THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 142/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 02 tháng 02 năm 2024 |
PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC DỮ LIỆU QUỐC GIA ĐẾN NĂM 2030
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật An toàn thông tin mạng ngày 19 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư;
Căn cứ Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;
Căn cứ Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2021 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng;
Căn cứ Nghị quyết số 175/NQ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2023 của Chính phủ phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia;
Căn cứ Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử;
Căn cứ Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chiến lược) với những nội dung sau:
1. Dữ liệu là nguồn tài nguyên mới, là yếu tố then chốt cho chuyển đổi số quốc gia, tạo ra giá trị mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phục vụ lợi ích người dân.
2. Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia thu thập, xây dựng, phát triển, khai thác, sử dụng và làm giàu dữ liệu. Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, tiên phong kết nối, chia sẻ dữ liệu.
3. Đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, xây dựng nền hành chính chủ động tương tác với người dân, doanh nghiệp dựa trên dữ liệu; chuyển đổi nhận thức từ tra cứu dữ liệu sang chia sẻ, tích hợp, tái sử dụng dữ liệu, từ sở hữu riêng dữ liệu sang chia sẻ dữ liệu sử dụng chung và cùng hưởng các lợi ích mà dữ liệu mang lại; việc kế thừa, chia sẻ, tích hợp, tái sử dụng và phát huy tối đa hiệu quả của dữ liệu là quyền, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương.
4. Thị trường dữ liệu là yếu tố đột phá; từng bước tạo lập và thúc đẩy mở thị trường dữ liệu; lấy thị trường dữ liệu làm động lực phát triển dữ liệu (bao gồm các hoạt động trong chuỗi giá trị của dữ liệu như thu thập, lưu trữ, làm giàu, xử lý, chia sẻ, phân tích, phân phối dữ liệu,...) và kích thích thúc đẩy chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực.
5. Phát triển, sử dụng dữ liệu phải đi đối với đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân. Khai thác, sử dụng dữ liệu phải đảm bảo nguyên tắc bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể liên quan.
6. Đảm bảo chủ quyền số quốc gia đối với dữ liệu số của Việt Nam. Các chính sách, quy định quản lý dữ liệu xuyên biên giới phải đảm bảo tối đa các lợi ích quốc gia - dân tộc, phù hợp với các thỏa thuận và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đảm bảo chủ quyền số quốc gia đối với dữ liệu số của người Việt Nam, phát sinh tại Việt Nam.
7. Phát triển nguồn nhân lực, làm chủ công nghệ xử lý và khai thác dữ liệu là các yếu tố quyết định để triển khai thành công Chiến lược. Ưu tiên phát triển đội ngũ các nhà khoa học và các chuyên gia trong lĩnh vực dữ liệu, xử lý dữ liệu số, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại trong thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực dữ liệu và tạo nền tảng vững chắc cho việc phát triển bền vững và toàn diện của quốc gia trong kỷ nguyên số.
Dữ liệu của Việt Nam mở ra không gian hoạt động và phát triển mới cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; cơ bản phản ánh đầy đủ mọi mặt hoạt động kinh tế - xã hội trên môi trường số và là nhân tố thúc đẩy tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo cho tiến trình chuyển đổi số thành công, đưa Việt Nam trở thành quốc gia số an toàn. Dữ liệu góp phần chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, đưa Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đạt mức thu nhập cao vào năm 2045.
1. Phát triển hạ tầng dữ liệu
a) 100% các Trung tâm dữ liệu quốc gia, Trung tâm dữ liệu vùng, khu vực, Trung tâm cấp quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao trên cả nước được bảo đảm kết nối thành công, tạo thành một mạng lưới chia sẻ năng lực tính toán, xử lý dữ liệu lớn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa của đất nước.
b) Các Nền tảng điện toán đám mây Chính phủ và các Nền tảng ứng dụng trên thiết bị di động Make in Viet Nam đảm bảo sẵn sàng đáp ứng 100% nhu cầu lưu trữ, thu thập, kết nối, chia sẻ dữ liệu của Việt Nam, nhu cầu đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng và bảo mật thông tin theo cấp độ quy định của Luật An toàn thông tin mạng.
2. Phát triển dữ liệu phục vụ Chính phủ số
a) 100% các cơ sở dữ liệu quốc gia trong danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử hoàn thành việc số hóa, cập nhật và đưa vào sử dụng hiệu quả; được kết nối, chia sẻ với kho dữ liệu tổng hợp tại Trung tâm dữ liệu quốc gia và kết nối, chia sẻ trên phạm vi toàn quốc.
b) Các cơ sở dữ liệu dùng chung và chuyên ngành của các bộ, ngành, địa phương (ngoại trừ các cơ sở dữ liệu nghiệp vụ đặc thù) có nhu cầu kết nối, khai thác, tích hợp, chia sẻ thông tin với các cơ sở dữ liệu quốc gia hoặc nhu cầu kết nối, chia sẻ thông tin với nhau, được đáp ứng 100% yêu cầu thông qua các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu.
c) 100% các cơ quan nhà nước cấp bộ, cấp tỉnh mở và cung cấp dữ liệu mở đảm bảo chất lượng (không trùng lắp, dư thừa, không tốn công sức và chi phí để xử lý lại dữ liệu, hoặc thu thập lại dữ liệu), đưa vào khai thác sử dụng có hiệu quả, đảm bảo sẵn sàng hỗ trợ, phục vụ cho các hoạt động chỉ đạo điều hành, ban hành chính sách của cơ quan nhà nước và phục vụ phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho phát triển kinh tế số, xã hội số.
d) 100% hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa; tối thiểu 80% dữ liệu về kết quả thực hiện các thủ tục hành chính được tái sử dụng, chia sẻ theo quy định (ngoại trừ các cơ sở dữ liệu nghiệp vụ đặc thù) đảm bảo người dân và doanh nghiệp chỉ phải cung cấp thông tin một lần khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thực hiện các thủ tục hành chính.
đ) Tích hợp kết quả xử lý công việc của cán bộ, công chức, viên chức vào phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc của từng đơn vị; tỷ lệ áp dụng dữ liệu trong phục vụ quản lý điều hành công việc trên môi trường số, trong kiểm tra, đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức đạt tối thiểu 70%.
e) Kết hợp khai thác sử dụng dữ liệu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đối với 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện cung cấp trực tuyến, nâng cao hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước và cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp.
3. Phát triển dữ liệu phục vụ kinh tế số, xã hội số
a) Xây dựng và hoàn thành 100% các bộ dữ liệu ngành nông nghiệp gồm: dữ liệu đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy hải sản cho các vùng sản xuất nông nghiệp trên cả nước phục vụ các hoạt động sản xuất nông nghiệp; hình thành dữ liệu của toàn bộ chuỗi quy trình sản xuất, kinh doanh, chế biến, quản lý giám sát nguồn gốc, cung ứng các sản phẩm nông nghiệp quan trọng, đảm bảo việc cung cấp thông tin minh bạch, chính xác, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử. 100% dữ liệu truy xuất nguồn gốc, xuất xứ được cung cấp kèm theo cho các sản phẩm OCOP (thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm "One Commune One Product") đăng bán trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.
b) Xây dựng và hoàn thành 100% các bộ dữ liệu ngành công nghiệp, thương mại và năng lượng, bao gồm: dữ liệu về mạng lưới sản xuất, truyền tải, tiêu thụ điện trên cả nước phục vụ việc vận hành tối ưu hệ thống điện, hiện đại hóa hệ thống điều độ, vận hành, thông tin liên lạc, điều khiển và tự động hóa phục vụ điều độ lưới điện trong nước và liên kết khu vực; dữ liệu trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, mạng lưới, chuỗi cung ứng sản xuất cơ bản trong các hoạt động công nghiệp từ nguyên liệu thô tới thành phẩm thương mại; dữ liệu về các trung tâm logistics, vận chuyển, kho bãi; dữ liệu về thị trường thương mại, hành vi tiêu dùng, nhu cầu quảng cáo của các nhãn hàng trên thị trường Việt Nam nhằm tối ưu hóa quá trình sản xuất, tiêu thụ hàng hóa của các đơn vị sản xuất, xây dựng các kênh phân phối hàng hóa hiệu quả và giám sát chặt chẽ nhu cầu thị trường,...
c) 90% các di sản văn hóa, di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt được số hoá, lưu trữ đầy đủ dữ liệu và hình thành thư viện số, di sản số, có hiện diện số trên môi trường mạng để mọi người dân, khách du lịch có thể truy cập, tra cứu tìm hiểu thuận lợi trên môi trường số; 100% các danh lam thắng cảnh, địa điểm du lịch trong nước được hoàn thành việc số hóa, lưu trữ và chia sẻ thông tin rộng rãi, kết hợp xây dựng các nền tảng số du lịch đồng bộ để quảng bá, phát triển du lịch Việt Nam, đưa du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững.
d) Hoàn thiện 100% cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xã hội cho người lao động. Dữ liệu chuẩn hóa sổ lao động điện tử, tích hợp với dữ liệu về học tập suốt đời, dữ liệu về đào tạo nghề (bao gồm cả đào tạo tại trường và đào tạo, tích lũy kinh nghiệm làm việc tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp) của người lao động được triển khai, hoàn thiện cho 100% người lao động đóng bảo hiểm xã hội.
đ) 100% các bộ dữ liệu mở về lực lượng, thị trường lao động việc làm, nhu cầu tuyển dụng lao động và yêu cầu trình độ, kỹ năng tương ứng được cung cấp và đảm bảo cập nhật chính xác, kịp thời, làm cơ sở triển khai các giải pháp dự báo nhu cầu, sự biến động về lao động, việc làm; người lao động có thể tiếp cận với dữ liệu về nhu cầu lao động, việc làm của xã hội và được tự động cung cấp gợi ý về danh sách việc làm phù hợp khi bị thất nghiệp.
e) Kho học liệu về giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập ngành giáo dục được số hóa, tích hợp với các nền tảng dạy và học trực tuyến đảm bảo hỗ trợ được cho 100% người học và nhà giáo tham gia có hiệu quả các hoạt động giáo dục trực tuyến; đáp ứng yêu cầu về tài liệu học tập cho toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông và tối thiểu 40% số ngành đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.
g) 100% dữ liệu không gian địa lý ngành Tài nguyên và Môi trường được số hóa, chuẩn hóa và liên thông, chia sẻ cho các cơ quan nhà nước... dưới dạng dịch vụ bản đồ và có thể chia sẻ cho các hệ thống thông tin của những lĩnh vực có sử dụng dịch vụ dữ liệu không gian địa lý kết nối, khai thác sử dụng.
h) 100% dữ liệu giám sát, quan trắc tự động việc xả thải của các khu công nghiệp, các điểm nóng về ô nhiễm môi trường được đảm bảo đáp ứng nhu cầu kết nối về trung tâm giám sát tập trung của ngành Tài nguyên và Môi trường theo thời gian thực, phục vụ việc phân tích đưa ra các cảnh báo khi có nguy cơ về sự cố môi trường.
i) 100% dữ liệu về hạ tầng giao thông công cộng và phương tiện giao thông, dữ liệu về kho, bãi và các trung tâm logistics được số hóa, cập nhật kịp thời, hỗ trợ giải quyết tốt những vấn đề khó khăn, vướng mắc của ngành giao thông và đáp ứng được nhu cầu xây dựng chuỗi cung ứng giao nhận - kho vận và logistics.
k) 95% các dữ liệu về y tế được xây dựng, tổ chức phù hợp với định hướng phân cấp quản lý từ trung ương đến địa phương để phát triển, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành y tế.
l) Phát triển thị trường dữ liệu, hoàn thành thí điểm, thử nghiệm 05 sàn giao dịch dữ liệu tạo môi trường mua bán, trao đổi dữ liệu có sự giám sát đảm bảo an toàn, tuân thủ quy định của pháp luật; phát triển các dịch vụ dữ liệu (tổng hợp, phân tích, dán nhãn dữ liệu,...) để tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người dân, nhất là người có hoàn cảnh khó khăn và người khuyết tật; xuất khẩu tri thức của lao động Việt Nam ra nước ngoài dựa trên các công việc mới với dữ liệu.
4. Bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng
100% các cơ sở dữ liệu quốc gia cơ sở dữ liệu dùng chung, chuyên ngành và cơ sở dữ liệu quan trọng của các bộ, ngành, địa phương được triển khai phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ và mô hình bảo vệ 4 lớp, đồng thời triển khai các hoạt động bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin theo quy định của pháp luật về an ninh mạng.
IV. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM QUỐC GIA
1. Xây dựng thể chế, chính sách
a) Tập trung nghiên cứu, xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số trong đó quy định các hình thức sở hữu dữ liệu, quyền tài sản dữ liệu, chính sách mua bán dữ liệu, đưa dữ liệu trở thành một loại tài sản được pháp luật bảo vệ và tạo thị trường dữ liệu.
b) Xây dựng Nghị định quy định về giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, Nghị định quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy, Nghị định quy định về danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia.
c) Xây dựng Nghị định quy định về mua bán, trao đổi dữ liệu riêng, dữ liệu có bản quyền để tạo thị trường dữ liệu; quy định về các dạng dữ liệu đủ điều kiện tham gia mua bán, trao đổi, chuyển nhượng.
d) Xây dựng các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của các đơn vị vận hành nền tảng số, hệ thống giao dịch điện tử trong việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, kết nối, chia sẻ, giao dịch dữ liệu số.
đ) Xây dựng các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, các danh mục lưu trữ, kết nối và chia sẻ dữ liệu, các quy định về dữ liệu phi danh tính. Ban hành các quy định hướng dẫn liên quan đến quản lý chất lượng dữ liệu.
e) Xây dựng Khung quản trị dữ liệu, kiến trúc dữ liệu và các mục từ điển dữ liệu và bổ sung vào Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam những phiên bản tiếp theo.
g) Nghiên cứu xây dựng chính sách ưu đãi thúc đẩy phát triển doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dữ liệu, tư vấn chiến lược quản trị dữ liệu, cung cấp nền tảng, dịch vụ quản trị dữ liệu; phòng chống sự chi phối, thao túng thị trường của các tổ chức, doanh nghiệp có lợi thế nắm giữ khối lượng dữ liệu lớn của Việt Nam.
h) Xây dựng và ban hành các nguyên tắc sử dụng dữ liệu có trách nhiệm, các quy định hướng dẫn về an toàn khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong khu vực công nhằm duy trì vai trò chủ thể kiểm soát toàn diện của con người trong mọi ứng dụng AI, hài hòa các lợi ích mà ứng dụng AI mang lại đối với các ngành/lĩnh vực trong mọi mặt đời sống xã hội, đồng thời đảm bảo cách tiếp cận AI phù hợp với chuẩn mực đạo đức của con người.
2. Phát triển hạ tầng dữ liệu quốc gia
a) Xây dựng các Trung tâm dữ liệu quốc gia, Trung tâm dữ liệu vùng với quy mô lớn, theo tiêu chuẩn xanh và kết nối các Trung tâm dữ liệu với Trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX) theo lộ trình phù hợp với Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông quốc gia, đảm bảo dữ liệu được kết nối đồng bộ, liên thông, có khả năng dự phòng để thúc đẩy phát triển công nghiệp dữ liệu lớn; đảm bảo việc cập nhật và khai thác sử dụng dữ liệu được hoạt động liên tục và ổn định, ngay cả trong trường hợp kết nối Internet đi quốc tế bị mất, hoặc bị ngắt.
b) Củng cố và tận dụng, bảo đảm đồng bộ, kết nối thông suốt những trung tâm dữ liệu sẵn có do các doanh nghiệp và các bộ, ban, ngành đã đầu tư, xây dựng để tiết kiệm chi phí đầu tư hạ tầng dữ liệu.
3. Phát triển dữ liệu quốc gia
a) Tập trung hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia trong danh mục cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử (cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư, Đất đai, Đăng ký doanh nghiệp, Tài chính, Bảo hiểm, cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức) và dữ liệu trong các lĩnh vực thuộc danh mục các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế số và xã hội số ngành, lĩnh vực đã được phê duyệt tại Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Bảo đảm dữ liệu được tạo lập tuân thủ theo định dạng máy đọc được, sẵn sàng khả năng chia sẻ, khai thác, sử dụng một cách dễ dàng. Duy trì ổn định kênh thu thập, hoàn thiện các trường thông tin trong các cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua hệ thống dịch vụ công; cập nhật đầy đủ, theo thời gian thực để đảm bảo dữ liệu có chất lượng cao theo tiêu chí "đúng, đủ, sạch, sống" để chắt lọc ra các dữ liệu mới có giá trị phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của các cơ quan trong bộ máy nhà nước và phát triển kinh tế xã hội.
b) Tích hợp, đồng bộ dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu các bộ, ngành, địa phương về Trung tâm dữ liệu quốc gia.
c) Phát triển các cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu chuyên ngành các bộ, ngành cùng với cơ sở dữ liệu quốc gia liên thông kết nối chia sẻ phục vụ việc cung cấp các dịch vụ công.
d) Hoàn thiện Cổng dữ liệu quốc gia và đảm bảo cung cấp, cập nhật kịp thời các bộ dữ liệu mở cho các cơ quan, doanh nghiệp và người dân tra cứu, khai thác sử dụng.
đ) Nghiên cứu, ứng dụng triển khai các công nghệ phân tích, xử lý dữ liệu mới phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và phát triển kinh tế xã hội.
e) Xây dựng các kho học liệu số về kỹ năng nghề nghiệp, giúp người lao động có thể dễ dàng tiếp cận với nguồn học liệu số để tự đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng phù hợp với nhu cầu việc làm và nâng cao năng suất lao động.
4. Phát triển kết nối, chia sẻ dữ liệu
a) Thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống các nền tảng số bao gồm: Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP), nền tảng thiết bị IoT, Trục liên thông văn bản quốc gia để kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương trên quy mô toàn quốc.
b) Kết nối liên thông, mở, chia sẻ dữ liệu cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
5. Phát triển thị trường dữ liệu
a) Xây dựng đề án thiết lập thị trường dữ liệu và các văn bản pháp lý hướng dẫn thí điểm các sàn giao dịch dữ liệu, trong đó bao gồm việc: (i) Thiết lập các nền tảng trao đổi, mua, bán dữ liệu; (ii) Phát triển mô hình các Công ty môi giới về dữ liệu; (iii) Phát triển thị trường dịch vụ dữ liệu (kiểm toán, phân tích, quản trị, dán nhãn dữ liệu,...).
b) Bổ sung các sản phẩm, giải pháp thu thập, xử lý, trao đổi, làm giàu dữ liệu và biểu diễn dữ liệu (chuyển đổi dữ liệu thành các biểu đồ hoặc đồ họa để dễ dàng hiểu và phân tích - data visualization) vào Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.
6. Đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng cho dữ liệu
a) Phát triển Nền tảng rà quét lỗ hổng bảo mật nhằm phòng ngừa sự cố mất an toàn, an ninh mạng, đảm bảo an toàn thông tin trong kết nối, chia sẻ dữ liệu.
b) Tập trung triển khai các phương án bảo đảm an toàn thông tin mạng theo mô hình bảo vệ 4 lớp cho tất cả hệ thống các cơ sở dữ liệu quốc gia.
7. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực
a) Phát triển các chương trình đào tạo chuyên nghiệp tại các trường đại học; tập trung vào các lĩnh vực như khoa học dữ liệu, phân tích và xử lý dữ liệu lớn, bảo mật và quản lý dữ liệu.
b) Hợp tác với các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế để cung cấp các cơ hội thực tế và trao đổi kỹ thuật, cũng như tiếp cận với những công nghệ và phương pháp mới, tiên tiến nhất của thế giới về dữ liệu.
c) Tăng cường đầu tư cho việc nghiên cứu, phát triển trong lĩnh vực dữ liệu, bao gồm cả việc hỗ trợ các dự án nghiên cứu tiên tiến và sáng tạo về dữ liệu.
d) Đẩy nhanh tiến trình triển khai các mô hình Đại học số để nhanh chóng đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực về dữ liệu trong thời gian tới.
V. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG
1. Xây dựng quy chế, quy định
Trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhiệm vụ:
a) Ban hành Danh mục dữ liệu mở của ngành, lĩnh vực, của địa phương; triển khai xây dựng và cung cấp dữ liệu mở cho các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp và người dân tra cứu, khai thác sử dụng phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số.
b) Ban hành Danh mục dữ liệu lớn và Kế hoạch phát triển dữ liệu lớn thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương.
c) Xây dựng và ban hành quy chuẩn đối với từng loại dữ liệu thuộc danh mục dữ liệu lớn của ngành, lĩnh vực, của địa phương; quy định kỹ thuật về cấu trúc dữ liệu, quy chế khai thác, sử dụng dữ liệu của các cơ sở dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương.
d) Xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn kỹ thuật về kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin. Có kế hoạch triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo, các công nghệ phân tích dữ liệu mới, tiên tiến trong công tác quản lý, điều hành để nâng cao khả năng phân tích và xử lý dữ liệu tại bộ, ngành, địa phương.
2. Phát triển hạ tầng dữ liệu
a) Triển khai Cổng dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP của Chính phủ, tích hợp với Cổng dữ liệu quốc gia. Tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng mạng triển khai Chính phủ số sẵn có tại bộ, ngành, địa phương; ưu tiên sử dụng phương án thuê dịch vụ trong quá trình triển khai xây dựng Cổng dữ liệu.
b) Xây dựng và củng cố, hoàn thiện các hạ tầng thu thập và truyền tải dữ liệu tại bộ, ngành, địa phương. Phát triển hạ tầng Internet vạn vật (IoT) phục vụ các ứng dụng nghiệp vụ, chuyên ngành trong triển khai Chính phủ số gắn kết với phát triển đô thị thông minh, giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh, quan trắc tài nguyên, môi trường,... tại các bộ, ngành, địa phương; kết hợp tối đa với hạ tầng do các tổ chức, cá nhân đã đầu tư, bảo đảm triển khai hiệu quả, tránh chồng chéo, lãng phí.
c) Duy trì việc kết nối Nền tảng điện toán đám mây của các cơ quan nhà nước tại các bộ, ngành, địa phương với Nền tảng điện toán đám mây Chính phủ theo mô hình do Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn đồng thời kết nối với đám mây của các doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu nghiệp vụ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ Chính phủ số để đảm bảo việc lưu trữ, liên thông chia sẻ dữ liệu sử dụng chung của các bộ, ngành, địa phương.
3. Phát triển dữ liệu
a) Thu thập, củng cố và hoàn thiện dữ liệu chủ, cơ sở dữ liệu dùng chung trong cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ ứng dụng dịch vụ Chính quyền số trong cơ quan nhà nước của các bộ, ngành, địa phương.
b) Xây dựng, cung cấp các nền tảng số tổng hợp, phân tích dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh để lưu trữ tập trung, hướng tới việc hình thành kho dữ liệu dùng chung của bộ, ngành, địa phương phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và phát triển kinh tế xã hội.
c) Phát triển nguồn dữ liệu lớn và xây dựng hồ dữ liệu của bộ, ngành, địa phương. Thu thập và khai thác, làm giàu nguồn dữ liệu lớn phát sinh trong các hoạt động tại các bộ, ngành, địa phương.
d) Thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định; thu thập, phát triển dữ liệu phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo bộ, ngành, địa phương.
4. Phát triển kết nối, chia sẻ dữ liệu
a) Hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tại bộ, ngành, địa phương kết nối liên thông với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.
b) Hợp tác xây dựng các bộ dữ liệu lớn theo vùng, miền để cùng tích hợp, chia sẻ, tận dụng tài nguyên dữ liệu dùng chung cho các tỉnh, thành phố thuộc vùng, miền có những đặc trưng và lợi thế tương đồng. Thiết lập các chuỗi giá trị trên cơ sở khai thác dữ liệu liên vùng để thúc đẩy phát triển kinh tế.
c) Các địa phương chia sẻ dữ liệu lớn của địa phương với các bộ, ngành, các địa phương khác và từng bước đưa dữ liệu lớn vào ứng dụng trong mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương.
d) Bộ, ngành, địa phương ban hành các quy định, văn bản hướng dẫn phù hợp với phạm vi quản lý nhà nước của mình đối với hoạt động mở, kết nối, chia sẻ dữ liệu của doanh nghiệp cho cộng đồng, xem xét các cơ chế hỗ trợ phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp, người dân mở, chia sẻ dữ liệu có giá trị và cùng xây dựng các bộ dữ liệu mở, dữ liệu dùng chung để phục vụ lợi ích chung cho xã hội.
đ) Chia sẻ dữ liệu thuộc phạm vi quản lý cho các bộ ngành, địa phương khai thác, sử dụng phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành khi có yêu cầu.
1. Tổ chức bộ máy, mạng lưới
a) Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện việc phát triển dữ liệu của bộ, ngành, địa phương.
b) Đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin, chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, bổ sung chức năng, nhiệm vụ về dữ liệu, làm đầu mối theo dõi thực hiện nhiệm vụ phát triển hạ tầng dữ liệu, phát triển dữ liệu của bộ, ngành, địa phương trên tinh thần không phát sinh thêm cơ cấu tổ chức bộ máy.
c) Thiết lập mạng lưới nhân sự hỗ trợ triển khai thực hiện Chiến lược từ Trung ương đến địa phương. Mỗi cơ quan nhà nước phân công một lãnh đạo làm đầu mối phụ trách về dữ liệu, chịu trách nhiệm tổ chức và điều hành hoạt động về phát triển dữ liệu tại cơ quan, đơn vị mình; kết hợp mạng lưới cán bộ phụ trách về dữ liệu tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các hội, hiệp hội nghề nghiệp để đảm bảo việc triển khai thực hiện Chiến lược đồng bộ trong tất cả các ngành, lĩnh vực.
2. Bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng
a) Triển khai các đề án về tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phổ biến kiến thức về dữ liệu số và tổ chức các khóa học trực tuyến đại chúng mở (MOOCs) để bồi dưỡng kỹ năng đại trà cho người dân kiến thức cơ bản về sử dụng và quản lý dữ liệu cá nhân, bảo vệ dữ liệu; bồi dưỡng kiến thức làm việc với dữ liệu và khai thác dữ liệu, giúp người dân tham gia và có kỹ năng, đảm bảo phát triển dữ liệu có chất lượng.
b) Tăng cường bồi dưỡng kiến thức, năng lực cho đội ngũ cán bộ phụ trách về dữ liệu của các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước; xây dựng các chương trình bồi dưỡng, nâng cao trình độ về quản trị, phân tích, lưu trữ, kết nối, chia sẻ dữ liệu để thông qua các khóa bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ chuyên gia về dữ liệu tạo lực lượng nòng cốt, lan tỏa kiến thức, kỹ năng phát triển dữ liệu cho các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp.
c) Tổ chức tập huấn, phổ biến, diễn tập thường niên về đảm bảo an toàn dữ liệu, an ninh thông tin, bảo vệ hạ tầng dữ liệu (chuyên ngành và quốc gia).
3. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực
a) Triển khai thực hiện các đề án về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực dữ liệu số.
b) Nghiên cứu, xây dựng chương trình giáo dục phát triển ngành dữ liệu, khoa học dữ liệu; đưa khoa học dữ liệu vào chương trình đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp với tất cả các ngành học về công nghệ thông tin, kỹ thuật, kinh tế, xã hội từ cơ bản đến nâng cao để đào tạo ra nhiều nhân lực làm việc trong ngành dữ liệu; xây dựng và củng cố các trung tâm, phòng thí nghiệm khoa học về dữ liệu lớn thuộc các trường đại học, viện nghiên cứu; phát triển đội ngũ nhà khoa học về dữ liệu trong các lĩnh vực.
c) Bố trí nguồn lực, cung cấp các học bổng, tài trợ, khóa thực tập về khoa học dữ liệu cho cán bộ phụ trách về dữ liệu của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; tổ chức bình chọn và tôn vinh các giải thưởng, sáng kiến về khoa học dữ liệu nhằm khuyến khích, động viên và thu hút, tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn sâu về khoa học dữ liệu để triển khai thực hiện chiến lược.
4. Nghiên cứu và phát triển
a) Nghiên cứu, làm chủ các công nghệ về phân tích dữ liệu, xử lý dữ liệu; phát triển các mô hình trí tuệ nhân tạo, các thuật toán chuỗi khối ứng dụng cho dữ liệu mở, dữ liệu lớn phù hợp với đặc điểm và nhu cầu tại Việt Nam.
b) Phát triển cộng đồng nguồn mở dữ liệu lớn, phát triển hệ sinh thái nguồn mở và nâng cao toàn diện khả năng nghiên cứu kỹ thuật thúc đẩy các công nghệ tiên tiến về dữ liệu lớn.
c) Tạo môi trường liên kết về nghiên cứu và phát triển dữ liệu nói chung và dữ liệu lớn nói riêng giữa các cơ quan Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, với các trường đại học, cơ quan nghiên cứu và doanh nghiệp, với các chương trình, dự án quốc tế về dữ liệu. Xây dựng cộng đồng nghiên cứu giữa các nhà khoa học về dữ liệu với các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu để kết nối các bên, giải quyết các bài toán đặc thù của các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu. Thúc đẩy nghiên cứu khoa học về dữ liệu trong sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng.
5. Hợp tác nhà nước doanh nghiệp
a) Tạo lập môi trường phát triển thị trường dữ liệu lành mạnh, an toàn và đúng pháp luật, qua đó thúc đẩy các dịch vụ dữ liệu, tạo ra thêm nhiều cơ hội việc làm cho người dân.
b) Triển khai phương án nhà nước, doanh nghiệp đặt hàng các trung tâm nghiên cứu, các doanh nghiệp công nghệ phân tích, xử lý số liệu phục vụ mục đích định hướng kinh doanh, hỗ trợ ra quyết định.
c) Nhà nước xây dựng một số công cụ thu thập, phân tích dữ liệu sử dụng chung để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ; nghiên cứu, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số phát triển các nền tảng chuyển đổi số Make in Viet Nam để thông qua các nền tảng làm giàu dữ liệu và tạo lập được hệ sinh thái dữ liệu Việt Nam đa dạng.
d) Phát triển không gian dữ liệu cộng đồng trên cơ sở phối hợp và đóng góp dữ liệu từ cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân, tiến tới hình thành kho dữ liệu, các bộ dữ liệu mở, dữ liệu lớn dùng chung, dữ liệu mẫu để phát triển các giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
6. Hợp tác quốc tế
a) Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm quản lý, quản trị dữ liệu, khai thác sử dụng dữ liệu, trao đổi dữ liệu xuyên biên giới; chia sẻ, trao đổi một số (loại) dữ liệu trong phạm vi khuôn khổ pháp luật cho phép với các nước trong một số lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm và có nhu cầu.
b) Mời các chuyên gia nước ngoài, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài về dữ liệu đến Việt Nam tham gia tư vấn, nghiên cứu, đào tạo về dữ liệu và quản trị dữ liệu.
c) Chủ động hợp tác quốc tế trong phát triển dữ liệu; tích cực tham gia hoạt động với các tổ chức quốc tế, đề xuất các sáng kiến về phát triển dữ liệu và sẵn sàng phát huy vai trò đi đầu trong những lĩnh vực Việt Nam có thể mạnh; tham gia chủ động, tích cực vào việc xây dựng các khuôn khổ pháp lý, tiêu chuẩn dữ liệu, khung quản trị và nguyên tắc quốc tế mới về dữ liệu phù hợp với mục tiêu và lợi ích của Việt Nam.
d) Hỗ trợ một số nước trong phát triển dữ liệu nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc tế, đồng thời quảng bá, tạo thị trường đầu ra cho các sản phẩm, dịch vụ dữ liệu của doanh nghiệp Việt Nam. Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư cho các lĩnh vực liên quan đến khai thác dữ liệu.
7. Đo lường, giám sát, đánh giá triển khai
a) Bổ sung các chỉ số đánh giá về phát triển dữ liệu vào Bộ chỉ số chuyển đổi số (DTI) ở cả 3 cấp: cấp tỉnh, cấp bộ và cấp quốc gia, bao gồm từ đánh giá kết quả triển khai dữ liệu mở của các cơ quan nhà nước, cho đến mức độ hoàn thành xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu, các bộ dữ liệu lớn,...
b) Định kỳ hàng năm công bố kết quả chỉ số đánh giá về phát triển dữ liệu cùng với bộ chỉ số chuyển đổi số, làm cơ sở để theo dõi, đôn đốc, xếp hạng về mức độ phát triển dữ liệu, kết quả thực hiện Chiến lược của các bộ, ngành, địa phương.
1. Kinh phí thực hiện được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành, vốn lồng ghép và các nguồn vốn hợp pháp khác (nếu có).
2. Huy động các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
1. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
a) Chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao và theo quy định pháp luật hiện hành; đưa nhiệm vụ phát triển dữ liệu vào kế hoạch chuyển đổi số hằng năm và chủ động tham gia các hoạt động phối hợp chung về phát triển dữ liệu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
b) Căn cứ tình hình cụ thể của từng bộ, ngành để quyết định việc xây dựng và ban hành Chiến lược dữ liệu của riêng bộ, ngành, hoặc lồng ghép các nội dung về chiến lược phát triển dữ liệu trong các đề án, kế hoạch về chuyển đổi số của bộ, ngành để thực hiện đồng bộ với Chiến lược dữ liệu quốc gia theo hướng: Đảm bảo chi tiết hóa các giải pháp, nhiệm vụ của Chiến lược dữ liệu quốc gia và phù hợp với điều kiện, nhu cầu, định hướng phát triển của bộ, ngành; tập trung vào hai mũi nhọn: (i) Xây dựng các cơ sở dữ liệu về định danh số của các đối tượng được quản lý để thuận lợi trong quản lý nhà nước, tạo sự đồng bộ, thông suốt trên toàn quốc, và (ii) Tài nguyên dữ liệu lớn để khai thác, hỗ trợ ra quyết định, nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành của cơ quan nhà nước.
c) Triển khai xây dựng, củng cố hạ tầng dữ liệu của bộ, ngành; chủ trì thực hiện việc số hóa, phát triển dữ liệu đối với các lĩnh vực do mình phụ trách và hướng dẫn triển khai thực hiện đồng bộ cho các địa phương; hoàn thiện dữ liệu trong danh mục các cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển Chính phủ số do Chính phủ quy định, dữ liệu trong các lĩnh vực quan trọng đã được quy định trong Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
d) Xây dựng nền tảng tổng hợp phân tích dữ liệu cấp bộ phục vụ việc thu thập, tổng hợp, phân tích dữ liệu trên cơ sở kế thừa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đã triển khai tại bộ, ngành đảm bảo tránh đầu tư trùng lặp, tận dụng được tối đa nguồn dữ liệu sẵn có; phục vụ khai thác hiệu quả dữ liệu và cung cấp thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trong phạm vi quản lý của bộ, ngành, đồng thời chia sẻ dữ liệu với các cơ quan nhà nước khác.
đ) Giao đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin, chuyển đổi số của bộ, ngành làm đầu mối thực hiện nhiệm vụ phát triển dữ liệu, chịu trách nhiệm tư vấn các vấn đề về dữ liệu cho Ban Chỉ đạo chuyển đổi số bộ, ngành; triển khai xây dựng, củng cố cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu của bộ, ngành và xúc tiến, đẩy mạnh việc thu thập, làm giàu dữ liệu lớn; đồng thời là đầu mối quản lý, khai thác sử dụng hiệu quả dữ liệu của ngành mình, kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia.
e) Tổ chức chương trình bồi dưỡng, nâng cao trình độ hằng năm về quản trị, phân tích dữ liệu cho các cán bộ phụ trách về dữ liệu; bồi dưỡng kiến thức về dữ liệu cho cán bộ, công chức, viên chức.
g) Bố trí ngân sách cho nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan đến khoa học dữ liệu và công nghệ thông tin hằng năm.
h) Tăng cường hợp tác với các tổ chức và đối tác quốc tế để chia sẻ, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm quản lý, quản trị dữ liệu, khai thác sử dụng dữ liệu và nguồn lực liên quan đến phát triển dữ liệu; cử đơn vị làm đầu mối kết nối hợp tác với các trường đại học, cơ quan nghiên cứu và doanh nghiệp, với các chương trình, dự án quốc tế về dữ liệu để phát triển cộng đồng nguồn mở dữ liệu lớn, phát triển hệ sinh thái nguồn mở và nâng cao toàn diện khả năng nghiên cứu kỹ thuật thúc đẩy các công nghệ tiên tiến về dữ liệu lớn đồng thời xây dựng cộng đồng nghiên cứu giữa các nhà khoa học về dữ liệu với các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu; mời các chuyên gia nước ngoài, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài về dữ liệu tham gia tư vấn, nghiên cứu, đào tạo về dữ liệu và quản trị dữ liệu giải quyết các bài toán đặc thù của các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu.
i) Chủ động phối hợp, hỗ trợ với các nước trong các cơ hội hợp tác phát triển dữ liệu nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc tế, đồng thời quảng bá, tạo thị trường đầu ra cho các sản phẩm, dịch vụ dữ liệu của doanh nghiệp Việt Nam.
2. Bộ Thông tin và Truyền thông
Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các hội, hiệp hội và các doanh nghiệp trong công tác quản lý, theo dõi, giám sát việc tổ chức thực hiện Chiến lược, tập trung vào các nội dung:
a) Hướng dẫn và hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng, triển khai Chiến lược/Kế hoạch phát triển dữ liệu của bộ, ngành, địa phương và kế hoạch thực hiện các chiến lược thành phần.
b) Theo dõi, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược; làm đầu mối tổng hợp tình hình thực hiện Chiến lược và định kỳ hằng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; tổ chức sơ kết việc thực hiện Chiến lược đến năm 2025 và xác định các nhiệm vụ, đề án ưu tiên cho giai đoạn tiếp theo đến năm 2030.
c) Chủ trì thực hiện các nội dung về xây dựng thể chế, chính sách trong nhiệm vụ trọng tâm quốc gia được quy định tại mục IV của Chiến lược.
d) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng các tiêu chí, hướng dẫn làm căn cứ để bộ ngành, địa phương xây dựng danh mục dữ liệu mở, danh mục dữ liệu lớn cần ưu tiên phát triển thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương, phục vụ chỉ đạo, điều hành của bộ, ngành, địa phương và nhu cầu khai thác dữ liệu thuộc ngành, lĩnh vực từ người dân, doanh nghiệp.
đ) Hướng dẫn, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển hạ tầng dữ liệu quốc gia, phát triển dữ liệu quốc gia, các Trung tâm dữ liệu quốc gia, Trung tâm dữ liệu vùng theo mục tiêu của Chiến lược, phù hợp với các quy hoạch phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông.
e) Đưa các nhiệm vụ về "Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về dữ liệu số" và "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực dữ liệu số" vào trong nội dung của Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” để tạo nguồn lực phát huy hiệu quả của Chiến lược.
g) Tăng cường thông tin, tuyên truyền qua các hình thức đa dạng, phong phú, xây dựng các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, tờ rơi,... để nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và người dân về vai trò, tầm quan trọng của giá trị dữ liệu, phát triển, khai thác sử dụng, chia sẻ dữ liệu hiệu quả.
h) Xây dựng, đưa bổ sung các bộ chỉ số đánh giá về phát triển dữ liệu vào Bộ chỉ số chuyển đổi số (DTI) để đánh giá kết quả phát triển dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương và theo dõi, đánh giá hằng năm.
i) Nghiên cứu và ban hành quy định quản lý các doanh nghiệp chiếm thị phần chi phối về dữ liệu theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế để phòng, chống sự chi phối, thao túng thị trường của các doanh nghiệp này.
k) Ban hành các văn bản hướng dẫn về đảm bảo an toàn thông tin trong công tác kết nối, chia sẻ dữ liệu; văn bản hướng dẫn quy định về thiết lập, vận hành hệ thống tiếp nhận, tổng hợp dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước.
3. Văn phòng Chính phủ
a) Phát triển, hoàn thiện Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kết nối với hệ thống thông tin báo cáo, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành do bộ, cơ quan, địa phương triển khai đảm bảo tích hợp, chia sẻ dữ liệu số phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các cấp theo thời gian thực.
b) Phát triển, hoàn thiện hệ thống Cổng Dịch vụ công quốc gia bảo đảm hoạt động thông suốt, an toàn, ổn định; phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương triển khai các phương án, giải pháp kết nối, tích hợp giữa Cổng Dịch vụ công quốc gia với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành do bộ, cơ quan, địa phương triển khai để phục vụ hiệu quả cho việc thực hiện thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
c) Tổ chức hướng dẫn việc thực hiện số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính và tổ chức lưu trữ, khai thác dữ liệu đã số hóa để phục vụ thực hiện giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy định.
4. Bộ Công an
a) Tổ chức triển khai thực hiện và giám sát thực hiện các quy định pháp lý về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
b) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc kết nối liên thông, tích hợp hệ thống định danh và xác thực điện tử với các hệ thống dịch vụ công và khai thác sử dụng, phát huy tối đa hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, xuất nhập cảnh.
c) Chủ trì hướng dẫn, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác bảo vệ dữ liệu, bảo đảm an ninh dữ liệu.
5. Bộ Y tế
a) Xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về quản lý dữ liệu y tế.
b) Xây dựng, tổ chức các dữ liệu y tế, cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, các hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành (khám, chữa bệnh, y tế dự phòng, nhân lực, thiết bị y tế, dược,...) phù hợp định hướng phân cấp quản lý từ trung ương đến địa phương để phát triển và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế; ứng dụng các công nghệ số để khai thác dữ liệu hiệu quả phục vụ chuyển đổi số y tế. Tạo lập cơ sở dữ liệu dùng chung và cung cấp rộng rãi cho người dân có thể tra cứu đầy đủ thông tin; số hóa thông tin sức khỏe, bệnh án điện tử và liên thông thông suốt giữa các cơ quan y tế và giữa cơ quan y tế với người dân phục vụ việc tra cứu, theo dõi, khám chữa bệnh cho người bệnh khi đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế.
c) Đẩy mạnh triển khai các nền tảng số y tế, trong đó tập trung thúc đẩy triển khai các nền tảng số: (1) Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa; (2) Nền tảng quản lý tiêm chủng; (3) Nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử; (4) Nền tảng quản lý trạm y tế xã; (5) Nền tảng quản lý thông tin bệnh viện, quản lý hồ sơ bệnh án điện tử.
d) Xây dựng dữ liệu lớn về triệu chứng lâm sàng của các loại bệnh, dữ liệu lớn ngành y tế từ các thiết bị IoMT (Internet of Medical Things) y tế cá nhân, dữ liệu trợ lý ảo tự động theo dõi sức khỏe cho cá nhân để phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu y học, dược học và xây dựng phác đồ điều trị bệnh; xây dựng dữ liệu lớn lưu trữ và truyền hình ảnh y tế, kết quả xét nghiệm tập trung cấp trung ương, đáp ứng khả năng chia sẻ thông tin khai thác, sử dụng tới toàn bộ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và các đơn vị, bộ, ngành có liên quan; ứng dụng các công nghệ thông minh dựa trên trí tuệ nhân tạo, sử dụng kho dữ liệu lớn về các triệu chứng lâm sàng và kinh nghiệm khám chữa bệnh để tạo điều kiện chăm sóc y tế.
6. Bộ Giáo dục và Đào tạo
a) Thúc đẩy, đưa các môn học về khoa học dữ liệu, phân tích dữ liệu vào chương trình đào tạo của các ngành học khác nhau, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về dữ liệu trong các trường đại học và cao đẳng sư phạm.
b) Tổ chức thực hiện việc số hóa dữ liệu để xây dựng hệ thống học liệu số, chương trình đào tạo, sách giáo khoa số. Xây dựng các nền tảng tra cứu học liệu số dùng chung cho tất cả các cấp học. Xây dựng mới hoặc kết hợp với đề án hệ tri thức Việt số hóa để làm giàu hệ tri thức phổ thông.
c) Tổ chức thực hiện việc số hóa và quản lý thống nhất hệ thống văn bằng, chứng chỉ, chương trình đào tạo gắn với từng sinh viên, học viên, làm cơ sở tham chiếu, sử dụng trong các hoạt động xã hội.
d) Cập nhật, hoàn thiện dữ liệu ngành giáo dục, đào tạo, bao gồm: cơ sở giáo dục và đào tạo các cấp; các chuyên ngành đào tạo, chương trình đào tạo, hồ sơ giáo viên, sinh viên, học sinh; chuẩn hóa học bạ điện tử cho tất cả các cấp học, ngành học; tạo dựng các bộ dữ liệu mở và chia sẻ cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham khảo, nghiên cứu, sử dụng.
đ) Từng bước xây dựng dữ liệu lớn về hành vi của người học, người dạy từ các hệ thống hỗ trợ học tập áp dụng các công nghệ dạy học và các ứng dụng trực tuyến.
e) Kết nối, liên thông dữ liệu ngành giáo dục, đào tạo với dữ liệu trong lĩnh vực lao động, việc làm và dữ liệu bảo hiểm xã hội để xác định được nhu cầu nhân lực đào tạo, làm cơ sở hỗ trợ công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đào tạo trong ngành giáo dục.
7. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Tổ chức thực hiện việc xây dựng các bộ dữ liệu ngành nông nghiệp (bao gồm cơ sở dữ liệu các ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản,...). Ưu tiên triển khai trước đối với các loại dữ liệu: Dữ liệu truy xuất về nguồn gốc các sản phẩm nông nghiệp; dữ liệu về các vùng sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; dữ liệu về đất đai, thổ nhưỡng, chỉ dẫn địa lý; dữ liệu về thời tiết, các quy trình, công nghệ sản xuất, phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, thủy hải sản; dữ liệu về tình hình sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (thông qua các nền tảng số); dữ liệu từ nguồn các thiết bị IoT cho nông nghiệp thông minh; dữ liệu theo dõi, phát hiện dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp; dữ liệu về diễn biến, biến động rừng, phát hiện và cảnh báo cháy rừng qua ảnh vệ tinh; dữ liệu về công trình thủy lợi, hồ đập, kênh mương; dữ liệu về đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, giám sát tàu cá.
b) Xây dựng và tổ chức triển khai các Nền tảng số dữ liệu nông nghiệp, bao gồm:
- Xây dựng nền tảng kiến trúc dữ liệu. Tổ chức thực hiện việc kết nối người nông dân với chuyên gia nông nghiệp thông qua các nền tảng số và cung cấp các bộ dữ liệu mở về sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp bao gồm: các quy trình, công nghệ sản xuất, phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, thủy hải sản; kinh nghiệm sản xuất và các hỗ trợ chia sẻ từ người dân, doanh nghiệp; danh mục các sản phẩm chiến lược có ưu thế cạnh tranh.
- Xây dựng và đưa vào khai thác hiệu quả các nền tảng số dữ liệu nông nghiệp. Thông qua các nền tảng số để thu thập, cập nhật, cung cấp dữ liệu về nguồn gốc nông sản, tình hình sản xuất nông nghiệp, nông sản tiêu thụ từ các hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp, từ các nguồn dữ liệu cập nhật của người nông dân trực tiếp tham gia chuỗi cung ứng.
c) Ứng dụng dữ liệu lớn (big data, data), trí tuệ nhân tạo, công nghệ viễn thám trong việc tổng hợp, phân tích, đánh giá dữ liệu và khai phá dữ liệu trên nền tảng dữ liệu ngành nông nghiệp, phục vụ công tác thống kê, dự báo, ra quyết định trong sản xuất nông nghiệp, phát triển thị trường nông sản, phát hiện cảnh báo thiên tai, dịch bệnh.
d) Cung cấp dữ liệu cơ bản và cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Phối hợp với các doanh nghiệp bưu chính, hỗ trợ người nông dân đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử.
8. Bộ Tài nguyên và Môi trường
a) Tổ chức triển khai việc số hóa, phát triển dữ liệu lớn lĩnh vực tài nguyên môi trường, bao gồm: nền địa lý quốc gia; đất đai quốc gia; viễn thám; khí tượng thủy văn; biến đổi khí hậu; môi trường; nguồn thải; đa dạng sinh học; tài nguyên nước; địa chất, khoáng sản; tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; quan trắc tài nguyên và môi trường.
b) Từng bước hoàn thiện các hệ thống giám sát, quan trắc môi trường, khí tượng thủy văn, tài nguyên đất, tài nguyên nước toàn quốc qua thiết bị IoT để phát triển dữ liệu lớn ngành tài nguyên môi trường.
c) Nghiên cứu, triển khai ứng dụng các công nghệ phân tích, xử lý dữ liệu IoT trong việc hỗ trợ ra quyết định để phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, bảo vệ môi trường, sử dụng đất bền vững; dự báo, cảnh báo thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
d) Xây dựng, phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia, nền tảng bản đồ số quốc gia.
9. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
a) Số hóa và xây dựng dữ liệu về các dân tộc Việt Nam, làng văn hóa, không gian văn hóa các vùng miền, đất nước, con người để cung cấp rộng rãi trên Internet, hỗ trợ quảng bá phát triển văn hóa Việt Nam; xây dựng và làm giàu kho dữ liệu lớn về văn hóa, nghệ thuật của các dân tộc Việt Nam.
b) Bảo đảm kết nối, tích hợp đồng bộ cơ sở dữ liệu về văn hóa nghệ thuật với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của Đề án Hệ Tri thức Việt số hóa; ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa.
c) Tổ chức thực hiện việc số hóa, hình thành thư viện số cho các di sản văn hóa, di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt; thu thập và quản lý dữ liệu số về các di sản văn hóa, di tích quốc gia, những di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, dữ liệu số về các phong tục văn hóa, truyền thống, sức mạnh con người Việt Nam,... Củng cố và hoàn thiện dữ liệu để xây dựng các đề án, chương trình bảo vệ và phát huy giá trị những di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống, sức mạnh con người Việt Nam.
d) Xây dựng dữ liệu lớn về khách du lịch, hành vi tiêu dùng của khách du lịch; dữ liệu lớn về các chương trình du lịch, tua du lịch, cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch phục vụ việc khai thác sử dụng chung để phát triển du lịch.
10. Bộ Giao thông vận tải
a) Tổ chức thực hiện việc số hóa, xây dựng dữ liệu và cung cấp dịch vụ dữ liệu cho người dân khai thác sử dụng về mạng lưới hạ tầng giao thông do trung ương quản lý.
b) Phát triển dữ liệu lớn quản lý hoạt động của các phương tiện giao thông, dữ liệu về mật độ giao thông thực trên các tuyến đường phục vụ việc điều tiết giao thông dựa trên dữ liệu và xây dựng quy hoạch, đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
11. Bộ Công Thương
a) Tổ chức thực hiện việc thu thập, phát triển dữ liệu trong lĩnh vực thương mại điện tử, logistics, ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn trong đánh giá hành vi, thói quen, nhu cầu, sở thích người tiêu dùng,... để từ đó hoạch định chính sách phát triển thương mại điện tử, phát triển thị trường, phát triển ngành logistics và thúc đẩy chuyển đổi số lĩnh vực.
b) Phát triển dữ liệu lớn ngành điện, sử dụng dữ liệu lớn để hoạch định xây dựng hệ thống mạng lưới điện thông minh. Triển khai ứng dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo trong các hoạt động điều tiết sản xuất và tiêu thụ điện từ nguồn năng lượng sạch, thân thiện môi trường.
c) Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong điều tiết thị trường, điều tiết sản xuất và phân phối các sản phẩm dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương trên cơ sở sử dụng dữ liệu lớn về giám sát thị trường.
12. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác.
b) Xây dựng dữ liệu về tình hình phát triển kinh tế xã hội, các dữ liệu dự báo kinh tế, phục vụ ra quyết định điều hành chính sách kinh tế vĩ mô.
13. Bộ Tài chính
a) Chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc thu thập, xây dựng dữ liệu lớn về thị trường chứng khoán, về các giao dịch trực tuyến trong lĩnh vực tài chính.
b) Nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo, các công nghệ phân tích dữ liệu lớn phục vụ việc phân tích, giám sát thị trường vốn, đánh giá rủi ro tài chính, tác động chính sách và ra quyết định quản lý, điều hành tài chính.
14. Bộ Khoa học và Công nghệ
a) Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của bộ, ngành, địa phương khác có liên quan.
b) Tổ chức thực hiện xây dựng nền tảng chia sẻ dữ liệu nghiên cứu khoa học và công nghệ dùng chung. Phối hợp cùng bộ, ngành, địa phương trong việc kêu gọi đóng góp dữ liệu lên nền tảng này với mục tiêu tạo lập môi trường cho phép cộng đồng khoa học đóng góp, khai thác, chia sẻ dữ liệu nghiên cứu và phát triển các mô hình phân tích dữ liệu, học máy, trí tuệ nhân tạo, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030.
c) Xây dựng lộ trình thực hiện số hóa dữ liệu ngành khoa học và công nghệ theo từng giai đoạn. Nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo, khai phá dữ liệu đưa ra các báo cáo phân tích, đánh giá, tổng hợp các vấn đề tác động đến ngành khoa học và công nghệ, từ đó đưa ra giải pháp phù hợp phục vụ quản lý điều hành, hoạch định chính sách, ra quyết định.
15. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
a) Tổ chức xây dựng và hình thành cơ sở dữ liệu về lao động - việc làm, an sinh xã hội. Ưu tiên triển khai và thực hiện kết nối liên thông số lao động điện tử với dữ liệu về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tích hợp với dữ liệu đào tạo nghề và học tập suốt đời gắn với tạo lập cơ sở dữ liệu lao động - việc làm; hoàn thiện cơ sở dữ liệu an sinh xã hội bao gồm dữ liệu đối tượng hưởng chính sách bảo trợ xã hội, giảm nghèo, trẻ em và người có công,...
b) Đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, hướng tới xây dựng và tổ chức thực hiện cơ sở dữ liệu tích hợp của bộ, ngành; thực hiện kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu lao động - việc làm, an sinh xã hội với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương phục vụ công tác quản lý nhà nước; cung cấp, chia sẻ dữ liệu cho các tổ chức, người dân, doanh nghiệp có nhu cầu.
c) Cập nhật các dữ liệu lĩnh vực lao động, người có công và xã hội lên Cổng dữ liệu bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; ưu tiên cập nhật, cung cấp dữ liệu mở; xây dựng hệ thống tư vấn thông minh dựa trên trí tuệ nhân tạo về chính sách, thực thi chính sách cho các tổ chức, người dân, doanh nghiệp có nhu cầu; có các phương thức phù hợp để tăng khả năng tiếp cận, khai thác thông tin, dữ liệu của người yếu thế, người khuyết tật.
d) Thúc đẩy, đưa các môn học về khoa học dữ liệu, phân tích dữ liệu vào chương trình đào tạo của các trường cao đẳng, trường trung cấp và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp.
16. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
a) Chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
b) Căn cứ tình hình cụ thể của từng địa phương để quyết định việc xây dựng và ban hành riêng Kế hoạch/Chiến lược triển khai thực hiện Chiến lược dữ liệu quốc gia hoặc lồng ghép các nội dung về phát triển dữ liệu trong các chiến lược, đề án, kế hoạch về chuyển đổi số của tỉnh, thành phố trên cơ sở chi tiết hóa các giải pháp, nhiệm vụ của Chiến lược dữ liệu quốc gia và phù hợp với điều kiện, nhu cầu, định hướng phát triển của địa phương; chủ động tham gia các hoạt động phối hợp chung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và sự điều phối của Bộ Thông tin và Truyền thông.
c) Giao Sở Thông tin và Truyền thông làm đầu mối thực hiện nhiệm vụ phát triển dữ liệu, chịu trách nhiệm tư vấn các vấn đề về dữ liệu cho Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của địa phương; triển khai xây dựng, củng cố cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu và thu thập, làm giàu dữ liệu lớn cho địa phương; là cơ quan đầu mối quản lý, theo dõi giám sát việc khai thác sử dụng hiệu quả dữ liệu của địa phương và kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia.
d) Triển khai xây dựng, củng cố hạ tầng dữ liệu của địa phương. Xây dựng các cơ sở dữ liệu của địa phương song hành với triển khai các nền tảng số dịch vụ công. Xây dựng các nền tảng số phân tích, xử lý dữ liệu phục vụ việc thu thập, tổng hợp, phân tích dữ liệu trên cơ sở kế thừa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đã triển khai tại địa phương đảm bảo tránh đầu tư trùng lặp, tận dụng được tối đa nguồn dữ liệu sẵn có, phục vụ khai thác hiệu quả dữ liệu và cung cấp thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trong phạm vi quản lý của địa phương.
đ) Chủ động huy động nguồn lực và lồng ghép các hoạt động liên quan của các chương trình khác trên địa bàn để đạt được các mục tiêu của Chiến lược.
e) Tổng hợp báo cáo tình hình triển khai Chiến lược trong nội dung báo cáo kết quả chuyển đổi số của địa phương gửi Bộ Thông tin và Truyền thông trước ngày 31 tháng 12 hằng năm để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
17. Các Hội, Hiệp hội nghề nghiệp
Hội, Hiệp hội nghề nghiệp chủ động, tích cực trong việc tham mưu, phản biện chính sách, pháp luật; phát động hội viên, doanh nghiệp chủ động tham gia phát triển dữ liệu có chất lượng, khai thác sử dụng các nguồn dữ liệu mở, các bộ dữ liệu công cộng quốc gia, chia sẻ đóng góp dữ liệu cho không gian dữ liệu cộng đồng và cùng hưởng lợi ích mà dữ liệu mang lại; tham gia cùng Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc tuyên truyền, phổ biến, khảo sát, đánh giá mức độ phát triển dữ liệu, kết quả triển khai thực hiện Chiến lược dữ liệu quốc gia.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
|
KT. THỦ TƯỚNG |
DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC DỮ
LIỆU QUỐC GIA ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 02 tháng 02 năm 2024 của Thủ tướng
Chính phủ)
TT |
Nhiệm vụ, giải pháp |
Cơ quan chủ trì |
Cơ quan phối hợp |
Thời gian |
I |
Xây dựng thể chế, chính sách |
|||
1 |
Xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số. |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
Các bộ ngành |
2024 - 2025 |
2 |
Xây dựng Nghị định quy định về giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, Nghị định quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy, Nghị định quy định về danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia. |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
Các bộ ngành |
2024 |
3 |
- Xây dựng các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của các đơn vị vận hành nền tảng số, hệ thống giao dịch điện tử trong việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, kết nối, chia sẻ, giao dịch dữ liệu số. |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
Các bộ ngành |
2024 - 2027
|
- Xây dựng Nghị định quy định về mua bán, trao đổi dữ liệu riêng, dữ liệu có bản quyền để tạo thị trường dữ liệu; quy định về các dạng dữ liệu đủ điều kiện tham gia mua bán, trao đổi, chuyển nhượng. |
|
|
2025 -2030 |
|
4 |
Xây dựng các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, các danh mục lưu trữ, kết nối và chia sẻ dữ liệu, các quy định về dữ liệu phi danh tính. Ban hành các quy định hướng dẫn liên quan đến quản lý chất lượng dữ liệu. |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
Các bộ ngành |
Thường xuyên |
5 |
Xây dựng Khung quản trị dữ liệu, kiến trúc dữ liệu và các mục từ điển dữ liệu và bổ sung vào Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam những phiên bản tiếp theo. |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
Các bộ ngành |
2024 - 2030 |
6 |
Nghiên cứu xây dựng chính sách ưu đãi thúc đẩy phát triển doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dữ liệu, tư vấn chiến lược quản trị dữ liệu, cung cấp nền tảng, dịch vụ quản trị dữ liệu; phòng chống sự chi phối, thao túng thị trường của các tổ chức, doanh nghiệp có lợi thế nắm giữ khối lượng dữ liệu lớn của Việt Nam. |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
Các bộ ngành |
2024 - 2030 |
7 |
Xây dựng và ban hành các nguyên tắc sử dụng dữ liệu có trách nhiệm, các quy định hướng dẫn về an toàn khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong khu vực công. |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
Các bộ ngành |
2024 - 2030 |
II |
Phát triển hạ tầng dữ liệu quốc gia |
|||
1 |
Xây dựng các Trung tâm dữ liệu quốc gia, Trung tâm dữ liệu vùng với quy mô lớn, theo tiêu chuẩn xanh và kết nối các Trung tâm dữ liệu với Trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX). |
Bộ Công an, các Hội đồng điều phối vùng |
Bộ Thông tin và Truyền thông Các bộ ngành, địa phương |
2024 - 2030 |
2 |
Củng cố và tận dụng, bảo đảm đồng bộ, kết nối thông suốt các trung tâm dữ liệu sẵn có. |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
Các bộ ngành, địa phương |
Thường xuyên |
III |
Phát triển dữ liệu quốc gia |
|||
1 |
Tập trung hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia trong danh mục cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử và dữ liệu trong các lĩnh vực thuộc danh mục các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế số và xã hội số ngành, lĩnh vực đã được phê duyệt tại Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. |
Các bộ ngành, địa phương |
|
2024 - 2030 |
2 |
- Tích hợp, đồng bộ dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu các bộ, ngành, địa phương về Trung tâm dữ liệu quốc gia. - Phát triển các cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu chuyên ngành các bộ, ngành cùng với cơ sở dữ liệu quốc gia liên thông kết nối chia sẻ phục vụ việc cung cấp các dịch vụ công. |
Các bộ ngành, địa phương |
|
2024 - 2030 |
3 |
Hoàn thiện Cổng dữ liệu quốc gia và đảm bảo cung cấp, cập nhật kịp thời các bộ dữ liệu mở cho các cơ quan, doanh nghiệp và người dân tra cứu, khai thác sử dụng. |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
Các bộ ngành liên quan |
Thường xuyên |
4 |
Xây dựng các kho học liệu số về kỹ năng nghề nghiệp, giúp người lao động có thể dễ dàng tiếp cận với nguồn học liệu số để tự đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng phù hợp với nhu cầu việc làm và nâng cao năng suất lao động. |
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Các bộ, ngành liên quan |
Thường xuyên |
IV |
Phát triển kết nối, chia sẻ dữ liệu |
|||
1 |
Thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống các nền tảng số. |
Các bộ ngành, địa phương |
|
2024 - 2030 |
2 |
Kết nối liên thông, mở, chia sẻ dữ liệu cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành. |
Bộ Công an |
Các bộ ngành, địa phương |
2024 - 2030 |
V |
Phát triển thị trường dữ liệu |
|||
1 |
Xây dựng đề án thiết lập thị trường dữ liệu và các văn bản pháp lý hướng dẫn thí điểm các sàn giao dịch dữ liệu. |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
Các bộ ngành, địa phương |
2024 - 2027 |
2 |
Bổ sung các sản phẩm, giải pháp thu thập, xử lý, trao đổi, làm giàu dữ liệu và biểu diễn dữ liệu vào Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển. |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
Các bộ ngành, địa phương |
2024 - 2025 |
VI |
Đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng cho dữ liệu |
|||
1 |
Phát triển Nền tảng rà quét lỗ hổng bảo mật. |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
Các bộ ngành |
2024 |
2 |
Triển khai các phương án bảo đảm an toàn thông tin mạng theo mô hình bảo vệ 4 lớp cho tất cả hệ thống các cơ sở dữ liệu quốc gia. |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành chủ quản các cơ sở dữ liệu quốc gia |
Thường xuyên |
VII |
Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực |
|||
1 |
- Phát triển các chương trình đào tạo chuyên nghiệp tại các trường đại học; tập trung vào các lĩnh vực như khoa học dữ liệu, phân tích và xử lý dữ liệu lớn, bảo mật và quản lý dữ liệu. - Đẩy nhanh tiến trình triển khai các mô hình Đại học số. |
Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan |
2024 - 2030 |
2 |
- Hợp tác với các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế để cung cấp các cơ hội thực tế và trao đổi kỹ thuật, cũng như tiếp cận với những công nghệ và phương pháp mới, tiên tiến nhất của thế giới về dữ liệu. - Tăng cường đầu tư cho việc nghiên cứu, phát triển trong lĩnh vực dữ liệu, bao gồm cả việc hỗ trợ các dự án nghiên cứu tiên tiến và sáng tạo về dữ liệu. |
Các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp |
|
2024 - 2030 |
I |
Xây dựng quy chế, quy định |
|||
1 |
Ban hành Danh mục dữ liệu mở của ngành, lĩnh vực, của địa phương; triển khai xây dựng và cung cấp dữ liệu mở. |
Các bộ, ngành, địa phương |
|
2024 - 2025 |
2 |
Ban hành Danh mục dữ liệu lớn và Kế hoạch phát triển dữ liệu lớn thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương. |
Các bộ, ngành, địa phương |
|
2024 - 2025 |
3 |
Xây dựng và ban hành quy chuẩn đối với từng loại dữ liệu thuộc danh mục dữ liệu lớn của ngành, lĩnh vực, địa phương; quy định kỹ thuật về cấu trúc dữ liệu, quy chế khai thác, sử dụng dữ liệu của các cơ sở dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương. |
Các bộ, ngành, địa phương |
|
2024 - 2030 |
4 |
Xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn kỹ thuật về kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin. |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
Các bộ ngành |
2024 - 2025 |
II |
Phát triển hạ tầng dữ liệu |
|||
1 |
Triển khai Cổng dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, tích hợp với Cổng dữ liệu quốc gia. Tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng mạng triển khai Chính phủ số sẵn có tại bộ, ngành, địa phương; ưu tiên sử dụng phương án thuê dịch vụ trong quá trình triển khai xây dựng Cổng dữ liệu. |
Các bộ, ngành, địa phương |
|
2024 - 2025 |
2 |
Xây dựng và củng cố, hoàn thiện các hạ tầng thu thập và truyền tải dữ liệu tại bộ, ngành, địa phương. Phát triển hạ tầng Internet vạn vật (IoT) phục vụ các ứng dụng nghiệp vụ, chuyên ngành trong triển khai Chính phủ số gắn kết với phát triển đô thị thông minh, giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh, quan trắc tài nguyên, môi trường,... tại các bộ, ngành, địa phương; kết hợp tối đa với hạ tầng do các tổ chức, cá nhân đã đầu tư, bảo đảm triển khai hiệu quả, tránh chồng chéo, lãng phí. |
Các bộ, ngành, địa phương |
|
Thường xuyên |
3 |
Duy trì việc kết nối Nền tảng điện toán đám mây của các cơ quan nhà nước tại các bộ, ngành, địa phương với Nền tảng điện toán đám mây Chính phủ, đồng thời kết nối với đám mây của các doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu nghiệp vụ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ Chính phủ số. |
Các bộ, ngành, địa phương |
|
Thường xuyên |
III |
Phát triển dữ liệu |
|||
1 |
Thu thập, củng cố và hoàn thiện dữ liệu chủ, cơ sở dữ liệu dùng chung trong cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ ứng dụng dịch vụ Chính quyền số trong cơ quan nhà nước của các bộ, ngành, địa phương. |
Các bộ, ngành, địa phương |
|
Thường xuyên |
2 |
Xây dựng, cung cấp nền tảng số tổng hợp, phân tích dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh để lưu trữ tập trung, hướng tới việc hình thành kho dữ liệu dùng chung của bộ, ngành, địa phương phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và phát triển kinh tế xã hội. |
Các bộ, ngành, địa phương |
|
2024-2030 |
3 |
Phát triển nguồn dữ liệu lớn và xây dựng hồ dữ liệu của bộ, ngành, địa phương. Thu thập và khai thác, làm giàu nguồn dữ liệu lớn phát sinh trong các hoạt động tại các bộ, ngành, địa phương. |
Các bộ, ngành, địa phương |
|
Thường xuyên |
4 |
Thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định; thu thập, phát triển dữ liệu phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo bộ, ngành, địa phương. |
Các bộ, ngành, địa phương |
|
Thường xuyên |
IV |
Phát triển kết nối, chia sẻ dữ liệu |
|||
1 |
Hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tại bộ, ngành, địa phương kết nối liên thông với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. |
Các bộ, ngành, địa phương |
|
2024 - 2025 |
2 |
- Hợp tác xây dựng các bộ dữ liệu lớn theo vùng, miền để cùng tích hợp, chia sẻ, tận dụng tài nguyên dữ liệu dùng chung cho các tỉnh, thành phố thuộc vùng, miền có những đặc trưng và lợi thế tương đồng. Thiết lập các chuỗi giá trị trên cơ sở khai thác dữ liệu liên vùng để thúc đẩy phát triển kinh tế. - Các địa phương chia sẻ dữ liệu lớn của địa phương với các bộ, ngành, các địa phương khác và từng bước đưa dữ liệu lớn vào ứng dụng trong mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương. |
Các bộ, ngành, địa phương |
|
Thường xuyên |
3 |
- Bộ, ngành, địa phương ban hành các quy định, văn bản hướng dẫn phù hợp với phạm vi quản lý nhà nước của mình đối với hoạt động mở, kết nối, chia sẻ dữ liệu của doanh nghiệp cho cộng đồng, xem xét các cơ chế hỗ trợ phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp, người dân mở, chia sẻ dữ liệu có giá trị và cùng xây dựng các bộ dữ liệu mở, dữ liệu dùng chung để phục vụ lợi ích chung cho xã hội. - Chia sẻ dữ liệu thuộc phạm vi quản lý cho các bộ ngành, địa phương khai thác, sử dụng phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành khi có yêu cầu. |
Các bộ, ngành, địa phương |
|
Thường xuyên |
I |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
|||
1 |
- Hướng dẫn và hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng, triển khai Chiến lược/Kế hoạch phát triển dữ liệu của bộ, ngành, địa phương và kế hoạch thực hiện các chiến lược thành phần. - Theo dõi, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược; làm đầu mối tổng hợp tình hình thực hiện Chiến lược và định kỳ hằng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; tổ chức sơ kết việc thực hiện Chiến lược đến năm 2025 và xác định các nhiệm vụ, đề án ưu tiên cho giai đoạn tiếp theo đến năm 2030. |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
Các bộ ngành, địa phương liên quan |
2024 - 2030 |
2 |
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng các tiêu chí, hướng dẫn làm căn cứ để bộ ngành, địa phương xây dựng danh mục dữ liệu mở, danh mục dữ liệu lớn cần ưu tiên phát triển thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương, phục vụ chỉ đạo, điều hành của bộ, ngành, địa phương và nhu cầu khai thác dữ liệu thuộc ngành, lĩnh vực từ người dân, doanh nghiệp. - Hướng dẫn, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển hạ tầng dữ liệu quốc gia, phát triển dữ liệu quốc gia, các Trung tâm dữ liệu quốc gia, Trung tâm dữ liệu vùng. |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
Các bộ ngành, địa phương liên quan |
Thường xuyên |
3 |
- Đưa các nhiệm vụ về “Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về dữ liệu số” và “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực dữ liệu số” vào trong nội dung của Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” để tạo nguồn lực phát huy hiệu quả của Chiến lược. - Xây dựng, đưa bổ sung các bộ chỉ số đánh giá về phát triển dữ liệu vào Bộ chỉ số chuyển đổi số (DTI) để đánh giá kết quả phát triển dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương và theo dõi, đánh giá hằng năm. |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
Các bộ ngành, địa phương liên quan |
2024-2030 |
4 |
- Tăng cường thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và người dân về vai trò, tầm quan trọng của giá trị dữ liệu, phát triển, khai thác sử dụng, chia sẻ dữ liệu hiệu quả. - Ban hành các văn bản hướng dẫn về đảm bảo an toàn thông tin trong công tác kết nối, chia sẻ dữ liệu; văn bản hướng dẫn quy định về thiết lập, vận hành hệ thống tiếp nhận, tổng hợp dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước. |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
Các bộ ngành, địa phương liên quan |
Thường xuyên |
II |
Văn phòng Chính phủ |
|||
1 |
Phát triển, hoàn thiện Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính Phủ, Thủ tướng Chính phủ. |
Văn phòng Chính phủ |
Các bộ ngành, địa phương liên quan |
Thường xuyên |
2 |
Phát triển, hoàn thiện hệ thống Cổng Dịch vụ công quốc gia. |
Văn phòng Chính phủ |
Các bộ ngành, địa phương liên quan |
Thường xuyên |
3 |
Tổ chức hướng dẫn việc thực hiện số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính và tổ chức lưu trữ, khai thác dữ liệu đã số hóa để phục vụ thực hiện giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy định. |
Văn phòng Chính phủ |
Các bộ ngành, địa phương liên quan |
Thường xuyên |
III |
Bộ Công an |
|||
1 |
Tổ chức triển khai thực hiện và giám sát thực hiện các quy định pháp lý về bảo vệ dữ liệu cá nhân. |
Bộ Công an |
Các bộ ngành, địa phương liên quan |
2024 - 2030 |
2 |
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc kết nối liên thông, tích hợp hệ thống định danh và xác thực điện tử với các hệ thống dịch vụ công và khai thác sử dụng, phát huy tối đa hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, xuất nhập cảnh. - Chủ trì hướng dẫn, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác bảo vệ dữ liệu, bảo đảm an ninh dữ liệu. |
Bộ Công an |
Các bộ ngành, địa phương liên quan |
Thường xuyên |
IV |
Bộ Y tế |
|||
1 |
Xây dựng Nghị định quy định về quản lý dữ liệu y tế. |
Bộ Y tế |
Các bộ ngành, địa phương |
2024 - 2025 |
2 |
Xây dựng, tổ chức các dữ liệu y tế, cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, các hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành; ứng dụng các công nghệ số để khai thác dữ liệu hiệu quả phục vụ chuyển đổi số y tế. Tạo lập cơ sở dữ liệu dùng chung và cung cấp rộng rãi cho người dân có thể tra cứu đầy đủ thông tin; số hóa thông tin sức khỏe, bệnh án điện tử và liên thông thông suốt giữa các cơ quan y tế và giữa cơ quan y tế với người dân phục vụ việc tra cứu, theo dõi, khám chữa bệnh cho người bệnh khi đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. |
Bộ Y tế |
Các bộ ngành, địa phương, bệnh viện liên quan |
Thường xuyên |
3 |
- Đẩy mạnh triển khai các nền tảng số y tế. - Xây dựng dữ liệu lớn về triệu chứng lâm sàng của các loại bệnh, dữ liệu lớn ngành y tế từ các thiết bị IoMT (Internet of Medical Things) y tế cá nhân, dữ liệu trợ lý ảo tự động theo dõi sức khỏe cho cá nhân; Xây dựng dữ liệu lớn lưu trữ và truyền hình ảnh y tế, kết quả xét nghiệm tập trung cấp trung ương; ứng dụng các công nghệ thông minh dựa trên trí tuệ nhân tạo, sử dụng kho dữ liệu lớn về các triệu chứng lâm sàng và kinh nghiệm khám chữa bệnh để tạo điều kiện chăm sóc y tế. |
Bộ Y tế |
Các bộ ngành, địa phương, bệnh viện liên quan |
Thường xuyên |
V |
Bộ Giáo dục và Đào tạo |
|||
1 |
Thúc đẩy, đưa các môn học về khoa học dữ liệu, phân tích dữ liệu vào chương trình đào tạo của các ngành học khác nhau, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về dữ liệu trong các trường đại học và cao đẳng sư phạm. |
Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Các bộ ngành, địa phương liên quan |
Thường xuyên |
2 |
Tổ chức thực hiện việc số hóa dữ liệu để xây dựng hệ thống học liệu số, chương trình đào tạo, sách giáo khoa số. Xây dựng các nền tảng tra cứu học liệu số dùng chung cho tất cả các cấp học. Xây dựng mới hoặc kết hợp với đề án hệ tri thức Việt số hóa để làm giàu hệ tri thức phổ thông. |
Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Các bộ ngành, địa phương liên quan |
Thường xuyên |
3 |
Tổ chức thực hiện việc số hóa và quản lý thống nhất hệ thống văn bằng, chứng chỉ, chương trình đào tạo gắn với từng sinh viên, học viên, làm cơ sở tham chiếu, sử dụng trong các hoạt động xã hội. |
Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Các bộ ngành, địa phương liên quan |
2024 - 2030 |
4 |
Cập nhật, hoàn thiện dữ liệu ngành giáo dục, đào tạo. Từng bước xây dựng dữ liệu lớn về hành vi của người học, người dạy. Kết nối, liên thông dữ liệu ngành giáo dục, đào tạo với dữ liệu trong lĩnh vực lao động, việc làm và dữ liệu bảo hiểm xã hội |
Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, các trường Đại học, Cao đẳng. |
Thường xuyên |
VI |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
|||
1 |
Tổ chức thực hiện việc xây dựng các bộ dữ liệu ngành nông nghiệp; Xây dựng và tổ chức triển khai các Nền tảng số dữ liệu nông nghiệp. |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các bộ ngành, địa phương liên quan |
2024 – 2025 |
2 |
Ứng dụng dữ liệu lớn (big data, data), trí tuệ nhân tạo, công nghệ viễn thám trong việc tổng hợp, phân tích, đánh giá dữ liệu và khai phá dữ liệu trên nền tảng dữ liệu ngành nông nghiệp. |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các bộ ngành, địa phương liên quan |
Thường xuyên |
VII |
Bộ Tài nguyên và Môi trường |
|||
1 |
Tổ chức triển khai việc số hóa, phát triển dữ liệu lớn lĩnh vực tài nguyên môi trường. Từng bước hoàn thiện các hệ thống giám sát, quan trắc môi trường, khí tượng thủy văn, tài nguyên đất, tài nguyên nước toàn quốc qua thiết bị IoT |
Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Các bộ ngành, địa phương, liên quan |
Thường xuyên |
2 |
Nghiên cứu, triển khai ứng dụng các công nghệ phân tích, xử lý dữ liệu IoT trong việc hỗ trợ ra quyết định. Xây dựng, phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia, nền tảng bản đồ số quốc gia. |
Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Các bộ ngành, địa phương liên quan |
Thường xuyên |
VIII |
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch |
|||
1 |
Số hóa và xây dựng dữ liệu về các dân tộc Việt Nam, làng văn hóa, không gian văn hóa các vùng miền, đất nước, con người. Xây dựng và làm giàu kho dữ liệu lớn về văn hóa, nghệ thuật của các dân tộc Việt Nam. |
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch |
Các bộ ngành, địa phương liên quan |
Thường xuyên |
2 |
Bảo đảm kết nối, tích hợp đồng bộ cơ sở dữ liệu về văn hóa nghệ thuật với hệ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của Đề án Hệ Tri thức Việt số hóa; ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa. |
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch |
Các bộ ngành, địa phương liên quan |
Thường xuyên |
3 |
Tổ chức thực hiện việc số hóa, hình thành thư viện số cho các di sản văn hóa, di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt; Thu thập và quản lý dữ liệu số về các di sản văn hóa, di tích quốc gia, những di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, dữ liệu số về các phong tục văn hóa, truyền thống, sức mạnh con người Việt Nam,... Củng cố và hoàn thiện dữ liệu để xây dựng các đề án, chương trình bảo vệ và phát huy giá trị những di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống, sức mạnh con người Việt Nam. |
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch |
Các bộ ngành, địa phương liên quan |
Thường xuyên |
4 |
Xây dựng dữ liệu lớn về khách du lịch, hành vi tiêu dùng của khách du lịch; Dữ liệu lớn về các chương trình du lịch, tua du lịch, cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch phục vụ việc khai thác sử dụng chung để phát triển du lịch. |
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch |
Các bộ ngành, địa phương liên quan |
Thường xuyên |
IX |
Bộ Giao thông vận tải |
|||
1 |
Tổ chức thực hiện việc số hóa, xây dựng dữ liệu và cung cấp dịch vụ dữ liệu cho người dân khai thác sử dụng về mạng lưới hạ tầng giao thông do trung ương quản lý. |
Bộ Giao thông vận tải |
Các bộ ngành, địa phương liên quan |
Thường xuyên |
2 |
Phát triển dữ liệu lớn quản lý hoạt động của các phương tiện giao thông, dữ liệu về mật độ giao thông thực trên các tuyến đường phục vụ việc điều tiết giao thông dựa trên dữ liệu và xây dựng quy hoạch, đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. |
Bộ Giao thông vận tải |
Các bộ ngành, địa phương liên quan |
Thường xuyên |
X |
Bộ Công Thương |
|||
1 |
Tổ chức thực hiện việc thu thập, phát triển dữ liệu trong lĩnh vực thương mại điện tử, logistics, ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn trong đánh giá hành vi, thói quen, nhu cầu, sở thích người tiêu dùng. |
Bộ Công Thương |
Các bộ ngành, địa phương liên quan |
Thường xuyên |
2 |
Phát triển dữ liệu lớn ngành điện, sử dụng dữ liệu lớn để hoạch định xây dựng hệ thống mạng lưới điện thông minh. Triển khai ứng dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo trong các hoạt động điều tiết sản xuất và tiêu thụ điện từ nguồn năng lượng sạch, thân thiện môi trường. |
Bộ Công Thương |
Các bộ ngành, địa phương liên quan |
Thường xuyên |
3 |
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong điều tiết thị trường, điều tiết sản xuất và phân phối các sản phẩm dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương trên cơ sở sử dụng dữ liệu lớn về giám sát thị trường. |
Bộ Công Thương |
Các bộ ngành, địa phương liên quan |
Thường xuyên |
XI |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
|||
1 |
Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác. |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Các bộ ngành, địa phương liên quan |
Thường xuyên |
2 |
Xây dựng dữ liệu về tình hình phát triển kinh tế xã hội, các dữ liệu dự báo kinh tế, phục vụ ra quyết định điều hành chính sách kinh tế vĩ mô. |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Các bộ ngành, địa phương liên quan |
Thường xuyên |
XII |
Bộ Tài chính |
|||
1 |
Chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc thu thập, xây dựng dữ liệu lớn về thị trường chứng khoán, về các giao dịch trực tuyến trong lĩnh vực tài chính. |
Bộ Tài chính |
Các bộ ngành, địa phương liên quan |
Thường xuyên |
2 |
Nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo, các công nghệ phân tích dữ liệu lớn phục vụ việc phân tích, giám sát thị trường vốn, đánh giá rủi ro tài chính, tác động chính sách và ra quyết định quản lý, điều hành tài chính. |
Bộ Tài chính |
Các bộ ngành, địa phương liên quan |
Thường xuyên |
XIII |
Bộ Khoa học và Công nghệ |
|||
1 |
Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của bộ, ngành, địa phương khác có liên quan. |
Bộ Khoa học và Công nghệ |
Các bộ ngành, địa phương liên quan |
Thường xuyên |
2 |
Tổ chức thực hiện xây dựng nền tảng chia sẻ dữ liệu nghiên cứu khoa học và công nghệ dùng chung. Phối hợp cùng bộ, ngành, địa phương trong việc kêu gọi đóng góp dữ liệu lên nền tảng này với mục tiêu tạo lập môi trường cho phép cộng đồng khoa học đóng góp, khai thác, chia sẻ dữ liệu nghiên cứu và phát triển các mô hình phân tích dữ liệu, học máy, trí tuệ nhân tạo. |
Bộ Khoa học và Công nghệ |
Các bộ ngành, địa phương liên quan |
Thường xuyên |
3 |
Xây dựng lộ trình thực hiện số hóa dữ liệu ngành khoa học và công nghệ theo từng giai đoạn. Nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo, khai phá dữ liệu đưa ra các báo cáo phân tích, đánh giá, tổng hợp các vấn đề tác động đến ngành khoa học và công nghệ. |
Bộ Khoa học và Công nghệ |
Các bộ ngành, địa phương liên quan |
Thường xuyên |
XIV |
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội |
|||
1 |
Tổ chức xây dựng và hình thành cơ sở dữ liệu về lao động - việc làm, an sinh xã hội. Đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, hướng tới xây dựng và tổ chức thực hiện cơ sở dữ liệu tích hợp của Bộ, ngành; thực hiện kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu lao động - việc làm, an sinh xã hội với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương. |
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội |
Các bộ ngành, địa phương liên quan |
Thường xuyên |
2 |
Cập nhật các dữ liệu lĩnh vực lao động, người có công và xã hội lên Cổng dữ liệu bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; ưu tiên cập nhật, cung cấp dữ liệu mở; xây dựng hệ thống tư vấn thông minh dựa trên trí tuệ nhân tạo về chính sách, thực thi chính sách cho các tổ chức, người dân, doanh nghiệp có nhu cầu; có các phương thức phù hợp để tăng khả năng tiếp cận, khai thác thông tin, dữ liệu của người yếu thế, người khuyết tật. |
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội |
Các bộ ngành, địa phương liên quan |
Thường xuyên |
3 |
Thúc đẩy, đưa các môn học về khoa học dữ liệu, phân tích dữ liệu vào chương trình đào tạo của các trường cao đẳng, trường trung cấp và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp. |
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội |
Các bộ ngành, địa phương liên quan |
2025 - 2030 |
XV |
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương |
|||
1 |
- Triển khai xây dựng, củng cố hạ tầng dữ liệu của địa phương. - Căn cứ tình hình cụ thể của từng địa phương để quyết định việc xây dựng và ban hành riêng Kế hoạch/Chiến lược triển khai thực hiện Chiến lược dữ liệu quốc gia hoặc lồng ghép các nội dung về phát triển dữ liệu trong các chiến lược, đề án, kế hoạch về chuyển đổi số của tỉnh, thành phố trên cơ sở chi tiết hóa các giải pháp, nhiệm vụ của Chiến lược dữ liệu quốc gia và phù hợp với điều kiện, nhu cầu, định hướng phát triển của địa phương. |
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương |
Các bộ ngành, địa phương liên quan |
2024-2025 |
2 |
Giao Sở Thông tin và Truyền thông làm đầu mối thực hiện nhiệm vụ phát triển dữ liệu, tư vấn các vấn đề về dữ liệu, là cơ quan đầu mối quản lý, theo dõi giám sát việc khai thác sử dụng hiệu quả dữ liệu của địa phương và kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia. |
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương |
Các bộ ngành, địa phương liên quan |
Thường xuyên |
XVI |
Các Hội, Hiệp hội nghề nghiệp |
|||
|
Hội, Hiệp hội nghề nghiệp chủ động, tích cực trong việc tham mưu, phản biện chính sách, pháp luật; phát động hội viên, doanh nghiệp chủ động tham gia phát triển dữ liệu có chất lượng, khai thác sử dụng các nguồn dữ liệu mở, các bộ dữ liệu công cộng quốc gia, chia sẻ đóng góp dữ liệu cho không gian dữ liệu cộng đồng và cùng hưởng lợi ích mà dữ liệu mang lại; tham gia cùng Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc tuyên truyền, phổ biến, khảo sát, đánh giá mức độ phát triển dữ liệu, kết quả triển khai thực hiện Chiến lược dữ liệu quốc gia. |
Các Hội, Hiệp hội nghề nghiệp |
Các bộ ngành, địa phương liên quan |
Thường xuyên |
THE
PRIME MINISTER OF VIETNAM |
THE
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
No. 142/QD-TTg |
Hanoi, February 2, 2024 |
APPROVING THE NATIONAL DATA STRATEGY UNTIL 2030
THE PRIME MINISTER
Pursuant to the Law on Government Organization dated June 19, 2015; the Law on amendments to the Law on Government Organization and the Law on Local Government Organization dated November 22, 2019;
Pursuant to the Law on Information Technology dated June 29, 2006;
Pursuant to the Law on Cyber Information Security dated November 19, 2015;
Pursuant to Resolution No. 52-NQ/TW dated September 27, 2019 of the Politburo on policies for proactive participation in the Fourth Industrial Revolution;
Pursuant to Resolution No. 50/NQ-CP dated April 17, 2020 of the Government, issuing the Government's action program for implementing Resolution No. 52-NQ/TW dated September 27, 2019 of the Politburo on policies for proactive participation in the Fourth Industrial Revolution;
...
...
...
Pursuant to Resolution No. 175/NQ-CP dated October 30, 2023 of the Government, approving the National Data Center Project;
Pursuant to Decree No. 47/2020/ND-CP dated April 9, 2020 of the Government on the management, connection, and sharing of digital data among state agencies;
Pursuant to Decree No. 59/2022/ND-CP dated September 5, 2022 of the Government on electronic identification and authentication;
Pursuant to Decree No. 13/2023/ND-CP dated March 17, 2023 of the Government on personal data protection;
At the proposal of the Minister of Information and Communications.
HEREBY DECIDES:
Article 1. Approval of the National Data Strategy until 2030 (hereinafter referred to as the Strategy) is approved with the following details:
1. Data is a new resource and a key factor in national digital transformation, creating new value to drive socio-economic development, enhance national competitiveness, and serve the public interest.
...
...
...
3. Innovating the governance and administration approach of agencies within the state administrative system by building a proactive administration that interacts with citizens and businesses based on data. Shift the mindset from merely retrieving data to sharing, integrating, and reusing data, from exclusive data ownership to shared data utilization - ensuring that all stakeholders benefit from data-driven governance. Inheritance, sharing, integration, reuse, and maximizing the effectiveness of data are both a right and a responsibility of ministries, sectors, and local authorities.
4. The data market is a breakthrough factor. Efforts shall be made to gradually establish and expand the data market, positioning it as the driving force for data development. This includes the entire data value chain, such as collection, storage, enrichment, processing, sharing, analysis, and distribution, etc. while also stimulating digital transformation across sectors and industries.
5. Data development and utilization must align with cybersecurity, information security, and personal data protection requirements. Data exploitation and usage must adhere to principles that safeguard the legitimate rights and interests of individuals, businesses, and relevant stakeholders.
6. Ensuring national digital sovereignty over Vietnam’s data. Policies and regulations governing cross-border data management must maximize national interests while complying with international agreements and treaties to which Vietnam is a party. Vietnam must assert national digital sovereignty over the data of Vietnamese individuals and data generated within the country.
7. Human resource development and mastery of data processing and exploitation technologies are decisive factors for the successful implementation of the Strategy. Priority shall be given to training data scientists and experts in digital data processing while applying advanced and modern technologies in data collection, analysis, and processing to drive innovation in data science. This shall serve as a solid foundation for Vietnam’s sustainable and inclusive development in the digital era.
Vietnam’s data ecosystem shall unlock new opportunities for digital government, digital economy, and digital society. Data shall comprehensively reflect all aspects of socio-economic activities in the digital environment and serve as a key driver for enhancing national competitiveness. It shall ensure the successful digital transformation of Vietnam, making it a secure digital nation. Data shall contribute to economic restructuring, helping Vietnam surpass the lower-middle-income level to become an upper-middle-income country by 2030 and achieve high-income status by 2045.
1. Development of data infrastructure
...
...
...
b) Government cloud computing platforms and Make in Vietnam mobile application platforms shall be 100% ready to meet the demands for data storage, collection, connectivity, and sharing in Vietnam, ensuring information security, cybersecurity, and data protection in compliance with the security levels prescribed by the Law on Cybersecurity.
2. Data development for digital government
a) 100% of national databases listed as priority national databases for e-government development shall be fully digitized, updated, and effectively deployed. These databases shall be connected and shared with the integrated data repository at the National Data Center and across the entire country.
b) All shared and sectoral databases of ministries, sectors, and localities (excluding specialized operational databases) that require connectivity, access, integration, or data sharing with national databases or among themselves shall be 100% integrated through data integration and sharing platforms.
c) 100% of ministerial- and province-level state agencies shall open and provide high-quality open data (free of duplication, redundancy, reprocessing, or additional collection efforts), ensuring effective utilization. This data shall be available to support state agencies in policy-making and decision-making and serve as a foundation for artificial intelligence (AI) applications in digital economy and digital society development.
d) 100% of administrative procedure records and results shall be digitized; at least 80% of administrative procedure results shall be reused and shared in accordance with regulations (excluding specialized operational databases), ensuring that citizens and businesses only need to provide their information once when using online public services or completing administrative procedures.
dd) The processing results of public officials and employees' tasks shall be integrated into document and work management software of each agency. The rate of data utilization in digital governance, performance monitoring, evaluation, and ranking of public officials and employees shall reach at least 70%.
e) 100% of eligible administrative procedures provided online shall leverage data utilization and artificial intelligence (AI) to enhance the efficiency of the state administrative apparatus and improve public services for citizens and businesses.
3. Development of data for the digital economy and digital society
...
...
...
b) Develop and complete 100% of industrial, trade, and energy sector datasets, including: data on the national electricity production, transmission, and consumption network, supporting the optimal operation of the power system and the modernization of dispatching, operation, communication, control, and automation for both domestic and regional power grids; data on industrial production, supply chains, and logistics centers, covering the entire production process from raw materials to finished products; data on logistics centers, transportation, and warehousing; data on the commercial market, consumer behavior, and advertising demand of brands in the Vietnamese market to optimize the production and consumption process for manufacturers, develop efficient distribution channels, and closely monitor market demand, etc.
c) 90% of cultural heritage sites, national monuments, and special national monuments shall be digitized and fully archived, forming digital libraries and heritage repositories, have a digital presence on online platforms so that all citizens and tourists can easily access, search, and explore information in the digital environment; 100% of scenic spots and tourist destinations nationwide will be digitized, stored, and widely shared, in combination with the development of integrated digital tourism platforms to promote and advance Vietnam’s tourism industry, making it a truly key economic sector with sustainable growth.
d) 100% of social insurance databases for workers shall be completed. Standardized electronic labor records, integrated with lifelong learning data and vocational training data (including both school-based training and on-the-job training, experience accumulation at agencies, organizations, and enterprises), will be implemented and completed for 100% of workers covered by social insurance.
dd) 100% of open datasets on workforce, labor market, job demand, and corresponding qualification and skill requirements will be provided and continuously updated with accuracy and timeliness. These datasets will serve as the foundation for implementing labor market forecasting solutions and tracking labor and employment fluctuations. Workers will have access to labor market and job demand data and will automatically receive job recommendations when they become unemployed.
e) Teaching materials, curricula, and learning resources shall be digitized and integrated into online education platforms, ensuring that 100% of learners and educators can effectively engage in online learning; digital resources shall fully support the national general education curriculum and at least 40% of higher education programs.
g) 100% of geospatial data in the natural resources and environment sector will be digitized, standardized, and interconnected for data sharing among government agencies. This data will be provided in the form of map services and made accessible for integration with information systems in sectors that utilize geospatial data services for connectivity and efficient utilization.
h) 100% of automated monitoring data on industrial zone discharges and environmental pollution hotspots will be connected in real-time to the centralized monitoring center of the natural resources and environment sector. This will enable data analysis and early warnings for potential environmental incidents.
i) 100% of public transportation infrastructure data, traffic vehicle data, as well as warehouse and logistics center data, will be digitized and updated in a timely manner. This will help address challenges in the transportation sector and support the development of an integrated supply chain, freight forwarding, and logistics system.
k) 95% of healthcare data will be structured and managed in alignment with the central-to-local administrative hierarchy to develop and complete the national healthcare database as well as specialized healthcare databases.
...
...
...
4. Ensuring information security and cybersecurity
100% of national databases, shared and specialized databases, and critical databases of ministries, sectors, and localities will be secured based on a tiered security framework and a four-layer protection model. Additionally, cybersecurity measures will be implemented for information systems in accordance with legal regulations on cybersecurity.
1. Institutional and policy development
a) Conduct research and develop a Law on Digital Technology Industry, defining data ownership models, data asset rights, and data trading policies, recognizing data as a legally protected asset and establishing a data market.
b) Develop a Decree on electronic transactions within state agencies and information systems for e-transactions; a Decree on electronic signatures and trust services, a Decree on the list of national databases.
c) Develop a Decree on the trading and exchange of proprietary and copyrighted data, establishing a data market; define categories of data eligible for trading, exchange, and transfer.
d) Establish obligations and responsibilities for digital platform operators and electronic transaction systems in data collection, storage, usage, connection, sharing, and trading.
dd) Develop standards, regulations, storage requirements, connection and sharing protocols, and anonymized data policies. Issue guidelines on data quality management.
...
...
...
g) Design incentive policies to promote businesses in the data industry, including data governance consulting, platform development, and data management services; prevent market dominance and manipulation by organizations or enterprises holding large volumes of Vietnamese data.
h) Develop and issue principles for responsible data usage and guidelines on AI safety in the public sector to ensure comprehensive human oversight in all AI applications. This initiative aims to balance the benefits of AI across sectors and all aspects of social life, while ensuring an AI approach aligned with ethical standards.
2. Development of national data infrastructure
a) Develop large-scale national and regional data centers following green standards, ensuring connectivity with the Vietnam National Internet Exchange (VNIX) in alignment with the National Information and Communications Infrastructure Plan; ensure that data is synchronized, interoperable, and has backup capabilities to drive the development of the big data industry; guarantee continuous and stable data access and utilization, even in cases of international internet disconnection or outages.
b) Consolidate, integrate, and optimize the existing data centers operated by businesses, ministries, agencies, and local authorities, ensuring cost-effective investment in data infrastructure.
3. Development of national data
a) Focus on completing national databases that are prioritized for implementation to lay the foundation for e-government development (including national databases on Population, Land, Business Registration, Finance, Insurance, and public officials and employees). Additionally, develop data in sectors listed under key tasks and solutions for digital economy and digital society development, as approved in Decision No. 411/QD-TTg dated March 31, 2022 of the Prime Minister, to support socio-economic development. Ensure that data is generated in a machine-readable format, enabling seamless sharing, extraction, and utilization with ease. Maintain stable data collection channels and enhance data fields in national databases through the public service system; ensure real-time updates to guarantee high-quality data aligned with the principles of accuracy, completeness, cleanliness, and liveliness ("đúng, đủ, sạch, sống"). This will enable the extraction of valuable new data to support government decision-making and socioeconomic development.
b) Integrate and synchronize data from national databases and ministerial and local databases into the National Data Center.
c) Establish interconnected shared and sectoral databases that link to national databases, supporting the provision of public services.
...
...
...
dd) Research and implement new data analysis and processing technologies to support government decision-making at all levels, including the Prime Minister, ministries, and local authorities, and to promote socio-economic development.
e) Establish digital knowledge repositories for vocational skills training, enabling workers to access digital learning materials to upskill and meet labor market demands, thereby enhancing workforce productivity.
4. Development of data connectivity and sharing
a) Establish seamless data connectivity across state agencies, maximizing the efficiency of national digital platforms, including: The National Data Exchange Platform (NDXP), IoT device platform, and National Document Interconnection Hub are established to connect, integrate, and share data across information systems and databases of ministries, sectors, and localities nationwide.
b) Ensure seamless interoperability, openness, and data sharing between the national population database and other national and specialized databases.
5. Development of the data market
a) Develop a proposal for establishing a data market, along with legal regulations for piloting data exchange platforms, including: (i) Setting up platforms for data trading and exchange; (ii) Developing data brokerage models; (iii) Expanding data service markets (including data auditing, analysis, management, labeling, etc.).
b) Include products and solutions for data collection, processing, exchange, enrichment, and visualization (transforming data into charts or graphics for easier understanding and analysis) in the List of High Technologies Prioritized for Investment and Development and the List of Encouraged High-Tech Products.
6. Ensuring information security and cybersecurity for data
...
...
...
b) Focus on implementing four-layer security protection models for all national database systems to safeguard network security.
7. Training and development of human resources
a) Develop professional training programs in universities, focusing on data science, big data analytics and processing, cybersecurity, and data management.
b) Collaborate with businesses and international organizations to provide practical learning opportunities, technical exchanges, and access to the latest global data technologies and methodologies.
c) Increase investment in data research and development, including support for advanced and innovative data research projects.
d) Accelerate the implementation of digital university models to swiftly meet the growing demand for data-related human resources in the near future.
V. PRIORITY TASKS FOR MINISTRIES, SECTORS, AND LOCALITIES
1. Development of regulations and policies
Within their respective jurisdictions, ministries, ministerial-level agencies, Governmental agencies, and People's Committees of provinces and centrally affiliated cities (hereinafter referred to as provinces) shall:
...
...
...
b) Publish the Big data list and Big data development plan within their respective sectors and localities.
c) Develop standards for each type of big data within their sectors and localities; establish technical regulations for data structure, access, and usage policies for national and ministerial/local databases.
d) Develop technical guidelines for connecting, integrating, and sharing data across national databases, specialized databases, and information systems. Implement AI applications and advanced data analytics to enhance data analysis and processing capabilities in ministries, sectors, and localities.
2. Development of data infrastructure
a) Initiate ministerial and local data portals in accordance with Decree No. 42/2022/ND-CP, integrating them with the National data portal. Maximize the utilization of existing digital government network infrastructure at ministries, sectors, and localities; prioritize service leasing solutions during the implementation of the Data portal.
b) Develop, reinforce, and improve data collection and transmission infrastructure at ministerial and local levels. Develop Internet of Things (IoT) infrastructure to support sectoral and specialized applications in the implementation of digital government, aligning with the development of smart cities, intelligent transportation, smart agriculture, and resource and environmental monitoring, etc. at ministries, sectors, and localities. Maximize integration with existing infrastructure investments from organizations and individuals to ensure efficient deployment, avoid redundancy, and prevent waste.
c) Maintain connectivity between state agency cloud platforms at ministerial and local levels with the Government cloud platform, as guided by the Ministry of Information and Communications; and also ensure interoperability with enterprise cloud platforms that meet operational requirements, standards, and technical regulations for Digital Government to ensure data storage, interoperability, and seamless sharing of shared data across ministries, sectors, and localities.
3. Development of data
a) Collect, consolidate, and enhance master data and shared databases within ministerial and local databases; specialized databases to support digital government services at state agencies of ministries and local governments.
...
...
...
c) Development of big data sources and data lakes at ministries, sectors, and localities Collect, utilize, and enrich big data generated from activities at ministries, sectors, and localities.
d) Digitize administrative records and resolution results in compliance with regulations; collect and develop data to support the decision-making processes of the Government, the Prime Minister, and leaders at ministries, sectors, and localities.
4. Development of data connectivity and sharing
a) Complete the data integration and sharing platforms at the ministerial, sectoral, and local levels, ensuring seamless interconnectivity with the national data integration and sharing platform.
b) Cooperate in building regional big data sets to integrate, share, and optimize common data resources among provinces and cities with similar characteristics and advantages; Establish value chains based on the interregional data utilization to drive economic development.
c) Localities shall share their big data with ministries, sectors, and other localities, gradually incorporating big data into all aspects of political, economic, and social life.
d) Ministries, sectors, and localities shall issue regulations and guidelines within their state management scope to facilitate open, interconnected, and shared data access for businesses; consider support mechanisms to encourage businesses and citizens to open and share valuable data; promote the development of open and shared data sets for the common good of society.
dd) Enable data-sharing across ministries, sectors, and localities for use in administrative procedures; online public services; and government decision-making and governance upon request.
...
...
...
a) Ministries, ministerial-level agencies, Governmental agencies, and province-level People’s Committees shall direct and guide the implementation of data development strategies within their respective ministries, sectors, and localities.
b) IT and digital transformation units at ministries, Governmental agencies, and the Department of Information and Communications of provinces shall review and expand their mandates to include data-related responsibilities; act as focal points for monitoring the development of data infrastructure and data-related initiatives, without creating additional bureaucratic structures.
c) Establish a personnel network to support the implementation of the Strategy from the central to local levels. Each government agency shall designate a leader as the focal point for data management, responsible for organizing and overseeing data development activities within their respective agency or unit. This role shall be integrated with a network of data officers across agencies, organizations, enterprises, associations, and professional groups to ensure synchronized implementation of the Strategy across all sectors and fields.
2. Capacity building and training
a) Implement initiatives for public awareness, knowledge dissemination, and digital data education, Organize Massive Open Online Courses (MOOCs) to provide large-scale training for citizens on basic digital data knowledge and personal data management; provide training on working with and utilizing data, enabling citizens to participate and develop skills to ensure high-quality data development.
b) Strengthen training and capacity-building for data officers in government agencies and state-owned enterprises; develop training programs to enhance expertise in data management, analysis, storage, connectivity, and sharing. Through training courses and workshops for data specialists, establish a core workforce that can disseminate knowledge and skills in data development across ministries, sectors, localities, and businesses.
3. Training and development of human resources
a) Implement projects on training and developing the digital data workforce.
b) Research and develop educational programs for data science and data industry development; integrate data science into university, college, and vocational training programs across all fields of information technology, engineering, economics, and social sciences, from basic to advanced levels, to cultivate a skilled workforce in the data sector. Establish and enhance big data science centers and laboratories within universities and research institutes; foster a community of data scientists across various fields.
...
...
...
4. Research and development
a) Conduct research and master technologies for data analysis and processing; develop artificial intelligence models and blockchain algorithms for open data and big data, tailored to Vietnam’s characteristics and needs.
b) Foster the growth of an open big data community, develop an open-source ecosystem, and comprehensively enhance technical research capabilities to advance cutting-edge big data technologies.
c) Establish a collaborative environment for research and development in data science and big data among government agencies, ministries, and localities, as well as with universities, research institutions, and businesses. Engage in international data-related programs and projects. Build a research community that connects data scientists with organizations and businesses in need of data solutions, addressing specific challenges faced by these entities. Promote data science research among university and college students.
5. Public-private partnership
a) Establish a healthy, secure, and legally compliant data market environment to promote data services and create more job opportunities for citizens.
b) Implement a model in which the government and businesses commission research centers and technology companies to analyze and process data for business orientation and decision-making support.
c) Develop public data collection and analysis tools to assist small and medium-sized enterprises (SMEs); research and support digital technology enterprises in developing Make in Vietnam digital transformation platforms that enrich data and foster a diverse Vietnamese data ecosystem.
d) Develop a community data space by integrating and contributing data from government agencies, businesses, and citizens, aiming to establish data repositories, open datasets, shared big data, and sample datasets to support the development of artificial intelligence solutions and applications.
...
...
...
a) Strengthen international cooperation activities to learn from global experiences in data management, governance, and utilization, as well as cross-border data exchange. Facilitate data sharing and exchange within the legal framework in selected areas of mutual interest and demand.
b) Invite foreign experts and Vietnamese experts residing abroad to Vietnam for consulting, research, and training on data and data governance.
c) Actively engage in international cooperation for data development; proactively participate in activities with international organizations, propose data development initiatives, and take the lead in areas where Vietnam has strengths. Actively contribute to the development of new legal frameworks, data standards, governance frameworks, and international principles on data in alignment with Vietnam’s objectives and interests.
d) Support certain countries in data development to strengthen international cooperation while promoting and creating export opportunities for Vietnam’s data products and services. Enhance investment promotion activities in fields related to data exploitation.
7. Measurement, monitoring, and evaluation of implementation
a) Incorporate data development evaluation indicators into the Digital Transformation Index (DTI) at all three levels: provincial, ministerial, and national. These indicators should assess various aspects, including the implementation of open data by government agencies, the progress of building national databases, the capacity for data connectivity and sharing, and the development of big data sets.
b) Annually publish the results of data development evaluation indicators alongside the digital transformation index. These results will serve as a basis for monitoring, urging, and ranking ministries, sectors, and localities based on their level of data development and the implementation outcomes of the Strategy.
1. The funding for implementation will be allocated from the state budget according to the current budgetary decentralization framework, integrated capital sources, and other lawful funding sources (if available).
...
...
...
1. Ministries, ministerial-level agencies, and Governmental agencies
a) Take responsibility for organizing the implementation of the Strategy within their assigned functions and duties, in accordance with the prevailing legal framework. Incorporate data development tasks into annual digital transformation plans and actively participate in coordinated efforts on data development as directed by the Prime Minister.
b) Based on the specific circumstances of each ministry and sector, determine whether to develop and issue a dedicated data strategy or integrate data development strategies into digital transformation initiatives, projects, and plans. This should be done in alignment with the National Data Strategy, ensuring: Detailing solutions and tasks in the National Data Strategy while ensuring compatibility with the conditions, needs, and development orientations of each ministry or sector. Focusing on two key areas: (i) Developing digital identity databases for managed entities to facilitate government administration and ensure nationwide consistency and seamlessness, and (ii) Leveraging big data resources to enhance decision-making, improve governance, and strengthen state management capabilities.
c) Implement the development and enhancement of data infrastructure within their respective ministries and sectors. Take the lead in digitization and data development in relevant fields, ensuring consistent implementation across localities. Complete and maintain datasets identified as national database priorities that serve as the foundation for digital government development, as designated by the Government. This includes critical datasets outlined in the E-government development strategy towards digital government for 2021–2025, with an orientation toward 2030.
d) Develop a ministerial-level data analytics platform to facilitate data collection, aggregation, and analysis, leveraging existing information systems and databases within ministries and sectors. This approach ensures the avoidance of redundant investments, maximizes the use of available data sources, enables efficient data utilization, and provides insights into political, economic, and social developments within the sector’s scope while also facilitating data sharing with other government agencies.
dd) Assign the ministry’s specialized unit responsible for information technology and digital transformation as the focal point for data development. This unit will advise the ministry's Digital Transformation Steering Committee on data-related matters, oversee the development and strengthening of the ministry’s data center infrastructure, and promote data collection and enrichment. Additionally, it will manage and utilize sectoral data effectively, ensuring integration and interoperability with national databases.
e) Organize annual training programs to enhance the skills of data management and analysis personnel, as well as provide data literacy training for officials and public employees.
g) Allocate an annual budget for research and development, particularly in fields related to data science and information technology.
...
...
...
i) Actively coordinate and support international cooperation initiatives in data development to enhance global partnerships while promoting Vietnam’s data-related products and services. Facilitate investment promotion activities in data-driven industries to expand market opportunities for Vietnamese enterprises.
2. Ministry of Information and Communications
Take the lead in coordinating with ministries, sectors, localities, associations, and enterprises in managing, monitoring, and supervising the implementation of the Strategy, with a focus on the following areas:
a) Provide guidance and support to ministries, sectors, and localities in developing and implementing their respective data development strategies/plans and the execution of component strategies.
b) Monitor, supervise, and evaluate the implementation of the Strategy; act as the focal point for consolidating the implementation status and annually report to the Prime Minister and the National Committee on Digital Transformation; conduct a mid-term review of the Strategy by 2025 and identify priority tasks and projects for the subsequent phase until 2030.
c) Lead the development of regulatory frameworks and policies as part of the national key tasks specified in Section IV of the Strategy.
d) Take charge of and collaborate with ministries, sectors, and localities in establishing criteria and guidelines to support the formulation of open data lists and priority big data development plans within their respective jurisdictions. These data initiatives will serve both governmental decision-making and public and business sector data utilization needs.
dd) Provide guidance and collaborate with ministries, sectors, localities, and enterprises to promote the development of national data infrastructure, national data assets, national data centers, and regional data centers in alignment with the Strategy’s objectives and the national information and communication infrastructure development plan.
e) Integrate the tasks of "Public awareness and knowledge dissemination on digital data" and "Training and development of digital data human resources" into the national project “Enhancing awareness, popularizing skills, and developing digital transformation human resources by 2025, with an orientation toward 2030” to optimize resource mobilization for the effective execution of the Strategy.
...
...
...
h) Develop and incorporate data development assessment indicators into the Digital Transformation Index (DTI) to evaluate data development progress across ministries, sectors, and localities, ensuring annual monitoring and assessment.
i) Research and enact regulations governing enterprises that hold a dominant market share in data, ensuring compliance with legal provisions and international practices to prevent market manipulation and monopolistic control by such enterprises.
k) Issue regulatory guidelines on information security for data connectivity and sharing; establish regulations for setting up and operating data reception and aggregation systems to support state management of electronic transactions within government agencies.
3. Government Office
a) Develop and enhance the Government reporting information system and the Government and Prime Minister’s executive information center, ensuring integration with national reporting systems, specialized databases, and government agency databases at all levels. This will enable seamless data sharing and real-time decision-making support for the Government, the Prime Minister, and local administrations.
b) Develop and refine the National public service portal to ensure stable, secure, and uninterrupted operation; coordinate with ministries, agencies, and localities to implement solutions for integrating the National public service portal with ministry- and province-level administrative procedure resolution systems, national databases, and specialized databases to facilitate efficient administrative processing and online public service delivery.
c) Provide guidance on digitizing records, documents, and administrative procedure outcomes; organize the storage and exploitation of digitized data to support administrative procedure resolution and online public service provision in accordance with legal requirements.
4. Ministry of Public Security
a) Implement and supervise compliance with legal regulations on personal data protection.
...
...
...
c) Lead, guide, and collaborate with ministries, sectors, and localities in ensuring data security and safeguarding national data integrity.
5. Ministry of Health
a) Develop and submit a draft Decree on healthcare data management to the Government for promulgation.
b) Establish and organize healthcare databases, a national healthcare database, and specialized databases (including medical examination and treatment, preventive healthcare, human resources, medical equipment, pharmaceuticals, etc.) in alignment with decentralized management from central to local levels. These efforts aim to develop and refine the national healthcare database while leveraging digital technologies to optimize data utilization for digital healthcare transformation. Create a shared database accessible to the public for comprehensive health information retrieval; digitize health records and electronic medical records, ensuring seamless connectivity between healthcare agencies and between healthcare agencies and individuals to facilitate medical inquiries, health monitoring, and treatment.
c) Promote the implementation of digital healthcare platforms, focusing on the following key platforms: (1) Remote medical consultation and treatment support platform;; (2) Vaccination management platform; (3) Electronic health record platform; (4) Commune health station management platform; (5) Hospital information management and electronic medical record management platform.
d) Develop big data on clinical symptoms of various diseases, healthcare big data from personal Internet of Medical Things (IoMT) devices, and AI-powered virtual health assistants for individual health monitoring. These datasets will support medical and pharmaceutical research and aid in developing disease treatment protocols. Establish a centralized national repository for storing and transmitting medical imaging data and laboratory test results, ensuring comprehensive information-sharing and utilization across healthcare facilities and relevant government agencies. Leverage artificial intelligence technologies and big data on clinical symptoms and medical expertise to enhance healthcare services.
6. Ministry of Education and Training
a) Promote the integration of data science and data analysis courses into various academic disciplines; strengthen data science research at universities and teacher training colleges.
b) Implement the digitization of educational data to establish a digital learning resource system, training programs, and digital textbooks. Develop a unified digital learning platform accessible across all educational levels. Enrich general knowledge repositories through new initiatives or integration with the Vietnamese knowledge digitalization project.
...
...
...
d) Update and enhance education and training data, including: educational institutions at all levels; training disciplines and programs; teacher, student, and learner records; standardized electronic academic transcripts for all levels and disciplines; open datasets for public use by organizations, researchers, and individuals.
dd) Gradually develop big data on learner and teacher behaviors through online learning platforms and educational technology applications.
e) Establish interoperability between education and training data and data in the labor, employment, and social insurance sectors to identify workforce training needs, serving as a foundation for strategic planning in education and training.
7. Ministry of Agriculture and Rural Development
a) Develop agricultural sector databases (including datasets for crop cultivation, livestock farming, aquaculture, etc.). Prioritize the following datasets: agricultural product traceability data; data on agricultural, forestry, and fishery production areas; land and soil data, geographical indications; weather data, production processes, disease prevention for crops, livestock, and aquaculture; data on agricultural production and market consumption (via digital platforms); data from IoT devices used in smart agriculture; data monitoring and detecting agricultural diseases; data on forest dynamics, deforestation, and wildfire alerts via satellite imagery; data on irrigation infrastructure, reservoirs, and canal systems; data on fishing, aquaculture, and vessel monitoring.
b) Develop and implement digital agricultural data platforms, including:
- Agricultural data architecture platform. Organize the implementation of digital platforms connecting farmers with agricultural experts and provide open datasets on agricultural, forestry, and fishery production. These datasets include production processes, technologies, and disease prevention methods for crops, livestock, and aquaculture; production experiences and shared support from farmers and businesses; and a list of strategic products with competitive advantages.
- Develop and effectively utilize digital agricultural data platforms. These platforms will be used to collect, update, and provide data on the origin of agricultural products, agricultural production status, and the consumption of agricultural products from cooperatives and agribusinesses, as well as real-time data contributed by farmers directly participating in the supply chain.
c) Apply big data/data, artificial intelligence, and remote sensing technologies to aggregate, analyze, evaluate, and extract insights from agricultural data platforms. These applications will support statistical analysis, forecasting, decision-making in agricultural production, agricultural market development, and early warnings for natural disasters and disease outbreaks.
...
...
...
8. Ministry of Natural Resources and Environment
a) Implement the digitization and development of big data in the field of natural resources and environment, including: the national geospatial database; national land database; remote sensing; meteorology and hydrology; climate change; environmental management; emission sources; biodiversity; water resources; geology and minerals; marine and island resources and environment; and environmental monitoring.
b) Gradually improve national monitoring systems for the environment, meteorology and hydrology, land resources, and water resources through IoT devices to develop big data for the natural resources and environment sector.
c) Research and apply IoT data analysis and processing technologies to support decision-making for environmental incident prevention and response, environmental protection, sustainable land use, disaster forecasting and early warning, and climate change adaptation.
d) Develop and enhance the national geospatial data infrastructure and national digital mapping platform.
9. Ministry of Culture, Sports, and Tourism
a) Digitize and develop data on Vietnamese ethnic groups, cultural villages, cultural spaces of different regions, the country, and its people to make them widely accessible online, supporting the promotion and development of Vietnamese culture. Build and enrich a large cultural and artistic data repository for Vietnam’s ethnic communities.
b) Ensure the integration and synchronization of cultural and artistic databases with national databases and the Digital Vietnamese Knowledge System Project. Apply Geographic Information System (GIS) technology for the management, preservation, and promotion of cultural heritage.
c) Implement the digitization of cultural heritage and establish a digital library for national heritage sites, special national heritage sites, and intangible cultural heritage listed in the National Cultural Heritage Inventory. Collect and manage digital data on cultural heritage, national monuments, intangible cultural heritage, traditional customs, and the resilience of the Vietnamese people. Strengthen and improve data for the development of programs and projects to preserve and promote the values of intangible cultural heritage and uphold Vietnamese cultural and traditional values.
...
...
...
10. Ministry of Transport
a) Implement the digitization and development of transportation data, providing public access to data on the national transportation infrastructure managed by the central government.
b) Develop big data systems for managing vehicle operations and real-time traffic density data on roads. This data will support traffic regulation based on data-driven insights and inform urban planning, infrastructure investment, and transport network development.
11. Ministry of Industry and Trade
a) Collect and develop data in the fields of e-commerce and logistics. Apply big data analytics to assess consumer behavior, habits, demands, and preferences to formulate policies for e-commerce development, market expansion, and digital transformation in logistics.
b) Develop big data systems for the electricity sector, utilizing them to design and implement an intelligent power grid. Apply big data and artificial intelligence (AI) in electricity production and consumption management, especially for clean and environmentally friendly energy sources.
c) Utilize AI for market regulation, production planning, and distribution management of goods and services within the ministry’s jurisdiction, leveraging big data for market monitoring.
12. Ministry of Planning and Investment
a) Lead efforts in coordinating data sharing between the national business registration database and other national databases in collaboration with relevant ministries, sectors, and local authorities.
...
...
...
13. Ministry of Finance
a) Direct and organize the collection and development of big data on the stock market and online transactions in the financial sector.
b) Research AI applications and big data analytics to support financial market analysis, risk assessment, policy impact evaluation, and decision-making in financial management and regulation.
14. Ministry of Science and Technology
a) Establish the national science and technology database, integrating it with the national population database and other relevant national and sectoral databases.
b) Develop a shared data platform for scientific and technological research. Collaborate with ministries, sectors, and localities to encourage contributions to this platform, fostering an environment where the scientific community can contribute, access, and share research data. This initiative will support the development of data analysis models, machine learning, and AI in line with the National strategy on research, development, and application of artificial intelligence by 2030.
c) Develop a phased roadmap for digitizing scientific and technological data. Apply AI and data mining to generate analytical reports, assess sectoral impacts, and formulate solutions to support policy-making, governance, and strategic decision-making.
15. Ministry of Labor, Invalids and Social Affairs
a) Develop and establish a labor-market and social security database. Prioritize the implementation of an integrated digital labor record system connected to social insurance and unemployment insurance data. This system will be linked with vocational training and lifelong learning data, creating a comprehensive labor-market database. Additionally, complete the social security database, including data on social protection beneficiaries, poverty reduction programs, children, and persons with meritorious services.
...
...
...
c) Update labor, social welfare, and persons with meritorious services data on the Ministry of Labor, Invalids, and Social Affairs' data portal. Prioritize open data accessibility and develop an AI-powered intelligent consultation system to provide policy-related guidance for organizations, individuals, and businesses. Implement accessible information solutions to enhance data access for vulnerable groups and persons with disabilities.
d) Promote the inclusion of data science and data analytics courses in the curricula of vocational colleges, technical schools, and vocational education centers.
16. People’s Committees of provinces
a) Be responsible for implementing the Strategy, ensuring alignment with local socio-economic development plans.
b) Based on the specific circumstances of each locality, decide whether to develop and issue a separate implementation plan/strategy for the national data strategy or integrate its objectives into local digital transformation plans. Ensure that local plans detail and align with the solutions and tasks of the national data strategy while reflecting local conditions, needs, and development directions. Actively participate in coordinated activities under the direction of the Prime Minister and the Ministry of Information and Communications.
c) Assign the Department of Information and Communications as the focal agency for data development, responsible for advising the People’s Committee and the local digital transformation steering committee on data-related matters. Oversee the establishment and strengthening of the local data center infrastructure and contribute to data collection and big data enhancement. Serve as the key agency for managing, monitoring, and ensuring effective local data usage and integration with national databases.
d) Implement the development and enhancement of local data infrastructure. Build local databases alongside the implementation of digital public service platforms. Establish digital platforms for data analysis and processing, leveraging existing information systems and databases to avoid redundant investment and maximize the use of available data. These efforts will support effective data utilization and provide insights into political, economic, and social developments at the local level.
dd) Actively mobilize resources and integrate related activities from other programs within the locality to achieve the Strategy’s objectives.
e) Consolidate and report on the Strategy’s implementation within the local digital transformation progress report. Submit these reports to the Ministry of Information and Communications by December 31 each year for compilation and reporting to the Prime Minister.
...
...
...
Professional associations and organizations shall take an active role in providing policy advice and advocacy. Encourage members and businesses to participate in high-quality data development, leverage open data sources, and contribute public data to a shared data ecosystem. These efforts will help maximize the benefits of data usage. Additionally, collaborate with the Ministry of Information and Communications in promoting awareness, conducting surveys, and assessing the progress of data development and the implementation of the national data strategy.
Article 2. This Decision comes into force as of the signing date.
Article 3. Ministers, Heads of ministerial-level agencies, Heads of Governmental agencies, Chairpersons of the People’s Committees of provinces, and relevant agencies and units shall be responsible for the implementation of this Decision.
PP.
THE PRIME MINISTER
DEPUTY PRIME MINISTER
Tran Luu Quang
LIST OF KEY TASKS FOR IMPLEMENTING THE NATIONAL DATA
STRATEGY UNTIL 2030
(Enclosed with Decision No. 142/QD-TTg dated February 2, 2024 of the Prime
Minister)
No.
...
...
...
Lead agency
Coordinating agencies
Timeline
I
Institutional and policy development
1
Develop the Law on Digital Technology Industry.
...
...
...
Ministries and sectors
2024 - 2025
2
Develop a Decree on electronic transactions in government agencies and information systems for electronic transactions, a Decree on electronic signatures and trust services, and a Decree on the national database list.
Ministry of Information and Communications
Ministries and sectors
2024
3
- Develop regulations on the obligations and responsibilities of digital platform operators and electronic transaction systems in collecting, storing, using, connecting, sharing, and transacting data.
...
...
...
Ministries and sectors
2024 - 2027
- Develop a Decree on the trading and exchange of proprietary data and copyrighted data to establish a data market, including regulations on data eligible for trade, exchange, and transfer.
2025 -2030
4
Develop regulations on standards, technical regulations, data storage, connection, and sharing lists, as well as regulations on anonymized data. Issue guidelines on data quality management.
...
...
...
Ministries and sectors
Ongoing
5
Develop a data governance framework, data architecture, and data dictionary terms, and integrate them into future versions of Vietnam’s e-Government Architecture Framework.
Ministry of Information and Communications
Ministries and sectors
2024 - 2030
6
Research and formulate incentive policies to promote data enterprises, data governance consulting, and data management services; prevent market manipulation by organizations holding large volumes of Vietnam’s data.
...
...
...
Ministries and sectors
2024 - 2030
7
Develop and issue principles for responsible data use and safety guidelines for AI applications in the public sector.
Ministry of Information and Communications
Ministries and sectors
2024 - 2030
II
Development of national data infrastructure
...
...
...
Develop large-scale National Data Centers and Regional Data Centers based on green standards, ensuring interconnection with the Vietnam National Internet Exchange (VNIX).
Ministry of Public Security, Regional Coordination Councils
Ministry of Information and Communications, ministries, sectors, and localities
2024 - 2030
2
Consolidate, optimize, and ensure seamless connectivity for existing data centers.
Ministry of Information and Communications
Ministries, sectors, and localities
Ongoing
...
...
...
Development of national data
1
Focus on completing the national databases listed as priority for implementation to establish the foundation for e-government development, as well as data in sectors identified in the list of key tasks and solutions for the development of the digital economy and digital society, as approved in Decision No. 411/QD-TTg dated March 31, 2022, of the Prime Minister.
Ministries, sectors, and localities
2024 - 2030
2
- Integrate and synchronize data from national databases and ministerial and local databases into the National Data Center.
- Establish interconnected shared and sectoral databases that link to national databases, supporting the provision of public services.
...
...
...
2024 - 2030
3
Improve the National Data Portal and ensure timely provision and updates of open data sets for government agencies, businesses, and citizens to access, utilize, and exploit effectively.
Ministry of Information and Communications
Relevant ministries and agencies
Ongoing
4
Establish digital knowledge repositories for vocational skills training, enabling workers to access digital learning materials to upskill and meet labor market demands, thereby enhancing workforce productivity.
...
...
...
Relevant ministries and agencies
Ongoing
IV
Development of data connectivity and sharing
1
Establish data connectivity and sharing among state agencies, maximizing the effectiveness of digital platforms.
Ministries, sectors, and localities
2024 - 2030
...
...
...
Ensure seamless interoperability, openness, and data sharing between the national population database and other national and specialized databases.
Ministry of Public Security
Ministries, sectors, and localities
2024 - 2030
V
Development of the data market
1
Develop a proposal for establishing the data market and issue legal documents to guide the pilot implementation of data trading platforms.
Ministry of Information and Communications
...
...
...
2024 - 2027
2
Include products and solutions for data collection, processing, exchange, enrichment, and visualization in the List of High Technologies Prioritized for Investment and Development and the List of Encouraged High-Tech Products.
Ministry of Information and Communications
Ministries, sectors, and localities
2024 - 2025
VI
Ensuring information security and cybersecurity for data
1
...
...
...
Ministry of Information and Communications
Ministries and sectors
2024
2
Implement cybersecurity measures based on a four-layer protection model for all national database systems.
Ministry of Information and Communications
Ministry of Public Security, Ministry of National Defense, and relevant ministries managing national databases
Ongoing
VII
...
...
...
1
- Develop professional training programs in universities, focusing on data science, big data analytics and processing, cybersecurity, and data management.
- Accelerate the implementation of digital university models.
Ministry of Education and Training
Ministry of Information and Communications and relevant ministries
2024 - 2030
2
- Collaborate with businesses and international organizations to provide practical learning opportunities, technical exchanges, and access to the latest global data technologies and methodologies.
- Enhance investment in research and development in the field of data, including support for advanced and innovative data research projects.
...
...
...
2024 - 2030
PRIORITY TASKS FOR MINISTRIES, SECTORS, AND LOCALITIES
I
Development of regulations and policies
1
Issue open data lists for sectors and localities; implement open data development and provision.
Relevant ministries, agencies, and localities
...
...
...
2024 - 2025
2
Publish the Big data list and Big data development plan within their respective sectors and localities.
Relevant ministries, agencies, and localities
2024 - 2025
3
Develop and issue standards for each type of data in the big data lists for sectors and localities; establish technical regulations on data structures and usage policies for national and sectoral databases.
Relevant ministries, agencies, and localities
...
...
...
2024 - 2030
4
Develop and issue technical guidelines on data integration, interoperability, and sharing among national, sectoral, and local databases and information systems.
Ministry of Information and Communications
Ministries and sectors
2024 - 2025
II
Development of data infrastructure
1
...
...
...
Relevant ministries, agencies, and localities
2024 - 2025
2
Develop, reinforce, and improve data collection and transmission infrastructure at ministerial and local levels. Develop Internet of Things (IoT) infrastructure to support sectoral and specialized applications in the implementation of digital government, aligning with the development of smart cities, intelligent transportation, smart agriculture, and resource and environmental monitoring, etc. at ministries, sectors, and localities. Maximize integration with existing infrastructure investments from organizations and individuals to ensure efficient deployment, avoid redundancy, and prevent waste.
Relevant ministries, agencies, and localities
Ongoing
3
...
...
...
Relevant ministries, agencies, and localities
Ongoing
III
Development of data
1
Collect, consolidate, and enhance master data and shared databases within ministerial and local databases; specialized databases to support digital government services at state agencies of ministries and local governments.
Relevant ministries, agencies, and localities
...
...
...
2
Develop and provide integrated digital platforms for data aggregation and analysis at the ministerial and provincial levels to enable centralized storage, aiming to establish shared data repositories for ministries, sectors, and localities. These repositories will support governance, decision-making, and socio-economic development.
Relevant ministries, agencies, and localities
2024-2030
3
Develop big data sources and data lakes at ministries, sectors, and localities. Collect, utilize, and enrich big data generated from activities at ministries, sectors, and localities.
Relevant ministries, agencies, and localities
...
...
...
4
Digitize administrative records and resolution results in compliance with regulations; collect and develop data to support the decision-making processes of the Government, the Prime Minister, and leaders at ministries, sectors, and localities.
Relevant ministries, agencies, and localities
Ongoing
IV
Development of data connectivity and sharing
1
Complete the data integration and sharing platforms at the ministerial, sectoral, and local levels, ensuring seamless interconnectivity with the national data integration and sharing platform.
...
...
...
2024 - 2025
2
- Cooperate in building regional big data sets to integrate, share, and optimize common data resources among provinces and cities with similar characteristics and advantages. Establish value chains based on the interregional data utilization to drive economic development.
- Localities shall share their big data with ministries, sectors, and other localities, gradually incorporating big data into all aspects of political, economic, and social life.
Relevant ministries, agencies, and localities
Ongoing
3
...
...
...
- Enable data-sharing across ministries, sectors, and localities for use in administrative procedures; online public services; and government decision-making and governance upon request.
Relevant ministries, agencies, and localities
Ongoing
SPECIFIC TASKS FOR MINISTRIES AND SECTORS
I
Ministry of Information and Communications
1
...
...
...
- Monitor, supervise, and evaluate the implementation of the Strategy; act as the focal point for consolidating the implementation status and annually report to the Prime Minister and the National Committee on Digital Transformation; conduct a mid-term review of the Strategy by 2025 and identify priority tasks and projects for the subsequent phase until 2030.
Ministry of Information and Communications
Relevant ministries, sectors, and localities.
2024 - 2030
2
- Take charge of and collaborate with ministries, sectors, and localities in establishing criteria and guidelines to support the formulation of open data lists and priority big data development plans within their respective jurisdictions. These data initiatives will serve both governmental decision-making and public and business sector data utilization needs.
- Provide guidance and collaborate with ministries, sectors, localities, and enterprises to promote the development of national data infrastructure, national data assets, national data centers, and regional data centers.
Ministry of Information and Communications
Relevant ministries, sectors, and localities.
...
...
...
3
- Integrate the tasks of "Public awareness and knowledge dissemination on digital data" and "Training and development of digital data human resources" into the national project “Enhancing awareness, popularizing skills, and developing digital transformation human resources by 2025, with an orientation toward 2030” to optimize resource mobilization for the effective execution of the Strategy.
- Develop and incorporate data development assessment indicators into the Digital Transformation Index (DTI) to evaluate data development progress across ministries, sectors, and localities, ensuring annual monitoring and assessment.
Ministry of Information and Communications
Relevant ministries, sectors, and localities.
2024-2030
4
- Enhance public communication and outreach to raise awareness among government authorities and the general public about the value of data, the importance of data development, and effective methods for data utilization, sharing, and exploitation.
- Issue regulatory guidelines on information security for data connectivity and sharing; establish regulations for setting up and operating data reception and aggregation systems to support state management of electronic transactions within government agencies.
...
...
...
Relevant ministries, sectors, and localities.
Ongoing
II
Government Office
1
Develop and enhance the Government reporting information system and the Government and Prime Minister’s command information center.
Government Office
Relevant ministries, sectors, and localities.
Ongoing
...
...
...
Develop and enhance the national public service portal.
Government Office
Relevant ministries, sectors, and localities.
Ongoing
3
Provide guidance on digitizing records, documents, and administrative procedure outcomes; organize the storage and exploitation of digitized data to support administrative procedure resolution and online public service provision in accordance with legal requirements.
Government Office
Relevant ministries, sectors, and localities.
Ongoing
...
...
...
Ministry of Public Security
1
Implement and supervise compliance with legal regulations on personal data protection.
Ministry of Public Security
Relevant ministries, sectors, and localities.
2024 - 2030
2
- Lead and coordinate with ministries, sectors, and localities in establishing seamless interoperability and integration between digital identity and electronic authentication systems and public service systems. Maximize the utilization and effectiveness of the national population database, the national ID database, and the immigration database.
- Lead, guide, and collaborate with ministries, sectors, and localities in ensuring data security and safeguarding national data integrity.
...
...
...
Relevant ministries, sectors, and localities.
Ongoing
IV
Ministry of Health
1
Develop a Decree on healthcare data management.
Ministry of Health
Ministries, sectors, and localities
2024 - 2025
...
...
...
Establish and manage national healthcare databases, sectoral data systems (e.g., patient records, preventive healthcare, medical workforce, pharmaceuticals), and apply digital technologies for data-driven healthcare transformation. Create a shared database accessible to the public for comprehensive health information retrieval; digitize health records and electronic medical records, ensuring seamless connectivity between healthcare agencies and between healthcare agencies and individuals to facilitate medical inquiries, health monitoring, and treatment.
Ministry of Health
Relevant ministries, localities, and hospitals
Ongoing
3
- Expand the deployment of digital healthcare platforms.
- Develop big data on clinical symptoms, Internet of Medical Things (IoMT) health monitoring data, and AI-powered virtual health assistants. Develop a centralized big data system for storing and transmitting medical images and test results at the national level; apply intelligent technologies based on artificial intelligence, utilizing a large database of clinical symptoms and medical treatment experiences to enhance healthcare services.
Ministry of Health
Relevant ministries, localities, and hospitals
...
...
...
V
Ministry of Education and Training
1
Promote the integration of data science and data analysis courses into various academic disciplines; strengthen data science research at universities and teacher training colleges.
Ministry of Education and Training
Relevant ministries, sectors, and localities.
Ongoing
2
Implement the digitization of educational data to establish a digital learning resource system, training programs, and digital textbooks. Develop a unified digital learning platform accessible across all educational levels. Enrich general knowledge repositories through new initiatives or integration with the Vietnamese knowledge digitalization project.
...
...
...
Relevant ministries, sectors, and localities.
Ongoing
3
Digitize and centralize the management of diplomas, certificates, and training programs linked to each student and learner, serving as a reference for social and professional activities.
Ministry of Education and Training
Relevant ministries, sectors, and localities.
2024 - 2030
4
Update and enhance the data for the education and training sector. Gradually develop big data on learner and teacher behaviors. Connect and integrate education and training sector data with labor, employment, and social insurance data.
...
...
...
The Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs, Vietnam Social Security, universities, and colleges.
Ongoing
VI
Ministry of Agriculture and Rural Development
1
Develop agricultural sector data systems and implement digital agricultural data platforms.
Ministry of Agriculture and Rural Development
Relevant ministries, sectors, and localities.
2024 – 2025
...
...
...
Apply big data, artificial intelligence (AI), and remote sensing technologies for data aggregation, analysis, and interpretation in the agricultural sector.
Ministry of Agriculture and Rural Development
Relevant ministries, sectors, and localities.
Ongoing
VII
Ministry of Natural Resources and Environment
1
Implement digitization and big data development in natural resources and environmental management. Gradually improve national monitoring systems for the environment, meteorology and hydrology, land resources, and water resources through IoT device
Ministry of Natural Resources and Environment
...
...
...
Ongoing
2
Develop and apply IoT-based data analytics technologies to support decision-making for environmental management. Establish national geospatial data infrastructure and a national digital mapping platform.
Ministry of Natural Resources and Environment
Relevant ministries, sectors, and localities.
Ongoing
VIII
Ministry of Culture, Sports, and Tourism
1
...
...
...
Ministry of Culture, Sports, and Tourism
Relevant ministries, sectors, and localities.
Ongoing
2
Ensure the integration and synchronization of cultural and artistic databases with national databases and the Digital Vietnamese Knowledge System Project. Apply Geographic Information System (GIS) technology for the management, preservation, and promotion of cultural heritage.
Ministry of Culture, Sports, and Tourism
Relevant ministries, sectors, and localities.
Ongoing
3
...
...
...
Ministry of Culture, Sports, and Tourism
Relevant ministries, sectors, and localities.
Ongoing
4
Develop big data on tourism, including tourist behaviors and consumption patterns, as well as large datasets on tourism programs, tour packages, accommodations, and tourism service providers. This data will serve as a shared resource for optimizing tourism development.
Ministry of Culture, Sports, and Tourism
Relevant ministries, sectors, and localities.
Ongoing
IX
...
...
...
1
Implement the digitization and development of transportation data, providing public access to data on the national transportation infrastructure managed by the central government.
Ministry of Transport
Relevant ministries, sectors, and localities.
Ongoing
2
Develop big data systems for managing vehicle operations and real-time traffic density data on roads. This data will support traffic regulation based on data-driven insights and inform urban planning, infrastructure investment, and transport network development.
Ministry of Transport
Relevant ministries, sectors, and localities.
...
...
...
X
Ministry of Industry and Trade
1
Organize the collection and development of data in the fields of e-commerce and logistics, applying big data analytics technology to assess consumer behavior, habits, demands, and preferences.
Ministry of Industry and Trade
Relevant ministries, sectors, and localities.
Ongoing
2
Develop big data for the electricity sector, utilizing big data to plan and build a smart power grid system. Apply big data and artificial intelligence (AI) in electricity production and consumption management, especially for clean and environmentally friendly energy sources.
...
...
...
Relevant ministries, sectors, and localities.
Ongoing
3
Apply artificial intelligence in market regulation, production regulation, and distribution of goods and services under the management of the Ministry of Industry and Trade, leveraging big data for market monitoring.
Ministry of Industry and Trade
Relevant ministries, sectors, and localities.
Ongoing
XI
Ministry of Planning and Investment
...
...
...
Lead efforts in coordinating data sharing between the national business registration database and other national databases in collaboration with relevant ministries, sectors, and local authorities.
Ministry of Planning and Investment
Relevant ministries, sectors, and localities.
Ongoing
2
Develop datasets on socio-economic development and economic forecasting to support macroeconomic policy decision-making.
Ministry of Planning and Investment
Relevant ministries, sectors, and localities.
Ongoing
...
...
...
Ministry of Finance
1
Direct and organize the collection and development of big data on the stock market and online transactions in the financial sector.
Ministry of Finance
Relevant ministries, sectors, and localities.
Ongoing
2
Research AI applications and big data analytics to support financial market analysis, risk assessment, policy impact evaluation, and decision-making in financial management and regulation.
Ministry of Finance
...
...
...
Ongoing
XIII
Ministry of Science and Technology
1
Develop the national science and technology database and integrate it with the national population database and other national and sectoral databases.
Ministry of Science and Technology
Relevant ministries, sectors, and localities.
Ongoing
2
...
...
...
Ministry of Science and Technology
Relevant ministries, sectors, and localities.
Ongoing
3
Develop a roadmap for the digitalization of science and technology sector data in phased stages. Apply AI and data mining to generate analysis reports and impact assessments on the science and technology sector.
Ministry of Science and Technology
Relevant ministries, sectors, and localities.
Ongoing
XIV
...
...
...
1
Develop and establish a comprehensive labor, employment, and social security database. Ensure technical infrastructure for integrated national labor and social security databases, linking with other national and sectoral databases. Implement the connection, integration, and data sharing of labor, employment, and social security with national databases and the databases of ministries, sectors, and localities.
Ministry of Labor, Invalids and Social Affairs
Relevant ministries, sectors, and localities.
Ongoing
2
Update labor, social welfare, and persons with meritorious services data on the Ministry of Labor, Invalids, and Social Affairs' data portal. Prioritize open data accessibility and develop an AI-powered intelligent consultation system to provide policy-related guidance for organizations, individuals, and businesses. Implement accessible information solutions to enhance data access for vulnerable groups and persons with disabilities.
Ministry of Labor, Invalids and Social Affairs
Relevant ministries, sectors, and localities.
...
...
...
3
Promote the inclusion of data science and data analytics courses in the curricula of vocational colleges, technical schools, and vocational education centers.
Ministry of Labor, Invalids and Social Affairs
Relevant ministries, sectors, and localities.
2025 - 2030
XV
People’s Committees of provinces
1
- Develop and enhance local data infrastructure.
...
...
...
People’s Committees of provinces
Relevant ministries, sectors, and localities.
2024-2025
2
Assign the Department of Information and Communications as the focal agency for data development. This department will provide advisory services on data-related issues, oversee data utilization efficiency, and facilitate integration with national databases.
People’s Committees of provinces
Relevant ministries, sectors, and localities.
Ongoing
XVI
...
...
...
Professional associations and organizations shall take an active role in providing policy advice and advocacy. Encourage members and businesses to participate in high-quality data development, leverage open data sources, and contribute public data to a shared data ecosystem. These efforts will help maximize the benefits of data usage. Additionally, collaborate with the Ministry of Information and Communications in promoting awareness, conducting surveys, and assessing the progress of data development and the implementation of the national data strategy.
Professional associations and organizations
Relevant ministries, sectors, and localities.
Ongoing
;
Quyết định 142/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu: | 142/QĐ-TTg |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký: | Trần Lưu Quang |
Ngày ban hành: | 02/02/2024 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 142/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Chưa có Video