Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BỘ CÔNG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/VBHN-BCA

Hà Nội, ngày 02 tháng 5 năm 2018

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ ĐÀO TẠO, SÁT HẠCH, CẤP, QUẢN LÝ GIẤY PHÉP LÁI XE TRONG CÔNG AN NHÂN DÂN

Thông tư số 53/2015/TT-BCA ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về đào tạo, sát hạch, cấp, quản lý giấy phép lái xe trong Công an nhân dân, có hiệu lực kể từ ngày 08 tháng 12 năm 2015, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Thông tư số 57/2017/TT-BCA ngày 20 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công an sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 53/2015/TT-BCA ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Bộ Công an quy định về đào tạo, sát hạch, cấp, quản lý giấy phép lái xe trong Công an nhân dân, có hiệu lực kể từ ngày 08 tháng 01 năm 2018.

Căn cứ Luật giao thông đường bộ năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 106/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông,

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định về đào tạo, sát hạch, cấp, quản lý giấy phép lái xe trong Công an nhân dân.[1]

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về đào tạo, sát hạch, cấp, quản lý giấy phép lái xe trong Công an nhân dân.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

1. Công an các đơn vị, địa phương.

2. Cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong Công an nhân dân.

3. Cơ sở đào tạo lái xe, Trung tâm sát hạch lái xe thuộc Công an nhân dân.

4. Người thực hiện công tác đào tạo, sát hạch, cấp và quản lý giấy phép lái xe trong Công an nhân dân.

5. Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, học viên các trường Công an nhân dân, công nhân, viên chức Công an nhân dân, công an xã, người có hợp đồng lao động trong Công an nhân dân từ 12 tháng trở lên (sau đây gọi chung là cán bộ, chiến sĩ).

Điều 3. Phân cấp quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe

Việc phân cấp quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe được thực hiện như sau:

1. Cục Cảnh sát giao thông quản lý công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; tổ chức sát hạch, cấp, cấp lại, đổi, thu hồi giấy phép lái xe cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân trên toàn quốc.

2. Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Phòng Cảnh sát giao thông) quản lý công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe tại địa phương; tổ chức đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe các hạng A1, A2, A3; đổi, cấp lại, thu hồi giấy phép lái xe cho cán bộ, chiến sĩ Công an, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy địa phương, cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Công an đóng quân trên địa bàn khi có yêu cầu.

Chương II

ĐÀO TẠO LÁI XE

Điều 4. Cơ sở đào tạo lái xe

1. Cơ sở đào tạo lái xe trong Công an nhân dân phải được cấp có thẩm quyền quyết định thành lập, có chức năng đào tạo lái xe, có đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.

2. Cơ sở đào tạo lái xe phải phù hợp với quy hoạch được Bộ Công an phê duyệt.

3. Cơ sở đào tạo lái xe chỉ được đào tạo số lượng học viên phù hợp với năng lực đào tạo. Năng lực đào tạo được cơ quan quản lý đào tạo công nhận trên cơ sở bảo đảm các điều kiện tiêu chuẩn kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn của cơ sở đào tạo lái xe theo quy định tại Điều 5, Điều 6 và Điều 7 Thông tư này. Văn bản công nhận năng lực đào tạo có thời hạn 03 năm, trong thời gian đó phải được duy trì, nếu có thay đổi các điều kiện trên phải điều chỉnh lại. Trước khi hết hạn, cơ sở đào tạo lái xe phải có báo cáo đề nghị Cục Cảnh sát giao thông xem xét, gia hạn.

Điều 5. Tiêu chuẩn giáo viên dạy lái xe

1. Tiêu chuẩn chung

a) Có phẩm chất, tư cách đạo đức tốt;

b) Có đủ sức khỏe theo quy định;

c) Có chứng chỉ đào tạo sư phạm;

d) Có giấy phép lái xe từ hạng B2 trở lên;

đ) Được cơ quan quản lý đào tạo tập huấn về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy lái xe;

e) Giấy chứng nhận giáo viên dạy lái xe có thời hạn 03 năm, kể từ ngày cấp. Trong thời hạn 15 ngày trước khi giấy chứng nhận giáo viên dạy lái xe hết hạn sử dụng, người có giấy chứng nhận giáo viên dạy lái xe phải báo cáo thủ trưởng đơn vị quản lý để tập hợp, đề nghị Cục Cảnh sát giao thông cấp đổi giấy chứng nhận giáo viên dạy lái xe. Nếu người có giấy chứng nhận giáo viên dạy lái xe đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản này thì được cấp đổi giấy chứng nhận giáo viên dạy lái xe.

2. Tiêu chuẩn cụ thể

a) Tiêu chuẩn giáo viên dạy lý thuyết

- Giáo viên dạy môn pháp luật về giao thông đường bộ, văn hóa giao thông:

+ Có đủ tiêu chuẩn quy định tại Khoản 1 Điều này;

+ Có bằng Cử nhân luật hoặc bằng tốt nghiệp đại học tại Học viện, trường trong Công an nhân dân; Đại học Giao thông vận tải.

- Giáo viên dạy môn cấu tạo xe, kỹ thuật lái xe:

+ Có đủ tiêu chuẩn quy định tại Khoản 1 Điều này;

+ Có bằng tốt nghiệp Trung cấp nghề cơ khí trở lên.

b) Tiêu chuẩn giáo viên dạy thực hành lái xe

- Có đủ tiêu chuẩn quy định tại Khoản 1 Điều này;

- Có giấy phép lái xe tương ứng với hạng xe đào tạo trở lên;

- Có thâm niên lái xe từ 03 năm trở lên đối với giáo viên dạy lái xe hạng A4, B1, B2; 05 năm trở lên đối với giáo viên dạy lái xe các hạng C, D, E, FB2, FC, FD và hạng FE.

Điều 6. Tiêu chuẩn cơ sở vật chất

Cơ sở đào tạo lái xe phải có đủ các phòng học về: pháp luật giao thông đường bộ, cấu tạo ô tô, kỹ thuật lái xe; xưởng thực tập bảo dưỡng sửa chữa; phòng điều hành giảng dạy; phòng giáo viên làm công tác giảng dạy; sân tập lái xe; đường tập lái xe bảo đảm tiêu chuẩn quy định. Đối với trường hợp đào tạo lái xe mô tô các hạng A1, A2, A3 thì phải có 01 phòng học chung pháp luật về giao thông đường bộ và kỹ thuật lái xe.

1. Tiêu chuẩn phòng học pháp luật về giao thông đường bộ

a) Bảo đảm diện tích tối thiểu là 0,7m2 cho mỗi học viên và được bố trí tối đa không quá 100 học viên;

b) Có thiết bị nghe nhìn; hệ thống biển báo hiệu đường bộ, sa bàn bố trí các tình huống giả định;

c) Phòng học lý thuyết trên máy vi tính bố trí riêng biệt, có hệ thống máy tính gồm máy chủ, máy in và ít nhất 10 máy tính được nối mạng với nhau, có cài đặt phần mềm học và thi pháp luật về giao thông đường bộ do Cục Cảnh sát giao thông ban hành.

2. Tiêu chuẩn phòng học cấu tạo ô tô

a) Bảo đảm diện tích từ 50m2 trở lên và được bố trí tối đa không quá 35 học viên;

b) Có mô hình, hình vẽ sơ đồ cấu tạo, mô tả nguyên lý hoạt động của hệ thống động cơ, điện, gầm loại xe sử dụng nhiên liệu xăng, diesel hay dầu thông dụng;

c) Có các cụm chi tiết và tổng thành chủ yếu, hệ thống truyền động, hệ thống phanh và hệ thống lái.

3. Tiêu chuẩn phòng học kỹ thuật lái xe

a) Bảo đảm diện tích từ 50m2 trở lên và được bố trí tối đa không quá 35 học viên;

b) Có mô hình, đồ dùng giảng dạy, sa bàn thu nhỏ để dạy thao tác lái xe cơ bản, kỹ năng và kinh nghiệm lái xe trên các loại đường;

c) Có ca bin điện tử hoặc đầu ca bin thực tế kê cao bảo đảm an toàn để tập số nguội (thao tác khi động cơ nổ) và thiết bị bổ trợ khác.

4. Tiêu chuẩn xưởng thực tập bảo dưỡng sửa chữa

a) Bảo đảm diện tích từ 50m2 trở lên và được bố trí tối đa không quá 35 học viên;

b) Có mô hình chi tiết và tổng thành của hệ thống gầm, động cơ, điện, hệ thống cung cấp nhiên liệu, hệ thống phanh, hệ thống lái loại xe ô tô chạy bằng xăng và loại xe ô tô chạy bằng dầu;

c) Có đủ diện tích và không gian cho người lái xe thực tập, bảo đảm yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động;

d) Được trang bị đồ nghề chuyên dùng để thực hành thao tác kiểm tra điều chỉnh các hệ thống động cơ, gầm, điện ô tô, phanh, lái...

5. Tiêu chuẩn phòng điều hành giảng dạy

Có bảng ghi chương trình đào tạo, tiến độ đào tạo và các trang thiết bị cần thiết khác.

6. Tiêu chuẩn phòng giáo viên làm công tác giảng dạy

Có đủ bàn ghế, tủ đựng tài liệu, đồ dùng giảng dạy cần thiết.

7. Tiêu chuẩn sân tập lái xe

a) Cơ sở đào tạo lái xe phải có sân tập lái xe, nếu là sân thuê thì hợp đồng thuê phải có thời hạn từ 02 năm trở lên. Đối với cơ sở đào tạo lái xe ô tô có lưu lượng đào tạo từ 1000 học viên trở lên phải có ít nhất hai sân tập lái xe. Sân tập lái xe phải có đủ diện tích để bố trí các hình liên hoàn hoặc từng hình tập phù hợp với kích thước từng hạng xe tương ứng với tiêu chuẩn hình thi tại Trung tâm sát hạch lái xe.

b) Diện tích sân tập tối thiểu đối với từng hạng xe như sau:

 Sân tập lái xe hạng A1, A2, A3 và A4:

1.000m2;

 Sân tập lái xe hạng B:

8.000m2;

 Sân tập lái xe hạng C:

10.000m2;

 Sân tập lái xe hạng D, E, FB2, FC, FD và FE:

14.000m2;

c) Sân tập lái xe ô tô phải có đủ hệ thống biển báo hiệu đường bộ, bề mặt làn đường và hình tập lái trong sân phải được rải thảm nhựa hoặc bê tông xi măng, có đầy đủ vạch sơn kẻ đường; có nhà chờ cho học viên; có đủ các bài học theo nội dung chương trình đào tạo, kích thước các hình tập lái đúng với quy chuẩn Trung tâm sát hạch lái xe đối với từng hạng xe tương ứng.

8. Tiêu chuẩn đường tập lái xe

Đường giao thông công cộng để dạy lái xe phải có đủ các tình huống giao thông (giao nhau cùng mức, chỗ rộng, chỗ hẹp, có đoạn lên dốc, xuống dốc, mật độ giao thông vừa phải) và được ghi rõ trong giấy phép xe tập lái.

Điều 7. Xe tập lái, xe sát hạch

1. Xe mô tô dùng để tập lái và sát hạch

Đào tạo lái xe mô tô hạng nào thì sử dụng loại xe mô tô có dung tích xi lanh tương ứng để tập lái và sát hạch; xe tập lái và xe sát hạch phải bảo đảm các điều kiện về an toàn kỹ thuật; được đăng ký, gắn biển số đúng quy định.

2. Xe ô tô dùng để tập lái

a) Cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải trang bị đủ xe số sàn và xe số tự động. Xe sử dụng để đào tạo lái xe phải là xe thuộc sở hữu của cơ sở đào tạo, trường hợp sử dụng xe hợp đồng thì hợp đồng phải có thời hạn từ 01 năm trở lên, số lượng xe hợp đồng không vượt quá 30% số xe cùng hạng tương ứng của cơ sở đào tạo;

b) Phải có bộ phận phanh phụ bố trí bên ghế ngồi phía bên phải của người lái xe, kết cấu chắc chắn và bảo đảm an toàn;

c) Xe được đăng ký, gắn biển số đúng quy định; có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường còn giá trị sử dụng;

d) Có giấy phép xe tập lái do cơ quan quản lý cấp, thời hạn của giấy phép tương ứng với thời hạn kiểm định của xe tập lái;

đ) Xe phải gắn 02 biển “TẬP LÁI”, 01 biển ở đầu xe trên thanh cản phía trước và 01 biển ở cuối xe trên thanh cản phía sau hoặc phía sau bên trái thùng xe theo mẫu quy định; biển có nền xanh, chữ màu trắng, kích thước như sau:

- Đối với xe hạng B, FB2 biển trước và biển sau kích thước 10cm x 25cm;

- Đối với xe hạng C, D, E, FC, FD và FE biển trước kích thước 10cm x 25cm, biển sau kích thước 35cm x 35cm;

e) Hai bên cánh cửa hoặc hai bên thành xe kẻ dòng chữ ghi tên cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý trực tiếp và số điện thoại của cơ sở đào tạo;

g) Xe tải sử dụng để đào tạo lái xe phải có ghế ngồi cho học viên được gắn cố định trên thùng xe, thùng xe phải có mui che mưa, nắng. Trường hợp sử dụng xe tải để đào tạo lái xe hạng B thì phải sử dụng loại xe có trọng tải từ 1000kg trở lên;

h) Cơ sở đào tạo lái xe phải bố trí đủ xe tập lái và đúng với loại xe được phép đào tạo, bảo đảm bố trí tối đa 05 học viên một xe đối với các hạng A3, A4, B1 và B2; 08 học viên một xe đối với các hạng C, D, E và nâng hạng lên FB2, FC, FD, FE tương ứng.

3. Xe ô tô dùng để sát hạch

a) Xe có giấy đăng ký mang tên Trung tâm sát hạch; giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường còn giá trị sử dụng; có niên hạn sử dụng không quá 15 năm, kể từ năm sản xuất;

b) Xe sử dụng để sát hạch trong hình 10 bài liên hoàn được lắp đặt thiết bị chấm điểm tự động;

c) Xe dùng để sát hạch trên đường giao thông công cộng phải có bộ phận phanh phụ bố trí bên ghế ngồi phía bên phải của người lái xe, kết cấu chắc chắn và bảo đảm an toàn; có gắn 02 biển “XE SÁT HẠCH”, 01 biển phía trước và 01 biển phía sau xe; biển có nền xanh, chữ màu trắng, kích thước bằng kích thước biển “TẬP LÁI” theo hạng xe.

Điều 8. Nội dung, chương trình đào tạo lái xe

Nội dung, chương trình đào tạo lái xe được quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này. Cán bộ, chiến sĩ có nhu cầu được sát hạch, cấp giấy phép lái xe phải học theo nội dung, chương trình đào tạo lái xe tại các cơ sở đào tạo lái xe thuộc Công an nhân dân.

Điều 9. Đào tạo lái xe

1. Đào tạo lái xe mô tô

Trước 15 ngày khai giảng khóa học, cơ sở đào tạo lái xe phải có văn bản báo cáo Cục Cảnh sát giao thông (đối với cơ sở đào tạo lái xe thuộc Bộ Công an), Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đối với cơ sở đào tạo lái xe thuộc Công an địa phương) về việc đào tạo lái xe kèm theo danh sách học viên và đề nghị sát hạch để theo dõi việc đào tạo và tổ chức sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Đối với Công an địa phương chưa có cơ sở đào tạo lái xe thì Phòng Cảnh sát giao thông tổ chức đào tạo và báo cáo Ban giám đốc ra quyết định sát hạch kèm theo danh sách học viên (Phòng Cảnh sát giao thông có trách nhiệm bố trí cán bộ Cảnh sát giao thông đã được cấp thẻ sát hạch viên để hướng dẫn học viên các môn học lý thuyết và thực hành lái xe). Cơ sở đào tạo lái xe, Phòng Cảnh sát giao thông có trách nhiệm:

a) Tiếp nhận hồ sơ của cán bộ, chiến sĩ.

b) Tổ chức đào tạo lý thuyết và thực hành lái xe cho cán bộ, chiến sĩ:

- Thời gian đào tạo tập trung lý thuyết pháp luật về giao thông đường bộ, kỹ năng lái xe, văn hóa giao thông là 06 giờ đối với hạng A1; 12 giờ đối với hạng A2; 18 giờ đối với hạng A3;

- Thời gian đào tạo tập trung môn thực hành lái xe là 8 giờ đối với hạng A1; 16 giờ đối với hạng A2; 24 giờ đối với hạng A3;

- Số giờ học còn lại của các môn học theo quy định trong chương trình đào tạo lái xe, cán bộ, chiến sĩ được tự nghiên cứu học tập.

2. Đào tạo lái xe ô tô

a) Cơ sở đào tạo lái xe phải có văn bản báo cáo Cục Cảnh sát giao thông về việc mở lớp đào tạo lái xe kèm theo danh sách học viên và kế hoạch đào tạo của khóa học để được xem xét ra quyết định mở lớp và theo dõi, quản lý. Các cơ sở đào tạo lái xe chỉ được tổ chức đào tạo lái xe sau khi được Cục Cảnh sát giao thông ra quyết định mở lớp và phải điều chỉnh kế hoạch đào tạo theo thời gian trong quyết định mở lớp;

b) Đối với việc đào tạo lái xe hạng A4, cơ sở đào tạo lái xe có trách nhiệm:

- Tổ chức đào tạo lý thuyết và thực hành lái xe cho cán bộ, chiến sĩ:

+ Thời gian đào tạo tập trung lý thuyết pháp luật về giao thông đường bộ, kỹ năng lái xe, văn hóa giao thông là 18 giờ;

+ Thời gian đào tạo tập trung môn thực hành lái xe là 24 giờ;

+ Số giờ học còn lại của các môn học theo quy định trong chương trình đào tạo lái xe, cán bộ, chiến sĩ được tự nghiên cứu học tập;

- Kết thúc khóa học, cơ sở đào tạo lái xe tổ chức ôn luyện và kiểm tra cấp chứng chỉ tốt nghiệp chương trình đào tạo lái xe trước khi sát hạch;

c) Đối với việc đào tạo lái xe các hạng B1, B2, C, D, E, FB2, FC, FD và FE, cơ sở đào tạo lái xe có trách nhiệm tổ chức đào tạo tập trung tại cơ sở theo đúng số giờ học quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này;

d) Học viên phải hoàn thành nội dung, chương trình đào tạo theo kế hoạch đào tạo và dự thi lý thuyết và thực hành đạt yêu cầu mới được cấp chứng chỉ tốt nghiệp chương trình đào tạo lái xe.

3. Kết thúc khóa học, cơ sở đào tạo lái xe phải có văn bản báo cáo Cục Cảnh sát giao thông về kết quả đào tạo và đề nghị sát hạch lái xe kèm theo danh sách học viên, hồ sơ sát hạch lái xe để được xem xét, quyết định tổ chức sát hạch.

Điều 10. Trách nhiệm của cơ sở đào tạo lái xe

1. Duy trì điều kiện tiêu chuẩn kỹ thuật, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của cơ sở đào tạo lái xe, bảo đảm năng lực đào tạo đã được cơ quan quản lý công nhận.

2. Công khai điều kiện tuyển sinh, chương trình đào tạo, học phí, phí sát hạch, lệ phí cấp giấy phép lái xe; thu và sử dụng học phí đào tạo lái xe theo quy định hiện hành.

3. Chịu trách nhiệm kiểm tra các điều kiện quy định của học viên về đối tượng, độ tuổi, sức khỏe và thâm niên lái xe (đối với trường hợp nâng hạng).

4. Thực hiện đúng kế hoạch, nội dung, chương trình đào tạo; tổ chức thi, cấp chứng chỉ tốt nghiệp cho các học viên đủ điều kiện.

5. Thực hiện các báo cáo về đào tạo, thi, cấp chứng chỉ và sát hạch lái xe theo quy định.

6. Lưu trữ hồ sơ, tài liệu liên quan theo quy định.

Điều 11. Trách nhiệm cơ quan quản lý đào tạo lái xe

1. Cục Cảnh sát giao thông có trách nhiệm

a) Phối hợp với Tổng cục Chính trị Công an nhân dân tham mưu cho Bộ Công an xây dựng quy hoạch hệ thống cơ sở đào tạo lái xe trong Công an nhân dân; trình Bộ trưởng ký quyết định thành lập, ban hành, đình chỉ hoạt động, giải thể các cơ sở đào tạo lái xe bảo đảm phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt;

b) Ban hành nội dung, chương trình đào tạo, giáo trình, bộ câu hỏi thi, hệ thống phần mềm quản lý đào tạo lái xe;

c) Hướng dẫn, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở đào tạo lái xe thuộc ngành Công an;

d) Quản lý công tác đào tạo lái xe của các cơ sở đào tạo lái xe trong Công an nhân dân: Kiểm tra cơ sở vật chất, tiêu chuẩn kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn; công nhận năng lực đào tạo; cấp giấy chứng nhận xe tập lái; giấy chứng nhận giáo viên dạy lái xe; quyết định mở lớp đào tạo lái xe; quản lý đào tạo. Định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra điều kiện bảo đảm năng lực đào tạo, nếu không đủ điều kiện thì thu hồi văn bản công nhận năng lực và kiểm tra công tác đào tạo, thi, cấp chứng chỉ tốt nghiệp của cơ sở đào tạo lái xe.

2. Phòng Cảnh sát giao thông có trách nhiệm

a) Tham mưu cho Ban Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng quy hoạch hệ thống cơ sở đào tạo lái xe trong Công an tại địa phương; trình Giám đốc ký quyết định thành lập, ban hành, đình chỉ hoạt động, giải thể các cơ sở đào tạo lái xe bảo đảm phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt và hướng dẫn, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở đào tạo lái xe trong Công an tại địa phương;

b) Tổ chức đào tạo lái xe các hạng A1, A2, A3; bố trí cán bộ Cảnh sát giao thông đã được cấp thẻ sát hạch viên hướng dẫn học viên các môn học lý thuyết và thực hành lái xe;

c) Định kỳ báo cáo Cục Cảnh sát giao thông về kết quả đào tạo lái xe hạng A1, A2, A3.

Chương III

SÁT HẠCH LÁI XE

Điều 12. Trung tâm sát hạch lái xe

1. Trung tâm sát hạch lái xe phải có đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu sát hạch lái xe theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ do Bộ Giao thông vận tải ban hành.

2. Việc sát hạch lái xe ô tô phải được thực hiện tại Trung tâm huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ và đào tạo lái xe thuộc Cục Cảnh sát giao thông hoặc các Trung tâm sát hạch lái xe có đủ điều kiện được Cục Cảnh sát giao thông công nhận. Trường hợp sát hạch lái xe tại các Trung tâm sát hạch ngoài ngành Công an thì các Trung tâm sát hạch đó phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động và Cục Cảnh sát giao thông công nhận.

3. Sát hạch mô tô thực hiện tại các sân sát hạch, phải đáp ứng các yêu cầu tại Phụ lục số 02 và được Cục Cảnh sát giao thông công nhận nếu sát hạch tại Bộ Công an hoặc Phòng Cảnh sát giao thông công nhận nếu sát hạch tại Công an địa phương.

4. Trung tâm sát hạch lái xe có trách nhiệm

 a) Bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện và trang thiết bị kiểm tra, chấm điểm tự động hoạt động chính xác theo quy định. Báo cáo kịp thời với Cục Cảnh sát giao thông, khi thay đổi, bổ sung thiết bị, phương tiện dùng cho sát hạch;

b) Không được tự ý thay đổi hoặc sử dụng phần mềm sát hạch, thiết bị chấm điểm, chủng loại xe sát hạch khi chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền;

c) Bảo đảm việc ôn luyện cho học viên của các cơ sở đào tạo trước kỳ thi sát hạch theo đúng kế hoạch đào tạo đã được cơ quan quản lý chấp thuận;

d) Bảo đảm tổ chức sát hạch đúng kế hoạch, thuận tiện, an toàn cho các kỳ sát hạch lái xe; phối hợp các tổ chức, cá nhân liên quan giải quyết khi có tai nạn hoặc các vụ việc xảy ra;

đ) Công khai mức thu phí sát hạch và giá các dịch vụ khác theo quy định;

e) Thực hiện chế độ báo cáo với Cục Cảnh sát giao thông và lưu trữ hồ sơ theo quy định.

Điều 13. Điều kiện của người dự sát hạch lái xe

1. Điều kiện của người dự sát hạch lái xe lần đầu

a) Có tên trong danh sách đề nghị sát hạch trùng với danh sách mở lớp đào tạo lái xe của cơ sở đào tạo lái xe;

b) Có độ tuổi để điều khiển các hạng xe dự sát hạch theo quy định tại Điều 60 Luật giao thông đường bộ;

c) Có đủ hồ sơ thủ tục theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Thông tư này.

2. Điều kiện dự sát hạch nâng hạng giấy phép lái xe

a) Có đủ điều kiện và hồ sơ thủ tục theo quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều này và Khoản 2 Điều 14 Thông tư này;

b) Cán bộ, chiến sĩ dự sát hạch nâng hạng giấy phép lái xe kế tiếp từ hạng B1 lên hạng B2, hạng B2 lên hạng C, hạng C lên hạng D, hạng D lên hạng E và các hạng FB2, FC, FD, FE tương ứng có thời gian lái xe từ 02 năm và 30.000km lái xe an toàn trở lên; Đối với trường hợp nâng vượt hạng thì phải có thời gian lái xe từ 03 năm và 50.000km lái xe an toàn trở lên (cán bộ, chiến sĩ kê khai trực tiếp trong đơn đề nghị sát hạch).

Điều 14. Hồ sơ sát hạch lái xe

1. Hồ sơ sát hạch lái xe lần đầu

a) Đơn đề nghị sát hạch, cấp, đổi, cấp lại giấy phép lái xe có xác nhận của thủ trưởng đơn vị nơi công tác;

b) Giấy chứng nhận sức khỏe của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên;

c) Chứng chỉ tốt nghiệp chương trình đào tạo lái xe do cơ sở đào tạo lái xe của ngành Công an cấp (trừ hạng A1, A2 và A3);

d) 02 ảnh màu kiểu chân dung chụp chính diện trên nền màu xanh, kích thước 2cm x 3cm: Nếu là sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, học viên các trường Công an nhân dân thì mặc trang phục theo điều lệnh Công an nhân dân, đeo số hiệu, đội mũ kê pi. Nếu là Công an xã thì mặc trang phục của Công an xã, đội mũ cứng. Nếu là công nhân, viên chức, người có hợp đồng lao động trong Công an nhân dân thì mặc trang phục gọn gàng, lịch sự;

đ) Biên bản tổng hợp kết quả sát hạch lái xe (mẫu số 04);

e) Trường hợp công nhân, viên chức, người có hợp đồng lao động trong Công an nhân dân phải có thêm bản sao quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động (từ 12 tháng trở lên) của cấp có thẩm quyền.

2. Hồ sơ sát hạch nâng hạng giấy phép lái xe

a) Các giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều này;

b) Hồ sơ sát hạch lái xe lần đầu (sau đây gọi chung là hồ sơ gốc);

c) Bản phô tô giấy phép lái xe còn giá trị sử dụng (xuất trình bản chính khi nộp hồ sơ, sát hạch và cắt góc khi nhận giấy phép lái xe mới).

3. Khi dự sát hạch, học viên chụp ảnh trực tiếp tại Trung tâm sát hạch để quản lý trên cơ sở dữ liệu.

Điều 15. Hội đồng sát hạch lái xe

1. Thành phần Hội đồng sát hạch lái xe

a) Hội đồng sát hạch lái xe của Cục Cảnh sát giao thông do Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông làm Chủ tịch Hội đồng; Trưởng phòng Hướng dẫn, tổ chức sát hạch, quản lý giấy phép của người điều khiển phương tiện trong Công an nhân dân làm Phó Chủ tịch; Giám đốc cơ sở đào tạo lái xe, Giám đốc Trung tâm sát hạch lái xe là ủy viên; cán bộ phòng Hướng dẫn, tổ chức sát hạch, quản lý giấy phép của người điều khiển phương tiện trong Công an nhân dân là thư ký và sát hạch viên (trường hợp sát hạch lái xe ô tô cho học viên chuyên ngành Cảnh sát giao thông, lái xe chữa cháy thì có Giám đốc, Hiệu trưởng các Trường Công an nhân dân có học viên tham dự sát hạch là ủy viên);

b) Hội đồng sát hạch lái xe của Công an địa phương do Trưởng phòng Phòng Cảnh sát giao thông làm Chủ tịch Hội đồng; Đội trưởng Đội đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ làm Phó Chủ tịch; Giám đốc Trung tâm sát hạch lái xe là ủy viên; cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông là thư ký và sát hạch viên.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng sát hạch lái xe         

a) Phổ biến các quy định về nội quy, kỷ luật sát hạch, nội dung, phương pháp sát hạch;

b) Tổ chức việc sát hạch lái xe theo quy định;

c) Kiểm tra các điều kiện bảo đảm tổ chức kỳ sát hạch;

d) Quyết định kết quả sát hạch lái xe của người dự sát hạch;

đ) Xét và giải quyết các trường hợp khiếu nại về việc sát hạch lái xe của người dự sát hạch;

e) Đình chỉ và hủy kết quả thi đối với thí sinh vi phạm nội quy sát hạch lái xe; thông báo cho cơ quan chủ quản;

g) Quá trình tổ chức sát hạch nếu xảy ra tai nạn yêu cầu cơ sở đào tạo lái xe và người dự sát hạch giải quyết bồi thường.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên trong Hội đồng sát hạch lái xe

a) Chủ tịch Hội đồng sát hạch lái xe

- Chỉ đạo tổ chức thực hiện kỳ sát hạch lái xe;

- Tổ chức phân công nhiệm vụ trước khi dự sát hạch và họp rút kinh nghiệm với các thành viên trong Hội đồng sát hạch khi kết thúc;

b) Phó Chủ tịch Hội đồng sát hạch lái xe

- Thực hiện các công việc được Chủ tịch Hội đồng sát hạch lái xe giao;

- Phân công, kiểm tra, đôn đốc các thành viên trong Hội đồng sát hạch lái xe thực hiện nhiệm vụ được giao;

- Tạm dừng việc sát hạch lái xe khi thiết bị chấm điểm lý thuyết, thực hành bị hỏng, báo lỗi và chấm điểm không đúng quy trình, xe sát hạch không bảo đảm an toàn;

c) Ủy viên Hội đồng sát hạch lái xe

- Thực hiện các công việc khác do Chủ tịch Hội đồng sát hạch lái xe phân công;

- Giám đốc Trung tâm sát hạch chịu trách nhiệm chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ kỳ sát hạch;

- Giám đốc cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm về công tác quản lý học viên trong quá trình sát hạch;

d) Thư ký Hội đồng sát hạch lái xe

- Thực hiện nhiệm vụ phân công của Hội đồng sát hạch lái xe;

- Công bố quyết định sát hạch lái xe;

- Điểm danh người dự sát hạch trước khi vào sát hạch;

- Kiểm tra điều kiện của người dự sát hạch;

- Tập hợp kết quả sát hạch và biên bản các trường hợp vi phạm nội quy, kỷ luật sát hạch (nếu có) để báo cáo Chủ tịch Hội đồng sát hạch lái xe quyết định;

- Hoàn chỉnh hồ sơ sát hạch để trình ký;

- Bàn giao hồ sơ, tài liệu liên quan đến kỳ sát hạch cho bộ phận lưu trữ;

đ) Sát hạch viên

- Thực hiện sự phân công của Chủ tịch Hội đồng sát hạch lái xe về việc sát hạch theo quy định tại Thông tư này;

- Chịu trách nhiệm trực tiếp về việc đánh giá kết quả sát hạch của người dự sát hạch trên từng phần thi;

- Lập biên bản đối với những người vi phạm nội quy, kỷ luật sát hạch và báo cáo Chủ tịch Hội đồng sát hạch lái xe.

4. Tiêu chuẩn sát hạch viên

a) Là sĩ quan nghiệp vụ, có giấy phép lái xe tương ứng với hạng xe sát hạch từ 02 năm trở lên.

b) Đã qua lớp tập huấn theo chương trình và được Cục Cảnh sát giao thông cấp thẻ sát hạch viên.

c) Thẻ sát hạch viên có thời hạn sử dụng 05 năm, kể từ ngày cấp. Trước khi hết hạn sử dụng, người có thẻ sát hạch viên phải báo cáo thủ trưởng đơn vị quản lý để tập hợp, đề nghị Cục Cảnh sát giao thông đổi thẻ sát hạch viên.

5. Các thành viên Hội đồng sát hạch lái xe khi thi hành nhiệm vụ phải mặc trang phục theo đúng Điều lệnh Công an nhân dân và đeo phù hiệu theo quy định.

6. Hội đồng sát hạch lái xe tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Điều 16. Nội dung, trình tự sát hạch lái xe

Người dự sát hạch lái xe phải thực hiện hai phần thi theo trình tự sau:

1. Thi lý thuyết pháp luật về giao thông đường bộ; văn hóa giao thông; cấu tạo sửa chữa thông thường xe ô tô, mô tô; kỹ thuật lái xe trên máy tính. Người dự thi đạt yêu cầu phần thi lý thuyết mới được thực hiện phần thi thực hành kỹ năng lái xe.

2. Thi thực hành kỹ năng lái xe

a) Đối với hạng A1 và A2: thực hành kỹ năng lái xe trong hình (theo phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này);

b) Đối với hạng A3 và A4: thực hành kỹ năng lái xe trong hình và lái xe trên đường giao thông công cộng (theo phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư này);

c) Đối với hạng B1, B2, C, D và E: thực hành kỹ năng lái xe qua 10 bài thi liên hoàn (theo phụ lục số 04 ban hành kèm theo Thông tư này) và kỹ năng lái xe trên đường giao thông công cộng (theo phụ lục số 06 ban hành kèm theo Thông tư này);

d) Đối với các hạng FB2, FC, FD và FE: thực hành kỹ năng lái xe qua bài thi tiến, lùi qua hình có 05 cọc chuẩn, vòng xe quay đầu và bài ghép xe vào nơi đỗ (theo Phụ lục số 05 ban hành kèm theo Thông tư này), thực hành kỹ năng lái xe trên đường giao thông công cộng (theo Phụ lục số 06 ban hành kèm theo Thông tư này);

đ) Người dự sát hạch không đạt yêu cầu phần thi thực hành kỹ năng lái xe thì được bảo lưu kết quả phần thi lý thuyết trong thời gian 6 tháng;

e) Người dự sát hạch không đạt yêu cầu kỹ năng lái xe trên đường giao thông công cộng thì không đạt phần thi thực hành lái xe, nhưng được bảo lưu kết quả sát hạch thực hành kỹ năng lái xe trong hình trong thời gian 6 tháng;

g) Người dự sát hạch chỉ được sát hạch lại một lần kể cả phần thi lý thuyết và thực hành kỹ năng lái xe. Nếu không đạt thì phải sát hạch lại từ đầu.

Điều 17. Thời gian thực hiện các phần thi và công nhận kết quả thi

1. Phần thi lý thuyết căn cứ kết quả được in ra từ chương trình sát hạch pháp luật về giao thông đường bộ; văn hóa giao thông; cấu tạo sửa chữa thông thường xe ô tô, mô tô; kỹ thuật lái xe trên máy tính

a) Đối với các hạng A1, A2, A3 A4 thời gian làm bài là 15 phút, trả lời 20 câu hỏi:

- Trả lời đúng 16 câu trở lên thì đạt yêu cầu đối với giấy phép lái xe hạng A1;

- Trả lời đúng 18 câu trở lên thì đạt yêu cầu đối với giấy phép lái xe hạng A2, A3 và A4;

b) Đối với các hạng B1, B2, C, D, E, FB2, FC, FD và FE thời gian làm bài là 20 phút, trả lời 30 câu hỏi:

- Trả lời đúng 26 câu trở lên thì đạt yêu cầu đối với giấy phép lái xe các hạng B1, B2;

- Trả lời đúng 28 câu trở lên thì đạt yêu cầu đối với giấy phép lái xe các hạng C, D, E, FB2, FC, FD và FE.

2. Phần thi thực hành kỹ năng lái xe trong hình được thực hiện trên sân sát hạch. Tổng điểm phần thi trong hình tối đa là 100 (một trăm) điểm, đạt từ 80 (tám mươi) điểm trở lên thì đạt yêu cầu; người dự sát hạch lái xe bỏ qua một bài thi hoặc đạt dưới 80 (tám mươi) điểm thì không đạt yêu cầu.

a) Thời gian thi thực hành kỹ năng lái xe trong hình đối với hạng FB2, FC, FD, FE là 05 (năm) phút; hạng A1, A2, A3, A4 là 10 phút;

b)[2] Thời gian thi thực hành kỹ năng lái xe trong hình đối với hạng D là 15 (mười lăm) phút; hạng B1, B2 là 17 (mười bảy) phút; hạng C, E là 20 (hai mươi) phút và được quy định tại chương trình thực hành kỹ năng lái xe chấm điểm tự động do Cục Cảnh sát giao thông công nhận.

3. Phần thi thực hành kỹ năng lái xe trên đường giao thông công cộng (đối với người dự sát hạch lái xe các hạng A3, A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FC, FD và hạng FE). Tổng điểm phần thi tối đa là 20 điểm, đạt yêu cầu là từ 16 điểm trở lên.

a) Người dự sát hạch lái xe thực hành lái xe trên đoạn đường dài 02 km, có người, xe đi lại tương đối phức tạp, có ngã ba, ngã tư, có chỗ rộng, chỗ hẹp, có đoạn đường dốc (trường hợp không có đoạn đường dốc thì có thể chọn một đoạn đường bằng chiều dài 100 m để người dự sát hạch thực hiện thao tác tăng, giảm số);

b) Khi thực hành lái xe hạng A3, A4 thì ngoài người dự sát hạch phải có 01 sát hạch viên ngồi trên xe để đưa ra các yêu cầu đối với người dự sát hạch;

 c)[3] Khi thực hành kỹ năng lái xe trên đường giao thông công cộng thì có 02 sát hạch viên ngồi trên xe tham gia sát hạch để đưa ra các yêu cầu đối với người dự sát hạch.

4. Căn cứ vào kết quả điểm thi từng phần và nhận xét của sát hạch viên trong biên bản sát hạch, Chủ tịch Hội đồng sát hạch lái xe có kết luận chung và ký vào biên bản tổng hợp kết quả sát hạch lái xe.

Điều 18. Trách nhiệm của người dự sát hạch lái xe

1. Có mặt đúng giờ tại địa điểm sát hạch lái xe. Trường hợp vắng mặt phải có đơn trình bày lý do có xác nhận của lãnh đạo đơn vị và được Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng sát hạch lái xe đồng ý.

2. Mặc trang phục Công an nhân dân; đối với công nhân, viên chức, người có hợp đồng lao động trong Công an nhân dân mặc trang phục gọn gàng, lịch sự.

3. Không được sử dụng tài liệu, điện thoại di động hoặc các phương tiện thiết bị kỹ thuật khác trong thời gian sát hạch lái xe.

4. Xuất trình chứng minh Công an nhân dân hoặc chứng minh nhân dân.

Người dự sát hạch lái xe nếu không thực hiện đúng quy định tại Điều này thì bị đình chỉ sát hạch và không đạt yêu cầu kỳ sát hạch đó.

Điều 19. Trách nhiệm của cơ quan quản lý sát hạch lái xe

1. Cục Cảnh sát giao thông có trách nhiệm:

a) Công nhận đủ điều kiện sân sát hạch lái xe mô tô, Trung tâm sát hạch lái xe ô tô;

b) Kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các sân sát hạch, Trung tâm sát hạch lái xe, bảo đảm độ chính xác của các trang thiết bị chấm điểm tự động theo quy định, trường hợp cần thiết có thể tạm dừng các hoạt động của sân để khắc phục;

c) Tổ chức sát hạch lái xe cho học viên của cơ sở đào tạo, chuyên ngành Cảnh sát giao thông, lái xe chữa cháy.

2. Phòng Cảnh sát giao thông có trách nhiệm:

a) Kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các sân sát hạch, Trung tâm sát hạch lái xe thuộc quyền quản lý, bảo đảm độ chính xác của các trang thiết bị chấm điểm tự động theo quy định, trường hợp cần thiết có thể tạm dừng các hoạt động của sân để khắc phục;

b) Báo cáo, đề xuất Ban giám đốc ra quyết định sát hạch lái xe;

c) Tổ chức sát hạch, cấp giấy phép lái xe các hạng A1, A2, A3;

d) Đổi, cấp lại, thu hồi giấy phép lái xe cho cán bộ, chiến sĩ Công an, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy địa phương và cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Công an đóng quân trên địa bàn khi có yêu cầu;

đ) Định kỳ báo cáo Cục Cảnh sát giao thông kết quả sát hạch, cấp, đổi, cấp lại quản lý giấy phép lái xe ở địa phương.

Chương IV

QUẢN LÝ GIẤY PHÉP LÁI XE

Điều 20. Giấy phép lái xe

1. Hạng của giấy phép lái xe trong Công an nhân dân được quy định tại Khoản 2 và Khoản 4 Điều 59 Luật giao thông đường bộ.

2. Thời hạn của giấy phép lái xe trong Công an nhân dân

a) Giấy phép lái xe hạng A1, A2 và A3 có giá trị không thời hạn;

b) Giấy phép lái xe các hạng A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FC, FD và FE có thời hạn 05 năm.

3. Mỗi cán bộ, chiến sĩ chỉ được cấp 01 số giấy phép lái xe. Số giấy phép lái xe trong Công an nhân dân gồm 02 nhóm chữ số, cách nhau bằng dấu chấm. Giấy phép lái xe mô tô thì sau số giấy phép lái xe có thêm ký hiệu “M”.

a) Nhóm thứ nhất: Gồm 2 chữ số, ký hiệu tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

b) Nhóm thứ hai: Gồm 6 chữ số là số thứ tự của giấy phép lái xe.

4. Số giấy phép lái xe được giữ nguyên khi nâng hạng, đổi, cấp lại giấy phép lái xe. Trường hợp giấy phép lái xe có số theo quy định tại các văn bản trước, nay đã hết hiệu lực thì giấy phép lái xe được lấy số mới theo quy định tại Thông tư này.

Điều 21. Độ tuổi và sức khỏe của người được cấp giấy phép lái xe trong Công an nhân dân

1. Người được cấp giấy phép lái xe trong Công an nhân dân phải là người có độ tuổi được lái xe quy định tại các điểm b, c, d, đ và e Khoản 1 Điều 60 Luật giao thông đường bộ.

2. Người được cấp giấy phép lái xe trong Công an nhân dân phải có sức khỏe theo quy định.

Điều 22. Cấp giấy phép lái xe

Giấy phép lái xe được cấp cho người trúng tuyển kỳ sát hạch lái xe.

1. Hồ sơ cấp giấy phép lái xe

a) Các giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều 14 Thông tư này đối với trường hợp cấp giấy phép lái xe lần đầu;

b) Các giấy tờ quy định tại Khoản 2 Điều 14 Thông tư này đối với trường hợp cấp giấy phép lái xe nâng hạng.

2. Trình tự giải quyết

Căn cứ kết quả sát hạch lái xe, cơ quan Cảnh sát giao thông có thẩm quyền nhập dữ liệu người lái xe vào chương trình quản lý lái xe và sổ quản lý giấy phép lái xe. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày người dự sát hạch lái xe trúng tuyển, cơ quan Cảnh sát giao thông phải cấp giấy phép lái xe cho người trúng tuyển. Ngày trúng tuyển được ghi vào mặt trước của giấy phép lái xe.

Cán bộ, chiến sĩ tự bảo quản hồ sơ lái xe và mang đến cơ quan Cảnh sát giao thông quản lý giấy phép lái xe khi làm các thủ tục liên quan.

Điều 23. Đổi giấy phép lái xe

Giấy phép lái xe được đổi trong các trường hợp sau: giấy phép lái xe đến hạn, giấy phép lái xe bị hư hỏng hoặc giấy phép lái xe do ngành Giao thông vận tải, Quân đội nhân dân hoặc nước ngoài cấp. Người có giấy phép lái xe đến cơ quan Cảnh sát giao thông quản lý giấy phép lái xe để làm thủ tục đổi giấy phép lái xe; trường hợp đổi giấy phép lái xe đến hạn thì trong thời hạn 01 tháng trước khi giấy phép lái xe hết hạn, người có giấy phép lái xe phải đến cơ quan Cảnh sát giao thông quản lý giấy phép lái xe làm thủ tục đổi giấy phép lái xe.

1. Đổi giấy phép lái xe đến hạn, giấy phép lái xe bị hư hỏng

a) Hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị sát hạch, cấp, đổi, cấp lại giấy phép lái xe có xác nhận của thủ trưởng đơn vị nơi công tác.

- Hồ sơ gốc;

- Giấy phép lái xe còn hạn.

- 02 ảnh theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 14 Thông tư này.

b) Trình tự giải quyết

Cơ quan Cảnh sát giao thông quản lý giấy phép lái xe tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra đủ thủ tục quy định, viết giấy hẹn thời hạn 03 ngày làm việc và làm thủ tục để đổi giấy phép lái xe; bổ sung thông tin vào chương trình quản lý lái xe và sổ quản lý giấy phép lái xe (chụp ảnh hoặc scan ảnh hoặc gửi ảnh bằng file mềm để quản lý trong dữ liệu). Thời hạn và số của giấy phép lái xe áp dụng theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 20 Thông tư này. Khi trả kết quả, phải cắt góc giấy phép lái xe cũ.

2. Đổi giấy phép lái xe do ngành Giao thông vận tải, Quân đội nhân dân cấp sang giấy phép lái xe Công an nhân dân

a) Hồ sơ gồm:

- Các giấy tờ quy định tại các điểm a, b, d Khoản 1 Điều 14 Thông tư này.

- Giấy phép lái xe còn hạn.

- Hồ sơ gốc (đối với giấy phép lái xe do ngành Giao thông vận tải cấp).

- Trường hợp công nhân, viên chức, người có hợp đồng lao động trong Công an nhân dân, phải có thêm bản sao quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động (từ 12 tháng trở lên) của cấp có thẩm quyền.

b) Trình tự giải quyết

Cơ quan Cảnh sát giao thông quản lý giấy phép lái xe tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra đủ thủ tục quy định, viết giấy hẹn thời hạn 03 ngày làm việc và làm thủ tục để đổi giấy phép lái xe; nhập thông tin vào chương trình quản lý lái xe, sổ quản lý giấy phép lái xe và thông báo cho ngành Giao thông vận tải hoặc Quân đội biết để bảo đảm việc phối hợp quản lý (chụp ảnh hoặc scan ảnh hoặc gửi ảnh bằng file mềm để quản lý trong dữ liệu).

Hạng ghi trong giấy phép lái xe Công an nhân dân tương ứng hạng ghi trong giấy phép lái xe của ngành Giao thông vận tải, Quân đội nhân dân cấp. Thời hạn và số của giấy phép lái xe áp dụng theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 Điều 20 Thông tư này. Khi trả kết quả, phải cắt góc giấy phép lái xe cũ.

3. Đổi giấy phép lái xe hoặc Bằng lái xe do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp sang giấy phép lái xe Công an nhân dân

a) Hồ sơ gồm:

- Các giấy tờ quy định tại các điểm a, b, d Khoản 1 Điều 14 Thông tư này.

- Giấy phép lái xe hoặc Bằng lái xe còn giá trị do nước ngoài cấp.

- Bản dịch giấy phép lái xe (Bằng lái xe) nước ngoài ra tiếng Việt có công chứng.

- Trường hợp công nhân, viên chức, người có hợp đồng lao động trong Công an nhân dân phải có thêm bản sao quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động (từ 12 tháng trở lên) của cấp có thẩm quyền.

b) Trình tự giải quyết

Cơ quan Cảnh sát giao thông quản lý giấy phép lái xe tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra đủ thủ tục quy định, viết giấy hẹn thời hạn 03 ngày làm việc và làm thủ tục để đổi giấy phép lái xe; bổ sung thông tin vào chương trình quản lý lái xe và sổ quản lý giấy phép lái xe (chụp ảnh hoặc scan ảnh hoặc gửi ảnh bằng file mềm để quản lý trong dữ liệu).

Hạng ghi trong giấy phép lái xe Công an nhân dân tương ứng hạng ghi trong giấy phép lái xe do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp. Thời hạn và số của giấy phép lái xe áp dụng theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 Điều 20 Thông tư này. Khi trả kết quả, phải cắt góc giấy phép lái xe cũ.

4.[4] Đổi giấy phép lái xe hạng B1 số tự động do các cơ quan có thẩm quyền cấp; giấy phép lái xe tương đương hạng B1 số tự động do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp sang giấy phép lái xe hạng B1

a) Người có giấy phép lái xe hạng B1 số tự động do các cơ quan có thẩm quyền cấp; giấy phép lái xe tương đương hạng B1 số tự động do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đổi sang giấy phép lái xe hạng B1 phải học bổ sung thực hành kỹ năng lái xe và được cơ sở đào tạo lái xe trong Công an nhân dân cấp chứng chỉ tốt nghiệp chương trình đào tạo lái xe. Chương trình, thời gian học bổ sung kiến thức như sau:

- Chương trình đào tạo: tổng số giờ học thực hành lái xe/1 khóa đào tạo là 120 giờ; số học viên/1 xe tập lái là 5 học viên; số giờ học thực hành lái xe của một học viên/khóa đào tạo là 24 giờ; số km thực hành lái xe/học viên là 340 km.

- Thời gian đào tạo: tổng số ngày/1 khóa đào tạo là 18 ngày, trong đó: số ngày thực học là 15 ngày; số ngày khai giảng, bế giảng là 02 ngày; ôn và kiểm tra kết thúc khóa học là 01 ngày.

b) Hồ sơ gồm:

- Chứng chỉ tốt nghiệp chương trình đào tạo lái xe.

- Giấy tờ quy định tại điểm a khoản 2 Điều này đối với trường hợp đổi giấy phép lái xe hạng B1 số tự động do cơ quan có thẩm quyền cấp sang giấy phép lái xe hạng B1.

- Giấy tờ quy định tại điểm a khoản 3 Điều này đối với trường hợp đổi giấy phép lái xe tương đương hạng B1 số tự động do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp sang giấy phép lái xe hạng B1.

c) Trình tự giải quyết

Cơ quan Cảnh sát giao thông quản lý giấy phép lái xe tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra đủ thủ tục quy định và tổ chức sát hạch kỹ năng lái xe trong hình liên hoàn và trên đường giao thông công cộng đạt yêu cầu mới được đổi giấy phép lái xe.

Điều 24. Cấp lại giấy phép lái xe

Cán bộ, chiến sĩ bị mất giấy phép lái xe thì được xem xét cấp lại.

1. Hồ sơ gồm:

a) Đơn trình bày lý do mất, có xác nhận của cơ quan Công an hoặc chính quyền địa phương nơi bị mất;

b) Các giấy tờ quy định tại điểm a, b, d Khoản 1 Điều 14 Thông tư này;

c) Hồ sơ gốc.

2. Trình tự giải quyết

Cơ quan Cảnh sát giao thông quản lý giấy phép lái xe tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra đủ thủ tục quy định, viết giấy hẹn thời hạn 30 ngày, bổ sung thông tin vào chương trình quản lý lái xe, sổ quản lý giấy phép lái xe (chụp ảnh hoặc scan ảnh hoặc gửi ảnh bằng file mềm để quản lý trong dữ liệu) và làm thủ tục cấp lại giấy phép lái xe.

Thời hạn và số giấy phép lái xe áp dụng theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 Điều 20 Thông tư này.

Điều 25. Thu hồi giấy phép lái xe

Cơ quan Cảnh sát giao thông quản lý giấy phép lái xe thu hồi giấy phép lái xe đối với các trường hợp người lái xe gây tai nạn bị xử lý hình sự tước quyền sử dụng giấy phép lái xe hoặc bị xử lý cấm hành nghề lái xe.

Điều 26. Giải quyết một số trường hợp cụ thể

1. Trường hợp đổi giấy phép lái xe trước thời hạn

Cán bộ, chiến sĩ do yêu cầu công tác cần phải đổi giấy phép lái xe trước thời hạn quy định phải có đơn trình báy lý do và có xác nhận của cơ quan, đơn vị công tác thì được xem xét giải quyết.

2. Trường hợp đổi giấy phép lái xe hết hạn

Người có giấy phép lái xe hết hạn khi có yêu cầu thì được xem xét giải quyết đổi giấy phép lái xe. Hồ sơ, thủ tục thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 23 Thông tư này.

a) Đối với giấy phép lái xe hết hạn, nhưng chưa quá 03 tháng do yêu cầu công tác mà có đơn trình bày lý do và xác nhận của cơ quan, đơn vị công tác thì được xem xét giải quyết đổi giấy phép lái xe. Nếu không có đơn thì phải sát hạch lại lý thuyết đạt yêu cầu mới được đổi giấy phép lái xe;

b) Đối với giấy phép lái xe hết hạn từ 03 tháng đến 12 tháng, người có giấy phép lái xe phải sát hạch lại lý thuyết đạt yêu cầu mới được đổi giấy phép lái xe;

c) Đối với giấy phép lái xe hết hạn trên 12 tháng, người có giấy phép lái xe phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành kỹ năng lái xe đạt yêu cầu mới được đổi giấy phép lái xe.

3.[5] Trường hợp cấp lại giấy phép lái xe hết hạn và bị mất

Người có giấy phép lái xe hết hạn và bị mất khi có yêu cầu cấp lại thì được giải quyết trong các trường hợp sau:

a) Trường hợp giấy phép lái xe hết hạn dưới 03 tháng thì được giải quyết cấp lại giấy phép lái xe;

b) Trường hợp giấy phép lái xe hết hạn từ 3 tháng đến 12 tháng phải sát hạch lại lý thuyết đạt yêu cầu mới được cấp lại giấy phép lái xe;

c) Trường hợp giấy phép lái xe hết hạn trên 12 tháng phải sát hạch lại lý thuyết và thực hành kỹ năng lái xe đạt yêu cầu mới được cấp lại giấy phép lái xe.

Hồ sơ, thủ tục thực hiện theo quy định tại Điều 24 Thông tư này.

4. Trường hợp mất hồ sơ gốc thì được phục hồi hồ sơ lái xe để quản lý

a) Người bị mất hồ sơ gốc phải có đơn trình bày lý do có xác nhận của cơ quan, đơn vị công tác; giấy xác nhận của cơ sở đào tạo lái xe về khóa học, hạng xe, số chứng chỉ, ngày, tháng, năm cấp chứng chỉ;

b) Cơ quan Cảnh sát giao thông quản lý giấy phép lái xe kiểm tra, đối chiếu có tên trong hồ sơ quản lý thì được phục hồi hồ sơ lái xe.

5. Trường hợp cán bộ, chiến sĩ Công an địa phương có yêu cầu đổi, cấp lại giấy phép lái xe ô tô mà phải sát hạch lại lý thuyết, thực hành kỹ năng lái xe thì Phòng Cảnh sát giao thông được tổ chức sát hạch lại tại Trung tâm sát hạch lái xe trong và ngoài ngành Công an để đổi, cấp lại giấy phép lái xe cho cán bộ, chiến sĩ.

6. Trường hợp giấy phép lái xe được cấp trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực, nếu cán bộ, chiến sĩ có yêu cầu thì được đổi lại giấy phép lái xe bằng chất liệu nhựa theo quy định của Thông tư này. Hồ sơ, thủ tục thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 23 Thông tư này.

7. Trường hợp cán bộ, chiến sĩ có giấy phép lái xe ô tô và mô tô ghép chung, nếu cán bộ, chiến sĩ có yêu cầu hoặc khi làm thủ tục đổi, cấp lại thì tách riêng giấy phép lái xe mô tô và giấy phép lái xe ô tô. Thời hạn và số giấy phép lái xe thực hiện theo quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 20 Thông tư này.

Điều 27. Quản lý người lái xe

1. Di chuyển hồ sơ lái xe trong lực lượng Công an nhân dân

a) Trường hợp cán bộ, chiến sĩ có quyết định điều động công tác sang địa phương khác, giấy phép lái xe vẫn được tiếp tục sử dụng. Khi giấy phép lái xe hết hạn, bị hư hỏng, bị mất thì cán bộ, chiến sĩ đến cơ quan Cảnh sát giao thông nơi mình công tác làm thủ tục đổi, cấp lại. Thủ tục, hồ sơ thực hiện theo Điều 23, Điều 24 Thông tư này;

b) Cán bộ, chiến sĩ thuộc cơ quan Bộ đóng quân tại địa phương (trừ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) được đổi, cấp lại giấy phép lái xe tại Phòng Cảnh sát giao thông nơi đóng quân. Thủ tục, hồ sơ thực hiện theo Điều 23, Điều 24 Thông tư này. Sau khi giải quyết thì Phòng Cảnh sát giao thông có trách nhiệm báo cáo cho Cục Cảnh sát giao thông để phối hợp theo dõi, quản lý.

2. Di chuyển hồ sơ lái xe sang ngành giao thông vận tải, Quân đội nhân dân quản lý.

a)[6] Cán bộ, chiến sĩ xuất ngũ, chuyển ngành, thôi việc phải đến cơ quan Cảnh sát giao thông đã cấp giấy phép lái xe để làm thủ tục di chuyển;

b) Cơ quan Cảnh sát giao thông bổ sung thông tin vào chương trình quản lý và sổ quản lý giấy phép lái xe, đóng dấu “đã di chuyển” vào góc trên bên phải của biên bản tổng hợp kết quả sát hạch lái xe và trả lại giấy phép lái xe, hồ sơ lái xe cho cán bộ, chiến sĩ để đến cơ quan quản lý giấy phép lái xe thuộc ngành giao thông, Quân đội nhân dân làm thủ tục đổi giấy phép lái xe.

Điều 28. Các biểu mẫu sử dụng trong công tác quản lý lái xe Công an nhân dân

1. Giấy phép lái xe (mẫu số 01).

2. Chứng chỉ tốt nghiệp chương trình đào tạo lái xe (mẫu số 02)

3. Đơn đề nghị sát hạch, cấp, đổi, cấp lại giấy phép lái xe (mẫu số 03).

4. Biên bản tổng hợp kết quả sát hạch lái xe (mẫu số 04).

4a.[7] Biên bản tổng hợp kết quả sát hạch lái xe hạng B1 số tự động sang hạng B1 (Mẫu số 04a kèm theo)

5. Túi đựng hồ sơ lái xe (mẫu số 05).

6. Quyết định về việc mở lớp đào tạo lái xe (mẫu số 06).

7. Quyết định về việc thành lập Hội đồng sát hạch lái xe (mẫu số 07).

8. Thẻ sát hạch viên (mẫu số 08).

9. Phù hiệu “Chủ tịch Hội đồng sát hạch lái xe” (mẫu số 09A).

10. Phù hiệu “Phó Chủ tịch Hội đồng sát hạch lái xe” (mẫu số 09B).

11. Phù hiệu “Ủy viên Hội đồng sát hạch lái xe” (mẫu số 09C).

12. Phù hiệu “Thư ký Hội đồng sát hạch lái xe” (mẫu số 09D).

13. Phù hiệu “Sát hạch viên” (mẫu số 09E).

14. Giấy chứng nhận giáo viên dạy lái xe (mẫu số 10).

15. Giấy phép xe tập lái (mẫu số 11).

16. Sổ quản lý giấy phép lái xe (mẫu số 12).

17. Sổ cấp Chứng chỉ tốt nghiệp chương trình đào tạo lái xe (mẫu số 13).

Điều 29. Quản lý biểu mẫu

1. Quản lý biểu mẫu

a) Các loại biểu mẫu: giấy phép lái xe, chứng chỉ tốt nghiệp chương trình đào tạo lái xe, thẻ sát hạch viên, giấy chứng nhận giáo viên dạy lái xe, giấy phép xe tập lái được quản lý theo chế độ hồ sơ của Bộ Công an do Cục Cảnh sát giao thông chịu trách nhiệm đặt in để cấp cho Công an các đơn vị, địa phương;

Căn cứ vào nhu cầu thực tế của địa phương, Phòng Cảnh sát giao thông, cơ sở đào tạo lái xe dự trù kinh phí, đăng ký với Cục Cảnh sát giao thông về số lượng các biểu mẫu nêu trên để sử dụng trong việc đào tạo, sát hạch, cấp, đổi, cấp lại giấy phép lái xe của đơn vị mình;

b) Các biểu mẫu khác do Phòng Cảnh sát giao thông, cơ sở đào tạo lái xe tự in và quản lý, sử dụng theo quy định;

c) Các biểu mẫu quy định tại điểm a Khoản này bị hỏng thì phải thống kê theo sêri và định kỳ 6 tháng cơ quan Cảnh sát giao thông quản lý giấy phép lái xe thành lập Hội đồng hủy.

2. Thành phần Hội đồng hủy biểu mẫu

a) Hội đồng hủy biểu mẫu của Cục Cảnh sát giao thông do Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông làm Chủ tịch Hội đồng; Trưởng phòng Hướng dẫn, tổ chức sát hạch, quản lý giấy phép của người điều khiển phương tiện trong Công an nhân dân làm Phó Chủ tịch; Trưởng phòng Hậu cần, Đội trưởng đội tổng hợp phòng Hướng dẫn, tổ chức sát hạch, quản lý giấy phép của người điều khiển phương tiện trong Công an nhân dân làm ủy viên; Cán bộ quản lý biểu mẫu Phòng Hướng dẫn, tổ chức sát hạch, quản lý giấy phép của người điều khiển phương tiện trong Công an nhân dân làm Thư ký;

b) Hội đồng hủy biểu mẫu của Công an địa phương do Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm Chủ tịch Hội đồng; Trưởng phòng Cảnh sát giao thông làm Phó Chủ tịch; Trưởng phòng Hậu cần, Đội trưởng Đội đăng ký, quản lý xe làm ủy viên; cán bộ quản lý biểu mẫu Phòng Cảnh sát giao thông làm Thư ký.

Điều 30. Quản lý hồ sơ

1. Cơ sở đào tạo lái xe có trách nhiệm quản lý, lưu trữ các loại hồ sơ, tài liệu sau:

a) Quyết định thành lập cơ sở đào tạo và hồ sơ công nhận năng lực đào tạo;

b) Hồ sơ công tác đào tạo

- Giáo trình giảng dạy do Cục Cảnh sát giao thông phát hành;

- Sổ lên lớp;

- Sổ theo dõi thực hành lái xe;

- Danh sách giáo viên dạy lý thuyết và thực hành lái xe;

- Danh sách xe tập lái;

c) Hồ sơ các lớp đào tạo, sát hạch lái xe

- Sổ cấp chứng chỉ tốt nghiệp chương trình đào tạo lái xe;

- Quyết định về việc mở lớp đào tạo lái xe;

- Công văn đề nghị mở lớp kèm theo danh sách học viên;

- Kế hoạch đào tạo lái xe;

- Công văn đề nghị sát hạch kèm theo danh sách học viên;

- Quyết định về việc thành lập Hội đồng sát hạch lái xe;

- Biên bản họp Hội đồng sát hạch tổng hợp kết quả sát hạch lái xe;

- Danh sách học viên dự thi lý thuyết, thực hành lái xe;

- Danh sách học viên trúng tuyển, cấp giấy phép lái xe;

d)[8] Thời gian lưu trữ

- Lưu trữ không thời hạn đối với tài liệu quy định tại điểm a, sổ cấp chứng chỉ tốt nghiệp chương trình đào tạo lái xe quy định tại điểm c Khoản này; dữ liệu khóa học, danh sách học viên được lưu trữ trên phần mềm lưu tại cơ quan quản lý và cơ sở đào tạo lái xe.

- Lưu trữ trong thời gian 02 năm đối với các tài liệu còn lại.

2. Trung tâm sát hạch lái xe có trách nhiệm quản lý, lưu trữ các loại hồ sơ, tài liệu sau:

a) Quyết định thành lập Trung tâm sát hạch và Hồ sơ công nhận đủ điều kiện sát hạch;

b) Hồ sơ các kỳ sát hạch

- Quyết định về việc thành lập Hội đồng sát hạch lái xe;

- Biên bản họp Hội đồng sát hạch tổng hợp kết quả sát hạch lái xe;

- Danh sách học viên dự thi lý thuyết, thực hành lái xe;

- Danh sách học viên trúng tuyển, cấp giấy phép lái xe;

c) Thời gian lưu trữ: không thời hạn.

3. Cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch lái xe có trách nhiệm quản lý, lưu trữ hồ sơ theo từng cơ sở đào tạo lái xe, Trung tâm sát hạch lái xe

a) Hồ sơ quản lý cơ sở đào tạo lái xe

Các hồ sơ, tài liệu quy định tại Điểm a, Điểm c Khoản 1 Điều này;

b) Hồ sơ quản lý Trung tâm sát hạch lái xe

Các hồ sơ, tài liệu quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 2 Điều này;

c) Thời gian lưu trữ: không thời hạn.

Điều 31. Chương trình quản lý lái xe trên máy tính

Cục Cảnh sát giao thông chịu trách nhiệm lập dự án xây dựng chương trình quản lý lái xe, bộ câu hỏi sát hạch lái xe, giáo trình đào tạo lái xe, chương trình thực hành kỹ năng lái xe ô tô chấm điểm tự động, in giấy phép lái xe trên máy tính để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; chuyển giao các chương trình đã được phê duyệt cho Công an địa phương và các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe để thực hiện.

Điều 32. Thẩm quyền ký các giấy tờ liên quan đến quản lý giấy phép lái xe

1. Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông có thẩm quyền ký các giấy tờ sau:

a) Thẻ sát hạch viên, giấy chứng nhận giáo viên dạy lái xe, giấy phép xe tập lái;

b) Quyết định về việc mở lớp đào tạo lái xe, quyết định về việc thành lập Hội đồng sát hạch lái xe;

c) Giấy phép lái xe cho cán bộ, chiến sĩ trong ngành Công an.

2. Chủ tịch Hội đồng sát hạch lái xe ký kết luận biên bản tổng hợp kết quả sát hạch lái xe, các giấy tờ liên quan đến kỳ sát hạch lái xe.

3. Trưởng phòng Hướng dẫn, tổ chức sát hạch, quản lý giấy phép của người điều khiển phương tiện trong Công an nhân dân ký thông báo tiếp nhận, trả lời xác minh giấy phép lái xe.

4. Giám đốc Công an địa phương ký quyết định về việc thành lập Hội đồng sát hạch lái xe của địa phương.

5. Trưởng phòng Phòng Cảnh sát giao thông ký giấy phép lái xe và các giấy tờ liên quan đến người lái xe thuộc địa phương quản lý.

Điều 33. Lệ phí sát hạch, cấp giấy phép lái xe

1. Các trường hợp sát hạch, cấp mới, cấp lại, đổi giấy phép lái xe phải nộp lệ phí theo quy định.

2. Cơ quan Cảnh sát giao thông quản lý giấy phép lái xe có trách nhiệm thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí sát hạch theo quy định của Bộ Tài chính.

Điều 34. Chế độ thông tin báo cáo

1. Định kỳ hàng năm, cơ sở đào tạo lái xe báo cáo Cục Cảnh sát giao thông tình hình, kết quả công tác đào tạo lái xe, cơ sở vật chất, tiêu chuẩn kỹ thuật nghiệp vụ của cơ sở đào tạo lái xe.

2. Định kỳ hàng tháng, Phòng Cảnh sát giao thông báo cáo tình hình, kết quả công tác đào tạo, sát hạch, quản lý giấy phép lái xe của địa phương và chuyển dữ liệu quản lý giấy phép lái xe của địa phương về Cục Cảnh sát giao thông.

3. Cục Cảnh sát giao thông tổng hợp và quản lý các dữ liệu về giấy phép lái xe do Công an các địa phương, cơ sở đào tạo lái xe chuyển về để phục vụ yêu cầu quản lý và các yêu cầu nghiệp vụ.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN[9]

Điều 35. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08 tháng 12 năm 2015 và thay thế Thông tư số 28/2012/TT-BCA ngày 18 tháng 5 năm 2012; Thông tư số 16/2014/TT-BCA ngày 04 tháng 4 năm 2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về đào tạo, sát hạch cấp, quản lý giấy phép lái xe trong Công an nhân dân.

2. Đối với những lớp đào tạo lái xe đã mở trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục được thực hiện theo Thông tư số 28/2012/TT-BCA ngày 18 tháng 5 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về đào tạo, sát hạch cấp, quản lý giấy phép lái xe trong Công an nhân dân và Thông tư số 16/2014/TT-BCA ngày 04 tháng 4 năm 2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BCA.

3. Giao Cục Cảnh sát giao thông lập dự án in giấy phép lái xe trên chất liệu nhựa trong toàn quốc. Thí điểm thực hiện tại Cục Cảnh sát giao thông. Công an các địa phương chưa đủ điều kiện để triển khai thực hiện in giấy phép lái xe trên chất liệu nhựa thì tiếp tục sử dụng giấy phép lái xe in trên chất liệu giấy.

Điều 36. Trách nhiệm thi hành

1. Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra Công an các đơn vị, địa phương, các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe về công tác đào tạo lái xe, sát hạch, cấp, đổi, quản lý giấy phép lái xe trong Công an nhân dân.

2. Các đồng chí Tổng cục trưởng, thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ Công an; Giám đốc Học viện, Hiệu trưởng các trường Công an nhân dân; Giám đốc Công an, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

Trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư này, nếu có khó khăn, vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát giao thông) để có hướng dẫn kịp thời.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để đăng Công báo và đăng tải trên Cổng TTĐT Chính phủ);
- Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công an;
- Lưu: VT, V19.

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT

BỘ TRƯỞNG




Thượng tướng Tô Lâm

 

 

 



[1] Thông tư số 57/2017/TT-BCA ngày 20 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công an sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 53/2015/TT-BCA ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Bộ Công an quy định về đào tạo, sát hạch, cấp, quản lý giấy phép lái xe trong Công an nhân dân có căn cứ ban hành như sau:

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 106/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông;

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 53/2015/TT-BCA ngày 20 tháng 10 năm 2015 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp, quản lý giấy phép lái xe trong Công an nhân dân.”

[2] Điểm này được sửa đổi theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Thông tư số 57/2017/TT-BCA ngày 20 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công an sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 53/2015/TT-BCA ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Bộ Công an quy định về đào tạo, sát hạch, cấp, quản lý giấy phép lái xe trong Công an nhân dân, có hiệu lực kể từ ngày 08 tháng 01 năm 2018.

[3] Điểm này được sửa đổi theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Thông tư số 57/2017/TT-BCA ngày 20 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công an sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 53/2015/TT-BCA ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Bộ Công an quy định về đào tạo, sát hạch, cấp, quản lý giấy phép lái xe trong Công an nhân dân, có hiệu lực kể từ ngày 08 tháng 01 năm 2018.

[4] Khoản này được bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 1 của Thông tư số 57/2017/TT-BCA ngày 20 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công an sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 53/2015/TT-BCA ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Bộ Công an quy định về đào tạo, sát hạch, cấp, quản lý giấy phép lái xe trong Công an nhân dân, có hiệu lực kể từ ngày 08 tháng 01 năm 2018.

[5] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 4 Điều 1 của Thông tư số 57/2017/TT-BCA ngày 20 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công an sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 53/2015/TT-BCA ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Bộ Công an quy định về đào tạo, sát hạch, cấp, quản lý giấy phép lái xe trong Công an nhân dân, có hiệu lực kể từ ngày 08 tháng 01 năm 2018.

[6] Điểm này được sửa đổi theo quy định tại khoản 5 Điều 1 của Thông tư số 57/2017/TT-BCA ngày 20 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công an sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 53/2015/TT-BCA ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Bộ Công an quy định về đào tạo, sát hạch, cấp, quản lý giấy phép lái xe trong Công an nhân dân, có hiệu lực kể từ ngày 08 tháng 01 năm 2018.

[7] Khoản này được bổ sung theo quy định tại khoản 6 Điều 1 của Thông tư số 57/2017/TT-BCA ngày 20 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công an sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 53/2015/TT-BCA ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Bộ Công an quy định về đào tạo, sát hạch, cấp, quản lý giấy phép lái xe trong Công an nhân dân, có hiệu lực kể từ ngày 08 tháng 01 năm 2018.

[8] Điểm này được sửa đổi theo quy định tại khoản 7 Điều 1 của Thông tư số 57/2017/TT-BCA ngày 20 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công an sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 53/2015/TT-BCA ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Bộ Công an quy định về đào tạo, sát hạch, cấp, quản lý giấy phép lái xe trong Công an nhân dân, có hiệu lực kể từ ngày 08 tháng 01 năm 2018.

[9] Điều 2 và Điều 3 của Thông tư số 57/2017/TT-BCA ngày 20 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công an sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 53/2015/TT-BCA ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Bộ Công an quy định về đào tạo, sát hạch, cấp, quản lý giấy phép lái xe trong Công an nhân dân, có hiệu lực kể từ ngày 08 tháng 01 năm 2018 quy định như sau:

Điều 2. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08 tháng 01 năm 2018.

2. Đối với những lớp đào tạo lái xe đã mở trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục được thực hiện theo Thông tư số 53/2015/TT-BCA.

Điều 3. Trách nhiệm thi hành

1. Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện Thông tư này.

2. Các đồng chí Tổng cục trưởng, thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ Công an; Giám đốc Học viện, Hiệu trưởng trường Công an nhân dân; Giám đốc Công an, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

Trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư này, nếu có khó khăn, vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát giao thông) để có hướng dẫn kịp thời.”

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Văn bản hợp nhất 01/VBHN-BCA năm 2018 hợp nhất Thông tư quy định về đào tạo, sát hạch, cấp, quản lý giấy phép lái xe trong Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

Số hiệu: 01/VBHN-BCA
Loại văn bản: Văn bản hợp nhất
Nơi ban hành: Bộ Công An
Người ký: Tô Lâm
Ngày ban hành: 02/05/2018
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [2]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Văn bản hợp nhất 01/VBHN-BCA năm 2018 hợp nhất Thông tư quy định về đào tạo, sát hạch, cấp, quản lý giấy phép lái xe trong Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [0]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…