TÒA
ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO |
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 377-TC |
Hà Nội, ngày 25 tháng 04 năm 1961 |
HƯỚNG DẪN VIỆC TỔ CHỨC BẦU CỬ THẨM PHÁN VÀ HỘI THẨM NHÂN DÂN CỦA CÁC TÒA ÁN NHÂN DÂN ĐỊA PHƯƠNG
Để thi hành Hiến pháp, luật tổ chức Tòa án nhân dân ngày 14 tháng 07 năm 1960 và pháp lệnh quy định cụ thể về tổ chức Tòa án nhân dân tối cao và tổ chức của các Tòa án nhân dân địa phương ngày 23-03-1961, Tòa án nhân dân tối cao ra thông tư này để hướng dẫn việc tổ chức bầu cử thẩm phán và hội thẩm nhân dân của các Tòa án nhân dân địa phương.
I. BẦU CỬ CÁC THẨM PHÁN CỦA CÁC TÒA ÁN NHÂN DÂN ĐỊA PHƯƠNG
1. Mục đích, ý nghĩa của việc bầu cử các thẩm phán của các Tòa án nhân dân địa phương:
Trong công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, Tòa án nhân dân giữ một vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm tôn trọng và chấp hành pháp luật và chính sách của Đảng và Nhà nước. Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử những vụ án hình sự và dân sự để trừng trị những kẻ phạm tội và giải quyết những việc tranh chấp về dân sự trong nhân dân. Trong Nhà nước dân chủ nhân dân đang làm nhiệm vụ của chuyên chính vô sản, Tòa án nhân dân là một công cụ trọng yếu của giai cấp công nhân và nhân dân lao động để bảo vệ chế độ, bảo vệ trật tự xã hội, tài sản công cộng và quyền lợi hợp pháp của nhân dân. Thông qua toàn bộ hoạt động của mình, Tòa án giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, với chế độ dân chủ nhân dân, tôn trọng tài sản công cộng, tự giác tuân theo pháp luật, kỷ luật lao động, chấp hành đúng đắn mọi chính sách của Đảng và Nhà nước. Đó là những nhiệm vụ nặng nề và khó khăn; cho nên Tòa án nhân dân phải do những cán bộ được sự tín nhiệm của nhân dân và có đủ năng lực phụ trách và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Vì vậy, hiến pháp và luật tổ chức Tòa án nhân dân đã quy định rằng: các Tòa án nhân dân thực hành chế độ thẩm phán bầu. Thẩm phán của các tòa án nhân dân địa phương do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra và bãi miễn.
Trước đây, các thẩm phán của các Tòa án nhân dân do Chính phủ bổ nhiệm. Thực hành chế độ thẩm phán bầu có nghĩa là mở rộng dân chủ và tăng cường tính chất nhân dân của tổ chức tòa án, thực hiện thêm đầy đủ quyền làm chủ nước nhà, làm chủ xã hội của nhân dân, làm cho tòa án thực sự là tòa án của nhân dân.
Hiện nay, thẩm phán của các Tòa án nhân dân địa phương còn thiếu và yếu. Vì vậy, việc thực hiện chế độ thẩm phán bầu sẽ là một dịp để tăng cường và kiện toàn các Tòa án nhân dân, làm cho các Tòa án nhân dân có đủ số thẩm phán và các thẩm phán đó đều là những cán bộ có đức, có tài, được sự tín nhiệm của nhân dân.
2. Tiêu chuẩn và thành phần của các thẩm phán của các Tòa án nhân dân địa phương:
Trong tổ chức của tòa án nhân dân, các thẩm phán là những cán bộ chuyên trách có trách nhiệm bảo đảm tốt việc xét xử và hòa giải.
Để bảo đảm cho việc xét xử được tốt, điều 25 luật tổ chức Tòa án nhân dân đã quy định rằng: "công dân có quyền bầu cử và ứng cử từ hai mươi ba tuổi trở lên có thể được bầu làm thẩm phán".
Trong công tác xét xử và hòa giải, thẩm phán các Tòa án nhân dân thương phải giải quyết những vấn đề khó khăn và phức tạp về hình sự và về dân sự. Muốn giải quyết được đúng đắn những vấn đề đó, thẩm phán phải đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân và phải nắm vững được những chính sách của Đảng và của Nhà nước.
Trong chế độ của chúng ta, thẩm phán không những phải là người có khả năng mà còn phải là người có tinh thần trách nhiệm cao, có tư cách, đạo đức tốt, có uy tính, có quan hệ tốt với quần chúng. Nếu thẩm phán không gương mẫu trong công tác và trong đời sống và không được nhân dân tín nhiệm thì không thể có tác dụng giáo dục nhân dân.
Nói tóm lại, những người được bầu làm thẩm phán của các Tòa án nhân dân cần có đủ những tiêu chuẩn sau đây:
1. Có quyền bầu cử và ứng cử, từ hai mươi ba tuổi trở lên;
2. Có lập trường cách mạng vững và nắm vững được những chính sách của Đảng và Nhà nước;
3. Có tinh thần công tác và tư cách, đạo đức tốt, có quan hệ tốt với quần chúng nhân dân.
Ở trong các Tòa án nhân dân thành phố và tỉnh trực thuộc trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương, và khu tự trị, Ủy ban thẩm phán và tổ chức có trách nhiệm lãnh đạo công tác xét xử của tòa án. Những người được bầu làm ủy viên Ủy ban thẩm phán được chọn trong số thẩm phán của các Tòa án đó.
Các thẩm phán của các Tòa án nhân dân địa phương có thể là đại biểu Hội đồng nhân dân hoặc không phải là đại biểu Hội đồng nhân dân.
Trong việc bầu cử các thẩm phán của các Tòa án nhân dân địa phương cần chú ý những điểm sau đây:
- Ở miền núi, đại đa số thẩm phán phải là người cán bộ dân tộc thiểu số;
- Chú ý bầu cử cán bộ phụ nữ làm thẩm phán của các cấp tòa án nhân dân. Trong điều kiện hiện nay, cần bảo đảm cho mỗi Tòa án nhân dân thành phố trực thuộc trung ương, tỉnh hoặc đơn vị hành chính tương đương, khu tự trị có ít nhất một thẩm phán là phụ nữ.
3. Nhiệm kỳ của các thẩm phán của các Tòa án nhân dân địa phương:
Theo điều 27 của luật tổ chức tòa án nhân dân thì nhiệm kỳ của Chánh án, Phó chánh án, các thẩm phán và ủy viên Ủy ban thẩm phán của các Tòa án nhân dân thành phố và tỉnh trực thuộc trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương là bốn năm.
Theo điều 28 của luật tổ chức tòa án nhân dân thì nhiệm kỳ của Chánh án, Phó chánh án và thẩm phán của các Tòa án nhân dân thành phố thuộc tỉnh, thị xã, huyện hoặc đơn vị hành chính tương đương là ba năm.
4. Sở thẩm phán và ủy viên Ủy ban thẩm phán của các Tòa án nhân dân địa phương:
Trong tổ chức của tòa án, thẩm phán có trách nhiệm xét xử hoặc hòa giải các vụ án. Muốn cho việc xét xử hoặc hòa giải được tốt, thẩm phán phải tự mình nghiên cứu hồ sơ ngay từ đầu, nếu cần thiết thì hỏi cung những người đương sự và can phạm hoặc đi xác minh tại chỗ. Thẩm phán phải trực tiếp phụ trách những công việc đó thì mới nắm vững được những tình tiết của vụ án, nắm vững được tư tưởng của những người đương sự và can phạm. Hiện nay, nói chung, các Tòa án nhân dân địa phương thiếu thẩm phán cho nên có nhiều trường hợp thẩm phán giao cho các thư ký hòa giải, hỏi cung, đi xác minh thực tế mà mình không trực tiếp tham gia; có nơi thẩm phán chỉ trực tiếp nghiên cứu hồ sơ khi gần xét xử. Làm như vậy thì việc xét xử không được tốt và không đúng với trách nhiệm của thẩm phán. Để cho các Tòa án nhân dân địa phương có đủ thẩm phán là những người có đủ thẩm quyền và có đủ khả năng và uy tín để xét xử hòa giải, hỏi cung... điều 17 của luật tổ chức tòa án nhân dân và điều 15 của pháp lệnh ngày 23-03-1961 đã quy định rằng:
- Tòa án nhân dân thành phố và tỉnh trực thuộc trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương gồm có Chánh án, một hoặc nhiều Phó chánh án và các thẩm phán. Số thẩm phán của các Tòa án nhân dân thành phố và tỉnh trực thuộc trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương, kể cả Chánh cá và Phó chánh án, có từ bốn đến bảy người. Số ủy viên Ủy ban thẩm phán của các Tòa án nhân dân đó có từ ba đến năm người;
- Tòa án nhân dân thành phố thuộc tỉnh, thị xã, huyện hoặc đơn vị hành chính tương đương gồm có Chánh án và thẩm phán, nếu cần thiết thì có Phó chánh án. Số thẩm phán của các Tòa án nhân dân thành phố thuộc tỉnh, thị xã, huyện hoặc đơn vị hành chính tương đương, kể cả Chánh án và Phó chánh án, không quá ba người;
- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn cụ thể số thẩm phán và ủy viên Ủy ban thẩm phán cần bầu cho mỗi Tòa án nhân dân địa phương trong phạm vi quy định nói trên.
Để thi hành điều 15 của pháp lệnh ngày 23-03-1961, Tòa án nhân dân tối cao định ra hướng chung trong việc ấn định số thẩm phán và ủy viên Ủy ban thẩm phán của các Tòa án nhân dân địa phương như sau:
- Các Tòa án nhân dân tỉnh ít nhất phải có bốn thẩm phán; các Tòa án nhân dân tỉnh tương đối quan trọng thì có năm thẩm phán, các Tòa án nhân dân thành phố và tỉnh lớn, quan trọng thì có sáu hoặc bảy thẩm phán;
- Các Ủy ban thẩm phán có ba hoặc năm ủy viên. Những tòa án nào có bốn hoặc năm thẩm phán thì Ủy ban thẩm phán có ba ủy viên; những tòa án nào có sáu hoặc bảy thẩm phán thì Ủy ban thẩm phán có ba hoặc năm ủy viên;
- Nói chung, các Tòa án nhân dân huyện có hai thẩm phán (Chánh án và một thẩm phán). Tòa án nhân dân thành phố thuộc tỉnh Nam Định và những Tòa án nhân dân huyện lớn, dân số nhiều, công việc nhiều, thì có thể có ba thẩm phán (Chánh án, Phó chánh án và một thẩm phán). Theo điều 2 của luật tổ chức tòa án nhân dân thì ở các thị xã đều có Tòa án nhân dân thị xã những tòa án nhân dân thị xã quá nhỏ thì có thể chỉ có một Chánh án.
Tòa án nhân dân tối cao xin gửi kèm theo đây công văn số 378-TC ngày 25-04-1961 định số thẩm phán và ủy viên Ủy ban thẩm phán cần bầu cho mỗi Tòa án nhân dân địa phương(11).
Những điều 27 và 28 của luật tổ chức tòa án nhân dân và điều 15 của pháp lệnh ngày 23-03-1961 đã quy định rằng: Chánh án, Phó chánh án, các ủy viên Ủy ban thẩm phán và thẩm phán của Tòa án nhân dân địa phương do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra. Vì vậy, phải bầu cử người cho từng chức vụ nói trên.
Để bảo đảm cho việc bầu cử thu được kết quả tốt, ngay khi Hội đồng nhân dân bắt đầu họp, chúng tôi xin có ý kiến rằng đoàn chủ tịch nên chuẩn bị cho việc bầu cử thẩm phán của Tòa án nhân dân địa phương và nên trình bày với Hội đồng nhân dân về mục đích, ý nghĩa và phương pháp bầu cử các thẩm phán của các Tòa án nhân dân địa phương.
Việc lập danh sách những người ứng cử thẩm phán của các Tòa án nhân dân địa phương có thể tiến hành theo phương pháp sau đây:
- Đoàn chủ tịch của hội nghị phổ biến cho các vị đại biểu Hội đồng nhân dân về tiêu chuẩn của thẩm phán của tòa án nhân dân;
- Căn cứ vào những tiêu chuẩn đó, các tổ đại biểu Hội đồng nhân dân sẽ giới thiệu những ứng cử viên vào những chức vụ cụ thể trong tòa án (như: Chánh án, Phó chánh án, thẩm phán, ủy viên Ủy ban thẩm phán). Đoàn chủ tịch tập hợp ý kiến của các tổ và nên có ý kiến giới thiệu riêng của mình. Danh sách những ứng cử viên sẽ đưa trở lại cho các tổ thảo luận. Danh sách cuối cùng của những ứng cử viên nên được niêm yết trong phòng hội nghị.
Việc bầu cử sẽ tiến hành theo các bổ phiếu kín. Để cho việc bầu cử tiến hành được nhanh và gọn, trong cùng một phiếu bấu, các vị đại biểu Hội đồng nhân dân sẽ ghi rõ tên những người mà mình bầu vào từng chức vụ cụ thể như: Chánh án, Phó chánh án, thẩm phán. Ở cấp thành phố và tỉnh trực thuộc trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương, trong phiếu bầu, các vị đại biểu Hội đồng nhân dân sẽ ghi rõ cả tên của những người mà mình bầu làm ủy viên của Ủy ban thẩm phán.
Ban kiểm phiếu có thể gồm có từ ba đến năm người; những người này phải là những người không ra ứng cử.
Cũng như đối với việc bầu cử Ủy ban hành chính, ứng cử viên nào được quá nửa số phiếu hợp lệ thì trúng cử. Nếu trong cuộc bầu lần thứ nhất mà số người trúng cử chưa đủ số cần bầu, thì tổ chức cuộc bầu cử lần thứ hai. Lần này, ứng cử viên nào được nhiều phiếu hơn thì trúng cử.
Biên bản của các cuộc bầu cử đều phải gửi cho Tòa án nhân dân tối cao một bản. Những người trúng cử phải sớm thu xếp công việc để có thể nhận ngay công tác ở tòa án.
Tòa án nhân dân và Ủy ban hành chính ở địa phương cần phối hợp chặt chẽ để chuẩn bị tốt việc bầu cử các thẩm phán và ủy viên Ủy ban thẩm phán của các Tòa án nhân dân địa phương.
6. Thời gian tiến hành bầu cử các thẩm phấn của các Tòa án nhân dân địa phương:
Việc bầu cử các thẩm phán của các Tòa án nhân dân thành phố và tỉnh trực thuộc trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương cần được tiến hành trong hội nghị gần nhất của Hội đồng nhân dân.
Việc bầu cử các thẩm phán của các Tòa án nhân dân thành phố thuộc tỉnh, thị xã, huyện hoặc đơn vị hành chính tương đương phải tiến hành trong hội nghị đầu tiên của các Hội đồng nhân dân cùng cấp sau khi các Hội đồng nhân dân này đã được nhân dân bầu ra.
II. BẦU CỬ CÁC HỘI THẨM NHÂN DÂN CỦA CÁC TÒA ÁN NHÂN DÂN ĐỊA PHƯƠNG
Hiện nay, đại đa số Tòa án nhân dân địa phương đã có các hội thẩm nhân dân do các Hội đồng nhân dân bầu ra. Các hội thẩm nhân dân của các Tòa án nhân dân huyện trước đây do các Hội đồng nhân dân xã bầu ra; nay điều 16 của pháp lệnh ngày 23-03-1961 quy định rằng: các hội thẩm nhân dân của các Tòa án nhân dân địa phương do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra và bãi miễn. Phần lớn hội thẩm nhân dân cũng sắp hết nhiệm kỳ. Cần phải tiến hành bầu cử hội thẩm nhân dân ở những nơi mà hội thẩm nhân dân hết nhiệm kỳ.
Việc bầu cử hội thẩm nhân dân trước đây đã có thông tư Liên bộ Nội vụ - Tư pháp số 06-TT/LB ngày 09-03-1959 quy định. Nay có một số quy định mới cho nên thông tư này của Tòa án nhân dân tối cao sẽ thay thế cho thông tư số 06-TT/LB nói trên.
1. Mục đích, ý nghĩa của việc bầu cử các hội thẩm nhân dân của các Tòa án nhân dân địa phương.
Điều 99 của Hiến pháp và điều 11 của luật tổ chức tòa án nhân dân đã quy định rằng việc xét xử các ở tòa án nhân dân có hội thẩm nhân dân tham gia. Việc bầu cử hội thẩm nhân dân nhằm thực hiện sự tham gia của nhân dân trong công tác xét xử để tăng cường tính chất nhân dân trong tổ chức của tòa án nhân dân và để thắt chặt quan hệ giữa tòa án và nhân dân. Chế độ hội thẩm nhân dân là một hình thức tham gia quản lý công việc Nhà nước của đông đảo quần chúng. Sự tham gia của hội thẩm nhân dân làm cho tòa án xét xử được tốt vì các hội thẩm nhân dân sinh hoạt trong nhân dân, hiểu rõ được những tư tưởng, tình cảm, phong tục tập quán của nhân dân, cho nên với sự tham gia xét xử của hội thẩm nhân dân, tòa án xét xử được sát thực tế và sát với nguyện vọng của nhân dân. Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã có một kinh nghiệm lớn là: nơi nào mà hội thẩm nhân dân tích cực tham gia công tác tư pháp, thì công tác xét xử của tòa án rất tốt, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật làm được nhiều, tư pháp xã hòa giải, dàn xếp được rất nhiều việc xích mích, tranh chấp trong nhân dân, và do đó công việc của tòa án cũng bớt đi được rất nhiều.
Muốn thực hiện tốt chế độ hội thẩm nhân dân, trước tiên phải thực hiện tốt việc bầu cử hội thẩm nhân dân.
2. Tiêu chuẩn và thành phần của các hội thẩm nhân dân.
Điều 11 và điều 12 của luật tổ chức tòa án nhân dân đã quy định: khi sơ thẩm tòa án nhân dân gồm một thẩm phán và hai hội thẩm nhân dân; khi xét xử, hội thẩm nhân dân ngang quyền với thẩm phán và tòa án nhân dân quyết định theo đa số.
Để hội thẩm nhân dân làm tốt nhiệm vụ mà Nhà nước và nhân dân đã giao cho, điều 25 của luật tổ chức tòa án nhân dân đã quy định: công dân có quyền bầu cử và ứng cử từ hai mươi ba tuổi trở lên có thể được bầu làm hội thẩm nhân dân. Ngoài điều kiện đó hội thẩm nhân dân còn phải là người tích cực thi hành pháp luật và những chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực công tác, tư cách đạo đức tốt và có quan hệ tốt với quần chúng. Nếu hội thẩm nhân dân không có những tiêu chuẩn nói trên thì không thể xứng đáng là đại biểu của nhân dân tại tòa án.
Nói tóm lại, những người được bầu làm hội thẩm nhân dân phải có đủ những tiêu chuẩn sau đây:
1. Có quyền bầu cử và ứng cử, từ hai mươi ba tuổi trở lên;
2. Tích cực thi hành những chính sách của Đảng và Nhà nước;
3. Tích cực công tác, đạo đức tư cách tốt, được nhân dân tín nhiệm.
Hội thẩm nhân dân có thể là đại biểu Hội đồng nhân dân hoặc không phải là đại biểu Hội đồng nhân dân.
Nên bầu làm hội thẩm nhân dân, những công nhân, nông dân, lao động trí óc tiên tiến, v.v...
Đa số hội thẩm nhân dân phải là công nhân và nông dân. Ở miền núi, đại đa số hội thẩm nhân dân là người dân tộc thiểu số. Số hội thẩm nhân dân là phụ nữ phải chiếm khoảng 20% tổng số hội thẩm nhân dân. Những người nào đã quá bận công tác của Nhà nước hoặc của đoàn thể thì không nên làm hội thẩm nhân dân.
Ở những vùng có đồng bào công giáo tập trung, cần có hội thẩm nhân dân là giáo dân.
3. Nhiệm kỳ của hội thẩm nhân dân.
Để mở rộng sự tham gia của nhân dân vào công tác của Tòa án, nhiệm kỳ của hội thẩm nhân dân của Tòa án nhân dân địa phương các cấp thống nhất là hai năm.
Điều 17 của pháp lệnh ngày 23-03-1961 đã giao cho Hội đồng nhân dân quyết định về số hội thẩm nhân dân của Tòa án nhân dân cùng cấp, căn cứ vào đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân đó.
Để cho việc quy định số hội thẩm nhân dân được thống nhất giữa các Tòa án nhân dân địa phương, Tòa án nhân dân tối cao định ra hướng chung trong việc quy định số hội thẩm nhân dân của các Tòa án nhân dân địa phương như sau:
A. Số hội thẩm nhân dân của Tòa án nhân dân thành phố thuộc tỉnh, thị xã, huyện hoặc đơn vị hành chính tương đương tính theo nguyên tắc sau đây:
- Mỗi thị trấn, xã hoặc khu vực tương đương ở thị xã cần có hai hội thẩm nhân dân; trường hợp đặc biệt những xã lớn và quan trọng thì có thể có ba hội thẩm nhân dân.
Ở các khu phố thuộc các thành phố Hà Nội, nhân dân ở tập trung, cho nên, có thể cử hai hoặc ba khối mới cần có một hội thẩm nhân dân. Ở thành phố Hải Phòng, việc tính số hội thẩm nhân dân cũng theo nguyên tắc như đã nói ở trên đối với trong Hà nội.
- Ngoài số hội thẩm nhân dân là những cán bộ ở các thị trấn, xã hoặc khu vực tương đương với xã, ở các thành phố, cần có từ ba đến năm hội thẩm nhân dân là cán bộ của các cơ quan, đoàn thể chung quanh thành phố thuộc tỉnh, thị xã, huyện hoặc đơn vị hành chính tương đương.
B. Số hội thẩm nhân dân của các Tòa án nhân dân thành phố và tỉnh trực thuộc trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương tính theo nguyên tắc sau đây:
- Mỗi thành phố thuộc tỉnh, thị xã, huyện hoặc đơn vị hành chính tương đương cần có từ hai đến năm hội thẩm nhân dân của Tòa án nhân dân thành phố và tỉnh trực thuộc trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương:
- Ngoài số hội thẩm nhân dân là cán bộ ở thành phố thuộc tỉnh, thị xã, huyện hoặc đơn vị hành chính tương đương, cần có từ năm đến chính hội thẩm nhân dân là cán bộ của các cơ quan, đoàn thể chung quanh tỉnh trực thuộc trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương; ở các thành phố Hà nội, Hải phòng, số hội thẩm nhân dân là cán bộ của các cơ quan, đoàn thể chung quanh thành phố có thể nhiều hơn.
5. Cách tiến hành bầu cử và cơ quan phụ trách việc bầu cử các hội thẩm nhân dân:
Để nêu rõ tính chất quần chúng của chế độ hội thẩm nhân dân, điều 17 của pháp lệnh ngày 23-03-1961 đã quy định rằng: danh sách những người ứng cử hội thẩm nhân dân của mỗi Tòa án nhân dân địa phương do các đoàn thể nhân dân cùng cấp giới thiệu. Để thi hành quy định đó, Tòa án nhân dân phải liên hệ mật thiết với Ủy ban mặt trận Tổ quốc cùng cấp để chuẩn bị danh sách những người mà các đoàn thể nhân dân giới thiệu ứng cử hội thẩm nhân dân.
Khi Hội đồng nhân dân họp, đoàn chủ tịch nên trình bày rõ với hội nghị về mục đích, ý nghĩa của việc bầu cử hội thẩm nhân dân và danh sách những người ứng cử hội thẩm nhân dân được giới thiệu. Danh sách đó cũng nên được niêm yết trong phòng họp.
Các vị đại biểu Hội đồng nhân dân sẽ bầu ra các hội thẩm nhân dân theo cách bỏ phiếu kín.
Tổ chức kiểm phiếu và điều kiện để được trúng cử hội thẩm nhân dân cũng nên định như nói trên về việc bầu cử các thẩm phán của các Tòa án nhân dân địa phương.
Biên bản của các bầu cử hội thẩm nhân dân đều phải gửi cho Tòa án nhân dân tối cao một bản.
Ủy ban hành chính và Tòa án nhân dân địa phương cần phối hợp chặt chẽ để chuẩn bị tốt việc bầu cử hội thẩm nhân dân.
6. Thời gian tiến hành bầu cử các hội thẩm nhân dân của các Tòa án nhân dân địa phương:
Việc bầu cử hội thẩm nhân dân huyện cần tiến hành trong hội nghị đầu tiên của Hội đồng nhân dân sau khi Hội đồng nhân dân huyện đã được bầu ra.
Nếu hội thẩm nhân dân của các Tòa án nhân dân thành phố và tỉnh trực thuộc trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương, khu tự trị, thị xã, hết nhiệm kỳ thi phải tổ chức bầu cử hội thẩm nhân dân của các Tòa án đó trong cuộc hội nghị gần nhất của Hội đồng nhân dân.
Nếu hội thẩm nhân dân của Tòa án nhân dân thành phố và tỉnh trực thuộc trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương, khu tự trị, thị xã, chưa hết nhiệm kỳ thì chưa phải bầu lại, nếu quá thiếu hội thẩm nhân dân thì có thể đề nghị Hội đồng nhân dân bầu cử bổ sung.
III. TUYÊN TRUYỀN TRONG DỊP BẦU CỬ CÁC THẨM PHÁN VÀ HỘI THẨM NHÂN DÂN CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN ĐỊA PHƯƠNG
Các thẩm phán và hội thẩm nhân dân là những đại biểu của nhân dân, do các Hội đồng nhân dân bầu ra và bãi miễn. Vì vậy, khi bầu cử thẩm phán và hội thẩm nhân dân cần phải để cho nhân dân thấy rõ mục đích và ý nghĩa của việc bầu cử thẩm phán và hội thẩm nhân dân. Khi tuyên truyền, cần phải kết hợp giải thích rõ về chức năng và nhiệm vụ của tòa án nhân dân để là cho nhân dân thấy rõ trách nhiệm của các thẩm phán và hội thẩm nhân dân. Trong cuộc bầu cử hội thẩm nhân dân năm 1959, nhiều địa phương không chú ý đến công tác tuyên truyền cho nên nhân dân không hiểu rõ mục đích và ý nghĩa của việc bầu cử hội thẩm nhân dân, một số người được bầu làm hội thẩm nhân dân cũng không hào hứng với công tác mới.
Trong dịp bầu cử thẩm phán và hội thẩm nhân dân của các Tòa án nhân dân địa phương, có thể dùng những hình thức tuyên truyền sau đây:
- Tòa án nhân dân cử cán bộ tổ chức những buổi nói chuyện rộng rãi với cán bộ công nhân của các cơ quan và đoàn thể cùng cấp về mục đích và ý nghĩa của việc bầu cử thẩm phán và hội thẩm nhân dân;
- Bồi dưỡng cho các ủy viên tư pháp xã, các hội thẩm nhân dân, các đại biểu đoàn thể nhân dân ở xã đi nói chuyện rộng rãi trong các cuộc họp của nhân dân về mục đích và ý nghĩa của việc bầu cử thẩm phán và hội thẩm nhân dân.
- Nếu ở địa phương có bầu cử lại Hội đồng nhân dân, thì phải kết hợp với cuộc tuyên truyền vận động về bầu cử Hội đồng nhân dân mà tuyên tuyền về mục đích ý nghĩa của việc bầu cử thẩm phán và hội thẩm nhân dân.
Tùy hoàn cảnh của mỗi địa phương, các tòa án nhân dân phải phối hợp chặt chẽ với tổ chức tuyên huyến và tổ chức phụ trách việc bầu cử ở địa phương để có kế hoạch thích hợp về việc tuyên truyền trong dịp bầu cử thẩm phán và hội thẩm nhân dân.
* * *
Trên đây là một số điểm cụ thể trong việc tổ chức bầu cử thẩm phán và hội thẩm nhân dân của các Tòa án nhân dân địa phương. Nếu trong khi thực hiện, có gặp khó khăn, thì các Tòa án nhân dân địa phương cần báo cáo cho Tòa án nhân dân tối cao biết để kịp thời giải quyết.
|
CHÁNH
ÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO |
Thông tư 377-TC năm 1961 hướng dẫn tổ chức bầu cử Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân của các Tòa án nhân dân địa phương do Tòa án Nhân dân Tối cao ban hành.
Số hiệu: | 377-TC |
---|---|
Loại văn bản: | Thông tư |
Nơi ban hành: | Tòa án nhân dân tối cao |
Người ký: | Phạm Văn Bạch |
Ngày ban hành: | 25/04/1961 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Thông tư 377-TC năm 1961 hướng dẫn tổ chức bầu cử Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân của các Tòa án nhân dân địa phương do Tòa án Nhân dân Tối cao ban hành.
Chưa có Video