ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/2010/CT-UBND |
Cà Mau, ngày 16 tháng 12 năm 2010 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TẦN SỐ VÀ THIẾT BỊ PHÁT SÓNG VÔ TUYẾN ĐIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU
Những năm gần đây, tình hình sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh phát triển khá nhanh. Tuy nhiên, công tác quản lý, sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh chưa được chặt chẽ; công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước về sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện đến mọi tầng lớp nhân dân chưa được kịp thời.
Thực trạng trên đã gây can nhiễu có hại cho các hệ thống thông tin vô tuyến khác, làm giảm chất lượng dịch vụ, ảnh hưởng đến an toàn thông tin và an ninh quốc phòng. Bên cạnh đó, các ngư dân đánh bắt xa bờ chưa nắm rõ các quy định về sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện chưa nhận thức được tầm quan trọng của hệ thống thông tin liên lạc nên tự mua trang bị các thiết bị thông tin trên tàu mang tính tự phát, dẫn đến tình trạng không liên lạc được giữa cơ quan chức năng với tàu ra khơi khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.
Để khắc phục tình trạng trên, nhằm tăng cường quản lý Nhà nước về lĩnh vực tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Sở Thông tin và Truyền thông:
a) Tăng cường công tác tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh đúng theo quy định của pháp luật.
b) Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, cung cấp thông tin, tài liệu về lĩnh vực tần số và thiết bị vô tuyến điện cho cán bộ phụ trách công tác quản lý tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện trên địa bàn huyện, thành phố.
c) Chủ trì, phối hợp với Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực IV, các cơ quan, đơn vị có liên quan, các địa phương và các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh biết những quy định về quản lý, sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện, để tự giác thực hiện.
d) Phối hợp với Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực IV hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép theo đúng quy định của pháp luật; kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về việc sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện. Phối hợp với Công an tỉnh tiến hành công tác phòng ngừa và đấu tranh với các tổ chức, cá nhân sử dụng tần số vô tuyến điện để hoạt động xâm hại đến an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.
e) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi trái pháp luật trong việc sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện.
f) Kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh những phương án quản lý, sử dụng có hiệu quả tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh.
g) Có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này và phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan giải quyết kịp thời những vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện. Định kỳ hàng năm và đột xuất tổng hợp tình hình, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tăng cường công tác quản lý, thống kê, kiểm tra các thiết bị phát sóng vô tuyến điện trên tàu cá để phục vụ cho thông tin liên lạc trong khai thác thuỷ sản và công tác phòng, chống lụt bão.
3. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh:
a) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân các huyện ven biển tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân tuân thủ các quy định của pháp luật về sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện, sử dụng đúng mục đích các tần số quy định cho thông tin liên lạc, an toàn, cứu nạn, dự báo thời tiết... nhằm khai thác có hiệu quả, không gây nhiễu có hại giữa các hệ thống thông tin vô tuyến điện trên biển và các hệ thống thông tin vô tuyến điện khác.
b) Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với các tàu, thuyền khai thác hải sản xa bờ, kiên quyết không cho xuất bến đối với những phương tiện nghề cá không trang bị thiết bị phát sóng vô tuyến điện phục vụ thông tin liên lạc theo quy định. Yêu cầu các tàu, thuyền phải trang bị các thiết bị thông tin liên lạc vô tuyến (bộ đàm, radio,...) và phải thông báo cho cơ quan quản lý nơi tàu cá đăng ký tần số sử dụng để liên lạc, nghe thông tin trong các trường hợp khẩn cấp, khi thời tiết xấu, nhằm đảm bảo an toàn cho người và tàu cá đang hoạt động khai thác thuỷ sản.
4. Sở Công thương: Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh và sử dụng trái phép các thiết bị phát sóng vô tuyến điện không có nguồn gốc hợp pháp, không có chứng nhận hợp chuẩn của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền và ghi nhãn hàng hoá không đúng theo quy định.
5. Công an tỉnh: Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tần số, thiết bị phát sóng vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh.
6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước về việc quản lý tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện trên địa bàn; đồng thời, có trách nhiệm chỉ đạo, tăng cường công tác giám sát, phát hiện vi phạm trong việc sử dụng tần số vô tuyến điện không có giấy phép, báo cáo về Sở Thông tin và Truyền thông để có kế hoạch phối hợp kiểm tra, xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật.
b) Chỉ đạo các Đài Truyền thanh huyện, thành phố, Trạm Truyền thanh cấp xã khi xây dựng dự án đầu tư thiết bị phát sóng phát thanh, truyền hình, truyền thanh phải có ý kiến về tần số cụ thể của Cục Tần số vô tuyến điện và thực hiện các thủ tục xin giấy phép tần số vô tuyến điện theo đúng quy định của pháp luật.
7. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có sử dụng tần số và thiết bị phát vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh:
a) Khi sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện phải đăng ký cấp phép. Trường hợp giấy phép sắp hết hạn sử dụng, phải làm đơn gia hạn hoặc xin cấp lại giấy phép theo đúng quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
b) Nghiêm cấm việc nhập lậu, cất giữ, kinh doanh và sử dụng các thiết bị phát sóng vô tuyến điện không thuộc danh mục thiết bị đã được chứng nhận hợp chuẩn của Bộ Thông tin và Truyền thông và các thiết bị phát sóng vô tuyến điện không có giấy phép sử dụng tần số; giấy phép sử dụng tần số đã hết hạn mà không đăng ký gia hạn hoặc xin cấp lại giấy phép; sử dụng tần số nằm ngoài băng tần quy định.
8. Đài Phát thanh và Truyền hình Cà Mau, Báo Cà Mau, Báo ảnh Đất Mũi, Đài Thông tin Duyên hải Cà Mau: Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung Chỉ thị này và các quy định của Nhà nước về quản lý tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện để nhân dân trong tỉnh biết, tự giác thực hiện đúng theo quy định.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, chủ các doanh nghiệp sử dụng tần số vô tuyến điện, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức triển khai, thực hiện Chỉ thị này.
Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Chỉ thị 11/2010/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh Cà Mau
Số hiệu: | 11/2010/CT-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Cà Mau |
Người ký: | Nguyễn Tiến Hải |
Ngày ban hành: | 16/12/2010 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 11/2010/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh Cà Mau
Chưa có Video