Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1247/QĐ-UBND

Hưng Yên, ngày 01 tháng 6 năm 2018 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÔNG QUA PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC ĐẦU TƯ THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA BAN QUẢN LÝ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TỈNH HƯNG YÊN

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính; Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 31/10/2017 của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Quyết định số 155/QĐ-UBND ngày 23/01/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính tỉnh Hưng Yên năm 2018;

Xét đề nghị của Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh tại Tờ trình số 397/TTr-BQL ngày 24/5/2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thông qua phương án đơn giản hóa 03 thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên (có phụ lục đính kèm).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan kịp thời cung cấp thêm thông tin, làm rõ các nội dung liên quan đến kết quả rà soát, đánh giá thủ tục hành chính (nếu có) khi có phản hồi của Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 24 Thông tư số 02/2017/TT-VPCP.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Văn phòng Chính phủ (Cục KSTTHC);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Trung tâm TH-CB tỉnh;
- Lưu: VT, KSTTHCTh.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Phóng

 

PHỤ LỤC

PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH LĨNH VỰC ĐẦU TƯ THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA BAN QUẢN LÝ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TỈNH HƯNG YÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1247/QĐ-UBND ngày 01/6/2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên)

1. Thủ tục: Giãn tiến độ đầu tư

1.1. Nội dung đơn giản hóa

a) Sửa đổi mục I và mục II Biểu mẫu I.9 ban hành kèm theo Thông tư số 16/2015/TT-BKHĐT ngày 18/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định biểu mẫu thực hiện thủ tục đầu tư và báo cáo hoạt động đầu tư tại Việt Nam theo hướng gộp 02 mục này thành 01 mục là “Nhà đầu tư/tổ chức kinh tế thực hiện dự án”.

Lý do: Đối với các dự án không thuộc đối tượng thành lập tổ chức kinh tế hoặc chưa thành lập tổ chức kinh tế thì yêu cầu kê khai thông tin từng nhà đầu tư. Tuy nhiên các dự án nhà đầu tư đã thành lập tổ chức kinh tế thì tổ chức kinh tế là nhà đầu tư thực hiện dự án, nên trường hợp này chỉ cần kê khai thông tin tổ chức kinh tế.

b) Bãi bỏ các hồ sơ kèm theo được quy định tại mục VI Biểu mẫu I.9 ban hành kèm theo Thông tư số 16/2015/TT-BKHĐT.

Lý do: Luật Đầu tư năm 2014 quy định thành phần hồ sơ giãn tiến độ đầu tư là văn bản đề xuất giãn tiến độ đầu tư. Tuy nhiên, tại Thông tư số 16/2015/TT-BKHĐT lại quy định hồ sơ kèm theo phải có văn bản Quyết định của nhà đầu tư về việc giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư (Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên/ Đại hội đồng cổ đông/ thành viên hợp danh/ chủ sở hữu của Tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư về việc giãn tiến độ thực hiện dự án hoặc văn bản hợp pháp khác theo quy định của pháp luật) là không có sự thống nhất và đầu mục hồ sơ này là không cần thiết, vì tổ chức kinh tế trực tiếp thực hiện dự án ký văn bản đề xuất là đủ thẩm quyền. Mặt khác, đối với việc yêu cầu nhà đầu tư cung cấp Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/ Giấy chứng nhận đầu tư/ Giấy phép đầu tư/ Giấy phép kinh doanh hoặc Quyết định chủ trương đầu tư khi thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) cũng là điều không cần thiết vì bản sao các giấy tờ này đã được lưu tại Ban Quản lý các khu công nghiệp.

c) Bổ sung quy định cụ thể các cách thức nhà đầu tư được lựa chọn khi thực hiện TTHC gồm: Thông qua hệ thống bưu chính; Trực tiếp tại bộ phận một cửa cơ quan hành chính nhà nước; Trực tuyến qua Hệ thống dịch vụ công trực tuyến (nếu có).

Lý do: Hiện tại, thủ tục mới chỉ quy định nhà đầu tư thực hiện trực tiếp tại trụ sở cơ quan hành chính nhà nước. Trong khi nhà đầu tư có thể thực hiện qua các hình thức khác như: Hệ thống bưu chính hoặc Hệ thống dịch vụ công trực tuyến (Cổng thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài hoặc phần mềm cung cấp dịch vụ công tại các địa phương).

d) Cắt giảm thời gian thực hiện TTHC từ 15 ngày như quy định hiện hành xuống còn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề xuất của nhà đầu tư.

Lý do: Khoản 4 Điều 46 Luật Đầu tư năm 2014 quy định thời hạn thực hiện TTHC này là 15 ngày kể từ ngày nhận được đề xuất của nhà đầu tư là chưa hợp lý, cụ thể là quá dài vì:

- Hồ sơ yêu cầu đánh giá của thủ tục này không nhiều và mức độ phức tạp không cao, trong khi đó thì tình hình triển khai thực hiện dự án đầu tư của nhà đầu tư đã được cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư theo dõi, giám sát thường xuyên nên khi xem xét hồ sơ sẽ không mất quá nhiều thời gian để thực hiện thủ tục.

- Thực tế trong năm 2017, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên đã tiếp nhận hồ sơ giãn tiến độ đầu tư cho 07 dự án, thời gian thực hiện chỉ mất khoảng từ 5 đến 7 ngày làm việc/hồ sơ, nên quy định thời gian xử lý trong thời hạn 15 ngày là không thực sự hợp lý.

1.2. Kiến nghị thực thi

- Sửa đổi khoản 4 Điều 46 Luật Đầu tư năm 2014 thành: “Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề xuất, cơ quan đăng ký đầu tư có ý kiến bằng văn bản về việc giãn tiến độ đầu tư”.

- Bổ sung vào Luật Đầu tư năm 2014 quy định về các cách thức thực hiện TTHC mà nhà đầu tư có quyền lựa chọn khi tiến hành thủ tục giãn tiến độ đầu tư, gồm: Thông qua hệ thống bưu chính; Trực tiếp tại bộ phận một cửa cơ quan hành chính nhà nước; Trực tuyến qua Hệ thống dịch vụ công trực tuyến (nếu có).

- Sửa đổi Biểu mẫu I.9 ban hành kèm theo Thông tư số 16/2015/TT-BKHĐT như sau:

+ Gộp mục I và mục II thành 01 mục “Nhà đầu tư/ tổ chức kinh tế thực hiện dự án”.

+ Bãi bỏ mục VI.

1.3. Lợi ích phương án đơn giản hóa

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 4.484.190 đồng/năm

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 2.002.740 đồng/năm.

- Chi phí tiết kiệm: 2.481.450 đồng/năm.

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 55 %.

2. Thủ tục: Tạm ngừng hoạt động của dự án đầu tư

2.1. Nội dung đơn giản hóa

a) Sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn giải quyết TTHC theo hướng quy định là 07 ngày làm việc thay vì giải quyết ngay khi tiếp nhận hồ sơ như quy định hiện hành.

Lý do: Theo quy định tại Luật Đầu tư năm 2014 thì thời hạn giải quyết đối với TTHC này là ngay khi tiếp nhận thông báo tạm ngừng hoạt động dự án đầu tư Quy định như vậy chưa cụ thể và rõ ràng vì:

- Cơ quan quản lý nhà nước không có thời gian để xem xét về tính hợp lệ của hồ sơ và sự phù hợp nội dung thông tin kê khai đề xuất của nhà đầu tư.

- Thực tế trong năm 2017, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên đã tiếp nhận trường hợp nộp hồ sơ tạm ngừng hoạt động dự án đầu tư nhưng sau khi kiểm tra hồ sơ, nội dung kê khai giải trình lý do tạm ngừng chưa đầy đủ và không phù hợp nên Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên phải hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện lại hồ sơ, đảm bảo đầy đủ nội dung theo quy định.

Do đó cần quy định cụ thể về thời gian giải quyết TTHC theo hướng thời gian thực hiện khoảng 07 ngày làm việc, đảm bảo minh bạch và thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước khi xem xét hồ sơ.

b) Sửa đổi, bổ sung kết quả thực hiện TTHC là “văn bản chấp thuận/từ chối của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư”.

Lý do: Theo quy định thì Ban quản lý các khu công nghiệp tiếp nhận thông báo tạm ngừng hoạt động dự án và ghi nhận tình trạng hoạt động của dự án là kết thúc TTHC. Kết quả TTHC như vậy là không rõ ràng và không đáp ứng được mục tiêu đặt ra vì: Theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày 01/6/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, trong đó xác định “Tạm ngừng hoạt động của dự án đầu tư nhưng không thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký đầu tư hoặc có thông báo nhưng chưa được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan đăng ký đầu tư” thuộc đối tượng bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Tuy nhiên thực tế thực hiện trong thời gian qua cho thấy, nhà đầu tư nộp hồ sơ qua bộ phận một cửa và cán bộ một cửa kiểm tra và tiếp nhận hồ sơ là kết thúc TTHC. Trong khi đó, cán bộ một cửa tiếp nhận không phải là người đại diện có thẩm quyền của cơ quan đăng ký đầu tư, nên văn bản tiếp nhận hồ sơ chưa đảm bảo cơ sở pháp lý để giao dịch với các tổ chức liên quan, quyền lợi của nhà đầu tư khi tạm ngừng hoạt động của dự án chưa được đảm bảo. Do đó, cần quy định cụ thể kết quả thực hiện TTHC là “văn bản chấp thuận/từ chối của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư”.

c) Sửa đổi mục I và mục II Biểu mẫu I.10 ban hành kèm theo Thông tư số 16/2015/TT-BKHĐT theo hướng gộp thành 01 mục là “Nhà đầu tư/tổ chức kinh tế thực hiện dự án”.

Lý do: Đối với các dự án không thuộc đối tượng thành lập tổ chức kinh tế hoặc chưa thành lập tổ chức kinh tế thì yêu cầu kê khai thông tin từng nhà đầu tư. Tuy nhiên các dự án nhà đầu tư đã thành lập tổ chức kinh tế thì tổ chức kinh tế là nhà đầu tư thực hiện dự án, nên trường hợp này chỉ cần kê khai thông tin tổ chức kinh tế.

d) Bãi bỏ các hồ sơ kèm theo được quy định tại mục VI Biểu mẫu I.10 ban hành kèm theo Thông tư số 16/2015/TT-BKHĐT.

Lý do: Luật Đầu tư năm 2014 quy định thành phần hồ sơ tạm ngừng hoạt động dự án đầu tư là Thông báo tạm ngừng hoạt động dự án đầu tư. Tuy nhiên, tại Thông tư số 16/2015/TT-BKHĐT lại quy định hồ sơ kèm theo phải có văn bản Quyết định của nhà đầu tư về việc giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư (Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên/Đại hội đồng cổ đông/thành viên hợp danh/chủ sở hữu của Tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư về việc giãn tiến độ thực hiện dự án hoặc văn bản hợp pháp khác theo quy định của pháp luật) là không có sự thống nhất và đầu mục hồ sơ này là không cần thiết, vì tổ chức kinh tế trực tiếp thực hiện dự án ký văn bản đề xuất là đủ thẩm quyền. Mặt khác, đối với việc yêu cầu nhà đầu tư cung cấp Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy phép đầu tư/Giấy phép kinh doanh hoặc Quyết định chủ trương đầu tư khi thực hiện TTHC cũng là điều không cần thiết vì bản sao các giấy tờ này đã được lưu tại Ban Quản lý các khu công nghiệp.

đ) Bổ sung quy định cụ thể các cách thức nhà đầu tư được lựa chọn khi thực hiện TTHC gồm: Thông qua hệ thống bưu chính; Trực tiếp tại bộ phận một cửa cơ quan hành chính nhà nước; Trực tuyến qua Hệ thống dịch vụ công trực tuyến (nếu có).

Lý do: Hiện tại, thủ tục mới chỉ quy định nhà đầu tư thực hiện trực tiếp tại trụ sở cơ quan hành chính nhà nước. Trong khi nhà đầu tư có thể thực hiện qua các hình thức khác như: Hệ thống bưu chính hoặc Hệ thống dịch vụ công trực tuyến (Cổng thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài hoặc phần mềm cung cấp dịch vụ công tại các địa phương).

2.2. Kiến nghị thực thi

- Bổ sung vào cuối khoản 1 Điều 47 Luật Đầu tư năm 2014 quy định như sau: “Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo tạm ngừng hoạt động của dự án đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư phải trả lời bằng văn bản chấp thuận hoặc từ chối việc tạm ngừng hoạt động của dự án đầu tư”.

- Bổ sung vào Luật Đầu tư năm 2014 quy định về các cách thức thực hiện TTHC mà nhà đầu tư có quyền lựa chọn khi tiến hành thủ tục tạm ngừng hoạt động của dự án đầu tư, gồm: Thông qua hệ thống bưu chính; Trực tiếp tại bộ phận một cửa cơ quan hành chính nhà nước; Trực tuyến qua Hệ thống dịch vụ công trực tuyến (nếu có).

- Sửa đổi Biểu mẫu I.10 ban hành kèm theo Thông tư số 16/2015/TT-BKHĐT như sau:

+ Gộp mục I và mục II thành 01 mục “Nhà đầu tư/tổ chức kinh tế thực hiện dự án”.

+ Bãi bỏ mục VI.

2.3. Lợi ích phương án đơn giản hóa

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 1.578.340 đồng/năm

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 683.640 đồng/năm.

- Chi phí tiết kiệm: 894.700 đồng/năm.

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 57%.

3. Thủ tục: Điều chỉnh nội dung dự án đầu tư trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (đối với trường hợp không điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư)

3.1. Nội dung đơn giản hóa

a) Bãi bỏ thành phần hồ sơ “Quyết định về việc điều chỉnh dự án đầu tư của nhà đầu tư” được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 40 Luật Đầu tư năm 2014.

Lý do: Thành phần hồ sơ này không hợp lý và không cần thiết khi xem xét giải quyết TTHC vì:

- Trước khi nhà đầu tư thành lập tổ chức kinh tế thì nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án là người đăng ký thực hiện điều chỉnh dự án đầu tư và là người ký văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư. Trong nội dung văn bản này đã thể hiện rõ các nội dung điều chỉnh và lý do điều chỉnh, điều này xác định rõ các nội dung điều chỉnh và ý chí của nhà đầu tư khi điều chỉnh dự án.

- Sau khi nhà đầu tư thành lập tổ chức kinh tế: tại Điều 22 Luật Đầu tư quy định “Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư thông qua tổ chức kinh tế được thành lập”. Tại Điều 45 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ cũng quy định “Kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương, tổ chức kinh tế do nhà đầu tư nước ngoài thành lập là nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư”. Theo quy định tại Điều 13 Luật Doanh nghiệp năm 2014: Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp. Căn cứ các quy định nêu trên, sau khi nhà đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, thì Tổ chức kinh tế được thành lập là nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư, người đại diện tổ chức kinh tế là người đại diện theo pháp luật của tổ chức kinh tế đó. Do đó, quyết định của nhà đầu tư là quyết định của tổ chức kinh tế được thành lập và do người đại diện theo pháp luật làm đại diện. Trong hồ sơ có văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư do người đại diện theo pháp luật ký và sử dụng con dấu của tổ chức kinh tế, nội dung văn bản này đã thể hiện rõ các nội dung điều chỉnh và lý do điều chỉnh, điều này xác định rõ các nội dung điều chỉnh và ý chí của nhà đầu tư khi điều chỉnh dự án. Do đó, việc quy định thêm Quyết định điều chỉnh dự án của nhà đầu tư là không cần thiết khi xem xét hồ sơ để giải quyết TTHC.

b) Sửa đổi thời hạn giải quyết TTHC từ 10 ngày làm việc xuống còn 07 ngày làm việc.

Lý do: Khoản 3 Điều 40 Luật Đầu tư năm 2014 quy định thời hạn giải quyết đối với thủ tục này là 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, tuy nhiên thời hạn này chưa thực sự hợp lý, vì:

- Việc xem xét quyết định nội dung điều chỉnh dự án do Ban Quản lý các khu công nghiệp thực hiện. Khi xem xét hồ sơ điều chỉnh, cơ quan nhà nước chủ yếu đánh giá về các nội dung điều chỉnh so với nội dung đã đăng ký, trong khi đó dự án sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cơ quan đăng ký đầu tư theo dõi, giám sát thường xuyên nên xem xét nội dung điều chỉnh không cần quá nhiều thời gian để đánh giá.

- Thực tế trong năm 2017, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên đã tiếp nhận, giải quyết 108 hồ sơ TTHC điều chỉnh nội dung dự án đầu tư Thời gian thực hiện thủ tục bình quân từ 5 đến 7 ngày làm việc nên có thể cắt giảm thời gian giải quyết đối với TTHC này.

c) Bãi bỏ các đầu mục hồ sơ được quy định tại mục V Biểu mẫu I.7 ban hành kèm theo Thông tư số 16/2015/TT-BKHĐT sau đây: “Quyết định của nhà đầu tư về việc điều chỉnh dự án đầu tư (Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên/ Đại hội đồng cổ đông/thành viên hợp danh/chủ sở hữu của Tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư về việc điều chỉnh dự án đầu tư hoặc văn bản hợp pháp khác theo quy định của pháp luật); Bản sao các Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy phép đầu tư/Giấy phép kinh doanh đã cấp”.

Lý do: Luật Đầu tư năm 2014 quy định thành phần hồ sơ điều chỉnh nội dung dự án đầu tư trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (đối với trường hợp không điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư), gồm: Văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư; Báo cáo tình hình triển khai dự án đầu tư đến thời điểm đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư; Quyết định về việc điều chỉnh dự án đầu tư của nhà đầu tư; Giải trình hoặc cung cấp giấy tờ liên quan đến việc điều chỉnh những nội dung điều chỉnh. Tuy nhiên trong Mẫu I.7 ban hành kèm theo Thông tư số 16/2015/TT-BKHĐT yêu cầu nộp kèm theo gồm: Bản sao Quyết định của nhà đầu tư về việc điều chỉnh dự án đầu tư (Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên/Đại hội đồng cổ đông/thành viên hợp danh/chủ sở hữu của Tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư về việc điều chỉnh dự án đầu tư hoặc văn bản hợp pháp khác theo quy định của pháp luật); Bản sao các Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy phép đầu tư/Giấy phép kinh doanh đã cấp. Việc quy định thêm các đầu mục hồ sơ như trên là không hợp pháp và không hợp lý. Hơn nữa, đối với bản sao các Giấy phép đã được lưu giữ tại Ban Quản lý các khu công nghiệp nên không cần thiết yêu cầu nhà đầu tư phải nộp thêm khi thực hiện thủ tục.

d) Sửa đổi đối tượng ký trong Văn bản đề nghị điều chỉnh dự án tại Biểu mẫu I.7 ban hành kèm theo Thông tư số 16/2015/TT-BKHĐT như sau: sửa quy định “Nhà đầu tư - Từng nhà đầu tư ký, ghi rõ họ tên, chức danh và đóng dấu (nếu có)” thành “Nhà đầu tư/ tổ chức kinh tế”.

Lý do: Tại Biểu mẫu I.7 ban hành kèm theo Thông tư số 16/2015/TT-BKHĐT quy định từng nhà đầu tư ký, ghi rõ họ tên, chức danh và đóng dấu (nếu có). Quy định này không hợp lý vì: Đối với các dự án đầu tư không thành lập tổ chức kinh tế hoặc nhà đầu tư chưa thành lập tổ chức kinh tế thì văn bản đề nghị thực hiện dự án do các nhà đầu tư đăng ký lần đầu ký. Sau khi doanh nghiệp thành lập tổ chức kinh tế thì theo quy định của pháp luật, nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư thông qua tổ chức kinh tế được thành lập. Do đó khi điều chỉnh dự án thì tổ chức kinh tế được thành lập ký văn bản đề nghị điều chỉnh dự án.

đ) Bổ sung quy định cụ thể các cách thức nhà đầu tư được lựa chọn khi thực hiện TTHC gồm: Thông qua hệ thống bưu chính; Trực tiếp tại bộ phận một cửa cơ quan hành chính nhà nước; Trực tuyến qua Hệ thống dịch vụ công trực tuyến (nếu có).

Lý do: Hiện tại, thủ tục mới chỉ quy định nhà đầu tư thực hiện trực tiếp tại trụ sở cơ quan hành chính nhà nước. Trong khi nhà đầu tư có thể thực hiện qua các hình thức khác như: Hệ thống bưu chính hoặc Hệ thống dịch vụ công trực tuyến (Cổng thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài hoặc phần mềm cung cấp dịch vụ công tại các địa phương).

3.2. Kiến nghị thực thi

- Bãi bỏ điểm c khoản 2 Điều 40 Luật Đầu tư năm 2014.

- Sửa đổi khoản 3 Điều 40 Luật Đầu tư năm 2014 thành: “Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan đăng ký đầu tư điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; trường hợp từ chối điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư phải thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nêu rõ lý do”.

- Bãi bỏ điểm c khoản 2 Điều 33 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư.

- Sửa đổi khoản 3 Điều 33 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP thành: “Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định tại khoản 2 Điều này, Cơ quan đăng ký đầu tư điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư”.

- Sửa đổi Biểu mẫu I.7 ban hành kèm theo Thông tư số 16/2015/TT-BKHĐT như sau:

+ Bãi bỏ các đầu mục hồ sơ quy định tại mục V gồm: Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy phép đầu tư/Giấy phép kinh doanh hoặc Quyết định chủ trương đầu tư; bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên/Đại hội đồng cổ đông/thành viên hợp danh/chủ sở hữu của Tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư về việc điều chỉnh dự án đầu tư hoặc văn bản hợp pháp khác theo quy định của pháp luật”.

+ Sửa đổi nội dung phần chữ ký của từng nhà đầu tư thành: “Nhà đầu tư/tổ chức kinh tế”.

3.3. Lợi ích phương án đơn giản hóa

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 103.621.400 đồng/năm

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 63.757.600 đồng/năm.

- Chi phí tiết kiệm: 39.863.800 đồng/năm.

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 38%.

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 1247/QĐ-UBND năm 2018 thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên

Số hiệu: 1247/QĐ-UBND
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hưng Yên
Người ký: Nguyễn Văn Phóng
Ngày ban hành: 01/06/2018
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [5]
Văn bản được căn cứ - [4]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 1247/QĐ-UBND năm 2018 thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên

Văn bản liên quan cùng nội dung - [5]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…