Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 336/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 04 tháng 08 năm 2017

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ TRƯƠNG HÒA BÌNH TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG NGÃI VỀ CÔNG TÁC DÂN TỘC

Ngày 24 tháng 7 năm 2017, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đến khảo sát tình hình thực hiện công tác Dân tộc, thăm, tặng quà đồng bào các dân tộc, gia đình chính sách tiêu biểu và các cháu học sinh nghèo vượt khó tại huyện vùng cao Tây Trà và làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi; tham gia đoàn công tác có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ và đại diện Bộ Tài chính.

Tại buổi làm việc, sau khi nghe Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi báo cáo kết quả kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017 và tình hình thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; ý kiến bổ sung của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, ý kiến của lãnh đạo các bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Thay mặt Chính phủ, biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ngãi và những kết quả đạt được trong thời gian qua, cụ thể là:

Về kinh tế - xã hội: Năm 2016, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: công nghiệp, xây dựng 55,9%, dịch vụ 26,2%, nông lâm nghiệp và thủy sản 17,9%; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 2.300 USD, cao hơn bình quân của cả nước; tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2016 còn 13,2% (theo chuẩn nghèo đa chiều). 6 tháng đầu năm 2017, kinh tế - xã hội của Tỉnh tiếp tục có những tín hiệu đáng mừng, nông, lâm, thủy sản tăng gần 4,5%, dịch vụ tăng gần 7,4%; kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 21%; tổng vốn đầu tư phát triển đạt gần 9.000 tỷ đồng, tăng 8,2%; phong trào khởi nghiệp chuyển biến mạnh mẽ với 321 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm 2016... Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, hệ thống chính trị ngày càng củng cố, khối đại đoàn kết các dân tộc không ngừng được nâng cao.

Về thực hiện các chính sách giảm nghèo, dân tộc, miền núi: Tỉnh đã tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, kế hoạch, dự án... phát triển kinh tế - xã hội nói chung và hỗ trợ cho đồng bào dân tộc, phát triển vùng khó khăn nói riêng; có cách làm sáng tạo, thực chất, như: chương trình hỗ trợ suy dinh dưỡng cho trẻ em hộ nghèo; cơ chế khuyến khích, thưởng 10 triệu đồng cho các hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo 2 năm liên tục và hỗ trợ cho con đang học phổ thông 100.000 đồng/tháng trong 2 năm. Kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều khởi sắc, bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện, trình độ dân trí được nâng lên. Tại 06 huyện vùng cao của Tỉnh, 58/67 xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 13 xã có chợ trung tâm, 100% xã có trạm y tế, gần 91% hộ được sử dụng điện, 77% hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, gần 99% hộ được xem truyền hình... Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo tại 06 huyện miền núi giảm gần 4,9%, xuống còn 41,93%; các xã đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc miền núi giảm hơn 4,92%, xuống còn 46,98%.

Tuy nhiên, Quảng Ngãi vẫn còn là một tỉnh nghèo, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn hạn chế; quy mô nền kinh tế nhỏ; nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt kế hoạch đề ra, tiến độ thực hiện và giải ngân các các dự án đầu tư chậm; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới còn thấp hơn các địa phương trong vùng và bình quân cả nước, số huyện nghèo còn cao, chênh lệch về tỷ lệ hộ nghèo còn cao giữa các vùng trong Tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện miền núi có nơi lên tới 75%, tỷ lệ giảm nghèo chậm, thiếu bền vững; năm 2016, toàn tỉnh có 263 hộ tái nghèo và 2.581 hộ nghèo phát sinh. Đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là vùng miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.

II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI

Để đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, cùng với việc thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội của Đảng bộ Tỉnh, Quảng Ngãi cần chú trọng thực hiện một số giải pháp sau đây:

1. Chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp trên tất cả các lĩnh vực, phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2017 đã đề ra. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân đối với các dự án đầu tư; đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng tăng cường liên kết hợp tác, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, mùa vụ phù hợp; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả;

Tiếp tục rà soát, có cơ chế chính sách khuyến khích hơn nữa trong thu hút đầu tư, nhất là các dự án FDI chất lượng cao, công nghệ cao vào các khu công nghiệp của Tỉnh. Phát huy tối đa lợi thế của địa phương, nhất là từ các khu công nghiệp, sân bay, cảng biển, đường cao tốc, du lịch rừng, biển, đảo..., đẩy mạnh phát triển kinh tế biển; đầu tư phát triển phải chú trọng đến bảo vệ môi trường.

2. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Chiến lược công tác dân tộc; Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tăng cường phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc và miền núi theo hướng lồng ghép với việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020; nhất là các chính sách về đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tạo cơ hội tốt để đồng bào tiếp cận các nguồn lực phát triển và hưởng thụ dịch vụ, phúc lợi xã hội; thu hút mọi nguồn lực vào phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thu hút nhiều lao động người dân tộc thiểu số. Tiếp tục thực hiện việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng hoa màu chất lượng cao, cây ăn trái, phát triển trồng cỏ chăn nuôi đại gia súc...; việc chuyển đổi nghề phải gắn để người dân bám rừng, giữ đất rừng, nuôi trồng, khai thác nguồn lợi từ rừng.

3. Thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ, tạo đột phá về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số. Quan tâm đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và chính sách đãi ngộ cán bộ người dân tộc thiểu số; thực hiện tốt Quyết định số 402/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới; nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo ở các cấp học, nhất là trong các trường phổ thông dân tộc nội trú; thực hiện tốt chính sách cử tuyển vào học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và tuyên dương, khen thưởng, nhân điển hình tiên tiến các học sinh học giỏi là con em các dân tộc thiểu số... Đa dạng hóa, phát triển nhanh các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục nghề nghiệp ở vùng dân tộc thiểu số; ưu tiên đào tạo vừa học vừa làm; đưa chương trình giáo dục nghề nghiệp vào các trường dân tộc nội trú. Từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 10 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về một số chỉ tiêu thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015.

4. Nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ y tế, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ y tế của trạm y tế xã, bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh, phát triển mạnh y tế dự phòng. Thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh; chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, bình đẳng giới; chăm sóc và bảo vệ trẻ em theo chiến lược về nâng cao sức khỏe, tầm vóc con em các dân tộc thiểu số; hạn chế và đi đến chấm dứt tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật; tăng cường quản lý, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực văn hóa, thông tin; nâng cao chất lượng tuyên truyền, vận động chống các biểu hiện mê tín, dị đoan, suy thoái đạo đức, lối sống trong cộng đồng dân cư.

5. Xây dựng và đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của tổ chức Đảng, các đoàn thể chính trị - xã hội đến từng thôn bản; tăng cường lực lượng cán bộ có năng lực, phẩm chất tốt về công tác ở địa bàn dân tộc thiểu số, nhất là những nơi xung yếu về quốc phòng, an ninh; động viên, khuyến khích người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tham gia công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, chương trình, dự án vùng dân tộc thiểu số theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; đồng thời, vận động quần chúng nhân dân tự giác chấp hành tốt đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước,

6. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc và thế trận quốc phòng toàn dân. Chủ động ngăn chặn từ xa các hoạt động chống phá khối đại đoàn kết dân tộc thông qua “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để lừa gạt, lôi kéo, kích động đồng bào các dân tộc thiểu số.

III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH:

1. Về hỗ trợ kinh phí có mục tiêu để đền bù di dân, tái định cư phục vụ thi công hồ chứa nước Nước Trong: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét bố trí từ nguồn kết dư trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012 - 2015, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Về khoản tạm ứng cho Tỉnh 185 tỷ đồng chưa được Trung ương bố trí vốn thu hồi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý IV năm 2017, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 286/TB-VPCP ngày 09 tháng 9 năm 2016 của Văn phòng Chính phủ.

3. Về việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn (trên 35 tỷ đồng) các dự án định canh định cư tập trung được Thủ tướng Chính phủ phân bổ tại Quyết định 2262/QĐ-TTg ngày 15 tháng 12 năm 2015: Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tổng hợp chung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 5415/VPCP-KTTH ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ.

4. Về hỗ trợ 70 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư các dự án định canh định cư tập trung cho đồng bào dân tộc thiểu số: Tỉnh sử dụng số vốn đã được giao, cân đối ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện, Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban Dân tộc xem xét, xử lý theo quy định; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các Dự án vùng thiên tai cấp bách và dân di cư tự do, Tỉnh cần xây dựng các dự án cụ thể, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 6373/VPCP-KTTH ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

5. Ủy ban Dân tộc và các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao về công tác dân tộc, chính sách dân tộc và chính sách giảm nghèo bền vững, chính sách an sinh xã hội; xem xét, xử lý các đề xuất, kiến nghị của Tỉnh; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi và các bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
- Ủy ban Dân tộc;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ngãi;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý PTTg, TGĐ Cổng TTĐT; các Vụ: TH, KTTH, NN, KGVX;
- Lưu: VT, QHĐP. (3) Vinh

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Lê Mạnh Hà

 

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Thông báo 336/TB-VPCP năm 2017 kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi về công tác Dân tộc do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu: 336/TB-VPCP
Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
Người ký: Lê Mạnh Hà
Ngày ban hành: 04/08/2017
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [5]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Thông báo 336/TB-VPCP năm 2017 kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi về công tác Dân tộc do Văn phòng Chính phủ ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [7]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…