BỘ
TƯ PHÁP - BỘ CÔNG AN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/2012/TTLT-BTP-BCA |
Hà Nội, ngày 30 tháng 03 năm 2012 |
QUY ĐỊNH CỤ THỂ VIỆC PHỐI HỢP BẢO VỆ CƯỠNG CHẾ TRONG THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
Căn cứ Luật Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư liên tịch quy định cụ thể việc phối hợp bảo vệ cưỡng chế trong thi hành án dân sự,
Thông tư này quy định cụ thể việc phối hợp bảo vệ cưỡng chế trong thi hành án dân sự (sau đây viết gọn là phối hợp bảo vệ cưỡng chế) giữa cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan công an cùng cấp và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khi tổ chức cưỡng chế thi hành án có huy động lực lượng tham gia.
Thông tư này áp dụng đối với:
1. Cơ quan thi hành án dân sự;
2. Cơ quan công an cùng cấp;
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc phối hợp bảo vệ cưỡng chế trong thi hành án dân sự.
Việc phối hợp bảo vệ cưỡng chế phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
1. Nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, tuân thủ quy định của pháp luật.
2. Thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan đã được pháp luật quy định, không làm ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn của mỗi ngành.
3. Bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của nhân dân và những người tham gia cưỡng chế.
Điều 4. Phối hợp trong xây dựng kế hoạch cưỡng chế
1. Trước thời điểm ban hành kế hoạch cưỡng chế thi hành án dân sự ít nhất 10 ngày, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải cung cấp thông tin, trao đổi ý kiến với cơ quan công an cùng cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan về các nội dung, yêu cầu cụ thể của vụ việc cưỡng chế có huy động lực lượng tham gia bảo vệ, bao gồm:
a) Tên và địa chỉ của người bị cưỡng chế;
b) Dự kiến thời gian, địa điểm tiến hành cưỡng chế, biện pháp cưỡng chế cần áp dụng;
c) Tóm tắt nội dung vụ việc cần cưỡng chế; tính chất phức tạp của vụ việc (đặc điểm địa bàn, tình hình an ninh, trật tự tại địa phương, diễn biến tâm lý, thái độ, khả năng chống đối của đương sự);
d) Yêu cầu cụ thể của cơ quan thi hành án dân sự về các nội dung cần phối hợp; dự kiến số lượng người cần tham gia bảo vệ cưỡng chế; các trang thiết bị, công cụ, phương tiện cần thiết để phục vụ cho việc bảo vệ cưỡng chế và dự trù kinh phí chi cho việc bảo vệ cưỡng chế.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông tin, trao đổi ý kiến, thủ trưởng cơ quan công an phải trả lời về các nội dung đề nghị phối hợp bảo vệ cưỡng chế của cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp.
3. Trường hợp cơ quan công an cùng cấp có ý kiến khác về yêu cầu phối hợp bảo vệ cưỡng chế thì ngay sau khi nhận được ý kiến, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự tổ chức cuộc họp với đại diện cơ quan công an cùng cấp để trao đổi, thống nhất biện pháp giải quyết.
4. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày thống nhất ý kiến với cơ quan công an cùng cấp, Chấp hành viên phải dự thảo xong kế hoạch cưỡng chế trình thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự. Trên cơ sở dự thảo kế hoạch cưỡng chế đó, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự tổ chức cuộc họp với sự tham gia của cơ quan công an cùng cấp, các cơ quan, tổ chức có liên quan để tham khảo ý kiến. Cuộc họp đóng góp ý kiến phải được tổ chức trước ít nhất 10 ngày, kể từ thời điểm cưỡng chế đã được ấn định.
5. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày tổ chức cuộc họp đóng góp ý kiến vào dự thảo kế hoạch cưỡng chế, Chấp hành viên phải hoàn chỉnh, trình thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự xem xét, phê duyệt. Kế hoạch cưỡng chế bao gồm các nội dung được quy định tại khoản 2 Điều 72 Luật Thi hành án dân sự.
Kế hoạch cưỡng chế được gửi ngay cho cơ quan công an cùng cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định tại khoản 3 Điều 72 Luật Thi hành án dân sự.
Điều 5. Phối hợp trong việc xây dựng kế hoạch và phương án bảo vệ cưỡng chế
1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kế hoạch cưỡng chế của cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp, cơ quan công an phải xây dựng kế hoạch và lập phương án bảo vệ cưỡng chế. Kế hoạch và phương án bảo vệ cưỡng chế bao gồm các nội dung sau:
a) Nội dung kế hoạch
- Nêu rõ mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ của công tác cưỡng chế, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn cho việc cưỡng chế; tình hình có liên quan đến hoạt động bảo vệ cưỡng chế;
- Giao nhiệm vụ cụ thể cho người chỉ huy chung, người chỉ huy từng lực lượng; phân công trách nhiệm cho từng đơn vị chức năng trong việc chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ và các phương tiện nghiệp vụ cần thiết khác để phục vụ cho việc bảo vệ cưỡng chế. Đối với những vụ việc cưỡng chế được đánh giá có khả năng xảy ra nhiều diễn biến phức tạp thì phải có lực lượng dự phòng và tăng cường thêm các phương tiện như: phương tiện phòng cháy, chữa cháy, thiết bị dò mìn, xe chở đối tượng vi phạm pháp luật, khóa tay.
b) Nội dung phương án
- Nêu khái quát nhiệm vụ và đặc điểm tình hình có liên quan, thời gian, địa điểm thực hiện nhiệm vụ;
- Dự kiến các tình huống có thể xảy ra, trong đó đặc biệt lưu ý đến tình huống chống đối, gây hậu quả cháy, nổ, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của tổ chức, công dân, cán bộ, chiến sỹ tham gia cưỡng chế và phương án giải quyết các tình huống đó (nêu rõ nhiệm vụ của người chỉ huy, trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ trong từng tình huống cụ thể);
- Quy ước phối hợp giữa các lực lượng và quy ước thông tin liên lạc;
- Phương án bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự phải được thể hiện bằng văn bản, có sơ đồ kèm theo.
c) Việc xây dựng nội dung kế hoạch và phương án bảo vệ cưỡng chế phải được trao đổi, thống nhất giữa cơ quan công an với cơ quan thi hành án dân sự trước khi trình người có thẩm quyền của cơ quan công an phê duyệt.
2. Kế hoạch và phương án bảo vệ cưỡng chế đã được phê duyệt phải được gửi ngay cho cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp để kịp thời triển khai thực hiện.
1. Trong trường hợp cần có sự phối hợp của nhiều lực lượng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn, thì thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, cá nhân đó có trách nhiệm phối hợp với lực lượng công an để tham gia bảo vệ cưỡng chế thi hành án.
2, Trước thời điểm cưỡng chế 01 ngày làm việc, cơ quan thi hành án dân sự phải tổ chức cuộc họp với cơ quan công an cùng cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan để bàn biện pháp triển khai kế hoạch cưỡng chế, kế hoạch và phương án bảo vệ cưỡng chế.
3. Cơ quan công an, các cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm tham dự cuộc họp đầy đủ, đúng thành phần theo giấy mời của cơ quan thi hành án dân sự.
Cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm cung cấp các thông tin về nội dung vụ việc, quá trình tổ chức thi hành và bảo đảm kinh phí cho việc cưỡng chế và bảo vệ cưỡng chế theo đúng quy định.
4. Tại buổi cưỡng chế, việc phối hợp được thực hiện như sau:
a) Lực lượng cảnh sát được phân công bảo vệ cưỡng chế thi hành án phải có mặt từ khi bắt đầu đến khi kết thúc vụ việc cưỡng chế để duy trì trật tự và bảo đảm an toàn trong suốt quá trình diễn ra cưỡng chế.
Các lực lượng chức năng thuộc cơ quan công an và các lực lượng khác được giao nhiệm vụ phối hợp bảo vệ cưỡng chế phải tuân thủ mệnh lệnh và điều hành trực tiếp của người chỉ huy thuộc lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp.
b) Lực lượng tham gia bảo vệ cưỡng chế trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu hợp pháp của người chủ trì, điều hành việc cưỡng chế.
Điều 7. Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc cưỡng chế thi hành án dân sự
Cơ quan thi hành án dân sự đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tiến hành cưỡng chế cử đại diện tham gia cưỡng chế thi hành án, huy động lực lượng tại chỗ phối hợp với cơ quan công an để tham gia bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự.
Điều 8. Phối hợp giải quyết các tình huống phát sinh trong quá trình bảo vệ cưỡng chế
1. Trong quá trình diễn ra cưỡng chế, chỉ huy lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp phải thông báo kịp thời cho người chủ trì, điều hành buổi cưỡng chế thi hành án dân sự biết những diễn biến phức tạp về an ninh, trật tự có liên quan đến công tác cưỡng chế thi hành án dân sự để có biện pháp xử lý.
2. Khi có vụ việc xảy ra thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nào thì cơ quan đó chủ trì xử lý, các cơ quan khác trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp. Trường hợp vụ việc xảy ra thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều ngành thì đơn vị nào phát hiện đầu tiên có trách nhiệm giải quyết vụ việc theo thẩm quyền, sau đó chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền chính giải quyết. Nếu vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của các lực lượng đang làm nhiệm vụ cưỡng chế thì phải báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
3. Trường hợp có căn cứ cho rằng vụ việc có khả năng diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà lực lượng tiến hành cưỡng chế chưa có biện pháp khắc phục, giải quyết thì cơ quan công an có thể đề nghị người chủ trì thực hiện việc cưỡng chế xem xét, quyết định tạm dừng việc cưỡng chế thi hành án.
Điều 9. Chi phí bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự
Chi phí cho việc bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về kinh phí cưỡng chế thi hành án.
Điều 10. Tổ chức họp rút kinh nghiệm
Định kỳ 6 tháng một lần, cơ quan thi hành án dân sự chủ trì, phối hợp với cơ quan công an cùng cấp tổ chức họp để đánh giá, trao đổi và rút kinh nghiệm về kết quả thực hiện việc phối hợp bảo vệ cưỡng chế trong thi hành án dân sự. Trường hợp cần thiết thì có thể mời các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia.
Đối với những vụ việc cưỡng chế có tính chất phức tạp, gây ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương thì phải tổ chức họp bàn rút kinh nghiệm ngay.
Điều 11. Tổng kết, đánh giá và chỉ đạo thực hiện
Định kỳ mỗi năm, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an tổng hợp báo cáo, đánh giá tình hình thực hiện việc phối hợp bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự giữa cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan công an các đơn vị, địa phương để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc phối hợp bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự; có biện pháp chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, nhằm bảo đảm cho việc phối hợp bảo vệ cưỡng chế thi hành án được an toàn, hiệu quả, đúng pháp luật.
Điều 12. Thông tin, báo cáo tình hình thực hiện
1. Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp, Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp thuộc Bộ Công an là đầu mối giúp Bộ Tư pháp, Bộ Công an trong chỉ đạo, hướng dẫn, tiếp nhận thông tin, báo cáo và kiểm tra việc thực hiện Thông tư này của cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan công an các đơn vị, địa phương;
2. Cục Thi hành án dân sự, công an cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát cơ quan cấp dưới thuộc quyền thực hiện việc phối hợp bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự; thông tin, báo cáo tình hình, kết quả triển khai thực hiện Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2012.
Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ Tư pháp, Bộ Công an (qua Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp và Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp thuộc Bộ Công an) để có hướng dẫn kịp thời./.
KT.
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN |
KT.
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP |
Nơi nhận: |
|
Thông tư liên tịch 03/2012/TTLT-BTP-BCA quy định phối hợp bảo vệ cưỡng chế trong thi hành án dân sự do Bộ Tư pháp - Bộ Công an ban hành
Số hiệu: | 03/2012/TTLT-BTP-BCA |
---|---|
Loại văn bản: | Thông tư liên tịch |
Nơi ban hành: | Bộ Công An, Bộ Tư pháp |
Người ký: | Nguyễn Đức Chính, Đặng Văn Hiếu |
Ngày ban hành: | 30/03/2012 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Thông tư liên tịch 03/2012/TTLT-BTP-BCA quy định phối hợp bảo vệ cưỡng chế trong thi hành án dân sự do Bộ Tư pháp - Bộ Công an ban hành
Chưa có Video