Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 568/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 04 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ ĐẢO VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (Khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020;
Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại tờ trình số 9639/TTr-BKH ngày 16 tháng 12 năm 2009 và công văn số 883/BKH-CLPT ngày 05 tháng 02 năm 2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững về kinh tế của hệ thống các đảo để có bước đột phá về phát triển kinh tế biển, đảo và ven biển của nước ta, đồng thời xây dựng hệ thống đảo trở thành tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia các vùng biển, đảo của Tổ quốc, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

2. Tập trung xây dựng một số đảo có vị trí, điều kiện tự nhiên thuận lợi và nhiều tiềm năng, tạo sự bứt phá cho kinh tế biển, đảo, góp phần phát triển kinh tế cả nước, đồng thời làm đầu mối quan trọng để gắn kết kinh tế đảo với kinh tế biển, ven biển và vùng nội địa và giao lưu kinh tế quốc tế.

3. Xây dựng về cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu (gồm cầu cảng, hệ thống giao thông, cấp điện, cấp nước, thông tin và hạ tầng xã hội …) trên các đảo, nhất là các đảo quan trọng, tạo điều kiện cần thiết để phát triển kinh tế, kết nối các đảo với đất liền và bảo vệ vững chắc vùng biển của Tổ quốc.

4. Tạo sự chuyển biến căn bản và vững chắc trong cơ cấu kinh tế đảo. Hình thành và phát triển một số ngành mũi nhọn phù hợp với lợi thế của vùng đảo như du lịch, dịch vụ biển, khai thác và nuôi trồng hải sản … để kinh tế đảo (theo giá trị gia tăng) đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 14 – 15%/năm thời kỳ 2010 – 2020, trong đó du lịch - dịch vụ tăng trên 20%/năm, nâng mức đóng góp của kinh tế đảo trong kinh tế cả nước từ 0,2% hiện nay lên khoảng 0,5% vào năm 2020.

II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2020

1. Xây dựng nhanh kết cấu hạ tầng để thu hút đầu tư

Tập trung xây dựng nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng trên các đảo, coi đây là khâu đột phá chính để thu hút đầu tư và khuyến khích dân ra định cư lâu dài trên các đảo, vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền vùng biển, đảo.

a) Về hạ tầng giao thông: phát triển đồng bộ hệ thống giao thông, chú trọng phát triển các công trình kết nối với đất liền và các tuyến giao thông chính, có tính quyết định đến phát triển của từng đảo. Ưu tiên xây dựng các công trình có tính lưỡng dụng, vừa phục vụ kinh tế - xã hội, vừa phục vụ quốc phòng an ninh.

Khẩn trương nâng cấp mở rộng các cảng chính để có thể tiếp nhận tàu trên dưới 1.000 tấn cho các đảo lớn, đông dân cư làm đầu mối kết nối đảo với đất liền, đồng thời xây dựng, nâng cấp bến cập tàu cho các đảo nhỏ, lẻ. Đối với một số đảo trọng điểm về du lịch như Côn Đảo, Phú Quốc … xây dựng cảng hành khách hiện đại có thể tiếp nhận tàu lớn, đáp ứng nhu cầu phát triển của đảo thời gian tới. Phát triển nhanh các phương tiện vận tải chất lượng cao, sớm đưa hệ thống vận tải hành khách bằng tàu cao tốc trên tất cả các tuyến vận tải giữa các huyện đảo với đất liền.

Tiếp tục nâng cấp hoàn chỉnh cảng hàng không Côn Sơn đạt cấp 3C theo tiêu chuẩn ICAO. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cảng hàng không quốc tế Dương Tơ tại Phú Quốc đạt cấp 4E, quy mô 3 triệu hành khách/năm, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của đảo. Sớm triển khai xây dựng cảng hàng không Vân Đồn đạt cấp 4C. Nghiên cứu xây dựng sân bay mini (hoặc bến thủy phi cơ) trên một số đảo khác có ưu thế về du lịch tạo điều kiện phát triển du lịch.

- Từng bước xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông trên các đảo. Nâng cấp hoàn chỉnh các tuyến đường xuyên đảo, đường vòng quanh đảo trên các đảo chính đạt cấp IV, V miền núi. Xây dựng một số đường mới cho các đảo còn thiếu để đến năm 2020 tất cả các huyện đảo, xã đảo và các đảo quan trọng khác về cơ bản đều có hệ thống đường giao thông hoàn chỉnh phục vụ phát triển kinh tế và quốc phòng an ninh. Phát triển hiện đại hệ thống đường nội thị ở trung tâm các đảo lớn có ưu thế về du lịch như Vân Đồn, Cát Bà, Côn Đảo, Phú Quốc …. Tiếp tục nâng cấp và xây dựng mới các tuyến đường nhánh, đường nối khu vực trung tâm các đảo đến các khu du lịch, các cụm kinh tế, cụm dân cư …

b) Về cấp điện: phát triển hệ thống cấp điện cho các đảo cả về nguồn điện và mạng lưới truyền dẫn. Phát triển nhanh, rộng rãi các nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch (năng lượng gió, mặt trời, thủy triều, biogaz …), nhất là ở các khu vực xa trung tâm, các xã đảo độc lập và các đảo lẻ khác …. Phấn đấu đến năm 2020, 100% dân cư các huyện đảo, xã đảo được sử dụng điện.

Trước mắt đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình đầu tư điện cho các đảo xa bờ. Triển khai xây dựng nhà máy nhiệt điện đốt than quy mô khoảng 6 MW cho đảo Cô Tô. Nâng cấp mở rộng và xây dựng mới một số trạm diezel với tổng công suất từ 5 – 10 MW đến vài chục MW cho các đảo tương đối lớn, đông dân cư (Phú Quốc, Côn Đảo, Lý Sơn, Phú Quý …) và từ vài trăm KW đến 1 – 2 MW cho các đảo nhỏ, ít dân cư như Cồn Cỏ, Bạch Long Vỹ, Cù Lao Chàm và các đảo khác … để có đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt của dân cư và bảo đảm quốc phòng an ninh. Xây dựng đồng bộ mạng lưới truyền tải điện từ trung tâm đến các xã, các hộ tiêu thụ. Ưu tiên xây dựng mạng lưới cấp điện đồng bộ cho các khu vực trung tâm đảo và các khu du lịch, dịch vụ bảo đảm cấp điện ổn định, chất lượng cao. Triển khai xây dựng tuyến cáp ngầm đưa điện từ đất liền ra Phú Quốc đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của đảo trong thời gian tới.

c) Về cấp, thoát nước: tiếp tục nâng cấp, xây dựng mới hồ chứa cho các đảo lớn, đông dân hoặc có vị trí quan trọng như Cô Tô, Vĩnh Thực, Vân Đồn, Cái Chiên, Cát Hải, Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Hòn Mê, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Nhơn Châu, Phú Quý, Côn Đảo, Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Tre, Phú Quốc …. Đẩy mạnh điều tra trữ lượng nước dưới đất của một số đảo lớn để có kế hoạch khai thác, đồng thời nghiên cứu các biện pháp trữ nước mưa kết hợp khai thác nước dưới đất ở các đảo, nhất là tại các đảo nhỏ. Áp dụng công nghệ ngọt hóa nước biển cho một số đảo có vị trí quan trọng, điều kiện khó khăn đảm bảo có đủ nước cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh.

Xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước và xử lý nước thải cho các khu vực trung tâm đảo, các khu vực tập trung công nghiệp, các khu dịch vụ hậu cần nghề cá và các khu du lịch trọng điểm trên các đảo.

d) Về hạ tầng thông tin – truyền thông: phát triển cơ sở hạ tầng thông tin – truyền thông trên các đảo với công nghệ hiện đại, có độ bao phủ rộng, tốc độ nhanh. Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông trên các đảo có dân sinh sống gồm: các tổng đài cố định, hệ thống truy cập Internet và các trạm truy cập vệ tinh nhằm bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt trong mọi điều kiện thời tiết. Đối với các đảo đông dân, xây dựng các tuyến viba có dung lượng lớn hoặc cáp quang biển; đối với các đảo xa đất liền sử dụng thông tin vệ tinh. Mở rộng vùng phủ sóng phát thanh truyền hình phục vụ thông tin biển, đảo. Phấn đấu đến năm 2015, hầu hết các đảo có dân sinh sống được phủ sóng di động và được cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông và Internet, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng an ninh và phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn …

2. Tập trung phát triển một số ngành chủ lực, có lợi thế

a) Phát triển ngành hải sản

Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu sản xuất hợp lý, phát triển mạnh khai thác xa bờ, nuôi biển và dịch vụ nghề cá, trên cơ sở từng bước được hiện đại hóa, phấn đấu trở thành ngành sản xuất hàng hóa, có năng suất và hiệu quả cao. Đến năm 2020 tổng sản lượng hải sản của vùng đảo đạt 300 – 350 ngàn tấn, trong đó khai thác 280 – 300 ngàn tấn; giá trị sản xuất ngành hải sản đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 7 – 8%/năm thời kỳ 2011 – 2020.

Chuyển hướng mạnh mẽ cơ cấu sản xuất từ nghề cá gần bờ, ven đảo sang nghề cá xa bờ, gắn với bảo vệ và tái tạo nguồn lợi. Tăng cường năng lực khai thác xa bờ cho các đảo có điều kiện thuận lợi như Cát Bà, Lý Sơn, Phú Quý, Thổ Chu, Phú Quốc và một số đảo khu vực Trường Sa …. Phát triển các đội tàu công suất lớn, trang bị hiện đại để vươn ra khai thác các vùng biển khơi, kết hợp bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác ở khu vực gần bờ, ven các đảo; đồng thời giảm mạnh số phương tiện và sản lượng đánh bắt ven đảo chuyển sang các ngành nghề khác như khai thác xa bờ, nuôi trồng hải sản, dịch vụ du lịch, … để bảo vệ nguồn lợi và ổn định đời sống của ngư dân.

Khai thác tối đa các loại hình mặt nước biển ven đảo của các đảo có điều kiện tự nhiên thuận lợi ở khu vực Quảng Ninh – Hải Phòng, Phú Yên – Khánh Hòa và Kiên Giang … vào nuôi trồng hải sản. Tập trung phát triển nuôi hải sản vùng triều và nuôi biển, trong đó lấy nuôi biển làm mũi nhọn. Ưu tiên phát triển các mô hình nuôi sinh thái, thân thiện với môi trường bảo đảm phát triển bền vững. Xây dựng các vùng nuôi hải sản tập trung theo hướng hiện đại, năng suất cao ở các đảo có điều kiện thuận lợi, tạo khối lượng hàng hóa lớn phục vụ xuất khẩu và phục vụ du lịch như các nghề nuôi tôm hùm, nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ bằng giàn treo và các đặc sản khác… Khuyến khích và hỗ trợ nhân dân trên các đảo phát triển nuôi cá biển theo hình thức ô lồng nhỏ. Đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, gắn với công nghiệp chế biến xuất khẩu.

Xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng nghề cá trên các đảo: cảng cá, bến cá, khu dịch vụ hậu cần nghề cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền và hạ tầng nuôi trồng hải sản … đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, đồng thời bảo đảm an toàn cho tàu thuyền và ngư dân.

b) Phát triển ngành du lịch

Phát triển nhanh và bền vững du lịch vùng đảo trong sự gắn kết với các trung tâm đô thị, các khu du lịch lớn ven biển, sớm đưa du lịch đảo thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Coi phát triển du lịch là hướng trọng điểm, mang tính đột phá trong phát triển kinh tế đảo trong những năm tới.

Tập trung xây dựng một số trung tâm du lịch, vui chơi giải trí lớn và hiện đại trên một số đảo lớn, có giá trị quốc gia và quốc tế (Vân Đồn, Cô Tô, Cát Bà, Côn Đảo, Phú Quốc...). Trước mắt, phát triển nhanh du lịch ở Phú Quốc và Vân Đồn, sớm hình thành 2 khu du lịch sinh thái biển đảo lớn, chất lượng cao tầm cỡ khu vực và thế giới tạo sự bứt phá cho du lịch biển, đảo nói riêng và du lịch cả nước nói chung. Phát triển đa dạng các loại hình du lịch, thể thao, vui chơi giải trí cả trên biển, trên các đảo và kết nối với đất liền, tạo ra những sản phẩm du lịch có uy tín cao trên thị trường trong nước và khu vực. Chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch cao cấp, đặc trưng của vùng đảo như lặn biển, câu cá cảnh, du thuyền có đáy kính để ngắm san hô … gắn với các khu đảo tồn biển, đảo.

Tiếp tục nâng cấp hiện đại hóa các khu du lịch Cát Bà, Côn Đảo, phát triển du lịch ở một số đảo khác như Vĩnh Thực, Quan Lạn, Ngọc Vừng, Hòn Mê, Hòn Ngư, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Xuân Đài, một số đảo khu vực ven biển miền Trung và bán đảo Hà Tiên... để tổ chức các tuyến du lịch kết nối đảo với các trung tâm du lịch lớn ven biển và với các nước trong khu vực. Nghiên cứu tổ chức các tuyến du lịch quốc gia và quốc tế ra Trường Sa, đồng thời xây dựng khu bảo tồn biển để từng bước khai thác tiềm năng còn rất lớn của quần đảo này.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước đầu tư xây dựng và hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ du lịch, nhất là các khu vui chơi giải trí tổng hợp, chất lượng cao và các khách sạn hiện đại … trên các đảo trọng điểm về du lịch. Tổ chức các đội tàu cao tốc từ đất liền ra đảo, đồng thời nghiên cứu xây dựng sân bay du lịch hoặc bến thủy phi cơ cho một số đảo trọng điểm có điều kiện để thu hút khách. Phấn đấu đến năm 2020 du lịch vùng đảo thu hút khoảng 2,7 – 2,8 triệu lượt khách, trong đó có 700 – 850 ngàn lượt khách quốc tế; đạt tốc độ tăng trưởng bình quân thời kỳ 2011 – 2020 khoảng 12,5%/năm, trong đó khách quốc tế tăng 18,6%/năm.

Gắn phát triển du lịch với bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, xây dựng hệ thống khu bảo tồn biển và bảo vệ môi trường biển, đảo. Tiếp tục đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử quan trọng trên các đảo, đặc biệt là ở Côn Đảo, Phú Quốc … để bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa, vừa là các điểm nhấn, vừa mang tính tuyên truyền giáo dục đối với khách tham quan du lịch. Đẩy mạnh công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cho các đảo, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch với tốc độ nhanh trong thời gian tới.

c) Phát triển các ngành dịch vụ

- Phát triển mạnh dịch vụ nghề cá để hỗ trợ, thúc đẩy nghề khai thác xa bờ. Xây dựng một số trung tâm dịch vụ nghề cá trên các đảo có điều kiện để đảm nhiệm chức năng dịch vụ hậu cần cho các tàu thuyền hoạt động khai thác trong từng khu vực. Trước mắt nâng cấp hoàn chỉnh các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá hiện có tại Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Phú Quý, Đá Tây (Trường Sa) …; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu dịch vụ hậu cần nghề cá phía Bắc Vịnh Bắc Bộ tại Cô Tô (Quảng Ninh), Trân Châu (Cát Bà); triển khai xây dựng một số dịch vụ hậu cần nghề cá tại Côn Đảo, Hòn Chuối, Thổ Chu, Phú Quốc … đảm nhiệm chức năng dịch vụ hậu cần cho các tàu thuyền hoạt động khai thác vùng biển Tây Nam Bộ. Củng cố và duy trì hoạt động có  hiệu quả của các chợ cá đầu mối trên một số đảo lớn, có điều kiện. Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ như cung ứng xăng dầu, ngư lưới cụ, nước đá, nước ngọt, lương thực – thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng, sửa chữa tàu thuyền, thu gom sản phẩm … đáp ứng yêu cầu sản xuất và sinh hoạt của tàu thuyền và ngư dân.

- Củng cố và nâng cao chất lượng vận tải biển. Kết hợp nâng cấp, xây dựng mới cảng biển với tăng cường phương tiện vận tải chất lượng cao cho các tuyến vận tải giữa đảo và đất liền. Trước mắt nâng cấp, mở rộng các cảng hiện có tại các đảo lớn, đông dân. Trang bị các phương tiện vận tải chất lượng cao, nhất là tàu khách cao tốc cho các đảo trọng điểm như Cô Tô, Cát Bà, Cù Lao Chàm, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc …. Mở thêm các tuyến vận chuyển hành khách bằng tàu cao tốc giữa các đảo có ưu thế về du lịch với các đảo khác và các trung tâm đô thị, du lịch ven biển để gắn kết vùng đảo với đất liền và thu hút khách du lịch.

- Đẩy mạnh các dịch vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, bảo đảm an toàn cho người và các phương tiện hoạt động trên biển. Đầu tư xây dựng một số Trung tâm tìm kiếm cứu nạn cấp vùng tại các đảo có vị trí quan trọng như Cô Tô, Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Thổ Chu, Phú Quốc, Trường Sa … và các trạm phối hợp tìm kiếm cứu nạn thuộc các lực lượng vũ trang trên các đảo, đáp ứng yêu cầu của công tác tìm kiếm cứu nạn, ứng phó kịp thời, tại chỗ trên các đảo và trên các vùng biển khi có thiên tai xảy ra.

- Phát triển mạnh các ngành dịch vụ khác như thương mại, tài chính ngân hàng, thông tin – truyền thông và các dịch vụ xã hội … trên các đảo theo hướng đa dạng hóa thành phần kinh tế, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của kinh tế đảo trong thời gian tới.

3. Phát triển các ngành kinh tế khác

a) Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

Tranh thủ tối đa các điều kiện và khả năng có thể của từng đảo để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Tập trung phát triển các ngành phục vụ trực tiếp sản xuất và đời sống của dân cư trên đảo như sản xuất điện, nước ngọt, chế biến và sơ chế hải sản, cơ khí sửa chữa tàu thuyền, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch …. Ưu tiên phát triển các ngành ít gây ô nhiễm môi trường và không sử dụng nhiều nước ngọt.

Tận dụng nguồn nguyên liệu thủy sản, nhất là các đảo có trung tâm dịch vụ nghề cá để phát triển sơ chế và chế biến hải sản. Nâng cấp hiện đại hóa các cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản để sơ chế các sản phẩm đặc sản có giá trị cao, cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở chế biến xuất khẩu trong đất liền. Khôi phục và phát triển các sản phẩm chế biến đã có thương hiệu của một số đảo như: nước mắm cá cơm Phú Quốc, nước mắm Cái Bầu, Cát Hải ... Xây dựng một số cơ sở mới với công nghệ tiên tiến, chất lượng cao để cung cấp sản phẩm thủy sản cho thị trường trong nước và xuất khẩu như: chế biến tôm, cá, nhuyễn thể, mực khô và đặc sản khác … để nâng cao giá trị sản phẩm và giải quyết lao động tại chỗ.

Nâng cấp các cơ sở đóng và sửa chữa tàu thuyền hiện có tại Vân Đồn, Cát Bà, Phú Quý, Phú Quốc …. Xây dựng một số cơ sở mới với quy mô phù hợp tại Cô Tô, Lý Sơn, Hòn Tre, Hòn Chuối và một số đảo khác … gắn với các Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá nhằm đáp ứng một phần nhu cầu đóng mới và sửa chữa tàu cá các loại hoạt động trong khu vực. Phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp khác, nhất là các nghề thủ công mỹ nghệ, sản xuất đồ lưu niệm từ các sản phẩm biển phục vụ khách du lịch.

b) Phát triển nông, lâm nghiệp

Phát triển nền nông nghiệp sinh thái, bền vững. Chuyển diện tích cây lương thực nâng suất thấp sang trồng cây ăn quả, cây thực phẩm, rau, hoa … Từ nay đến năm 2020 duy trì diện tích gieo trồng lúa khoảng 1.300 ha (chủ yếu ở Cô Tô, Vân Đồn) để đáp ứng một phần nhu cầu tại chỗ, từng bước thu hẹp dần để phát triển du lịch, dịch vụ. Ưu tiên phát triển các mô hình trang trại, vườn đồi  … tại các đảo tương đối lớn, có điều kiện, từng bước hình thành các vườn cây ăn quả sinh thái có năng suất cao và cảnh quan đẹp, kết hợp tham quan du lịch. Đẩy mạnh trồng rau đậu thực phẩm phù hợp với điều kiện của từng đảo, nhất là các đảo lớn đông dân cư. Khuyến khích trồng rau sạch, rau an toàn và trồng hoa, cây cảnh tại các đảo trọng điểm về du lịch như Vân Đồn, Cát Bà, Côn Đảo, Phú Quốc …. Phát triển mạnh các cây đặc sản có ưu thế trên một số đảo như hành, tỏi xuất khẩu ở Lý Sơn, hồ tiêu ở Phú Quốc; khôi phục và phát triển trồng cam ở Thanh Lân …

Phát triển mạnh chăn nuôi cả về số lượng và chất lượng. Lấy chăn nuôi làm hướng phát triển chính trong sản xuất nông nghiệp của các đảo. Khôi phục và phát triển nhanh đàn trâu bò, chú trọng chăn nuôi bò thịt chất lượng cao gắn với kinh tế vườn đồi, vườn rừng …, đẩy mạnh chăn nuôi lợn và gia cầm. Phấn đấu đến năm 2020 tỷ trọng chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp của vùng đảo chiếm khoảng 45%. Phát triển nuôi dê, khỉ, ong mật … theo hình thức bán tự nhiên trên các đảo có điều kiện để xuất khẩu và phục vụ du lịch.

Khôi phục và phát triển rừng trên các đảo theo hướng kết hợp giữa mục tiêu phòng hộ với mục tiêu kinh tế và tham gia vào hoạt động du lịch. Lấy bảo vệ và phát triển rừng làm nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để tăng tỷ lệ che phủ của rừng lên trên 65% năm 2020, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước trên các đảo. Tiếp tục thực hiện Chương trình 661 để phát triển trồng rừng trên các đảo. Tập trung phát triển rừng phòng hộ, kết hợp trồng rừng sản xuất theo hướng thâm canh ở một số đảo có điều kiện như Thanh Lân, Vân Đồn, Cát Bà, Phú Quốc … để cung cấp gỗ cho nhu cầu tại chỗ. Quản lý chặt chẽ rừng đặc dụng tại các vườn Quốc gia, các khu bảo tồn, khu dự trữ sinh quyển hiện có (Ba Mùn, Cát Bà, Hòn Mun, Cù Lao Chàm, Côn Đảo, Phú Quốc …); xây dựng mới các khu bảo tồn khác kết hợp với tham quan du lịch và nghiên cứu khoa học.

4. Phát triển các lĩnh vực xã hội

a) Về giáo dục – đào tạo: duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập THCS đúng độ tuổi của các huyện đảo, từng bước thực hiện phổ cập THCS đến các xã đảo và phổ cập PTTH ở các khu vực thị trấn trung tâm đảo. Hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật và tăng cường trang thiết bị giảng dạy cho hệ thống trường học hiện có, đầu tư xây dựng thêm trường mới cho các xã đảo còn thiếu để đến năm 2020 mỗi huyện đảo có ít nhất 1 – 2 trường PTTH,  mỗi xã đảo đều có hệ thống trường hoàn chỉnh từ bậc mầm non đến THCS (hoặc phân hiệu PTCS cho các đảo độc lập); 100% trường học trên các đảo được kiên cố hóa, trong đó khoảng 40 – 50% số trường đạt chuẩn quốc gia.

Đẩy mạnh đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho các đảo. Đầu tư xây dựng trường Cao đẳng nghề tại Phú Quốc, trường Trung cấp nghề tại Cát Bà, Côn Đảo và Trung tâm kỹ thuật dạy nghề tổng hợp cho một số đảo lớn, đông dân khác. Liên kết chặt chẽ giữa đảo với các cơ sở đào tạo trong đất liền để đào tạo nghề cho con em vùng đảo. Phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo của hệ thống đảo đạt 40 – 45%.

b) Về y tế: từng bước hoàn thiện mạng lưới y tế trên các huyện đảo cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và cán bộ y tế … đạt tiêu chuẩn quy định. Đầu tư xây dựng một số bệnh viện, trang bị tương đối hiện đại tại các đảo đông dân, trọng điểm về du lịch, như Cái Bầu, Cát Bà, Côn Đảo, Phú Quốc … đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho dân cư và khách du lịch, kể cả khách quốc tế. Tăng cường cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ y tế cho mạng lưới y tế cơ sở trên các đảo. Có cơ chế chính sách ưu đãi thỏa đáng để thu hút cán bộ y tế, nhất là các cán bộ có trình độ ra công tác ngoài đảo. Kết hợp chặt chẽ mạng lưới y tế dân sự với các cơ sở y tế của quân đội trong việc khám chữa bệnh cho nhân dân.

c) Về các lĩnh vực xã hội khác: phát triển văn hóa, thể dục thể thao và các lĩnh vực xã hội khác để nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân vùng đảo. Quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ cho các huyện đảo, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và hoạt động văn hóa, thể thao của nhân dân.

5. Bảo vệ môi trường, phát triển bền vững

a) Đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường biển đảo theo phương châm lấy phòng ngừa và hạn chế là chính, kết hợp với xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên. Sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên vùng đảo. Lồng ghép kế hoạch bảo vệ môi trường vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các ngành và địa phương.

b) Quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác hải sản trong từng khu vực, đặc biệt là ở vùng triều và vùng nước nông ven các đảo; thực hiện quy định về mùa khai thác, mùa cấm khai thác, cũng như về số lượng tàu thuyền, loại nghề và sản lượng khai thác tối đa; hạn chế và giảm nhanh các phương tiện nhỏ đánh bắt ở khu vực ven các đảo. Xử lý nghiêm các hành động khai thác mang tính hủy diệt nguồn lợi. Tăng cường áp dụng các công nghệ tiên tiến, các mô hình nuôi sinh thái ít gây ô nhiễm môi trường vào nuôi trồng thủy sản. Xây dựng hệ thống các khu bảo tồn biển nhằm bảo vệ đa dạng sinh học và các hệ sinh thái, các loài thủy sinh … kết hợp phát triển du lịch.

c) Thiết lập và củng cố hệ thống rừng phòng hộ ổn định, bền vững trên các đảo, đồng thời quản lý chặt chẽ việc khai thác rừng, hạn chế chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên sang các mục đích khác; đẩy mạnh trồng rừng theo mô hình nông lâm kết hợp để giữ đất, giữ nguồn nước. Phát triển phong trào trồng rừng tại các khu du lịch, khu dân cư trong cộng đồng dân cư để bảo vệ môi trường các đảo ngày càng xanh, sạch, đẹp.

d) Quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh tế có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển, đảo ngay từ khi lập quy hoạch, kế hoạch đến khi xây dựng và đi vào hoạt động. Hạn chế phát triển các ngành công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm; ưu tiên đầu tư xây dựng các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường trên vùng đảo. Kiên quyết dừng các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm nặng môi trường; nghiêm cấm việc đổ đất lấn biển làm bồi lắng, hủy hoại môi trường biển và ven biển. Xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải và chất thải rắn tại trung tâm đảo, các khu du lịch, khu vực tập trung công nghiệp, khu dịch vụ hậu cần nghề cá …. Kiểm soát chặt chẽ việc xả thải của các tàu thuyền hoạt động trong khu vực nhằm bảo vệ môi trường.

đ) Chủ động xây dựng phương án phù hợp với từng đảo để ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu: tăng cường đầu tư nâng cấp hệ thống đê biển trên các đảo; nghiên cứu các phương án đảm bảo tính khoa học, đồng thời lựa chọn các địa điểm thích hợp … khi xây dựng các công trình kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh trên các đảo, nhất là các công trình quan trọng, có tính lâu dài để hạn chế thấp nhất tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và mưa, bão bất thường, không theo quy luật …

e) Tiếp tục tăng cường đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường biển, đảo: xây dựng hệ thống các trạm quan trắc môi trường, cảnh báo môi trường dọc ven biển và trên các đảo trọng điểm để sớm cảnh báo môi trường và có biện pháp xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra.

g) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho mọi tầng lớp dân cư trên các đảo, kể cả cho khách du lịch và ngư dân các địa phương khác hoạt động khai thác tại vùng biển quanh các đảo.

6. Định hướng về công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh

a) Huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, các lực lượng vũ trang và nhân dân trên các đảo trong việc bảo vệ biển, đảo, xây dựng lực lượng quốc phòng an ninh ngày càng vững mạnh. Phối hợp chặt chẽ các lực lượng vũ trang với nhân dân, hình thành thế trận quốc phòng toàn dân, kết hợp với thế trận an ninh nhân dân để giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

b) Xây dựng đồng bộ và từng bước hiện đại hóa các lực lượng quản lý, bảo vệ biển đảo (hải quân, không quân, biên phòng, công an, cảnh sát biển, các Quân khu ven biển …). Tăng cường đầu tư phương tiện và trang thiết bị cho các khu vực phòng thủ quan trọng trên các đảo, nhất là các đảo xa, bảo đảm tính cơ động, sẵn sàng chiến đấu cao và chủ động đối phó trong mọi tình huống. Nâng cấp và xây dựng mới, hiện đại các công trình quốc phòng trên các đảo trọng yếu, bảo đảm yêu cầu tác chiến nhanh trên biển. Xây dựng các đảo xa bờ như Bạch Long Vỹ, Cô Tô, Cát Bà, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc, Thổ Chu, Trường Sa … thành những “pháo đài tiền tiêu” để bảo vệ các vùng biển, đảo, đồng thời kết hợp phát triển kinh tế.

c) Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế đảo với củng cố quốc phòng an ninh: việc bố trí các công trình kinh tế và dân cư trên các đảo nhất thiết phải chú ý đến nhiệm vụ quốc phòng an ninh, sẵn sàng phối hợp, ứng cứu lẫn nhau trong các tình huống. Ngược lại các lực lượng vũ trang trên đảo, ngoài nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo cần đẩy mạnh phát triển sản xuất để sử dụng hiệu quả các phương tiện và cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có, đồng thời hỗ trợ và tạo điều kiện để các hoạt động kinh tế trên biển được thường xuyên, an toàn và hiệu quả.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN MỘT SỐ ĐẢO, CỤM ĐẢO TRỌNG ĐIỂM

1. Đối với các đảo trọng điểm về kinh tế

Tập trung xây dựng một số đảo trọng điểm về kinh tế, trước mắt là phát triển du lịch tạo sự bứt phá về phát triển kinh tế biển, đảo trong thời gian tới thành các đảo có tầm cỡ khu vực và quốc tế.

a) Đảo Phú Quốc (Kiên Giang):

Đầu tư phát triển nhanh đảo Phú Quốc để trở thành điểm nhấn của tam giác kinh tế ở phía Nam (Phú Quốc – Cà Mau – Hà Tiên). Trước mắt, xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng trên đảo, đồng thời thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng một số khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và vui chơi giải trí tổng hợp, hiện đại tầm cỡ khu vực và thế giới.

Phát triển đa dạng các loại hình du lịch thể thao giải trí cao cấp trên biển và trên đảo. Hình thành một số tuyến du lịch liên vùng, kết nối du lịch Phú Quốc với thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị, các khu du lịch lớn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Liên kết với các nước trong khu vực mở các tuyến du lịch quốc tế bằng đường không và đường biển từ các trung tâm đô thị và khu du lịch lớn trong khu vực đến Phú Quốc và ngược lại.

Phát triển nhanh các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ phục vụ du lịch như thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, hàng không, hàng hải và các dịch vụ cao cấp khác …, từng bước xây dựng Phú Quốc thành trung tâm thương mại, trung tâm tài chính lớn và hiện đại trong khu vực. Xây dựng một số khu thương mại hiện đại tại Dương Đông, Dương Tơ, An Thới. Phát triển dịch vụ Hội nghị, Hội thảo trong nước và quốc tế gắn với phát triển du lịch.

Phát triển sản xuất lâm, nông nghiệp theo hướng sinh thái, tạo cảnh quan phục vụ du lịch và đáp ứng một phần nhu cầu tại chỗ. Quản lý tốt vườn Quốc gia Phú Quốc, đồng thời phát triển trồng rừng trên đảo, xây dựng khu bảo tồn biển Phú Quốc – Thổ Chu … phục vụ du lịch. Giảm dần số tàu thuyền khai thác hải sản trong khu vực ven đảo, phát triển khai thác vùng biển khơi; ổn định nghề khai thác cá cơm, khai thác mực gắn với chế biến đặc sản của đảo. Phát triển nuôi cá biển, tôm hùm, đồi mồi, trai ngọc, cá cảnh … phục vụ trực tiếp khách tham quan du lịch và xuất khẩu.

Phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, đồ trang sức, đồ lưu niệm; nâng cấp các cơ sở cơ khí sửa chữa phục vụ vận tải thủy và chế biến hải sản, nhất là chế biến các loại đặc sản xuất khẩu …

Phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của đảo mà trọng tâm là du lịch, dịch vụ trình độ cao. Tập trung xây dựng trục đường chính Bắc – Nam xuyên đảo từ An Thới – Dương Đông – Bãi Thơm, đường vòng quanh đảo và các tuyến nhánh đến các điểm du lịch, khu đông dân cư. Xây dựng cảng tổng hợp An Thới quy mô 0,3 triệu tấn/năm, tiếp nhận tàu 1.000 – 3.000 DWT; bến hàng và bến tàu khách Vịnh Đầm tiếp nhận tàu 1.000 DWT; bến tàu khách du lịch quốc tế Mũi Đất Đỏ công suất 0.2 triệu hành khách/năm và một số bến tàu khách khác phục vụ du lịch. Xây dựng nhanh cảng hàng không quốc tế Dương Tơ đạt cấp 4E, quy mô 3 triệu hành khách/năm có thể tiếp nhận máy bay B777 hoặc tương đương, để sớm đưa vào hoạt động.

Phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khác như cấp điện, cấp, thoát nước, thông tin – truyền thông; xây dựng tuyến cáp ngầm Hòn Chông – Phú Quốc để đưa điện từ đất liền ra đảo; nâng cấp mở rộng các đô thị Dương Đông, An Thới, Cửa Cạn, Hàm Ninh, Gành Dầu; xây dựng đô thị mới Dương Tơ làm trung tâm thương mại, tài chính, văn hóa, du lịch … bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh trên đảo.

b) Cụm đảo Vân Đồn (Quảng Ninh):

Phát triển cụm đảo Vân Đồn thành hạt nhân của Vòng cung kinh tế quan trọng ở vùng biển Đông Bắc (Hạ Long – Vân Đồn – Hải Hà – Móng Cái) Tập trung phát triển nhanh du lịch trên các đảo với các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn, gắn kết với Hạ Long, Cát Bà, Móng Cái … từng bước hình thành trung tâm du lịch sinh thái biển – đảo lớn, chất lượng cao có giá trị quốc gia và quốc tế. Thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng một số khu vui chơi giải trí cao cấp tại đảo Cái Bầu và một số đảo như: Trà Bản, Ngọc Vừng – Thắng Lợi và Quan Lạn – Minh Châu …

Phát triển các ngành công nghiệp sạch, công nghiệp phục vụ du lịch và công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Xây dựng một số trung tâm thương mại lớn tại đảo Cái Rồng, đảo Đoàn Kết và các siêu thị tại các điểm du lịch, các điểm dân cư tập trung … Tổ chức lại sản xuất ngành hải sản theo hướng đẩy mạnh khai thác xa bờ và nuôi trồng hải sản trên biển, kết hợp tham quan du lịch. Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp sinh thái bền vững. Ưu tiên phát triển các loại cây thực phẩm, cây ăn quả có múi và hoa, cây cảnh theo mô hình trang trại, khu nông nghiệp công nghệ cao. Tăng cường bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh rừng trên các đảo để bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước. Xây dựng khu bảo tồn Vịnh Hạ Long – Bái Tử Long kết hợp với tham quan du lịch.

Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng trên các đảo. Xúc tiến nhanh các công việc chuẩn bị cần thiết để sớm xây dựng cảng hàng không Vân Đồn đạt cấp 4C, tiếp nhận máy bay A320/A321 hoặc tương đương. Nâng cấp cảng Vạn Hoa thành cảng tổng hợp với quy mô khoảng 1 triệu tấn/năm, tiếp nhận tàu 3.000 – 5.000 DWT phục vụ trực tiếp Khu kinh tế Vân Đồn. Nâng cấp và hoàn thiện bến cập tàu trên các đảo Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Bản Sen … phục vụ du lịch và đời sống của dân cư trên đảo. Xây dựng các tuyến giao thông chính trên đảo Cái Bầu; nâng cấp một số đường quan trọng trên các đảo Bản Sen, Quan Lạn, Ngọc Vừng … Hiện đại hóa hạ tầng thông tin truyền thông đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của cụm đảo.

2. Cụm đảo Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu):

Khai thác tối đa các nguồn lực, kết hợp với sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước và tài trợ của các tổ chức quốc tế để phát triển Côn Đảo thành khu kinh tế - du lịch và dịch vụ chất lượng cao. Đầu tư tôn tạo để phát huy giá trị các di tích lịch sử, cách mạng, kết hợp với du lịch sinh thái biển, đảo chất lượng cao để phát triển Côn Đảo thành một điểm du lịch tiêu biểu, đặc sắc, có giá trị văn hóa – lịch sử cao của Việt Nam và thế giới. Xây dựng các tuyến du lịch liên kết với các địa phương như Côn Đảo – Vũng Tàu, Côn Đảo – thành phố Hồ Chí Minh, Côn Đảo – Phú Quốc … nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Hạn chế phát triển công nghiệp ở Côn Đảo, chỉ phát triển một số ngành phục vụ trực tiếp nhu cầu của đảo như sản xuất điện, nước sạch, xử lý chất thải và một số sản phẩm thủ công phục vụ du lịch. Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái; giảm dần diện tích sản xuất nông nghiệp để dành đất cho phát triển du lịch, dịch vụ. Phát triển khai thác hải sản xa bờ, đồng thời phát triển mạnh nuôi trồng hải đặc sản ven đảo phục vụ du lịch. Quản lý, bảo vệ tốt vườn quốc gia Côn Đảo và xây dựng khu bảo tồn biển tại vùng biển của đảo.

Tiếp tục nâng cấp và xây mới các tuyến đường giao thông xuyên đảo, hệ thống đường nội thị tại khu vực trung tâm, Bến Đầm, Cỏ Ống và các tuyến kết nối đến các khu, điểm du lịch …. Nâng cấp cảng Bến Đầm thành cảng tổng hợp. Xây dựng một số cảng du lịch tại vịnh Côn Sơn, vịnh Ông Đụng. Phát triển tàu khách chất lượng cao trên các tuyến Côn Đảo – Vũng Tàu, Côn Đảo – Bạc Liêu hoặc đến một số tỉnh khác phục vụ phát triển du lịch của đảo. Nâng cấp hoàn chỉnh cảng hàng không Côn Sơn đạt cấp 3C, tiếp nhận máy bay ATR72, F70 hoặc tương đương; tăng số chuyến bay thành phố Hồ Chí Minh – Côn Đảo và phục hồi tuyến bay từ Vũng Tàu ra Côn Đảo đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch của đảo. Xây dựng hoàn chỉnh khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá và Trung tâm tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ của khu vực để đảm bảo an toàn cho ngư dân và tàu thuyền hoạt động trên biển.

Đầu tư xây dựng và nâng cấp, kiến cố hóa các công trình hạ tầng phục vụ quốc phòng an ninh, kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng an ninh, đáp ứng yêu cầu kiểm soát, bảo vệ vùng biển và thềm lục địa Đông Nam của Tổ quốc.

3. Các đảo phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng an ninh

a) Cụm đảo Cô Tô – Thanh Lân (Quảng Ninh):

Phát triển nhanh cụm đảo Cô Tô – Thanh Lân để sớm thoát khỏi tình trạng chậm phát triển hiện nay, từng bước trở thành một vùng đảo có kinh tế khá phát triển, đồng thời là căn cứ vững chắc để bảo vệ vùng biển, đảo Đông Bắc của Tổ quốc.

Phát triển ngành hải sản theo hướng đẩy mạnh khai thác xa bờ, nhất là khai thác ở vùng đánh cá chung theo Hiệp định nghề cá Vịnh Bắc Bộ. Giảm dần số phương tiện và sản lượng đánh bắt ở khu vực ven các đảo, chuyển sang các ngành nghề khác nhằm bảo vệ nguồn lợi. Đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản vùng triều và nuôi biển, trong đó trọng tâm là nuôi biển. Khuyến khích phát triển các nghề nuôi sá sùng, hải sâm, tu hài, ốc hương ở vùng triều quanh các đảo. Xây dựng một số vùng nuôi biển tập trung nhằm cung cấp khối lượng hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu và phục vụ du lịch. Khôi phục và phát triển nghề nuôi cấy ngọc trai truyền thống và có nhiều triển vọng phát triển ở Cô Tô, kết hợp với tham quan du lịch trên các đảo này.

Phát triển nhanh và bền vững du lịch trên vùng đảo với các sản phẩm đa dạng, từng bước xây dựng Cô Tô – Thanh Lân thành Khu du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng biển đảo chất lượng cao. Tổ chức các tuyến du lịch ra cụm đảo này gắn với Khu du lịch sinh thái biển đảo cao cấp Vân Đồn, quần thể du lịch ven biển Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái – Trà Cổ và các tuyến du lịch quốc tế bằng đường biển qua Vịnh Bắc Bộ.

Phát triển đa dạng các ngành dịch vụ du lịch, giải trí và dịch vụ nghề cá. Duy trì hoạt động có hiệu quả chợ cá trên biển tại đảo Thanh Lân; xây dựng nhanh trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá phía Bắc Vịnh Bắc Bộ tại Cô Tô tạo “điểm nhấn” quan trọng cho sự phát triển của cụm đảo trong thời gian tới. Phát triển mạnh dịch vụ vận tải, dịch vụ cứu nạn, cứu hộ và dịch vụ biển khác …

Tận dụng điều kiện tự nhiên và lợi thế của đảo để phát triển công nghiệp sạch, tiểu thủ công nghiệp, các ngành phục vụ trực tiếp nhu cầu của dân cư trên đảo (sản xuất điện, nước ngọt) và phục vụ thủy sản, du lịch; ưu tiên phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp phục vụ du lịch. Sớm triển khai xây dựng nhà máy nhiệt điện Cô Tô công suất khoảng 6 MW. Xây dựng một số cơ sở công nghiệp khác như sản xuất nước đá, chế biến hải sản xuất khẩu, sửa chữa tàu thuyền … gắn với Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc Vịnh Bắc Bộ.

Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, năng suất cao, đáp ứng một phần nhu cầu tiêu dùng tại chỗ của quân và dân trên các đảo. Khôi phục và phát triển trồng cam ở Thanh Lân; tăng cường khoanh nuôi rừng tái sinh kết hợp với phát triển trồng rừng mới để tăng tỷ lệ che phủ, bảo đảm chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước trên các đảo. Xây dựng các khu bảo tồn biển tại Cô Tô và đảo Trần, kết hợp phát triển du lịch.

Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình kết nối đảo với đất liền và các tuyến giao thông chính trên đảo. Nâng cấp mở rộng cảng Cô Tô để có thể tiếp nhận tàu 500 – 600 DWT. Nâng cấp và xây dựng hoàn chỉnh đường xuyên đảo Cô Tô, đường vòng quanh đảo Thanh Lân và đường xuyên đảo Trần vừa phục vụ phát triển kinh tế, vừa phục vụ quốc phòng an ninh. Xây dựng đồng bộ và từng bước hiện đại hóa cơ sở hạ tầng phục vụ quốc phòng an ninh và các lực lượng quản lý, bảo vệ biển đảo. Tăng cường năng lực cho các khu vực phòng thủ quan trọng, bảo đảm tính cơ động, sẵn sàng chiến đấu cao và chủ động đối phó trong mọi tình huống.

b) Cụm đảo Cát Bà – Cát Hải (Hải Phòng):

Phát triển cụm đảo Cát Bà – Cát Hải trong sự gắn kết với Khu kinh tế Bắc Hải Phòng và khu vực Đầm Nhà Mạc, từng bước xây dựng Cát Bà thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc gia và quốc tế, trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá của vùng Bắc Bộ, đồng thời là căn cứ vững chắc để bảo vệ chủ quyền quốc gia vùng biển đảo Đông Bắc Tổ quốc.

Tập trung phát triển du lịch với tốc độ nhanh, hiệu quả và bền vững. Ưu tiên phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp; hình thành các tuyến du lịch Cát Bà - Hạ Long, Cát Bà - Đồ Sơn và kết nối với các tuyến du lịch quốc tế bằng đường biển qua Vịnh Bắc Bộ. Hoàn thành Trung tâm thương mại hiện đại tại thị trấn Cát Bá. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá tại Trân Châu. Khai thác lợi thế gần cảng cửa ngõ Lạch Huyện để phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ cảng, dịch vụ hàng hải …

Tập trung đầu tư chiều sâu để nâng cao chất lượng chế biến hải sản ở Cát Hải, không mở rộng sản xuất công nghiệp ở đảo Cát Bà để bảo vệ môi trường và cảnh quan du lịch. Ưu tiên phát triển các ngành sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ … phục vụ khách du lịch. Đẩy mạnh bảo vệ và trồng mới rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển; bảo vệ nghiêm ngặt Vườn Quốc gia Cát Bà kết hợp với tham quan du lịch và nghiên cứu khoa học.

Xây dựng hoàn chỉnh và hiện đại các khu vực phòng thủ trên đảo, bảo đảm khả năng độc lập tác chiến cao trong các tình huống xảy ra. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng an ninh trong việc bố trí không gian phát triển các ngành kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là khai thác tài nguyên biển và hợp tác đầu tư với nước ngoài. Quan tâm xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân dân, bảo đảm môi trường xã hội ổn định và thuận lợi cho phát triển kinh tế.

c) Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi):

Phát huy mọi nguồn lực, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, kết hợp thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài để đẩy nhanh tiến độ phát triển kinh tế, trong đó trọng tâm là hải sản và du lịch. Tăng cường củng cố tiềm lực quốc phòng an ninh trên đảo, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị và chủ quyền quốc gia vùng biển đảo, tạo môi trường xã hội ổn định cho phát triển kinh tế.

Tập trung xây dựng và nâng cấp đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội trên đảo, tạo điều kiện cần thiết cho phát triển. Ưu tiên xây dựng các công trình hạ tầng quan trọng, đặc biệt là các dự án cấp điện, là lĩnh vực quan trọng hàng đầu để phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh trên đảo. Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền tại cồn An Vĩnh; nâng cấp cảng cá Lý Sơn; xây dựng cảng Bến Đình làm cảng hàng hóa có thể tiếp nhận tàu đến 500 – 600 CV. Triển khai xây dựng mới trục đường chính Đông – Tây, đường cơ động phía Bắc, phía Đông và phía Tây đảo kết hợp kè chắn sóng và kè xung quanh đảo Bé bảo đảm chống sạt lở có hiệu quả.

Đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, hình thành một số khu du lịch trọng điểm trên đảo. Xây dựng khu bảo tồn biển đảo Lý Sơn nhằm bảo vệ các nguồn tài nguyên thủy sinh của khu vực, kết hợp phát triển du lịch. Ưu tiên đầu tư trang bị các đội tàu cao tốc cho tuyến vận tải đảo – đất liền, tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho nhân dân.

d) Đảo Phú Quý (Bình Thuận):

Phát triển đảo Phú Quý là trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, cứu nạn, cứu hộ của khu vực Nam Trung Bộ là căn cứ tiền đồn vững chắc để bảo vệ vùng biển Nam Trung Bộ, đồng thời là điểm trung chuyển quan trọng giữa đất liền với quần đảo Trường Sa.

Phát triển các đội tàu công suất lớn (trên 300 CV), trang bị đồng bộ và từng bước hiện đại để vươn ra khai thác ngư trường xa bờ, đồng thời bảo đảm sự hoạt động thường xuyên trên Biển Đông, kết hợp với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá trên đảo phục vụ các tàu thuyền khai thác trong khu vực. Từng bước xây dựng đảo Phú Quý thành trung tâm khai thác, bảo quản, chế biến và đầu mối thương mại hải sản lớn của vùng Nam Trung Bộ và cả nước.

Tập trung phát triển công nghiệp sản xuất điện, nước và công nghiệp chế biến thủy sản, trong đó ưu tiên phát triển các trạm điện sử dụng năng lượng gió, năng lượng mặt trời … Mở rộng công suất trạm diezel hiện có, xây dựng thêm 3 trạm phát mới với tổng công suất 10.000 KW. Tăng quy mô khai thác và sản xuất nước sạch, trữ nước mưa, đồng thời nghiên cứu áp dụng công nghệ ngọt hóa nước biển phục vụ chế biến hải sản. Nâng cấp và hiện đại hóa các cơ sở chế biến hải sản xuất khẩu. Phát triển công nghiệp cơ khí sửa chữa tàu thuyền tại khu vực cảng Triều Dương và Tam Thanh theo hướng cơ giới hóa, hiện đại hóa, bảo đảm nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng các tàu cá lớn trong khu vực.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển du lịch trên đảo. Hình thành các điểm du lịch tại khu vực Nam Mũi Doi Dừa, Tây Hòn Tranh, Mộ Thầy, Lạch Dù, Bãi Phủ, Gành Hang …. Xây dựng khu bảo tồn biển đảo Phú Quý để bảo vệ hệ sinh thái biển và kết hợp phát triển du lịch. Liên kết mở các tuyến du lịch kết nối đảo với các khu du lịch của tỉnh Bình Thuận và các địa phương lân cận khác, nhất là thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang.

Phát triển đồng bộ hệ thống giao thông trên đảo, bảo đảm kết nối thuận tiện với bên ngoài. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng giai đoạn II cảng Triều Dương bảo đảm tiếp nhận tàu trên 1.000 tấn. Tiếp tục nâng cấp bến cá Long Hải kết hợp khu neo đậu tránh trú bão, có thể tiếp nhận nhiều tàu và tàu có công suất lớn. Nâng cấp và xây dựng các tuyến đường quan trọng như: đường trục Đông - Tây, đường quanh đảo, đường vành đai ven biển, các tuyến trục chính trung tâm và đường đến các cảng biển, các cụm kinh tế … Nghiên cứu xây dựng sân bay Phú Quý dành cho các loại máy bay hạng nhẹ … vừa phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ vừa phục vụ quốc phòng an ninh.

Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho lực lượng quốc phòng an ninh. Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các công trình phòng thủ trên đảo, nhất là các công trình trọng điểm. Xây dựng đồng bộ đáp ứng yêu cầu tiếp tế, trung chuyển cho quần đảo Trường Sa trong mọi tình huống.

4. Phát triển các đảo nhỏ khác

Các đảo nhỏ như: đảo Trần (Quảng Ninh), Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), Hòn Mê (Thanh Hóa), Cồn Cỏ (Quảng Trị), các đảo thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa), quần đảo Thổ Chu, quần đảo Hà Tiên (Kiên Giang) và nhiều đảo khác … ít hoặc không có dân sinh sống, nhưng có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng an ninh. Đối với các đảo này, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh để canh giữ và bảo vệ vững chắc các vùng biển đảo của Tổ quốc, đồng thời kết hợp phát triển một số ngành kinh tế có lợi thế và bảo tồn thiên nhiên tại các đảo.

Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên đảo theo hướng vững chắc, hiện đại để phục vụ quốc phòng an ninh. Trang bị các phương tiện hiện đại, tốc độ cao và các trang thiết bị, khí tài cho các lực lượng vũ trang trên các đảo đảm bảo đủ khả năng kiểm soát và bảo vệ toàn bộ vùng biển đảo của Tổ quốc, đồng thời hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động kinh tế trên biển.

Tiếp tục thực hiện mô hình “Xây dựng đảo thanh niên” từng bước đưa dân ra sinh sống ổn định tại các đảo vừa phát triển kinh tế vừa góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng. Triển khai xây dựng khu kinh tế - quốc phòng tại các khu vực quan trọng, trước hết xây dựng thí điểm ở một số đảo thuộc vùng biển Đông Bắc và quần đảo Trường Sa, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm nhân rộng ra các khu vực biển đảo khác.

Ưu tiên phát triển một số ngành có ưu thế của đảo, chủ yếu là du lịch và dịch vụ nghề cá. Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển du lịch sinh thái, gắn với xây dựng các khu bảo tồn biển, đảo. Nâng cấp và xây dựng mới các khu dịch vụ hậu cần nghề cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá … tại một số đảo gần các ngư trường lớn như Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Thổ Chu, Trường Sa …. Xây dựng Trung tâm tìm kiếm cứu nạn với trang bị đồng bộ trên các đảo quan trọng, đáp ứng yêu cầu của công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trong từng khu vực.

Tiếp tục thực hiện việc đưa dân ra các đảo sinh sống và phát triển sản xuất, nhất là các đảo chưa có dân, có vị trí quan trọng, vừa phát triển kinh tế vừa góp phần bảo vệ chủ quyền vùng biển. Trước mắt, tiến hành điều tra khảo sát cụ thể, xác định các điều kiện tự nhiên của từng đảo và cơ cấu ngành nghề hợp lý để có kế hoạch di dân ra định cư phát triển kinh tế đảo kết hợp bảo vệ quốc phòng an ninh và chủ quyền quốc gia các vùng biển đảo.

IV. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế chính sách về biển, đảo

Căn cứ Nghị quyết Hội Trung ương 4 (Khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (Khóa X) và các văn bản pháp lý liên quan, các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố có đảo tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về biển, đảo làm cơ sở cho việc quản lý, khai thác và bảo vệ các vùng biển đảo của Tổ quốc. Cụ thể là:

a) Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến biển, đảo để sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm bảo đảm phù hợp với Luật Biển quốc tế và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. Từng bước xây dựng hệ thống đồng bộ các luật và văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở cho việc quản lý, khai thác và bảo vệ biển đảo.

b) Nhanh chóng hoàn thiện việc đặt tên cho các đảo và xây dựng mô hình quản lý đảo phù hợp, tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý, bảo vệ đảo có hiệu quả.

c) Tiếp tục rà soát, bổ sung, cụ thể hóa các chính sách nhằm phát huy mọi nguồn lực để phát triển nhanh một số ngành có ưu thế của đảo, cụm đảo quan trọng, có vai trò động lực để thúc đẩy kinh tế đảo phát triển nhanh, đồng thời bảo đảm quốc phòng an ninh vùng biển, đảo của tổ quốc.

d) Bổ sung, xây dựng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ phát triển du lịch và phát triển phương tiện giao thông để kết nối các đảo với đất liền, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế đảo phát triển.

đ) Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút và khuyến khích mạnh mẽ kinh tế và nuôi trồng hải sản ở vùng biển xa bờ, vừa làm nhiệm vụ phát triển kinh tế vừa kết hợp bảo vệ quốc phòng an ninh.

e) Xây dựng và cụ thể hóa các cơ chế chính sách đặc thù riêng, phù hợp với vị trí, chức năng của từng đảo, cụm đảo. Đối với các đảo trọng điểm về phương thức kinh tế tiếp tục cụ thể hóa chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước để phát triển nhanh trong thời gian tới. Đối với các đảo có chức năng phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng an ninh, cần nghiên cứu áp dụng các chính sách khuyến khích, ưu đãi cao hơn chính sách đang thực hiện cho vùng đặc biệt khó khăn. Đối với các đảo nhỏ khác, ngoài những chính sách chung, cần có những chính sách đặc thù để tăng cường tiềm lực chính sách chung, cần có những chính sách đặc thù để tăng cường tiềm lực cho bảo đảm quốc phòng an ninh và thực hiện việc dân sự hóa các đảo.

2. Phát triển nguồn nhân lực

a) Phát triển hệ thống giáo dục chính quy từ giáo dục mầm nón đến trung học phổ thông. Đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề tại các trường phổ thông. Sớm hình thành hệ thống các cơ sở đào tạo, các Trung tâm dạy nghề trên các đảo để đào tạo nghề cho con em vùng đảo.

b) Tăng cường năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo, dạy nghề hiện có trên các đảo. Xây dựng cơ sở đào tạo, dạy nghề mới trên các đảo lớn, đông dân cư. Mở phân hiệu cao đẳng hoặc đại học trên một số đảo quan trọng (Vân Đồn, Phú Quốc …), đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các đảo.

c) Đẩy mạnh phối hợp, liên kết giữa các huyện đảo, xã đảo với các cơ sở đào tạo trong tỉnh, thành phố mà huyện đảo, xã đảo trực tiếp để mở rộng quy mô và hình thức đào tạo cho lực lượng lao động trên các đảo. Tổ chức các chương trình đào tạo từ xa cho vùng đảo, kể cả đào tạo cao đẳng, đại học.

d) Thường xuyên mở các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ cho người dân vùng đảo trong các lĩnh vực: sản xuất nông nghiệp; nuôi trồng thủy sản, bảo vệ tài nguyên, môi trường…. Tăng cường phổ biến các kiến thức về biển, về pháp luật và các phương pháp khai thác tiên tiến cho bà con ngư dân, kể cả ngư dân trên đảo và ngư dân của các địa phương khác hoạt động khai thác thường xuyên tại vùng biển quanh các đảo.

đ) Ban hành các chính sách ưu đãi đặc biệt về tiền lương, phụ cấp, về nhà ở và các chế độ đãi ngộ khác … để thu hút đội ngũ giáo viên trong đất liền ra công tác tại vùng đảo. Áp dụng chính sách cử tuyển và trợ cấp học phí cho con em vùng đảo đi học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học … trên đất liền để trở về công tác tại đảo.

e) Đẩy mạnh đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ, công chức các cấp cho các huyện đảo, xã đảo. Áp dụng chính sách luân chuyển cán bộ, hợp đồng lao động có thời hạn đối với các chuyên gia, các nhà quản lý ra công tác tại đảo.

3. Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật.

a) Thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước để các doanh nghiệp đầu tư cải tiến kỹ thuật và áp dụng công nghệ mới, công nghệ sạch vào sản xuất. Khuyến khích các thành phần kinh tế áp dụng công nghệ tiên tiến để giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu, điện năng, nước sạch … và bảo vệ môi trường biển, đảo.

b) Tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác, nuôi trồng, bảo quản, sơ chế và chế biến hải sản … Đưa nhanh các phương tiện vận tải có chất lượng cao vào hoạt động trên các tuyến vận tải giữa vùng đảo với đất liền. Áp dụng các công nghệ mới, vật liệu mới trong đóng mới và sửa chữa tàu thuyền nhằm sử dụng tiết kiệm nhiên liệu. Đẩy mạnh sử dụng năng lượng gió, năng lượng mặt trời, biogaz, năng lượng thủy triều … trên các đảo, nhất là trên các đảo lẻ và các khu vực xa trung tâm, xa nguồn cấp điện.

c) Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản và nghiên cứu khoa học, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực:

- Điều tra cơ bản về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, môi trường, điều kiện khí tượng thủy văn, điều kiện địa chất … của toàn bộ hệ thống đảo và một số đảo, cụm đảo quan trọng, xây dựng bộ dữ liệu cơ bản, đủ tin cậy phục vụ xây dựng các kế hoạch, chính sách lâu dài.

- Điều tra, đánh giá đầy đủ khả năng khai thác các nguồn lợi chính của các đảo, nhất là khả năng về đất đai, nguồn nước ngọt (kể cả nước dưới đất) để có kế hoạch khai thác phục vụ kinh tế, quốc phòng và tổ chức di dân ra đảo.

- Nghiên cứu áp dụng các công nghệ tiên tiến trong việc khai thác, sử dụng các nguồn năng lượng mới (năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sóng, thủy triều …), công nghệ ngọt hóa nước biển … trên các đảo.

4. Cơ chế huy động và sử dụng các nguồn vốn đầu tư

Sơ bộ dự tính tổng nhu cầu vốn đầu tư cho hệ thống đảo từ nay đến năm 2020 khoảng 162,5 ngàn tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2010 - 2015 cần khoảng 51,8 ngàn tỷ đồng.

Để đáp ứng nguồn vốn đầu tư phát triển cho các đảo từ nay đến năm 2020, cần có cơ chế huy động tích cực, khuyến khích mạnh mẽ nhằm thu hút mọi nguồn vốn có thể (cả trong và ngoài nước) dưới mọi hình thức.

a) Đối với nguồn vốn ngân sách (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) chiếm tỷ lệ khá lớn (gần 60%): trên cơ sở xác định rõ các chương trình, dự án lớn, có tính chiến lược, dài hạn của từng đảo, cụm đảo, cần có các chính sách đầu tư tập trung, có trọng điểm, coi trọng việc đầu tư vào các lĩnh vực, khu vực mang tính đột phá và cấp thiết, gắn phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng an ninh. Sử dụng có hiệu quả các nguồn hỗ trợ từ Trung ương, nhất là vốn của Chương trình Biển Đông – Hải đảo và các Chương trình mục tiêu của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết Hội nghị TW 4 (Khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Ưu tiên dành nguồn vốn ngân sách cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối các đảo với đất liền, các công trình cấp điện, cấp nước ngọt … tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào phát triển sản xuất kinh doanh trên các đảo. Lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án đang triển khai thực hiện trên vùng đảo để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Tiếp tục có chính sách về tín dụng ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân trên các đảo vay vốn ưu đãi đóng mới tàu thuyền lớn để phát triển nghề cá xa bờ, nuôi trồng hải sản và trang bị các phương tiện hiện đại, chất lượng cao phục vụ trên các tuyến vận tải chính kết nối các đảo với đất liền.

b) Đối với nguồn vốn ngoài ngân sách: xác định rõ các đảo, cụm đảo ưu tiên và các lĩnh vực ưu tiên để kêu gọi vốn đầu tư của mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước, nhất là các doanh nghiệp lớn (kể cả các Tập đoàn, các doanh nghiệp kinh tế của quân đội) đầu tư phát triển sản xuất trên vùng đảo. Áp dụng các chính sách ưu đãi như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu; miễn, giảm tiền thuê, tiền sử dụng đất, mặt nước; hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư … cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư trên vùng đảo. Tăng cường xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực du lịch, dịch vụ biển, nuôi trồng, chế biến hải sản…. Khuyến khích nhân dân trên các đảo đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Chú trọng phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong mọi lĩnh vực.

c) Đối với nguồn vốn nước ngoài: tăng cường nguồn vốn ODA cho đầu tư phát triển kinh tế hệ thống đảo. Các tỉnh, thành phố có đảo phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương để vận động nguồn vốn ODA, đồng thời chỉ đạo xây dựng các dự án cụ thể để kêu gọi nguồn hỗ trợ của các Tổ chức quốc tế, các Tổ chức phi chính phủ cho hệ thống đảo. Đổi mới cơ chế thu hút FDI, xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ tạo môi trường thuận lợi để thu hút nguồn vốn FDI vào phát triển kinh tế đảo. Điều chỉnh cơ cấu thu hút đầu tư FDI phù hợp với các lĩnh vực ưu tiên của từng đảo, cụm đảo. Khuyến khích và hỗ trợ các dự án lớn trên một số đảo như: dự án sân bay Vân Đồn, dự án Khu du lịch Phú Quốc, dự án sân golf Phú Quốc … cũng như các dự án đã được cấp giấy phép triển khai thuận lợi và có hiệu quả để kêu gọi các nhà đầu tư mới. Kết hợp nhiều hình thức liên doanh liên kết, kể cả hình thức 100% vốn nước ngoài đối với các dự án lớn, quan trọng như xây dựng sân bay, các khu du lịch, khu vui chơi giải trí cao cấp …. Mở rộng các hình thức đầu tư BOT, BT và các hình thức khác để thu hút nhiều nguồn vốn tập trung đầu tư phát triển các đảo trong thời gian ngắn.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư: chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan và các tỉnh, thành phố có đảo căn cứ quy hoạch này định hướng cho việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch và các dự án phát triển của các Bộ, ngành liên quan và các địa phương có đảo; lồng ghép các mục tiêu, định hướng và nhiệm vụ, giải pháp phát triển của quy hoạch này vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời kỳ 2011 – 2020 và các kế hoạch 5 năm, kế hoạch hàng năm để thực hiện; phối hợp với Bộ Tài chính để cân đối và huy động các nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế đảo.

2. Bộ Tài chính: chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt về tài chính (hỗ trợ vốn, miễn, giảm thuế, hỗ trợ tín dụng ưu đãi …) để thu hút đầu tư phát triển kinh tế đảo; phối hợp với Bộ, ngành liên quan cân đối, bố trí vốn hàng năm cho đầu tư phát triển kinh tế đảo.

3. Các Bộ, ngành liên quan khác: lồng ghép các mục tiêu, định hướng và nhiệm vụ, giải pháp phát triển của quy hoạch này vào Chương trình hành động của Bộ, ngành thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (Khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và quy hoạch, kế hoạch 5 năm của ngành trên phạm vi cả nước; xác định các dự án đầu tư trọng điểm trên các đảo từ nay đến năm 2020 và bố trí vốn trong các kế hoạch hàng năm để thực hiện; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các tỉnh, thành phố có đảo rà soát, bổ sung và xây dựng các chính sách khuyến khích, ưu đãi đặc thù (thuộc các lĩnh vực do ngành quản lý) cho phát triển kinh tế đảo; hướng dẫn, giúp đỡ các địa phương trong việc lập quy hoạch chi tiết cho một số đảo cụ thể; xác định các công trình trọng điểm trên các đảo, triển khai xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng trên một số đảo quan trọng và tiến hành quy hoạch một số đảo dành riêng cho nhiệm vụ quốc phòng an ninh.

4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đảo: lồng ghép các mục tiêu, định hướng và nhiệm vụ, giải pháp phát triển của quy hoạch này vào Chương trình hành động của tỉnh, thành phố thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (Khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 vào quy hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để thực hiện quy hoạch; rà soát, bổ sung quy hoạch tổng thể của các huyện đảo; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan lập quy hoạch chi tiết cho các đảo, cụm đảo quan trọng thuộc địa phận hành chính của địa phương phù hợp với quy hoạch này.

Định kỳ hàng năm các Bộ, ngành và địa phương tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy hoạch gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng,Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW ven biển;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTN (5b)

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Hoàng Trung Hải

 

THE PRIME MINISTER
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness
----------

No. 568/QD-TTg

Hanoi, April 28, 2010

 

DECISION

APPROVING THE MASTER PLAN ON DEVELOPMENT OF VIETNAM'S ISLAND ECONOMY THROUGH 2020

THE PRIME MINISTER

Pursuant to the December 25, 2001 Law on Organization of the Government;
Pursuant to the Government's Resolution No. 27/2007/NQ-CP'of May 30, 2007, promulgating its action program for materialization of the Resolution of the 4'1' plenum of the Party Central Committee (the X'1' Congress) on Vietnam's marine strategy through 2020;
At the proposal of the Ministry of Planning and Investment in Report No. 9639/TTr-BKH of December 16. 2009, and Official Utter No. 883/ BKH-CLPT of February 5, 2010,

DECIDES:

Article 1. To approve the master plan on development of Vietnam's island economy through 2020 with the following principal contents:

I. DEVELOPMENT OBJECTIVES

1. To economically develop the system of islands in a fast, efficient and sustainable manner in order to create breakthroughs in the development of Vietnam's marine, island and coastal economies and at the same time build the island system into a solid defense line for the protection of national sovereignty and sovereign rights over the sea areas and islands of the Fatherland, materializing the undertakings of the Party and the State on Vietnam's marine strategy through 2020.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. To substantially build the system of essential infrastructures (including piers and roads, power and water supply and communication systems and social infrastructure facilities...) on islands, particularly important ones, creating necessary conditions for economic development, connecting islands with the mainland and firmly defend the sea areas of the Fatherland.

4. To create basic and steady improvements in the structure of the island economy. To form and develop a number of spearhead industries suited to the advantages of islands such as tourism, marine services, fishing and marine culture so that the island economy will grow (in added value) at an average rate of 14-15%/ year during 2010-2020. of which tourism and services will grow over 20%/year. raising the island economy's contributions to the national economy from current 0.2% to around 0.5% by 2020.

II. DEVELOPMENT ORIENTATIONS TOWARDS 2020

1. To quickly build infrastructure for investment attraction

To concentrate on quickly building infrastructure systems on islands, considering this a major breakthrough to attract investment and encourage people to permanently settle down on islands for economic development and protection of security and sovereignty over Vietnam's sea areas and islands.

a/ Transport infrastructure: To synchronously develop transport systems, attaching importance to the development of works linking to the mainland and major transport routes, which are decisive to the development of each island. To prioritize the construction of dual-purpose works that serve both socio-economic development and defense and security.

To expeditiously upgrade and expand major ports capable of accommodating ships of around l000 tons for big and populous islands, which will play the key role in connecting islands with the mainland, and at the same time to build landing stages for small and separate islands. For a number of key tourist islands such as Con Dao and Phu Quoc. to build modern passenger ports capable of receiving big ships, meeting the development demands of islands in the coining period. To quickly develop high-quality means of transport, early commissioning high-speed passenger ships on all transport routes between island districts and the mainland.

To further upgrade Con Son airport to grade 3C under ICAO standards. To speed up the construction of Duong To international airport of grade 4E on Phu Quoc island with an annual capacity of 3 million passenger arrivals, meeting the fast development requirements of the island. To early start the construction of Van Don airport of grade 4C. To study the construction of mini-airfields (or seaplane wharves) on a number of other islands with tourist advantages, creating conditions for tourist development.

To incrementally build comprehensive transport systems on islands. To completely upgrade island-crossing and island-surrounding roads on major islands up to grade-lV or -V mountainous roads. To build a number of new roads on islands so that by 2020 all island districts, communes and other important islands will basically have comprehensive transport systems for economic development and defense and security. To develop systems of modern roads in the centers of such big islands with tourist advantages as Van Don. Cat Ba. Con Dao and Phu Quoc. To further upgrade and build byroads and roads linking the centers of islands to tourist resorts, economic clusters and population quarters.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

In the immediate future, to speed up the implementation of power investment programs for offshore islands. To proceed with the construction of a coal-fired thermo-electric power plant of around 6 MW on Co To island. To upgrade or build a number of diesel-fired power stations with a total capacity of 5-10 MW to dozens of MW for fairly big and populous islands (Phu Quoc. Con Dao. Ly Son. Phu Quy...) and of between several hundreds of kW and 1-2 MW for small and thinly populated islands such as Con Co. Bach Long Vy. Cu Lao Cham and others in order lo generate adequate electricity for production and daily-life activities of inhabitants and the maintenance of defense and security. To synchronously build power transmission networks from the centers to communes and households. To prioritize the construction of complete power supply networks for island centers, tourist resorts and service areas, ensuring stable high-quality power supply. To proceed with the construction of underground electric cable lines from the mainland to Phu Quoc. meeting the fast development requirements of the island in the coming period.

c/ Water supply and drainage: To further upgrade or build water reservoirs on islands which are big and populous or occupy an important position, such as Co To. Vinh Thuc. Van Don. Cai Chien, Cat Hai. Cat Ba. Bach Long Vy. Hon Me. Con Co. Cu Lao Cham. Ly Son. Nhon Chau. Phu Quy. Con Dao. Hon Khoai. Hon Chuoi. Hon Tre and Phu Quoc. To step up the survey of underground water deposits on a number of big islands for planned exploitation, and at the same time to study measures for rain water storage in combination with surface water exploitation on islands, particularly small islands. To apply technologies to produce fresh water from sea water on a number of islands occupying an important position and meeting with difficulties in adequate water supply for socio- economic development and defense and security maintenance.

To build synchronous water drainage and wastewater treatment systems in island centers, industrial zones, fishery logistic areas and key tourist resorts on islands.

d/ Information-communications infrastructure: To develop information-communications infrastructure facilities with modem technologies, wide coverage and high speed on islands. To focus on the construction of telecommunications infrastructure facilities on populated islands, including fixed switchboards. Internet access system and satellite access stations in order lo ensure non-interrupted communications under all weather conditions. For populous islands, to build large-capacity open-wire transmission lines or marine optical fiber cable lines: for distant islands, via-satellite communication will be used. To expand the radio and television coverage for sea and island communication. To strive for the target that by 2015. almost all inhabited islands will be covered by mobile phone waves and post, telecommunications and Internet services, meeting the requirements of economic development, defense and security maintenance and natural disaster prevention and fighting, search and rescue...

2. To concentrate on the development of key and advantageous industries

a/ Development of marine product production To further rationally restructure the production and strongly develop offshore fishing, mariculture and fishery services on the basis of incremental modernization, trying to make it a commodity production industry with high productivity and efficiency. By 2020. the total marine product output of islands will reach 3(X).000-350.(XX) tons, including 280.000-300.000 Ions of fished products. The marine product production value will grow by around 7-8%/yearduring 2011-2020.

To vigorously restructure the production from coastal to offshore fishing in association with resource protection and regeneration. To increase the offshore fishing capacity for islands with favorable conditions such as Cat Ba, Ly Son. Phu Quy. Tho Chu. Phu Quoc and a number of islands in the Truong Sa archipelago. To develop high-capacity and modernly equipped fishing fleets for fishing in high-sea areas in combination with the protection of national sovereignty at sea. To strictly manage coastal fishing activities; at the same time to strongly reduce the number of fishing vessels and the coastal fishing output by way of shifting to other occupations such as offshore fishing, aquaculture. tourist services... in order to protect resources and stabilize fishermen's life.

To maximally tap the coastal sea surface of islands with favorable natural conditions in Quang Ninh-Hai Phong. Phu Yen-Khanh Hoa and Kien Giang regions for mariculture. To concentrate on the development of marine animal rearing in tidal and sea areas, taking mariculture as the spearhead. To prioritize the development of environment-friendly biological mariculture models to ensure sustainable development. To build consolidated modern and high-productivity mariculture zones on islands with favorable conditions, turning out a great volume of commodities for export and tourism, such as lobsters, bi-valve mollusks reared on hung shelves and other specialties. To encourage and support islanders to develop sea fish rearing in small cages. To step up the attraction of domestic and foreign investment in industrial mariculture in association with export processing.

To synchronously build fishery infrastructure facilities on islands: fish ports, fish wharves, fishery logistic service zones, storm shelters for vessels and mariculture facilities, meeting the production development requirements while ensuring safety for vessels and fishermen.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

To quickly and sustainably develop island tourism in association with urban centers, big coastal tourist resorts, early making island tourism an economic spearhead. To regard tourist development as the key and breakthrough in the development of the island economy in the coming years.

To concentrate on the construction of major and modern tourist and entertainment centers on some big islands of national and international value (Van Don. Co To. Cat Ba. Con Dao, Phu Quoc...). In the immediate future, to quickly develop tourism in Phu Quoc and Van Don. early forming two big sea and island eco-tourism resorts of regional and international magnitude, creating a breakthrough for sea and island tourism in particular and national tourism in general. To diversify forms of tourism, sports, entertainment and recreation on the sea and islands in junction with the mainland, creating tourist products of high prestige on domestic and regional markets. To attach importance to the development of high-class and typical tourist products of islands, such as sea diving, ornamental fish fishing and coral watching on glass-bottom boats in association with marine and island conservation zones.

To continue upgrading and modernizing tourist zones of Cat Ba and Con Dao. and develop tourism on other islands such as Vinh Thuc. Quan Lan. Ngoc Vung. Hon Me. Hon Ngu, Cu Lao Cham. Ly Son. Xuan Dai. some coastal islands in Central Vietnam and Ha Tien peninsula... in order to organize tourist routes linking islands with major coastal tourist resorts and regional countries. To study the organization of national and international tourist routes to Truong Sa while building marine conservation zones in order to step by step tap the huge potential of this archipelago.

To step up the attraction of domestic and foreign investment in the construction and completion of essential infrastructure facilities serving tourism, particularly general high-quality entertainment and recreation zones and modem hotels, on key tourist islands. To organize high-speed fleets from the mainland to islands while studying the construction of tourist airports or seaplane wharves on a number of key islands with conditions to attract tourists. To strive for the target that by 2020. island tourism will attract about 2.7-2.8 million tourist arri\als. including 700.000-850.000 international tourist arrivals, achieving an annual average growth rale of 12.5% during 2011-2020. including an annual growth rate of 18.6% for international tourist arrivals.

To associate tourist development with the protection of cultural and historical relics, building a system of sea conservation and marine and island environmental protection zones. To further renovate important historical relics on islands, especially Con Dao and Phu Quoc. in order to preserve and promote the value of historical and cultural relics as prominent points and places for propaganda and education purposes. To step up the training and development of high-quality human resources for islands, meeting the requirements of fast tourist development in the coming period.

c/ Development of services

- To strongly develop fishery services in order to support and boost offshore fishing. To build a number of fishery service centers on islands with conditions to provide logistics services for fishing vessels operating in each zone. In the immediate future, to completely upgrade existing fishery logistics service centers on Bach Long Vy. Con Co, Ly Son. Phu Quy and Da Tay (Truong Sa): to speed up the construction of fishery logistics service zones north of the Tonkin Gulf on Co To (Quang Ninh) and Iran Chau (Cat Ba); to proceed witli the construction of fishery logistics service zones on Con Dao. Hon Chuoi. Tho Chu and Phu Quoc. providing logistics services for fishing vessels operating in western sea areas of southern Vietnam. To consolidate and maintain the efficient operation of fish wholesale markets on a number of big islands with conditions. To diversify services such as supply of petrol and oil. fishing gears, ice. freshwater, food and foodstuffs, consumer goods, ship repair, product purchase, meeting production and daily-life demands of vessels and fishermen.

- To consolidate and qualitatively improve ocean shipping. To combine the upgrading and construction of seaports with the increase of high-quality means of transport for transport routes between islands and the mainland. In the immediate future, to upgrade and expand the existing ports on major and populous islands. To provide high-quality means of transport, particularly high-speed passenger ships to such major islands as Co To. Cat Ba. Cu Lao Cham. Phu Quy. Con Dao and Phu Quoc. To additionally open passenger transport routes with high-speed ships between islands with tourist advantages and other islands as well as urban and tourist centers along the coastline for linking islands with the mainland and attracting tourists.

- To step up search, rescue and salvage services, ensuring safety for people and vessels operating on sea. To construct regional search and rescue centers on such important islands as Co To. Cat Ba. Bach Long Vy. Con Co. Ly Son. Phu Quy. Con Dao. Tho Chu. Phu Quoc and Truong Sa. and coordinated search and rescue stations of the armed forces on islands, meeting the search and rescue requirements, ensuring timely and on-spot response on islands and sea zones when natural disasters occur.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Development of other industries

a/ Industries, cottage industries and handicraft

To make the fullest use of each island's conditions and capabilities for the development of industries, cottage industries and handicraft. To concentrate on the development of industries that directly serve production and daily-life activities of islanders, such as generation of electricity, freshwater, processing of marine products, vessel repair and production of handicraft and fine-art articles for tourism. To prioritize the development of industries that cause less pollution and use less freshwater.

To make full use of fishery materials, particularly on islands where exist fishery service centers, for the development of marine product processing. To upgrade and modernize marine product processing establishments that will preliminarily process specialty products of high value and supply raw materials for export processing establishments in the mainland. To restore and develop processed products with known brands of a number of islands, such as Phu Quoc anchovy fish sauce. Cai Bau or Cat Hai fish sauce... To build a number of new establishments with advance and high-quality technologies in order to supply aquatic products for domestic and export markets, such as processed shrimps, fishes, mollusks, dried cuttle­fish and other specialties, with a view to raising the product value and employing local laborers.

To upgrade existing ship building and repairing establishments on Van Don. Cat Ba. Phu Quy, Phu Quoc... To build a number of new establishments of appropriate sizes on Co To. Ly Son. Hon Tre, Hon Chuoi and some other islands in association with fishery logistics service centers, aiming to partially meet the demands for building and repairing fishing ships operating in the region. To develop cottage industries and handicrafts, particularly fine-art handicrafts, producing souvenirs from marine products for tourists.

b/ Development of agriculture and forestry

To develop a sustainable eco-agriculture. To convert low-yield food crop areas for planting fruit trees, vegetables and flowers. From now to 2020. to maintain the rice acreage at around 1.300 ha (mainly on Co To and Van Don) to partly satisfy local needs, which will be incrementally narrowed down for tourism and service development. To prioritize the development of farm and hill garden models on fairly big islands with conditions, step by step form ecological orchards of high productivity and beautiful scene. in combination with sight-seeing tours. To step up the growing of vegetables, peas and beans suitable to the conditions of each island, particularly big and populous islands. To encourage the growing of organic and safe vegetables, flowers and ornamental plants on such key tourist islands as Van Don, Cat Ba, Con Dao and Phu Quoc. To strongly develop such specialty plants with advantages on a number of islands as onions and garlic on Ly Son. pepper on Phu Quoc: to restore and develop orange growing on Thanh Lan.

To quantitatively and qualitatively develop husbandry, taking it as the main development direction in agricultural production on islands. To restore and quickly develop cattle herds, attaching importance to raising high-quality beef cows in association with hill and forest gardens; to step up pig and poultry rearing. To strive for the target that by 2020. the share of husbandry in the agricultural production value in the island region will account for some 45%. To develop goat and monkey rearing and honey bee keeping by semi-natural mode on islands, when conditions permit, for export and tourism.

To restore and develop forests on islands in the direction of combining protection objectives with economic objectives and tourist activities. To consider forest protection and development as the primary important task so as to increase the forest coverage to over 65% by 2020. satisfying the requirements of protecting the environment and water sources on islands. To further implement Program 661 in order to develop forestation on islands. To concentrate on the development of protection forests in combination with the planting of production forests in the direction of intensive farming on islands with favorable conditions, such as Thanh Lan. Van Don, Cat Ba and Phu Quoc. in order to supply timber for local consumption. To strictly manage special-use forests in national parks, nature reserve zones, existing biosphere reserve zones (Ba Mun. Cat Ba. Hon Mun. Cu Lao Cham. Con Dao and Phu Quoc); to build other conservation zones in combination with sight­seeing tours and scientific research.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a/ Education and training: To maintain, consolidate and raise the quality of lower secondary education universalization for children of eligible age groups in island districts, to step by step universalize lower secondary education in island communes and universalize upper secondary education in island centers. To complete physical and technical foundations and increase teaching equipment for existing schools, to construct new schools in island communes where schools are inadequate so that by 2020 each island district will have at least 1- 2 upper secondary schools, each island commune will have a complete school system from pre-schools to lower secondary schools (or branches of lower secondary schools on independent islands); 100% of schools on islands will be permanently built, of which 40-50% will reach the national standards.

To further develop human resources for islands. To invest in building a professional training college on Phu Quoc. professional training intermediate schools on Cat Ba and Con Dao and general vocational training centers on other big and populous islands. To ensure close alignment between islands and training establishments in the mainland for vocational training for island children. To strive for the target that by 2020. the rate of trained laborers on islands will reach 40-45%.

b/ Healthcare: To step by step complete the healthcare networks in island districts in terms of material foundations, equipment and health workers up to prescribed standards. To build hospitals with fairly modern equipment on populous and major tourist islands such as Cai Bau. Cat Ba. Con Dao and Phu Quoc. satisfying the medical examination and treatment needs of inhabitants and tourists, including foreign tourists. To improve material foundations and increase health workers for grassroots healthcare networks on islands. To adopt incentive policies and mechanisms to attract health workers, particularly qualified ones, to work on islands. To closely combine civil healthcare networks with military medical establishments in providing medical examination and treatment for people.

c/ Other social affairs: To develop culture, physical training and sports as well as other social aspects in order to raise the spiritual life of islanders. To attach importance to making investment in building a synchronous system of cultural institutions for island districts, satisfying people's needs for cultural enjoyment and cultural and sports activities.

5. Environmental protection and sustainable development

a/ To step up the protection of the island environment on the guideline of taking prevention and restriction as the key. combined with treatment of pollution, redress of degenera­tion and improvement of the environment and conservation of the nature. To rationally and effi­ciently use natural resources on islands. To corporate environmental protection plans into sectoral and local socio-economic development plans.

b/ To strictly manage marine fishing activities in each area, especially in tidal areas and shallow areas around islands; to observe the regulations on fishing seasons and fishing ban seasons as well as the number of vessels, methods of fishing and maximum fishing outputs: to restrict and quickly reduce small vessels fishing around islands. To severely handle acts of destructive fishing. To enhance the application of advanced technologies and ecological rearing models causing less environmental pollution to aquaculture. To build sea conservation zones aiming to protect bio-diversity and the ecological system and aquatic species in combination with tourist development.

c/ To establish and consolidate stable and sustainable systems of protective forests on islands, at the same time to strictly manage forest exploitation, restricting the conversion of natural forest areas for other purposes: to step up afforestation after the agriculture- cum- forestry model in order to preserve land and water sources. To develop the movement of afforestation in tourist resorts and residential quarters among the population in order to protect the island environment to be green, clean and beautiful.

d/ To strictly manage economic activities threatening to cause pollution of the marine and island environment from the lime of planning to the time of construction and operation. To restrict the development of industries threatening to cause pollution: to prioritize investment in the construction of projects with advanced and clean technologies which are environmentally friendly on islands. To resolutely slop projects threatening to cause serious environmental pollution; to strictly prohibit the dumping of soil for sea encroachment, destroying the marine and coastal environment. To build wastewater and solid waste collection systems in island centers, tourist resorts, industrial /.ones and fishery logistics service zones. To strictly control the waste discharge by vessels operating in the region in order to protect the environment.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

f/ To further enhance investment in the protection of the marine and island environment: To build systems of environmental observation and warning stations along the coast and on major islands for early warning environmental incidents and taking timely measures to deal with such incidents.

g/ To step up public information and education for improving awareness about the protection of the environment and protection of aquatic resources for islanders, including tourists and fishermen from other localities operating around islands.

6. Orientation for defense and security maintenance

a/ To mobilize the aggregate strength of the political system, the armed forces and people on islands for the protection of the sea and islands and strengthening of defense and security forces. To ensure close cooperation between the armed forces and people, forming (he all-people defense posture in combination with people's security disposition to firmly maintain the political security, social order and safety, solidly defending sea areas and islands of the Fatherland.

b/ To synchronously build and incrementally modernize sea- and island-managing and -defending forces (navy, air force, border guard, public security, coast guard, coastal military regions...). To increase investment in vessels and equipment for important defense areas on islands. particularly distant islands, ensuring high mobility and combat readiness and actively coping with all circumstances. To build, upgrade and modernize defense works on major islands, meeting the requirements of quick combat at sea. To build such offshore islands as Bach Long Vy. Co To, Cat 13a. Con Co. Ly Son. Phu Quy. Con Dao. Phu Quoc, Tho Chu and Truong Sa into "outpost fortresses" to defend sea areas and islands in combination with economic development.

c/ To closely combine the development of the island economy with defense and security consolidation: Importance must be attached to defense and security tasks in the arrangement of economic and civil works on islands, which are ready for coordination and mutual support in all circumstances. Meanwhile, the armed forces on islands, in addition to their tasks of defending the sea and islands, should develop production through the efficient use of available vessels and material foundations, while supporting and creating conditions for regular, safe and efficient economic activities at sea.

III ORIENTATIONS FOR DEVELOPMENT OF IMPORTANT islands AND ISLAND GROUPS

1. Economically important islands

To concentrate on building a number of economically important islands, immediately developing tourism to create breakthroughs in the development of marine and island economies, turning them into islands of regional and international magnitude in the coming period.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

To quickly develop Phu Quoc island into a prominent point of the southern economic triangle (Phu Quoc-Ca Mau-Ha Tien). In the immediate future, to build synchronous infrastructure on the island, while attracting domestic and foreign enterprises to invest in the construction of high-grade eco-tourism resorts. modern resort and entertainment and recreation zones of regional and international magnitude.

To diversify forms of high-class entertainment and sports tourism on the sea and islands. To form some inter-regional tourist routes, linking Phu Quoc with Ho Chi Minn City as well as big urban centers and tourist resorts in the Mekong River delta region. To align with regional countries in opening international tourist routes by air and by sea between big urban centers and tourist resorts in the region and Phu Quoc.

To quickly develop services, particularly those related to tourism such as trade, financial, banking, insurance, telecommunications, air carriage, maritime and other high-class services, step by step building Phu Quoc into a big and modern commercial and financial center in the region. To build modern trade centers on Duong Dong. Duong To and An Thoi islands. To develop domestic and international conference or workshop services in association with tourist development.

To develop ecological forestry and agricultural production, creating scenic places for tourism and partly meeting local demands. To properly manage Phu Quoc national park, while developing afforestation on the island and building the Phu Quoc-Tho Chu sea conservation zone for tourism. To gradually reduce the number of vessels exploiting marine resources in areas around islands, developing high-sea fishing: to stabilize the fishing of long-jawed anchovy and cuttle fish in association of the processing of island specialties. To develop the rearing of marine fishes, lobsters, turtles, pearl oysters and ornamental fishes to directly serve tourism and export.

To develop cottage industries and handicrafts to produce consumer goods, jewels and souvenirs: to upgrade mechanical repairing establishments which will serve waterway transport and marine product processing, particularly the processing of specialties for export.

To develop infrastructure towards modernity, meeting the lequiremcnts of fast development of the island, with tourism and high-grade services as the key. To concentrate on building the north-south trunk road across the island from An Thoi to Duong Dong and Bai Thorn, an around-island road and its branches to tourist resorts and residential quarters. To build the general port of An Thoi with a handling capacity of 0.3 million tons/year, capable of receiving ships of 1.000-3.000 DWT; a landing wharf of Vinh Dam capable of receiving cargo and passenger ships of 1.000 DWT; a ship wharf of Mui Dat Do with a capacity of 0.2 million passengers/year and some other passenger ship wharves to serve tourism. To quickly build Duong To airport of grade 4E. with an annual capacity of 3 million passengers and capable of receiving B777 aircraft or the like, for early operation.

To synchronously develop other technical infrastructure works such as power supply, water supply and drainage, information and communications; to build the Hon Chong-Phu Quoc undersea cable line to transmit electricity from the mainland to the island: to upgrade and expand the urban centers of Duong Dong. An Thoi. Cua Can. Ham Ninh and Ganh Dan: to build the new urban center of Duong To into a commercial, financial, cultural and tourist hub meeting the socio-economic development and defense and security requirements of the island.

b/ Van Don island group (Quang Ninh):

To develop the Van Don island group into the core of the important economic arc in the northeastern sea area (Ha Long-Van Don-Hai Ha-Mong Cai). To concentrate on the fast development of island tourism with special and attractive tourist products, linking with Ha Long. Cat Ba and Mong Cai to incrementally form a major high-quality ecological sea- island tourism center of regional and international value. To attract domestic and foreign enterprises to invest in the construction of high-class entertainment zones on Cai Bau island and some others such as Tra Ban. Ngoc Vung-Thang Loi and Quan Lan-Minh Chau.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

To develop synchronous infrastructure systems on islands. To quickly proceed with necessary preparations for the construction of Van Don airport of grade 4C, capable of receiving A320/ A321 airplane or the like. To upgrade Van Hoa port into a general port capable of loading and unloading one million tons of cargo/year and receiving ships of 3.000-5,000 DWT to directly serve Van Don economic zone. To upgrade and complete landing wharves on Quan Lan. Minh Chau. Ngoc Vung and Ban Sen islands for tourism and islanders' daily life. To build main roads on Cai Bau island: to upgrade some important roads on Ban Sen. Quan Lan and Ngoc Vung islands. To modernize information-communications infrastructure facilities to meet the fast development requirements of the island group.

2. The Con Dao island group (Ba Ria-Vung Tau):

To maximally exploit resources in combination with state budget supports and international aid for the development of Con Dao into a high-quality economic-tourism- service zone. To renovate historical and revolutionary relics to promote their value, in combination with high-quality sea and island ecological tourism, making Con Dao a special and typical tourist spot of high cultural and historical values of Vietnam and the world. To establish tourist routes linking with other localities such as Vung Tau. Ho Chi Minh City and Phu Quoc. aiming to attract domestic and foreign tourists.

To restrict the industrial development on Con Dao, developing only some industries that directly serve local needs such as power, clean water, waste treatment and handicraft products for tourism. To develop eco-agricullure: to gradually reduce the agricultural production area to reserve land for tourism and serve development. To develop offshore fishing while boosting the rearing of specialty marine products around the islands for tourism. To properly manage and protect the Con Dao national park and build sea conservation zones in the islands" sea areas.

To further upgrade or build roads across the island, the systems of roads in central areas. Ben Dam, Co Ong and other routes leading to tourist resorts and spots. To upgrade Ben Dam port into a general port. To build tourist ports in Con Son and Ong Dung bays. To develop high-quality passenger ships on Con Dao-Vung Tau and Con Dao-Bac Lieu routes or running to some other provinces for tourism development of the islands. To completely upgrade Con Son airport to grade 3C. capable of receiving ATR72 and F70 aircraft or the like; to increase the number of Ho Chi Minn City-Con Dao flights and restore flights from Vung Tau to Con Dao. meeting the tourist development requirements of the islands. To completely build storm shelters for fishing vessels and a regional search, rescue and salvage center in order to ensure safety for fishermen and vessels operating at sea.

To invest in the construction and upgrading of infrastructure works to serve defense and security, closely combining economic development with defense and security maintenance, meeting the requirements of controlling and defending the southeastern sea zone and continental shelf of the Fatherland.

3. Islands with economic development in combination with defense and security

a/ The Co To-Thanh Lan island group (Quang Ninh):

To quickly develop Co To-Thanh Lan island group from the current underdevelopment state into a sea zone with fairly high economic development, serving as a solid base for the protection oi the northeastern sea zone and islands of the Fatherland.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

To quickly and sustainably develop tourism in the island region with diverse products, incrementally building Co To-Thanh Lan into a high-quality sea and island eco-tourist resort. To organize tours to this island group in association with the high-class sea and island ecological tourism resori of Van Don. the Ha Long- Van Don- Mong Cai-Tra Co coastal tourist island group and international tourist routes by sea through the Tonkin Gulf.

To diversify tourist, entertainment and fishery services. To maintain the efficient operation of the fish market on the sea near Thanh Lan island: to quickly build a fishery logistics service center north of the Tonkin Gulf on Co To. creating an important prominent point for the development of the island group in the coming period. To quickly develop shipping, rescue and salvage and other marine services.

To make lull use of natural conditions and advantages of the islands for the development of clean industries. cottage industries and handicrafts and those directly serving islanders' needs (electricity generation and freshwater production) and fishery and tourism: to prioritize the development of cottage industries and handicrafts for tourism. To early proceed with the construction of Co To thermo-electric power plant of around 6 MW. To build some other industrial establishments to produce ice. process export marine products and repair vessels in association with a fishery logistics service center north of the Tonkin Gulf.

To develop eco-agriculture with high productivity, partly satisfying local consumption needs of the army and inhabitants on the islands. To restore and develop the growing of orange trees on Thanh Lan; to enhance the zoning off for regeneration of forests in combination with afforestation in order to increase the forest coverage, ensuring the forests' functions of protecting the environment and water sources on the islands. To build sea conservation /.ones on Co To and Tran islands for tourist development.

To concentrate resources on the construction of infrastructure works, particularly works connecting the islands with the mainland and main roads on the islands. To upgrade and expand Co To port for accommodating ships of 500-600 DWT. To upgrade and completely build a road running across Co To island, a road around Thanh Lan island and a road running across Tran island for economic development and defense and security maintenance. To synchronously build and incrementally modernize defense and security infrastructure works and sea- and island-managing forces. To enhance the capabilities of important defense zones, ensuring high mobility and combat readiness as well as active response to any circumstances.

b/ The Cat Ba-Cat Hai island group (Hai Phong):

To develop the Cat Ba-Cat Hai island group in close association with northern Hai Phong economic zone and Dam Nha Mac area, step by step building Cat Ba into a regional and international eco-tourism center, a fishery logistics service center of northern Vietnam and also a solid base for defending national sovereignty over the northeastern sea and island region of the Fatherland.

To concentrate on developing tourism in a fast, efficient and sustainable manner. To prioritize the development of high-class ecotourism: to form tourist routes from Cat Ba to Ha Long and Do Son. linking with international tourist routes by sea across the Tonkin Gulf. To completely build a modem trade center in Cat Ba township. To speed up the construction of a fishery logistical service center in Tran Chau. To exploit its advantage of proximity to Lach Huyen gateway port in order to diversify forms of port and maritime services.

To concentrate on making in-depth investment to raise the quality of marine product processing in Cat Hai without expanding industrial production on Cat Ba island to protect the environment and tourist landscape. To prioritize the development of the production of fine-art handicraft articles for tourists. To step up the protection and planting of mangrove and protection forests; to strictly protect Cat Ba national park for sight-seeing tours and scientific research.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c/ Ly Son island (Quang Ngai):

To bring into play all resources, together with the central government's supports and domestic and foreign investments for fast economic development, with fishery and tourism as the core. To further consolidate I he defense and security potentialities on the island, firmly maintaining the political security and national sovereignty over the sea and islands, creating a stable social environment for economic development.

To concentrate on completely building and upgrading economic and social infrastructure facilities on the island, creating necessary conditions for development. To prioritize the construction of important infrastructure works, especially power supply projects as the primary important domain for socio-economic development and defense and security maintenance on the island. To complete the construction of a storm shelter for vessels at Can Vinh islet: to upgrade Ly Son fish port; to build Ben Dinh port into a cargo port capable of accommodating ships of up to 500-600 HP. To proceed with the construction of the East-West trunk road, mobility roads north, east and west of the island in combination with breakwater embankments and embankments around Be island for effective combat against landslides.

To increase investment in the construction of infrastructure for tourism, forming major tourist resorts on the island. To build Ly Son sea conservation zone for protecting aquatic resources in the region, in combination with tourist development. To prioritize investment in equipment for fleets of high-speed ships on island-mainland routes, facilitating people's movement.

d/ Phu Quy island (Binh Thuan):

To develop Phu Quy island into a fishery logistics service, rescue and salvage center of the southern Central Vietnam, an outward fortress for defending sea areas of southern Central Vietnam and an important transit location between the mainland and Truong Sa archipelago.

To develop fleets of ships of big capacity (over 300 horse powers), with synchronous and modern equipment so as to be able to fish in high-sea grounds and at the same time ensure regular operation on the East Sea. in combination with the protection of national sovereignty at sea. To completely build the system of fishery logistics services on the island to serve fishing vessels in the area. To incrementally build Phu Quy island into a big marine product fishing, preservation, processing and trading center of the southern Central Vietnam and the whole country.

To concentrate on developing electricity generation and freshwater production and aquatic-product- processing industries, prioritizing the development of wind- and solar-energy power stations. To expand the existing diesel-fired station and build three new power generation stations with a total capacity of 10.000 kW. To scale up clean water exploitation and production and rainwater storage while studying the application of new technologies to producing freshwater Irom sea water to serve marine product processing. To upgrade and modernize establishments that process marine products for export. To develop the ship repair industry in the areas of Trieu Duong and Tarn Thanh ports towards mechanization and modernization, meeting the demands for repair and maintenance of big fishing ships in the region.

To step up the attraction of investment in tourist development on the island. To form tourist spots in areas south of Doi Dua cape, west of Hon Tranh. Mo Thay. Lach Du. Bai Phu and Ganh Hang. To build a sea conservation zone of Phu Quy island for protecting marine ecological systems in combination with tourist development. To cooperate in opening tourist routes linking the island with tourist resorts of Binh Thuan province and nearby localities, particularly Ho Chi Minh City and Nha Trang.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

To enhance technical and material foundations for defense and security forces. To complete the construction of defense works on the island, particularly key works, to meet the requirements of supply and transit for Truong Sa archipelago in all circumstances.

4. Development of other small islands

Small islands include Tran island (Quang Ninh). Bach Long Vy (Hai Phong). Hon Me (Thanh Hoa). Con Co (Quang Tri). islands in Truong Sa archipelago (Khanh Hoa). Tho Chu archipelago. Ha Tien archipelago (Kien (Jiang) and many others, which are uninhabited or inhabited by few people but occupy especially important defense and security positions. For these islands, the primary important task is to enhance defense and security potential to watch over and firmly defend the sea and island areas of the Fatherland, in combination wilh the development of some advantageous industries and nature conservation on the islands.

To increase investment in the construction of permanent and modern infrastructure works on the islands for defense and security purposes. To supply the armed forces on the islands with modern and high-speed vessels as well as military equipment and instruments to enable them to control and defend the entire sea and islands of the Fatherland while actively supporting marine economic activities.

To further the model of "building youth islands", step by step sending people to settle down on the islands for economic development and contribution to defense and security maintenance. To proceed with the building of economic-defense zones in important areas, first of all experimentally on a number of islands in the northeastern sea area and Truong Sa archipelago, then drawing experience for building in other islands.

To prioritize the development of some advantageous industries on the island, mainly tourism and fishery services. To step up the attraction of investment in the development of eco-tourism in association with the building of sea and island conservation zones. To upgrade and build fishery logistics service zones and storm shelters for fishing vessels on some islands near big fishing grounds, such as Bach Long Vy. Con Co. Tho Chu and Truong Sa. To build search and rescue centers wilh complete equipment on important islands, meeting the requirements of search, rescue and salvage activities in each area.

To continue with sending people to the islands for settlement and production development, particularly uninhabited islands which occupy important positions, for economic development and contribution to the protection of sovereignty over sea areas. In the immediate future, to survey and investigate the natural conditions of each island and a rational structure of production and business lines in order to work out plans for migration of people to settle down on the islands for economic development in combination with defense and security maintenance and protection of national sovereignty over the sea and islands.

IV. IMPLEMENTATION SOLUTIONS

1. Perfection of the legal framework and mechanisms and policies on the sea and islands

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a/ To review legal documents related to sea and islands for amendment and supplementation, aiming lo ensure their conformity with the international law on the sea and treaties which Vietnam has signed or acceded to. To step by step build a complete system of laws and sub-laws for use as a basis for the management, exploitation and protection of the sea and islands.

b/ To quickly complete the naming of islands and build appropriate island administration models, creating legal grounds for the effective management and protection of islands.

c/ To further review, supplement and concretize policies with a view to bringing into play all resources for the fast development of some industries with island advantages, important island groups playing a motive role in boosting the fast development of the island economy while ensuring defense and security in sea and island areas of the Fatherland.

d/ To supplement and formulate policies to encourage and support various economic sectors to invest in the construction of infrastructure for socio-economic and tourist development and develop means of transport for linking islands with the mainland, creating favorable conditions for the island economy to develop.

e/ To further study and supplement peculiar mechanisms and policies to strongly attract and encourage people to settle down on islands, to encourage fishermen to fish and rear marine products in offshore areas, thus performing the tasks of economic development in combination with defense and security maintenance.

f/ To formulate and detail peculiar mechanisms and policies suitable to the position and function of each island or island group. For key islands in terms of economic development, to further concretize preferential policies and mechanisms to attract domestic and foreign investors for the fast development of these islands in the coming period. For islands functioning to combine economic development with defense and security maintenance, policies which are more preferential than those currently applied to regions meeting with exceptional difficulties should be studied and applied. For other small islands, in addition to common policies, peculiar policies should be applied to increasing their defense and security maintenance potential and practicing (he civil administration of islands.

2. Human resource development

a/ To develop the regular education system from preschool to upper secondary education. To step up vocational education and vocational training at general education schools. To early form a system of training establishments and vocational training centers on islands in order to provide vocational education for island children.

b/ To enhance the training capacity of existing training and vocational training institutions on islands. To build new training and vocational training institutions on big and populous islands. To open college or university branches on a number of important islands (Van Don. Phu Quoc....). meeting the demands for training of high-quality human resources for islands.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d/ To regularly open refresher courses to disseminate knowledge and experience and transfer technologies to islanders in agricultural production, aquaculture. natural resource and environmental protection. To enhance the popularization of knowledge on the sea. laws and advanced fishing methods to fishermen, including fishermen on islands and fishermen in other localities conducting regular fishing activities around islands.

e/ To promulgate policies on special preferences in wages, allowances, housing, and other preferential regimes in order to attract teachers from the mainland to work on islands. To apply the policies of nomination-based recruitment and school-fee subsidies for island children studying at universities, colleges and intermediate vocational schools on the mainland to return to work on their islands.

f/ To step up the training and re-training of cadres and civil servants for island districts and communes. To apply the policy of rotation of cadres and termed labor contracts to specialists and managers coming from the mainland to work on islands.

3. Promoted application of scientific and technical advances

a/ The State will implement incentive and support policies to encourage enterprises 10 invest in technical improvement and application of new and clean technologies to production. To encourage all economic sectors to apply advanced technologies, aiming to reduce production costs, to save energy, fuels, electricity, clean water... and to protect the marine and island environment.

b/ To promote the application of advanced technologies to fishing, rearing, preservation and processing. To quickly introduce high quality means of transport into operation on routes between islands and the mainland. To apply new technologies and materials to ship building and repair to save fuel. To step up the use of wind energy, solar energy, biogas and tidal energy on islands, particularly separate islands and areas far away from centers and electricity supply sources.

c/ To step up baseline surveys and scientific research, focusing on the following domains:

- Baseline surveys on the natural conditions, natural resources, environment, meteorological and hydrological conditions and geological conditions of the entire system of islands and a number of important islands and island groups, establishing a set of basic and reliable data to serve the formulation of long-term plans and policies.

- Investigation and full assessment of the capabilities to exploit principal resources of islands, particularly land, fresh water resources (including ground water), in order to work out exploitation plans for economic development, defense and migration of people to islands.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Mechanisms for mobilization and use of investment capital sources

The total investment capital for the island system from now through 2020 is preliminarily estimated at around VND 162.5 trillion, including VND 51.8 trillion for the 2010-2015 period.

In order to meet the demand for development investment capital for islands from now through 2020. there should be mechanisms for active mobilization and strong encouragement to attract all capital sources possible (at home and abroad) in every form.

a/ With regard to budget capital sources (central budget and local budget), representing a fairly high percentage (nearly 60% ): On the basis of clear identification of big. strategic and long-term programs and projects for each island and island group, there should be policies on concentrated and local investment, attaching importance to investment in urgent and breakthrough fields and sectors, associating economic development with defense and security maintenance. To efficiently use funding supports from the central government, particularly funds of the East Sea-Islands Program and target programs of the Government for realization of the Resolutions of the 4th plenum of the Party Central Committee (the X'1' Congress) on Vietnam's marine strategy through 2020. To prioritize budget funds for investment in the construction of infrastructure, particularly transport infrastructure works connecting islands with the mainland, power supply and freshwater supply works, creating conditions for attracting all economic sectors at home and abroad to invest in production and business activities on islands. To efficiently incorporate programs and projects implemented on islands so as to effectively use investment capital.

To further implement preferential credit policies to provide preferential loans to organizations and individuals on islands for building large vessels for offshore fishing, agriculture and most modern and high-quality means of transport running on main routes linking islands with the mainland.

b/ With regard to non-budget capital sources: To clearly identify priority islands and island groups as well as priority fields to call for investment from all economic sectors at home and abroad, particularly big enterprises (including the army's economic groups and enterprises) in production development on islands. To adopt incentive policies with such preferences as exemption from or reduction of corporate income tax. import and export duties: exemption from or reduction of land or water surface use levies: ground clearance and resettlement supports for domestic and foreign investors on islands. To encourage investment in tourism, marine services, marine products rearing and processing. To encourage islanders to step up production and business. To attach importance to the development of medium- and small-sized enterprises in all fields.

c/ With regard to foreign capital sources: To increase ODA sources for investment in the economic development of the island system. Provinces and cities having islands shall closely coordinate with ministries and central sectors in mobilizing ODA sources and at the same lime direct the formulation of specific projects in order to call for aid amounts of international organizations and non-governmental organizations to islands. To renew FDI attraction mechanisms. formulate synchronous mechanisms and policies and create favorable conditions for the attraction of FDI capital sources for economic development of islands. To adjust the FDI structure suitable to the priority fields of each island and island group. To encourage and support big projects on a number of islands, such as the project on Van Don airport, the project on Phu Quoc tourist zone and the project on Phu Quoc golf course, as well as projects already licensed and effectively implemented in order to call for new investors. To combine various forms of joint venture or cooperation, including the form of 100% foreign capital for big and important projects such as projects to construct airports, tourist resorts and high-class entertainment and recreation zones. To expand BOT. BT and other forms of investment in order to attract more capital sources for concentrated investment in the development of islands within a short period of lime.

V. ORGANIZATION OF IMPLEMENTATION

1. The Ministry of Planning and Investment shall assume the prime responsibility for. and coordinate with concerned ministries and sectors as well as provinces and cities with islands in. orienting, based on this master plan, the formulation o\ plans and development projects of concerned ministries, sectors and localities having islands: incorporate the development objectives, orientations, tasks and solutions of this master plan into the national strategy on socio-economic development in the 2011-2020 period and five-year and annual plans for implementation: coordinate with the Ministry of Finance in balancing and mobilizing investment capital sources for developing the island economy.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Other concerned ministries and sectors shall incorporate the development objectives, orientations, tasks and solutions of this master plan into their respective action programs for realization of the Resolutions of the 4th plenum of the Party Central Committee (the X"' Congress) on Vietnam's marine strategy through 2020 as well as their respective master plans and five-year plans nationwide; identify key investment projects on islands from now to 2020 and arrange capital in their annual plans for implementation: coordinate with concerned ministries and sectors as well as provinces and cities with islands in reviewing, supplementing and formulating peculiar incentive and preferential policies in the fields under their respective management for the development of the island economy: guide and assist localities in formulating detailed plans for a number of specific islands: identify key works on islands, proceed with the construction of economic-defense zones on some important islands and plan a number of islands exclusive for defense and security tasks.

4. The People's Committees of provinces or centrally run cities with islands shall incorporate the development objectives, orientations, tasks and solutions of this master plan into their respective action programs for realization of the Resolutions of the 4th plenum of the Party Central Committee (the Xth Congress) on Vietnam's marine strategy through 2020 into their master plans and live-year plans on socio-economic development for implementation; review, supplement the master plans of island districts: coordinate with concerned ministries and sectors in formulating detailed plans for important islands and island groups within their respective administrative boundaries in accordance with this master plan.

Annually, ministries, sectors and localities shall review and evaluate the implementation of this master plan and send reports thereon to the Ministry of Planning and Investment for summarization and submission to competent authorities for timely adjustment and supplement suited to the new situation.

Article 2. This Decision takes effect on the date of its signing.

Article 3. Ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of government-attached agencies, and chairpersons of People's Committees of coastal provinces and centrally run cities shall implement this Decision.-

 

FOR THE PRIME MINISTER
DEPUTY PRIME MINISTER




Hoang Trung Hai

 

;

Quyết định 568/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu: 568/QĐ-TTg
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
Người ký: Hoàng Trung Hải
Ngày ban hành: 28/04/2010
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [1]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [1]

Văn bản đang xem

Quyết định 568/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [0]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…