HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 254/NQ-HĐND |
Gia Lai, ngày 07 tháng 7 năm 2023 |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI
KHÓA XII, KỲ HỌP THỨ MƯỜI BA
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 04 tháng 12 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 187/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của HĐND tỉnh về việc thành lập Đoàn giám sát “Về tình hình thực hiện và triển khai các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh Gia Lai, giai đoạn 2018-2022”;
Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 94/BC-HĐND ngày 13/6/2023 của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh báo cáo kết quả giám sát “Về tình hình thực hiện và triển khai các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh Gia Lai, giai đoạn 2018-2022”; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Tán thành nội dung Báo cáo số 94/BC-HĐND ngày 13/6/2023 của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh về việc báo cáo kết quả giám sát “Về tình hình thực hiện và triển khai các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh Gia Lai, giai đoạn 2018-2022” với những đánh giá về kết quả đã đạt được, những hạn chế, bất cập, nguyên nhân và các kiến nghị nhằm thực hiện hiệu quả hơn việc triển khai thực hiện các dự án kêu gọi đầu tư tỉnh trong giai đoạn tiếp theo (kèm theo Báo cáo); đồng thời nhấn mạnh một số nội dung sau:
1. Giai đoạn 2018-2022, trên cơ sở các quy định của trung ương, của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, các địa phương tích cực tham mưu xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa các quy định của Trung ương phù hợp với thực tiễn của tỉnh góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực kêu gọi thu hút và triển khai các dự án kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Chương trình hành động đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch đến năm 2030 và ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện để phù hợp với Luật Đầu tư năm 2014, Luật Đầu tư năm 2020 nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp nắm bắt được các thủ tục pháp lý khi đăng ký đầu tư dự án.
Sau hơn 04 năm triển khai thực hiện, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 07 quyết định phê duyệt 330 danh mục kêu gọi đầu tư với 430 dự án trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh có 228 dự án (192 dự án tại các địa phương; 36 dự án tại khu công nghiệp và khu kinh tế cửa khẩu) đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Các dự án hoàn thành đưa vào hoạt động, nhà đầu tư đã tích cực phối hợp với địa phương thực hiện công tác đảm bảo an sinh xã hội, cũng như giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động và đóng góp quan trọng vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
2. Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình thực hiện và triển khai các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh Gia Lai, giai đoạn 2018-2022 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế:
- Số lượng các dự án triển khai trong danh mục các dự án kêu gọi đầu tư được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt chiếm tỷ lệ thấp.
- Danh mục kêu gọi thu hút đầu tư được xây dựng trên cơ sở đề xuất của nhà đầu tư nên chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh, tính chủ động của tỉnh và của từng địa phương; đa số các dự án đã hoàn thành đưa vào hoạt động có quy mô nhỏ; các dự án mang tính động lực lan tỏa, sử dụng công nghệ hiện đại; dự án chế biến nông lâm sản, sản xuất mặt hàng phụ trợ cho công nghiệp chế biến, du lịch thương mại, dịch vụ còn ít.
- Công tác chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện cần để thu hút các dự án đầu tư tại Ủy ban nhân dân cấp huyện chưa kịp thời.
- Chính sách ưu đãi của tỉnh đối với các nhà đầu tư chưa nổi bật và chưa phát huy hiệu quả; hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật phục vụ thu hút đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và thu hút đầu tư; công tác xem xét, thẩm định hồ sơ chấp thuận đầu tư dự án chưa gắn với công tác kiểm tra, đánh giá kỹ hiện trạng đất đai với nhu cầu sử dụng đất, quy mô đầu tư,... dẫn đến xảy ra các vướng mắc khi bàn giao đất hoặc khi nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án.
- Công tác thanh tra, kiểm tra nhất là hậu kiểm các dự án sau khi đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tổ chức triển khai thi công chưa được chỉ đạo thực hiện thường xuyên, dẫn đến một số dự án đầu tư chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư hoặc kéo dài, chưa triển khai thực hiện; một số nhà đầu tư chưa thực hiện đúng cam kết với người dân, địa phương nơi thực hiện dự án.
- Chậm thực hiện công tác rà soát đưa các dự án nhiều năm không kêu gọi đầu tư được hoặc các dự án không phù hợp với tiềm năng, định hướng phát triển của tỉnh, của địa phương ra khỏi danh mục kêu gọi đầu tư của tỉnh; một số cụm công nghiệp của huyện chưa hiệu quả mặc dù đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, quyết định đầu tư một số hạng mục và đưa vào sử dụng đã lâu; năng lực tài chính và kinh nghiệm của một số nhà đầu tư còn yếu dẫn đến việc đầu tư cầm chừng, kéo dài; năng lực tài chính và kinh nghiệm của một số nhà đầu tư còn yếu dẫn đến việc đầu tư cầm chừng, kéo dài
- Khu công nghiệp Nam Pleiku chậm đưa vào hoạt động; Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh chưa hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; Khu Trung tâm Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết với diện tích 155,12 ha nhưng đến nay còn 67,99 ha chưa được chuyển mục đích và giao cho Ban Quản lý Khu kinh tế quản lý; Khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh quy hoạch với diện tích là 210,1 ha nhưng Ủy ban nhân dân tỉnh mới chỉ giao cho Ban Quản lý Khu kinh tế quản lý 37,2 ha, còn lại diện tích 172,9 ha chưa được chuyển mục đích và giao cho Ban Quản lý Khu kinh tế quản lý; việc đầu tư xây dựng 18 tuyến đường tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh để phục vụ việc thu hút, triển khai các dự án đầu tư theo Nghị quyết số 388/NQ-HĐND ngày 17/6/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện.
Điều 2. Nhằm nâng cao hiệu quả các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo, Hội đồng nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành và địa phương tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau đây:
1. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, rà soát, đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm thuận lợi nhất cho tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tham gia đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư trong nước và ở nước ngoài, chủ động xúc tiến đầu tư có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm, gắn với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để thu hút đầu tư. Trong quá trình xúc tiến thu hút đầu tư, chú trọng phân tích, đánh giá những tác động và hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án đầu tư tại địa phương.
2. Rà soát, điều chỉnh danh mục các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh giai đoạn 2018 - 2022 đã được phê duyệt; nghiên cứu xây dựng lại Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh cho phù hợp, trong đó các dự án phải gắn với thế mạnh của tỉnh, của từng địa phương hoặc lĩnh vực còn thiếu, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, dự án phát triển du lịch, thương mại, dự án sử dụng được nguồn lao động địa phương hoặc là dự án có liên kết phát triển được vùng nguyên liệu có giá trị về mặt kinh tế.
Các dự án kêu gọi đầu tư đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2018-2022 đã quá hạn thời gian, không đề nghị gia hạn thì đề nghị thu hồi kể cả dự án trong danh mục kêu gọi đầu tư và các dự án ngoài danh mục kêu gọi đầu tư.
3. Đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt và thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, tạo nhiều quỹ đất sạch làm cơ sở để xúc tiến, thu hút đầu tư. Tiếp tục duy trì các hoạt động tiếp xúc với nhà đầu tư ngay cả sau khi hoàn tất thủ tục và triển khai dự án đầu tư; tăng cường các hoạt động trao đổi thông tin hai chiều, đối thoại chính sách giữa cơ quan quản lý và nhà đầu tư để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, giải đáp thắc mắc với nhà đầu tư, tạo niềm tin, tạo cầu nối để thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư mới đầu tư vào tỉnh.
4. Khẩn trương chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương nghiên cứu những nội dung đã được kiến nghị tại Báo cáo số 94/BC-HĐND ngày 13/6/2023 của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh để kịp thời khắc phục và có giải pháp để thực hiện giải quyết theo thẩm quyền.
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết này và có trách nhiệm báo cáo kết quả việc thực hiện Nghị quyết này cho Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp giữa năm 2024.
2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và Hội đồng nhân dân các cấp theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, Kỳ họp thứ Mười ba thông qua vào ngày 07 tháng 7 năm 2023 và có hiệu lực kể từ ngày ký./.
|
CHỦ TỊCH |
Nghị quyết 254/NQ-HĐND năm 2023 kết quả giám sát “Về tình hình thực hiện và triển khai các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh Gia Lai, giai đoạn 2018-2022”
Số hiệu: | 254/NQ-HĐND |
---|---|
Loại văn bản: | Nghị quyết |
Nơi ban hành: | Tỉnh Gia Lai |
Người ký: | Hồ Văn Niên |
Ngày ban hành: | 07/07/2023 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Nghị quyết 254/NQ-HĐND năm 2023 kết quả giám sát “Về tình hình thực hiện và triển khai các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh Gia Lai, giai đoạn 2018-2022”
Chưa có Video