HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 75/NQ-HĐND |
Hà Tĩnh, ngày 13 tháng 12 năm 2017 |
VỀ KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG TRUNG HẠN VỐN CÂN ĐỐI NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG GIAI ĐOẠN 2016-2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH
KHÓA XVII,
KỲ HỌP THỨ 5
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị quyết số 26/2016/NQ-QH14 ngày 10/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020;
Căn cứ Nghị quyết số 1023/UBTVQH13 ngày 28 tháng 8 năm 2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020;
Căn cứ Nghị định số 77/2015/NĐ-CP, ngày 10 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công;
Căn cứ Nghị quyết số 14/2016/NQ-HĐND ngày 24 tháng 9 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020;
Thực hiện Quyết định số 572/QĐ-BKHĐT ngày 20/4/2017 và Quyết định số 1178/QĐ-BKHĐT ngày 29/8/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc giao chi tiết kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020;
Sau khi xem xét Tờ trình số 403/TTr-UBND và Báo cáo số 403/BC-UBND ngày 07 tháng 12 năm 2017 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - ngân sách và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Mục tiêu và định hướng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020
1. Mục tiêu:
Cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phục vụ cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVIII đã đề ra.
2. Định hướng đầu tư:
a) Tập trung đầu tư nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng Khu kinh tế Vũng Áng; phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh, thị xã Kỳ Anh, trung tâm kinh tế - chính trị huyện Kỳ Anh; xây dựng nông thôn mới; các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
b) Ưu tiên đầu tư các lĩnh vực trọng tâm: Phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, hạ tầng kết nối tới các khu du lịch, dịch vụ, công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu thu hút vốn đầu tư; từng bước hoàn thiện hệ thống thoát nước, xử lý nước thải, rác thải; nâng mức đầu tư cho y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ;
c) Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về đầu tư công; đảm bảo sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của nhà nước, như: Kiểm soát chặt chẽ và ưu tiên bố trí vốn thanh toán nợ xây dựng cơ bản; Tập trung bố trí vốn để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ các dự án dở dang, chuyển tiếp do cấp tỉnh quyết định đầu tư trong giai đoạn 2011-2015; khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải trong đầu tư xây dựng cơ bản;
d) Đảm bảo cân đối đủ nguồn lực để thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách của địa phương giai đoạn 2016-2020. Không bố trí vốn đầu tư công vào các lĩnh vực, dự án mà các thành phần kinh tế khác có thể đầu tư.
Điều 2. Tổng mức vốn đầu tư trung hạn vốn cân đối ngân sách địa phương giai đoạn 2016-2020
Tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn cân đối ngân sách địa phương giai đoạn 2016-2020 là 8.604,023 tỷ đồng. Trong đó: Dự phòng chưa phân bổ là 696,479 tỷ đồng; số đưa vào phân bổ chi tiết là 7.907,274 tỷ đồng, bao gồm:
a) Vốn ngân sách tập trung: 2.858,267 tỷ đồng.
b) Tiền thu cấp quyền sử dụng đất: 4.750 tỷ đồng
c) Nguồn thu xổ số kiến thiết: 37,473 tỷ đồng.
d) Vốn tín dụng đầu tư phát triển: 261,534 tỷ đồng.
(Chi tiết theo Phụ lục 01 ban hành kèm theo).
1. Tuân thủ đúng các quy định của Luật Đầu tư công, Luật ngân sách nhà nước, Nghị quyết số 100/NQ-QH13 ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, Nghị quyết số 1023/UBTVQH13 ngày 28 tháng 8 năm 2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 14/2016/NQ-HĐND ngày 24/9/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 và các văn bản pháp luật có liên quan.
2. Việc bố trí vốn ngân sách nhà nước trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương trong giai đoạn 2016-2020 đảm bảo theo thứ tự ưu tiên như sau:
a) Ưu tiên bố trí đủ vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản (không bố trí vốn ngân sách nhà nước để thanh toán các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh sau ngày 31 tháng 12 năm 2014); thu hồi các khoản ứng trước; bố trí vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP);
b) Các dự án chuyển tiếp bố trí theo tiến độ được phê duyệt, trong đó ưu tiên tập trung bố trí vốn để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của các cấp, các ngành và các địa phương;
c) Sau khi bố trí cho các nội dung nói trên, số vốn còn lại (nếu có) mới được bố trí cho các dự án khởi công mới đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 5 Điều 54 của Luật Đầu tư công, Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công. Trong đó, ưu tiên bù đắp phần còn thiếu cho các dự án khởi công mới sử dụng vốn ngân sách trung ương, vốn tín dụng đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020.
d) Bố trí vốn chuẩn bị đầu tư theo quy định tại Điều 57 của Luật Đầu tư công.
3. Các cấp, các ngành phải quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công, không để phát sinh thêm nợ đọng xây dựng cơ bản. Chỉ bố trí vốn kế hoạch đầu tư công để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước ngày Luật Đầu tư công có hiệu lực.
4. Trong tổng số vốn kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020, đối với từng nguồn vốn, dành lại dự phòng 10% tổng mức vốn kế hoạch đầu tư trung hạn để xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn (quy định tại khoản 6 Điều 54 của Luật Đầu tư công và Điều 7 của Nghị định số 77/2015/NĐ-CP).
5. Việc phân cấp quản lý, thực hiện phân bổ nguồn vốn cho các cấp ngân sách, trước mắt chưa giao cân đối cho các huyện, thị xã, thành phố chủ động quyết định phân bổ mà để thực hiện những công trình, dự án do cấp huyện, cấp xã quản lý nhưng do tỉnh quyết định đầu tư. Việc phân cấp nguồn vốn phải được thực hiện theo lộ trình gắn với phân cấp quản lý đầu tư và quản lý nhà nước về loại và cấp công trình.
Việc phân bổ các nguồn vốn ngân sách địa phương được thực hiện theo các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 quy định tại Nghị quyết số 14/2016/NQ-HĐND ngày 24/9/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Cụ thể theo các nguồn vốn như sau:
1. Nguồn thu tiền sử dụng đất: 4.750 tỷ đồng, bao gồm:
1.1. Đã phân bổ trong kế hoạch các năm 2016 và năm 2017 là 1.750 tỷ đồng.
1.2. Giai đoạn 2018-2020 là 3.000 tỷ đồng, trong đó:
a) Ngân sách cấp huyện và cấp xã hưởng theo phân cấp: 2.250 tỷ đồng;
b) Ngân sách tỉnh hưởng: 750 tỷ đồng, phân bổ như sau:
- Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới: 200 tỷ đồng;
- Hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng các dự án: 50 tỷ đồng;
- Đối ứng kinh phí đo vẽ bản đồ địa chính, cấp GCNQSD đất và xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai; xây dựng hệ thống thông tin TNMT; điều tra, đánh giá phân hạng đất; kinh phí định giá đất; đo mới, chỉnh lý bản đồ địa chính; quy hoạch sử dụng đất,..: 80 tỷ đồng;
- Các dự án quan trọng, cấp bách khác của địa phương: 420 tỷ đồng.
(Chi tiết theo Phụ lục 02 ban hành kèm theo).
2. Ngân sách tập trung: 2.858,267, phân bổ như sau:
2.1. Đã phân bổ trong kế hoạch các năm 2016 và năm 2017 là 1.109,44 tỷ đồng;
2.2. Kế hoạch vốn giai đoạn 2018-2020 là 1.748,827 tỷ đồng, phân bổ như sau:
a) Các khoản chi chung không phân bổ cho các huyện, ngành là 612,09 tỷ đồng, trong đó:
- Dự phòng để xử lý các vấn đề phát sinh trong kế hoạch hằng năm (10%): 61,209 tỷ đồng;
- Bố trí vốn đối ứng các dự án ODA: 150 tỷ đồng;
- Các dự án quan trọng, cấp bách của địa phương: 258,598 tỷ đồng. Trong đó: Bổ sung phần vốn còn thiếu các dự án sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển năm 2016 là 101 tỷ đồng, Bố trí các dự án quan trọng, cấp bách của địa phương là 157,598 tỷ đồng.
b) Số vốn còn lại là 1.136,738 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tập trung, phân bổ theo tỷ lệ giữa cấp tỉnh và cấp huyện như sau:
- Các ngành, đơn vị cấp tỉnh (50%) là 568,369 tỷ đồng;
- Các huyện, thị xã, thành phố (50%) là 568,369 tỷ đồng.
(Chi tiết theo các Phụ lục số 03 và Phụ lục số 04 ban hành kèm theo).
3. Nguồn thu xổ số kiến thiết là 37,473 tỷ đồng, phân bổ cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo và lĩnh vực y tế theo tỷ lệ như sau:
a) Lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề (70%) là 26,231 tỷ đồng;
b) Lĩnh vực y tế (30%) là 11,242 tỷ đồng.
(Chi tiết theo Phụ lục số 05 ban hành kèm theo).
4. Vốn tín dụng đầu tư phát triển 261,534 tỷ đồng: Thực hiện theo Quyết định số 1939/QĐ-BKHĐT ngày 30/12/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Điều 5. Các giải pháp triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020
1. Nhóm giải pháp huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020
a.) Huy động tối đa các nguồn vốn cho đầu tư phát triển thông qua các hình thức xã hội hóa đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục đào tạo, môi trường,... tập trung xây dựng và áp dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư theo hình thức BOT, BT, PPP,... huy động tối đa các nguồn vốn của các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân đầu tư cơ sở hạ tầng; khuyến khích, ưu đãi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nông thôn mới và các lĩnh vực xã hội. Lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp, dân cư với nguồn vốn từ ngân sách nhà nước.
b) Triển khai rà soát lại các cơ chế chính sách đã ban hành giai đoạn 2011-2015 đồng thời cơ cấu lại các khoản chi, đảm bảo hợp lý, theo hướng đảm bảo khả thi nguồn vốn Ngân sách tỉnh dành cho đầu tư phát triển.
c) Tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các cơ quan ngoại giao để tiếp xúc, gặp gỡ, xúc tiến, vận động, thu hút nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài (ODA, FDI, NGO) để phục vụ phát triển KT-XH. Trong đó, đối với các dự án ODA do địa phương quản lý, giai đoạn 2016-2020 phải thực hiện theo cơ chế cho vay lại, do vậy cần rà soát, lựa chọn kêu gọi những dự án thực sự thiết thực, có hiệu quả, đáp ứng được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương và phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực để hoàn trả; không kêu gọi đầu tư những dự án chưa thực sự cần thiết, không đáp ứng các mục tiêu phát triển của địa phương.
d) Đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài, cần có chính sách ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, sản phẩm có sức cạnh tranh cao tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia có tiềm lực vốn lớn, công nghệ mạnh. Ưu tiên thu hút các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng đô thị. Hạn chế các dự án khai thác khoáng sản không gắn với chế biến; không cấp phép đối với các dự án sử dụng lãng phí năng lượng, tài nguyên, sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.
2. Nhóm giải pháp tăng cường quản lý đầu tư công
a) Quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý đầu tư và xây dựng, nhất là các quy định mới ban hành; đồng thời, triển khai kịp thời việc rà soát, điều chỉnh các văn bản liên quan đến quản lý đầu xây dựng cơ bản cho phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và quy định hiện hành của Nhà nước. Thường xuyên rà soát để đảm bảo các chương trình, dự án bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm phải có đầy đủ các thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công.
b) Đi đôi với việc ưu tiên bố trí vốn để giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản và hoàn trả các khoản vốn ứng trước, các cấp, các ngành phải tăng cường các biện pháp không để phát sinh nợ đọng mới. Hạn chế tối đa việc ứng trước vốn kế hoạch. Trường hợp cần thiết ứng trước, phải kiểm soát chặt chẽ đối với từng dự án và phải bảo đảm có nguồn thanh toán vốn ứng trước và có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.
c) Tăng cường công tác theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư công và thực hiện các chương trình, dự án đầu tư. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm theo quy định
3. Nhóm giải pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch
a) Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị chủ đầu tư xây dựng lộ trình triển khai kế hoạch theo đúng danh mục và mức vốn được giao trong kế hoạch trung hạn và hằng năm. Chủ động, tăng cường công tác tập huấn triển khai thực hiện Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn đối với các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã; nhất là đào tạo, bồi dưỡng đối với những cán bộ trực tiếp được giao xây dựng kế hoạch, triển khai các chương trình, dự án trong kế hoạch đầu tư công.
b) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã tổ chức triển khai và chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp dưới xây dựng, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê duyệt kế hoạch đầu tư trung hạn do cấp mình quản lý theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản pháp luật hiện hành. Đối với nguồn thu tiền sử dụng đất phần ngân sách cấp huyện, cấp xã hưởng chỉ được dành cho đầu tư phát triển, trong đó chủ yếu tập trung ưu tiên thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đảm bảo phần đối ứng ba cấp thu hút nguồn lực tối đa của trung ương; việc phân bổ phải đảm bảo nguyên tắc chung được quy định tại Điều 4, Nghị quyết số 14/2016/NQ-HĐND ngày 24/9/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh.
c) Các ngành, các cấp chịu trách nhiệm trong việc quyết định chủ trương đầu tư, bảo đảm chất lượng lập báo cáo đề xuất, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án nhằm khắc phục triệt để tình trạng chuẩn bị dự án sơ sài, không bảo đảm theo quy định của pháp luật, quyết định chủ trương đầu tư dàn trải, không hiệu quả, phê duyệt tổng mức đầu tư thiếu chính xác; chỉ quyết định chủ trương đầu tư những dự án thật sự cần thiết khi đã thẩm định, làm rõ hiệu quả của dự án, nguồn vốn, khả năng cân đối, bố trí vốn cho từng dự án, bảo đảm dự án được phê duyệt có đủ nguồn lực tài chính để thực hiện hoàn thành dự án.
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh cụ thể hóa và tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung Nghị quyết theo quy định, định kỳ báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh, điều chỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp gần nhất.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 13 tháng 12 năm 2017 và có hiệu lực thi từ ngày ký./.
Nơi nhận: |
CHỦ TỊCH |
Nghị quyết 75/NQ-HĐND năm 2017 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn cân đối ngân sách địa phương giai đoạn 2016-2020 do tỉnh Hà Tĩnh ban hành
Số hiệu: | 75/NQ-HĐND |
---|---|
Loại văn bản: | Nghị quyết |
Nơi ban hành: | Tỉnh Hà Tĩnh |
Người ký: | Lê Đình Sơn |
Ngày ban hành: | 13/12/2017 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Nghị quyết 75/NQ-HĐND năm 2017 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn cân đối ngân sách địa phương giai đoạn 2016-2020 do tỉnh Hà Tĩnh ban hành
Chưa có Video