ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2419/2015/QĐ-UBND |
Hải Phòng, ngày 23 tháng 10 năm 2015 |
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;
Căn cứ Thông tư số 23/2011/TT-BTTTT ngày 11/8/2011 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về việc quản lý, vận hành, sử dụng và đảm bảo an toàn thông tin trên mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước;
Xét đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 20/TTr-STTTT ngày 27/4/2015 về việc ban hành Quy chế quản lý, vận hành và khai thác Hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng trong cơ quan Nhà nước thành phố Hải Phòng; Báo cáo thẩm định số 62/BCTĐ-STP ngày 25/12/2013 của Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý, vận hành và khai thác Hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng trong cơ quan Nhà nước thành phố Hải Phòng.
Điều 2. Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc các Sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN THÀNH PHỐ |
QUẢN LÝ, VẬN HÀNH VÀ KHAI THÁC HỆ THỐNG MẠNG TRUYỀN SỐ LIỆU CHUYÊN DÙNG
TRONG CƠ QUAN NHÀ NƯỚC THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số
2419/2015/QĐ-UBND ngày 23/10/2015 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng)
Quy chế này quy định về quản lý, vận hành và khai thác Hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Nhà nước thành phố Hải Phòng.
Các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, vận hành, sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng (trừ các cơ quan an ninh, quốc phòng trên địa bàn thành phố).
1. Hệ thống máy chủ: Hệ thống máy chủ cung cấp các dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong mạng truyền số liệu chuyên dùng (sau đây gọi là mạng TSLCD) phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp thành phố do Sở Thông tin và Truyền thông quản lý.
2. Hệ thống thiết bị định tuyến: Hệ thống thiết bị định tuyến trung tâm cho phép kết nối và ngắt kết nối tại tất cả các đầu cuối (Bao gồm các cơ quan chính quyền, Hội đồng nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân quận/huyện, các Sở, ban, ngành tại thành phố Hải Phòng) đảm bảo hoạt động thông suốt của hệ thống mạng, là trung tâm điều phối mọi hoạt động logic của hệ thống mạng.
3. Các thiết bị đầu cuối: Các thiết bị đầu cuối được đặt tại các đơn vị khai thác mạng TSLCD do Cục Bưu điện Trung ương trang bị, là tài sản của thành phố được giao cho các đơn vị quản lý và sử dụng, phục vụ việc kết nối, khai thác và trao đổi thông tin trong hệ thống mạng TSLCD của thành phố.
4. Giao thức kết nối mạng: Giao thức kết nối trong mạng TSLCD là giao thức TCP/IP.
5. Cấp phát địa chỉ IP: Mạng TSLCD là mạng riêng, tuân theo chuẩn INTRANET, có địa chỉ IP và các tham số mạng được quy hoạch, cấp phát, quản lý tập trung, thống nhất trên địa bàn thành phố.
1. Vị trí
Hệ thống mạng TSLCD của cơ quan Nhà nước thành phố Hải Phòng là mạng tốc độ cao truyền dẫn bằng cáp quang sử dụng phương thức chuyển mạch nhãn đa giao thức trên nền IP (IP/MPLS) kết nối mạng nội bộ của các cơ quan chính quyền, Hội đồng nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân các quận/huyện, các sở, ngành (trừ hệ thống mạng nội bộ của các cơ quan an ninh, quốc phòng) thành một hệ thống mạng thống nhất phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các cấp thành phố trên môi trường mạng máy tính.
2. Chức năng, nhiệm vụ
Hệ thống mạng TSLCD là một mạng thống nhất có chức năng, nhiệm vụ phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo thành phố, lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện và các đơn vị; là nơi trao đổi, chia sẻ dữ liệu, sử dụng các phần mềm dùng chung phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ, triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ sự chỉ đạo điều hành trong cơ quan Nhà nước thành phố Hải Phòng tới tất cả các điểm kết nối trong mạng TSLCD thành phố.
3. Cấu trúc
a) Hệ thống mạng TSLCD được xây dựng với quy mô gồm 01 trung tâm điều khiển đặt tại Sở Thông tin và Truyền thông, các điểm đầu cuối đặt tại các đơn vị (kết nối với hệ thống mạng nội bộ tại các đơn vị). Hệ thống mạng TSLCD có khả năng phát triển mở rộng theo yêu cầu.
b) Đối với mỗi đơn vị tham gia kết nối, khai thác mạng TSLCD được trang bị đường truyền số liệu theo phương thức truyền dẫn bằng cáp quang và thiết bị đầu cuối là thiết bị chuyển đổi cho phép kết nối mạng nội bộ của đơn vị vào mạng TSLCD.
c) Các đơn vị tham gia kết nối vào mạng TSLCD được quy hoạch và cấp phát 01 dải địa chỉ IP cho phép toàn bộ các máy tính trong mạng nội bộ của đơn vị kết nối và khai thác mạng TSLCD.
Điều 5. Nguyên tắc chung về quản lý, vận hành và khai thác hệ thống mạng TSLCD
1. Quản lý, vận hành và khai thác mạng TSLCD phải bảo đảm tăng cường năng lực, hiệu suất khai thác tài nguyên dịch vụ mạng, phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và bảo đảm ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước thành phố được tiết kiệm, hiệu quả và khả thi.
2. Mạng TSLCD được điều hành, quản lý tập trung, thống nhất, được rà soát, kiểm tra, đánh giá định kỳ để bảo đảm an toàn, bảo mật và tính sẵn sàng cao trong quá trình vận hành sử dụng.
3. Mạng TSLCD đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt (24 giờ trong một ngày và 7 ngày trong một tuần) đảm bảo thông tin liên lạc.
Điều 6. Trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông
1. Sở Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hệ thống mạng TSLCD; chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân thành phố về toàn bộ hoạt động của hệ thống mạng TSLCD.
2. Chỉ đạo Trung tâm Thông tin và Truyền thông thực hiện các biện pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn an ninh thông tin trên mạng TSLCD. Triển khai các giải pháp và hệ thống thiết bị dự phòng để đảm bảo cơ sở hạ tầng mạng TSLCD hoạt động liên tục và an toàn.
3. Thanh tra, kiểm tra xử lý theo thẩm quyền các vi phạm quy định về an toàn mạng và thông tin trên mạng TSLCD.
4. Đảm bảo việc cung cấp và trao đổi thông tin trên mạng TSLCD, kịp thời đưa các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo thành phố được nhanh chóng và chính xác.
5. Hướng dẫn thống nhất chuẩn công nghệ thông tin và thống nhất việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước trên địa bàn thành phố; có trách nhiệm lập kế hoạch và dự trù kinh phí hàng năm phục vụ công tác vận hành và phát triển các ứng dụng phần mềm trên mạng TSLCD.
6. Hàng quý hoặc đột xuất có kế hoạch phối hợp với các đơn vị tư vấn họp giao ban với các đơn vị kết nối mạng TSLCD để rà soát, phổ biến những thông tin mới về công tác quản trị vận hành mạng TSLGD.
7. Phối hợp triển khai các phần mềm ứng dụng trên mạng TSLGD, tổ chức tập huấn cho cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin của các cơ quan, đơn vị để cập nhật những kiến thức quản trị và khai thác hệ thống đảm bảo an toàn an ninh, đảm bảo sử dụng và khai thác có hiệu quả mạng TSLCD.
8. Cung cấp các lớp địa chỉ IP cho các đơn vị có tham gia kết nối mạng TSLCD; Tổ chức kiểm tra thường xuyên và kiểm tra định kỳ hoạt động của mạng TSLGD, đảm bảo kết nối thông suốt giữa các đơn vị trong mạng TSLCD.
9. Nghiên cứu, đề xuất về công tác quản lý, vận hành, nâng cấp, mở rộng, phát triển mạng TSLCD.
10. Lập nhật ký theo dõi quá trình vận hành hệ thống mạng TSLCD, báo cáo định kỳ hàng quý, năm và báo cáo đột xuất nếu có vấn đề phát sinh, vướng mắc với Ủy ban nhân dân thành phố.
11. Lập dự toán và chi trả kinh phí hàng năm cho việc duy trì, mở rộng và nâng cấp hệ thống mạng TSLCD của thành phố. Chi phí sử dụng mạng TSLCD sẽ được đảm bảo từ nguồn ngân sách thành phố cấp cho việc khai thác, sử dụng mạng căn cứ theo nhu cầu và mức độ sử dụng thực tế của từng đơn vị trên cơ sở tiết kiệm, hiệu quả.
Điều 7. Trách nhiệm của Trung tâm Thông tin và Truyền thông
1. Quản lý tài sản thuộc về hệ thống mạng TSLCD tại Trung tâm điều khiển.
2. Tổ chức thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của hệ thống mạng TSLCD.
3. Tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch hoạt động hàng năm, 5 năm, kế hoạch đầu tư phát triển nâng cấp kỹ thuật, công nghệ, mở rộng quy mô cho hệ thống mạng TSLCD theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố, theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông.
4. Chịu trách nhiệm đảm bảo về mặt kỹ thuật đối với hoạt động của Hệ thống mạng TSLCD; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, triển khai các phương án, giải pháp quản lý, vận hành, khai thác hiệu quả hệ thống.
5. Chịu trách nhiệm điều phối, quản trị hệ thống bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.
6. Phối hợp với các đơn vị sử dụng, đơn vị cung cấp đường truyền để xử lý các vấn đề về kỹ thuật và hỗ trợ vận hành khi có yêu cầu.
7. Tổ chức bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ kỹ thuật chuyên trách trực tiếp quản lý hệ thống mạng TSLCD.
Điều 8. Trách nhiệm của đơn vị sử dụng mạng TSLCD.
1. Thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm tổ chức, phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ kỹ thuật hoặc bộ phận chuyên trách công nghệ thông tin quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả các thiết bị của mạng TSLCD tại đơn vị mình, ban hành quy định hoặc quy chế quản lý mạng TSLCD tại đơn vị mình theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông.
2. Không cho phép các đơn vị không có chức năng, nhiệm vụ được kiểm tra, xử lý hay thay thế các thiết bị của mạng TSLCD, trường hợp đơn vị có kế hoạch nâng cấp, bảo trì hệ thống mạng nội bộ có khả năng gây ảnh hưởng tới mạng TSLCD, cần thông báo cho Sở Thông tin và Truyền thông trước tối thiểu 05 ngày làm việc để cùng phối hợp thực hiện, bảo đảm phù hợp với quy hoạch tổng thể của hệ thống mạng TSLCD.
3. Trước ngày 01 tháng 12 hàng năm, báo cáo Sở Thông tin và Truyền thông về tình hình khai thác, sử dụng mạng TSLCD trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của đơn vị mình.
Điều 9. Trách nhiệm của đơn vị cung cấp đường truyền.
1. Thực hiện hợp đồng dịch vụ cung cấp đường truyền phục vụ hệ thống mạng TSLCD đảm bảo hoạt động ổn định, thông suốt, an toàn, an ninh.
2. Khắc phục sự cố đường truyền xảy ra khi nhận được thông báo của Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Thông tin và Truyền thông và các đơn vị sử dụng với mức độ ưu tiên cao nhất.
Điều 10. Trách nhiệm của Trung tâm Thông tin và Truyền thông.
1. Tổ chức vận hành toàn bộ hệ thống mạng TSLCD.
2. Tổ chức thực hiện và thiết lập hệ thống phân cấp quyền truy cập cho người dùng tham gia vận hành khai thác hệ thống mạng TSLCD theo các mức: quản trị, sử dụng.
3. Chủ trì thực hiện các giải pháp hỗ trợ kỹ thuật cho các đơn vị liên quan, thực hiện kiểm tra bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị liên quan đến vận hành, khai thác mạng TSLCD.
4. Xây dựng quy trình kỹ thuật, hướng dẫn các đơn vị liên quan vận hành, khai thác hệ thống mạng TSLCD đảm bảo hoạt động thông suốt, an toàn, hiệu quả.
Điều 11. Trách nhiệm của các đơn vị sử dụng mạng TSLCD.
1. Tổ chức vận hành, khai thác hệ thống mạng TSLCD tại đơn vị mình theo hướng dẫn, quy trình kỹ thuật của Sở Thông tin và Truyền thông và Trung tâm Thông tin và Truyền thông.
2. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Thông tin và Truyền thông đảm bảo cho hệ thống mạng TSLCD tại đơn vị mình hoạt động thông suốt, an toàn, hiệu quả.
3. Cử cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin hoặc cán bộ kỹ thuật tham gia đầy đủ các buổi tập huấn, các lớp đào tạo nghiệp vụ liên quan đến kiến thức quản trị, khai thác mạng TSLCD do Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức, phối hợp tổ chức.
Điều 12. Đối với các đơn vị tham gia khai thác hệ thống mạng TSLCD.
1. Các cơ quan Nhà nước và các đơn vị tham gia khai thác hệ thống mạng TSLCD tại đơn vị mình sẽ không phải chi trả kinh phí đường truyền để khai thác, sử dụng hệ thống.
2. Các cơ quan nhà nước thành phố khi có nhu cầu khai thác thêm các ứng dụng trên hệ thống mạng TSLCD phải đăng ký bằng văn bản với Trung tâm Thông tin và Truyền thông về quy mô, thời gian, nội dung của ứng dụng khai thác trước 15 ngày để có phương án chuẩn bị kỹ thuật.
3. Lãnh đạo của các đơn vị tham gia khai thác hệ thống mạng TSLCD có trách nhiệm phân công cán bộ thực hiện việc khai thác, sử dụng hệ thống mạng TSLCD tại đơn vị mình và chịu trách nhiệm theo các quy định của pháp luật về các thông tin lưu chuyển trên mạng.
Điều 13. Đối với cá nhân sử dụng mạng TSLCD.
1. Cán bộ, công chức, viên chức thuộc các đơn vị tham gia mạng TSLCD được cấp tài khoản và phân quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao để truy cập khai thác các ứng dụng trên mạng TSLCD, đồng thời phải chịu trách nhiệm bảo đảm tính bí mật của các thông tin trong tài khoản của mình.
2. Hàng ngày, cán bộ, công chức, viên chức thuộc các đơn vị tham gia mạng TSLCD có trách nhiệm truy cập vào mạng TSLCD thông qua tài khoản của mình để khai thác thông tin phục vụ hiệu quả công tác tham mưu giúp việc cho lãnh đạo đơn vị.
3. Các cá nhân sử dụng mạng (thuộc các đơn vị sử dụng mạng) khi kết nối vào mạng TSLCD phải tuyệt đối tuân thủ những quy định về quản lý, vận hành và khai thác mạng.
4. Chấp hành nghiêm chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách có liên quan của Nhà nước về quản lý và cấp phép cung cấp thông tin, thiết lập trang thông tin điện tử trên Internet, về chế độ bảo mật, an toàn, an ninh, đồng thời chịu trách nhiệm đối với các thông tin truyền tải và cung cấp trên mạng.
5. Khi sự cố xảy ra, cần thông báo kịp thời cho cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin hoặc cán bộ kỹ thuật của đơn vị để được hỗ trợ xử lý và khắc phục sự cố.
Điều 14. Đối với các cơ quan, tổ chức nhà nước khác.
Các cơ quan, tổ chức khác không thuộc đối tượng nêu tại Điều 2, nếu có nhu cầu khai thác, sử dụng Hệ thống mạng TSLCD phải báo cáo và được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân thành phố.
Điều 15. Thông tin truyền nhận, chia sẻ và lưu trữ trên mạng TSLGD.
1. Các thông tin thuộc danh mục bí mật được truyền tải trên mạng TSLCD phải tuân thủ pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
2. Việc sử dụng, chia sẻ và lưu trữ thông tin trên mạng TSLCD phải tuân thủ các quy định của Nhà nước về bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin.
3. Các đơn vị truyền nhận văn bản trên mạng TSLCD vẫn phải thực hiện các quy định hiện hành trong công tác văn thư, lưu trữ.
4. Thông tin được sử dụng, chia sẻ và lưu chuyển trên mạng phải là những thông tin phục vụ cho hoạt động quản lý, điều hành và chuyên môn nghiệp vụ của đơn vị sử dụng mạng.
5. Các thông tin được truyền nhận, chia sẻ và lưu trữ trên mạng TSLCD của thành phố bao gồm:
a) Các văn bản phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố với các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân các quận/huyện trên địa bàn thành phố.
b) Số hóa và cập nhật toàn văn hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của thành phố tùy theo yêu cầu và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố.
c) Hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin kinh tế - xã hội tổng hợp định kỳ (tháng, quý, năm) của thành phố.
d) Các nội dung thông tin khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết định.
Điều 16. Tính pháp lý của các thông tin trên mạng TSLCD
1. Các thông tin tài liệu, văn bản được lưu chuyển trên mạng TSLCD sau khi được xác thực đúng theo tài liệu, văn bản gốc hoặc được ký số được tổ chức thi hành như tài liệu, văn bản phát hành qua đường công văn.
2. Các thông tin khác khai thác từ mạng TSLGD nếu chưa được cơ quan có thẩm quyền xác thực tính chính xác thì chỉ có giá trị tham khảo.
CÁC ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM QUẢN LÝ VÀ VẬN HÀNH HỆ THỐNG MẠNG TSLCD
1. Trung tâm Thông tin và Truyền thông phục vụ quản lý, vận hành Hệ thống mạng TSLCD được bố trí cán bộ theo chức năng, nhiệm vụ thành phố giao.
2. Các đơn vị kết nối vào mạng TSLCD có trách nhiệm bố trí cán bộ đảm bảo về số lượng và trình độ đáp ứng yêu cầu quản lý, vận hành hệ thống mạng TSLCD.
Trung tâm Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm tổ chức bảo đảm kỹ thuật cho hoạt động của hệ thống mạng TSLCD, tổ chức đào tạo và hướng dẫn các kỹ năng khai thác, vận hành đảm bảo an toàn an ninh thông tin cho các đơn vị tham gia khai thác hệ thống mạng TSLCD.
Điều 19. Sử dụng thiết bị kết nối mạng TSLCD
1. Thiết bị kết nối mạng TSLCD phải được lắp đặt trong phòng riêng biệt và do cán bộ kỹ thuật hoặc bộ phận chuyên trách công nghệ thông tin có trách nhiệm trực tiếp quản lý, theo dõi quá trình hoạt động.
2. Không tự ý thay đổi vị trí thiết bị đầu cuối lắp đặt tại đơn vị và các thông số về mạng của thiết bị đầu cuối bao gồm: địa chỉ IP, Gateway kết nối mạng TSLCD nếu chưa có sự đồng ý của Sở Thông tin và Truyền thông.
3. Không được cho phép những người không có trách nhiệm thay đổi các cấu hình thiết bị kết nối của đơn vị.
4. Sử dụng thiết bị lưu trữ điện UPS thông minh để cấp điện cho máy chủ và thiết bị kết nối mạng TSLGD.
5. Bảo quản tốt các thiết bị đầu cuối của mạng TSLCĐ tại đơn vị mình đảm bảo việc kết nối thông suốt đến Trung tâm điều khiển, đồng thời cấp nguồn điện thường xuyên (07 ngày/tuần) cho các thiết bị đầu cuối của mạng TSLCD, trừ những sự cố gây mất điện lưới tại đơn vị.
Điều 20. Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin
1. Trung tâm Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm tổ chức, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh cho toàn bộ hệ thống mạng TSLCD.
2. Máy trạm là các loại máy tính cá nhân, xách tay được trang bị cho cán bộ, công chức, viên chức phục vụ công việc hàng ngày có tham gia kết nối vào mạng TSLCD, phải tuân thủ các yêu cầu sau:
a) Thiết lập địa chỉ IP theo quy định của Sở Thông tin và Truyền thông do cán bộ hoặc bộ phận chuyên trách công nghệ thông tin tại đơn vị thiết lập; không tự ý thay đổi địa chỉ IP khi chưa có ý kiến của cán bộ kỹ thuật hoặc bộ phận chuyên trách công nghệ thông tin tại đơn vị đó.
b) Cài đặt, cập nhật thường xuyên chương trình diệt virus cho các máy trạm, nếu phát hiện thấy virus lạ mà phần mềm diệt virus không diệt được thì phải kịp thời thông báo cho cán bộ kỹ thuật hoặc bộ phận chuyên trách công nghệ thông tin để được hỗ trợ, cách ly và khắc phục triệt để hoặc tạm thời, tránh tình trạng để virus lây lan trên hệ thống mạng TSLCD.
c) Các máy tính kết nối mạng TSLCD do các đơn vị chịu trách nhiệm quản lý và bảo vệ.
3. Các thông tin, dữ liệu dùng chung lưu trữ trên mạng TSLCD phải được định kỳ sao chép lên các thiết bị lưu trữ và thực hiện lưu trữ theo quy định hiện hành.
4. Các đơn vị, cá nhân tham gia mạng TSLCD không được tiết lộ các thông tin cá nhân bao gồm: địa chỉ truy cập, tên đăng nhập, mật khẩu truy cập vào mạng TSLCD cho tổ chức, cá nhân, khác; không được tìm cách truy cập dưới bất cứ hình thức nào vào các khu vực không được phép truy cập; không được xóa, sửa đổi các thông tin trên mạng TSLCD nếu chưa được trao quyền; Trong trường hợp người sử dụng không còn làm việc tại bộ phận nghiệp vụ, phải bàn giao tài khoản cho cán bộ kỹ thuật hoặc chuyên trách công nghệ thông tin của đơn vị mình.
5. Bảo mật máy chủ tại Trung tâm điều khiển
a) Người được giao nhiệm vụ quản lý quyền và tài khoản truy cập của các dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin trên hệ thống máy chủ có trách nhiệm tạo và cung cấp tài khoản khai thác sử dụng dịch vụ của hệ thống cho các cán bộ công chức, viên chức của các đơn vị tham gia mạng TSLCD, thời gian chậm nhất sau 10 ngày kể từ khi nhận được văn bản đề nghị của đơn vị.
b) Mật khẩu thiết lập cho các tài khoản được cấp phát có độ dài tối thiểu 9 ký tự, bao gồm cả chữ, số và ký tự đặc biệt.
c) Phải xây dựng hệ thống bảo đảm an toàn chống truy cập trái phép từ bên ngoài vào mạng TSLGD.
6. Các hành vi bị nghiêm cấm
a) Kết nối vật lý và thực hiện truy cập trái phép vào mạng TSLCD nếu chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.
b) Lợi dụng cơ sở hạ tầng mạng vào các mục đích không thuộc phạm vi, chức năng, nhiệm vụ được phân công để cung cấp, phát tán thông tin không được pháp luật cho phép.
c) Thay đổi kết nối, thông số thiết lập mạng của các thiết bị công nghệ thông tin liên quan đến mạng TSLCD mà không thuộc thẩm quyền, gây xung đột tài nguyên, ảnh hưởng đến quá trình vận hành hệ thống mạng TSLCD.
7. Các hành vi tấn công mạng gây ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của mạng TSLCD và an ninh thông tin truyền tải trên mạng phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
1. Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm tổ chức quán triệt, triển khai và kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Quy chế này; định kỳ sáu tháng và một năm tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.
2. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm bố trí kinh phí từ ngân sách thành phố đảm bảo việc hoạt động, nâng cấp hệ thống mạng TSLCD.
3. Cán bộ, công chức, viên chức tại các đơn vị khi tham gia khai thác hệ thống mạng TSLCD có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Quy chế này.
4. Thủ trưởng các đơn vị tham gia vào hệ thống có trách nhiệm tổ chức kiểm tra việc thực hiện Quy chế này tại đơn vị mình và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về những vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị trong quá trình tham gia vận hành, khai thác hệ thống mạng TSLCD.
5. Tùy theo mức độ vi phạm, cán bộ vi phạm chịu kỷ luật, xử lý hành chính hoặc trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Điều 22. Bổ sung, điều chỉnh Quy chế
Trong quá trình quản lý vận hành và khai thác hệ thống mạng TSLCD, nếu có vấn đề nảy sinh mà chưa được quy định rõ trong Quy chế này thì Thủ trưởng các đơn vị đề xuất (thông qua Sở Thông tin và Truyền thông) báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.
Quyết định 2419/2015/QĐ-UBND về Quy chế quản lý, vận hành và khai thác Hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng trong cơ quan Nhà nước thành phố Hải Phòng
Số hiệu: | 2419/2015/QĐ-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thành phố Hải Phòng |
Người ký: | Lê Văn Thành |
Ngày ban hành: | 23/10/2015 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 2419/2015/QĐ-UBND về Quy chế quản lý, vận hành và khai thác Hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng trong cơ quan Nhà nước thành phố Hải Phòng
Chưa có Video