ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 33/CT-UB |
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 8 năm 1992 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TRIỂN KHAI CÔNG TÁC VẬN ĐỘNG VÀ THU HÚT ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TRONG THỜI GIAN TỚI.
Để đáp ứng được những yêu cầu to lớn đặt ra về hoạt động đầu tư của nước ngoài trong thời gian tới, mà Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo qua “Hội nghị tổng kết tình hình đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố trong 4 năm qua và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới”, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị cho các ngành các cấp tập trung giải quyết những vấn đề cơ bản để tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời từng bước tạo ra thế mạnh để có thể cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng như vào thành phố Hồ Chí Minh.
Trên cơ sở kiểm điểm tình hình đã qua, dựa vào chiến lược phát triển kinh tế của cả nước và mục tiêu nhiệm vụ kinh tế xã hội của thành phố, cần tập trung làm tốt một số công việc cụ thể như sau :
I- VỀ CÔNG TÁC QUY HOẠCH TỔNG THỂ :
a- Trước hết, từng ngành cùng với Ủy ban Kế hoạch thành phố phải xác định được mục tiêu đầu tư, phù hợp sự chỉ đạo của các Bộ chuyên ngành, tiến hành việc quy hoạch tổng thể từng ngành, và quy hoạch cơ cấu các ngành nghề, các nhóm sản phẩm, phân loại cụ thể những ngành nghề nào, những sản phẩm nào cần kêu gọi đầu tư nước ngoài, theo yêu cầu chiến lược khai thác tiềm năng kinh tế cho cả khu vực và cả địa bàn. Các ngành chủ quản cần chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, chủ động rà soát lại những khả năng hiện có và đề xuất các phương án kêu gọi đầu tư. Từ đó xác định được sơ đồ tổng thể về việc bố trí các lĩnh vực, các đơn vị cụ thể cần kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài phù hợp với chiến lược phát triển lâu dài của ngành.
Sau khi xác định được việc quy hoạch tổng thể, các ngành cần phối hợp với Ủy ban Hợp tác và Giám định đầu tư thành phố tiến hành xây dựng các dự án đầu tư cụ thể theo mẫu thống nhứt đã phổ biến trước đây, để tiến hành giới thiệu, tìm đối tác nước ngoài thích hợp. Mặt khác các đơn vị công ty, xí nghiệp có dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài phải chủ động trong tiếp thị, tìm chọn đúng đối tác nước ngoài có khả năng và trực tiếp đầu tư, đồng thời chuẩn bị nhân sự có năng lực, trình độ để tham gia đàm phán, và thực hiện các dự án đầu tư.
b- Sở Xây dựng và Viện Quy hoạch thành phố, khẩn trương quy hoạch chi tiết từng khu vực của tổng thể mặt bằng thành phố theo chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố. Cần chú ý việc phân khu chức năng, bố trí các khu công nghiệp tập trung, các tuyến giao thông, các công trình hạ tầng cơ sở và các công trình phúc lợi xã hội quan trọng, đồng thời bảo vệ các di tích, công trình cổ của thành phố, bảo vệ môi trường, cảnh quan và mỹ quan thành phố cả mặt bằng và chiều cao không gian.
c- Các quận, huyện tổ chức nghiên cứu quy hoạch và đề xuất phương án phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn, phù hợp với quy hoạch tổng thể của thành phố, cũng như quy hoạch phát triển của các ngành. Tập trung chỉ đạo cho các đơn vị trực thuộc có các dự án hợp tác đầu tư nước ngoài.
II- VỀ CÔNG TÁC TỔ CHỨC :
Để củng cố lại công tác tổ chức nhằm tinh giảm các thủ tục, tạo thuận lợi cho việc thu hút đầu tư nước ngoài tại thành phố, cần nhanh chóng tiến hành các công việc cụ thể như sau :
1- Các sở, ngành, các đơn vị kinh tế cần phải tổ chức bộ phận có năng lực chuyên môn để nghiên cứu, quy hoạch và xây dựng các dự án đầu tư, cũng như theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các đề án có giấy phép đầu tư.
2- Ủy ban Hợp tác và Giám định đầu tư (cơ quan thường trực) cần được củng cố, tăng cường cán bộ, chuyên viên có đủ trình độ năng lực để giúp cho các đơn vị trong nước cũng như các nhà đầu tư nước ngoài về tất cả các vấn đề thuộc lĩnh vực đầu tư nước ngoài tại thành phố. Đồng thời cần tổ chức lại quy trình xem xét và giám định các dự án, đầu tư một cách hợp lý, nhanh chóng, để hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục để Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố thông qua, trình Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và đầu tư nước ngoài xem xét cấp giấy phép. Từ nay quy định chung, từ khi tiếp nhận hồ sơ xin đầu tư đến khi trình xin giấy phép không quá 30 ngày. Những trường hợp cần thời gian nghiên cứu lâu cần thông báo cho các đối tác. Nghiêm cấm mọi biểu hiện tiêu cực trong công tác vận động và xét duyệt đầu tư.
3- Đến giữa tháng 3/1992 Ủy ban Hợp tác và Giám định đầu tư phải thông báo quy trình xét duyệt hồ sơ cho các cơ quan, ban ngành, các địa phương và đơn vị biết.
4- Ủy ban Hợp tác và Giám định đầu tư có kế hoạch phối hợp với các ngành trong thành phố và Trung ương để tổ chức các hoạt động vận động, giới thiệu các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài bằng nhiều hình thức thích hợp, 6 tháng 1 lần. Đồng thời khi có điều kiện, Ủy ban Hợp tác và Giám định đầu tư thành phố phối hợp với các tổ chức, công ty nước ngoài để giới thiệu, phổ biến các dự án đầu tư của thành phố một cách rộng rãi ở các nước. Ủy ban Hợp tác và Giám định đầu tư cần xúc tiến các chương trình hợp tác với các địa phương trong khu vực và các ngành Trung ương trên địa bàn thành phố trong việc quy hoạch, xây dựng dự án cùng nhau hợp tác đầu tư và phối hợp công tác vận động đầu tư nước ngoài.
5- Để cho công tác giám định các dự án đầu tư được nhanh chóng và đạt chất lượng cao, từ nay các công ty tư vấn dịch vụ đầu tư nhận ký hợp đồng xây dựng dự án (Luận chứng kinh tế kỹ thuật) cho các bên đầu tư phải có xác nhận của Giám đốc công ty thì dự án mới có giá trị xét duyệt. Các dự án do các đơn vị phía Việt Nam xây dựng thì nhứt thiết phải có xác nhận của trưởng đơn vị, ngành cấp thành phố hoặc Chủ tịch quận, huyện chủ quản chịu trách nhiệm về chất lượng của dự án. Ủy ban Hợp tác và Giám định đầu tư của thành phố có trách nhiệm hướng dẫn về các thủ tục pháp lý, quy hoạch tổng thể, mục tiêu đầu tư, quy trình lập và xét duyệt dự án ; do đó, nhứt thiết không được trực tiếp nhận ký hợp đồng xây dựng Luận chứng kinh tế kỹ thuật cho các dự án.
6- Vấn đề cơ chế, chánh sách thu hút đầu tư nước ngoài hiện nay vẫn còn thiếu đồng bộ làm ảnh hưởng đến tốc độ phát triển công tác đầu tư tại thành phố. Do đó, giao cho Ủy ban Kế hoạch thành phố phối hợp với Sở Kinh tế Đối ngoại, Sở Tài chánh, Sở Tư pháp, Viện Kinh tế thành phố, Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương, Ủy ban Hợp tác và Giám định đầu tư, tổ chức nghiên cứu xây dựng cơ chế chánh sách đầu tư trong nước và trên địa bàn thành phố ; đến trung tuần tháng 8/1992 cố gắng hoàn thành bản dự thảo để trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét và kiến nghị Trung ương quyết định.
7- Giao Sở Kinh tế Đối ngoại, Viện Kinh tế, Trung tâm Phát triển ngoại thương, Sở Công nghiệp và Ủy ban Khoa học kỹ thuật thành phố phối hợp tổ chức nghiên cứu và đề xuất sách lược đối với từng thị trường, từng tập đoàn, công ty lớn nước ngoài cũng như nghiên cứu các chánh sách đối với công nghệ và kỹ thuật của nước ngoài trên từng lĩnh vực để trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét và chỉ đạo phương hướng đầu tư trong từng giai đoạn cụ thể.
III- VỀ CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ CHUYÊN VIÊN CÔNG TÁC ĐẦU TƯ :
1- Giao Sở Kinh tế Đối ngoại phối hợp với Ủy ban Hợp tác và Giám định đầu tư thành phố xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, chuyên viên có năng lực, và trình độ am hiểu luật pháp trong nước và thông lệ quốc tế, có kỹ năng hoạt động trong nền kinh tế thị trường và có triển vọng để tham gia công tác quản lý các dự án đầu tư nước ngoài. Trước mắt, cần tổ chức ngay các lớp tập huấn ngắn ngày cho các cán bộ, chuyên viên đã và đang làm việc tại các cơ sở liên doanh với nước ngoài, cũng như cán bộ, chuyên viên của các đơn vị đang phụ trách công tác đầu tư nước ngoài.
2- Giao Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các ban ngành đoàn thể, xây dựng các chương trình huấn luyện dạy nghề một cách hệ thống cho các từng lớp thanh niên chưa có việc làm theo yêu cầu của các ngành, đơn vị có đề án đầu tư nước ngoài.
3- Giao Sở Kinh tế Đối ngoại phối hợp với các ban ngành có liên quan xây dựng một hệ thống thông tin về thị trường trong và ngoài nước, về các tiến độ khoa học kỹ thuật, tình hình phát triển của các nước, các công ty, tập đoàn có liên quan để giúp cho các đơn vị trong nước nắm bắt tình hình và điều chỉnh kịp thời các phương hướng hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư.
Trên đây là những công việc cần làm để phát huy những ưu điểm và kết quả tích cực, khắc phục những tồn tại thiếu sót đã qua nhằm tạo cho được một sự chuyển biến mới với tốc độ nhanh, tranh thủ và đón bắt các cơ hội đầu tư trong tình hình sự cạnh tranh thu hút đầu tư trên thế giới ngày càng gay gắt quyết liệt.
Các ngành sở và các cấp cần tiến hành việc triển khai chỉ thị này của Ủy ban nhân dân thành phố một cách khẩn trương và nghiêm túc. Sáu tháng một lần, Ủy ban Hợp tác và Giám định đầu tư phối hợp với các ngành liên quan tổ chức sơ kết công tác vận động đầu tư trên địa bàn thành phố để phát huy ưu điểm, khắc phục thiếu sót tồn tại.
Ủy ban nhân dân thành phố kêu gọi các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội tích cực tham gia vào cuộc vận động thu hút đầu tư nước ngoài theo đúng chánh sách của Đảng và Nhà nước ta./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Chỉ thị 33/CT-UB năm 1992 về việc triển khai công tác vận động và thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu: | 33/CT-UB |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Thành phố Hồ Chí Minh |
Người ký: | Nguyễn Vĩnh Nghiệp |
Ngày ban hành: | 07/08/1992 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 33/CT-UB năm 1992 về việc triển khai công tác vận động và thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Chưa có Video