Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1796/KH-UBND

Gia Lai, ngày 12 tháng 08 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CỦNG CỐ VÀ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG THÔNG TIN CHUYÊN NGÀNH DÂN SỐ ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI

Căn cứ Quyết định số 2259/QĐ-TTg ngày 30/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số đến năm 2030; Thông tư số 01/2022/TT-BYT ngày 10/1/2022 qui định ghi chép ban đầu và chế độ báo cáo thống kê chuyên ngành dân số;

Thực hiện Công văn số 1544/BYT-TCDS ngày 11/3/2021 của Bộ Y tế về việc triển khai thực hiện Chương trình củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số đến năm 2030;

UBND tỉnh Gia Lai xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Gia Lai như sau:

A. THỰC TRẠNG HỆ THỐNG THÔNG TIN CHUYÊN NGÀNH DÂN SỐ

1. Về trang thiết bị tin học phục vụ kho dữ liệu chuyên ngành dân số

Hiện nay, thiết bị tin học như máy tính, máy in phục vụ cho kho dữ liệu điện tử chuyên ngành dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) các cấp gồm có: Hệ thống mạng LAN, đường kết nối Internet (được trang bị từ cấp tỉnh đến cấp huyện). Phần mềm hệ thống thông tin quản lý DS-KHHGĐ (MIS) được trang bị ở cấp tỉnh và 17/17 huyện, thị xã, thành phố. Hệ thống máy vi tính cài đặt phần mềm hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành DS-KHHGĐ (máy trạm và máy chủ); Cấp tỉnh: 01 máy chủ (trang bị năm 2015) và 01 máy trạm (trang bị năm 2013). Cấp huyện: Mỗi huyện/thị xã/ thành phố được bố trí 01 máy chủ, 01 máy trạm để cài phần mềm hệ thông tin quản lý chuyên ngành DS-KHHGĐ.

Hiện tại kho dữ liệu điện tử chuyên ngành DS-KHHGĐ và hệ thống thông tin chuyên ngành DS-KHHGĐ còn tồn tại, đố là: Tính đến 31/12/2021, hệ thống kho dữ liệu chuyên ngành dân số tỉnh lưu trữ thông tin cơ bản của hơn 357.749 hộ dân cư và 1.563.700 nhân khẩu trong toàn tỉnh (đạt 90%). Kết quả rà soát, khóa sổ quản lý DS-KHHGĐ (Số A0) của cộng tác viên năm 2021 chuẩn bị cho đổi sổ năm 2022 cho thấy tỷ lệ thông tin chuyên ngành DS-KHHGĐ còn bị bỏ sót, trùng lặp, không đúng phạm vi, khái niệm trong ghi chép ban đầu của cộng tác viên vào sổ A0 là 10%; tỷ lệ thông tin hộ dân cư bị trùng lặp, không đúng phạm vi, khái niệm trong kho dữ liệu điện tử chuyên ngành DS-KHHGĐ là 15%.

2. Nguyên nhân của hạn chế:

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2.662 cộng tác viên dân số, phần lớn là kiêm nhiệm các Hội, đoàn thể, y tế thôn bản...Một số cộng tác viên do quản lý địa bàn rộng, đông dân cư, nhân khẩu thường xuyên biến động dẫn đến nắm bắt thông tin chưa kịp thời. Một số địa bàn thiếu cộng tác viên hoặc thay đổi cộng tác viên nên vẫn chưa quản lý, cập nhật hết thông tin dân cư trên địa bàn.

Cán bộ phụ trách công tác báo cáo thống kê chuyên ngành DS-KHHGĐ và quản trị kho dữ liệu điện tử chuyên ngành DS-KHHGĐ chỉ có 01 người, việc cập nhật thông tin biến động hàng tháng tại cấp huyện hầu như quá tải (nhất là các thành phố, thị xã đông dân, biến động dân cư nhiều) nên việc thẩm định thông tin và cập nhật thông tin vào kho dữ liệu chưa kịp thời ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo và không đảm bảo thời gian in, trả phiếu thông tin DS -KHHGĐ lại cho cộng tác viên cập nhật vào Sổ A0.

Phần mềm hệ thống thông tin quản lý DS-KHHGĐ do Trung ương cấp vẫn chưa hoàn thiện, thường xuyên xảy ra lỗi; phần mềm chưa được triển khai đến cấp xã.

Trình độ tin học của cán bộ quản trị kho dữ liệu chuyên ngành DS-KHHGĐ chưa cao và không đồng đều nên chưa chủ động trong việc cài đặt, khôi phục dữ liệu khi phần mềm hệ thống thông tin quản lý DS-KHHGĐ xảy ra lỗi.

Trang thiết bị tin học như máy tính, máy in phục vụ kho dữ liệu điện tử chuyên ngành DS-KHHGĐ các cấp tỉnh, huyện đã cũ (trên 5 năm, thậm chí 10 năm) nên đã xuống cấp, hư hỏng, không còn tương thích với phần mềm.

Hiện nay, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BYT ngày 10/01/2022 quy định ghi chép ban đầu và chế độ báo cáo thống kê chuyên ngành dân số. Do đó, việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch Chương trình củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số đến năm 2030 của tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin dân số phục vụ công tác quản lý điều hành của lãnh đạo các cấp nhanh chóng, chính xác, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh Gia Lai

B. KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CỦNG CỐ VÀ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG THÔNG TIN CHUYÊN NGÀNH DÂN SỐ ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI

I. SỰ CẦN THIẾT

Hệ thống thông tin thống kê dân số là mạng lưới thống nhất, được duy trì thường xuyên, kết hợp con người và các phương tiện kỹ thuật để thu thập, xử lý, phân tích, tìm kiếm, lưu trữ và cung cấp những thông tin, số liệu cần thiết phục vụ quản lý, điều hành hoạt động và hỗ trợ ra quyết định trong các cơ quan DS-KHHGĐ các cấp trong toàn tỉnh. Hệ thống thông tin chuyên ngành dân số đã thu thập các thông tin cơ bản của từng người dân trong từng hộ gia đình và thống kê các thông tin biến động (sinh, chết, kết hôn, ly hôn, chuyển đi, chuyển đến). Việc thu thập thông tin cơ bản, cập nhật thông tin biến động được thực hiện bởi mạng lưới thu thập thông tin gắn liền với mạng lưới cộng tác viên cung cấp thông tin và dịch vụ DS-KHHGĐ từ thôn, làng, tổ dân phố đến các cấp xã, phường...

Hệ thống thông tin chuyên ngành dân số đã được tin học hóa thành công quy trình lưu trữ và xử lý, lập báo cáo thống kê chuyên ngành đến cấp huyện trên phạm vi toàn quốc với phần mềm dùng chung, thống nhất. Các kho dữ liệu chuyên ngành dân số tại 3 cấp: Trung ương, tỉnh và cấp huyện, thị xã, thành phố được kết nối liên thông, đồng bộ dữ liệu.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hệ thống thông tin DS- KHHGĐ được triển khai từ năm 2003 (phần mềm MIS - Kho dữ liệu điện tử chuyên ngành DS-KHHGĐ) từ tỉnh đến cấp huyện. Hiện tại việc khai thác, quản lý kho dữ liệu điện tử chuyên ngành DS-KHHGĐ thực hiện theo Quyết định 18/QĐ-TCDS ngày 17/3/2016 của Tổng cục Dân số - KHHGĐ ban hành Quy định tạm thời về mẫu Sổ ghi chép ban đầu, mẫu phiếu thu tin của cộng tác viên dân số và mẫu biểu báo cáo thống kê chuyên ngành của kho dữ liệu điện tử phục vụ quản lý và điều hành công tác DS-KHHGĐ và Công văn số 96/TCDS-KHTC ngày 18/3/2016 của Tổng cục Dân số - KHHGĐ hướng dẫn ghi chép ban đầu vào Sổ A0, ghi phiếu thu tin và lập báo cáo thống kê chuyên ngành DS-KHHGĐ.

Để đảm bảo thông tin báo cáo chính xác, kịp thời hàng tháng cộng tác viên dân số thu thập thông tin biến động tại hộ gia đình vào phiếu thu tin và cập nhật vào sổ A0, đồng thời làm báo cáo thống kê tháng, quý, năm gửi viên chức dân số cấp xã; viên chức dân số cấp xã tiếp nhận phiếu thu tin, kiểm tra, rà soát thông tin do cộng tác viên thu thập và tiến hành nhập tin vào kho dữ liệu điện tử chuyên ngành DS-KHHGĐ cấp huyện sau đó kết xuất dữ liệu, báo cáo gửi lên kho dữ liệu điện tử chuyên ngành DS-KHHGĐ cấp tỉnh.

Hệ thống thông tin chuyên ngành dân số đã cung cấp thông tin, số liệu thống kê chuyên ngành cho các cấp, các ngành phục vụ quản lý điều hành như: Cung cấp thông tin, số liệu thống kê chuyên ngành, lập danh sách trẻ em đi học, danh sách tuyển nghĩa vụ quân sự; hỗ trợ UBND các cấp xã sử dụng cơ sở dữ liệu này để in thẻ khám, chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi, lập danh sách cử tri, cung cấp thông tin, số liệu dân số trong ngành y tế...; phục vụ công tác nghiên cứu, hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh...

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát triển, hoàn thiện hệ thống thu thập, lưu trữ, xử lý thông tin số liệu chuyên ngành dân số theo hướng hiện đại và kết nối liên thông; bảo đảm cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin số liệu thống kê dân số, đáp ứng yêu cầu quản lý và điều hành các cấp góp phần xây dựng, thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhằm thực hiện thành công Kế hoạch thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh Gia Lai.

2. Mục tiêu cụ thể (Có Phụ lục đính kèm).

- Thông tin số liệu trực tuyến về dân số được cập nhật, số hóa ở cấp xã đạt 95% năm 2025, đạt 100% năm 2030; cộng tác viên dân số thực hiện cập nhật thông tin số liệu trực tuyến bằng thiết bị di động thông minh đạt 90% năm 2030.

- 100% kho dữ liệu chuyên ngành dân số các cấp được hiện đại hóa, hình thành hệ thống lưu trữ, kết nối thông tin số liệu dân số và phát triển vào năm 2025, tiếp tục duy trì và mở rộng sau năm 2025.

- 100% cấp huyện xử lý, khai thác trực tuyến trên môi trường mạng các chỉ tiêu dân số và phát triển phục vụ chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước về dân số vào năm 2025; đến cấp xã đạt 100% năm 2030.

- 80% ngành, lĩnh vực, đơn vị trong tỉnh sử dụng dữ liệu chuyên ngành dân số trong xây dựng, thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vào năm 2025; đạt 100% năm 2030.

- Phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động thông minh đáp ứng nhu cầu sử dụng dữ liệu chuyên ngành dân số của các cơ quan, tổ chức trong xã hội đạt ít nhất 5 ứng dụng năm 2025; ít nhất 10 ứng dụng năm 2030.

III. THỜI GIAN, PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG

1. Thời gian thực hiện: Chương trình được triển khai từ năm 2021 đến năm 2030 và được chia làm 2 giai đoạn:

a) Giai đoạn 1 (2021 - 2025): Xây dựng Kế hoạch và triển khai thực hiện các hoạt động của Chương trình.

b) Giai đoạn 2 (2026 - 2030): Đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, xây dựng các hoạt động phù hợp trong giai đoạn 2026 - 2030.

2. Phạm vi thực hiện: Đề án triển khai trên phạm vi toàn tỉnh.

3. Đối tượng:

- Đối tượng tác động: Cơ quan dân số, y tế các cấp, cán bộ làm công tác dân số các cấp.

- Đối tượng thụ hưởng: Cơ quan quản lý có liên quan.

IV. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thông tin số liệu dân số và phát triển

- Định kỳ cung cấp báo cáo phân tích chuyên sâu, báo cáo tổng quan, thông tin số liệu về tình hình dân số cho các sở, ngành, địa phương, các cơ quan báo chí để tổ chức tuyên truyền rộng rãi, thường xuyên, liên tục về công tác dân số trong tình hình mới.

- Đổi mới phương thức cung cấp thông tin số liệu dân số và phát triển theo các hình thức khác nhau. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, các kênh thông tin truyền thông hiện đại đến cơ quan, tổ chức và mọi người dân (số liệu, dữ liệu, ấn phẩm…).

- Đa dạng hóa, nâng cao chất lượng thông tin số liệu dân số; phát triển bản đồ dân số điện tử; xây dựng báo cáo chuyên sâu, tài liệu, hướng dẫn; dự báo động thái, vấn đề dân số mới nảy sinh; cung cấp, chia sẻ thông tin dữ liệu chuyên ngành dân số thuận tiện, liên tục và theo thời gian.

2. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, quy định chuyên môn, kỹ thuật của cấp thẩm quyền

- Thực hiện đúng quy định về cơ chế phối hợp, cung cấp, chia sẻ, khai thác thông tin số liệu dân số và phát triển; hỗ trợ việc thu thập, cập nhật thông tin số liệu đầu vào, quản trị và vận hành kho dữ liệu chuyên ngành dân số.

- Vận hành đảm bảo an toàn, an ninh thông tin dữ liệu hệ thống thông tin chuyên ngành dân số; quy trình hướng dẫn, vận hành kho dữ liệu điện tử các cấp; cam kết chia sẻ dữ liệu và sử dụng dữ liệu.

- Thực hiện hệ thống chỉ tiêu biểu mẫu chuyên ngành dân số theo thời kỳ, giai đoạn mới phù hợp với hệ thống chỉ tiêu quốc gia và theo quy định của Bộ Y tế quy định chế độ ghi chép ban đầu và báo cáo thống kê chuyên ngành dân số.

- Thường xuyên rà soát, bổ sung các quy định về kỹ thuật, an toàn thông tin, an ninh dữ liệu, vận hành kho dữ liệu chuyên ngành dân số; giám sát, đánh giá, thẩm định chất lượng thông tin số liệu theo quy định.

3. Nâng cao chất lượng thông tin số liệu, hiện đại hóa kho dữ liệu chuyên ngành dân số

a) Duy trì và củng cố hoạt động thu thập, cập nhật thông tin dữ liệu các cấp (xã, huyện, thị xã, thành phố). Đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng thu thập thông tin số liệu đầu vào của mạng lưới dân số các cấp, cộng tác viên dân số; rà soát, thẩm định thông tin số liệu; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả ba hình thức thu thập thông tin: Báo cáo định kỳ, điều tra thống kê, hồ sơ đăng ký hành chính trên cơ sở nhu cầu thông tin số liệu phục vụ quản lý điều hành.

b) Nâng cấp hệ thống kho dữ liệu chuyên ngành dân số

- Xây dựng, triển khai giải pháp để số hóa, cập nhật thông tin số liệu trực tuyến tại cấp xã; lưu trữ, quản lý dữ liệu tập trung tại kho dữ liệu chuyên ngành dân số cấp huyện, thị xã, thành phố;

- Nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin của hệ thống thông tin các cấp phù hợp với sự phát triển về công nghệ thông tin, bổ sung trang thiết bị của kho dữ liệu chuyên ngành dân số các cấp trên cơ sở kế thừa tối đa hạ tầng công nghệ thông tin sẵn có;

- Ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ mới, phát triển các ứng dụng khai thác dữ liệu, dự báo dân số phục vụ yêu cầu quản lý, điều hành; phân tích, chia sẻ, công bố thông tin số liệu dân số;

- Triển khai các giải pháp kết nối chia sẻ với cơ sở dữ liệu của các sở, ngành, cơ quan, đơn vị; Hoàn thiện hệ thống phần mềm dùng chung, ứng dụng trên thiết bị di động thông minh thông qua các giải pháp công nghệ hiện đại, có khả năng tổng hợp, phân tích và tự động kết xuất thông tin số liệu cơ bản về dân số.

4. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, cộng tác viên thực hiện kế hoạch

- Trên cơ sở sử dụng bộ máy, nhân lực hiện có của cơ quan y tế - dân số ở các cấp bảo đảm đủ khả năng thực hiện thu thập, cập nhật, tổng hợp, xử lý, khai thác và vận hành thiết bị của hệ thống của từng cấp phù hợp với yêu cầu của Kế hoạch; đồng thời tuyển chọn, đào tạo cán bộ chuyên sâu về thống kê dân số, nhân khẩu học, công nghệ thông tin.

- Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, dân số, cộng tác viên dân số về kiến thức và kỹ năng thu thập thông tin; xử lý, khai thác, lưu trữ số liệu dân số; quản trị, vận hành kho dữ liệu chuyên ngành dân số.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện được huy động từ các nguồn:

- Ngân sách Trung ương.

- Ngân sách địa phương bảo đảm theo khả năng cân đối ngân sách và theo phân cấp ngân sách hiện hành, được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ Y tế - Dân số, lồng ghép trong các Chương trình, Dự án có liên quan theo quy định Luật ngân sách nhà nước.

- Huy động sự tham gia đóng góp, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân.

- Các nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có) .

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Chủ trì, phối hợp với sở, ban, ngành, các cơ quan có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch.

- Hằng năm, xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí gửi Sở Tài chính thẩm định, tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình Gia Lai, Báo Gia Lai xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về nội dung của kế hoạch.

- Căn cứ các quy định hiện hành, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành các quy định về chế độ, chính sách hỗ trợ việc thu thập, cập nhật thông tin số liệu đầu vào, quản trị và vận hành kho dữ liệu chuyên ngành dân số, các quy định về kỹ thuật, an toàn thông tin, an ninh dữ liệu, vận hành kho dữ liệu chuyên ngành dân số; giám sát, đánh giá, thẩm định chất lượng thông tin số liệu trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền.

- Chỉ đạo đơn vị chuyên môn lập chương trình, đề án, kế hoạch đầu tư nâng cấp hệ thống kho dữ liệu chuyên ngành dân số trình cấp có thẩm quyền đưa vào kế hoạch đầu tư công theo quy định.

- Hướng dẫn, đôn đốc tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá và định kỳ hàng năm báo cáo UBND tỉnh tình hình và kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch; tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Kế hoạch, tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo UBND tỉnh, Bộ Y tế theo quy định.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Phối hợp với Sở Y tế, các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn việc lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về dân số vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm của tỉnh; tham mưu các cấp thẩm quyền cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển theo quy định của Luật Đầu tư công để thực hiện các nhiệm vụ, dự án của Chương trình (nếu có).

3. Sở Tài chính:

Hàng năm, trên cơ sở dự toán kinh phí do Sở Y tế lập, Sở Tài chính tổng hợp, tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí để triển khai thực hiện đảm bảo đạt mục tiêu kế hoạch, phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách của địa phương .

4. Sở Thông tin và Truyền thông:

- Phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh và hệ thống thông tin cơ sở thông tin, tuyên truyền về số liệu chuyên ngành dân số trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn việc kết nối và chia sẻ thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP - do Sở Thông tin và Truyền thông quản lý và phối hợp thực hiện việc kết nối, chia sẻ); chỉ đạo, hướng dẫn triển khai ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong thực hiện Chương trình củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số trên địa bàn tỉnh.

5. Sở Khoa học và Công nghệ:

Phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan hướng dẫn các quy định, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật, chuyên môn về chia sẻ, kết nối kho dữ liệu điện tử chuyên ngành dân số với cơ sở dữ liệu của các ngành liên quan.

6. Cục Thống kê tỉnh:

Phối hợp với Sở Y tế lồng ghép các chỉ tiêu dân số vào các cuộc điều tra hằng năm, giữa kỳ và Tổng điều tra dân số; chỉ đạo cơ quan thống kê cấp huyện, thường xuyên rà soát, đối chiếu thông tin biến động dân số ở cơ sở với cơ quan y tế cấp huyện, xã phường, thị trấn.

7. Công an tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội tỉnh: Phối hợp với Sở Y tế chia sẻ, kết nối với kho dữ liệu điện tử chuyên ngành dân số.

8. Đề nghị ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh các Hội, đoàn thể của tỉnh: Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, phối hợp tham gia triển khai và giám sát việc thực hiện Kế hoạch.

9. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Căn cứ Kế hoạch thực hiện Chương trình củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số đến năm 2030 tỉnh Gia Lai, chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện Kế hoạch của địa phương.

- Xem xét bố trí kinh phí địa phương thực hiện các hoạt động của kế hoạch phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương và các quy định của Luật Ngân sách Nhà nước để hỗ trợ cho việc thực hiện các nhiệm vụ theo quy định nhằm thực hiện và nâng cao chất lượng hoạt động Kho dữ liệu điện tử cấp xã, cấp huyện.

- Tổ chức kiểm tra, đôn đốc, đánh giá kết quả triển khai thực hiện kế hoạch tại địa phương, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Y tế) theo quy định.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chương trình củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số tỉnh Gia Lai đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Gia Lai, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế (báo cáo);
- Thường trực Tỉnh ủy (báo cáo);
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT.UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Báo Gia Lai; Đài PT-TH Gia Lai;
- CVP, các Phó CVP.UBND tỉnh
- Lưu: VT, KGVX.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Thanh Lịch

 

PHỤ LỤC

KẾT QUẢ THỰC HIỆN ĐẾN NĂM 2021 VÀ CÁC CHỈ TIÊU PHẤN ĐẤU ĐẾN 2025 VÀ 2030
(Kèm theo Kế hoạch số 1796/KH-UBND ngày 12/08/2022 của UBND tỉnh Gia Lai)

STT

Mục tiêu cụ thể

Thực hiện đến năm 2021

Chỉ tiêu đến 2025

Chỉ tiêu đến 2030

1

Thông tin số liệu trực tuyến về dân số được cập nhật, số hóa ở cấp xã

Hiện tại chỉ có MIS (phần mềm) tới tuyến huyện, tuyến xã hiện chưa có (toàn quốc)

95%

100%

2

Kho dữ liệu chuyên ngành dân số các cấp được hiện đại hóa, hình thành hệ thống lưu trữ, kết nối thông tin số liệu dân số và phát triển

Hiện tại chỉ có MIS (phần mềm) tới tuyến huyện, tuyến xã hiện chưa có (toàn quốc)

100%

100%

3

Cấp huyện xử lý, khai thác trực tuyến trên môi trường mạng các chỉ tiêu dân số và phát triển phục vụ chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước về dân số

100%

100%

100%

4

Ngành, lĩnh vực, đơn vị trong tỉnh sử dụng dữ liệu chuyên ngành dân số trong xây dựng, thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội

70%

80%

100%

5

Phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động thông minh đáp ứng nhu cầu sử dụng dữ liệu chuyên ngành dân số của các cơ quan, tổ chức trong xã hội đạt ít nhất 5 ứng dụng

Hiện tại toàn quốc chưa có ứng dụng trên thiết bị di động thông minh

5 ứng dụng

10 ứng dụng

 

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Kế hoạch 1796/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chương trình củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Số hiệu: 1796/KH-UBND
Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Gia Lai
Người ký: Nguyễn Thị Thanh Lịch
Ngày ban hành: 12/08/2022
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [5]
Văn bản được căn cứ - [2]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Kế hoạch 1796/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chương trình củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Văn bản liên quan cùng nội dung - [4]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…