Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 84/2022/NQ-HĐND

Đà Nẵng, ngày 15 tháng 12 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ LÃI SUẤT ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC VAY VỐN ĐỂ ĐẦU TƯ CÁC DỰ ÁN PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI QUAN TRỌNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
KHOÁ X, NHIỆM KỲ 2021-2026, KỲ HỌP THỨ 10

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 144/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 40/2022/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 144/2016/NĐ-CP quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với Thành phố Đà Nẵng.

Xét Tờ trình số 204/TTr-UBND ngày 03 tháng 12 năm 2022 của UBND thành phố về việc quy định chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các tổ chức vay vốn để đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; Báo cáo thẩm tra số 395/BC-HĐND ngày 12 tháng 12 năm 2022 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân thành phố và ý kiến thảo luận của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các tổ chức vay vốn để đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng có khả năng thu hồi vốn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thuộc các lĩnh vực tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết này.

2. Đối tượng áp dụng

a) Các tổ chức được hỗ trợ lãi suất là các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế tập thể được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã (gọi chung là chủ đầu tư) vay vốn để đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng thuộc lĩnh vực hỗ trợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

b) Các ngân hàng thương mại, Quỹ Đầu tư Phát triển thành phố.

c) Các Sở, ban, ngành chuyên môn thuộc thành phố; Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Đà Nẵng và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn theo nghị quyết này.

Điều 2. Nguyên tắc hỗ trợ lãi suất

1. Hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư dự án mới; dự án mở rộng, nâng cấp.

2. Các dự án đã sử dụng vốn tín dụng ưu đãi, bảo lãnh tín dụng nhà nước hoặc đã được hưởng các ưu đãi về lãi vay khác theo quy định của nhà nước không thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Nghị quyết này.

3. Ngân sách không thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với các dự án vay vốn trả một lần khi đến hạn.

4. Khoản vay không được tiếp tục hỗ trợ lãi suất trong trường hợp sau:

a) Ngân sách thành phố không hỗ trợ đối với phần lãi phát sinh do chủ đầu tư không hoàn trả lại vốn gốc đúng thời hạn của hợp đồng tín dụng đã nộp cho Sở Tài chính tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ lãi suất.

b) Khoản vay được gia hạn nợ không được hỗ trợ lãi suất đối với thời gian được gia hạn nợ.

c) Dự án thay đổi chủ đầu tư. Chủ đầu tư đã nhận tiền hỗ trợ lãi suất nhưng sau đó chuyển nhượng dự án cho chủ đầu tư khác thì thành phố dừng hỗ trợ lãi suất tính từ thời điểm dự án hoàn tất thủ tục chuyển nhượng theo quy định tại Điều 46 của Luật Đầu tư.

d) Tại thời hạn nộp chứng từ trả lãi để xem xét cấp kinh phí hỗ trợ hằng năm theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 của Nghị quyết này, trường hợp chủ đầu tư chưa hoàn thành các nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi của khoản vay phát sinh theo hợp đồng tín dụng và thông báo của tổ chức cho vay tính đến hết ngày 31 tháng 12 của năm liền trước thì không được cấp kinh phí hỗ trợ lãi suất đối với những năm chưa hoàn thành nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi đó.   

5. Khi dự án của chủ đầu tư được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ về lãi suất của thành phố đang còn hiệu lực, thì chỉ được lựa chọn để hưởng một chính sách hỗ trợ.

6. Khi chủ đầu tư có nhiều dự án đảm bảo điều kiện được hỗ trợ theo quy định của Nghị quyết này thì chỉ được lựa chọn một dự án để hưởng chính sách hỗ trợ.

Điều 3. Điều kiện hỗ trợ lãi suất

1. Các chủ đầu tư có vay vốn bằng đồng Việt Nam tại các ngân hàng thương mại hoặc Quỹ Đầu tư Phát triển thành phố (gọi chung là tổ chức cho vay) để thực hiện dự án. Chỉ hỗ trợ cho các dự án có hợp đồng tín dụng được ký kết với tổ chức cho vay kể từ thời điểm Nghị quyết số 149/2018/NQ-HĐND ngày 12/7/2018 quy định chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các tổ chức vay vốn để đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng trên địa bàn thành phố có hiệu lực thi hành.

2. Sử dụng vốn đúng mục đích; đúng đối tượng, lĩnh vực đầu tư được hỗ trợ theo quy định của nghị quyết này.

3. Chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ nộp thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

4. Dự án có tổng vốn đầu tư từ 03 tỷ đồng trở lên trên địa bàn huyện Hòa Vang; dự án có tổng vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở lên đối với các khu vực khác.

5. Các dự án đầu tư phải phù hợp với quy hoạch, yêu cầu quản lý ngành được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường, xây dựng (nếu có).

6. Chủ đầu tư phải hoàn trả vốn gốc và lãi theo phân kỳ đã quy định của hợp đồng tín dụng.

7. Thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục, thành phần hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo quy định của nghị quyết này.

Điều 4. Thời gian, mức lãi suất hỗ trợ và số tiền tối đa được hỗ trợ cho một dự án trong 01 năm

1. Thời gian hỗ trợ lãi suất không quá 05 năm kể từ ngày giải ngân lần đầu và không vượt quá thời hạn vay vốn trong hạn của chủ đầu tư thể hiện trên hợp đồng tín dụng với các tổ chức cho vay. Lãi suất được hỗ trợ hằng năm.

2. Mức lãi suất hỗ trợ bằng 3%/năm, nhưng không lớn hơn mức lãi suất vay vốn theo hợp đồng tín dụng đã ký của chủ đầu tư với tổ chức cho vay.

3. Số tiền hỗ trợ lãi suất hàng năm của một dự án không quá 02 tỷ đồng/năm đối với 01 dự án và được tính theo công thức sau:

Trong đó:

- H: Số tiền hỗ trợ lãi suất;

- Σ(DixTi): Tổng các tích số giữa số dư nợ với số ngày dư nợ thực tế (trong hạn) được hỗ trợ lãi suất của khoản vay của chủ đầu tư.

4. Đối với dự án được cấp kinh phí hỗ trợ lần đầu thì số tiền hỗ trợ lãi suất lần đầu là lũy kế số tiền hỗ trợ hàng năm theo quy định tại khoản 3 điều này tính từ ngày giải ngân lần đầu theo quy định tại khoản 1 điều này đến thời điểm phê duyệt cấp kinh phí hỗ trợ.

Điều 5. Trình tự, thủ tục và hồ sơ đề nghị hỗ trợ lãi suất

1. Tên thủ tục hành chính: Đề nghị hỗ trợ lãi suất vay vốn để đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng trên địa bàn thành phố.

2. Trình tự thực hiện

a) Bước 1: Chủ đầu tư nộp trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Tài chính. Thời gian tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/12/2025.

b) Bước 2: Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả kiểm tra tính hợp lệ và đầy đủ của hồ sơ, viết phiếu biên nhận, chuyển phòng chuyên môn giải quyết.

c) Bước 3: Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan để thẩm định trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định.

Đối với các dự án chưa đủ điều kiện về thành phần hồ sơ: Chủ đầu tư phải bổ sung, hoàn chỉnh lại hồ sơ theo yêu cầu và nộp lại Sở Tài chính trong thời gian 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị. Quá thời gian này, nếu chủ đầu tư dự án chưa nộp lại hồ sơ hoàn chỉnh, Sở Tài chính có văn bản trả lại hồ sơ.

d) Bước 4: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố trả kết quả về Sở Tài chính và Sở Tài chính trả kết quả cho chủ đầu tư trực tiếp thông qua Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Tài chính hoặc dịch vụ bưu chính (theo yêu cầu của chủ đầu tư).

3. Thành phần, số lượng hồ sơ

Chủ đầu tư dự án có nhu cầu hỗ trợ lãi suất vốn vay lập hồ sơ theo thành phần quy định, gồm 06 bộ (trong đó 01 bộ là bản sao có công chứng) và gửi đến Sở Tài chính, cụ thể:

a) Văn bản đăng ký hỗ trợ (theo mẫu đính kèm Nghị quyết này).

b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (chỉ gửi 01 lần đầu tiên hoặc gửi lại khi có thay đổi điều chỉnh).

c) Giấy chứng nhận đầu tư/Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/Chấp thuận chủ trương đầu tư/Quyết định công nhận kết quả lựa chọn nhà đầu tư (nếu có). Đối với các dự án không thuộc trường hợp phải có các hồ sơ này thì cung cấp văn bản mà chủ đầu tư đã báo cáo cho cơ quan đăng ký đầu tư trước khi thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại khoản 5 Điều 72 Luật Đầu tư.

d) Báo cáo giải trình việc chấp hành các quy định của pháp luật quy hoạch, yêu cầu quản lý ngành, bảo vệ môi trường, xây dựng của dự án kèm theo các tài liệu chứng minh (nếu có) như: thông báo của cơ quan quản lý ngành về chủ trương cho phép triển khai dự án; quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của thành phố; văn bản đề nghị cấp giấy phép môi trường của dự án; giấy phép xây dựng.

đ) Hợp đồng tín dụng đã ký với tổ chức cho vay vốn (chỉ gửi 01 lần đầu tiên). Trường hợp tổ chức cho vay vốn đã bắt đầu giải ngân vốn vay cho dự án thì chủ đầu tư cung cấp thêm chứng từ giải ngân và bảng đối chiếu công nợ với tổ chức cho vay.

4. Thời hạn giải quyết: 40 ngày làm việc

a) Tại cơ quan trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính: 20 ngày làm việc, trong đó:

- Sau khi nhận được hồ sơ, trong vòng 03 ngày làm việc, Sở Tài chính kiểm tra hồ sơ và có văn bản gửi lấy ý kiến các cơ quan có liên quan hoặc có văn bản đề nghị chủ đầu tư bổ sung hồ sơ. Trường hợp cần yêu cầu chủ đầu tư bổ sung hồ sơ thì thời hạn giải quyết bắt đầu tính từ ngày chủ đầu tư bổ sung đầy đủ hồ sơ.

- Các sở, ngành liên quan có ý kiến bằng văn bản cho Sở Tài chính trong vòng 07 ngày làm việc tính từ ngày Sở Tài chính có văn bản.

- Trong vòng 10 ngày làm việc tiếp theo, Sở Tài chính xem xét ý kiến của các cơ quan có liên quan, thẩm định hồ sơ, tổ chức họp với các cơ quan (nếu thấy cần thiết) và báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.

b) Thời gian xử lý đề xuất của Sở Tài chính tại Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng (bao gồm thời gian lấy ý kiến thành viên Ủy ban nhân dân thành phố): 20 ngày làm việc.

5. Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Chủ đầu tư, các Sở, ngành chuyên môn và các cơ quan liên quan.

6. Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính

a) Cơ quan trực tiếp giải quyết: Sở Tài chính.

b) Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng.

7. Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố về việc phê duyệt hỗ trợ lãi suất đối với chủ đầu tư vay vốn để đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng trên địa bàn thành phố hoặc văn bản phản hồi của Ủy ban nhân dân thành phố (trong trường hợp chủ đầu tư không thuộc đối tượng được hỗ trợ hoặc dự án không đảm bảo điều kiện để hỗ trợ theo quy định của Nghị quyết này).

Điều 6. Nguồn vốn hỗ trợ lãi suất, quản lý, cấp phát khoản hỗ trợ lãi suất cho các dự án

1. Tổng kinh phí ngân sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết này tối đa không quá 300 tỷ đồng. Trường hợp dự kiến tổng kinh phí thực hiện chính sách vượt quá 300 tỷ đồng nhưng chưa hết thời gian tiếp nhận hồ sơ theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 của Nghị quyết này thì dừng tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Sở Tài chính có văn bản thông báo về việc dừng tiếp nhận hồ sơ để chủ đầu tư được biết.

2. Căn cứ các Quyết định phê duyệt hỗ trợ lãi suất của các dự án và tình hình thực tế thực hiện chính sách, Ủy ban nhân dân thành phố trình hội đồng nhân dân thành phố bố trí kinh phí hỗ trợ lãi suất trong dự toán hằng năm (tối đa 100 tỷ đồng/năm). Trong năm, nếu kinh phí hỗ trợ lãi suất các chủ đầu tư đề nghị vượt quá dự toán được giao, Ủy ban nhân dân thành phố báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố xem xét, quyết định bổ sung dự toán năm đó để thực hiện nhưng không vượt quá tổng kinh phí hỗ trợ lãi suất theo quy định của khoản 1 Điều này.

3. Căn cứ Quyết định phê duyệt của Ủy ban nhân dân thành phố về việc hỗ trợ lãi suất cho các dự án và hồ sơ về khoản tín dụng của dự án do chủ đầu tư cung cấp theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 của Nghị quyết này, trước ngày 31 tháng 3 hàng năm, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Đà Nẵng và các cơ quan, đơn vị liên quan thẩm tra, báo cáo đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt cấp kinh phí hỗ trợ lãi suất hàng năm cho các dự án cụ thể.

4. Căn cứ Quyết định phê duyệt cấp kinh phí của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về khoản hỗ trợ lãi suất hàng năm cho từng dự án và dự toán đã được bố trí trong dự toán, Sở Tài chính thực hiện cấp phát kinh phí hỗ trợ để Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng chuyển cho chủ đầu tư theo quy định.

Điều 7. Xử lý thu hồi số tiền đã hỗ trợ lãi suất

1. Trong quá trình thực hiện, trường hợp phát hiện khoản vay của chủ đầu tư được xác định không thuộc đối tượng, sử dụng vốn vay sai mục đích, không đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất hoặc chủ đầu tư có hành vi cố tình che giấu, cung cấp thông tin, hồ sơ không đúng sự thật nhằm trục lợi chính sách, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố thông báo cho chủ đầu tư nộp lại toàn bộ số tiền đã hỗ trợ lãi suất trong vòng 30 ngày kể từ ngày thông báo và dừng hỗ trợ lãi suất (trường hợp ngân sách thành phố chưa giải ngân khoản hỗ trợ lãi suất).

2. Trường hợp chủ đầu tư không hoàn trả số tiền đã được hỗ trợ lãi suất theo quy định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Đà Nẵng phối hợp chỉ đạo các ngân hàng thương mại, đề nghị Quỹ đầu tư phát triển thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp thu hồi số tiền đã hỗ trợ lãi suất.

Điều 8. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức

1. Chủ đầu tư dự án

a) Chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ cung cấp khi đề nghị hỗ trợ lãi suất; triển khai thực hiện dự án theo đúng các quy định pháp luật hiện hành về đầu tư và sản xuất kinh doanh; sử dụng vốn vay đúng mục đích. Đồng thời, phải cam kết hoàn trả số tiền đã được hỗ trợ lãi suất nếu bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện sử dụng vốn vay sai mục đích hoặc có hành vi gian dối, cố tình che giấu, cung cấp thông tin, hồ sơ không đúng sự thật.

b) Trên cơ sở Quyết định phê duyệt của Ủy ban nhân dân thành phố về việc hỗ trợ lãi suất cho dự án, chậm nhất vào ngày 01 tháng 3 năm sau chủ đầu tư có văn bản báo cáo về tình hình, tiến độ thực hiện dự án gửi Sở Tài chính kèm theo các hồ sơ có liên quan gồm: tiến độ giải ngân vốn vay của tổ chức cho vay, bảng đối chiếu công nợ, thông báo trả nợ gốc và lãi của tổ chức cho vay, toàn bộ chứng từ trả gốc và lãi năm trước của chủ đầu tư, số tài khoản của chủ đầu tư để Sở Tài chính thẩm tra, tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt cấp kinh phí hỗ trợ lãi suất. Trường hợp chủ đầu tư không thực hiện đúng trách nhiệm báo cáo thì Sở Tài chính báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố không hỗ trợ lãi suất cho dự án đối với năm đó.

c) Trong quá trình triển khai thực hiện nếu chủ đầu tư sắp xếp được nguồn vốn để thanh toán các khoản nợ vay của tổ chức cho vay trước thời hạn được ngân sách hỗ trợ lãi suất thì chủ đầu tư phải có văn bản báo cáo về tình hình triển khai thực hiện, lũy kế số vốn đã được ngân sách hỗ trợ lãi suất để Sở Tài chính báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố xem xét kết thúc hỗ trợ cho dự án.

2. Các tổ chức cho vay vốn

Chịu trách nhiệm thẩm định hiệu quả và tính khả thi của dự án, xác nhận khoản vay đã giải ngân; thực hiện giải ngân theo đúng tiến độ thực hiện dự án và theo quy định hiện hành; phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền thu hồi số tiền lãi đã hỗ trợ không đúng quy định nêu tại Điều 7 Nghị quyết này khi được các cơ quan yêu cầu.        

3. Sở Tài chính

a) Tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ lãi suất; chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Đà Nẵng, Quỹ đầu tư Phát triển thành phố, Sở chuyên ngành và các cơ quan có liên quan xét duyệt hồ sơ trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét phê duyệt làm cơ sở tính toán xác định kinh phí hỗ trợ cho các chủ đầu tư thực hiện dự án.

b) Chủ trì phối hợp với các cơ quan đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố biện pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm các quy định tại Nghị quyết này. Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất các dự án đầu tư theo quy định.

c) Trình cấp có thẩm quyền xem xét bố trí kế hoạch vốn hỗ trợ lãi suất hàng năm theo quy định.

d) Trên cơ sở Quyết định phê duyệt của Ủy ban nhân dân thành phố về việc hỗ trợ lãi suất cho các dự án, hồ sơ do chủ đầu tư cung cấp có xác nhận của tổ chức cho vay, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thẩm tra, báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt cấp kinh phí hỗ trợ lãi suất hàng năm cho các dự án cụ thể.

đ) Thực hiện thủ tục cấp phát kinh phí hỗ trợ lãi suất để Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng thanh toán kinh phí hỗ trợ hằng năm cho các chủ đầu tư dự án theo quy định.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Phối hợp với Sở Tài chính thẩm định, xem xét hồ sơ pháp lý của chủ đầu tư, tính hợp pháp của dự án đề nghị hỗ trợ theo các quy định của pháp luật liên quan về đầu tư.

b) Chịu trách nhiệm theo dõi các dự án được phê duyệt hỗ trợ lãi suất thuộc phạm vi quản lý, kịp thời cung cấp các thông tin về chuyển nhượng dự án, vi phạm pháp luật của chủ đầu tư (nếu có) cho Sở Tài chính để xem xét báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố việc hỗ trợ lãi suất hằng năm.

5. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Đà Nẵng

a) Chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực tham gia chính sách của thành phố, đồng thời thực hiện đúng quy định của pháp luật và kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng trước, trong và sau khi cho vay, đảm bảo giải ngân đúng theo mục đích của Hợp đồng tín dụng.

b) Phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra hồ sơ đề nghị hỗ trợ lãi suất của chủ đầu tư khi có đề nghị.

c) Phối hợp các cơ quan đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố biện pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm quy định về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng liên quan đến chính sách này.

6. Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp

a) Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở quản lý chuyên ngành để thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ của chủ đầu tư trong trường hợp dự án ở trong khu công nghệ cao và khu công nghiệp.

b) Chịu trách nhiệm theo dõi các dự án được phê duyệt hỗ trợ trong khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung và các khu công nghiệp, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc và kịp thời thông tin về việc chuyển nhượng dự án, vi phạm của chủ đầu tư (nếu có) trong quá trình triển khai dự án của các chủ đầu tư gửi Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, giải quyết.

7. Các Sở quản lý chuyên ngành đối với các dự án có liên quan

a) Có ý kiến bằng văn bản gửi Sở Tài chính về sự phù hợp của dự án đối với các quy định về quy hoạch, yêu cầu quản lý ngành, các quy định của pháp luật về môi trường, xây dựng; xác định đối tượng, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất đối với từng dự án theo quy định của Nghị quyết này khi có yêu cầu. Trong trường hợp dự án đề nghị hỗ trợ có vi phạm các quy định của pháp luật chuyên ngành thì các Sở quản lý chuyên ngành phải có ý kiến cụ thể về việc có hỗ trợ hay không hỗ trợ lãi suất cho dự án.

b) Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, kịp thời cung cấp các thông tin vi phạm pháp luật của chủ đầu tư (nếu có) cho Sở Tài chính để làm cơ sở xem xét báo báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố xem xét việc hỗ trợ hoặc không hỗ trợ lãi suất hằng năm.

8. Cục Thuế thành phố Đà Nẵng

Có ý kiến bằng văn bản gửi Sở Tài chính về việc chấp hành các nghĩa vụ nộp thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị quyết này khi có yêu cầu.  

Điều 9. Điều khoản thi hành

1. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 149/2018/NQ-HĐND ngày 12/7/2018 quy định chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các tổ chức vay vốn để đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng trên địa bàn thành phố và Nghị quyết số 237/2019/NQ-HĐND ngày 11/7/2019 bổ sung danh mục dự án tại Phụ lục số I kèm theo Nghị quyết số 149/2018/NQ-HĐND ngày 12/7/2018 của HĐND thành phố.

2. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật trích dẫn tại Nghị quyết này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật khác thì áp dụng quy định tại văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

3. Đối với các dự án đã ký hợp đồng tín dụng vay vốn kể từ ngày Nghị quyết số 149/2018/NQ-HĐND ngày 12/7/2018 của HĐND thành phố có hiệu lực thi hành mà chủ đầu tư thuộc đối tượng áp dụng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết 149/2018/NQ-HĐND nhưng gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ lãi suất sau thời điểm Nghị quyết này có hiệu lực thi hành thì áp dụng theo các quy định về nguyên tắc, điều kiện, mức lãi suất hỗ trợ, thời gian hỗ trợ và trình tự, thủ tục hồ sơ đề nghị hỗ trợ tại Nghị quyết này.

Điều 10. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này theo quy định của pháp luật. Đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố tiếp thu ý kiến của Ban Kinh tế - Ngân sách tại báo cáo thẩm tra số 395/BC-HĐND ngày 12/12/2022, tổ chức đánh giá kết quả thi hành chính sách để báo cáo Hội đồng nhân dân thành phố Kỳ họp giữa năm 2023.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu và các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố phối hợp giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này đạt kết quả tốt.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng Khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, Kỳ họp thứ 10, thông qua ngày 15 tháng 12 năm 2022 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26 tháng 12 năm 2022./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chủ tịch nước;
- Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- Vụ pháp chế - Bộ Tài chính;
- Ban Thường vụ Thành ủy;
- Các cơ quan tham mưu, giúp việc Thành ủy;
- Đoàn ĐBQH thành phố;
- Thường trực HĐND thành phố;
- UBND, UBMTTQVN thành phố;
- Các Ban của HĐND thành phố;
- Đại biểu HĐND thành phố;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố;
- Văn phòng UBND thành phố;
- Các sở, ngành, đoàn thể thành phố;
- Các quận ủy, huyện ủy; UBND, UBMTTQVN
các quận, huyện; HĐND huyện Hòa Vang;
- Đảng ủy, UBND các phường, xã; HĐND các xã;
- Báo Đà Nẵng, Chuyên đề CA TPĐN, Đài PT-TH ĐN, Trung tâm THVN (VTV8), Cổng TTĐT thành phố;
- Lưu: VT, CTHĐ.

CHỦ TỊCH




Lương Nguyễn Minh Triết

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC LĨNH VỰC ĐẦU TƯ ĐƯỢC HỖ TRỢ LÃI SUẤT
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 84/2022/NQ-HĐND ngày 15 tháng 12 năm 2022 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng)

I. CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

1. Sản xuất linh kiện điện tử: Dự án Sản xuất chất bán dẫn và các linh kiện ứng dụng điện tử khác. Cụ thể: Sản xuất tụ điện, điện tử; Sản xuất điện trở, điện tử; Sản xuất bộ mạch vi xử lý; Sản xuất bo mạch điện tử; Sản xuất ống điện tử; Sản xuất liên kết điện tử; Sản xuất mạch điện tích hợp; Sản xuất ống hai cực, bóng bán dẫn, bộ chia liên quan; Sản xuất phần cảm điện (cuộn cảm kháng, cuộn dây, bộ chuyển); Sản xuất tinh thể điện tử và lắp ráp tinh thể; Sản xuất solenoit, bộ chuyển mạch và bộ chuyển đổi cho các bộ phận điện tử; Sản xuất chất bán dẫn, sản xuất chất tinh chế và bán tinh chế; Sản xuất thẻ giao diện (âm thanh, video, điều khiển, mạng lưới); Sản xuất cấu kiện hiển thị (plasma, polime, LCD); Sản xuất bóng đèn diot phát sáng (LED); Sản xuất cáp, máy in, cáp màn hình, cáp USB.

2. Sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính: Dự án Sản xuất và hoặc lắp ráp các máy tính điện tử như màn hình, máy tính để bàn, máy chủ, máy xách tay. Cụ thể: Sản xuất máy vi tính để bàn; Sản xuất máy vi tính xách tay; Sản xuất máy chủ; Sản xuất máy tính cầm tay (PDA); Sản xuất ổ đĩa từ, đĩa flash và các thiết bị lưu khác; Sản xuất ổ đĩa quang học (ví dụ CD-RW, CD-ROM, DVD-ROM, DVD-RW); Sản xuất máy in; Sản xuất màn hình; Sản xuất bàn phím; Sản xuất các loại chuột, que điều khiển và các thiết bị kiểm tra; Sản xuất các giao diện máy tính; Sản xuất máy quét, bao gồm máy quét mã thanh; Sản xuất máy đọc thẻ thông minh; Sản xuất mũ ảo; Sản xuất máy chiếu; Sản xuất các cổng máy tính như máy rút tiền tự động (ATM), máy bán hàng (POS), không hoạt động theo cơ khí; Sản xuất thiết bị văn phòng đa chức năng như máy liên hợp fax-copy-quét.

3. Sản xuất thiết bị truyền thông:

a) Dự án Sản xuất thiết bị truyền dữ liệu và điện thoại được sử dụng để chuyển tín hiệu điện tử thông qua dây dẫn hoặc không khí như đài phát thanh và trạm vô tuyến và các thiết bị truyền thông không dây.

b) Các dự án: Sản xuất thiết bị chuyển mạch văn phòng trung tâm; Sản xuất điện thoại không dây; Sản xuất thiết bị đổi nhánh riêng (PBX); Sản xuất điện thoại và máy fax, bao gồm máy trả lời điện thoại; Sản xuất thiết bị truyền dữ liệu, như cầu, đường, cổng ra vào; Sản xuất ăngten thu phát; Sản xuất thiết bị cáp vô tuyến; Sản xuất máy nhắn tin; Sản xuất điện thoại di động; Sản xuất thiết bị truyền thông di động; Sản xuất thiết bị trong phòng thu vô tuyến và truyền thanh, bao gồm cả các máy quay phim; Sản xuất modem, thiết bị truyền tải; Sản xuất hệ thống chuông chống trộm và đèn báo động, gửi dấu hiệu đến một trạm điều khiển; Sản xuất thiết bị chuyển đổi tivi và đài; Sản xuất thiết bị hồng ngoại.

4. Lập trình các phần mềm nhúng.

5. Dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cố định hỗ trợ viễn thông và công nghệ thông tin, dữ liệu (hệ thống đài thông tin, trạm, ăng ten phát sóng, hệ thống cáp truyền dữ liệu, hệ thống trung tâm dữ liệu...); dự án đầu tư xây dựng khu Công nghệ thông tin tập trung; dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật cống, bể ngầm phục vụ ngầm hóa cáp thông tin; dự án triển khai các ứng dụng thông minh, tiếp cận công nghiệp 4.0 để phục vụ quản lý đô thị và cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp.

II. CÔNG NGHIỆP, CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ, SẢN XUẤT VẬT LIỆU

1. Các dự án sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ và các dự án sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ mở rộng theo Nghị quyết của HĐND thành phố Đà Nẵng.

2. Dự án sản xuất vật liệu composit, các loại vật liệu xây dựng nhẹ, vật liệu quý hiếm, vật liệu nano.  

3. Các dự án trong các phân ngành công nghiệp sản xuất nhựa, giấy, chế biến thủy sản, dệt may, vật liệu xây dựng thực hiện chuyển đổi, thay thế các trang thiết bị, công nghệ lạc hậu tiêu tốn nhiều năng lượng bằng các trang thiết bị, công nghệ mới sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có mức tiết kiệm năng lượng tối thiểu 15% và không được tăng hạn mức phát thải.

III. NÔNG NGHIỆP

1. Dự án sản xuất, phát triển giống cây trồng, giống vật nuôi, giống cây lâm nghiệp, giống thuỷ sản, bao gồm cả dự án ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi và hoa có giá trị kinh tế cao.

2. Dự án ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, sinh thái, tuần hoàn trong sản xuất nông lâm thủy sản.

3. Dự án liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn.

4. Dự án đầu tư sản xuất tại các vùng, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và vùng chuyên canh tập trung, cụm sản xuất nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp, công nghiệp phục vụ nông nghiệp.

5. Dự án đầu tư Trung tâm chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm tập trung và dự án nâng cấp cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo an toàn thực phẩm.

6. Dự án đầu tư trang thiết bị, công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất cho các sản phẩm OCOP và xây dựng chuỗi giá trị cho sản phẩm OCOP.

IV. NĂNG LƯỢNG, BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, XÂY DỰNG KẾT CẤU HẠ TẦNG

1. Dự án đầu tư hệ thống cấp nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải, rác thải, khí thải trên địa bàn thành phố; dự án đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

2. Dự án đầu tư xây dựng bảo vệ rừng phòng hộ, cải tạo hồ chứa nước, công trình thủy lợi.

3. Dự án di dời nhà máy, cơ sở sản xuất ở làng nghề, khu vực dân cư vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo chủ trương của thành phố Đà Nẵng.

4. Dự án thử nghiệm, nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực quản lý, tái chế, tái sử dụng chất thải để giảm lượng chất thải vào môi trường.

5. Dự án về giảm thiểu ô nhiễm công nghiệp, sản xuất sạch hơn của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.

6. Dự án sản xuất giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các doanh nghiệp trong 5 ngành công nghiệp: gạch, gốm-sứ, giấy và bột giấy, dệt và chế biến thực phẩm.

7. Dự án hạ ngầm lưới điện trung, hạ thế trong khu đô thị và khu dân cư theo danh mục tuyến đường cụ thể do Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

8. Dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho chuyên gia và người lao động trong Khu Công nghệ cao thuê.

9. Đầu tư xây dựng Trung tâm Đào tạo, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ, Trung tâm Ươm tạo công nghệ cao trong Khu công nghệ cao.

10. Đầu tư xây dựng cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ cao, cơ sở nghiên cứu công nghệ cao, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao.

11. Dự án xây dựng cơ sở và đầu mối ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp như vườn ươm doanh nghiệp, trung tâm hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp; các khu làm việc chung, khu thiết kế chung...

12. Các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng và trang thiết bị thuộc lĩnh vực logistics, cảng biển, bến thủy nội địa…

13. Các dự án đầu tư xây dựng Bãi đỗ xe (ngầm, nổi, thông minh); Hệ thống giao thông thông minh (ITS);

14. Các dự án đầu tư liên quan đến vận tải hành khách công cộng (xe buýt, xe buýt nhanh (BRT), tramway, mạng lưới xe đạp điện công cộng).

15. Các dự án đầu tư, chuyển đổi các phương tiện giao thông (xe buýt, xe taxi) chạy bằng nhiên liệu hóa thạch sang chạy bằng điện.

16. Các dự án đầu tư mới cảng, bến phục vụ du lịch đường thủy nội địa.

17. Dự án đầu tư xây dựng trạm sạc điện nhanh (trạm sạc cấp 3)

18. Dự án sản xuất các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường hoặc sản phẩm sử dụng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

19. Dự án đầu tư xây dựng cơ sở sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió, vi sinh vật, biomass, địa nhiệt, thủy triều.

20. Dự án sản xuất hoặc sử dụng công nghệ sạch, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

V. Y TẾ, GIÁO DỤC VÀ KHÁC

1. Dự án ứng dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất thuốc chữa bệnh cho người đạt tiêu chuẩn GMP quốc tế; sản xuất nguyên liệu thuốc kháng sinh; sản xuất thuốc từ cây dược liệu địa phương.

2. Dự án nuôi trồng, thu hoạch và chế biến dược liệu; phát triển nguồn dược liệu và sản xuất thuốc từ dược liệu.

3. Các dự án đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập ở các bậc học: giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp thuộc địa bàn ưu đãi xã hội hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

4. Dịch vụ cảng; dịch vụ kho ngoại quan; dịch vụ cung ứng tàu biển; dịch vụ tư vấn pháp luật thương mại quốc tế./.

 

MẪU VĂN BẢN ĐỀ NGHỊ HỖ TRỢ LÃI SUẤT VAY VỐN

(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 84/2022/NQ-HĐND ngày 15/12/2022 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng)

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

ĐỀ NGHỊ HỖ TRỢ LÃI SUẤT VAY VỐN

Kính gửi: Sở Tài chính thành phố Đà Nẵng

Căn cứ chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn theo quy định tại Nghị quyết số 84/2022/NQ-HĐND ngày 15 tháng 12 năm 2022 của HĐND thành phố Đà Nẵng,….. …(tên đơn vị) đăng ký hỗ trợ lãi suất vay vốn với các nội dung như sau:

I. TỔ CHỨC KINH TẾ THỰC HIỆN DỰ ÁN

1. Tên tổ chức kinh tế: ................................................................................................

2. Tài liệu về tư cách pháp lý của tổ chức số: ………do ..……………. (tên cơ quan cấp) cấp lần đầu ngày:……., lần điều chỉnh gần nhất (nếu có) ngày.......................................................

3. Mã số thuế:................................................................................................................

4. Địa chỉ trụ sở chính:

Điện thoại: ................ Fax:.................... Email:.................... Website (nếu có): .......

5. Ngành, nghề kinh doanh:

6. Vốn điều lệ: ………. (bằng số) đồng.

7. Tỷ lệ vốn góp của từng nhà đầu tư (tại thời điểm đề nghị hỗ trợ)

STT

Tên nhà đầu tư

Quốc tịch (*)

Số vốn góp

VNĐ

Tương đương USD

Tỷ lệ (%)

 

 

 

 

 

 

(*) Trường hợp là nhà đầu tư trong nước thì đề nghị nêu cụ thể là vốn nhà nước hay vốn ngoài nhà nước.

8. Tình hình chấp hành các nghĩa vụ nộp thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật. Trong đó nêu rõ các khoản thuế, phí, tiền thuê đất, thu khác thuộc ngân sách nhà nước còn nợ (nếu có).

II. Dự án đầu tư

1. Tên dự án đầu tư:      

2. Số Giấy phép đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/hoặc các giấy tờ tương đương khác do cơ quan có thẩm quyền cấp.

3. Mục tiêu dự án:         

4. Quy mô dự án: Chỉ miêu tả các tiêu chí nếu có

4.1. Diện tích đất, mặt nước, mặt bằng dự kiến sử dụng (m2 hoặc ha)

4.2. Diện tích đất phù hợp quy hoạch: m2 (trừ diện tích đất thuộc lộ giới hoặc diện tích đất không phù hợp quy hoạch).

4.3. Công suất thiết kế

4.4. Sản phẩm, dịch vụ cung cấp

4.5. Quy mô kiến trúc xây dựng dự kiến (diện tích xây dựng, diện tích sàn, số tầng, chiều cao công trình, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất…)

Trường hợp dự án có nhiều giai đoạn, từng giai đoạn được miêu tả như trên.

Trong trường hợp có mục tiêu đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị đề nghị ghi rõ:

4.6. Diện tích đất xây dựng:…. m2;

4.7. Diện tích sàn xây dựng nhà ở:…. m2;

4.8. Loại nhà ở (nhà liền kề, căn hộ chung cư, biệt thự … theo quy định của Luật Nhà ở);

4.9. Số lượng nhà ở: ………… căn;

4.10. Quy mô dân số: …… người;

4.11. Vị trí dự án thuộc khu vực đô thị:…..(có/không);

4.12. Dự án thuộc phạm vi bảo vệ của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt:…..(có/không);

4.13. Dự án thuộc khu vực hạn chế phát triển hoặc nội đô lịch sử (được xác định trong đồ án quy hoạch đô thị) của đô thị loại đặc biệt:…..(có/không);

5. Địa điểm thực hiện dự án: ..................................................................

(Đối với dự án ngoài KCN, KCX, KCNC, KKT: ghi số nhà, đường phố/xóm, phường/xã, quận/huyện, tỉnh/thành phố. Đối với dự án trong KCN, KCX, KCNC, KKT: ghi số, đường hoặc lô…, tên khu, quận/huyện, tỉnh/thành phố).

6. Diện tích mặt đất, mặt nước sử dụng (nếu có): .............. m2 hoặc ha

7. Tổng vốn đầu tư của dự án: ……. (bằng số) đồng.

8. Thời hạn hoạt động của dự án: ...... năm, kể từ ngày ..........................

9. Tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động chủ yếu của dự án đầu tư:

9.1. Tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn;

a) Tổng vốn đầu tư đã thực hiện (ghi số vốn đã thực hiện và tỷ lệ so với tổng vốn đầu tư đăng ký), trong đó:

b) Vốn góp của nhà đầu tư:...(bằng chữ) đồng.

c) Vốn huy động: ……. (bằng chữ) đồng, trong đó:

- Vốn vay từ các tổ chức tín dụng:

- Vốn huy động từ cổ đông, thành viên, từ các chủ thể khác:

- Vốn huy động từ nguồn khác (ghi rõ nguồn):

d) Lợi nhuận để lại của nhà đầu tư để tái đầu tư (nếu có): ......................

9.2. Tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động hoặc khai thác vận hành (nếu có)

9.3. Sơ bộ phương án phân kỳ đầu tư hoặc phân chia dự án thành phần (nếu có)

(Trường hợp dự án đầu tư chia thành nhiều giai đoạn thì phải ghi rõ tiến độ thực hiện từng giai đoạn)

10. Sơ lược tình hình hoạt động của dự án tính từ lúc dự án triển khai đến thời điểm báo cáo (nếu có):

10.1. Doanh thu

10.2. Giá trị xuất, nhập khẩu:

10.3. Lợi nhuận:

11. Số lao động sử dụng (tính từ lúc dự án triển khai)

Tổng số lao động, người Việt Nam, người nước ngoài (nếu có); mức thu nhập bình quân của người lao động

12. Ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đang được hưởng (nếu có, nêu cụ thể chính sách được hưởng, của trung ương hay của địa phương quy định).

13. Đề nghị của Chủ đầu tư:

13.1. Thời gian vay vốn để đầu tư:   

13.2. Số vốn vay đề nghị ngân sách thành phố hỗ trợ lãi suất: 

13.3. Mức lãi suất đề nghị hỗ trợ:     

13.4. Thời gian hỗ trợ:….năm, bắt đầu từ năm:                       

III. TỔ CHỨC KINH TẾ CAM KẾT:

1. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của hồ sơ và các văn bản gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan.

3. Cam kết chịu mọi chi phí, rủi ro nếu dự án không được chấp thuận hỗ trợ lãi suất theo quy định.

4. Cam kết dự án đăng ký hỗ trợ lãi suất này chưa được hưởng ưu đãi, bảo lãnh tín dụng Nhà nước hoặc chưa được hưởng các ưu đãi về lãi vay khác của Nhà nước theo quy định của pháp luật. Nếu vi phạm chủ đầu tư cam kết nộp trả lại ngân sách nhà nước phần lãi đã được hỗ trợ theo yêu cầu của cơ quan nhà nước.

5. Khi chủ đầu tư chuyển nhượng dự án theo quy định của pháp luật thì sẽ thông báo cho Sở Tài chính để chấm dứt chính sách hỗ trợ lãi suất theo quy định.

IV. HỒ SƠ KÈM THEO

1. Các hồ sơ nêu tại khoản 3, Điều 6 Nghị quyết số 84/2022/NQ-HĐND ngày 15 tháng 12 năm 2022 của HĐND thành phố: (liệt kê cụ thể)

2. Các hồ sơ khác các liên quan (nếu có):

Đơn vị cam kết các nội dung khai nêu trên là đúng sự thật và chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về các nội dung khai nêu trên.

 

 

Đà Nẵng, ngày …..tháng .... năm.....
Đại diện chủ đầu tư
(Ghi rõ họ tên và chức vụ, đóng dấu)





 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Nghị quyết 84/2022/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các tổ chức vay vốn để đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Số hiệu: 84/2022/NQ-HĐND
Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng
Người ký: Lương Nguyễn Minh Triết
Ngày ban hành: 15/12/2022
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [2]
Văn bản được dẫn chiếu - [4]
Văn bản được căn cứ - [6]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Nghị quyết 84/2022/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các tổ chức vay vốn để đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Văn bản liên quan cùng nội dung - [11]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…