UỶ
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/CT-UBND |
Phú Thọ, ngày 6 tháng 8 năm 2013 |
Thực hiện chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý đầu tư xây dựng và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị, các chủ đầu tư, các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh chỉ đạo và triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung sau:
1. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2012 về những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản.
2. Lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 04/2010/TT-BXD ngày 26/5/2010 về Hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. Xác định chi phí dự phòng cho yếu tố khối lượng công việc phát sinh; chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá theo độ dài thời gian thực hiện dự án (Dự án nhóm A là 7 năm, nhóm B là 5 năm, nhóm C là 3 năm), đảm bảo không điều chỉnh tổng mức đầu tư trong suốt thời gian thực hiện dự án.
3. Chấn chỉnh công tác tư vấn khảo sát, thiết kế, lập dự án đầu tư; lựa chọn nhà thầu tư vấn có năng lực; Xử phạt nghiêm khắc các Chủ đầu tư và Công ty tư vấn có dự án khi triển khai xây dựng phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần.
4. Đối với các dự án khởi công mới phải kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực, chương trình đã được phê duyệt; chỉ được quyết định đầu tư khi đã xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách. Đối với các dự án đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định nguồn vốn, chỉ được quyết định đầu tư phần vốn ngân sách Trung ương theo đúng mức vốn đã được thẩm định. Đối với dự án đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính thẩm định nguồn vốn, chỉ được phê duyệt dự án đầu tư có phần vốn ngân sách tỉnh theo đúng mức vốn đã được thẩm định.
Các dự án sử dụng nguồn vốn vay từ ngân sách Trung ương (Vay vốn nhàn rỗi kho bạc Trung ương, vay ưu đãi của Bộ Tài chính và vay qua Ngân hàng Phát triển) phải được quản lý chặt chẽ: Xác định trách nhiệm của các cấp, ngành và nguồn trả nợ. Ưu tiên đầu tư đối với các vùng trọng điểm để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, làm động lực, đòn bẩy phát triển các khu vực khác. Hạn chế đầu tư những công trình chưa có khả năng phát huy ngay hiệu quả ở các khu vực khác.
5. Đối với các dự án chuyển tiếp đã được giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư:
a) Phải làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, dẫn đến việc tăng tổng mức đầu tư các dự án không thuộc các trường hợp được phép điều chỉnh theo quy định.
b) Đối với các dự án có quyết định phê duyệt đầu tư hoặc quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án trước ngày có hiệu lực của Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, nhưng đến nay cần điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư phải rà soát các nội dung đầu tư phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn trong phạm vi quản lý của từng cấp ngân sách. Trường hợp không cân đối được nguồn vốn thì không điều chỉnh hoặc điều chỉnh giảm quy mô cho phù hợp với nguồn vốn.
c) Đối với các dự án quyết định phê duyệt đầu tư hoặc điều chỉnh dự án đầu tư sau ngày Nghị định số 83/2009/NĐ-CP có hiệu lực nhưng đến nay phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, phải rà soát các nội dung đầu tư, cắt giảm các chi phí, hạng mục không thật cần thiết trên nguyên tắc vẫn bảo đảm mục tiêu chủ yếu của dự án, hiệu quả đầu tư nhằm giảm chi phí đầu tư, bảo đảm không vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.
Sau khi áp dụng các giải pháp trên, nếu dự án vẫn phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ các nguyên nhân do biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu; chính sách tiền lương và chi phí giải phóng mặt bằng; trên cơ sở sắp xếp thứ tự ưu tiên thực hiện các dự án; các chủ đầu tư báo cáo UBND tỉnh quyết định dừng những dự án không bảo đảm hiệu quả đầu tư, chưa thật cấp bách để tập trung vốn cho các dự án cấp bách và hiệu quả cao hơn.
6. Đối với những dự án có thể chuyển đổi hình thức đầu tư theo Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ: Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện tổ chức rà soát các nội dung đầu tư, trình phê duyệt lại dự án theo quy định hiện hành cho phù hợp với các quy định của pháp luật đối với hình thức đầu tư mới.
7. Tổng hợp danh mục các dự án quyết định phê duyệt đầu tư trước khi ban hành Chỉ thị số 1792/CT-TTg đã được ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh hỗ trợ, nhưng hiện nay khó có khả năng bố trí đủ phần vốn hỗ trợ của ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh:
a) Điều chỉnh giảm quy mô, cắt giảm các chi phí, hạng mục không cần thiết theo khả năng cân đối ngân sách Trung ương giai đoạn 2012-2015.
b) Giãn hoãn tiến độ thực hiện sau năm 2015.
c) Huy động nguồn vốn khác để thực hiện.
II. Tăng cường công tác quản lý nhằm giảm tối đa nợ đọng xây dựng cơ bản.
1. Ưu tiên bố trí vốn xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản theo đúng Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ. UBND các huyện, thành, thị; UBND các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm bố trí vốn trả nợ xây dựng cơ bản đối với các công trình, dự án do mình quyết định đầu tư; vốn đối ứng cho công trình, dự án đầu tư theo phân cấp, bảo đảm đến hết năm 2015 hoàn thành xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản.
2. Các dự án đã được quyết định đầu tư phải thực hiện theo mức vốn kế hoạch nhà nước đã giao. Không yêu cầu doanh nghiệp ứng vốn khởi công thực hiện dự án mới, gói thầu mới khi chưa được bố trí vốn, dẫn đến hậu quả phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.
Chỉ được tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu đã được bố trí đủ vốn theo tỷ lệ quy định. Đối với các gói thầu đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng, tổ chức nghiệm thu, thanh toán và quyết toán, gửi kết quả về Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bố trí vốn còn thiếu trong năm kế hoạch 2014-2015; tránh tình trạng nợ đọng, chiếm dụng vốn của nhà thầu.
III. Chấn chỉnh công tác giám sát đánh giá đầu tư; quản lý chất lượng công trình.
1. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị và các chủ đầu tư căn cứ nhiệm vụ được quy định tại Nghị định số 113/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về giám sát, đánh giá đầu tư kiện toàn bộ máy thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư; bố trí cán bộ có năng lực đảm nhiệm công tác giám sát, đánh giá đầu tư.
a) Thực hiện giám sát và đánh giá đầu tư toàn bộ quá trình đầu tư theo quy định; xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai công tác kiểm tra, đánh giá đầu tư. Chủ động đề xuất các giải pháp cụ thể phù hợp với đặc thù của đơn vị mình, nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư khắc phục những tồn tại về thất thoát, lãng phí, chậm tiến độ trong đầu tư, xây dựng.
b) Nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và nội dung báo cáo theo quy định về giám sát, đánh giá đầu tư theo Thông tư số 13/2010/TT-BKH ngày 02 tháng 6 năm 2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về mẫu báo cáo giám sát đánh giá đầu tư. Các dự án không thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư 2 kỳ liền hoặc 3 kỳ trở lên trong năm trước sẽ không được ghi vốn kế hoạch năm sau.
2. Các chủ đầu tư thực hiện quản lý chất lượng công trình xây dựng theo quy định tại Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ và các văn bản pháp luật có liên quan.
a) Việc tổ chức nghiệm thu công trình phải đảm bảo đúng khối lượng, chất lượng theo thiết kế được duyệt và các tiêu chuẩn của ngành. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp quan liêu, không theo dõi giám sát công trình thi công xây dựng; nghiệm thu vượt khối lượng và không đảm bảo chất lượng công trình.
b) Các sở quản lý chuyên ngành thực hiện công tác kiểm tra chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành; có báo cáo kết quả kiểm tra, nhất là các sai phạm trong thực hiện đầu tư xây dựng.
IV. Tổ chức thực hiện
1. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị, các chủ đầu tư, các nhà thầu tư vấn, các doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm chỉ thị này; UBND các huyện, thành, thị có trách nhiệm triển khai đến UBND các xã, phường, thị trấn để thực hiện tốt công tác quản lý đầu tư, xây dựng và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản.
Định kỳ hàng quý trước ngày 25 của tháng cuối quý báo cáo UBND tỉnh tình hình lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư; tình hình xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; báo cáo giám sát đánh giá đầu tư (qua Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp)
2. Các cơ quan thanh tra:
Thực hiện thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất theo chức năng, phải công khai các kết luận thanh tra, kiểm tra; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra theo quy định pháp luật; đề xuất với Chủ tịch UBND tỉnh chế tài xử lý nghiêm các vi phạm về quản lý, sử dụng vốn đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ và quản lý chất lượng công trình.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và định kỳ (6 tháng, hàng năm) báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị này.
Nơi nhận: |
CHỦ
TỊCH |
Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2013 tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ do tỉnh Phú Thọ ban hành
Số hiệu: | 08/CT-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Phú Thọ |
Người ký: | Chu Ngọc Anh |
Ngày ban hành: | 06/08/2013 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2013 tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ do tỉnh Phú Thọ ban hành
Chưa có Video