ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 41/KH-UBND |
Tuyên Quang, ngày 31 tháng 12 năm 2010 |
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 246/2005/QĐ-TTg ngày 06/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày 27/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015;
Căn cứ Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 22/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông;
Căn cứ văn bản số 491/BTTTT-ƯDCNTT ngày 25/2/2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc lập kế hoạch Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015;
Căn cứ văn bản số 3110/BTTTT-ƯDCNTT ngày 21/9/2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc thẩm định kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh Tuyên Quang;
Căn cứ Nghị quyết số 42-NQ/TU ngày 28/8/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 58-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa;
Căn cứ hiện trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2011-2015 như sau:
I. HIỆN TRẠNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC.
Thực hiện Chỉ thị số 58-CT/TW ngày 17/10/2000 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa, việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã được các cấp, các ngành và địa phương chú ý quan tâm; các chương trình, dự án công nghệ thông tin đã được triển khai, thực hiện. Ứng dụng công nghệ thông tin gắn với thực hiện cải cách hành chính đã góp phần nâng cao năng lực hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức được tổ chức thực hiện thường xuyên.
- 100% các sở, ban, ngành, huyện, thành phố đã được trang bị hệ thống mạng nội bộ (LAN) kết nối Internet phục vụ cho công việc. Tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức đạt 70%.
- Mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng và Nhà nước đã được triển khai tại các sở, ngành, UBND huyện, thành phố.
- Hệ thống giao ban trực tuyến của tỉnh với Trung ương đã được đầu tư xây dựng tại Văn phòng UBND tỉnh.
- Cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh được xây dựng và cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật từ năm 2000 đến nay.
- Tỉnh đã chỉ đạo triển khai hệ thống quản lý văn bản và điều hành phục vụ công tác chỉ đạo, quản lý và điều hành công việc.
- 100% các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố đã ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tài chính, kế toán; các xã, phường cũng đã sử dụng máy tính và ứng dụng các phần mềm chuyên dùng trong công tác quản lý kế toán, ngân sách, tài chính xã.
- Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, hiện đang được vận hành thử nghiệm, tiến tới hoàn chỉnh để chính thức vận hành trên Internet nhằm đáp ứng nhu cầu khai thác, tra cứu thông tin của nhân dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh những kết quả đã được, ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh còn những hạn chế: hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông chưa hoàn thiện, chưa theo kịp với nhu cầu về ứng dụng trực tuyến; hệ thống cơ sở dữ liệu còn phân tán, chưa tạo thành một khối thống nhất để phục vụ công việc chung; an toàn và bảo mật thông tin chưa được chú trọng; đội ngũ cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin còn thiếu, nguồn nhân lực công nghệ thông tin chưa theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ; việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước và nhận thức của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân còn hạn chế.
II. MỤC TIÊU ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2011-2015.
1. Mục tiêu tổng quát.
- Xây dựng một nền hành chính điện tử hiện đại từ tỉnh đến cơ sở: hoàn thiện các hệ thống thông tin tạo môi trường làm việc điện tử diện rộng, ổn định giữa các cơ quan nhà nước trong tỉnh nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc; giảm thời gian, chi phí hoạt động của cơ quan nhà nước, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của người dân và doanh nghiệp góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh;
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước được tiến hành đồng bộ, gắn kết chặt chẽ với chương trình cải cách hành chính của tỉnh; huy động các cấp, các ngành và các thành phần kinh tế cùng tham gia dưới sự chỉ đạo tập trung thống nhất của UBND tỉnh và bộ phận tham mưu là Ban chỉ đạo công nghệ thông tin của tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông.
- Cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến mức độ cao trên diện rộng cho người dân và doanh nghiệp.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2015:
2.1. Ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước.
- Đảm bảo hệ thống chỉ đạo điều hành, trao đổi thông tin thông suốt, kịp thời, thuận tiện, an toàn, hiệu quả từ UBND tỉnh đến các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố.
- 90% các thông tin chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo tỉnh được đưa lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh.
- Trên 90% cán bộ, công chức các sở, ban, ngành cấp tỉnh và trên 60% cán bộ, công chức cấp huyện sử dụng thư điện tử và khai thác thông tin trên môi trường mạng phục vụ công việc.
- Trên 60% thông tin trao đổi, gửi và nhận văn bản giữa các cơ quan Nhà nước của tỉnh được trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện tử.
- 100% các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành trên môi trường mạng phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ.
- Đảm bảo 90% máy trạm của các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố cài đặt và sử dụng các phần mềm nguồn mở; 100% cán bộ, công chức được tập huấn, hướng dẫn sử dụng các phần mềm nguồn mở, trong đó tối thiểu 70% cán bộ, công chức có khả năng sử dụng thành thạo trong công việc.
- Hoàn thành xây dựng mạng diện rộng (WAN) của tỉnh, 100% các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố kết nối với mạng WAN của tỉnh.
- Nâng tỷ lệ trung bình máy tính/cán bộ, công chức lên trên 90%.
2.2. Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp.
- Cổng thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang được vận hành với đầy đủ thông tin về pháp luật, chính sách, quy định, thủ tục hành chính, quy trình làm việc, các dự án đầu tư, đấu thầu và mua sắm, các thông tin chỉ đạo điều hành của tỉnh, thông tin hoạt động của các cơ quan, đơn vị.
- Cung cấp đầy đủ các dịch vụ công thông qua cổng thông tin điện tử; đến năm 2015 thực hiện xây dựng, triển khai được các dịch vụ công tối thiểu ở mức độ 3 để người dân và doanh nghiệp gửi hồ sơ trực tuyến tới cơ quan có thẩm quyền thực hiện dịch vụ; ít nhất 20% người dân sử dụng các dịch vụ hành chính công trực tuyến, 50% người dân biết về các dịch vụ hành chính công trực tuyến; ít nhất 50% doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.
- 100% các điểm bưu điện văn hóa xã/phường được trang bị máy tính và kết nối Internet băng thông rộng để phục vụ người dân tra cứu thông tin và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.
- Xây dựng và đưa vào vận hành các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cơ bản phục vụ việc tra cứu thông tin của người dân và doanh nghiệp.
1. Xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
1.1 Xây dựng mạng diện rộng (WAN) của tỉnh.
Sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng và Nhà nước để kết nối mạng nội bộ (LAN) của các cơ quan nhà nước thành mạng WAN của tỉnh. Xây dựng mạng WAN tốc độ cao, đa dịch vụ, liên kết các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, trao đổi thông tin giữa các cơ quan Nhà nước của tỉnh và kết nối với Trung ương đảm bảo an toàn, bảo mật.
1.2. Nâng cấp mạng LAN các cơ quan Nhà nước.
Đảm bảo đến năm 2015, 100% các cơ quan quản lý Nhà nước có mạng LAN được kết nối Internet tốc độ cao (ADSL); các máy chủ tại các cơ quan, đơn vị đáp ứng yêu cầu cho việc lưu trữ, ứng dụng các phần mềm phục vụ công tác quản lý điều hành và kết nối với cổng thông tin điện tử của tỉnh.
1.3. Xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh.
Nâng cấp hệ thống thiết bị phần cứng, phần mềm, bảo mật của Trung tâm tích hợp dữ liệu, đảm bảo cho việc thực hiện triển khai các ứng dụng trao đổi thông tin trên mạng WAN của tỉnh, hệ thống thông tin quản lý văn bản điều hành, hệ thống thư điện tử, các cơ sở dữ liệu trọng điểm (lưu trữ tập trung) và các dịch vụ hành chính công.
1.4. Hội nghị truyền hình trực tuyến.
Xây dựng hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến kết nối giữa Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh với các huyện, thành phố; thực hiện các cuộc họp trực tuyến của Tỉnh với Chính phủ và với các cơ quan trong tỉnh; các cuộc họp trực tuyến của các cơ quan chuyên môn của tỉnh với các Bộ, ngành Trung ương.
2. Ứng dụng trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.
2.1. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các hệ thống thông tin số phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.
2.2. Xây dựng hệ thống thông tin quản lý văn bản tích hợp trong toàn tỉnh tới các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố bảo đảm an toàn, an ninh, tính pháp lý của văn bản trao đổi.
2.3. Triển khai hệ thống thư điện tử dạng @tuyenquang.gov.vn đến tất cả các cơ quan quản lý Nhà nước, đảm bảo mỗi cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức có ít nhất một hòm thư điện tử để phục vụ việc trao đổi văn bản điện tử trên môi trường mạng.
2.4. Triển khai xây dựng hệ thống thông tin tổng hợp kinh tế - xã hội.
2.5. Xây dựng các phần mềm chuyên ngành phục vụ các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ tại nội bộ các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố theo chức năng và nhiệm vụ của từng đơn vị theo hướng:
- Số hóa nguồn thông tin chưa ở dạng số theo thứ tự ưu tiên về thời gian và tầm quan trọng; tăng cường sử dụng văn bản điện tử.
- Triển khai ứng dụng các phần mềm mã nguồn mở thay thế các phần mềm thương mại cho máy tính tại các cơ quan, đơn vị trong tỉnh.
3. Phát triển công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp.
- Xây dựng các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh tối thiểu mức độ 3 tới người dân và doanh nghiệp. Cho phép người sử dụng điền và gửi trực tiếp các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Danh mục các dịch vụ công trực tuyến cung cấp tối thiểu ở mức độ 3 được nêu trong Phụ lục I.
- Ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả, toàn diện tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông của UBND các huyện, thành phố theo hướng bảo đảm khả năng kết nối giữa các hệ thống thông tin tại bộ phận một cửa với cổng, trang thông tin của cơ quan nhà nước, tạo điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp qua mạng Internet; bảo đảm tính liên thông giữa các đơn vị trong quy trình xử lý thủ tục; bảo đảm tin học hóa tối đa các hoạt động trong quy trình thủ tục hành chính.
- Tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp trong hoạt động của cơ quan nhà nước bằng cách nâng cao hiệu quả kênh tiếp nhận ý kiến góp ý của người dân trên môi trường mạng, tổ chức đối thoại trực tuyến, chuyên mục hỏi đáp trực tuyến về hoạt động của các cơ quan nhà nước. Khuyến khích sử dụng các mạng xã hội ảo miễn phí trong việc cung cấp các thông tin của các cơ quan nhà nước, cũng như tiếp nhận thông tin phản hồi từ phía người dân và doanh nghiệp.
4. Xây dựng các Hệ thống thông tin, Cơ sở dữ liệu trọng điểm.
Phối hợp với các bộ, ngành trong việc chuyển giao phần mềm, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, thực hiện ứng dụng và đầu tư nâng cấp để nâng cao hiệu quả sử dụng. Xây dựng các cơ sở dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp, các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, quản lý điều hành trong hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước và thông tin trao đổi giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với nhân dân, doanh nghiệp trong tỉnh.
Đến năm 2015 tập trung xây dựng một số hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu theo lộ trình như sau:
- Cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Cơ sở dữ liệu Thông tin kinh tế xã hội phục vụ việc lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và ra quyết định điều hành của các cấp lãnh đạo.
- Cơ sở dữ liệu tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.
- Cơ sở dữ liệu Tài nguyên môi trường, đất đai phục vụ cho việc quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường.
- Hệ thống thông tin điện tử Văn hóa - Xã hội phục vụ phát triển du lịch và nâng cao đời sống văn hóa nhân dân.
- Cơ sở dữ liệu về Dân cư phục vụ việc quản lý nguồn lao động và trật tự an toàn xã hội, phục vụ cho dịch vụ cấp các giấy tờ liên quan đến nhân thân của công dân.
- Cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức.
5. Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin.
- Đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo công nghệ thông tin (giám đốc công nghệ thông tin - CIO) cho các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố. Phấn đấu đến năm 2015, 100% các sở, ngành, UBND huyện, thành phố có giám đốc công nghệ thông tin đủ năng lực và trình độ.
- Đào tạo, nâng cao trình độ cho cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin; đào tạo về kiến thức và kỹ năng quản trị mạng, quản trị cơ sở dữ liệu, quản trị website, xây dựng và quản lý các hệ thống thông tin chuyên ngành, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, kỹ năng sử dụng phần mềm mã nguồn mở ở mức đảm bảo kỹ thuật: hệ điều hành Ubuntu, bộ phần mềm văn phòng OpenOffice, phần mềm duyệt web Firefox, phần mềm hỗ trợ tiếng việt Unikey.
- Đào tạo nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin cho các bộ, công chức của các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố về sử dụng các phần mềm chuyên ngành, khai thác mạng Internet, điều hành tác nghiệp qua mạng, sử dụng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin tác nghiệp chuyên ngành của đơn vị mình, các phần mềm mã nguồn mở.
- Tiếp tục đào tạo trình độ tin học cơ bản, ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức cấp xã;
- Phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho các đơn vị.
1. Giải pháp về tuyên truyền và đào tạo nguồn nhân lực.
- Tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong tỉnh về vai trò, tác dụng của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào thực tiễn cuộc sống.
- Đẩy mạnh việc ứng dụng và phát triển Công nghệ thông tin trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng theo hướng Chính phủ điện tử, doanh nghiệp điện tử và công dân điện tử; phát triển các giao dịch điện tử; triển khai các dịch vụ công hướng tới doanh nghiệp và người dân nhằm thúc đẩy phát triển thị trường Công nghệ thông tin trong tỉnh;
- Tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo về Công nghệ thông tin; kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về công nghệ thông tin ở các cấp từ tỉnh đến huyện, bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc "Năng lực quản lý phải theo kịp sự phát triển".
- Tạo môi trường thuận lợi cho ứng dụng và phát triển Công nghệ thông tin. Xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển Công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin các cấp. Tiếp tục thực hiện chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao và có chế độ đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ công nghệ thông tin.
- Bồi dưỡng, đào tạo kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức.
- Tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống quản lý ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng và thống nhất các tiêu chuẩn quản lý và tiêu chuẩn kỹ thuật về công nghệ thông tin.
- Đẩy mạnh ứng dụng các đề tài, sáng kiến ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành công việc nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.
2. Giải pháp tài chính.
- Có chính sách thu hút, khuyến khích, tăng cường nguồn lực đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước.
- Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, khai thác các nguồn vốn từ các chương trình dự án hỗ trợ từ các bộ, ngành trung ương để thực hiện từng phần các chương trình dự án trọng điểm; khuyến khích các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước, các thành phần kinh tế và nhân dân đầu tư phát triển hạ tầng và các dịch vụ công nghệ thông tin;
Huy động, lồng ghép các nguồn vốn ngân sách của tỉnh và huy động đóng góp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để thúc đẩy sự nghiệp phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh.
- Ưu tiên tập trung đầu tư các dự án, chương trình trọng điểm.
Kinh phí thực hiện Kế hoạch này được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của tỉnh, kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương và huy động từ các nguồn kinh phí hợp pháp khác bảo đảm thực hiện các dự án, nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
(Có phụ lục danh mục các dự án công nghệ thông tin kèm theo)
1. Sở Thông tin và Truyền thông.
- Chủ trì, tham mưu giúp UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch; phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố để xây dựng kế hoạch cụ thể hằng năm và tổ chức thực hiện;
- Tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng các chương trình, chính sách thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin và truyền thông; phát triển giao dịch điện tử, chương trình phát triển hạ tầng viễn thông và Internet; sơ kết đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch hằng năm và tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch vào năm kết thúc;
- Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch hằng năm và dự toán ngân sách hằng năm cho ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng các báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch này;
- Nghiên cứu, đề xuất các phương án nâng cao hiệu quả sử dụng Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước;
- Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, công chức về công nghệ thông tin;
- Triển khai công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên tổ chức kiểm tra công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan nhà nước thuộc tỉnh.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Tài chính cân đối tổng hợp nguồn vốn thực hiện kế hoạch hằng năm cho các dự án, chương trình trọng điểm đã được UBND tỉnh phê duyệt, xây dựng giải pháp triển khai chính sách huy động nguồn vốn cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin và truyền thông
3. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông cân đối nguồn vốn và thẩm định kinh phí thực hiện các dự án; chủ trì xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên cho các chương trình, dự án công nghệ thông tin trọng điểm của tỉnh.
4. Sở Nội vụ: Chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức xây dựng và thực hiện các giải pháp nhằm kết hợp chặt chẽ việc triển khai Kế hoạch này với Chương trình cải cách hành chính; xây dựng, ban hành quy định về quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý văn bản điện tử trên địa bàn tỉnh.
5. Sở Giáo dục và Đào tạo: Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các ngành liên quan triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục: tiếp tục xây dựng các chương trình đưa công nghệ thông tin vào giảng dạy trong hệ thống các trường, các trung tâm hướng nghiệp dạy nghề; kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện chương trình ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin và truyền thông trong ngành giáo dục.
6. Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các ban, ngành liên quan xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong nghiên cứu các đề tài khoa học trên địa bàn tỉnh.
7. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố: Căn cứ Kế hoạch này, xây dựng Kế hoạch và dự toán ngân sách ứng dụng công nghệ thông tin hằng năm gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để tổng hợp, cân đối ngân sách cho ứng dụng công nghệ thông tin, trình UBND tỉnh phê duyệt chung trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm của đơn vị.
Trên đây là Kế hoạch ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2011-2015; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND huyện, thành phố và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN TỈNH |
DANH MỤC CÁC NHÓM DỊCH VỤ CÔNG CUNG CẤP TRỰC TUYẾN MỨC
ĐỘ 3
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2010 của UBND
tỉnh)
TT |
Tên nhóm, dịch vụ |
Ghi chú |
1 |
Đăng ký kinh doanh |
|
2 |
Cấp giấy phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện |
|
3 |
Cấp giấy phép xây dựng |
|
4 |
Cấp Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng |
|
5 |
Cấp giấy phép đầu tư |
|
6 |
Cấp giấy đăng ký hành nghề y, dược |
|
7 |
Lao động, việc làm |
|
8 |
Cấp, đổi giấy phép lái xe |
|
9 |
Giải quyết khiếu nại, tố cáo |
|
10 |
Đăng ký tạm trú, tạm vắng |
|
11 |
Cấp giấy phép xuất bản |
|
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ỨNG DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN
CÔNG NGHỆ THÔNG TIN GIAI ĐOẠN 2011 – 2015
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2010 của UBND
tỉnh)
TT |
Tên Dự án |
Thời gian thực hiện |
Ghi chú |
|
|
||||
I |
Phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh |
|
||
1 |
Xây dựng mạng WAN của tỉnh kết nối các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố. Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố Phạm vi: Trên toàn tỉnh Quy mô: - Năm 2011 thực hiện tại Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ban, ngành. - Năm 2012 thực hiện tại UBND các huyện, thành phố. |
2011-2012 |
|
|
2 |
Nâng cấp hệ thống máy tính, mạng tin học nội bộ các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố. Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố. Phạm vi: Trên toàn tỉnh Quy mô: Mua sắm trang thiết bị tin học, đảm bảo các cơ quan cấp tỉnh 1 chuyên viên/1 máy tính, cơ quan cấp huyện 3 chuyên viên/2 máy tính; Bổ sung mỗi cơ quan nhà nước 01 máy chủ để triển khai các phần mềm dùng chung trên mạng diện rộng. - Năm 2011: Mua sắm bổ sung các máy chủ. - Năm 2012: Bổ sung máy trạm cho: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, UBND các huyện, thành phố. - Năm 2013: Mua sắm bổ sung máy trạm cho các sở, ban, ngành. |
2011-2013 |
|
|
3 |
Nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông Cơ quan phối hợp: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm vi: Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh Quy mô: + Nâng cấp hệ thống máy chủ ứng dụng (Application Server), hệ thống máy chủ quản lý cơ sở dữ liệu (Database Server), + Trang bị các thiết bị bảo mật như tường lửa, hệ thống Proxy và hệ thống Backup dữ liệu + Phân bổ nguồn nhân lực đủ trình độ về lĩnh vực an toàn an ninh mạng. |
2011-2012 |
|
|
II |
Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước |
|
||
1 |
Xây dựng hệ thống họp trực tuyến Cơ quan Chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông. Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố. Phạm vi: Xây dựng phòng họp trực tuyến tại Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Hội đồng nhân dân, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và UBND huyện, thành phố. Quy mô: Trang bị hệ thống họp giao ban điện tử trực tuyến và xây dựng đường truyền riêng kết nối giữa các đơn vị. |
2012-2014 |
|
|
III |
Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp |
|
||
1 |
Xây dựng và phát triển 11 dịch vụ công mức 3 Cơ quan chủ trì: Các sở, ban, ngành, có các dịch vụ hành chính công được triển khai nêu tại Phụ lục I. Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, đơn vị liên quan Phạm vi: Trên toàn tỉnh Quy mô: Nâng cấp và xây dựng 12 dịch vụ công mức 3 trên cổng thông tin điện tử của tỉnh. - Năm 2012 xây dựng 3 dịch vụ công. - Năm 2013 xây dựng 3 dịch vụ công. - Năm 2014 xây dựng 3 dịch vụ công. - Năm 2015 xây dựng 2 dịch vụ công. |
2011-2015 |
|
|
2 |
Xây dựng phòng giao dịch 1 cửa điện tử Cơ quan chủ trì: UBND các huyện, thành phố. Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông. Phạm vi: Triển khai xây dựng phòng giao dịch 1 cửa điện tử tại Văn phòng UBND các huyện, thành phố. Quy mô: Đầu tư phần mềm giao dịch điện tử và trang thiết bị phần cứng cần thiết cho phòng giao dịch 1 cửa các huyện, thành phố. |
2012-2015 |
|
|
IV |
Xây dựng các Hệ thống thông tin và Cơ sở dữ liệu trọng điểm. |
|
||
1 |
Xây dựng Cơ sở dữ liệu Doanh nghiệp. Cơ quan chủ trì: Sở Kế hoạch và Đầu tư Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, đơn vị liên quan Phạm vi: toàn tỉnh. |
2012-2013 |
|
|
2 |
Xây dựng Hệ thống thông tin kinh tế - xã hội. Cơ quan chủ trì: Sở kế hoạch và Đầu tư Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, đơn vị liên quan Phạm vi: toàn tỉnh Quy mô: Xây dựng hệ thống thông tin kinh tế - xã hội phục vụ cho việc lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và ra quyết định điều hành. Triển khai năm 2011,2012. |
2012-2013 |
|
|
3 |
Xây dựng Cơ sở dữ liệu tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Cơ quan chủ trì: Thanh tra tỉnh Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, đơn vị liên quan Phạm vi: toàn tỉnh Quy mô: Đầu tư xây dựng phần mềm và cơ sở dữ liệu quản lý và xử lý các đơn thư, khiếu nại, tố cáo. |
2013 |
|
|
4 |
Xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường. Cơ quan chủ trì: Sở Tài nguyên và Môi trường Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, đơn vị liên quan Phạm vi: toàn tỉnh Quy mô: Xây dựng Cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường, đất đai phục vụ cho việc quản lý và bảo vệ đất đai, tài nguyên, môi trường, sử dụng cho các dịch vụ cấp phép liên quan. |
2013-2015 |
|
|
5 |
Xây dựng Hệ thống thông tin điện tử Văn hóa - Xã hội. Cơ quan chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, đơn vị liên quan. Phạm vi: toàn tỉnh. Quy mô: Xây dựng Hệ thống thông điện tử Văn hóa - Xã hội phục vụ phát triển du lịch. |
2014-2015 |
|
|
6 |
Xây dựng cơ sở dữ liệu về dân cư. Cơ quan chủ trì: Công an tỉnh Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, đơn vị liên quan Phạm vi: Trên toàn tỉnh Quy mô: Xây dựng Phần mềm quản lý dân cư. - Giai đoạn 2012-2013 thực hiện tại UBND huyện Yên Sơn và UBND Thành phố Tuyên Quang. - Giai đoạn 2014-2015 thực hiện tại các huyện còn lại. |
2012-2015 |
|
|
7 |
Xây dựng cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức. Cơ quan chủ trì: Sở nội vụ Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố. Phạm vi: Trên toàn tỉnh Quy mô: Xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. |
2012-2014 |
|
|
V |
Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin |
|
||
1 |
Đào tạo giám đốc Công nghệ thông tin (CIO). Chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông Phối hợp: Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố Phạm vi: Trên toàn tỉnh Quy mô: Đào tạo CIO các cấp cho lãnh đạo sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố; đào tạo mỗi đơn vị 02 người; đào tạo 2 lần/5 năm. |
2011-2015 |
|
|
2 |
Đào tạo cán bộ chuyên trách Công nghệ thông tin. Chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông Phối hợp: Các cơ quan, đơn vị liên quan Phạm vi: Trên toàn tỉnh Quy mô: Đào tạo cán bộ chuyên trách về CNTT của các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố; đào tạo mỗi đơn vị 02 người; đào tạo 2 lần/5 năm. |
2011-2015 |
|
|
3 |
Đào tạo nâng cao trình độ ứng dụng cho cán bộ, công chức Chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông Phối hợp: Các cơ quan, đơn vị liên quan Phạm vi: Trên toàn tỉnh Quy mô: Đào tạo nâng cao trình độ ứng dụng các phần mềm chuyên ngành, khai thác mạng, sử dụng thư điện tử, phần mềm nguồn mở cho các cán bộ, công chức của các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố; đào tạo 2 lần/5 năm. |
2011-2015 |
|
|
Kế hoạch 41/KH-UBND ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2011 - 2015
Số hiệu: | 41/KH-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Kế hoạch |
Nơi ban hành: | Tỉnh Tuyên Quang |
Người ký: | Vũ Thị Bích Việt |
Ngày ban hành: | 31/12/2010 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Kế hoạch 41/KH-UBND ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2011 - 2015
Chưa có Video