VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 426/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2023 |
Ngày 26 tháng 9 năm 2023, tại thành phố Hải Phòng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương về tình hình, giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và phòng, chống tội phạm trong 9 tháng năm 2023. Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tư pháp, Quốc phòng, Công Thương, Y tế, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và đại diện các Bộ: Công an, Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính.
Sau khi nghe lãnh đạo các địa phương trình bày báo cáo; ý kiến của các đại biểu dự buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, biểu dương, đánh giá cao sự năng động, sáng tạo của các địa phương: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương đã nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch, triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chú trọng nâng cao tính kết nối giữa ba địa phương để thúc đẩy cùng nhau phát triển, nhất là về hạ tầng giao thông và đạt được một số kết quả tích cực trong 9 tháng năm 2023 như sau: Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt cao hơn mức bình quân chung cả nước (4,24%), trong nhóm dẫn đầu cả nước (thành phố Hải Phòng tăng 10,08%, đứng thứ 3; Quảng Ninh tăng 9,88%, đứng thứ 4; Hải Dương tăng 7,01%, đứng thứ 20). Hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ duy trì ổn định, có sự phát triển; các chỉ tiêu về thương mại và du lịch tăng trưởng khá so với cùng kỳ.
Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, thuộc nhóm những địa phương có môi trường đầu tư hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước (thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của 03 địa phương đạt 4,702,93 tỷ USD, chiếm hơn 23% cả nước (trong đó, Hải Phòng thu hút được 3,5 tỷ USD, chiếm 17,3% đứng thứ nhất cả nước).
Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, y tế tiếp tục được quan tâm; an sinh xã hội được bảo đảm. Cải cách hành chính có chuyển biến mạnh mẽ, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai hiệu quả, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên.
Công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã có nhiều chuyển biến rõ rệt và đạt được những kết quả rất tích cực, vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp được đề cao. Thị trường hàng hóa ổn định, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng, không xảy ra tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn cần khắc phục như: Công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng và thi công một số dự án, công trình giao thông động lực, chiến lược còn chậm tiến độ, chưa đạt kế hoạch đề ra; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2023 của Quảng Ninh và Hải Dương thấp dưới mức bình quân của cả nước. Tình hình tội phạm hình sự, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, buôn lậu, gian lận thương mại, tai nạn giao thông, dịch bệnh còn tiềm ẩn nhiều phức tạp; việc ngăn chặn buôn bán ma túy qua biên giới còn nhiều bất cập.
II. VỀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
Để đạt được kết quả cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng trong những tháng cuối năm 2023, các địa phương tập trung những vấn đề sau đây:
1. Tập trung cao độ giải ngân vốn đầu tư công, vừa tháo gỡ những nút thắt về hạ tầng, vừa đẩy nhanh tiến độ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phấn đấu hết năm 2023 giải ngân đạt trên 95%. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo không gian phát triển cho doanh nghiệp, chuẩn bị sẵn sàng những điều kiện để thu hút, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
2. Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Tăng cường đối thoại, nắm bắt kịp thời để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đồng hành với doanh nghiệp, coi sự phát triển của doanh nghiệp là sự phát triển của địa phương. Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển xanh, bền vững; khuyến khích thanh niên khởi nghiệp.
3. Huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về văn hóa, khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực, đất đai, tài sản công cùng các tiềm năng, lợi thế khác để phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Tập trung tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, nhất là dự án phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, giao thông kết nối, hạ tầng điện, cảng biển.
4. Tỉnh Hải Dương khẩn trương trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong tháng 10 năm 2023; đồng thời các địa phương phải tổ chức quản lý, thực hiện tốt quy hoạch, bảo đảm tích hợp, đồng bộ, thống nhất với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia.
5. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Kế hoạch công tác phòng, chống tội phạm. Quán triệt công tác phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên và lâu dài. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội trong công tác phòng, chống tội phạm.
6. Triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 9 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng; tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là các mặt hàng như: Xăng dầu, khoáng sản, hàng hóa đã qua sử dụng (điện, điện tử, điện lạnh, máy móc, thiết bị, ô tô)…
7. Thực hiện nghiêm Công điện số 825/CĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thực hiện chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy. Tập trung chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về hoạt động quản lý xây dựng, nhất là việc cấp phép xây dựng, chấp hành pháp luật xây dựng; về phòng cháy, chữa cháy tại các chung cư, cơ sở kinh doanh, dịch vụ cho thuê có mật độ người ở đông, nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh... có nguy cơ cháy, nổ cao.
III. KIẾN NGHỊ CỦA CÁC ĐỊA PHƯƠNG
1. Kiến nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng
a) Về giải quyết vướng mắc trong việc bàn giao đất quốc phòng để thực hiện các Dự án tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, thành phố Hải Phòng: Bộ Quốc phòng khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 7186/VPCP-NN ngày 19 năm 9 năm 2023, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10 năm 2023.
b) Về việc ban hành quy định tỷ lệ đất ở trong diện tích của dự án xây dựng nhà ở thương mại để đủ điều kiện triển khai dự án. Sửa đổi quy định các dự án xây dựng nhà ở thương mại không có đất ở trong trường hợp chỉ có quyền sử dụng đất nông nghiệp hoặc đất phi nông nghiệp thì không được lựa chọn chủ đầu tư để thực hiện dự án nhà ở:
Giao Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp kiến nghị của thành phố Hải Phòng trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để quy định rõ các hình thức sử dụng đất xây dựng nhà ở thương mại.
c) Về sửa đổi quy định việc mở bán nhà hình thành trong tương lai phải có điều kiện hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án: Giao Bộ Xây dựng tổng hợp kiến nghị của thành phố Hải Phòng trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)
d) Về việc hướng dẫn cụ thể cách tính giá bán nhà ở xã hội: Giao Bộ Xây dựng có văn bản hướng dẫn Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng trong tháng 10 năm 2023.
đ) Về ban hành quy định cho phép thực hiện giao đất, cho thuê đất theo quy định pháp luật về đất đai đối với các dự án đầu tư lấn biển1: Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, xử lý trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định quy định lấn biển.
e) Về bổ sung quy hoạch bến cảng hàng lỏng, khí tại các bến số 21 và số 22 thuộc khu bến cảng Lạch Huyện, với quy mô tiếp nhận (xuất - nhập) cỡ tàu đến 150.000 DWT: Giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, tổng hợp kiến nghị của thành phố Hải Phòng trong quá trình lập Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
g) Về việc điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực thành phố Hải Phòng để đưa vào vận hành MBA T3-63MVA Trạm biến áp 110kV Tràng Duệ giai đoạn 2023-2025; đầu tư xây dựng mạch 2 đường dây 110kV và TBA 110kV Cát Bà, Dự án đường dây 110kV mạch 2 khoảng vượt Lạch Huyện, trong đó lắp đặt 02 tuyến cáp ngầm 110kV vượt biển đoạn qua luồng hàng hải Lạch Huyện: Giao Bộ Công Thương nghiên cứu phương án xử lý và có văn bản hướng dẫn Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng trong tháng 10 năm 2023
h) Về triển khai dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt rác phát điện tại khu xử lý Đình Vũ trong thời gian chờ Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII được phê duyệt: Giao Bộ Công Thương xem xét, nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quá trình hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII theo chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 379/TB-VPCP ngày 14 tháng 9 năm 2023 của Văn phòng Chính phủ.
i) Về ban hành dự án Luật Phát triển công nghiệp2: Giao Bộ Công Thương tổng hợp kiến nghị của thành phố Hải Phòng trong quá trình xây dựng dự án Luật Phát triển công nghiệp.
2. Kiến nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh
a) Về việc triển khai Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính:
- Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công an, Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ thống nhất đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2023.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi địa phương theo quy định tại Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ.
b) Về việc giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư dự án tuyến đường dây 500kv mạch kép đấu nối Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh với Trạm biến áp 500kv Quảng Ninh: Trên cơ sở Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo đúng quy định pháp luật.
c) Về việc huy động công suất phát điện của các nhà máy nhiệt điện than tại Quảng Ninh vào những tháng cuối năm 2023: Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia vận hành hệ thống bảo đảm an toàn cung ứng điện, huy động hợp lý các loại hình nguồn điện.
3. Kiến nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương
a) Về quy định tiêu chuẩn, định mức, nội dung chi tiết và phương pháp xác định chi phí làm cơ sở xác định tổng mức đầu tư dự án đối với các dự án mua sắm trang thiết bị y tế: Giao Bộ Y tế khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương (trong đó có tỉnh Hải Dương) theo quy định tại khoản 4 Điều 27 Nghị định 40/2020/NĐ-CP ngày 6 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2023.
b) Về việc điều chỉnh và bổ sung kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài giai đoạn 2021-2025 để thực hiện các dự án “Sửa chữa nâng cao an toàn đập (WB8) tỉnh Hải Dương” và Dự án “Phát triển tổng hợp các đô thị động lực - thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương”: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xem xét, tổng hợp kiến nghị của tỉnh Hải Dương trong quá trình điều hành Kế hoạch đầu tư công trung hạn theo quy định của Nghị quyết số 93/2023/QH15 ngày 22 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
c) Về tiếp tục thực hiện thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng và bàn giao đất cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án khu dân cư, khu đô thị đã hoàn thành việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trên các khu đất của các doanh nghiệp đã cổ phần hóa3: Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường căn cứ quy định pháp luật, có văn bản hướng dẫn tỉnh Hải Dương trong tháng 10 năm 2023, trường hợp vướng mắc, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
d) Về việc ban hành Nghị định về hộ kinh doanh4: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tổng hợp kiến nghị của tỉnh Hải Dương trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định về hộ kinh doanh.
đ) Về việc điều chỉnh, bổ sung một số chỉ tiêu sử dụng đất5: Trong quá trình rà soát, điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp nhu cầu sử dụng đất của các địa phương (trong đó có tỉnh Hải Dương), báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
e) Về việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Khu dân cư Đại An II, phường Tứ Minh, thành phố Hải Dương: Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương thực hiện theo kết luận của Thanh tra Chính phủ tại văn bản số 856/KT-TTCP ngày 31 tháng 03 năm 2023. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng theo thẩm quyền và quy định pháp luật, có văn bản hướng dẫn tỉnh Hải Dương trong tháng 10 năm 2023.
g) Về việc tiếp tục hoàn thiện thủ tục cho thuê đất đối với 06 dự án có vốn đầu tư nước ngoài nhưng chưa hoàn thiện thủ tục thuê đất6: Thực hiện theo đúng quy định của Luật Đất đai năm 2013 và các Nghị định hướng dẫn thi hành chi tiết Luật Đất đai.
h) Đối với các kiến nghị khác: Các Bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, xem xét xử lý kiến nghị theo thẩm quyền (gửi văn bản trả lời địa phương có kiến nghị trong tháng 11 năm 2023) trong đó hướng dẫn cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các quy định, cơ chế, chính sách tại địa phương, trường hợp vượt thẩm quyền, tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định (Chi tiết tại Phụ lục kèm theo).
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan biết, thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |
1 Nhất là đối với các dự án vừa nằm trong, vừa nằm ngoài đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm phải thực hiện hai thủ tục giao đất, cho thuê đất và thủ tục giao khu vực biển.
2 Luật Phát triển công nghiệp có các quy định cụ thể cho phát triển ngành công nghiệp, đặc biệt là việc phân công, phân cấp quản lý nhà nước của các cấp, các ngành trong quản lý, phát triển ngành công nghiệp.
3 i) Dự án đầu tư xây dựng Khu dân cư, đô thị Tân Phú Hưng mở rộng, thành phố Hải Dương; ii) Dự án đầu tư xây dựng Khu dân cư Quán Thánh, phường Bình Hàn, thành phố Hải Dương; iii) Dự án đầu tư xây dựng Khu dân cư đường Bà Triệu, phường Phạm Ngũ Lão, thành phố Hải Dương.
4 trong đó thống nhất khái niệm “Hộ kinh doanh” giữa Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Đất đai; quy định rõ Hộ kinh doanh là tổ chức hay cá nhân; hướng dẫn trình tự, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án hộ kinh doanh được chấp thuận chủ trương đầu tư trước thời điểm Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực và trình tự thủ tục điều chỉnh dự án của hộ kinh doanh sau khi chuyển đổi thành doanh nghiệp
5 Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9 tháng 03 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.
6 Tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện thủ tục đất đai đối với dự án có vốn đầu tư nước ngoài đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp: i) Dự án Nhà máy sản xuất dây dẫn điện ô tô Woojin A&T của Công ty TNHH Woojin A&T Vina; ii) Dự án Trại ấp trứng gà và sản xuất gà giống của Công ty TNHH Emivest Feedmill Việt Nam; iii) Dự án nhà máy sản xuất bao bì nhựa của Công ty TNHH Iri Factory Việt Nam; (iv) Dự án sản xuất đồ chơi Jun Cheng Việt Nam; v) Dự án sản xuất đồ chơi của Công ty TNHH Pamson Việt Nam; vi) Dự án Nhà máy sản xuất bao bì carton của Công ty TNHH Creator Development.
Thông báo 426/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại buổi làm việc với 03 địa phương về tình hình, giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và phòng, chống tội phạm trong 9 tháng năm 2023 do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu: | 426/TB-VPCP |
---|---|
Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ |
Người ký: | Nguyễn Sỹ Hiệp |
Ngày ban hành: | 20/10/2023 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Thông báo 426/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại buổi làm việc với 03 địa phương về tình hình, giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và phòng, chống tội phạm trong 9 tháng năm 2023 do Văn phòng Chính phủ ban hành
Chưa có Video