CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 175/NQ-CP |
Hà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 2023 |
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TRUNG TÂM DỮ LIỆU QUỐC GIA
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Công an nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2018; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân ngày 22 tháng 6 năm 2023;
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật An toàn thông tin mạng ngày 19 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật An ninh mạng ngày 12 tháng 6 năm 2018;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ ban hành quy chế làm việc của Chính phủ;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an.
QUYẾT NGHỊ:
I. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG TRUNG TÂM DỮ LIỆU QUỐC GIA
1. Xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia phải phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phù hợp với các quy hoạch, chiến lược phát triển quốc gia; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với sự phát triển của các cơ sở dữ liệu quốc gia và tiến trình chuyển đổi số quốc gia, phù hợp với kiến trúc Chính phủ điện tử, góp phần xây dựng, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp triển khai Đề án phải có tính khả thi, bảo đảm việc xây dựng, quản lý, khai thác Trung tâm dữ liệu quốc gia hiệu quả, bền vững.
2. Xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia theo các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, phù hợp với xu thế và xứng tầm thế giới. Công tác triển khai cần thực hiện nhanh nhằm tạo nền tảng để thay đổi một cách căn bản, toàn diện việc thu thập, lưu trữ, quản lý, cung cấp, tích hợp, chia sẻ thông tin, phân tích dữ liệu của Chính phủ bảo đảm mục tiêu quản lý xã hội, chỉ đạo điều hành, cung cấp dịch vụ công và tiện ích cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; sản phẩm tạo ra phải là công cụ giải quyết, tháo gỡ các điểm nghẽn, cũng như tạo đột phá trong phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia và các hệ thống cơ sở dữ liệu khác hình thành trong tương lai. Trung tâm dữ liệu quốc gia phải trở thành một thành phần hạ tầng số quan trọng phục vụ phát triển kinh tế và quản lý xã hội phù hợp với đặc điểm của Việt Nam.
3. Xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia phải ứng dụng những giải pháp công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất, có giá trị sử dụng lâu dài, tận dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhất là phát triển hệ sinh thái các dịch vụ và công nghệ mới như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo... để nâng cao hiệu quả trong quản lý, vận hành và khai thác; tiêu chuẩn hóa, quy chuẩn hóa về hạ tầng kỹ thuật số, nền tảng kết nối; tận dụng tối đa và kế thừa có hiệu quả các dịch vụ, ứng dụng, hệ thống đã được triển khai trước đây và tối ưu, hiệu quả, bảo mật, chống lãng phí các dịch vụ, hệ thống dự kiến triển khai trong thời gian tới. Tối ưu hóa thời gian, chi phí đầu tư, nguồn nhân lực trong triển khai xây dựng và vận hành Trung tâm dữ liệu quốc gia.
4. Trung tâm dữ liệu quốc gia phải bảo đảm là một trụ cột quan trọng phục vụ quá trình chuyển đổi số quốc gia, hỗ trợ đắc lực và hiện đại hóa công tác quản lý xã hội. Trung tâm dữ liệu quốc gia phải là nơi tập hợp các thông tin, dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia và trở thành một trung tâm tích hợp, đồng bộ, lưu trữ, chia sẻ và điều phối thông tin, phân tích dữ liệu về con người và các dữ liệu tổng hợp quốc gia. Trung tâm này phải có tính sẵn sàng cao, hoạt động liên tục 24/7, sự ổn định cao; khả năng bảo đảm an toàn dữ liệu, an ninh thông tin, an ninh mạng ở cấp độ cao nhất; triển khai theo hướng mở, phát triển các dịch vụ tiện ích, giá trị gia tăng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về tích hợp, thu thập, lưu trữ, chia sẻ và phân tích dữ liệu.
5. Xác định rõ phạm vi, lộ trình triển khai Đề án; nghiên cứu áp dụng các cơ chế đặc biệt về đầu tư, xây dựng, cấu hình, đấu thầu, chỉ định thầu, thanh toán, quyết toán, kiểm toán, giải ngân... để bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện đề án; đồng thời cần phân chia giai đoạn đầu tư phù hợp, đồng bộ, thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, tránh trùng lặp, chồng chéo, lãng phí đáp ứng yêu cầu đề ra; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương và vùng lãnh thổ.
II. VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA TRUNG TÂM DỮ LIỆU QUỐC GIA
1. Vị trí
Trung tâm dữ liệu quốc gia là trung tâm dữ liệu do Chính phủ xây dựng, quản lý, khai thác và vận hành; tích hợp, đồng bộ, lưu trữ, chia sẻ, phân tích, khai thác, điều phối dữ liệu của các cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật nhằm hình thành kho dữ liệu về con người và kho dữ liệu tổng hợp1 từ các cơ sở dữ liệu quốc gia; dữ liệu tại Trung tâm dữ liệu quốc gia là nền tảng cốt lõi cung cấp các dịch vụ liên quan đến dữ liệu, hỗ trợ hoạch định chính sách, kiến tạo phát triển, xây dựng Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số, bảo đảm quốc phòng an ninh. Đồng thời cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin cho các tổ chức chính trị - xã hội, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và các cơ quan có nhu cầu sử dụng để khai thác, vận hành, nâng cao hiệu quả, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.
2. Vai trò của Trung tâm dữ liệu quốc gia
- Tích hợp, đồng bộ, lưu trữ, khai thác, chia sẻ, phân tích và điều phối tất cả các dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu liên quan đến con người (bao gồm người có quốc tịch Việt Nam và người có liên quan đến hoạt động kinh tế - xã hội tại Việt Nam) theo quy định của pháp luật để tạo dựng kho dữ liệu về con người; dữ liệu liên quan đến con người bao gồm các thông tin đã được số hóa có nội dung gắn với con người bao gồm: dữ liệu dân cư, bảo hiểm, y tế và an sinh xã hội, giáo dục và đào tạo, cán bộ công chức, viên chức, căn cước, hộ tịch, hoạt động tài chính, và các hoạt động khác từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương và các cơ sở dữ liệu khác.
- Sử dụng các dữ liệu đã được thu thập, đồng bộ để thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cải thiện sự phục vụ của cơ quan nhà nước cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, tiến hành phân tích chuyên sâu nhằm hỗ trợ Chính phủ trong công tác quản lý nhà nước; đưa ra các chính sách an sinh liên quan đến bảo hiểm, y tế, giáo dục,... góp phần thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ cho xã hội.
- Phân tích chuyên sâu các dữ liệu bảo đảm việc hỗ trợ công tác xây dựng các cơ chế chính sách, quy hoạch, chiến lược phát triển quốc gia. Đồng thời tạo điều kiện phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ mới trên nền các dữ liệu số được khai thác từ các kho dữ liệu dùng chung và kho dữ liệu mở, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
- Tập trung các công nghệ, giải pháp hiện đại, đồng bộ, bảo đảm an ninh an toàn để cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin cho các cơ quan Đảng, Quốc hội, cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội khi có nhu cầu.
- Trao đổi, kết nối quốc tế nhằm chia sẻ thông tin, nghiên cứu xây dựng và thực thi các chiến lược phát triển đất nước và đặt nền tảng nghiên cứu, hỗ trợ khai thác, phát triển nền khoa học công nghệ quốc gia.
1. Mục tiêu tổng quát
a) Về phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia
Trung tâm dữ liệu quốc gia khi đưa vào triển khai hoạt động sẽ là tiền đề để thúc đẩy quá trình phát triển và đẩy mạnh khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; góp phần thực hiện mục tiêu nâng tầm chiến lược phát triển kinh tế số của Việt Nam theo kịp các quốc gia trên thế giới, bảo đảm điều kiện cho Việt Nam phát triển và hòa nhập với nền kinh tế số của thế giới.
b) Về phát triển dữ liệu quốc gia
Phát triển kho dữ liệu tổng hợp với dữ liệu gắn với con người và các dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ là trụ cột dữ liệu chính để tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ số, thúc đẩy kinh tế số và hình thành xã hội số. Hình thành các hệ thống dữ liệu tin cậy, ổn định của Nhà nước và doanh nghiệp từ đó triển khai các giải pháp kết nối để chia sẻ, sử dụng lại và phát triển các mô hình/ứng dụng phân tích dữ liệu chuyên sâu để tạo ra nhiều giá trị mới, sản phẩm dịch vụ mới và động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn chuyển đổi số của Việt Nam.
c) Về phát triển Chính phủ số và cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính
Cung cấp hạ tầng phục vụ xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia và hình thành kho thông tin định danh số cho công dân, tổ chức trong thực hiện các thủ tục hành chính, kết hợp cùng với việc tích hợp đồng bộ, liên thông giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia khác sẽ giúp phát triển Chính phủ số và cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính không còn phù hợp, gia tăng sự hài lòng của người dân với hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước. Hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành, hoạch định chính sách của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trên nền tảng dữ liệu số.
d) Về phát triển kinh tế - xã hội
Thúc đẩy các giao dịch thương mại trên môi trường số được thường xuyên, liên tục, an toàn và minh bạch hơn. Đồng thời hình thành và từng bước mở rộng kho dữ liệu về con người để người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng phục vụ sáng tạo, triển khai các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh mới góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số và xây dựng xã hội số.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Về dữ liệu
- Hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác kho dữ liệu tổng hợp, triển khai ngay việc tổng hợp dữ liệu liên quan đến công dân Việt Nam và người nước ngoài sinh sống, có hoạt động tại Việt Nam làm tiền đề phát triển các cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ bảo đảm an ninh quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội (hoàn thành cơ bản năm 2025); bảo đảm dữ liệu đúng, đủ, sạch, sống cho các cơ sở dữ liệu quốc gia cũng như cơ sở dữ liệu của các cơ quan, tổ chức do dữ liệu được tổng hợp, đối sánh từ nhiều nguồn; giảm thiểu các bước trung gian trong quá trình kết nối, chia sẻ. Kho dữ liệu về con người bao gồm dữ liệu thuộc các lĩnh vực: dân cư, dữ liệu sinh trắc, di biến động cư trú, bảo hiểm, y tế và an sinh xã hội, giáo dục và đào tạo; lao động việc làm, hộ tịch và thu thập tối đa các thông tin lĩnh vực khác như vi phạm hành chính, thuế, thu nhập cá nhân...
- Đến hết năm 2025, hoàn thành cơ bản xây dựng và đưa vào khai thác kho dữ liệu tổng hợp được đồng bộ từ các cơ sở dữ liệu quốc gia và phối hợp khai thác với kho dữ liệu về con người; từ năm 2026, triển khai thực hiện việc phân tích dữ liệu chuyên sâu hỗ trợ công tác xây dựng cơ chế chính sách, quy hoạch chiến lược phát triển quốc gia; đồng thời tạo điều kiện phát triển nhiều sản phẩm, dịch vụ mới trên nền các dữ liệu số được khai thác từ các kho dữ liệu dùng chung và kho dữ liệu mở, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
- Từ năm 2025, đưa Trung tâm dữ liệu quốc gia đóng vai trò là nơi để trao đổi, kết nối quốc tế nhằm chia sẻ thông tin, nghiên cứu phát triển các chiến lược phát triển và đặt nền tảng nghiên cứu, hỗ trợ khai thác, phát triển nền tảng khoa học công nghệ đất nước.
- Đến 2030, hoàn thành việc triển khai Trung tâm dữ liệu quốc gia là nơi lưu trữ dữ liệu, hệ thống thông tin của các cơ sở dữ liệu quốc gia, kết nối liên thông dữ liệu với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, các hệ thống thông tin trong nước và tổ chức Chính phủ các nước để phục vụ các hoạt động trên môi trường số bảo đảm lợi ích hợp pháp của Việt Nam.
b) Về quy hoạch kiến trúc dữ liệu của Trung tâm dữ liệu quốc gia
- Đến năm 2025, hoàn thành xây dựng và triển khai Bộ tiêu chuẩn áp dụng cho công tác quy hoạch kiến trúc các cơ sở dữ liệu quốc gia tại Trung tâm dữ liệu quốc gia về việc phân cấp, phân loại dữ liệu theo các độ mở, cấp độ mật, tối mật, tuyệt mật và mức độ ảnh hưởng đến quốc gia, người dân và doanh nghiệp; hoàn thành quy hoạch cụ thể phân kho lưu trữ và thiết lập các chính sách an ninh an toàn thông tin phù hợp với đối tượng, phương thức truy cập, quyền khai thác đối với từng loại dữ liệu.
- Đến năm 2030, hoàn thành việc triển khai các quy hoạch, tiêu chuẩn, kiến trúc dữ liệu tại Trung tâm dữ liệu quốc gia cũng như cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương.
c) Về phân tích và khai thác dữ liệu
- Đến hết năm 2025, triển khai thành công các công nghệ, giải pháp hiện đại và đào tạo được chuyên gia khoa học dữ liệu, đặc biệt là chuyên gia phân tích dữ liệu có trình độ cao để thực hiện công tác phát triển, tổng hợp và khai thác, phân tích dữ liệu tổng thể, đa chiều, khách quan,...
- Từ năm 2026, triển khai công tác lập các báo cáo dự báo tham mưu cho Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương phục vụ công tác quản lý, điều hành thông qua dữ liệu. Thực hiện cung cấp một số dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở quan trọng đáp ứng nhu cầu sử dụng cho người dân, doanh nghiệp và đối tác nước ngoài khai thác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
- Đến năm 2030, trên 90% các hoạt động hành chính trao đổi, phối hợp cung cấp thông tin giữa các cơ quan nhà nước được thay thế bằng chia sẻ dữ liệu số từ các kho dữ liệu tổng hợp trong Trung tâm dữ liệu quốc gia.
d) Về hạ tầng, thiết bị công nghệ thông tin
- Đến hết 2025, hoàn thành cơ bản việc xây dựng hạ tầng nhà trạm của Trung tâm dữ liệu quốc gia tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của quốc tế về trung tâm dữ liệu, về an toàn thông tin, bảo đảm độ sẵn sàng của hệ thống, hạ tầng công nghệ hiện đại, đồng bộ. Chủ động triển khai nền tảng điện toán đám mây trong Trung tâm dữ liệu quốc gia, liên tục cập nhật theo xu thế công nghệ mới nhất, tránh lãng phí, đáp ứng mục tiêu của cuộc cách mạng 4.0.
- Từ năm 2026, thực hiện cung cấp hạ tầng nhà trạm (nguồn điện, điều hòa, bảo đảm phòng cháy chữa cháy...) và chỗ đặt trang thiết bị công nghệ thông tin theo tiêu chuẩn Trung tâm dữ liệu ANSI/TIA-942 tối thiểu Tier 3 hoặc tương đương cho các bộ, ngành và địa phương (có nhu cầu) nhằm bảo đảm tính đồng bộ trong bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Đồng thời, tăng cường các yếu tố về an ninh, quốc phòng trong việc bảo đảm tính bí mật, an ninh trật tự cả trong và xung quanh khu vực Trung tâm dữ liệu quốc gia; bảo đảm cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin (tài nguyên hệ thống) cho các cơ sở dữ liệu quốc gia; các bộ, ngành, địa phương (có nhu cầu) và 100% các tổ chức chính trị - xã hội sử dụng; tích hợp với hạ tầng công nghệ thông tin có sẵn của các đơn vị để thống nhất, đồng bộ trong công tác vận hành, quản trị và bảo đảm an ninh, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.
- Đến năm 2030, cơ bản các hệ thống thông tin của bộ, ngành, địa phương (có nhu cầu) được quản lý, lưu trữ ở Trung tâm dữ liệu quốc gia (trừ các hệ thống phục vụ quốc phòng, an ninh, các hệ thống chuyên ngành đặc thù khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định).
đ) Về cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính
Tham gia và đóng góp quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu cải cách hành chính và phát triển Chính phủ số Việt Nam, như: bảo đảm 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính, giấy tờ do cơ quan nhà nước ban hành được lưu trữ trong kho dữ liệu số của các cơ quan nhà nước, được chia sẻ và sử dụng lại trong các thủ tục hành chính, hoạt động hành chính và sử dụng thay thế hoàn toàn bản giấy. 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương. Đến năm 2025, tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến, người dân, tổ chức và đơn vị chỉ phải nhập dữ liệu một lần. Cắt giảm tối thiểu 20% thành phần hồ sơ thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước so với hiện nay. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 90%. Đến năm 2030, 90% số lượng người dân, doanh nghiệp tham gia hệ thống Chính phủ điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 95%.
e) Về phát triển Chính phủ điện tử
Đến năm 2025, Việt Nam thuộc nhóm: 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI); 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI); 40 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI).
Đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm: 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI); 30 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI); 30 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI).
g) Về phát triển kinh tế - xã hội
Phát triển thêm các lĩnh vực, ngành nghề kinh tế mới dựa trên dữ liệu và đóng góp vào tăng trưởng tỷ trọng kinh tế số trong Tổng sản phẩm trong nước (GDP) theo mục tiêu quốc gia “Đến năm 2025, kinh tế số Việt Nam đạt khoảng 20% GDP, đưa Việt Nam vươn lên đứng thứ hai về kinh tế số ở Đông Nam Á. Đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP”. Tham gia quan trọng vào phát triển nền kinh tế dữ liệu, bảo đảm mục tiêu kinh tế dữ liệu đóng góp vào GDP đất nước.
IV. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI TRIỂN KHAI
1. Đối tượng sử dụng dịch vụ của Trung tâm dữ liệu quốc gia
a) Đối với các bộ, ban, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội: Các hệ thống sử dụng hạ tầng nhà trạm, hạ tầng công nghệ thông tin tại vùng dùng chung của Trung tâm dữ liệu quốc gia, gồm:
- Kho dữ liệu dùng chung, kho dữ liệu mở được đồng bộ từ kho dữ liệu tổng hợp tại vùng chuyên dụng.
- Các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.
- Các hệ thống của cơ quan, tổ chức khối Đảng, Quốc hội, tổ chức chính trị - xã hội.
- Các hệ thống của cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc cơ quan nhà nước có nhu cầu sử dụng hạ tầng nhà trạm, hạ tầng công nghệ thông tin tại Trung tâm dữ liệu quốc gia.
b) Đối với người dân và doanh nghiệp
Người dân và doanh nghiệp thực hiện cung cấp và khai thác dữ liệu thông tin của mình và dữ liệu trong kho dữ liệu mở tại vùng dùng chung của Trung tâm dữ liệu quốc gia theo quy định của pháp luật.
2. Phạm vi triển khai
a) Phạm vi xây dựng hạ tầng nhà trạm Trung tâm dữ liệu quốc gia
- Bộ Công an đầu tư, xây dựng các tòa nhà, hạ tầng dùng chung của các Trung tâm dữ liệu quốc gia với lộ trình xây dựng dự kiến theo từng giai đoạn trong Nghị quyết (mỗi Trung tâm dữ liệu quốc gia bao gồm tòa Trung tâm dữ liệu cho vùng chuyên dụng, tòa Trung tâm dữ liệu cho vùng dùng chung, các hạng mục dùng chung như hạ tầng cơ bản, các tòa nhà làm việc, hệ thống điện, đường truyền, các lớp an ninh vật lý).
- Đối với các cơ quan, đơn vị đã có hạ tầng nhà trạm vẫn đang bảo đảm theo tiêu chuẩn (tiêu chuẩn TIA-942 hoặc Uptime Tier-3, Trung tâm dữ liệu hạng III - TCVN 9250:2021) tiếp tục quản trị, vận hành trung tâm dữ liệu do mình xây dựng; tuy nhiên, cần phối hợp Trung tâm dữ liệu quốc gia và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá việc đầu tư nâng cấp hạ tầng nhà trạm phù hợp với lộ trình chuyển hệ thống, thiết bị, giải pháp công nghệ thông tin của đơn vị về Trung tâm dữ liệu quốc gia và dừng việc bảo trì, nâng cấp hạ tầng nhà trạm trung tâm dữ liệu.
- Đối với các cơ quan, đơn vị có hạ tầng nhà trạm không bảo đảm theo tiêu chuẩn thực hiện duy trì hệ thống và phối hợp với Trung tâm dữ liệu quốc gia, các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá việc đầu tư phục vụ duy trì hạ tầng nhà trạm trung tâm dữ liệu phù hợp với lộ trình triển khai các Trung tâm dữ liệu quốc gia và thời gian hết khấu hao của các thiết bị, giải pháp phục vụ vận hành hạ tầng nhà trạm.
- Đối với các cơ quan, đơn vị chưa có hạ tầng nhà trạm (đang đi thuê chỗ đặt hệ thống) thì căn cứ theo đối tượng sử dụng dịch vụ của Trung tâm dữ liệu quốc gia để xây dựng phương án đặt hệ thống thông tin tại Trung tâm dữ liệu quốc gia hoặc tiếp tục thuê của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hạn chế tối đa việc xây dựng mới các Trung tâm dữ liệu riêng của từng đơn vị (trừ Trung tâm dữ liệu phục vụ công tác quốc phòng, an ninh).
b) Phạm vi đầu tư hệ thống, trang thiết bị, giải pháp công nghệ thông tin
- Trung tâm dữ liệu quốc gia thực hiện đầu tư toàn bộ hạ tầng nhà trạm, hạ tầng công nghệ thông tin của vùng chuyên dụng; đầu tư, triển khai các giải pháp hạ tầng công nghệ thông tin, bảo đảm an ninh an toàn, hệ thống nền tảng điện toán đám mây, hệ thống tính toán hiệu năng cao... của vùng dùng chung (Các cơ quan, đơn vị có thể đầu tư các thiết bị, giải pháp theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Trung tâm dữ liệu quốc gia để tích hợp vào nền tảng điện toán đám mây dùng chung để triển khai hệ thống của mình theo nhu cầu).
- Các cơ quan, đơn vị thuộc đối tượng sử dụng:
+ Các cơ quan, đơn vị đã đầu tư hệ thống hoặc đã được phê duyệt thiết kế chi tiết và dự toán: Tiếp tục quản trị vận hành, nâng cấp hệ thống theo nhu cầu. Trong quá trình chuyển hệ thống, thiết bị, giải pháp về Trung tâm dữ liệu quốc gia hoặc tích hợp vào Nền tảng điện toán đám mây tại Trung tâm dữ liệu quốc gia cần phối hợp Trung tâm dữ liệu quốc gia và các cơ quan liên quan đánh giá việc đầu tư bảo đảm phù hợp với lộ trình triển khai Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia và thời gian hết khấu hao của các thiết bị, giải pháp, bảo đảm có thể kế thừa, tận dụng tối đa.
+ Các cơ quan, đơn vị chưa đầu tư hệ thống hoặc đang đi thuê hạ tầng của doanh nghiệp: Căn cứ theo hướng dẫn, quy chuẩn kỹ thuật của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an (Trung tâm dữ liệu quốc gia), các cơ quan, đơn vị đầu tư thiết bị, giải pháp và tích hợp vào Nền tảng điện toán đám mây tại Trung tâm dữ liệu quốc gia để xây dựng, phát triển hệ thống của đơn vị mình.
- Đối với các cơ quan, đơn vị không thuộc đối tượng sử dụng: Các cơ quan, đơn vị vẫn tiếp tục thực hiện các thủ tục đầu tư, mua sắm thiết bị, giải pháp công nghệ hoặc thuê hạ tầng công nghệ thông tin của doanh nghiệp theo các quy định hiện hành.
c) Phạm vi lưu trữ dữ liệu
- Trung tâm dữ liệu quốc gia lưu trữ dữ liệu được tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia; đồng thời lưu trữ dữ liệu thông tin liên quan đến con người từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương, dữ liệu khác do các cơ quan, tổ chức, cá nhân đồng bộ về theo quy định của pháp luật để xây dựng các kho dữ liệu dùng chung (không bao gồm các dữ liệu thuộc lĩnh vực quân sự, quốc phòng) nhằm tạo khu vực tin cậy cho các đơn vị khai thác theo chức năng nhiệm vụ. Từ đó, các đơn vị cũng có thể tra cứu các thông tin khác từ kho dữ liệu dùng chung, kho dữ liệu mở cũng như các kết quả sau khi tổng hợp, phân tích,... do Trung tâm dữ liệu quốc gia cung cấp để đánh giá, kịp thời đưa ra các chính sách, quyết định phù hợp, chính xác.
- Dữ liệu về con người bao gồm tối thiểu các thành phần:
+ Dữ liệu định danh cá nhân công dân bao gồm dữ liệu từ các loại giấy tờ tùy thân; thông tin cá nhân (địa chỉ, ngày, tháng, năm sinh); dữ liệu y tế; dữ liệu sinh trắc; dữ liệu ADN; dữ liệu việc làm, dữ liệu học bạ... theo quy định của pháp luật.
+ Dữ liệu được thu thập từ kết quả tổng hợp, phân tích và khai thác dữ liệu của công dân.
- Dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương vẫn được lưu trữ, xử lý tại hệ thống Trung tâm dữ liệu của các bộ, ngành và địa phương theo yêu cầu riêng, phục vụ các mặt công tác quản lý nhà nước của các đơn vị.
d) Phạm vi quản lý
- Về dữ liệu:
+ Trung tâm dữ liệu quốc gia quản lý và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin đối với các dữ liệu thông tin đã được đồng bộ về vùng chuyên dụng và kho dữ liệu dùng chung, kho dữ liệu mở tại vùng dùng chung; đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong quá trình tích hợp, chia sẻ dữ liệu tại vùng dùng chung của Trung tâm dữ liệu quốc gia.
+ Các bộ, ban, ngành, địa phương và tổ chức chính trị xã hội tiếp tục thực hiện việc quản lý cơ sở dữ liệu trong hệ thống của đơn vị mình, phối hợp với Trung tâm dữ liệu quốc gia bảo đảm an ninh an toàn thông tin hệ thống, bảo mật dữ liệu tại đơn vị trong quá trình đồng bộ dữ liệu với Trung tâm dữ liệu quốc gia.
- Về quản trị vận hành hệ thống:
+ Trung tâm dữ liệu quốc gia chịu trách nhiệm quản trị toàn bộ hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu của vùng chuyên dụng và các hạng mục dùng chung như hạ tầng cơ bản, các tòa nhà làm việc, hệ thống điện, đường truyền, các lớp an ninh vật lý cho Trung tâm dữ liệu quốc gia; thực hiện công tác vận hành hạ tầng công nghệ thông tin, bảo đảm an ninh an toàn, hệ thống nền tảng điện toán đám mây, hệ thống tính toán hiệu năng cao... của vùng dùng chung.
+ Các đơn vị tiếp tục quản lý và vận hành, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin hệ thống đối với các hệ thống chỉ đặt chỗ tại Trung tâm dữ liệu quốc gia.
+ Các đơn vị sử dụng tài nguyên của hạ tầng điện toán đám mây do Trung tâm dữ liệu quốc gia cung cấp thực hiện quản trị từ xa hoặc quản trị tại Trung tâm dữ liệu quốc gia, đồng thời thống nhất về trách nhiệm quản lý, vận hành các thành phần hệ thống thông tin theo nhu cầu của các đơn vị (mạng, đường truyền, hệ thống bảo mật, máy chủ, phần mềm), ưu tiên các cơ quan, đơn vị tự quản trị, vận hành hệ thống lõi công nghệ thông tin của mình.
1. Về xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý
a) Rà soát văn bản pháp luật
Rà soát, tổng hợp, đánh giá, đề xuất sửa đổi các luật có quy định liên quan đến cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương.
- Đơn vị chủ trì: Bộ Công an.
- Thời gian thực hiện: Trong năm 2023, 2024.
b) Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 01/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an để bổ sung Trung tâm dữ liệu quốc gia là đơn vị tương đương cấp Cục thuộc Bộ Công an.
- Đơn vị chủ trì: Bộ Công an.
- Thời gian hoàn thành: Trong năm 2024.
c) Tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050
- Đơn vị chủ trì: Bộ Thông tin và Truyền thông.
- Thời gian thực hiện: Quý IV năm 2023.
d) Tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định quy định danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia, việc xây dựng, cập nhật, duy trì và khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia.
- Đơn vị chủ trì: Bộ Thông tin và Truyền thông.
- Thời gian thực hiện: Quý IV năm 2023.
2. Về xây dựng, vận hành Trung tâm dữ liệu quốc gia
a) Xây dựng hạ tầng vận hành Trung tâm dữ liệu quốc gia đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
- Đơn vị chủ trì: Bộ Công an.
- Thời gian thực hiện: Theo lộ trình triển khai Đề án, đối với Trung tâm dữ liệu quốc gia số 1 hoàn thành trong năm 2025.
b) Hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin của Trung tâm dữ liệu quốc gia gồm xây dựng và triển khai Nền tảng điện toán đám mây; Kho dữ liệu tổng hợp; Hệ thống phân tích dữ liệu phục vụ công tác quản lý; Hệ thống dịch vụ dữ liệu chuyên ngành và hệ thống quản lý khai thác dữ liệu chuyên ngành.
- Đơn vị chủ trì: Bộ Công an.
- Thời gian thực hiện: Theo lộ trình triển khai Đề án, đối với Trung tâm dữ liệu quốc gia số 1 hoàn thành trước năm 2025.
c) Bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong quá trình xây dựng, triển khai, quản trị, vận hành hệ thống.
- Đơn vị chủ trì: Bộ Công an.
- Thời gian thực hiện: Thực hiện thường xuyên.
d) Chuyển đổi các hệ thống thông tin từ các bộ, ngành, địa phương về Trung tâm dữ liệu quốc gia.
- Đơn vị chủ trì: Bộ, ngành, địa phương là chủ quản cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu.
- Thời gian thực hiện: Theo lộ trình triển khai Đề án.
đ) Tích hợp, đồng bộ dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương về Trung tâm dữ liệu quốc gia.
- Đơn vị chủ trì: Bộ, ngành, địa phương là chủ quản cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu.
- Thời gian thực hiện: Theo lộ trình triển khai Đề án.
3. Về bảo đảm các điều kiện quản lý, vận hành Trung tâm dữ liệu quốc gia
a) Xây dựng mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và bố trí nhân sự cho đơn vị cấp Cục thuộc Bộ Công an để quản lý và vận hành Trung tâm dữ liệu quốc gia.
- Đơn vị chủ trì: Bộ Công an.
- Thời gian hoàn thành: Trong năm 2024.
b) Đào tạo, tập huấn, bảo đảm nguồn nhân lực phục vụ quản trị, vận hành Trung tâm dữ liệu quốc gia.
- Đơn vị chủ trì: Bộ Công an.
- Thời gian thực hiện: Theo lộ trình triển khai Đề án.
1. Giải pháp về cơ chế, chính sách
- Thực hiện ngay các công việc tổng hợp đưa vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh để bảo đảm cơ sở pháp lý triển khai Đề án (Nhóm nhiệm vụ xây dựng hoàn thiện cơ sở pháp lý).
- Hoàn thiện cơ chế chính sách để triển khai sớm việc thu hút nhân sự, đặc biệt là các chuyên gia trình độ cao, phục vụ quá trình triển khai Đề án ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
- Đẩy nhanh việc hoàn thiện và triển khai các Dự án thành phần thuộc Đề án. Tiến hành rà soát, đánh giá, cập nhật và ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ các đơn vị khai thác sử dụng các dịch vụ của Trung tâm dữ liệu quốc gia...
- Rà soát, cập nhật thường xuyên các quy định về vận hành, khai thác, sử dụng dịch vụ của Trung tâm dữ liệu quốc gia và việc cập nhật, đồng bộ dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu chuyên ngành về Trung tâm dữ liệu quốc gia bảo đảm yêu cầu: đúng, đủ, sạch, sống và các quy định về bảo đảm an toàn thông tin.
- Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy người dân và doanh nghiệp sử dụng hiệu quả dịch vụ dữ liệu của Trung tâm dữ liệu quốc gia để phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
- Tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc triển khai thực hiện Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia.
2. Giải pháp về bảo đảm nhân lực
a) Bảo đảm số lượng nhân lực
- Điều động cán bộ cho Trung tâm dữ liệu quốc gia từ các nguồn chính: Công an các đơn vị địa phương, học viên các Học viện Công an nhân dân.
- Triển khai ngay việc thu hút, tuyển chọn công dân vào Công an nhân dân và phát triển nguồn nhân lực chuyên môn cao về khoa học dữ liệu, quản trị, vận hành các thành phần của hệ thống.
- Triển khai cơ chế hỗ trợ và kêu gọi các cơ sở giáo dục đại học, các đơn vị công nghệ thông tin trong nước và quốc tế thực hiện công việc đào tạo và phát triển nhân lực khoa học dữ liệu trong nước để phát triển các lĩnh vực liên quan đến dữ liệu về con người và khai thác dữ liệu mở góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
- Nghiên cứu, xây dựng phương án thuê dịch vụ vận hành chuyên nghiệp của các doanh nghiệp, bảo đảm chất lượng dịch vụ và an ninh, an toàn hệ thống.
b) Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực
Xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo chi tiết cho các cán bộ của Trung tâm dữ liệu quốc gia. Phát triển các hình thức liên kết đào tạo nhằm đáp ứng tốt nhu cầu và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trước mắt, chú trọng tổ chức các hội thảo chuyên đề nhằm tăng cường năng lực triển khai hiệu quả các Dự án thành phần của Đề án. Huy động sớm các đơn vị, doanh nghiệp công nghệ trong công an nhân dân tham gia sâu hơn vào thực hiện các nhiệm vụ của Đề án nhằm tận dụng các nguồn lực về công nghệ, nhân sự chuyên môn cao, hạ tầng kỹ thuật dịch vụ,.... của các đơn vị để đẩy nhanh hơn quá trình triển khai Đề án.
c) Chế độ, chính sách đãi ngộ
Lĩnh vực công nghệ thông tin là lĩnh vực có tính chất đặc thù, đòi hỏi độ khó cao trong xử lý công tác chuyên môn, thị trường lao động luôn sẵn sàng đáp ứng mức thu nhập rất cao đối với nhóm lao động đặc biệt này. Do đó để cạnh tranh với thị trường lao động, thu hút được các chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin tham gia vào triển khai các hoạt động của Trung tâm dữ liệu quốc gia, xem xét cho áp dụng các cơ chế chính sách nêu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII: “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên được giao hằng năm để thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và quyết định mức chi trả thu nhập tương xứng với nhiệm vụ được giao”.
Ngoài ra, đề xuất cơ chế được sử dụng nguồn thu phí, lệ phí và nguồn thu sự nghiệp để hỗ trợ chi trả chế độ bồi dưỡng chính sách cho cán bộ Trung tâm dữ liệu quốc gia theo quy định của pháp luật.
3. Giải pháp về khoa học và công nghệ
- Ưu tiên đầu tư cho các dự án nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ khai thác dữ liệu, các ứng dụng khai phá, thu thập dữ liệu... như phát triển các mô hình phân tích dự báo sử dụng dữ liệu về con người phục vụ công tác quản lý xã hội chuyên ngành và xây dựng kho dữ liệu mở; ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ mới trong khai phá thu thập và thực hiện tính toán phân tích các dữ liệu về con người trong kho dữ liệu tổng hợp.
- Triển khai áp dụng thống nhất các tiêu chuẩn về phát triển dữ liệu trong các cơ quan nhà nước. Yêu cầu đẩy mạnh sử dụng công nghệ điện toán đám mây trong ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tại các cơ quan nhà nước.
- Khuyến khích mọi hình thức hợp tác khoa học công nghệ với các tổ chức, trong và ngoài nước thực hiện việc chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến trong lĩnh vực liên quan. Huy động năng lực của các doanh nghiệp công an nhân dân cùng tham gia nghiên cứu phát triển và làm chủ các công nghệ lõi, như: nền tảng điện toán đám mây, cơ sở dữ liệu lớn, phần mềm trung gian, điện toán và lưu trữ phân tán, mô hình lưu thông dữ liệu,...
- Khuyến khích sử dụng các phần mềm, giải pháp, thiết bị là sản phẩm của các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, do các học viện, trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp Việt Nam phát triển và thiết kế, trong việc xây dựng hạ tầng lưu trữ, phân tích, chia sẻ dữ liệu: nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; các hệ thống ứng dụng hỗ trợ, phục vụ chỉ đạo, điều hành; các ứng dụng và giải pháp theo dõi, giám sát và điều phối toàn bộ quá trình kết nối, chia sẻ dữ liệu.
4. Giải pháp về huy động vốn và phân bổ vốn đầu tư
Nguồn vốn thực hiện Đề án bao gồm nguồn ngân sách nhà nước (đầu tư phát triển, kinh phí thường xuyên) theo phân cấp hiện hành, các nguồn huy động hợp pháp khác, để thực hiện các công việc:
- Đầu tư xây dựng công trình và mua sắm trang thiết bị, phần mềm, cơ sở dữ liệu của Trung tâm.
- Đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ, chiến sĩ.
- Ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật.
- Công tác chuẩn bị đầu tư (khảo sát, hội thảo, thuê tư vấn, chuyên gia,...); lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án.
- Quản lý, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng, duy tu, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị trong quá trình khai thác sử dụng.
- Chi bồi dưỡng, chính sách đãi ngộ cho cán bộ, chiến sĩ.
Ngoài ra, thực hiện kêu gọi các doanh nghiệp đồng hành, san sẻ kinh phí trong đào tạo và thu hút nhân sự chất lượng cao phục vụ công tác vận hành và làm chủ công nghệ.
5. Giải pháp về bảo đảm kết nối mạng truyền dẫn thông suốt giữa Trung tâm dữ liệu quốc gia và các bộ, ngành và địa phương
Căn cứ hiện trạng và nhu cầu kết nối của các đơn vị, việc kết nối giữa Trung tâm dữ liệu quốc gia và các bộ, ngành và địa phương có thể được linh hoạt triển khai trên:
- Hạ tầng mạng WAN (mạng chuyên dụng) hiện tại của mỗi đơn vị: Trung tâm dữ liệu quốc gia sẽ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương bổ sung kết nối đường truyền mạng WAN của các đơn vị tới hạ tầng công nghệ thông tin của các đơn vị tại Trung tâm dữ liệu quốc gia.
- Hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng: Bộ Công an sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn thực hiện cho các đơn vị liên quan, bảo đảm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ triển khai Đề án.
- Hạ tầng mạng Internet của Trung tâm dữ liệu quốc gia.
6. Giải pháp về hợp tác quốc tế
- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khoa học dữ liệu gắn với các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực khoa học dữ liệu quốc gia và cho Trung tâm dữ liệu quốc gia.
- Tăng cường việc liên kết về đào tạo nguồn lực khoa học dữ liệu giữa các trường Đại học, Cao đẳng, các doanh nghiệp với các trường Đại học lớn, các Viện nghiên cứu, các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước để phát triển nguồn lực chất lượng cao cho lĩnh vực khoa học dữ liệu.
- Khảo sát, nghiên cứu kinh nghiệm phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia của các nước tiên tiến; tổ chức hoặc đăng cai tổ chức các triển lãm, hội nghị, hội thảo quốc gia và quốc tế về phát triển ngành khoa học dữ liệu quốc gia.
- Tăng cường triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư cho lĩnh vực khai thác dữ liệu mở để góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội.
Để bảo đảm đề án thực hiện được hiệu quả, quá trình thực hiện đề án sẽ được chia thành 3 giai đoạn triển khai cụ thể:
1. Giai đoạn 1 từ năm 2023 đến hết năm 2025 (Giai đoạn xây dựng cơ sở)
a) Xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý
- Nghiên cứu đề xuất ban hành, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật trình cấp có thẩm quyền thông qua nhằm tạo các cơ sở pháp lý cho việc triển khai Đề án.
- Trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quyết định hướng dẫn về quản trị, vận hành, duy trì Trung tâm dữ liệu quốc gia; các tiêu chuẩn lưu trữ, kết nối, đồng bộ, khai thác, chia sẻ dữ liệu, phần mềm tại Trung tâm dữ liệu quốc gia.
b) Phát triển nhân lực
- Hoàn thiện xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt cơ cấu tổ chức nhân sự đơn vị quản lý, vận hành và phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia.
- Hình thành bộ khung tổ chức và tuyển dụng một số chuyên gia để thực hiện ngay các công việc quản lý dự án và nghiên cứu ứng dụng công nghệ dữ liệu phục vụ triển khai Đề án.
- Triển khai đào tạo nhân lực phục vụ triển khai Đề án và xây dựng phương án phối hợp với doanh nghiệp để thực hiện quản trị, vận hành hệ thống.
c) Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật Trung tâm dữ liệu
- Trong năm 2023 - 2024: Hoàn thiện trình và phê duyệt đầu tư 02 Dự án thành phần của Đề án bao gồm dự án xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia số 01, dự án Công nghệ thông tin cho Trung tâm dữ liệu quốc gia số 01.
- Trong năm 2024 - 2025: (1) Triển khai các dự án bao gồm xây dựng cơ bản và đưa vào khai thác các cấu phần chính của Trung tâm dữ liệu quốc gia số 1 (Trung tâm dữ liệu cho vùng dùng chung, Trung tâm dữ liệu cho vùng chuyên dụng, các tòa nhà làm việc và các công trình phụ trợ khác); (2) Mua sắm, lắp đặt các giải pháp, thiết bị công nghệ thông tin để xây dựng các hệ thống; (3) Bổ sung thiết bị công nghệ, giải pháp cần thiết để xây dựng hệ thống dự phòng đặt tại Trung tâm dữ liệu quốc gia về Dân cư, Trung tâm dữ liệu bảo đảm tiêu chuẩn của các bộ, ngành, địa phương trong giai đoạn chờ đầu tư, xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia số 02.
- Năm 2025, triển khai và hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư 02 Dự án bao gồm dự án xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia số 02, dự án Công nghệ thông tin cho Trung tâm dữ liệu quốc gia số 02 và phấn đấu bắt đầu xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia số 02 từ Quý I năm 2026.
d) Phát triển các cơ sở dữ liệu bao gồm 03 đối tượng thực hiện:
- Trung tâm dữ liệu quốc gia thực hiện giai đoạn đầu phát triển kho dữ liệu tổng hợp, kho dữ liệu về con người với dữ liệu được tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương trong các lĩnh vực xã hội; từng bước hình thành kho dữ liệu dùng chung và kho dữ liệu mở.
- Các bộ, ngành, địa phương: chuẩn hóa dữ liệu theo các hướng dẫn của Bộ Công an (Trung tâm dữ liệu quốc gia); nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia và thực hiện tích hợp, đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương về Trung tâm dữ liệu quốc gia để từng bước hình thành kho dữ liệu tổng hợp, kho dữ liệu dùng chung khác của Chính phủ (tùy theo điều kiện, hiện trạng thực tế của các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương).
- Các tổ chức chính trị - xã hội triển khai các cơ sở dữ liệu của đơn vị tại Trung tâm dữ liệu quốc gia.
đ) Cung cấp dịch vụ
- Từ Quý III năm 2025, Trung tâm dữ liệu quốc gia bắt đầu thực hiện: (1) Cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin cho các cơ sở dữ liệu quốc gia, các cơ quan khối Đảng, Quốc hội, tổ chức chính trị - xã hội; các cơ quan, đơn vị có nhu cầu đặt tại Trung tâm dữ liệu quốc gia; phối hợp các cơ quan, đơn vị xây dựng phương án và hoàn thành việc chuyển các hệ thống chính (hoặc dự phòng) của các đơn vị về Trung tâm dữ liệu quốc gia số 01; (2) Cung cấp dịch vụ phân phối, chia sẻ dữ liệu từ kho dữ liệu dùng chung cho các bộ, ngành, địa phương; (3) Cung cấp dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
- Các bộ quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ quan khối Đảng, Quốc hội, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện: (1) Phối hợp với Trung tâm dữ liệu quốc gia xây dựng và triển khai phương án di chuyển hệ thống thông tin bảo đảm an ninh, an toàn đơn vị có nhu cầu chuyển hệ thống công nghệ thông tin có sẵn về Trung tâm dữ liệu quốc gia (hoàn thành trong Quý IV năm 2025); (2) Chủ động thực hiện bố trí kinh phí thực hiện việc di chuyển hệ thống theo các phương án triển khai; (3) Đồng bộ dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu liên quan đến con người về Trung tâm dữ liệu quốc gia.
2. Giai đoạn 2 từ năm 2026 đến hết năm 2028 (Giai đoạn mở rộng)
a) Xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý:
Tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc triển khai thu thập phát triển dữ liệu và cung cấp dịch vụ của Trung tâm dữ liệu quốc gia.
b) Phát triển nhân lực:
Hoàn thiện mô hình và cơ cấu tổ chức đơn vị quản lý và vận hành Trung tâm dữ liệu quốc gia. Đẩy mạnh công tác đào tạo và tuyển dụng để chủ động trong công tác quản trị, vận hành các hệ thống; tập trung việc thuê chuyên gia, nhân sự bên ngoài phục vụ công tác sản xuất, nghiên cứu phát triển ứng dụng.
c) Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật Trung tâm dữ liệu
- Trung tâm dữ liệu quốc gia thực hiện:
+ Trong năm 2026 - 2027: (1) Xây dựng và lắp đặt thiết bị, hệ thống tại Trung tâm dữ liệu quốc gia số 02 (quy mô tương tự Trung tâm dữ liệu quốc gia số 01) để bảo đảm tính dự phòng, năng lực xử lý, chất lượng đường truyền và tối ưu nguồn nhân lực, tăng cường tính sẵn sàng; (2) Hoàn thiện xây dựng và bổ sung năng lực hạ tầng theo nhu cầu cho Trung tâm xử lý dữ liệu số 01 tại Hòa Lạc; (3) Triển khai dự án chuyển thiết bị phục vụ dự phòng Trung tâm dữ liệu quốc gia Hòa Lạc đang đặt tại Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Trung tâm dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương sang Trung tâm dữ liệu quốc gia số 02, bổ sung tài nguyên cho Trung tâm dữ liệu quốc gia số 02 phù hợp với nhu cầu sử dụng và bảo đảm tính dự phòng 100% cho các hệ thống triển khai tại Trung tâm dữ liệu quốc gia số 01 và Trung tâm dữ liệu quốc gia số 02.
+ Trong năm 2028: triển khai và hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư 02 Dự án bao gồm dự án xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia số 03, dự án Công nghệ thông tin cho Trung tâm dữ liệu quốc gia số 03 và phấn đấu bắt đầu xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia số 03 từ Quý I năm 2029.
- Các bộ, ban, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện: (1) Đầu tư thiết bị, giải pháp và tích hợp vào các hệ thống hạ tầng kỹ thuật và công nghệ tại Trung tâm dữ liệu quốc gia để xây dựng, phát triển hệ thống thông tin của đơn vị mình căn cứ theo hướng dẫn, tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ Công an (Trung tâm dữ liệu quốc gia) chủ trì phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành cho Trung tâm dữ liệu quốc gia. Các đơn vị bố trí kinh phí triển khai và tích hợp với hệ thống của Trung tâm dữ liệu quốc gia (đối với đơn vị có nhu cầu); (2) Chuyển hệ thống còn lại (chính hoặc dự phòng) của các cơ quan, đơn vị về Trung tâm dữ liệu quốc gia số 02 để bảo đảm yêu cầu về dự phòng.
d) Phát triển các cơ sở dữ liệu:
- Trung tâm dữ liệu quốc gia thực hiện: (1) Mở rộng phát triển kho dữ liệu về con người với dữ liệu được tổng hợp tối thiểu từ các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành: Tài nguyên - môi trường, Kế hoạch đầu tư,.... (2) Tích hợp, đồng bộ dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành về Trung tâm dữ liệu quốc gia, thực hiện tổng hợp thành các kho dữ liệu dùng chung, kho dữ liệu mở theo quy hoạch/chiến lược; (3) Triển khai mở rộng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các tổ chức chính trị - xã hội tại Trung tâm dữ liệu quốc gia.
- Các bộ, ban, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội khẩn trương xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, tiếp tục phát triển, mở rộng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các tổ chức, đơn vị mình và bảo đảm tích hợp duy trì đồng bộ liên tục với Trung tâm dữ liệu quốc gia.
đ) Cung cấp dịch vụ:
- Trung tâm dữ liệu quốc gia thực hiện: (1) Mở rộng cung cấp dịch vụ hạ tầng nhà trạm và dịch vụ hạ tầng công nghệ thông tin (bao gồm cả Trung tâm dữ liệu chính và Trung tâm dữ liệu dự phòng) cho các bộ, ngành, địa phương có nhu cầu; (2) Mở rộng dịch vụ cung cấp dịch vụ hạ tầng phục vụ triển khai các hệ thống thông tin chuyên ngành của các cơ quan khối Đảng, Quốc hội, tổ chức chính trị - xã hội; (3) Mở rộng cung cấp dịch vụ phân phối, chia sẻ dữ liệu từ kho dữ liệu dùng chung cho các bộ, ngành, địa phương; (4) Mở rộng dịch vụ cung cấp dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và (5) Thí điểm cung cấp một số dịch vụ điện toán đám mây theo mô hình PaaS/SaaS (dịch vụ nền tảng/dịch vụ phần mềm) cho các đơn vị có nhu cầu.
- Các bộ, ban, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tùy theo nhu cầu và điều kiện phát triển thực hiện tăng cường và mở rộng phạm vi sử dụng các dịch vụ của Trung tâm dữ liệu quốc gia cung cấp.
3. Giai đoạn 3 (từ năm 2029 đến hết năm 2030): Giai đoạn phát triển
a) Xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý: Đánh giá và rà soát hoàn thiện các cơ sở pháp lý (nếu có) cho việc triển khai thu thập phát triển dữ liệu, cung cấp dịch vụ của Trung tâm dữ liệu quốc gia.
b) Củng cố và phát triển nhân lực: Tiếp tục củng cố và hoàn thiện thêm tổ chức đơn vị quản lý, vận hành Trung tâm dữ liệu quốc gia. Thực hiện tuyển dụng và liên kết đào tạo bổ sung nhân sự phục vụ hoạt động của Trung tâm dữ liệu quốc gia. Triển khai liên kết với các cơ sở nghiên cứu ứng dụng và phát triển các công nghệ khai thác dữ liệu lớn.
c) Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật Trung tâm dữ liệu:
- Trung tâm dữ liệu quốc gia thực hiện: (1) Triển khai bổ sung tài nguyên cho các Trung tâm dữ liệu quốc gia số 01 và 02 theo nhu cầu mở rộng sử dụng của các bộ, ngành, địa phương và của Trung tâm; (2) Xây dựng và lắp đặt thiết bị, hệ thống tại Trung tâm dữ liệu quốc gia số 03.
- Các bộ, ban, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục thực hiện triển khai đầu tư theo quy định.
d) Phát triển các cơ sở dữ liệu:
- Trung tâm dữ liệu quốc gia thực hiện: (1) Tiếp tục triển khai mở rộng phát triển kho dữ liệu về con người với dữ liệu được tổng hợp từ 100% các cơ sở dữ liệu quốc gia được xây dựng; (2) Tích hợp, đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành về Trung tâm dữ liệu quốc gia. Thực hiện tổng hợp thành các kho dữ liệu dùng chung, kho dữ liệu mở theo quy hoạch/chiến lược.
- Các bộ, ban, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phát triển, mở rộng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các tổ chức, đơn vị mình để tích hợp, đồng bộ với Trung tâm dữ liệu quốc gia.
đ) Cung cấp dịch vụ:
- Trung tâm dữ liệu quốc gia thực hiện mở rộng : (1) Cung cấp dịch vụ hạ tầng và tài nguyên cho 100% hệ thống thông tin của các bộ, ngành và địa phương có nhu cầu; (2) Dịch vụ cung cấp phục vụ triển khai cho 100% các hệ thống thông tin chuyên ngành của các tổ chức chính trị - xã hội; (3) Cung cấp một số dịch vụ điện toán đám mây theo mô hình PaaS/SaaS (dịch vụ nền tảng/dịch vụ phần mềm) cho các đơn vị có nhu cầu; (4) Kho dữ liệu dùng chung, kho dữ liệu mở và phát triển thêm dịch vụ tiện ích.
- Các bộ, ban, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tăng cường và mở rộng phạm vi sử dụng các dịch vụ của Trung tâm dữ liệu quốc gia cung cấp theo nhu cầu.
1. Kinh phí thực hiện Đề án được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
3. Khuyến khích việc huy động theo quy định của pháp luật các nguồn kinh phí ngoài ngân sách trung ương để triển khai Đề án.
1. Trách nhiệm Tổ công tác triển khai Đề án 06:
a) Chỉ đạo tổ chức xây dựng, triển khai thực hiện Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia và các Dự án thành phần của Đề án.
b) Tổ chức kiện toàn, bổ sung đại diện Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Cơ yếu Chính phủ vào Tổ công tác.
2. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
a) Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án.
c) Tổ chức tổng kết, đánh giá hàng năm và theo hoạt động của Đề án trong phạm vi bộ, ngành, địa phương.
d) Kết nối Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Trung tâm dữ liệu quốc gia.
e) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ tiến hành rà soát văn bản quy phạm pháp luật để đề xuất cấp có thẩm quyền thực hiện sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản pháp luật phục vụ kết nối, khai thác dữ liệu giữa Trung tâm dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
g) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hòa Bình, Cần Thơ, Lâm Đồng và các địa phương có liên quan phối hợp Bộ Công an trong quá trình giới thiệu, cung cấp đất và triển khai Trung tâm dữ liệu quốc gia.
h) Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, nếu có khó khăn, vướng mắc, các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm gửi kiến nghị về Bộ Công an để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để kịp thời tháo gỡ, bảo đảm triển khai thực hiện Đề án đúng tiến độ và có chất lượng.
3. Trách nhiệm của Bộ Công an
a) Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông và bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết.
b) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành địa phương triển khai các nhiệm vụ trong Đề án, gồm: Xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia bao gồm hạ tầng vận hành và hạ tầng công nghệ thông tin để triển khai các hệ thống của Trung tâm dữ liệu quốc gia cũng như hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội; xây dựng và triển khai Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Trung tâm dữ liệu quốc gia; xây dựng Kho dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia; xây dựng hệ thống phân tích dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan nhà nước, người dân và doanh nghiệp theo lộ trình của Nghị quyết này.
c) Chủ trì phối hợp Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan rà soát, tổng hợp đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan đến việc triển khai, quản trị vận hành của Trung tâm dữ liệu quốc gia.
d) Là đầu mối phụ trách đăng ký việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin của đơn vị hành chính nhà nước, doanh nghiệp với kho dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Trung tâm dữ liệu quốc gia.
đ) Là đầu mối phụ trách tiếp nhận đăng ký yêu cầu hỗ trợ cung cấp, lắp đặt, tích hợp các thiết bị công nghệ thông tin, hệ thống cho các đơn vị có nhu cầu.
e) Là đầu mối tổng hợp nhu cầu về hạ tầng công nghệ thông tin của bộ, ngành, địa phương, thiết kế và lên kế hoạch mở rộng, phát triển (về năng lực tính toán, năng lực lưu trữ, năng lực an ninh, phạm vi và độ lớn) để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng hàng năm.
g) Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thẩm định, đánh giá, kiểm tra, hỗ trợ giám sát và điều phối ứng phó sự cố an ninh mạng, an toàn thông tin trong quá trình xây dựng, triển khai, vận hành các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quan trọng trong Trung tâm dữ liệu quốc gia.
h) Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy Trung tâm dữ liệu quốc gia.
i) Kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết.
k) Chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về việc phân cấp, phân loại dữ liệu, kiến trúc phần mềm, kiến trúc hệ thống, tổ chức, kết nối, chia sẻ dữ liệu của Trung tâm dữ liệu quốc gia.
4. Trách nhiệm của Văn phòng Chính phủ
a) Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông theo dõi, đôn đốc các cơ quan thực hiện các nhiệm vụ của Nghị quyết.
b) Phối hợp với Bộ Công an và các đơn vị liên quan đánh giá nhu cầu, thực hiện chuyển dịch hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (Cổng Dịch vụ công quốc gia, Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia...) lên Trung tâm dữ liệu quốc gia theo lộ trình sau khi Trung tâm này được hình thành.
5. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng
Phối hợp với Bộ Công an, các cơ quan, tổ chức bố trí lực lượng, phương tiện thích hợp để phát hiện, ngăn chặn từ xa mọi hành vi xâm phạm Trung tâm dữ liệu quốc gia cả về địa lý và trên không gian mạng.
6. Trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông
a) Chủ trì hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương phát triển, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật theo tiêu chuẩn, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí.
b) Hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện chuẩn hoá, kết nối, chia sẻ dữ liệu, tính toán tối ưu giữa việc đầu tư hạ tầng mới và sử dụng hạ tầng do Trung tâm dữ liệu quốc gia cung cấp.
c) Rà soát, đánh giá năng lực mạng Truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan để xây dựng phương án nâng cấp, bảo đảm các đơn vị có thể truy cập, quản trị hệ thống đặt tại Trung tâm dữ liệu quốc gia thông qua mạng truyền số liệu chuyên dùng.
d) Hoàn thiện Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 trình Thủ tướng Chính phủ ban hành; xây dựng Nghị định quy định danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia, việc xây dựng, cập nhật, duy trì và khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia, trình Chính phủ ban hành; ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử 3.0; hướng dẫn, thẩm định chặt chẽ việc xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử (phiên bản 3.0) của các bộ, ngành, địa phương, bảo đảm phù hợp, đồng bộ với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử 3.0.
7. Trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ
a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành công bố các tiêu chuẩn Việt Nam có liên quan.
b) Hỗ trợ nghiên cứu làm chủ và ứng dụng các công nghệ số, dữ liệu số hình thành các sản phẩm, dịch vụ phục vụ phát triển chính phủ số, chính quyền số và phát triển kinh tế - xã hội thông qua các Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp quốc gia.
8. Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Trên cơ sở đề nghị của Bộ Công an và các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tham gia thực hiện Đề án (nếu có), Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền bổ sung các dự án đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị, phần mềm, cơ sở dữ liệu của Đề án vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn khi đáp ứng các điều kiện quy định của Luật Đầu tư công và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
9. Trách nhiệm của Bộ Tài chính
a) Bố trí kinh phí thực hiện Nghị quyết theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
b) Tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền ưu tiên phân bổ bổ sung kinh phí để thực hiện Nghị quyết (ngoài dự toán chi ngân sách đã cấp hàng năm).
c) Phối hợp với Bộ Công an tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, ban hành văn bản pháp luật quy định mức thu, quản lý phí khai thác và sử dụng thông tin trong Trung tâm dữ liệu quốc gia.
10. Trách nhiệm của Bộ Tư pháp
Chủ trì tổng hợp đưa vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh và đôn đốc thực hiện chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh để bảo đảm hành lang pháp lý triển khai Đề án.
11. Trách nhiệm của Bộ Nội vụ
Phối hợp với Bộ Công an và các đơn vị có liên quan hướng dẫn vị trí việc làm, chế độ chính sách đối với nhân sự thực hiện quản trị, vận hành, phát triển hệ thống thông tin của Trung tâm dữ liệu quốc gia.
12. Trách nhiệm của Bộ Công thương
Chỉ đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam nghiên cứu bố trí bảo đảm các điều kiện về nguồn điện cho các Trung tâm dữ liệu (02 lộ điện).
13. Trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ
Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn, xác thực và bảo mật thông tin dùng mật mã, triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cho các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu tại Nghị quyết.
Điều 3. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành
1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này./.
|
TM. CHÍNH PHỦ |
NHIỆM VỤ CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG TRONG TRIỂN KHAI
ĐỀ ÁN TRUNG TÂM DỮ LIỆU QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 1 (2023 - 2025)
(Kèm theo Nghị quyết số 175/NQ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2023 của Chính phủ)
I. NHIỆM VỤ CHUNG
1. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án.
2. Rà soát, thống kê các trường thông tin có trong cơ sở dữ liệu (đặc biệt các thông tin có liên quan đến con người) đang được quản lý theo các quy trình, nghiệp vụ chuyên ngành và các trường thông tin cần khai thác (hoàn thành trong Quý IV/2023).
3. Kết nối Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Trung tâm dữ liệu quốc gia (Quý III/2025).
4. Phối hợp với Trung tâm dữ liệu quốc gia xây dựng phương án đồng bộ dữ liệu con người theo phạm vi quản lý về Trung tâm dữ liệu quốc gia (theo lộ trình do Bộ Công an đề xuất).
5. Rà soát, bổ sung các điều kiện bảo đảm an ninh, an toàn thông tin theo tiêu chuẩn của Trung tâm dữ liệu quốc gia (từ Quý IV/2024).
6. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ tiến hành rà soát văn bản quy phạm pháp luật để đề xuất cấp có thẩm quyền thực hiện sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản pháp luật phục vụ kết nối, khai thác dữ liệu giữa Trung tâm dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
7. Đối với các đơn vị đã xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống và tiến hành chuyển hệ thống về Trung tâm dữ liệu quốc gia trong Quý II/2025.
8. Đối với các đơn vị chưa xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia: Khẩn trương rà soát, nghiên cứu, đề xuất nhu cầu triển khai hệ thống với Bộ Công an (Trung tâm dữ liệu quốc gia) trong Quý IV/2023
9. Rà soát, khảo sát, nghiên cứu, đề xuất và phê duyệt các dự án để triển khai theo các nhiệm vụ phân công của Đề án (Quý II/2024).
10. Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, nếu có khó khăn, vướng mắc, các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm gửi báo cáo đến Bộ Công an để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kịp thời tháo gỡ, bảo đảm triển khai thực hiện Đề án đúng tiến độ và có chất lượng (thường xuyên).
II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ
STT |
Đơn vị |
Nhiệm vụ chủ trì |
Đơn vị phối hợp |
Thời gian hoàn thành |
1 |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
Tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định quy định danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia; việc xây dựng, cập nhật, duy trì và khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia theo trình tự, thủ tục rút gọn |
(1) Bộ Tư pháp (2) Văn phòng Chính phủ (3) Bộ Công an |
Quý IV/2023 |
Tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, tổng hợp Trung tâm dữ liệu quốc gia do Bộ Công an đề xuất triển khai vào Quy hoạch |
(1) Văn phòng Chính phủ (2) Bộ Công an |
Quý IV/2023 |
||
Ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử 3.0 |
Văn phòng Chính phủ |
Quý IV/2023 |
||
Tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định về tiêu chuẩn về kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước; giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong và ngoài nước; giữa cơ quan nhà nước Việt Nam và cơ quan, tổ chức chính trị nước ngoài |
(1) Văn phòng Chính phủ (2) Bộ Công an |
Quý I/2024 |
||
Xây dựng, ban hành quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn của Trung tâm dữ liệu (Trung tâm dữ liệu quốc gia, Trung tâm dữ liệu vùng, Trung tâm dữ liệu ngành) để phục vụ vận hành Trung tâm dữ liệu quốc gia |
(1) Bộ Khoa học và Công nghệ (2) Bộ Công an |
Trước năm 2025 |
||
2 |
Bộ Công an |
Thành lập đơn vị cấp Cục có chức năng nhiệm vụ được nêu trong Đề án |
|
Trong năm 2024 |
Tuyên truyền, phổ biến tới người dân tầm quan trọng của xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia qua Tổ công tác triển khai Đề án 06 các cấp và các phương tiện thông tin đại chúng |
(1) Bộ Thông tin và Truyền thông (2) VTV, VOV |
Thường xuyên |
||
Rà soát, đánh giá các luật có quy định liên quan đến cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương |
(1) Bộ Tư pháp (2) Các bộ, ngành, địa phương |
Thường xuyên |
||
Xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định về Chiến lược dữ liệu, Tiêu chuẩn dữ liệu tại Trung tâm dữ liệu quốc gia |
(1) Bộ Thông tin và Truyền thông (2) Các bộ, ngành, địa phương |
Tháng 9/2024 |
||
Tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định về quy chế quản lý, khai thác Trung tâm dữ liệu quốc gia |
(1) Bộ Thông tin và Truyền thông (2) Các bộ, ngành, địa phương |
Tháng 9/2024 |
||
Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 01/2018/NĐ-CP của Chính phủ |
(1) Bộ Tư pháp (2) Bộ Nội vụ (3) Các bộ, ngành liên quan |
Trong năm 2024 |
||
Rà soát hiện trạng Công nghệ thông tin tại các bộ, ngành (số lượng rack; danh mục thiết bị bảo mật; danh mục thiết bị mạng; danh mục máy chủ; danh mục thiết bị lưu trữ; danh mục công nghệ nền tảng) đang sử dụng và dự kiến nhu cầu đầu tư, trang cấp trong giai đoạn 2023 - 2025 |
(1) Bộ Thông tin và Truyền thông (2) Các bộ, ngành, địa phương có liên quan |
Quý IV/2023 |
||
Thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật về đầu tư đối với các dự án thuộc Đề án |
(1) Các bộ, ngành, địa phương có liên quan |
Bộ Công an xây dựng kế hoạch triển khai |
||
3 |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Trình cấp có thẩm quyền bổ sung các dự án đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị, phần mềm, cơ sở dữ liệu của Đề án vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2020 - 2025 |
(1) Bộ Tài chính (2) Bộ Công an |
Quý IV/2023 |
4 |
Bộ Tài chính |
Bố trí kinh phí thực hiện Nghị quyết theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước |
(1) Bộ Công an (2) Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Theo lộ trình của Đề án do Bộ Công an đề xuất |
Tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền ưu tiên phân bổ bổ sung kinh phí để thực hiện Nghị quyết (ngoài dự toán chi ngân sách đã cấp hàng năm) |
(1) Bộ Công an (2) Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Theo lộ trình của Đề án do Bộ Công an đề xuất |
||
Phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, ban hành văn bản pháp luật quy định mức thu, quản lý phí khai thác và sử dụng thông tin trong Trung tâm dữ liệu quốc gia |
(1) Bộ Công an (2) Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Theo lộ trình của Đề án do Bộ Công an đề xuất |
||
5 |
Bộ Nội vụ |
Phối hợp với Bộ Công an và các đơn vị có liên quan hướng dẫn vị trí việc làm, chế độ chính sách đối với nhân sự thực hiện quản trị, vận hành, phát triển hệ thống thông tin của Trung tâm dữ liệu quốc gia. |
(1) Bộ Công an (2) Bộ Thông tin và Truyền thông (3) Bộ Tài chính |
Quý I/2024 |
6 |
Văn phòng Chính phủ |
Theo dõi, đôn đốc các cơ quan triển khai Đề án và kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ |
Bộ Công an |
Thường xuyên |
7 |
Bộ Quốc phòng |
Hướng dẫn, tư vấn các tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ thiết kế triển khai các giải pháp bảo đảm phát hiện, ngăn chặn từ xa mọi hành vi xâm phạm Trung tâm dữ liệu quốc gia cả về địa lý và trên không gian mạng |
Bộ Công an |
Quý IV/2023 |
8 |
Bộ Công Thương |
Chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam nghiên cứu bố trí bảo đảm các điều kiện về nguồn điện cho các Trung tâm dữ liệu (02 lộ điện) |
Bộ Công an |
Quý IV/2024 và theo lộ trình triển khai các Trung tâm dữ liệu theo Đề án |
9 |
Bộ Xây dựng |
Thẩm định dự án xây dựng |
|
Theo lộ trình Đề án |
10 |
Bộ Khoa học và Công nghệ |
Nghiên cứu và công bố các tiêu chuẩn liên quan đến Trung tâm dữ liệu (ISO 30134-8, ISO 30134-9, ISO 22237-1:2021...) |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
Quý II/2024 |
11 |
Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Đánh giá tác động môi trường trong quá trình xây dựng, vận hành Trung tâm dữ liệu quốc gia |
Bộ Công an |
Trong quá trình thực hiện Đề án |
12 |
Ban Cơ yếu Chính phủ |
Triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn, xác thực và bảo mật thông tin dùng mật mã, dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ |
(1) Bộ Công an (2) Văn phòng Chính phủ (3) Bộ Thông tin và Truyền thông |
Từ tháng 8/2023 |
13 |
Bộ Ngoại giao |
Hợp tác quốc tế về khoa học dữ liệu liên kết với cơ quan Chính phủ các nước |
(1) Bộ Công an (2) Văn phòng Chính phủ |
Trong quá trình thực hiện Đề án |
Đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế để chuyển giao công nghệ cho Trung tâm dữ liệu quốc gia |
(1) Bộ Công an (2) Văn phòng Chính phủ |
Thường xuyên |
||
14 |
Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Xây dựng các chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ quản trị, vận hành các Trung tâm dữ liệu |
(1) Bộ Công an (2) Các bộ, ngành, địa phương |
Từ Quý IV/2023 |
15 |
VTV, VOV |
Tuyên truyền xây dựng chính sách pháp luật và mục tiêu, lợi ích của Trung tâm dữ liệu quốc gia |
Bộ Công an |
Theo lộ trình thực hiện Đề án |
16 |
UBND thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hòa Bình, Cần Thơ, Lâm Đồng |
Giới thiệu địa điểm phục vụ lựa chọn vị trí xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia; bàn giao mặt bằng dự án để Bộ Công an báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào đất an ninh |
Bộ Khoa học và Công nghệ |
Theo lộ trình thực hiện Đề án |
Chuẩn bị bố trí bảo đảm các điều kiện hạ tầng cần thiết phục vụ xây dựng, triển khai, vận hành các Trung tâm dữ liệu quốc gia (điện, nước, giao thông, camera giám sát an ninh) |
Bộ Công an |
Theo lộ trình thực hiện Đề án |
MỘT SỐ NỘI DUNG TRỌNG TÂM LIÊN QUAN ĐẾN XÂY DỰNG VÀ TRIỂN
KHAI HỆ THỐNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TẠI TRUNG TÂM DỮ LIỆU QUỐC GIA
(Kèm theo Nghị quyết số 175/NQ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2023 của Chính phủ)
I. XÂY DỰNG TRUNG TÂM DỮ LIỆU QUỐC GIA
1. Địa điểm xây dựng
a) Trung tâm dữ liệu quốc gia số 01:
Vị trí khu đất: Khu công nghệ cao Hòa Lạc, thành phố Hà Nội.
b) Các Trung tâm dữ liệu quốc gia 02 và 03:
Phân bổ phù hợp với quy hoạch hạ tầng Thông tin và Truyền thông.
2. Quy mô
- Các Trung tâm dữ liệu quốc gia được xây dựng với diện tích phù hợp với Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mỗi Trung tâm dữ liệu quốc gia được xây dựng 02 Trung tâm dữ liệu độc lập bao gồm 01 Trung tâm dữ liệu phục vụ cho vùng chuyên dụng, 01 Trung tâm dữ liệu có quy mô 1.000 racks phục vụ vùng dùng chung cho các bộ, ngành; tòa nhà làm việc, Viện nghiên cứu, sản xuất, doanh trại, tòa nhà hội nghị, Trung tâm giám sát an ninh mạng và các công trình khác.
- Trong đó, Trung tâm dữ liệu quốc gia số 01 dự kiến tổng diện tích xây dựng khoảng 150.000 m2, Trung tâm dữ liệu phục vụ cho vùng chuyên dụng có quy mô 300 tủ racks, 01 Trung tâm dữ liệu có quy mô 1.000 racks, các tòa nhà phụ trợ phục vụ cho khoảng 1000 người.
3. Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, yêu cầu cần đáp ứng
- Trung tâm dữ liệu quốc gia được thiết kế, xây dựng đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, quy chuẩn về Trung tâm dữ liệu tối thiểu bảo đảm mức độ 3.
- Ngoài ra, Trung tâm dữ liệu quốc gia được thiết kế, xây dựng theo các tiêu chuẩn, định mức, yêu cầu kỹ thuật trong nước và quốc tế để bảo đảm chống bom đạn, khủng bố; tiêu chuẩn, yêu cầu về Trung tâm dữ liệu xanh, ưu tiên sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, giải pháp thông minh để kiểm soát nguồn năng lượng.
- Thiết kế, triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh, bảo mật ở mức cao nhất, hiện đại nhất để kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn tấn công, đột nhập, hoạt động chống phá tại từng khu vực, hành lang dưới mặt đất cũng như vùng trời.
4. Giải pháp tận dụng tối ưu về xây dựng hạ tầng nhà trạm của Trung tâm dữ liệu quốc gia
- Trung tâm dữ liệu quốc gia đầu tư, xây dựng toàn bộ phần hạ tầng nhà trạm của Trung tâm dữ liệu quốc gia số 01 xây dựng tại Hoà Lạc, Hà Nội và các Trung tâm dữ liệu quốc gia khác được xây dựng phù hợp với Quy hoạch hạ tầng Thông tin và Truyền thông với lộ trình xây dựng theo từng giai đoạn.
- Đối với các cơ quan, đơn vị đã có hạ tầng nhà trạm vẫn đang bảo đảm theo các tiêu chuẩn TIA-942 hoặc Uptime Tier-3, Trung tâm dữ liệu hạng III (TCVN 9250:2021): Các đơn vị tiếp tục quản trị, vận hành Trung tâm dữ liệu do mình xây dựng; tuy nhiên, cần phối hợp Trung tâm dữ liệu quốc gia và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá việc đầu tư nâng cấp hạ tầng nhà trạm phù hợp với lộ trình triển khai các Trung tâm dữ liệu quốc gia và thời gian hết khấu hao của các thiết bị, giải pháp phục vụ vận hành hạ tầng nhà trạm; bảo đảm có thể kế thừa, tận dụng tối đa trong trường hợp (1) chuyển hệ thống, thiết bị, giải pháp công nghệ thông tin về Trung tâm dữ liệu quốc gia, (2) dừng việc bảo trì, nâng cấp hạ tầng nhà trạm Trung tâm dữ liệu.
- Đối với các cơ quan, đơn vị có hạ tầng nhà trạm không bảo đảm theo tiêu chuẩn TIA-942 hoặc Uptime Tier-3, Trung tâm dữ liệu hạng III (TCVN 9250:2021): Các đơn vị tiếp tục quản trị vận hành, nâng cấp hệ thống và phối hợp với Trung tâm dữ liệu quốc gia, các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá việc đầu tư phục vụ duy trì hạ tầng nhà trạm Trung tâm dữ liệu phù hợp với lộ trình triển khai các Trung tâm dữ liệu quốc gia và thời gian hết khấu hao của các thiết bị, giải pháp phục vụ vận hành hạ tầng nhà trạm, bảo đảm hiệu quả đầu tư, nguồn lực quản trị vận hành.
- Đối với các cơ quan, đơn vị chưa có hạ tầng nhà trạm (đang đi thuê chỗ đặt hệ thống): Các cơ quan, đơn vị, tổ chức xây dựng phương án đặt hệ thống thông tin tại Trung tâm dữ liệu quốc gia hoặc tiếp tục thuê của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hạn chế tối đa việc xây dựng mới các Trung tâm dữ liệu riêng của từng đơn vị.
II. CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
1. Các thành phần chính
a) Nền tảng điện toán đám mây
Nền tảng điện toán đám mây và triển khai thành các vùng chức năng, gồm:
- Vùng điện toán đám mây phục vụ nhu cầu của bộ ngành, địa phương, Trung tâm dữ liệu quốc gia với các phân hệ tích hợp, đồng bộ, khai thác dữ liệu, yêu cầu cao về bảo mật thông tin. Hạng mục đầu tư chính cho vùng này, gồm: Thiết bị mạng; An toàn thông tin; Máy chủ; Lưu trữ; Phần mềm thương mại; Phần mềm điện toán đám mây;... (bao gồm cả việc nâng cấp Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư để dự phòng).
b) Kho dữ liệu tổng hợp phục vụ quản lý
Xây dựng và triển khai kho dữ liệu tổng hợp phục vụ công tác quản lý nhà nước và đưa vào sử dụng theo lộ trình, gồm: (i) hạ tầng kỹ thuật kho dữ liệu lớn; (ii) Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Trung tâm dữ liệu quốc gia; (iii) Triển khai đồng bộ dữ liệu về con người và dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, .. để tạo lập kho dữ liệu lớn tổng hợp thông tin phục vụ quản lý. Cung cấp nguồn dữ liệu quan trọng cho việc nghiên cứu, triển khai ứng dụng công nghệ AI.
Hạng mục đầu tư chính gồm: Phần mềm thương mại về cơ sở dữ liệu; Tài nguyên hệ thống; Phần mềm nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; Triển khai tích hợp dữ liệu;...
c) Hệ thống phân tích dữ liệu phục vụ công tác quản lý
Thiết lập hạ tầng tính toán hiệu suất cao và Hệ thống phân tích dữ liệu phục vụ công tác quản lý với các mô hình phân tích dự báo phục vụ công tác khai thác các kho dữ liệu tổng hợp từ cơ sở dữ liệu quốc gia. Cung cấp điều kiện kỹ thuật hỗ trợ các nhà khoa học nghiên cứu phát triển lĩnh vực toán ứng dụng.
Hạng mục đầu tư chính gồm: Hệ thống tính toán hiệu suất cao; Các Phần mềm thương mại; Các mô hình phân tích dự báo; Phần mềm nội bộ;...
d) Hệ thống dịch vụ dữ liệu chuyên ngành và hệ thống quản lý khai thác dữ liệu chuyên ngành
Tạo lập các Kho dữ liệu cùng với Hệ thống quản lý khai thác dữ liệu chuyên ngành phục vụ việc khai thác của các đối tượng đối với dữ liệu dùng chung và dữ liệu mở,...
Hạng mục đầu tư chính gồm: Hệ quản trị cơ sở dữ liệu; Tài nguyên hệ thống; Các Phần mềm thương mại; hệ thống các Phần mềm quản lý khai thác dữ liệu;...
2. Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, yêu cầu cần đáp ứng
- Hệ thống công nghệ thông tin của Trung tâm dữ liệu quốc gia được thiết kế xây dựng đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, quy chuẩn về bảo đảm mức độ sẵn sàng của hệ thống, thiết kế hệ thống với mức dự phòng đặc biệt nhằm sẵn sàng trong trường hợp mở rộng khi cần thiết.
- Môi trường vận hành chính thức hệ thống thông tin của Trung tâm dữ liệu quốc gia được thiết kế, xây dựng đáp ứng tách biệt với các môi trường phát triển, kiểm tra và thử nghiệm.
- Thiết kế, triển khai Hệ thống công nghệ thông tin phải bảo đảm an ninh, bảo mật theo ở mức cao nhất, hiện đại nhất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong và ngoài nước nhằm kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn tấn công mạng.
3. Phương án phân vùng triển khai và tận dụng, tối ưu tài nguyên
a) Vùng dùng chung
- Chức năng: Được triển khai tại Trung tâm dữ liệu độc lập bảo đảm sẵn sàng chia sẻ cho bộ ngành, địa phương dùng chung.
- Thành phần:
+ Nền tảng điện toán đám mây dùng chung cho hệ thống của bộ, ngành, địa phương.
+ Hệ thống, thiết bị công nghệ mạng, bảo mật, bảo đảm an ninh an toàn
+ Kho dữ liệu mở: là một phần kho dữ liệu tổng hợp, phân tích tại vùng chuyên dụng đồng bộ ra vùng dùng chung, phục vụ cho các bộ, ban, ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng.
+ Kho dữ liệu dùng chung: là một phần kho dữ liệu tổng hợp, phân tích tại vùng chuyên dụng đồng bộ ra vùng dùng chung, phục vụ cho các cơ quan nhà nước khai thác dùng chung.
+ Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Trung tâm dữ liệu quốc gia.
+ Các hệ thống khác phục vụ bảo đảm hoạt động của toàn bộ hệ thống tại vùng dùng chung (hệ thống phần mềm, giám sát tập trung,...).
b) Vùng chuyên dụng
- Chức năng: Được triển khai tại vùng nội ngành chuyên dùng, được bảo vệ nghiêm ngặt bảo đảm triển khai các dữ liệu bí mật nhà nước chuyên ngành và các dữ liệu được phân tích để đồng bộ ra vùng dùng chung phục vụ khai thác.
- Thành phần:
+ Nền tảng điện toán đám mây dùng riêng cho Trung tâm dữ liệu quốc gia phục vụ việc hình thành kho dữ liệu tổng hợp và tổng hợp, phân tích dữ liệu.
+ Hệ thống, thiết bị công nghệ mạng, bảo mật, bảo đảm an ninh an toàn.
+ Kho dữ liệu tổng hợp.
+ Hệ thống phân tích dữ liệu.
+ Các hệ thống khác phục vụ bảo đảm hoạt động của toàn bộ hệ thống tại vùng dùng chung (hệ thống phần mềm, giám sát tập trung,...).
c) Trung tâm dữ liệu quốc gia thực hiện:
- Đầu tư toàn bộ hạ tầng công nghệ thông tin của vùng chuyên dụng cho Trung tâm dữ liệu quốc gia.
- Đầu tư, triển khai các giải pháp hạ tầng công nghệ thông tin, bảo đảm an ninh an toàn, hệ thống nền tảng điện toán đám mây, hệ thống tính toán hiệu năng cao... của vùng dùng chung (Các cơ quan, đơn vị có thể đầu tư các thiết bị, giải pháp theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Trung tâm dữ liệu quốc gia để tích hợp vào nền tảng điện toán đám mây dùng chung để triển khai hệ thống của mình theo nhu cầu).
d) Đối với các cơ quan, đơn vị thuộc đối tượng đã nêu trong Nghị quyết
- Các cơ quan, đơn vị đã đầu tư hệ thống: tiếp tục quản trị vận hành, nâng cấp hệ thống theo nhu cầu, tuy nhiên bảo đảm phù hợp với thời gian khấu hao và lộ trình triển khai đã nêu tại Nghị quyết. Trong quá trình chuyển hệ thống, thiết bị, giải pháp về Trung tâm dữ liệu quốc gia hoặc tích hợp vào Nền tảng điện toán đám mây tại Trung tâm dữ liệu quốc gia cần phối hợp Trung tâm dữ liệu quốc gia và các cơ quan liên quan đánh giá việc đầu tư bảo đảm phù hợp với lộ trình triển khai Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia và thời gian hết khấu hao của các thiết bị, giải pháp, bảo đảm có thể kế thừa, tận dụng tối đa.
- Các cơ quan, đơn vị chưa đầu tư hệ thống hoặc đang đi thuê hạ tầng của doanh nghiệp: căn cứ theo hướng dẫn, tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ Công an (Trung tâm dữ liệu quốc gia), các cơ quan, đơn vị đầu tư thiết bị, giải pháp và tích hợp vào Nền tảng điện toán đám mây tại Trung tâm dữ liệu quốc gia để xây dựng, phát triển hệ thống của đơn vị mình hoặc thuê dịch vụ của Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Trung tâm dữ liệu quốc gia.
đ) Đối với các cơ quan, đơn vị không thuộc đối tượng đã nêu trong Nghị quyết
Tiếp tục thực hiện các thủ tục đầu tư, mua sắm thiết bị, giải pháp công nghệ hoặc thuê hạ tầng công nghệ thông tin của doanh nghiệp theo các quy định hiện hành.
VỊ TRÍ PHÁP LÝ, CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ CỦA TRUNG TÂM DỮ LIỆU
QUỐC GIA
(Kèm theo Nghị quyết số 175/NQ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2023 của Chính phủ)
I. VỊ TRÍ PHÁP LÝ
Trung tâm dữ liệu quốc gia là một đơn vị hành chính độc lập, tương đương cấp Cục thuộc Bộ Công an, do Bộ trưởng Bộ Công an trực tiếp quản lý, chỉ đạo. Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy Trung tâm dữ liệu quốc gia.
II. CHỨC NĂNG
1. Trung tâm dữ liệu quốc gia là cơ quan quản lý dữ liệu của quốc gia do Bộ trưởng Bộ Công an trực tiếp quản lý, bảo đảm việc lưu trữ, quản lý, chia sẻ, khai thác dữ liệu của Đảng và Nhà nước, đồng thời quản lý chuyên ngành về dữ liệu, có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Công an thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về dữ liệu.
2. Giúp Bộ trưởng Bộ Công an tham mưu với Đảng, Nhà nước về chủ trương, chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước dữ liệu về con người và quy trình đồng bộ, quản lý, chia sẻ, khai thác dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp và Trung tâm dữ liệu quốc gia.
3. Tổ chức vận hành, quản trị, lưu trữ, chia sẻ, nghiên cứu, ứng dụng, khai thác, phát triển dữ liệu; cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin, giải pháp kỹ thuật cho các cơ quan, đơn vị khi có nhu cầu; bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống, cơ sở dữ liệu của Trung tâm dữ liệu quốc gia.
4. Lưu trữ, quản lý, khai thác, phát triển; điều phối dữ liệu với các bộ, ngành; phân tích phục vụ điều hành, xây dựng chính sách; nghiên cứu phát triển dữ liệu; cung cấp kho dữ liệu dùng chung để thực hiện các công tác quản lý nhà nước.
III. NHIỆM VỤ
1. Quản trị dữ liệu, gồm: Chính sách; Quy hoạch; Chia sẻ, điều phối; Phân tích, ứng dụng dữ liệu.
2. Quản trị, vận hành, gồm: Phần mềm; Cơ sở dữ liệu; Mạng; Máy chủ; Cung cấp tài nguyên hệ thống.
3. An ninh, an toàn, bảo mật, gồm: Chính sách; Kiểm tra; Giám sát hệ thống (SOC); Nghiên cứu, phát triển giải pháp.
4. Quản trị hạ tầng, gồm: Điện, điều hòa, môi trường; Phòng cháy chữa cháy; An ninh vật lý; Đường truyền; Cung cấp hạ tầng nhà trạm.
5. Nghiên cứu và hợp tác quốc tế, gồm: Nghiên cứu, hoạch định chính sách phát triển dữ liệu về con người; Nghiên cứu ứng dụng giải pháp kỹ thuật mới. Sản xuất hàng hóa, dịch vụ.
IV. MỐI QUAN HỆ GIỮA TRUNG TÂM DỮ LIỆU QUỐC GIA VỚI CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC
Trung tâm dữ liệu quốc gia khi triển khai bảo đảm không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ với các đơn vị khác do các đơn vị vẫn chủ trì quản trị, vận hành hệ thống, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương và thực hiện các phần mềm nghiệp vụ để thu thập, cập nhật thông tin theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Trung tâm dữ liệu quốc gia chỉ nhận dữ liệu do các đơn vị tích hợp, đồng bộ về và cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin để các đơn vị có nhu cầu có thể nhanh chóng triển khai hệ thống, không chủ trì quản trị, vận hành hệ thống cũng như dữ liệu, luồng nghiệp vụ chuyên ngành của các đơn vị. Việc triển khai Trung tâm dữ liệu quốc gia phải đáp ứng được các yêu cầu cụ thể sau:
1. Về đồng bộ dữ liệu
Các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu do các bộ, ngành tạo lập, xây dựng, quản lý theo nhu cầu và nghiệp vụ chuyên ngành có trách nhiệm đồng bộ dữ liệu mới nhất liên quan về con người, dữ liệu của các cơ sở dữ liệu quốc gia về Trung tâm dữ liệu quốc gia để lưu trữ và khai thác tập trung. Dữ liệu được đồng bộ thông qua các nền tảng tích hợp quốc gia, bảo đảm dữ liệu đáp ứng tiêu chí: đúng, đủ, sạch, sống.
2. Về quản lý dữ liệu
a) Trung tâm dữ liệu quốc gia quản lý và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin đối với các dữ liệu thông tin đã được đồng bộ về vùng chuyên dụng và kho dữ liệu dùng chung, kho dữ liệu mở tại vùng dùng chung; đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong quá trình tích hợp, chia sẻ dữ liệu tại vùng dùng chung của Trung tâm dữ liệu quốc gia.
b) Các bộ, ban, ngành, địa phương và tổ chức chính trị xã hội tiếp tục thực hiện việc quản lý cơ sở dữ liệu trong hệ thống của đơn vị mình, phối hợp với Trung tâm dữ liệu quốc gia bảo đảm an ninh an toàn thông tin hệ thống, bảo mật dữ liệu tại đơn vị trong quá trình đồng bộ dữ liệu với Trung tâm dữ liệu quốc gia.
3. Về lưu trữ dữ liệu
a) Trung tâm dữ liệu quốc gia lưu trữ dữ liệu được tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia; đồng thời lưu trữ dữ liệu thông tin liên quan đến con người từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương, dữ liệu khác do các cơ quan, tổ chức, cá nhân đồng bộ về để xây dựng các kho dữ liệu dùng chung (không bao gồm các dữ liệu thuộc lĩnh vực quân sự, quốc phòng) nhằm tạo khu vực tin cậy cho các đơn vị khai thác theo chức năng nhiệm vụ. Từ đó, các đơn vị cũng có thể tra cứu các thông tin khác từ kho dữ liệu dùng chung, kho dữ liệu mở cũng như các kết quả sau khi tổng hợp, phân tích,... do Trung tâm dữ liệu quốc gia cung cấp để đánh giá, kịp thời đưa ra các chính sách, quyết định phù hợp, chính xác.
Dữ liệu về con người bao gồm tối thiểu các thành phần: Dữ liệu định danh cá nhân công dân: bao gồm các loại giấy tờ tùy thân; thông tin cá nhân (địa chỉ, ngày sinh); dữ liệu y tế; dữ liệu sinh trắc; dữ liệu ADN; dữ liệu việc làm, dữ liệu học bạ cá nhân,...; dữ liệu được thu thập từ kết quả tổng hợp, phân tích và khai thác dữ liệu của công dân.
b) Dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương vẫn được lưu trữ, xử lý tại hệ thống Trung tâm dữ liệu của các bộ, ngành và địa phương theo yêu cầu riêng, phục vụ các mặt công tác quản lý nhà nước của các đơn vị.
4. Khai thác và sử dụng dữ liệu
a) Trung tâm dữ liệu quốc gia cung cấp Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cho các hệ thống triển khai trên Nền tảng điện toán đám mây của Trung tâm dữ liệu quốc gia.
b) Đối với các hệ thống không triển khai trên Nền tảng điện toán đám mây của Trung tâm dữ liệu quốc gia thì vẫn sử dụng các nền tảng kết nối chia sẻ đang triển khai.
c) Các bộ, ngành, địa phương khi có nhu cầu về khai thác dữ liệu của các trường thông tin cần bảo đảm dữ liệu chỉ được khai thác tại phiên truy cập, không được phép lưu trữ và chia sẻ các trường thông tin không thuộc thông tin chuyên ngành đơn vị mình quản lý. Bảo đảm an ninh an toàn đối với các dữ liệu khai thác và sử dụng, việc khai thác sử dụng phải bảo đảm đúng mục đích và tuân thủ theo các quy định của pháp luật.
5. Về triển khai và vận hành hệ thống
Đối với các hệ thống thông tin của bộ, ngành, địa phương xây dựng và sử dụng hạ tầng của Trung tâm dữ liệu quốc gia để triển khai thì việc vận hành, quản trị hệ thống tập trung được xác định như sau:
a) Các đơn vị chủ động quản trị, vận hành các thành phần về lớp ứng dụng, quản trị dữ liệu, môi trường hoạt động, phần mềm lớp giữa, hệ điều hành.
b) Trung tâm dữ liệu quốc gia sẽ quản trị, vận hành các thành phần về ảo hoá, quản trị máy chủ, thiết bị lưu trữ, hạ tầng mạng và an ninh bảo mật.
6. Hạ tầng kỹ thuật
a) Trung tâm dữ liệu quốc gia cung cấp cho bộ, ngành, địa phương chỗ đặt máy chủ và hạ tầng công nghệ thông tin dưới dạng Infrastructure as Services (dịch vụ cho phép sử dụng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cần thiết (kênh kết nối, mạng truyền dẫn nội bộ, an ninh mạng,...) cho việc triển khai hệ thống). Đồng thời cung cấp kênh quản trị an toàn để các đơn vị chủ động triển khai, bảo đảm an toàn thông tin hệ thống ứng dụng và vận hành các dịch vụ liên quan của đơn vị.
b) Bộ, ngành, địa phương, tổ chức sau khi tiếp nhận hạ tầng sẽ phải tự quản trị các hệ thống ứng dụng, dịch vụ công nghệ thông tin triển khai trên hạ tầng được cung cấp (hệ thống lõi của các cơ quan, đơn vị).
7. Về quy hoạch địa chỉ IP: Trung tâm dữ liệu quốc gia bảo đảm thống nhất tài nguyên địa chỉ IP và định tuyến theo các định hướng, kế hoạch và quy hoạch sử dụng địa chỉ IP của quốc gia.
8. Về An ninh, an toàn và bảo mật thông tin
a) Đối với vùng dùng chung: Trung tâm dữ liệu quốc gia cung cấp các dịch vụ chỗ đặt và dịch vụ hạ tầng IaaS đáp ứng các cấp độ an toàn thông tin khác nhau, tùy theo nhu cầu của các đơn vị. Trung tâm dữ liệu quốc gia bảo đảm an ninh mạng và an ninh an toàn thông tin của Nền tảng điện toán đám mây dùng chung và triển khai hệ thống giám sát an ninh mạng tập trung cho vùng dùng chung; các bộ, ngành, địa phương bảo đảm an toàn thông tin hệ thống ứng dụng, cơ sở dữ liệu.
b) Đối với vùng chuyên dụng: Trung tâm dữ liệu quốc gia cung cấp dịch vụ hạ tầng đáp ứng an toàn thông tin cấp độ 5, tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn về bảo mật để bảo vệ kho dữ liệu tổng hợp. Do đó Trung tâm dữ liệu quốc gia sẽ hình thành vùng giám sát an ninh an toàn riêng, độc lập của vùng chuyên dụng này.
c) Đối với các hệ thống thông tin kết nối vào Trung tâm dữ liệu quốc gia: các hệ thống phải được kiểm tra bảo đảm an toàn thông tin và khắc phục các lỗ hổng bảo mật trước khi kết nối vào.
d) Đối với công tác giám sát an ninh an toàn thông tin (SOC): Trung tâm dữ liệu quốc gia kết nối với Trung tâm an ninh mạng quốc gia (Bộ Công an) và các Trung tâm giám sát an ninh, an toàn thông tin của quốc gia khác nếu cần thiết. Dữ liệu giám sát an ninh an toàn tại Trung tâm dữ liệu quốc gia sẽ được đồng bộ tập trung về Trung tâm an ninh mạng quốc gia. Bảo đảm thống nhất việc giám sát, ngăn ngừa truy cập trái phép và phòng chống tấn công trái phép vào Trung tâm dữ liệu quốc gia.
9. Về bảo đảm dự phòng
a) Dự phòng trong giai đoạn xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia số 02 (dự kiến hoàn thành vào năm 2028)
- Việc dự phòng cho các hệ thống tại vùng chuyên dụng, kho dữ liệu dùng chung và kho dữ liệu mở của Trung tâm dữ liệu quốc gia số 1 sẽ được tận dụng, triển khai tại hạ tầng nhà trạm của Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư trong giai đoạn hoàn thiện xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia số 02 vào năm 2028 (có thể nâng cấp, bổ sung hạ tầng nhà trạm của Trung tâm dữ liệu quốc gia nếu cần thiết).
- Đối với hệ thống của các bộ, ngành, địa phương triển khai tại vùng dùng chung, trong giai đoạn đến năm 2028 sẽ kết hợp sử dụng hạ tầng nhà trạm trong Trung tâm dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương đã đầu tư và bảo đảm tiêu chuẩn về trung tâm dữ liệu theo quy định để bảo đảm yêu cầu về dự phòng.
b) Dự phòng trong giai đoạn sau khi hoàn thành Trung tâm dữ liệu quốc gia số 2
- Sau khi hoàn thành việc xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia số 2, việc bảo đảm dự phòng sẽ do các Trung tâm dữ liệu quốc gia đảm nhiệm.
- Trung tâm dữ liệu quốc gia số 2 sẽ được triển khai tại vị trí phù hợp với quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông, yêu cầu đảm bảo về chất lượng đường truyền phục vụ kết nối, đồng bộ dữ liệu để bảo đảm hạ tầng mạng kết nối, cơ chế hoạt động song hành (active - active) giữa Trung tâm dữ liệu số 1 và Trung tâm dữ liệu số 2 cũng như tận dụng tối đa các điều kiện khai thác, nguồn nhân lực quản trị vận hành hệ thống.
c) Đồng thời, dự kiến Trung tâm dữ liệu quốc gia số 3 và các Trung tâm dữ liệu quốc gia khác sẽ được xây dựng không cùng khu vực với Trung tâm dữ liệu quốc gia số 01 và 02 để bảo đảm dự phòng trong trường hợp thiên tai, thảm họa, chiến tranh.
10. Về cơ chế tài chính
a) Tài chính phục vụ đầu tư thiết bị, giải pháp:
- Các bộ, ngành, địa phương, tổ chức tự mua sắm trang thiết bị: mua sắm trang thiết bị theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (do Trung tâm dữ liệu quốc gia phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành) và phối hợp với Trung tâm dữ liệu quốc gia triển khai tích hợp vào hạ tầng kỹ thuật và Nền tảng điện toán đám mây của Trung tâm dữ liệu quốc gia. Các bộ ngành, địa phương đề xuất, bố trí, bảo đảm kinh phí trang bị bổ sung, mở rộng giải pháp bảo mật an toàn thông tin và tích hợp cho các trang thiết bị mới theo giải pháp bảo mật thông tin và nền tảng công nghệ mà Trung tâm dữ liệu quốc gia đã triển khai.
- Trung tâm dữ liệu quốc gia đề xuất đầu tư mở rộng đối với các thiết bị, giải pháp dùng chung cho cả Trung tâm dữ liệu quốc gia như kênh truyền Internet, mạng truyền số liệu chuyên dùng, thiết bị mạng lõi, thiết bị bảo mật,...
b) Tài chính phục vụ duy trì hệ thống:
- Trung tâm dữ liệu quốc gia không thực hiện thu phí sử dụng từ các cơ quan, đơn vị, tổ chức sử dụng đối với tài nguyên hạ tầng nhà trạm, hạ tầng công nghệ thông tin do Chính phủ đầu tư. Kinh phí bảo đảm vận hành Trung tâm dữ liệu quốc gia sẽ được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn ngân sách hợp pháp khác hàng năm trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật và đăng ký nhu cầu sử dụng tài nguyên hạ tầng nhà trạm, hạ tầng công nghệ thông tin của các bộ, ngành, địa phương.
- Các cơ quan, đơn vị, tổ chức chủ động đề xuất kinh phí và tự duy trì đối với thiết bị, phần mềm và các thành phần do cơ quan, đơn vị, tổ chức tự đầu tư (có thể thuê các đơn vị, doanh nghiệp theo quy định).
1 Kho dữ liệu tổng hợp được hình thành từ cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia gồm các trường thông tin được đồng bộ từ các cơ sở dữ liệu quốc gia (chỉ có các trường thông tin, không bao gồm dữ liệu cấu hình, dữ liệu nhật ký hệ thống) và các trường thông tin liên quan đến con người từ các cơ sở dữ liệu của Bộ, ngành, địa phương, cơ sở dữ liệu khác về Trung tâm dữ liệu quốc gia để xây dựng các kho dữ liệu dùng chung (chỉ có các trường thông tin liên quan đến các hoạt động của một con người, không bao gồm các thông tin chuyên ngành mô tả thuộc tính).
THE GOVERNMENT OF VIETNAM |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
No. 175/NQ-CP |
Hanoi, October 30, 2023 |
RESOLUTION
APPROVING NATIONAL DATA CENTER PROJECT
THE GOVERNMENT
Pursuant to the Law on Government Organization dated June 19, 2015; the Law on amendments to some Articles of Law on Government Organization and Law on Local Government Organization dated November 22, 2019;
Pursuant to the Law on People’s Public Security Force dated November 20, 2018; the Law on amendments to the Law on People’s Public Security Force dated June 22, 2023;
Pursuant to the Law on Information Technology dated June 29, 2006;
Pursuant to the Law on Cyberinformation Security dated November 19, 2015;
Pursuant to the Cybersecurity Law dated June 12, 2018;
...
...
...
Pursuant to the Law on the State Budget dated June 25, 2015;
Pursuant to the Law on Public Investment dated June 18, 2014;
Pursuant to the Government’s Decree No. 39/2022/ND-CP dated June 18, 2022 on working regulations of the Government;
At the request of the Minister of Public Security;
HEREBY RESOLVES:
Article 1. The National Data Center project (hereinafter referred to as “Project") is approved. To be specific:
I. VIEWPOINTS ON ESTABLISHMENT OF NATIONAL DATA CENTER
1. The establishment of the National Data Center shall comply with the Communist Party's orientations and guidelines and State’s policies and laws; conform to national development plannings and strategies; and ensure synchronism and consistency with the development of national databases and the national digital transformation process, in line with the e-Government architecture, thereby contributing to the construction and development of digital government, digital economy and digital society. Objectives, tasks and methods for implementation of the Project shall be feasible in order to establish, manage and operate the National Data Center in an effective and sustainable manner.
2. The establishment of the National Data Center shall meet national and international standards and follow global trends, and the National Data Center shall be developed into a word-class data center It shall be established in a quick manner to build a foundation for fundamental and comprehensive change in collection, storage, management, provision, integration, sharing of information and analysis of data of the Government, thereby achieving objectives of social management, operation direction, provision of public services and utilities for the people and promotion of socio-economic development; products to be created shall be tools that solve and remove bottlenecks, and make breakthroughs in the development of the national database and other databases to be established in the future. The National Data Center shall become an important digital infrastructure component which serves the economic development and social management in conformity with Vietnam’s characteristics.
...
...
...
4. The National Data Center shall be an important center which serves the national digital transformation process, provides great support and modernizes social management. The National Data Center shall be a place where information and data from national databases are collected and aggregated, and become a center which integrates, synchronizes, stores, shares and manipulates information, and analyzes human-related data and national data aggregated. This Center shall ensure high availability and stability and operate continuously (24/7); the data, information and cyberinformation security shall be ensured at the highest level; the National Data Center shall operate in an open direction, develop utilities and services and increase value added, thereby better meeting the demands for integration, collection, storage, sharing, and analysis of data.
5. The scope and development roadmap of the Project shall be clearly defined; special mechanisms in terms of investment, construction, configuration, bidding, direct contracting, payment, settlement, auditing, disbursement, etc. shall be applied so as to ensure practicality, efficiency, economy, anti-corruption and group benefits during implementation of the Project; at the same time, it is necessary to separate investment phrases in an appropriate, synchronous, consistent and focused manner and in such a way to avoid duplication, overlap and wastefulness, thereby meeting the set requirements; the Project shall be conformable with the national general planning and plannings for development of sectors, fields, local areas and territories.
II. POSITION AND ROLES OF NATIONAL DATA CENTER
1. Position
The National Data Center is a data center established, managed and operated by the Government which integrates, synchronizes, stores, shares, analyzes, operates and manipulates the data of state agencies as prescribed by law to set up a human-related data warehouse and a data warehouse aggregated with national databases; the data at the National Data Center is a core platform offering services related to data, giving support for policy drafting, leading the development and establishment of digital government, digital society and digital economy and satisfying requirements for national defense and security. The center also provides information technology infrastructure for political and social organizations, the system of national databases and agencies in need of use for exploitation, operation, efficiency improvement and assurance of information safety and security.
2. Roles
- Integrate, synchronize, store, exploit, share, analyze and manipulate all data aggregated with national databases and human-related data (including persons having Vietnamese nationality and those related to socio-economic activities in Vietnam) in accordance with regulations of law to establish a human-related data warehouse; the human-related data contains human-associated information that is digitized, including data on population, insurance, healthcare and social welfare, education and training, officials, public employees, identification, civil status, financial activities, and other activities from national database, databases of ministries, central and local authorities and other databases.
- Use the collected and synchronized data in order to simplify administrative procedures and improve services provided by state agencies for people and enterprises. At the same time, carry out in-depth analysis to assist the Government in state management; propose social welfare policies related to insurance, healthcare, education, etc. thereby contributing to promotion of the social development and progress.
- Analyze data in a detailed manner to support formulation of national policies, plannings, and development strategies. Simultaneously, facilitate the development of new products and services on the basis of digital data collected from and aggregated with the shared and open data warehouses, thereby contributing to promotion of socio-economic development.
...
...
...
- Make international connection and exchange to share information, study establishment and implementation of national development strategies and build a foundation for research and support for application and development of the national science and technology.
III. OBJECTIVES AND REQUIREMENTS
1. General objectives
a) Regarding development of the National Data Center
Serve as a prerequisite to promote the development process and extraction of national databases for socio-economic development when the center is put into operation; contribute to fulfillment of the objective of making Vietnam's strategy for the development of digital economy on par with other countries in the world, thereby enabling Vietnam to develop and integrate into the global digital economy.
b) Regarding development of the national data
Develop the aggregated data warehouse, human-related data and data aggregated with national databases into a main pillar of data to create a foundation for the development of e-Government, promotion of the digital economy and establishment of the digital society. Build reliable and stable data systems of the State and enterprises, thereby adopting solutions to connection, sharing, reuse and development of models/applications of in-depth analysis of the data to create new values, products and driving forces for the socio-economic development in the period of digital transformation in Vietnam.
c) Regarding development of e-Government, and simplification and reform of administrative procedures
Provide infrastructure to create national databases and establish a digital identity information database to help citizens and organizations carry out administrative procedures in combination with synchronization and interconnection among other national databases. This will contribute to development of the E-Government and simplification and reform of administrative procedures that are no longer suitable, thereby increasing people's satisfaction with operations of state management agencies. Support direction, management and policy drafting by the Government and ministries, central and local authorities on the basis of digital data.
...
...
...
Carry out commercial transactions on the digital environment in a more frequent, continuous, secure and transparent manner. Simultaneously, establish and gradually expand the human-related data warehouse so that citizens and enterprises access and use it to innovate and deploy new industries and business sectors, thereby contributing to promotion of development of the digital economy and the digital society.
2. Specific objectives
a) Regarding data
- Complete creation of the aggregated data warehouse and put it into operation, immediately consolidate data related to Vietnamese citizens and foreigners living and performing activities in Vietnam to serve as a prerequisite for development of national databases in service of national security and socio-economic development (this data warehouse is basically completed by 2025); provide accurate, sufficient, clean and live data which is aggregated and compared with data of multiple resources for national databases and those of agencies and organizations; reduce intermediate steps in the process of connection and sharing. The human-related data warehouse includes data in the fields of population, biometric data, migration, insurance, healthcare and social welfare, education and training; employment, civil status and information in other fields, including administrative violations, taxes, personal income, etc.
- By the end of 2025, complete basic establishment of the aggregated data warehouse that is synchronized from national databases and put it into operation and cooperate in extraction of the human-related data warehouse; from 2026, perform in-depth data analysis to support deployment of policies and national development strategic planning; at the same time, facilitate the development of many new products and services on the basis of digital data extracted from the shared and open data warehouses, thereby contributing to promotion of the socio-economic development.
- From 2025, develop the National Data Center into a center for international exchange and connection with a view to sharing information, studying development strategies and building a foundation for study and support for application and development of science and technology of the country.
- By 2030, complete the establishment of the National Data Center which stores data and information of national databases, and connects and integrates data with specialized databases, domestic information systems, and those of Governmental organizations of other countries in order to serve activities in the digital environment, thereby ensuring the legitimate interests of Vietnam.
b) Regarding planning for data architecture of the National Data Center
- By 2025, complete construction and deployment of the Standards applicable to the planning for architecture of national databases at the National Data Center regarding classification and categorization of data according to public, confidential, second-degree top secret, first-degree top secret levels and impact on the nation, citizens and enterprises; complete the specific storage planning and establish information security policies which are appropriate to beneficiaries, access methods and extraction rights, and applicable to each type of data.
...
...
...
c) Regarding analysis and extraction of data
- By the end of 2025, successfully apply modern technologies and solutions, and train data science experts, especially high-level data analysts so as to develop, consolidate, access and analyze data in a comprehensive, multidimensional and objective manner.
- From 2026, prepare forecast reports aimed at providing advice to the Government, ministries, central and local authorities to serve management and administration via the data. Provide the shared and open data that is vital to meet the demands of people, enterprises and foreign partners for socio-economic development.
- By 2030, over 90% of administrative activities involved in exchange and cooperation in provision of information among state agencies will be replaced by the sharing of digital data from the aggregated data warehouses at the National Data Center.
d) Regarding information technology devices and infrastructure
- By the end of 2025, complete the basic construction of station infrastructure of the National Data Center in compliance with international technical regulations and standards applicable to data centers and information security, thereby ensuring the availability of modern and synchronous technology infrastructure and systems. Proactively deploy cloud computing platform in the National Data Center and continuously update the platform according to the latest technology trend, thereby avoiding wastefulness and meeting the objectives of the Industrial Revolution 4.0.
- From 2026, provide station infrastructure (power source, air conditioning, fire safety, etc.) and sites to install information technology equipment according to the ANSI/TIA-942 standard (at least Tier 3 or equivalent standards) for ministries, central and local authorities (if needed) in order to ensure information safety and security in a synchronous manner. Simultaneously, strengthen security and national defense upon assuring confidentiality and public order and security in and around the National Data Center; provide information technology infrastructure (system resources) for national databases, ministries, central and local authorities (if needed) and all political - social organizations; promote integration with the existing information technology infrastructure of units for consistent and synchronous operation and management and assurance of security, safety, economy and efficiency.
- By 2030, manage and store basic information systems of ministries, central and local authorities at the National Data Center (if needed) (except for systems which serve national defense and security and other specialized systems decided by the Prime Minister).
dd) Regarding simplification and reform of administrative procedures
...
...
...
e) Regarding development of e-Government
By 2025, Vietnam will belong to the group of 70 leading countries in e-Government (EGDI); the group of 50 leading countries in information technology (IDI); and the group of 40 leading countries in cyberinformation safety and security (GCI).
By 2030, Vietnam will belong to the group of 50 leading countries in e-Government (EGDI); the group of 30 leading countries in information technology (IDI); and the group of 30 leading countries in cyberinformation safety and security (GCI).
g) Regarding socio-economic development
Develop new economic fields and industries on the basis of the data and make contribution to raise the digital economy’s proportion in GDP according to the national goal. To be specific: "By 2025, Vietnam's digital economy will make up about 20% of GDP and Vietnam will become the second-largest digital economy in Southeast Asia. By 2030, the digital economy will account for 30% of GDP. Actively participate in development of the data economy, thereby ensuring that the data economy makes contribution to Vietnam’s GDP
IV. USERS AND SCOPE
1. Users of the National Data Center
a) Regarding ministries, central and local authorities, and social-political organizations: systems using station and information technology infrastructure in the shared areas of the National Data Center, including:
- Shared and open data warehouses that are synchronized with the aggregated data warehouse at the specialized area.
...
...
...
- Systems of agencies and organizations of the Communist Party, the National Assembly and socio-political organizations.
- Systems of agencies, units and organizations of state agencies that wish to use station and information technology infrastructure at the National Data Center.
b) Regarding people and enterprises
People and enterprises provide and extract their information data and that of the open data warehouse at the shared area in the National Data Center according to regulations of law.
2. Scope
a) Scope of establishment of station infrastructure of the National Data Center
- The Ministry of Public Security shall invest in construction of buildings and shared infrastructure of the National Data Centers according to the planned roadmap of construction in each stage specified in the Resolution (each National Data Center includes a data center building for specialized areas, a data center building for shared areas and shared items, including basic infrastructure, office buildings, power systems, communication lines and physical security layers).
- Agencies and units that already have station infrastructure meeting standards (TIA-942 or Uptime Tier-3 standard, Tier III Data Center - TCVN 9250:2021) shall continue to manage and operate their data centers; however, it is necessary to cooperate with the National Data Center and relevant agencies in research and assessment of investment in upgradation of station infrastructure in conformity with the roadmap of transfer of their IT solutions, equipment and systems to the National Data Center and termination of maintenance and upgradation of station infrastructure of the data center.
- Agencies and units with station infrastructure that does not meet standards shall maintain their systems and cooperate with the National Data Center and relevant agencies in research and assessment of investment in maintenance of station infrastructure in conformity with the roadmap of the deployment of National Data Centers and the depreciation period of equipment and solutions for the operation of station infrastructure.
...
...
...
b) Scope of investment in IT solutions, equipment and system
- The National Data Center shall invest in the entire station and IT infrastructure of the specialized area; and invest in, adopt information technology infrastructure solutions in a safe and secure manner, and develop the cloud computing platform system and the high-performance computing system, etc. of the shared area (agencies and units may invest in equipment and solutions according to technical standards of the National Data Center for integration into the shared cloud computing platform to deploy their own systems).
- Regarding agencies and units that are users:
+ Agencies and units that have invested in systems or have their detailed designs and estimates approved shall continue to manage operation and upgrade their systems according to their needs. During transfer of their systems, equipment and solutions to the National Data Center or integration into cloud computing platform of the National Data Center, it is necessary to cooperate with the National Data Center and relevant agencies in assessment of investment in conformity with the roadmap of implementation of the Project and the depreciation period of equipment and solutions for effective use and inheritance.
+ Agencies and units that have not yet invested in systems or are currently leasing infrastructure from enterprises shall, according to guidelines and technical standards of the Ministry of Information and Communications and the Ministry of Public Security (the National Data Center), invest in equipment and solutions and integrate them into the National Data Center's cloud computing platform to build and develop their own systems.
- Regarding agencies and units that are not users: they shall continue to carry out procedures for investment and procurement of technological solutions and equipment, or lease IT infrastructure from enterprises in accordance with applicable regulations.
c) Scope of data storage
- The National Data Center shall store data aggregated with national databases; and human-related information data from national databases and those of ministries, central and local authorities and other data synchronized by agencies, organizations and individuals according to regulations of law to build shared data warehouses (excluding data in the military and defense fields) for creation of a reliable area where units may access the data according to their functions and tasks. Hence, units may search other information from the shared and open data warehouses, and results after aggregation and analysis, etc provided by the National Data Center to make assessment and promptly propose appropriate and accurate policies and decisions.
- The human-related data consists of at least the following components:
...
...
...
+ Data collected from results of aggregation, analysis and extraction of citizens’ data.
- Data of ministries, central and local authorities are still stored and processed at their data center systems according to their specific needs, thereby serving various state management tasks of the units.
d) Management scope
- Regarding data:
+ The National Data Center shall manage and ensure information security and safety regarding information data synchronized with the specialized area and the shared and open data warehouses at the shared area; at the same time cooperate with agencies and units in integration and sharing of the data at the shared area of the National Data Center.
+ Ministries, central and local authorities, and socio-political organizations shall continue to manage databases in their own systems, and cooperate with the National Data Center in information security and safety and data security at units during synchronization of the data with the National Data Center.
- Regarding system operation management:
+ The National Data Center is responsible for managing the entire IT infrastructure, database of the specialized area and shared items, including basic infrastructure, office buildings, power systems, communication lines, and physical security layers of the National Data Center; and operating IT infrastructure in a safe and secure manner, the cloud computing platform, the high-performance computing system, etc. of the shared area.
+ The units shall continue to manage and operate systems that are only located at the National Data Center and ensure information safety and security.
...
...
...
V. TASKS
1. Regarding establishment and completion of legal frameworks
a) Review legal documents
Review, consolidate, assess, and propose amendments to laws related to the national database and databases of ministries, central and local authorities.
- Presiding unit: the Ministry of Public Security
- Implementation duration: 2023 - 2024.
b) Amend the Government’s Decree No. 01/2018/ND-CP on functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Public Security to add the National Data Center as a departmental-level unit under the Ministry of Public Security
- Presiding unit: the Ministry of Public Security
- Time for completion: in 2024.
...
...
...
- Presiding unit: the Ministry of Information and Communications.
- Implementation duration: 4th Quarter, 2023.
d) Advise the Government to issue Decree on list of national databases and establishment, update, maintenance, access and use thereof.
- Presiding unit: the Ministry of Information and Communications.
- Implementation duration: 4th Quarter, 2023.
2. Regarding establishment and operation of the National Data Center
a) Establish infrastructure for operation of the National Data Center that meets technical regulations and standards.
- Presiding unit: the Ministry of Public Security
- Implementation duration: according to the roadmap of the Project. Time for completion: in 2025 (for the National Data Center No.1).
...
...
...
- Presiding unit: the Ministry of Public Security
- Implementation duration: according to the roadmap of the Project. Time for completion: by 2025 (for the National Data Center No.1).
c) Ensure information safety and security during system establishment, development, administration and operation.
- Presiding unit: the Ministry of Public Security
- Implementation duration: Regularly.
d) Transfer information systems from ministries, central and local authorities to the National Data Center.
- Presiding unit: Ministries, central and local authorities that manage the national database and other databases.
- Implementation duration: according to the roadmap of the Project.
dd) Integrate and synchronize the data from national databases and those of ministries, central and local authorities with the data of the National Data Center.
...
...
...
- Implementation duration: according to the roadmap of the Project.
3. Regarding fulfillment of requirements for management and operation of the National Data Center
a) Establish an organizational structure, define functions and duties, and allocate personnel for a departmental-level unit under the Ministry of Public Security to manage and operate the National Data Center.
- Presiding unit: the Ministry of Public Security
- Time for completion: in 2024.
b) Provide training and refresher training courses and develop human resources in service of management and operation of the National Data Center.
- Presiding unit: the Ministry of Public Security
- Implementation duration: according to the roadmap of the Project.
VI. SOLUTIONS
...
...
...
- Immediately consolidate mechanisms and polices and add them to programs for development of Laws and Ordinances in order to ensure legal frameworks for implementation of the Project (Group of tasks in formulation and completion of legal frameworks).
- Complete mechanisms and policies to promptly attract personnel, especially high-level experts, thereby serving implementation of the Project from the investment preparation stage.
- Accelerate completion and deployment of component projects under the Project. Review, assess, update and promptly issue mechanisms and policies to assist units in providing and using services of the National Data Center, etc.
- Regularly review and update regulations on operation, provision and use of services of the National Data Center and update and synchronization of the data from specialized databases with data of the National Data Center in such a way to obtain the accurate, sufficient, clean and live data and comply with regulations on information security.
- Complete mechanisms and policies to encourage citizens and enterprises to effectively use data services provided by the National Data Center, thereby serving the socio-economic development.
- Promote cooperation among ministries, central and local authorities in implementation of the Project.
2. Solutions to development of human resources
a) Assurance about sufficient quantity of personnel
- Mobilize personnel, including police forces of local units and students of the People's Police Academy for the National Data Center.
...
...
...
- Deploy support mechanisms and encourage higher education institutions and domestic and international IT units to train and develop data science human resources in Vietnam to develop fields relevant to human-related data and provide the open data, thereby contributing to socio-economic development.
- Conduct study and prepare a plan to hire professional operation services provided by enterprises in order to ensure service quality and system security and safety.
b) Training and refresher training
Formulate and implement detailed training plans applicable to officials of the National Data Center. Develop various forms of training links to meet the needs and enhance the quality of human resources. In the immediate future, focus on organization of thematic seminars to increase capacity for effectively carrying out component projects under the Project. Promptly mobilize technology units and enterprises of the people's public security to actively participate in the performance of the Project's tasks with a view to taking advantage of resources in terms of technology, highly skilled personnel, technical infrastructure services, etc. of units for acceleration in implementation of the Project.
c) Provision of preferential treatment and benefits
Information technology is a specialized field that requires a high level of complexity in the handling of professional tasks with potentially high incomes Therefore, consider applying mechanisms and policies mentioned in Resolution No. 27-NQ/TW dated May 21, 2018 of the 12th Central Executive Committee: "The head of an agency/organization/unit is entitled to use its salary fund and current expenditures allocated every year to hire experts, scientists and special talents to carry out its tasks and decide incomes payable to them in correspondence with their assigned tasks." in order to make competition in the labor market and appeal to experts, scientists and special talents in the field of information technology to participate in the implementation of activities of the National Data Center.
In addition, propose mechanisms using fees and public service revenues and charges to support provision of preferential treatment and benefits for officials of the National Data Center as prescribed by law.
3. Solutions to science and technology
- Give priority to investment in projects on research and development and transfer of technology in provision of data and applications for processing and collection of the data, etc. including the development of models of analysis, forecast and use of human-related data for specialized social management and establishment of the open data warehouse; apply new techniques and technologies to access, collection and performance of analytical calculation of the human-related data in the aggregated data warehouse.
...
...
...
- Promote scientific and technological cooperation with domestic and foreign organizations in all forms so as to make transfer of advanced technology and management experience in relevant fields. Stimulate public security enterprises to participate in study and development of and master core technologies, including cloud computing platform, big database, middleware, distributed computing and storage, data-flow diagram, etc.
- Encourage use of software, solutions and equipment that are products of scientific research tasks developed and designed by Vietnamese academies, universities, research institutes and enterprises for establishment of data storage, analysis and sharing infrastructure, and data sharing and integration platforms; application systems which support and serve direction and control; applications and solutions to monitoring, supervision and management of the entire process of data connection and sharing.
4. Solutions to mobilization of capital and distribution of investment capital
Sources of capital for the Project include state budget sources (investment and development capital and recurrent expenses) currently allocated and other legally mobilized capital sources. The capital is used to perform the following tasks:
- Invest in construction of works and purchase of equipment, software and databases of the center.
- Offer training and refresher training courses to improve qualifications of officials and officers.
- Issue and amend legal documents.
- Make investment preparation (survey, conventions and hire of consultants, experts, etc.); prepare pre-feasibility and feasibility study reports for projects.
- Manage, operate, maintain, repair, renovate and upgrade physical facilities and equipment during access and use.
...
...
...
In addition, enterprises are encouraged to subsidize costs for provision of training courses and attraction of high-quality personnel to serve operation and management of technology.
5. Solutions to assurance about transmission network connection with no interruption between the National Data Center and ministries, central and local authorities
According to units’ current status and connection needs, the National Data Center may be flexibly connected with ministries, central and local authorities on:
- Current WAN infrastructure of each unit: The National Data Center will cooperate with ministries, central and local authorities to add WAN transmission lines of their units to the IT infrastructure of units at the National Data Center.
- Specialized data transmission network infrastructure: The Ministry of Public Security will cooperate with the Ministry of Information and Communications in providing guidance for relevant units, thereby fulfilling requirements and tasks in implementation of the Project.
- Internet network infrastructure of the National Data Center.
6. Solutions to international cooperation
- Promote international cooperation in data science in association with the fields of education and training, research and transfer in order to meet requirements for development of data science human resources for the country and the National Data Center.
- Strengthen cooperation in training for data science resources between universities, colleges and enterprises, and major universities, research institutes and large domestic and foreign enterprises to develop high-quality human resources in the field of data science.
...
...
...
- Urgently take activities to promote investment in the open data access sector, contributing to socio-economic development.
VII. IMPLEMENTATION PHASES
To effectively implement the Project, the implementation process will be divided into 3 specific phases:
1. Phase 1: from 2023 to the end of 2025 (Basic establishment phase)
a) Formulation and completion of legal frameworks
- Study and propose issuance and amendment to legal documents and then submit them to competent authorities for approval, setting legal frameworks for implementation of the Project.
- Submit guiding decisions on management, operation and maintenance of the National Data Center; and standards of storage, connection, synchronization, access and sharing of data and software at the National Data Center to competent authorities for approval.
b) Development of human resources
- Complete establishment of organizational structure and personnel of the unit which manages, operates and develops the National Data Center and submit them to competent authorities for approval.
...
...
...
- Train human resources for implementation of the Project and develop plans to cooperate with enterprises in system management and operation.
c) Construction of technical infrastructure for the Data Center
- In 2023 - 2024: Complete and submit 02 component projects of the Project, including a project on construction of the National Data Center No. 01 and a project on IT for the National Data Center No. 01, for approval.
- In 2024 - 2025: (1) Carry out projects on basic construction and operation of main components of the National Data Center No. 1 (a Data Center for shared areas, a Data Center for specialized areas, office buildings and other auxiliary structures); (2) Purchase and install IT solutions and equipment to build systems; (3) Add necessary technology equipment and solutions so as to build backup systems at the National Population Data Center and Data Centers according to standards of ministries, central and local authorities while waiting for investment and construction of the National Data Center No. 02.
- In 2025, carry out and complete procedures for preparing investment in 02 projects, including a project on construction of the National Data Center No. 02 and a project on IT for the National Data Center No. 02, and start construction of the National Data Center No. 02 from the first Quarter of 2026.
d) Database development by 03 following entities:
- The National Data Center is responsible for the initial phase in development of the aggregated data warehouse, the human-related data warehouse and the data aggregated with national databases and those of ministries, central and local authorities in social fields; and gradually creates the shared and open data warehouses.
- Ministries, central and local authorities standardize the data according to guidelines of the Ministry of Public Security (the National Data Center); study and build national databases and integrate and synchronize national databases and those of ministries, central and local authorities with the national data center to gradually create the aggregated data warehouse and the shared data warehouse of the Government (depending on conditions and actual situation of national databases and those of ministries, central and local authorities).
- Political and social organizations develop their databases at the National Data Center.
...
...
...
- From the third Quarter of 2025, the National Data Center will start to provide (1) IT infrastructure for national databases, agencies of the Communist Party, the National Assembly, and political and social organizations; and agencies and units that wish to locate infrastructure at the National Data Center; cooperates with agencies and units to develop plans and transfer their main (or backup) systems to the National Data Center No. 01; (2) services of distribution and sharing of the data from the shared data warehouse for ministries, central and local authorities; (3) the open data for people and enterprises for access and use, thereby serving socio-economic development.
- Ministries managing the national database, agencies of the Communist Party, the National Assembly, political and social organizations (1) cooperate with the National Data Center in developing and implementing plans to transfer information security and safety systems of units that wish to transfer existing IT systems to the National Data Center (they will be completed in the fourth Quarter of 2025); (2) proactively allocate funds to the transfer of systems according to the deployed plans; (3) synchronize data from national databases and human-related data with the national data center.
2. Phase 2: from 2026 to the end of 2028 (Expansion phase)
a) Formulation and completion of legal frameworks:
Continue to complete legal frameworks for collection and development of the data and provision of services of the national data center.
b) Development of human resources:
Complete organizational structure and model of the unit managing and operating the National Data Center. Strengthen training and recruitment in order to manage and operate systems in a proactive manner; hire experts and external personnel to serve production, research and development of applications.
c) Construction of technical infrastructure for the Data Center
- The National Data Center will:
...
...
...
+ In 2028: carry out and complete procedures for preparing investment in 02 projects, including a project on construction of the National Data Center No. 03 and a project on IT for the National Data Center No. 03, and start construction of the National Data Center No. 03 from the first Quarter of 2029.
- Ministries, central and local authorities, political and social organizations will (1) invest in equipment and solutions, and integrate them into technical and technological infrastructure systems at the National Data Center to build and develop information systems of their units according to guidelines and technical standards of the Ministry of Public Security (the National Data Center) which cooperates with the Ministry of Information and Communications in issuing such guidelines and standards to the National Data Center. Units will allocate funds to deployment and integration into the system of the National Data Center (if needed); (2) transfer the remaining systems (main or backup systems) of agencies and units to the National Data Center No. 02 to meet backup requirements.
d) Database development:
- The National Data Center will (1) expand the development of human-related data warehouse and the data minimally aggregated with databases of ministries and central authorities, including the Ministry of Natural Resources and Environment, the Ministry of Planning and Investment, etc. (2) integrate and synchronize the data from national and specialized databases with the National Data Center, and aggregate them with the shared and open data warehouses according to planning/strategy; (3) deploy and expand specialized databases of political and social organizations at the National Data Center.
- Ministries, central and local authorities, political and social organizations will urgently build national databases, continue to develop and expand specialized databases of their own organizations and units, and ensure continuous integration and synchronization with the National Data Center.
dd) Service provision:
- The national data center will (1) expand the provision of station and IT infrastructure services (including both the main data center and the backup data center) for ministries, central and local authorities (if needed); (2) expand the provision of infrastructure to develop specialized information systems of agencies of the Communist Party, the National Assembly, political and social organizations; (3) expand distribution and sharing of the data from the shared data warehouse to/with ministries, central and local authorities; (4) expand the provision of the open data for citizens and enterprises to access and use this data, thereby serving socio-economic development; and (5) pilot the provision of some cloud computing services using the PaaS/SaaS model (Platform as a Service/Software as a Service) for units (if needed).
- Ministries, central and local authorities, political and social organizations will increase and expand the scope of using services provided by the National Data Center according to their needs and development conditions.
3. Phase 3: from 2029 to the end of 2030 (Development phase)
...
...
...
b) Consolidation and development of human resources: Continue to strengthen and further improve organizational structure of the unit managing and operating the National Data Center. Carry out recruitment and training connection in order to add personnel serving the activities of the National Data Center. Make cooperation with research institutions in application and development of technologies for access to big data.
c) Construction of technical infrastructure for the Data Center:
- The National Data Center will (1) provide additional resources for the National Data Center No. 01 and the National Data Center No. 02 according to the use demands of ministries, central and local authorities and the Center; (2) construct and install equipment and systems at the National Data Center No. 03.
- Ministries, central and local authorities, political and social organizations will continue to investment as prescribed.
d) Database development:
- The National Data Center will (1) continue to expand and develop the human-related data warehouse, and the data aggregated with all national databases built; (2) integrate and synchronize national and specialized databases with the National Data Center. Aggregate and develop them into shared and open data warehouses according to planning/strategy.
- Ministries, central and local authorities, political and social organizations will continue to develop and expand specialized databases of their own organizations and units to integrate and synchronize them with the National Data Center.
dd) Service provision:
- The National Data Center will expand (1) the provision of infrastructure and resources for all information systems of ministries, central and local authorities (if needed); (2) the provision of services to develop all specialized information systems of political and social organizations; (3) the provision of some cloud computing services using the PaaS/SaaS model (Platform as a Service/Software as a Service) for units if needed; (4) the shared and open data warehouses and development of additional utilities.
...
...
...
VIII. FUNDING
1. Funding for implementation of the Project is derived from state budget currently allocated.
2. Ministries, ministerial agencies, Governmental agencies, and People's Committees of provinces and central-affiliated cities shall provide funding for performance of the Project’s tasks in their annual state budget estimates assigned by competent authorities.
3. It is encouraged to mobilize funding sources other than central government budget for the implementation of the Project according to regulations of law.
Article 2. Implementation
1. Responsibilities of the Working Group for the implementation of Project 06
a) Direct organization of development and implementation of the National Data Center Project and its component projects.
b) Organize improvement of organizational structure and appoint additional representatives of the Ministry of Construction, the Ministry of Science and Technology, and the Government Cipher Committee to the Working Group.
2. Responsibilities of ministries, ministerial agencies, Governmental agencies, People's Committees of provinces and central-affiliated cities
...
...
...
b) Review human-related information data managed according to specialized procedures and cooperate with the National Data Center in developing plans for synchronization of the human-related data under their management with the National Data Center.
c) Organize annual summarization and assessment of the Project's activities within their scope.
d) Connect to the data integration and sharing platform of the National Data Center.
dd) Comply with regulations of law on assurance of information system security at different levels with regard to the information systems installed and operated at the National Data Center.
e) According to their functions and tasks, review legal documents to request competent authorities to amend, supplement, or issue new legal documents, facilitating connection and access to data between the National Data Center and national and specialized databases.
g) Ho Chi Minh City People's Committee, Hanoi People’s Committee, the People's Committee of Lam Dong province, the People's Committee of Hoa Binh province, the People's Committee of Can Tho city and relevant local authorities shall cooperate with the Ministry of Public Security in introducing and allocating land and developing the National Data Center.
h) Any difficulty arising during the implementation of the Project shall be reported to the Ministry of Public Security for consolidation and submission of reports to the Prime Minister, thereby promptly resolving difficulties and implementing the Project in an effective and quick manner.
3. Responsibilities of the Ministry of Public Security
a) Preside over and cooperate with the Government Office, the Ministry of Information and Communications, and relevant ministries, central and local authorities in organizing, providing guidance on, inspecting and urging implementation of the Resolution.
...
...
...
c) Preside over and cooperate with the Ministry of Justice, Government Office, the Ministry of Information and Communications and relevant agencies in carrying out review and consolidation and requesting the Government to direct ministries, central and local authorities to formulate and amend documents related to development and management of the National Data Center .
d) Act as a focal point for registration of connection and sharing of data between information systems of state administrative units and enterprises and the data warehouse aggregated with national databases through the data integration and sharing platform of the National Data Center.
dd) Act as a focal point for receipt of requests for assistance in provision, installation and integration of information technology equipment and systems from units if needed.
e) Be a focal point which consolidates the demands for IT infrastructure of ministries, central and local authorities, and prepares and develops a plan for expansion and development (in terms of capacity for computing, storage and security, scope and scale) in order to meet annual growth demands.
g) Preside over and cooperate with the Ministry of Information and Communications in appraising, assessing, inspecting and supporting supervision and response to incidents involve network security and safety during construction, deployment, and operation of important information systems and databases in the National Data Center.
h) The Minister of Public Security shall elaborate functions, tasks, powers and organizational structure of the National Data Center.
i) Promptly report difficulties in organization and implementation of the Resolution faced by ministries, central and local authorities to the Prime Minister for settlement.
k) Preside over and cooperate with the Ministry of Information and Communications and the Ministry of Science and Technology in establishing standards and regulations on classification of data, software architecture, system architecture, organization, connection and sharing of data of the National Data Center.
4. Responsibilities of the Government Office
...
...
...
b) Cooperate with the Ministry of Public Security and relevant units in assessing the needs and transferring IT infrastructure of information systems serving direction and operation by the Government and the Prime Minister (National Public Service Portal, National Document Interoperability Axis, National Reporting Information System, etc.) to the National Data Center according to the roadmap after establishment of the Center.
5. Responsibilities of the Ministry of National Defense
Cooperate with the Ministry of Public Security, agencies and organizations in allocating appropriate forces and equipment to detect and prevent acts of infringing the National Data Center both online and offline.
6. Responsibilities of the Ministry of Information and Communications
a) Take charge of providing guidance for ministries, central and local authorities on development and improvement of technical infrastructure according to standards, thereby avoiding scattered and wasteful investment.
b) Give guidance to ministries, central and local authorities on standardization, connection and sharing of data and optimal calculation of investment in new infrastructure and use of infrastructure provided by the National Data Center.
c) Review and assess specialized data transmission network of agencies to develop upgradation plans, thereby ensuring that units can access and manage systems located at the National Data Center through the specialized data transmission network.
d) Complete the IT infrastructure planning for the period of 2021-2030, with a vision towards 2050 submitted to the Prime Minister for issuance; make a Decree on list of national databases, and construction, update, maintenance and provision thereof submitted to the Government for issuance; issue or request competent authorities to issue the e-Government Architecture Framework 3.0; provide guidance on and strictly assess construction of the e-Government Architecture (version 3.0) by ministries, central and local authorities, thereby ensuring its compatibility and consistency with the E-Government Architecture Framework 3.0.
7. Responsibilities of the Ministry of Science and Technology
...
...
...
b) Support research, mastery and application of digital technologies and data to create products and services serving the development of digital government, digital administration, and socio-economic development through national key science and technology programs.
8. Responsibilities of the Ministry of Planning and Investment
On the basis of the proposals of the Ministry of Public Security and central and local ministries and agencies participating in the implementation of the Project (if any), the Ministry of Planning and Investment shall preside over and cooperate with the Ministry of Finance in requesting competent authorities to add projects on investment in construction and procurement of equipment, software and databases of the Project to the mid-term public investment plan when the conditions prescribed by the Law on Public Investment and the Resolution of the National Assembly on mid-term public investment plan are met.
9. Responsibilities of the Ministry of Finance:
a) Allocate funding to implementation of the Resolution in accordance with regulations of the law on the state budget.
b) Advise and request competent authorities to prioritize allocation of additional funding to implementation of the Resolution (other than annual budget expenditure estimates).
c) Cooperate with the Ministry of Public Security in advising competent authorities to amend and issue legal documents on collection and management of fees for extraction and use of information in the National Data Center.
10. Responsibilities of the Ministry of Justice
Take charge of consolidation and inclusion in programs for development of Laws and Ordinances and urge implementation of these programs to ensure legal frameworks for implementation of the Project.
...
...
...
Cooperate with the Ministry of Public Security and relevant units in providing guidelines for working positions of and benefits to personnel managing, operating and developing the information system of the National Data Center.
12. Responsibilities of the Ministry of Industry and Trade
Direct the Vietnam Electricity to study arrangement to satisfy conditions for supply of power to Data Centers (02 outlets).
13. Responsibilities of Government Cipher Committee
Preside over and cooperate with the Ministry of Public Security, the Government Office, and the Ministry of Information and Communications in adopting measures to maintain safety, authentication and security of information using codes, and developing specialized certification services for governmental authorities for information systems and databases in the Resolution.
Article 3. Effect and implementation responsibilities
1. This Resolution comes into force from the date on which it is signed.
2. Ministers, heads of ministerial agencies, heads of Governmental agencies, chairpersons of People’s Committees of provinces and central- affiliated cities, and relevant organizations and individuals are responsible for implementing this Resolution./.
...
...
...
ON BEHALF OF THE GOVERNMENT
PP. PRIME MINISTER
DEPUTY PRIME MINISTER
Tran Luu Quang
APPENDIX I
TASKS OF MINISTRIES, CENTRAL AND LOCAL AUTHORITIES IN
IMPLEMENTATION OF NATIONAL DATA CENTER PROJECT IN PHASE 1 (2023-2025)
(Enclosed with the Government’s Resolution No. 175/NQ-CP dated October 30,
2023)
I. GENERAL TASKS
1. Closely cooperate with the Ministry of Public Security, Government Office, Ministry of Information and Communications, Government Cipher Committee, and relevant agencies and units in the performance of tasks assigned in the Project.
2. Conduct review and produce statistics on information fields in the database (especially human-related information) managed according to specialized procedures and professional practices, and information fields to be extracted (time for completion: 4th Quarter of 2023).
3. Connect to the data integration and sharing platform of the National Data Center (3rd Quarter of 2025).
4. Cooperate with the National Data Center in developing plans for synchronization of the human-related data within the scope of management with the National Data Center (according to the roadmap proposed by the Ministry of Public Security).
...
...
...
6. According to functions and tasks, review legal documents to request competent authorities to amend, supplement, or issue new legal documents, thereby facilitating connection and access to data between the National Data Center and national and specialized databases.
7. Regarding units that have built the national database: Continue to improve their systems and transfer them to the National Data Center in 2nd Quarter of 2025.
8. Regarding units that have not yet built the national database: Urgently conduct review and study, and suggest development of the system to the Ministry of Public Security (National Data Center) in 4th Quarter of 2023.
9. Review, survey, study, propose and approve projects on implementation according to the assigned tasks of the Project (2nd Quarter of 2024).
10. Any difficulty arising during the implementation of the Project shall be reported to the Ministry of Public Security for consolidation and submission of reports to the Prime Minister, thereby promptly resolving difficulties and implementing the Project in an effective and quick manner (regularly).
II. SPECIFIC TASKS
NO.
Unit
Tasks
...
...
...
Time for completion
1
Ministry of Information and Communications
Advise the Government to issue Decree on list of national databases and establishment, update, maintaince, access and use thereof according to shortened procedures
(1) Ministry of Justice
(2) Government Office
(3) Ministry of Public Security
4th Quarter of 2023
Advise the Prime Minister to issue the National Information and Communications Infrastructure Planning for the period of 2021 - 2030, with a vision towards 2050, and include the National Data Center proposed by the Ministry of Public Security in the Planning.
...
...
...
(2) Ministry of Public Security
4th Quarter of 2023
Promulgate or request the competent authority to promulgate the E-Government Architecture Framework 3.0.
Government Office
4th Quarter of 2023
Advise and request competent authorities to issue regulations on standards of connection and sharing of data among state agencies; between state agencies and domestic and foreign enterprises; between state agencies of Vietnam and foreign political agencies and organizations.
(1) Government Office
(2) Ministry of Public Security
1st Quarter of 2024
...
...
...
(1) Ministry of Science and Technology
(2) Ministry of Public Security
By 2025
2
Ministry of Public Security
Establish a departmental-level unit with functions and tasks stated in the Project.
In 2024
Disseminate information about importance in establishment of the National Data Center by the Working Groups for the implementation of Project 06 at all levels and via mass media to people
...
...
...
(2) Vietnam Television, Voice of Vietnam
Regularly
Review and assess laws related to the national database and databases of ministries, central and local authorities.
(1) Ministry of Justice
(2) Ministries, central and local authorities
Regularly
Formulate and promulgate or request competent authorities to promulgate regulations on Data Strategy and Standards in the National Data Center
(1) Ministry of Information and Communications
(2) Ministries, central and local authorities
...
...
...
Advise and request competent authorities to issue regulations on management and operation of the National Data Center
(1) Ministry of Information and Communications
(2) Ministries, central and local authorities
September, 2024
Amend the Government’s Decree No. 01/2018/ND-CP
(1) Ministry of Justice
(2) Ministry of Home Affairs
(3) Relevant ministries and central authorities.
In 2024
...
...
...
(1) Ministry of Information and Communications
(2) Relevant ministries, central and local authorities
4th Quarter of 2023
Carry out procedures for implementation of component projects of the Project according to regulations of the law on investment
(1) Relevant ministries, central and local authorities
The Ministry of Public Security makes an implementation plan
3
Ministry of Planning and Investment of Vietnam
Request competent authorities to add projects on investment in construction and procurement of equipment, software and databases of the Project to the mid-term public investment plan for the period of 2020-2025
...
...
...
(2) Ministry of Public Security
4th Quarter of 2023
4
Ministry of Finance
Allocate funding for implementation of the Resolution in accordance with regulations of the law on the state budget.
(1) Ministry of Public Security
(2) Ministry of Planning and Investment
According to the roadmap of the Project proposed by the Ministry of Public Security
Advise and request competent authorities to prioritize allocation of additional funding for implementation of the Resolution (other than annual budget expenditure estimates).
...
...
...
(2) Ministry of Planning and Investment
According to the roadmap of the Project proposed by the Ministry of Public Security
Cooperate with the Ministry of Public Security in studying and requesting competent authorities to amend and issue legal documents on collection and management of fees for extraction and use of information in the National Data Center.
(1) Ministry of Public Security
(2) Ministry of Planning and Investment
According to the roadmap of the Project proposed by the Ministry of Public Security
5
Ministry of Home Affairs
Cooperate with the Ministry of Public Security and relevant units in providing guidelines for working positions of and benefits to personnel managing, operating and developing the information system of the National Data Center.
...
...
...
(2) Ministry of Information and Communications
(3) Ministry of Finance
1st Quarter of 2024
6
Government Office
Monitor and urge authorities to implement the Project and promptly send reports to the Prime Minister
Ministry of Public Security
Regularly
7
...
...
...
Give guidance and advice on standards and regulations to adopt measures for detecting and preventing acts of infringing the National Data Center both offline and online.
Ministry of Public Security
4th Quarter of 2023
8
Ministry of Industry and Trade
Direct the Vietnam Electricity to study arrangement to satisfy conditions for supply of power to Data Centers (02 outlets).
Ministry of Public Security
4th Quarter and according to the roadmap for development of Data Centers under the Project
9
...
...
...
Appraise construction plans
According to the roadmap of the Project
10
Ministry of Science and Technology
Study and announce standards related to the Data Center (ISO 30134-8, ISO 30134-9, ISO 22237-1:2021, etc.)
Ministry of Information and Communications
2nd Quarter of 2024
11
...
...
...
Carry out environmental impact assessment during establishment and operation of the National Data Center
Ministry of Public Security
During implementation of the Project
12
Government Cipher Committee
Take measures so as to maintain safety, authentication and security of information using codes and specialized certification services for governmental authorities
(1) Ministry of Public Security
(2) Government Office
(3) Ministry of Information and Communications
...
...
...
13
Ministry of Foreign Affairs
Make international cooperation in data science with governmental agencies of countries.
(1) Ministry of Public Security
(2) Government Office
During implementation of the Project
Promote international cooperation to transfer technology to the National Data Center
(1) Ministry of Public Security
(2) Government Office
...
...
...
14
Ministry of Education and Training
Develop training programs to enhance the quality of human resources serving management and operation of Data Centers.
(1) Ministry of Public Security
(2) Ministries, central and local authorities
From 4th Quarter 2023
15
Vietnam Television, Voice of Vietnam
Disseminate development of legal policies, objectives and interests of the National Data Center
...
...
...
According to the roadmap of implementation of the Project
16
Ho Chi Minh City People's Committee, Hanoi People’s Committee, the People's Committee of Lam Dong province, the People's Committee of Hoa Binh province, the People's Committee of Can Tho city
Introduce locations to build the National Data Center; hand over project sites to the Ministry of Public Security that submits a report to the Prime Minister for addition to security land.
Ministry of Science and Technology
According to the roadmap of implementation of the Project
Make preparations to allocate and maintain necessary infrastructure for construction, deployment, and operation of National Data Centers (electricity, water, transportation, and security surveillance cameras).
Ministry of Public Security
According to the roadmap of implementation of the Project
...
...
...
APPENDIX II
SOME KEY CONTENTS RELATED TO ESTABLISHMENT AND DEVELOPMENT
OF IT SYSTEMS AT NATIONAL DATA CENTER
(Enclosed with the Government’s Resolution No. 175/NQ-CP dated October
30, 2023)
I. ESTABLISHMENT OF NATIONAL DATA CENTER
1. Locations
a) National Data Center No. 01:
Location: Hoa Lac Hi-Tech Park, Hanoi City.
b) National Data Center No. 02 and National Data Center No. 03:
The allocation shall conform to the information and communication infrastructure planning.
2. Scale
...
...
...
- To be specific: the National Data Center No. 01 is expected to have a total construction area of about 150.000 m2, a Data Center serving specialized areas with a scale of 300 rack cabinets, 01 Data Center with a scale of 1.000 racks, and supporting buildings serving approximately 1.000 people.
3. Technical regulations, standards and requirements to be met
- National Data Centers are designed and built in accordance with technical requirements and standards applicable to Data Centers at at least Tier 3.
- In addition, National Data Centers are designed and established according to domestic and international standards, specifications, and technical requirements to resist to bombs and terrorism; and standards and requirements applicable to Green Data Centers with priority given to use of renewable energy sources and implementation of smart measures for energy control.
- Latest and maximum security solutions shall be adopted to control, detect and prevent attack, intrusion and sabotage acts in each area, underground corridor, and airspace.
4. Optimal solutions for construction of station infrastructure of the National Data Center
- The National Data Center shall make investment in and construction of station infrastructure of the National Data Center No. 01 which is built in Hoa Lac, Ha Noi and station infrastructure of other National Data Centers constructed in conformity with the planning for information and communications infrastructure according to the construction roadmap in each phase.
- Agencies and units that already have station infrastructure meeting standards (TIA-942 or Uptime Tier-3 standard, Tier III Data Center - TCVN 9250:2021) shall continue to manage and operate their data centers; however, it is necessary to cooperate with the National Data Center and relevant agencies in research and assessment of investment in upgradation of station infrastructure in conformity with the roadmap for development of National Data Centers and the depreciation period of equipment and solutions serving the operation of station infrastructure, thereby ensuring maximum utilization and inheritance in case of (1) transfer of IT systems, equipment and solutions to the National Data Center and (2) termination of maintenance and upgradation of station infrastructure of Data Centers
- Agencies and units with station infrastructure that does not meet standards (TIA-942 or Uptime Tier-3 standard, Tier III Data Center - TCVN 9250:2021) shall continue to manage, operate and upgrade their systems and cooperate with the National Data Center and relevant agencies in research and assessment of investment in maintenance of station infrastructure in conformity with the roadmap of the deployment of National Data Centers and the depreciation period of equipment and solutions for the operation of station infrastructure, thereby ensuring successful investment and resources for management and operation.
...
...
...
II. INFORMATION TECHNOLOGY
1. Main components
a) Cloud computing platform
Cloud computing platform and development of functional areas:
- The cloud computing area satisfies the needs of ministries, central and local authorities, and the National Data Center with subsystems for integrating, synchronizing and accessing data and high requirements for information security. Main investment items for this area include network equipment; information security; servers; storage; commercial software; cloud computing software; etc. (including upgradation of the National Population Data Center for backup).
b) Aggregated data warehouse for management
Building and developing an aggregated data warehouse which serves performance of state management tasks and putting it into use according to the roadmap, including (i) technical infrastructure of a large data warehouse; (ii) data integration and sharing platform of the National Data Center; (iii) synchronization of human-related data with data aggregated with national databases, etc in order to establish a large data warehouse which consolidates information for management. Providing important data sources for research and development of AI technology applications.
Main investment items include commercial software for database; system resources; data integration and sharing platform software; data integration development; etc.
c) Data analysis system serving management
...
...
...
Main investment items include high-performance computing system; commercial software; predictive analysis models; internal software; etc.
d) Specialized data service system and data access management system
Establishing data warehouses along with the data access management system to serve access by entities to shared and open data, etc.
Main investment items include database management system; system resources; commercial software; data access management software system; etc.
2. Technical regulations, standards and requirements to be met
- The National Data Center's IT system is designed and built according to technical standards and requirements in terms of system availability and design and special redundancy in order to ensure that the system is available for expansion when necessary.
- The official operating environment of the National Data Center's information system is designed and built in such a way to be separate from development, testing and experimentation environments.
- The design and operation of the IT system shall maintain security and confidentiality at the highest and most modern level, and meet national and international standards and regulations to control, detect and prevent cyberattacks.
3. Plan to separate areas and optimally utilize resources
...
...
...
- Function: It is established at an independent data center for readiness to share data with ministries, central and local authorities.
- Components:
+ Shared cloud computing platform for systems of ministries, central and local authorities.
+ Network technology, and security and safety equipment and systems.
+ Open data warehouse which is a part of the aggregated data warehouse, is analyzed in the specialized area in synchronization with the shared area, and serves access and use by ministries, central and local authorities, people and enterprises.
+ Shared data warehouse which is a part of the aggregated data warehouse, is analyzed in the specialized area in synchronization with the shared area, and serves access and use by state agencies.
+ Data integration and sharing platform of the National Data Center.
+ Other systems serving operation of the entire system in the shared area (software, centralized monitoring, etc.).
b) Specialized area
...
...
...
- Components:
+ Private cloud computing platform for the National Data Center which serves establishment of the aggregated data warehouse and aggregation and analysis of the data.
+ Network technology, and security and safety equipment and systems.
+ Aggregated data warehouse.
+ Data analysis system.
+ Other systems serving operation of the entire system in the shared area (software system, centralized monitoring, etc.).
c) National Data Center:
- It shall invest in the entire IT infrastructure of the specialized area for the National Data Center.
- It shall invest and deploy IT infrastructure solutions in a secure and safe manner, cloud computing platform system, high-performance computing system, etc. of the shared area (agencies and units can invest in equipment and solutions in accordance with technical standards of the National Data Center to integrate them into the shared cloud computing platform for development of their own systems according to their needs).
...
...
...
- Agencies and units that have invested in systems shall continue to manage, operate and upgrade systems according to their needs in conformity with the depreciation period and the implementation roadmap stated in the Resolution. During transfer of their systems, equipment and solutions to the National Data Center or integration into cloud computing platform of the National Data Center, it is necessary to cooperate with the National Data Center and relevant agencies in assessment of investment in conformity with the roadmap of implementation of the Project and the depreciation period of equipment and solutions for effective use and inheritance.
- Agencies and units that have not yet invested in systems or are currently leasing infrastructure from enterprises shall, according to guidelines and technical standards of the Ministry of Public Security (the National Data Center), invest in equipment and solutions and integrate them into the National Data Center's cloud computing platform to build and develop their own systems or lease services from public service providers of the National Data Center.
dd) Regarding agencies and units that are not been mentioned in the Resolution
They shall continue to carry out procedures for investment and procurement of technological solutions and equipment, or lease IT infrastructure from enterprises in accordance with applicable regulations.
APPENDIX III
LEGAL STATUS, FUNCTIONS AND TASKS OF NATIONAL DATA CENTER
(Enclosed with the Government’s Resolution No. 175/NQ-CP dated October
30, 2023)
I. LEGAL STATUS
The National Data Center is an independent administrative unit equivalent to a Department under the Ministry of Public Security, and directly managed and directed by the Minister of Public Security. The Minister of Public Security shall elaborate functions, tasks, powers and organizational structure of the National Data Center.
...
...
...
1. The National Data Center manages national data under the direct management of the Minister of Public Security and ensures storage, management, sharing and access to data of the Communist Party and the State. It also manages the data sector and assists the Minister of Public Security to perform state management tasks related to data.
2. The National Data Center assists the Minister of Public Security in advising the Communist Party and the State on guidelines, policies and laws, fulfillment of state management functions for human-related data and procedures for synchronization, management, sharing and access to data between agencies, organizations, people, enterprises and the National Data Center.
3. The Center organizes operation, management, storage, sharing, study, application, access and development of data; provides IT infrastructure and technical solutions for agencies and units if needed; and ensures security and safety of its system and database.
4. The Center stores, manages, accesses and develops data; exchanges data with ministries and central authorities; carries out analysis in order to serve management and formulation of policies; studies and develops data; and provides the shared data warehouse to perform state management tasks.
III. TASKS
1. Data management, including: policies; plannings; sharing and manipulation; analysis and application of the data.
2. Management and operation, including: software; database; network; servers; and provision of system resources.
3. Security, safety and confidentiality, including: policies; inspection; monitoring of systems (SOC); research and development of solutions.
4. Management of infrastructure, including: electricity, air conditioning and environment; fire prevention and fighting; physical security; transmission lines; provision of station infrastructure.
...
...
...
IV. RELATIONSHIP BETWEEN THE NATIONAL DATA CENTER AND AGENCIES AND ORGANIZATIONS
During development and operation, the National Data Center shall ensure that its functions and tasks do not overlap with those of other units since these units still manage and operate systems and databases of ministries, central and local authorities, and run professional software to collect and update information according to the assigned tasks and functions. The National Data Center only obtains data integrated and synchronized by units and provides IT infrastructure for units (if needed) to quickly deploy systems, but does not manage and operate systems, data, and specialized and professional processes of units. The development of the National Data Center shall meet specific requirements as follows:
1. Regarding data synchronization
With regard to national databases and those established and managed by ministries and central authorities according to their needs and specialized and professional processes, the latest human-related data and data of national databases shall be connected to the National Data Center for concentrated storage and access. Data shall be synchronized through national integration platforms in a manner that meets requirements for correct, sufficient, clean and live data.
2. Regarding data management
a) The National Data Center shall manage and ensure information security and safety regarding information data synchronized with the specialized area and the shared and open data warehouses at the shared area; at the same time cooperate with agencies and units in integration and sharing of the data at the shared area of the National Data Center.
b) Ministries, central and local authorities, and socio-political organizations shall continue to manage databases in their own systems, and cooperate with the National Data Center in information security and safety and data security at units during synchronization of the data with the National Data Center.
3. Regarding data storage
a) The National Data Center shall store data aggregated with national databases; and human-related information data from national databases and those of ministries, central and local authorities and other data synchronized by agencies, organizations and individuals in order to build shared data warehouses (excluding data in the military and defense fields) for creation of a reliable area where units may access the data according to their functions and tasks. Hence, units may search other information from the shared and open data warehouses, and results after aggregation and analysis, etc provided by the National Data Center to make assessment and promptly propose appropriate and accurate policies and decisions.
...
...
...
b) Data of ministries, central and local authorities shall be still stored and processed at their data center systems according to their specific needs, thereby serving various state management tasks of the units.
4. Data access and use
a) The National Data Center shall provide data integration and sharing platform for systems developed on its cloud computing platform.
b) Regarding systems that are not developed on the National Data Center's cloud computing platform, connection and sharing platforms that are being deployed shall be still applied.
c) If ministries, central and local authorities wish to access data of information fields, they shall ensure that the data is only accessed during the access session, and are prohibited from storing and sharing information fields not under their management. They shall maintain security and safety for the accessed and used data, and the data shall be accessed and used for intended purposes and in accordance with the regulations of law.
5. Regarding system development and operation:
With regard to information systems of ministries, central and local authorities that are built and developed with infrastructure of the National Data Center, the operation and management of these systems shall be conducted as follows:
a) Units shall proactively manage and operate components in terms of application layers, data management, operating environment, middleware and operating system.
b) The National Data Center will manage and operate components in terms of virtualization, management of servers, storage devices, network infrastructure, and security.
...
...
...
a) The National Data Center shall provide ministries, central and local authorities with locations for installation of servers and IT infrastructure in the form of Infrastructure as Services (services allow use of necessary IT infrastructure, including connection channels, internal transmission networks, network security, etc. for system deployment). At the same time, it shall provide secure management channels for units to proactively develop and ensure information security of their application systems and provide relevant services.
b) After receiving infrastructure, ministries, central and local authorities shall self-manage application systems and IT services deployed on the provided infrastructure (core systems of agencies and units).
7. Regarding IP address planning: The National Data Center shall manage IP address resources and routing in a consistent manner according to national IP address use orientations, plans and plannings.
8. Regarding information security and safety
a) For shared area: The National Data Center shall provide storage and infrastructure services (IaaS) that meet information security requirements at different levels according to the needs of units. The National Data Center shall maintain cybersecurity and information security and safety for the shared cloud computing platform and develops a centralized cybersecurity monitoring system for the shared area; ministries, central and local authorities shall guarantee information safety for their application systems and databases.
b) For specialized area: The National Data Center shall provide infrastructure services that meet information security requirements at level 5 and comply with security regulations and standards to protect the aggregated data warehouse. Therefore, the National Data Center will establish a separate and independent security monitoring area for this specialized area.
c) For information safety and security monitoring task (SOC): The National Data Center shall connect with the National Security Operations Center (Ministry of Public Security) and other information safety and security monitoring centers if necessary. Security monitoring data at the National Data Center will be centrally synchronized with the National Security Operations Center. Ensure unified supervision and prevention of illegal access to and attacks on the National Data Center.
9. Regarding backup assurance
a) During the phase of construction of the National Data Center No. 02 (expected to be completed in 2028)
...
...
...
- Systems deployed in the shared area by ministries, central and local authorities, during the period until 2028 will be connected to station infrastructure of their data centers invested in accordance with data center standards in order to meet backup requirements.
b) During the phase after completion of the National Data Center No. 02
- After completion of the construction of the National Data Center No. 2, National Data Centers shall be responsible for backups.
- The National Data Center No. 2 will be established at a location in conformity with the information and communications infrastructure planning and requirements for quality of transmission lines serving connection and synchronization of data in order to maintain network connection infrastructure and simultaneous operations (active-active) between the National Data Center No. 1 and the National Data Center No. 2, and utilize operation advantages and human resources for system management and operation to the maximum.
c) At the same time, it is expected that the National Data Center No. 3 and other National Data Centers will be built in locations other than those of the National Data Center No. 01 and the National Data Center No. 02 to meet backup requirements in case of natural disasters or war.
10. Regarding financial mechanism
a) Finance for investment in equipment and solutions:
- Ministries, central and local authorities, and organizations shall self-purchase equipment according to technical regulations and standards (the National Data Center cooperates with relevant agencies in issuing such regulations and standards and submitting them to competent authorities for approval) and cooperate with the National Data Center to integrate such equipment into the technical infrastructure and the cloud computing platform of the National Data Center. Ministries, central and local authorities shall propose, allocate and maintain funding for additional equipment and information security solutions, and integration of new equipment according to information security solutions and technology platforms deployed by the National Data Center.
- The National Data Center shall propose investment in additional equipment and solutions shared for the National Data Center, including internet channels, specialized data transmission networks, core network equipment, security equipment, etc.
...
...
...
- The National Data Center shall not collect fees for use of station and IT infrastructure invested by the Government from agencies, units and organizations. Funding for operation of the National Data Center will be derived from state budget and other legal budget sources annually allocated on the basis of economic and technical norms and the demands for use of station and IT infrastructure of ministries, central and local authorities.
- Agencies, units and organizations shall proactively propose funding and self-maintain equipment, software and components invested by them (they may hire units and enterprises according to regulations).
1 Aggregated data warehouse is formed from the national aggregated database, and only includes information fields synchronized with national databases (excluding configuration data and system log data) and human-related information fields from databases of ministries, central and local authorities, and other databases on the National Data Center in order to build shared data warehouses (excluding specialized information showing attributes).
;Nghị quyết 175/NQ-CP năm 2023 phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia do Chính phủ ban hành
Số hiệu: | 175/NQ-CP |
---|---|
Loại văn bản: | Nghị quyết |
Nơi ban hành: | Chính phủ |
Người ký: | Trần Lưu Quang |
Ngày ban hành: | 30/10/2023 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Nghị quyết 175/NQ-CP năm 2023 phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia do Chính phủ ban hành
Chưa có Video