Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2349/QĐ-UBND

Bình Phước, ngày 21 tháng 12 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ TẠM THỜI TRONG VIỆC PHỐI HỢP QUẢN LÝ, VẬN HÀNH HỆ THỐNG THÔNG TIN NGUỒN TỈNH BÌNH PHƯỚC

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Quyết định số 52/2016/QĐ-TTg ngày 06/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động thông tin cơ sở;

Căn cứ Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 20/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin;

Căn cứ Thông tư số 39/2020/TT-BTTTT ngày 24/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Quy định về quản lý Đài truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 154/TTr-STTTT ngày 18/12/2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tạm thời trong việc phối hợp quản lý, vận hành Hệ thống thông tin nguồn tỉnh Bình Phước.

Điều 2. Quyết định này thay thế Quyết định số 855/QĐ-UBND ngày 01/4/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế phối hợp quản lý, vận hành cụm thông tin cơ sở và hệ thống màn hình Led trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ TTTT (Cục TTCS);
- TTTU, TT.HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các đơn vị được phân công;
- LĐVP, các Phòng;
- Lưu: VT, KGVX, TD30.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Trần Tuyết Minh

 

QUY CHẾ TẠM THỜI

TRONG VIỆC PHỐI HỢP QUẢN LÝ, VẬN HÀNH HỆ THỐNG THÔNG TIN NGUỒN TỈNH BÌNH PHƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2349/QĐ-UBND ngày 21/12/2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về mục đích, nguyên tắc, nội dung, hình thức thông tin, phương thức và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc phối hợp quản lý, vận hành Hệ thống thông tin nguồn tỉnh Bình Phước.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với các sở, ban, ngành tỉnh; Ủy ban nhân dân (UBND) các huyện, thị xã, thành phố (cấp huyện); UBND các xã, phường, thị trấn (cấp xã) và đơn vị có liên quan trong việc phối hợp quản lý, vận hành Hệ thống thông tin nguồn tỉnh Bình Phước.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Hệ thống thông tin nguồn tỉnh (HTTT nguồn) là hệ thống thông tin được thiết lập để cung cấp thông tin nguồn cho Đài truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (CNTT-VT), bảng tin điện tử công cộng trên địa bàn tỉnh; tiếp nhận thông tin từ HTTT nguồn Trung ương để đăng phát trên Đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-VT, bảng tin điện tử công cộng. Hệ thống thông tin nguồn còn có chức năng thu thập, tổng hợp, phân tích, quản lý dữ liệu, đánh giá hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở.

2. Đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-VT là Đài truyền thanh cấp xã sử dụng phương thức truyền đưa tín hiệu âm thanh, dữ liệu trên hạ tầng viễn thông, Internet, kết nối với HTTT nguồn.

3. Bảng tin điện tử công cộng là màn hình Led và các trang thiết bị nghe nhìn phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền được lắp đặt cố định tại các địa điểm thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin (Quảng trường 23/3, khu vực cửa khẩu biên giới, khu đông dân cư,…) được kết nối với HTTT nguồn.

4. Thông tin nguồn là bản tin dưới dạng dữ liệu số do các cơ quan, tổ chức ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện cung cấp và được quản lý, lưu giữ trên HTTT nguồn.

Điều 4. Mục đích phối hợp

1. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quản lý, vận hành HTTT nguồn nhằm khai thác hiệu quả và đảm bảo an toàn cho HTTT nguồn.

2. Tăng cường trách nhiệm và tính chủ động của các cơ quan, đơn vị trong công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh thông qua hệ thống thông tin cơ sở.

Điều 5. Nguyên tắc phối hợp

1. Việc phối hợp quản lý, vận hành HTTT nguồn thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị.

2. Thông tin, tuyên truyền được cung cấp qua HTTT nguồn phải đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; có trọng tâm, trọng điểm theo từng giai đoạn.

Chương II

NỘI DUNG, HÌNH THỨC THÔNG TIN, MỨC ĐỘ ƯU TIÊN CỦA BẢN TIN, PHƯƠNG THỨC PHỐI HỢP

Điều 6. Nội dung thông tin

1. Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.

2. Các ngày lễ lớn, sự kiện quan trọng của quốc tế, đất nước, địa phương.

3. Chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh, huyện, xã.

4. Tình hình kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, công tác đối ngoại, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị liên quan trực tiếp đến cơ sở.

5. Kiến thức khoa học, kỹ thuật, kinh tế, văn hóa, xã hội; các giá trị văn hóa truyền thống của người Việt Nam nói chung, người Bình Phước nói riêng.

6. Tiềm năng, thế mạnh, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh Bình Phước.

7. Hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

8. Gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến tại ngành, cơ quan, cơ sở.

Điều 7. Hình thức thông tin

1. Hình thức thông tin được chia sẻ, cung cấp cho Đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-VT là các bản tin hoàn chỉnh theo các hình thức sau:

a) Bản tin ký tự (text): Bản tin điện tử thể hiện nội dung bằng các ký tự.

b) Bản tin âm thanh (voice): Bản tin điện tử thể hiện nội dung bằng dữ liệu âm thanh.

2. Hình thức thông tin được cung cấp, chia sẻ, đăng phát trên bảng tin điện tử công cộng dạng chữ viết, video, hình ảnh, đồ họa thông tin (infographics) đã được biên soạn hoàn chỉnh thành các loại: bản tin ký tự, bản tin hình ảnh, bản tin video.

Điều 8. Mức độ ưu tiên của bản tin

HTTT nguồn gửi đến Đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-VT các loại tin theo mức độ ưu tiên từ cao xuống thấp như sau:

1. Bản tin khẩn cấp: Bản tin được HTTT nguồn gửi đến Đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-VT để phát ngay trong các tình huống khẩn cấp (thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh,…). Trong trường hợp đặc biệt, Sở Thông tin và Truyền thông trực tiếp điều khiển HTTT nguồn phát ngay bản tin khẩn cấp trên Đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-VT.

2. Bản tin ưu tiên: Bản tin được HTTT nguồn gửi đến Đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-VT để ưu tiên phát trong chương trình. Trường hợp bản tin ưu tiên của Trung ương, tỉnh, huyện trùng với lịch phát bản tin ưu tiên của cấp xã thì Chủ tịch UBND cấp xã chủ động quyết định thứ tự phát các bản tin ưu tiên theo yêu cầu thực tế.

3. Bản tin thông thường: Bản tin được HTTT nguồn gửi đến Đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-VT để Chủ tịch UBND cấp xã chủ động lựa chọn phát theo lịch phát thanh.

Điều 9. Phương thức phối hợp

1. Phương thức phối hợp chung: Các sở, ban, ngành tỉnh chủ động cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin theo đề xuất của Sở Thông tin và Truyền thông; cung cấp thông tin thường xuyên, đột xuất khi có các sự kiện quan trọng hoặc thiên tai, dịch bệnh…; cung cấp thông tin theo nhiệm vụ trong kế hoạch công tác hằng năm của tỉnh, cơ quan, đơn vị; chủ động trao đổi, phối hợp trong các hoạt động kiểm tra, đánh giá chất lượng hoạt động, đảm bảo an toàn thông tin, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp hệ thống.

2. Phương thức phối hợp cung cấp thông tin cho Đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-VT

a) Các sở, ban, ngành tỉnh cung cấp thông tin cho Đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-VT ít nhất 01 tin/tháng và trong trường hợp đột xuất thông qua Sở Thông tin và Truyền thông theo hình thức bản tin ký tự (bản tin bằng file word gửi kèm văn bản cung cấp thông tin qua hệ thống văn phòng điện tử), mỗi tin từ 3 - 5 phút (khoảng 500 - 900 chữ). Bản tin của các sở, ban, ngành tỉnh gửi Sở Thông tin và Truyền thông phải có đề xuất mức độ ưu tiên theo Điều 8 Quy chế này; nếu là bản tin ưu tiên, bản tin khẩn cấp thì đồng thời đề xuất thời điểm phát bản tin.

b) Sở Thông tin và Truyền thông tiếp nhận, thẩm định bản tin của các sở, ban, ngành tỉnh; gửi từ HTTT nguồn đến Đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-VT để thực hiện phát thanh. Trong trường hợp xét thấy cần chỉnh sửa bản tin, Sở Thông tin và Truyền thông trao đổi bằng các hình thức phù hợp với sở, ban, ngành liên quan để chỉnh sửa bản tin đảm bảo chất lượng trước khi gửi đến Đài truyền thanh cấp xã.

c) Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước mỗi tháng có 01 video clip về các sự kiện nổi bật, tiềm năng hợp tác và phát triển của tỉnh Bình Phước; mỗi quý có 01 phóng sự phát sóng trong chương trình “Hành trình khát vọng” về giá trị văn hóa đặc sắc, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh; 02 tuần/lần cung cấp bản tin có nội dung quảng bá về Bình Phước; hoạt động của lãnh đạo tỉnh; các ngày lễ, sự kiện quan trọng của tỉnh… để đăng phát trên Đài truyền thanh cấp xã.

d) UBND cấp huyện giao cho Phòng Văn hóa - Thông tin, Đài Truyền thanh - Truyền hình thường xuyên cung cấp thông tin qua HTTT nguồn (theo phân quyền sử dụng) đến Đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-VT trên địa bàn huyện bản tin ký tự, bản tin âm thanh đảm bảo chất lượng.

e) UBND cấp xã tổ chức sản xuất bản tin của cấp xã; tiếp nhận, phát thanh các bản tin gửi đến từ HTTT nguồn (do cấp huyện, cấp tỉnh, trung ương cung cấp) theo mức độ ưu tiên quy định tại Điều 8 Quy chế này.

3. Phương thức phối hợp cung cấp thông tin cho bảng tin điện tử công cộng (hệ thống màn hình Led tại Quảng trường 23/3; màn hình Led tại xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp; bảng tin điện tử công cộng khác được kết nối với HTTT nguồn):

a) Các sở, ban, ngành tỉnh chủ động cung cấp thông tin cho Sở Thông tin và Truyền thông để đăng phát trên hệ thống màn hình Led tại Quảng trường 23/3 và màn hình Led tại xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp bản hoàn chỉnh về hình thức và nội dung dưới dạng bản tin chữ viết, video, hình ảnh, đồ họa thông tin (infographics) bằng tiếng Việt hoặc song ngữ Việt - Anh hoặc song ngữ Việt - Khmer (tiếng Campuchia).

b) UBND cấp huyện nơi có bảng tin điện tử công cộng kết nối với HTTT nguồn chủ động thiết kế bản tin đảm bảo chất lượng để đăng phát lên bảng tin điện tử công cộng trên địa bàn huyện.

c) Sở Thông tin và Truyền thông tiếp nhận, thẩm định, đăng phát thông tin lên bảng tin điện tử công cộng. Riêng đối với hệ thống màn hình Led tại Quảng trường 23/3, Sở Thông tin và Truyền thông chủ động thiết kế hoặc tiếp nhận bản tin của các sở, ban, ngành tỉnh; UBND thành phố Đồng Xoài; gửi Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thẩm định trước khi đăng phát. Sở Thông tin và Truyền thông chủ động phối hợp với Sở Ngoại vụ và các cơ quan liên quan thiết kế bản tin song ngữ Việt - Khmer để đăng phát trên màn hình Led công cộng tại xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp; thẩm định các bản tin có tiếng nước ngoài trước khi đăng phát trên các màn hình Led công cộng.

d) Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước định kỳ 02 tuần/lần cung cấp bản tin có nội dung quảng bá về Bình Phước, các ngày lễ, sự kiện quan trọng của tỉnh… để đăng phát trên bảng tin điện tử công cộng.

Điều 10. Thời gian vận hành Đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-VT, bảng tin điện tử công cộng

a) Đối với Đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-VT, thời gian vận hành hằng ngày:

- Buổi sáng: Từ 05 giờ 00 phút đến 06 giờ 30 phút.

- Buổi chiều: Từ 17 giờ 00 phút đến 18 giờ 30 phút.

Ngoài khung giờ trên, UBND cấp huyện chỉ đạo sắp xếp thời gian vận hành phù hợp với tình hình thực tế.

b) Đối với bảng tin điện tử công cộng, thời gian vận hành hằng ngày (bao gồm cả ngày lễ, tết, thứ Bảy, Chủ nhật):

- Buổi sáng: Từ 05 giờ 00 phút - 07 giờ 00 phút.

- Buổi chiều: Từ 17 giờ 00 phút - 22 giờ 00 phút.

Ngoài khung giờ trên, bảng tin điện tử công cộng đăng phát trong trường hợp khẩn cấp, đột xuất hoặc khi diễn ra các sự kiện quan trọng.

Chương III

TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ

Điều 11. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

1. Chủ động cung cấp thông tin cho Đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-VT (qua Sở Thông tin và Truyền thông để nhập HTTT nguồn) về kết quả công tác xây dựng Đảng trên các lĩnh vực; định hướng dư luận xã hội; đấu tranh phản bác thông tin xấu độc và các nội dung khác theo hình thức, mức độ ưu tiên, phương thức tại Điều 7, Điều 8, Điều 9 (điểm a, khoản 2 và điểm a, khoản 3) Quy chế này.

2. Thẩm định các bản tin trước khi đăng phát trên hệ thống màn hình Led tại Quảng trường 23/3 và các bản tin khác theo đề xuất của Sở Thông tin và Truyền thông.

Điều 12. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh

Chủ động cung cấp thông tin cho Đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-VT (qua Sở Thông tin và Truyền thông để nhập HTTT nguồn) theo các nội dung, hình thức, mức độ ưu tiên và phương thức tại Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9 (điểm a, khoản 2 và điểm a, khoản 3) Quy chế này.

Điều 13. Sở Thông tin và Truyền thông

1. Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về hoạt động của HTTT nguồn; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo về quản lý, bảo trì, đảm bảo an toàn thông tin, vận hành, khai thác và sử dụng HTTT nguồn.

2. Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh; UBND cấp huyện cung cấp, quản lý thông tin trên HTTT nguồn; kiểm tra, đánh giá chất lượng thông tin, hiệu quả hoạt động của Đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-VT và bảng tin điện tử công cộng trên địa bàn tỉnh.

3. Chủ động phối hợp các cơ quan liên quan thực hiện các bản tin thông báo khẩn cấp về tình hình thiên tai, dịch bệnh… trên phạm vi toàn tỉnh.

4. Chủ động đề xuất Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thẩm định bản tin trước khi đăng phát trên hệ thống màn hình Led tại Quảng trường 23/3; phối hợp thẩm định các bản tin phản ánh về những vấn đề lớn, phức tạp, nhạy cảm mà Sở Thông tin và Truyền thông xét thấy cần có ý kiến của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trước khi đăng phát.

5. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan báo chí trung ương và địa phương đặt hàng sản xuất, cung cấp các bản tin bằng các thứ tiếng: Việt Nam, Campuchia (tiếng Khmer), tiếng Anh và các thứ tiếng khác... để phát trên Đài truyền thanh cấp xã và bảng tin điện tử công cộng trong phạm vi phù hợp với từng đối tượng tiếp nhận thông tin.

6. Định kỳ thực hiện việc sao lưu dữ liệu, thông tin đăng tải trên HTTT nguồn theo quy định lưu trữ thông tin của pháp luật.

7. Chủ trì tiếp nhận thông tin, xử lý sự cố về kỹ thuật, an ninh thông tin liên quan đến HTTT nguồn; phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh; UBND cấp huyện rà soát, đề xuất phương án bảo trì, nâng cấp, sửa chữa, bảo dưỡng đảm bảo HTTT nguồn hoạt động ổn định.

8. Chủ trì phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tập huấn biên soạn bản tin thông tin cơ sở cho cán bộ liên quan ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

Điều 14. Các sở, ban, ngành tỉnh

1. Chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp thông tin cho Đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-VT, bảng tin điện tử công cộng theo các nội dung, hình thức, mức độ ưu tiên, phương thức quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9 Quy chế này.

2. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trong kiểm tra, đánh giá chất lượng thông tin, hiệu quả hoạt động của Đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-VT, bảng tin điện tử công cộng trên địa bàn tỉnh có kết nối với HTTT nguồn.

Điều 15. Sở Ngoại vụ

Ngoài các nhiệm vụ tại Điều 14 Quy chế này, Sở Ngoại vụ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan thẩm định bản tin có tiếng nước ngoài; biên soạn, biên dịch bản tin sang tiếng Khơme, tiếng Anh và các thứ tiếng khác để đăng phát trên Đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-VT, bảng tin điện tử công cộng ở các khu vực phù hợp với đối tượng tiếp nhận thông tin.

Điều 16. Sở Tài chính

Căn cứ vào nguồn kinh phí bố trí trong dự toán giao hằng năm của các đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện thẩm định, quyết toán theo quy định.

Điều 17. Ban Dân tộc tỉnh

Ngoài các nhiệm vụ tại Điều 14 Quy chế này, Ban Dân tộc tỉnh chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan biên soạn, biên dịch bản tin sang tiếng dân tộc thiểu số để đăng phát trên Đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-VT, bảng tin điện tử công cộng ở các khu vực phù hợp với đối tượng tiếp nhận thông tin.

Điều 18. Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước

Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan sản xuất các chương trình chia sẻ đến Đài truyền thanh cấp xã và đăng trên bảng tin điện tử công cộng thông qua HTTT nguồn theo Điều 9 (điểm c, khoản 2 và điểm d, khoản 3) Quy chế này.

Điều 19. UBND cấp huyện

1. Cung cấp thông tin cho Đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-VT, bảng tin điện tử công cộng trên địa bàn huyện theo nội dung, hình thức, mức độ ưu tiên, phương thức tại Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9 Quy chế này.

2. Quản lý, kiểm tra, đánh giá chất lượng thông tin, hiệu quả hoạt động của Đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-VT, bảng tin điện tử công cộng trên địa bàn huyện.

3. Chủ trì thực hiện việc quản lý tài sản, tổ chức vận hành các hệ thống cung cấp thông tin lên HTTT nguồn, sắp xếp khung giờ cố định để chủ động vận hành hệ thống.

4. Chủ trì xây dựng dự toán kinh phí hằng năm đảm bảo duy trì hoạt động của Đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-VT, bảng tin điện tử công cộng trên địa bàn huyện.

5. Khi xảy ra sự cố về kỹ thuật, an ninh thông tin, kịp thời thông báo cho Sở Thông tin và Truyền thông trong thời gian sớm nhất để xử lý kịp thời.

Điều 20. UBND cấp xã

Quản lý trực tiếp, khai thác, vận hành Đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-VT; chỉ đạo xây dựng bản tin và việc tiếp nhận, phát thanh bản tin của HTTT nguồn theo mức độ ưu tiên nêu tại Điều 8 Quy chế này; đảm bảo việc duy trì hoạt động liên tục, hiệu quả của Đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-VT.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 21. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

1. Các sở, ban, ngành tỉnh; UBND cấp huyện, các cơ quan liên quan có trách nhiệm triển khai thực hiện Quy chế tạm thời này và gửi báo cáo định kỳ kết quả thực hiện về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh. Báo cáo 6 tháng gửi trước ngày 20/6; báo cáo năm gửi trước ngày 20/12 hằng năm; báo cáo đột xuất theo yêu cầu cơ quan có thẩm quyền.

2. Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các sở, ban, ngành tỉnh; UBND cấp huyện và các cơ quan liên quan thực hiện Quy chế tạm thời này; tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế chính thức khi có hướng dẫn hoặc Quy chế của trung ương; tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện gửi về UBND tỉnh, Bộ Thông tin và Truyền thông trước ngày 30/6 30/12 hằng năm./.

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 2349/QĐ-UBND năm 2022 về Quy chế tạm thời trong việc phối hợp quản lý, vận hành Hệ thống thông tin nguồn tỉnh Bình Phước

Số hiệu: 2349/QĐ-UBND
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Phước
Người ký: Trần Tuyết Minh
Ngày ban hành: 21/12/2022
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [5]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 2349/QĐ-UBND năm 2022 về Quy chế tạm thời trong việc phối hợp quản lý, vận hành Hệ thống thông tin nguồn tỉnh Bình Phước

Văn bản liên quan cùng nội dung - [7]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…