đủ mức vốn điều lệ từ quỹ đầu tư phát triển được trích từ lợi nhuận sau thuế hằng năm hoặc các nguồn hợp pháp khác theo quy định.

- Trường hợp sau 3 năm doanh nghiệp vẫn chưa đủ nguồn để bổ sung đủ vốn điều lệ đã được phê duyệt thì chủ sở hữu căn cứ vào tình hình của doanh nghiệp điều chỉnh lại mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược phát triển theo kế hoạch đã giao cho doanh nghiệp hoặc trong trường hợp cần thiết phải thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh đã được duyệt thì chủ sở hữu thực hiện việc cấp bổ sung vốn điều lệ còn thiếu cho doanh nghiệp theo quy định tại khoản 4, Điều 18 của Nghị định số 71/2013/NĐ-CP.

b) Phương pháp xác định điều chỉnh tăng vốn điều lệ: doanh nghiệp xác định theo công thức chung như sau:

Vđl điều chỉnh lại

=

Vđl đã duyệt

+

30% tổng nhu cầu vốn đầu tư, mua sắm hình thành tài sản phục vụ hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp

+

Vsxsp-kdhhdv

Trong đó:

- Vđl đã duyệt là mức vốn điều lệ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi điều chỉnh.

- Tổng nhu cầu vốn đầu tư, mua sắm hình thành tài sản phục vụ hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp bao gồm:

+ Tổng mức đầu tư của các dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt thuộc danh mục kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm hoặc trong quy hoạch phát triển ngành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với các dự án có thời gian thực hiện trên 03 năm thì mức đầu tư làm căn cứ xác định lại mức vốn điều lệ cho doanh nghiệp chỉ tính theo nhu cầu vốn để thực hiện dự án trong khoảng thời gian điều chỉnh vốn điều lệ 03 năm (không tính theo mức đầu tư của toàn bộ dự án).

+ Trường hợp dự án đầu tư đã hoàn thành nhưng chưa đưa vào xác định vốn điều lệ của lần điều chỉnh trước thì được đưa vào xác định điều chỉnh vốn điều lệ lần này.

+ Các dự án, công trình xây dựng đầu tư bằng nguồn vốn hỗn hợp trong đó có vốn Ngân sách nhà nước đầu tư thì căn cứ vào mức vốn được ngân sách nhà nước đầu tư cho dự án để ghi tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp.

+ Trường hợp dự án đầu tư xây dựng công trình (do cơ quan, đơn vị khác làm chủ đầu tư) bàn giao cho doanh nghiệp quản lý, khai thác, sử dụng thì toàn bộ vốn nhà nước đã đầu tư của dự án theo quyết toán dự án đầu tư xây dựng công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt được tính vào mức vốn điều lệ điều chỉnh tăng.

+ Trường hợp dự án đầu tư đang thực hiện được cấp có thẩm quyền quyết định tạm dừng hoặc điều chỉnh quy mô dự án thì doanh nghiệp phải căn cứ nhu cầu vốn đầu tư dự án theo quyết định điều chỉnh của cấp có thẩm quyền để xác định (điều chỉnh lại) mức vốn điều lệ của doanh nghiệp.

+ Trường hợp doanh nghiệp có các phương án đầu tư ra ngoài doanh nghiệp đã được phê duyệt thì căn cứ vào tỷ lệ góp vốn của doanh nghiệp tại công ty con, công ty liên kết để tính vào tổng mức vốn đầu tư các dự án khi xác định mức vốn điều lệ của doanh nghiệp.

- Vsxsp-kdhhdv là nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất sản phẩm, kinh doanh hàng hóa dịch vụ của doanh nghiệp.

Phương pháp xác định như sau:

Vsxsp-hhkd = 30% x

Mức chênh lệch tăng giữa tổng nhu cầu vốn sản xuất sản phẩm, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đến năm thứ 3 kể từ năm xác định lại mức vốn điều lệ so với nhu cầu vốn sản xuất sản phẩm, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện của năm trước liền kề năm thực hiện xác định lại mức vốn điều lệ.

Mức chênh lệch tăng giữa tổng nhu cầu vốn sản xuất sản phẩm, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đến năm thứ 3 kể từ năm xác định lại mức vốn điều lệ so với nhu cầu vốn sản xuất sản phẩm, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện của năm trước liền kề năm xác định lại mức vốn điều lệ được tính toán căn cứ vào doanh thu thực hiện của hoạt động sản xuất, kinh doanh trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp đã được kiểm toán của năm trước liền kề năm xác định lại mức vốn điều lệ và tỷ lệ tăng trưởng doanh thu bình quân năm theo kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt tính đến năm thứ 3 kể từ năm xác định lại mức vốn điều lệ.

Ví dụ:

+ Năm 2014, doanh nghiệp đề nghị xác định và điều chỉnh tăng vốn điều lệ; năm 2013 (là năm trước liền kề năm xác định lại vốn điều lệ) doanh thu thực hiện của hoạt động sản xuất, kinh doanh ghi trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp là 1000 tỷ đồng.

+ Theo kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm của doanh nghiệp đã được phê duyệt thì tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân năm của kế hoạch 5 năm là 5%/năm.

+ Năm 2016 (là năm thứ 3 kể từ năm xác định lại vốn điều lệ và nằm trong thời gian của kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm được duyệt).

+ Xác định mức chênh lệch tăng nhu cầu vốn sản xuất sản phẩm, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cho từng năm đến năm thứ 03 (năm 2016) kể từ năm xác định lại vốn điều lệ như sau:

Năm 2014 là 1000 tỷ đồng x 5% = 50 tỷ đồng.

Năm 2015 là (1000 tỷ đồng + 50 tỷ đồng) x 5% = 52,5 tỷ đồng.

Năm 2016 là (1000 tỷ đồng + 50 tỷ đồng + 52,5 tỷ đồng) x 5% = 55,12 tỷ đồng.

+ Mức chênh lệch tăng giữa tổng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất sản phẩm, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đến năm thứ 03 (năm 2016) so với năm trước liền kề năm xác định lại vốn điều lệ (năm 2013) làm căn cứ điều chỉnh tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp là: 157,62 tỷ đồng (50 tỷ đồng + 52,5 tỷ đồng + 55,12 tỷ đồng).

+ Mức vốn điều lệ được điều chỉnh tăng cho hoạt động sản xuất sản phẩm, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp tính cho 3 năm từ 2014 đến 2016 của doanh nghiệp là: Vsxsp-kdhhdv = 30% x 157,62 tỷ đồng = 47,2 tỷ đồng.

c) Hồ sơ, trình tự phê duyệt:

Hồ sơ gồm:

- Quyết định phê duyệt mức vốn điều lệ của cấp có thẩm quyền trước khi điều chỉnh tăng mức vốn điều lệ của doanh nghiệp.

- Phương án điều chỉnh mức vốn điều lệ của doanh nghiệp gồm:

+ Văn bản giải trình phương pháp xác định mức vốn điều lệ điều chỉnh và các tài liệu liên quan chứng minh kèm theo (như quyết định phê duyệt kế hoạch 5 năm; các quyết định liên quan đến phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng hoặc quyết định liên quan về việc tạm dừng dự án đầu tư, quyết định điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch sản xuất kinh doanh, nhiệm vụ nhà nước giao...)

+ Giải trình các nguồn vốn để bổ sung vốn điều lệ (theo quy định tại khoản 4 Điều 18 của Nghị định 71/2013/NĐ-CP).

- Báo cáo tài chính quý, năm tại thời điểm điều chỉnh vốn điều lệ và năm trước liền kề năm điều chỉnh vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được kiểm toán.

Trình tự phê duyệt:

- Đối với doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, lập hồ sơ theo quy định gửi đến Bộ quản lý ngành, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ của doanh nghiệp, Bộ quản lý ngành có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ đảm bảo theo quy định và gửi văn bản đề nghị (kèm theo hồ sơ của doanh nghiệp) đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tham gia ý kiến và Bộ Tài chính để thẩm định. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Bộ quản lý ngành và hồ sơ của doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính có ý kiến bằng văn bản gửi Bộ quản lý ngành để hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh mức vốn điều lệ cho doanh nghiệp.

- Đối với doanh nghiệp do Bộ quản lý ngành quyết định thành lập, lập hồ sơ theo quy định gửi đến Bộ quản lý ngành, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ của doanh nghiệp, Bộ quản lý ngành có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ đảm bảo theo quy định và gửi văn bản đề nghị (kèm theo hồ sơ của doanh nghiệp) đến Bộ Tài chính để có ý kiến thỏa thuận. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Bộ quản lý ngành và hồ sơ của doanh nghiệp, Bộ Tài chính có văn bản thỏa thuận về mức vốn điều lệ và nguồn bổ sung vốn điều lệ của doanh nghiệp gửi Bộ quản lý ngành để quyết định điều chỉnh vốn điều lệ cho doanh nghiệp theo thẩm quyền.

- Đối với doanh nghiệp do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập, lập hồ sơ theo quy định gửi đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ của doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ đảm bảo theo quy định, thẩm định số liệu và quyết định điều chỉnh mức vốn điều lệ cho doanh nghiệp theo thẩm quyền.

- Trong quá trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ điều chỉnh mức vốn điều lệ cho doanh nghiệp, trường hợp hồ sơ của doanh nghiệp không đảm bảo theo quy định thì trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ, Bộ quản lý ngành (đối với doanh nghiệp do Trung ương quản lý), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với doanh nghiệp do địa phương quản lý) và các cơ quan có liên quan, có văn bản đề nghị doanh nghiệp bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ theo đúng quy định, Trường hợp cấp có thẩm quyền và cơ quan có liên quan không chấp nhận hồ sơ điều chỉnh vốn điều lệ của doanh nghiệp thì phải có văn bản (nêu rõ lý do) trả lời doanh nghiệp.

Điều 10. Huy động vốn của doanh nghiệp

1. Việc huy động vốn của doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 19 của Nghị định số 71/2013/NĐ-CP.

2. Doanh nghiệp được quyền bảo lãnh cho các công ty con do doanh nghiệp sở hữu 100% vốn điều lệ hoặc các công ty con có cổ phần, vốn góp chi phối vay vốn tại Ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật. Trong đó:

a) Công ty con được doanh nghiệp bảo lãnh phải có tình hình tài chính lành mạnh, không có các khoản nợ quá hạn; việc bảo lãnh vay vốn để thực hiện dự án đầu tư phải trên cơ sở thẩm định hiệu quả dự án; công ty được bảo lãnh phải có cam kết về bảo đảm khả năng trả nợ đối với khoản vay được bảo lãnh.

b) Doanh nghiệp có thể bảo lãnh cho từng khoản vay của công ty con theo tỷ lệ (%) góp vốn của doanh nghiệp trong vốn điều lệ của công ty con và tổng giá trị các khoản bảo lãnh đối với một công ty con không vượt quá số vốn góp thực tế của doanh nghiệp tại công ty con.

Đồng thời, tổng giá trị các khoản bảo lãnh đối với các công ty con không vượt quá vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp và trong phạm vi hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu đã quy định tại khoản 3, Điều 19 Nghị định số 71/2013/NĐ-CP.

c) Số vốn góp thực tế của doanh nghiệp tại công ty con được xác định:

- Đối với công ty con do doanh nghiệp sở hữu 100% vốn điều lệ thì giá trị vốn góp thực tế của doanh nghiệp được xác định căn cứ vào vốn chủ sở hữu (mã 410) trên bảng cân đối kế toán trong Báo cáo tài chính Quý gần nhất với thời điểm bảo lãnh của công ty con.

- Đối với công ty con có cổ phần, vốn góp chi phối của doanh nghiệp là giá trị vốn góp thực tế của doanh nghiệp được xác định trên cơ sở vốn chủ sở hữu (mã 410) trên bảng cân đối kế toán của Báo cáo tài chính quý gần nhất với thời điểm bảo lãnh của công ty con nhân (x) với tỷ lệ góp vốn của doanh nghiệp theo vốn điều lệ công ty con được bảo lãnh.

d) Trường hợp doanh nghiệp bảo lãnh vượt quá mức quy định nêu trên hoặc quyết định bảo lãnh dẫn đến thất thoát vốn, tài sản của doanh nghiệp thì người có thẩm quyền quyết định bảo lãnh chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

đ) Các Hợp đồng bảo lãnh vay vốn của doanh nghiệp đối với các công ty con đang thực hiện theo quy định tại Thông tư số 117/2010/TT-BTC ngày 05/8/2010 của Bộ Tài chính thì vẫn tiếp tục thực hiện cho đến khi hết thời hạn của Hợp đồng bảo lãnh đã ký của doanh nghiệp.

3. Doanh nghiệp không có chức năng hoạt động của tổ chức tín dụng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng thì không được sử dụng tiền vốn của mình để thực hiện các hoạt động cho vay đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Trường hợp đặc biệt, doanh nghiệp báo cáo chủ sở hữu trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 11. Hoạt động đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp

1. Doanh nghiệp thực hiện hoạt động đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp theo quy định tại các Điều 29, 30, 31, 32, 33 của Nghị định số 71/2013/NĐ-CP. Trong đó:

a) Doanh nghiệp không được sử dụng tài sản do doanh nghiệp đang đi thuê hoạt động, đi mượn, nhận giữ hộ, nhận gia công, nhận bán đại lý, ký gửi để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp.

b) Trường hợp đối với các khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, khi doanh nghiệp được nhận số lượng cổ phiếu do các công ty cổ phần phát hành mà không phải thanh toán tiền (kể cả số lượng cổ phiếu đã nhận được đang theo dõi bằng số lượng trong thuyết minh báo cáo tài chính định kỳ theo quy định), doanh nghiệp phải theo dõi, hạch toán trong sổ sách kế toán của doanh nghiệp, cụ thể:

- Đối với cổ phiếu nhận được do công ty cổ phần chia cổ tức (chia cổ tức bằng cổ phiếu) doanh nghiệp hạch toán tăng doanh thu hoạt động tài chính và tăng giá trị khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp tương ứng với số tiền cổ tức được chia.

- Đối với cổ phiếu nhận được không phải thanh toán còn lại (cổ phiếu nhận được không phải do chia cổ tức), doanh nghiệp căn cứ số lượng cổ phiếu nhận được và mệnh giá cổ phiếu để ghi tăng doanh thu hoạt động tài chính và tăng giá trị khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp.

2. Doanh nghiệp thực hiện chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài theo quy định tại Điều 30 của Nghị định số 71/2013/NĐ-CP và theo hướng dẫn sau:

a) Phương thức chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp:

- Việc chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp tại công ty con là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nắm giữ 100% vốn điều lệ để chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên thực hiện theo hình thức đấu giá công khai hoặc thỏa thuận trực tiếp quy định tại khoản 2, Điều 8 của Thông tư này.

- Việc chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp tại công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên thực hiện theo quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 8 của Thông tư này.

- Việc chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp đầu tư tại các công ty cổ phần thực hiện theo quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 8 của Thông tư này. Riêng việc thuê tổ chức thực hiện bán đấu giá và xác định giá bán trong trường hợp bán thỏa thuận doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 30 của Nghị định số 71/2013/NĐ-CP.

- Theo quy định tại khoản 2 Điều 30 của Nghị định số 71/2013/NĐ-CP thì việc chuyển nhượng các khoản vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp phải theo nguyên tắc giá thị trường tại thời điểm bán. Trong đó:

+ Trường hợp giá chuyển nhượng dự kiến sẽ thu được sát với giá thị trường (giá đã được thẩm định theo các quy định của pháp luật về thẩm định giá, tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam), nhưng vẫn thấp hơn giá trị ghi trên sổ sách kế toán của doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp đã thực hiện trích lập dự phòng theo quy định và khoản trích lập dự phòng bằng hoặc lớn hơn chênh lệch giữa giá bán dự kiến thu được so với giá trị ghi trên sổ sách kế toán thì Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định chuyển nhượng để thu hồi vốn đầu tư ra ngoài.

+ Trường hợp khoản trích lập dự phòng vẫn thấp hơn chênh lệch giữa giá trị khoản đầu tư ghi trên sổ kế toán với giá trị chuyển nhượng dự kiến thu được thì Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty phải báo cáo Chủ sở hữu xem xét, quyết định trước khi thực hiện chuyển nhượng.

- Đối với chuyển nhượng các loại công trái, trái phiếu mà doanh nghiệp đã đầu tư để hưởng lãi thì việc chuyển nhượng thực hiện theo quy định khi phát hành hoặc phương án phát hành của tổ chức (chủ thể) phát hành. Trường hợp doanh nghiệp chuyển nhượng trái phiếu trước kỳ hạn thì giá chuyển nhượng phải đảm bảo nguyên tắc thu hồi đủ giá trị đã đầu tư và có lãi.

Riêng việc chuyển nhượng trái phiếu đã được đăng ký lưu ký, niêm yết và giao dịch trên thị trường giao dịch chứng khoán, doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật chứng khoán.

b) Hạch toán tiền thu chuyển nhượng các khoản đầu tư ra ngoài:

Tiền thu về chuyển nhượng các khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp sau khi trừ giá trị vốn đầu tư ghi trên sổ sách kế toán của doanh nghiệp, chi phí chuyển nhượng và thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định, số tiền còn lại doanh nghiệp hạch toán vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Điều 12. Bảo toàn vốn tại doanh nghiệp

Doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu tại doanh nghiệp theo quy định tại Điều 34 của Nghị định số 71/2013/NĐ-CP cụ thể:

1. Bảo toàn vốn:

Căn cứ vào chỉ tiêu lãi, lỗ của doanh nghiệp theo báo cáo tài chính quý, năm để đánh giá mức độ bảo toàn vốn của doanh nghiệp.

a) Đối với doanh nghiệp có lãi hoặc không lỗ, mức độ bảo toàn vốn của doanh nghiệp được xác định theo hệ số H:

H =

Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo

Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cuối kỳ trước liền kề với kỳ báo cáo

Trong đó:

- Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp để xác định mức độ bảo toàn vốn bao gồm nguồn vốn đầu tư của chủ sở hữu (mã số 411), quỹ đầu tư phát triển (mã số 417), nguồn vốn xây dựng cơ bản (mã số 421) trên Bảng cân đối kế toán theo Báo cáo tài chính quý hoặc năm (Mẫu số B 01-DN ban hành kèm theo quyết định số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế nếu có).

- Khi xác định hệ số bảo toàn vốn theo quy định nêu trên, doanh nghiệp phải loại trừ các yếu tố khách quan ảnh hưởng đến sự thay đổi vốn trong kỳ báo cáo như: vốn nhà nước đầu tư bổ sung cho doanh nghiệp, vốn nhà nước điều chuyển từ nơi khác đến.

Phương pháp đánh giá mức độ bảo toàn vốn: nếu hệ số H = 1 doanh nghiệp bảo toàn được vốn, hệ số H > 1 Doanh nghiệp đã phát triển được vốn.

b) Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ (không bảo toàn được vốn), Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty phải có báo cáo gửi chủ sở hữu và Bộ Tài chính về nguyên nhân thua lỗ không bảo toàn được vốn. Chủ sở hữu căn cứ tình hình lỗ của doanh nghiệp quyết định thực hiện giám sát tài chính hoặc giám sát tài chính đặc biệt đối với doanh nghiệp theo quy định hiện hành.

Việc xử lý lỗ của doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành.

2. Biện pháp thực hiện bảo toàn vốn:

Doanh nghiệp thực hiện các biện pháp bảo toàn vốn theo quy định tại khoản 2, Điều 34 của Nghị định số 71/2013/NĐ-CP, trong đó việc trích lập các khoản dự phòng bao gồm dự phòng giảm giá hàng tồn kho; dự phòng nợ phải thu khó đòi; dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính dài hạn; dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp thực hiện theo quy định tại Thông tư số 228/2009/TT-BTC ngày 7/12/2009 và Thông tư số 89/2013/TT-BTC ngày 28/6/2013 của Bộ Tài chính (sau đây gọi tắt là quy định trích lập dự phòng của Bộ Tài chính). Đối với khoản đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp được trích lập dự phòng theo quy định về trích lập dự phòng tổn thất đối với các khoản đầu tư tài chính dài hạn tại Thông tư nêu trên.

MỤC 2. QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG TÀI SẢN CỦA DOANH NGHIỆP

Điều 13. Quản lý và sử dụng tài sản cố định

1. Doanh nghiệp thực hiện đầu tư, xây dựng, mua sắm, quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định trong quá trình hoạt động kinh doanh theo quy định tại các Điều 20, 21, 22, 23 của Nghị định số 71/2013/NĐ-CP, Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25 tháng 4 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định và Thông tư sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).

2. Đối với ngành kinh doanh đặc thù có quy định riêng về đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản cố định theo chuyên ngành, ngoài việc thực hiện quy định nêu trên còn phải thực hiện theo quy định của văn bản pháp luật chuyên ngành.

3. Việc thanh lý, nhượng bán tài sản cố định của doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 23 của Nghị định số 71/2013/NĐ-CP và theo hướng dẫn sau:

a) Tài sản thanh lý, nhượng bán:

Doanh nghiệp được quyền chủ động thực hiện thanh lý, nhượng bán tài sản cố định đã hư hỏng, lạc hậu kỹ thuật, không có nhu cầu sử dụng hoặc không sử dụng được để thu hồi vốn.

b) Trình tự, thủ tục thực hiện thanh lý, nhượng bán tài sản cố định:

- Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định thành lập Hội đồng thanh lý, nhượng bán tài sản cố định tại doanh nghiệp. Thành phần Hội đồng gồm: Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Kế toán trưởng, các trưởng phòng có liên quan và một số chuyên gia am hiểu về tính năng kỹ thuật của tài sản cố định (nếu cần).

- Nhiệm vụ của Hội đồng thanh lý, nhượng bán tài sản cố định của doanh nghiệp:

+ Xác định thực trạng về kỹ thuật, giá trị còn lại của tài sản thanh lý, nhượng bán.

+ Xác định nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến trường hợp tài sản cố định mới đầu tư không mang lại hiệu quả kinh tế phải nhượng bán nhưng không có khả năng thu hồi đủ vốn đầu tư, tài sản chưa khấu hao hết đã bị hư hỏng không thể sửa chữa được phải thanh lý, nhượng bán để báo cáo chủ sở hữu xử lý theo quy định.

+ Tổ chức xác định hoặc thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá để xác định giá trị có thể thu được của tài sản thanh lý, nhượng bán.

+ Tổ chức bán đấu giá hoặc thuê tổ chức có chức năng bán đấu giá các loại tài sản thanh lý nhượng bán theo quy định của pháp luật có liên quan.

- Hội đồng thanh lý, nhượng bán tài sản tự kết thúc hoạt động sau khi hoàn tất việc thanh lý, nhượng bán tài sản cố định của doanh nghiệp.

c) Việc hạch toán doanh thu và chi phí thanh lý, nhượng bán tài sản cố định của doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 35 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định số 71/2013/NĐ-CP.

d) Trường hợp khi doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt, doanh nghiệp phải dỡ bỏ hoặc hủy bỏ tài sản cố định cũ thì việc xử lý và hạch toán tài sản cố định cũ khi dỡ bỏ hoặc hủy bỏ của doanh nghiệp thực hiện như đối với trường hợp thanh lý, nhượng bán tài sản cố định.

Điều 14. Quản lý hàng hóa tồn kho của doanh nghiệp

Việc quản lý hàng hóa tồn kho của doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 24 của Nghị định số 71/2013/NĐ-CP. Trong đó:

1. Doanh nghiệp phải xây dựng quy chế về quản lý các loại hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ tồn kho, đang đi trên đường; sản phẩm dở dang trong quá trình sản xuất, sản phẩm hoàn thành nhưng chưa nhập kho, thành phẩm tồn kho, thành phẩm đang gửi bán. Quy chế phải xác định rõ việc phối hợp của từng bộ phận quản lý trong doanh nghiệp và trách nhiệm của từng bộ phận, từng cá nhân có liên quan trong việc theo dõi, quản lý tài sản của doanh nghiệp nêu trên.

2. Đối với hàng hóa tồn kho thuộc đối tượng trích lập dự phòng thì việc trích lập và sử dụng dự phòng giảm giá hàng tồn kho thực hiện theo hướng dẫn về trích lập dự phòng của Bộ Tài chính.

Điều 15. Quản lý các khoản nợ phải thu

1. Việc quản lý, xử lý các khoản nợ phải thu của doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại khoản 1, Điều 25 của Nghị định số 71/2013/NĐ-CP và Nghị định số 206/2013/NĐ-CP ngày 09/12/2013 của Chính phủ về quản lý nợ của doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

2. Đối với nợ phải thu thuộc đối tượng trích lập dự phòng thì việc trích lập và hoàn nhập dự phòng nợ phải thu khó đòi thực hiện theo hướng dẫn về trích lập dự phòng của Bộ Tài chính.

Điều 16. Xử lý chênh lệch tỷ giá

Việc ghi nhận, đánh giá, xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái trong doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 26 của Nghị định số 71/2013/NĐ-CP và Thông tư số 179/2012/TT-BTC ngày 24 tháng 10 năm 2012 của Bộ Tài chính quy định về ghi nhận, đánh giá, xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái trong doanh nghiệp và Thông tư sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).

MỤC 3. QUẢN LÝ DOANH THU, CHI PHÍ VÀ PHÂN PHỐI LỢI NHUẬN

Điều 17. Quản lý doanh thu, thu nhập khác và chi phí của doanh nghiệp

Việc quản lý doanh thu, thu nhập khác và chi phí của doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại các Điều 35, 36, 37 của Nghị định số 71/2013/NĐ-CP. Trong đó:

1. Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu và trước pháp luật, tổ chức quản lý chặt chẽ đảm bảo về tính đúng đắn và hợp pháp của các khoản doanh thu, thu nhập khác và chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

2. Toàn bộ doanh thu, thu nhập khác và chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát sinh phải có đầy đủ chứng từ theo quy định của pháp luật kế toán và phản ánh đầy đủ trong sổ kế toán của doanh nghiệp theo chế độ kế toán doanh nghiệp hiện hành.

3. Doanh thu, thu nhập khác được xác định bằng đồng Việt Nam, trường hợp thu bằng ngoại tệ phải quy đổi về đồng Việt Nam theo quy định của pháp luật.

4. Doanh nghiệp phải tính đúng, tính đủ chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh, tự trang trải mọi khoản chi phí bằng các khoản thu của doanh nghiệp và tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động kinh doanh của mình.

Điều 18. Phân phối lợi nhuận

Việc phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 38 của Nghị định số 71/2013/NĐ-CP. Trong đó:

1. Căn cứ để trích lập quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ thưởng viên chức quản lý doanh nghiệp xác định như sau:

a) Về xếp loại doanh nghiệp A, B, C làm căn cứ trích lập các quỹ thực hiện theo hướng dẫn của Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với doanh nghiệp do nhà nước làm Chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 61/2013/NĐ-CP ngày 25/6/2013 của Chính phủ và Thông tư số 158/2013/TT-BTC ngày 13 tháng 11 năm 2013 của Bộ Tài chính.

b) Về tiền lương tháng thực hiện làm căn cứ trích lập các quỹ:

- Đối với trích quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi của doanh nghiệp: căn cứ quỹ tiền lương thực hiện của người lao động trong năm tài chính của doanh nghiệp được xác định theo quy định tại Nghị định số 50/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ về Quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm Chủ sở hữu, chia (:) cho 12 tháng.

- Đối với trích quỹ thưởng viên chức quản lý doanh nghiệp: căn cứ quỹ tiền lương, thù lao thực hiện của viên chức quản lý (chuyên trách và không chuyên trách) được xác định theo quy định của Nghị định số 51/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ về chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó Tổng giám đốc hoặc Phó giám đốc, kế toán trưởng công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm Chủ sở hữu, chia (:) cho 12 tháng.

2. Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định việc phân bổ quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi sau khi thống nhất ý kiến với Ban chấp hành công đoàn doanh nghiệp.

3. Số lợi nhuận còn lại sau khi phân phối và trích lập các quỹ theo quy định, doanh nghiệp thực hiện nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 38 của Nghị định số 71/2013/NĐ-CP.

Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty có trách nhiệm chỉ đạo Tổng giám đốc hoặc Giám đốc phải hoàn thành việc nộp lợi nhuận về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp chậm nhất trước ngày 30/6 năm sau năm báo cáo. Trường hợp doanh nghiệp chậm nộp (nộp sau ngày 30/6) hoặc không chấp hành nộp thì ngoài việc đánh giá mức độ không hoàn thành nhiệm vụ của viên chức quản lý doanh nghiệp, doanh nghiệp phải chịu nộp lãi phạt chậm nộp, áp dụng biện pháp cưỡng chế theo Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 21/2012/QĐ-TTg ngày 10/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Riêng lợi nhuận còn lại của năm 2013 và 2014 sau khi trích lập các quỹ theo quy định của Nghị định số 71/2013/NĐ-CP và hướng dẫn tại thông tư này, doanh nghiệp thực hiện nộp theo quy định tại Nghị định số 204/2013/NĐ-CP ngày 05/12/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết của Quốc hội về một số giải pháp thực hiện ngân sách nhà nước năm 2013, 2014 và hướng dẫn tại Thông tư số 187/2013/TT-BTC ngày 02/12/2013 của Bộ Tài chính.

4. Đối với doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh, doanh nghiệp được thành lập để thực hiện nhiệm vụ chủ yếu, thường xuyên ổn định sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích do nhà nước giao kế hoạch thì ngoài việc thực hiện phân phối lợi nhuận theo quy định của Thông tư này, doanh nghiệp được hưởng chế độ hỗ trợ 2 quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi theo quy định riêng của Chính phủ.

Điều 19. Sử dụng các quỹ

1. Việc sử dụng quỹ đầu tư phát triển, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ thưởng viên chức quản lý doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7 Điều 39 của Nghị định số 71/2013/NĐ-CP và theo hướng dẫn sau:

a) Quỹ đầu tư phát triển được dùng để bổ sung vốn điều lệ của doanh nghiệp. Trường hợp các doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu lớn hơn so với vốn điều lệ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Bộ Tài chính có phương án báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chuyển quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo quy định tại khoản 4 Điều 38 của Nghị định số 71/2013/NĐ-CP.

- Việc điều chuyển quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp chỉ được xác định sau khi doanh nghiệp đã sử dụng quỹ để bổ sung đủ mức vốn điều lệ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt tính đến thời điểm 31/12 của năm báo cáo tài chính.

- Trong thời gian 05 ngày kể từ ngày có quyết định điều chuyển của Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp có trách nhiệm nộp tiền về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp đồng thời hạch toán giảm quỹ đầu tư phát triển tương ứng với số tiền đã nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp chậm nộp, không chấp hành nộp thì ngoài việc đánh giá mức độ không hoàn thành nhiệm vụ của viên chức quản lý doanh nghiệp, doanh nghiệp phải chịu nộp lãi phạt chậm nộp, doanh nghiệp sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 21/2012/QĐ-TTg ngày 10/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Đối với việc sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ thưởng viên chức quản lý doanh nghiệp, doanh nghiệp phải xây dựng quy chế quản lý sử dụng các quỹ theo quy định của pháp luật, đảm bảo dân chủ, minh bạch có sự tham gia của Ban chấp hành công đoàn doanh nghiệp và công khai trong doanh nghiệp trước khi thực hiện.

- Quỹ khen thưởng của doanh nghiệp dùng để chi thưởng theo nội dung và đúng đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 39 của Nghị định số 71/2013/NĐ-CP. Trong đó:

+ Đối tượng được chi quỹ khen thưởng là toàn bộ người lao động của doanh nghiệp bao gồm Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó Tổng giám đốc hoặc Phó giám đốc, Kế toán trưởng làm việc theo hợp đồng lao động.

+ Quỹ khen thưởng của doanh nghiệp không dùng để chi thưởng cho đối tượng là viên chức quản lý doanh nghiệp.

- Quỹ phúc lợi được sử dụng để chi cho các nội dung phúc lợi và đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 39 của Nghị định số 71/2013/NĐ-CP bao gồm cả các đối tượng là viên chức quản lý doanh nghiệp.

- Quỹ thưởng viên chức quản lý doanh nghiệp:

+ Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty căn cứ Quỹ thưởng viên chức quản lý doanh nghiệp đã được trích lập, xác định số tiền quỹ phải nộp cho Chủ sở hữu và Bộ Tài chính (trường hợp doanh nghiệp có kiểm soát viên do Bộ Tài chính bổ nhiệm) chi thưởng cho Kiểm soát viên (chuyên trách và không chuyên trách) theo quy định.

+ Số tiền trích quỹ thưởng viên chức quản lý doanh nghiệp (sau khi đã trừ số tiền thưởng của kiểm soát viên theo quy định nêu trên), được sử dụng để chi thưởng cho các đối tượng là viên chức quản lý khác của doanh nghiệp.

+ Việc chi thưởng từ quỹ cho viên chức quản lý doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại Nghị định số 51/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ và Thông tư số 19/2013/TT-BLĐTBXH ngày 09/9/2013 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

2. Xử lý số dư quỹ dự phòng tài chính và lợi nhuận được chia theo vốn chủ sở hữu:

Khi lập báo cáo tài chính năm 2013, toàn bộ số dư của nguồn quỹ dự phòng tài chính đến thời điểm 31/12/2013 và số dư nguồn lợi nhuận được chia theo vốn chủ sở hữu đến thời điểm 31/12/2012 (nếu có), doanh nghiệp được kết chuyển vào quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp để sử dụng bổ sung vốn điều lệ còn thiếu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

MỤC 4. KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH, CHẾ ĐỘ KẾ TOÁN, THỐNG KÊ, KIỂM TOÁN VÀ BÁO CÁO

Điều 20. Kế hoạch tài chính

Doanh nghiệp xây dựng kế hoạch tài chính dài hạn và hằng năm theo quy định tại Điều 40 của Nghị định số 71/2013/NĐ-CP. Chỉ tiêu và mẫu biểu lập kế hoạch tài chính hằng năm thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

1. Đối với doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và doanh nghiệp do Bộ quản lý ngành quyết định thành lập:

a) Căn cứ vào kế hoạch sản xuất kinh doanh đã được Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty phê duyệt, doanh nghiệp thực hiện đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của năm báo cáo và lập kế hoạch tài chính năm tiếp theo gửi Bộ quản lý ngành và Bộ Tài chính trước ngày 31/7 hàng năm.

b) Bộ quản lý ngành chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính rà soát lại kế hoạch tài chính do doanh nghiệp lập và có ý kiến chính thức bằng văn bản để doanh nghiệp hoàn chỉnh lại kế hoạch tài chính. Kế hoạch tài chính sau khi hoàn chỉnh được Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định là cơ sở để Bộ quản lý ngành và Bộ Tài chính thực hiện giám sát, đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

2. Đối với doanh nghiệp do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập:

a) Căn cứ vào kế hoạch sản xuất kinh doanh đã được Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty phê duyệt, doanh nghiệp thực hiện đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của năm báo cáo và lập kế hoạch tài chính năm tiếp theo gửi Sở Tài chính tỉnh trước ngày 31/7 hàng năm.

b) Sở Tài chính tỉnh rà soát lại kế hoạch tài chính do doanh nghiệp lập và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có ý kiến chính thức bằng văn bản để doanh nghiệp hoàn chỉnh lại kế hoạch tài chính. Kế hoạch tài chính sau khi hoàn chỉnh được Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định là cơ sở để Sở Tài chính tỉnh giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện giám sát, đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Điều 21. Chế độ kế toán, thống kê, kiểm toán

Các doanh nghiệp phải tổ chức thực hiện chế độ kế toán, thống kê theo quy định của pháp luật, ghi chép đầy đủ chứng từ ban đầu, cập nhật sổ sách kế toán, phản ánh đầy đủ, kịp thời, trung thực, chính xác, khách quan các hoạt động tài chính; thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm theo quy định của pháp luật.

Điều 22. Báo cáo tài chính và báo cáo khác

Doanh nghiệp thực hiện báo cáo tài chính và báo cáo khác theo quy định tại Điều 41 của Nghị định số 71/2013/NĐ-CP. Trong đó:

1. Kết thúc năm tài chính, doanh nghiệp phải lập và gửi đúng thời hạn các báo cáo tài chính, báo cáo giám sát, báo cáo thống kê cho các cơ quan theo quy định hiện hành. Thực hiện công khai tài chính theo quy định.

2. Báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp được lập theo biểu mẫu quy định tại Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có) và bổ sung Biểu mẫu số 02b-DN “Báo cáo tình hình thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước năm …” theo phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Ngoài việc lập và gửi báo cáo tài chính năm, khi hoàn thành báo cáo giám sát và đánh giá, xếp loại doanh nghiệp ban hành kèm theo Thông tư số 158/2013/TT-BTC ngày 13 tháng 11 năm 2013 của Bộ Tài chính, doanh nghiệp phải gửi Chủ sở hữu và Bộ Tài chính (đối với doanh nghiệp trung ương), Sở Tài chính (đối với doanh nghiệp địa phương).

4. Ngoài các báo cáo tài chính định kỳ theo quy định nêu trên, doanh nghiệp còn phải thực hiện lập và gửi các báo cáo đột xuất khi có yêu cầu của Chủ sở hữu và cơ quan quản lý nhà nước. Đối với các doanh nghiệp có khoản vay trong nước và vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh gửi các báo cáo theo các quy định hiện hành của pháp luật về quản lý nợ được Chính phủ bảo lãnh.

Chương 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 23. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2014 và áp dụng cho năm tài chính từ năm 2013 trở đi.

2. Thông tư này thay thế Thông tư số 117/2010/TT-BTC ngày 5/8/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm Chủ sở hữu và Thông tư số 138/2010/TT-BTC ngày 17/9/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ phân phối lợi nhuận đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Các nội dung hướng dẫn về đầu tư vốn, quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Bộ Tài chính và các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị ban hành không phù hợp với quy định của Nghị định số 71/2013/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này đều bãi bỏ.

3. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Tổng Bí thư; Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng TW Đảng và các Ban của Đảng;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cơ quan TW các đoàn thể;
- Công báo;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Sở Tài chính, Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các Tập đoàn kinh tế; Tổng công ty nhà nước;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ Tài chính;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, Cục TCDN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Văn Hiếu

 

PHỤ LỤC 01

(Ban hành kèm theo Thông tư số 220/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính)

Mẫu số 02B-DN

Đơn vị chủ sở hữu:

Công ty …………..

BÁO CÁO TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHĨA VỤ VỚI NGÂN SÁCH NĂM....

Đơn vị tính: đồng

SỐ TT

CHỈ TIÊU

Mã số

Số còn phải nộp năm trước chuyển qua

Số phát sinh phải nộp trong năm

Số đã nộp trong năm

Số còn phải nộp chuyển qua năm sau

A

B

C

1

2

3

4=(1+2-3)

I

Thuế

10

 

 

 

 

1

Thuế GTGT hàng bán nội địa

11

 

 

 

 

2

Thuế GTGT hàng nhập khẩu

12

 

 

 

 

3

Thuế Tiêu thụ đặc biệt

13

 

 

 

 

4

Thuế Xuất, nhập khẩu

14

 

 

 

 

5

Thuế Thu nhập doanh nghiệp

15

 

 

 

 

6

Thuế Tài nguyên

16

 

 

 

 

7

Thuế Nhà đất

17

 

 

 

 

8

Tiền thuê đất

18

 

 

 

 

9

Các khoản thuế khác

19

 

 

 

 

 

Thuế môn bài

 

 

 

 

 

 

Thuế thu nhập cá nhân

 

 

 

 

 

 

Các loại thuế khác

 

 

 

 

 

II

Các khoản phải nộp khác

30

 

 

 

 

1

Các khoản phụ thu

31

 

 

 

 

2

Các khoản phí, lệ phí

32

 

 

 

 

3

Các khoản khác

33

 

 

 

 

4

Thu điều tiết

 

 

 

 

 

5

Các khoản nộp phạt

 

 

 

 

 

6

Nộp khác

 

 

 

 

 

 

TỔNG CỘNG (40=10+30)

40

 

 

 

 

 


NGƯỜI ĐẠI DIỆN
(Ký, họ tên)


KẾ TOÁN TRƯỞNG
(Ký, họ tên)

…, ngày …. tháng …. năm …
GIÁM ĐỐC
(Ký, họ tên, đóng dấu)

 

PHỤ LỤC 02

(Ban hành kèm theo Thông tư số 220/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính)

BÁO CÁO MỘT SỐ CHỈ TIÊU TÀI CHÍNH QUÝ ... NĂM 200....

(áp dụng cho người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp khác)

1. Tên doanh nghiệp:

2. Giấy đăng ký kinh doanh số ngày tháng năm

3. Ngành nghề kinh doanh:

4. Địa chỉ, điện thoại, FAX:

5. Vốn điều lệ:

Trong đó: Vốn Nhà nước:

Đơn vị tính: đồng

Chỉ tiêu

Mã số

Số đầu năm

Số cuối kỳ

I. Tài sản ngắn hạn

100-BCĐKT

 

 

1. Tiền và các khoản tương đương tiền

110-BCĐKT

 

 

2. Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn

120-BCĐKT

 

 

3. Các khoản phải thu

130-BCĐKT

 

 

Trong đó: Nợ phải thu khó đòi

 

 

 

4. Hàng tồn kho

140-BCĐKT

 

 

5. Tài sản ngắn hạn khác

150-BCĐKT

 

 

II. Tài sản dài hạn

200-BCĐKT

 

 

1. Các khoản phải thu dài hạn

210-BCĐKT

 

 

2. Tài sản cố định

220-BCĐKT

 

 

- Tài sản cố định hữu hình

221-BCĐKT

 

 

- Tài sản cố định thuê tài chính

224-BCĐKT

 

 

- Tài sản cố định vô hình

227-BCĐKT

 

 

- Chi phí xây dựng cơ bản dở dang

230-BCĐKT

 

 

3. Bất động sản đầu tư

240-BCĐKT

 

 

4. Các khoản đầu tư tài chính dài hạn

250-BCĐKT

 

 

5. Tài sản dài hạn khác

260-BCĐKT

 

 

III. Nợ phải trả

300-BCĐKT

 

 

1. Nợ ngắn hạn

310-BCĐKT

 

 

Trong đó: Nợ quá hạn

 

 

 

2. Nợ dài hạn

330-BCĐKT

 

 

IV. Nguồn vốn chủ sở hữu

400-BCĐKT

 

 

1. Vốn của chủ sở hữu

410-BCĐKT

 

 

Trong đó: vốn đầu tư của chủ sở hữu

411-BCĐKT

 

 

2. Nguồn kinh phí và quỹ khác

430-BCĐKT

 

 

Trong đó: Quỹ khen thưởng, phúc lợi

431-BCĐKT

 

 

V. Kết quả kinh doanh

 

 

 

1. Tổng doanh thu

 

 

 

- Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ

10-BCKQKD

 

 

- Doanh thu hoạt động tài chính

21-BCKQKD

 

 

- Thu nhập khác

31-BCKQKD

 

 

2. Tổng chi phí

 

 

 

3. Tổng lợi nhuận trước thuế

50-BCKQKD

 

 

4. Lợi nhuận sau thuế thu nhập DN

60-BCKQKD

 

 

VI. Các chỉ tiêu khác

 

 

 

1. Tổng số phát sinh phải nộp NS

 

 

 

Trong đó: các loại thuế

 

 

 

2. Lợi nhuận trước thuế/Vốn chủ sở hữu (%)

 

 

 

3. Tổng nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu (%)

 

 

 

4. Tổng quỹ lương

 

 

 

5. Số lao động b/q (người)

 

 

 

6. Tiền lương bình quân người/năm

 

 

 

7. Thu nhập bình quân người/năm

 

 

 

Phần phân tích đánh giá và kiến nghị:

- ______________________________

- ______________________________

- ______________________________

 

 

NGƯỜI ĐẠI DIỆN
(ký, ghi rõ họ tên)
(áp dụng cho người đại diện báo cáo)

 

THE MINISTRY OF FINANCE
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------

No. 220/2013/TT-BTC

Hanoi, December 31, 2013

 

CIRCULAR

GUIDING IMPLEMENTATION OF A NUMBER OF ARTICLES OF THE GOVERNMENT’S DECREE NO.71/2013/ND-CP DATED JULY 11, 2013, ON STATE CAPITAL INVESTMENT IN ENTERPRISES AND FINANCIAL MANAGEMENT OVER ENTERPRISES THAT STATE HOLDS 100% OF CHARTER CAPITAL

Pursuant to the Government’s Decree No. 118/2008/ND-CP dated November 27, 2008, defining the functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Finance;

Pursuant to the Government’s Decree No. 71/2013/ND-CP dated July 11, 2013, on state capital investment in enterprises and financial management over enterprises that state holds 100% of charter capital;

At the proposal of Director of the enterprise finance Department;

The Minister of Finance promulgates Circular guiding implementation of a number of articles of the Government’s Decree No. 71/2013/ND-CP dated July 11, 2013, on state capital investment in enterprises and financial management over enterprises that state holds 100% of charter capital;

Part 1.

GENERAL PROVISIONS

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

This Circular guides a number of articles involving capital investment, management over state capital invested in enterprises and financial management over enterprises that state holds 100% of charter capital in accordance with the Government’s Decree No. 71/2013/ND-CP dated July 11, 2013 (hereinafter abbreviated to Decree No. 71/2013/ND-CP).

Article 2. Subjects of application

1. This Circular applies to subjects defined in article 2 of Decree No. 71/2013/ND-CP.

2. Enterprises that State holds 100% of charter capital operating in special sectors with specific regulations on finance shall comply with specific regulations promulgated by competent agencies and implement under other relevant contents specified in Decree No. 71/2013/ND-CP and guides in this Circular.

3. Enterprises that state holds 100% of charter capital shall, base on provisions of Law on enterprises, Decree No. 71/2013/ND-CP and guide in this Circular, promulgate regulations on capital investment and financial management over subsidiary companies that enterprises hold 100% of charter capital.

Article 3. Interpretation of terms

Apart from terms construed as Article 3 of Decree No. 71/2013/ND-CP, in this Circular, the following terms are construed as follows:

1. “The raised capital of enterprise” means capital that enterprise borrows from credit institutions, other financial organizations, domestic and foreign individuals; issues bonds; receives contribution capital and other forms of raising capital as prescribed by law in serve of production and business.

2. “Assets of enterprise” include tangible assets and intangible assets under management and use of enterprise which are formed from the invested state capital, raised capital and other capital sources at enterprises and reflected on accounting balance sheet of enterprise at a defined time (excluding assets that enterprise hires for operation, borrows, keeps, receives for subcontract, sale as agent, receives consignment).

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Having shares, contribution capitals of which owners are Ministries, Ministerial agencies, Governmental agencies (hereinafter referred to as Ministries managing sector), or People’s Committees of provinces and central-affiliated cities (hereinafter referred to as the provincial People’s Committees).

- Having shares, contribution capital of One-member limited liability companies which state owns 100% of charter capital.

Part 2.

SPECIFIC PROVISIONS

Chapter 1.

CAPITAL INVESTMENT AND MANAGEMENT OF STATE CAPITAL INVESTED IN ENTERPRISES

SECTION 1. CAPITAL INVESTMENT IN ENTERPRISES

Article 4. State capital investment in enterprises

The state capital investment in enterprises shall comply with section 1, chapter II of Decree No. 71/2013/ND-CP and guides as follows:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Investors and enterprises shall perform payment of state capital for investment during the course of implementation of investment projects and finalization of state capital for investment after finishing projects in accordance with current regulations of state on managing payment and finalization of investment capitals financed from state budget capital sources.

3. The state capital investment for maintaining or increasing rate of state capital invested in other enterprises must be approved by competent authorities, ensure procedures in accordance with Law on enterprises, law on investment, law on securities and the guiding documents of competent agencies.

4. The state capital investment to re-purchase part of capital or entire capital of enterprises in other economic sectors must comply with plans elaborated by Ministries managing sector or the provincial People’s Committee with appraisal opinions of the Ministry of Finance, the Ministry of Planning and Investment and approved by the Prime Minister.

SECTION 2. MANAGEMENT OF STATE CAPITALS INVESTED IN OTHER ENTERPRISES OF WHICH CAPITALS ARE OWNED BY THE MINISTRIES MANAGING SECTORS, THE PROVINCIAL PEOPLE'S COMMITTEES

Article 5. To perform rights and duties of owners for state capitals invested in other enterprises

Ministries managing sectors, the provincial People’s Committees shall perform rights and duties of owners for state capitals invested in other enterprises through representatives as prescribed in Article 8 of Decree No. 71/2013/ND-CP. In which:

1. To elaborate regulations to inspect, supervise activities of the representatives aiming to timely detect and handle shortcomings, weakness of representatives in performing powers and duties of owners as prescribed by law as basis for assessing the extent of finishing tasks of representative as assigned by owner in managing state capital in other enterprises.

2. To request the representative to quarterly, annually or irregularly sum up, assess production and business, financial situation and propose measures to handle, remove difficulties aiming to increase efficiency of state capitals invested in other enterprises according to Annex No. 02 promulgated together with this Circular, report to capital owner and send to the Ministry of Finance (the enterprise finance department). Time limit for submission of reports by representatives shall comply with provisions on current time limit for submission of enterprises financial statements.

3. To manage implementation of right to purchase shares which are additionally issued, convertible bonds of representative and take responsibilities when the representatives violate implementation of right to buy shares which are additionally issued, convertible bonds specified at Clause 2 Article 6 of this Circular.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The representatives shall perform powers and responsibilities in managing state capital invested in other enterprises as prescribed at Clause 1, Clause 4 Article 9 and Clause 2 Article 10 of Decree No. 71/2013/ND-CP and the regulation on operation of representatives promulgated by the Ministry of Finance.

2. The representatives are entitled to buy shares which are additionally issued, convertible bonds under decisions of joint-stock companies specified at item c Clause 2 Article 9 of Decree No. 71/2013/ND-CP.

If a representative is appointed to act as representative at many joint-stock companies, he is only entitled to select for buying shares additionally issued, convertible bonds at one joint-stock company where he is appointed to act as representative. He shall report to owner for decision on implementation of his right to purchase shares as mentioned above; his right to buy shares which are additionally issued, convertible bonds at the remaining joint-stock companies which owners of state capital have right to buy at other enterprises (except for case where representatives are entitled to buy under right of existing shareholders).

Article 7. Increase and decrease of state capitals invested in other enterprises of which owners are the ministries managing sectors, the provincial people's committees

1. When other enterprises have plan on increasing charter capital, the representative must elaborate plan on adding state capital invested in other enterprises and report to owner for decision as prescribed in Article 7 of Decree No. 71/2013/ND-CP. Plan on adding capital includes contents:

a) Legal basis for increasing capital of other enterprises.

b) Financial status, result of production and business of other enterprises in 03 years before performing plan on increasing capital.

c) Strategy, plan on production and business, plan on development investment and use of the increased capital source of enterprise.

d) Assessment on economic benefits attained and influences of increasing the investment capital of State in other enterprises.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Case of plan on adding capital to invest in other enterprises from fund for supporting the enterprise arrangement and development, ministries managing sectors, the provincial People’s Committees shall make dossier and send to the Ministry of Finance for appraisal and submission to the Prime Minister for consideration and decision.

3. For other enterprises not operating in sectors, fields that State needs further invest more capital according to criteria, list of state enterprise classification as promulgated by the Prime Minister, Ministries managing sectors, the provincial People’s Committees shall consider and decide on transfer of right to buy shares that are issued additionally, convertible bonds to other organizations and individuals.

The principle in transferring right to buy shares, convertible bonds shall comply with method of open auction. The determination of reserve price shall be performed through an organization with price appraisal function as prescribed by law on price appraisal. In case where duration for shareholders to perform right to buy shares, convertible bonds under the issue plan of joint-stock company is short, not enough for organization of auction and transfer, owner may consider and decide on transfer price under regulations and ensure efficiency.

Persons competent to decide on transfer of right to buy shares, convertible bonds are not entitled to decide on transfer to enterprises of which managers are their spouses, father, adoptive father, mother, adoptive mother, children, adoptive children, brothers and sisters and not entitled to decide on transfer to all individuals with relation as above.

4. Amounts received from transfer of right to buy shares, convertible bonds at other enterprises after deducting costs related to transfer of right to buy shares, finishing tax liabilities as prescribed by law, the rest will be remitted to fund of support for enterprise arrangement and development.

5. The ministries managing sectors, the provincial people's committees which are owners shall implement reduction of a part of capital or recovery of entire state capital invested in other enterprises according to the method of transfer specified in Article 8 of this Circular.

SECTION 3. TRANSFER OF STATE CAPITAL INVESTED IN ENTERPRISES

Article 8. Method to transfer state capital invested in enterprises

Method to transfer the state capital invested in enterprises shall comply with Article 14 of Decree No. 71/2013/ND-CP and guides as follows:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Transfer of state capital at One-member limited liability companies to become limited liability companies with two or more members:

a) The transfer of a part of state capital at One-member limited liability companies that state holds 100% of charter capital according to plan on enterprise arrangement and renovation already approved by the Prime Minister.

b) Transfer of capital under form of open auction or direct agreement:

- The open auction when transferring capital valued from 10 billion VND or more shall be performed at the Stock Exchange (SE). In case of transfer of capital valued less than 10 billion VND, enterprises may hire a financial organization as auction agent, or self-organize auction at enterprises, or perform auction at the Stock Exchange (SE).

- Sale by direct agreement between capital owner (or function agencies which are authorized by owners, assigned tasks in writing) with investor in case there is only one investor registering for purchase or cases already allowed by the Prime Minister for sale by direct agreement.

When transferring capital under direct agreement form, persons competent to decide on transfer of capital transfer are not entitled to decide on transfer to enterprises of which managers are their spouses, father, adoptive father, mother, adoptive mother, children, adoptive children, brothers and sisters and not entitled to decide on transfer to all individuals with relation as above.

- The determination of reserve price for state capital before organizing open auction or agreement which is performed through an organization with price appraisal function as prescribed by law on price appraisal must ensure the principle in which the actual values of state capital at enterprise are determined fully including values created by the land use right values and values of intellectual property right (if any) of enterprise as prescribed by law, at time of capital transfer.

3. Transfer of state capital invested in Limited Liability Companies with two or more members or at Joint-stock companies:

a) Ministries managing sectors, the provincial People’s Committee shall, base on investment portfolio at enterprises not in sectors, fields state holds capital, direct the representative to make plan on capital transfer to report to the owner for deciding on capital transfer plan after having opinions of the Ministry of Finance, the Ministry of Planning and Investment as prescribed in Article 15 of Decree No. 71/2013/ND-CP.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Legal grounds, purpose of capital transfer.

- Assessment on benefits attained and influences of transferring the State capital invested in other enterprises.

- Form of capital transfer.

c) Transfer of state capital invested in Limited Liability Companies with two or more members:

- If owner of state capital requests a Limited Liability Company with two or more members to re-buy its contributed capital, the determination of transfer price shall comply with Article 43 of the 2005 Law on enterprises.

- If owner of state capital transfers its capital to other member or transfer to organizations and individuals not being members in company, it must comply with Article 44 of the 2005 Law on enterprises, in which:

+ Case of transfer to other members in company, the owner of state capital must agree transfer price with other members. The determination of sale price shall be agreed on the basis of price appraisal result made by an organization with price appraisal function as prescribed in Clause 2 of this Article.

+ Case of transfer to organizations and individuals not being members in company, the open auction or direct agreement as prescribed at Clause 2 this Article 44 shall be applied.

d) Transfer of state capital in joint-stock companies:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- For joint-stock companies not yet been listed or registered for transaction on Ucom floor, the capital transfer shall comply with clause 2 this article.

Chapter 2.

FINANCIAL MANAGEMENT OF ENTERPRISES WHICH STATE HOLDS 100% OF CHARTER CAPITAL

SECTION 1. CAPITAL MANAGEMENT OF ENTERPRISES

Article 9. Determination of charter capital level

The determination of charter capital level and investment in charter capital for enterprises shall comply with Article 18 of Decree No. 71/2013/ND-CP, specified:

1. For enterprises have just been established:

a) Dossier to determine charter capital:

- Investment projects, scheme on enterprise establishment approved by competent authorities;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Method to define charter capital:

- New enterprises established on the basis of projects on investment in works construction already been finished and put into operation, the charter capital level of enterprises shall not exceed 30% over total capital for investment in works construction already been approved by competent authorities.

If an investment project has investment capital of state more than the rate of 30% over total investment capital forming assets of enterprises, the charter capital level shall be determined equal to the capital invested by state.

- For newly-established enterprises not associating to project on investment in works construction, base on scale, tasks, business trades determined in scheme on establishment to decide on the initial charter capital level ensuring for enterprise to operate normally.

- Newly-established enterprises with trades in fields required to have legal capital as prescribed by law, and trades in fields not required to have legal capital, the charter capital of enterprise shall be determined not less than the legal capital under business trades of enterprise.

2. For enterprises which are operating:

a) The principles to adjust increase of charter capital level:

- Determination of demand and adjustment of charter capital of enterprises which are operating must base on objectives, tasks, strategies of development and expansion of scale, trades in production and business of enterprises under plans, planning already been approved by competent authorities.

- The adjustment to increase charter capital of enterprise must base on capital demand to perform investment, asset procurement projects in serve of the main production and business activities of enterprise; capital demand for production of products, trading in goods, services; capital demand for investment outside enterprise under plan already been approved by competent authorities.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- If passing 03 years, enterprise still has not enough sources to add sufficient charter capital as approved, the owner shall base on situation of enterprise to re-adjust objectives, tasks and strategies of development under the plan assigned to enterprise or in necessary case, to perform task of production and business already been approved, the owner shall allocate additionally lack of charter capital to enterprise as prescribed at Clause 4 Article 19 of Decree No. 71/2013/ND-CP.

b) Method to define adjustment to increase charter capital: Enterprises may determine under the following general formula:

Vdl re-adjusting

=

Vdl approved

+

30% of total capital demand for investment, procurement to form assets in serve of main business activities of enterprise

+

Vsxsp-kdhhdv

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Vdl approved means the charter capital already been approved by competent authorities before adjustment.

- Total capital demand for investment, procurement to form assets in serve of main business activities of enterprise includes:

+ Total investments of investment projects approved by competent authorities in list of 5-year development investment plan or in planning on sector development already been approved by competent authorities. For projects with implementation duration of more than 03 years, the investment level as the basis for re-determining the charter capital of enterprise shall only be calculated under capital demand to perform project in duration of adjusting charter capital in 03 years (not calculated under the investment level of entire project).

+ Case where investment project has been finished but not yet been included in determination of charter capital of previous adjustment, it may be included in determination to adjust charter capital at this time.

+ Projects, construction works invested by mixture capital source in which include capital invested from state budget, base on capital level invested from state budget for project to record the increase of charter capital of enterprise.

+ Case of project on investment in works construction (of which investor is other agency or unit) handed over for enterprise to manage, exploit, use, entire invested state capital of project under finalization of project on investment in works construction already been approved by competent authorities shall be included in the increase of the adjusted charter capital.

+ In case where an investment project which is performing and is temporarily stopped under decision of competent authorities or is adjusted scale, enterprise must base on demand of project investment capital under decision on adjustment of competent authorities to determine (re-adjust) the charter capital level of enterprise.

+ In case where enterprise has plans to invest outside enterprise already been approved, base on rate of capital contribution of enterprise at subsidiary companies, associate companies to calculate total investment capital of projects when determining the charter capital of enterprise.

- Vsxsp-kdhhdv means capital demand for production of products, trading in goods and services of enterprise.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Vsxsp-hhkd = 30% x

The increase difference between total capital demand for production of products, trading in goods and services till the third year from the year of re-determining the charter capital level in comparison with capital demand for production of products, trading in goods and services implemented in previous year of year the charter capital level is re-determined.

The increase difference between total capital demand for production of products, trading in goods and services till the third year from the year of re-determining the charter capital level in comparison with capital demand for production of products, trading in goods and services implemented in previous year of year the charter capital level is re-determined shall be calculated by basing on the implementation turnover of production and business activities in the audited financial statements of enterprises in previous year of year charter capital level is re-determined and the annual average turnover growth rate under the 5-year production and business plan already approved by competent authorities calculated till the third year from the year of re-determining the charter capital level.

Example:

+ In 2014, enterprise request for determination and adjustment to increase charter capital; in 2013 (the previous year of year the charter capital is re-determined) the implemented turnover of production and business recorded in financial statements of enterprise is 1000 billion VND.

+ According to the 5-year plan on production and business of enterprise already been approved, the annual average turnover growth rate of the 5-year plan is 5%/year.

+ In 2016 (the third year since the charter capital is re-determined and in duration of the approved 5-year production and business plan).

+ The increase difference of capital demand for production of products, trading in goods and services for each year till the third year (2016) since the charter capital is determined shall be determined as follows:

In 2014, 1000 billion VND x 5% = 50 billion VND.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

In 2016, (1000 billion VND + 50 billion VND + 52.5 billion VND) x 5% = 55.12 billion VND.

+ The increase difference between total capital dement for production of products, trading in goods and services till the third year (2016) in comparison with the previous year of year the charter capital is re-determined (2013) as the basis for adjustment to increase charter capital of enterprise shall be: 157.62 billion VND (50 billion VND + 52.5 billion VND + 55.12 billion VND).

+ The increased charter capital for production of products, trading in goods and services of enterprise calculated for 3 years from 2014 thru 2016 shall be: Vsxsp-kdhhdv = 30% x 157.62 billion VND = 47.2 billion VND.

c) Dossier and order of approval:

Dossier includes:

- Decision on approving the charter capital level of competent authorities before adjusting to increase the charter capital of enterprise.

- Plan on adjusting the charter capital of enterprise, including:

+ A written explanation on method to determine the adjusted charter capital level and the enclosed concerning documents to prove (such as decision on approving the 5-year plan; decisions concerning approval of projects on construction investment or decisions concerning the temporary stop of investment project, decision on adjusting objectives, tasks of plan on production and business, tasks as assigned by state…)

+ Explanations on capital sources to add charter capital (as prescribed at Clause 4 Article 18 of Decree No. 71/2013/ND-CP).

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Order of approval:

- For enterprises which are established under decisions of the Prime Minister, make a dossier under regulations and send it to Ministry managing sector, within 15 days after receiving dossier of enterprises, the Ministry managing sector shall check dossier to ensure it made under regulations and send a written request (enclosed with dossier of enterprise) to the Ministry of Planning and Investment for giving out opinions and the Ministry of Finance for appraisal. Within 15 days, after receiving a written request of the Ministry managing sector and dossier of enterprise, the Ministry of Planning and Investment and the Ministry of Finance shall reply in writing and send to the Ministry managing sector to finish dossier and report to the Prime Minister for decision on adjusting the charter capital level of enterprise.

- For enterprises which are established under decisions of the Ministries managing sector, make a dossier under regulations and send it to Ministry managing sector, within 15 days after receiving dossier of enterprise, the Ministry managing sector shall check dossier to ensure it made under regulations and send a written request (enclosed with dossier of enterprise) to the Ministry of Finance for agreement opinion. Within 15 days, after receiving the written request of the Ministry managing sector and dossier of enterprise, the Ministry of Finance shall send a written agreement on charter capital level and source for adding charter capital of enterprise to the Ministry managing sector to decide on adjusting the charter capital level of enterprise under its competence.

- For enterprises established under decisions of the provincial People's Committees, make dossier under regulations and send it to the provincial People's Committee. Within 15 days, after receiving dossier of enterprise, the provincial People’s Committee shall check dossier to ensure it made under regulations, appraise data and decide on adjusting the charter capital level of enterprise under its competence.

- During receipt and handling of dossiers of adjusting the charter capital level of enterprises, in case where a dossier of an enterprise fails to ensure to be made under regulations, within 15 days after receiving dossier, the Ministry managing sector (for enterprises managed by central level), the provincial People’s Committees (for enterprises managed by local level) and relevant agencies, shall have a written request for such enterprise to supplement and complete dossier in accordance with regulations, case of refusal for dossier of adjusting the charter capital of enterprise, competent authorities and relevant agencies must send a reply in writing (stating reason thereof) to enterprise.

Article 10. Raising capital of enterprises

1. Enterprises shall raise capital in accordance with Article 19 of Decree No. 71/2013/ND-CP.

2. Enterprises are entitled to guarantee for subsidiary companies which enterprises own 100% of charter capital or subsidiary companies which enterprises have dominant shares or contribution capital for borrowing loans at banks or credit institutions as prescribed by law. In which:

a) Subsidiary companies guaranteed by enterprises must have strong financial status, no overdue debts, the guarantee for borrowing loans to perform investment projects must base on efficiency appraisal of project; the guaranteed companies must make a commitment on ensuring solvency for the guaranteed loans.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Concurrently, total values of guaranteed loans for subsidiary companies does not exceed equity capital of enterprises and in limitation of payable debt coefficient over equity capital specified at Clause 3 Article 19 of Decree No. 71/2013/ND-CP.

c) The actual contribution capital of enterprise at a subsidiary company is determined as follows:

- For a subsidiary company which enterprise owns 100% of charter capital, the value of actual contribution capital of enterprise shall be determined by basing on equity capital (code 410) on the accounting balance sheet in financial statements of last quarter in comparison with time of guarantee of subsidiary company.

- For a subsidiary company which has dominant shares, contribution capital of enterprise, the value of actual contribution capital of enterprise shall be determined by basing on equity capital (code 410) on the accounting balance sheet in financial statements of last quarter in comparison with time of guarantee of subsidiary company multiplied (x) to rate of contribution capital of enterprise according to the charter capital of the guaranteed subsidiary company.

d) If an enterprise conducts guarantee in excess of level specified above or decide on guarantee resulting loss of its capital and assets, person competent to decide on guarantee shall be responsible as prescribed by law.

dd) Contracts of guarantee for borrowing loans of enterprises for subsidiary companies which are performed under the Circular No. 117/2010/TT-BTC dated August 05, 2010 of the Ministry of Finance shall be further performed until they are expired as signed.

3. Enterprises without operational function of credit institutions as prescribed by Law on credit institutions shall not be entitled to use their capital for providing loans to other enterprises, organizations and individuals. In special case, enterprises must report to owners to submit to the Prime Minister for decision.

Article 11. Operation of capital investment outside enterprises

1. Enterprises may conduct the outside investment in accordance with Articles 29, 30, 31, 32 and 33 of Decree No. 71/2013/ND-CP. In which:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) For investment outside enterprises, when receiving quantity of shares issued by joint-stock companies without payment in money (including quantity of shares received and being monitored by quantity in the description of periodical financial statements under regulations), enterprises must monitor and make entries in accounting books of enterprises, specified:

- For shares received where joint-stock companies divide dividend (dividing dividend by shares), enterprises must account to increase turnover of financial operation and increase value of investments outside enterprises proportional to the divided dividends.

- For the remaining shares received without payment (shares received not from dividend division), enterprises may base on quantity of received shares and face value of shares to record increase of turnover from financial operation and increase value of investments outside enterprises.

2. Enterprises transfer outside investment capital in accordance with Article 30 of Decree No. 71/2013/ND-CP and guides as follows:

a) Method to transfer capital invested outside enterprises:

- The transfer of capital invested outside enterprises at subsidiary companies being One-member limited liability companies which enterprises hold 100% of charter capital to transform into limited liability companies with two members or more shall be conducted under form of open auction or direct agreement as prescribed at Clause 2, Article 8 of this Circular.

- The transfer of capital invested outside enterprises at subsidiary companies being limited liability companies with 02 or more members shall comply with point c Clause 3, Article 8 of this Circular.

- The transfer of capital invested outside enterprises at joint-stock companies shall comply with point d Clause 3, Article 8 of this Circular. Especially the hire of an organization to conduct auction and determination of the sale price in case of agreement sale, enterprises shall comply with point c Clause 1 Article 30 of Decree No. 71/2013/ND-CP.

- According to Clause 2 Article 30 of Decree No. 71/2013/ND-CP, the transfer of capital invested outside enterprises must comply with principles of market price at time of sale. In which:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

+ If appropriation of provision is still less than difference between the value of investment recorded on accounting books and the tentative transfer value, Members' Council or president of company must report to owner for consideration, decision before transfer.

- For transfer of bonds which enterprises have invested to enjoy interest, the transfer shall comply with regulations upon issuing or the issue plan of the issuers. If an enterprise transfers bonds sooner than term, the transfer price must ensure the principle of recovering sufficient the invested values and having interest.

For transfer of bonds registered for deposit, list and transaction on securities market, enterprises shall comply with law on securities.

b) Accounting of revenues from transfer of outside investments:

Amounts collected from transfer of investments outside enterprises after deducting value of invested capital recorded on accounting books of enterprises, costs for transfer and implementation of tax liability under regulations, enterprises may account the rest in business result of enterprises.

Article 12. Preservation of capital at enterprises

Enterprises are responsible for preservation and development of equity capital at enterprises as prescribed in Article 34 of Decree No. 71/2013/ND-CP, specified:

1. Preservation of capital:

Base on criteria of interest, loss of enterprises under the quarter and annual financial statements to assess the extent of preservation of capital of enterprises

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

H =

equity capital of enterprise at time of report

equity capital of enterprise at end of previous term of report time

In which:

- equity capital of enterprises to determine the extent of preservation of capital includes the investment capital source of owner (code 411), fund for development investment (code 417), capital source of fundamental construction (code 421) on the accounting balance sheet according to the quarter or annual financial statements (Form No. B 01-DN promulgated together with Decision No. 15/2006/QD-BTC dated March 20, 2006, of Minister of Finance and the amended and supplemented documents, if any).

- When determining coefficient of preservation of capital under regulations mentioned above, enterprises must remove objective elements influencing to change of capital in the report term such as: State capital invested additionally in enterprises, state capital transferred from other places

Method to assess the extent of preservation of capital: If H coefficient – 1, enterprise preserved capital, if H coefficient > 1, enterprise developed capital.

b) In case where an enterprise suffers loss (fails to preserve capital), Members' Council or president of company must have a report to send it to owner and the Ministry of Finance about cause of loss, failing to preserve capital. Owner shall base on loss status of enterprise to decide on conducting financial supervision, or special financial supervision for enterprise under current regulations.

The settlement of loss of Enterprise shall comply with current law on enterprise income tax.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Enterprises conduct methods to preserve capital as prescribed at Clause 2 Article 34 of Decree No. 71/2013/ND-CP, in which the setting up of provisions including provision for inventory price reduction; provision for bad debts; provision for loss of long-term financial investments; provision for product, goods and construction and installation works warranty shall comply with Circular No. 228/2009/TT-BTC dated December 07, 2009 and Circular No. 89/2013/TT-BTC dated June 28, 2013 of the Ministry of Finance (hereinafter abbreviated to regulations on appropriation of provision of the Ministry of Finance). For outside investments, enterprises may conduct appropriation of provision under regulation on appropriation of loss provision for long-term financial investments at the Circular mentioned above.

SECTION 2. MANAGEMENT AND USE OF ENTERPRISES’ ASSETS

Article 13. Management and use of fixed assets

1. Enterprises shall invest, build, procure, manage, use and depreciate fixed assets during business operation as prescribed in articles 20, 21, 22, 23 of Decree No. 71/2013/ND-CP, Circular No. 45/2013/TT-BTC dated April 25, 2013 of the Ministry of Finance, guiding regulation on management, use and depreciation of fixed assets and the amending, supplementing or replacing Circulars (if any).

2. For typical business trades with specific regulations on investment, procurement, management and use of fixed assets under specialized sectors, apart from implementation of regulations mentioned above, regulations of specialized legal documents shall also be applied.

3. The liquidation and sale of fixed assets of enterprises shall comply with Clauses 2, 3 Article 23 of Decree No. 71/2013/ND-CP and guides as follows:

a) Assets subject to liquidation or sale:

Enterprises are entitled to take initiative to perform liquidation or sale of fixed assets which has broken, has obsolete technique, which enterprises has no use demand or fail to use in order to recover capital.

b) Order of and procedures for liquidation or sale of fixed assets:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Tasks of Council for liquidation or sale of enterprise’s fixed assets:

+ To determine actual technical conditions, the remaining value of assets subject to liquidation or sale.

+ To determine causes, responsibilities of relevant collectives and individuals in case where a fixed asset newly invested fails to bring economic efficiency, must sell but has no ability to recover sufficient investment capital, case where asset has not yet been depreciated but has broken and cannot be repaired, must conduct liquidation for sale so as to report to owners for handling under regulations.

+ To organize determination or hire an organization with price appraisal function to determine value may be recovered of assets subject to liquidation or sale.

+ To organize auction or hire an organization with function of auction of kinds of assets subject to liquidation or sale as prescribed by relevant law.

- Council for asset liquidation or sale shall terminate operation by itself after finishing liquidation or sale of enterprise’s fixed assets.

c) The accounting of turnover and costs involving liquidation and sale of fixed assets of enterprises shall comply with Clause 3 Article 35 and Clause 2 Article 36 of Decree No. 71/2013/ND-CP.

d) When an enterprise perform a project on construction investment approved by competent authorities, and it must dismantle or destroy the old fixed assets, the handling and accounting of old fixed assets upon being dismantled or destroyed of enterprises shall be implemented like case of liquidation or sale of fixed assets.

Article 14. Inventory management of enterprises

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Enterprises must elaborate regulation on managing goods, raw materials, materials, tools and instruments in stock, on transport; unfinished products during production, finished products not put into store, finished products in stock, finished products sent for sale. The regulation must define clearly the coordination of each division in enterprise and responsibilities of each division, each individual related to monitoring, management of assets of enterprises mentioned above.

2. For inventory subject to appropriation of provision, the set up and use of provision for price reduction of inventory shall comply with guide on appropriation of provision of the Ministry of Finance.

Article 15. Management of collectible debts

1. The management and handling of collectible debts of enterprises shall comply with clause 1 Article 25 of the Government’s Decree No. 71/2013/ND-CP and Decree No. 206/2013/ND-CP dated December 09, 2013, on managing debts of enterprises which state holds 100% of charter capital.

2. For collectible debts subject to appropriation of provision, the set up and return of provision of bad collectible debts shall comply with guide on appropriation of provision of the Ministry of Finance.

Article 16. Handling of exchange rate differences

The recording, assessment and handling of exchange rate differences in enterprises shall comply with Article 26 of Decree No. 71/2013/ND-CP, and Circular No. 179/2012/TT-BTC dated October 24, 2012 of the Ministry of Finance, on the recording, assessment, and settlement of the exchange differences in enterprises and the amending, supplementing or replacing Circulars (if any).

SECTION 3. MANAGEMENT OF TURNOVER, COSTS AND DISTRIBUTION OF PROFIT

Article 17. Management of turnover, other incomes and costs of enterprises

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Members' Council or president of company General Director, Director of enterprise shall be responsible before owner and before law, for managing strictly, ensuring the accuracy and legality of turnovers, other incomes and costs from production and business of enterprise.

2. All turnovers, other incomes and costs from production and business of enterprise that arise must have sufficient vouchers under law on accounting and be reflected sufficiently in accounting books of enterprise according to the current regulations on accounting in enterprises.

3. Turnover and other income shall be determined in Vietnam dong, cases of collection in foreign currency must be converted into Vietnam dong as prescribed by law.

4. Enterprises must calculate rightly, sufficiently costs for production and business, cover all costs with revenues of enterprises and take responsibilities for their results of business operation.

Article 18. Distribution of profit

Distribution of profit of enterprises shall comply with Article 38 of Decree No. 71/2013/ND-CP. In which:

1. Basis to set up the fund of commendation, fund of welfare, fund of reward for managers of enterprises shall be determined as follows:

a) Regarding classification of enterprises A, B, C as the basis for setting up of funds shall comply with guides of regulation on financial supervision and assessment on operation efficiency and disclosure of financial information for State-owned enterprises and enterprises with state capital promulgated together with Government’s Decree No. 61/2013/ND-CP dated June 25, 2013 and Circular No. 158/2013/TT-BTC dated November 13, 2013 of the Ministry of Finance.

b) Regarding the implementation monthly wage as the basis for setting up of funds:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- For set up of fund of reward for managers of enterprises: Base on the fund of the implementation wages and remunerations for managers (full time and part time) defined in Government’s Decree No. 51/2013/ND-CP dated 14/5/2013, on wages, remunerations, and bonuses of members of the member assembly, the company’s president, the controller, the general director or director, the deputy general director or deputy director, and the chief accountant of state-owned single member limited companies, divided (:) by 12 months.

2. President of Members' Council or president of company decides allocation of fund of commendation and fund of welfare after reaching unified opinion with the Executive Board of Trade Union of enterprise.

3. The remaining profit after distribution and setting up of funds under regulations, enterprises shall remit to fund of support for enterprise arrangement and development as prescribed at point dd, Clause 3, Article 38 of Decree No. 71/2013/ND-CP.

Members' Council or president of company shall direct General Director or Director to finish remittance of profit to the fund of support for enterprise arrangement and development before June 30 of next year of report year. If an enterprise delays remittance (remittance after 30/6) or fails to remit, apart from assessment on extent of failing to finish tasks of managers of such enterprise, such enterprise must pay interest of fine due to delay, be applied coercive measures under regulation on management and use of fund of support for enterprise arrangement and development promulgated together with Decision No. 21/2012/QD-TTg dated 10/5/2012 of the Prime Minister.

For the remaining profit of 2013 and 2014 after setting up funds according to Decree No. 71/2013/ND-CP and guide in this Circular, the enterprises shall remit them according to Government’s Decree No. 204/2013/ND-CP dated 05/12/2013, detailing and guiding implementation of National Assembly’s Resolution on some solutions to perform state budget in 2013, 2014 and guides in Circular No. 187/2013/TT-BTC dated 02/12/2013 of the Ministry of Finance.

4. For enterprises directly serving defense, security, enterprises established to perform essential and regular tasks of stabilizing production and providing public products and services as assigned by state under plan, apart from profit distribution as prescribed in this Circular, enterprises shall be enjoyed the support regime from fund of commendation and fund of welfare according to specific regulation of Government.

Article 19. Use of funds

1. Use of fund for development investment, fund of commendation, fund of welfare and fund of reward for managers of enterprises shall comply with Clauses 2, 3, 4, 5, 6, 7 Article 39 of Decree No. 71/2013/ND-CP and guides as follows:

a) Fund for development investment shall be used to add charter capital of enterprise. If enterprises have equity capital more than charter capital approved by competent authorities, the Ministry of Finance shall have plan to report to the Prime Minister for moving fund for development investment of enterprises to fund of support for enterprise arrangement and development as prescribed at Clause 4, Article 38 of Decree No. 71/2013/ND-CP.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Within 05 days after issuing decision on moving of the Prime Minister, enterprises shall remit in fund of support for enterprise arrangement and development and make accounting to reduce fund for development investment respectively with the amounts remitted in fund of support for enterprise arrangement and development. If an enterprise delays remittance or fails to remit, apart from assessment on extent of failing to finish tasks of managers of such enterprise, such enterprise must pay interest of fine due to delay, and enterprise will be applied coercive measures under regulation on management and use of fund of support for enterprise arrangement and development promulgated together with Decision No. 21/2012/QD-TTg dated 10/5/2012 of the Prime Minister.

b) For use of fund of commendation, fund of welfare, and fund of reward for managers of enterprises, enterprises must elaborate regulations on management and use of funds as prescribed by law, ensure democracy, transparency with participation of the Executive Board of Trade Unions of enterprises and publicize regulations in enterprises before implementation.

- The fund of commendation of an enterprise is used to reward according to content and for objects specified at clause 3 Article 39 of Decree No. 71/2013/ND-CP. In which:

+ Objects of fund of commendation are all employees of enterprise including General Director or Director, Deputy General Director or Deputy Director, and chief accountant who work under labor contracts.

+ Fund of commendation of an enterprise is not used to reward for managers of enterprises.

- The fund of welfare is used to pay for contents involving welfare and objects specified at clause 3 Article 39 of Decree No. 71/2013/ND-CP, including managers of enterprise.

- Fund of reward for managers of enterprise:

+ Members' Council or president of company shall, base on fund of reward for managers of enterprise which have been set up, to determine amounts payable to owner and the Ministry of Finance (case where enterprise has controllers appointed by the Ministry of Finance) to reward for controllers (full time and part time) under regulations.

+ The amounts used to make fund of reward for managers of enterprise (after deducting amounts used to reward controllers under provision mentioned above), shall be used to reward for other managers of enterprise.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Handling of surplus of fund for financial provision and profit divided according to equity capital:

When making financial statements in 2013, all surplus of fund for financial provision on 31/12/2013 and surplus of profit divided according to equity capital on 31/12/2012 (if any), enterprises may carry forward in fund for development investment of enterprise to use for adding the lacked charter capital already been approved by competent authorities under regulations.

SECTION 4. FINANCIAL PLAN, THE REGIME OF ACCOUNTING, STATISTICS, AUDIT AND REPORT

Article 20. The financial plan

Enterprise shall elaborate the long-term and annual financial plans in accordance with Article 40 of Decree No. 71/2013/ND-CP. Criteria and forms to make annual financial plan shall comply with guide of the Ministry of Finance.

1. For enterprises which are established under decisions of the Prime Minister and the Ministries managing sectors:

a) Base on the production and business plan already been approved by Members' Council or president of company, enterprises shall assess situation of production and business of report year and make financial plan of next year and send it to the Ministry managing sector and the Ministry of Finance before 31/7 every year.

b) The Ministry managing sector shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Finance in reviewing financial plan made by enterprise and give out formal opinion in writing for enterprise to complete its financial plan. The completed financial plan under decision of Members' Council or president of company shall be basis for the Ministry managing sector and the Ministry of Finance to supervise, assess production and business activities of enterprise.

2. For enterprises established under decisions of the provincial People's Committees:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) The provincial Services of Finance shall review financial plan made by enterprise and report to the provincial People’s Committee to give out formal opinion in writing for enterprise to complete its financial plan. The completed financial plan under decision of Members' Council or president of company shall be basis for Service of Finance to assist the provincial People’s Committee in supervising, assessing production and business activities of enterprise.

Article 21. The regime of accounting, statistics and audit

Enterprises must perform the regime of accounting and statistics as prescribed by law, sufficiently record the initial vouchers, update accounting books, reflect fully, timely, honestly, exactly, objectively the financial activities; perform the audit of annual financial statements as prescribed by law.

Article 22. Financial statements and other reports

Enterprises make financial statements and other reports in accordance with Article 41 of Decree No. 71/2013/ND-CP. In which:

1. End of financial year, enterprises must make and send on time financial statements, reports on supervision, reports on statistics to agencies under current regulations. To perform financial disclosure under regulations.

2. The annual financial statements of enterprises shall be made according to forms specified at decision No, 15/2006/QD-BTC dated 20/3/20006 of Minister of Finance, the amending and supplementing and replacing documents, if any, and adding form No. 02b-DN “Report on implementation of obligations with state budget year ……” according to Annex No. 01 promulgated together with this Circular.

3. In addition to making and sending of annual financial statements, when finish reports on supervision and assessment, classification of enterprises promulgated together with Circular No. 158/2013/TT-BTC dated November 13, 2013 of the Ministry of Finance, enterprises must send owner and the Ministry of Finance (for central enterprise), Service of Finance (for local enterprises).

4. Apart from periodical financial statements under regulations stated above, enterprises shall also make and send irregular report at the request of owners and state management agencies. For enterprises having domestic and foreign loans which are guaranteed by Government, they shall send reports under current law on management of debts guaranteed by Government.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

ORGANIZATION OF IMPLEMENTATION

Article 23. Effect

1. This Circular takes effect on February 15, 2014 and applied to financial year from 2013.

2. This Circular replaces Circular No. 117/2010/TT-BTC dated 5/8/2010 of the Ministry of Finance, guiding the financial regime of State-owned one-member limited liability companies and Circular No. 138/2010/TT-BTC dated 17/9/2010 of the Ministry of Finance guiding the regime on profit distribution for State-owned one-member limited liability companies. The guides on capital investment, management of state capital invested in enterprises and financial management for enterprises which State holds 100% of charter capital promulgated by Ministries, sectors, agencies and units in contrary to Decree No. 71/2013/ND-CP and this Circular also are annulled.

3. In the course of implementation, any arising problems should be reported to the Ministry of Finance for study and settlement.

 

 

 

FOR THE MINISTER OF FINANCE
DEPUTY MINISTER




Tran Van Hieu

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
;

Thông tư 220/2013/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 71/2013/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Bộ trưởng Bộ Tài chính

Số hiệu: 220/2013/TT-BTC
Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Tài chính
Người ký: Trần Văn Hiếu
Ngày ban hành: 31/12/2013
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [1]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [2]
Văn bản được dẫn chiếu - [16]
Văn bản được căn cứ - [1]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [1]

Văn bản đang xem

Thông tư 220/2013/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 71/2013/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Bộ trưởng Bộ Tài chính

Văn bản liên quan cùng nội dung - [11]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [6]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…