BỘ TƯ PHÁP |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 90/TB-BTP |
Hà Nội, ngày 27 tháng 11 năm 2023 |
KẾT LUẬN CỦA BỘ TRƯỞNG LÊ THÀNH LONG TẠI CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH TƯ PHÁP
Ngày 20/10/2023, Bộ trưởng Lê Thành Long, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số Ngành Tư pháp đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số Ngành Tư pháp và triển khai các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số của Bộ, Ngành Tư pháp. Tham dự Hội nghị có các Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, Đặng Hoàng Oanh, Mai Lương Khôi, Nguyễn Thanh Tịnh; các thành viên Ban Chỉ đạo và đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ. Sau khi nghe Cục Công nghệ thông tin báo cáo kết quả triển khai ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của ngành Tư pháp và đề xuất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới (Báo cáo số 48/BC-CNTT ngày 19/10/2023), ý kiến phát biểu của các đồng chí dự họp, Bộ trưởng Lê Thành Long kết luận như sau:
1. Trong thời gian qua, Cục Công nghệ thông tin và các đơn vị thuộc Bộ liên quan đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của Bộ, ngành Tư pháp, bước đầu đạt được một số kết quả tích cực như cơ sở hạ tầng kỹ thuật CNTT của Bộ được quan tâm, ưu tiên đầu tư nâng cấp; các hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng, Trung tâm dữ liệu điện tử của Bộ từng bước được xây dựng, vận hành, nâng cấp, phát triển; công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng được quan tâm, đảm bảo, tạo điều kiện để các đơn vị thực hiện hiệu quả công tác chuyên môn, nghiệp vụ cũng như công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, ngành được thông suốt.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của Bộ Tư pháp vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cũng như hạn chế nhất định, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các phần mềm ứng dụng CNTT đầu tư giai đoạn 2010-2020 còn nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ; nguồn lực đầu tư cho công tác ứng dụng CNTT còn hạn hẹp; việc triển khai một số dự án đầu tư công còn chậm; công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng còn nhiều khó khăn. Bên cạnh các nguyên nhân nêu tại báo cáo, nguyên nhân chính là do một số đơn vị thuộc Bộ còn chưa nhận thức đầy đủ về yêu cầu, nhiệm vụ của công tác ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong bối cảnh hiện nay; thiếu tích cực, chủ động trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; vai trò tham mưu của đơn vị chuyên trách về CNTT, chuyển đổi số của Bộ có lúc còn chưa được phát huy hiệu quả.
2. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của Bộ, ngành Tư pháp trong thời gian tới, yêu cầu Cục Công nghệ thông tin và các đơn vị thuộc Bộ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
2.1. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ cần nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, những cơ hội và lợi ích to lớn về nhiệm vụ ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong các lĩnh vực công tác Tư pháp là yêu cầu tất yếu, cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, cần được quan tâm, tập trung thực hiện kịp thời, hiệu quả, nhất là các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 22-NQ/BCSĐ ngày 29/3/2022 của Ban cán sự đảng về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác công nghệ thông tin trong hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp giai đoạn 2022-2025 và các kế hoạch ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của Bộ, ngành Tư pháp.
2.2. Thống nhất với cách tiếp cận, phân loại các nhiệm vụ ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của Bộ, ngành Tư pháp theo các nhóm nhiệm vụ cấp bách, các nhiệm vụ ưu tiên và các nhiệm vụ cần được quan tâm triển khai đồng bộ theo đề xuất tại báo cáo số 48/BC-CNTT, đề nghị Cục Công nghệ thông tin và các đơn vị thuộc Bộ liên quan tiếp tục phối hợp, tổ chức buổi làm việc (theo từng nhóm lĩnh vực công tác) rà soát, đánh giá chính xác thực trạng để từ đó, xác định các nhiệm vụ cụ thể cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, trong đó ưu tiên nguồn lực, tập trung thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong lĩnh vực công tác hộ tịch và lý lịch tư pháp.
- Việc xác định mục tiêu, phạm vi và quy mô các nhiệm vụ ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử trong các lĩnh vực công tác tư pháp cần được đặt trong quy hoạch tổng thể, đồng bộ, tầm nhìn dài hạn, có khả năng kết nối, chia sẻ, tích hợp dữ liệu theo nguyên tắc lấy cơ sở dữ liệu hộ tịch làm trung tâm, đảm bảo hiệu quả, thống nhất với các mục tiêu, định hướng phát triển chung của Chính phủ, Bộ Tư pháp và trong lĩnh vực công tác, nhất là các nhiệm vụ liên quan để thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
- Các đơn vị thuộc Bộ chịu trách nhiệm chủ động tham mưu, đề xuất, triển khai các nội dung, nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong lĩnh vực chuyên môn được giao quản lý; có trách nhiệm tham mưu, chủ trì xây dựng hoặc thuê, quản lý, vận hành các hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng CNTT của đơn vị đảm bảo hiệu quả, đúng quy định pháp luật. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về triển khai các nhiệm vụ ứng dụng CNTT, chuyển đổi số tại đơn vị mình.
- Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin chủ trì, chịu trách nhiệm về tham mưu, định hướng thiết kế hệ thống, tư vấn cho các đơn vị trong ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, bảo đảm về tổng thể vận hành kỹ thuật, an ninh, an toàn thông tin mạng, cơ sở hạ tầng CNTT (bố trí hạ tầng trong khả năng cho phép phục vụ việc cài đặt, vận hành các Hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng; bảo đảm an toàn, an ninh đối với Trung tâm dữ liệu điện tử của Bộ). Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ liên quan trong góp ý, thẩm định các đề xuất ứng dụng CNTT của Bộ theo quy định pháp luật; hướng dẫn các đơn vị về kỹ thuật CNTT trong xây dựng và tổ chức thực hiện dự án.
3. Về một số nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới
3.1. Đề nghị Thủ trưởng các đơn vị được giao làm chủ đầu tư các dự án đầu tư công giai đoạn 2021-2025 (Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật; Cục Trợ giúp pháp lý; Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật) khẩn trương, phối hợp chặt chẽ với Cục Kế hoạch - Tài chính, Cục Công nghệ thông tin đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án, tổ chức triển khai và sớm đưa kết quả các dự án vào hoạt động.
3.2. Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) khẩn trương rà soát, đánh giá, nâng cấp Phần mềm Quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê THADS đảm bảo quản lý hiệu quả hoạt động thi hành án của Chấp hành viên, các cơ quan THADS toàn quốc; triển khai và tích hợp Biên lai điện tử trong các hệ thống thông tin liên quan phục vụ hiệu quả công tác quản lý thu, chi tiền thi hành án.
3.3. Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu tổ chức các khóa đào tạo hoặc nội dung phù hợp về chuyển đổi số trong Kế hoạch Đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức Bộ Tư pháp năm 2024 và các năm tiếp theo phù hợp với điều kiện và nhu cầu đào tạo thực tế. Trong đó, quan tâm các nội dung đào tạo về kỹ năng số cơ bản hướng tới sử dụng hiệu quả các hệ thống thông tin và dịch vụ công trực tuyến của Bộ, ngành Tư pháp; kỹ năng về phát triển, phân tích, xử lý và khai thác dữ liệu phục vụ công việc; kiến thức về quản lý và triển khai các hoạt động ứng dụng CNTT có sử dụng ngân sách nhà nước, đặc biệt là đối với các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư dự án CNTT.
3.4. Cục Công nghệ thông tin phát huy hơn nữa vai trò đơn vị thường trực giúp việc cho Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số Ngành Tư pháp. Chủ động tham mưu, đề xuất và giúp Bộ trưởng chỉ đạo, phối hợp thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính, xây dựng, phát triển Chính phủ số của Bộ, Ngành Tư pháp.
- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án “Đầu tư hạ tầng Trung tâm Dữ liệu điện tử Bộ Tư pháp”, bố trí hạ tầng CNTT để tối ưu hóa Hệ thống Đăng ký quản lý hộ tịch điện tử dùng chung, cải thiện hiệu quả trong thực hiện 02 nhóm thủ tục hành chính liên thông.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch hành động nhằm cải thiện Chỉ số Chuyển đổi số của Bộ Tư pháp năm 2023 và các năm tiếp theo.
- Khẩn trương xây dựng, trình Lãnh đạo Bộ ban hành danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung, kế hoạch mở dữ liệu của Bộ theo quy định tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP; phê duyệt cấp độ an toàn các hệ thống thông tin trong phạm vi quản lý của Bộ và triển khai phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ được phê duyệt.
- Chủ trì với các đơn vị tiếp tục rà soát, đánh giá để đề xuất bổ sung hạ tầng kỹ thuật phục vụ hiệu quả các nhu cầu ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của các đơn vị trong Bộ; thực hiện vận hành, bảo trì, nâng cấp thường xuyên đảm bảo sử dụng và khai thác hiệu quả các hệ thống thông tin dùng chung của Bộ.
- Xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử, Chính phủ số của Bộ Tư pháp phiên bản 3.0 theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông và tham mưu tổ chức các hoạt động ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của Bộ, Ngành Tư pháp được đồng bộ, hiệu quả.
- Chủ động xây dựng kế hoạch cung cấp và phát triển các dịch vụ của Trung tâm Thông tin đáp ứng nhu cầu mới và đề xuất tham gia phối hợp, chủ trì thực hiện các dịch vụ CNTT, dịch vụ gia tăng theo quy định của pháp luật.
Trên đây là Kết luận của Bộ trưởng Lê Thành Long, Trưởng ban Chỉ đạo Chuyển đổi số Ngành Tư pháp tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số Ngành Tư pháp và triển khai các nhiệm vụ ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của Bộ, Ngành Tư pháp, Bộ Tư pháp thông báo để các cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan biết, thực hiện./.
|
TL. BỘ TRƯỞNG |
Thông báo 90/TB-BTP năm 2023 kết luận của Bộ trưởng Lê Thành Long tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số Ngành Tư pháp do Bộ Tư pháp ban hành
Số hiệu: | 90/TB-BTP |
---|---|
Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Bộ Tư pháp |
Người ký: | Đỗ Xuân Quý |
Ngày ban hành: | 27/11/2023 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Thông báo 90/TB-BTP năm 2023 kết luận của Bộ trưởng Lê Thành Long tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số Ngành Tư pháp do Bộ Tư pháp ban hành
Chưa có Video