BỘ QUỐC PHÒNG |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 214/2013/TT-BQP |
Hà Nội, ngày 07 tháng 12 năm 2013 |
HƯỚNG DẪN VỀ CÔNG TÁC TÌM KIẾM, QUY TẬP HÀI CỐT LIỆT SĨ
Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;
Căn cứ Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng;
Căn cứ Quyết định số 1237/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo (sau đây gọi tắt là Quyết định 1237/QĐ-TTg);
Xét đề nghị của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị;
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này hướng dẫn về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở trong và ngoài nước, bao gồm: Tuyên truyền; cung cấp, tiếp nhận, rà soát, kiện toàn hồ sơ, xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp về liệt sĩ, mộ liệt sĩ; tổ chức lực lượng, bảo đảm và các hoạt động tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; quan hệ hợp tác quốc tế; sơ kết, tổng kết công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
2. Đối tượng áp dụng: Cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập; tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
Điều 2. Trách nhiệm tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
1. Các tổ chức, đoàn thể, các lực lượng được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập, có trách nhiệm tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh trong các cuộc chiến tranh, đưa vào an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ.
2. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ; tham gia tìm kiếm, quy tập; hỗ trợ kinh phí, trang bị, phương tiện, vật chất, kỹ thuật phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
Điều 3. Nội dung công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
1. Tuyên truyền về công tác tìm kiếm, quy tập.
2. Cung cấp, tiếp nhận, rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ, xây dựng cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ.
3. Tổ chức lực lượng và bảo đảm cho công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
4. Tổ chức các hoạt động tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ.
5. Lấy mẫu sinh phẩm để phục vụ công tác giám định ADN.
6. Quan hệ hợp tác quốc tế trong công tác tìm kiếm, quy tập.
7. Sơ kết, tổng kết công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
Điều 4. Phân cấp quản lý công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
1. Bộ Quốc phòng giúp Chính phủ quản lý Nhà nước; thống nhất chỉ đạo thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở trong và ngoài nước.
2. Các Bộ, ngành có trách nhiệm quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện các nội dung tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
3. Các quân khu có trách nhiệm giúp Bộ Quốc phòng quản lý, chỉ đạo công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn quân khu và ở ngoài nước theo phân công của Ban Công tác đặc biệt, Ủy ban Chuyên trách Chính phủ.
4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) có trách nhiệm quản lý, chỉ đạo công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn; quản lý, chỉ đạo công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở ngoài nước theo phân công của Ban Công tác đặc biệt, Ủy ban Chuyên trách Chính phủ.
5. Các đơn vị quân đội từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ theo phạm vi trách nhiệm được phân công.
6. Lực lượng chuyên trách, lực lượng lâm thời do cấp có thẩm quyền thành lập là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
TÌM KIẾM, QUY TẬP HÀI CỐT LIỆT SĨ
MỤC 1. QUẢN LÝ VÀ XỬ LÝ THÔNG TIN VỀ LIỆT SĨ, MỘ LIỆT SĨ
Điều 5. Giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội trong chiến tranh
1. Công tác giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội trong chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế thực hiện theo Chỉ thị số 07/CT-BQP ngày 22 tháng 3 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
2. Cơ sở dữ liệu giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị được cấp có thẩm quyền phê duyệt ban hành là căn cứ có tính pháp lý phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; giải quyết chính sách tồn đọng sau chiến tranh.
1. Các Bộ, ngành, đơn vị, địa phương có trách nhiệm thu thập, rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ liệt sĩ, mộ liệt sĩ thuộc cơ quan, đơn vị, địa phương mình quản lý.
2. Nội dung thu thập, rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ liệt sĩ, mộ liệt sĩ
a) Rà soát, thống kê, bổ sung, xác định số lượng, hoàn chỉnh danh sách liệt sĩ, xác định nơi chôn cất ban đầu của liệt sĩ;
b) Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ; tích hợp các cơ sở dữ liệu để phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ;
c) Hoàn chỉnh sơ đồ mộ liệt sĩ hiện đang quản lý.
3. Phương pháp thu thập, rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ liệt sĩ, mộ liệt sĩ
a) Các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền rà soát, thống kê, hoàn chỉnh hồ sơ, danh sách liệt sĩ và các thông tin liên quan đến liệt sĩ, mộ liệt sĩ thuộc Bộ, ngành, địa phương; cung cấp cho các đơn vị quân đội khi có yêu cầu để thống nhất quản lý và tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ;
b) Các đơn vị quân đội từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên, các địa phương từ cấp xã trở lên tiếp nhận thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ; rà soát, thống kê, bổ sung các thông tin còn thiếu; so sánh, đối chiếu, hoàn chỉnh danh sách liệt sĩ, xác định nơi chôn cất ban đầu, hoàn chỉnh sơ đồ mộ liệt sĩ;
c) Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp về liệt sĩ, mộ liệt sĩ; chuyển giao, hướng dẫn sử dụng hệ cơ sở dữ liệu đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương; tiếp nhận, chỉnh lý, hoàn thiện hệ cơ sở dữ liệu tích hợp về liệt sĩ, mộ liệt sĩ.
Điều 7. Cung cấp, tiếp nhận, xử lý thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ
1. Tổ chức, cá nhân có thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ có trách nhiệm cung cấp cho các cơ quan, đơn vị, địa phương, các lực lượng chuyên trách tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và các cơ quan thông tấn, báo chí phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
2. Nội dung cung cấp, tiếp nhận, xử lý thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ bao gồm: Cơ sở nguồn tin; vị trí, số lượng mộ, danh sách liệt sĩ, sơ đồ mộ chí và các đặc điểm khác có liên quan (nếu có).
3. Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu, xử lý thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ do các tổ chức, cá nhân cung cấp. Khi xác định được yếu tố cần thiết, có tính xác thực, cung cấp cho lực lượng tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
4. Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia, cơ quan thường trực đồng thời là cơ quan trung tâm giúp Ban Chỉ đạo các cấp tiếp nhận, xử lý, quản lý và cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ.
Điều 8. Lập bản đồ và hệ thông tin địa lý tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
1. Bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là tài liệu chuyên ngành, phản ánh kết quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ: Khu vực có chôn cất liệt sĩ đã tổ chức tìm kiếm, quy tập xong; khu vực có thông tin, đã tìm kiếm, quy tập nhưng chưa hết, cần phải tìm kiếm, quy tập tiếp; khu vực có thông tin chôn cất liệt sĩ nhưng chưa rõ vị trí cụ thể; khu vực chưa tìm kiếm, quy tập.
Bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được lập theo địa giới hành chính ở 3 cấp; Cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh.
2. Căn cứ lập bản đồ và nội dung bản đồ
a) Căn cứ lập bản đồ
- Địa giới hành chính theo quy định của cấp có thẩm quyền;
- Kết quả rà soát, đối chiếu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ; nghĩa trang liệt sĩ;
- Thông tin về mộ liệt sĩ do các đơn vị, địa phương, các tổ chức, cá nhân cung cấp;
- Thực tiễn công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở địa phương.
b) Nội dung bản đồ
Bản đồ tìm kiếm, quy tập thể hiện đầy đủ các yếu tố có liên quan đến nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ:
- Số lượng liệt sĩ hy sinh trên địa bàn;
- Khu vực có mộ liệt sĩ, đã tìm kiếm, quy tập xong;
- Khu vực đã tìm kiếm, quy tập nhưng còn hài cốt liệt sĩ cần tiếp tục tìm kiếm, quy tập; dự kiến số lượng mộ liệt sĩ cần tiếp tục tìm kiếm, quy tập;
- Khu vực có mộ liệt sĩ nhưng chưa tìm kiếm, quy tập;
- Khu vực có thông tin chôn cất liệt sĩ nhưng chưa rõ vị trí cụ thể;
- Tổ chức lực lượng, phương tiện tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ;
- Các yếu tố khác có liên quan.
3. Trình tự, trách nhiệm lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
a) Cơ quan quân sự địa phương các cấp chủ trì, giúp Ủy ban nhân dân tiếp nhận, xử lý thông tin; khảo sát, xác minh, kết luận các nội dung theo Điểm b, Khoản 2 Điều này;
b) Tổ chức Hội nghị liên ngành từng cấp, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân chủ trì, thành phần gồm: Quân sự, Công an, Cựu Chiến binh, Lao động - Thương binh và Xã hội, Người cao tuổi và các thành phần khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân quy định, kết luận các nội dung của bản đồ;
c) Trên cơ sở kết luận các nội dung của bản đồ, cơ quan quân sự địa phương các cấp chủ trì, giúp Ủy ban nhân dân tổng hợp, lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ của địa phương;
d) Hằng năm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung nội dung bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ theo kết quả đã thực hiện;
đ) Cục Chính sách/Tổng cục Chính trị chủ trì, phối hợp với Cục Bản đồ/Bộ Tổng Tham mưu hướng dẫn về nghiệp vụ lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Trên cơ sở bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và các thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ do các tổ chức, cá nhân và địa phương cung cấp, rà soát, đối chiếu, phân loại, tổng hợp xây dựng Hệ thống tin địa lý phục vụ quản lý, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trong phạm vi toàn quốc.
MỤC 2. TỔ CHỨC LỰC LƯỢNG VÀ BẢO ĐẢM CHO CÔNG TÁC TÌM KIẾM, QUY TẬP HÀI CỐT LIỆT SĨ
Điều 9. Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
1. Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (gọi tắt là Ban Chỉ đạo quốc gia 1237) được thành lập theo Quyết định số 1753/QĐ-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo quốc gia 1237 được quy định tại Điều 2 Quyết định số 1753/QĐ-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.
3. Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia 1237 là cơ quan giúp việc của Ban Chỉ đạo, hoạt động theo Quy chế được ban hành theo Quyết định số 249/QĐ-BCĐQG 1237 ngày 07 tháng 11 năm 2013 của Trưởng Ban Chỉ đạo. Tổ chức, biên chế, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia 1237 do Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia xem xét, quyết định.
Điều 10. Ban Chỉ đạo tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ cấp quân khu
1. Ban Chỉ đạo tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ của quân khu do Tư lệnh quân khu quyết định thành lập, gồm:
a) Trưởng Ban Chỉ đạo; Phó Chính ủy quân khu;
b) Các Phó trưởng Ban Chỉ đạo:
- Phó Trưởng ban Thường trực: Thủ trưởng Cục Chính trị quân khu;
- Phó Trưởng ban; Thủ trưởng Bộ Tham mưu quân khu.
c) Các Ủy viên Ban Chỉ đạo, gồm: Đại diện Thủ trưởng các cơ quan; Chính trị, Hậu cần, Kỹ thuật; Thủ trưởng các Phòng: Chính sách, Cán bộ, Tuyên huấn, Quân lực, Tác huấn, Bản đồ và Tài chính thuộc quân khu.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo
Ban Chỉ đạo quân khu có trách nhiệm giúp Tư lệnh, Chính ủy quân khu triển khai, quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn đảm nhiệm, có nhiệm vụ sau:
a) Chỉ đạo, điều hành sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn; chỉ đạo công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở ngoài nước theo phân công của Ban Công tác đặc biệt, Ủy ban Chuyên trách Chính phủ;
b) Kiểm tra, đôn đốc, đánh giá kết quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, giải quyết những vướng mắc trong tổ chức thực hiện và định kỳ báo cáo, tổng hợp kết quả thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn về Bộ Quốc phòng và Ban Chỉ đạo quốc gia 1237.
c) Sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm công tác tìm kiếm, quy tập; đề xuất khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong triển khai, thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
3. Hoạt động của Ban Chỉ đạo
a) Trưởng Ban Chỉ đạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp quân khu; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo;
b) Ban Chỉ đạo quân khu làm việc theo chế độ kiêm nhiệm;
c) Trưởng ban, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo ký sử dụng con dấu của Bộ Tư lệnh quân khu và cơ quan mình.
4. Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo
Cục Chính trị là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo cấp quân khu. Giúp việc Cơ quan Thường trực là Phòng Chính sách quân khu và một số cán bộ kiêm nhiệm, có nhiệm vụ:
a) Xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, phục vụ Ban Chỉ đạo cấp quân khu kiểm tra các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện; tổng hợp báo cáo kết quả và chuẩn bị kế hoạch, nội dung sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn quân khu;
b) Theo dõi, nắm tình hình, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương xử lý những vướng mắc trong tổ chức thực hiện; hướng dẫn thực hiện và kiểm tra các công việc đã được phê duyệt hoặc có chủ trương triển khai thực hiện;
c) Lập dự toán kinh phí, kế hoạch bảo đảm cho nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và bảo đảm cho hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp quân khu; thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
Điều 11. Ban Chỉ đạo tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
1. Ban Chỉ đạo tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 1237 cấp tỉnh) do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập.
2. Thành phần Ban Chỉ đạo, gồm:
a) Trưởng Ban Chỉ đạo: Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
b) Các Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo:
- Phó Trưởng ban Thường trực: Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh.
- Phó Trưởng ban: Đại biểu lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
c) Các Ủy viên Ban chỉ đạo gồm đại diện lãnh đạo các sở, ngành: Công an, Tài chính, Văn phòng Ủy ban nhân dân, Ban Tuyên giáo, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu Chiến binh; Thủ trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Thủ trưởng Bộ Chỉ huy quân sự và các cơ quan Tham mưu, Chính trị/Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh.
Đối với các tỉnh, thành phố số lượng hài cốt liệt sĩ trên địa bàn cần tìm kiếm, cất bốc, quy tập còn lớn, có thể bổ sung thêm Ủy viên Ban Chỉ đạo, nhưng tổng số không quá 15 người.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo
Ban Chỉ đạo cấp tỉnh có trách nhiệm giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh triển khai, quản lý, thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn, có nhiệm vụ sau:
a) Chỉ đạo, điều hành các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn; chỉ đạo công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở ngoài nước theo phân công của Ban Công tác đặc biệt, Ủy ban Chuyên trách Chính phủ;
b) Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá kết quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, giải quyết những vướng mắc phát sinh ở địa phương và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ về Ban Chỉ đạo cấp Quân khu để tổng hợp; báo cáo Bộ Quốc phòng và Ban Chỉ đạo quốc gia 1237.
c) Sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm; đề xuất khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong triển khai, thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
4. Hoạt động của Ban Chỉ đạo
a) Trưởng Ban Chỉ đạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo;
b) Ban Chỉ đạo cấp tỉnh làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; giúp việc Ban Chỉ đạo cấp tỉnh có cơ quan Thường trực đặt tại Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh;
c) Trưởng Ban Chỉ đạo sử dụng con dấu của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Phó Trưởng Ban và Ủy viên Ban Chỉ đạo sử dụng con dấu của cơ quan, đơn vị mình;
d) Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phối hợp chỉ đạo, cùng với Ban Công tác đặc biệt, Ban Chuyên trách của tỉnh chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ ở Lào và Campuchia theo phạm vi, nhiệm vụ được phân công, phù hợp với thông lệ quốc tế.
5. Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh
Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo, giúp việc Cơ quan Thường trực là Ban Chính sách và một số cán bộ kiêm nhiệm, có nhiệm vụ:
a) Giúp Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện, quản lý toàn bộ về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn;
b) Xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, phục vụ Ban Chỉ đạo cấp tỉnh kiểm tra các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; tổng hợp, báo cáo kết quả và chuẩn bị kế hoạch, nội dung sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn;
c) Theo dõi, nắm tình hình, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan hướng dẫn thực hiện; xử lý những vướng mắc và thường xuyên kiểm tra công việc đã triển khai;
d) Lập dự toán kinh phí đảm bảo cho nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và bảo đảm cho hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, tổng hợp báo cáo về Ban Chỉ đạo quân khu và Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia 1237.
Điều 12. Tổ chức lực lượng chuyên trách tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
1. Lực lượng chuyên trách tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là các Đội quy tập đã được Bộ Quốc phòng quyết định thành lập, do các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng quản lý, chỉ đạo; thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở trong và ngoài nước.
2. Những đơn vị, địa phương cần thiết thành lập mới các Đội chuyên trách, báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định.
3. Tổ chức, biên chế, trang bị của lực lượng tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ do Bộ Tổng Tham mưu quy định.
Điều 13. Lực lượng lâm thời; trưng dụng lực lượng phối hợp
1. Lực lượng lâm thời
a) Căn cứ vào thông tin về hài cốt liệt sĩ cần phải tìm kiếm, quy tập, các đơn vị, địa phương lập kế hoạch, đề xuất tổ chức lực lượng lâm thời báo cáo Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định.
b) Quân số lực lượng lâm thời là cán bộ, chiến sĩ, CNVQP của các đơn vị, do đơn vị quy định; lực lượng lâm thời giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
2. Trưng dụng lực lượng phối hợp
a) Thành phần lực lượng trưng dụng
- Lực lượng dẫn đường: Là những người biết thông tin chính xác mộ liệt sĩ, có sức khỏe, trực tiếp chỉ dẫn cho lực lượng tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ;
- Lực lượng bảo vệ: Tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ cho lực lượng tìm kiếm, quy tập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn cần phải bảo vệ.
- Lực lượng giúp việc đào bới, khai quật: Là lực lượng Dân quân, tự vệ và nhân dân trên địa bàn, được huy động tham gia quy tập và dưới sự chỉ huy của đơn vị tổ chức tìm kiếm, quy tập.
b) Ban Chỉ đạo các cấp căn cứ đề nghị của cơ quan Thường trực hoặc các Đội chuyên trách tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; kiểm tra, xác minh và quyết định thành phần lực lượng trưng dụng phù hợp yêu cầu nhiệm vụ;
c) Lực lượng trưng dụng có trách nhiệm bảo đảm thông tin chính xác; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; chịu trách nhiệm phối hợp chặt chẽ và chịu sự chỉ huy của đơn vị tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ;
d) Lực lượng trưng dụng được hưởng các chế độ theo quy định.
Điều 14. Bảo đảm trang bị, phương tiện
1. Nội dung bảo đảm trang bị, phương tiện thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách và cơ chế bảo đảm cho công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, Ban Chỉ đạo quốc gia 1237.
2. Hằng năm, căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập của từng địa phương, đơn vị, Ban Chỉ đạo các cấp lập kế hoạch bảo đảm gửi Ban Chỉ đạo quân khu tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia 1237 và Bộ Quốc phòng.
Điều 15. Quan hệ quốc tế về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
1. Nội dung hợp tác quốc tế về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
a) Thu thập, xử lý thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ;
b) Chia sẻ kinh nghiệm tìm kiếm quân nhân hy sinh, mất tin, mất tích trong chiến tranh;
c) Trao đổi, tiếp nhận cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ;
d) Phối hợp tổ chức các hoạt động tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ;
đ) Các hoạt động khác theo yêu cầu hợp tác phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
2. Đối tác quan hệ hợp tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
a) Các nước có hài cốt liệt sĩ của Việt Nam;
b) Các nước có lực lượng trực tiếp tham gia chiến tranh ở Việt Nam;
c) Các nước có số lượng lớn quân nhân hy sinh trong chiến tranh; các nước có kinh nghiệm trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt quân nhân hy sinh sau các cuộc chiến tranh;
d) Các tổ chức và cá nhân có liên quan.
MỤC 3. HOẠT ĐỘNG TÌM KIẾM, QUY TẬP HÀI CỐT LIỆT SĨ
Điều 16. Xây dựng kế hoạch tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
1. Trách nhiệm lập và phê duyệt kế hoạch
a) Căn cứ nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ của từng địa phương, đơn vị, hằng năm, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh (và tương đương) giúp Ban Chỉ đạo cấp tỉnh xây dựng kế hoạch xin ý kiến Chỉ đạo cấp quân khu trước khi trình Trưởng Ban Chỉ đạo cấp mình phê duyệt;
b) Kế hoạch của cấp tỉnh được tổng hợp chung trong kế hoạch của Ban Chỉ đạo cấp quân khu.
2. Nội dung kế hoạch
a) Xác định rõ yêu cầu, nội dung nhiệm vụ, giải pháp, tiến độ thực hiện;
b) Sử dụng lực lượng, phương tiện;
c) Xác định phương án xử lý kết quả tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ;
d) Các mặt bảo đảm, tổ chức thực hiện tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
Yêu cầu kế hoạch phải thể hiện cụ thể các nội dung: Căn cứ xây dựng kế hoạch; số lượng người tham gia tìm kiếm, cất bốc; địa bàn tìm kiếm, cất bốc; dự kiến số lượng hài cốt liệt sĩ cất bốc được; sử dụng phương tiện, trang bị; thời gian thực hiện; trình tự, phương pháp triển khai; dự toán kinh phí và các mặt công tác bảo đảm khác.
Điều 17. Tổ chức cất bốc, quy tập và lập hồ sơ quản lý hài cốt liệt sĩ
1. Căn cứ vào kế hoạch chung đã được phê duyệt, từng đợt, từng trường hợp cụ thể phải có kế hoạch chi tiết, do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh phê duyệt mới thực hiện.
a) Trước khi cất bốc mộ liệt sĩ phải xác định rõ nguồn thông tin có căn cứ; tổ chức khảo sát, xác minh, đối chiếu, so sánh giữa danh sách liệt sĩ, sơ đồ mộ chí của đơn vị (nếu có) với vị trí của từng ngôi mộ để xác định họ tên, quê quán của liệt sĩ;
b) Bảo đảm chu đáo cho công tác cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ; phù hợp với phong tục, tập quán địa phương.
2. Thực hành cất bốc hài cốt liệt sĩ theo kế hoạch đã được phê duyệt
a) Chỉ có lực lượng chuyên trách hoặc lực lượng lâm thời do các đơn vị quân đội chỉ huy, quản lý thực hiện nhiệm vụ cất bốc, quy tập; các lực lượng khác tham gia phối hợp, không tự tổ chức lực lượng cất bốc;
b) Tổ chức cất bốc hài cốt liệt sĩ phải bảo đảm chặt chẽ, công khai, trang trọng, tỷ mỷ và an toàn.
3. Mộ liệt sĩ sau khi cất bốc đều phải lập hồ sơ bao gồm: Đơn vị làm nhiệm vụ cất bốc; nguồn thông tin về vị trí mộ; thời gian cất bốc; tọa độ, sơ đồ, vị trí nơi phát hiện ra mộ; họ tên, quê quán liệt sĩ (nếu có); biên bản kiểm kê hài cốt, di vật (nếu có). Hồ sơ và biên bản phải được người chỉ huy làm nhiệm vụ cất bốc, ký xác nhận và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
4. Hài cốt liệt sĩ chưa có thông tin về danh tính, sau khi quy tập lấy mẫu sinh phẩm để lưu giữ xét nghiệm ADN.
Điều 18. Cất bốc, quy tập khu vực có nhiều hài cốt liệt sĩ (mộ tập thể)
1. Xác minh thông tin
Các đơn vị, địa phương khi phát hiện hoặc được cung cấp thông tin mộ liệt sĩ tập thể, cần tổ chức xác minh thông tin để có căn cứ khẳng định. Các bước xác minh như sau:
a) Thu thập thông tin từ Ban liên lạc các đơn vị, Cựu chiến binh của ta và các tổ chức, cá nhân đối phương (địa điểm chôn cất liệt sĩ; danh sách liệt sĩ; thời gian chôn cất; đặc điểm, vị trí chôn cất);
b) Đề nghị cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương nơi phát hiện có thông tin mộ tập thể hoặc cá nhân có liên quan khác xác minh, cung cấp các yếu tố có liên quan;
c) Báo cáo về Cục Chính sách - Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia 1237 và các đơn vị tham gia chiến đấu trên địa bàn nơi có thông tin mộ tập thể, căn cứ hồ sơ, danh sách liệt sĩ, sơ đồ mộ chí đơn vị đang lưu giữ, cung cấp cho đơn vị làm nhiệm vụ quy tập các thông tin có liên quan;
d) Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị căn cứ hồ sơ điện tử quản lý liệt sĩ cung cấp danh sách liệt sĩ tham gia trận đánh và các thông tin liên quan khác (nếu có); chỉ đạo việc tổ chức cất bốc, quy tập và an táng.
2. Lập kế hoạch cất bốc quy tập
a) Trách nhiệm lập kế hoạch và phê duyệt kế hoạch, yêu cầu, nội dung kế hoạch thực hiện theo Điều 16 Thông tư này.
b) Trường hợp vị trí tổ chức cất bốc, quy tập liên quan đến đền bù thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân có liên quan vượt quá thẩm quyền quy định phải báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia 1237 và Bộ Quốc phòng trước khi thực hiện.
3. Xử lý kết quả cất bốc
a) Đối với các mộ liệt sĩ được mai táng riêng trong khu vực mộ: Sau khi cất bốc đều phải lập hồ sơ quản lý hài cốt liệt sĩ theo quy định tại Khoản 3, Điều 17 Thông tư này; lấy mẫu sinh phẩm để xét nghiệm ADN theo quy định.
b) Đối với hài cốt mộ liệt sĩ tập thể:
Khi cất bốc, quy tập mà không xác định được chính xác số lượng hài cốt liệt sĩ, danh tính và di vật của từng liệt sĩ thì số hài cốt cất bốc được an táng chung vào mộ tập thể; vị trí an táng theo chỉ đạo của chính quyền địa phương sở tại (không dùng phương pháp khác để chia riêng từng bộ hài cốt và ghi danh từng liệt sĩ nếu như không đủ căn cứ để kết luận).
d) Căn cứ danh sách liệt sĩ do đơn vị, các cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu trên địa bàn cung cấp (nếu có) và hồ sơ quản lý, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị phối hợp với Cục Người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định, thống nhất danh sách để ghi vào bia ghi tên liệt sĩ trên ngôi mộ chung.
Điều 19. Bàn giao hài cốt liệt sĩ
1. Quy định về bàn giao hài cốt liệt sĩ
a) Hài cốt liệt sĩ đã xác định được họ tên, quê quán, bàn giao cho ngành Lao động - Thương binh và Xã hội sở tại.
Đối với hài cốt liệt sĩ ngoài địa phương sở tại thì lập thành danh sách theo quê quán (kèm theo biên bản) để di chuyển và bàn giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo quê quán của liệt sĩ.
b) Hài cốt liệt sĩ chưa xác định được họ tên, quê quán: Đơn vị quy tập bàn giao (kèm theo hồ sơ) cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quy tập; số hài cốt liệt sĩ di chuyển từ Lào và Campuchia về thì đơn vị quy tập bàn giao (kèm theo hồ sơ) cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi được giao đón nhận.
2. Nội dung bàn giao hài cốt liệt sĩ
a) Hài cốt liệt sĩ đã xác định được họ tên, quê quán: Danh sách trích ngang; Biên bản kiểm kê hài cốt và di vật (nếu có) của từng liệt sĩ; hồ sơ cất bốc;
b) Hài cốt liệt sĩ chưa xác định được họ tên, quê quán: số lượng hài cốt liệt sĩ; Biên bản kiểm kê hài cốt và di vật (nếu có) của từng bộ hài cốt liệt sĩ; hồ sơ cất bốc.
Điều 20. Trách nhiệm của các Bộ, ngành
1. Các Bộ, ngành thực hiện trách nhiệm theo quy định tại Quyết định số 1237/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền rà soát, kiện toàn hồ sơ, lập danh sách liệt sĩ; cung cấp, tiếp nhận các thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ; phối hợp với các đơn vị quân đội trong việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ của Bộ, ngành mình.
Điều 21. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị quân đội
1. Tổng cục Chính trị
a) Chủ trì, chỉ đạo hướng dẫn thực hiện Thông tư này;
b) Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí trong quân đội phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; phát động các tổ chức, cá nhân, nhất là các cựu chiến binh cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ;
c) Phối hợp với Bộ Tổng Tham mưu và các Tổng cục xây dựng tổ chức biên chế, phương tiện, trang bị và bảo đảm cho các lực lượng tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ;
d) Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập; theo dõi, tổng hợp đề xuất chủ trương, giải pháp tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
2. Bộ Tổng Tham mưu
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội trong chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc;
b) Ban hành và triển khai thực hiện các quyết định về tổ chức, biên chế quân số, trang bị phục vụ nhiệm vụ tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ trong và ngoài nước;
c) Chỉ đạo việc huấn luyện nghiệp vụ; huấn luyện kỹ, chiến thuật, xây dựng phương án sẵn sàng chiến đấu bảo toàn lực lượng, phương tiện, trang bị;
d) Chỉ đạo, phối hợp hướng dẫn công tác lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
3. Các Tổng cục
Theo chức năng và nhiệm vụ, ban hành, chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện các quyết định về trang bị, phương tiện chuyên dùng; phương tiện phục vụ thông tin, tuyên truyền; trang bị phương tiện bảo đảm kỹ thuật, hậu cần, đời sống bảo đảm cho công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
4. Các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng
a) Chỉ đạo công tác tuyên truyền sâu rộng về công tác tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ; cung cấp tiếp nhận và xử lý thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ; nhất là việc tổ chức quán triệt, thực hiện Quyết định số 1237/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các quy định tại Thông tư này;
b) Chỉ đạo xây dựng và thực hiện kế hoạch tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ theo phạm vi thẩm quyền và nhiệm vụ được phân công;
c) Rà soát, thống kê, bổ sung các thông tin còn thiếu; so sánh, đối chiếu, kiện toàn danh sách liệt sĩ, xác định nơi chôn cất ban đầu, kiện toàn sơ đồ mộ liệt sĩ; bổ sung, hoàn thiện cơ sở dữ liệu của cơ quan, đơn vị mình quản lý;
d) Chỉ đạo lập bản đồ tìm kiếm quy tập của các địa phương;
đ) Chỉ đạo, phối hợp công tác tìm kiếm quy tập theo phạm vi trách nhiệm được phân công;
e) Chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ; tiếp đón thân nhân liệt sĩ theo phạm vi trách nhiệm;
f) Quan hệ hợp tác quốc tế về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ theo phạm vi thẩm quyền;
g) Các Quân khu chỉ đạo Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; kiện toàn các cơ quan chuyên môn và các Đội chuyên trách; bảo đảm kinh phí, vật tư, trang bị, phương tiện, chế độ, chính sách đối với các lực lượng tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị;
h) Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo cơ quan, đơn vị phối hợp thực hiện nhiệm vụ theo Quyết định 1237;
i) Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá kết quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; kịp thời giải quyết những vướng mắc, phát sinh trong tổ chức thực hiện và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ về Bộ Quốc phòng.
5. Các cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng
a) Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị
Phối hợp với các cơ quan chức năng, nghiên cứu, tham mưu đề xuất Bộ Quốc phòng kiến nghị với Chính phủ điều chỉnh, bổ sung chế độ, chính sách, trang bị, phương tiện bảo đảm đối với các lực lượng làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập phù hợp với đặc điểm từng giai đoạn; là cơ quan trung tâm tham mưu đề xuất, quản lý và cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ;
Xây dựng và hướng dẫn thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ đạo quốc gia 1237; chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, địa phương; tổng hợp, báo cáo kết quả và chuẩn bị kế hoạch, nội dung sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ;
Lập dự toán kinh phí và các mặt bảo đảm cho các hoạt động tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở trong nước và ngoài nước;
Theo dõi, nắm tình hình, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương xử lý những vấn đề có liên quan thuộc lĩnh vực tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
b) Các cơ quan có liên quan theo phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, phối hợp với các cơ quan có liên quan, nghiên cứu, tham mưu đề xuất để Bộ Quốc phòng kiến nghị với Chính phủ điều chỉnh, bổ sung chế độ, chính sách, trang bị, phương tiện bảo đảm đối với các lực lượng làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập phù hợp với đặc điểm từng giai đoạn, quản lý, chỉ đạo nghiệp vụ, bảo đảm cho công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đạt hiệu quả.
Điều 22. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
Có trách nhiệm tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ theo Quyết định số 1237/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các quy định tại Thông tư này:
a) Chỉ đạo công tác tuyên truyền sâu rộng về công tác tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ; tiếp nhận và xử lý thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ;
b) Thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo quy định tại Điều 11 của Thông tư này;
c) Kết luận số lượng, lập danh sách liệt sĩ của địa phương; kết luận số lượng liệt sĩ hy sinh trên địa bàn; dự kiến số lượng cần tìm kiếm, quy tập;
d) Chỉ đạo công tác lập bản đồ tìm kiếm quy tập ở cấp huyện và cấp xã; tổng hợp, rà soát, lập bản đồ tìm kiếm quy tập cấp tỉnh; quản lý và chỉ đạo thực hiện việc bổ sung nội dung bản đồ theo kết quả tìm kiếm, quy tập hằng năm;
đ) Xây dựng kế hoạch; chỉ đạo các hoạt động tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ trong và ngoài nước theo phạm vi được phân công;
e) Quan hệ hợp tác quốc tế về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ theo phạm vi thẩm quyền;
f) Chỉ đạo công tác cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ cho thân nhân thuộc phạm vi trách nhiệm.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện
a) Chỉ đạo công tác tuyên truyền sâu rộng về công tác tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ; tiếp nhận và xử lý thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ;
b) Kết luận số lượng, lập danh sách liệt sĩ của địa phương; kết luận số lượng liệt sĩ hy sinh trên địa bàn; số cần tìm kiếm, quy tập;
c) Chỉ đạo cấp xã lập bản đồ tìm kiếm quy tập; tổng hợp, rà soát, lập bản đồ tìm kiếm quy tập cấp huyện báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
d) Quản lý thống nhất các hoạt động tìm kiếm, cất bốc, quy tập trên địa bàn và thực hiện theo kế hoạch của cấp trên xác định;
đ) Chỉ đạo các cơ quan chức năng cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ cho thân nhân thuộc phạm vi trách nhiệm.
3. Ủy ban nhân dân cấp xã
a) Tổ chức tuyên truyền sâu rộng về công tác tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ; tiếp nhận và xử lý thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ;
b) Kết luận số lượng, lập danh sách liệt sĩ của địa phương; kết luận số lượng liệt sĩ hy sinh trên địa bàn;
c) Chỉ đạo, tổ chức lập bản đồ tìm kiếm, quy tập của xã, bảo đảm đầy đủ nội dung quy định và tính xác thực của bản đồ, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;
d) Huy động lực lượng trưng dụng theo yêu cầu của trên khi tổ chức tìm kiếm, quy tập tại địa bàn cấp xã quản lý;
đ) Quản lý hành chính hoạt động tìm kiếm, cất bốc, quy tập trên địa bàn;
e) Cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ cho thân nhân thuộc phạm vi trách nhiệm.
Kinh phí đảm bảo cho công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ thực hiện theo quy định tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách và công tác bảo đảm đối với tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21 tháng 01 năm 2014.
2. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương; các cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Quốc phòng (qua Cục Chính sách - Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia 1237) để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |
Thông tư 214/2013/TT-BQP hướng dẫn công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành
Số hiệu: | 214/2013/TT-BQP |
---|---|
Loại văn bản: | Thông tư |
Nơi ban hành: | Bộ Quốc phòng |
Người ký: | Nguyễn Thành Cung |
Ngày ban hành: | 07/12/2013 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Thông tư 214/2013/TT-BQP hướng dẫn công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành
Chưa có Video