Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
BAN TUYÊN GIÁO
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 156-KH/BTGTW

Hà Nội, ngày 14 tháng 6 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, QUẢN LÝ, CHẤN CHỈNH HOẠT ĐỘNG BÁO, TẠP CHÍ, TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ, MẠNG XÃ HỘI TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

- Triển khai nhiệm vụ “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” theo tinh thần văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

- Căn cứ Kế hoạch số 03-KH/TW ngày 01/12/2021 của Bộ Chính trị thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

- Căn cứ Quyết định số 144-QĐ/TW ngày 08/8/2018 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ban Tuyên giáo Trung ương.

- Căn cứ Quyết định số 155-QĐ/TW ngày 23/4/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quy định về sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan Đảng, Nhà nước trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí.

- Căn cứ Luật Báo chí năm 2016.

- Căn cứ kết luận của lãnh đạo chủ chốt về việc kiên quyết, kiên trì xử lý nghiêm các cơ quan báo chí có hành vi vi phạm pháp luật; tập trung hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm quản lý chặt chẽ không để hình thành các cơ quan báo chí tư nhân.

Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Kế hoạch “Tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay”.

I - MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tạo sự thống nhất nhận thức về tầm quan trọng, sự cần thiết phải tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí, truyền thông trong giai đoạn hiện nay; đề cao trách nhiệm của cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản báo chí, cơ quan báo chí và tính tự giác, gương mẫu của mỗi người làm báo; triển khai và thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.

- Tạo điều kiện thuận lợi để báo chí phát triển lành mạnh, đúng định hướng; kiên quyết, kịp thời chấn chỉnh, xử lý những hành vi vi phạm, nhất là tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích và biểu hiện “thương mại hóa”, “tư nhân hóa” báo chí; tình trạng “báo hóa” tạp chí, trang thông tin điện tử, tạo sự chuyển biến rõ rệt, tích cực trong hoạt động báo chí.

2. Yêu cầu

- Triển khai kiên quyết, kiên trì, nghiêm túc, thực chất, không hình thức, qua loa; định kỳ báo cáo cấp có thẩm quyền và công khai kết quả xử lý vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ các giải pháp; phân công trách nhiệm công việc rõ ràng, cụ thể giữa các cơ quan, đơn vị.

II - NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

Cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản báo chí và cơ quan báo chí căn cứ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về báo chí, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Quán triệt, nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên trong các cơ quan báo chí về vị trí, vai trò, trách nhiệm của báo chí cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm đúng nguyên tắc báo chí cách mạng Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật.

2. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với báo chí, bảo đảm bảo chí phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng; bảo đảm quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức để người làm báo nhận thức sâu sắc làm báo là làm cách mạng, người làm báo là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng; khắc phục những biểu hiện lệch lạc về chính trị, tư tưởng trong đội ngũ những người làm báo.

3. Đổi mới nội dung, phương thức chỉ đạo, định hướng, cung cấp thông tin bảo đảm kịp thời, chính xác, toàn diện, phù hợp yêu cầu nhiệm vụ, tình hình thực tiễn; giữ vững kỷ luật, kỷ cương, chấp hành chỉ đạo, định hướng thông tin, nhất là đối với những vấn đề có tính chất quan trọng, phức tạp, nhạy cảm.

4. Thường xuyên sơ kết, tổng kết, rà soát, bổ sung, sửa đổi các văn bản của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực báo chí, truyền thông để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, tạo sự thống nhất, đồng bộ với các quy định hiện hành; xây dựng quy chế kiểm soát quyền lực để phòng chống tiêu cực trong hoạt động báo chí, trong đó xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí trong việc để cơ quan báo chí, người làm báo có nhiều sai phạm, vi phạm pháp luật.

5. Chấn chỉnh, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động báo chí; tập trung xử lý, khắc phục tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, “thương mại hóa”; “báo hóa” tạp chí điện tử, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội; biểu hiện tư nhân núp bóng chi phối hoạt động báo chí...

6. Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng; phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên trong cơ quan báo chí, nhất là người đứng đầu cấp ủy.

7. Hỗ trợ, tạo điều kiện về cơ chế, kinh phí, nguồn lực hoạt động; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ; năng lực quản lý; tăng cường trách nhiệm của các cấp hội nhà báo trong giáo dục đạo đức nghề nghiệp; đẩy mạnh việc theo dõi, kiểm tra, kết luận và xử lý đối với người làm báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp; làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, kịp thời biểu dương, nhân rộng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong các phong trào thi đua và hoạt động báo chí.

III. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Ban Tuyên giáo Trung ương

1.1. Tiến hành sơ kết, tổng kết các văn bản của Đảng về báo chí, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Cụ thể:

- Báo cáo đánh giá tình hình hoạt động báo chí từ nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, đề xuất ban hành văn bản về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với báo chí, truyền thông trong tình hình mới (trong năm 2023).

- Đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Đảng về công tác bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí; quy định chỉ đạo, định hướng chính trị tư tưởng đối với các vấn đề có tính chất quan trọng, phức tạp, nhạy câm trong nội dung thông tin báo chí; quy định phối hợp giữa cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí với các cơ quan Đảng, Nhà nước trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí (trong giai đoạn từ năm 2022 - 2025).

- Sơ kết 05 năm thực hiện Kết luận số 23-KL/TW ngày 22/11/2017 của Ban Bí thư về tăng cường chỉ đạo, quản lý, phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ (trong năm 2023).

- Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 25/12/2013 của Bộ Chính trị về phát triển và tăng cường quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên internet (trong năm 2023).

- Nghiên cứu xây dựng quy chế kiểm soát quyền lực để phòng chống tiêu cực trong hoạt động báo chí (trong năm 2024).

1.2. Chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện quy hoạch phát triển, quản lý hoạt động báo chí; phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước rà soát, thực hiện đúng quy trình cấp phép thành lập mới cơ quan báo chí và hiệp y điều kiện, tiêu chuẩn đối với lãnh đạo cơ quan báo chí; kiên quyết không hiệp y bổ nhiệm, bổ nhiệm lại lãnh đạo cơ quan báo chí khi chưa đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định (thường xuyên).

1.3. Yêu cầu cơ quan chủ quản báo chí thực hiện nghiêm quy định của Đảng về xử lý trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan báo chí khi để xảy ra vi phạm, sai phạm; thực hiện đúng thẩm quyền, trách nhiệm; khắc phục tình trạng buông lỏng lãnh đạo, quản lý để cơ quan báo chí trực thuộc thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước về báo chí; chủ động xử lý các hành vi vi phạm của cơ quan báo chí, người làm báo (thường xuyên).

1.4. Rà soát, phát hiện, chỉ đạo, xử lý kịp thời và có ý kiến về hoạt động của các cơ quan báo chí có đủ điều kiện để hình thành tổ chức Đảng nhưng chưa có tổ chức Đảng. Phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá, kiểm tra, giám sát công tác xây dựng Đảng trong cơ quan báo chí; việc duy trì nền nếp, đổi mới nội dung sinh hoạt cấp ủy, chi bộ; việc quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên; công tác đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị và phát triển Đảng; công tác phối hợp giữa cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể trong lãnh đạo, quản lý báo chí (thường xuyên).

1.5. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý về tổ chức, cán bộ đối với cơ quan chủ quản báo chí, lãnh đạo cơ quan báo chí để xảy ra vi phạm nghiêm trọng, kéo dài hoặc không có chuyển biến, thay đổi sau khi cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý nhắc nhở, cảnh báo (thường xuyên).

1.6. Chỉ đạo, định hướng thông tin nhanh chóng, kịp thời, phù hợp, hiệu quả, nhất là những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm cần được dự báo, phát hiện sớm, xử lý nhanh, hạn chế tối đa tác động, ảnh hưởng tiêu cực; thực hiện tốt Quyết định số 238-QĐ/TW ngày 30/9/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) ban hành Quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan nhà nước cùng cấp trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, Nhân dân quan tâm (thường xuyên).

1.7. Chỉ đạo tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025); phát động phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí (tháng 6/2022).

1.8. Hỗ trợ cơ quan chủ quản báo chí trong việc xây dựng, quy hoạch cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng trình độ chính trị, bảo đảm các tiêu chuẩn đối với lãnh đạo cơ quan báo chí theo quy định (thường xuyên).

1.9. Gặp gỡ, làm việc với các cơ quan báo chí theo địa bàn, khu vực để khích lệ, động viên và kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động báo chí (theo điều kiện, tình hình cụ thể).

2. Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông

2.1. Đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về báo chí, truyền thông không còn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tiễn, bảo đảm tạo điều kiện báo chí, truyền thông phát triển lành mạnh, đúng định hướng, đồng thời quản lý tốt hệ thống báo chí, truyền thông phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Cụ thể:

- Tiến hành nghiên cứu, rà soát Luật Báo chí 2016; đánh giá kết quả thực hiện, những vướng mắc, bất cập; kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp (trong năm 2022).

- Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành văn bản về tiêu chí phân biệt báo, tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội và tiêu chí về dấu hiệu, biểu hiện, mức độ “tư nhân hóa” báo chí (tháng 6/2022).

- Thực hiện nghiêm túc, đúng yêu cầu, nhiệm vụ và nội dung Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; kịp thời sơ kết, tổng kết việc triển khai và đề xuất các phương hướng, giải pháp; xây dựng Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đến năm 2025).

2.2. Cấp phép thành lập mới cơ quan báo chí bảo đảm đúng quy định Đảng, Nhà nước; rà soát, khắc phục tình trạng trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ mục đích của một số cơ quan báo chí; không cấp phép thành lập mới các cơ quan báo chí trùng lặp về tôn chỉ, mục đích, chức năng nhiệm vụ (giai đoạn từ năm 2023 - 2025).

2.3. Kiên quyết, kiên trì, xử lý nghiêm minh, thuyết phục, khắc phục căn bản tình trạng “thương mại hóa”, “báo hóa” tạp chí điện tử, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội; tình trạng “tư nhân hóa” hoạt động báo chí; dừng hoạt động, tước quyền sử dụng giấy phép theo quy định của pháp luật đối với các cơ quan báo, tạp chí, chuyên trang hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, có nhiều sai phạm (thường xuyên). Trước mắt, tạm dừng cấp giấy phép mở chuyên trang của tạp chí điện tử, giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí để kiểm tra, rà soát, đánh giá sự cần thiết, hiệu quả hoạt động và chỉ tiếp tục cấp phép khí cổ giải pháp căn cơ khắc phục những hạn chế, bất cập của các loại hình này.

2.4. Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất hoạt động của các cơ quan báo chí; khắc phục triệt để tình trạng báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích, xa rời đối tượng phục vụ; kiên quyết xử lý theo quy định các cơ quan báo chí, người làm báo có các hành vi vi phạm pháp luật. Công bố công khai kết quả xử lý vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng và định kỳ báo cáo cơ quan có thẩm quyền kết quả xử lý (03 tháng/lần).

2.5. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, ban hành những quy định của pháp luật để quản lý các doanh nghiệp cung cấp thông tin xuyên biên giới, bảo đảm tuân thủ đúng pháp luật Việt Nam; kiên quyết, kiên trì đấu tranh, xử lý nghiêm các công ty cung cấp dịch vụ, mạng xã hội xuyên biên giới có các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam (thường xuyên).

2.6. Tiếp tục hỗ trợ, đề xuất xây dựng chế độ, chính sách; hỗ trợ chuyển đổi số; đào tạo bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý nhà nước; quản lý hoạt động kinh tế, kỹ thuật báo chí (thường xuyên).

2.7. Rà soát, đánh giá tổng thể tình hình hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép để có giải pháp khắc phục, xử lý ngay những bất cập, tồn tại, hạn chế trong hoạt động này; thu hồi giấy phép khi có nhiều sai phạm trong hoạt động (năm 2022 và năm 2023).

2.8. Chỉ đạo các sở thông tin và truyền thông phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động báo chí, truyền thông trên địa bàn theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và quy định của pháp luật; kiên quyết xử lý các sai phạm theo thẩm quyền, không né tránh, đùn đẩy lên cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương đối với những vấn đề đã được phân cấp quản lý; yêu cầu, đôn đốc cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương tiến hành thanh tra, kiểm tra, rà soát, có báo cáo đánh giá tổng thể về hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú tại địa bàn, việc cấp phép, quản lý nhà nước đối với các trang thông tin điện tử tổng hợp; kiên quyết, kịp thời xử lý nghiêm, dừng hoạt động văn phòng đại diện không đủ điều kiện; thu hồi giấy phép trang thông tin điện tử tổng hợp có nhiều vi phạm (thường xuyên).

3. Đảng đoàn, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam

3.1. Thực hiện tốt hơn vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo các cấp, nhất là ở Trung ương Hội; đẩy mạnh công tác theo dối, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, kết luận rõ ràng và xử lý nghiêm minh các hội viên, người làm báo vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam; công bố công khai các hội viên, người làm báo vi phạm, định kỳ báo cáo cơ quan có thẩm quyền kết quả xử lý (03 tháng/lần).

3.2. Chủ động nhận xét, đánh giá về chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động tác nghiệp và nội dung thông tin trên báo chí tại Giao ban báo chí và khi xuất hiện vấn đề, vụ việc được dư luận xã hội quan tâm; nhắc nhở, chấn chỉnh hoạt động thông tin thiếu khách quan, trung thực, thiếu tính định hướng, giáo dục, thẩm mỹ, nhất là việc thực hiện chức năng tư tưởng văn hóa và nhiệm vụ chính trị của báo chí cách mạng; thường xuyên giáo dục, nâng cao nhận thức về sứ mệnh nghề nghiệp, trách nhiệm đối với xã hội của hội viên, người làm báo (thường xuyên).

3.3. Tăng cường công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng làm báo hiện đại; chủ động nghiên cứu phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển và quản lý báo chí, đội ngũ người làm báo.

3.4. Tiếp tục tổ chức hiệu quả, chất lượng Hội báo toàn quốc, Giải báo chí Quốc gia và các giải báo chí chuyên ngành..., tạo sân chơi sôi nổi, thiết thực, bổ ích cho các cấp Hội và người làm báo cả nước.

3.5. Phối hợp phát động và chủ trì tổ chức triển khai phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí (tháng 6/2022).

4. Cơ quan chủ quản báo chí

4.1. Tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo, quản lý; phân công bộ phận tham mưu giúp việc cán bộ lãnh đạo có trách nhiệm theo dõi thường xuyên hoạt động cơ quan báo chí trực thuộc. Phối hợp với cơ quan chỉ đạo, quản lý Nhà nước trong chỉ đạo, định hướng, quán triệt cơ quan báo chí trực thuộc thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước về báo chí và chấp hành chỉ đạo, định hướng của các cơ quan chức năng; thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan chủ quản; làm tốt công tác xây dựng Đảng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí (thường xuyên).

4.2. Xây dựng quy chế quản lý tổ chức bộ máy, hoạt động nhân sự và chỉ đạo, phê duyệt phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch hoạt động của cơ quan báo chí trực thuộc (năm 2022).

4.3 Tăng cường giao nhiệm vụ, đặt hàng cơ quan báo chí thực hiện việc thông tin, tuyên truyền nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ của cơ quan chủ quản. Bảo đảm và tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực cho hoạt động của cơ quan báo chí trực thuộc (thường xuyên).

4.4. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của cơ quan báo chí, người làm báo; chủ động đề xuất cơ quan có thẩm quyền dừng hoạt động, tước quyền sử dụng giấy phép khi cơ quan báo chí không còn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản; cơ quan chủ quản phải chịu trách nhiệm trong việc để xảy ra sai phạm tại cơ quan báo chí (thường xuyên).

4.5. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các đơn vị thành viên; các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có cơ quan báo chí khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, có giải pháp khắc phục ngay những bất cập, vi phạm, sai phạm, buông lỏng quản lý trong hoạt động báo chí, tạo sự chuyển biến rõ rệt, tích cực trong công tác báo chí (năm 2022).

5. Các cơ quan báo chí

5.1. Thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, chức năng nhiệm vụ được giao; chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hoạt động báo chí; giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành chỉ đạo, định hướng thông tin của cơ quan có thẩm quyền; rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành quy chế hoạt động, kiện toàn tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Khắc phục ngay tình trạng thông tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng; thông tin nặng về phê phán mặt tiêu cực, thổi phồng, khoét sâu yếu kém, khuyết điểm mà chưa quan tâm đúng mức đến tuyên truyền nhân tố mới, cách làm hay, những điều tốt đẹp trong cuộc sống (thường xuyên).

5.2. Đẩy mạnh công tác truyền thông về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, thành tựu phát triển đất nước. Đấu tranh phản bác các thông tin xấu độc, tiêu cực. Tăng cường công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội. Các cơ quan báo chí, nhất là Đài Truyền hình Việt Nam, dành thêm thời lượng để phản ánh những tâm tư, nguyện vọng, vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm, những tấm gương tiêu biểu ở cơ sở, cách làm hay, sáng tạo trong các phong trào thi đua, yêu nước; chấp hành nghiêm kỷ luật thông tin, thực hiện đúng Quy định số 234-QĐ/TW, ngày 08/9/2020 của Ban Bí thư về thông tin hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước (thường xuyên).

5.3. Chăm lo công tác xây dựng Đảng, đề cao trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên, nhất là người giữ cương vị lãnh đạo; thực hiện chủ trương người đứng đầu cơ quan báo chí trực tiếp làm bí thư cấp ủy. Đối với cơ quan báo chí đủ điều kiện nhưng chưa có tổ chức Đảng, khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét, thành lập theo quy định (năm 2022 - 2023).

5.4. Khẩn trương, nghiêm túc khắc phục tình trạng “thương mại hóa”, “báo hóa” tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội của cơ quan báo chí; thực hiện đúng các quy định trong liên kết báo chí, chấm dứt tình trạng để tư nhân núp bóng, điều hành, chi phối hoạt động báo chí. Rà soát, đánh giá hoạt động của các chuyên trang; chấm dứt hoạt động của các chuyên trang hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích và các chuyên trang có tình trạng bán, khoán, cho thuê (thường xuyên).

5.5. Rà soát ban hành các quy định, quy chế của Tòa soạn về quy trình tổ chức đề tài tác nghiệp, thẩm định, biên tập, phê duyệt xuất bản hoặc sửa chữa, gỡ hạ, đính chính tin, bài; quy chế quản lý văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, đặc biệt là hoạt động tác nghiệp của phóng viên, cộng tác viên, không để lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi, vi phạm pháp luật. Rà soát, chấn chỉnh, thu gọn, giảm bớt văn phòng đại diện, cơ quan thường trú không cần thiết, không phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ; chấm dứt tình trạng ban hành tùy tiện không quản lý được thẻ, giấy giới thiệu công tác, việc khoán doanh thu cơ quan đại diện, văn phòng thường trú (thường xuyên).

5.6. Tích cực hưởng ứng phong trào thi đua và ký cam kết xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa hướng tới mục tiêu cơ quan báo chí chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đoàn thể trong cơ quan báo chí (tháng 6/2022)

5.7. Quán triệt cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người làm báo thực hiện nghiêm Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam và Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội về việc không đưa các thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin có xu hướng kích động, thông tin có yếu tố nhạy cảm có thể gây hoang mang dư luận xã hội; chủ động nhắc nhở, xử lý nghiêm các cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người làm báo có sai phạm (năm 2022).

5.8. Đối với các Báo chuyển thành Tạp chí theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, thực hiện nghiêm tôn chỉ, mục đích của cơ quan Tạp chí; tập trung thông tin hoạt động của cơ quan chủ quản, thông tin có tính chất định kỳ, chuyên sâu, chuyên ngành theo quy định.

6. Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ chuyên ngành báo chí, truyền thông

Tăng cường các chương trình, khóa học đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho lãnh đạo và những người làm báo; thường xuyên mở các lớp chuyên đề cập nhật kiến thức cho cán bộ, lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên; tổ chức học tập qua mạng internet đối với các cán bộ, người làm báo không có điều kiện trực tiếp tại cơ sở đào tạo (thường xuyên).

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam lựa chọn hình thức phù hợp quán triệt cho cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí triển khai thực hiện Kế hoạch (tháng 6 - 7/2022).

2. Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Đảng đoàn, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng Kế hoạch cụ thể đề triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công (tháng 7/2022, hoàn thành gửi Kế hoạch về Ban Tuyên giáo Trung ương).

3. Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy chủ trì, phối hợp với sở thông tin và truyền thông và các cơ quan liên quan tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức nghiên cứu, quán triệt và xây dựng chương trình hành động để cụ thể hóa các nội dung nêu trong Kế hoạch này (tháng 7/2022, hoàn thành gửi Chương trình hành động về Ban Tuyên giáo Trung ương).

4. Các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí tổ chức nghiên cứu, quán triệt và xây dựng chương trình hành động thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch này (tháng 7/2022, hoàn thành gửi Chương trình hành động về Ban Tuyên giáo Trung ương).

Định kỳ 6 tháng/lần có báo cáo kết quả thực hiện gửi về Ban Tuyên giáo Trung ương để tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

5. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo Vietnamnet và các cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền những nội dung cơ bản và việc tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch; định kỳ thông tin kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch của các cơ quan liên quan trên các ấn phẩm, chương trình phát thanh, truyền hình... tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện Kế hoạch./.

 


Nơi nhận:
- Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư
- Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc TW; Ủy ban TW MTTQ Việt Nam và các đoàn thể CT-XH;
- Phó Thủ tướng Chính phủ (để p/h thực hiện),
- Lãnh đạo Ban TGTW,
- Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Văn phòng Trung ương; các ban Đảng Trung ương (để p/h),
- Văn phòng Chính phủ,
- Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh,
- Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông,
- Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam,
- BTG các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc TW,
- Các cơ quan chủ quản báo chí,
- Học viện Báo chí Tuyên truyền,
- Báo, đài TW và địa phương,
- Các vụ, đơn vị trong Ban TGTW,
- Vụ BC-XB (05),
- Lưu HC.

TRƯỞNG BAN




Nguyễn Trọng Nghĩa

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Kế hoạch 156-KH/BTGTW năm 2022 tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay do Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành

Số hiệu: 156-KH/BTGTW
Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Ban Tuyên giáo Trung ương
Người ký: Nguyễn Trọng Nghĩa
Ngày ban hành: 14/06/2022
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [1]
Văn bản được căn cứ - [3]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Kế hoạch 156-KH/BTGTW năm 2022 tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay do Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [3]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…