Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BỘ CÔNG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:          /2018/TT-BCA

Hà Nội, ngày       tháng      năm 2018

DỰ THẢO 2

 

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VIỆC XỬ LÝ KỶ LUẬT CÁN BỘ, CHIẾN SĨ CÔNG AN NHÂN DÂN

Căn cứ Luật Công an nhân dân năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tổ chức cán bộ;

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định việc xử lý kỷ luật cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân,

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định về nguyên tắc, những trường hợp chưa xem xét kỷ luật và được miễn kỷ luật, những tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng hình thức kỷ luật, thời hạn xử lý kỷ luật, áp dụng hình thức kỷ luật, quy trình xử lý kỷ luật, quyết định kỷ luật, khiếu nại và giải quyết khiếu nại kỷ luật, hành vi vi phạm kỷ luật và hình thức kỷ luật, các quy định khác liên quan đến kỷ luật cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân.

2. Các hành vi vi phạm kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân đã được quy định ở văn bản quy phạm pháp luật khác còn hiệu lực thì việc xử lý kỷ luật áp dụng theo văn bản đó.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các đơn vị nghiệp vụ, tham mưu, chính trị, hậu cần, thanh tra thuộc cơ quan Bộ; các học viện, trường Công an nhân dân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp an ninh, bệnh viện và các tổ chức khác thuộc Bộ Công an được thành lập theo quy định của pháp luật; Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Công an các đơn vị, địa phương).

2. Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an (sau đây gọi tắt là cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân).

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hành vi vi phạm kỷ luật bao gồm: Hành vi vi phạm pháp luật; vi phạm các nội quy, quy định, quy chế, quy trình công tác, chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định của pháp luật và Bộ Công an; vi phạm Qui tắc ứng xử của Công an nhân dân; vi phạm phẩm chất đạo đức, tư cách của người cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân.

2. Phân loại mức độ hành vi vi phạm của cán bộ, chiến sĩ:

a) "Vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng" là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại không lớn, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và của cơ quan, đơn vị nơi cán bộ, chiến sĩ công tác hoặc gây thất thoát, lãng phí tiền, tài sản phải bồi thường thiệt hại một lần có giá trị dưới 20 triệu đồng hoặc có hành vi tham nhũng, tiêu cực, vụ lợi, trục lợi có giá trị đến 500 ngàn đồng;

b) "Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng" là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại lớn, gây dư luận xấu trong cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, làm giảm uy tín của bản thân và của cơ quan, đơn vị nơi cán bộ, chiến sĩ công tác hoặc làm thất thoát, lãng phí tiền, tài sản phải bồi thường thiệt hại một lần có giá trị từ 20 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc có hành vi tham nhũng, tiêu cực, vụ lợi, trục lợi có giá trị từ trên 500 ngàn đồng đến dưới 01 triệu đồng;

c) "Vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng" là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại rất lớn, gây dư luận xấu, rất bức xúc trong cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, làm mất uy tín của bản thân và của cơ quan, đơn vị nơi cán bộ, chiến sĩ công tác hoặc gây lãng phí, thất thoát tiền, tài sản phải bồi thường thiệt hại một lần có giá trị từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc có hành vi tham nhũng, tiêu cực, vụ lợi, trục lợi có giá trị từ  01 triệu đồng đến dưới 02 triệu đồng;

d) "Vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng" là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại đặc biệt lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, gây phẫn nộ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm mất tư cách của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, thủ trưởng đơn vị hoặc gây thiệt hại lớn về sức khỏe, tính mạng của người khác hoặc gây lãng phí, thất thoát tiền, tài sản phải bồi thường thiệt hại một lần có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên hoặc có hành vi tham nhũng, tiêu cực, vụ lợi, trục lợi có giá trị từ 02 triệu đồng trở lên hoặc hành vi vi phạm có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

3. Thời hạn xử lý kỷ luật là khoảng thời gian được xác định từ khi phát hiện hành vi vi phạm cho đến khi có quyết định xử lý kỷ luật hoặc kết luận không xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền.

4. Thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn quy định mà khi hết thời hạn đó, cán bộ, chiến sĩ có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật.

Điều 4. Nguyên tắc xử lý kỷ luật

1. Kịp thời, khách quan, công bằng, bình đẳng, nghiêm minh, đúng pháp luật.

2. Quyết định kỷ luật phải phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Mỗi hành vi vi phạm chỉ bị xử lý kỷ luật một lần bằng một hình thức kỷ luật. Trong cùng một thời điểm, phát hiện cán bộ, chiến sĩ có từ hai hành vi vi phạm trở lên thì xem xét kết luận từng hành vi và xử lý các hành vi đó bằng một hình thức kỷ luật, trong một quyết định kỷ luật. Trong cùng một vụ việc có nhiều cán bộ, chiến sĩ vi phạm thì mỗi cán bộ, chiến sĩ đều phải bị xử lý kỷ luật về hành vi vi phạm của mình.

3. Trường hợp cán bộ, chiến sĩ đang chấp hành quyết định kỷ luật tiếp tục có hành vi vi phạm kỷ luật mới thì bị áp dụng hình thức kỷ luật như sau:

a) Nếu hành vi vi phạm kỷ luật mới nhẹ hơn hoặc bằng so với hình thức kỷ luật đang chấp hành thì áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật đang thi hành;

b) Nếu hành vi vi phạm kỷ luật mới nặng hơn so với hình thức kỷ luật đang chấp hành thì áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi vi phạm kỷ luật mới;

Quyết định kỷ luật đang chấp hành chấm dứt hiệu lực kể từ thời điểm quyết định kỷ luật đối với hành vi vi phạm kỷ luật mới có hiệu lực.

4. Trường hợp cán bộ, chiến sĩ trong cùng một thời điểm phát hiện có nhiều hành vi vi phạm kỷ luật thì bị áp dụng hình thức kỷ luật tối thiểu phải nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật cao nhất của một trong các hành vi vi phạm (trừ trường hợp một trong các hành vi vi phạm đó sẽ bị kỷ luật bằng hình thức Tước danh hiệu Công an nhân dân).

5. Trường hợp cán bộ, chiến sĩ bị bắt do phạm tội quả tang, chứng cứ rõ ràng hoặc cán bộ, chiến sĩ đã thừa nhận hành vi phạm tội và có đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh cán bộ, chiến sĩ đó đã thực hiện hành vi phạm tội hoặc bị khởi tố bị can và quyết định khởi tố bị can đã được Viện kiểm sát phê chuẩn thì kỷ luật bằng hình thức tước danh hiệu Công an nhân dân.

Trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc đình chỉ điều tra thì căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm để xử lý kỷ luật theo quy định tại Thông tư này.

6. Thái độ tiếp thu, sửa chữa và chủ động khắc phục hậu quả của cán bộ, chiến sĩ có hành vi vi phạm kỷ luật là yếu tố xem xét tăng nặng hoặc giảm nhẹ khi áp dụng hình thức kỷ luật.

7. Xử lý kỷ luật cán bộ, chiến sĩ vi phạm quy định tại Thông tư này không thay thế kỷ luật về Đảng, đoàn thể.

8. Hình thức xử phạt hành chính không thay thế cho hình thức kỷ luật; không giải quyết cho cán bộ, chiến sĩ vi phạm kỷ luật xuất ngũ, chuyển ngành, chuyển công tác (trừ trường hợp chuyển công tác để phòng ngừa sai phạm), nghỉ hưu trước hạn tuổi phục vụ cao nhất khi chưa được xem xét, xử lý kỷ luật.

9. Nghiêm cấm mọi hành vi xâm hại sức khoẻ, thân thể, danh dự, nhân phẩm của cán bộ, chiến sĩ trong quá trình xem xét xử lý kỷ luật; nghiêm cấm việc bao che, né tránh, báo cáo không trung thực, cản trở việc xác minh, xử lý kỷ luật; chống tư tưởng định kiến, trù dập đối với cán bộ, chiến sĩ vi phạm; xử lý kỷ luật phải đi đôi với việc giáo dục, giúp đỡ tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ khắc phục sửa chữa khuyết điểm, đồng thời có tác dụng giáo dục, phòng ngừa chung.

Điều 5. Những trường hợp chưa xem xét kỷ luật và được miễn kỷ luật

1. Những trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật:

a) Đang trong thời gian điều trị bệnh có xác nhận của bệnh viện từ cấp huyện trở lên (trừ trường hợp vi phạm pháp luật hình sự);

b) Cán bộ, chiến sĩ nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản (trừ trường hợp vi phạm pháp luật hình sự).

2. Những trường hợp được miễn kỷ luật:

a) Được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tình trạng mất năng lực hành vi khi vi phạm kỷ luật;

b) Phải chấp hành chỉ thị, mệnh lệnh sai trái của lãnh đạo, chỉ huy cấp có thẩm quyền mà trước đó đã kiến nghị bằng văn bản đối với người ra chỉ thị, mệnh lệnh nhưng không được chấp nhận;

c) Được cấp có thẩm quyền xác nhận thực hiện hành vi trong tình huống bất khả kháng, sự kiện bất ngờ, phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết;

d) Quá thời hiệu xử lý kỷ luật theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư này.

Điều 6. Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hình thức kỷ luật

1. Những tình tiết giảm nhẹ hình thức kỷ luật:

a) Chủ động báo cáo hành vi vi phạm của mình với tổ chức, tự giác nhận khuyết điểm trước khi bị phát hiện;

b) Chủ động báo cáo, cung cấp thông tin, phản ánh đầy đủ, trung thực về những người cùng vi phạm;

c) Chủ động chấm dứt hành vi vi phạm, khắc phục hậu quả vi phạm và tích cực tham gia ngăn chặn hành vi vi phạm; tự giác bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do mình gây ra;

d) Vi phạm do nguyên nhân khách quan hoặc do bị ép buộc; vi phạm do phải thực hiện chủ trương, quyết định, mệnh lệnh sai trái của cấp trên;

đ) Có nhiều thành tích, cống hiến trong quá trình công tác, trong 05 năm tính đến thời điểm bị xử lý kỷ luật được cấp có thẩm quyền khen thưởng từ 02 lần trở lên và với hình thức từ “bằng khen” trở lên;

e) Tự ý nửa chừng chấm dứt hành vi vi phạm, báo cáo kịp thời với cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm biết.

2. Những tình tiết tăng nặng hình thức kỷ luật:

a) Đã được đơn vị, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giáo dục, nhắc nhở mà không sửa chữa;

b) Không tự giác nhận khuyết điểm, vi phạm của mình mà còn gian dối, che giấu; không viết bản tường trình, kiểm điểm; không tham gia họp kiểm điểm khi đã được thông báo;

c) Bao che cho người cùng vi phạm; trù dập, trả thù người đấu tranh, tố cáo hành vi vi phạm hoặc người cung cấp tài liệu, chứng cứ vi phạm;

d) Cung cấp thông tin, báo cáo sai sự thật; ngăn cản người khác cung cấp tài liệu, chứng cứ vi phạm; tiêu hủy tài liệu, chứng cứ; lập hồ sơ, chứng cứ giả;

đ) Đối phó, cản trở, gây khó khăn cho quá trình kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, thẩm tra, xác minh, thu thập chứng cứ vi phạm;

e) Vi phạm do lợi dụng tình trạng khẩn cấp, thiên tai, thực hiện chính sách xã hội;

g) Vi phạm gây thiệt hại về vật chất phải bồi hoàn nhưng không bồi hoàn, không khắc phục hậu quả;

h) Vi phạm trong thời gian chấp hành kỷ luật, trong một năm có từ hai hành vi vi phạm trở lên hoặc liên tục vi phạm;

i) Vi phạm có tổ chức; là người tổ chức, chủ mưu, khởi xướng thực hiện hành vi vi phạm;

k) Ép buộc, vận động, tổ chức, lôi kéo, tiếp tay cho người khác cùng vi phạm;

l) Ép buộc, tạo điều kiện cho người khác tạo tài liệu, hồ sơ, chứng cứ giả; che giấu, tiêu hủy chứng cứ, hồ sơ, tài liệu.

3. Áp dụng hình thức kỷ luật đối với trường hợp có tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hình thức kỷ luật.

a) Trường hợp cán bộ, chiến sĩ vi phạm kỷ luật có tình tiết giảm nhẹ nhiều hơn tình tiết tăng nặng thì áp dụng hình thức kỷ luật nhẹ hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi vi phạm kỷ luật theo quy định;

b) Trường hợp cán bộ, chiến sĩ vi phạm kỷ luật có tình tiết giảm nhẹ và tình tiết tăng nặng tương đương nhau thì áp dụng đúng hình thức kỷ luật theo quy định;

c) Trường hợp cán bộ, chiến sĩ vi phạm kỷ luật có tình tiết giảm nhẹ ít hơn tình tiết tăng nặng thì áp dụng hình thức kỷ luật cao hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi vi phạm kỷ luật theo quy định;

d) Trường hợp ngoài quy định tại các điểm a, b và c Khoản này có thể áp dụng hình thức kỷ luật nhẹ hơn hoặc nặng hơn từ hai mức trở lên và do Bộ trưởng quyết định.

Điều 7. Thời hạn và thời hiệu xử lý kỷ luật

1. Thời hạn xử lý kỷ luật:

a) Thời hạn xem xét, xử lý kỷ luật tối đa là 03 tháng kể từ ngày phát hiện cán bộ, chiến sĩ có hành vi vi phạm kỷ luật cho đến ngày cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật;

b) Trường hợp vụ việc có liên quan đến nhiều người, tang vật, phương tiện cần giám định hoặc những tình tiết phức tạp khác thì sau thời gian 03 tháng người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xử lý kỷ luật quyết định kéo dài thời hạn xử lý kỷ luật, nhưng không quá 06 tháng;

c) Trường hợp quá thời hạn nêu tại điểm b Khoản 1 Điều này, Công an đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ (qua Cục Tổ chức cán bộ) về lý do quá hạn và đề xuất thời gian cụ thể thực hiện quy trình hoặc quyết định xử lý kỷ luật;

d) Trường hợp thuộc quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư này thì sau khi hết thời gian chưa xem xét kỷ luật, lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền phải xem xét xử lý kỷ luật.

2. Thời hiệu xử lý kỷ luật:

a) 05 năm đối với những hành vi vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng, đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo (trừ trường hợp quy định tại điểm d Khoản này);

b) 10 năm đối với những hành vi vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng trở lên, đến mức phải kỷ luật bằng hình thức hạ bậc lương hoặc giáng cấp bậc hàm hoặc giáng chức (đối với người giữ chức vụ) trở lên (trừ trường hợp quy định tại điểm d Khoản này);

c) Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm. Nếu trong thời hiệu xử lý kỷ luật được quy định tại các điểm a, b Khoản này, cán bộ, chiến sĩ có hành vi vi phạm mới thì thời hiệu xử lý kỷ luật đối với vi phạm trước đó được tính lại kể từ thời điểm thực hiện hành vi vi phạm mới;

d) Không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức tước danh hiệu Công an nhân nhân dân; vi phạm liên quan đến lĩnh vực bảo vệ bí mật nhà nước, an ninh, quốc phòng, đối ngoại có xâm hại đến lợi ích quốc gia, tố tụng hình sự và việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp hoặc những vụ việc vi phạm đã được phát hiện nhưng chưa được xem xét, xử lý theo quy định.

Điều 8. Tạm đình chỉ, đình chỉ công tác

1. Tạm đình chỉ công tác

a) Tạm đình chỉ công tác áp dụng đối với cán bộ, chiến sĩ đang trong thời gian xem xét xử lý kỷ luật mà nếu để cán bộ, chiến sĩ đó tiếp tục công tác sẽ gây khó khăn cho việc xác minh, kết luận vi phạm hoặc có thể tiếp tục có hành vi vi phạm; cán bộ, chiến sĩ có hành vi vi phạm theo quy định sẽ phải kỷ luật bằng hình thức tước danh hiệu Công an nhân dân nhưng không thuộc đối tượng phải đình chỉ công tác;

b) Thời hạn tạm đình chỉ công tác không quá 02 tháng.

2. Đình chỉ công tác

a) Đình chỉ công tác đối với cán bộ, chiến sĩ có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự để phục vụ công tác điều tra của các cơ quan có thẩm quyền hoặc trong trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp cần được làm rõ;

b) Thời hạn đình chỉ công tác có thể kéo dài cho đến khi có kết luận không xử lý kỷ luật hoặc đến khi có quyết định xử lý kỷ luật.

3. Trong thời gian bị tạm đình chỉ, đình chỉ công tác, cán bộ, chiến sĩ phải bàn giao một phần hoặc toàn bộ công việc đang đảm nhiệm cho đơn vị và phải có mặt tại đơn vị trong giờ hành chính theo quy định hoặc khi được yêu cầu. Lãnh đạo đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ, chiến sĩ có trách nhiệm tạm thời thu lại toàn bộ các loại hồ sơ tài liệu, Giấy chứng minh Công an nhân dân, Giấy chứng nhận điều tra hình sự, Thẻ thanh tra, Thẻ tuần tra kiểm soát giao thông; vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện phục vụ công tác mà cán bộ, chiến sĩ đó đã được trang bị và không giao nhiệm vụ thực hiện công tác chuyên môn cho cán bộ, chiến sĩ bị tạm đình chỉ, đình chỉ công tác.

4. Thẩm quyền quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ công tác đối với cán bộ, chiến sĩ vi phạm thực hiện theo qui định về phân công trách nhiệm giữa công an các cấp về một số vấn đề trong công tác tổ chức, cán bộ của lực lượng Công an nhân dân.

5. Trong thời gian tạm đình chỉ, đình chỉ công tác, cán bộ, chiến sĩ được hưởng 50% tiền lương và các khoản phụ cấp (nếu có). Sau khi xem xét, nếu cán bộ, chiến sĩ không bị xử lý kỷ luật thì được truy lĩnh 50% còn lại, nếu bị xử lý kỷ luật thì không được truy lĩnh.

Điều 9. Các hình thức kỷ luật

1. Áp dụng đối với cán bộ, chiến sĩ không giữ chức vụ lãnh đạo, chỉ huy:

a) Khiển trách;

b) Cảnh cáo;

c) Hạ bậc lương (áp dụng đối với trường hợp có bậc lương cao hơn lương cấp bậc hàm) hoặc giáng cấp bậc hàm;

d) Giáng nhiều cấp bậc hàm hoặc giáng cấp bậc hàm và hạ bậc lương (áp dụng đối với trường hợp đã được nâng lương cấp bậc hàm lần 1) hoặc hạ nhiều bậc lương (áp dụng đối với trường hợp đã được nâng lương cấp bậc hàm lần 2);

đ) Tước danh hiệu Công an nhân dân hoặc buộc thôi việc đối với công nhân công an.

2. Áp dụng đối với cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, chỉ huy:

a) Khiển trách;

b) Cảnh cáo;

c) Giáng chức và giáng cấp bậc hàm (áp dụng đối với trường hợp chức vụ sau khi giáng chức có trần cấp bậc hàm cao nhất theo quy định thấp hơn cấp bậc hàm mà cán bộ đang giữ);

d) Cách chức và giáng cấp bậc hàm (áp dụng đối với trường hợp chức danh sau khi bị cách chức có trần cấp bậc hàm cao nhất theo quy định thấp hơn cấp bậc hàm mà cán bộ đang giữ) hoặc cách chức và hạ bậc lương và giáng cấp bậc hàm (áp dụng đối với trường hợp đã được nâng lương cấp bậc hàm và các trường hợp chức danh sau khi bị cách chức có trần cấp bậc hàm cao nhất theo quy định thấp hơn cấp bậc hàm mà cán bộ đang giữ);

đ) Tước danh hiệu Công an nhân dân.

Điều 10. Áp dụng hình thức kỷ luật (có phụ lục kèm theo)

1. Cán bộ, chiến sĩ vi phạm một trong các trường hợp quy định tại Mục I của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách.

2. Cán bộ, chiến sĩ vi phạm một trong các trường hợp quy định tại Mục I của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp quy định tại Mục II của Phụ lục này thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.

3. Cán bộ, chiến sĩ vi phạm một trong các trường hợp quy định tại Mục II của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp quy định tại Mục III của Phụ lục này thì kỷ luật bằng hình thức giáng cấp bậc hàm hoặc hạ bậc lương (áp dụng đối với trường hợp có bậc lương cao hơn lương cấp bậc hàm), nếu có chức vụ thì giáng chức và giáng cấp bậc hàm (áp dụng đối với trường hợp chức vụ sau khi giáng chức có trần cấp bậc hàm cao nhất theo quy định thấp hơn cấp bậc hàm mà cán bộ đang giữ).

4. Cán bộ, chiến sĩ vi phạm một trong các trường hợp quy định tại Mục III của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì kỷ luật giáng nhiều cấp bậc hàm hoặc giáng cấp bậc hàm và hạ bậc lương (áp dụng đối với trường hợp đã được nâng lương cấp bậc hàm lần 1) hoặc hạ nhiều bậc lương (áp dụng đối với trường hợp đã được nâng lương cấp bậc hàm lần 2, nếu có chức vụ thì cách chức và giáng cấp bậc hàm (áp dụng đối với trường hợp chức danh sau khi bị cách chức có trần cấp bậc hàm cao nhất theo quy định thấp hơn cấp bậc hàm mà cán bộ đang giữ) hoặc cách chức và hạ bậc lương và giáng cấp bậc hàm (áp dụng đối với trường hợp đã được nâng lương cấp bậc hàm và các trường hợp chức danh sau khi bị cách chức có trần cấp bậc hàm cao nhất theo quy định thấp hơn cấp bậc hàm mà cán bộ đang giữ).

5. Cán bộ, chiến sĩ vi phạm một trong các trường hợp quy định tại Mục V của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này thì kỷ luật bằng hình thức tước danh hiệu Công an nhân dân hoặc buộc thôi việc đối với công nhân công an.

Chương II

QUY TRÌNH XỬ LÝ KỶ LUẬT VÀ QUYẾT ĐỊNH KỶ LUẬT

Điều 11. Trình tự, thủ tục xem xét xử lý kỷ luật

Khi phát hiện dấu hiệu hoặc thông tin cán bộ, chiến sĩ vi phạm, lãnh đạo đơn vị thống nhất với cấp uỷ cùng cấp tiến hành các công việc sau:

1. Trực tiếp gặp hoặc giao lãnh đạo trực tiếp quản lý cán bộ, chiến sĩ vi phạm gặp, yêu cầu cán bộ, chiến sĩ viết bản tự kiểm điểm về hành vi vi phạm và tự nhận hình thức kỷ luật.

2. Tổ chức thẩm tra, xác minh, kết luận về vi phạm của cán bộ, chiến sĩ (nếu vi phạm đã rõ thì không cần xác minh mà có thể họp kiểm điểm, đề nghị xử lý kỷ luật ngay).

3. Căn cứ nội dung tự kiểm điểm của cán bộ, chiến sĩ, kết quả xác minh, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, xét thấy cần thiết phải tạm đình chỉ, đình chỉ công tác của cán bộ, chiến sĩ vi phạm thì ra quyết định hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền ra quyết định.

4. Tổ chức họp xét, đề nghị kỷ luật: Trước khi họp, lãnh đạo đơn vị (người chủ trì) thông báo bằng văn bản cho các thành viên thuộc thành phần theo quy định tại Điều 12 Thông tư này. Nếu cán bộ, chiến sĩ vi phạm không chấp hành yêu cầu của lãnh đạo đơn vị về dự họp kiểm điểm hoặc không viết bản tự kiểm điểm thì vẫn tiến hành họp xét kỷ luật.

5. Cấp ủy và lãnh đạo đơn vị họp biểu quyết thống nhất hình thức kỷ luật (đối với trường hợp cán bộ bị xử lý kỷ luật hoặc hình thức kỷ luật thuộc thẩm quyền của lãnh đạo cùng cấp) hoặc cấp uỷ và lãnh đạo đơn vị họp đề nghị hình thức kỷ luật (đối với trường hợp cán bộ bị xử lý kỷ luật hoặc hình thức kỷ luật thuộc thẩm quyền của lãnh đạo cấp trên).

Trường hợp không thể tổ chức được phiên họp cấp ủy và lãnh đạo đơn vị thì cơ quan tổ chức cán bộ báo cáo xin ý kiến bằng văn bản từng đồng chí trong cấp ủy, lãnh đạo đơn vị (kèm theo phiếu biểu quyết hình thức kỷ luật).

Điều 12. Người chủ trì và thành phần dự họp xét đề nghị kỷ luật

1. Lãnh đạo Bộ chủ trì họp, xét kỷ luật đối với Cục trưởng và tương đương, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thành phần dự họp: Lãnh đạo cấp Cục hoặc lãnh đạo Công an tỉnh, Trưởng phòng và tương đương của đơn vị, địa phương nơi cán bộ vi phạm công tác và cán bộ vi phạm.

2. Cục trưởng Cục Tổ chức cán bộ chủ trì họp, xét đề nghị kỷ luật đối với Cục trưởng và tương đương, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nếu được lãnh đạo Bộ ủy quyền hoặc ủy nhiệm); Phó Cục trưởng và tương đương, Phó Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thành phần dự họp như quy định tại Khoản 1 Điều này.

3. Cục trưởng và tương đương chủ trì họp, xét đề nghị kỷ luật đối với cán bộ lãnh đạo cấp Phòng và tương đương thuộc đơn vị mình.

Thành phần dự họp: Đơn vị có 30 cán bộ, chiến sĩ trở lên, có cơ cấu đơn vị cấp dưới thì thành phần dự họp gồm cấp trưởng của đơn vị dưới một cấp trở lên thuộc phòng và cán bộ có cấp bậc hàm cấp tá. Đơn vị có dưới 30 cán bộ, chiến sĩ thì thành phần dự họp gồm toàn thể cán bộ, chiến sĩ thuộc phòng nơi cán bộ vi phạm công tác và cán bộ vi phạm.

4. Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì họp xét, đề nghị kỷ luật đối với cán bộ lãnh đạo cấp phòng, lãnh đạo Công an cấp huyện và tương đương thuộc tỉnh, thành phố.

Thành phần dự họp: Lãnh đạo phòng hoặc lãnh đạo Công an cấp huyện và tương đương, Đội trưởng và tương đương thuộc phòng, Công an huyện nơi cán bộ vi phạm công tác và cán bộ vi phạm.

5. Trưởng phòng và tương đương chủ trì họp xét, đề nghị kỷ luật đối với cán bộ, chiến sĩ, chỉ huy cấp đội và tương đương trong phòng.

Thành phần dự họp: Phòng không có cơ cấu đơn vị cấp dưới (đội và tương đương) hoặc phòng có cơ cấu đơn vị cấp dưới nhưng có dưới 30 cán bộ, chiến sĩ thì họp toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong phòng và cán bộ, chiến sĩ vi phạm. Phòng có cơ cấu đơn vị cấp dưới (đội và tương đương) nhưng có từ 30 cán bộ, chiến sĩ trở lên thì họp toàn thể cán bộ, chiến sĩ của đội có cán bộ, chiến sĩ vi phạm và cán bộ, chiến sĩ vi phạm.

6. Trưởng Công an cấp huyện và tương đương chủ trì họp xét, đề nghị kỷ luật đối với cán bộ, chiến sĩ trong Công an cấp huyện và chỉ huy đội, phường, xã, thị trấn và tương đương thuộc Công an cấp huyện.

Thành phần dự họp gồm toàn thể cán bộ, chiến sĩ của đội, phường, xã, thị trấn và tương đương nơi cán bộ vi phạm công tác và cán bộ, chiến sĩ vi phạm.

7. Trưởng Công an cấp phường, xã, thị trấn và tương đương (ở những nơi bố trí Công an chính quy) chủ trì họp xét đề nghị kỷ luật đối với cán bộ, chiến sĩ thuộc đơn vị mình vi phạm.

Thành phần dự họp gồm toàn thể cán bộ, chiến sĩ của Công an phường xã, thị trấn và tương đương và cán bộ, chiến sĩ vi phạm.

8. Trường hợp cấp trưởng không tham gia dự họp thì có thể cử đại diện cấp phó đi thay nhưng phải được người chủ trì đồng ý.

9. Tùy tính chất vụ việc, người chủ trì có thể mời đại diện Uỷ ban kiểm tra, Thanh tra, cơ quan tổ chức cán bộ cấp trên hoặc cùng cấp hoặc đại diện cơ quan điều tra dự họp xét đề nghị xử lý kỷ luật cán bộ, chiến sĩ vi phạm.

Điều 13. Trình tự xét đề nghị kỷ luật

1. Người chủ trì tuyên bố lí do, giới thiệu thành phần dự họp và chỉ định thư ký ghi biên bản cuộc họp.

2. Thư ký đọc tóm tắt lí lịch và các tài liệu có liên quan về vi phạm của cán bộ, chiến sĩ. Trường hợp kỷ luật theo kết luận của thanh tra, các cơ quan có thẩm quyền thì đại diện thanh tra đọc kết luận.

3. Cán bộ, chiến sĩ vi phạm trình bày bản tự kiểm điểm (nếu cán bộ, chiến sĩ vi phạm vắng mặt thì bản tự kiểm điểm do thư ký cuộc họp đọc); nếu cán bộ, chiến sĩ vi phạm không viết bản tự kiểm điểm thì người chủ trì công bố các tài liệu liên quan đến hành vi vi phạm của cán bộ, chiến sĩ đó.

4. Các thành viên dự họp thảo luận, phát biểu.

5. Cán bộ, chiến sĩ vi phạm phát biểu.

6. Chủ trì tổng hợp ý kiến và quán triệt, thống nhất các hình thức kỷ luật để đưa ra lấy phiếu kiến nghị của các thành viên dự họp và chỉ định tổ kiểm phiếu.

7. Các thành viên bỏ phiếu kín kiến nghị hình thức kỷ luật. Phiếu kiến nghị về hình thức kỷ luật của thành viên dự họp có giá trị tham khảo và là căn cứ quan trọng để xem xét, nhưng không phải là căn cứ duy nhất và chủ yếu để quyết định hình thức kỷ luật.

Người chủ trì chỉ định Tổ kiểm phiếu gồm 03 thành viên thuộc thành phần dự họp. Tổ kiểm phiếu tiến hành quy trình lấy phiếu kiến nghị hình thức kỷ luật và công bố kết quả kiểm phiếu.

8. Chủ trì kết luận về nội dung cuộc họp. Thư ký đọc biên bản cuộc họp và Chủ trì, thư ký ký tên vào biên bản cuộc họp.

Sau cuộc họp xét đề nghị kỷ luật, cấp ủy và lãnh đạo đơn vị họp xét và biểu quyết hình thức xử lý.

9. Trường hợp có tình tiết mới chưa kết luận được thì tiếp tục xác minh làm rõ và tiến hành họp kiểm điểm khi có đầy đủ tài liệu.

10. Báo cáo tổng hợp kết quả họp xét đề nghị hình thức kỷ luật và gửi hồ sơ đề nghị xử lý kỷ luật cán bộ, chiến sĩ vi phạm lên cấp có thẩm quyền xét quyết định kỷ luật.

Điều 14. Hồ sơ đề nghị xử lý kỷ luật và thẩm định, đề xuất kỷ luật

1. Hồ sơ đề nghị xử lý kỷ luật gồm:

a) Tóm tắt lý lịch của cán bộ, chiến sĩ vi phạm;

b) Các tài liệu, báo cáo kết luận về vi phạm;

c) Bản tự kiểm điểm của cán bộ, chiến sĩ vi phạm;

d) Biên bản cuộc họp xét đề nghị kỷ luật và biên bản kiểm phiếu;

đ) Biên bản cuộc họp đề nghị hình thức xử lý kỷ luật của cấp ủy hoặc Ban Thường vụ cấp ủy và lãnh đạo đơn vị (đối với cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý và quyết định kỷ luật của lãnh đạo cấp trên) hoặc Ban Thường vụ cấp ủy và lãnh đạo đơn vị (đối với cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý và quyết định kỷ luật của lãnh đạo cùng cấp);

e) Văn bản đề nghị của đơn vị.

2. Thẩm định, đề xuất kỷ luật

a) Cơ quan tổ chức cán bộ của các đơn vị, các cấp Công an chủ trì, tiếp nhận hồ sơ, tài liệu, thẩm định đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định kỷ luật. Trường hợp vi phạm do cơ quan thanh tra, uỷ ban kiểm tra, điều tra phát hiện thì phải phối hợp với các cơ quan đó để giải quyết.

Thời gian thẩm định, đề xuất kỷ luật không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị. Trường hợp có tình tiết phức tạp phải phối hợp với các đơn vị chức năng để xem xét, đề xuất thì thời gian không quá 30 làm việc ngày.

b) Cục Tổ chức cán bộ tiếp nhận hồ sơ đề nghị kỷ luật của các đơn vị, địa phương, phối hợp với các đơn vị liên quan (thanh tra, uỷ ban kiểm tra, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự...) làm rõ thêm các vấn đề (nếu cần thiết) để thẩm định, báo cáo đề xuất lãnh đạo Bộ quyết định kỷ luật hoặc đề xuất lãnh đạo Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định kỷ luật đối với cán bộ vi phạm theo thẩm quyền.

Điều 15. Quyết định xử lý kỷ luật

1. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức họp xét đề nghị xử lý kỷ luật, cấp uỷ (đối với cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý và quyết định kỷ luật của lãnh đạo cấp trên) hoặc Ban Thường vụ và lãnh đạo đơn vị (đối với cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý và quyết định kỷ luật của lãnh đạo cùng cấp) họp để biểu quyết (bằng phiếu kín) về hình thức kỷ luật. Trên cơ sở kết quả biểu quyết, lãnh đạo cấp có thẩm quyền ra quyết định kỷ luật nếu hình thức, đối tượng bị xử lý kỷ luật thuộc thẩm quyền cấp mình; hình thức kỷ luật được áp dụng là hình thức mà đa số (trên 50%) thành viên dự họp biểu quyết. Trường hợp hình thức, đối tượng bị xử lý kỷ luật thuộc thẩm quyền quyết định của cấp trên thì hoàn thiện hồ sơ đề nghị lãnh đạo cấp có thẩm quyền ra quyết định kỷ luật.

2. Trong thời hạn từ 15 đến 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị xử lý kỷ luật, lãnh đạo cấp có thẩm quyền (theo phân cấp quản lý cán bộ) phải ra quyết định kỷ luật bằng văn bản đối với cán bộ, chiến sĩ vi phạm.

3. Đối với vụ việc có nhiều cán bộ, chiến sĩ vi phạm thuộc thẩm quyền quyết định của nhiều cấp, thì phải báo cáo cấp trên nội dung, tính chất, mức độ vi phạm của từng cán bộ, chiến sĩ, đề nghị hình thức kỷ luật với từng cán bộ, chiến sĩ để cấp trên xem xét ra quyết định kỷ luật cán bộ thuộc diện quản lý trước; lãnh đạo cấp dưới ra quyết định kỷ luật cán bộ theo thẩm quyền sau (hình thức kỷ luật phải thống nhất như lãnh đạo cấp trên đã quyết định đối với cán bộ, chiến sĩ có cùng tính chất, mức độ vi phạm).

Điều 16. Một số trường hợp đặc biệt

1. Trường hợp cán bộ, chiến sĩ là đảng viên vi phạm kỷ luật thì việc xem xét xử lý kỷ luật được thực hiện như sau:

a) Trường hợp cán bộ, chiến sĩ là đảng viên vi phạm kỷ luật về hành chính thì ngay sau khi quyết định xử lý kỷ luật có hiệu lực thi hành, cơ quan tổ chức cán bộ đề xuất lãnh đạo cấp có thẩm quyền ký quyết định kỷ luật phải gửi quyết định xử lý kỷ luật cho cấp uỷ quản lý đảng viên đó biết để xử lý kỷ luật về đảng theo quy định;

b) Trường hợp cấp uỷ có thẩm quyền đã quyết nghị hình thức kỷ luật về Đảng và về hành chính và đã ban hành quyết định kỷ luật về đảng, thì lãnh đạo cấp có thẩm quyền chỉ đạo cơ quan tổ chức cán bộ kịp thời trao đổi, phối hợp với cơ quan tham mưu việc quyết định lỷ luật của Đảng để thu thập tài liệu liên quan đến hành vi vi phạm; trên cơ sở đó xem xét xử lý kỷ luật về hành chính mà không cần thực hiện các nội dung quy định tại Điều 11, Điều 12 và Điều 13 Thông tư này;

c) Trường hợp cán bộ, chiến sĩ là đảng viên vi phạm kỷ luật thuộc thẩm quyền quản lý của cấp uỷ và lãnh đạo đơn vị cùng cấp, thì lãnh đạo đơn vị chỉ đạo cơ quan tổ chức cán bộ phối hợp với cơ quan tham mưu của cấp uỷ tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định của Đảng và Thông tư này để báo cáo cấp uỷ, lãnh đạo có thẩm quyền quyết định kỷ luật về đảng và kỷ luật về hành chính.

2. Trường hợp cán bộ, chiến sĩ sai phạm có dấu hiệu phạm tội phải báo cáo cấp có thẩm quyền chuyển tài liệu cho cơ quan điều tra để tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật.

3. Cán bộ, chiến sĩ sinh con vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, trộm cắp tài sản, sử dụng trái phép chất ma túy hoặc vi phạm điểm e, điểm h Khoản 5, điểm a Khoản 9, Khoản 17 Mục V của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này thì không cần thực hiện các công việc quy định tại Điều 11, Điều 12 và Điều 13 Thông tư này mà cấp ủy (hoặc Ban Thường vụ cấp ủy), lãnh đạo Công an đơn vị, địa phương họp thống nhất đề nghị lãnh đạo cấp có thẩm quyền ra quyết định kỷ luật ngay.

4. Cán bộ vi phạm thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ hoặc Chủ tịch nước ra quyết định kỷ luật thì báo cáo Đảng uỷ Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ để xem xét thống nhất trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch nước.

5. Cán bộ vi phạm là cấp uỷ viên cấp uỷ địa phương thì trao đổi với cấp uỷ địa phương cùng cấp để thống nhất việc xử lý kỷ luật và có đại diện cấp uỷ địa phương dự họp xét, đề nghị kỷ luật; nếu cán bộ, chiến sĩ vi phạm là thành viên các tổ chức đoàn thể thì mời đại diện tổ chức đoàn thể đó dự (không tham gia bỏ phiếu đề nghị hình thức kỷ luật).

6. Cán bộ, chiến sĩ vi phạm kỷ luật nhưng đã chuyển đến đơn vị khác công tác mới phát hiện thì việc xem xét xử lý kỷ luật do đơn vị mới chủ trì thực hiện. Đơn vị mới có văn bản trao đổi và đề nghị đơn vị cũ nhận xét, đánh giá và có ý kiến về hình thức kỷ luật.

Trường hợp vụ việc có 02 cán bộ, chiến sĩ vi phạm trở lên, trong đó có cán bộ, chiến sĩ đã được chuyển đơn vị khác mới phát hiện vi phạm thì trách nhiệm xem xét, đề xuất xử lý kỷ luật do đơn vị quản lý cán bộ, chiến sĩ khi vi phạm chủ trì; cơ quan, đơn vị đang quản lý cán bộ phối hợp giải quyết (không tham gia bỏ phiếu đề nghị hình thức kỷ luật).

Trường hợp đơn vị mới chưa bố trí, phân công công tác cho cán bộ, chiến sĩ mới chuyển đến thì cơ quan tổ chức cán bộ đề xuất cấp ủy, lãnh đạo Công an đơn vị, địa phương xem xét xử lý kỷ luật mà không cần thực hiện việc họp xét đề nghị hình thức kỷ luật theo quy định tại Ðiều 12 và Ðiều 13 Thông tư này.

Khi đang xem xét, xử lý cán bộ, chiến sĩ vi phạm mà đơn vị cán bộ, chiến sĩ công tác bị giải thể, sáp nhập, chia tách hoặc kết thúc hoạt động thì đơn vị nơi cán bộ, chiến sĩ được điều động đến công tác tiếp tục xem xét, xử lý.

Cán bộ, chiến sĩ bị xử lý kỷ luật thuộc trường hợp quy định tại Khoản này tính vào tỷ lệ sai phạm của đơn vị mà cán bộ, chiến sĩ đó công tác khi vi phạm kỷ luật.

7. Cán bộ vi phạm trong thời gian biệt phái thì trách nhiệm thực hiện quy trình đề nghị xử lý kỷ luật do đơn vị được giao quản lý sĩ quan biệt phái thực hiện.

Cán bộ vi phạm trong thời gian trưng tập, trưng dụng thì trách nhiệm xem xét, quyết định kỷ luật do đơn vị nơi cán bộ trưng tập, trưng dụng chủ trì, đơn vị đang quản lý cán bộ phối hợp giải quyết (không tham gia bỏ phiếu đề nghị hình thức kỷ luật).

8. Việc xem xét xử lý kỷ luật đối với cán bộ đang nghỉ chờ hưu thực hiện như cán bộ đang công tác.

Điều 17. Công bố quyết định kỷ luật

1. Cấp chủ trì họp xét đề nghị kỷ luật, quy định tại Điều 12 Thông tư này chủ trì công bố quyết định kỷ luật. Trường hợp cán bộ, chiến sĩ bị kỷ luật là đảng viên và đã có quyết định kỷ luật đảng (nhưng chưa được công bố), cấp chủ trì công bố quyết định kỷ luật trao đổi với tổ chức Đảng đã tham mưu việc quyết định kỷ luật đảng để thống nhất công bố quyết định kỷ luật đảng và kỷ luật hành chính trong một cuộc họp.

Trước khi công bố quyết định kỷ luật, lãnh đạo đơn vị phải gặp cán bộ, chiến sĩ bị xử lý kỷ luật để làm công tác tư tưởng, động viên cán bộ, chiến sĩ phấn đấu, sửa chữa khuyết điểm. Thời gian công bố quyết định kỷ luật không quá 15 ngày kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực thi hành.

Việc công bố quyết định phải được lập biên bản.

2. Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm của cán bộ, chiến sĩ và hình thức kỷ luật, người chủ trì quyết định phạm vi thông báo quyết định kỷ luật cho phù hợp, có tác dụng giáo dục, tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ vi phạm sửa chữa tiến bộ và ngăn chặn các vi phạm tương tự trong đơn vị.

3. Cán bộ, chiến sĩ bị kỷ luật bằng hình thức tước danh hiệu Công an nhân dân, trước khi công bố quyết định, lãnh đạo đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ, chiến sĩ phải thu lại toàn bộ các loại hồ sơ tài liệu, Giấy chứng minh Công an nhân dân, Giấy chứng nhận điều tra hình sự, Thẻ thanh tra, Thẻ tuần tra kiểm soát và các vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện công tác mà cán bộ, chiến sĩ đó đã được trang bị.

Quyết định kỷ luật tước danh hiệu Công an nhân dân phải gửi cho chính quyền địa phương nơi cán bộ, chiến sĩ vi phạm cư trú để biết.

Điều 18. Hiệu lực của quyết định kỷ luật

1. Quyết định kỷ luật có hiệu lực kể từ ngày ký. Thời gian chấp hành kỷ luật là 12 tháng (trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này). Hết thời gian 12 tháng, nếu cán bộ, chiến sĩ bị kỷ luật không có vi phạm mới đến mức phải xử lý kỷ luật thì đương nhiên hiệu lực của quyết định kỷ luật chấm dứt (cấp có thẩm quyền không phải ra quyết định công nhận tiến bộ).

2. Trong thời gian chấp hành quyết định kỷ luật, nếu cán bộ, chiến sĩ có vi phạm mới thì tiến hành xem xét xử lý kỷ luật theo vi phạm mới.

3. Trường hợp cán bộ, chiến sĩ bị kỷ luật là đảng viên, trước khi có quyết định kỷ luật hành chính mà tổ chức đảng có thẩm quyền đã ra quyết định kỷ luật đảng về cùng một hành vi vi phạm, thì thời hạn chấp hành kỷ luật được tính theo thời hạn chấp hành kỷ luật đảng và được ghi cụ thể trong quyết định kỷ luật.

4. Trường hợp cán bộ, chiến sĩ khiếu nại quyết định kỷ luật và được cấp có thẩm quyền kết luận, quyết định thay đổi hình thức kỷ luật thì thời gian đã chấp hành quyết định kỷ luật trước đó sẽ được khấu trừ để đảm bảo tổng thời gian chấp hành kỷ luật là 12 tháng.

Chương III

KHIẾU NẠI VÀ CÁC QUI ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN KỶ LUẬT

Điều 19. Khiếu nại việc xử lý kỷ luật

1. Cán bộ, chiến sĩ có quyền khiếu nại đến cấp có thẩm quyền về quyết định kỷ luật đối với mình theo quy định của Luật Khiếu nại và quy định của Bộ Công an. Trong thời gian chờ cấp có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, cán bộ, chiến sĩ phải chấp hành quyết định kỷ luật đã công bố.

2. Việc xem xét, giải quyết khiếu nại và trả lời khiếu nại về kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ thực hiện theo quy định của Luật Khiếu nại và quy định của Bộ Công an.

Điều 20. Giải quyết việc kỷ luật oan, sai đối với cán bộ, chiến sĩ

1. Trường hợp bị kỷ luật oan:

a) Quyết định kỷ luật cán bộ, chiến sĩ được cấp có thẩm quyền kết luận là oan thì chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản kết luận, lãnh đạo đơn vị nơi cán bộ, chiến sĩ công tác có trách nhiệm tổ chức công bố công khai kết luận đó trong đơn vị; làm thủ tục phục hồi các quyền lợi cho cán bộ, chiến sĩ. Thời gian chấp hành quyết định kỷ luật do oan được tính vào thời gian để hưởng các chế độ, chính sách theo quy định;

b) Cán bộ, chiến sĩ bị kỷ luật bằng hình thức giáng chức, cách chức, tước danh hiệu Công an nhân dân sau đó được kết luận là oan mà vị trí công tác cũ đã bố trí người khác thay thế thì lãnh đạo cấp có thẩm quyền có trách nhiệm bố trí vào vị trí công tác, chức vụ lãnh đạo, chỉ huy phù hợp, tương đương với vị trí công tác trước khi bị kỷ luật.

2. Trường hợp kỷ luật sai:

a) Cán bộ, chiến sĩ bị xử lý kỷ luật nhưng sau đó được lãnh đạo cấp có thẩm quyền kết luận hình thức xử lý kỷ luật không đúng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm hoặc quá trình tiến hành xem xét xử lý kỷ luật không đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thì việc giải quyết được thực hiện theo kết luận của lãnh đạo cấp có thẩm quyền và quy định tại Thông tư này;

b) Cấp có thẩm quyền ban hành quyết định xử lý kỷ luật cán bộ, chiến sĩ tiến hành không đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục, thẩm quyền và áp dụng hình thức kỷ luật thì ra quyết định huỷ bỏ quyết định xử lý kỷ luật, đồng thời tổ chức lại việc xem xét xử lý kỷ luật theo quy định tại Thông tư này.Trường hợp có sai phạm trong quá trình xem xét, xử lý kỷ luật thì tuỳ mức độ, hậu quả để xem xét xử lý trách nhiệm, xử lý kỷ luật theo quy định;

c) Trường hợp vi phạm pháp luật hình sự đã bị kỷ luật bằng hình thức tước danh hiệu Công an nhân dân nhưng sau đó được cơ quan tiến hành tố tụng miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc đình chỉ điều tra thì căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm để xử lý kỷ luật theo quy định tại Thông tư này.

3. Cấp có thẩm quyền ra quyết định kỷ luật oan, sai có trách nhiệm ra quyết định phục hồi các quyền lợi của người bị oan, sai và hủy quyết định oan, sai.

Điều 21. Các quy định liên quan đến chấp hành quyết định kỷ luật

1. Cán bộ, chiến sĩ có hành vi vi phạm gây thiệt hại về vật chất, tinh thần thì ngoài việc xét, xử lý kỷ luật theo quy định tại Thông tư này còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

2. Cán bộ, chiến sĩ đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc chấp hành quyết định kỷ luật thì không đưa vào quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động theo nguyện vọng cá nhân đến đơn vị khác và không cử đi đào tạo dài hạn.

3. Cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, chỉ huy bị kỷ luật giáng chức mà không còn chức vụ lãnh đạo, chỉ huy thấp hơn chức vụ đang giữ thì kỷ luật giáng xuống không còn chức vụ.

Trường hợp cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, chỉ huy bị kỷ luật giáng chức nhưng không bố trí được chức vụ thấp hơn do đã bố trí đủ cơ cấu thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm bố trí vào vị trí công tác, chức vụ lãnh đạo, chỉ huy phù hợp.

4. Thời gian tạm đình chỉ, đình chỉ công tác không được tính vào thời gian để xét thăng cấp bậc hàm, nâng bậc lương, trừ trường hợp bị oan, sai.

5. Quyết định kỷ luật cán bộ, chiến sĩ và toàn bộ các tài liệu liên quan phải được lưu vào hồ sơ cán bộ theo phân cấp quản lý. Quyết định kỷ luật cán bộ, chiến sĩ phải gửi về Cục Tổ chức cán bộ để theo dõi, quản lý.

6. Cán bộ, chiến sĩ bị kỷ luật bằng hình thức tước danh hiệu Công an nhân dân được thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 22. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày … tháng … năm 2018 và thay thế Thông tư số 16/2016/TT-BCA ngày 08/4/2016 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc xử lý kỷ luật cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân.

2. Hành vi vi phạm được phát hiện trước khi Thông tư này có hiệu lực thi hành nhưng chưa được xem xét, xử lý theo quy định thì xem xét, xử lý theo quy định tại Thông tư này.

3. Hành vi vi phạm được phát hiện trước khi Thông tư này có hiệu lực thi hành và đang xem xét xử lý theo quy định tại Thông tư số 16/2016/TT-BCA nhưng chưa được lãnh đạo cấp có thẩm quyền ban hành quyết định xử lý kỷ luật thì tiếp tục thực hiện các công việc tiếp theo quy định tại Thông tư này để xử lý.

Điều 23. Tổ chức thực hiện

1. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phổ biến đến cán bộ, chiến sĩ và tổ chức thực hiện Thông tư này.

2. Cục Tổ chức cán bộ có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

3. Đối với hành vi vi phạm kỷ luật chưa được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này hoặc các văn bản quy phạm pháp luật khác thì Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ (qua Cục Tổ chức cán bộ) để cho ý kiến về hình thức kỷ luật, trước khi lãnh đạo cấp có thẩm quyền quyết định về hình thức kỷ luật.

Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ (qua Cục Tổ chức cán bộ) để tập hợp báo cáo Bộ trưởng xem xét, quyết định./.

 

 

Nơi nhận:
- Các đồng chí Thứ trưởng (để chỉ đạo);
- Các đơn vị trực thuộc Bộ (để thực hiện);
- Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (để thực hiện);
- Lưu: VT, V03, X01(P6).

BỘ TRƯỞNG




Đại tướngTô Lâm

 

Dự thảo 2

PHỤ LỤC

(Ban hành kèm theo Thông tư số   /2018/TT-BCA ngày     tháng     năm 2018  của Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc xử lý kỷ luật cán bộ,    chiến sĩ Công an nhân dân)

I. Cán bộ, chiến sĩ vi phạm một trong các trường hợp sau đây gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

1. Vi phạm về quan điểm chính trị và kỷ luật phát ngôn

a) Lưu trữ trái phép những thông tin có nội dung trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;

b) Phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí không đúng thẩm quyền, trách nhiệm;

c) Vô ý phát ngôn hoặc cung cấp thông tin cho báo chí những thông tin theo quy định được từ chối, không phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

2. Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ

a) Thiếu trách nhiệm trong việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;

b) Bị xúi giục, lôi kéo vào những việc làm trái nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; vi phạm quy chế dân chủ, quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng, các quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác.

3. Vi phạm các quy định về bầu cử

a) Được phân công nhiệm vụ trong tổ chức, thực hiện bầu cử nhưng thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, thẩm định, xem xét hồ sơ xin ứng cử;

b) Thực hiện không đúng, không đầy đủ quy trình, thủ tục về bầu cử dẫn đến sai sót trong quá trình bầu cử;

c) Cố ý không thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình để bầu cử theo quy định của pháp luật hoặc có hành vi làm mất an ninh trật tự nơi bầu cử.

4. Vi phạm các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước

a) Thực hiện không đúng quy định trong soạn thảo, in, sao, chụp tài liệu, vật mang bí mật nhà nước;

b) Phổ biến, nghiên cứu thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước không đúng quy định;

c) Không thực hiện đúng quy định về thống kê, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, giao nhận bí mật nhà nước;

d) Tiêu hủy bí mật nhà nước không đúng theo quy định;

đ) Vào khu vực cấm, địa điểm cấm, nơi bảo quản, lưu giữ, nơi tiến hành các hoạt động có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước mà không được phép;

e) Quay phim, chụp ảnh, vẽ sơ đồ ở khu vực cấm;

g) Làm lộ, lọt thông tin, tài liệu, hình ảnh thuộc phạm vi bí mật nội bộ của lực lượng Công an nhân dân; kết nối máy tính nội bộ vào Internet; lưu giữ thông tin, tài liệu mật trên máy tính có kết nối Internet và những mạng khác có khả năng làm lộ, lọt thông tin, tài liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước.

5. Vi phạm quy định về quan hệ với tổ chức, cá nhân nước ngoài và quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh

a) Đi du lịch, tham quan, học tập, chữa bệnh ở trong nước, ngoài nước bằng nguồn tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài khi chưa được phép của lãnh đạo cấp có thẩm quyền;

b) Quan hệ, tiếp xúc có yếu tố nước ngoài không báo cáo theo quy định Bộ Công an;

c) Được cấp có thẩm quyền giải quyết cho xuất cảnh nhưng ở lại nước ngoài quá thời gian quy định mà không báo cáo, không có lý do chính đáng hoặc xuất cảnh sang nước thứ ba khi chưa được sự đồng ý của lãnh đạo cấp có thẩm quyền;

d) Xuất cảnh khi chưa có quyết định giải quyết của lãnh đạo cấp có thẩm quyền;

đ) Khai không đúng sự thật để được cấp hộ chiếu, giấy tờ khác có giá trị thay hộ chiếu;

e) Cho người nước ngoài nghỉ qua đêm nhưng không khai báo tạm trú, không hướng dẫn người nước ngoài khai báo tạm trú theo quy định hoặc không thực hiện đúng các quy định khác có liên quan của cơ quan có thẩm quyền.

6. Vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán

a) Làm trái quy định trong công tác kiểm tra, thanh tra;

b) Trì hoãn, lẩn tránh, tiêu huỷ hoặc cung cấp không kịp thời, đầy đủ, trung thực các văn bản, tài liệu, số liệu theo yêu cầu của tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm toán hoặc đối phó với đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán dưới mọi hình thức;

c) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với yêu cầu, kiến nghị của đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán hoặc kết luận, quyết định của cấp có thẩm quyền;

d) Thanh tra, kiểm tra vượt quá thẩm quyền, phạm vi, đối tượng, nội dung ghi trong quyết định, kế hoạch mà không được cấp có thẩm quyền cho phép;

đ) Kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán không đúng quy định.

7. Vi phạm về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo

a) Viết đơn tố cáo (hoặc đơn có nội dung tố cáo) giấu tên, mạo tên. Cùng người khác tham gia viết, ký tên trong cùng một đơn tố cáo (hoặc đơn có nội dung tố cáo) sai sự thật;

b) Tham gia hoặc bị người khác xúi giục, cưỡng ép, mua chuộc tham gia khiếu nại, tố cáo đông người gây mất an ninh, trật tự;

c) Tiết lộ các thông tin, tài liệu, chứng cứ của vụ việc cho tổ chức hoặc cá nhân không có trách nhiệm biết;

d) Có trách nhiệm thụ lý, giải quyết tố cáo nhưng tiết lộ họ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và những thông tin, tài liệu khác làm lộ danh tính người tố cáo, nội dung tố cáo; tiết lộ các thông tin, tài liệu, chứng cứ của vụ việc cho tổ chức hoặc cá nhân không có trách nhiệm biết;

đ) Thiếu trách nhiệm, gây phiền hà, sách nhiễu trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc gây khó khăn, nhũng nhiễu đối với cá nhân trong việc thực hiện quyền tố cáo, khiếu nại;

e) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, đầy đủ trách nhiệm bảo vệ người tố cáo; cá nhân có trách nhiệm nhưng tiết lộ họ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và những thông tin, tài liệu khác làm lộ danh tính người tố cáo, nội dung tố cáo;

g) Không thực hiện các yêu cầu, kiến nghị, kết luận, quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về khiếu nại, tố cáo.

8. Vi phạm các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí

a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng tiền, tài sản của tổ chức, cá nhân do mình trực tiếp quản lý trái quy định;

b) Kê khai tài sản và giải trình biến động tài sản, nguồn gốc tài sản không trung thực;

c) Buông lỏng lãnh đạo, quản lý để xảy ra tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, đơn vị, tổ chức do mình trực tiếp phụ trách nhưng không chủ động phát hiện, xử lý;

d) Tổ chức du lịch, tặng quà để lợi dụng người có trách nhiệm dẫn đến việc ban hành quyết định sai, có lợi cho bản thân hoặc cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp mà mình tham gia;

đ) Tổ chức việc giao lưu, liên hoan, gặp mặt để tặng, nhận quà với động cơ vụ lợi;

e) Cán bộ giữ chức vụ từ Trưởng phòng, Trưởng Công an cấp huyện và tương đương trở lên để vợ (hoặc chồng), cha, mẹ đẻ, cha mẹ vợ hoặc chồng, con (con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi, được pháp luận thừa nhận), anh, chị, em ruột của mình hoặc của vợ (hoặc chồng) giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, thủ quỹ, thủ kho hoặc phụ trách giao dịch, mua bán vật tư, hàng hoá, ký kết hợp đồng cho đơn vị, địa phương dưới quyền mình phụ trách;

g) Cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính, bỏ lọt việc xử lý hành vi vi phạm hành chính vì mục đích vụ lợi.

9. Vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao

a) Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong thực thi nhiệm vụ, công vụ hoặc trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ được giao hoặc bỏ vị trí công tác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ;

b) Không hoàn thành nhiệm vụ được giao mà không có lý do chính đáng;

c) Xác nhận giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện;

d) Tự ý nghỉ việc tổng số từ 02 đến 04 ngày làm việc trong vòng 30 ngày (kể cả trường hợp đến trình diện tại đơn vị rồi tiếp tục nghỉ) mà không báo cáo đơn vị hoặc báo cáo nhưng không được cấp có thẩm quyền đồng ý; quá 02 ngày làm việc nhưng không đến Công an đơn vị, địa phương để làm thủ tục nhận công tác theo quyết định điều động hoặc phân công công tác của cấp có thẩm quyền mà không có lý do chính đáng;

đ) Thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quy chế làm việc, quy chế dân chủ ở cơ sở;

e) Không phổ biến kịp thời, chỉ đạo, tổ chức thực hiện không đúng hoặc không chỉ đạo, tổ chức thực hiện Cương lĩnh Chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng, của lãnh đạo cấp trên và cấp mình;

g) Thiếu kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước dẫn đến cấp dưới thực hiện sai hoặc quyết định sai;

h) Giao nhiệm vụ cho cấp dưới không rõ, không đúng quyền hạn dẫn đến cấp dưới vi phạm;

i) Cấp dưới đã báo cáo, xin chỉ thị những vấn đề thuộc thẩm quyền nhưng không kịp thời giải quyết theo quy định để tình trạng đơn, thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa phương, đơn vị;

k) Không chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập thuộc chức trách, nhiệm vụ được giao;

l) Không báo cáo cấp có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị;

Có trách nhiệm nhưng né tránh, không kiểm tra, xem xét, xử lý khi phát hiện cán bộ, chiến sĩ thuộc diện quản lý vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước;

m) Không chấp hành chế độ báo cáo, chế độ thông tin và trả lời chất vấn theo quy định của Đảng và Nhà nước;

Trong thực hiện nhiệm vụ, có vấn đề cần phải báo cáo xin ý kiến cấp trên ngay nhưng không báo cáo kịp thời để chỉ đạo dẫn đến giải quyết công việc chậm trễ gây hậu quả xấu;

n) Làm những việc tuy pháp luật không cấm nhưng ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức, cơ quan, đơn vị, của Đảng, vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; vi phạm nội quy, quy chế, kỷ luật nội bộ cơ quan, đơn vị;

o) Thiếu trách nhiệm dẫn đến thực thi nhiệm vụ, công vụ không đúng quy trình, thủ tục, thời hạn quy định gây hậu quả cho cá nhân, tổ chức;

Trốn tránh nhiệm vụ do cấp trên giao hoặc cố ý không làm đúng theo chương trình, kế hoạch mà tổ chức đã quyết định;

ô) Yêu cầu tổ chức, công dân thực hiện các thủ tục hành chính không đúng quy định.

10. Vi phạm trong công tác phòng, chống tội phạm

a) Thiếu trách nhiệm trong thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước, của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống tội phạm và trong xử lý tin báo tố giác tội phạm;

b) Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu thiếu trách nhiệm, không tổ chức quán triệt, tuyên truyền về công tác phòng, chống tội phạm theo chức trách, nhiệm vụ được giao; không có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hoặc không đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc phòng, chống tội phạm ở địa phương, lĩnh vực, tổ chức, cơ quan, đơn vị được giao trực tiếp phụ trách;

c) Vì thành tích hoặc trốn tránh trách nhiệm mà không báo cáo hoặc báo cáo không kịp thời, đầy đủ về tình hình tội phạm ở địa phương, lĩnh vực, cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao trực tiếp phụ trách;

d) Không tổ chức tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo quy định của pháp luật;

đ) Vi phạm ở mức độ ít nghiêm trọng quy trình, quy chế trong hoạt động điều tra, thi hành án hình sự và hổ trợ tư pháp;

e) Thiếu trách nhiệm trong quản lý, giáo dục để vợ (chồng), con hoặc cấp dưới trực tiếp phạm tội.

11. Vi phạm trong công tác tổ chức, cán bộ

a) Can thiệp, tác động đến tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để bản thân hoặc người khác được bầu, chỉ định, quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đề cử, ứng cử, đi học, đi nước ngoài trái quy định;

b) Chỉ đạo hoặc yêu cầu quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động người có vi phạm, nhưng chưa hết thời hiệu bị kỷ luật không đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định;

c) Thực hiện không đúng nguyên tắc, thủ tục, quy trình về công tác cán bộ; không chấp hành quy định về công tác cán bộ; nhận xét, đánh giá cán bộ không có căn cứ, không khách quan;

d) Không chấp hành quyết định điều động, luân chuyển, phân công công tác, nghỉ chế độ;

đ) Chỉ đạo hoặc thẩm định, tham mưu, đề xuất, thực hiện việc tuyển dụng, tiếp nhận, bố trí công tác, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm, nâng lương, luân chuyển, điều động, khen thưởng, kỷ luật không đúng đối tượng, nguyên tắc, quy trình, quy định; quy hoạch, đào tạo, cử người đi công tác nước ngoài không đủ tiêu chuẩn, điều kiện;

e) Chỉ đạo hoặc thẩm định, tham mưu, đề xuất giải quyết cho cán bộ vi phạm xuất ngũ, chuyển ngành, nghỉ chờ hưu, nghỉ hưu trước hạn tuổi phục vụ cao nhất khi chưa xem xét xử lý kỷ luật;

g) Vi phạm quy định về thẩm tra lý lịch trong Công an nhân dân;

h) Có thay đổi về lý lịch có nội dung liên quan đến tiêu chuẩn về chính trị nhưng không kê khai bổ sung theo quy định.

12. Vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và Qui tắc ứng xử của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân

a) Có thái độ hách dịch, cửa quyền hoặc gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong thi hành công vụ;

b) Thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư hoặc trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

c) Làm tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về các công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, những công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc mình tham gia giải quyết;

d) Mạo danh để tạo thanh thế hoặc mượn danh cơ quan, đơn vị gây ảnh hưởng để giải quyết việc riêng;

đ) Vi phạm quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân đã được pháp luật quy định; các quy định về nội quy, qui tắc, các chuẩn mực, thuần phong mỹ tục tại nơi làm việc, địa điểm công cộng và nơi cư trú;

e) Cán bộ giữ các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy từ cấp đội và tương đương trở lên tham gia góp vốn vào các doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề, địa bàn mà mình trực tiếp thực hiện việc quản lý, phụ trách;

g) Bị khiếu nại, tố cáo do mượn tài sản của tổ chức, cá nhân đi cầm cố, thế chấp khi chưa được người đó đồng ý; vay mượn tiền, tài sản của tổ chức, cá nhân đến thời hạn không trả dẫn đến đơn thư (hoặc các hình thức khác) tố cáo, mặc dù đã được đơn vị nhắc nhở nhưng không thực hiện đúng cam kết trả nợ để tiếp tục phát sinh đơn thư;

h) Thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, liên hệ với đối tượng có nhân thân xấu, có tiền án, tiền sự (trừ trường hợp phục vụ yêu cầu công tác);

i) Tham gia, lôi kéo hoặc tổ chức cho người khác tham gia mạng lưới bán hang đa cấp trái quy định của pháp luật;

k) Biết cha, mẹ đẻ, cha mẹ vợ hoặc chồng, vợ hoặc chồng, con cùng sống trong gia đình tham gia đánh bạc, cho vay nặng lãi dưới mọi hình thức mà không có biện pháp ngăn chặn hoặc không báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

l) Sử dụng điện thoại di động hoặc các thiết bị có kết nối mạng Internet ở những nơi bị cấm đã bị nhắc nhở nhưng tái phạm;

m) Đăng tải, chia sẻ hình ảnh, video clip, bài viết, lời nói, bình luận trái với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên các trang mạng xã hội; chia sẻ (share), thích (like) các trang mạng, bài viết có nội dung chống Đảng, Nhà nước (trừ trường hợp phục vụ yêu cầu công tác hoặc để phản bác các thông tin thù địch, phản động đó); trao đổi, mua bán hàng hóa qua mạng Internet trong giờ làm việc đã được lãnh đạo đơn vị nhắc nhở quá 03 lần nhưng vẫn thực hiện; kinh doanh “tiền ảo” qua mạng Internet;

n) Có các vết trổ (xăm) trên da;

o) Có hoạt động mê tín, dị đoan trái với thuần phong, mỹ tục, ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị;

ô) Bị tổ chức đảng kỷ luật khiển trách về hành vi:

- Làm mất thẻ đảng viên không có lý do chính đáng hoặc sử dụng thẻ đảng viên sai mục đích;

- Thực hiện không đúng quy định về chuyển sinh hoạt đảng của đảng viên hoặc nộp hồ sơ chuyển sinh hoạt đảng không đúng quy định;

- Không thực hiện viết phiếu báo chuyển sinh hoạt đảng của đảng viên.

13. Vi phạm quy định về thi cử và quản lý, cấp phát, sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận, học bạ, bảng điểm

a) Kê khai không đúng hoặc sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận, học bạ, bảng điểm không hợp pháp, trừ trường hợp do nguyên nhân khách quan;

b) Chứng thực, xác nhận văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận, học bạ, bảng điểm trái quy định của pháp luật;

c) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng trách nhiệm cấp phát, chứng nhận bản sao hoặc xác nhận tính hợp pháp của văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận, học bạ, bảng điểm đã cấp;

d) Không lập hoặc lập không đầy đủ hồ sơ theo quy định làm căn cứ để cấp phát, quản lý văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận, học bạ, bảng điểm;

đ) Kê khai không đúng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận;

e) Có trách nhiệm quản lý phôi văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận, học bạ, bảng điểm nhũng thiếu trách nhiệm để người khác lợi dụng sử dụng làm văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận, học bạ, bảng điểm giả;

g) Không chỉ đạo kiểm tra, xem xét, xử lý cán bộ, chiến sĩ vi phạm trong việc quyết định cấp, xác nhận, công chứng hoặc mua văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận, học bạ, bảng điểm không hợp pháp thuộc thẩm quyền của mình;

h) Cố ý lưu giữ văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận, học bạ, bảng điểm đã được cơ quan chức năng xác định là không hợp pháp dù chưa sử dụng vào mục đích gì;

i) Đang tham gia các lớp đào tạo nhưng bị xử lý kỷ luật do vi phạm nội quy học tập; vi phạm quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo bị xử lý bằng các hình thức: đình chỉ thi, hủy bỏ kết quả thi, tước quyền vào học ở các trường Công an nhân dân và tước quyền tham dự kỳ thi trong hai năm tiếp theo;

Bị lập biên bản do vi phạm nội quy, quy định tại phòng thi, điểm thi;

k) Dùng hoặc cho mượn văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận hoặc các giấy tờ khác của ngành công an để thế chấp, vay tiền hoặc làm tin trong giao dịch, trừ trường hợp Bộ Công an có quy định khác.

14. Vi phạm quy định về hôn nhân và gia đình

a) Ép hoặc cản trở kết hôn, ly hôn; để cho con tảo hôn;

b) Trốn tránh nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con, lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên;

c) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung để đăng ký nuôi con nuôi;

d) Có con kết hôn với người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà không báo cáo trung thực bằng văn bản với tổ chức về lai lịch, thái độ chính trị của con dâu (hoặc con rể) và cha, mẹ ruột của họ.

15. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội

a) Vi phạm một trong các quy định về trật tự công cộng sau đây:

- Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;

- Gây mất trật tự ở trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư, trường học, bệnh viện hoặc ở nơi công cộng khác;

- Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau;

- Say rượu, bia gây mất trật tự công cộng;

b) Vi phạm một trong các quy định về đăng ký và quản lý cư trú sau đây:

- Thuê, cho thuê sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật;

- Sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.

c) Vi phạm một trong các quy định về quản lý, sử dụng chứng minh nhân dân, căn cước công dân sau đây:

- Sử dụng chứng minh nhân dân, căn cước công dân của người khác để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật;

- Tẩy xóa, sửa chữa chứng minh nhân dân, căn cước công dân;

- Thuê, mượn hoặc cho người khác thuê, mượn chứng minh nhân dân, căn cước công dân để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.

d) Vi phạm một trong các quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm sau đây:

- Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;

- Trao đổi, mua bán, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp, làm hỏng các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa;

- Không thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền về việc mất các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa;

- Sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được trang cấp trái quy định nhưng chưa gây hậu quả;

- Sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép;

- Giao vũ khí, công cụ hỗ trợ cho người không có đủ điều kiện, tiêu chuẩn sử dụng;

- Không giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định.

đ) Vi phạm một trong các quy định về quản lý và sử dụng con dấu sau đây:

- Khắc các loại con dấu mà không có giấy phép khắc dấu hoặc các giấy tờ khác theo quy định;

- Không thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền về việc mất con dấu đang sử dụng;

- Thiếu tinh thần trách nhiệm để mất con dấu cơ quan đang sử dụng.

e) Vi phạm một trong các quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác sau đây:

- Gây mất mát, hư hỏng hoặc làm thiệt hại tài sản của Nhà nước được giao trực tiếp quản lý;

- Sử dụng trái phép tài sản của người khác.

g) Mua, bán hoặc đổi trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu Công an nhân dân;

h) Môi giới, tiếp tay, chỉ dẫn cho cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ;

i) Thực hiện một trong các hành vi đánh bạc sau đây:

- Đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép;

- Cá cược bằng tiền hoặc dưới các hình thức khác trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí, các hoạt động khác.

16. Vi phạm hành chính về chống bạo lực gia đình

a) Có lời nói lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình;

b) Cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó;

c) Không cho thành viên gia đình thực hiện quyền làm việc;

d) Không cho thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp, lành mạnh;

đ) Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, cha mẹ và con, giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột theo quy định của pháp luật;

e) Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.

17. Vi phạm quy định của pháp luật về thi hành án hành chính

a) Chậm thi hành án;

b) Chấp hành nhưng không đúng nội dung bản án hành chính, quyết định của Tòa án;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc thi hành án hành chính;

d) Từ chối làm việc hoặc không cung cấp, cung cấp nhưng không đầy đủ thông tin, tài liệu có liên quan về quá trình, kết quả thi hành án cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

đ) Có thái độ hách dịch, cửa quyền hoặc gây khó khăn, phiền hà đối với người được thi hành án trong quá trình tổ chức thi hành án;

e) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thi hành án hành chính để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

II. Cán bộ, chiến sĩ vi phạm một trong các trường hợp quy định tại Mục I của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau đây thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo

1. Vi phạm về quan điểm chính trị và kỷ luật phát ngôn

a) Do nhận thức không đúng mà nói, viết, tán phát, xuất bản những thông tin có nội dung trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;

b) Có biểu hiện dao động, giảm sút niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng; không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng;

Phụ họa, a dua theo những quan điểm trái với quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; thiếu trách nhiệm trong đấu tranh chống biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, chống diễn biến hòa bình;

c) Phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí những thông tin mà theo quy định được từ chối, không phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí;

d) Lợi dụng việc phát ngôn, chất vấn, trả lời chất vấn, nhân danh việc phản ánh, góp ý vào các văn bản để đưa ra các quan điểm, thông tin xâm hại uy tín của Đảng, Nhà nước;

đ) Viết, phát tán, lưu hành thông tin, tài liệu có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, vu khống, sai sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân.

2. Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ

a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phủ quyết ý kiến của đa số thành viên khi thông qua nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận thuộc thẩm quyền của tập thể;

b) Lừa dối cấp trên, báo cáo sai, xuyên tạc sự thật; che giấu khuyết điểm, vi phạm của bản thân, của người khác hoặc của tổ chức; tạo thành tích giả; cơ hội, kèn cựa, địa vị, độc đoán, chuyên quyền;

c) Tham gia hoặc xúi giục, lôi kéo, cưỡng ép người khác tham gia các hoạt động gây mất dân chủ, mất đoàn kết nội bộ;

d) Đe dọa trả thù, trù dập người chất vấn, góp ý, phê bình, tố cáo mình dưới mọi hình thức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trấn áp cấp dưới, trù dập người có ý kiến thuộc về thiểu số hoặc trái với ý kiến của mình;

đ) Sử dụng các thiết bị của cá nhân, tập thể lén lút, bí mật ghi âm, ghi hình trong nội bộ (trừ trường hợp thực hiện nhiệm vụ công tác);

e) Cục bộ, bè phái, độc đoán, chuyên quyền trong chỉ đạo, điều hành dẫn đến vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ;

g) Ban hành văn bản hoặc có việc làm trái với nghị quyết, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của cấp ủy, tổ chức đảng;

h) Lợi dụng tập trung dân chủ để vận động cá nhân, chi phối tập thể, quyết định theo ý chí chủ quan làm lợi cho cá nhân, người thân, phe nhóm, dòng họ;

i) Tạo vây cánh, bè phái, nhóm lợi ích, chia rẽ, lôi kéo, mất đoàn kết với đồng nghiệp trong cơ quan, đơn vị;

k) Không chấp hành các quyết định lãnh đạo, chỉ đạo, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của tổ chức đảng cấp trên và cấp mình;

l) Cố ý nói và làm trái nghị quyết, quyết định, kết luận đã được tập thể thống nhất thông qua.

3. Vi phạm các quy định về bầu cử

a) Tự ứng cử, nhận đề cử và đề cử các chức danh trong Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội (theo quy định phải do tổ chức đảng giới thiệu) khi chưa được tổ chức đảng có thẩm quyền cho phép;

b) Có trách nhiệm thẩm định, xét duyệt nhân sự, nhưng cố tình đưa người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để bầu vào các chức danh lãnh đạo của tổ chức đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tổ chức chính trị - xã hội;

c) Không trung thực trong việc kiểm phiếu, công bố kết quả bầu cử; có hành vi gian dối trong thực hiện các quy định về bầu cử;

d) Không trung thực trong việc kê khai, nhận xét, xác nhận hoặc thẩm định hồ sơ, lý lịch, tài sản, thu nhập của người ứng cử theo quy định về bầu cử;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình hoặc ảnh hưởng của người khác tác động, gây áp lực đến cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để đề cử người thân hoặc nhân sự theo ý muốn chủ quan của mình vào các chức danh lãnh đạo của tổ chức đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội.

4. Vi phạm các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước

a) Cung cấp bí mật nhà nước cho cơ quan, tổ chức, công dân ở trong nước và nước ngoài không đúng theo quy định;

b) Mang bí mật nhà nước ra nước ngoài mà không được phép của cơ quan và người có thẩm quyền;

c) Quay phim, chụp ảnh, vẽ sơ đồ ở khu vực cấm liên quan đến quốc phòng, an ninh;

d) Vô ý làm mất, lộ bí mật nhà nước có độ “Mật” nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.

5. Vi phạm quy định về quan hệ với tổ chức, cá nhân nước ngoài và quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh

a) Có tiền, kim loại quý, đá quý, các giấy tờ có giá trị như tiền đang gửi ở ngân hàng nước ngoài trái quy định của Nhà nước;

b) Chuyển tiền, tài sản cho người nước ngoài ra nước ngoài trái quy định;

c) Làm tư vấn, cộng tác với các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, dịch vụ và tổ chức, cá nhân nước ngoài không báo cáo hoặc khi chưa được sự đồng ý của lãnh đạo cấp có thẩm quyền;

d) Liên doanh, liên kết, ký kết hợp đồng kinh doanh, đầu tư vốn dưới mọi hình thức với cá nhân, tổ chức nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà không báo cáo hoặc khi chưa được sự đồng ý của lãnh đạo cấp có thẩm quyền;

đ) Xuất cảnh khi chưa có quyết định giải quyết của lãnh đạo cấp có thẩm quyền đến lần thứ hai;

e) Nhận tiền, vật có giá trị như tiền, hàng của cá nhân, tổ chức nước ngoài trái quy định của Nhà nước và Bộ Công an;

g) Qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định;

h) Cho người khác sử dụng hộ chiếu, giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật;

i) Tẩy xóa, sửa chữa hoặc làm sai lệch nội dung, hình thức trong hộ chiếu hoặc các giấy tờ khác có giá trị thay thế hộ chiếu.

6. Vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán

a) Lợi dụng vị trí công tác can thiệp, áp đặt việc xây dựng kế hoạch, việc tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, việc thực hiện kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để làm trái pháp luật; sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán;

c) Tiết lộ, cung cấp thông tin, tài liệu trái quy định về kế hoạch, nội dung thanh tra, kiểm tra, kiểm toán khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc về nội dung kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán khi chưa được người có thẩm quyền ký duyệt hay chưa được phép công bố;

d) Tham mưu cho lãnh đạo cấp có thẩm quyền kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán không đúng quy định.

7. Vi phạm về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo

a) Cố ý trì hoãn hoặc trốn tránh trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo;

b) Làm sai lệch hồ sơ tài liệu trong quá trình thẩm tra, xác minh, kết luận, kiến nghị giải quyết khiếu nại,tố cáo; báo cáo kết quả thẩm tra, xác minh không đúng sự thật;

c) Cố ý không thực hiện hoặc không chấp hành quyết định cuối cùng của cấp có thẩm quyền về giải quyết khiếu nại, tố cáo;

d) Vu cáo, vu khống hoặc cản trở người đang làm nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc can thiệp trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra; tung tin sai sự thật về việc tố cáo và giải quyết tố cáo.

8. Vi phạm các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí

a) Tạo điều kiện để cha, mẹ đẻ, cha mẹ vợ hoặc chồng, vợ (chồng), con (con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi được pháp luật thừa nhận), anh, chị, em ruột của bản thân, của vợ hoặc chồng thực hiện các dự án, kinh doanh các ngành nghề thuộc lĩnh vực mình hoặc đơn vị mình trực tiếp phụ trách trái quy định nhằm trục lợi;

b) Dùng công quỹ của Nhà nước, tập thể hoặc tiền, tài sản của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp, tài trợ để giao dịch, biếu xén hoặc sử dụng trái quy định;

c) Biết mà không báo cáo, phản ánh, xử lý các hành vi tham nhũng; không thực hiện các quy định về bảo vệ người chống tham nhũng, lãng phí;

d) Quyết định, phê duyệt hoặc tổ chức thực hiện dự án đầu tư gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước; đầu tư công tràn lan không hiệu quả; chi tiêu công quỹ trái quy định;

đ) Không kê khai tài sản, kê khai tài sản không trung thực;

e) Đưa, nhận, môi giới hối lộ có giá trị dưới 02 triệu đồng.

9. Vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao

a) Cấp giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện;

b) Sử dụng thông tin, tài liệu của cơ quan, tổ chức, đơn vị để vụ lợi;

c) Tự ý nghỉ việc tổng số từ 05 đến 08 ngày làm việc trong vòng 30 ngày (kể cả trường hợp đến trình diện tại đơn vị rồi tiếp tục nghỉ) mà không báo cáo đơn vị hoặc báo cáo nhưng không được cấp có thẩm quyền đồng ý; quá 05 ngày làm việc nhưng không đến Công an đơn vị, địa phương để làm thủ tục nhận công tác theo quyết định điều động hoặc phân công công tác của cấp có thẩm quyền mà không có lý do chính đáng;

d) Được giao quản lý nhưng có hành vi chiếm giữ, cho thuê, cho mượn tài sản, cho vay quỹ của Nhà nước, cơ quan, đơn vị, tổ chức được giao quản lý, sử dụng trái quy định;

đ) Thiếu kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong phạm vi trực tiếp lãnh đạo, quản lý hoặc được phân công phụ trách;

e) Chỉ đạo thực hiện trái quy định của Đảng và Nhà nước hoặc không rõ, không nhất quán, gây thất thoát, lãng phí ngân sách, tài sản của Đảng, Nhà nước; cố ý tham mưu, đề xuất trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản trái pháp luật;

g) Thiếu trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý để đơn vị xảy ra mất đoàn kết nghiêm trọng, vi phạm pháp luật, quy trình, quy định công tác, tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực khác;

h) Người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị báo cáo cấp có thẩm quyền sai sự thật; không giải quyết kịp thời những tồn tại ở cơ quan, đơn vị ḿnh phụ trách dẫn đến có nhiều vi phạm nghiêm trọng, mất đoàn kết nội bộ hoặc khiếu nại, tố cáo đông người;

i) Để cấp phó, người đại diện làm trái chế độ, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ, thực thi công vụ;

k) Không thực hiện nhiệm vụ được giao mà không có lý do chính đáng;

l) Trốn tránh trách nhiệm về những hậu quả do mình gây ra trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn;

m) Lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn, sử dụng thông tin, tài liệu, phương tiện liên quan đến thực thi công vụ để vụ lợi hoặc làm tổn hại nghiêm trọng đến danh dự, uy tín của cơ quan, đơn vị.

10. Vi phạm trong công tác phòng, chống tội phạm

a) Không thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao về phòng, chống tội phạm hoặc thực hiện không đầy đủ, không đúng, không kịp thời các quy định về thanh tra, kiểm tra, điều tra, giám định, truy tố, xét xử, thi hành án và trong việc xét đặc xá, ân giảm đối với các loại tội phạm;

b) Để vợ (chồng), con lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình tổ chức, thực hiện các hoạt động vi phạm pháp luật nghiêm trọng, hoặc để cấp dưới trực tiếp phạm tội nghiêm trọng hoặc bản thân bao che các vụ việc vi phạm pháp luật xảy ra trong cơ quan, đơn vị, lĩnh vực, địa bàn phụ trách;

c) Báo cáo không đầy đủ, trung thực về tình hình tội phạm xảy ra trong địa bàn, lĩnh vực, cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân công trực tiếp phụ trách nhằm che giấu, trốn tránh trách nhiệm hoặc vì thành tích, thi đua;

d) Bỏ lọt tội phạm, cản trở, gây khó khăn, trở ngại trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xét đặc xá, ân giảm hoặc để hư hỏng, mất, thất lạc hồ sơ, tài liệu, chứng cứ của vụ án;

đ) Trả thù, trù dập hoặc mua chuộc người tố giác, người tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của mình hoặc của người khác;

e) Chỉ đạo, ép buộc cấp dưới do mình trực tiếp phụ trách thực hiện sai quy định dẫn đến làm sai lệch kết quả điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hoặc xét đặc xá, ân giảm không đúng quy định;

g) Chỉ đạo, quyết định hoặc đề xuất thay đổi biện pháp ngăn chặn trái quy định của pháp luật đối với người phạm tội;

h) Bảo kê, bao che, tiếp tay cho các hoạt động vi phạm pháp luật;

i) Cố ý tham mưu việc quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án, khởi tố bị can hoặc tạm giữ, tạm giam người trái quy định của pháp luật hoặc vi phạm ở mức độ nghiêm trọng quy trình, quy chế trong hoạt động điều tra, thi hành án hình sự và hổ trợ tư pháp.

11. Vi phạm trong công tác tổ chức, cán bộ

a) Vì động cơ cá nhân mà điều động, cho thôi việc, cho thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, kỷ luật, giải quyết chế độ, chính sách không đúng quy định;

b) Lợi dụng các quy định về luân chuyển, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, chiến sĩ để làm trái quy định hoặc trù dập cán bộ;

c) Bao che cho cán bộ, chiến sĩ đang bị điều tra, thanh tra, kiểm tra, bị xem xét kỷ luật;

d) Thiếu trách nhiệm hoặc vì động cơ cá nhân mà chỉ đạo hoặc thực hiện việc thẩm định, đề xuất, quyết định việc tuyển sinh, tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, giới thiệu bầu, ứng cử, khen thưởng không đúng tiêu chuẩn, điều kiện hoặc quyết định kỷ luật oan sai đối với cán bộ, chiến sĩ;

đ) Khai man thương tật, khai khống thành tích, quá trình công tác để được phong hàm, bổ nhiệm, nâng lương, khen thưởng, công nhận danh hiệu hoặc được hưởng chế độ, chính sách trái quy định;

e) Sử dụng các giấy tờ không hợp pháp để đề nghị cải chính ngày tháng năm sinh không đúng thực tế hoặc cố ý sửa chữa, tẩy xóa, thay đổi giấy tờ, tài liệu, kê khai không đúng sự thật hồ sơ cán bộ;

g) Khai man, che giấu lý lịch vi phạm tiêu chuẩn về chính trị theo quy định hiện hành nhưng chưa đến mức chuyển ra ngoài lực lượng Công an nhân dân;

h) Cố ý hoặc vì động cơ cá nhân mà vi phạm quy định về thẩm tra lý lịch dẫn đến tuyển người vi phạm tiêu chuẩn về chính trị vào Công an nhân dân;

i) Cố ý tham mưu cho cấp trên quyết định hoặc cho ý kiến về công tác tổ chức, cán bộ không đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục, thẩm quyền, tiêu chuẩn;

k) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn người đứng đầu để quyết định không đúng nguyên tắc, quy định, thẩm quyền về công tác tổ chức, cán bộ;

l) Thiếu trung thực, gương mẫu, biết mình không đủ tiêu chuẩn, điều kiện nhưng vẫn tìm mọi cách để các cơ quan chức năng tiếp nhận, tuyển dụng, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu bầu, ứng cử, khen thưởng, thăng cấp bậc hàm đối với mình trái quy định;

m) Thiếu trách nhiệm hoặc do động cơ cá nhân làm thất lạc, mất hồ sơ cán bộ, đảng viên, tài liệu hồ sơ của tổ chức đảng thuộc trách nhiệm quản lý; cung cấp hồ sơ cán bộ, hồ sơ đảng viên cho người không có trách nhiệm biết trái quy định; làm sai lệch hoặc tự ý sửa chữa tài liệu, hồ sơ đảng viên, cán bộ.

12. Vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và qui tắc ứng xử của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân

a) Dùng tiền công quỹ, nhà đất hoặc tài sản của cơ quan, tổ chức hoặc lợi dụng công sức của người do mình quản lý để thu lợi bất chính;

b) Nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.

13. Vi phạm quy định về thi cử và quản lý, cấp phát, sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận, học bạ, bảng điểm

a) Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp để đưa vào hồ sơ đề nghị phong tặng, bổ nhiệm, luân chuyển, cử đi học, thăng hàm, nâng lương hoặc công nhận các danh hiệu của Đảng và Nhà nước;

b) Thiếu trách nhiệm làm mất, hỏng nội dung hồ sơ mà mình có trách nhiệm quản lý để cấp văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận;

c) Can thiệp đến cá nhân, tổ chức để bản thân hoặc người khác được xác nhận hoặc cấp văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận, học bạ, bảng điểm không hợp pháp, không đúng đối tượng;

d) Ký, cấp văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận, bảng điểm cho người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện; ra quyết định hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định cấp văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận, bảng điểm trái pháp luật;

đ) Nhờ hoặc thuê người khác học; học hộ hoặc học thuê cho người khác;

e) Cho người khác sử dụng văn bằng, chứng chỉ của mình để sử dụng trong việc tuyển dụng, đi học, bổ nhiệm, bầu cử hoặc các mục đích trái quy định.

14. Vi phạm quy định về hôn nhân và gia đình

a) Vi phạm trong việc sửa chữa, làm sai lệch nội dung hoặc giả mạo giấy tờ để đăng ký kết hôn, ly hôn;

b) Thiếu trách nhiệm, xác nhận không đúng tình trạng hôn nhân dẫn đến việc đăng ký kết hôn bất hợp pháp;

c) Giả mạo giấy tờ, khai gian dối hoặc có hành vi lừa dối người khác về tình trạng hôn nhân khi đăng ký kết hôn, khi đăng ký nhận nuôi con nuôi;

d) Môi giới kết hôn giữa người Việt Nam và người nước ngoài trái với quy định của pháp luật Việt Nam;

đ) Quan hệ với người khác dẫn đến có thai, có con ngoài hôn nhân;

e) Sống chung như vợ chồng, đăng ký kết hôn, có con chung hoặc tiến hành tổ chức lễ cưới với người khác không báo cáo tổ chức hoặc có báo cáo nhưng chưa được sự đồng ý của tổ chức.

15. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội

a) Vi phạm một trong các quy định về trật tự công cộng sau đây:

- Lôi kéo hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng;

- Thuê hoặc lôi kéo người khác đánh nhau;

- Gây rối trật tự tại nơi tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế;

- Xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác;

b) Vi phạm một trong các quy định về đăng ký và quản lý cư trú sau đây:

- Khai man, giả mạo hồ sơ, giấy tờ để được đăng ký thường trú, tạm trú, cấp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú;

- Làm giả sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc giả mạo điều kiện để được đăng ký thường trú;

- Sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giả;

- Cho người khác đăng ký cư trú vào chỗ ở của mình để vụ lợi hoặc trong thực tế người đăng ký cư trú không sinh sống tại chỗ ở đó;

-Cho người nước ngoài thuê nhà để ở nhưng không khai báo tạm trú;

- Tổ chức kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, môi giới, cưỡng bức người khác vi phạm pháp luật về cư trú.

c) Vi phạm một trong các quy định về quản lý, sử dụng chứng minh nhân dân, căn cước công dân sau đây:

- Khai man, giả mạo hồ sơ, cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được cấp chứng minh nhân dân, căn cước công dân;

- Sử dụng chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân giả.

d) Vi phạm một trong các quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm sau đây:

- Mua, bán các loại phế liệu, phế phẩm là vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;

- Vi phạm các quy định an toàn về vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;

- Sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm;

- Làm mất vũ khí, công cụ hỗ trợ;

- Sản xuất, sửa chữa các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép;

- Sản xuất, sửa chữa các loại đồ chơi đã bị cấm;

- Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép;

- Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép vũ khí thể thao;

- Vận chuyển vũ khí, các chi tiết vũ khí quân dụng, phụ kiện nổ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép hoặc có giấy phép nhưng không thực hiện đúng quy định trong giấy phép hoặc không có các loại giấy tờ khác theo quy định của pháp luật;

- Sản xuất, chế tạo, sửa chữa vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, súng săn trái phép;

- Mang vào hoặc mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép vũ khí, súng săn, công cụ hỗ trợ, các loại pháo, thuốc pháo, đồ chơi nguy hiểm.

đ) Vi phạm một trong các quy định về quản lý và sử dụng giấy tờ, tài liệu, con dấu sau đây:

- Đóng dấu vào văn bản, giấy tờ chưa có chữ ký của người có thẩm quyền hoặc không đúng chữ ký của người có thẩm quyền hoặc chữ ký của người không có thẩm quyền;

- Tự ý mang con dấu ra khỏi cơ quan, đơn vị mà không được phép của cấp có thẩm quyền.

- Sử dụng các giấy tờ, tài liệu của cơ quan, đơn vị không đúng mục đích để trục lợi cá nhân.

e) Vi phạm một trong các quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác sau đây:

- Công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác;

- Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác;

- Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác.

g) Sản xuất trái phép hoặc làm giả trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu Công an nhân dân; cho người khác sử dụng trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu Công an nhân dân để người đó thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

h) Thực hiện một trong các hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ sau đây:

- Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ;

- Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ;

- Xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

i) Vi phạm một trong các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy sau đây:

- Vi phạm các quy định về nghiên cứu, giám định, sản xuất, bảo quản chất ma túy, tiền chất ma túy;

- Vi phạm các quy định về giao nhận, tàng trữ, vận chuyển chất ma túy, tiền chất ma túy;

k) Thực hiện một trong các hành vi liên quan đến mua dâm sau đây:

- Mua dâm;

- Lôi kéo hoặc ép buộc người khác cùng mua dâm.

l) Thực hiện một trong các hành vi đánh bạc sau đây:

- Mua các số lô, số đề;

- Đánh bạc bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế hoặc các hình thức khác mà được, thua bằng tiền, hiện vật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Bán bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề.

16. Vi phạm hành chính về chống bạo lực gia đình

a) Đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình;

b) Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân;

c) Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người già, yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ;

d) Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

đ) Sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình;

e) Phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh, âm thanh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân;

g) Buộc thành viên gia đình phải chứng kiến cảnh bạo lực đối với người, con vật;

h) Ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;

i) Không cho thành viên gia đình sử dụng tài sản chung vào mục đích chính đáng;

k) Buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ hoặc thường xuyên đe dọa bằng bạo lực để buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ;

l) Đe dọa người ngăn chặn, phát hiện, báo tin bạo lực gia đình, người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình;

m) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm người ngăn chặn, phát hiện, báo tin bạo lực gia đình, người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình;

n) Kích động, xúi giục, giúp sức hoặc cưỡng bức người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình;

o) Biết hành vi bạo lực gia đình, có điều kiện ngăn chặn mà không ngăn chặn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng;

p) Biết hành vi bạo lực gia đình mà không báo tin cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền;

q) Cản trở người khác phát hiện, khai báo, tố giác hành vi bạo lực gia đình.

17. Vi phạm quy định của pháp luật về thi hành án hành chính

a) Sau khi có quyết định buộc thi hành án hành chính mà vẫn không chấp hành án, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án gây hậu quả ít nghiêm trọng;

b) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thi hành án hành chính để xảy ra hậu quả rất nghiêm trọng.

III. Cán bộ, chiến sĩ vi phạm một trong các trường hợp quy định tại Mục II của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau đây thì kỷ luật bằng hình thức giáng cấp bậc hàm hoặc hạ bậc lương (áp dụng đối với trường hợp có bậc lương cao hơn lương cấp bậc hàm), nếu có chức vụ thì giáng chức và giáng cấp bậc hàm (áp dụng đối với trường hợp chức vụ sau khi giáng chức có trần cấp bậc hàm cao nhất theo quy định thấp hơn cấp bậc hàm mà cán bộ đang giữ)

1. Vi phạm về quan điểm chính trị và kỷ luật phát ngôn

a) Phụ họa theo những quan điểm trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;

b) Bị xúi giục, kích động mà ép buộc người khác nói, viết, lưu giữ, tán phát, xuất bản, cung cấp những thông tin, tài liệu, hiện vật có nội dung trái Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;

c) Phát ngôn, đăng tải các tin, bài viết, bình luận sai lệch hoặc chia sẻ hình ảnh, thông tin, bài viết liên quan đến tình hình an ninh trật tự, kinh tế, chính trị, xã hội không đúng sự thật làm ảnh hưởng xấu đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và lực lượng Công an nhân dân;

d) Cung cấp thông tin gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ đối ngoại, trật tự an toàn xã hội;

e) Tàng trữ, tuyên truyền, tán phát hoặc xúi giục người khác tuyên truyền, tán phát thông tin, tài liệu dưới mọi hình thức để truyền bá những quan điểm trái với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

2. Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ

a) Không thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước;

b) Lợi dụng quyền dân chủ để lôi kéo nhiều người tham gia hoặc vì lợi ích nhóm hoặc lợi ích cục bộ gây mất đoàn kết trong tổ chức, cơ quan, đơn vị nơi mình công tác.

3. Vi phạm các quy định về bầu cử

a) Tổ chức lực lượng, phe nhóm, dòng họ, để vận động người tự ứng cử, nhận đề cử và đề cử vào các chức danh của tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trái quy định;

b) Có hành vi mua chuộc, xúi giục, cưỡng ép người khác hoặc vận động bầu cử trái quy định; cản trở, đe dọa người khác thực hiện quyền ứng cử, đề cử hoặc bầu cử theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

4. Vi phạm các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước

a) Vô ý làm mất, lộ bí mật nhà nước có độ “Tối mật”, “Tuyệt mật” nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Tàng trữ, phát tán tài liệu bí mật nhà nước có độ “Tối mật”, “Tuyệt mật” làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, lợi ích của nhà nước nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.

5. Vi phạm quy định về quan hệ với tổ chức, cá nhân nước ngoài và quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh

a) Lợi dụng quan hệ, tiếp xúc với tổ chức, cá nhân nước ngoài khi thực hiện nhiệm vụ công tác để giải quyết việc riêng;

b) Duy trì quan hệ với tổ chức, cá nhân nước ngoài sau khi hoàn thành nhiệm vụ công tác để giải quyết việc riêng trái quy định;

c) Xuất cảnh khi chưa có quyết định giải quyết của lãnh đạo cấp có thẩm quyền đến lần thứ ba;

d) Giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác đi nước ngoài, ở lại nước ngoài, vào Việt Nam, ở lại Việt Nam hoặc qua lại biên giới quốc gia trái phép;

đ) Bảo lãnh hoặc làm thủ tục cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, xin cấp thị thực, cấp thẻ tạm trú, gia hạn tạm trú, giấy tờ có giá trị nhập cảnh, cư trú tại Việt Nam nhưng không thực hiện đúng trách nhiệm theo quy định của pháp luật hoặc khai không đúng sự thật khi bảo lãnh, mời hoặc làm thủ tục cho người nước ngoài nhập cảnh, xin cấp thị thực, cấp thẻ tạm trú, gia hạn tạm trú, giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam;

e) Giả mạo hồ sơ, giấy tờ để được cấp hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay hộ chiếu;

g) Làm giả hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay hộ chiếu, thị thực, thẻ tạm trú, thẻ thường trú hoặc dấu kiểm chứng;

h) Sử dụng hộ chiếu hoặc các giấy tờ khác có giá trị thay hộ chiếu của người khác để xuất cảnh;

i) Sử dụng hộ chiếu giả, giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu giả, thị thực giả, dấu kiểm chứng giả để xuất cảnh, quá cảnh.

6. Vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán

a) Chiếm giữ, tiêu hủy tài liệu, vật chứng, làm sai lệch hồ sơ liên quan đến nội dung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán;

b) Phát hiện hành vi vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đến mức phải xử lý mà không chỉ đạo, quyết định hoặc không kiến nghị xử lý;

c) Giấu giếm, sửa chữa chứng từ, sổ sách hoặc thay đổi, tiêu hủy chứng cứ nhằm đối phó với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

7. Vi phạm về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo

a) Có hành vi đe dọa, trả thù, trù dập, xúc phạm người phát hiện, báo cáo, tố giác, tố cáo, cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ về hành vi tham nhũng, tiêu cực hoặc người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo;

b) Kích động, xúi giục, mua chuộc, cưỡng ép người khác khiếu nại, tố cáo;

c) Tố cáo mang tính bịa đặt, vu khống, đả kích có dụng ý xấu, bôi nhọ thanh danh, gây tổn hại đến danh dự, nhân phẩm của người khác.

8. Vi phạm các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí

a) Môi giới làm thủ tục hành chính hoặc lợi dụng vị trí công tác để môi giới hưởng thù lao dưới mọi hình thức trái quy định. Đưa, nhận hoa hồng hoặc môi giới đưa, nhận hoa hồng trái quy định. Nhũng nhiễu, vòi vĩnh khi thực hiện công vụ;

b) Chủ trì, tham mưu, đề xuất, tham gia ban hành các chế độ, chính sách, quy trình, thủ tục trái quy định tạo lợi ích nhóm hoặc lợi ích cục bộ nhằm trục lợi;

c) Tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh việc kê khai tài sản, thu nhập; đối phó, cản trở việc kiểm tra, giám sát, xác minh tài sản, thu nhập;

d) Mở tài khoản ở nước ngoài trái quy định; tham gia các hoạt động rửa tiền;

đ) Cố ý không chỉ đạo và tổ chức thực hiện thu hồi hoặc cản trở hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác hoặc giả mạo trong công tác để trục lợi hoặc khi thi hành nhiệm vụ, công vụ, sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước, của tập thể nhằm trục lợi;

h) Giả mạo hoặc sử dụng chứng từ giả vì mục đích vụ lợi nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

9. Vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao

a) Lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền ban hành các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, chính sách, chế độ sai trái vì lợi ích nhóm hoặc lợi ích cục bộ;

b) Lợi dụng danh nghĩa, phương tiện cơ quan, trụ sở làm việc, cơ sở sản xuất kinh doanh của đơn vị mình công tác hoặc phụ trách để bao che, tiếp tay cho hành vi buôn lậu, sản xuất hàng giả, buôn bán hàng cấm hoặc hoạt động có tính chất tệ nạn xã hội;

c) Lợi dụng vị trí công tác, cố ý làm trái pháp luật với mục đích vụ lợi;

d) Tự ý nghỉ việc tổng số từ 09 đến 15 ngày làm việc trong vòng 30 ngày (kể cả trường hợp đến trình diện tại đơn vị rồi tiếp tục nghỉ) mà không báo cáo đơn vị hoặc báo cáo nhưng không được cấp có thẩm quyền đồng ý; quá 09 ngày làm việc nhưng không đến Công an đơn vị, địa phương để làm thủ tục nhận công tác theo quyết định điều động hoặc phân công công tác của cấp có thẩm quyền;

đ) Bao che, tiếp tay cho hành vi vi phạm nghiêm trọng của cấp dưới, dẫn đến người vi phạm đến mức phải xử lý bằng pháp luật hình sự;

e) Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương cố tình báo cáo sai sự thật, che giấu hành vi vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc che giấu tình trạng mất đoàn kết nội bộ kéo dài ở nơi mình trực tiếp phụ trách;

g) Trực tiếp gây ra hoặc do quan liêu, thiếu trách nhiệm để cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình trực tiếp phụ trách mất đoàn kết nghiêm trọng;

h) Người đứng đầu doanh nghiệp thiếu trách nhiệm hoặc cố ý làm trái các quy định dẫn đến đơn vị sản xuất, kinh doanh thua lỗ kéo dài, vi phạm pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tiền, tài sản của Nhà nước, của tập thể và cá nhân người lao động.

10. Vi phạm trong công tác phòng, chống tội phạm

a) Chỉ đạo, ép buộc cấp dưới do mình trực tiếp phụ trách trả thù cán bộ điều tra vụ việc vi phạm pháp luật xảy ra ở tổ chức, cơ quan, đơn vị được giao trực tiếp phụ trách;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của Bộ Công an trong hoạt động nghiệp vụ hoặc trái quy định của pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự;

c) Ép buộc, mua chuộc cá nhân hoặc tổ chức để bao che, giảm tội cho người khác hoặc bản thân mình;

d) Thiếu trách nhiệm để người bị giam giữ bỏ trốn nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

đ) Cố ý không quyết định khởi tố, điều tra dẫn đến hết thời hiệu xử lý vụ việc vi phạm hoặc quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can trái quy định của pháp luật hoặc vi phạm ở mức độ rất nghiêm trọng quy trình, quy chế trong hoạt động điều tra, thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp.

11. Vi phạm trong công tác tổ chức, cán bộ

a) Có hành vi chạy chức, bằng cấp, vị trí công tác, luân chuyển; mua chuộc để bản thân hoặc người khác được quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, khen thưởng, chuyển đổi vị trí công tác;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác để can thiệp trái quy định vào việc tiếp nhận, tuyển dụng, tiếp nhận, bổ nhiệm, bố trí, sắp xếp, điều động cán bộ;

c) Chỉ đạo hoặc thực hiện việc tiếp nhận, tuyển sinh, tuyển dụng, bố trí, sắp xếp vào làm việc tại cơ quan, đơn vị, tổ chức mình những người mà pháp luật không cho phép;

12. Vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và qui tắc ứng xử của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân

a) Dùng công quỹ của Nhà nước, tập thể hoặc tiền, tài sản của các tổ chức, cá nhân đóng góp để giao dịch, biếu xén, hối lộ hoặc sử dụng trái quy định;

b) Lợi dụng việc tặng quà, nhận quà tặng để hối lộ;

c) Nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình;

d) Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

đ) Sử dụng giấy tờ, vật dụng do ngành Công an cấp hoặc bản scan, bản sao, bản photocopy các giấy tờ, vật dụng đó để thế chấp, cầm cố vay tiền, tài sản của tổ chức, cá nhân;

e) Bị tổ chức đảng kỷ luật vì dùng thẻ đảng viên để vay tiền hoặc tài sản;

g) Tham gia góp vốn, điều hành cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cho vay nặng lãi; sử dụng các hành vi trái pháp luật để đòi nợ dưới mọi hình thức.

13. Vi phạm quy định về thi cử và quản lý, cấp phát, sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận, học bạ, bảng điểm

a) Làm công tác tuyển dụng, xét tuyển, đào tạo nhưng cố ý để những người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận, học bạ không hợp pháp được dự thi tuyển, xét tuyển đi học;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn bao che cho cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền quản lý sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận, học bạ, bảng điểm không hợp pháp;

c) Cán bộ, chiến sĩ đang công tác mà sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận, học bạ không hợp pháp đưa vào hồ sơ cá nhân nhằm hoàn thiện tiêu chuẩn để được đi học, thăng cấp, nâng lương, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, chỉ huy;

d) Nhờ hoặc thuê người khác thi; thi hộ hoặc thi thuê cho người khác;

đ) Làm giả hoặc cố ý sửa chữa, bổ sung, xác nhận sai sự thật làm sai lệch hồ sơ để cấp có thẩm quyền cấp phát văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận, bảng điểm cho người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; sửa chữa, bổ sung làm sai lệch các nội dung trong văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận phục vụ cho hành vi trái pháp luật.

14. Vi phạm quy định về hôn nhân và gia đình

a) Đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc sống chung như vợ chồng hoặc quan hệ nam nữ bất chính, quan hệ đồng giới với người khác; chưa có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc sống chung như vợ chồng hoặc quan hệ nam nữ bất chính, quan hệ đồng giới với người đang có chồng, có vợ;

b) Ép buộc con làm những việc trái đạo lý, trái pháp luật;

c) Kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà không báo cáo bằng văn bản với tổ chức hoặc đã báo cáo nhưng tổ chức có thẩm quyền không đồng ý nhưng vẫn cố tình kết hôn;

d) Quan hệ với người khác dẫn đến có thai, có con ngoài hôn nhân nhưng từ chối kết hôn.

15. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội

a) Làm giả chứng minh nhân dân, căn cước công dân;

b) Khắc dấu giả hoặc sử dụng con dấu giả;

c) Thực hiện một trong các hành vi gây thiệt hại đến tài sản của người khác sau đây:

- Dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản;

- Gian lận hoặc lừa đảo trong việc môi giới, hướng dẫn giới thiệu dịch vụ mua, bán nhà, đất hoặc các tài sản khác;

- Mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có;

- Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.

d) Thực hiện một trong các hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ sau đây:

- Dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ;

- Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ;

- Đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính.

đ) Vi phạm một trong các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy sau đây:

- Sản xuất, mua, bán những dụng cụ sử dụng chất ma túy trái quy định của pháp luật;

- Cung cấp trái pháp luật địa điểm, phương tiện cho người khác sử dụng trái phép chất ma túy;

- Chuyển chất ma túy, chất hướng thần hoặc các chất ma túy khác cho người không được phép cất giữ, sử dụng.

e) Thực hiện một trong các hành vi mua, bán dâm và các hành vi khác liên quan đến mua, bán dâm sau đây:

- Lôi kéo người khác bán dâm;

- Môi giới mua dâm, bán dâm nhưng không thường xuyên.

g) Thực hiện một trong các hành vi liên quan đến đánh bạc sau đây:

- Nhận gửi tiền, cầm đồ, cho vay tại sòng bạc, nơi đánh bạc khác;

- Che giấu việc đánh bạc trái phép;

- Dùng nhà, chỗ ở của mình hoặc phương tiện, địa điểm khác để chứa bạc;

- Đặt máy đánh bạc, trò chơi điện tử trái phép;

- Tổ chức hoạt động cá cược ăn tiền trái phép.

h) Làm giả các loại giấy tờ, chữ ký của người khác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

i) Vi phạm một trong các quy định trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông sau đây:

- Tham gia giao thông gây tai nạn làm người khác bị thương nhưng bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc rời khỏi khỏi hiện trường không có lý do chính đáng, cố ý không cứu giúp người bị nạn;

- Điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, gây tai nạn làm người khác bị thương.

16. Vi phạm hành chính về chống bạo lực gia đình

a) Cưỡng ép thành viên gia đình thực hiện các hành động khiêu dâm, sử dụng các loại thuốc kích dục;

b) Có hành vi kích động tình dục hoặc lạm dụng thân thể đối với thành viên gia đình mà thành viên đó không phải là vợ, chồng;

c) Cưỡng ép người khác kết hôn, ly hôn, tảo hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần hoặc bằng thủ đoạn khác;

d) Cản trở người khác kết hôn, ly hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác;

đ) Hành hung người ngăn chặn, phát hiện, báo tin bạo lực gia đình, người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình;

e) Đập phá, hủy hoại tài sản của người ngăn chặn, phát hiện, báo tin bạo lực gia đình, người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình;

g) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;

h) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.

17. Vi phạm quy định của pháp luật về thi hành án hành chính

a) Sau khi có quyết định buộc thi hành án hành chính mà vẫn không chấp hành án, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án và gây hậu quả nghiêm trọng;

b) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thi hành án hành chính để xảy ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

IV. Cán bộ, chiến sĩ vi phạm một trong các trường hợp quy định tại Mục III của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì kỷ luật giáng nhiều cấp bậc hàm hoặc giáng cấp bậc hàm và hạ bậc lương (áp dụng đối với trường hợp đã được nâng lương cấp bậc hàm lần 1) hoặc hạ nhiều bậc lương (áp dụng đối với trường hợp đã được nâng lương cấp bậc hàm lần 2, nếu có chức vụ thì cách chức và giáng cấp bậc hàm (áp dụng đối với trường hợp chức danh sau khi bị cách chức có trần cấp bậc hàm cao nhất theo quy định thấp hơn cấp bậc hàm mà cán bộ đang giữ) hoặc cách chức và hạ bậc lương và giáng cấp bậc hàm (áp dụng đối với trường hợp đã được nâng lương cấp bậc hàm và các trường hợp chức danh sau khi bị cách chức có trần cấp bậc hàm cao nhất theo quy định thấp hơn cấp bậc hàm mà cán bộ đang giữ).

V. Cán bộ, chiến sĩ vi phạm một trong các trường hợp quy định sau đây thì kỷ luật bằng hình thức tước danh hiệu Công an nhân dân hoặc buộc thôi việc đối với công nhân công an

1. Vi phạm về quan điểm chính trị và kỷ luật phát ngôn

a) Tuyên truyền chống Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Tham gia, hoạt động trong các đảng phái, tổ chức chính trị phản động;

c) Lợi dụng dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội;

d) Cố ý nói, viết hoặc tán phát rộng rãi các thông tin, tài liệu, hiện vật có nội dung bôi nhọ lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước; xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc sự thật, phủ nhận vai trò lãnh đạo và thành quả cách mạng của Đảng và Nhân dân;

đ) Phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nguyên tắc tập trung dân chủ, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện thể chế "tam quyền phân lập", "xã hội dân sự", "đa nguyên, đa đảng";

e) Kích động, lôi kéo người khác tham gia hội thảo, tọa đàm ở trong nước hoặc ngoài nước không được tổ chức có thẩm quyền cho phép, có nội dung trái chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;

g) Móc nối, cấu kết với các thế lực thù địch phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị để truyền bá tư tưởng, quan điểm đối lập; vận động tổ chức, tập hợp lực lượng để chống phá Đảng, Nhà nước;

h) Cố ý đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước;

i) Kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ. Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng;

k) Tác động, lôi kéo, lái dư luận xã hội không theo đường lối của Đảng;

l) Phủ nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của Đảng đối với lực lượng vũ trang, đòi phi chính trị hóa quân đội và công an, xuyên tạc đường lối quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân;

m) Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, văn học - nghệ thuật. Sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của Đảng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

2. Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ

a) Tổ chức hoặc cưỡng ép người khác tham gia các hoạt động bè phái, chia rẽ, cục bộ gây mất đoàn kết nội bộ;

b) Trả thù người góp ý, đấu tranh, phê bình, tố cáo hoặc người cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến vi phạm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân mình.

3. Vi phạm các quy định về bầu cử

a) Giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng các thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử;

b) Có hành vi, việc làm nhằm phá hoại cuộc bầu cử.

4. Vi phạm các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước

a) Cố ý làm lộ bí mật nhà nước nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Mua, bán trái phép bí mật nhà nước nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.

5. Vi phạm quy định về quan hệ với tổ chức, cá nhân nước ngoài và quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh

a) Biết nhưng vẫn quan hệ với tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hành vi chống Đảng, Nhà nước (trừ trường hợp phục vụ yêu cầu công tác);

b) Biết nhưng vẫn nhận tài trợ của cá nhân, tổ chức có hoạt động chống Đảng và Nhà nước;

c) Bao che, tiếp tay cho hoạt động của người nước ngoài hoặc người Việt Nam ở nước ngoài chống Đảng và Nhà nước;

d) Bị tổ chức, cá nhân nước ngoài tác động, lôi kéo, mua chuộc, khống chế nhưng không báo cáo tổ chức;

đ) Xuất cảnh khi chưa có quyết định giải quyết của lãnh đạo cấp có thẩm quyền từ lần thứ tư trở lên;

e) Trốn vào đại sứ quán, lãnh sự quán hoặc trụ sở cơ quan, tổ chức quốc tế đóng tại Việt Nam hoặc nước ngoài;

g) Tổ chức, đưa dẫn hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép;

h) Trốn ra nước ngoài, trốn ở lại nước ngoài.

6. Vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán

a) Cố ý kết luận hoặc tham mưu kết luận sai sự thật, quyết định xử lý trái pháp luật để bao che giảm nhẹ tính chất, mức độ hành vi vi phạm cho tổ chức, cá nhân trong hoạt động thanh tra, kiểm tra;

b) Chống đối, cản trở, mua chuộc, trả thù, trù dập, khống chế, vu khống người làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, kiểm toán hoặc người cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ cho hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán;

c) Cố ý không ra quyết định thanh tra, kiểm tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; báo cáo sai sự thật, bao che cho tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật.

7. Vi phạm về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo

a) Tổ chức, cưỡng ép, kích động, xúi giục, giúp sức, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo người khác khiếu nại, tố cáo sai sự thật hoặc gây áp lực, đòi yêu sách hoặc tập trung đông người khiếu nại, tố cáo gây rối an ninh, trật tự công cộng;

b) Lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo để gây rối trật tự, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân, để chống Đảng, Nhà nước; xuyên tạc, đe dọa, xúc phạm nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giải quyết hoặc xâm phạm tính mạng của người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo.

8. Vi phạm các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí

a) Không bồi hoàn, giao nộp tiền, tài sản đã sử dụng, chiếm đoạt do tham nhũng;

b) Sử dụng dự thảo kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để đe dọa đối tượng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhằm trục lợi;

c) Chỉ đạo xử lý hành chính, kinh tế đối với hành vi tham nhũng có dấu hiệu tội phạm hoặc cho miễn truy cứu trách nhiệm hình sự trái pháp luật đối với người phạm tội tham nhũng;

d) Lạm dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che hoặc cấu kết với tổ chức, cá nhân để làm trái quy định, trục lợi; dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng;

đ) Đưa, nhận, môi giới hối lộ, tham ô tài sản có giá trị từ 02 triệu đồng trở lên;

m) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, chức trách, nhiệm vụ được giao để bao che, tiếp tay cho người có hành vi vi phạm pháp luật; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xét đặc xá, ân giảm vì vụ lợi.

9. Vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao

a) Tự ý nghỉ việc tổng số từ trên 15 ngày làm việc trong vòng 30 ngày (kể cả trường hợp đến trình diện tại đơn vị rồi tiếp tục nghỉ) mà không báo cáo đơn vị hoặc báo cáo nhưng không được cấp có thẩm quyền đồng ý; quá 15 ngày làm việc nhưng không đến Công an đơn vị, địa phương để làm thủ tục nhận công tác theo quyết định điều động hoặc phân công công tác của cấp có thẩm quyền;

Trường hợp cán bộ, chiến sĩ vắng mặt quá 10 ngày thì Thủ trưởng đơn vị, địa phương phải tổ chức tìm kiếm; sau 15 ngày kể từ ngày cán bộ, chiến sĩ vắng mặt việc tìm kiếm không có kết quả hoặc đã tìm thấy nhưng cán bộ, chiến sĩ không đến đơn vị công tác thì tiến hành xử lý kỷ luật tước danh hiệu Công an nhân dân;

b) Vi phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định, quy trình, quy chế công tác.

10. Vi phạm trong công tác phòng, chống tội phạm

a) Bảo kê cho những hoạt động phạm tội tại địa bàn mình trực tiếp theo dõi, phụ trách;

b) Bao che, tiếp tay cho tội phạm;

c) Vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng quy định, quy trình, quy chế trong hoạt động điều tra, thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp.

11. Vi phạm trong công tác tổ chức, cán bộ

a) Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dự tuyển vào Công an nhân dân;

b) Làm giả hồ sơ để được tuyển vào công tác trong Công an nhân dân.

12. Vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng Qui tắc ứng xử của Công an nhân dân hoặc những điều đảng viên không được làm.

13. Vi phạm quy định về thi cử và quản lý, cấp phát, sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận, học bạ, bảng điểm

a) Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, học bạ và các loại giấy tờ khác không hợp pháp để đủ điều kiện dự thi vào các học viện, trường Công an nhân dân hoặc xét tuyển công dân vào Công an nhân dân hoặc xét tuyển công dân tham gia nghĩa vụ trong Công an nhân dân;

b) Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp nhiều lần, ở nhiều lĩnh vực, tính chất phức tạp, ảnh hưởng đến đến uy tín của ngành;

c) Trực tiếp tham gia hoặc tiếp tay cho việc sản xuất, tiêu thụ hoặc môi giới tiêu thụ phôi văn bằng, phôi chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp;

d) Tổ chức thi thuê, thi hộ.

14. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội

a) Trộm cắp tài sản;

b) Vi phạm một trong các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy sau đây:

- Sử dụng trái phép chất ma túy;

- Môi giới, giúp đỡ, tạo điều kiện hoặc bằng các hình thức khác giúp cho người khác sử dụng trái phép chất ma túy;

- Tàng trữ, vận chuyển hoặc chiếm đoạt chất ma túy trái phép;

- Tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy.

c) Thực hiện một trong các hành vi mua, bán dâm và các hành vi khác liên quan đến mua, bán dâm sau đây:

- Bán dâm;

- Ép buộc hoặc cưỡng bức người khác bán dâm;

- Góp vốn để sử dụng vào mục đích hoạt động mua dâm, bán dâm;

- Cung cấp địa điểm cho hoạt động mua dâm, bán dâm;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bảo vệ, duy trì hoạt động mua dâm, bán dâm;

- Dùng vũ lực để bảo vệ, duy trì hoạt động mua dâm, bán dâm.

- Lợi dụng uy tín để bảo vệ, duy trì hoạt động mua dâm, bán dâm;

- Đe dọa dùng vũ lực để bảo vệ, duy trì hoạt động mua dâm, bán dâm;

- Dùng các thủ đoạn khống chế, đe dọa người mua dâm, bán dâm để đòi tiền, cưỡng đoạt tài sản.

d) Thực hiện một trong các hành vi đánh bạc sau đây:

- Làm chủ lô, đề;

- Tổ chức, rủ rê, lôi kéo người khác đánh bạc bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế hoặc các hình thức khác mà được, thua bằng tiền, hiện vật;

- Tổ chức sản xuất, phát hành bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề;

- Tổ chức mạng lưới bán số lô, số đề;

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật về hành vi đánh bạc nhưng tái phạm;

- Đánh bạc nhiều lần.

đ) Vi phạm một trong các quy định trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông sau đây nhưng được miễn trách nhiệm hình sự:

- Tham gia giao thông gây tai nạn chết người nhưng bỏ chạy hoặc rời khỏi khỏi hiện trường không có lý do chính đáng;

- Điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong tình trạng có sử dụng rượu, bia vượt quá nồng độ cho phép gây tai nạn chết người.

15. Có hành vi bạo lực gia đình đặc biệt nghiêm trọng.

16. Sau khi có quyết định buộc thi hành án hành chính mà vẫn không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

17. Vi phạm pháp luật hình sự:

a) Đang bị tạm giữ (bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc bị bắt trong trường hợp tự thú, đầu thú) hoặc cơ quan điều tra có đủ căn cứ khởi tố bị can và đã có văn bản đề nghị tước danh hiệu Công an nhân dân trước khi tiến hành khởi tố;

b) Bị khởi tố bị can và quyết định khởi tố bị can được Viện kiểm sát nhân dân phê chuẩn;

c) Hành vi đã cấu thành tội phạm nhưng không bị khởi tố do người bị hại không yêu cầu (áp dụng đối với trường hợp hành vi phạm tội chỉ khởi tố theo yêu cầu của người bị hại).

 

 

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Dự thảo Thông tư quy định việc xử lý kỷ luật cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân do Bộ Công an ban hành

Số hiệu: Khongso
Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Công An
Người ký: Tô Lâm
Ngày ban hành: 06/05/2019
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Dự thảo Thông tư quy định việc xử lý kỷ luật cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân do Bộ Công an ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [3]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…