UỶ BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 33/2013/QĐ-UBND |
Đà Nẵng, ngày 19 tháng 10 năm 2013 |
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Nghị quyết số 43/2013/NQ-HĐND ngày 11 tháng 7 năm 2013 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng khóa VIII, kỳ họp thứ 7 về nhiệm vụ 06 tháng cuối năm 2013;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1340/TTr-SNN ngày 9 tháng 10 năm 2013 về ban hành Quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Hòa Vang, giai đoạn 2013-2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Hòa Vang, giai đoạn 2013-2016.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, Chủ tịch UBND các xã của huyện Hòa Vang và thủ trưởng các cơ quan, tổ chức liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
|
TM. UỶ BAN
NHÂN DÂN |
MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN HÒA VANG, GIAI ĐOẠN 2013-2016
(Ban hành kèm theo Quyết định số 33 /2013/QĐ-UBND ngày 19 tháng 10 năm 2013
của UBND thành phố Đà Nẵng)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
a) Văn bản này quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Hòa Vang (sau đây viết tắt là huyện) giai đoạn 2013 - 2016 nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
b) Các nội dung quy định tại chính sách này, nếu có văn bản khác của cấp có thẩm quyền cùng điều chỉnh, thì đối tượng áp dụng chỉ được hưởng mức cao nhất của một trong các chính sách hiện hành.
2. Đối tượng áp dụng
a) Hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn trên địa bàn huyện Hòa Vang, nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
b) Các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, chủ trang trại, cá nhân (sau đây gọi tắt là các tổ chức, cá nhân), có hộ khẩu thường trú trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Hòa Vang.
c) Các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện chính sách theo quy định này.
Điều 2. Nguồn kinh phí thực hiện
1. Nguồn ngân sách địa phương bố trí kinh phí hàng năm để thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng nông thôn mới theo quy định này.
2. Lồng ghép nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ xây dựng nông thôn mới và vận động nhân dân, các tổ chức đóng góp, các nguồn vốn hợp pháp khác.
HỖ TRỢ ĐẦU TƯ KẾT CẤU HẠ TẦNG NÔNG THÔN
Điều 3. Hỗ trợ xây dựng giao thông nông thôn, thủy lợi, nhà văn hóa, khu thể thao nông thôn
1. Nội dung hỗ trợ
a) Đầu tư xây dựng đường thôn xóm, kiệt, hẻm và giao thông trục chính nội đồng, được ngân sách nhà nước hỗ trợ toàn bộ vật tư theo định mức kinh tế kỹ thuật (trong đó ngân sách thành phố hỗ trợ 80%, ngân sách huyện hỗ trợ 20%). Các khoản kinh phí khác còn lại để xây dựng công trình như: nhân công, hiến đất, tháo dỡ tường rào, cây cối...vận động nhân dân đóng góp tự nguyện.
b) Hỗ trợ kiên cố hóa kênh tưới do địa phương quản lý
- Đối với hệ thống kênh chính từ công trình đầu mối (hồ chứa, trạm bơm) đến đầu cống kênh tưới nội đồng: Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% chi phí xây lắp theo thiết kế - dự toán được duyệt (trong đó ngân sách thành phố hỗ trợ 60%, ngân sách huyện hỗ trợ 40%). Các khoản kinh phí khác còn lại để xây dựng công trình như: hiến đất, tháo dỡ tường rào, cây cối...vận động nhân dân đóng góp tự nguyện.
- Đối với hệ thống kênh nội đồng cần thiết phải kiên cố bằng bê tông để không thất thoát nguồn nước tưới, ngân sách nhà nước hỗ trợ toàn bộ vật tư theo định mức kinh tế kỹ thuật (trong đó ngân sách thành phố hỗ trợ 80%, ngân sách huyện hỗ trợ 20%). Các khoản kinh phí khác còn lại để xây dựng công trình như: nhân công, hiến đất, tháo dỡ tường rào, cây cối...vận động nhân dân đóng góp tự nguyện.
c) Hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao của thôn
- Đầu tư xây dựng nhà văn hóa: Ngân sách thành phố hỗ trợ không quá 500.000.000 đồng/công trình/thôn đối với xây dựng mới và 150.000.000 đồng/công trình/thôn đối với sửa chữa, nâng cấp; còn lại huy động ủng hộ, đóng góp của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và các nguồn tài chính khác.
- Đầu tư khu thể thao thôn: Ngân sách nhà nước hỗ trợ không quá 30.000.000 đồng/công trình/thôn (trong đó ngân sách thành phố hỗ trợ 80%, ngân sách huyện hỗ trợ 20%), còn lại huy động ủng hộ, đóng góp của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và các nguồn tài chính khác.
Tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương, UBND huyện và UBND cấp xã có thể hỗ trợ thêm kinh phí từ nguồn ngân sách của huyện, xã để đầu tư xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao thôn.
2. Trình tự thực hiện
a) Căn cứ nội dung đề án xây dựng xã nông thôn mới được duyệt, UBND xã lập kế hoạch phát triển giao thông nông thôn, kiên cố kênh mương thủy lợi, xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao thôn kèm theo danh mục các dự án, công trình, gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện thẩm định, tổng hợp trình UBND huyện phê duyệt.
b) Trình tự, thủ tục đầu tư và quyết toán kinh phí đầu tư công trình thực hiện theo Quyết định số 634/QĐ-UBND ngày 18 tháng 01 năm 2013 của UBND thành phố về ban hành cơ chế quản lý vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới. Đối với dự án, công trình đầu tư mới phải được phê duyệt tuân thủ theo quy định quản lý đầu tư xây dựng.
3. Nguồn kinh phí thực hiện
Ngân sách các cấp hỗ trợ thông qua ngân sách xã để tổ chức thực hiện, cụ thể:
a) Căn cứ nội dung quyết định phê duyệt quyết toán công trình hoàn thành, UBND cấp xã tổng hợp toàn bộ phần quyết toán chi phí mua vật tư (trong khoản mục chi phí xây dựng) từng dự án, công trình kèm theo tờ trình gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện tổng hợp, trình UBND huyện quyết định bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp xã thực hiện.
b) Căn cứ quyết định bổ sung có mục tiêu từ ngân sách thành phố, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện tham mưu UBND huyện cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách xã; UBND cấp xã thực hiện việc cấp phát, thanh toán, quyết toán kinh phí hỗ trợ theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Điều 4. Hỗ trợ cải thiện điều kiện vệ sinh nơi ở
1. Nội dung hỗ trợ
Hộ gia đình chưa có công trình vệ sinh tự hoại, được ngân sách thành phố hỗ trợ kinh phí xây dựng, mức hỗ trợ như sau:
a) Hộ nghèo, hộ chính sách và hộ đồng bào dân tộc ít người được hỗ trợ 3.000.000 đồng/hộ (ba triệu đồng/hộ);
b) Hộ khác ngoài đối tượng nêu trên, được hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ (một triệu đồng/hộ).
2. Trình tự thực hiện
a) Căn cứ kế hoạch hàng năm, UBND huyện, xã có văn bản thông báo đến các thôn để phổ biến kế hoạch.
b) Hộ gia đình làm đơn đăng ký và cam kết xây dựng công trình vệ sinh tự hoại có xác nhận của Trưởng thôn, gửi UBND xã. Sau 10 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn, UBND xã tổng hợp danh sách, thẩm định và phê duyệt danh sách, mức hỗ trợ theo đúng đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều này và gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện kèm theo văn bản đề nghị cấp kinh phí hỗ trợ.
c) Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản đề nghị, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện tổ chức thẩm tra, trình UBND huyện ban hành quyết định phân bổ kinh phí cho UBND xã (kèm theo danh sách được hỗ trợ kinh phí, mức hỗ trợ từng hộ gia đình theo địa bàn xã).
d) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi nhận quyết định phân bổ kinh phí hỗ trợ, UBND xã tổ chức cấp kinh phí hỗ trợ cho các hộ gia đình.
Sau khi công trình hoàn thành, UBND xã tiến hành nghiệm thu và thanh quyết toán theo quy định.
Điều 5. Hỗ trợ cho hộ gia đình cải thiện vệ sinh môi trường
1. Nội dung hỗ trợ
Hộ gia đình (sau đây viết tắt là người vay) đầu tư xây dựng hầm khí sinh học biogas để xử lý môi trường chăn nuôi trong khu vực nơi ở, được ngân sách thành phố hỗ trợ 50% lãi suất vốn vay, tính theo mức lãi suất của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Đà Nẵng tại thời điểm ký hợp đồng vay vốn, thời hạn tối đa là 05 năm, mức vay tối đa được hưởng hỗ trợ lãi suất là 10.000.000 đồng/hộ.
2. Trình tự thực hiện
a) Người vay thực hiện các thủ tục vay vốn tại tổ chức tín dụng theo quy định cho vay thông thường.
b) Người vay làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ lãi suất gửi UBND xã, số lượng 01 bộ, gồm:
- Văn bản đề nghị hỗ trợ lãi suất vốn vay của hộ gia đình;
- Hồ sơ thiết kế mẫu, bản xác nhận của Trưởng thôn về việc công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng; bản sao hợp lệ hợp đồng tín dụng, khế ước nhận nợ; bảng sao kê lãi suất tiền vay do các tổ chức ngân hàng cấp.
c) Cơ quan tiếp nhận hồ sơ
- UBND xã tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và tổng hợp kinh phí hỗ trợ lãi suất vay gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện. Thời gian từ khi UBND xã tiếp nhận hồ sơ đến khi thẩm định xong hồ sơ tối đa là 07 ngày làm việc.
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện thẩm tra hồ sơ, trình UBND huyện phê duyệt danh sách người vay và mức hỗ trợ theo quy định tại Khoản 1, Điều 5 của Quy định này, đồng thời thông báo cho UBND xã.
- UBND xã thực hiện niêm yết công khai danh sách người vay vốn được phê duyệt hỗ trợ lãi suất tại trụ sở UBND xã trong thời gian tối thiểu là 15 ngày kể từ ngày UBND huyện ban hành Quyết định phê duyệt.
- Việc chi trả tiền hỗ trợ lãi suất thực hiện định kỳ hàng tháng tại UBND cấp xã; thời gian cụ thể do UBND cấp xã quy định.
d) Thủ tục thanh toán tiền hỗ trợ lãi suất
- Người vay vốn mang theo bản sao (có chứng thực) chứng từ thu nộp tiền gốc và tiền lãi của tổ chức tín dụng cho vay; Chứng minh nhân dân của người vay hoặc người đại diện hợp pháp đến UBND cấp xã để nhận tiền hỗ trợ.
- UBND cấp xã chi tiền hỗ trợ cho người vay theo quyết định phê duyệt của UBND huyện.
HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP
Điều 6. Hỗ trợ dồn điền, đổi thửa để phát triển sản xuất hàng hóa
1. Điều kiện áp dụng
Ủy ban nhân dân xã, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân thực hiện dồn điền, đổi thửa để xây dựng vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa trong vùng sản xuất nông nghiệp ổn định, phù hợp với quy hoạch sản xuất nông nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có phương án dồn điền, đổi thửa được Hội đồng nhân dân xã thông qua và UBND huyện phê duyệt.
2. Nội dung hỗ trợ
a) Hỗ trợ toàn bộ chi phí đo đạc địa chính theo định mức quy định của nhà nước từ nguồn ngân sách huyện.
b) Hỗ trợ cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng, mức hỗ trợ không quá 3.000.000 đồng/ha từ nguồn ngân sách thành phố.
3. Trình tự thực hiện
a) Ủy ban nhân dân xã
- Trước tháng 11 hàng năm, UBND xã xây dựng phương án dồn điền, đổi thửa, tổng hợp kế hoạch dồn điền, đổi thửa và dự toán kinh phí thực hiện, trình Hội đồng nhân dân xã thông qua và gửi UBND huyện.
b) Ủy ban nhân dân huyện
- Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị tiếp nhận hồ sơ của UBND các xã (Phương án, dự toán kinh phí thực hiện dồn điền, đổi thửa), phối hợp với các phòng liên quan của huyện thẩm định hồ sơ và trình UBND huyện phê duyệt phương án, dự toán kinh phí dồn điền đổi thửa và giao dự toán cho UBND xã thực hiện.
- Tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương, UBND huyện và UBND xã có thể hỗ trợ thêm kinh phí từ nguồn ngân sách của huyện, xã để chi cho công tác tuyên truyền, vận động và hoạt động của Ban Chỉ đạo dồn điền, đổi thửa ở địa phương theo quy định.
c) Nghiệm thu
- Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã phối hợp với thôn, cộng đồng dân cư tổ chức nghiệm thu sau khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng;
- UBND huyện kiểm tra, nghiệm thu công trình hoàn thành và chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu dồn điền, đổi thửa, làm căn cứ thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ theo quy định.
Điều 7. Hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu giống lúa có chất lượng cao
1. Nội dung hỗ trợ
a) Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp sản xuất giống lúa nguyên chủng, giống xác nhận để phục vụ sản xuất trên địa bàn theo kế hoạch nhân giống lúa hàng năm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, được ngân sách thành phố hỗ trợ 100% chi phí mua giống lúa siêu nguyên chủng, giống nguyên chủng và 50% chi phí đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo định mức kinh tế kỹ thuật sản xuất giống lúa.
b) Hộ gia đình mua giống lúa xác nhận để sản xuất từ nguồn giống trong kế hoạch nhân giống lúa hàng năm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được ngân sách thành phố hỗ trợ phần chênh lệch giá giữa giá thóc giống xác nhận với giá thóc thịt theo giá thị trường tại thời điểm mua giống.
2. Trình tự thực hiện
a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập và trình UBND thành phố phê duyệt kế hoạch sản xuất, nhân giống lúa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn giống theo quy định.
b) Trên cơ sở kế hoạch sản xuất, nhân giống lúa được duyệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập kế hoạch gửi Sở Tài chính để Sở Tài chính tham mưu UBND thành phố giao dự toán hàng năm cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện.
c) Căn cứ dự toán được UBND thành phố giao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn hợp tác xã có đủ điều kiện sản xuất giống để ký hợp đồng sản xuất giống lúa nguyên chủng, giống lúa xác nhận và thực hiện hỗ trợ theo quy định tại Điểm a, Khoản 1 Điều này.
d) Trên cơ sở nguồn lúa giống xác nhận được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ, UBND huyện thực hiện hỗ trợ cho nông dân sản xuất theo quy định tại Điểm b, Khoản 1 Điều này.
đ) Ngân sách thành phố cấp kinh phí cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổ chức sản xuất giống lúa nguyên chủng, giống xác nhận và cấp bổ sung cho ngân sách huyện để thực hiện hỗ trợ cho nông dân sản xuất theo quy định tại Khoản 1 Điều này.
Điều 8: Hỗ trợ đầu tư thí điểm một số mô hình sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao
1. Điều kiện và nội dung hỗ trợ
Tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất rau, hoa chuyên canh ứng dụng công nghệ cao và có quy mô tối thiểu 0,5 ha, được ngân sách thành phố hỗ trợ 50% giá trị đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật ruộng sản xuất (gồm: cải tạo xây dựng đồng ruộng, xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới, tiêu và các thiết bị khác), nhưng mức hỗ trợ tối đa không quá 300.000.000 đồng/mô hình/đơn vị.
2. Trình tự thực hiện
a) Thẩm quyền phê duyệt mức hỗ trợ
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt hồ sơ thiết kế, dự toán các mô hình đầu tư sản xuất rau, hoa có ứng dụng công nghệ cao, được ngân sách thành phố hỗ trợ.
b) Hồ sơ đề nghị hỗ trợ
Căn cứ quy hoạch phát triển các vùng sản xuất rau, hoa của huyện, tổ chức, cá nhân lập hồ sơ, số lượng 03 bộ, gồm:
- Dự án hoặc phương án đầu tư trồng rau, hoa có ứng dụng công nghệ cao gửi UBND huyện. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ, UBND huyện thẩm tra, xác nhận và thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ.
- Sau khi nhận thông báo, tổ chức, cá nhân lập hồ sơ thiết kế, bản vẽ thi công và dự toán các hạng mục đầu tư xây dựng mô hình, gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt; thời gian từ khi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp nhận hồ sơ đến khi thẩm định, phê duyệt tối đa là 15 ngày làm việc.
Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, cơ quan tiếp nhận hồ sơ (UBND huyện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có trách nhiệm hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định. Thời gian hoàn thiện hồ sơ không tính vào thời hạn giải quyết hồ sơ.
c) Cơ quan tiếp nhận hồ sơ, thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ
- Sau khi công trình hoàn thành, tổ chức cá nhân phải tổ chức nghiệm thu và lập hồ sơ quyết toán công trình gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hoặc cấp có thẩm quyền) thẩm định, phê duyệt quyết toán công trình.
- Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi tiếp nhận hồ sơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hoặc cấp có thẩm quyền) tiến hành thẩm tra hồ sơ, ban hành quyết định phê duyệt quyết toán công trình.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan tiếp nhận hồ sơ, cấp tạm ứng kinh phí và thanh quyết toán theo quy định.
Điều 9. Hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nấm ăn và nấm dược liệu
1. Nội dung hỗ trợ
a) Hợp tác xã đầu tư cơ sở chế biến nấm ăn, nấm dược liệu được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố.
b) Ngân sách thành phố hỗ trợ chi phí xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa, nhưng mức hỗ trợ tối đa không quá 50.000.000 đồng/cơ sở.
2. Trình tự thực hiện
a) Đối với khoản vốn vay ưu đãi theo Điểm a, Khoản 1 Điều này, trình tự, thủ tục vay vốn thực hiện theo quy định vay vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố.
b) Đối với khoản hỗ trợ theo quy định tại Điểm b, Khoản 1 Điều này, trình tự thực hiện như sau:
- Hợp tác xã có văn bản đề nghị hỗ trợ và kèm theo dự toán chi phí xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa gửi Sở Công Thương. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ, Sở Công Thương tổ chức thẩm định, phê duyệt kinh phí hỗ trợ.
- Sở Công Thương thực hiện việc cấp kinh phí và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ theo quy định.
Điều 10. Hỗ trợ cải tạo vườn tạp phát triển kinh tế
1. Điều kiện hỗ trợ
Hộ gia đình có vườn tạp nằm trong vùng quy hoạch ổn định lâu dài và có trong đề án, kế hoạch thực hiện cải tạo vườn tạp phát triển kinh tế vườn do UBND huyện phê duyệt.
2. Nội dung hỗ trợ
Hộ gia đình thực hiện cải tạo vườn tạp để phát triển kinh tế vườn có quy mô từ 1.000 m2 trở lên, được ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% giá trị cây giống, nhưng tối đa không quá 5.000.000 đồng/hộ/lần (trong đó ngân sách thành phố hỗ trợ 60%, ngân sách huyện hỗ trợ 40%).
3. Trình tự thực hiện
a) Căn cứ kế hoạch hàng năm, UBND huyện, xã có văn bản thông báo đến các thôn để phổ biến kế hoạch hỗ trợ cải tạo vườn tạp trên địa bàn huyện, xã.
b) Hộ gia đình làm đơn đăng ký số lượng, chủng loại cây giống và cam kết thực hiện cải tạo vườn tạp (có xác nhận của Trưởng thôn) gửi UBND xã.
c) Sau 10 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn, UBND xã thẩm định, tổng hợp danh sách và dự toán kinh phí hỗ trợ, gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện kèm theo văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí mua cây giống.
d) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ khi nhận được văn bản đề nghị của UBND xã, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện thẩm tra, trình UBND huyện phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ. Căn cứ quyết định phê duyệt, UBND xã thông báo cho các hộ gia đình được hỗ trợ.
đ) Sau khi nhận được thông báo, hộ gia đình tiến hành mua cây giống, trồng và chăm sóc. Sau 02 tháng kể từ ngày trồng, UBND xã tiến hành kiểm tra, xác nhận số cây giống còn sống và cấp tạm ứng 50% kinh phí hỗ trợ cho hộ gia đình.
Sau 12 tháng kể từ ngày trồng, UBND xã tiến hành kiểm tra, nghiệm thu số cây còn sống, sinh trưởng phát triển tốt và tổng hợp danh sách, lập hồ sơ thanh toán gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện.
e) Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện chủ trì, phối hợp với phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, trình UBND huyện phê duyệt hồ sơ và cấp tiếp 50% kinh phí hỗ trợ còn lại cho UBND xã.
g) Trong thời hạn 10 ngày kể từ khi nhận quyết định phê duyệt, UBND xã tiến hành cấp kinh phí còn lại cho các hộ và thanh quyết toán theo quy định.
Điều 11. Hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản
1. Nội dung hỗ trợ
Hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng mới ao, hồ nuôi trồng thủy sản (trong vùng quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt) theo hướng nuôi bền vững, có quy mô từ 500m2 trở lên, được ngân sách nhà nước hỗ trợ:
a) Đầu tư hạ tầng kỹ thuật ao nuôi với mức hỗ trợ 40.000.000 đồng/ha, nhưng không quá 100.000.000 đồng/hộ/lần, trong đó ngân sách thành phố hỗ trợ 80%, ngân sách huyện 20%.
b) Hỗ trợ 50% chi phí mua con giống lần đầu, nhưng mức hỗ trợ không quá 5.000.000 đồng/hộ/lần từ nguồn ngân sách thành phố.
2. Trình tự thực hiện
a) Căn cứ quy hoạch phát triển các vùng nuôi thủy sản được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hộ gia đình, cá nhân phải lập hồ sơ (số lượng 03 bộ), gồm:
- Dự án hoặc báo cáo đầu tư công trình, gửi UBND huyện. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ khi nhận hồ sơ, UBND huyện thẩm tra và thông báo bằng văn bản về mức hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ.
- Sau khi nhận thông báo, hộ gia đình, cá nhân lập hồ sơ thiết kế, bản vẽ thi công và dự toán các hạng mục công trình, gửi UBND huyện phê duyệt. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ khi nhận hồ sơ, UBND huyện tổ chức thẩm định, phê duyệt hồ sơ.
Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định. Thời gian hoàn thiện hồ sơ không tính vào thời hạn giải quyết hồ sơ.
- Sau khi các hạng mục công trình xây dựng hoàn thành, UBND huyện và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức kiểm tra, nghiệm thu làm căn cứ thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ.
b) Cơ quan tiếp nhận hồ sơ, thanh quyết toán kinh phí
Ủy ban nhân dân huyện là cơ quan tiếp nhận hồ sơ, cấp tạm ứng kinh phí và thanh quyết toán theo quy định.
Điều 12. Hỗ trợ nâng cao an toàn thực phẩm nông sản
1. Nội dung hỗ trợ
Các tổ chức, cá nhân áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, VietGAHP, GMPs ...) được ngân sách thành phố hỗ trợ:
a) Toàn bộ chi phí đào tạo thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong sản xuất, sơ chế, chế biến sản phẩm an toàn; chi phí phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu sản phẩm và các chi phí đảm bảo chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất nông sản thực phẩm an toàn.
b) Hỗ trợ một lần chi phí thuê tổ chức tư vấn đánh giá và cấp giấy chứng nhận áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo quy định.
2. Trình tự thực hiện
a) Tổ chức, cá nhân có đơn đăng ký hỗ trợ xây dựng, chứng nhận kèm theo dự toán kinh phí hỗ trợ, gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hoặc đơn vị được Sở giao nhiệm vụ).
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận đơn đăng ký, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hoặc đơn vị được Sở giao nhiệm vụ) thẩm định, phê duyệt dự toán, mức kinh phí hỗ trợ và thông báo cho tổ chức, cá nhân nộp đơn.
b) Sau khi nhận được thông báo, tổ chức, cá nhân tiến hành ký hợp đồng với Tổ chức chứng nhận được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định và triển khai thực hiện.
Sau khi hoàn thành việc chứng nhận, tổ chức, cá nhân nộp 02 bộ hồ sơ gồm: Hợp đồng, Biên bản thanh lý hợp đồng, Giấy chứng nhận do tổ chức chứng nhận cấp, gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hoặc đơn vị được Sở giao nhiệm vụ) để kiểm tra, làm căn cứ cấp kinh phí hỗ trợ.
c) Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hoặc đơn vị được Sở giao nhiệm vụ) kiểm tra hồ sơ và thông báo kết quả cho tổ chức, cá nhân.
Việc cấp kinh phí hỗ trợ và thanh quyết toán thực hiện theo quy định.
Điều 13. Phương thức hỗ trợ từ nguồn ngân sách thành phố
1. Đối với nguồn ngân sách thành phố hỗ trợ cho địa phương để thực hiện các chính sách theo quy định này, UBND thành phố cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách huyện.
2. Đối với nguồn ngân sách thành phố cấp cho Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Công Thương để hỗ trợ cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân theo quy định tại chính sách này, UBND thành phố giao dự toán hàng năm cho các Sở từ nguồn kinh phí sự nghiệp của thành phố.
Điều 14. Trách nhiệm của các sở, ngành thành phố
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Chủ trì, phối hợp với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Sở Công Thương, các sở, ngành liên quan và UBND huyện Hòa Vang triển khai, hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy định này;
b) Lập dự toán kinh phí thực hiện chính sách theo phân công, gửi Sở Tài chính tổng hợp, trình UBND thành phố giao dự toán kinh phí hàng năm để thực hiện;
c) Thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, cấp kinh phí hỗ trợ và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định;
d) Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc huyện Hòa Vang và các xã thực hiện chính sách theo chức năng, nhiệm vụ được giao;
đ) Tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện chính sách hàng năm, tiếp nhận ý kiến đóng góp và đề xuất UBND thành phố xem xét điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa phù hợp.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
a) Phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan tham mưu UBND thành phố cân đối bố trí nguồn vốn xây dựng cơ bản thành phố, vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu để thực hiện các chính sách;
b) Phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra việc thực hiện chính sách theo chức năng.
3. Sở Tài chính
a) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở liên quan đề xuất UBND thành phố bố trí kinh phí sự nghiệp hàng năm cho các sở, ngành và bổ sung kinh phí có mục tiêu cho ngân sách huyện Hòa Vang;
b) Kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán nguồn kinh phí thực hiện chính sách hàng năm của các sở, UBND huyện, UBND xã và các tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định hiện hành.
4. Đề nghị Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Đà Nẵng và Hội Nông dân thành phố: Phối hợp với UBND huyện Hòa Vang, UBND các xã và các đơn vị liên quan để thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay.
5. Đề nghị Kho bạc Nhà nước thành phố Đà Nẵng: Thực hiện kiểm soát, thanh toán vốn kịp thời, đầy đủ theo quy định hiện hành.
6. Sở Công Thương: Hướng dẫn và thực hiện có hiệu quả việc hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu và thương hiệu hàng hóa; tổ chức tốt việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nông sản cho nông dân.
Điều 15. Trách nhiệm của UBND huyện
1. Tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ và nhân dân các quy định về nội dung Quyết định này;
2. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc các xã triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng nông thôn mới; vận động các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và phát triển sản xuất nông nghiệp, nhằm sớm đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2016;
3. Thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố về triển khai các nội dung hỗ trợ;
4. Hàng năm căn cứ đề xuất nhu cầu của UBND các xã theo Đề án xây dựng xã nông thôn mới; kiểm tra, rà soát và tổng hợp nhu cầu danh mục dự án, công trình gửi các sở, ban ngành liên quan để tham mưu UBND thành phố cân đối, bố trí vốn.
5. Tổng hợp báo cáo định kỳ và đột xuất theo yêu cầu của thành phố.
Điều 16. Trách nhiệm của UBND các xã
1. Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng nông thôn mới đến các tổ chức, cán bộ và nhân dân trên địa bàn;
2. Tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã theo qui định này và các quy định khác liên quan của pháp luật;
3. Tổng hợp báo cáo định kỳ và đột xuất cho UBND huyện về kết quả thực hiện chính sách trên địa bàn; đề xuất, kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung những nội dung chính sách chưa phù hợp;
4. Hàng năm căn cứ Đề án xây dựng xã nông thôn mới được duyệt, rà soát và tổng hợp nhu cầu các danh mục công trình, gửi UBND huyện để tổng hợp.
1. Các sở, ban, ngành và UBND huyện Hòa Vang chịu trách nhiệm triển khai, tổ chức thực hiện quy định này và các chính sách khác về phát triển nông nghiệp, nông thôn.
2. Tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện các quy định của chính sách này được khen thưởng theo quy định.
3. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định này hoặc lợi dụng chính sách hỗ trợ của thành phố để trục lợi, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
4. Trong quá trình thực hiện cơ chế chính sách, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, cá nhân phản ánh kịp thời về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định./.
Quyết định 33/2013/QĐ-UBND về cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2013-2016
Số hiệu: | 33/2013/QĐ-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thành phố Đà Nẵng |
Người ký: | Văn Hữu Chiến |
Ngày ban hành: | 19/10/2013 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 33/2013/QĐ-UBND về cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2013-2016
Chưa có Video