Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/2016/TT-BTP

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2016

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH QUY TRÌNH CUNG CẤP, TIẾP NHẬN, CẬP NHẬT THÔNG TIN VÀ KHAI THÁC, SỬ DỤNG CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20/6/2012;

Căn cứ Nghị định số 20/2016/NĐ-CP ngày 30/3/2016 của Chính phủ quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính;

Căn cứ Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13/3/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật;

Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư quy định quy trình cung cấp, tiếp nhận, cập nhật thông tin và khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về quy trình cung cấp, tiếp nhận, cập nhật thông tin và khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

1. Cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

2. Cơ quan thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

3. Cơ quan thi hành Quyết định cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

4. Cơ quan, người có thẩm quyền Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

5. Cơ quan thi hành Quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.

6. Cơ quan quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính.

7. Cơ quan quyền lực nhà nước thực hiện chức năng giám sát công tác xử lý vi phạm hành chính.

8. Tổ chức bị xử phạt, cá nhân bị xử lý vi phạm hành chính.

Điều 3. Nguyên tắc cung cấp, tiếp nhận, cập nhật thông tin và khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính

Ngoài những nguyên tắc quy định tại Điều 4 Nghị định số 20/2016/NĐ-CP ngày 30/3/2016 của Chính phủ quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính (sau đây viết tắt là Nghị định số 20/2016/NĐ-CP), quá trình cung cấp, tiếp nhận, cập nhật thông tin và khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

1. Việc cập nhật thông tin vào và cung cấp thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính phải đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

2. Việc cập nhật, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính thông qua phương tiện điện tử được thực hiện bằng tài khoản truy nhập do cơ quan chủ quản Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính cấp.

Điều 4. Những hành vi không được thực hiện

Ngoài những hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 6 Nghị định số 20/2016/NĐ-CP, trong quá trình cung cấp, tiếp nhận, cập nhật thông tin và khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính không được thực hiện những hành vi sau:

1. Không thực hiện, trì hoãn thực hiện việc cung cấp, tiếp nhận, cập nhật thông tin theo quy định.

2. Cố ý làm thất lạc dữ liệu.

3. Làm lộ phương thức kết nối, địa chỉ và mã khóa truy nhập vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính đã được cấp.

4. Khai thác dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính ngoài phạm vi các trường thông tin được chia sẻ.

5. Cung cấp, chia sẻ thông tin khai thác từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân khác.

Điều 5. Thông tin về xử lý vi phạm hành chính được nhập mới và cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính

1. Những thông tin được nhập mới vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính, bao gồm:

a) Thông tin về: Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính; đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; đối tượng bị áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình;

b) Số, ngày, tháng, năm ban hành: Quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; Quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình;

c) Hành vi vi phạm; hình thức xử phạt, mức phạt; biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có);

d) Hành vi vi phạm; biện pháp xử lý hành chính bị áp dụng; thời hạn áp dụng;

đ) Lý do áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình; thời hạn áp dụng, ngày thi hành Quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình;

e) Tên tổ chức, cá nhân phối hợp giám sát người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình;

g) Cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, chức danh của người ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Cơ quan hoặc cơ quan của người có thẩm quyền Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; Cơ quan của người có thẩm quyền Quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình, chức danh của người ra Quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình.

2. Những thông tin được cập nhật bổ sung vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính, bao gồm:

a) Hoãn thi hành Quyết định phạt tiền; tạm đình chỉ thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính; đình chỉ thi hành các hình thức xử phạt hoặc sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ Quyết định xử phạt vi phạm hành chính (nếu có);

b) Giảm, miễn tiền phạt; nộp tiền phạt nhiều lần (số tiền đã nộp phạt, số tiền chưa nộp phạt (nếu có));

c) Cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính (nếu có);

d) Thời điểm chấp hành xong: Quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; Quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình;

đ) Hoãn, miễn; giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

e) Thời điểm chấm dứt áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình (nếu có); lý do của việc chấm dứt; biện pháp xử lý tiếp theo;

g) Khiếu nại, khởi kiện: Quyết định xử phạt vi phạm hành chính (nếu có); Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính (nếu có); Quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình (nếu có);

h) Kiến nghị, kháng nghị Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính (nếu có).

Chương II

CUNG CẤP, TIẾP NHẬN THÔNG TIN VỀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Điều 6. Trách nhiệm cung cấp thông tin về xử lý vi phạm hành chính

1. Cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm cung cấp thông tin quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1, các điểm a, b, d và g khoản 2 Điều 5 Thông tư này.

2. Cơ quan thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm cung cấp thông tin quy định tại các điểm a, b, và d khoản 2 Điều 5 Thông tư này.

3. Cơ quan thi hành Quyết định cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm cung cấp thông tin quy định tại các điểm c và d khoản 2 Điều 5 Thông tư này.

4. Cơ quan hoặc cơ quan của người có thẩm quyền Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính có trách nhiệm cung cấp thông tin quy định tại các điểm a, b, d, đ, e và g khoản 1 Điều 5 Thông tư này.

5. Cơ quan thi hành Quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính có trách nhiệm cung cấp thông tin quy định tại các điểm d, đ, e, g và h khoản 2 Điều 5 Thông tư này.

Điều 7. Thời hạn cung cấp thông tin về xử lý vi phạm hành chính

1. Trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc Quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình và các Quyết định có liên quan, các cơ quan quy định tại Điều 6 Thông tư này phải cung cấp thông tin cho người hoặc bộ phận tiếp nhận, cập nhật thông tin của cơ quan mình.

2. Tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn, thời gian cung cấp thông tin về xử phạt vi phạm hành chính cho người hoặc bộ phận tiếp nhận, cập nhật thông tin được kéo dài hơn nhưng không quá 04 (bốn) ngày làm việc, kể từ ngày ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

3. Trường hợp thu tiền phạt tại chỗ hoặc xử phạt trên biển, cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm cung cấp thông tin cho người hoặc bộ phận tiếp nhận, cập nhật thông tin của cơ quan mình trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nộp tiền phạt đã thu được tại Kho bạc Nhà nước hoặc tại ngân hàng thương mại được Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu tiền phạt hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước.

Điều 8. Trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra và thời hạn kiểm tra thông tin về xử lý vi phạm hành chính

1. Người được phân công hoặc bộ phận tiếp nhận, cập nhật thông tin về xử lý vi phạm, hành chính của các cơ quan quy định tại Điều 6 Thông tư này (sau đây gọi chung là bộ phận tiếp nhận, cập nhật thông tin) có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra thông tin về xử lý vi phạm hành chính.

2. Việc kiểm tra thông tin về xử lý vi phạm hành chính phải thực hiện theo trình tự như sau:

a) Bộ phận tiếp nhận, cập nhật thông tin có trách nhiệm kiểm tra thông tin về xử lý vi phạm hành chính trên cơ sở tài liệu được cung cấp.

b) Khi phát hiện thông tin về xử lý vi phạm hành chính còn thiếu hoặc chưa rõ ràng thì bộ phận tiếp nhận, cập nhật thông tin phải đề nghị cơ quan đã cung cấp thông tin bổ sung hoặc làm rõ thông tin. Việc bổ sung, làm rõ thông tin được thực hiện trong 01 (một) ngày làm việc.

3. Thời hạn kiểm tra thông tin về xử lý vi phạm hành chính là 01 (một) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông tin cung cấp từ cơ quan quy định tại Điều 6 Thông tư này.

Chương III

CẬP NHẬT, ĐÍNH CHÍNH, BỔ SUNG, HIỆU CHỈNH THÔNG TIN TRONG CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Điều 9. Trách nhiệm cập nhật, đính chính, bổ sung và hiệu chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính

1. Bộ phận tiếp nhận, cập nhật thông tin quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư này có trách nhiệm cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.

Tại những cơ quan có tổ chức bộ phận tiếp nhận, cập nhật thông tin độc lập, Thủ trưởng cơ quan phải phân công 01 (một) người phụ trách để phân công công việc và duyệt thông tin vào cơ sở dữ liệu.

2. Thủ trưởng các cơ quan quy định tại Điều 6 Thông tư này Quyết định việc đính chính, bổ sung thông tin khi phát hiện có sự sai sót, nhầm lẫn về dữ liệu hoặc còn thiếu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.

3. Các cơ quan quy định tại Điều 6 Thông tư này thực hiện việc hiệu chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính hoặc Cơ quan chủ quản Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính thực hiện việc hiệu chỉnh thông tin trên cơ sở đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quy định tại Điều 6 Thông tư này.

Điều 10. Nhập mới thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính

1. Bộ phận tiếp nhận, cập nhật thông tin tiến hành nhập mới thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính sau khi đã tiến hành kiểm tra thông tin trong tài liệu về xử lý vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư này.

2. Người được phân công hoặc người đứng đầu bộ phận tiếp nhận, cập nhật thông tin tiến hành kiểm tra, đối chiếu thông tin được nhập mới với thông tin trong tài liệu về xử lý vi phạm hành chính, nếu thông tin là chính xác thì duyệt thông tin vào cơ sở dữ liệu.

3. Trường hợp phát hiện thông tin có sai sót hoặc chưa rõ thì người được phân công hoặc người đứng đầu bộ phận tiếp nhận, cập nhật thông tin phải đề nghị cơ quan đã cung cấp thông tin bổ sung hoặc làm rõ thông tin, trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc. Sau khi nhận được thông tin bổ sung hoặc làm rõ thì duyệt thông tin vào cơ sở dữ liệu.

4. Thời hạn nhập mới thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính là 01 (một) ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả kiểm tra thông tin theo quy định tại Điều 8 Thông tư này.

5. Bộ phận tiếp nhận, cập nhật thông tin thực hiện lưu tài liệu về xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về lưu trữ sau khi đã nhập mới thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.

Điều 11. Cập nhật, bổ sung thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử vi phạm hành chính

1. Bộ phận tiếp nhận, cập nhật thông tin tiến hành cập nhật, bổ sung thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính sau khi đã tiến hành kiểm tra thông tin trong tài liệu về xử lý vi phạm hành chính quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này.

2. Người được phân công hoặc người đứng đầu bộ phận tiếp nhận, cập nhật thông tin tiến hành kiểm tra, đối chiếu thông tin mới được cập nhật, bổ sung với thông tin trong tài liệu về xử lý vi phạm hành chính, nếu thông tin là chính xác thì duyệt thông tin vào cơ sở dữ liệu.

3. Trường hợp phát hiện thông tin có sai sót hoặc chưa rõ thì người được phân công hoặc người đứng đầu bộ phận tiếp nhận, cập nhật thông tin đề nghị các cơ quan đã cung cấp thông tin bổ sung hoặc làm rõ thông tin trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc. Sau khi nhận được thông tin bổ sung hoặc làm rõ thì duyệt thông tin vào cơ sở dữ liệu.

4. Thời hạn cập nhật, bổ sung thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính là 01 (một) ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả kiểm tra thông tin theo quy định tại Điều 8 Thông tư này.

5. Bộ phận tiếp nhận, cập nhật thông tin thực hiện lưu tài liệu về xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về lưu trữ sau khi đã cập nhật, bổ sung thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.

Điều 12. Kiểm tra dữ liệu điện tử trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính

1. Người được phân công hoặc người đứng đầu bộ phận tiếp nhận, cập nhật thông tin có trách nhiệm kiểm tra dữ liệu điện tử trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.

2. Việc kiểm tra dữ liệu điện tử trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính được thực hiện như sau:

a) Định kỳ vào tuần làm việc cuối hàng tháng;

b) Trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc, kể từ ngày có căn cứ để xác định sự sai lệch, sai sót, nhầm lẫn hoặc còn thiếu thông tin so với hồ sơ, tài liệu về xử lý vi phạm hành chính.

3. Trường hợp phát hiện có sai lệch hoặc sai sót, nhầm lẫn về dữ liệu hoặc còn thiếu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính thì trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày phát hiện, người được phân công hoặc người đứng đầu bộ phận tiếp nhận, cập nhật thông tin có trách nhiệm báo cáo Thủ trưởng cơ quan bằng văn bản để xử lý.

Trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo của bộ phận tiếp nhận, cập nhật thông tin, Thủ trưởng cơ quan phải có văn bản xác định thông tin chính xác hoặc văn bản xác nhận về sự sai sót, nhầm lẫn dữ liệu hoặc còn thiếu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.

Điều 13. Đính chính, bổ sung thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính

1. Dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính được đính chính, bổ sung trong trường hợp có xác nhận bằng văn bản của Thủ trưởng cơ quan quy định tại Điều 6 Thông tư này về sự sai sót, nhầm lẫn về dữ liệu hoặc còn thiếu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.

2. Thủ trưởng cơ quan quy định tại Điều 6 Thông tư này Quyết định nội dung đính chính hoặc thông tin bổ sung thuộc trách nhiệm cung cấp của cơ quan mình.

Người được phân công hoặc người đứng đầu bộ phận tiếp nhận, cập nhật thông tin có trách nhiệm thực hiện việc đính chính, bổ sung thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.

3. Việc đính chính hoặc bổ sung thông tin được thực hiện trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Thủ trưởng cơ quan Quyết định nội dung đính chính hoặc thông tin bổ sung.

4. Bộ phận tiếp nhận, cập nhật thông tin thực hiện lưu các tài liệu có liên quan đến việc đính chính, bổ sung thông tin theo quy định của pháp luật về lưu trữ sau khi đã đính chính, bổ sung thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.

Điều 14. Hiệu chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính

1. Dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính được hiệu chỉnh trong trường hợp có văn bản xác định thông tin chính xác của thủ trưởng cơ quan quy định tại Điều 6 Thông tư này từ hồ sơ, tài liệu lưu trữ về xử lý vi phạm hành chính.

2. Thủ trưởng cơ quan quy định tại Điều 6 Thông tư này phải tiến hành truy nguyên thông tin gốc về xử lý vi phạm hành chính trên tài liệu lưu trữ thuộc trách nhiệm cung cấp của cơ quan mình để xác định thông tin chính xác.

3. Việc hiệu chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo một trong hai cách sau:

a) Người được phân công hoặc người đứng đầu bộ phận tiếp nhận, cập nhật thông tin thực hiện việc hiệu chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính theo Quyết định của Thủ trưởng cơ quan quy định tại Điều 6 Thông tư này.

b) Cơ quan chủ quản Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính thực hiện việc hiệu chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính theo văn bản đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quy định tại Điều 6 Thông tư này.

4. Việc hiệu chỉnh thông tin được thực hiện trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Thủ trưởng cơ quan đã xác định thông tin chính xác từ hồ sơ, tài liệu lưu trữ về xử lý vi phạm hành chính.

5. Bộ phận tiếp nhận, cập nhật thông tin thực hiện lưu các tài liệu có liên quan đến việc hiệu chỉnh thông tin theo quy định của pháp luật về lưu trữ sau khi đã hiệu chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.

Chương IV

KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Điều 15. Trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính

Cơ quan chủ quản Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm:

1. Cung cấp thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính cho các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 18 Thông tư này khi được yêu cầu và bảo đảm cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

2. Bảo đảm và hỗ trợ cho đối tượng khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều 16 và khoản 1 Điều 17 Thông tư này trong việc kết nối, tích hợp dữ liệu, truy nhập thông tin hoặc truy nhập, tra cứu dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính được thuận lợi.

3. Bảo đảm cập nhật thường xuyên, kịp thời, tính chính xác của dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.

4. Bảo đảm thiết lập công cụ tìm kiếm dữ liệu dễ sử dụng.

5. Bảo đảm khuôn dạng dữ liệu theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để hiển thị nhanh chóng.

6. Tiếp nhận và xử lý thông tin về những sai sót, nhầm lẫn về dữ liệu hoặc thiếu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính do các cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 16, khoản 1 Điều 17 và khoản 1 Điều 18 Thông tư này cung cấp.

7. Trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do đối với các trường hợp từ chối việc kết nối, tích hợp dữ liệu, truy nhập thông tin hoặc từ chối việc truy nhập; tra cứu thông tin trực tuyến hoặc từ chối cung cấp thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.

8. Thu, quản lý và sử dụng chi phí cung cấp thông tin đối với tổ chức bị xử phạt, cá nhân bị xử lý vi phạm hành chính theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 16. Khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính thông qua kết nối mạng máy tính

1. Thủ trưởng cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành gửi văn bản đề nghị kết nối, tích hợp dữ liệu, truy nhập thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính tới cơ quan chủ quản Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.

2. Trong thời hạn 07 (bảy) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, cơ quan chủ quản Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính phải có văn bản đồng ý kết nối nếu đủ điều kiện, trong đó xác định rõ phương thức kết nối, tích hợp dữ liệu và số lượng trường thông tin chia sẻ hoặc văn bản từ chối, không cho phép kết nối, tích hợp dữ liệu, truy nhập thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính, trong đó nêu rõ lý do.

Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc, kể từ ngày có văn bản đồng ý, cơ quan chủ quản Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính cấp tài khoản truy nhập cho cơ quan quản lý dữ liệu chuyên ngành và thực hiện các biện pháp kỹ thuật để cho phép kết nối, tích hợp dữ liệu, truy nhập thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính theo nội dung đã xác định trong văn bản.

3. Cơ quan quản lý dữ liệu chuyên ngành được cấp quyền kết nối, chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm:

a) Tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về việc khai thác, sử dụng thông tin của cơ sở dữ liệu quốc gia và Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính;

b) Kết nối đúng phương thức, đúng địa chỉ, sử dụng đúng mã khóa do cơ quan chủ quản Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính cung cấp;

c) Khai thác dữ liệu trong phạm vi các trường thông tin được chia sẻ;

d) Sử dụng dữ liệu đúng mục đích;

đ) Quản lý các thông tin, dữ liệu khai thác từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính theo đúng quy định của pháp luật;

e) Phối hợp với cơ quan chủ quản Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính trong việc phát hiện và xử lý những sai sót, nhầm lẫn về dữ liệu hoặc thiếu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính;

g) Bảo mật tài khoản truy nhập được cấp.

Điều 17. Khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính thông qua tra cứu thông tin trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử

1. Cá nhân, tổ chức gửi văn bản đề nghị được truy nhập, tra cứu thông tin trực tuyến về xử lý vi phạm hành chính trên Cổng thông tin điện tử tới cơ quan chủ quản Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.

2. Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, cơ quan chủ quản Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính phải có văn bản đồng ý nếu đủ điều kiện, trong đó xác định rõ phạm vi, thời hạn được truy nhập, tra cứu thông tin trực tuyến về xử lý vi phạm hành chính trên Cổng thông tin điện tử hoặc văn bản từ chối, không cho phép truy nhập, tra cứu thông tin trực tuyến, trong đó nêu rõ lý do.

Trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc sau khi có văn bản đồng ý, cơ quan chủ quản Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính, cấp tài khoản truy nhập cho cá nhân, tổ chức có đề nghị để thực hiện truy nhập, tra cứu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính theo nội dung đã xác định trong văn bản.

3. Cá nhân, tổ chức được cấp tài khoản truy nhập, tra cứu thông tin trực tuyến về xử lý vi phạm hành chính trên Cổng thông tin điện tử có trách nhiệm:

a) Tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về việc khai thác, sử dụng thông tin của cơ sở dữ liệu quốc gia và Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính;

b) Truy nhập đúng địa chỉ, sử dụng đúng mã khóa do cơ quan chủ quản Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính, cung cấp;

c) Khai thác dữ liệu trong phạm vi được cho phép, không được sao chép dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính dưới bất kỳ hình thức nào;

d) Sử dụng dữ liệu đúng mục đích;

đ) Quản lý các thông tin, dữ liệu khai thác từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính theo đúng quy định của pháp luật;

e) Thông báo kịp thời cho cơ quan chủ quản Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính về những sai sót, nhầm lẫn về dữ liệu hoặc thiếu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính;

g) Bảo mật tài khoản truy nhập được cấp.

Điều 18. Khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính bằng văn bản yêu cầu

1. Các cơ quan quyền lực nhà nước thực hiện chức năng giám sát công tác xử lý vi phạm hành chính, tổ chức bị xử phạt, cá nhân bị xử lý vi phạm hành chính gửi văn bản đề nghị được cung cấp thông tin tới cơ quan chủ quản Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.

Trong văn bản phải nêu rõ lý do, phạm vi, mục đích, nội dung thông tin cần được cung cấp và hình thức cung cấp thông tin.

2. Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, cơ quan chủ quản Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính phải có văn bản cung cấp thông tin.

Trường hợp cần phải phối hợp với các cơ quan, đơn vị khác trong việc xác minh, bổ sung, cung cấp thông tin thì thời hạn này có thể kéo dài, nhưng không quá 15 (mười lăm) ngày làm việc.

3. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu cung cấp thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính bằng văn bản quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm:

a) Tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về việc khai thác và sử dụng thông tin của cơ sở dữ liệu quốc gia và Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính;

b) Quản lý nội dung thông tin được cung cấp từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính theo đúng quy định của pháp luật. Không được cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác trừ trường hợp đã được thỏa thuận, cho phép bằng văn bản của cơ quan chủ quản Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính;

c) Sử dụng thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính đúng mục đích. Chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc sử dụng thông tin được cung cấp không đúng mục đích;

d) Thông báo kịp thời cho cơ quan chủ quản Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính, về những sai sót, nhầm lẫn về dữ liệu hoặc thiếu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính;

đ) Tổ chức bị xử phạt, cá nhân bị xử lý vi phạm hành chính phải trả chi phí yêu cầu cung cấp thông tin của mình theo quy định của pháp luật.

Điều 19. Những trường hợp không cung cấp thông tin đối với yêu cầu khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính bằng văn bản

1. Văn bản yêu cầu cung cấp thông tin về xử lý vi phạm hành chính không nêu rõ lý do, phạm vi, mục đích, nội dung thông tin cần cung cấp và hình thức cung cấp thông tin.

2. Yêu cầu cung cấp thông tin thuộc Danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật, Tối mật và Mật.

3. Văn bản yêu cầu cung cấp thông tin về xử lý vi phạm hành chính không có chữ ký của người đại diện có thẩm quyền hoặc người đứng đầu tổ chức và đóng dấu xác nhận đối với cơ quan, tổ chức hoặc không có chữ ký, họ tên, số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu và địa chỉ cụ thể của cá nhân yêu cầu cung cấp thông tin.

4. Mục đích sử dụng thông tin về xử lý vi phạm hành chính không phù hợp với quy định của pháp luật.

5. Thông tin đã được cung cấp hai lần theo yêu cầu của tổ chức bị xử phạt hoặc của cá nhân bị xử lý vi phạm hành chính.

6. Tổ chức bị xử phạt, cá nhân bị xử lý vi phạm hành chính không thực hiện việc trả chi phí cho việc cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật.

Điều 20. Chi phí phải trả cho việc yêu cầu cung cấp thông tin về xử lý vi phạm hành chính bằng văn bản

1. Tổ chức bị xử phạt, cá nhân bị xử lý vi phạm hành chính yêu cầu cung cấp thông tin bằng văn bản liên quan đến tổ chức, cá nhân mình từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính phải trả chi phí thực tế để in, sao, chụp, gửi thông tin.

2. Chi phí phải trả cho việc yêu cầu cung cấp thông tin về xử lý vi phạm hành chính bao gồm các khoản sau:

a) Chi phí để in, sao, chụp tài liệu;

b) Chi phí gửi tài liệu bằng dịch vụ bưu chính (nếu có).

3. Mức chi phí phải trả cho việc yêu cầu cung cấp thông tin về xử lý vi phạm hành chính thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 21. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2017.

Điều 22. Trách nhiệm thi hành

1. Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc thực hiện Thông tư này.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi quản lý của mình có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc có vấn đề phát sinh, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tư pháp (qua Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật) để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ và các Phó TTg CP;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp;
- Công báo; Website Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp;
- Lưu: VT, Cục QLXLVPHC&TDTHPL (5b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Khánh Ngọc

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Thông tư 13/2016/TT-BTP quy định quy trình cung cấp, tiếp nhận, cập nhật thông tin và khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu: 13/2016/TT-BTP
Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Tư pháp
Người ký: Nguyễn Khánh Ngọc
Ngày ban hành: 30/12/2016
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [1]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [2]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Thông tư 13/2016/TT-BTP quy định quy trình cung cấp, tiếp nhận, cập nhật thông tin và khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [5]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…