VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 410/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 23 tháng 12 năm 2015 |
Ngày 11 tháng 12 năm 2015, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2015 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2016 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Tham dự Hội nghị có các Thành viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan, đơn vị liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng các Thành viên Ban Chỉ đạo 389 của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Sau khi nghe Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia báo cáo, ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương tham dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia có kết luận như sau:
Trong năm 2015, dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự tham gia tích cực của nhân dân, của các cơ quan thông tấn báo chí, các tổ chức chính trị - xã hội và các Hiệp hội ngành, nghề, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã đạt được những kết quả tích cực, tạo được chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động, góp phần tăng thu ngân sách, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Trong 11 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý gần 187.000 vụ vi phạm, tăng 6,5% so với năm 2014 (chuyển xử lý hình sự trên 1.100 vụ với gần 1.300 đối tượng); thu nộp ngân sách tiền xử phạt, bán hàng tịch thu và truy thu thuế trên 11.500 tỷ đồng, tăng gần 6% so với năm 2014.
Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, tác động xấu đến kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, sức khỏe của cộng đồng, gây bức xúc trong nhân dân. Nhiều kế hoạch đã được ban hành nhưng một số Bộ, ngành, địa phương chưa tích cực triển khai thực hiện, vẫn còn tình trạng nể nang, bao che, thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm, nhất là xử lý trách nhiệm đối với cán bộ công chức có liên quan; công tác quản lý nhà nước còn những bất cập, sơ hở, việc phân công trách nhiệm chưa cụ thể... nên tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả ở một số lĩnh vực có chiều hướng gia tăng, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm dùng trong chăn nuôi...).
II. VỀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ CÔNG TÁC NĂM 2016
Cơ bản đồng ý với dự thảo báo cáo của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (Bộ Tài chính) và ý kiến bổ sung của các đại biểu dự họp. Để công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chuyển biến tích cực hơn nữa, các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, với tinh thần kiên quyết phấn đấu tạo được bước tiến rõ rệt hơn nữa trên lĩnh vực này, trong đó cần tập trung làm tốt một số công việc sau:
1. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả các cấp, các ngành, kiên quyết không để có vùng cấm trong lĩnh vực này. Triển khai và thực hiện ngay Kế hoạch số 218/KH-BCĐ389 ngày 01 tháng 12 năm 2015 về Cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.
2. Tiếp tục hoàn thiện thể chế về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; hoàn thiện các quy định liên quan về quản lý, kiểm soát chặt chẽ loại hình kinh doanh tạm nhập - tái xuất, phân luồng quản lý rủi ro trong thông quan hàng hóa, về sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm.
3. Công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, nhất là trong các khâu bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật cán bộ làm công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Điều chuyển, thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
4. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tập trung vào các nội dung:
- Tuyên truyền, phổ biến thường xuyên về các mặt nguy hại của tệ nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong nhân dân và các cơ quan nhà nước, chú trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức thuộc các lực lượng chức năng trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
- Ngoài hình thức tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, cần bổ sung hình thức tuyên truyền trực quan tại các địa bàn trọng điểm, các trung tâm thương mại, các chợ đầu mối, trụ sở các cơ quan đơn vị chức năng với nội dung phù hợp (pano, áp phích, biển bảng...), đảm bảo nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức đấu tranh của cả cộng đồng đối với tệ nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
5. Các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tài chính, Công Thương tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác nghiệp vụ, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, phải tập trung đánh trúng, đánh đúng đầu nậu. Phối hợp tốt với các cơ quan tư pháp đẩy nhanh tiến độ điều tra, xét xử các vụ án buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nghiêm trọng được phát hiện gần đây, nâng cao tính răn đe, phòng ngừa.
6. Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các tác hại của tệ nạn hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại để các lực lượng chức năng có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả, không để tệ nạn này ảnh hưởng đến uy tín, quyền lợi quốc gia.
7. Trưởng Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương xây dựng Kế hoạch công tác năm 2016, đảm bảo bám sát Nghị quyết số 41/NQ-CP, trong đó có sự phân công trách nhiệm cụ thể, giao chỉ tiêu phấn đấu cho từng cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng như: Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Công an, Quản lý thị trường, Thanh tra chuyên ngành,... Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả, báo cáo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Kế hoạch gửi về Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (qua Văn phòng Thường trực) trước ngày 16 tháng 02 năm 2016 để tổng hợp, theo dõi.
8. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Văn phòng Chính phủ tích cực kiểm tra đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chủ động thu thập thông tin về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và kết quả đấu tranh của các lực lượng chức năng, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, các vụ việc nghiêm trọng được dư luận chú ý để tham mưu, đề xuất Trưởng Ban có ý kiến chỉ đạo xử lý kịp thời.
III. VỀ KIẾN NGHỊ CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG
1. Yêu cầu Bộ Tài chính:
a) Khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định ban hành Quy chế phối hợp trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (thay thế Quyết định 65/2010/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2010) và Quyết định về cơ chế hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các lực lượng chức năng.
b) Nghiên cứu, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 44 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn.
c) Hướng dẫn việc thực hiện Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung đường biên giới, đảm bảo giá hàng hóa biên mậu trên hóa đơn mua bán của cư dân biên giới sát với giá thị trường để phòng, chống gian lận thương mại, trốn thuế.
2. Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tăng cường lực lượng tại các tuyến, địa bàn biên giới trọng điểm trong thời gian thực hiện cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2016.
3. Về việc trang bị xe ô tô chuyên dùng cho Cục Quản lý thị trường và Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố là địa bàn trọng điểm trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, bố trí kinh phí thực hiện trong dự toán chi ngân sách năm 2016 đúng quy định của pháp luật.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan, đơn vị liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |
Thông báo 410/TB-VPCP năm 2015 kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2015 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2016 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu: | 410/TB-VPCP |
---|---|
Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ |
Người ký: | Kiều Đình Thụ |
Ngày ban hành: | 23/12/2015 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Thông báo 410/TB-VPCP năm 2015 kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2015 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2016 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia do Văn phòng Chính phủ ban hành
Chưa có Video