VĂN PHÒNG QUỐC
HỘI |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 34/VBHN-VPQH |
Hà Nội, ngày 02 tháng 8 năm 2023 |
Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, được sửa đổi, bổ sung bởi:
Nghị quyết số 96/2023/QH15 ngày 23 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2023.
QUỐC HỘI
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13[1];
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng
1. Tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng như sau:
a) Chính quyền địa phương ở thành phố Đà Nẵng là cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân thành phố và Ủy ban nhân dân thành phố;
b) Chính quyền địa phương ở các quận thuộc thành phố Đà Nẵng là Ủy ban nhân dân quận.
Ủy ban nhân dân quận là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố;
c) Chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận tại thành phố Đà Nẵng là Ủy ban nhân dân phường.
Ủy ban nhân dân phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân quận;
d) Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của thành phố Đà Nẵng được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
2. Việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng được thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm.
Điều 2. Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng
1. Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng (sau đây gọi là Hội đồng nhân dân thành phố) thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định khác của pháp luật có liên quan và các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách cấp mình, trong đó bao gồm dự toán ngân sách của chính quyền địa phương cấp dưới; điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương;
b) Quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, trung hạn và hằng năm của thành phố, trong đó bao gồm kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trung hạn và hằng năm của quận và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của phường;
c) Thông qua chủ trương thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính quận, phường;
d) Giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố ở quận, phường; giám sát hoạt động của Ủy ban nhân dân quận, phường, Tòa án nhân dân quận, Viện kiểm sát nhân dân quận;
đ)[2] (được bãi bỏ)
e) Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố có quyền chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, Chánh án Tòa án nhân dân quận, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân quận. Hội đồng nhân dân thành phố xem xét việc trả lời chất vấn của người bị chất vấn;
g) Bầu Hội thẩm Tòa án nhân dân quận theo giới thiệu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố; miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm Tòa án nhân dân quận theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân thành phố sau khi thống nhất với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp.
2. Số lượng đại biểu, cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân thành phố được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Ban của Hội đồng nhân dân thành phố có không quá 02 Phó Trưởng ban là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách; Trưởng ban của Hội đồng nhân dân thành phố có thể là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.
Điều 3. Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng
1. Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân thành phố) thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định khác của pháp luật có liên quan và các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Xây dựng, trình Hội đồng nhân dân thành phố quyết định các nội dung quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết này và tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố. Căn cứ vào nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố, quyết định giao và điều chỉnh nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho các quận, phường trực thuộc, quyết định chủ trương, biện pháp triển khai thực hiện ngân sách địa phương, bao gồm ngân sách quận, phường;
b) Quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn đầu tư công thuộc quận, phường quản lý theo quy định của Luật Đầu tư công;
c) Căn cứ vào quy định của Chính phủ và tình hình thực tiễn của công tác quản lý đô thị, quyết định thành lập, bãi bỏ cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận;
d) Quyết định và tổ chức thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên địa bàn các quận trực thuộc.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định khác của pháp luật có liên quan và các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, tạm đình chỉ công tác Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận và Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đảo;
b) Đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của Ủy ban nhân dân quận, Ủy ban nhân dân phường.
Điều 4. Cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của Ủy ban nhân dân quận
1. Ủy ban nhân dân quận gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và công chức cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận. Ủy ban nhân dân quận loại I có không quá 03 Phó Chủ tịch; quận loại II có không quá 02 Phó Chủ tịch.
Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận là công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý của Ủy ban nhân dân quận.
2. Ủy ban nhân dân quận làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận là người đứng đầu Ủy ban nhân dân quận, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân quận.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, tạm đình chỉ công tác Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường và người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận; tuyển dụng, quản lý công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật; ký các văn bản của Ủy ban nhân dân quận.
4. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận thực hiện các công việc theo phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận về nhiệm vụ được phân công. Khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận vắng mặt, một Phó Chủ tịch được Chủ tịch ủy nhiệm thay mặt Chủ tịch điều hành và giải quyết công việc của Ủy ban nhân dân quận.
Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân quận
1. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị dự toán ngân sách trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
2. Đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách nhà nước với Ủy ban nhân dân thành phố; tham gia ý kiến về chủ trương đầu tư dự án thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền mà Luật Đầu tư công quy định phải có sự tham gia ý kiến của Hội đồng nhân dân cấp huyện; tổ chức thực hiện chương trình, dự án đầu tư công và các quy hoạch trên địa bàn quận theo phân cấp quản lý.
3. Quy định tổ chức bộ máy và nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận.
4. Chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ quận đến cơ sở, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính; thực hiện công tác cải cách hành chính và cải cách công vụ, công chức trong hệ thống hành chính nhà nước ở địa phương.
5. Đề xuất, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên địa bàn theo phân cấp quản lý.
6. Thực hiện nhiệm vụ về tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp, pháp luật, xây dựng chính quyền và địa giới hành chính, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế, lao động, chính sách xã hội, dân tộc, tôn giáo, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, các biện pháp bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, quản lý dân cư và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
7. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan nhà nước cấp trên phân cấp, ủy quyền.
8. Phân cấp, ủy quyền cho Ủy ban nhân dân phường, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân quận theo quy định của pháp luật.
9. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao và thực hiện phân cấp theo quy định tại khoản 8 Điều này. Đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận và văn bản trái pháp luật của Ủy ban nhân dân phường.
Điều 6. Cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của Ủy ban nhân dân phường
1. Ủy ban nhân dân phường gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và công chức khác của phường. Ủy ban nhân dân phường loại I và loại II có không quá 02 Phó Chủ tịch; phường loại III có 01 Phó Chủ tịch.
Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường là công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý của Ủy ban nhân dân phường.
2. Ủy ban nhân dân phường làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường là người đứng đầu Ủy ban nhân dân phường, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân phường; trực tiếp quản lý, sử dụng công chức theo quy định của Chính phủ và phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân quận; ký các văn bản của Ủy ban nhân dân phường.
4. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường thực hiện các công việc theo phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường về nhiệm vụ được phân công. Khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường vắng mặt, một Phó Chủ tịch được Chủ tịch ủy nhiệm thay mặt Chủ tịch điều hành và giải quyết công việc của Ủy ban nhân dân phường.
Điều 7. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân phường
1. Ủy ban nhân dân phường có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị dự toán ngân sách trực thuộc Ủy ban nhân dân quận theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước;
b) Đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách nhà nước với Ủy ban nhân dân quận để trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; tham gia ý kiến về chủ trương đầu tư dự án thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền mà Luật Đầu tư công quy định phải có sự tham gia ý kiến của Hội đồng nhân dân cấp xã; tổ chức thực hiện chương trình, dự án đầu tư công theo phân cấp quản lý;
c) Đề xuất, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên địa bàn theo phân cấp quản lý;
d) Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp thành lập Tổ bầu cử đại biểu Quốc hội, Tổ bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; tổ chức thực hiện việc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật;
đ) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan nhà nước cấp trên phân cấp, ủy quyền;
e) Thực hiện nhiệm vụ về tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp, pháp luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên tại địa bàn phường và các nhiệm vụ, quyền hạn khác của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường theo quy định của pháp luật, trừ quy định tại khoản 2 Điều 36 và Điều 63 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
2. Ủy ban nhân dân phường không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Điều 8. Điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị
Trên cơ sở đồ án quy hoạch đô thị thành phố Đà Nẵng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị thành phố Đà Nẵng theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Điều 9. Quản lý tài chính - ngân sách nhà nước
1. Năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách, Chính phủ xem xét, trình Quốc hội quyết định tỷ lệ điều tiết phù hợp cho ngân sách thành phố Đà Nẵng để bảo đảm nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
2. Thành phố Đà Nẵng thực hiện cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định. Sau khi ngân sách thành phố Đà Nẵng bảo đảm đủ nguồn cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền, Hội đồng nhân dân thành phố được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố.
3. Hội đồng nhân dân thành phố quyết định áp dụng trên địa bàn thành phố:
a) Phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí;
b) Điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, trừ án phí, lệ phí Tòa án.
4. Ngân sách thành phố Đà Nẵng được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách thu quy định tại khoản 3 Điều này để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố Đà Nẵng.
1. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:
a) Tổ chức thực hiện Nghị quyết này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
b) Ban hành các quy định để thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và cơ chế, chính sách đặc thù theo quy định tại Nghị quyết này và hướng dẫn của Chính phủ; thực hiện phân cấp, ủy quyền cụ thể cho chính quyền địa phương ở quận, phường phù hợp với tổ chức quản lý đô thị và khả năng thực tiễn của từng địa phương;
c) Thực hiện sắp xếp các cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức quận, phường theo quy định của cơ quan có thẩm quyền; giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư theo quy định của pháp luật;
d) Sơ kết, tổng kết việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và cơ chế, chính sách đặc thù quy định tại Nghị quyết này, báo cáo Chính phủ theo quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:
a) Tổ chức thực hiện Nghị quyết này; chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với chính quyền địa phương ở thành phố Đà Nẵng cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý các vấn đề chưa phân cấp, phân quyền cho thành phố;
b) Chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng quy định tại Nghị quyết này; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình khắc phục những vi phạm theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền, nhất là trong lĩnh vực đất đai;
c) Quy định cụ thể về tổ chức, hoạt động của Ủy ban nhân dân quận, Ủy ban nhân dân phường, chế độ trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường; trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, tạm đình chỉ công tác Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đảo, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận; quy định việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức phường; trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân quận; hướng dẫn việc xử lý kiến nghị của Hội đồng nhân dân thành phố về kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận;
d) Quy định cụ thể việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác tại quận, phường thực hiện thí điểm;
đ) Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền những vấn đề chưa phù hợp hoặc phát sinh trong quá trình thực hiện thí điểm;
e) Chậm nhất là quý IV năm 2023, Chính phủ có báo cáo sơ kết việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù tại thành phố Đà Nẵng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, quyết định.
3. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng và đại biểu Quốc hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.
2. Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết này với luật, nghị quyết khác của Quốc hội thì áp dụng theo quy định của Nghị quyết này. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc thuận lợi hơn Nghị quyết này thì việc áp dụng do Hội đồng nhân dân thành phố quyết định.
Điều 12. Điều khoản chuyển tiếp
1. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quận, phường nhiệm kỳ 2016 - 2021 kết thúc nhiệm vụ vào ngày 30 tháng 6 năm 2021.
2. Kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2021, Ủy ban nhân dân quận, Ủy ban nhân dân phường thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị quyết này. Trường hợp chưa bổ nhiệm được Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, phường thì Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, phường nhiệm kỳ 2016 - 2021 tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này cho đến khi Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, phường mới được bổ nhiệm.
Văn bản của chính quyền địa phương ở quận, phường được ban hành trước ngày 01 tháng 7 năm 2021, nếu chưa được cơ quan có thẩm quyền thay thế hoặc bãi bỏ thì vẫn được áp dụng.
3. Các quận, phường tại thành phố Đà Nẵng được thành lập kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành được áp dụng mô hình chính quyền đô thị theo quy định tại Nghị quyết này. Việc chuyển tiếp hoạt động của chính quyền địa phương tại các đơn vị hành chính này thực hiện theo hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.
|
XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT CHỦ NHIỆM |
[1] Nghị quyết số 96/2023/QH15 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có căn cứ ban hành như sau:
“Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 63/2020/QH14;”.
[2] Điểm này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 1 Điều 21 của Nghị quyết số 96/2023/QH15 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2023.
[3] Điều 22 của Nghị quyết số 96/2023/QH15 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2023 quy định như sau:
“Điều 22. Hiệu lực thi hành
1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2023.
2. Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn hết hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành.
3. Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn thi hành Nghị quyết này.”.
Văn bản hợp nhất 34/VBHN-VPQH năm 2023 hợp nhất Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng do Văn phòng Quốc hội ban hành
Số hiệu: | 34/VBHN-VPQH |
---|---|
Loại văn bản: | Văn bản hợp nhất |
Nơi ban hành: | Văn phòng quốc hội |
Người ký: | Bùi Văn Cường |
Ngày ban hành: | 02/08/2023 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Văn bản hợp nhất 34/VBHN-VPQH năm 2023 hợp nhất Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng do Văn phòng Quốc hội ban hành
Chưa có Video