Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 402/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 03 tháng 10 năm 2023

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ TẠI HỘI NGHỊ CỦA THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ LÀM VIỆC VỚI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC TRÊN PHẠM VI TOÀN QUỐC VỀ CÁC GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY SẢN XUẤT KINH DOANH VÀ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN

Ngày 14 tháng 9 năm 2023, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước trên phạm vi toàn quốc về các giải pháp về thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển. Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương; Lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Quốc phòng, Công an, Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Văn hóa, thể thao và Du lịch, Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ; đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, Ngân hàng thương mại nhà nước; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước tham dự trực tuyến tại 63 điểm cầu địa phương. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ý kiến của các đại biểu dự họp, Thường trực Chính phủ kết luận như sau:

1. Thường trực Chính phủ trân trọng cảm ơn, đánh giá cao các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã có những đóng góp vào kết quả chung của đất nước thời gian qua, đồng thời cũng chia sẻ với những khó khăn, thách thức DNNN đang phải đối mặt do tình hình trong nước và thế giới; đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị báo cáo có chất lượng, kịp thời trong thời gian ngắn. Hội nghị cùng thống nhất đưa ra thông điệp là: Chung sức đồng lòng, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, đẩy mạnh đầu tư phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Tinh thần là hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp, rủi ro chia sẻ, không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm cho doanh nghiệp.

2. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới khu vực DNNN, cần quán triệt những quan điểm chỉ đạo điều hành sau:

a) Tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình trong nước, ngoài nước những vấn đề đột biến có thể xảy ra, những khó khăn đã tích tụ nhiều năm để kịp thời đưa ra nhiệm vụ, giải pháp, chính sách sát với tình hình thực tế, có tính khả thi và hiệu quả cao.

b) DNNN cần phát huy tối đa nguồn lực đang nắm giữ (với 3,8 triệu tỷ đồng tài sản, đóng góp 29% vào GDP của đất nước) để tập trung phát triển trên tất cả các lĩnh vực, đóng vai trò dẫn dắt, tiên phong, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của doanh nghiệp và nền kinh tế.

c) DNNN cần đi đầu trong đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, những ngành mới nổi, tập trung cho phát triển bền vững của đất nước.

d) Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan đại diện chủ sở hữu phải đồng hành, kề vai sát cánh cùng doanh nghiệp. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, nhất là hệ thống pháp luật để tháo gỡ khó khăn, huy động, phát huy nguồn lực của Nhà nước để dẫn dắt mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Hoàn thiện thể chế trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính, góp phần tháo gỡ khó khăn, cắt giảm chi phí đầu vào, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

đ) Phát huy tinh thần đại đoàn kết, bản sắc, truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc, đạo đức kinh doanh, phát huy nội lực, tinh thần tự lực tự cường để biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể.

e) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sự đóng góp của nhân dân để xây dựng DNNN trở thành lực lượng tiên phong, đóng vai trò dẫn dắt, góp phần thực hiện vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước; trong đó tập trung vào đổi mới công tác lãnh đạo của đảng trong DNNN, đổi mới tổ chức Đảng, đổi mới đánh giá, sắp xếp, sử dụng cán bộ cho phù hợp với tình hình.

3. Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới đối với các DNNN:

a) Phải tăng cường đóng góp cho xây dựng chương trình, kế hoạch để thực hiện các mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chiến lược 10 năm, kế hoạch 5 năm; đồng thời căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình để cụ thể hóa bằng các đề án, dự án cụ thể.

b) Cơ cấu lại DNNN sát với tình hình thực tế, không chỉ tập trung tái cơ cấu vốn mà phải tăng năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động.

c) Tham gia tích cực, hiệu quả hơn nữa vào các chương trình, dự án lớn của Nhà nước, đặc biệt là 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực; chủ động, tích cực tham gia các dự án mang tính đột phá, các dự án lớn đang triển khai như hệ thống đường bộ cao tốc Bắc Nam, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, các dự án về chuyển đổi số, chương trình xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, dự án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long....

d) Tăng cường trách nhiệm đóng góp ý kiến để xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, các ưu đãi cần thiết, góp phần phát triển nhanh, bền vững, sát với thực tế.

đ) Đề cao đạo đức doanh nhân, trách nhiệm xã hội, nhất là những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, bảo vệ người yếu thế, người gặp khó khăn, thiên tai, bão lũ; chăm lo, cải thiện đời sống cho công nhân, người lao động.

e) Cùng nhau và cùng với các cơ quan nhà nước đẩy mạnh xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, ngành hàng, góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia.

g) Khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) và quan hệ chính trị, ngoại giao tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, nhất là Trung Quốc, Mỹ , EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước ASEAN,...

h) Cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau khi gặp khó khăn, thách thức; cạnh tranh lành mạnh, đúng pháp luật.

i) Tập trung đào tạo nguồn nhân lực trong các ngành mới nổi như chuyển đổi số, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ,... góp phần đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp, các địa phương và cả nước.

4. Về các nhiệm vụ cụ thể của các cơ quan đại diện chủ sở hữu, bộ, ngành, cơ quan liên quan:

a) Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cải cách hành chính, phân cấp phân quyền, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, cùng với DNNN triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên; đặt mình vào địa vị của doanh nghiệp để giải quyết khó khăn, chung sức đồng lòng với doanh nghiệp vượt qua thách thức, chia sẻ khó khăn, khích lệ, khuyến khích những người làm đúng, làm tốt và cương quyết xử lý những người vi phạm, nhũng nhiễu, tiêu cực, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.... Đề xuất những cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ, tạo động lực, truyền cảm hứng cho những người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, tinh thần xây dựng chính sách là không cầu toàn, không nóng vội.

b) Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ trước ngày 05 tháng 11 năm 2023 đề xuất sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp theo đúng chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 6593/VPCP-PL ngày 25 tháng 8 năm 2023. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình Chính phủ trước ngày 15 tháng 10 năm 2023 dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2019 về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước. Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi quy định về chuyển mục đích sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để tạo điều kiện thực hiện đầu tư trong lĩnh vực liên quan đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặt hàng các sản phẩm mới, đầu tư cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2023.

c) Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, phê duyệt/trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch, chương trình, đặc biệt là kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc; thực hiện đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu tại các doanh nghiệp theo quy định; chủ động, quyết liệt trong xử lý các vấn đề vướng mắc phát sinh của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc. Tinh thần là phải mạnh dạn hơn nữa để tạo ra đột phá mới, xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái, không để trì trệ; bởi nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, nhận thức, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sáng tạo, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp.

d) Các cơ quan đại diện chủ sở hữu khác là các bộ, ngành, địa phương cần tích cực, kịp thời nắm bắt tình hình tốt hơn, nhất là những khó khăn, vướng mắc lớn, là điểm nghẽn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, khẩn trương giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền; phối hợp, kiến nghị các bộ, ngành hoặc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, vấn đề phát sinh mới.

đ) Các Bộ, ngành, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương xem xét, xử lý hiệu quả, kịp thời các kiến nghị của Bộ Quốc phòng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các địa phương và DNNN tại Phụ lục đính kèm, thông tin kịp thời kết quả xử lý cho các cơ quan và DNNN nêu trên; đồng thời gửi kết quả tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 15 tháng 12 năm 2023. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tổng hợp kết quả xử lý các kiến nghị này, gửi Văn phòng Chính phủ trước ngày 20 tháng 12 năm 2023 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

e) Các cấp chính quyền (các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan đại diện chủ sở hữu của DNNN là các Bộ, ngành, địa phương) thực hiện cơ chê đinh kỳ 3 tháng tổ chức gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe các DNNN chia sẻ các khó khăn, vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng để xử lý kịp thời với tinh thần hết sức cầu thị, hết sức lắng nghe, hết sức trách nhiệm, hết sức dân chủ.

g) Các tổ chức tín dụng cần phát huy tinh thần linh hoạt, sáng tạo, cùng nhau tháo gỡ khó khăn, nút thắt về tín dụng, nguồn vốn.

5. Thường trực Chính phủ mong rằng, saụ Hội nghị, các bộ, ngành, cơ quan và các doanh nghiệp sẽ tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao, đạt được nhiều thành tích hơn nữa, có thêm nhiều đóng góp cho Nhà nước, Nhân dân.

6. Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ đôn đốc, theo dõi thực hiện các nhiệm vụ được Thường trực Chính phủ giao tại Thông báo này.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, phối hợp thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các PTTg;
- Ban Kinh tế Trung ương;
- Ủy ban Kinh tế của Quốc hội;
- Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội;
- Kiểm toán nhà nước;
- Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ;
- Các Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước;
- Ngân hàng thương mại nhà nước;
- Đài Tiếng nói Việt Nam;
- Thông tấn xã Việt Nam;
- Ban Chỉ đạo ĐM&PTDN;
- VPCP: BTCN, PCN Mai Thị Thu Vân; các Vụ: KTTH, CN, NN, QHQT, KGVX, PL, TGĐ Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, ĐMDN (2b).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Mai Thị Thu Vân

 

PHỤ LỤC

TỔNG HỢP CÁC KIẾN NGHỊ TẠI HỘI NGHỊ THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ LÀM VIỆC VỚI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC TRÊN PHẠM VI TOÀN QUỐC VỀ CÁC GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY SẢN XUẤT KINH DOANH VÀ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN NGÀY 14 THÁNG 9 NĂM 2023 VÀ PHÂN CÔNG XỬ LÝ KIẾN NGHỊ
(Kèm theo công văn số: 402/TB-VPCP ngày 03 tháng 10 năm 2023 của Văn phòng Chính phủ)

STT

Đơn vị kiến nghị, đề xuất

Nội dung kiến nghị, đề xuất

Phân công xử lý

Số văn bản kiến nghị/phát biểu tại Hội nghị

I. Cơ chế chính sách:

1

Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam

Kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật số 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại Doanh nghiệp thực sự theo nguyên tắc thống nhất quản lý theo mục tiêu (đảm bảo quản lý vốn Nhà nước an toàn, hiệu quả); gia tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và trách nhiệm giải trình của các doanh nghiệp nhà nước theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW khoá XII ngày 03 tháng 6 năm 2017 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước.

(Dự thảo đề cương mới nhất của Luật thay thế Luật số 69/2014/QH13 có một số điểm bất cập, và dường như đang được thiết kế theo hướng tăng thêm thẩm quyền/trách nhiệm phê duyệt của các cơ quan đại diện chủ sở hữu và của Chính phủ đối với hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt là quy định về việc phân phối lợi nhuận sau thuế tại các doanh nghiệp nhà nước là khả bất cập đối với các ngân hàng thương mại cổ phần trong bối cảnh các ngân hàng thương mại cổ phần đều có mức vốn điều lệ rất thấp).

Bộ Tài chính

Phát biểu tại Hội nghị

2

Kiến nghị sửa đổi luật các tổ chức tín dụng cho phép các ngân hàng thương mại cổ phần được thành lập/góp vốn, mua cổ phần vào các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số; đồng thời trao cho các ngân hàng thương mại cổ phần quyền chủ động hơn trong việc góp vốn, mua cổ phần trong phạm vi giới hạn được phép (thay vì phải được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê duyệt chủ trương cho mỗi lần đầu tư không kể qui mô).

Ngân hàng nhà nước Việt Nam

Phát biểu tại Hội nghị

3

Kiến nghị cho phép được áp dụng cơ chế tiền lương thực sự theo nguyên tắc thị trường, gắn với năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh để các ngân hàng thương mại cổ phần giữ chân, thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao (trong 5 năm qua (2017-2022), năng suất lao động bình quân đầu người của VCB tăng gần 2 lần nhưng tiền lương bình quân chỉ tăng 15%).

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Phát biểu tại Hội nghị

4

Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội

Kiến nghị đẩy nhanh tiến độ sửa và ban hành Luật 69/2014/QH13 về đầu tư, quản lý và sử dụng vốn Nhà nước để sớm tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, tăng trao quyền và tạo động lực cho doanh nghiệp nhà nước, trong đó:

- Điều chỉnh cơ chế giám sát, đánh giá hiệu quả của doanh nghiệp theo hướng dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, khách quan, toàn diện có loại trừ tác động của yếu tố khách quan không chỉ dựa trên yếu tố bảo toàn vốn, đánh giá trên từng dự án độc lập.

Bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp được thực hiện chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án/doanh nghiệp tại nước ngoài theo hình thức phù hợp thông lệ quốc tế và pháp luật nước sở tại, trên cơ sở nguyên tắc thị trường, cạnh tranh, bảo toàn vốn đầu tư.

Bộ Tài chính

Phát biểu tại Hội nghị

5

Kiến nghị Chính phủ có các chính sách để thúc đẩy tiến độ đầu tư hạ tầng số quốc gia, trong đó:

Có chính sách khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp công nghệ lớn trên thế giới hợp tác với các doanh nghiệp trong nước đặt trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.

Đẩy nhanh tiến độ đấu giá, cấp phát tần số cho 4G, 5G, đặc biệt là băng tần thấp 700Mhz để phủ sóng cho các khu vực lõm sóng, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, trong yêu cầu thi tuyển tần số cần cân nhắc cam kết về việc phủ sóng vùng sâu, vùng xa (một số thị trường Viettel đầu tư như Peru, Tanzania,... cũng có các yêu cầu này khi đấu giá tần số).

Giao nhiệm vụ cho Doanh nghiệp Nhà nước có tiềm lực, thế mạnh trong lĩnh vực này như Viettel là đơn vị dẫn dắt, trụ cột trong xây dựng hạ tầng số.

Bộ Thông tin và Truyền thông

Phát biểu tại Hội nghị

6

Kiến nghị sớm có cơ chế, hành lang pháp lý để khuyến khích, tạo động lực và bảo vệ đội ngũ cán bộ thực hiện các nhiệm vụ đổi mới sáng tạo để tạo sự yên tâm, tự tin cho đội ngũ cán bộ, đặc biệt đối với lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước thực hiện các hoạt động đổi mới, sáng tạo, đột phá đúng theo tinh thần “7 dám” của đồng chí Tổng Bí thư.

Bộ Nội vụ

Phát biểu tại Hội nghị

7

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)

Kiến nghị Bộ Công Thương sớm sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn các quy trình, quy định tại các Thông tư 25/2016/TT-BCT ngày 30/11/2016 và Thông tư 45/2018/TT-BCT ngày 15/11/2018 và các quy trình có liên quan về lập kế hoạch vận hành, lập lịch huy động các NMĐ tiêu thụ khí Lô B, EVN sớm thống nhất kỹ kết hợp đồng mua bán khí (GSA), Hợp đồng mua bán điện (PPA) các dự án điện sử dụng khí Lô B.

Bộ Công Thương

Phát biểu tại Hội nghị

8

Kiến nghị sớm sửa đổi thay thế Nghị định 124/2017/NĐ-CP ngày 15/11/2017 Quy định về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động Dầu khí.

Bộ Công Thương

Phát biểu tại Hội nghị

9

Kiến nghị sớm hoàn thành sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 liên quan đến thuế VAT phân bón.

Bộ Tài chính

Phát biểu tại Hội nghị

10

Kiến nghị sớm hoàn thành sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.

Bộ Tài chính

Phát biểu tại Hội nghị

11

Tập đoàn Dệt may Việt Nam

Kiến nghị khi sửa đổi Luật 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng, đầu tư vốn nhà nước cần mở rộng ủy quyền cho người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tham gia Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên chịu trách nhiệm và ra quyết định nhanh hơn.

Bộ Tài chính

Phát biểu tại Hội nghị

12

Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn

Rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện đồng bộ các cơ chế chính sách, pháp luật để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp, kịp thời rà soát, sửa đổi các quy định lại Luật 69/2014/QH13 về đầu tư, quản lý và sử dụng vốn Nhà nước, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai... và các văn bản pháp luật khác có liên quan để khắc phục vướng mắc, khó khăn phát sinh trong cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đầu tư quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường

Công văn số 464/BC-UBND ngày 13/9/2023

13

Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh

Xem xét, sửa đổi bổ sung Nghị định số 96/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ trong đó bổ sung mức giá tối đa đối với tiêu nước cho cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, hoa và cây dược liệu

Bộ Tài chính

Công văn số 2889/UBND-KT ngày 13/9/2023

14

Bộ Quốc phòng

Nghiên cứu, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ tăng cường nguồn lực cho các doanh nghiệp quân đội sản xuất kinh doanh, phục vụ nhiệm vụ quốc phòng an ninh trong tình hình mới như: cấp bổ sung vốn điều lệ; xử lý chính sách khi sắp xếp lại cổ phần hóa trong trường hợp doanh nghiệp không có nguồn để xử lý; bố trí sử dụng vốn vay từ ngân hàng phát triển Việt Nam với lãi suất ưu đãi để thực hiện đầu tư dự án, cơ cấu lại nợ vay; ưu đãi thuế suất

Bộ Tài chính

Công văn số 3378/BQP-KTe ngày 12/9/2023

15

Nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung các quy định về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với các doanh nghiệp quân đội tham gia thực hiện nhiệm vụ quốc phòng an ninh trên địa bàn chiến lược đảm bảo việc đánh giá đầy đủ, toàn diện các yếu tố, kết quả thực hiện của các đơn vị

Bộ Tài chính

Công văn số 3378/BQP-KTe ngày 12/9/2023

16

Nghiên cứu ban hành, bổ sung điều chỉnh cơ chế chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia thực hiện các dự án, công trình trọng điểm quốc gia như: cơ chế điều chỉnh giá dự toán hợp đồng, cơ chế thanh toán hợp đồng, đảm bảo nguồn cung ứng vật liệu xây dựng...

Bộ Xây dựng

Công văn số 3378/BQP-KTe ngày 12/9/2023

17

Ban hành các chính sách tài khóa, tiền tệ và an sinh xã hội có tính dài hạn nhằm kích thích nền kinh tế hơn là đơn thuần hỗ trợ. Cần tăng cường thúc đẩy thực hiện các chính sách tổng thể về cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, nâng cao năng lực tự chủ của nền kinh tế cho phù hợp với những thay đổi sau đại dịch. Có các giải pháp tháo gỡ tập trung vào những ngành, lĩnh vực mang tính dẫn dắt, có đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước, tạo lượng lớn việc làm cho người lao động, có tác động lan tỏa, lâu dài để kịp thời đón đầu nhu cầu của thế giới đang dần mở cửa sau đại dịch thay vì dàn trải nguồn lực

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Công văn số 3378/BQP-KTe ngày 12/9/2023

II. Chương trình, quy hoạch, chiến lược

1

Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội

Kiến nghị được đẩy mạnh được hợp tác với các nước lớn như Hoa Kỳ trong lĩnh vực AI, Chip, Cloud, phân tích dữ liệu, giáo dục số...

Bộ Thông tin và Truyền thông

Phát biểu tại Hội nghị

2

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam

Kiến nghị cho phép Tập đoàn tham gia vào các nhóm nghiên cứu, thí điểm, xây dựng Chiến lược về năng lượng Hydrogen, chuyển năng lượng xanh, sạch, kinh tế tuần hoàn... đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Bộ Khoa học và Công nghệ

Phát biểu tại Hội nghị

3

Kiến nghị xem xét bổ sung quy hoạch Bến cảng hàng lỏng, khí tại bến số 21 và 22 khu bến cảng Lạch Huyện vào Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn năm 2050 để làm cơ sở cho Tập đoàn tiến hành các bước tiếp theo của Dự án.

Bộ Giao thông vận tải

Phát biểu tại Hội nghị

4

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)

Kiến nghị đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực E&P, kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ phân cấp tối đa cho Bộ Công Thương, PVN để có thể triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất, hoàn thành dự án để gia tăng trữ lượng, sản lượng khai thác dầu, khí trong những năm tới.

Bộ Công Thương

Phát biểu tại Hội nghị

5

Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc

Xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia đồng bộ về doanh nghiệp nhà nước, tài sản nhà nước để đánh giá, theo dõi, giám sát, kiểm tra; nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Công văn số 283/BC-UBND ngày 20/9/2023

III. Vấn đề, sự vụ cụ thể

1

Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam

Kiến nghị cho phép triển khai Chương trình phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động (ESOP) tại các doanh nghiệp nhà nước để tạo động lực, hài hòa lợi ích giữa người lao động và Doanh nghiệp.

Bộ Tài chính

Phát biểu tại Hội nghị

2

Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tỷ lệ vốn nhà nước do UBND tỉnh Bình Dương làm đại diện chủ sở hữu và quản lý tại Tổng Công ty từ 95,44%/vốn điều lệ xuống còn 65%/vốn điều lệ trở lên giai đoạn 2023-2028, thông qua phát hành cổ phiếu ra công chúng theo giá thị trường và sử dụng nguồn thặng dư vốn cổ phần từ phát hành thêm để tăng vốn điều lệ của Tổng Công ty lên 30.000 tỷ đồng vào năm 2025 và định hướng tăng hơn 40.000 tỷ đồng đến năm 2028. Tỷ lệ vốn Nhà nước vẫn đảm bảo duy trì mức chi phối 65%/vốn điều lệ trở lên.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Phát biểu tại Hội nghị và công văn số 1033/2023/CV/IDC- BQLPTV ngày 15/9/2023

3

Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội

Kiến nghị Chính phủ đồng ý chủ trương, cho phép Viettel triển khai đầu tư xây dựng cửa khẩu thông minh, bao gồm:

Hệ thống cửa khẩu thông minh sử dụng xe tự hành (không người lái) điều khiển bằng mạng 5G.

Hệ thống thông quan quốc tế thông minh, kết nối và đồng bộ dữ liệu giữa hệ thống hải quan Việt Nam - hệ thống hải quan Trung Quốc.

Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính

Phát biểu tại Hội nghị

4

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam

Kiến nghị có cơ chế, tạo điều kiện để Petrolimex đầu tư, vận hành hệ thống trạm dừng nghi trên hệ thống đường cao tốc, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tiêu dùng của nhân dân trong mọi tình huống, qua đó góp phần hiện thực hóa mục tiêu tạo ra không gian phát triển kinh tế mới khi Chính phủ quyết định đầu tư các tuyến cao tốc này.

Bộ giao thông vận tải

Phát biểu tại Hội nghị

5

Kiến nghị cấp có thẩm quyền chỉ đạo để Petrolimex và ACV sớm thành lập Công ty để cùng sở hữu, quản lý, khai thác, vận hành hệ thống tra nạp ngầm, xuất cấp nhiên liệu hàng không tại Cảng HKQT Long Thành qua đó giữ vai trò chủ đạo của doanh nghiệp Nhà nước trong việc bảo đảm đảm an ninh năng lượng hàng không.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Phát biểu tại Hội nghị

6

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

Kiến nghị Bộ Công Thương có văn bản cho phép chuyển ngang các quy định bao tiêu nhiên liệu của nhà máy điện trong hợp đồng cung cấp nhiên liệu ở mức tương đương 80 - 90% sản lượng điện thiết kế sang hợp đồng mua bán điện của NMĐ Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 trong vòng 15 năm, làm cơ sở cho các bên đàm phán, thống nhất Hợp đồng mua bán điện (PPA).

Bộ Công Thương

Phát biểu tại Hội nghị

7

Kiến nghị EVN tăng cường huy động khí cho sản xuất điện từ của PVN, đặc biệt huy động tối đa các NMĐ Cà Mau 1&2 để sử dụng hết lượng khí theo cam kết của năm 2023, tránh tiếp tục phát sinh Khí Trả Trước (dự kiến khoảng 32 triệu USD, tương ứng 102 triệu m3 khí cho Petronas) và có thể thu hồi được một phần lượng Khí Trả Trước đã phát sinh trong năm 2021 (khoảng 100 triệu USD).

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Phát biểu tại Hội nghị

8

Kiến nghị sớm phê duyệt đề án cơ cấu PVN đến năm 2025 và kế hoạch 5 năm 2021- 2025 của Tập đoàn.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Phát biểu tại Hội nghị

9

Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc

Xem xét, cho ý kiến việc sáp nhập 04 Công ty TNHH MTV Thủy lợi do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc (chi tiết tại văn bản 6358/UBND-KT6 ngày 09 tháng 8 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc) làm cơ sở triển khai thực hiện Đề án số 16-ĐA/TU ngày 22 tháng 12 năm 2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về sắp xếp tổ chức bộ máy một số đầu mối cấp tỉnh, cấp huyện giai đoạn 2022-2025; Kế hoạch số 180/KH-UBND ngày 15 tháng 6 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Đề án số 16-ĐA/TU nêu trên.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Công văn số 283/BC-UBND ngày 20/9/2023

10

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam

Kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quyết định 1579; Bộ Giao thông vận tải phê duyệt quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển số 4, quy hoạch vùng đất, vùng nước cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050.

Bộ Giao thông vận tải

Phát biểu tại Hội nghị và công văn số 1557/HHVN-ĐT ngày 13/9/2023

11

Kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm xem xét, thẩm định đối với hồ sơ đề xuất Dự án Cần Giờ, trình Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư để Tổng công ty và đối tác tiếp tục triển khai các bước tiếp theo.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Phát biểu tại Hội nghị và công văn số 1557/HHVN-ĐT ngày 13/9/2023

12

Tập đoàn Dệt may Việt Nam

Kiến nghị tiếp tục giảm thực chất lãi suất, không đi kèm với nhiều điều kiện khó khăn cho tiếp cận vốn.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Phát biểu tại Hội nghị

13

Kiến nghị xem xét tạm hoãn 3 tháng đến 6 tháng nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, giảm phí công đoàn để doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính cho sản xuất.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Phát biểu tại Hội nghị

14

Kiến nghị có chính sách đặc thù trong thời điểm này về tiền lương cho người lao động và cán bộ quản lý, không áp dụng theo Nghị định 53/2016/NĐ-CP.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Phát biểu tại Hội nghị

15

Kiến nghị không chuyển loại, không cắt giảm hạn mức nếu đánh giá thấy doanh nghiệp hoạt động bình thường, vẫn giữ được khách hàng, thị trưởng nhưng không hiệu quả do thị trường thế giới quyết định, còn cơ hội phục hồi lại trong tương lai gần.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

 

16

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi

Sớm cấp kinh phí hỗ trợ từ năm 2019 đến năm 2022 là 6,5 tỷ đồng để thực hiện dịch vụ công ích, tạo điều kiện cho Công ty Khai thác công trình thủy lợi sản xuất kinh doanh ổn định, phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và các ngành kinh tế

Bộ Tài chính

Công văn số 181/BC-UBND ngày 13/9/2023

17

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Các Bộ, cơ quan theo phân công thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 06/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp đổi mới hoạt động của Ủy ban và nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy nguồn lực đầu tư của 19 Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu

Các Bộ liên quan nêu tại Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 06/5/2023

Công văn số 1933/UBQLV-TH ngày 12/9/2023

18

Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh

Xem xét cho tăng doanh số phát hành đối với Công ty TNHH MTV xổ số kiến thiết Tây Ninh

Bộ Tài chính

Công văn số 2889/UBND-KT ngày 13/9/2023

19

Bộ Quốc phòng

Đề nghị nghiên cứu cho phép các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng khi thực hiện sắp xếp lại thì không áp dụng tiêu chí theo quy định tại Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 02/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ mà thực hiện theo Quyết định riêng của Thủ tướng Chính phủ

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Công văn số 3378/BQP-Kte ngày 12/9/2023

20

Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn

Nghiên cứu để đưa ra mô hình hoạt động xổ số phù hợp họp đối với khu vực miền Bắc. Có những biện pháp để truy quét tệ nạn số đề nhằm lành mạnh hóa thị trường xổ số, để người dân nhiệt tình hưởng ứng mua vé xổ số “ích nước - lại nhà”

Bộ Tài chính, Bộ Công an

Công văn số 464/BC-UBND ngày 13/9/2023

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Thông báo 402/TB-VPCP năm 2023 kết luận của Thường trực Chính phủ tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước trên phạm vi toàn quốc về giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu: 402/TB-VPCP
Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
Người ký: Mai Thị Thu Vân
Ngày ban hành: 03/10/2023
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [13]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Thông báo 402/TB-VPCP năm 2023 kết luận của Thường trực Chính phủ tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước trên phạm vi toàn quốc về giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển do Văn phòng Chính phủ ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [6]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…