ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/2013/CT-UBND |
Vị Thanh, ngày 12 tháng 12 năm 2013 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH QUẢN LÝ ĐẦU TƯ TỪ NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC VÀ TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG
Trong thời gian qua, việc huy động, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ đã đóng góp quan trọng vào việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo môi trường thuận lợi nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển, xóa đói giảm nghèo và cải thiện đời sống nhân dân. Tuy nhiên, trong quản lý đầu tư vẫn còn những hạn chế nhất định như: phê duyệt quá nhiều dự án vượt khả năng cân đối vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, chất lượng công tác đấu thầu, chỉ định thầu còn thấp, thời gian thi công kéo dài, hiệu quả đầu tư thấp gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước.
Để khắc phục những tồn tại và hạn chế nêu trên, UBND tỉnh chỉ thị:
1. Sở, ban, ngành tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố:
a) Thực hiện đúng các nguyên tắc, tiêu chí xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước theo Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011 về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ và Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản tại các địa phương; ưu tiên thanh toán nợ đọng, các dự án chuyển tiếp dự kiến hoàn thành trong năm kế hoạch, vốn đối ứng cho các dự án ODA, chỉ bố trí vốn khởi công mới các dự án thật sự cấp bách khi đã bố trí đủ vốn để thanh toán nợ đọng theo quy định tại Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ. Bố trí vốn phải đảm bảo dự án nhóm C hoàn thành trong 3 năm, nhóm B hoàn thành trong 5 năm.
b) Trên cơ sở nhu cầu và khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển; căn cứ vào đặc điểm, điều kiện thực tế của từng ngành, từng địa phương để sắp xếp theo thứ tự ưu tiên đầu tư. Trong xây dựng kế hoạch đầu tư phải gắn với việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Giai đoạn 2014 - 2015 tập trung đầu tư để hướng tới thực hiện bước đột phá trong xây dựng cơ sở hạ tầng. Ưu tiên bố trí vốn cho các dự án quan trọng, các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi, phát triển nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới, y tế, giáo dục, phát triển đô thị, tạo việc làm, giảm nghèo.
c) Phải bảo đảm cân đối giữa nhu cầu đầu tư với khả năng bố trí vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn huy động ngoài nhà nước để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội.
d) Nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ,chấn chỉnh và quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền. Đối với các dự án khởi công mới sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước chưa được phê duyệt quyết định đầu tư hoặc đã phê duyệt quyết định đầu tư nhưng chưa được bố trí vốn, phải kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô đầu tư của từng dự án bảo đảm theo đúng mục tiêu, lĩnh vực, chương trình đã được phê duyệt. Chỉ được phê duyệt quyết định đầu tư, hoặc trình phê duyệt khi đã xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách.
Đối với các dự án chuyển tiếp, đang triển khai dở dang đã được giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ cần thiết phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư thì trong phạm vi cân đối ngân sách của cấp mình, người có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét, quyết định điều chỉnh dự án. Việc điều chỉnh dự án phải bảo đảm hiệu quả đầu tư, mục tiêu đầu tư, khả năng cân đối nguồn vốn và khả năng hoàn thành dự án đúng tiến độ. Đồng thời, phải xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, dẫn đến việc tăng tổng mức đầu tư các dự án không thuộc các trường hợp được phép điều chỉnh theo quy định. Các cấp, các ngành tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra trong tất cả các khâu về lập dự án, thẩm định, thẩm tra dự án đầu tư.
e) Tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý nhằm giảm tối đa nợ đọng xây dựng cơ bản. Các dự án đã được quyết định đầu tư phải thực hiện theo mức vốn kế hoạch đã giao. Không yêu cầu các doanh nghiệp tự bỏ vốn đầu tư khi chưa được bố trí kế hoạch hàng năm hoặc bỏ vốn đầu tư cao hơn mức vốn kế hoạch được giao, dẫn đến phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Chỉ được tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu đã được bố trí vốn và theo tiến độ, kế hoạch vốn được giao.
Đối với các gói thầu đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng, phải tổ chức nghiệm thu và thanh quyết toán theo đúng hợp đồng ký kết. Không được sử dụng vốn vay ngân sách địa phương để bố trí cho các dự án khởi công mới khi chưa xác định hoặc thẩm định được nguồn vốn để hoàn trả. Phải xác định rõ nguyên nhân gây ra nợ đọng xây dựng cơ bản trong thời gian qua (kể cả trong kế hoạch và không thuộc kế hoạch). Kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan gắn với trách nhiệm cá nhân trong việc để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; đồng thời, phải tự cân đối các nguồn vốn để xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản. Đưa ra được các giải pháp thực hiện hiệu quả để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trong thời gian tới. Hạn chế tối đa việc đề xuất các khoản ứng trước vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
a) Làm đầu mối đôn đốc các sở, ban, ngành tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt Chỉ thị này; đồng thời, tham mưu UBND tỉnh định kỳ hàng năm tổ chức sơ, tổng kết.
b) Phối hợp với Sở Tài chính tổng hợp kế hoạch vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
c) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh các giải pháp xử lý những tồn tại của các dự án trong kế hoạch nhưng phải tạm dừng, hoãn, giãn tiến độ thực hiện.
d) Tổng hợp báo cáo tình hình nợ đọng và đề xuất hướng xử lý.
e) Kiểm soát chặt chẽ các kế hoạch điều chỉnh, bổ sung vốn. Hạn chế việc phát sinh danh mục ngoài kế hoạch phân bổ vốn hàng năm, trừ danh mục thanh toán nợ đọng đã báo cáo nhưng chưa xử lý dứt điểm và những trường hợp đặc biệt.
3. Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xác định nguồn thu và cân đối thu chi ngân sách nhà nước, để bố trí hợp lý cho đầu tư phát triển.
4. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày ký.
Giao Thủ trưởng sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị này. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, kịp thời phản ánh, đề xuất hướng xử lý gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tham mưu trình UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Nơi nhận: |
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN |
Chỉ thị 09/2013/CT-UBND chấn chỉnh quản lý đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ trên địa bàn tỉnh Hậu giang
Số hiệu: | 09/2013/CT-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Hậu Giang |
Người ký: | Trần Công Chánh |
Ngày ban hành: | 12/12/2013 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 09/2013/CT-UBND chấn chỉnh quản lý đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ trên địa bàn tỉnh Hậu giang
Chưa có Video