ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 792/QĐ-UBND |
Hà Giang, ngày 27 tháng 06 năm 2024 |
PHÊ DUYỆT KIẾN TRÚC CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ HƯỚNG TỚI CHÍNH QUYỀN SỐ TỈNH HÀ GIANG, PHIÊN BẢN 3.0
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006; Văn bản hợp nhất Luật Công nghệ thông tin số 10/VBHN-VPQH ngày 12 tháng 12 năm 2017;
Căn cứ Luật An toàn thông tin ngày 19 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025;
Căn cứ Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình Chuyển đối số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”;
Căn cứ Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử;
Căn cứ Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 2568/QĐ-BTTTT ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 3.0;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số tỉnh Hà Giang, phiên bản 3.0, với một số nội dung chính như sau:
a) Mục đích
Kiến trúc Chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số tỉnh Hà Giang phiên bản 3.0 là bổ sung, cập nhật cho kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Hà Giang phiên bản 2.0 (ban hành năm 2020) phù hợp với định hướng phát triển chuyển đổi số của quốc gia, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số của Trung ương; phù hợp hiện trạng, định hướng phát triển Chính quyền điện tử tỉnh Hà Giang hướng tới Chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số; Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Hà Giang, phiên bản 3.0 phù hợp với định hướng, kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh của tỉnh Hà Giang
Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Hà Giang, phiên bản 3.0 là cơ sở đưa ra các quyết định đầu tư, triển khai Chính quyền điện tử kịp thời, chính xác; nâng cao hiệu quả, chất lượng các dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; bảo đảm tính kết nối liên thông, tránh trùng lặp, lãng phí và đạt được mục tiêu xây dựng Chính quyền điện tử, hướng đến Chính quyền số của tỉnh; là cơ sở cho việc triển khai, xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số thành công ở các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh, hướng tới các hoạt động hành chính không giấy; bảo đảm chất lượng, hiệu lực, hiệu quả và tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
b) Phạm vi áp dụng
Áp dụng cho các cơ quan trong hệ thống chính trị và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Kiến trúc Chính quyền điện tử, hướng đến Chính quyền số tỉnh Hà Giang, phiên bản 3.0 là phù hợp với các văn bản định hướng của Chính phủ về xây dựng CHính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số của Quốc gia; đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế, xã hội, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số và phát triển đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh tại các văn bản: Nghị quyết số 07-NQ/ĐH ngày 17 tháng 10 năm 2020 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết số 39/NQ- HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2021- 2025, Nghị quyết số 18- NQ/TU ngày 29 tháng 10 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030, Kế hoạch số 293/KH-UBND ngày 07 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 29 tháng 10 năm 2021.
Trong quá trình xây dựng, triển khai áp dụng các nội dung Kiến trúc Chính quyền điện tử, hướng đến Chính quyền số phải tuân thủ các nguyên tắc theo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 3.0 (ban hành Quyết định số 2568/QĐ-BTTTT ngày 29/12/2023). Ngoài ra cần tuân thủ nguyên tắc trong xây dựng Kiến trúc Chính quyền điện tử, hướng đến Chính quyền số tỉnh Hà Giang, phiên bản 3.0, cụ thể:
a) Tuân thủ kiến trúc (của Quốc gia, của Tỉnh và Bộ, ngành liên quan) trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, Chuyển đổi số của tỉnh.
b) Phù hợp với quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phù hợp định hướng, mục tiêu phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số và phát triển đô thị thông minh của tỉnh.
c) Phù hợp với quy trình nghiệp vụ, thúc đẩy liên thông, chia sẻ, tái cấu trúc nghiệp vụ, hướng đến đơn giản hóa, tăng hiệu quả trong cung cấp dịch vụ trực tuyến toàn trình tích hợp định danh, xác thực, thanh toán điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp.
d) Ưu tiên các nền tảng, công nghệ số mới trên cả Web và thiết bị di động; Ưu tiên các ứng dụng, dịch vụ, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung,… liên thông, chia sẻ qua Nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu (gọi tắt là LGSP) của tỉnh Hà Giang; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và liên thông giữa các hệ thống thông tin, kết nối với các hệ thống thông tin Quốc gia.
đ) Phát triển dữ liệu số, dữ liệu mở cung cấp cho người dân, doanh nghiệp phục vụ phát triển Chính quyền điện tử, kinh tế số - xã hội số; tăng cường sử dụng chuẩn mở trong trao đổi thông tin, dữ liệu để cung cấp các bộ dữ liệu mở có chất lượng và giá trị khai thác cao để phát triển các dịch vụ đổi mới sáng tạo.
e) Các vấn đề về an toàn thông tin (gọi tắt là ATTT) được nhận diện và có giải pháp toàn diện, các hệ thống triển khai trong Kiến trúc Chính quyền điện tử phải được xác định cấp độ an toàn thông tin theo quy định của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.
g) Các hệ thống kỹ thuật, các ứng dụng, dịch vụ phải tuân thủ và đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về công nghệ thông tin và các văn bản quy định có liên quan.
4. Kiến trúc chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số
Kiến trúc Chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số phiên bản 3.0 tỉnh Hà Giang như sau:
Sơ đồ tổng thể Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Hà Giang
Các thành phần trong sơ đồ tổng thể Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Hà Giang, phiên bản 3.0 như sau:
a) Người sử dụng
Người sử dụng hoặc đối tượng sử dụng là người dân, doanh nghiệp hoặc các cơ quan tương tác với dịch vụ được cung cấp bởi các cơ quan nhà nước.
b) Kênh truy cập
Kênh truy cập là các hình thức, phương tiện qua đó người sử dụng truy cập thông tin, dịch vụ mà cơ quan nhà nước cung cấp. Các kênh truy cập chính bao gồm: Giao diện cổng (bao gồm: các trang thông tin điện tử/cổng thông tin điện tử/cổng dữ liệu/Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh (website/portal)); Đa phương tiện (Ứng dụng trên nền tảng thiết bị di động: Ứng dụng định danh điện tử -VNeID; Ứng dụng bảo hiểm xã hội số -VssID,…); Kiosk tra cứu thông tin. Ngoài ra, người sử dụng có thể sử dụng các kênh khác như điện thoại (Tổng đài hỗ trợ), SMS (tin nhắn) hoặc trực tiếp tại Trung tâm phục vụ hành chính công hoặc Bộ phận một cửa các cấp.
c) Nghiệp vụ
Bao gồm các dòng nghiệp vụ cần thiết cho hoạt động nội bộ và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, được phân loại thành: các nghiệp vụ xử lý; thực hiện thủ tục hành chính; các nghiệp vụ chuyên ngành; các nghiệp vụ hỗ trợ hoạt động cơ quan nhà nước; các nghiệp vụ Quản lý nguồn lực, và các nghiệp vụ khác.
d) Ứng dụng
Bao gồm các ứng dụng cần thiết cho hoạt động nội bộ và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, được phân loại thành: các ứng dụng nội bộ; các ứng dụng chuyên ngành; các ứng dụng dùng chung cấp quốc gia và các ứng dụng phục vụ tổng hợp và báo cáo.
e) Cơ sở dữ liệu
Cổng dữ liệu dùng chung của tỉnh: là một thành phần rất quan trọng trong quá trình phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính phủ số. Dữ liệu được tích hợp, chuyển đổi từ các nguồn dữ liệu của các hệ thống thông tin khác nhau; thực hiện làm sạch, kiểm tra xác minh dữ liệu, chuẩn hóa theo cấu trúc, củng cố dữ liệu, lưu trữ tập trung, phân loại, xếp loại và lập danh mục dữ liệu. Dữ liệu được quản lý, điều phối, phân phối, bảo đảm toàn vẹn thống nhất để đáp ứng các yêu cầu, nhu cầu chia sẻ dữ liệu trong nội bộ các bộ, ngành, địa phương hoặc giữa các bộ, ngành, địa phương với nhau, tăng cường hiệu quả cho công tác quản lý, điều hành, báo cáo, ra quyết định của lãnh đạo các cấp.
f) Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh Hà Giang (LGSP cấp tỉnh)
Gồm các dịch vụ chia sẻ và tích hợp được sử dụng để hỗ trợ các ứng dụng và cơ sở dữ liệu. Đây là các dịch vụ có thể dùng chung, chia sẻ giữa các ứng dụng, tránh đầu tư trùng lặp, lãng phí, thiếu đồng bộ, đảm bảo kết nối, liên thông, tích hợp các ứng dụng.
g) Hạ tầng kỹ thuật
Thành phần này cung cấp phần cứng/phần mềm máy tính, mạng, thiết bị, an toàn thông tin, cơ sở vật chất để triển khai các ứng dụng công nghệ, gồm: Hạ tầng Trung tâm dữ liệu, phòng máy chủ; các thiết bị phần cứng/phần mềm cho người dùng cuối; hạ tầng mạng; Hạ tầng điện toán đám mây; Hạ tầng IoT (Internet of Things); Trung tâm điều hành Network Operations Centers (NOC).
e) An toàn thông tin mạng, an ninh mạng
Đây là thành phần xuyên suốt, là điều kiện bảo đảm triển khai các thành phần của Chính quyền điện tử cần được triển khai đồng bộ ở các cấp trong tỉnh, các nội dung chính: bảo vệ an toàn hạ tầng, an toàn mạng, an toàn hệ thống, an toàn ứng dụng CNTT, an toàn dữ liệu, quản lý và giám sát an toàn thông tin, các trung tâm giám sát, trung tâm giám sát an toàn thông tin, chữ ký số.
f) Quản lý chỉ đạo
Bao gồm công tác chỉ đạo, tổ chức, xây dựng các chính sách, các chuẩn, hướng dẫn, đào tạo, truyền thông để triển khai sơ đồ tổng quát Chính quyền điện tử cấp tỉnh.
5. Nhiệm vụ thực hiện Kiến trúc
- Hoàn thiện nền tảng hạ tầng số (phần mềm bản quyền về an toàn thông tin, hạ tầng dự phòng Trung tâm tích hợp dữ liệu, mạng truyền số liệu chuyên dùng của Tỉnh; chuyển đổi IPv4 sang IPv6; Hệ thống điều hành thông minh của tỉnh,…)
- Duy trì, nâng cấp Trung tâm giám sát an toàn thông tin (SOC) và dịch vụ giám sát, đánh giá an toàn thông tin.
- Thuê dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin chính gồm: Nền tảng phân tích tổng hợp dữ liệu tỉnh Hà Giang; Nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu (LGSP) kết nối với NDXP, đảm bảo 100% cơ sở dữ liệu quốc gia; Thực hiện đăng nhập một lần thông qua Hệ thống xác thực và định danh điện tử; Cổng giao tiếp điện tử; Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh; Cổng đào tạo bồi dưỡng; Ứng dụng công dân số; Trợ lý ảo cho can bộ, công chức viên chức; Hỏi đáp tự động cho dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.
- Triển khai hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 293/KH-UBND ngày 07 tháng 12 năm 2021 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 29 tháng 10 năm 2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
- Triển khai các mô hình tiện, ích đề án 06 phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030;
- Quản trị, cập nhật kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Hà Giang, phiên bản 3.0.
- Xây dựng chính sách, quy định, hướng dẫn Chính quyền điện tử, chuyển đổi số.
- Đào tạo kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
- Truyền thông xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số.
(Chi tiết kiến trúc chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số tỉnh Hà Giang phiên bản 3.0 kèm theo)
Điều 2. Giao cho Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung triển khai nhiệm vụ:
1. Triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của tỉnh Hà Giang dựa trên Kiến trúc Chính quyền điện tử, hướng tới Chính phủ số phiên bản 3.0.
2. Chủ trì, xây dựng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn, các tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ thực hiện Kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh.
3. Làm đầu mối hỗ trợ các cơ quan triển khai tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
4. Thẩm định sự phù hợp của các kế hoạch, dự án ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Hà Giang.
Điều 3: Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Thủ trưởng các: Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
Quyết định 792/QĐ-UBND năm 2024 phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số tỉnh Hà Giang, phiên bản 3.0
Số hiệu: | 792/QĐ-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Hà Giang |
Người ký: | Trần Đức Quý |
Ngày ban hành: | 27/06/2024 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 792/QĐ-UBND năm 2024 phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số tỉnh Hà Giang, phiên bản 3.0
Chưa có Video