Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 750/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 10 tháng 02 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI TRẠM BTS TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Viễn thông số ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2009 của Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 5;

Căn cứ Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2014 của Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 7;

Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;

Căn cứ Thông tư số 14/2013/TT-BTTTT ngày 21 tháng 6 năm 2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn việc lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương;

Căn cứ Quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Công văn số 5615/UBND-QLĐTh ngày 30 tháng 6 năm 2014 của UBND Thành Phố Đà Nẵng về việc “Lập quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn phố Đà Nẵng”;

Xét đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 1301/TTr-STTTT ngày 25 tháng 12 năm 2017 về việc Quy hoạch mạng lưới trạm BTS trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Quy hoạch mạng lưới trạm BTS trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” với những nội dung chính sau đây:

1. Phạm vi và quy mô nghiên cứu:

a) Phạm vi nghiên cứu: Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, bao gồm 6 quận nội thành, huyện Hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa.

b) Quy mô: Quy hoạch này chỉ áp dụng đối với trạm BTS loại 1 và loại 2.

Quy hoạch này không áp dụng cho các trạm BTS có tính đặc thù (trạm BTS có bán kính phủ sóng ≤ 50m, gồm các trạm BTS quy mô phủ sóng loại picocell, femtocell,...). Trong quá trình xây dựng và phát triển, tùy theo thực tế xu hướng phát triển công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND thành phố Đà Nẵng công tác quản lý đối với các trạm BTS đặc thù này.

2. Quan điểm lập quy hoạch:

a) Quy hoạch phát triển mạng lưới trạm BTS nhằm tạo lập một hệ thống hạ tầng kỹ thuật thông tin và truyền thông hiện đại, đồng bộ phù hợp với xu hướng hội tụ của công nghệ thông tin băng rộng, hướng đến nâng cao quyền tiếp cận thông tin, nâng cao chất lượng kết nối thông tin cho người dân, du khách, doanh nghiệp, có đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng.

b) Hạ tầng mạng lưới trạm BTS là hạ tầng công nghệ thông tin cơ bản, quan trọng trong thực hiện Đề án “Xây dựng thành phố thông minh hơn tại Đà Nẵng” (được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1797/QĐ-UBND ngày 25 tháng 3 năm 2014). Phát triển mạng lưới trạm hướng đến các mục tiêu Đề án đã đặt ra.

c) Phát triển mạng lưới các trạm BTS phải bảo đảm tính công khai, minh bạch, khách quan, hiệu quả và bảo đảm bình đẳng trong thiết lập trạm giữa các doanh nghiệp thông tin di động.

d) Phát triển có kế thừa các cơ sở hạ tầng đã có, có lộ trình phát triển trạm mới phù hợp và có lộ trình chuyển đổi các trạm không còn phù hợp với mỹ quan an toàn đô thị.

đ) Phát triển mạng lưới trạm BTS đi đôi với tăng cường công tác quản lý của cơ quan nhà nước. Trong đó, ưu tiên triển khai số hóa cơ sở dữ liệu liên quan đến trạm BTS, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, có phân cấp rõ ràng quyền hạn và nhiệm vụ trong quản lý trạm BTS giữa các sở, ngành liên quan với quận, huyện, xã, phường.

e) Phát triển mạng lưới trạm BTS song song với thực hiện công tác tuyên truyền đến nhân dân về ích lợi, vai trò của trạm BTS trong phát triển đời sống kinh tế - xã hội của thành phố, tăng cường sự đồng thuận của nhân dân.

3. Mục tiêu quy hoạch:

a) Phát triển hạ tầng mạng lưới thông tin di động trên địa bàn thành phố theo hướng bền vững, bảo đảm sự phù hợp về công nghệ, nhu cầu sử dụng thông tin di động của người dân, an toàn, mỹ quan đô thị.

b) Xác lập cơ sở, lộ trình để các doanh nghiệp thông tin di động:

- Phát triển hạ tầng kỹ thuật theo đúng định hướng; Tăng cường chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng và giảm sự đầu tư chồng chéo.

- Từng bước chuyển đổi các trạm BTS loại cồng kềnh sang loại thân thiện môi trường, ngụy trang hoặc không cồng kềnh.

c) Tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong việc quản lý đối với các hoạt động liên quan đến trạm BTS.

d) Công khai, minh bạch với người dân về thực trạng, định hướng, lộ trình phát triển trạm BTS trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện thuận lợi để người dân giám sát các hoạt động liên quan đến trạm BTS.

4. Các chỉ tiêu cơ bản:

a) Giai đoạn từ nay đến 2020: Với dung lượng mạng khoảng 4.000.000 thuê bao, để phục vụ 1.300.000 thuê bao di động tại thành phố Đà Nẵng và khi có các sự kiện. Phát triển mạng di động theo công nghệ truy nhập vô tuyến băng rộng và công nghệ 4G. Cấp phép xây dựng mới các trạm thu phát sóng theo hướng sử dụng chung cơ sở hạ tầng, không cấp phép xây dựng đối với trạm BTS loại 1 tại khu vực các quận nội thành. Phấn đấu đến năm 2020 có 200 trạm phát sóng sử dụng chung trụ ăng ten, giảm 30% số lượng trạm BTS loại 1 (so với năm 2017) tại các quận nội thành và khu vực tập trung đông dân.

b) Giai đoạn 2020-2025: Ngừng cấp phép xây dựng đối với trạm BTS loại 1 tại khu vực nông thôn có điểm dân cư đông đúc, đồng thời chuyển đổi các trạm BTS cồng kềnh hiện trạng sang loại trạm thân thiện môi trường, ngụy trang. Phát triển đến năm 2025 có 400 vị trí dùng chung cơ sở hạ tầng giữa các nhà cung cấp, giảm 60% số lượng trạm BTS loại 1 (so với năm 2017) tại các quận nội thành và khu vực tập trung đông dân.

c) Giai đoạn 2025-2030: Củng cố và phát triển hệ thống viễn thông sẵn có phù hợp với tình hình phát triển chung, sẵn sàng chuyển đổi từ công nghệ cũ sang công nghệ tiên tiến hơn. Phấn đấu di dời, chuyển đổi 100% (so với năm 2017) các trạm BTS loại 1 tại các quận nội thành, các điểm dân cư đông đúc.

5. Nội dung quy hoạch:

- Xác lập các vùng cấm lắp đặt trạm BTS, bao gồm: các vùng nằm trong khu vực bố trí phòng thủ, khu vực có tầm chiến lược về an ninh - quốc phòng, khu vực sân bay quốc tế, khu di tích văn hóa lịch sử,....

- Đối với các quận trung tâm thành phố và các khu vực tập trung đông dân cư, chỉ cho phép phát triển các trạm BTS loại thân thiện môi trường và có lộ trình di dời, chuyển đổi hoặc hạ độ cao các trạm BTS sử dụng cột ăng ten cồng kềnh.

- Các khu vực tiếp giáp biển (trong phạm vi 01 km tính từ bờ biển vào đất liền): chỉ phát triển trạm BTS loại thân thiện môi trường, ngụy trang và triển khai di dời hoặc chuyển đổi sang loại hình phù hợp đối với các trạm BTS đang sử dụng cột ăng ten cồng kềnh nhằm tránh nguy cơ mất an toàn mùa gió bão.

- Đối với các tuyến đường cảnh quan đô thị quan trọng, các tuyến đường chính: không được xây dựng lắp đặt các trạm BTS loại 1 trong phạm vi 30m tính từ lòng đường ra mỗi bên, triển khai di dời hoặc chuyển đổi sang loại hình phù hợp đối với các trạm vi phạm hiện nằm trong vùng giới hạn.

- Các tòa nhà cao tầng (trung tâm thương mại, khách sạn, cao ốc văn phòng,...) chỉ lắp đặt trạm BTS loại có tính đặc thù.

- Những khu đô thị đang và sắp hình thành, khuyến khích các nhà mạng sử dụng chung hạ tầng hoặc ưu tiên lắp đặt trạm BTS loại thân thiện môi trường, ngụy trang và loại trạm BTS có tính đặc thù.

- Quy hoạch đợt đầu giai đoạn từ nay đến năm 2020, ưu tiên di dời các trạm BTS sử dụng cột ăng ten cồng kềnh tại các vùng nhạy cảm, các khu vực dân cư đông đúc hoặc cho phép doanh nghiệp viễn thông chuyển đổi sang sử dụng phổ biến loại hình trạm BTS loại thân thiện môi trường. Tại khu vực vùng sâu vùng xa, dân cư thưa thớt mà địa hình phức tạp, trước mắt cho phép xây dựng trạm BTS cồng kềnh (loại 1a) để phủ sóng. Tuy nhiên, nhà cung cấp dịch vụ phải có lộ trình cam kết hạ thấp độ cao hoặc thay thế loại hình trạm BTS phù hợp khi các khu vực này phát triển đông dân cư.

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ thông tin di động trong những dịp lễ hội, sự kiện,... khuyến khích doanh nghiệp viễn thông dự phòng trạm BTS lưu động hoặc các trạm nối dài để lắp đặt tạm thời trong thời gian diễn ra sự kiện.

Về mặt tổng thể, số lượng trạm BTS được phân bố phân chia theo quận, huyện như sau:

Quận, huyện /năm

Đơn vị

Năm

2020

2025

2030

Liên Chiểu

Trạm

460

616

772

Thanh Khê

Trạm

275

305

335

Hải Châu

Trạm

322

355

399

Sơn Trà

Trạm

247

277

307

Ngũ Hành Sơn

Trạm

381

500

622

Cẩm Lệ

Trạm

333

399

468

Hòa Vang (Bắc Hòa Vang và Nam Hòa Vang)

Trạm

631

955

1343

Tổng cộng toàn địa bàn thành phố

Trạm

2018

2452

2903

6. Dự báo số lượng trạm BTS loại 1 và loại 2 cần phát triển đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng:

Số lượng/năm

Năm

2020

2025

2030

Số lượng trạm BTS cần phát triển (đơn vị: trạm)

2018

2452

2903

7. Giải pháp

Để phát triển mạng lưới trạm BTS theo đúng các định hướng và mục tiêu ban đầu, có các giải pháp lớn như sau:

a) Về nâng cao hiệu quả dùng chung hạ tầng trạm BTS, có các giải pháp sau:

- Xây dựng khung giá, quy chế để khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng chung hạ tầng.

- Xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích chủ sở hữu các công trình nhà cao tầng cho doanh nghiệp viễn thông thuê vị trí đặt trạm BTS.

- Xây dựng giải pháp cho phép doanh nghiệp viễn thông tích hợp trạm BTS vào các công trình công cộng sẵn có như cột đèn, cột quảng cáo, v.v...

- Khuyến khích doanh nghiệp mạng chia sẻ hạ tầng viễn thông tích cực.

b) Công khai minh bạch Quy hoạch mạng lưới trạm BTS đến doanh nghiệp, người dân, đồng thời tuân thủ thực hiện quy hoạch trạm BTS trong cấp phép triển khai trạm.

c) Phát triển mạng lưới trạm BTS theo đúng lộ trình quy hoạch, đồng thời triển khai ngay việc thực hiện Quy hoạch đợt đầu giai đoạn từ nay đến 2020 nhằm di dời, chuyển đổi các trạm BTS loại 1 (cồng kềnh) thành các trạm BTS thân thiện môi trường, ngụy trang hoặc không cồng kềnh tại các quận nội thành và các khu vực dân cư đông đúc.

d) Từ các dự báo phát triển về mặt công nghệ, áp dụng công nghệ BTS phù hợp với xu hướng công nghệ và hạn chế việc phát triển mới các công nghệ lạc hậu.

đ) Tăng cường công tác hậu kiểm và xử lý sai phạm.

e) Triển khai số hóa cơ sở dữ liệu liên quan đến trạm BTS, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, có phân cấp rõ ràng quyền hạn và nhiệm vụ trong quản lý trạm BTS giữa các sở, ngành liên quan với quận, huyện, xã, phường.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Chủ trì, tổ chức công bố Quy hoạch, báo cáo và đề xuất với cơ quan cấp trên các kế hoạch, giải pháp cụ thể, chi tiết thực hiện và điều chỉnh Quy hoạch theo quy định của pháp luật;

b) Chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch, quản lý và cập nhật quá trình thực hiện.

c) Tiếp tục hoàn thiện các quy định về việc lắp đặt các trạm BTS thân thiện môi trường trên các tòa nhà cao tầng, khách sạn, chung cư; quy chế về sử dụng chung cơ sở hạ tầng theo quy định. Đầu mối phối hợp, giải quyết khó khăn vướng mắc trong quá trình đầu tư và sử dụng chung cơ sở hạ tầng giữa các doanh nghiệp;

d) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện và các sở ngành có liên quan trong việc cấp phép xây dựng trạm thu phát sóng thông tin di động trên địa bàn thành phố theo đúng quy hoạch; tổ chức tháo dỡ, di dời các trạm không phù hợp quy hoạch, triển khai hạ độ cao, chuyển đổi các trạm BTS loại 01 xây dựng trước thời điểm có quy định cấp phép sang trạm BTS thân thiện môi trường, ngụy trang;

đ) Thực hiện đầy đủ, đúng các quy định liên quan đến việc thỏa thuận, cấp phép và hoạt động của trạm BTS; Tổ chức đào tạo, tập huấn và phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, giải thích, cung cấp thông tin về xây dựng và hoạt động của trạm BTS;

e) Phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan tham mưu UBND thành phố ban hành Quy định về giá cho thuê hạ tầng lắp đặt trạm BTS trên địa bàn thành phố;

g) Xây dựng phần mềm quản lý trạm BTS phục vụ cho các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và công dân tra cứu, sử dụng.

2. Sở Xây dựng

a) Hướng dẫn việc lập quy hoạch xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp và khu dân cư phải có nội dung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông, đồng bộ với các quy hoạch hạ tầng kỹ thuật khác (điện, cấp nước, thoát nước,...);

b) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân quận huyện, hướng dẫn và thẩm định các thủ tục có liên quan đến cấp phép xây dựng để các doanh nghiệp viễn thông xây dựng hạ tầng mạng thông tin di động phù hợp với quy hoạch, kiến trúc và cảnh quan đô thị của thành phố;

c) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thẩm định, tham mưu UBND thành phố ban hành chủ trương cho phép xây dựng các cột ăng ten mô hình ngụy trang dạng cột đèn, cây xanh,... nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bổ sung lắp đặt các trạm BTS loại thân thiện môi trường tại các khu vực ven sông, ven biển, các khu du lịch, khu vui chơi, các địa điểm mang tính chất công cộng;

d) Đề xuất các doanh nghiệp, chủ đầu tư, chủ sở hữu phối hợp, hỗ trợ, cho các doanh nghiệp cung cấp viễn thông thuê lắp đặt thiết bị viễn thông loại thân thiện môi trường trên tầng mái hoặc loại Indoor bên trong công trình trong quá trình cấp phép xây dựng các tòa nhà cao tầng như khách sạn, chung cư,... nhằm đảm bảo tốt vùng phủ sóng mạng di động chung trong khu vực.

3. Sở Y tế, Sở Khoa học và Công nghệ

a) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và UBND quận, huyện để trao đổi, giải thích cho người dân hiểu được sóng điện từ của trạm BTS không ảnh hưởng đến sức khỏe con người;

b) Nghiên cứu, đánh giá các tác động của sóng điện từ trạm BTS, tham mưu đề xuất UBND thành phố ban hành các văn bản làm cơ sở cho công tác tuyên truyền về ảnh hưởng của sóng điện từ trạm BTS;

d) Tham gia giám sát công tác đo kiểm bức xạ điện từ trạm BTS của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

4. Các Sở ban ngành khác và các cơ quan có liên quan

Các Sở ban ngành khác và các cơ quan có liên quan phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện Quy hoạch theo chức năng nhiệm vụ được giao.

5. UBND quận/huyện, UBND xã/phường

a) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, quản lý việc xây dựng phát triển hạ tầng trạm thu phát sóng thông tin di động trên địa bàn theo quy hoạch được duyệt; đảm bảo mỹ quan đô thị, đảm bảo cảnh quan kiến trúc;

b) Phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc giám sát công tác đo kiểm bức xạ điện từ trạm BTS trên địa bàn của các doanh nghiệp viễn thông.

c) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Xây dựng cung cấp thông tin, tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân các thông tin liên quan về đo kiểm bức xạ điện từ, an toàn phát sóng và kết cấu xây dựng của các trạm BTS trên các Đài Truyền thanh quận/huyện, xã/phường.

d) Phối hợp quản lý, giám sát việc xây dựng công trình và phát triển trạm BTS trên địa bàn quận/huyện, thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp (nếu có).

6. Các chủ đầu tư công trình cột ăng ten lắp đặt trạm thu phát sóng di động

a) Dựa trên đồ án Quy hoạch tổng thể mạng lưới trạm BTS thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt công bố công khai, các doanh nghiệp căn cứ theo lộ trình tự xây dựng kế hoạch phát triển.

b) Thực hiện thủ tục xin phép xây dựng trạm BTS theo đúng quy định, thông báo việc triển khai thi công đến các cấp chính quyền tại địa phương, bảo đảm quá trình thi công xây dựng cột ăng ten đúng quy định. Thường xuyên đo kiểm bức xạ điện từ và kết cấu trạm BTS theo đúng quy định của pháp luật.

c) Bảo trì, bảo dưỡng công trình cột ăng ten định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Chịu trách nhiệm trực tiếp trong quá trình khai thác, vận hành cột ăng ten lắp đặt trạm thu phát sóng.

d) Phối hợp sở Thông tin Truyền thông và các doanh nghiệp khác, đàm phán cùng đầu tư xây dựng và sử dụng chung cơ sở hạ tầng, chủ động phản ánh các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện; đồng thời kiến nghị, đề xuất giải quyết hoặc hỗ trợ tháo gỡ.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; Giám đốc các Sở: Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Y tế; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện; Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng; Thủ trưởng các đơn vị và cá nhân có liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 4;
- Bộ TT&TT;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND thành phố;
- CT, các PCT UBND thành phố;
- Cổng thông tin điện tử thành phố;
- Lưu: VT, QLĐTh.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Tuấn

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 750/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới trạm BTS trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

Số hiệu: 750/QĐ-UBND
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng
Người ký: Nguyễn Ngọc Tuấn
Ngày ban hành: 10/02/2018
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [7]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 750/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới trạm BTS trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

Văn bản liên quan cùng nội dung - [3]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…