VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 42/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 05 tháng 02 năm 2020 |
Ngày 14 tháng 01 năm 2020 tại tỉnh Thanh Hóa, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa về tình hình kinh tế - xã hội, cải cách hành chính, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng, trật tự an toàn giao thông năm 2019. Cùng dự với Phó Thủ tướng có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, Công an, Quốc phòng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ; Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Tổng cục Hải quan; Tổng cục Quản lý thị trường; Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia.
Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và ý kiến của các Bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ kết luận như sau:
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, biểu dương và đánh giá cao sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn và những kết quả quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa đã đạt được trong thời gian qua. Tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 của tỉnh tiếp tục ổn định và phát triển đúng định hướng: các chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt kế hoạch; tăng trưởng kinh tế đạt 17,15% vượt kế hoạch đề ra và là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, từng bước giảm dần tỷ trọng khu vực nông, lâm, thủy sản (từ 12,4% năm 2018 xuống 10,9% năm 2019); tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp (từ 45,4% năm 2018 lên 47,1% năm 2019); thu ngân sách trên địa bàn đạt 28.900 tỷ đồng, vượt 8,5% so kế hoạch và tăng 24,7% so với cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp năm 2019 tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Các ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn vẫn duy trì sản xuất và tăng trưởng. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 32,6%.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 125.000 tỷ đồng, đạt kế hoạch, tăng 22,6% so với cùng kỳ. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; xúc tiến đầu tư, hợp tác quốc tế được tăng cường; đã thu hút được 176 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 20.569 tỷ đồng, tăng 18,6% và 20 dự án FDI với số vốn đăng ký 320,2 triệu USD, gấp 7,6 lần cùng kỳ năm trước.
Công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư được chú trọng: Trong năm 2019, đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 3.000 doanh nghiệp, xếp thứ 7 cả nước về doanh nghiệp thành lập mới.
Giáo dục và đào tạo đạt nhiều kết quả tích cực; thể thao thành tích cao duy trì vị trí tốp đầu cả nước; chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng lên. Các chế độ, chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời; đời sống nhân dân được cải thiện. Chính sách đối với người có công, hộ nghèo được thực hiện đầy đủ, kịp thời; công tác dân tộc, tôn giáo được quan tâm; quốc phòng an ninh được bảo đảm.
Tỉnh đã làm tốt công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, giả mạo sản phẩm đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Tỉnh đã tổ chức tốt 224 cuộc thanh tra hành chính (phát hiện sai phạm 55 tỷ đồng), 512 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành (phát hiện 542 cá nhân, 447 tổ chức vi phạm; số tiền sai phạm 20,5 tỷ đồng); đã giải quyết được gần 95% số vụ khiếu nại (952 vụ/1.005 vụ); gần 94% số vụ tố cáo (88 vụ/94 vụ).
Cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí tiếp tục được tập trung chỉ đạo thực hiện. Quốc phòng - an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Kết quả đạt được của Thanh Hóa trong những năm qua là tích cực, góp phần cùng cả nước hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2019 nhưng Thanh Hóa vẫn còn một số khó khăn, thách thức: chất lượng tăng trưởng kinh tế còn thấp, tăng trưởng chủ yếu vẫn dựa vào tăng quy mô sản xuất, tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu; việc gắn kết giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm để hình thành các chuỗi giá trị còn gặp nhiều khó khăn. Hạ tầng Khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp chậm được đầu tư. Các chỉ số phản ánh năng lực cạnh tranh của tỉnh thiếu tính ổn định. Chưa thu hút được nhiều dự án công nghiệp quy mô lớn, công nghiệp phụ trợ, phục vụ chuỗi sản xuất, công nghệ cao. Vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai, khai thác, vận chuyển tài nguyên, khoáng sản trái phép, ô nhiễm môi trường còn xảy ra ở một số địa bàn huyện; nhiều dự án đã được giao đất, cho thuê đất nhưng triển khai chậm. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở một số huyện chưa được giải quyết triệt để. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững. Nợ bảo hiểm xã hội còn cao; đình công, nghỉ việc tập thể, tai nạn lao động vẫn còn xảy ra.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
Nhất trí với Báo cáo của Tỉnh và phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng như ý kiến phát biểu của đại diện các bộ, ngành. Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa cần tận dụng những cơ hội mới của đất nước, khai thác tiềm năng, lợi thế, nhất là lợi thế riêng, đặc thù của Tỉnh, tập trung chỉ đạo quyết liệt, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2020 - 2025, trong đó lưu ý tập trung thực hiện tốt những nội dung chủ yếu sau:
1. Tổng kết đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2016 - 2020 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2021 - 2025; phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030 đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh công nghiệp, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, từng bước hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển của vùng, quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế.
2. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt 09 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã đề ra, huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, có kế hoạch hành động trên từng ngành, lĩnh vực, từng chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể, bảo đảm hoàn thành và vượt kế hoạch các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020 đã đề ra.
3. Thanh Hóa là địa phương đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2045, vì vậy, Thanh Hóa phải là địa phương đi đầu của cả nước triển khai lập Quy hoạch tỉnh; cần lưu ý Quy hoạch tỉnh phải phù hợp với khả năng huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực của địa phương và các nguồn lực từ bên ngoài trên tất cả các lĩnh vực, các khu vực trong tỉnh; bảo đảm nguyên tắc hài hòa lợi ích của quốc gia, các vùng, các địa phương và lợi ích của người dân theo quy định tại Luật Quy hoạch năm 2017.
4. Thực hiện tốt chính sách giảm nghèo, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội về giáo dục, y tế, hạ tầng, thông tin nhằm không ngừng nâng cao đời sống cho nhân dân, bảo đảm hài hòa với phát triển kinh tế. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; quán triệt, thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tiếp công dân theo Quy định số 11-QĐ/TW ngày 18 tháng 02 năm 2019 của Bộ Chính trị và Luật Tiếp công dân; tăng cường đối thoại, tiếp dân tại nơi xảy ra vụ việc, giải quyết kịp thời những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người dân ngay từ khi mới phát sinh. Chính quyền các cấp quan tâm, dành thời gian thích hợp để chỉ đạo giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở, không để khiếu nại vượt cấp, đặc biệt là các khiếu nại, tranh chấp đất đai, có biện pháp giải quyết dứt điểm, không để phát sinh “điểm nóng” gây phức tạp về an ninh, trật tự.
5. Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, có cơ chế thông thoát, cởi mở để thu hút doanh nghiệp trong nước và FDI có năng lực tài chính, công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại, thân thiện với môi trường đến đầu tư, sản xuất kinh doanh tại địa phương; đồng thời tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, đặc biệt hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
6. Chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, có đối sách với phương thức, thủ đoạn mới của đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại nhất là sản xuất hàng cấm, tiền chất ma túy, chất hướng thần, kịp thời tổ chức lực lượng kiểm tra, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Chủ động nắm, phân tích, dự báo sát tình hình an ninh, trật tự, kịp có các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
7. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai, thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng.
III. VỀ MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ CỦA TỈNH
1. Về việc ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư công năm 2019 (về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài): Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Thông báo số 20/TB-VPCP ngày 16 tháng 01 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ, hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Chính phủ theo quy định.
2. Về việc sớm ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện dự thảo Tờ trình của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 theo hình thức rút gọn theo đúng Nghị quyết số 121/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ, báo cáo Thủ tướng chính phủ cho ý kiến trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
3. Về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa, Thanh Hóa: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án theo đúng quy định pháp luật.
4. Về việc thành lập thị xã Nghi Sơn và thành lập các phường thuộc thị xã Nghi Sơn: Giao Bộ Nội vụ khẩn trương thẩm định Đề án thành lập thị xã Nghi Sơn và thành lập các phường thuộc thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa; báo cáo Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
5. Về bố trí vốn ngân sách Trung ương để hỗ trợ 33 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ theo quy định: Ủy ban nhân dân tỉnh rà soát, tổng hợp danh mục các dự án cụ thể đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ theo quy định, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định (sau khi có thông báo vốn của cơ quan có thẩm quyền và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được ban hành).
6. Về hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng Trạm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực Nghi Sơn - Hòn Mê, Thanh Hóa: Ủy ban nhân dân tỉnh lập hồ sơ dự án theo quy định, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để chủ trì, phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Tài chính, Công an và cơ quan liên quan nghiên cứu, thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những nội dung vượt thẩm quyền.
7. Về nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ cho Tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng chưa sử dụng hết: Tỉnh thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.
8. Về bổ sung Phó Bí thư Tỉnh ủy: Đề nghị Tỉnh ủy Thanh Hóa báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
|
KT. BỘ
TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Thông báo 42/TB-VPCP năm 2020 kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu: | 42/TB-VPCP |
---|---|
Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ |
Người ký: | Nguyễn Duy Hưng |
Ngày ban hành: | 05/02/2020 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Thông báo 42/TB-VPCP năm 2020 kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa do Văn phòng Chính phủ ban hành
Chưa có Video